Tuesday, February 14, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Ba 14/2

Tin Thế Giới

1.
Michael Flynn, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ phải từ chức

Tướng Michael Flynn chỉ cầm cự được bốn ngày. Chiều thứ Hai 13/02/2017, cố vấn an ninh quốc gia tổng thống Trump phải từ chức sau khi bị báo chí tố cáo có những « tiếp xúc » không thích đáng với Nga, trong khi tổng thống Barack Obama còn tại vị. Tháng 11/2016, vào thời điểm tổng thống Mỹ ra lệnh trừng phạt Maxcơva, trục xuất 35 nhà ngoại giao, thì tướng Flynn gọi điện cam kết với đại sứ Nga là chính phủ mới sẽ bao dung.

Từ Wasshington, thông tín viên Anne-Marie Capomaccio tường thuật :

"Ngày 30 tháng 12 năm 2016, tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo sẽ không trả đũa vụ trục xuất một loạt nhà ngoại giao Nga do tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Barack Obama ban hành. Quyết định của Mỹ nhằm trừng phạt Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống. Thái độ của ông Putin không những không làm an tâm Washington mà còn báo động tình báo Mỹ.

Vào thời điểm đó, đại sứ quán Nga tại Hoa Kỳ bị theo dõi chặt chẽ. An Ninh Mỹ phát hiện một cuộc điện đàm của tướng Flynn. Ông trấn an và khuyên Matxcơva không nên phản ứng thái quá vì vài hôm nữa, chính quyền Trump sẽ xét lại vấn đề.

Khi báo Washington Post tiết lộ tin này, phát ngôn viên của tướng Flynn phủ nhận. Phó tổng thống Mike Pence cũng tưởng thật nên hết lòng bênh vực tướng Flynn. Báo chí tiếp tục tấn công. Uy tín của cố vấn an ninh quốc gia suy yếu. Tổng thống Trump cũng được bộ Tư Pháp Mỹ cảnh giác về khả năng tướng Flynn sẽ bị Nga bắt chẹt.

Đây là vụ tai tiếng mới trong số hàng loạt vụ khác xảy ra liên tục trong ba tuần qua.

Tối hôm qua, phát ngôn viên Nhà Trắng bảo đảm rằng tổng thống Trump sẽ « suy nghĩ » về trường hợp tướng Flynn. Cố vấn đặc biệt của tổng thống còn khẳng định là Michael Flynn tiếp tục được tổng thống tín nhiệm. Thuật ngữ này được sử dụng khi sắp cách chức một người."

Theo AFP, ngày hôm qua, Nhà Trắng cho biết tướng Flynn đã xin lỗi phó tổng thống Mike Pence vì đã lừa dối phó tổng thống. Tổng thống Trump cũng đã bổ nhiệm tướng hồi hưu Joseph Kellogg tạm đảm nhiệm chức vụ chiến lược này. Tướng Joseph Kellogg từng tham chiến tại Việt Nam và nguyên là tư lệnh sư đoàn 82 Nhảy Dù (1997-1998). - RFI
|
|

2.
Hội Đồng Bảo An lên án Bắc Triều Tiên thử tên lửa --- Mỹ khẳng định đủ khả năng ngăn chận tên lửa Bắc Triều Tiên

Một ngày sau khi Bắc Triều Tiên bắn thử tên lửa đạn đạo, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, vào hôm qua, 13/02/2017, đã họp khẩn cấp theo đề nghị của Washington, Tokyo và Seoul.

Tất cả 15 thành viên Hội Đồng Bảo An, trong đó có Trung Quốc, đã nhất trí hoàn toàn thông qua văn kiện lên án vụ thử tên lửa của Bắc Triều Tiên là vi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, đồng thời đề nghị các nước thành viên tăng cường gấp bội nỗ lực thực thi triệt để các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng.

Thông tín viên RFI tại New York, Marie Bourreau gửi về bài tường trình:

Cho dù thông điệp của Hội Đồng Bảo An được nhất trí hoàn toàn, nhưng các nhà ngoại giao vẫn có những khác biệt về cách thức đòi áp dụng triệt để các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng vốn đã được thông qua.

Đại diện Mỹ Nikki Haley đã gửi một thông cáo ngắn gọn sau cuộc họp, trong đó bà khẳng định : Đã đến lúc phải quy trách nhiệm cho Bắc Triều Tiên không phải trên lời nói mà bằng hành động và Bình Nhưỡng cũng như các nước ủng hộ họ phải hiểu rằng các vụ thử như thế là không thể chấp nhận được. Đây là thông điệp rất rõ ràng gửi tới Bắc Kinh.

Trước đó trong ngày, Donald Trump đã hứa đáp trả mạnh mẽ vụ bắn thử tên lửa mới này của Bắc Triều Tiên. Đại sứ Nhật Bản, thì cam đoan là Tokyo không tìm kiếm giải pháp quân sự.

Bắc Kinh, đối tác thương mại chính của Bình Nhưỡng cũng chính thức lên án vụ bắn thử tên lửa đồng thời bày tỏ nguyện vọng không muốn làm trầm trọng thêm căng thăng trên bán đảo Triều Tiên.

Tới đây Liên Hiệp Quốc sẽ ra một báo cáo thẩm định liệu Trung Quốc có áp dụng thực sự các trừng phạt. Thái độ nhún nhường của Bắc Kinh hôm thứ Hai có thể là một tín hiệu tốt nhất từ trước tới nay. - RFI

***
Một ngày sau khi Bình Nhưỡng phóng thử tên lửa đạn đạo ra biển Nhật Bản, Lầu Năm Góc xác quyết là Hoa Kỳ và các đồng minh châu Á có khả năng « bắn hạ » bất kỳ loại hỏa tiễn nào của Bắc Triều Tiên.

Hôm thứ Hai 13/02/2017, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Mỹ Jeff David thẩm định Bắc Triều Tiên không che dấu tham vọng đạt trình độ chế tạo tên lửa đạn đạo và Hoa Kỳ cũng có khả năng bắn hạ bất kỳ tên lửa nào.

Bình luận về vụ thử nghiệm của Bình Nhưỡng ngày Chủ Nhật vừa qua, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Mỹ cho biết là tên lửa được đặt trên dàn phóng di động nên dễ thực hiện một cách kín đáo. Tuy nhiên, Hoa Kỳ cùng các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc, với hệ thống phòng chống tên lửa « tích hợp nhiều chức năng » đủ sức tự vệ và đập tan mối đe dọa này, theo phát ngôn viên Jeff David.

Theo AFP, hiện nay lá chắn chống tên lửa của Mỹ và hai đồng minh Nhật-Hàn tại châu Á gồm có hệ thống AEGIS, tên lửa chống tên lửa Patriot và ra-đa cực mạnh . Washington và Seoul cũng bắt đầu kế hoạch bố trí hệ thống THAAD, chống tên lửa tầm trung-cao ở Hàn Quốc.

Truyền thông Hàn Quốc cho biết là sáng nay (14/02/2017), bộ Quốc Phòng ba nước Mỹ-Nhật-Hàn đã có một cuộc tham khảo trực tuyến tay ba, chia sẻ thông tin và hợp tác đối phó với Bình Nhưỡng. Tên lửa phóng ra biển Nhật Bản hôm Chủ nhật có tầm bay hơn 2000 km. - RFI
|
|

3.
Anh trai Kim Jong-un ‘bị ám sát’ bằng thuốc độc ở Malaysia

Anh trai của nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un vừa bị ám sát tại Malaysia, một số hãng tin nước ngoài, trong đó có Nam Hàn, cho biết.

Một nguồn thân cận với văn phòng Thủ tướng Malaysia xác nhận tin này với BBC và cho hay thi thể ông Kim đang được giảo nghiệm.

Hãng tin Reuters dẫn một nguồn từ chính phủ Nam Hàn nói Kim Jong-nam, anh trai cùng cha khác mẹ với Kim Jong-un, bị ám sát.

Ông Kim Jong-nam, 46 tuổi, sống phần lớn thời gian tại nước ngoài.

Hôm thứ Ba 14/2, cảnh sát Malaysia nói với Reuters rằng một người đàn ông chưa xác định danh tính chết trên đường tới bệnh viện từ sân bay Kuala Lumpur một hôm trước đó.

Truyền hình Nam Hàn TV Chosun nói Kim bị hai người phụ nữ mà họ gọi là hai nữ điệp viên Bắc Hàn đầu độc bằng mũi kim tẩm thuốc độc tại sân bay và hai người này hiện đang lẩn trốn.

Hãng thông tấn Yonhap của Nam Hàn cũng đưa tin này qua Twitter.

Phóng viên Kevin Kim của BBC tại Seoul cho biết đã điện thoại tới một số nguồn của chính phủ Nam Hàn nhưng chưa nguồn nào xác nhận cái chết của ông Kim Jong-nam tại Malaysia.

Thất sủng

Kim Jong-nam là con ngoài giá thú của Kim Jong-il với bà Sung Hae-rim, một diễn viên gốc Nam Hàn, người đã qua đời tại Moscow.

Ông được cho là theo xu hướng muốn cải cách kinh tế ở Bắc Hàn và do vậy bất hòa với em trai Kim Jong-un.

Năm 2001, ông Kim bị bắt khi tìm cách nhập cảnh Nhật Bản bằng hộ chiếu giả. Lúc đó ông nói với các quan chức là ông định thăm Disneyland Tokyo.

Vụ này khiến ông bị thất sủng với cha. Trước đó có tin ông Kim Jong-il muốn chọn ông làm người kế vị.

Từ đó Kim Jong-nam sống cuộc đời thầm lặng chủ yếu ở nước ngoài, nhất là Macau.

Năm 2012 ông được dẫn lời nói trong một cuốn sách rằng ông cho là em trai của ông, Kim Jong-un, không có tố chất lãnh đạo và Bắc Hàn không ổn định, cần cải cách kinh tế kiểu Trung Quốc.

Trong quá khứ, ông Kim Jong-nam đã từng bị ám sát hụt. Một gián điệp Bắc Hàn bị Nam Hàn bắt năm 2012 nhận là đã từng tham gia một vụ ám sát ông Kim Jong-nam bằng xe hơi nhưng không thành. - BBC
|
|

4.
Rumani: Quốc Hội chấp thuận tổ chức trưng cầu dân ý về chống tham nhũng

Trước sức ép của làn sóng phản đối dự luật sửa đổi của chính phủ nhằm giảm nhẹ tội tham nhũng, hôm qua 13/02/2017, Quốc Hội Rumani đã bật đèn xanh cho việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về đấu tranh chống tham nhũng.

Quốc Hội đã nhất trí thông qua hoàn toàn một văn kiện theo đó sẽ cho tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về đấu tranh chống tham nhũng tại Rumani.

Phần còn lại, giờ đây, tổng thống Klaus Iohannis có quyền đề xuất ngày tổ chức và nội dung câu hỏi cho cuộc trưng cầu dân ý. Tổng thống Iohannis thuộc phe trung - hữu và là người trực diện phản đối sắc lệnh do chính phủ cánh tả đề xuất nhằm sửa đổi luật giảm nhẹ các tội danh tham nhũng.

Dự luật sửa đổi có nội dung cho phép miễn truy tố hình sự và không áp dụng án tù đối với các vụ việc tham nhũng có số tiền dưới 44.000 euro.

Sắc lệnh gây tranh cãi của chính phủ về sửa đổi luật chống tham nhũng đã làm dấy lên một phong trào biểu tình phản đối trong dân chúng kéo dài hơn chục ngày qua với quy mô lớn chưa từng có kể từ khi chế độ Cộng Sản sụp đổ ở nước này năm 1989. Cho đến ngày hôm qua, các cuộc biểu tình đòi chính phủ từ chức đã kéo dài sang ngày thứ 14.

Gia nhập Liên Hiệp Châu Âu năm 2007, Rumani đã có những cố gắng trong đấu tranh tham nhũng. Năm 2015, 1250 người đã bị đưa ra xét xử vì các buộc tham nhũng ở cấp cao, trong đó có 1 thủ tướng, 5 bộ trưởng và 16 nghị sĩ. - RFI
|
|

5.
Mỹ và Thái Lan tập trận Cobra Gold 2017

Cuộc tập trận hỗn hợp thường niên Mỹ-Thái Lan mang tên Hổ Mang Vàng (Cobra Gold) đã khai mạc hôm nay, 14/02/2017 tại căn cứ hải quân Sattahip, tỉnh Chonburi, sát Vịnh Thái Lan. Cuộc tập trận năm 2017 - dự trù kéo dài 10 ngày - quy tụ khoảng 7.500 binh sĩ và quan sát viên đến từ 29 quốc gia trên thế giới. Đích thân tư lệnh lực lượng Mỹ vùng Thái Bình Dương, đô đốc Harry Haris đã đến Thái Lan khởi động cuộc tập trận.

Phát biểu trong buổi khai mạc, đô đốc Harry Harris đã không ngần ngại nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tái lập nền dân chủ tại Thái Lan. Đối với vị chỉ huy lực lượng Mỹ toàn vùng Thái Bình Dương, Hoa Kỳ luôn luôn cần đến một đối tác Thái Lan hùng cường và ổn định, lấy lại được vai trò lớn trong khu vực và trên thế giới.

Đô đốc Harris là nhân vật Mỹ cao cấp nhất đến thăm Thái Lan từ ngày quân đội nước này làm đảo chánh lật đổ chính quyền dân sự vào năm 2014. Ngay sau biến cố chính trị đó, chính quyền Mỹ đã có một số biện pháp gây sức ép để chính quyền Bangkok sớm tái lập dân chủ, chẳng hạn như cắt giảm viện trợ quân sự.

Áp lực của Mỹ được cho là đã thúc đẩy chế độ quân sự cầm quyền tại Thái Lan quay sang tìm sự giúp đỡ của Trung Quốc. Cuộc tập trận Hổ Mang Vàng khai mạc hôm nay trong bối cảnh chính sách châu Á của tân chính quyền Mỹ chưa được rõ.

Dẫu sao thì Hổ Mang Vàng vẫn là cuộc tập trận đa phương thường niên lớn nhất của Mỹ tại châu Á và năm nay, vẫn có khoảng 3.600 quân nhân Mỹ thuộc Lục Quân, Hải Quân và Thủy Quân Lục Chiến được phái đến Thái Lan tham gia. Họ sát cánh cùng binh lính đến từ 9 nước trong đó có Singapore, Malaysia, Indonesia, Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc, và quan sát viên đến từ 10 quốc gia, trong số này có cả Pháp, Anh và Canada. - RFI
|
|

6.
Sắp có máy bay không người lái chở hành khách

Dubai hy vọng máy bay hành khách không người lái sẽ có mặt thường xuyên trên không phận nước này vào tháng 7 tới.

Ông Mattar al-Tayer, người đứng đầu Cơ quan Cầu đường và Giao thông Dubai, ngày 13/2 loan báo thông tin này tại Thượng đỉnh Chính phủ Thế giới.

Máy bay không người lái Ehang 184 do Trung Quốc chế tạo có hình dạng như quả trứng với 4 chân, mỗi chân có hai động cơ cánh quạt nhỏ.

Hành khách bấm chỉ cần bấm vào màn hình phía trước ghế ngồi địa điểm họ muốn đáp và máy bay sẽ tự động chở họ tới đó.

Máy bay không người lái được một phòng kiểm soát trên mặt đất theo dõi từ xa và có thể bay trong nửa tiếng.

Vào tháng 5 năm ngoái, nhà cầm quyền tiểu bang Nevada (Hoa Kỳ) loan báo sẽ hợp tác với công ty Ehang để thử nghiệm máy bay không người lái 184. - VOA
|
|

7.
Nga không mời Mỹ, NATO dự hội nghị Afghanistan --- Bộ trưởng Quốc phòng NATO họp tăng chi ngân sách

Nga đã không mời Mỹ hoặc NATO tham dự hội nghị do Nga chủ trì tại Moscow trong tuần này trong đó có sự tham dự của các đối tác trong khu vực để bàn về cuộc xung đột ở Afghanistan. Sẽ không có sự góp mặt của bất kỳ một đối tác phương tây nào, bao gồm cả Liên minh châu Âu. Thông tín viên Ayesha Tanzeem của đài VOA tường trình từ Islamabad.

Cuộc họp này là một phần nỗ lực của Nga để lần đầu tiên Moscow giữ một vai trò chủ động hơn ở Afghanistan kể từ khi họ xâm chiếm đất nước này vào năm 1979. Và vai trò này đã gây tranh cãi ngay từ ngày đầu tiên.

Hội nghị lần gần đây nhất về Afghanistan mà Moscow tổ chức là vào tháng 12. Chỉ có Trung Quốc và Pakistan tham dự hội nghị đó. Chính phủ Afghanistan không hài lòng với hội nghị do Nga tổ chức.

Hội nghị lần này có sự góp mặt của Afghanistan cùng với Ấn Độ và Iran nhưng không có Mỹ và NATO.

Nhiều người đang nhìn vào vấn đề này trong bối cảnh căng thẳng tăng cao trong quan hệ giữa Nga và Mỹ.

Trong một cuộc điều trần gần đây tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện, chủ tịch John McCain nói Nga yểm trợ cho Taliban để làm khó cho Mỹ.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích trong khu vực nhìn nhận cuộc họp lần này là một chuyển biến tích cực.

Bà Amina Khan là một chuyên gia của Viện nghiên cứu chiến lược Islamabad.

"Cơ cấu này bao gồm rất cả các đối tác trong khu vực liên quan đến Afghanistan. Chủ nghĩa khủng bố là một vấn đề toàn cầu mà tôi nghĩ các nước trong khu vực cần có vai trò chủ động hơn."

Nga đặc biệt quan tâm đến sự hiện diện của nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo ở đông Afghanistan. Moscow không muốn ảnh hưởng của họ lan sang cộng đồng người Hồi giáo ở vùng Caucasus giáp với Nga.

Mặc dù vậy, theo cựu đại sứ Afghanistan tại Mỹ Omar Samad, hội nghị lần này không được mong chờ sẽ mang lại một kết quả cụ thể:

"Thực tế rằng 3 nước đã được thêm vào danh sách tham dự hội nghị lần đầu tiên cho thấy nó vẫn còn đang ở giai đoạn khởi điểm trong đó các đối tác đang tìm hiểu nhau và lắng nghe các vấn đề của nhau và tìm cách hiểu được những vấn đề đó. Tôi không thấy sẽ có một kết quả gì lớn từ hội nghị này."

Một số nỗ lực tương tự đã bị ảnh hưởng bởi sự căng thẳng và không tin tưởng lẫn nhau giữa Pakistan và Afghanistan. Kế hoạch này có thành công hay không sẽ phụ thuộc khả năng thuyết phục của Nga và Trung Quốc đối với Pakistan và Afghanistan để cùng giải quyết những bất đồng. - VOA

***
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm thứ Ba cho biết một cuộc họp quy tụ các bộ trưởng quốc phòng của liên minh sẽ tập trung vào nhu cầu tăng ngân sách quốc phòng.

Nói chuyện với các nhà báo ở Brussels trước cuộc họp, ông Sotltenberg cho biết các nước thành viên đã tăng chi tiêu quốc phòng 10 tỷ đô la hồi năm ngoái, nhưng trong số 28 thành viên NATO, chỉ có 5 nước đáp ứng mục tiêu đề ra, là dành riêng 2% GDP cho quốc phòng.

Trong chiến dịch tranh cử của ông, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã chỉ trích các thành viên NATO, nói rằng các nước này không thực thi phần của họ trong việc đóng góp tài chính cho công tác phòng thủ chung. Có lúc ông Trump đe doạ rằng các nước thành viên không chia sẻ gánh nặng quốc phòng, không nên trông đợi là sẽ đương nhiên được Hoa Kỳ bảo vệ.

Kể từ khi nhậm chức, ông Trump đã bày tỏ lập trường ủng hộ NATO, kể cả hai cuộc điện đàm với cá nhân ông, ông Stoltenberg cho biết.

Ông Stoltenberg nói:

"Qua 2 cuộc điện đàm, Tổng thống Trump đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chia sẻ gánh nặng tài chính một cách công bằng, và rằng những nước chi tiêu ít hơn 2% phải đáp ứng mục tiêu đó. Tôi đồng ý với ông Trump."

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis sẽ công du đến Brussels vào ngày thứ Ba 15/2 để dự các cuộc thảo luận của NATO.

Ông Stoltenberg nói liên minh NATO mong đợi "có thể ngồi xuống trao đổi với ông Mattis để thảo luận nhiều chủ đề khác nhau, kể cả chia sẻ gánh nặng tài chính, và vai trò của NATO trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố." - VOA
|
|

8.
TT Turkmenistan tái cử với 97% phiếu bầu

Gần như tất cả mọi người Turkmenistan đã có mặt tại các thùng phiếu hôm Chủ nhật để bầu cho Tổng thống đương nhiệm.

Các giới chức Ủy ban bầu cử cho biết hơn 97% cử tri đã bỏ phiếu cho Tổng thống đương nhiệm Gurbanguly Berdymukhamedov.

8 đối thủ khác cũng là ứng cử viên trong cuộc bầu cử.

Những thay đổi về Hiến pháp của nước này hồi năm ngoái đã bỏ đi giới hạn độ tuổi và mở rộng nhiệm kỳ của tổng thống từ 5 năm lên thành 7 năm.

Các nhà phân tích chính trị nói những thay đổi này nhằm tạo điều kiện dễ dàng cho ông Berdymukhamedov tiếp tục làm tổng thống lâu dài theo ý muốn của ông. - VOA
|
|

9.
Trung Quốc bực Mỹ-Nhật đề cập đảo tranh chấp

Hôm thứ Hai, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bày tỏ lo ngại sau khi Nhật Bản tiếp tục ủng hộ Hoa Kỳ trong cuộc tranh chấp với Bắc Kinh về các đảo ở Biển Hoa Đông trong cuộc họp giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Thông cáo chung sau cuộc họp giữa Nhật và Mỹ tuyên bố hai nhà lãnh đạo khẳng định Điều 5 của hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật có bao gồm các đảo được gọi là Senkaku ở Nhật và Điếu Ngư ở Trung Quốc.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói Trung Quốc “quan ngại sâu sắc và kiên quyết phản đối”, và nói thêm rằng các đảo trên là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc kể từ thời cổ đại.

Tại cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Cảnh Sảng nói:

“Dù bất kể ai nói hoặc làm gì, điều đó cũng không thể thay đổi được thực tế là quần đảo Điếu Ngư thuộc về Trung Quốc, và không thể xoay chuyển được quyết tâm bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ quốc gia của Trung Quốc”.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói thêm rằng Hoa Kỳ và Nhật Bản nên chú ý đến lời nói và việc làm, và ngừng đưa ra những phát biểu sai trái để tránh làm phức tạp thêm tình hình và làm ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định trong khu vực. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

10.
Mỹ-Canada: Trump và Trudeau bày tỏ quan điểm bất đồng

Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm qua đã hội đàm với tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng. Chi tiết cuộc thảo luận kín về thương mại và di dân không được tiết lộ nhưng cuộc họp báo chung không còn không khí « đồng thanh tương ứng » như thời Obama.

Theo AFP, lãnh đạo hai nước Bắc Mỹ công khai bày tỏ lập trường khác biệt. Trước hết, về trao đổi mậu dịch, tổng thống Donald Trump muốn thương thuyết lại hiệp định tự do thương mại Mỹ-Canada-Mêhicô.

Không rõ hai bên đã thảo luận gì trước đó, nhưng trong cuộc họp báo, tổng thống Mỹ tỏ ra tương đối hoà dịu với Canada, đề nghị « điều chỉnh » một số bất công. Trái lại, ông Trump tập trung tấn công láng giềng phương Nam Mêhicô bị xem là kẻ thủ lợi.

Trong hồ sơ di dân - nhập cư, thủ tướng Canada khẳng định sẽ tiếp tục chính sách mở cửa đón tiếp người tị nạn. Trong khi tổng thống Donald Trump biện hộ cho chính sách tạm đóng cửa biên giới mà ông gọi là « hợp lý » thì thủ tướng Justin Trudeau tuyên bố « không quên vấn đề an ninh quốc gia » nhưng Canada « làm gương sáng cho thế giới nói theo » tiếp nhận tị nạn và di dân. - RFI
|
|

11.
Ủy ban Hạ viện bác đề nghị truy hồ sơ thuế TT Trump

Ủy ban của Quốc hội trông coi các vấn đề về thuế sẽ không truy tìm hồ sơ khai thuế của Tổng thống Donald Trump bất chấp những lời kêu gọi từ đảng Dân chủ yêu cầu coi lại để xác định xem ông Trump có liên hệ làm ăn nào với các nước, kể cả Nga, hay không.

Chủ tịch Ủy ban Cách thức và Phương tiện thuộc Hạ viện, dân biểu Kevin Brady, một đảng viên cùng đảng Cộng hòa với ông Trump, ngày 13/2 loan báo tin này với lập luận rằng “Nếu Quốc hội bắt đầu dùng quyền hành của mình truy soát hồ sơ khai thuế của Tổng thống thì có gì ngăn cản Quốc hội không làm điều tương tự với các công dân thông thường?”

Ông Brady nhấn mạnh "quyền riêng tư và các quyền tự do dân sự vẫn là các quyền quan trọng trong đất nước này, Ủy ban Cách thức và Phương tiện sẽ không làm suy yếu chúng."

Đây là hồi đáp trước lời kêu gọi yêu cầu Ủy ban truy lục hồ sơ khai thuế của Tổng thống từ Bộ Tài chính để đánh giá và biểu quyết xem có nên phổ biến cho công chúng biết hay không. Lời kêu gọi xuất phát từ quan ngại rằng đế chế kinh doanh của ông Trump có liên quan đến các công ty quốc doanh Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, cùng các lợi ích trải dài từ Nga, Ả Rập Xê Út cho tới Đài Loan, Philippines.

Đi ngược lại với nhiều chục năm tiền lệ trước đây, ông Trump không chịu công bố hồ sơ khai thuế trong các hoạt động kinh doanh cá nhân trước khi đắc cử Tổng thống. - VOA
|
|

12.
Trump đe dọa toàn bộ hệ thống quốc tế mà Hoa Kỳ đã tạo dựng từ năm 1945

Chính sách ngoại giao của tân tổng thống Mỹ Donald Trump làm gia tăng các căng thẳng trên thế giới và có xu hướng phá bỏ hệ thống quan hệ quốc tế mà chính Hoa Kỳ đã tạo dựng từ hơn 70 năm qua. Trên đây là nhận định của giáo sư Charles-Philippe David, đại học Québec à Montréal, trong bài trả lời phỏng vấn báo Le Monde số ra ngày 14/02/2017. Ông David là chuyên gia về các vấn đề quốc phòng và chính sách đối ngoại của Mỹ. RFI xin trích dịch bài phỏng vấn.

Liệu các căng thẳng gia tăng trên thế giới mà chúng ta đang chứng kiến có dẫn đến chiến tranh hay không ?

Không bao giờ có thể xác định từ trước hoặc dự báo được một cuộc chiến tranh, cho dù có nhiều yếu tố hoàn cảnh và nội tại góp phần dẫn đến cuộc chiến. Ví dụ, trong lịch sử, quan hệ giữa các cường quốc lớn luôn luôn là thước đo về tình trạng căng thẳng hoặc ổn định trên thế giới. Tuy vậy, đa phần các cuộc chiến tranh là những cuộc chiến tranh chủ ý.Vả lại, rất ít khi kẻ xâm lược lại trở thành kẻ thắng cuộc.

Liệu sẽ có các cuộc chiến tranh khác hay không ? Đương nhiên là có. Nhưng không ai biết là chiến tranh sẽ xẩy ra ở đâu, lúc nào. Không thiếu những nơi có thể xẩy ra chiến tranh : từ Biển Đông đến miền đông Ukraina cho đến Trung Đông. Điều ngạc nhiên của năm 2017 là gì ? Nhà nước nào sẽ sụp đổ ? Sai lầm « chết người » » đẩy hệ thống quốc tế rơi vào một cuộc khủng hoảng là gì ? Trong khi chờ đợi, chắc chắn sẽ xẩy ra các đối đầu địa chính trị, các hành động khủng bố, các vụ bạo lực bên trong các quốc gia, các căng thẳng biên giới.

Vấn đề cần biết là liệu những sự kiện đó có làm căng thẳng leo thang, thậm chí vượt ra ngoài tầm kiểm soát hay không ? Nhất là với việc ông Trump vào Nhà Trắng, tôi lo ngại là chúng ta sẽ cũng sẽ bận tâm - thậm chí còn hơn thế - như lúc George W. Bush làm tổng thống, cách nay hơn 15 năm.

Các cuộc khủng hoảng tái diễn như vậy có thể tác động ra sao đối với hệ thống quốc tế ít nhiều nằm trong tay Hoa Kỳ và Trung Quốc ?

Sau khi Trump và ê-kíp của ông ta nhậm chức, quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới xấu đi. Các tuyên bố bốc đồng của chủ nhân Nhà Trắng, nhất là việc bác bỏ chính sách « một nước Trung Hoa » - để rồi cuối cùng là trong những ngày gần đây thì lại chấp nhận - cũng như các tuyên bố về quan hệ thương mại, tất cả những điều này không hề làm mọi người yên tâm. Trong khi đó, Bắc Kinh tiếp tục thực hiện các tham vọng tại Biển Đông cũng như tiến hành tái vũ trang - có một thông tin hầu như không được nhắc đến liên quan đến việc lần đầu tiên trong lịch sử nước này, Trung Quốc có một hàng không mẫu hạm đi vào hoạt động, điều này giúp Trung Quốc nâng cao khả năng triển khai sức mạnh quân sự ra xa hơn.

Điều trớ trêu nhất trong năm 2017 có thể là cuối cùng các quốc gia sẽ thừa nhận Trung Quốc có vai trò duy trì ổn định, trong lúc vai trò của Hoa Kỳ sẽ bị đánh giá là nguy hiểm hơn. Thậm chí, tôi có thể nói là lần đầu tiên, kể từ sau cuộc xâm lấn Irak năm 2003, Hoa Kỳ gây lo ngại. Hệ thống quốc tế mà Mỹ tạo dựng từ 70 năm qua, bị Trump đe dọa. Đây là một yếu tố nội tại làm cho tình hình thêm trầm trọng và là một nguyên nhân sâu xa gây rủi ro và đe dọa sự ổn định của thế giới.

Người ta thường nói là chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch dẫn đến chiến tranh kinh tế và đưa đến một cuộc chiến tranh thực sự. Vậy các biện pháp bảo hộ mậu dịch của Trump có mục đích gì ?

Các biện pháp này hoàn toàn đáp ứng các ưu tiên tranh cử của tổng thống Trump và đối phó với những vấn đề của nền kinh tế Mỹ tích tụ từ khoảng hai chục năm nay.Trump đã hiểu điều này và ông ta đã chộp đúng thời cơ. Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch là một cách nói với các cử tri về « vành đai thép » - tức các tiểu bang Mỹ xung quanh vùng Đại Hồ - rằng có thể quay trở lại thời kỳ trước và khắc phục các thiệt hại do tiến trình toàn cầu hóa và các hiệp định tự do mậu dịch gây ra. Canada và Mêhicô bị nhắm tới, nhưng cả Trung Quốc nữa và trong một chừng mực nào đó là châu Âu. Các hứa hẹn đưa việc làm trở lại nước Mỹ, áp đặt các hàng rào thuế quan, đàm phán lại các hiệp định thương mại, tố cáo hoặc tác động lên các chính sách tiền tệ của các nước như Trung Quốc, tất các những điều này nhằm bù đắp lại những thiếu hụt, khiếm khuyết của nền kinh tế Mỹ.

Điểm mấu chốt là thông thường chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch không những không thể vận hành được, mà lại làm tăng sự bất ổn và làm suy yếu nền tảng các nền kinh tế quốc gia cũng như kinh tế thế giới. Vả lại, lần cuối cùng mà Hoa Kỳ áp dụng chính sách tự co cụm, thì kết quả không mấy tốt đẹp gì đối với họ.Thực vậy, các đời tổng thống trong thời kỳ giữa hai cuộc đại chiến - cho đến tận thời tổng thống Franklin D. Roosevelt - chắc chắn vừa làm trầm trọng thêm số phận hẩm hui của nền kinh tế Mỹ, cũng như của nền kinh tế châu Âu và là một yếu tố quan trọng làm gia tăng chủ nghĩa toàn trị lan rộng ra toàn thế giới trong thời kỳ đệ nhị thế chiến.

Trên góc độ an ninh-thế giới, liệu chúng ta sẽ chứng kiến một lần nữa sự phân chia thế giới giữa vài siêu cường đứng đầu các khu vực ảnh hưởng ?

Với Donald Trump, thế giới đang ở trong thời kỳ hậu đơn cực và đồng thời đang đi vào thời kỳ hậu-hậu-chiến tranh lạnh. Vai trò lãnh đạo của Mỹ từ 27 năm qua - là thiết yếu, tử tế, đế quốc, bành trướng, bất kể từ ngữ được dùng như thế nào - đã chấm dứt. Tổng thống của thế giới sẽ không còn là tổng thống Mỹ nữa. Nền hòa bình kiểu Mỹ có nguy cơ trở nên độc hại, một dạng « dịch bệnh » Mỹ. Điều này sẽ gây ra những hậu quả to lớn đối với thế giới.

Thế giới sẽ ra sao khi phải đối mặt những nguy cơ xung đột, khủng hoảng nhân đạo, thảm họa môi sinh, trước những đối đầu ngoại giao tất yếu ngăn cản những toan tính tìm kiếm các giải pháp cho những vấn đề chính trị-quân sự và những thách thức chiến lược trong tương lai ?

Nếu xẩy ra phân chia thế giới theo các vùng dưới sự thống trị của các cường quốc lớn, chúng ta sẽ chứng kiến sự tái lập một thế giới đa cực, thống trị bởi Mỹ, Nga và Trung Quốc. Nếu như sự hỗn loạn hoặc suy nghĩ « đèn nhà ai nhà nấy rạng » thắng thế, thì thế giới sẽ vô cực, đánh dấu sự biến đổi của hệ thống quan hệ quốc tế. Trong hai trường hợp nói trên, không có gì sẽ được giải quyết và những ý tưởng gắn bó với chủ nghĩa quốc tế tự do của thời kỳ hậu chiến tranh lạnh không còn gì nữa. Với Donald Trump, thế giới hiển nhiên sẽ đi vào một giai đoạn mới của lịch sử.

Liệu Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO có còn tương lai hay không khi mà Donald Trump đã chỉ trích rồi lại rút bỏ những phê phán này ?

Tôi không tính được số lần mà các nhà quan sát thông báo khối NATO tiêu vong và nhất là kể từ khi chấm dứt chiến tranh lạnh, với những lý như không còn có kẻ thù chung nữa, hoặc do các thành viên của khối này không còn có các giá trị chung để chia sẻ hoặc do thành viên mạnh nhất là Hoa Kỳ mong muốn giải thể khối này bởi vì Washington muốn hợp tác với các đối tác chọn lọc hơn.

Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận rằng, với Donald Trump, lần này, đúng là có nhiều rủi ro, nhưng hoàn toàn không phải vì một trong những lý do vẫn thường được nêu ra. Trong trường hợp của Mỹ và theo nguyên tắc đàm phán trên cơ sở « người nào dùng thì phải trả tiền » Hoa Kỳ dường như sẽ không tự động đứng ra đảm trách việc bảo vệ các đồng minh nào không chịu đóng góp - ít nhất là 3% tổng sản phẩm quốc nội được chi cho quốc phòng.

Lập trường này nguy hiểm và ngoài việc làm giảm thiểu an ninh đối Hoa Kỳ, còn mở đường cho việc tái cơ cấu NATO và địa chính trị châu Âu, đặc biệt là nếu như Nga tranh thủ các cơ hội như tình trạng mất an ninh gia tăng tại các nước Baltic, ở Đông Âu hoặc tại Thổ Nhĩ Kỳ, để tái khẳng định mạnh mẽ các lợi ích của mình. Chắc chắn là NATO sẽ trải qua nhiều năm khó khăn để thuyết phục được Donald Trump rằng khối này hiện nay vẫn hữu dụng, giống như trong suốt 60 năm vừa qua.

Trump đã thông báo muốn giảm bớt cam kết của Mỹ đối với châu Âu. Vậy các nước châu Âu có phương tiện hay không để tiến hành một cách nghiêm túc việc thành lập một khối phòng thủ châu Âu ?

Tôi nghĩ là các điều kiện hiện nay không tốt hơn so với trước đây. Không phải là vì châu Âu có khả năng thì họ sẽ có quyết tâm ! Một khối phòng thủ châu Âu sẽ không xử lý cuộc khủng hoảng tị nạn Syria một cách lộn xộn, như họ đã làm từ hơn một năm nay. Châu Âu sẽ không chấp nhận các chính sách của từng nước nếu như họ phát triển một chính sách chung thực sự. Các nước châu Âu, ở cấp cao nhất, chưa bao giờ có cùng quyết tâm phát triển một khối phòng thủ chung. Theo hướng này, vụ Brexit càng làm gia tăng thái độ lừng khừng và các cuộc bầu cử sắp tới, tại Pháp, ở Đức, sẽ cho thấy những chỉ dấu rõ ràng về cơ may sống sót của Liên Hiệp Châu Âu và dự án xây dựng châu Âu. Điều rõ ràng là trong năm 2017, chúng ta đang đối mặt với một bước ngoặt mang tính quyết định.

Với những chỉ trích của Donald Trump nhắm vào Liên Hiệp Quốc và vai trò của các nước đang trỗi dậy gia tăng mạnh mẽ, liệu Hội Đồng Bảo An có nguy cơ đi vào một thời kỳ « đông cứng » ?

Sự tê liệt của Hội Đồng Bảo An trong cuộc khủng hoảng Syria đã cho thấy sự « giá lạnh » của định chế này, mặc dù đã được « hâm nóng » sau khi chiến tranh lạnh kết thúc. Ngoài ra, việc tổng thống Trump nghĩ đến khả năng cắt giảm 25% đóng góp tài chính của Mỹ cho ngân sách hoạt động duy trì hòa bình của Liên Hiệp Quốc cho thấy rõ là nguyên thủ Hoa Kỳ coi nhẹ vai trò của tổ chức này.

Các nhà lãnh đạo khác cần phải xốc vác và thúc đẩy định chế thiết yếu này, ví dụ như thủ tướng Canada Justin Trudeau (ông đã tới thăm Hội Đồng Bảo An ngày 09/02 vừa qua). Nếu không, Hội Đồng Bảo An sẽ lại rơi vào tình trạng hấp hối như trong những năm chiến tranh lạnh và không mang lại bất kỳ hy vọng nào. - RFI
|
|

13.
FTA Mỹ-Việt không thay thế được TPP

Một hiệp định thương mại tự do song phương giữa Việt Nam và Mỹ sẽ không thể nào thay thế được thỏa thuận Quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vì giá trị chiến lược của nó, theo lời của một cựu cố vấn hàng đầu của Tổng thống Obama về chính sách Châu Á tại một cuộc hội luận của những chuyên gia hàng đầu về quan hệ Mỹ-Trung Quốc dưới chính quyền Trump.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 23 tháng 01, ngày làm việc đầu tiên của ông trên cương vị Tổng thống, đã ký một sắc lệnh hành pháp chính thức từ bỏ thỏa thuận thương mại đầy tham vọng mà người tiền nhiệm của ông đã thương thuyết với 11 quốc gia ven bờ Thái Bình Dương. Hành động này phần nào hiện thực hóa cam kết của ông Trump lúc vận động tranh cử là chấm dứt những thỏa thuận thương mại quốc tế mà ông cho là cướp mất công ăn việc làm của người lao động Mỹ.

TPP, một trong những trụ cột của chính sách xoay trục về Châu Á của Tổng thống Barack Obama, nhắm mục tiêu liên kết Mỹ với những nước từ Việt Nam cho tới Canada, Chile để làm đối trọng với một nước Trung Quốc đang trỗi dậy và mặt kinh tế và quân sự.

“Rút khỏi TPP là một cú đấm thẳng vào bụng. Không có cách nào nhìn nhận việc này khác hơn như vậy,” Evan Medeiros, giám đốc cao cấp cho sự vụ Châu Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc dưới thời Tổng thống Obama từ năm 2013 đến năm 2015, cho biết trong cuộc hội luận diễn ra tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại hôm 13 tháng 2 ở Washington.

Được cho là một kiến trúc sư chính trong chiến lược tái cân bằng về Châu Á, ông Medeiros giải thích rằng giá trị chiến lược của TPP không những là Tổ chức Thương mại Thế giới mở rộng với những “rào cản đằng sau biên giới” được loại bỏ, mà nó còn có thể “thực sự thay đổi luật chơi về cách thức mà các nước sẽ xúc tiến thương mại và đầu tư, đặc biệt với tất cả những lĩnh vực mới như nền kinh tế kỹ thuật số.”

Ông nói thêm: “Nếu bạn là Việt Nam hay Malaysia, TPP giờ đã mất và không cách gì có thể thay thế bằng những hiệp định thương mại tự do song phương, thậm chí nếu bạn có ký kết được một mớ những hiệp định này ngay lập tức đi chăng nữa, điều mà lịch sử cho thấy là rất khó xảy ra.”

Trả lời câu hỏi của VOA về việc liệu mất đi TPP có khiến Việt Nam càng xích lại gần Trung Quốc hơn hay không, ông Medeiros nói:

“Lịch sử của Việt Nam là lịch sử của việc liên tục bảo vệ mình giữa cường quốc lớn. Tôi nghĩ rằng những nguyên nhân khiến Việt Nam lo ngại - về sự lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, về việc dễ bị cưỡng ép về kinh tế, về tranh chấp ở Biển Đông - không có nguyên nhân nào trong số này bị triệt tiêu với việc Donald Trump đắc cử. Tôi nghĩ rằng những lo ngại và cấm đoán ở Việt Nam về việc xích lại gần hơn với Trung Quốc vẫn còn. Tôi nghĩ Việt Nam, cũng giống như nhiều nước ở Châu Á, đang trong tư thế chờ và xem, hy vọng rằng mối quan hệ của họ sẽ đạt mức bình ổn với chính quyền Mỹ mới, tương tự như mức độ và chất lượng của chính quyền trước, nhưng đồng thời họ cũng đang làm điều mà những nước khác đang làm ở Châu Á, tập trung vào sự đa dạng hóa và khả năng phục hồi. Tôi nghĩ rằng đó là hai chiến lược nổi trội mà bạn sẽ thấy ở cấp độ quốc gia và quốc tế trong khu vực.”

Tuy nhiên, Elizabeth Economy, Giám đốc đặc trách Nghiên cứu Châu Á của Hội đồng Quan hệ đối ngoại, tỏ ra không mấy lạc quan về khả năng Việt Nam và các nước khác trong khu vực có thể cưỡng lại điều mà bà gọi là “lực hấp dẫn của Trung Quốc” trước sự thiếu vắng vai trò lãnh đạo của Mỹ.

Bà nói: “Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta thực sự thoái lui đáng kể khỏi vị trí lãnh đạo ở Châu Á thì chúng ta sẽ để lại một khoảng trống. Và có thể Thủ tướng [Nhật Bản Shinzo] Abe sẽ trám vào ở một mức độ nào đó. Nhưng tôi nghĩ rằng Trung Quốc đang ở vị thế sẵn sàng và sẵn lòng và có khả năng làm được điều này trong tư cách là đối tác thương mại lớn nhất đối với những nước trong khu vực, nếu không nhất thiết phải là nước đầu tư lớn nhất.”

Dù vậy, các chuyên gia tại cuộc hội luận đều nhất trí rằng một chỉ dấu rất rõ ràng cho mối quan hệ Việt- Mỹ sẽ diễn ra trong năm nay khi Việt Nam tổ chức Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 11 tới.

“Tôi hy vọng một trong những cuộc trò chuyện giữa ông Trump và ông Abe trên lỗ số 12 khi họ chơi golf ở Mar-a-Lago là, ‘ông cần phải đến Châu Á, đến dự APEC và [Hội nghị Thượng định Đông Á],’” ông Medeiros nói.

“Nếu ông ấy không đi, đó rõ ràng sẽ là một cú giáng mạnh vào mối quan hệ này.” - VOA
|
|

14.
California: 200.000 người di tản trước nguy cơ vỡ đập

Lệnh sơ tán gần 200.000 người dân sống bên dưới con đập cao nhất nước Mỹ vẫn giữ nguyên hiệu lực vào thứ Hai sau khi người dân bất ngờ nhận được lệnh di tản khi đập nước bị tràn có nguy cơ bị vỡ.

Nhà chức trách đã ra lệnh sơ tán hôm Chủ Nhật vì nước đã tràn đã qua một con đập ở hồ Oroville, bắc California, có thể làm vỡ đập và đổ nước lũ xuống các cộng đồng nông thôn dọc theo sông Feather.

Trong thông báo đăng trên mạng xã hội, cảnh sát trưởng Quận Butte nói: “Lệnh sơ tán khẩn cấp được ban hành cho vùng hạ nguồn Oroville”.

Sở Tài nguyên nước California cho biết trên Twitter vào khoảng 4:30 chiều giờ địa phương rằng nước tràn bên cạnh đập chính được “dự báo sẽ vỡ trong vòng một giờ tới”.

Vài giờ sau đó, tình hình có vẻ như bớt căng thẳng hơn khi đập tràn vẫn không vỡ.

Các cơ quan quản lý nguồn nước của tiểu bang cho biết các nhóm làm việc đã dùng trực thăng để thả đá lấp vào một lỗ thủng rất lớn, và giới hữu trách đã tháo nước để hạ thấp mực nước hồ sau nhiều tuần mưa lớn tại tiểu bang thường xuyên bị hạn hán này.

Vào lúc 10 giờ tối, các giới chức địa phương và tiểu bang cho biết nguy cơ trước mắt đã qua khi nước không còn chảy qua đập tràn nữa, nhưng cảnh báo tình hình vẫn không thể tiên đoán được.

Quyền Giám đốc Sở Tài nguyên nước Bill Croyle cho biết phần hư của đập tràn không làm ảnh hưởng đến toàn bộ đập nước chính.

Khi được hỏi về các lệnh di tản, ông Croyle nói: “Đó là một quyết định khó khăn”. Nhưng ông nói thêm: “Quyết định đưa ra là đúng đắn”.

Con đập cao nhất nhất nước Mỹ nằm ở thượng nguồn và phía đông Oroville, thành phố có hơn 16.000 dân.

Với chiều cao 770 feet (230 mét), công trình này được xây dựng từ năm 1962 đến 1968, vượt qua đập Hoover cao hơn 40 feet (12 mét) trở thành con đập cao nhất nước Mỹ. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

15.
Nghệ An: Tuần hành 'hàng trăm người' đi kiện Formosa

Linh mục dẫn 'hàng trăm người' ở Nghệ An tuần hành đi kiện Formosa không bồi thường thiệt hại cáo buộc với BBC về việc nhiều người trong đoàn bị đánh đập, câu lưu khi mới đi được ⅕ chặng đường.

Cuộc tuần hành do Linh mục JB Nguyễn Đình Thục, giáo xứ Song Ngọc, giáo phận Vinh, dẫn dắt hôm 14/2 được cho là thu hút hơn 600 người dân các xã Quỳnh Ngọc, Quỳnh Thọ và Sơn Hải thuộc huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

BBC không có nguồn độc lập kiểm chứng lượng người tuần hành cũng như số người bị bắt.

Đoàn người đi bằng xe gắn máy, mang theo biểu ngữ và cờ ngũ sắc [được cho là cờ cổ truyền của Đại Tộc Việt], dự định đi qua 173km đến Tòa án Nhân dân thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, nộp đơn khởi kiện Formosa.

Được biết 619 hộ gia đình thuộc các xã Quỳnh Ngọc, Sơn Hải và Quỳnh đã gửi yêu cầu bồi thường thiệt hại với bản kê khai thiệt hại vì chất thải công nghiệp của Formosa đính kèm nhưng đến nay chưa nhận được hồi đáp.

Huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An không nằm trong danh sách được nhận tiền bồi thường của Formosa do chính quyền công bố.

Vào 16:00 hôm 14/2, trả lời BBC qua điện thoại từ huyện Diễn Châu, Nghệ An, Linh mục Thục nói: "Đoàn tuần hành của giáo dân, ngư dân mới đi được chỉ khoảng ⅕ chặng đường thì tôi và khoảng một chục người bị bị công an và đủ các lực lượng mặc sắc phục, thường phục đánh đập."

"Họ còn tịch thu xe gắn máy và bắt đi ít nhất 5 người."

"Tôi không lường trước được việc chính quyền hành xử đến mức độ này."

"Chúng tôi chỉ thực thi quyền được khởi kiện của người dân thôi mà. Thật phi lý."

"Khi khởi xướng cuộc tuần hành này, tôi đã xác định, một ngày, hai ngày, ba ngày chưa đến nơi thì một tuần sẽ đến. Chúng ta phải làm để cho thế giới thấy được công việc của chúng ta là quan trọng và chúng ta sẽ không hổ thẹn với con cháu chúng ta sau này."

'Ngọn lửa'

Hôm 14/2, Luật sư bất đồng chính kiến Lê Công Định bình luận: "Nếu 87 năm trước, Thánh Gandhi tuần hành để chống một đạo luật bất công, thì hôm nay linh mục Thục tuần hành để thực thi một quyền công dân hợp pháp của các nạn nhân Formosa là quyền khởi kiện theo luật định."

Dù đến được Tòa Kỳ Anh hay không, cuộc tuần hành vì dân quyền của linh mục Nguyễn Đình Thục ngày 14/2 sẽ đi vào lịch sử hiện đại Việt Nam như ngọn lửa khởi đầu phong trào dân quyền chống chế độ độc tài cộng sản Việt Nam."

Trước đó, một người dân ở giáo xứ Song Ngọc, Nghệ An cho BBC hay: "Tối 13/2, hơn một chục chiếc xe du lịch chạy hợp đồng được bố trí để vận chuyển ngư dân và giáo dân đã bị công an, an ninh chặn không cho vào."

Trước cuộc tuần hành, Linh mục Thục cùng người dân Quỳnh Lưu đã nhiều lần xuống đường biểu tình đòi chính quyền đền bù thiệt hại do Formosa gây ra.

Tháng 12/2016, ông tham gia buổi điều trần tại Quốc hội Đài Loan về việc yêu cầu chính phủ Đài Loan đóng cửa vĩnh viễn nhà máy Formosa ở Việt Nam và phải đền bù đúng mức thiệt hại cho ngư dân. - BBC
|
|

16.
Nhà hoạt động Đoàn Huy Chương đã về nhà

Ông Đoàn Huy Chương, nhà hoạt động công đoàn, đã về nhà ở Trà Vinh sau khi có tin ông 'bặt vô âm tín', vợ ông xác nhận với BBC Tiếng Việt.

Bà Chiêm Thị Tường Mạnh, vợ ông Chương, cho biết công an đưa ông Chương từ trại tù Z30A ở Đồng Nai về tới nhà tại Trà Vinh vào chiều 13/2. Sức khỏe của ông Chương tốt, bà Mạnh nói thêm.

Ông Chương được trả tự do sáng 13/2 sau bảy năm tù giam. Tuy nhiên, vợ ông cùng gia đình đã không đón được ông tại trại tù vào ngày ông được thả.

Chiều 13/2, trả lời BBC khi đang trên đường về tỉnh Trà Vinh, vợ ông Chương nói: "Tôi đến trại tù Z30A Xuân Lộc ở Đồng Nai từ sáng sớm nhưng không được gặp chồng."

"Cán bộ trại giam nói anh Chương đã được bố ruột [Mục sư Đoàn Văn Diên, cựu tù nhân lương tâm] đón về."

"Nhưng do trong gia đình có bất hòa từ nhiều năm nay nên tôi không gọi được cho bố chồng để hỏi xem chồng tôi đang ở đâu."

"Đến giờ phút này, thật sự tôi không biết chồng mình đã được thả ra hay chưa và đang ở đâu."

Ông Đoàn Huy Chương, một trong ba thành viên sáng lập Phong trào Lao Động Việt, bị Tòa án tỉnh Trà Vinh tuyên án 7 năm tù giam vì tội Phá rối an ninh trật tự nhằm chống lại chính quyền nhân dân' theo Điều 89 Bộ Luật Hình sự vào tháng 10/2010. - BBC
|
|

17.
Dư luận Việt Nam nghi vấn khối tài sản khổng lồ của gia đình một thứ trưởng

Dư luận trong nước những ngày qua đã đặt nhiều câu hỏi xung quanh khối tài sản hàng trăm tỷ đồng mà gia đình thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa sở hữu.

Các tờ báo lớn cũng như mạng xã hội nêu lên những nghi vấn về sự minh bạch trong việc kiểm tra thông tin tài sản của Thứ trưởng bộ Công Thương. Theo tin của truyền thông trong nước, bà Thoa hiện đang sở hữu khối tài sản trị giá 672 tỷ đồng tại công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang.

Bà Thoa được bổ nhiệm làm Thứ trưởng bộ Công Thương vào năm 2010 và trước đó công tác tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang trong 18 năm, theo VTC News. Bà Thoa từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc của công ty này.

Trước những nghi vấn của dư luận, bộ Công Thương hôm 10/2 đã chính thức thông tin liên quan đến khối tài sản khổng lồ của bà Thoa. Bộ này cho biết “số cổ phần của Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang mà bà Hồ Thị Kim Thoa sở hữu là số cổ phần có được từ trước khi bà được bổ nhiệm làm thứ trưởng bộ Công thương.”

Nhưng theo một chuyên gia kinh tế, nghi vấn của công luận có phần đúng bởi người dân cần được biết các công chức nhà nước, và nhất là các lãnh đạo đang sở hữu những tài sản nào, và nguồn gốc tài chính của tài sản đó.

"Ủy ban kiểm tra Trung Ương Đảng nên có việc là kiểm tra xem xét và đề nghị bà (Thoa) giải trình. Với tiền lương thì chắc chắn không thể nào mua được khối cổ phiếu như vậy. Vậy thì từ những nguồn nào và bằng cách gì mà bà (Thoa) lại có được một số lượng cổ phiếu lớn như thế. Ngoài ra thì gia đình nhà bà ấy cũng có một số (lượng) cổ phiếu rất lớn ở công ty Điện Quang. Vậy thì việc cổ phần hóa đã thực hiện như thế nào và cổ phần đó đã được mua đi bán lại ra làm sao."

Theo cựu viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung Ương Lê Đăng Doanh, luật cổ phần hóa quy định “ưu đãi bán cho lao động trong doanh nghiệp” và cần xem xét liệu việc mua đi bán lại cổ phần của doanh nghiệp này.

Bà Thoa bị chú ý sau khi báo chí phanh phui rằng thứ trưởng Thoa có liên quan tới việc bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh, cựu chủ tịch PVC, người đang bị truy nã quốc tế. Trong thời gian ông Thanh làm chủ tịch PVC từ 2009 đến 2013, công ty này đã thua lỗ 150 triệu đô la.

Kinh tế gia Lê Đăng Doanh nói:

"Với tư cách là 1 thứ trưởng lãnh đạo bộ Công Thương và cả lãnh đạo xí nghiệp Điện Quang mà bà (Thoa) có một khối lượng cổ phiếu lớn như vậy thì theo điều mà tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn nói là phải đề phòng, phải đấu tranh với những hiện tượng suy thoái, thoái hóa, biến chất. Thế thì đây là một hiện tượng gì? Và sẽ phải xử lý việc này như thế nào? Hay là cứ để việc đó coi như là bình thường và không ai có ý kiến gì cả hay sao? Đấy là điều mà tôi nghĩ là hiện nay dư luận rất quan tâm."

Việc kê khai tài sản cá nhân của các viên chức và lãnh đạo nhà nước luôn được coi là một thủ tục không minh bạch. Báo chí trong nước đồng loạt nêu lên mối quan tâm của dư luận về những hạn chế trong việc kiểm soát tài sản của các quan chức và tính minh bạch trong việc kê khai, giám sát tài sản của cán bộ nhà nước.

Ông Doanh nhận định:

"Trong tình hình ở Việt Nam thì thu nhập ở đâu và nguồn gố như thế nào thì hiện nay là chưa rõ ràng. Và nếu mà chưa rõ ràng như vậy thì từ trường hợp này có nên rút kinh nghiệm để có sự quản lý nguồn thu và tài sản hay không? Hiện nay có kiểm soát gì đâu. Người ta cứ kê khai như thế còn thì tại sao người ta lại giàu đến như thế thì không có ai xem xét nguồn gốc tại đâu cả."

Theo VnEconomy, một người anh trai của bà Thoa, ông Hồ Đức Lam, đang nắm giữ chức chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nhựa Rạng Đông. Báo điện tử của Thời Báo Kinh Tế Việt Nam cho biết người Ông Hồ Đức Lam sở hữu khối tài sản chứng khoán trị giá 290 tỷ đồng, và có các con trai giữ những chức vụ quan trọng tại Nhựa Rạng Đông.

Cả Điện Quang và Nhựa Rạng Đông đều đã thực hiện cổ phần hóa, bán vốn Nhà nước và niêm yết trên sàn chứng khoán. - VOA




No comments:

Post a Comment