Tin Thế Giới
1.
Điện Kremlin không đồng ý với đánh giá của Tổng thống Trump về Iran --- Danh sách trừng phạt Iran của Mỹ gây khó cho các công ty Trung Quốc --- Iran: Thử phi đạn ‘không phải là thông điệp’ cho ông Trump
Điện Kremlin hôm thứ Hai cho biết họ không đồng ý với đánh giá của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump rằng Iran là “quốc gia khủng bố số một” và muốn thắt chặt hơn nữa mối quan hệ vốn đã rất tốt với Tehran.
Tuyên bố của Điện Kremlin nhằm đáp lại phát biểu của ông Trump trên kênh truyền hình Fox News trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng vào cuối tuần, trong đó ông Trump phàn nàn rằng Iran đã “hoàn toàn không đếm xỉa” gì tới Hoa Kỳ.
Trong cuộc họp với các nhà báo, Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov nói Moscow nhìn sự việc theo một cách khác.
Ông Peskov nói:
“Nga có quan hệ kiểu như đối tác thân thiện với Iran, chúng tôi hợp tác trên nhiều lãnh vực, đánh giá cao quan hệ thương mại giữa hai nước và hy vọng sẽ phát triển hơn nữa”.
Ông Trump và Putin đều nói sẽ cố gắng xây dựng lại quan hệ Nga-Mỹ, vốn đã bị tổn hại nghiêm trọng khi Moscow sáp nhập Crimea vào năm 2014 và vì các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga do vụ sáp nhập này.
Ông Peskov nói không có lý do gì mà sự khác biệt chính sách về Iran lại cản trở việc hòa giải.
Trong một diễn tiến khác, Nga đã lên tiếng chỉ trích động thái hôm thứ Sáu của chính quyền Trump khi áp đặt lệnh trừng phạt đối với Iran sau vụ thử phi đạn đạn đạo gần đây của nước này. Moscow nói vụ thử nghiệm không vi phạm các hiệp định hiện hữu. - VOA
***
Trung Quốc hôm thứ Hai nói nước này có “những đại diện bị kẹt” với Hoa Kỳ vì danh sách trừng phạt mới của Washington nhắm vào Iran, trong đó có các công ty và cá nhân người Trung Quốc.
Hôm thứ Sáu, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với 25 cá nhân và tổ chức. Các biện pháp này được Hoa Kỳ công bố 2 ngày sau khi lưu ý Tehran sau vụ Iran thử phi đạn đạn đạo.
Những người bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt sẽ không thể truy cập vào hệ thống tài chính của Hoa Kỳ hoặc giao dịch với các công ty của Mỹ. Ngoài ra, nó còn dẫn tới các biện pháp trừng phạt thứ cấp, nghĩa là các công ty và cá nhân nước ngoài bị cấm giao dịch với những người này hoặc có nguy cơ bị đưa vào danh sách đen của Mỹ.
Danh sách bao gồm 2 công ty Trung Quốc và 3 người Trung Quốc. Trong số này, chỉ có một người Bộ Ngân khố Hoa Kỳ nói rõ là một công dân Trung Quốc.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết Bắc Kinh đã gửi công hàm phản đối cho Washington. Ông Lục nói lệnh trừng phạt như thế này, đặc biệt khi chúng làm tổn hại lợi ích của một bên thứ ba, là “không hữu ích” trong việc thúc đẩy sự tin tưởng lẫn nhau.
Ông Lục nói trong cuộc họp báo thường kỳ: “Chúng tôi kiên quyết phản đối bất kỳ biện pháp trừng phạt đơn phương nào”.
Hôm Chủ nhật, các giám đốc điều hành của hai công ty Trung Quốc nằm trong danh sách nói họ chỉ xuất khẩu những hàng hóa “bình thường” sang quốc gia Trung Đông và không làm điều gì sai trái.
Trước đây, Trung Quốc từng rất tức giận vì điều mà nước này gọi là lệnh trừng phạt đơn phương của Hoa Kỳ áp đặt lên các doanh nghiệp Trung Quốc và những nước khác có liên quan tới Iran hay tham vọng hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Trung Quốc có quan hệ kinh tế và ngoại giao gần gũi với Tehran. Bắc Kinh cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thông qua một thỏa thuận mang tính bước ngoặt vào năm 2015 nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran. - VOA
***
Iran hôm thứ Hai nói vụ phóng thử phi đạn mới đây không có ý định gửi thông điệp hay “thử” tân Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Lý do là vì sau một loạt các tuyên bố chính sách, các giới chức Iran đã “biết khá rõ ông ấy”.
Tuần trước, Iran đã bắn thử một phi đạn đạn đạo mới, khiến Washington áp đặt một số biện pháp trừng phạt mới lên Tehran. Trên trang Twitter, ông Trump viết rằng Tehran đang “đùa với lửa”. Iran vốn đã cắt giảm chương trình hạt nhân theo một thỏa thuận năm 2015 với các cường quốc thế giới để đối lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi được hãng thông tấn Tasnim trích lời nói: “Việc thử phi đạn của Iran không phải là một thông điệp gởi cho tân chính phủ Hoa Kỳ”.
Ông nói:
“Không cần phải thử ông Trump khi chúng ta đã nghe những quan điểm của ông ấy về các vấn đề khác nhau trong những ngày gần đây... Chúng tôi biết khá rõ về ông ấy”.
Iran đã bắn thử nhiều phi đạn đạn đạo kể từ thỏa thuận năm 2015, nhưng vụ thử mới nhất vào ngày 29/1 là vụ đầu tiên kể từ khi ông Trump bước vào Tòa Bạch Ốc. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump nói sẽ chặn chương trình phi đạn của Iran.
Ông Qasemi nhận định chính phủ Hoa Kỳ hiện “vẫn trong giai đoạn bất ổn” và những phát ngôn của ông Trump đầy “mâu thuẫn”.
Phát ngôn viên của Iran nói:
“Chúng tôi đang chờ đợi để xem chính phủ Hoa Kỳ sẽ hành động như thế nào trong các vấn đề quốc tế khác nhau để đánh giá về cách tiếp cận của họ”.
Bất chấp những lời lẽ căng thẳng giữa Tehran và Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis hôm thứ Bảy nói ông không xem xét đến việc tăng cường lực lượng Hoa Kỳ ở Trung Đông để giải quyết “những hành vi sai trái” của Iran.
Hôm thứ Hai, ông Hamid Aboutalebi, Phó chánh văn phòng của Tổng thống Iran Hassan Rouhani, viết trên trang Twitter rằng chính phủ Hoa Kỳ “nên hạ giảm căng thẳng trong khu vực, không nên làm tăng thêm” và Washington nên “hợp tác với Iran” hơn là đối đầu với nước này.
Hôm thứ Bảy, Iran công bố sẽ cấp visa cho tuyển vật của Mỹ sẽ đến Iran tranh World Cup Vật Tự do. Thông báo này đảo ngược quyết định không cấp thị thực cho đội thể thao này của Mỹ để trả đũa lệnh của ông Trump cấm cấp thị thực cho công dân Iran. - VOA
|
|
2.
Biển Đông: Trung Quốc hoan nghênh Mattis nhấn mạnh giải pháp ngoại giao --- Nhật Bản không tuần tra với Mỹ tại Biển Đông
Chính quyền Bắc Kinh, hôm nay, 06/02/2017, đã hoan nghênh phát biểu của bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis, theo đó cần ưu tiên giải pháp ngoại giao để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông và chưa cần có những hành động quân sự quan trọng để ngăn chặn những hành vi áp đặt chủ quyền của Trung Quốc tại vùng biển này.
Trong cuộc họp báo thường lệ tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng (Lu Kang), được Reuters trích dẫn, tuyên bố, việc bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis nhấn mạnh đến các biện pháp ngoại giao để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông « có giá trị như lời khẳng định » và tình hình trong khu vực đang từng bước trở lại bình thường.
Theo đại diện bộ Ngoại Giao Trung Quốc, thì « điều này phù hợp với các lợi ích chung của Trung Quốc và tất cả các nước trong khu vực », đồng thời, Trung Quốc cũng mong muốn « các nước ngoài khu vực tôn trọng những lợi ích và nguyện vọng chung của các nước trong khu vực ».
Trong khi đó, xã luận tờ Nhật Báo Trung Hoa (China Daily) cho rằng phát biểu của bộ trưởng Mattis như « một viên thuốc an thần », giúp « xóa tan những đám mây chiến tranh mà nhiều người lo ngại là đang tích tụ trên bầu trời Biển Đông ».
Hôm thứ Bẩy, 04/02, trong chuyến công du Nhật Bản, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis chỉ trích Trung Quốc « đã phá nát niềm tin của các quốc gia trong khu vực ». Tuy vậy, lãnh đạo Lầu Năm Góc lại cho rằng Hoa Kỳ không cần phải có những hành động quân sự tại các vùng có tranh chấp ở Biển Đông. - RFI
***
Vì tự do hàng hải tại Biển Đông, Nhật Bản tăng cường hợp tác với Mỹ và ủng hộ hoạt động của hải quân Mỹ, nhưng không gửi chiến hạm đến Biển Đông. Trên đây là tuyên bố của bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản, bà Tomomi Inada, một ngày sau khi đón tiếp đồng nhiệm Mỹ James Mattis tại Tokyo.
Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản tuyên bố với báo chí là hải quân Nhật sẽ không tham gia tuần tra chung với hải quân Mỹ tại vùng biển mà Trung Quốc tranh chấp với các quốc gia Đông Nam Á.
Theo Reuters, tuyên bố trên đây của bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản hôm Chủ nhật 05/02/2017 là nhằm làm sáng tỏ lập trường của Tokyo, sau những cam kết với tân bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis và được phía Mỹ bảo đảm hết lòng bảo vệ lãnh thổ Nhật Bản, kể cả quần đảo Senkeku/Điếu Ngư do Nhật quản lý ở biển Hoa Đông.
Một ngày trước, trong cuộc họp báo chung hôm thứ Bảy, bộ trưởng Tomomi Inada tuyên bố, các hoạt động của hải quân và các hành động khác của quân đội Mỹ ở Biển Đông (Trung Quốc gọi là Nam hải) góp phần bảo vệ tự do hàng hải theo tinh thần thượng tôn pháp luật. Bà nói thêm : Tokyo ủng hộ các họat động này và sẽ gia tăng họat động quân sự tại Biển Đông cùng với Mỹ.
Trung Quốc lập tức phản ứng gay gắt, lên án thỏa thuận tăng cường hợp tác quân sự Mỹ-Nhật và đe dọa « sẽ chiến đấu bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông ». Theo Reuters, có lẽ vì thế mà ngày hôm sau, bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản lùi một bước với tuyên bố xác minh : Tôi có nói với bộ trưởng James Mattis rằng Nhật Bản ủng hộ họat động quân sự của Mỹ trong chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải, nhưng lực lượng phòng vệ Nhật sẽ không xuống tận Biển Đông.
Tuy nhiên, nữ bộ trưởng Quốc Phòng Nhật một lần nữa khẳng định Tokyo sẽ gia tăng ngân sách quân sự, tăng cường khả năng tự vệ qua các thỏa thuận "hợp tác quốc phòng và huấn luyện". - RFI
|
|
3.
Ông Hun Sen cấm treo cờ Đài Loan
Thủ tướng Hun Sen tuyên bố cấm treo cờ Đài Loan tại Campuchia, nhằm thể hiện cam kết ủng hộ chính sách "Một Trung Quốc" của Bắc Kinh.
Ông Hun Sen, trong bài phát biểu tại Hội người Campuchia gốc Hoa được đăng trên trang Facebook cá nhân, nói ông hoan nghênh việc các doanh nhân Đài Loan tới đầu tư, hãng tin AP nói, nhưng ông tôn trọng quan điểm của Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền, theo đó Campuchia coi Đài Loan là một tỉnh của Trung Hoa đại lục.
Việc treo cờ trong ngày quốc khánh của Đài Loan cũng không được, ông nói trong bài phát biểu hôm thứ Bảy.
"Tôi yêu cầu mọi người ở đây: Xin đừng treo cờ Đài Loan mỗi khi các bạn tụ tập, ngay cả ở các khách sạn trong dịp quốc khánh Đài Loan. Điều này là không được phép," tờ Cambodia Daily dẫn lời ông Hun Sen.
"Chúng ta không nên làm gì ảnh hưởng đến sự tôn trọng chủ quyền và độc lập của Trung Quốc qua việc bắt tay [với nước này] và dẫm vào chân [nước kia]. Tôi không thể làm chuyện đó được."
Campuchia cũng coi Tây Tạng, một tỉnh tự trị của Trung Quốc, nơi phong trào đòi độc lập đã bị đàn áp trong nhiều năm, là một phần lãnh thổ của Trung Quốc, ông Hun Sen nói thêm.
Ông Hun Sen nói với khoảng 4.000 người có mặt tại buổi gặp rằng quyết định cấm người dân treo cờ Đài Loan là tiếp tục đường lối chính sách đối ngoại từ lâu của Campuchia đối với Trung Quốc.
"Các bạn phải hiểu chính sách đối ngoại này là gì - một chính sách về Trung Quốc đã được thực hiện suốt từ thời Sihanouk," ông nhắc đến các chính quyền dưới thời Vua Norodom Sihanouk từ những năm 1970.
Trung Quốc là đồng minh then chốt và đối tác kinh tế lớn của nước Campuchia vốn còn khó khăn.
Bắc Kinh đã cung cấp hàng triệu đô la đầu tư và viện trợ cho Campuchia trong thập kỷ qua, miễn thuế nhập khẩu cho hàng trăm mặt hàng của Campuchia và xóa nợ cho Phnom Penh.
Để đáp lại, Campuchia ủng hộ Trung Quốc trên các diễn đàn quốc tế, kể cả trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ của Bắc Kinh với các nước Đông Nam Á khác ở Biển Đông. - BBC
|
|
4.
Nhà ngoại giao Afghanistan bị giết ở Karachi
Nhà ngoại giao Afghanistan bị một nhân viên an ninh bắn chết bên trong lãnh sự quán Karachi ở miền nam Pakistan, chưa rõ vì động cơ gì.
Truyền thông địa phương nói người thiệt mạng là bí thư thứ ba của tòa lãnh sự.
Tuyên bố từ Đại sứ quán Agghanistan tại Islamabad không xác nhận danh tính nhân viên ngoại giao này, nhưng nói người lính cảnh vệ là người Afghanistan.
Cảnh sát đã triển khai lực lượng tại quận Clifton, quanh khu vực tòa lãnh sự.
Một quan chức cảnh sát nói với hãng tin Reuters rằng nhân viên an ninh đã bị bắt giữ.
Cảnh sát nói ông này nổ súng sau khi hai người cãi cọ. - BBC
|
|
5.
Thái: Thủ tướng, Bộ trưởng bị dọa giết
Những người Thái bị truy nã vì vi phạm luật khi quân đang trốn tại Lào đe dọa giết thủ tướng Thái Lan, giới chức an ninh hàng đầu của Thái Lan cho biết hôm thứ Hai.
Tháng trước, Thái Lan đã ép Lào phải dẫn độ những người đào tẩu Thái bị cáo buộc tội khi quân, hay xúc phạm hoàng gia. Tội này có thể dẫn đến án tù lên đến 15 năm.
Chính phủ quân sự Thái Lan cho biết có đến 6 nghi can người Thái ở Lào mà nước này đang truy lùng.
Tướng Thawip Netniyom, người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia Thái Lan, nói với các nhà báo rằng các nghi phạm tuần trước đã gửi lời đe dọa giết Thủ tướng Prayuth Chan-ocha và Bộ trưởng Quốc phòng Prawit Wongsuwan trên trang Facebook.
Ông Thawip nói: “Khi chúng tôi hối thúc Lào phải bắt chúng, chúng đã phản ứng lại. Chúng nói nếu có cơ hội chúng sẽ đánh lại họ”.
Ông này nói tiếp: “Đe dọa giết các yếu nhân có thể dẫn đến một tội hình sự khác”.
Kể từ khi lên nắm quyền trong cuộc đảo chính năm 2014, chính quyền Thái Lan đã đưa ra một lập trường cứng rắn đối với những người bất đồng chính kiến.
Chính quyền Thái đã tăng cường truy tố những người lăng mạ chế độ quân chủ được tôn kính ở nước này sau cái chết của Quốc vương Bhumibol Adulyadej hồi tháng 10 năm ngoái.
Tuần trước, Thủ tướng Prayuth, một cựu chỉ huy quân đội đứng đầu cuộc đảo chính năm 2014, nói ông quan tâm tới quốc gia hơn mạng sống của chính mình.
Hôm thứ Hai, ông Prawit nói với các nhà báo rằng ông không lo lắng về những lời đe dọa và cũng không cần nhiều vệ sĩ.
Một nhà phân tích chính trị Thái Lan nói những người bất đồng chính kiến ở Lào có vẻ đang rất thất vọng và bất lực khi không làm được gì. Chính vì vậy, họ chỉ nói ra để trút những bất bình trong hoàn cảnh hiện tại.
Chính phủ Thái Lan đã yêu cầu 7 quốc gia, trong đó có Lào, dẫn độ tổng cộng 19 nghi phạm bị cáo buộc tội khi quân.
Ông Thawip dự tính sẽ đến Lào để theo dõi yêu cầu dẫn độ của chính phủ Thái. Hôm thứ Hai, ông cho biết đang chờ phía Lào xác nhận kế hoạch công du của mình.
Lào hiện không bình luận gì về vụ việc. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
6.
Sắc lệnh nhập cư: Tư pháp Mỹ tiếp tục thách thức Donald Trump --- Mỹ: Giới tin học đòi tổng thống Trump hủy sắc lệnh cấm nhập cư
Mười ngày sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh cấm công dân bảy nước có đa số dân theo Hồi giáo vào nước Mỹ trong thời hạn 90 ngày, cuộc đọ sức giữa tư pháp và hành pháp vẫn tiếp tục. Hàng loạt di dân và sinh viên trong diện bị cấm, nhưng có visa hợp lệ nhân cơ hội sắc lệnh bị đình chỉ để bay sang hoặc hay trở lại nước Mỹ trước khi thắng bại được phân định.
Sắc lệnh di trú của nhà tỷ phú Donald Trump trong chiếc áo của tổng thống siêu cường tiếp tục bị công luận trong lẫn ngoài nước Mỹ công kích là kỳ thị và phân biệt đối xử. Đặc biệt, chính bên trong nước Mỹ, sắc luật bị xem là đi ngược lại truyền thống tự do và nhân đạo của Hoa Kỳ bị chống phá kịch liệt từ nhiều giới.
Trên mặt trận pháp lý, trận đấu diễn ra tại toà phúc thẩm liên bang San Francisco mà phần thua đầu tiên nghiêng về phía Nhà Trắng. Ngày Chủ nhật 05/02/2017, đơn kháng cáo của bộ Tư Pháp nộp vào chiều hôm trước, chống lại một phán quyết của thẩm phán liên bang James Robart ở Seattle, tiểu bang Washington, đã bị toà phúc thẩm bác bỏ.
24 giờ trước, thẩm phán liên bang James Robart ở Seattle , do tổng thống George W Bush bổ nhiệm, ra phán quyết đình hoãn sắc lệnh gây tranh cãi của tổng thống Donald Trump.
Như vậy, tân chủ nhân của Nhà Trắng bị thua keo đầu tiên. Công dân 7 nước có đa số dân theo đạo Hồi ( Libya,Somalia,Iran, Irak, Syria,Yemen và Soudan) và dân tị nạn tiếp tục được sang Mỹ. Tuy nhiên, theo AFP, cánh cửa hé mở này có thể bị đóng lại nhanh chóng. Thật vậy, Donald Trump là một người đa mưu và không có thói quen nhượng bộ. Ông cho biết đã chỉ thị cho bộ An Ninh Quốc Nội « kiểm sóat nghiêm nhặt hơn những người đến Mỹ mà tư pháp làm công việc này trở thành rất khó khăn ».
Một cách chi tiết, tòa phúc thẩm liên bang San Francisco đòi hai bên xung khắc phải cung cấp thêm bằng chứng và lập luận. Kỳ hạn chót của hai tiểu bang Washington và Minnesota, bên nguyên đơn, vào lúc 11 giờ 59 phút đêm Chủ nhật 05/02/2017, giờ địa phương. Còn bộ Tư Pháp Mỹ thì đến trưa thứ Hai 06/02.
Chủ nhật, chính quyền Trump cử phó tổng thống Mike Pence đến các đài truyền hình để « giải thích và thuyết phục công luận về tính chính đáng của sắc lệnh nhằm bảo vệ Hoa Kỳ chống khủng bố ». Ông Mike Pence tuyên bố một cách tự tin : chính phủ sẽ thắng trên mặt trận pháp lý.
Phe chống đối cũng năng nổ huy động lực lượng biểu tình tại New York và ở các thủ đô Tây phương. Tại Mỹ, cựu ngoại trưởng Madeleine Albright (Dân Chủ) và cựu cố vấn an ninh Stephen Hadley (Cộng Hoà), trên đài truyền hình CNN, người thứ nhất chỉ trích tính chất « lừa dối và thiếu cơ sở » của sắc lệnh, còn người thứ hai nhấn mạnh đến « khuyết điểm chính trị của cách vận hành ».
Ngay trong các cuộc tranh tài thể thao hay trình diễn văn nghệ, điển hình là Cúp bóng bầu dục Super Bowl và đêm ca nhạc của Lady Gaga ngày Chủ nhật, đã tràn ngập thông điệp nhấn mạnh đến tinh thần bao dung và hào hiệp truyền thống của Hiệp Chủng Quốc.
Trong khi chờ đợi tòa phúc thẩm San Francisco ra phán quyết sau cùng với khả năng dây dưa, kẻ thua kéo người thắng lên tận Toà Án Tối Cao, bộ Ngoại Giao Mỹ mà trong nội bộ cũng chống lại Donald Trump, đã nhanh chóng xếp sắc lệnh nhập cư qua một bên. Hệ quả là khoảng 60.000 visa nhập cảnh bị đình chỉ đã được tái lập giá trị. Giới luật sư thúc giục thân chủ khẩn cấp lên máy bay còn các hãng hàng không quốc tế đón nhận lại hành khách từ 7 quốc gia trong danh sách đen trong các chuyến bay sang xứ « Nữ thần tự do » sau vài ngày gián đoạn. - RFI
***
Nhiều tập đoàn công nghệ cao của Hoa Kỳ dự trù hôm nay (06/02/2017) gửi thư yêu cầu hủy sắc lệnh về di trú của tổng thống Donald Trump. Lý do là biện pháp này không thích hợp với mục đích tăng cường an ninh cho nước Mỹ, nhưng lại gây trở ngại cho hoạt động của các công ty. Apple, Google, Facebook, Twitter và Microsoft hay Yahoo cùng lên tiếng đánh động chủ nhân Nhà Trắng.
AFP trích dẫn nhiều nguồn tin xin được giấu tên vì cho tới hết ngày Chủ Nhật, các tập đoàn công nghệ tin học cao của Mỹ vẫn còn tiếp tục thảo luận về nội dung bức thư gửi đến tổng thống Donald Trump. Các bên tán đồng bộ An Ninh Quốc Nội và một bộ phận trong ngành tư pháp Hoa Kỳ tạm đình chỉ việc áp dụng sắc lệnh về di trú được ban hành hôm 27/01/2017.
Nhiều nhân viên có chuyên môn cao làm việc cho các hãng tên tuổi từ Apple đến Facebook, từ Google, đến Twitter, hay Microsoft, Yahoo là người nước ngoài. Chiếu khán của họ đã bị hoặc có nguy cơ bị hủy vì sắc lệnh nhập cư.
Ngoài việc yêu cầu tổng thống Trump hủy sắc lệnh đang gây nhiều tranh cãi này, các hãng tin học Mỹ cam kết sẵn sàng hỗ trợ chính quyền để tìm ra những biện pháp nhằm bảo đảm là nhân viên của họ không gặp trở ngại trong việc đi lại, gây cản trở đến công việc.
Hai tập đoàn lớn khác của Mỹ trong lĩnh vực phân phối là Expedia và Amazon đã ủng hộ chính quyền của tiểu bang Washington và Minnesota tiến hành thủ tục pháp lý, phản đối sắc lệnh di trú. Hậu quả là thẩm phán James Robart ngày 04/02/2017 đã quyết định cho phép những người có giấy tờ hợp lệ vào Mỹ.
Theo bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, giấy nhập cảnh của 60.000 người vốn bị đình chỉ do sắc lệnh của tổng thống Trump, nay lại có giá trị. Bộ An Ninh Quốc Nội của Hoa Kỳ cũng thông báo các thủ tục kiểm soát ở biên giới được áp dụng trở lại một cách bình thường. - RFI
|
|
7.
Tường biên giới đụng rào cản pháp lý, hậu cần
Sắc lệnh xây tường thành dài 3.200 kilômét dọc biên giới Mỹ-Mexico của Tổng thống Donald Trump nay được đưa ra bàn thảo tại Quốc hội để các nhà lập pháp quyết định liệu chính phủ liên bang sẽ tài trợ một phần cho dự án này hay không. Bộ trưởng Nội an John Kelly theo dự trù sẽ họp với một ủy ban của Hạ viện vào thứ Ba 7/2 để thảo luận về các kế hoạch bảo đảm an ninh biên giới ngắn hạn và dài hạn. Thông tín viên Ramon Taylor của đài VOA mới đây đã đến thăm miền nam bang California, nơi đã có một tường rào dọc theo biên giới với Mexico.
Nếu tường thành cao khoảng từ 10 đến 12 mét được xây dọc theo biên giới giữa Mỹ và Mexico như dự định của Tổng thống Trump, tường thành đó sẽ kéo dài suốt từ Vịnh Mexico cho đến bờ Thái Bình Dương ở phía tây.
Ông Enrique Morones là giám đốc của tổ chức Thiên thần Biên giới. Ông nói:
"Thật đáng buồn là nhiều người tìm cách vượt qua tường rào, bơi hay dùng mấy chiếc thuyền đánh cá nhỏ từ Thái Bình Dương vào, và đã chết đuối."
Nhà sáng lập tổ chức Thiên thần Biên giới tích cực trợ giúp các di dân dọc biên giới phía nam của Mỹ. Có rất nhiều di dân bị chết khát trong sa mạc – nguyên nhân hàng đầu làm nhiều di dân thiệt mạng ở cả hai bên biên giới.
Ông Morones nói:
"Tường rào kiểm soát biên giới này từ năm 1994 đến nay đã dẫn đến cái chết của hơn 11.000 người. Biên giới Mỹ-Mexico dài khoảng 3.145 kilômét. Và một phần ba chiều dài đó đã có tường rào. Chỗ nào có thành phố là chỗ đó có tường rào."
Tổng thống Trump nói tường rào biên giới là “hết sức cần thiết” để ngăn chặn di dân bất hợp pháp từ trung Mỹ vào Hoa Kỳ. Những nơi chưa có tường rào phần lớn là những nơi có địa thế hiểm trở. Những nơi đó được kiểm soát từ trên không.
Ông Ev Meade là giám đốc của Viện nghiên cứu Xuyên Biên giới. Ông nói:
"Nếu mọi người nghĩ rằng biên giới mở ngỏ hoàn toàn là không đúng. Đã có khoảng 1.000 km tường rào biên giới. Phần lớn tường rào đó rất kiên cố, bên cạnh đó còn có những rào cản thiên nhiên. Có nhiều nơi là những dãy núi có đỉnh cao đến 3.350 mét, chẳng hạn như ở khu vực Altar, một điểm vượt biên khá phổ biến ở Arizona. Địa hình ở đó cực kỳ hiểm trở."
Cựu phó giám đốc sở cảnh sát thành phố San Diego, ông Sean Murphy cho biết kể từ khi có tường rào biên giới ở đây, số di dân bất hợp pháp băng qua biên giới ở nam California đã giảm xuống, nhưng họ di chuyển về phía đông:
"Đường đi của di dân bị đẩy sang khu vực sa mạc, và những tên đưa người lậu không quan tâm đến những nguy hiểm ở đó. Bọn chúng nói với những người vượt biên rằng: các anh đang ở trên đất Mỹ rồi, cứ theo hướng đó mà đi. Và rồi những người vượt biên chết vì khát, vì nóng và kiệt sức. Những tên đưa lậu người đó là những kẻ mà chúng ta muốn truy lùng."
Dự định xây tường thành biên giới cho nửa chiều dài chưa có tường rào có thể sẽ tiêu tốn đến 25 tỉ đôla, theo như một nghiên cứu được báo Washington Post tổng hợp. Ước tính phí tổn xây tường rào được ông Trump đưa ra trong thời gian tranh cử là chưa tới một nửa con số đó. - VOA
|
|
8.
Tranh cãi quanh biếm họa TT Trump chặt đầu Nữ Thần
Tổng biên tập của Der Spiegel (Đức) hôm 5/2 tuyên bố rằng hình ảnh bìa của tờ tạp chí này, cho thấy Tổng thống Mỹ Donald Trump chặt đầu tượng Nữ thần Tự do, là phản ứng của họ về các mối đe dọa đối với nền dân chủ.
Hình ảnh biếm họa của tờ tạp chí phát hành hôm 4/2 cho thấy một tay ông Trump giơ một con dao đầy máu và tay còn lại cầm chiếc đầu của tượng Nữ thần Tự do rỉ máu.
Bức biếm họa, vốn gây chia rẽ ý kiến cả ở nước Đức lẫn trong cộng đồng quốc tế, còn kèm theo dòng chữ: “Nước Mỹ trên hết”.
Hình ảnh trang bìa được xuất bản sau một loạt sự công kích của cả Tổng thống Mỹ và các trợ lý về các chính sách của Berlin về người nhập cư, khiến quan hệ Đức – Hoa Kỳ xấu đi nhanh chóng.
Tổng biên tập Klaus Brinkbaeumer nói với Reuters: “Der Spiegel không muốn kích động ai. Chúng tôi chỉ muốn cho thấy rằng quyền tự do, tự do báo chí, tự do tư pháp, tất cả đang bị đe dọa nghiêm trọng… Chính vì thế chúng tôi đang bảo vệ dân chủ…”
Ông Alexander Graf Lambsdorff, một thành viên của Đảng Dân chủ Tự do Đức đồng Phó chủ tịch Nghị viện châu Âu, cho rằng bìa tạp chí trên “khiếm nhã”.
Nhật báo Die Welt cho rằng nó “gây tổn hại tới báo chí”, trong khi một tờ khác là Frankfurter Allgemeine Zeitung, nói rằng nó “thực sự là điều Trump cần – một hình ảnh méo mó mà Tổng thống Mỹ có thể dùng để nỗ lực hơn nữa về hình ảnh của truyền thông bị ông bóp méo”.
Trong khi cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama ca ngợi Thủ tướng Đức Merkel là “một đối tác xuất sắc” thì ông Trump lại cho rằng bà đã phạm “sai lầm thảm họa” với chính sách mở rộng cửa đón người tị nạn.
Trong một diễn biến khác hôm 5/2, một tòa án phúc thẩm của Hoa Kỳ đã từ chối lời đề nghị của chính quyền ông Trump về việc khôi phục ngay lập tức sắc lệnh hành pháp của tổng thống, theo đó cấm việc du hành đến Mỹ từ bảy quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số.
Trước đó, thẩm phán liên bang Hoa Kỳ James Robart ở tiểu bang Washington tạm thời ngăn chặn sắc lệnh của ông Trump về cấm người có thị thực từ Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
9.
EU, Mỹ lên tiếng về việc Việt Nam bắt các nhà hoạt động
Việc nhà chức trách Việt Nam bắt giữ một số nhà hoạt động trong nửa cuối tháng 1 đã làm các phái bộ ngoại giao của EU và Mỹ “quan ngại”. Họ đã nhanh chóng lên tiếng vào thời điểm cuối tháng 1, trùng với những ngày nghỉ Tết kéo dài ở Việt Nam, khi báo chí và người dân dường như chú ý nhiều hơn đến các thông tin về Tết.
Hai nhà hoạt động vì nhân quyền là bà Trần Thị Nga và ông Phan Văn Phong bị bắt giữ ngày 21/1 ở Hà Nam với cáo buộc “tuyên truyền chống phá nhà nước”. Hai ngày trước đó, một nhà hoạt động nhân quyền khác là ông Nguyễn Văn Oai bị bắt giữ tại tỉnh Nghệ An với cáo buộc “chống lại người thi hành công vụ” và vi phạm thời hạn án treo.
Trong thông điệp đăng hôm 26/1 trên trang Facebook của Phái đoàn Liên hiệp châu Âu ở Việt Nam, Đại sứ Bruno Angelet kêu gọi rằng “Sự an toàn của những nhà bảo vệ nhân quyền cùng với quyền được thể hiện chính kiến một cách tự do, ôn hòa mà không bị đe dọa hay cản trở cần phải được bảo đảm”. Vị trưởng đại diện phái đoàn nhấn mạnh đây là “một trong những cam kết quốc tế và trong nước của Việt Nam về nhân quyền”.
Đại sứ của Liên hiệp châu Âu cũng kêu gọi chính quyền Việt Nam “đảm bảo quyền lợi của bà Trần Thị Nga, ông Phan Văn Phong và ông Nguyễn Văn Oai được tôn trọng”. Thông điệp của đại sứ nhắc lại rằng “Ủng hộ các nhà bảo vệ nhân quyền là một nội dung lâu đời trong chính sách của Liên hiệp châu Âu về nhân quyền”.
Từ Việt Nam, ông Vũ Quốc Ngữ, Tổng giám đốc của Người Bảo vệ Nhân quyền, nói với VOA hôm 6/2 ông đánh giá cao tuyên bố của EU:
“Tôi cũng thấy mừng là bên EU họ cũng ra một tuyên bố để phản đối việc bắt giữ chị Nga và anh Nguyễn Văn Oai. Tôi cũng trông đợi phản ứng này của EU từ lâu rồi. Đấy là một tín hiệu ủng hộ của Liên minh châu Âu đối với hoạt động nhân quyền ở Việt Nam. Thường là những người bị bắt vì cáo buộc về an ninh quốc gia là do họ thực hiện những quyền tự do ngôn luận và bày tỏ chính kiến, chứ họ cũng không phải những người thực sự gây hại cho an ninh quốc gia Việt Nam”.
Chỉ 3 ngày trước khi phái bộ EU công bố thông điệp của Đại sứ Bruno Angelet, hôm 23/1, Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội đã gửi VOA hồi đáp của họ khi được hỏi về vụ bắt giữ bà Nga.
Đại sứ quán Mỹ nói họ “quan ngại sâu sắc về việc bắt giữ bà Trần Thị Nga tại Hà Nam” và “Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam thả bà Nga và tất cả tù nhân lương tâm khác, và cho phép tất cả cá nhân tại Việt Nam tự do thể hiện quan điểm chính trị của mình trên mạng và ngoài đời mà không lo sợ bị trừng phạt”.
Email của Đại sứ quán Mỹ gửi VOA cũng nhắc lại là họ “đã liên tiếp kêu gọi chính quyền Việt Nam bảo vệ quyền tự do hội họp một cách ôn hòa, quyền lập hội đoàn, quyền tự do biểu đạt và quyền tự do tôn giáo đã được quy định trong Hiến pháp 2013 và các nghĩa vụ quốc tế về nhân quyền của Việt Nam”.
Việc nhà chức trách bắt những người đấu tranh gần dịp Tết, khi các gia đình quây quần, đoàn tụ đã dẫn đến những chỉ trích gay gắt trên mạng xã hội từ nhiều nhà hoạt động thúc đẩy dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Họ gọi đó là hành động “độc ác”, “vô nhân đạo”. - VOA
|
|
10.
Ông Trần Đại Quang muốn đào tạo 'công dân toàn cầu'
Mới đây, Chủ tịch Việt Nam đã thúc giục ngành giáo dục “tập trung đào tạo những ‘công dân toàn cầu’”. Tuy nhiên, một nhà hoạt động xã hội nổi tiếng cho rằng nỗ lực này sẽ gặp khó khăn lớn do “tư duy phản biện” và “ý kiến khác chiều” không được khuyến khích ở Việt Nam.
Hôm 4/2, khi đến thăm Bộ Giáo dục và Đào tạo ở Hà Nội, Chủ tịch Trần Đại Quang nêu rõ giáo dục và đào tạo “đang trở thành yếu tố quyết định và là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển của mỗi quốc gia”.
Riêng đối với ngành giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Quang đề nghị ngành cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bao gồm những “công dân toàn cầu” trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ.
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là một thuật ngữ nói về sự thay đổi mạnh mẽ trong đời sống bao gồm một loạt các công nghệ tự động hóa hiện đại, trao đổi dữ liệu, chế tạo, thực hiện dịch vụ trên nền tảng Internet và các hệ thống trong không gian ảo.
Chủ tịch Việt Nam không nói cụ thể các tiêu chuẩn về công dân toàn cầu là gì. Cũng không có định nghĩa chính thức của một cơ quan nhà nước Việt Nam về điều này.
Nói với VOA từ Việt Nam, Tiến sĩ người Áo gốc Việt Đặng Hoàng Giang cho rằng “không có lời giải nhất định” về thế nào là “công dân toàn cầu”. Ông nêu ra cách nhìn riêng về khái niệm này:
“Một công dân toàn cầu là công dân mà quan tâm đến những việc xảy ra không chỉ ở riêng nước mình mà ở tất cả những nước xung quanh, chuyện ở Syria, chuyện ở Đức, chuyện ở Mỹ. Tìm hiểu xem những cái đấy thì nó có tác động như thế nào tới bản thân cuộc sống của mình. Và có một khái niệm về công bằng, về công lý, và có một trăn trở tới các bất công, những vấn đề xảy ra với những người dân ở nước khác. Tức là không chỉ chăm chú đến miếng cơm manh áo của mình mà còn lưu ý đến số phận của những con người ở các khu vực khác nữa”.
Là nhà hoạt động xã hội nổi tiếng đã xuất bản nhiều cuốn sách, Tiến sĩ Giang nói điều quan trọng hơn đối với một công dân toàn cầu là thái độ sống chứ không phải là các kỹ năng cụ thể như thành thạo ngoại ngữ, máy tính, phân tích, v.v…, dù các kỹ năng đó cũng cần thiết.
Ông nói rõ thêm rằng đó là người ý thức được rằng không phải bản thân lúc nào cũng biết hết, lúc nào cũng đúng. Người đó cũng hiểu được có thể sống trong cuộc sống bằng nhiều cách khác nhau, hiểu sự đa dạng trên thế giới, có sự khoan dung, tôn trọng sự khác biệt và không phán xét những cái khác với bản thân.
Nhận định về nỗ lực của Việt Nam nhằm đào tạo ra các công dân toàn cầu, Tiến sĩ Giang chỉ ra một cản trở to lớn:
“Cái thách thức lớn nhất ở Việt Nam là chúng ta có một hệ thống giáo dục và chính trị không khuyến khích sự đa dạng, không khuyến khích tư duy phản biện, không khuyến khích những cái ý kiến khác chiều. Mà chúng ta đòi hỏi mọi người đều suy nghĩ giống nhau và phải trái, trắng đen rất là rõ ràng, không ai được quyền chất vấn, được quyền phản biện những cái đấy. Cái triết lý đấy trong giáo dục, trong nhà trường, trong gia đình nó là cản trở cho việc hình thành thái độ của công dân toàn cầu”.
Mặc dù các điều kiện hiện nay về chính trị, xã hội của Việt Nam gây khó khăn cho việc đào tạo công dân toàn cầu, song Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang cũng nêu ra những yếu tố tác động từ bên ngoài giúp thúc đẩy cho tiến trình này:
“Vì những cái yêu cầu của nền kinh tế, chúng ta không sớm thì muộn bắt buộc phải đi theo hướng khoan dung hơn và hiểu biết hơn. Ví dụ các công ty đa quốc gia sẽ tìm đến những nhân viên, những cán bộ mà có thể làm việc được với nhiều người ở các nước khác nhau trên thế giới và cũng có sự khoan dung với các quốc gia khác. Trở thành công dân toàn cầu sẽ là một nhu cầu thiết yếu của nền kinh tế. Đấy cũng sẽ là đòn bẩy giúp chúng ta thoát khỏi tư duy địa phương chủ nghĩa”.
Chỉ mới hơn một tháng trước, Chủ tịch Trần Đại Quang cũng đã có những phát ngôn về đào tạo công dân toàn cầu.
Hôm 21/12/2016, tại Hà Nội, ông Quang đã tiếp Giáo sư Carlos Alberto Torres, Giám đốc Chương trình Giáo dục công dân toàn cầu của UNESCO và Đại học California, Los Angeles của Mỹ.
Ông Quang đã đề nghị Giáo sư Carlos Alberto Torres nghiên cứu khả năng triển khai Chương trình Giáo dục công dân toàn cầu của UNESCO tại Việt Nam, kết hợp với giao lưu, trao đổi kiến thức để mang tinh hoa văn hóa của Việt Nam giới thiệu ra thế giới. - VOA
|
|
11.
Việt-Ấn bàn chuyện tên lửa Brahmos
Một quan chức quốc phòng Ấn Độ mới cho quốc hội biết rằng nước này và Việt Nam đã bàn thảo về một loạt các vấn đề, trong đó có chuyện cung cấp thiết bị quân sự cho Hà Nội, nhất là tên lửa Brahmos, vốn từng khiến Trung Quốc quan ngại.
Thứ trưởng Quốc phòng Subhash Bhamre hôm 3/2 nói rằng Ấn Độ và Việt Nam có “mối quan hệ đối tác chiến lược”, và “hợp tác quốc phòng, trong có có việc cung cấp thiết bị quốc phòng là một khía cạnh quan trọng của mối quan hệ đối tác này”.
Theo PTI, ông Bhamre trả lời như vậy trước câu hỏi rằng liệu chính phủ Ấn Độ có bất kỳ kế hoạch bán tên lửa đất đối không Akash và tên lửa siêu thanh Brahmos cho Việt Nam hay không.
Thông tin này xác nhận những đồn đoán trước đó rằng Hà Nội bày tỏ mong muốn mua tên lửa Brahmos của Ấn Độ trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch tới quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới hồi cuối năm ngoái.
Nhiều hãng tin quốc tế từng đưa tin về khả năng Việt Nam có thể mua tên lửa hành trình Brahmos do Ấn Độ và Nga liên doanh sản xuất.
Chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi từng lệnh cho liên doanh Brahmos, vốn sản xuất tên lửa tối tân trên, tăng cường bán chúng sang năm nước tiềm năng mà đứng đầu là Việt Nam.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc năm ngoái bày tỏ hy vọng rằng Ấn Độ sẽ nỗ lực hơn nữa để duy trì hòa bình và ổn định khu vực thay vì làm điều ngược lại, sau khi các tin tức nói rằng New Delhi có kế hoạch triển khai tên lửa hành trình tối tân dọc theo biên giới tranh chấp với Trung Quốc.
Các quan chức quân sự Ấn Độ nói rằng nước này dự tính trang bị cho các đơn vị đóng trên biên giới với Trung Quốc tên lửa Brahmos trong nỗ lực nhằm tăng cường cơ sở hạ tầng dân sự và quân sự ở vùng biên.
Trước khi ông Lịch sang Ấn Độ, trong khi thăm Việt Nam tháng Chín năm ngoái, Thủ tướng Modi hồi tháng Chín năm ngoái thông báo cấp cho Hà Nội khoản tín dụng mới trị giá nửa tỉ đôla để “tăng cường hợp tác quốc phòng”.
Thủ tướng Ấn Độ nói thêm rằng mối quan hệ giữa hai nước sẽ “đóng góp vào ổn định, an ninh và thịnh vượng của khu vực”.
Các nhà quan sát cho rằng khoản tín dụng này sẽ giúp Việt Nam tăng cường quốc phòng trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở biển Đông.
Trong chuyến thăm của ông Lịch, theo tờ Tribute India, Ấn Độ còn ký một thỏa thuận với Việt Nam để huấn luyện các phi công của không lực quốc gia Đông Nam Á này lái máy bay chiến đấu Su-30 MK2 do Nga sản xuất. - VOA
|
|
12.
Dân Cồn Sẻ biểu tình đòi đền bù vụ Formosa
Một cuộc biểu tình nổ ra vào trưa hôm 5/2, tức mùng 9 Tết Đinh Dậu, tại xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình.
Một số người dân tuần hành tại thôn Cồn Sẻ, đòi phải cách chức trưởng thôn và phó thôn, đồng thời đòi bồi thường thỏa đáng cho những hộ nuôi cá lồng bè bị thiệt hại nặng nề sau thảm họa môi trường do công ty Formosa gây ra.
Trong video clip được lan truyền trên mạng xã hội, người dân dùng loa, đánh trống, hô khẩu hiệu và giơ các biểu ngữ "Chúng tôi sẽ không dừng lại nếu không đền bù thỏa đáng", "Chúng tôi không phải là những con bò ăn cỏ. Đừng mị dân" hay "Yêu cầu đền bù thoả đáng, minh bạch, công khai" trước địa điểm được cho là nhà ông trưởng thôn.
Từ Nhà thờ Cồn Sẻ, linh mục Hoàng Anh Ngợi nói với BBC Tiếng Việt rằng có khoảng 200 đến 300 người tham gia tuần hành, phần lớn là gia đình và người nhà các gia đình chưa nhận bồi thường.
Vì sao biểu tình?
Được biết ở thôn Cồn Sẻ có 94 hộ nuôi cá, nhưng cán bộ địa phương chỉ bồi thường cho 79 hộ, mỗi hộ được nhận khoảng trên 100 triệu đồng cho cả chủ hộ lẫn các lao động kèm theo.
Theo linh mục Ngợi, ông thôn phó là người trực tiếp làm việc xét bồi thường cho các hộ nuôi cá sau thảm họa Formosa, và người này đã lập hồ sơ tùy tiện "ưng ai thì cho, mà không ưng ai thì thôi", khiến 15 hộ không được đưa vào danh sách bồi thường.
Việc ông thôn phó không giải thích lý do loại một số hộ khỏi danh sách là lý do khiến người dân bức xúc, đòi cách chức trưởng và phó thôn, vị linh mục coi sóc giáo phận Cồn Sẻ cho biết thêm, bởi đây "không phải là lỗi của đảng và chính phủ mà là do một người thôi".
Sau nhiều tháng cá chết một cách bí ẩn, gây giận dữ cho công chúng, chính phủ và một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất, Formosa Hà Tĩnh, hồi tháng Năm 2016 đã đạt thỏa thuận bồi thường 500 triệu đô la (tương đương khoảng 11 nghìn tỷ đồng).
Bắt đầu từ hồi tháng Mười, giới chức đã tiến hành bồi thường lần một cho các nạn nhân sự cố cá chết tại bốn tỉnh miền Trung, với mức bồi thường được tính theo mức độ thiệt hại được xác nhận.
Trang tin VietnamNet nói số được chi trong đợt này là 3 nghìn tỷ đồng.
Mới đây, trong những ngày giáp Tết, chính phủ chỉ đạo tạm cấp kinh phí bồi thường đợt hai, với tổng số tiền khoảng gần 1.700 tỷ đồng.
Cồn Sẻ là một trong những nơi chịu hậu quả nặng nề nhất sau thảm họa môi trường biển Formosa.
Hồi tháng 7 năm ngoái, gần 3.000 người dân nơi này đã xuống đường biểu tình ôn hòa yêu cầu chính phủ dừng hoạt động của nhà máy Formosa mà theo họ là 'thủ phạm huỷ diệt môi trường' biển miền Trung.
Thảm họa cá chết hàng loạt đã làm dấy lên các cuộc biểu tình phản đối trong dân chúng tại nhiều nơi ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình. - BBC
No comments:
Post a Comment