Thursday, February 23, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Năm 23/2

Tin Thế Giới

1.
Căng thẳng Biển Đông: Bộ trưởng Trung Quốc hủy chuyến đi Philippines

Theo kế hoạch, bộ trưởng Thương Mại Trung Quốc Cao Hổ Thành (Gao Hu Cheng) dẫn đầu một phái đoàn doanh nhân hùng hậu đến Philippines hôm nay 23/02/2017. Tuy nhiên, chuyến đi đã bị phía Trung Quốc hủy bỏ vào giờ chót mà không giải thích lý do. Cùng lúc, ngoại trưởng Philippines tuyên bố Bắc Kinh đã cam kết không chiếm bãi đá Scaborough.

Theo bản tin của Reuters ngày 23/02/2017 từ Manila, trong khi Philippines chuẩn bị đón tiếp phái đoàn Trung Quốc để ký khoảng 40 hợp đồng kinh tế và du lịch, thì vào giờ chót, bộ trưởng Cao Hổ Thành quyết định dời chuyến thăm viếng mà không đưa ra một lời giải thích nào.

Chưa biết vì sao có sự thay đổi đột ngột này trong khi quan hệ Trung Quốc và Philippines đang được cải thiện và tổng thống Philippines Rodrigo Duterte không tiếc lời ca tụng chủ tịch Tập Cận Bình.

Tuy nhiên, theo nhận định của hai viên chức cao cấp của bộ Thương Mại và bộ Tài Chính Philippines, xin giấu tên, thì rất có thể Bắc Kinh tức giận vì những tuyên bố của ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay hôm thứ Ba, 21/02 về tình hình Biển Đông. Chủ trì một cuộc họp của ASEAN, ngoại trưởng Philippines tuyên bố quan ngại về chính sách của Trung Quốc biến các đảo nhân tạo thành căn cứ quân sự cũng như bố trí vũ khí ở Biển Đông.

Không rõ những tuyên bố nào của ngoại trưởng Philippines thật sự làm Bắc Kinh trả đũa. Vì trong cuộc họp báo sáng nay, ông Perfecto Yasay tiết lộ là chính trong cuộc gặp gỡ hồi tháng 10/2016 tại Bắc Kinh, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hứa với tổng thống Philippines Rodrigo Duterte là Trung Quốc “không chiếm đảo đá ngầm Scaborough và cũng không xây dựng gì trên đó”.

Một trong hai viên chức Philippines được trích dẫn trên còn xác định với Reuters là họ chỉ được phía Trung Quốc thông báo hủy bỏ chuyến thăm viếng vào giờ chót mà không có một lời giải thích. Bộ trưởng Thương Mại Philippines Ramon Lopez cho biết thêm là hai bên chưa ấn định thời điểm gặp lại. Các đề án hợp tác song phương dự trù ký kết lên đến 3,4 tỷ đôla.

Bộ Thương Mại Trung Quốc từ chối trả lời câu hỏi kiểm chứng của Reuters. Tuy nhiên, một ngày sau khi ngoại trưởng Philippines phát biểu về tình hình Biển Đông, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho rằng quan điểm của ngoại trưởng Perfecto Yasay không phản ảnh lập trường của ASEAN. - RFI
|
|

2.
Chuyến công du Mexico nhậy cảm của hai bộ trưởng Mỹ

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và bộ trưởng An Ninh Nội Địa John Kelly hôm nay 23/02/2017 đến thăm chính thức Mêhicô. Chuyến đi này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng quan hệ Mỹ - Mêhicô xung quanh chủ trương của tổng thống Donald Trump đòi xây tường biên giới để chận người nhập cư. Hôm qua, Hoa Kỳ cũng vừa ra nghị định mới đẩy mạnh việc trục xuất những người nhập cư trái phép vào lãnh thổ Mỹ.

Từ Washington, thông tín viên Anne-Marie Capomaccio nhận định :

Một nhiệm vụ gai góc được giao cho hai vị bộ trưởng Tillerson và Kelly. Đầu tiên hết là hồ sơ ‘bức tường’ : tổng thống Trump khẳng định Mêhicô sẽ phải trả chi phí xây tường và nếu họ từ chối, Hoa Kỳ sẽ thu hồi bằng cách đánh thuế lên hàng nhập khẩu từ Mêhicô.

Mặt khác, sự sống còn của NAFTA – thỏa thuận tự do mậu dịch Bắc Mỹ cũng không còn được bảo đảm. Khi tiếp thủ tướng Canada, ông Donald Trump đã từng điểm mặt Mêhicô, một đối tác mà « trao đổi mậu dịch gây mất cân đối cho Hoa Kỳ ».

Thêm vào đó là những chỉ thị mới về việc trục xuất hàng loạt những người không có giấy tờ. Kể từ giờ Hoa Kỳ sẽ trả về Mêhicô những ai băng qua biên giới phía nam trái phép, bất kể đó là quốc tịch gì. Việc dẫn độ tức thì này bị xem là vô nhân đạo. Đầu tuần, một di dân, bị trục xuất về Tijuana, đã nhảy từ chiếc cầu nối hai nước để tự vẫn.

Cuối cùng, theo những quy định mới, nếu một người vị thành niên bị bắt một mình, và người này có gia đình tại Hoa Kỳ, thì bố mẹ sẽ bị truy tố. Rex Tillerson và John Kelly sẽ cố gắng đưa ra một thông điệp, nhưng Mêhicô sẽ khó mà chấp nhận được. - RFI
|
|

3.
Nhật phản đối Nga tăng quân ở quần đảo Kuril

Nga loan báo kế hoạch đưa đến quần đảo Kuril một sư đoàn. Tokyo lên án Matxcơva xâm phạm lãnh thổ truyền thống của Nhật bị Hồng Quân Liên Xô kiểm soát từ sau Thế Chiến Thứ Hai, sau khi trục xuất 17.000 dân Nhật.

Theo Reuters, trong cuộc họp báo ngày 23/02/2017 tại Tokyo, chánh văn phòng thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết chính phủ Nhật đang theo dõi sát sao những động thái của Nga và phân tích tình hình. Ông tuyên bố là nếu Nga đưa quân vào quần đảo mà Tokyo gọi là “ lãnh thổ phương bắc ” thì hành động này “ không phù hợp với lập trường của Nhật ”.

Phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản đưa ra những lời bình luận này sau khi bộ trưởng Quốc Phòng Nga Serguei Shoigu, được truyền thông trích dẫn, cho biết, trong năm nay, sẽ đưa “một sư đoàn” ra quần đảo Kuril, kể cả ở những đảo mà “ Nhật đòi chủ quyền”.

Cũng theo ông Yoshihide Suga, phản ứng đối phó của Tokyo, ngoài việc theo dõi động thái của quân đội Nga, là sẽ đặt vấn đề với Nga nhân hội nghị cấp bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng hai nước tại Tokyo ngày 20/03/2017.
Phải chăng Vladimir Putin lợi dụng thời cơ bắt chẹt thủ tướng Shinzo Abe?

Theo nhận định của Reuters, thủ tướng Nhật muốn giải quyết những xung khắc với Nga tồn đọng từ Thế Chiến Thứ Hai, hoà dịu với Matxcơva để tập trung đối phó với Bắc Kinh. - RFI
|
|

4.
Moscow đợi đề nghị hợp tác của Hoa Kỳ về Syria

Nga đang chờ đợi Hoa Kỳ đưa ra các đề xuất hợp tác có về vấn đề Syria, hãng tin Interfax dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết hôm thứ Tư.

Tại cuộc họp báo ở Moscow, ông Lavrov cũng cho biết đề xuất của Hoa Kỳ về việc tạo ra các khu vực được gọi là an toàn ở Syria trước tiên phải được sự đồng ý của chính phủ Syria. - VOA
|
|

5.
Trung Quốc treo thưởng kêu gọi chỉ điểm ở Tân Cương

Nhà chức trách trong khu vực dễ xảy ra bạo lực, Tân Cương, phía tây Trung Quốc đang treo các giải thưởng trị giá lên đến 100 triệu nhân dân tệ (khoảng 14,5 triệu đôla) cho những chỉ điểm “chống khủng bố”, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc. Chính sách này được đưa ra trùng hợp với việc gia tăng đáng kể chi tiêu an ninh trong khu vực.

Hàng trăm người đã bị giết chết ở Tân Cương trong vài năm qua, hầu hết là do tình trạng bất ổn giữa người thiểu số Hồi giáo Uighur, vốn xem khu vực này là quê hương, với người Hán chiếm đa số. Bắc Kinh đổ lỗi tình trạng bất ổn trên là do các chiến binh Hồi giáo.

Sau một thời gian tương đối yên tĩnh, hiện bạo lực đang gia tăng trong những tháng gần đây ở phía nam của khu vực, bao gồm địa khu Hotan của Uighur, nơi các giới chức đang treo giải thưởng “cao kinh khủng” cho những người cung cấp thông tin về những hành vi vi phạm, từ tấn công bạo lực cho tới đối đầu bất hợp pháp.

Các giải thưởng có trị giá từ 5 triệu nhân dân tệ (khoảng 730.000 đôla) cho “những thông tin hoạt động nội bộ” kiểm chứng được về các kế hoạch tấn công vào đám đông hoặc các cơ quan chính quyền và của Đảng Cộng sản, tờ báo nhà nước Hotan Daily cho biết hôm thứ Ba (21/2).

Giải thưởng thấp nhất cho người chỉ điểm là 2.000 nhân dân tệ (290 đôla) cho những thông tin như “trùm mặt và mặc áo choàng”, “thanh niên có bộ râu dài”, hoặc người mặc những trang phục tôn giáo phổ biến bị xem là “nhạy cảm”.

Trước đây, đã có nhiều nơi ở Tân Cương và ở Trung Quốc đại lục treo giải thưởng tương tự, dù không nhiều như ở Hotan.

Tuần trước, các lực lượng an ninh đã tổ chức các cuộc mít-ting chống bạo động tại Tân Cương sau một loạt các vụ tấn công, với hàng trăm cảnh sát và xe bọc thép diễu qua các đường phố của thủ phủ Urumqi và ở Hotan.

Trong tháng này, 3 kẻ tấn công bằng dao đã giết chết 5 người và làm bị thương 5 người khác trước khi bị bắn chết ở Hotan.

Hồi tháng Giêng, truyền thông nhà nước đưa tin chi tiêu an ninh công cộng của Tân Cương trong năm 2016 đã tăng 19,3%, lên hơn 30 tỷ nhân dân tệ.

Chính quyền Trung Quốc thường đổ lỗi tình trạng bất ổn trong khu vực cho các chiến binh Hồi giáo ly khai, mặc dù các nhóm nhân quyền và những người lưu vong nói chính sự kiểm soát gắt gao của Trung Quốc về tôn giáo và văn hóa đối với người Uighur đã gây ra sự căm hờn và đây mới chính là nguyên do.

Trung Quốc phủ nhận bất kỳ sự đàn áp nào tại Tân Cương. - VOA
|
|

6.
Tư lệnh Vệ binh Iran: Iran sẵn sàng ‘tát vào mặt’ Mỹ

Hoa Kỳ hãy chờ một cái “tát như trời giáng vào mặt” nếu cứ đánh giá thấp về khả năng phòng thủ của Iran, một chỉ huy của lực lượng Vệ binh Cách mạng tinh nhuệ Iran nói hôm thứ Tư, vào lúc Tehran kết thúc cuộc tập trận.

Kể từ khi nhậm chức hồi tháng trước, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã cam kết sẽ cứng rắn với Iran, cảnh báo nước Cộng hòa Hồi giáo sau vụ thử phi đạn đạn đạo của nước này ngày 29 tháng1 rằng Iran đang “đùa với lửa” và tất cả tất cả các lựa chọn của Hoa Kỳ đã đặt trên bàn.

Tướng Mohammad Pakpour, người đứng đầu lực lượng Vệ binh Iran được trang Sepahnews dẫn lời nói:

“Kẻ thù không nên bị sai lầm trong đánh giá vì sẽ nhận được một cái tát mạnh vào mặt nếu mắc phải sai lầm như vậy”.

Hôm thứ Tư, lực lượng Vệ binh cách mạng Iran đã kết thúc ba ngày diễn tập với tên lửa, pháo binh, xe tăng và máy bay trực thăng, nhiều tuần sau khi ông Trump nói ông đã “cảnh báo” Tehran về vụ phóng phi đạn.

“Thông điệp của cuộc diễn tập cho những kẻ ngạo mạn trên thế giới là đừng làm bất cứ điều gì ngu ngốc”, hãng thông tấn chính thức Tasnum dẫn lời tướng Pakpour nói.

Căng thẳng còn liên quan đến Israel. Một nhà phân tích quân sự nói nhóm Hezbollah, đồng minh Iran, có thể sử dụng phi đạn Fateh 110 của Iran để tấn công các lò phản ứng hạt nhân của Israel tại Dimona từ phía Libăng.

Lãnh đạo Hezbollah Sayyed Hassan Nasrallah hôm thứ Năm tuần trước cho biết nhóm của ông, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc chấm dứt sự chiếm đóng của Israel ở Libăng, có thể tấn công Dimona.

Iran nói chương trình tên lửa của nước này chỉ để phòng thủ và không liên quan đến thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với các cường quốc thế giới. Trong cuộc đua tranh chức tổng thống Hoa Kỳ, ông Trump đã gọi đây là “thỏa thuận tồi tệ nhất từng được đàm phán”. Ông nói với cử tri là hoặc ông sẽ hủy bỏ nó hoặc sẽ tìm kiếm một thỏa thuận tốt hơn. - VOA
|
|

7.
Trung Quốc: Cúm gà tiến triển nghiêm trọng --- Cục Thú y Việt Nam cảnh báo dịch cúm gia cầm

Trung Quốc đang tiến hành đánh giá tình trạng lan tràn một chủng cúm gia cầm mới H7N9, theo tin truyền thông nhà nước hôm 22/2, sau khi giới hữu trách y tế toàn cầu cảnh báo chủng này đã tiến hóa thành một dạng nghiêm trọng hơn nơi gia cầm.

Cho đến nay, chủng biến đổi này mới chỉ được phát hiện tại tỉnh Quảng Đông, nhưng trong tình hình buôn bán gia súc-gia cầm rộng rãi tại Trung Quốc, khó có thể phòng ngừa việc lây lan sang các khu vực khác, truyền thông nhà nước dẫn khuyến cáo từ Bộ Nông nghiệp cho hay.

Tới giờ, H7N9 hoặc không có hoặc ít có biểu hiện triệu chứng lâm sàng nơi gia cầm dù khi truyền sang cho người thì khả năng gây bệnh rất cao.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã phát hiện dòng virút tiến hóa có khả năng gây dịch bệnh trầm trọng nơi gia cầm và cần phải theo dõi chặt chẽ, theo nhận xét của Tổ chức Y tế Thế giới ngày 21/2.

Mẫu virút thu được từ hai người bị lây nhiễm được chích vào gia cầm trong phòng thí nghiệm cho thấy có tính gây bệnh cao đối với gia cầm.

Nhưng điều này chỉ thấy nơi gia cầm, không thấy nơi người, phát ngôn viên Christian Lindmeier của Tổ chức Y tế Thế giới cho biết và nói thêm rằng “không có chứng cứ là virút biến đổi ảnh hưởng đến khả năng lây bệnh từ người sang người.”

Trung Quốc báo cáo có tổng cộng 304 ca lây nhiễm nơi người đã được phòng thí nghiệm xác nhận trong khoảng thời gian từ 19/1 đến 14/2 cùng với 36 trường hợp tử vong, theo Tổ chức Y tế Thế giới.

Virút tiến hóa có thể là dịch bệnh sẽ trở nên khó tránh nơi gia cầm.

Truyền thông Trung Quốc nói các trang trại phải tiêu hủy gia cầm nhiễm bệnh sẽ được bồi thương.

Các chuyên gia thú y dự báo tỉ lệ lây nhiễm cúm gia cầm tại các trại chăn nuôi Trung Quốc có thể cao hơn nhận định trước đây, vì chủng virút gây tử vong khi lây nhiễm sang người khó phát hiện nơi gà và ngỗng.

Theo các con số của Tổ chức Y tế Thế giới, kể từ đợt virút thứ năm bắt đầu vào tháng 10 năm 2016, có 425 trường hợp bị lây nhiễm nơi người đã được ghi nhận tại Trung Quốc trong đó có 73 ca thiệt mạng. - VOA

***
Cục Thú y Việt Nam cảnh báo nguy cơ phát sinh và lây lan dịch cúm gia cầm trong thời gian tới. Cục cũng cho biết hiện đang có 6 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại 5 tỉnh trong cả nước là Bạc liêu, Nam Định, Quảng Ngãi, Sóc Trăng và Đồng Nai.

Truyền thông trong nước loan tin nguy cơ lây lan cúm gia cầm có thể do 1 số chủng virus gia cầm xâm nhiễm vào Việt Nam từ nước ngoài qua các hoạt động vận chuyển, tiêu thụ gia cầm và nhập lậu gia cầm không rõ nguồn gốc ở các tỉnh biên giới phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long.

Cũng theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp – Phát triển- Nông thôn, những chủng cúm gia cầm như H7N9, H5N2, H5N8 và H5N6 đang xuất hiện ở Trung Quốc. Mặc dù chưa phát hiện những chủng loại cúm này ở Việt Nam nhưng nếu không có phương pháp ngăn chặn việc xâm nhập từ biên giới thì khả năng lây nhiễm sẽ rất cao.

Theo thống kê của Chi cục Thú y, Thành phố Hồ Chí Minh, tuy không có tên trong danh sách xuất hiện ổ dịch nhưng việc phòng ngừa cúm gia cầm trong giai đoạn này là rất cần thiết.

Vào ngày 22 tháng 2, trước nguy cơ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tái diễn, chi cục thú y TP. HCM cho biết đã tăng cường triển khai việc khử trùng các địa điểm nuôi và giết mổ gia cầm. - RFA
|
|

8.
Phát hiện 7 hành tinh kích cỡ bằng trái đất

Một nhóm các nhà thiên văn học quốc tế vừa phát hiện bảy hành tinh có kích cỡ bằng Trái đất chỉ cách chúng ta 40 năm ánh sáng.

Theo thông cáo báo chí, tất cả bảy hành tinh đó đều có khối lượng nhỏ hơn hoặc ngang bằng với Trái đất.

Theo các nhà khoa học, nhiệt độ trên bảy hành tinh này đủ thấp để nước lỏng chảy trên bề mặt và rằng các hành tinh này nằm trong vùng Goldilocks Zone, tức khu vực có nhiệt độ phù hợp xung quanh một ngôi sao, cho phép nước lỏng tồn tại.

Ông Michael Gillon, thuộc Viện nghiên cứu STAR tại Đại học Liege ở Bỉ, là tác giả chính của cuộc nghiên cứu. Ông cho biết rất phấn khởi với phát hiện mới này.

“Đây là một hệ hành tinh tuyệt vời, không chỉ vì phát hiện được nhiều hành tinh cùng một lúc, mà còn vì chúng đều có kích cỡ tương tự Trái đất,” ông nói.

Những phát hiện mới được công bố trên tạp chí Nature hôm nay.

Các hành tinh này được phát hiện quay quanh một tinh tú nhỏ gọi là Trappist-1.

Nó tương tự như sao lùn đỏ Proxima Centauri (Cận Tinh), cách Trái đất chỉ 4,2 năm ánh sáng.

Năm ngoái, các nhà khoa học cũng phát hiện một hành tinh giống Trái đất, được gọi là Proxima b, cũng nằm trong vùng Goldilocks zone.

Công cuộc khám phá các hành tinh này là một nỗ lực quốc tế. Năm ngoái, các nhà thiên văn đã phát hiện ra ba hành tinh cỡ Trái đất quay quanh Trappist-1. Các hành tinh đó được phát hiện bằng cách giám sát ‘quá trình chuyển tiếp’, khi các hành tinh này băng ngang Trappist-1 và ánh sáng của chúng bị mờ đi.

Vì vậy, các nhà nghiên cứu đã quyết định theo dõi kỹ hơn, giám sát sao Trappist-1 hàng tháng trời bằng nhiều kính thiên văn khác nhau tại Chile, Ma-rốc, Hawaii, La Palma và Nam Phi. Tháng 9 năm 2016, kính viễn vọng không gian Spitzer của NASA đã theo dõi sao Trappist-1 trong suốt 20 ngày.

Nhờ đó họ phát hiện thêm bốn hành tinh, tất cả đều có thể có nước lỏng trên bề mặt.

Kính thiên văn vũ trụ James Webb sắp được đưa vào hoạt động vào năm tới có thể sẽ còn cho chúng ta cái nhìn gần hơn với các hành tinh xung quanh Trappist-1.

Brice-Olivier Demory, một trong những tác giả cuộc nghiên cứu và là Giáo sư tại Trung tâm Không gian và Sự sống thuộc Đại học Bern, cho rằng thêm kính viễn vọng Webb vào công tác nghiên cứu sẽ cho phép chúng ta tiến xa hơn, không chỉ dừng lại ở việc tìm kiếm các hành tinh, mà thay vào đó, là khởi sự tìm kiếm sự sống trên các hành tinh này. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

9.
Donald Trump bị tố sửa đổi thống kê ngoại thương để gây áp lực chính trị

Nhất cử nhất động của doanh nhân tổng thống Mỹ đều bị theo dõi và phê phán. Theo giới phân tích, chính quyền Donald Trump dự tính thay đổi phương pháp thống kê thương mại với thâm ý làm tăng ảo tỷ số thâm thủng cán cân thương mại và để gây sức ép với Quốc Hội ủng hộ chính sách bảo hộ mậu dịch.

Theo nhật báo tài chính Wall Street Journal, một phương pháp mới để đo lường thâm thủng trao đổi thương mại đã được chính quyền Trump sử dụng. Tuần qua, các cơ quan đại diện Mỹ về ngoại thương đã phải cung cấp số liệu về cán cân thương mại qua cách tính mới.

Cụ thể là trong báo cáo, phần “tái xuất khẩu” hàng hóa không còn xuất hiện trong thống kê. Nói cách khác, những mặt hàng như xe hơi của Mỹ, chế tạo tại Mêhicô, quá cảnh tại Mỹ, bán sang Canada hay ở các nước khác không còn nằm trong danh sách hàng xuất khẩu. Một khi các loại hàng hóa tái xuất khẩu bị đưa ra khỏi thống kê xuất-nhập thì tự nhiên mức thâm thủng thương mại của Mỹ tăng vọt lên một cách giả tạo. Tỷ lệ nhập siêu sẽ còn tăng thêm nếu hàng tái xuất chỉ bị hủy bỏ ở cột “xuất” mà vẫn giữ nguyên ở cột “nhập”.

Theo AFP, lối tính mới này đã gây ra một làn sóng tranh cãi tại Mỹ. Một số nghị sĩ đồng ý thì cho rằng phương pháp thống kê mới phản ảnh thực tế tình trạng mậu dịch của Hoa Kỳ. Trái lại những người khác thì tố cáo thâm ý của tổng thống Donald Trump là muốn dùng những số liệu phóng đại này để thuyết phục lập pháp ủng hộ chủ trương “nước Mỹ trước đã” của lãnh đạo hành pháp.

Phá NAFTA

Chuyên gia Lori Wallach của tổ chức cấp tiến Public Citizen thẩm định : Với cách tính này, nhập siêu giữa Mỹ và Mêhicô, sẽ tăng từ 60 tỷ đôla lên 109 tỷ. Tổng thống Donald Trump sẽ khai thác “ con số được trang điểm ” này để thuyết phục thêm một số nghị sĩ chống Hiệp Định Tự Do Thương Mại Bắc Mỹ NAFTA. Cùng phân tích này, cựu bộ trưởng Thương Mại Larry Summers thời tổng thống Bill Clinton cho rằng đây là một phương pháp thống kê “ngu xuẩn, bất lương và nguy hiểm” nhằm khuyến khích xu hướng bảo hộ mậu dịch.

Chơi dao đứt tay

Theo chuyên gia Caroline Freund của Viện Kinh Tế Quốc Tế Peterson Institut for International Economics ở Washington, nếu không tính lượng hàng tái xuất khẩu thì mức thâm thủng của kinh tế Mỹ sẽ được phóng đại một cách phi lý. Dù vậy, không có gì bảo đảm là phương pháp thống kê mới sẽ giúp tổng thống Donald Trump đạt được mục tiêu. Trái lại, nó có thể là đòn “gậy ông đập lưng ông”. Thao túng số liệu sẽ làm chính quyền Trump mất uy tín.

Được AFP đặt câu hỏi, bà Jeannine Aversa, phát ngôn viên của phòng phân tích kinh tế, bộ Thương Mại Mỹ bảo đảm là cho đến hôm nay, chưa có đề nghị chính thức nào về việc thay đổi phương pháp thống kê.

Trong suốt mùa tranh cử, Donald Trump luôn chỉ trích một cách thô bạo các số liệu thống kê chính thức từ tỷ lệ thất nghiệp cho đến kết quả bầu cử hay là số lượng ủng hộ viên tham gia lễ nhậm chức của ông.

Liệu chính quyền Trump có thể ngụy tạo các số liệu chính thức hay không? Katherine Wallman, nguyên là người trách nhiệm về thống kê của Nhà Trắng cho rằng chủ nhân mới không làm gì được vì có nhiều chốt phối kiểm. Tuy nhiên, bà cảnh báo: Với chủ trương cắt giảm ngân sách dành cho các cơ quan thu thập dữ liệu, chất lượng của thống kê cũng sẽ giảm theo. - RFI
|
|

10.
Mỹ ban hành hướng dẫn mới thắt chặt thực thi luật di trú --- Cộng đồng dân nhập cư tức giận vì Miami tuân thủ luật di trú của TT Trump

Trong lúc tổng thống Donald Trump chuẩn bị ký một sắc lệnh cấm nhập cảnh được sửa đổi trong tuần này, Bộ An ninh Nội địa Mỹ vừa ban hành những hướng dẫn mới sẽ tăng cường việc trục xuất và thực thi các luật lệ di trú. Từ Washington, thông tín viên Jesusemen Oni của đài VOA tường trình:

Chính quyền của ông Trump đang ra sức thực thi mục tiêu ngăn chặn tình trạng nhập cư bất hợp pháp.

Các thông báo mới của Bộ An ninh Nội địa đề ra các biệ pháp mạnh hơn trong việc thực thi luật lệ di trú.

Thư ký báo chí của Nhà Trắng Sean Spicer cho biết:

"Thông báo liên quan đến sắc lệnh hành pháp về an ninh biên giới và tăng cường thực thi luật di trú đề ra các biện pháp mà Bộ An ninh Nội địa sẽ tiến hành để đảm bảo an ninh ở biên giới phía nam của đất nước, ngăn chặn việc nhập cư bất hợp pháp trong tương lai và gửi trả những người nhập cư bất hợp pháp về nước họ một cách nhanh chóng, nhất quán và nhân đạo."

Những hướng dẫn mới đưa ra các kế hoạch chi tiết để tăng tốc việc trục xuất, tăng số di dân cần sớm bị trục xuất, và lập danh sách bổ sung nhân lực cho các cơ quan thực thi luật pháp địa phương.

Kế hoạch này cũng bao gồm việc tuyển dụng thêm 15.000 nhân viên Hải quan và Di trú và tuần tra biên giới. Theo Nhà Trắng, mục tiêu hiện nay không phải là một đợt trục xuất hàng loạt.

"Thông điệp mà Nhà Trắng và Bộ An ninh Nội địa muốn gửi đi là các di dân bất hợp pháp đang ở trên đất nước đề ra một mối đe dọa đối với sự an toàn của công chúng hoặc đã phạm tội sẽ bị trục xuất trước tiên, và chúng tôi kiên quyết đảm bảo rằng điều đó được thực hiện."

Các hướng dẫn này không loại bỏ chính sách bảo vệ đối với những người thuộc Chương trình tạm hoãn trục xuất vì đã đến Mỹ lúc còn nhỏ.

Chương trình này tạo điều kiện cho một số người nhập cư bất hợp pháp được làm việc và sinh sống ở Mỹ, mặc dù không cấp cho họ quy chế định cư hợp pháp.

Các hướng dẫn mới này được đưa ra trong lúc tổng thống chuẩn bị ban hành phiên bản sửa đổi của sắc lệnh tạm cấm du hành trước đó bị các tòa án chặn lại.

Sắc lệnh được công bố lần đầu tiên vào cuối tháng 1 nhắm vào 7 nước có phần lớn dân số theo Hồi Giáo. Nó đã làm dấy lên những cuộc biểu tình lớn tại các sân bay trên khắp nước Mỹ. Nhà Trắng nói Tổng thống Trump sẽ không từ bỏ sắc lệnh này.

"Chúng tôi sẽ thắng bởi vì tổng thống được trao quyền để làm những gì ông phải làm để bảo vệ đất nước.” - VOA

***
Chấm dứt các thành phố ‘trú ẩn’, tức là các thành phố cho người nhập cư trái phép cư ngụ an toàn, là một điểm chính trong các chính sách về di trú của tổng thống Donald Trump. Chính quyền của các thành phố ‘trú ẩn’ không cung cấp tài chính hay hỗ trợ chính phủ liên bang thực thi các luật lệ về di trú của liên bang. Tổng thống Trump đã đe dọa sẽ ngừng cấp ngân quỹ liên bang cho các thành phố không tuân thủ các luật lệ di trú của liên bang. Các thành phố lớn như Los Angeles, San Francisco và Chicago luôn công khai phản đối, còn Miami vừa trở thành thành phố lớn đầu tiên ở Mỹ chấp hành các biện pháp về di trú của chính quyền Tổng thống Trump. Theo tường trình của Jeff Swicord của đài VOA từ Miami, quyết định của thành phố này đã làm đông đảo người nhập cư tức giận.

Sự tức giận đã bùng lên khi Hội đồng thành phố Miami thông qua quyết định của thị trưởng Carlos Gimenez hợp tác với chính quyền của Tổng thống Trump chấm dứt việc cho phép người nhập cư không giấy tờ được “trú ẩn an toàn”.

Thị trưởng Gimenez nói Miami chưa bao giờ tự coi mình là một thành phố cung cấp “trú ẩn an toàn” cho người nhập cự trái phép.

"Điều quan trọng là thành phố chúng tôi không ở vào tình trạng đó, bởi vì chúng tôi không muốn gặp phải rủi ro bị cắt bất cứ ngân khoản liên bang nào hiện nay cũng như trong tương lai."

Quận Miami-Date là một khu vực đa chủng tộc của 2,7 triệu người với phân nửa là người nhập cư. Phần lớn trong số họ đến từ Caribe, Trung và Nam Mỹ.

Có khoảng từ 150.000 cho tới nửa triệu người được cho là những người nhập cư bất hợp pháp đang sinh sống ở khu vực này của Miami.

Họ là những người như bà Luisa (không phải là tên thật của bà). Bà từ Guatemala đến Mỹ năm 1989. Bà làm công cho trang trại có đóng thuế, nhưng bà sợ bị trục xuất và bị cách ly với 5 đứa con của bà được sinh ra ở đó và đã là công dân Mỹ.

"Điều có thể xảy ra là chúng có thể bị cách ly với tôi, và bị đưa vào hệ thống bảo trợ trẻ em. Hiện tại chúng đang là những học sinh giỏi ở trường. Chúng đi học đàng hoàng vì có tôi ở đây với chúng. Và tôi luôn chăm sóc chúng chu đáo."

Một trong những thông báo được đưa ra tuần này hướng dẫn thực thi các kế hoạch của chính phủ Tổng thống Trump là bản sửa đổi của một chương trình sẽ biến những cảnh sát khu vực và cảnh sát địa phương thành các nhân viên thực thi luật di trú.

Đó có thể là một bước quá dài đối với thành phố Miami, nơi mà thị trưởng và cảnh sát kiên quyết rằng họ sẽ không trực tiếp tham gia vào việc thực thi luật di trú.

Người phát ngôn của sở cảnh sát Miami-Date, ông Alvaro Zabaleta nói với VOA.

"Nguyên nhân chính và quan trọng nhất là chúng tôi không gây mất lòng tin ở các nạn nhân. Chúng tôi không muốn một người phụ nữ bị của bạo lực gia đình, bị hành hạ và bị đánh đập không dám tìm đến cảnh sát để nhờ giúp đỡ vì sợ bị trục xuất."

Trước đây, nếu một ai đó bị bắt vì phạm tội và sau đó bị phát hiện nhập cư bất hợp pháp thì sẽ bị giam giữ chỉ khi nào chính phủ liên bang đồng ý chi trả chi phí để tiến hành trục xuất họ.

Với nỗ lực làm hài lòng chính quyền của TT Trump, thị trưởng Gimenez nói rằng thành phố Miami giờ sẽ gánh chịu chi phí giam giữ đó trong 48 giờ. Nếu cơ quan di trú không nhận, thì họ sẽ được thả.

"Tất cả những gì chúng tôi nói là chúng tôi sẽ không còn nợ nần gì với chính phủ liên bang. Chúng tôi sẽ giam giữ người đó trong 48 giờ. Chúng tôi không hỏi về tình trạng di trú của họ ở đây. Chúng tôi không bắt giữ ai vì tình trạng di trú, chúng tôi không bao giờ làm vậy."

Điều đó có thể chưa đủ với chính quyền của Tổng thống Trump đang xung đột với các thành phố và đô thị tại nhiều nơi trên cả nước theo chính sách cung cấp chỗ cư trú an toàn cho người nhập cư trái phép. - VOA
|
|

11.
Kinh tế gia của Moody vẫn bảo vệ dự đoán từ đầu: Trump không tốt cho kinh tế

Trước khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống, nhiều nhà phân tích đã kịch liệt phê phán các đề xuất về kinh tế của ông. Nhiều chuyên gia tiên đoán thị trường chứng khoán sẽ rớt giá hoặc kinh tế rơi vào khủng hoảng. Tuy nhiên, sau một tháng kể từ khi ông Trump lên nhậm chức tổng thống, giá chứng khoán trên thị trường Mỹ liên tục tăng phá kỷ lục và niềm tin của người tiêu dùng cũng tăng. Liệu các nhà phân tích đã dự đoán sai? Thông tín viên Mil Arcega của đài VOA đã hỏi kinh tế gia Mark Zandi, người đã chỉ trích các kế hoạch kinh tế của ông Trump ngay từ buổi ban đầu.

Trước cuộc bầu cử tháng 11, các phân tích dựa vào truyền thống cho rằng ông Donald Trump lên làm tổng thống sẽ không tốt cho kinh tế. Nhưng một tháng đã trôi qua kể từ khi ông nhậm chức, mức tiêu dùng vẫn tiếp tục tăng, doanh nghiệp Mỹ vẫn tiếp tục thuê mướn lao động, và thị trường tài chính Phố Wall tiếp tục giai đoạn tăng giá dài nhất kể từ năm 1999. Chúng tôi hỏi kinh tế gia Mark Zandi rằng liệu các chuyên gia đã đoán sai. Ông trả lời là “không.”

Kinh tế gia trưởng của tập đoàn Moody bảo vệ những phân tích đánh giá ngay từ đầu của ông. Ông Zandi nói rằng xét từ góc độ chính sách, tổng thống chưa thực hiện những lời hứa về chính sách khi tranh cử.

Ông Zandi nhận định: "Điều ông muốn là trục xuất 11 triệu người lao động không có giấy tờ. Ông muốn tăng thuế lên 45% đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc, và 35% đối với hàng nhập khẩu từ Mexico. Ông muốn giảm thuế và tăng chi của chính phủ và cách làm đó sẽ tăng thêm thâm hụt ngân sách 10 ngàn tỉ đôla trong 10 năm. Do đó nếu đó là những mục tiêu ông muốn đạt đến, thì điều đó sẽ đẩy nền kinh tế vào khủng hoảng."

Nhưng các nhà phân tích khác nói rằng giá chứng khoán tăng liên tục phản ánh sự lạc quan của các nhà đầu tư đối với các chính sách của ông Trump. Đa số cảm thấy phấn khởi trông chờ thuế doanh nghiệp sẽ được giảm và luật lệ doanh nghiệp sẽ bớt đi.

Phân tích gia kỳ cựu Gus Faucher của tập đoàn tài chính PNC nói với đài VOA: "Các nhà đầu tư và doanh nghiệp trông mong kinh tế sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump -- tăng trưởng ròng, tức là đã trừ lạm phát, nhưng cũng có thể lạm phát sẽ tăng cao hơn, và điều đó sẽ giúp tăng mức lợi nhuận."

Nhưng niềm phấn khởi đối với nghị trình kinh tế của ông Trump có lẽ sẽ không lâu bền. Tập đoàn tài chính Goldman Sachs nói rằng niềm tin của các nhà đầu tư có thể đã lên đến đỉnh cao nhất.

Kinh tế gia Kevin Kelly của dịch vụ tài chính Recon Capital Partners nói rằng các thị trường đã tiến sát đến điểm cao nhất: "Hiện nay sự trông mong tập trung vào cái gì? Có phải là chúng ta trông mong luật lệ sẽ giảm bớt hay thuế được giảm xuống? Xu hướng đó sẽ kéo dài thêm một thời gian nữa? Liệu đó có phải là phần hai của câu chuyện trong năm nay? Tôi cho rằng đó là những gì sẽ tác động lên thị trường ngay từ bây giờ."

Kinh tế gia Mark Zandi nói rằng nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump sẽ tác động lên nền kinh tế có thể tùy thuộc vào các nghị sĩ Cộng hòa trong Quốc hội. Họ ủng hộ giảm thuế và chống việc tăng chi tiêu chính phủ và tăng thâm hụt. Nhưng nếu các nhà lập pháp cho phép giảm thuế mạnh, thì các nhà kinh tế sẽ đặt câu hỏi rằng ai sẽ cấp tiền cho các dự án phát triển hạ tầng với mục tiêu tạo công ăn việc làm, hay ai sẽ trả tiền cho tường thành biên giới khổng lồ. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

12.
Việt-Thái tăng cường hợp tác quốc phòng

Tăng cường hợp tác với Thái Lan, trong đó có quan hệ quốc phòng, là một ưu tiên của Việt Nam hiện nay.

Bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch của Việt Nam tuyên bố như vừa nêu tại cuộc gặp với thủ tướng Prayuth Chan O-cha của Thái Lan vào ngày 22 tháng 2 tại thủ đô Bangkok.

Theo ông này thì ngành quốc phòng Việt Nam tiếp tục làm việc chặt chẽ với phía đối tác Thái Lan nhằm góp phần tăng tiến mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước được thiết lập từ tháng 6 năm 2013.

Ông Ngô Xuân Lịch người có chuyến thăm Thái Lan từ ngày 21 đến 23 tháng 2 còn bày tỏ sự tri ân của Việt Nam đối với chính phủ Bangkok trong công tác phát hiện ra mộ của những chiến sĩ Việt Nam tại tỉnh Nong Khai. Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam đề nghị phía Thái Lan giúp đưa hài cốt của những người đó về mai táng trong nước. - RFA
|
|

13.
Đoàn Thị Hương ‘được trả tiền’ thực hiện vụ ám sát

Cảnh sát trưởng Malaysia hôm 23/2 cho biết rằng nghi can người Việt Đoàn Thị Hương đã “được trả tiền” để thực hiện vụ ám sát anh trai lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un, trong khi đó người Việt ở Hàn Quốc nói rằng người địa phương “rất là quan tâm” tới vụ án hiện đang gây thêm căng thẳng trong quan hệ giữa Seoul và Bình Nhưỡng.

Ông Khalid Abu Bakar còn cho biết thêm rằng nữ nghi can người Indonesia cũng đã nhận tiền để thực hiện vụ đầu độc chớp nhoáng, theo Reuters. Tuy nhiên, quan chức Malaysia này từ chối bình luận rằng liệu họ có được tình báo nước ngoài lợi dụng hay không, cũng như họ đã được trả bao nhiêu tiền.

Ông Bakar tiết lộ như vậy một ngày sau khi chính ông cho hay rằng hai nữ nghi phạm “biết rõ việc mình làm”, và “đã được huấn luyện” để thực hiện vụ giết người. Trước đó, các trang báo điện tử của Malaysia dẫn lời các nguồn tin nói rằng cô Đoàn Thị Hương khai “bị lừa” tham gia vào vụ ám sát.

Trong khi đó, sau hơn một tuần im tiếng, báo chí nhà nước Bắc Hàn hôm 23/2 chỉ trích cuộc điều tra của Malaysia về vụ ám sát ông Kim Jong Nam là nhiều “lỗ hổng và mâu thuẫn”, theo AP.

Không thừa nhận nạn nhân là người anh cùng cha khác mẹ của ông Kim Jong Un, hãng thông tấn KCNA nói rằng Malaysia thoạt đầu nói rằng người đàn ông tử vong vì “bị trụy tim”, nhưng Hàn Quốc đã “làm rùm beng” vụ này và âm mưu đổ lỗi cho Bình Nhưỡng gây ra vụ việc.

"Chưa có lời đáp"

Chị Thanh Tâm, một người Việt đang làm việc trong lĩnh vực du lịch ở Hàn Quốc, cho VOA Việt Ngữ biết rằng người Hàn “cũng rất là quan tâm” tới vụ việc vì nó liên quan tới anh trai của lãnh tụ của quốc gia láng giềng Bắc Hàn.

Chị cho hay rằng bản thân chị cũng theo dõi diễn biến vụ giết người và vẫn còn băn khoăn vì nhiều câu hỏi chưa lời đáp.

Chị nói thêm: “Tại sao người Việt lại dính líu vào vụ án như thế? Thấy tin liên quan tới người Việt thì chỉ thắc mắc. Mọi người cũng quan tâm, nhưng mà chưa có biết, cũng đang điều tra cho nên là thực sự mà nói, cũng chỉ dấy lên câu hỏi như thế. Phải đợi kết quả nó điều tra như thế nào, liên quan như thế nào và dính tới vụ việc ra sao”.

Ông Kim Jong Nam thiệt mạng sau khi bị tấn công hôm 13/2 trong khi đang chuẩn bị bắt chuyến bay tới Macau. Quan chức Mỹ và Hàn Quốc được nhiều hãng tin dẫn lời nói rằng điệp viên Bắc Hàn dính líu tới vụ này. Trong khi đó, Bình Nhưỡng chưa xác nhận rằng đó là người anh của ông Kim Jong Un và bác bỏ mọi sự dính líu.

Chị Tâm nói rằng vụ ám sát ông Kim Jong Nam với nghi can là người Việt “chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới danh tiếng của người Việt ở Hàn Quốc”. Trong khi đó, Chị Thúy Hằng, một người làm trong lĩnh vực thẩm mỹ ở Hàn Quốc cho VOA Việt Ngữ biết rằng “chưa đồng nghiệp người Hàn nào” hỏi chị về sự liên quan của người Việt trong vụ ám sát ông Kim Jong Nam.

Chị nói thêm: “Em đi làm mỗi ngày thì bạn bè em cũng không ai hỏi em về vấn đề là ‘tao nghe người Việt mày bị dính nghi can giết người gì đó’. Em cũng không thấy bạn bè em đề cập tới. Vấn đề nghi can giết ai, như thế nào đó, cũng chưa có một thông báo chính thức từ hai bên cũng như Việt Nam và Malaysia. Chưa có kết luận gì hết nên họ cũng không có quan tâm nhiều. Vận động viên mình đạt huy chương vàng bắn súng vừa rồi còn lớn hơn vấn đề này nữa. Em đi học, đi làm thì ai cũng hỏi, Việt Nam mày có người vừa mới đạt huy chương vàng ở Olympics kìa”.

Chị Hằng nói thêm rằng tin tức mà người Hàn Quốc quan tâm hiện nay là “vụ scandal [tham nhũng] liên quan tới Tổng thống Park Geun-Hye và việc Hoa Kỳ chuẩn bị lắp đặt hệ thống tên lửa gì đó” ở Hàn Quốc.

Quốc gia nằm ở phía nam bán đảo Triều Tiên hiện có nhiều công nhân cũng như cô dâu Việt sinh sống. Chị Thủy, một người lấy chồng Hàn Quốc, cho VOA Việt Ngữ biết rằng chị cũng chỉ “nghe qua vụ việc”.

Chị nói thêm: “Thấy mẹ chồng kể là cái chị ấy là người Việt Nam. Em cũng chẳng hỏi, chẳng nói chẳng rằng gì hết, mặc kệ, vì em ở chung với bố mẹ chồng nên em không thích hỏi. Em chỉ biết đi làm rồi về thôi, không biết cái gì hết”.

"Họp tay ba"

Báo chí Malaysia hôm 23/2 dẫn lời quan chức nước này cảnh báo người dân không nên tới Bắc Hàn sau khi quan hệ Kuala Lumpur và Bình Nhưỡng xấu đi vì vụ ám sát ông Kim Jong Nam.

Trong một diễn biến khác liên quan, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh hôm 20/2 đã tham dự “cuộc gặp tay ba” với người đồng nhiệm Malaysia cũng như Indonesia bên lề một hội nghị các bộ trưởng ngoại giao ASEAN tại Philippines để yêu cầu “yêu cầu sớm cho tiếp xúc lãnh sự đối với công dân được cho là người Việt Nam”, theo Zing News.

Hãng tin Reuters hôm 23/2 cũng dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Indonesia xác nhận cuộc gặp này, và cho rằng chính phía Jakarta đã đề xuất thực hiện cuộc gặp để tìm cách tiếp cận nghi can được cho là công nhân nước này.

Tuần trước, cảnh sát Malaysia thông báo cô Hương bị tạm giam từ ngày 16 tới 22/2, nhưng hiện chưa rõ nữ nghi can mang hộ chiếu Việt Nam có bị gia hạn giam giữ nữa hay không, trong bối cảnh nhiều uẩn khúc trong vụ việc vẫn chưa hé lộ. Tin cho hay, phía Hà Nội vẫn chưa tiếp xúc được với cô Đoàn Thị Hương. - VOA
|
|

14.
Cựu trưởng phòng Vinashin bị án tử hình

TAND Hà Nội hôm 22/2 tuyên án tử hình với ông Giang Kim Đạt, nguyên quyền trưởng phòng kinh doanh của công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin thuộc Tập đoàn Vinashin (gọi tắt Vinashinlines).

Một bị can khác, Trần Văn Liêm, nguyên tổng giám đốc Vinashinlines, cũng bị án tử hình.

Cả hai người bị kết tội Tham ô tài sản.

Ông Giang Kim Đạt, sinh năm 1977, đã bỏ trốn sang Campuchia và sau đó là Singapore vào năm 2010, khi công an Việt Nam khởi tố vụ án tại tập đoàn Vinashin.

Đến tháng Bảy 2015, ông Đạt bị bắt và được đưa về Việt Nam.

Tại phiên tòa, ông Trần Văn Khương, nguyên kế toán trưởng Vinashinlines, án tù chung thân.

Theo cáo trạng, các bị cáo của Vinashinlines đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, để chiếm đoạt số tiền lớn trong việc mua tàu, thuê tàu.

Cáo trạng nói ông Giang Kim Đạt lấy 260 tỷ đồng hoa hồng của Vinashinlines, đưa 150.000 USD cho ông Liêm. Phần tiền còn lại được chuyển vào 22 tài khoản của bố để mua 40 bất động sản, mua đi bán lại 13 chiếc ôtô.

Người bố, Giang Văn Hiển, cũng bị ra tòa và chịu án 12 năm về tội Rửa tiền.

Đây là một trong sáu vụ án tham nhũng, kinh tế được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, trưởng ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, chỉ đạo đưa ra xét xử cuối năm 2016 và đầu 2017. - BBC
|
|

15.
Thủ tướng yêu cầu kiểm tra thông tin về tài sản của bà Thoa

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa lên tiếng yêu cầu kiểm tra thông tin về khối tài sản của Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa.

Văn bản số 1583/VPCP-V.I được Văn phòng Chính phủ đưa ra nhằm truyền đạt ý kiến của ông Phúc, người cũng là Bí thư Ban cán sự đảng Chính phủ.

Ông thủ tướng được dẫn lời "yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Thanh tra Chính phủ khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư tại văn bản số 3308-CV/VPTW ngày 16/2/2017 của Văn phòng Trung ương Đảng về việc phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra, thanh tra, kết luận những nội dung các bài báo đã nêu và những vấn đề khác có liên quan".

Ông Phúc cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ ngành khác "nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật có liên quan" để quản lý, phòng, chống thất thoát tài sản của Nhà nước và ngăn ngừa "tham nhũng, lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước".

Bộ Tài chính được yêu cầu báo cáo kết quả lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong quý II/2017.

Trước đó hôm 16/2 Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu các cơ quan thuộc Đảng và Chính phủ 'làm rõ nội dung' truyền thông đưa về khối tài sản hàng trăm tỷ đồng của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa.

Công văn từ Văn phòng Trung ương Đảng đề cập tới một loạt bài báo đặt câu hỏi về khối tài sản của Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa.

Khối tài sản khổng lồ

Mới đây Bộ Công Thương đưa ra thông tin về tài sản gia đình Thứ trưởng Thoa tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang theo đó cho biết trước khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công Thương vào năm 2010, bà Thoa đã có 18 năm công tác tại công ty này.

Truyền thông trong nước mô tả số cổ phần (mã chứng khoán DQC của công ty Điện Quang) mà bà Thoa đang sở hữu là số cổ phần có được "từ trước khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công Thương" và đã được "kê khai đầy đủ".

Bà Hồ Thị Kim Thoa đang nắm giữ 1,6 triệu cổ phiếu DQC, tương ứng 91,1 tỷ đồng tính đến thời điểm Thời báo Kinh tế Việt Nam đưa tin vào ngày 10/2.

"Con gái lớn của bà Thoa là Nguyễn Thái Nga hiện là thành viên Hội đồng Quản trị, Phó giám đốc Điện Quang, nắm số cổ phiếu trị giá 223 tỷ đồng. Con gái thứ hai Nguyễn Thái Quỳnh Lê cũng nắm số cổ phiếu DQC tương ứng 120,4 tỷ đồng.

"Ông Hồ Quỳnh Hưng, em trai bà Thoa, hiện là Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Điện Quang, nắm số cổ phiếu trị giá 136 tỷ đồng. Bà Trần Thị Xuân Mỹ, mẹ của bà Thoa, cũng đang nắm số cổ phiếu trị giá 66 tỷ đồng.

"Ngoài ra, một anh trai của bà Thoa là ông Hồ Đức Lam cũng đang nắm giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nhựa Rạng Đông. Ông Lam sở hữu khối tài sản chứng khoán trị giá 290 tỷ đồng tại đây. Các con trai của ông Lam cũng giữ chức vụ quan trọng tại Nhựa Rạng Đông.

"Cả Điện Quang và Nhựa Rạng Đông đều đã thực hiện cổ phần hoá, bán vốn Nhà nước và niêm yết trên sàn chứng khoán," báo này cho biết. - BBC
|
|

16.
Blogger Mẹ Nấm bị gia hạn tạm giam, vẫn chưa được gặp gia đình hay luật sư

Sau hơn 4 tháng bị bắt giam, chính quyền Việt Nam tiếp tục gia hạn lệnh tạm giam với nhà vận động cho nhân quyền và môi trường Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, không cho phép gặp gia đình và tiếp xúc luật sư, theo tin từ gia đình.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã xác nhận thông tin này với VOA Việt Ngữ.

Theo Bà Lan, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã ký lệnh gia hạn tạm giam đối với con bà vào ngày 13/1/2017, nhưng bà chưa hề nhận được văn bản này, tất cả chỉ là thông báo miệng:

“Theo lệnh tạm giam 4 tháng thì ngày 10/2 là hết hạn tạm giam. Ngày 14/2 khi không nhận được thông tin gì thì tôi có làm đơn. Ngày 21/2 họ mời tôi lên, họ nói họ có quyền gia hạn tạm giam thêm 3 tháng. Anh mời tôi lên là đại úy Ngô Xuân Phong, ảnh đọc cho tôi lệnh gia hạn tạm giam ký ngày 13/1, gia hạn từ ngày 7/2 cho tới ngày 7/5, tức là gia hạn thêm 3 tháng nữa. Tôi hỏi tại sao khi gia hạn không thông báo cho gia đình thì họ nói chỉ thông báo cho người bị tạm giam thôi.”

Khi hỏi về việc trong hơn 4 tháng qua chính quyền có cho phép Như Quỳnh tiếp xúc với luật sư hay không, bà Tuyết Lan cho biết luật sư đã làm hết trách nhiệm của họ, “họ gửi văn bản đi nhưng không được hồi đáp, những gì họ làm đã rơi vào im lặng". Bà Lan cho VOA biết thêm:

“Tôi có hỏi tại sao con tôi cho đến bây giờ vẫn chưa gặp được luật sư, và vì ‘sao anh không trả lời văn bản cho luật sư biết?’. Anh (công an) Ngô Xuân Phong nói là ‘đã trả lời bằng văn bản cho luật sư nhưng không hiểu vì sao địa chỉ không đến.’ Tôi mới hỏi rằng khi gửi qua bưu điện thì trên đó có số điện thoại của văn phòng luật sư Hưng Đạo của ông Nguyễn Hà Luân, thì tạo sao người ta không gọi điện thoại. ‘Cho nên vấn đề này anh giải thích cho tôi không thuyết phục lắm.’ Ảnh im lặng.”

Trong khi chính quyền im lặng thì gia đình của nhà hoạt động vì quyền con người, vì môi trường, một bà mẹ đơn thân nuôi con nhỏ gặp rất nhiều khó khăn. Bà Tuyết Lan cho biết trong một tháng qua, gia đình bà không được phép ghi một lời nhắn dù rất ngắn, hỏi thăm sức khỏe từ hai đứa con của Như Quỳnh để gởi đến người mẹ trong trại giam. Bà Tuyết Lan nói bà ngoại của Quỳnh năm nay hơn 90, sau khi chứng kiến cảnh Quỳnh bị còng tay và giải đi cho đến nay thì tinh thần bà hoàn toàn suy sụp, còn hai khi đứa con của Quỳnh thì quá nhỏ. Bà nói con trai 4 tuổi của Quỳnh cứ hỏi “sao mình cầu nguyện hoài mà Chúa chưa cho mẹ về!”

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị công an Nha Trang, tỉnh Khánh Hoa bắt vào ngày 10/10/2016 và bị truy tố phạm tội “tuyên truyền chống phá nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự.

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, thành viên chủ chốt của Mạng lưới Blogger Việt Nam, là phụ nữ châu Á đầu tiên được nhận giải thưởng của tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế Civil Rights Defenders có trụ sở tại Thụy Điển vào năm 2015 vì những đóng góp bảo vệ dân quyền, nhân quyền trong nước.

Trong nhiều năm qua, Như Quỳnh đã tích cực tham gia các phong trào bảo vệ tiếng nói của người dân tranh đấu cho nhân quyền như: “Tuyên bố công dân tự do”, “dã ngoại nhân quyền”, “café nhân quyền”. Cô bắt đầu viết blog với bút danh Mẹ Nấm từ năm 2006, dùng truyền thông xã hội để lên tiếng phản đối bất công, tham nhũng, và vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.

Bà Lan luôn hy vọng rằng chính quyền sẽ hiểu được tiếng nói chính đáng của người dân, nhất là về vấn đề môi trường, điều mà Quỳnh từng lên tiếng trước đây:

“Những việc sau này, sau khi con tôi đòi khởi tố Formosa, về biển chết, về Trung Quốc, bây giờ tất cả tiếng nói của cộng đồng đều đi tiếp con đường của Quỳnh, đều phản ảnh những điều con tôi nói là sự thật. Họ mong muốn một cuộc sống tốt đẹp, một môi trường trong lành hơn, quyền của con người được tôn trọng hơn. Tôi mong rằng chính quyền sẽ thấy rằng những đòi hỏi này là chính đáng, chứ đừng dùng từ ‘truyên truyền chống phá nhà nước’ là không đúng sự thật.”

Hôm 12/10, Mỹ và EU kêu gọi Việt Nam trả tự do cho blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius ra thông cáo nói ông "quan ngại sâu sắc về các hành động gần đây chống lại các nhà hoạt động nhân quyền ôn hòa, trong đó có vụ bắt giữ blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh".

Thông cáo kêu gọi Việt Nam "thả những cá nhân này và các tù nhân lương tâm khác, và cho phép tất cả cá nhân tại Việt Nam thể hiện quan điểm chính trị của mình trên mạng và ngoài đời mà không lo sợ bị trừng phạt".

Đáp lại yêu cầu bình luận của đài VOA, phát ngôn nhân phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Katina Adams, nhấn mạnh:

“Chúng tôi hết sức quan ngại về vụ bắt giữ blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Chúng tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam phóng thích cô Quỳnh cùng tất cả những tù nhân lương tâm khác, cho phép tất cả mọi người dân ở Việt Nam được tự do bày tỏ quan điểm chính trị trên mạng và ngoài đời mà không sợ bị trả thù. Xu hướng gần đây bắt bớ và tuyên án các nhà hoạt động ôn hòa [tại Việt Nam] rất đáng ngại và đang đe dọa che phủ tiến bộ về nhân quyền của Việt Nam.”

Cùng lúc đó, cộng đồng người Việt trong và ngoài nước ra tuyên bố chung “kêu gọi mọi người tranh đấu bảo vệ nhân quyền, bảo vệ môi trường, các tổ chức quốc tế, chính phủ các nước đang có quan hệ ngoại giao với nhà nước Việt Nam tiếp tục lên tiếng và yêu cầu nhà nước Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền và trả tự do cho blogger Mẹ Nấm.”

Khi bắt giam Như Quỳnh vào tháng 10 năm ngoái, truyền hình Công an Nhân dân nói Quỳnh ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ’ viết bài trên mạng xã hội và trả lời phỏng vấn báo đài nước ngoài để ‘xuyên tạc đường lối chính sách của đảng’, ‘kích động hận thù dân tộc giữa Việt Nam với một số quốc gia láng giềng’, ‘nói xấu’ lãnh đạo Việt Nam, ‘phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc’ và ‘gây phương hại đến an ninh quốc gia.’

Khi đó báo Công an Nhân dân viết: “Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là đối tượng có quá trình hoạt động chống đối quyết liệt, từng nhiều lần bị các cơ quan chức năng cảnh cáo, xử lý bằng các hình thức khác nhau nhưng đối tượng ngày càng tỏ ra coi thường pháp luật, thách thức cơ quan chức năng, tính chất hành vi vi phạm pháp luật ngày càng nguy hiểm.” - VOA
|
|

17.
Hội đồng Liên tôn lên án vụ đàn áp Song Ngọc

Hội đồng Liên tôn Việt Nam mới đây đã ra tuyên bố lên án nhà chức trách tỉnh Nghệ An đàn áp một đoàn giáo dân khi họ cố gắng đi nộp đơn kiện hãng Formosa.

Hội đồng – với thành viên thuộc các tôn giáo Cao Đài, Công giáo, Phật giáo, Phật giáo Hòa Hảo và Tin Lành – đã gửi ra tuyên bố hôm 21/2.

Tuyên bố cáo buộc rằng hôm 14/2 chính quyền Nghệ An đã ngăn cản và đàn áp các giáo dân Giáo xứ Song Ngọc, tỉnh Nghệ An, khi họ trên đường đi đến đến tòa án thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, để nộp đơn đòi hãng Formosa bồi thường.

Thông qua tuyên bố của mình, Hội đồng Liên tôn tố cáo rằng “nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam” vi phạm nghiêm trọng các quyền con người, đặc biệt là “vi phạm trắng trợn quyền khởi kiện của công dân”.

Hội đồng cũng phản đối công an, cảnh sát Nghệ An đã gài bẫy, vu khống, sử dụng vũ lực thô bạo đối với nhân dân, khi họ đang thực hiện quyền công dân một cách đúng luật và ôn hoà.

Linh mục Đinh Hữu Thoại, một trong những người ký tuyên bố của Hội đồng Liên tôn, nói thêm với VOA về mục đích của tuyên bố:

“Một mục đích của chúng tôi khi lên tiếng là để cho những kẻ đã gây ra những việc này là họ phải ý thức, họ phải thay đổi, thay đổi hành vi của họ. Nhà cầm quyền này họ đâu có tôn trọng pháp luật đâu. Mình chỉ lên tiếng nói rồi họ lắng nghe, họ phản hồi thì tốt. Không thì mình cứ tiếp tục dùng áp lực cách này cách khác thôi”.

Linh mục Thoại hiện phụ trách Giáo phận Đà Nẵng, vùng Quảng Nam.

Một ngày trước tuyên bố của Hội đồng Liên tôn, hôm 20/2, Tòa Giám mục Giáo phận Vinh cũng ra thông báo nói hành động của chính quyền ngăn cản đoàn người khởi kiện là sự vi phạm nghiêm trọng “quyền của con người, quyền công dân Việt Nam”.

Nhà máy đặt ở Hà Tĩnh thuộc hãng Formosa của Đài Loan hồi tháng 4 năm ngoái đã gây ra ô nhiễm biển nghiêm trọng. Hãng đã nhận trách nhiệm và đền bù cho chính phủ Việt Nam 500 triệu đôla để khắc phục hậu quả ở ven biển 4 tỉnh là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế.

Người dân ở Song Ngọc, tỉnh Nghệ An, cho rằng họ bị ảnh hưởng bởi vụ ô nhiễm, nhưng lại không nằm trong danh sách được đền bù. Vì vậy họ đã tìm cách kiện Formosa.

Tuy nhiên, nỗ lực của họ đã bị cản trở hôm 14/2. Thông tin trên mạng xã hội trước đó và tuyên bố mới đây của Hội đồng Liên tôn cho hay giới chức tỉnh Nghệ An đã “cấm các chủ phương tiện vận tải công cộng chở đoàn người khởi kiện”.

Tiếp đó, khi người dân quyết tâm đi bộ và xe máy đến toà án trên quãng đường hơn 170 km, chỉ sau khi mới đi được 20 km, họ đã bị lực lượng công an “gài bẫy”, cho người “trà trộn … ném đá vào cảnh sát cơ động”, để lực lượng này có cớ “đánh đập đến đổ máu”, làm bị thương gần 50 giáo dân.

Tuyên bố của hội đồng nói phía công an đã “cướp đoạt, phá nát các phương tiện ghi hình”, “bắt các phóng viên báo chí tự do”, và nghiêm trọng hơn là “đã tấn công gây thương tích cho Linh mục Nguyễn Đình Thục” là người dẫn đầu cuộc đi kiện.

Theo tuyên bố, sau cuộc trấn áp, báo chí nhà nước đã đăng bài vu khống, chụp mũ cho đoàn người và Linh mục Nguyễn Đình Thục về “tổ chức bạo loạn, tấn công lực lượng an ninh, gây thương tích cho nhiều cán bộ và nhân viên công lực”.

Hội đồng Liên tôn nói họ lên án các phương tiện truyền thông nhà nước vì “trơ trẽn vu khống đoàn người khiếu kiện, hầu tiếp tay cho âm mưu bắt bớ và xử tòa các nạn nhân vô tội trong tương lai”.

Hội đồng cảnh báo rằng việc tiếp tục đàn áp người dân, nhất là các nạn nhân của thảm họa đi đòi công lý và quyền lợi, chẳng những “không giải quyết được những vấn đề do Formosa gây ra”, mà trái lại còn “đẩy đất nước vào khủng hoảng mọi mặt và nguy cơ ngoại xâm, cũng như làm dày thêm hồ sơ tội ác của đảng Cộng sản”.

Trong các cuộc phỏng vấn cách đây ít ngày, Linh mục Nguyễn Đình Thục đã xác nhận với VOA về các sự việc này, trong khi chính quyền địa phương không hồi đáp các đề nghị của VOA về xác nhận thông tin. - VOA

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9




No comments:

Post a Comment