Friday, February 10, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 10/2

Tin Thế Giới

1.
Thượng đỉnh Abe-Trump: Nhật lo ngại Mỹ giảm cam kết tại châu Á --- Shinzo Abe tạo cơ hội cho Donald Trump hạ nhiệt --- Ông Trump: Mỹ-Nhật là trụ cột của an ninh khu vực

Tối qua, 09/02/2017, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tới Washington. Theo AFP, trong cuộc gặp ngày hôm nay với tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Abe đưa ra những cam kết tăng cường đầu tư, tạo công ăn việc làm trên lãnh thổ Mỹ, với hy vọng là tân chủ nhân Nhà Trắng sẽ giảm bớt những chỉ trích nhắm vào Nhật Bản.

Từ Tokyo, thông tín viên Frederic Charles cho biết thêm chi tiết :

"Thủ tướng Shinzo Abe muốn khẳng định với tổng thống Donald Trump về mối quan hệ liên minh vững chắc giữa Nhật và Hoa Kỳ.

Tân tổng thống Mỹ tố cáo Nhật Bản tài trợ không đúng mức cho việc duy trì các căn cứ quân sự Hoa Kỳ trên lãnh thổ Nhật Bản. Về phần mình, Nhật Bản lo ngại Mỹ co cụm, giảm bớt cam kết đối với khu vực hoặc Donald Trump ký kết một thỏa thuận nào đó với Bắc Kinh, bất lợi cho Tokyo và không đếm xỉa đến vấn đề an ninh ở châu Á.

Ông Shinzo Abe sẽ nói tổng thống Mỹ rằng Nhật Bản đang tăng cường khả năng quân sự và sẽ cùng với Hoa Kỳ đảm nhiệm một vai trò to lớn hơn đối với an ninh khu vực. Đổi lại, thủ tướng Shinzo Abe hy vọng là tổng thống Donald Trump tái khẳng định là Mỹ cam kết bảo vệ Nhật Bản, đặc biệt là trước các đòi hỏi lãnh thổ của Trung Quốc tại biển Hoa Đông.

Về kinh tế, do Donald Trump luôn đề cao chủ trương « Ưu tiên sản xuất tại Mỹ », thủ tướng Nhật sẽ đề xuất tạo 700 ngàn việc làm ở Hoa Kỳ, tiến hành nhiều dự án trị giá 450 tỷ đô la trong 10 năm và Nhật Bản sẽ đầu tư vào dự án tàu cao tốc tại tiểu bang Texas và California". - RFI

***
Sau thủ tướng Anh Theresa May, đến lượt thủ tướng Nhật Bản được tân tổng thống Mỹ tiếp tại Nhà Trắng vào thứ Sáu 10/02/2017. Thủ tướng Shinzo Abe cầm trong tay một kế hoạch đầu tư và hợp tác kinh tế khổng lồ, tạo ra 700.000 công ăn việc làm tại Mỹ với kỳ vọng tiếp tục được Washington yểm trợ trước mối đe dọa của Trung Quốc. Tiếp thủ tướng Nhật cũng là cơ hội để ông Donald Trump ý thức được ông là tổng thống của nước Mỹ.

Là nhà lãnh đạo quốc tế thứ hai tới Nhà Trắng từ khi Donald Trump lên cầm quyền, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tìm bảo đảm cho tương lai của liên minh Mỹ-Nhật trong bối cảnh thế lực Trung Quốc càng ngày càng mạnh.

Qua đường dây liên lạc giữa Tokyo và nhóm cố vấn của ứng cứ viên đảng Cộng Hoà, vào tháng 11/2016, thủ tướng Shinzo Abe là lãnh đạo quốc tế đầu tiên được Donald Trump tiếp kiến ngay khi đắc cử. Trong khi đó, một số nhà lãnh đạo khác từ tổng thống Mêhicô, thủ tướng Úc cho đến nữ thủ tướng Đức bị chủ nhân Nhà Trắng, do tính khí thất thường, không tiếc lời chỉ trích công khai hoặc có cử chỉ thô lỗ. Chính nhờ mối quan hệ được chuẩn bị trước này mà lãnh đạo Nhật Bản được Donald Trump đối xử một cách thân thiện và hy vọng tinh thần hữu hảo tiếp tục kéo dài. Thủ tướng Nhật tuyên bố chờ đợi « cuộc gặp gỡ Mỹ-Nhật lần này chứng tỏ liên minh giữa hai nước sẽ được củng cố với tổng thống Donald Trump ».

Thực ra, chính Washington đã có động thái trước để trấn an Tokyo. Qua chuyến viếng thăm hồi đầu tháng 02/2017, tân bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis đã xác quyết : Hoa Kỳ sát cánh với Nhật Bản 100% kể cả để bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang bị Trung Quốc tranh chấp chủ quyền. Tổng thống Trump cũng dẹp qua một bên những đe dọa lúc tranh cử « để Nhật tự vệ một mình nếu không chia sẻ thêm gánh nặng với Mỹ».

Biết rõ thâm thủng cán cân thương mại và nạn thất nghiệp là mối ám ảnh của tổng thống Donald Trump, thủ tướng Shinzo Abe không đến thăm chủ nhà với bàn tay không. Ông đề ra kế hoạch hợp tác kinh tế (để trói tay tỷ phú địa ốc Trump) trong đó Nhật sẽ giúp xây dựng đường xe lửa cao tốc ở hai bang Texas và California, chế tạo robot phục vụ y học… với dự kiến tạo ra 700.000 việc làm tại Hoa Kỳ.

Đối với chủ nhân Nhà Trắng thì chuyến viếng thăm của thủ tướng Nhật tạo hai cơ hội tốt. Thứ nhất để ông tỏ ra xứng đáng với vai trò mới lãnh đạo siêu cường chứ không còn là anh MC, hoạt náo viên truyền hình. Vào lúc Shinzo Abe đáp xuống Washington, tổng thống Mỹ gọi điện cho chủ tịch Trung Quốc, tuyên bố tôn trọng « nguyên tắc một nước Trung Hoa » để xoa dịu Bắc Kinh. Cuộc điện đàm Donald Trump-Tập Cận Bình được mô tả là « rất thân thiện » càng làm nổi bật ý nghĩa của cuộc hội kiến thượng đỉnh Mỹ-Nhật ngày hôm sau.

Các hợp đồng khổng lồ về kinh tế và công nghiệp có thể giúp cho công luận bớt chú ý vào những thất bại và phê phán cay nghiệt, câu chuyện dài nhiều tập do chính ông gây ra : từ những tuyên bố bốc đồng cho đến sắc luật di trú mang tính phân biệt đối xử, phản lại truyền thống tự do, bao dung của Hiệp Chủng Quốc, bị toà án đình chỉ.

Tiếp Shinzo Abe còn là cơ hội để ông Donald Trump hạ nhiệt, tự giác tránh đưa ra những lời tuyên bố thiếu chín chắn hay mắng chửi phóng viên. - RFI

***
Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 10/2 tuyên bố liên minh Mỹ-Nhật là trụ cột của hòa bình-ổn định khu vực.

Ông Trump bắt đầu 2 ngày hội đàm với Thủ tướng Nhật bằng một cái ôm chầm thân thiết khi ông Shinzo Abe bước vào Tòa Bạch Ốc. Trong Phòng Bầu Dục, lãnh đạo hai nước đồng minh đã tươi cười ‘tay bắt mặt mừng’ trước khi ngồi xuống thảo luận.

Tại cuộc họp báo chung với ông Abe, ông Trump tránh không nhắc lại luận điệu lúc tranh cử khi ông tố cáo Nhật lợi dụng viện trợ an ninh của Hoa Kỳ và đánh cắp công ăn việc làm của dân Mỹ.

“Chúng tôi cam kết với an ninh của Nhật, tất cả những khu vực thuộc quyền kiểm soát hành chính của Nhật và tăng cường hơn nữa liên minh thiết yếu của chúng tôi,” Tổng thống Trump tuyên bố.

Thông cáo báo chí chung của đôi bên nêu rõ cam kết của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ Nhật bằng các khả năng quân sự truyền thống và khả năng hạt nhân không thay đổi.

Đây là một thắng lợi cho ông Abe, người trông đợi chuyến thăm Washington lần này sẽ phát huy sự tin cậy lẫn nhau và hữu nghị với tân Tổng thống Mỹ cũng như gửi ra một thông điệp rằng đồng minh Mỹ-Nhật mấy chục năm nay không hề lay chuyển trước một nước Trung Quốc trỗi dậy.

Vẫn theo thông cáo, hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nhật xác nhận rằng Điều khoản 5 trong hiệp ước an ninh song phương có tính luôn cả quần đảo Senkaku do Nhật kiểm soát mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền, gọi là Điếu Ngư.

Sau cuộc gặp ở Tòa Bạch Ốc, ông Trump và ông Abe đã lên đường đi Florida, nghỉ dưỡng cuối tuần tại khu nghỉ mát Mar-a-Lago của ông Trump. - VOA
|
|

2.
Máy bay Mỹ-Trung ‘áp sát nhau’ trên Biển Đông

Một máy bay P-3 của hải quân Mỹ và một phi cơ quân sự Trung Quốc áp sát nhau trên Biển Đông trong sự cố mà hải quân Mỹ cho là không cố ý.

Một giới chức Mỹ cho hãng Reuters biết ngày 9/2 rằng máy bay của đôi bên bay sát nhau với cự ly chỉ hơn 300 mét hôm 8/2 trong khu vực bãi cạn Scarborough, giữa Philippines và Hoa lục.

Nguồn tin này nói thêm rằng các ‘sự cố’ giữa máy bay Trung-Mỹ không thường xảy ra, trong năm ngoái chỉ có 2 vụ mà thôi.

Theo Bộ Tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương, vụ việc hôm 8/2 xảy ra trong lúc máy bay Mỹ đang làm nhiệm vụ thường lệ theo đúng luật quốc tế.

Bộ Tư lệnh cho biết thêm sự việc ‘không an toàn’ xảy ra trong không phận quốc tế trên Biển Đông, giữa máy bay KJ-200 của Trung Quốc và chiếc P-3C của hải quân Mỹ và rằng phía Hoa Kỳ luôn quan ngại về các tương tác ‘không an toàn’ với lực lượng quân sự Trung Quốc.

Phía Mỹ loan báo sẽ nêu vấn đề thông qua các kênh quân sự và ngoại giao thích hợp.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói các phi công Trung Quốc đã phản ứng bằng các biện pháp ‘hợp pháp và chuyên nghiệp.’

Trong một diễn biến khác, Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 10/2 loan báo 3 tàu đã rời cảng để tham gia các cuộc diễn tập ở Biển Đông, phía Đông Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình. - VOA
|
|

3.
Trung Quốc sắp chiếm ngôi đầu kinh tế thế giới

Trung Quốc sẽ soán ngôi Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trước năm 2030, theo kết quả cuộc nghiên cứu vừa công bố của một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới hiện nay.

PriceWaterhouse Coopers dự báo trước năm 2030, Trung Quốc sẽ vượt lên chiếm vị trí của Mỹ dẫn đầu kinh tế thế giới, theo sau là Ấn Độ. Mỹ tuột xuống hạng ba, và Indonesia sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư toàn cầu.

Dự báo được đưa ra giữa thời điểm tăng trưởng kinh tế Mỹ yếu và sức ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới có thể đang giảm bớt.

Phúc trình đưa ra dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong dài hạn tới năm 2050 đối với 32 nền kinh tế trên thế giới chiếm 85% GDP toàn cầu.

Theo đó, kinh tế thế giới được dự đoán sẽ tăng hơn gấp đôi về kích cỡ vào năm 2050 nhờ vào cải thiện năng suất thúc đẩy bởi công nghệ. Bảy nền kinh tế đang trỗi dậy, đứng đầu là Trung Quốc, sẽ tăng trưởng nhanh gấp đôi so với bảy nền kinh tế tiên tiến hiện nay.

Một bài phân tích trên tờ Fortune ngày 9/2 cho rằng với dân số lớn hàng thứ ba, Mỹ lâu nay là nền kinh tế số một trên thế giới vì năng suất vốn và lao động của Mỹ lớn hơn gấp nhiều lần so với năng suất của Trung Quốc hay Ấn Độ. Tuy nhiên, hiện nay các nước đang đuổi theo Mỹ về năng suất.

Vẫn theo tác giả bài viết, chính sách Mỹ dưới các chính quyền của cả hai bên Dân chủ hay Cộng hòa đều đã liên tục khuyến khích Trung Quốc ‘giải phóng’ nền kinh tế vì điều đó có lợi cho tất cả các bên, kể cả Mỹ và người dân Trung Quốc.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, 800 triệu dân Trung Quốc đã được thoát nghèo nhờ cải cách dựa trên cơ chế thị trường ở Trung Quốc.

Kinh tế Ấn Độ bị kèm hãm bởi chủ nghĩa xã hội cho tới khi bùng nổ cuộc khủng hoảng buộc Ấn mở cửa vào năm 1991, cũng với sự khuyến khích của Mỹ, và hàng trăm triệu dân nghèo nhất ở Ấn đã được hưởng lợi.

Một khi các nền kinh tế như Trung Quốc hay Ấn Độ ‘thay da đổi thịt’ thì cách biệt về năng suất quốc gia cũng thu hẹp, và thế giới bớt nghèo hơn.

Xu hướng này sẽ không ngừng, theo tác giả bài phân tích trên Fortune, và điều đó cũng có nghĩa là kinh tế Mỹ sẽ phải nhường chỗ cho Trung Quốc, dù sớm hay muộn. Đó là một phần không thể tránh khỏi của một thế giới thịnh vượng hơn mà mọi người đã nỗ lực hàng chục năm nay để hướng tới.

Tuy khả năng đó có thể xảy ra nhưng ‘khó nói trước’, theo nhận xét của Tiến sĩ Vũ Quang Việt, nhà kinh tế từng là Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia thuộc Cục Thống kê Liên hiệp quốc.

Ông Việt nói: “Nếu cứ tính theo diễn tiến bình thường những gì đang diễn ra bây giờ trên kinh tế thế giới, hoặc giảm chút xíu, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ, nhưng không phải trong thời gian ngắn hạn được đâu. ‘Vượt’ nếu như mọi chuyện như bây giờ, không có khủng hoảng gì cả, kinh tế cứ tự tiến như hiện tại.”

Chuyên gia đang cố vấn cho một số định chế quốc tế trong đó có Ngân hàng Phát triển Châu Phi này cho rằng mốc thời gian cuộc nghiên cứu dự báo Trung Quốc sẽ qua mặt Mỹ vào năm 2030 là ‘lạc quan’ vì theo ông, nếu kinh tế thế giới tốt đẹp như dự báo thì cũng phải đến 2040 hoặc 2050 Trung Quốc mới có thể soán được vị trí của Mỹ làm đầu tàu kinh tế thế giới.

Một số người tỏ ra quan ngại rằng mọi chuyện có ‘đảo chiều’ một khi Trung Quốc trở thành nền kinh tế số 1 thế giới với ảnh hưởng bành trướng hơn. Tiến sĩ Vũ Quang Việt hoài nghi về khả năng ‘thay thế’ Mỹ của Trung Quốc, vì, theo ông, Trung Quốc còn rất nhiều hạn chế.

“Phát triển kinh tế phải dựa vào khoa học kỹ thuật, phải nghiên cứu tạo cái mới. Tới giờ, cả châu Âu cộng lại cũng chưa phát triển khoa học hơn Mỹ được. Vả lại, một xã hội [Trung Quốc] không có tự do, không có sự suy nghĩ tự do thì cũng khó. Để bắt kịp tổng thể lớn hơn nhưng từng người một thì yếu kém hơn và khả năng phát triển khoa học kỹ thuật cũng yếu kém hơn thì liệu Trung Quốc có thể làm được gì?” kinh tế gia từng làm việc cho Liên hiệp quốc nêu vấn đề.

Hơn nữa, vẫn theo Tiến sĩ Việt, sự ‘lên ngôi’ của Trung Quốc cũng đề ra nhiều khó khăn, rủi ro, thay vì là lợi ích, cho các nước. “Trung Quốc đang bành trướng. Tôi đi nhiều nước Phi Châu thấy Trung Quốc đang đổ tiền tại đây rất nhiều để kiểm soát các hầm mỏ, nguyên khoáng sản của Phi Châu. Tại vài nước, Trung Quốc còn đưa hẳn nhân công sang làm việc bên đó. Sau đó, xuất hàng trở về Trung Quốc. Trung Quốc bây giờ họ bung tiền ra khắp nơi để tìm cách kiểm soát. Tại Việt Nam cũng vậy, Trung Quốc cũng muốn sử dụng nguyên khoáng sản rồi đưa về nước phục vụ phát triển công nghệ của họ.”

Theo chuyên gia này, để cản chân sự trỗi dậy đầy nguy hiểm của một đất nước bất chấp luật lệ, coi thường nhân quyền như Trung Quốc, đã đến lúc Mỹ phải có những ‘trả đũa’, bắt buộc Trung Quốc phải tôn trọng luật lệ và hành xử công bằng, sòng phẳng; và người dân các nước phải lên tiếng trước những bước tiến kiểu ‘thực dân mới’ của Trung Quốc.

Thời gian gần đây, Trung Quốc đã chứng kiến làn sóng phản đối xuất hiện tại nhiều nước từ Châu Phi tới Châu Á, với các cuộc biểu tình bài Trung và tẩy chay hàng Trung Quốc.

Cuộc nghiên cứu của PriceWaterhouse Coopers cũng dự báo tới năm 2050, kinh tế Anh bị rớt xuống hạng 10, Pháp ra khỏi ‘top ten’, Italy bị loại khỏi top 20 và, đáng chú ý, là các nước này bị các nền kinh tế mới nổi lần lượt là Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ, và Việt Nam soán chỗ.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng các nền kinh tế mới nổi, như Trung Quốc hay Việt Nam, muốn hiện thực hóa các tiềm năng tăng trưởng dài hạn đầy hứa hẹn như dự báo cần phải cải cách và tăng cường các định chế lẫn cơ sở hạ tầng. - VOA
|
|

4.
Chiến đấu cơ Pháp nghênh chặn oanh tạc cơ Nga

Không Quân Pháp hôm qua 09/02/2017 đã cho chiến đấu cơ cất cánh để ngênh chặn 2 oanh tạc cơ Nga bay cách bờ biển Pháp 100 km, nhưng chưa vào không phận Pháp.

Sự vụ diễn ra vào khoảng 12 giờ 30 phút, khi 2 chiến đấu cơ Mirage 2000 được lệnh cấp tốc cất cánh để sẵn sàng nghênh chặn oanh tạc cơ Nga đang từ phía Ireland hướng về vùng Bretagne, miền tây nước Pháp. Nửa tiếng đồng hồ sau, một chiếc Rafale của Pháp cũng được phái đến tăng viện.

Chiến đấu cơ Pháp đã « hộ tống » máy bay Nga về hướng Tây Ban Nha, trước khi bàn giao công việc này cho chiến đấu cơ Tây Ban Nha. Sau đó oanh tạc cơ Nga đã đổi hướng bay trở về nước.

Ngoài ba chiến đấu cơ, Không Quân Pháp cũng đã huy động một máy bay dọ thám AWACS và một phi cơ tiếp liệu trong nhiệm vụ này.

Theo hãng tin Pháp AFP, thoạt đầu có đến 6 oanh tạc cơ Nga bị phát hiện lúc 7 giờ sáng gần Na Uy, ở vùng Bắc Âu. Sau đó, 4 chiếc đã quay về Nga, trong lúc 2 chiếc Tu-160 Blackjack tiếp tục bay hướng về Anh Quốc. Hai chiếc này bị chiến đấu cơ Anh Eurofighter Typhoon bay lên giám sát và hộ tống cho đến khi máy bay Nga bay vòng qua phía tây Ireland để hướng về nước Pháp.

Những sự cố được gọi là « khiêu khích » của Nga như kể trên rất thường xẩy ra trong thời gian gần đây. Máy bay Nga không nhất thiết tiến vào không phận các quốc gia thành viên NATO, nhưng không thông báo lịch trình bay, không tiếp xúc qua radio, và không bật hệ thống phát đáp tín hiệu, một loại máy điện tử cho phép định vị qua radar để tránh các vụ va chạm trên không. - RFI
|
|

5.
Rumani: Bộ trưởng Tư Pháp từ chức sau các đợt biểu tình --- Cuộc chiến chống tham nhũng ở Rumani : Từ phản đối nghị định tới đòi chính phủ từ chức

Bộ trưởng Tư Pháp Rumani vào hôm qua, 09/02/2017, đã thông báo từ chức sau đợt biểu tình rầm rộ phản đối nghị định giảm nhẹ tội tham nhũng được ban bố ngày 31/01 và bị bãi bỏ Chủ nhật vừa qua.

Bộ trưởng Florin Iordache là một trong những người chủ trương giảm nhẹ tội tham nhũng. Trong cuộc họp báo hôm qua tại trụ sở chính quyền ông tuyên bố: « Tôi quyết định từ nhiệm ». Ông còn giải thích từ khi nhậm chức ông đã tiến hành những công việc cần thiết để giải quyết những vấn đề rất tế nhị, những đề nghị của ông hợp pháp và hợp hiến, nhưng đối với dư luận thì chưa đủ thuyết phục, cho nên ông quyết định từ chức.

Hàng trăm ngàn người đã xuống đường hầu như hàng ngày sau khi nghị định của chính phủ được ban bố. Hôm Chủ nhật, số người xuống đường là nửa triệu, nhưng đã giảm hẳn sau đó, cho dù vẫn còn vài ngàn người biểu tình phản đối chính phủ.

Ngoài việc đòi hỏi bãi bỏ nghị định, người dân Rumani còn yêu cầu các bộ trưởng có liên quan từ chức.

Không chỉ dân chúng Rumani chống lại nghị định giảm tội tham nhũng, Liên Hiệp Châu Âu cũng đã lên tiếng chỉ trích và thiết lập một cơ chế giám sát vấn đề chống tham nhũng ở Rumani, thành viên Châu Âu từ năm 2007. - RFI

***
Theo kết quả thăm dò ý kiến của một tổ chức quốc tế, 49% số người Rumani được hỏi cho rằng tham nhũng là một vấn đề lớn của đất nước. Việc chính phủ Rumani ra nghị định giảm nhẹ tội cho những kẻ tham nhũng đã khiến dân chúng phẫn nộ và xuống đường biểu tình trong suốt nhiều ngày.

Chỉ tính riêng ngày chủ nhật 05/02/2017, đã có tổng cộng 105 ngàn người xuống đường biểu tình đòi chính phủ rút lại nghị định bị coi là bảo vệ những kẻ tham nhũng, trong khi dân số của Rumani là chỉ có 20 triệu người. Đây là tỉ lệ người đấu tranh biểu tình rất lớn.

Trước phong trào biểu tình mạnh mẽ nhất kể từ khi chế độ cộng sản ở Rumani sụp đổ vào năm 1989, chính phủ Rumani đã buộc phải hủy bỏ nghị định trên. Tuy nhiên, trên khắp đất nước Đông Âu này, hàng trăm ngàn người dân vẫn tiếp tục biểu tình trong những ngày qua. Lần này, họ đòi chính phủ từ chức.

Để hiểu hơn về phong trào này đấu tranh này, ngày 07/02/2017, RFI đã có buổi trao đổi với nhà sử học Catherine Durandin, chuyên gia về lịch sử Rumani, giáo sư Viện ngôn ngữ và văn minh phương Đông INALCO và ông Matei Visniec, phóng viên ban tiếng Rumani của đài RFI.

RFI : Tại sao phong trào biểu tình lần này lại kéo dài ngay cả khi chính phủ đã quyết định rút lại nghị định bị coi là bảo vệ những kẻ tham nhũng, điều này có nghĩa là cơn giận dữ của người biểu tình sâu đậm hợn cả nỗi tức giận về việc chính phủ ra quyết định giảm nhẹ tội cho những kẻ tham nhũng ?

Nhà sử học Catherine Durandin : Vâng, tôi tin là cơn giận dữ của người biểu tình sâu đậm hơn rất nhiều, vì trong cuộc bầu cử Quốc Hội vào hồi tháng 12/2016 mà liên minh trong đó đa phần là đảng xã hội đã thắng cử, thì giới trẻ và những người sống ở thành thị có rất ít tiếng nói, những người đi bầu và được bầu vào Quốc Hội chủ yếu là những người nhiều tuổi và sống ở nông thôn.

Có hai thế hệ tham gia vào cuộc biểu tình lần này. Đó là thế hệ trẻ và thế hệ của những người đã tham gia vào cuộc đại biểu tình năm 1989 phản đối nhà độc tài Ceauşescu và phe xã hội. Những người đã từng biểu tình năm 1989 nay lại tiếp tục xuống đường. Có vẻ như họ muốn hoàn thành nốt nhiệm vụ còn đang dang dở.

Biểu tình không chỉ diễn ra ở thủ đô Bucarest mà còn diễn ra ở những thành phố phát triển. Còn tại miền Bắc và miền Đông Bắc Rumani, nơi tập trung nhiều thành phố kém phát triển thì không hề có biểu tình.

Trong bối cảnh cuộc đấu tranh chống nạn tham nhũng mà chính phủ tiến hành đã bước đầu thành công, tôi thấy có một sự ngạo ngễ, ngu ngốc, tàn nhẫn mà báo chí và phe đối lập hướng nhắm vào Quốc Hội và đảng Xã Hội. Đó là sự khinh miệt. Họ bất chấp tất cả.

RFI : Liệu người dân có coi việc chính phủ thông qua nghị định một cách vô cùng chóng vánh như vừa qua như một sự mù quáng, thiếu tôn trọng dân chúng ?

Nhà báo Matei Visniec : Vâng, rất có thể là như vậy. Có một sự tự đại, một sự thiếu hiểu biết hoàn toàn về xã hội và văn hóa Rumani. Xã hội Rumani giờ không còn như hồi trước khi gia nhập Liên Hiệp Châu Âu. Hiện có 3 triệu người Rumani đang làm việc tại nước ngoài. Hàng chục, hàng trăm ngàn thanh niên Rumani đi du học nước ngoài. Xã hội Rumani đã chuyển biến rất nhiều nhưng vẫn đồng nhất. Những người Rumani trong nước và những người Rumani ở nước ngoài nước giao tiếp, trao đổi thông tin với nhau, tạo một luồng gió mới. Đó chính là phong trào đấu tranh hiện nay.

RFI : Đó cũng là một nước Rumani đang nỗ lực đấu tranh chống tham nhũng. Một cơ quan quốc gia về chống tham nhũng đã được lập và đã xét xử hơn 1000 chính trị gia và quan chức cao cấp. Những người biểu tình vẫn muốn chính phủ tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng này ?

Nhà báo Matei Visniec : Chắc chắn là như vậy rồi. Nhiều bộ trưởng và thậm chí cả 1 vị thủ tướng đã bị tống giam vào tù vì tham nhũng. Đây là những việc lần đầu tiên xảy ra ở Rumani. Từ 10 năm trở lại đây, người dân Rumani mới có lại được niềm tin. Ấy vậy mà, với nghị định mới của chính phủ, đùng một cái, họ lại phải quay trở lại vạch xuất phát. Người dân không chấp nhận điều này. Chính vì thế, họ đồng loạt xuống đường biểu tình. Nhưng phong trào biểu tình lần này khác với phong trào biểu tình năm 1989. Như tờ báo Libération nhận xét, đây giống một « lễ hội », « một lễ hội ngoài trời ».

RFI : Thêm một nét mới nữa, đó là phong trào biểu tình lần này được nói tới nhiều hơn trên các trang mạng xã hội, trên Facebook. Có phải giới trẻ đã tìm ra một cách mới để huy động và tập hợp người biểu tình?

Nhà báo Matei Visniec : Đây đúng là một hiện tượng xã hội, một hiện tượng xã hội - công nghệ, số hóa mà chúng ta cần phân tích sâu. Internet và các mạng xã hội có thể là một công cụ để thực hiện dân chủ. Và giới trẻ, với khả năng tốt, họ chỉ cần có 3 phút là đã có thể quay phim, tung lên mạng hay trao đổi thông tin ngay lập tức. Điều này đã khiến việc huy động biểu tình trở nên đơn giản, dễ dàng. Đứng đằng sau hàng trăm ngàn người biểu tình đó, có lẽ không có một cơ quan tổ chức nào mà chỉ có internet, các mạng xã hội và điện thoại di động. Thêm vào đó, trong thời buổi công nghệ số, Rumani cũng đã trang bị được các công cụ hiện đại. Ngành công nghệ số của Rumani cũng phát triển rất nhanh, thậm chí các hacker Rumani giờ cũng rất mạnh.

Chính phủ Rumani thuộc đảng Dân Chủ - Xã Hội, còn tổng thống Rumani lại là người thuộc cánh trung hữu. Phát biểu trước các đại biểu Quốc Hội hôm thứ Ba 07/02/2017, tổng thống Klauss Iohannis đã tìm cách dung hòa người biểu tình và chính phủ. Ông nói, rút một nghị định và chỉ cần ép chính phủ cách chức một bộ trưởng là quá ít, còn đòi hỏi bầu cử trước thời hạn thì lại là quá đáng. Tổng thống Klauss Iohannis cũng phát biểu là Rumani cần chính phủ làm việc một cách rõ ràng, rành mạch chứ không phải theo kiểu « lén lút », « đi đêm ».

Theo đề xuất của phe trung hữu của tổng thống Klauss Iohannis, hôm thứ Tư 08/02/2017, Quốc hội Rumani đã tổ chức bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ của đảng Dân Chủ Xã Hội cầm quyền. Đảng này đã may mắn vượt qua cuộc bỏ phiếu. Tuy nhiên, phe trung hữu tuyên bố sẽ tiếp tục giám sát đảng Dân Chủ Xã Hội.

Còn bà Laura Kodruta Kovesi, nhân vật số 1 của DNA - Cơ Quan Quốc Gia Chống Tham Nhũng được lập ra năm 2013 hôm qua cảnh báo là các mưu toan thay đổi luật để giảm nhẹ tội tham những vẫn còn có thể tiếp diễn bất cứ lúc nào. - RFI
|
|

6.
Nga “chia buồn” với Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ oanh kích nhầm tại Syria

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 09/02/2017 thông báo, ba quân nhân nước này tử vong, 11 người bị thương tại miền bắc Syria, do Không Quân Nga oanh kích nhầm. Tổng thống Vladimir Putin nhìn nhận đây là một “tai nạn” và lập tức gọi điện chia buồn với tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Chính quyền Nga cho biết vụ oanh kích nhầm đã xảy ra tại tỉnh Al Bad, một thành trì của quân thánh chiến Hồi Giáo ở Syria.

Trong một thời gian dài, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bất đồng trên hồ sơ Syria, chủ yếu là về vai trò của tổng thống Bachar Al Assad, nhưng từ tháng 01/2017 Matxcơva và Ankara “phối hợp hành động, cùng can thiệp” tại Syria, nhắm vào những “mục tiêu khủng bố”.

Từ Matxcơva, thông tín viên Muriel Pomponne trở lại với “tai nạn” ngày hôm qua, gây thiệt hại cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ :

« Không quân Nga tiến hành chiến dịch tấn công tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Al-Bab, miền bắc Syria, oanh tạc một khu nhà ở trong đó nhiều đơn vị Thổ Nhĩ Kỳ đang chiếm đóng. Ba quân nhân thiệt mạng, 11 người bị thương. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nói tới một ‘tai nạn’.

Qua điện thoại, tổng thống Vladimir Putin ngỏ lời chia buồn với đồng nhiệm Recep Tayyip Erdogan sau sự cố nói trên. Chỉ huy trưởng lực lượng Nga, Valery Guerassimov, cũng đã có một cuộc điện đàm với đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ. Đôi bên đồng ý cải thiện các kênh trao đổi thông tin và hợp tác quân sự.

Kể từ khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ làm hòa lại với nhau vào mùa hè năm ngoái, đôi bên liên tục có những động thái xích lại gần nhau và cải thiện hợp tác quân sự tại Syria.

Vào tháng 08/2016, Ankara phát động chiến dịch quân sự tại miền bắc Syria. Matxcơva sưởi ấm quan hệ với Ankara. Tiêu biểu nhất là một thỏa thuận ba bên, gồm Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và cả Iran hồi tháng 12/2016 sau khi quân đội chính phủ Syria với sự hỗ trợ của Không Quân Nga chiếm lại được thành phố Aleppo. Tại cuộc họp ở Astana vào tháng trước, cũng ba quốc gia này đã cam kết gia tăng nỗ lực chống khủng bố. Đây là điều đã được tổng thống Putin và Erdogan khẳng định lại trong cuộc điện đàm hôm qua. Trên nguyên tắc, một cuộc tiếp xúc ở cấp cao nhất giữa nguyên thủ hai nước sẽ được mở ra vào tháng 03/2017”. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

7.
Trump ủng hộ chính sách ‘Một Trung Quốc’ --- Donald Trump đặt Đài Loan vào một tình thế tế nhị

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý tôn trọng chính sách được gọi là "Một Trung Quốc" trong một cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Nhà Trắng cho biết.

Chính sách một Trung Quốc là sự thừa nhận ngoại giao rằng chỉ có một chính phủ Trung Quốc.

Ông Trump đã có động thái gây nghi ngờ cho chính sách có từ bấy lâu nay khi ông đã điện đàm với tổng thống Đài Loan hồi tháng mười hai.

Động thái này là bước đột phá lớn về nghi thức ngoại giao truyền thống và khiến Bắc Kinh phản đối chính thức.

Đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa lãnh đạo Trung Mỹ kể từ khi ông Trump nhậm chức vào ngày 20/01/2017 mặc dù tân tổng thống Hoa Kỳ đã gọi điện trao đổi với nhiều nhà lãnh đạo tại các quốc gia khác.

Nhà Trắng cho biết một loạt các vấn đề đã được thảo luận trong cuộc gọi mà họ mô tả là "cực kỳ thân mật".

Hai nhà lãnh đạo đã mời nhau sang thăm và hy vọng sẽ đàm phán thêm.

Một thông cáo từ Bắc Kinh nói Trung Quốc đánh giá cao việc ông Trump thừa nhận chính sách Một Trung Quốc.

Hai quốc gia là "đối tác hợp tác, và thông qua các nỗ lực chung chúng ta có thể thúc đẩy quan hệ song phương lên tầm cao mới có tính lịch sử," thông cáo dẫn lời ông Tập.

Cuộc điện đàm được thực hiện sau khi ông Trump gửi thư cho ông Tập vào thứ Năm - cách tiếp cận trực tiếp đầu tiên của tổng thống Mỹ tới lãnh đạo Trung Quốc.

Ông Trump từng gây quan ngại nghiêm trọng cho Bắc Kinh khi ông nhận cuộc gọi từ nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn.

Mặc dù Hoa Kỳ là đồng minh quân sự chính của Đài Loan, không có Tổng thống Mỹ hay Tổng thống đắc cử nào từng nói chuyện trực tiếp với một nhà lãnh đạo Đài Loan trong nhiều thập niên.

Theo chính sách Một Trung Quốc, Hoa Kỳ công nhận và có quan hệ chính thức với Trung Quốc chứ không phải là Đài Loan, nơi Trung Quốc coi là một tỉnh ly khai và một ngày nào đó sẽ được thống nhất với đại lục.

Đã có lúc ông Trump dường như tỏ quan điểm rằng chính sách của Mỹ có thể thay đổi, khi nói rằng "Tôi không biết lý do tại sao chúng ta phải bị ràng buộc bởi chính sách Một Trung Quốc trừ khi chúng ta thực hiện một thỏa thuận với Trung Quốc để làm những việc trong đó có mậu dịch".

Tân Tổng thống và các quan chức của ông cũng đã từng gây sửng sốt cho Bắc Kinh với các bình luận cứng rắn về thương mại và thực trạng Trung Quốc xây cất cơ sở quân sự ở Biển Đông. - BBC

***
Nhân chuyến công du Hoa Kỳ của thủ tướng Nhật Shinzo Abe, tờ Le Figaro hôm nay điểm qua những hồ sơ lớn mà chính quyền Trump phải giải quyết, trong đó đặc biệt có vấn đề Đài Loan.

Với hàng tựa « Đài Loan trong tình thế tế nhị », tờ Le Figaro mở đầu bài viết với câu hỏi : « Phải chăng Donald Trump đã tặng một món quà tẩm độc cho tổng thống Đài Loan khi nhận cú điện thoại của bà, vài tuần sau khi đắc cử tổng thống Mỹ ? ».

Khi muốn bảo đảm sự yểm trợ quân sự của Hoa Kỳ, bà Thái Anh Văn thừa biết rằng hành động này sẽ khiến Bắc Kinh phẫn nộ. Nhưng chắc là bà không ngờ rằng vị tỷ phú Mỹ sẽ dùng Đài Loan như là món hàng trao đổi trong tương quan lực lượng với Trung Quốc.

Trong vai trò bia đỡ đạn, Đài Bắc có nguy cơ chịu áp lực ngày càng mạnh từ Hoa lục vào lúc quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan đã trở nên căng thẳng kể từ khi bà Thái Anh Văn lên làm tổng thống. Thật ra, theo Le Figaro, chính quyền hiện nay ở Đài Loan không hề muốn cắt đứt mọi liên hệ với Bắc Kinh, trong khi vẫn tìm kiếm sự bảo vệ của Mỹ.

Trong kịch bản tồi tệ nhất, Đài Loan thậm chí sẽ bị Trung Quốc trừng phạt kinh tế, bị Hoa Kỳ bỏ rơi, nếu Bắc Kinh chấp nhận những thỏa hiệp với Mỹ, như nhận định của chuyên gia Valérie Niquet, đặc trách châu Á của Tổ chức Nghiên cứu Chiến lược (FRS), được Le Figaro trích dẫn.

Một bộ phận người dân Đài Loan đang sợ rằng Trung Quốc sẽ dùng vũ lực để thống nhất đảo này với Hoa lục, mà tổng thống Mỹ, vốn theo xu hướng biệt lập, sẽ không can thiệp. Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định rằng Hoa Kỳ có thể, một mặt duy trì áp lực lên Bắc Kinh và mặt khác, tăng cường quan hệ không chính thức với Đài Loan, nhất là về mặt quân sự. - RFI
|
|

8.
Trump thua kiện, Tòa từ chối khôi phục lệnh cấm

Tòa phúc thẩm Mỹ bác lập luận của chính quyền ông Donald Trump đòi khôi phục lại lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân từ bảy nước có đông dân Hồi giáo.

Tòa phúc thẩm Khu vực 9 của Hoa Kỳ cho biết họ sẽ không ngăn phán quyết về việc dừng sắc lệnh của ông Trump.

Ông Trump giận dữ đáp trả bằng một dòng trên Twitter nói an ninh quốc gia đang bị đe dọa và "hẹn gặp quý vị tại tòa".

Ba thẩm phán ra phán quyết nhất trí cho rằng chính phủ đã không chứng minh được mối đe dọa khủng bố khi đòi phục hồi lệnh cấm.

Phán quyết này có nghĩa rằng những người đến từ Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen với visa hợp lệ có thể tiếp tục nhập cảnh Mỹ.

Và những người tỵ nạn từ khắp nơi trên thế giới, cũng là đối tượng của lệnh cấm tạm thời, không còn bị ngăn chặn vào Mỹ.

Vụ kiện nhiều khả năng kết thúc ở Tòa Tối cao Hoa Kỳ.

Ba thẩm phán Tòa phúc thẩm nói gì?

Họ bác bỏ lập luận của Bộ Tư pháp thay mặt cho chính phủ Hoa Kỳ, rằng tổng thống có toàn quyền thiết lập chính sách nhập cư.

Tòa cũng cho biết "không có bằng chứng cho thấy bất kỳ người nước ngoài từ bất kỳ các quốc gia được nêu trong sắc lệnh" gây ra một cuộc tấn công khủng bố ở Mỹ.

"Một mặt, công chúng quan tâm đến an ninh quốc gia và năng lực ban hành chính sách của tổng thống."

"Mặt khác, công chúng cũng quan tâm đến việc tự do đi lại và không muốn thấy sự phân biệt đối xử."

Họ nói rằng lệnh cấm đã tước các quyền của những người nước ngoài theo Hiến pháp.

Ông Trump phản ứng với phán quyết bằng cách viết trên Twitter và sau đó đưa ra tuyên bố nói rằng đó là một quyết định mang tính chính trị.

Thông cáo của Bộ Tư pháp, đại diện Nhà Trắng tại tòa, cho biết "đang xem xét phán quyết của tòa và cân nhắc các lựa chọn".

Tổng chưởng lý bang Washington Bob Ferguson, người kiện chống lại lệnh cấm, cho biết đó là thắng lợi hoàn toàn cho bang này.

Thị trưởng New York Bill De Blasio cho biết: "Tại New York - thành phố lớn an toàn nhất của Mỹ - chúng tôi sẽ luôn bảo vệ những người đến đây, không phân biệt họ đến từ đâu hoặc khi nào."

Anthony Zurcher, phóng viên BBC tại Washington, cho hay: "Các luật sư của ông Donald Trump đã không đưa ra được lập luận thuyết phục. Thay vì giải thích lý do tại sao lệnh cấm đi lại là cần thiết, chính quyền lập luận rằng tổng thống có toàn quyền về việc nhập cảnh.

Các luật sư đại diện các bang khởi kiện đã thuyết phục các thẩm phán rằng việc khôi phục lệnh cấm tại thời điểm này sẽ tạo ra sự hỗn loạn hơn nữa và xâm phạm các quyền hợp pháp của những người nước ngoài trên đất Mỹ, bất kể tình trạng di trú của họ.

Một trong ba thẩm phán ở Tòa phúc thẩm Khu vực 9 là người của đảng Cộng hòa.

Ông Trump viết trên Twitter "HẸN GẶP QUÝ VỊ TẠI TÒA" - nhưng tòa nào?

Nhiều khả năng chính quyền Trump sẽ có kháng cáo lên Tòa tối cao. - BBC
|
|

9.
Phụ tá Trump 'đã sai' khi quảng bá hàng giúp Ivanka

Chủ tịch Ủy ban Giám sát tại Quốc hội Mỹ cho biết phụ tá cấp cao của ông Trump "đã sai lầm" khi giúp quảng bá sản phẩm của Ivanka Trump trong chương trình truyền hình trực tiếp.

Jason Chaffetz, người thuộc đảng Cộng hòa, đứng đầu Ủy ban Giám sát và Cải cách, bình luận rằng việc quảng bá này "rõ ràng không thể chấp nhận được".

Bà Kellyanne Conway nói trên kênh Fox News: "Hãy đi mua sản phẩm của Ivanka."

Bà đưa ra gợi ý sau khi hãng bán lẻ Nordstrom loại dòng sản phẩm thời trang của Ivanka với lý do giảm doanh thu.

Tổng thống Donald Trump đáp trả bằng cách viết trên Twitter rằng con gái ông đã bị nhà bán lẻ đối xử "bất công".

Hôm 9/2, Nhà Trắng cho biết rằng tổng thống "tuyệt đối" ủng hộ bà Conway, bất chấp những lời chỉ trích dữ dội phát ngôn của bà này.

Các quy tắc đạo đức liên bang không cho phép nhân viên Nhà Trắng đưa ra "sự ủng hộ bất kỳ sản phẩm, dịch vụ hoặc doanh nghiệp nào".

Ông Chaffetz cho biết Nhà Trắng cần thông báo cho Văn phòng Đạo đức của Chính phủ để mở cuộc điều tra.

Đã có nhiều quan ngại về khả năng xảy ra xung đột lợi ích đối với các nhân viên Nhà Trắng.

'Không có ngoại lệ'

Ông cho biết ông và người đồng cấp đảng Dân chủ sẽ viết thư cho ông Trump.

"Vụ việc cần được xử lý," ông nói với AP. "Và không có ngoại lệ."

Nordstrom trở thành nhà bán lẻ thứ 5 loại bỏ dòng sản phẩm thời trang của Ivanka Trump.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh có chiến dịch tẩy chay tất cả các sản phẩm liên quan đến Trump, với từ khóa trên mạng xã hội #GrabYourWallet để phản ứng một lời bình phẩm về cơ thể phụ nữ của ông Trump hồi năm 2005.

Nordstrom cho biết quyết định này dựa trên doanh số của thương hiệu.

"Doanh số của thương hiệu này giảm liên tục đến mức khiến chúng tôi không thể tiếp tục bán dòng sản phẩm này", thông cáo của hãng cho biết. Họ cũng nói rằng Ivanka Trump được thông báo về quyết định này từ đầu tháng 1/2017.

Ivanka Trump không có vai trò chính thức trong Nhà Trắng, nhưng thường xuất hiện cạnh bố từ khi ông nhậm chức.

Chồng của Ivanka, Jared Kushner, đảm nhiệm vị trí cố vấn chủ chốt của ông Trump.

Ivanka Trump chỉ từ bỏ quyền điều hành - chứ không phải quyền sở hữu - các doanh nghiệp sau khi bố mình thắng cử tổng thống. - BBC
|
|

10.
Tội phạm chưa có quốc tịch Mỹ và nguy cơ trục xuất

Vào cuối tháng 11 năm ngoái, bà Lim Morn đến Washington. Đây là chuyến đi ra khỏi bang Minnesota đầu tiên của bà kể từ khi tái định cư tại đây trong tư cách là một di dân Campuchia vào năm 1986.

Bà đến Washington để xin trả tự do cho con trai Chheng Soeun bị các nhân viên Di trú bắt vào tháng 8. Chheng Soeun sẽ bị trục xuất vì có hồ sơ tội phạm.

Bà Lim, người mẹ một mình nuôi 4 con, nói với ban Khmer Đài VOA “Tôi xin họ giữ con trai tôi tại Mỹ vì chúng tôi không có thân nhân ở Campuchia.’

Ông Chheng là một trong 8 người đàn ông Campuchia đang đối mặt với việc bị trục xuất vào bất cứ lúc nào sau khi Kampuchia cấp giấy tờ du hành cần thiết. Ông Shawn Neudauer, nhân viên giao tế công cộng thuộc Bộ An ninh Nội địa và Cơ quan thi hành luật pháp về Di trú và Hải quan ở Minnesota nói với Đài VOA là cơ quan ông không có giải pháp nào khác trong những trường hợp này.

Luật sư của ông Chheng nghi là nhà cầm quyền Mỹ đang ngày càng mạnh tay hơn kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức với chương trình hoạt động kêu gọi ‘cứng rắn’ hơn với người tị nạn và di dân có thành tích phạm tội.

Tuần trước, Tướng Khieu Sopheak, phát ngôn viên Bộ Nội vụ Campuchia, loan báo chính phủ đã đồng ý nhận 36 người Campuchia từ Mỹ. Hiện không rõ 8 người đàn ông Minnesota có nằm trong số 36 người này không.

Nhóm này được gọi chung là “Minnesota 8” đến Mỹ tị nạn từ khi còn nhỏ. Các thành viên trong nhóm đều phạm tội và bị kết án trước khi bị cơ quan thi hành luật pháp của Sở Di trú giam giữ.

Việc trục xuất này được qui định trong việc thành lập Ủy ban Hỗn hợp Trục xuất Hoa Kỳ-Kampuchia JCR vào năm 2002. Ủy ban là sự mở rộng của Luật Chống Khủng bố và Án Tử hình, một đạo luật liên bang nới rộng những tiêu chuẩn trục xuất.

Dù luật được ban hành vào năm 1996, nhưng Washington phải thương thuyết về những thỏa thuận trục xuất với từng nước một; Campuchia ký vào năm 2002.

Trường hợp 8 người Minnesota đã gây nên làn sóng phản đối kể từ khi họ bị giam giữ. Ba thành viên trong Quốc hội Mỹ đã cùng ký tên trong một thơ ngỏ gởi Bộ trưởng An ninh Nội địa, lên án việc dùng luật 1996 để biện minh cho việc bắt giữ 8 người Minnesota.

Tuy nhiên, theo luật 1996, những người có thẻ xanh và chưa phải là công dân Mỹ phạm tội trên đất Mỹ, kể cả một số tội nhẹ, dù đã thi hành hoàn toàn bản án, vẫn có thể bị cầm giữ không được kháng cáo. Trong buổi lễ ký kết, Tổng thống Bill Clinton lúc bấy giờ gọi luật này là một “đòn giáng” chống lại chủ nghĩa khủng bố.

Phe chỉ trích cho rằng luật căn cứ vào những định nghĩa mơ hồ về “sa đọa đạo đức” và mở rộng chỉ số tội phạm mà qua đó có thể làm cho những người có thẻ xanh bị trục xuất. - VOA
|
|

11.
Thăm dò: Dân chúng vẫn ủng hộ lệnh cấm di trú của ông Trump

Dù ông Donald Trump đang bị sụt điểm ủng hộ xuống mức thấp nhất đối với một tân Tổng thống, nhưng sắc lệnh của ông cấm người du hành, ngăn người tị nạn tới Mỹ vẫn đang được đa số dân Mỹ tán đồng, theo kết quả cuộc thăm dò mới nhất.

Hôm 9/2, ông Trump vừa bị ‘đánh bại’ sau khi tòa phúc thẩm không chịu phục hồi sắc lệnh cấm cửa người tị nạn và giới hạn người từ 7 nước có đa số dân theo Hồi giáo du hành tới Mỹ.

Lệnh của ông Trump đã bị đưa ra tòa, bị nhiều người chỉ trích, và gặp phải các cuộc biểu tình cả trong lẫn ngoài nước Mỹ, nhưng đồng thời cũng là một trong những sắc lệnh được dân chúng ủng hộ nhiều nhất, gây chia rẽ nhiều nhất.

Trên phân nửa số người được hỏi ý kiến tán đồng lệnh này, chỉ 38% không đồng ý.

Sắc lệnh gây tranh cãi cấm người từ Syria, Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen vào nước Mỹ trong vòng 90 ngày, không nhận người tị nạn vào Hoa Kỳ trong vòng 120 ngày.

Một trong những cuộc thăm dò được thực hiện đầu tiên khi sắc lệnh vừa ban hành cũng cho thấy phân nửa dân chúng Mỹ ủng hộ quyết định của ông Trump.

Bên ngoài nước Mỹ, dù các nhà chính trị Châu Âu nằm trong số những người chỉ trích lệnh cấm của ông Trump mạnh mẽ nhất, nhưng khảo sát cho thấy đa số dân chúng ở châu lục này sẽ tán đồng các biện pháp tương tự, nếu có, tại EU.

55% trong tổng số 10.000 người được thăm dò ý kiến tại 10 nước Châu Âu cho biết họ ủng hộ ý kiến rằng nên chấm dứt nhận thêm những di dân từ các nước chủ yếu theo Hồi giáo, theo kết quả cuộc khảo sát mới được thực hiện bởi Chatham House, một tổ chức nghiên cứu về quan hệ đối ngoại có uy tín đặt trụ sở tại London. - VOA
|
|

12.
Tom Price làm Bộ Trưởng Y Tế Hoa Kỳ

Với 52 phiếu thuận và 47 phiếu chống, Thượng viện Mỹ phê chuẩn quyết định của Tổng thống Trump đề cử dân biểu đảng Cộng hòa Tom Price làm Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Con người.

Kết quả biểu quyết được công bố vào sáng sớm hôm thứ Sáu 10 tháng 2, sau một phiên họp kéo dài quá nửa đêm ngày hôm trước.

Ông Price, một dân biểu kỳ cựu đại diện cho bang Georgia, cũng là một bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình, là người chống Đạo Luật Chăm sóc Sức khỏe Giá Phải chăng, còn được gọi là Obamacare.

Trong cương vị Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Con người, ông Price sẽ lãnh đạo chiến dịch hủy bỏ Obamacare, đạo luật đã giúp 20 triệu người Mỹ có bảo hiểm y tế.

Các thành viên của Đảng Cộng hòa nói họ muốn thay thế Obamacare, nhưng chưa thoả thuận được với nhau về một đạo luật thay thế. - VOA
|
|

13.
TT Trump công kích nghị sĩ McCain --- TT Trump lên án hiệp ước hạt nhân thời Obama

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump công kích Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain trên Twitter hôm 9/2 rằng những chỉ trích của ông McCain về cuộc đột kích quân sự của Mỹ tại Yemen khiến một thành viên trong đội đặc nhiệm Hải quân thiệt mạng là “khích lệ kẻ thù”.

Trước đó một ngày, Thượng nghị sĩ McCain mô tả cuộc đột kích tuần trước là “thất bại”. Trong cuộc đột kích đó, trưởng phụ trách hoạt động tác chiến đặc biệt William “Ryan” Owens, cùng một số thường dân bao gồm phụ nữ và trẻ em, đã thiệt mạng. Hoa Kỳ bị mất một chiếc máy bay trị giá 75 triệu đô la. Ông McCain nói sự việc vừa kể “không thể dán nhãn là một thành công”.

Cùng ngày 8/2, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sean Spicer đã bênh vực cuộc tấn công rằng nhờ đó đã hạ sát được khoảng 14 đặc vụ al-Qaeda.

Ông Spicer nói: “Đây hoàn toàn là một thành công và người nào cho rằng đây không phải là một chiến tích thì người đó đã phụ bạc sự hy sinh của Ryan Owens”.

Cuộc đột kích vừa kể là chiến dịch chống khủng bố quy mô đầu tiên của tân chính quyền Trump. Chính phủ Yemen hôm 8/2 loan báo đã đề nghị đánh giá lại cuộc đột kích này và bác tin cho rằng nước này đã yêu cầu đình chỉ các sáng kiến chống khủng bố với Hoa Kỳ

Ông McCain, một cựu chiến binh Việt Nam và cựu tù nhân chiến tranh, là người thường chỉ trích Tổng thống Trump. Sau khi thua ông Barack Obama trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2008, ông McCain đã tái đắc cử vào ghế Thượng viện ở bang Arizona. - VOA

***
Trong cuộc điện đàm đầu tiên với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin trong tư cách Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump lên án một hiệp ước giới hạn việc Nga và Mỹ triển khai đầu đạn hạt nhân là một thỏa thuận bất lợi với Hoa Kỳ, theo nguồn tin từ hai giới chức và một cựu giới chức Mỹ biết rõ về cuộc điện đàm này.

Khi ông Putin nêu lên khả năng gia hạn hiệp ước năm 2010, được biết dưới tên START Mới, ông Trump nói với ông Putin rằng hiệp ước này là một trong vài thỏa thuận không hay được thương thuyết dưới chính quyền Obama vì ông cho rằng Hiệp ước START Mới có lợi cho Nga.

Tòa Bạch Ốc từ chối bình luận tin này. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

14.
Việt Nam ngăn chặn "tự diễn biến"

Chính phủ Việt Nam vừa ban hành Nghị quyết 25 với nội dung nêu rõ ‘tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, tự diễn biến, tự chuyển hoá trong nội bộ.’

Truyền thông trong nước loan tin cho biết chính phủ Hà Nội giao cho Bộ Công an, quốc phòng thực hiện và triển khai nghị quyết vừa nêu. Đây được cho là chương trình hành động của chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII.

Theo nghị quyết vừa ban hành thì Bộ Công an chủ trì nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, phối hợp và làm tốt công tác quản lý chấn chỉnh hoạt động của báo chí, xuất bản.

Nghị quyết nêu rõ sẽ có biện pháp, hình thức xử lý phù hợp đối với những trường hợp cán bộ, công chức, viên chức bị cho là suy thoái, ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’.

Ngoài ra theo Nghị quyết 25 thì sẽ xử lý kịp thời, dứt điểm đơn thư kiến nghị , phản ánh, khiếu nại, tố cáo liên quan đến các biểu hiện ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’ để thông báo ra công chúng.

Trong những năm gần đây có nhiều đảng viên nằm trong hệ thống bộ máy nhà nước Việt Nam công khai ra khỏi đảng vì nhận ra nhiều sai phạm của đảng và nhà nước. - RFA
|
|

15.
Nghi án 4.000 lao động Việt làm chui ở Nhật

Cảnh sát Nhật vừa bắt giữ 2 lãnh đạo của một công ty Nhật bị tình nghi sử dụng lao động trong đường dây có đến hàng ngàn lao động bất hợp pháp người Việt.

Tờ Mainichi của Nhật cho hay Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Công ty Satoshi Kogyo có trụ sở tại Maebashi, Gunma Prefecture, đã bị cáo buộc sử dụng 6 nhân công bất hợp pháp từ Việt Nam để làm việc cho các dự án phá dỡ ở Tokyo và Gunma Prefecture từ tháng 2 năm 2016 đến tháng Giêng năm nay. Sở Cảnh sát Đô thị (MPD) cũng đã chuyển hồ sơ vụ này sang cho các công tố viên vào ngày 10/2.

Tin cho hay 6 công nhân Việt, với độ tuổi từ 20 đến 30, đã ở quá thời gian quy định thị thực.

Các nhà điều tra tội phạm có tổ chức của Nhật nghi ngờ chỉ riêng năm 2016, Satoshi Kogyo đã tuyển dụng khoảng 4.000 lao động bất hợp pháp từ Việt Nam sang để làm việc cho các dự án ở 7 tỉnh trong khu vực Kanto, giúp công ty này kiếm lợi nhuận khoảng 50 triệu yên.

Theo Sở Cảnh sát Đô thị của Nhật, công ty Satoshi Kogyo bắt đầu thuê nhân công Việt Nam từ khoảng năm 2014 và liệt kê họ bằng tên Nhật trong hồ sơ công ty để tránh bị phát hiện.

Trả lời phỏng vấn của VOA, nhà báo Đỗ Thông Minh ở Nhật cho biết số người Việt tại Nhật trước đây chỉ khoảng 20.000 người, nhưng con số này đã tăng lên nhanh chóng lên đến 120.000 người trong những năm gần đây, trong đó chiếm khá đông là người Việt đi lao động ở Nhật:

“Trong số đó có khoảng 10.000 người tị nạn, 10.000 người đoàn tụ, chỉ có 20.000 người chính thức định cư thôi. Còn lại là khoảng 50.000 người đi lao động, 50.000 người đi du học. Thế nhưng mà số người đi du học này người ta cũng chỉ xét trên giấy tờ thôi. Có thể nói đến quá bán là đi lao động”.

Theo nhà báo Đỗ Thông Minh, những người Việt lao động chui do hạn chế về ngôn ngữ, tình trạng cư trú… nên gặp khá nhiều thiệt thòi so với những người lao động hợp pháp tại Nhật. Những công việc mà các công nhân lao động chui thường làm là tại các nhà hàng, xưởng lắp ráp dây chuyển hoặc những công trình xây dựng ngoài trời.

Tờ Mainichi dẫn lời Chủ tịch công ty Satoshi Kogyo thú nhận với cảnh sát: “Lao động Việt Nam làm việc chăm chỉ với mức lương thấp nên họ rất quan trọng”.

Ngoài lý do kinh tế, Nhật là nước có dân số già, tỷ lệ sinh đẻ thấp nên nhu cầu tuyển dụng người nước ngoài tại Nhật rất cao. Chính vì vậy, theo nhà báo Đỗ Thông Minh, chính phủ Nhật không quá mạnh tay với tình trạng người nước ngoài lao động chui:

“Lý do là bởi vì nước Nhật hiện tại xã hội bị lão hóa. Người già rất nhiều mà người trẻ rất thiếu. Thí dụ năm 2020 sắp tới tổ chức thế vận hội, Nhật Bản lo nhất là không có nhân công để xây dựng. Thành ra một mặt họ ngăn cấm những người vào bất hợp pháp, nhưng mặt khác họ vẫn phải tiếp tục nhận thêm rất nhiều người lao động vào đây”.

Gần đây, người Việt đi lao động tại Nhật cũng lên tiếng về tình trạng bị các công ty môi giới lừa trong các hợp đồng đi lao động tại Nhật. Nhiều người đã chấp nhận bỏ tình trạng hợp pháp để đi lao động chui, tìm cách ở lại Nhật để làm việc bù đắp số tiền thế chân bị mất khi bỏ ngang hợp đồng.

Nhà báo Đỗ Thông Minh cho biết do bị cắt xén nhiều khoản trung gian nên người lao động hợp pháp thường khoản thu nhập còn lại thấp hơn những người lao động bất hợp pháp. Tuy nhiên, người lao động chui lại luôn đối diện với nguy cơ bị bắt và bị phạt với mức phạt có thể lên đến 20.000 – 30.000 đôla. - VOA
|
|

16.
Việt Nam bị đề nghị đưa lại vào CPC

Việt Nam cần bị đưa lại danh sách các quốc gia phải quan tâm đặc biệt, gọi tắt CPC, nếu không thực thi những cải cách về tự do tôn giáo đúng với tiêu chuẩn quốc tế.

Chủ tịch Uỷ hội Hoa Kỳ về Tự do tôn giáo quốc tế (USCIRF), ông Thomas Reese phát biểu tại buổi phổ biến tài liệu tổng kết tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam hôm qua 9 tháng 2. Đây cũng là thời điểm đánh dấu 10 năm chính phủ Hoa Kỳ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách CPC hồi năm 2006.

USCIRF phân tích rằng đây là trường hợp duy nhất trên thế giới mà Hoa Kỳ áp dụng chỉ dựa theo những cam kết thay vì kết quả của sự cải thiện thật sự.

Tuy nhiên, cũng theo tài liệu của USCIRF, sau khi được rút ra khỏi CPC thì tình trạng đàn áp tôn giáo ở Việt Nam đã tăng lên. Trong đó, trường hợp của Linh mục Nguyễn Văn Lý, luật sư Nguyễn Văn Đài đã đặc biệt gây chú ý cho dư luận.

Hôm ngày 1 tháng 2, ông Thomas Reese tham gia buổi hội thảo nhằm thúc đẩy nhân quyền, tự do tôn giáo ở Việt Nam trong bối cảnh cơ quan hành pháp của tân tổng thống Donald Trump đang thi thành chính sách đối ngoại. - RFA
|
|

17.
Nghĩa trang Biên Hòa: Chỉ cá nhân được phép trùng tu

Ông Nguyễn Đạc Thành, chủ tịch Hội Người Mỹ gốc Việt (VAF), từng phục vụ quân lực Việt Nam Cộng Hoà với cấp bậc Thiếu tá, cho VOA biết hội VAF đã trùng tu tổng cộng 5.896 ngôi mộ trong thời gian từ tháng 5, 2014 đến hết tháng 12, 2016 tại Nghĩa trang Biên Hòa, nơi an nghỉ của hơn 16.000 quân nhân miền Nam Việt Nam.

Dù có nhiều nỗ lực can thiệp của các dân biểu Hoa Kỳ cũng như phái bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Thành nói chính quyền Việt Nam vẫn chưa chính thức cấp giấy phép cho việc trùng tu nầy:

“Trên mặt giấy tờ thì chưa có, phải chờ thôi. Nhưng trên thực tế thì họ đã cho rồi. Hiện bây giờ đã trùng tu được 5.896 ngôi mộ. Khu vực Đài tưởng niệm Vành khăn tang đã trùng tu 90%.”

Ông Thành cho biết trong số 5.896 ngôi mộ đã trùng tu có 3.355 ngôi mộ do VAF và cá nhân ông Lê Thành Ân, cựu Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn thực hiện, còn lại 2.561 ngôi mộ là do Biệt động quân, Hội đoàn Bắc California, và các mạnh thường quân khác thực hiện với tư cách cá nhân.

Ông Thành nói chính quyền Việt Nam chỉ cho các cá nhân chứ chưa cho phép các tổ chức hay hội đoàn trực tiếp ký hợp đồng trùng tu với Ban Quản lý Nghĩa trang, hay với một công ty thực hiện trùng tu do nhà nước chỉ định.

Trước đây, ông Thành đã gửi thư cho đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội và chính quyền địa phương tỉnh Bình Dương, kêu gọi Việt Nam cấp phép cho Hội được chính thức lên kế hoạch và tiến hành công tác trùng tu nghĩa trang một cách đồng bộ, quy củ, và có tổ chức. Tuy nhiên cho đến nay đã gần hai năm, VAF vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức bằng văn bản của chính quyền Việt Nam.

Ông Thành nói vào tháng 3/2014, phái đoàn Bộ Ngoại giao Việt Nam do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn dẫn đầu đã đồng ý cho VAF trùng tu các ngôi mộ trong nghĩa trang Biên Hoà với điều kiện phải tự lo chi phí vì chính phủ Việt Nam không có ngân sách. Cho đến nay chính quyền tỉnh Bình Dương vẫn không thi hành lời hứa đó.

Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, ngày 3/2, cựu Thượng Nghị sĩ Hoa Kỳ Jim Webb có một cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, mà theo ông Thành, có nhiều khả năng là nhằm vận động Hà Nội cấp phép cho việc trùng tu nghĩa trang Biên Hòa:

“Tôi nghĩ rằng ông Jim Webb đi qua đó cũng có mục đích đó. Ông Jim Webb là người rất quan tâm đến nghĩa trang Biên Hòa. Ổng ủng hộ 100%. Tôi rất kính trọng sự vô tư của ổng và sự cố gắng của ổng.”

Ông Thành xem đây là một dấu hiệu tích cực giúp VAF hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng làm khang trang phần mộ của các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa:

“Tôi hy vọng rằng trong tương lai gần (sẽ có được giấy phép). Bởi vì nó có những khó khăn của bên phía Việt Nam. Chúng tôi đã biết được những khó khăn đó. Chúng tôi sẽ vận động ông Nguyễn Phú Bình và ông Dương Trung Quốc.”

Ông Nguyễn Phú Bình, nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, người đã “cho phép” VAF thực hiện chương trình “Tử sĩ Trở về” từ năm 2007, một dự án nhằm tìm kiếm, cải táng hài cốt những người lính Việt Nam Cộng hòa đã nằm xuống trong các trại tù cải tạo và tu sửa lại Nghĩa trang Biên Hoà.

Trong cuộc phỏng vấn với Đài Tiếng nói Việt Nam VOV, nhà sử học Dương Trung Quốc, một đại biểu quốc hội thâm niên, kêu gọi “ý thức, trách nhiệm công dân cùng tham gia vào quá trình hòa hợp dân tộc” mà trong đó ông nhìn nhận rằng “về phía đất nước chúng ta cũng có những sai sót.”

Vào tháng trước, ông Trương Minh Đức, một blogger ở thành phố Hồ Chí Minh cho VOA biết công an Việt Nam đã câu lưu một số nhà vận động nhân quyền trong 2 giờ khi họ đến thắp hương viếng mộ các chiến sĩ tại nghĩa trang Biên Hòa, nơi mà người đi viếng gặp không ít khó khăn, đòi hỏi phải đăng ký, xuất trình giấy tờ và kê khai địa chỉ. - VOA
|
|

18.
Việt Nam: Sắp xử vụ án Oceanbank

Cựu lãnh đạo OceanBank Hà Văn Thắm cùng 47 người khác sẽ ra tòa cuối tháng Hai trong vụ án được mô tả là ảnh hưởng thị trường tiền tệ.

Các bị cáo bị đưa ra xét xử vì các tội: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Viện kiểm sát nhân dân Tối cao vào ngày 23/12 đã tống đạt cáo trạng truy tố 48 bị can trong đó có nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (OceanBank) Hà Văn Thắm.

Cáo trạng khi đó xác định trong quá trình hoạt động, OceanBank đã xảy ra nhiều vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng trong việc cho vay, huy động tiền gửi, chi lãi suất vượt trần, chi lãi suất ngoài hợp đồng gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho OceanBank và các cổ đông.

Cáo trạng xác định đến ngày 31-3-2014, hành vi của ông Thắm và các đồng phạm dẫn đến nợ xấu của OceanBank hơn 14.000 tỉ đồng và mô tả việc làm của các bị cáo “không chỉ gây thiệt hại cho OceanBank” mà còn còn gây ảnh hưởng đến điều được gọi là “các chủ trương điều hành thị trường tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách tiền tệ của Chính phủ.”

Báo VietnamNet, trực thuộc Bộ Thông tin Truyền thông đưa tin phiên xử khai mạc vào ngày 27/02 và sẽ kéo dài 20 ngày liên tiếp.

Báp điện tử này đặt tựa 'Ngày đền tội của đại gia Hà Văn Thắm' nhưng đã đổi lại thành 'Ngày ra tòa của đại gia Hà Văn Thắm' vào cùng ngày.

Vụ OceanBank là một trong sáu "đại án" mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo “cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xử lý”.

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an Việt Nam hồi tháng 10 năm ngoái đề nghị truy tố cựu chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm.

Ông Thắm, 44 tuổi, bị bắt hồi tháng 10/2014 với tội danh “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sau đó mua lại Ngân hàng Đại Dương với giá 0 đồng. - BBC



No comments:

Post a Comment