Sunday, February 19, 2017

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 19/2

Tin Thế Giới

1.
Tàu sân bay Mỹ 'tái xuất' ở Biển Đông

Tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ đã bắt đầu những gì họ gọi là các "hoạt động thông lệ" ở Biển Đông, với một hạm đội hỗ trợ.

Việc triển khai diễn ra sau khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo Washington về thách thức chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với một số bãi cát ngầm, đảo và rạn san hô tranh chấp ở khu vực này.

Bắc Kinh đã xây dựng các đảo nhân tạo với các đường băng ở Biển Đông trong một số năm.

Lần gần nhất mà Tàu sân bay hiện diện ở Biển Đông là hai năm trước, thực hiện các bài tập với lực lượng hải quân và không quân của Malaysia.

Chưa cần 'kịch tính'

Và tàu USS Carl Vinson đã có 16 chuyến hải trình tới khu vực trong 35 năm phục vụ hải quân Mỹ.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói trong một chuyến đi gần đây tới Nhật Bản rằng chính quyền của Trump thấy không cần thiết cho "các động thái quân sự kịch tính" vào giai đoạn hiện nay.

Tuyên bố này dường như đã phủ nhận ý kiến về chủ đề này từ Ngoại trưởng Rex Tillerson, người đã nói với các thượng nghị sĩ trong phiên điều trần của ông rằng cần ngăn chặn Trung Quốc vươn tới các đảo tranh chấp.

Hôm thứ Tư, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói:

"Chúng tôi kêu gọi Mỹ không thực hiện bất kỳ hành động nào thách thức chủ quyền và an ninh của Trung Quốc." - BBC
|
|

2.
Quân chính phủ Iraq tiến đánh IS ở tây Mosul

Các lực lượng Iraq được Hoa Kỳ hậu thuẫn đã phát động một chiến dịch quân sự quy mô lớn hôm Chủ nhật, 19/2, để đánh bật các phần tử Nhà nước Hồi giáo khỏi nửa thành phố Mosul ở phía tây. Đây là đợt đánh mới nhất trong chiến dịch kéo dài bốn tháng nhằm giành lại thành phố lớn thứ hai của Iraq.

Cuộc chiến để giành lấy tây Mosul hứa hẹn sẽ khó khăn nhất từ trước đến này, vì nửa thành phố ở phía tây sông Tigris có đường phố hẹp hơn và cũ hơn. Đó cũng là nơi sinh sống của hàng trăm ngàn thường dân, họ đã được bảo hãy trú ẩn tại chỗ.

Thủ tướng Haider al-Abadi đã thông báo bắt đầu chiến dịch trên truyền hình nhà nước.

Một phát ngôn viên cảnh sát, đề nghị không nêu tên, nói với hãng tin AP rằng mục tiêu trước mắt là giành lấy những ngôi làng ở ngoại ô, phía nam sân bay Mosul.

Trung tướng Stephen Townsend, một chỉ huy hàng đầu của Hoa Kỳ tại Iraq, cho biết các lực lượng Iraq là một '' lực lượng ngày càng có khả năng, đáng gờm, và chuyên nghiệp''.

Ông nói trong một tuyên bố:“Mosul sẽ là một cuộc chiến khó khăn đối với bất kỳ quân đội nào trên thế giới, và các lực lượng Iraq đã đủ khả năng đương đầu với thách thức này. Họ đã chủ động đánh địch và hy sinh xương máu của mình cho nhân dân Iraq và phần còn lại của thế giới''.

Iraq hồi tháng trước tuyên bố đông Mosul “đã được giải phóng hoàn toàn'', nhưng IS vẫn tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công đó. Vài giờ sau khi có tuyên bố về chiến dịch mới nhất này, những kẻ đánh bom tự sát đã tấn công quân đội và dân quân Sunni ủng hộ chính phủ ở đông Mosul.

Chuẩn tướng Yahya Rasool, một phát ngôn viên quân đội Iraq, cho biết một kẻ đánh bom tự sát đã kích nổ nhằm vào một đội tuần tra là các chiến binh bộ tộc Sunni ở khu phố Zihoor, trong khi một kẻ khác đã nhắm mục tiêu vào các binh sĩ Iraq ở Nabi Younis.

Ông Rasool từ chối cung cấp con số thương vong. Hai viên cảnh sát cho biết một chiến binh người Sunni đã thiệt mạng và chín người bị thương trong cuộc tấn công thứ nhất, trong khi cuộc tấn công thứ hai làm bị thương năm binh sĩ. Họ đề nghị giấu tên vì họ không có thẩm quyền công bố thông tin. - VOA
|
|

3.
Toyota giới thiệu xe Prius được nâng cấp

Hai mươi năm trước, hãng xe hơi Nhật Bản Toyota đã tung ra phiên bản đầu tiên của dòng xe lai chạy bằng cả xăng và điện của hãng có tên là Prius.

Đến đầu năm 2017, tính tổng cộng mọi phiên bản sau đó, Prius đã trở thành chiếc xe lai, hay xe hybrid, bán chạy nhất trên thế giới với gần 4 triệu chiếc đã bán.

Phiên bản mới nhất của loại xe này, có mui xe gắn thiết bị sạc ắc-qui bằng năng lượng mặt trời, vừa mới ra mắt tại Nhật Bản.

Theo thông lệ của Toyota, phiên bản mới lần được giới thiệu tại thị trường Nhật Bản trước tiên.

Toyota hy vọng xe Prius PHV mới – tức là xe Hybrid có thể cắm điện để xạc, sẽ thu hút nhiều người mua hơn với tầm xe chạy chỉ bằng điện lên đến 68 km và tổng quãng đường xe chạy khi sử dụng cả động cơ xăng lên đến hơn một ngàn kilomet.

Khi ở nhà, ắc-qui của nó có thể sạc đầy trong chưa đầy 3 giờ, còn sạc tại trạm chuyên dụng, ắc-qui được nạp đến 80% chỉ trong 20 phút.

Một cải tiến nữa là mui xe được lắp các tế bào năng lượng mặt trời.

Toyota cho biết việc nạp bằng năng lượng mặt trời cung cấp điện để xe chạy được tới 6 km mỗi ngày. Ngoài ra, chiếc xe được tranh bị nhiều tính năng an toàn, như cảnh báo xe cộ đi ngang qua đằng sau và cảnh báo điểm mù.

Xe sẽ được bán ở các nước khác bắt đầu vào tháng 3. - VOA
|
|

4.
Đánh bom xe tải giết chết 20 người ở thủ đô Somali

Các quan chức và nhân chứng cho biết ít nhất 20 người đã thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương khi một quả bom lớn cài trên xe tải phát nổ tại một khu chợ đông người ở thủ đô Mogadishu của Somalia hôm Chủ nhật, 19/2.

Các nhân chứng nói một xe tải chất đầy thuốc nổ đã nhắm mục tiêu vào một khu chợ ở khu vực Kawo-Goday, thuộc quận Wadajir của Mogadishu.

Các quan chức an ninh nói với VOA là các nạn nhân bao gồm dân thường và binh sĩ chính phủ. Hàng chục người bị thương trong vụ tấn công đã được chuyển đến bệnh viện địa phương.

Mohamed Yusuf, giám đốc bệnh viện Madina, nói với VOA rằng cho đến nay họ đã tiếp nhận ít nhất 32 người bị thương vì vụ tấn công.

Chưa có ai tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ nổ, nhưng các quan chức quy trách nhiệm cho phiến quân al-Shabab.

Vụ tấn công hôm Chủ nhật xảy ra chỉ vài giờ sau khi al-Shabab lên án tổng thống mới của Somalia Mohamed Abdullahi Farmaajo.

Một thủ lĩnh cấp cao của nhóm này đã thề sẽ tiếp tục chiến đấu chống chính phủ. Trong một thông điệp bằng lời nói, Sheikh Hassan Yaqub, một chỉ huy cấp cao, đã gọi vị tổng thống mới là một "kẻ bỏ đạo" và cảnh báo người dân Somali chớ có ủng hộ ông. - VOA
|
|

5.
Tây Ban Nha: Biểu tình rầm rộ ở Barcelona ủng hộ đón nhận người tị nạn

Hôm qua, thứ Bảy 18/02/2017, tại Barcelona, Tây Ban Nha, có khoảng 500 000 người tham gia biểu tình, theo ban tổ chức, trong khi đó AFP trích dẫn nguồn tin cảnh sát, đưa ra con số 160 000, với khẩu hiệu chính là ủng hộ việc đón nhận người tị nạn.

Cuộc biểu tình lớn này đã quy tụ được đại diện của tất cả các đảng phái chính trị, các tổ chức xã hội, và có được sự ủng hộ của nhiều nhân vật trong giới văn nghệ sân khấu.

Từ thủ đô Madrid, thông tín viên François Musseau gửi về bài tường trình :

"Casa Nostra, Casa vostras – ngôi nhà này là của chúng tôi và cũng là của các bạn ; thôi, xin lỗi thế là đủ rồi, đã đến lúc đón tiếp mọi người. Đó là những khẩu hiệu chính tràn ngập cuộc biểu tình khổng lồ ở trung tâm Barcelona, ngày hôm qua, 18/02, trên đường Laietana và xung quanh quảng trường Urquinaona.

Các khẩu hiểu ủng hộ người tị nạn, thể hiện rõ rằng việc đón tiếp những người tị nạn là chưa đủ, thậm chí là đáng chê trách tại Tây Ban Nha và châu Âu. Cuộc biểu tình này mang dấu ấn của thị trưởng thủ phủ Catalunya, bà Ada Colau, được bầu hồi tháng Sáu năm 2015, một nhà tranh đấu cho quyền được có nhà ở. Từ khi nhậm chức, bà đã nhiều lần bày tỏ lập trường ủng hộ việc đón tiếp người tị nạn, chủ yếu là người Syria cũng như những người tị nạn khác.

Tòa thị chính Barcelona phàn nàn rằng trong số 1250 người mà vùng này có thể đón tiếp, thì chỉ có một phần ba được chuyển đến các gia đình tiếp nhận. Tuy nhiên, tỉ lệ này cao hơn nhiều so với mức trung bình trên toàn quốc. Trong số 17 000 người mà Tây Ban Nha sẽ đón tiếp, thì chỉ có 700 người đã được đón tiếp một cách thực sự". - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

6.
Ông Trump sắp ra sắc lệnh mới về cấm người từ 7 nước Hồi giáo

Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ John Kelly cho biết hôm thứ Bảy rằng Tổng thống Donald Trump sẽ sớm ra sắc lệnh của tổng thống có nội dung “tinh giản hơn” về cấm nhập cảnh đối với người bảy quốc gia có đông dân theo Hồi giáo.

Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich thường niên tại Đức trong một buổi thảo luận về cuộc chiến chống khủng bố, ông Kelly cho biết phiên bản mới của sắc lệnh sẽ không ngăn chặn người nước ngoài có visa làm việc hoặc giấy phép cư trú dài hạn, còn gọi là "thẻ xanh" khi họ tái nhập cảnh vào Hoa Kỳ. Ông nói thêm là nó cũng sẽ không ảnh hưởng đến người nước ngoài đã bay đến các điểm nhập cảnh ở Hoa Kỳ khi lệnh có hiệu lực.

Ông Kelly nói ông Trump sẽ "đảm bảo rằng không có ai bị mắc kẹt trong hệ thống khi di chuyển từ nước ngoài đến các sân bay của chúng tôi" trong thời gian có lệnh cấm đi lại.

Ông Kelly cho biết sắc lệnh ban đầu được thiết kế như một "sự tạm dừng trong thời ngắn" để giúp cho tổng thống "nhìn thấy có những lỗ hổng ở đâu trong hệ thống rà soát di trú của chúng tôi" mà những kẻ tấn công có thể khai thác.

Theo báo chí Mỹ, sắc lệnh di trú mới có thể được đưa ra sớm nhất là vào hôm thứ Ba, và chính ông Trump đã khẳng định nó sẽ được ban hành trong tuần tới. - VOA
|
|

7.
Trump 'chỉ trích mạnh mẽ' giới truyền thông

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tiếp tục tấn công truyền thông tại sự kiện 'vận động vì nước Mỹ' tổ chức tại Florida.

Ông nói với đám đông ở Melbourne rằng truyền thông đã 'đưa tin không trung thực' mà có ý đồ riêng.

Ông cũng nói về công việc của một người Tổng thống cho đến lúc này và cho rằng dư luận Hoa Kỳ đã chuyển biến tích cực hơn rất nhiều.

Vào hôm thứ Năm 16/02, ông Trump đã chỉ trích truyền thông tại một cuộc họp báo, trong bối cảnh áp lực từ công việc của một Tổng thống ngày càng tăng lên.

Cố vấn an ninh Michael Flynn đã từ chức từ hôm đầu tuần và ông Trump sẽ phỏng vấn những ứng cử viên mới cho vị trí này vào Chủ nhật 19/02.

Trong diễn văn của mình, Tổng thống Donald Trump đã gọi truyền thông là 'gian dối' và thường xuyên nhắc lại rằng một số hãng thông tấn 'không muốn đưa sự thật' mà chỉ bịa chuyện về mình.

Tổng thống cũng nhắc lại ưu tiên giữ cho Hoa Kỳ được 'an toàn' và cho biết sẽ 'tăng cường bảo vệ biên giới trở lại'.

Các vấn đề khác được nhắc đến gồm có:

Người dân sẽ hưởng 'chính sách y tế thật tốt' và chính sách y tế của ông Obama sẽ bị hủy bỏ

Khẳng định Nhà Trắng đang vận hành rất trơn tru, trái với cáo buộc chính phủ làm việc như một mớ hỗn độn

Hứa hẹn sẽ 'tinh giảm bộ máy' và 'làm trong sạch môi trường' tại Washington

Lên kế hoạch để 'triệt tiêu hoàn toàn' tổ chức Nhà nước Hồi giáo

Tạo thêm việc làm tại nước Mỹ và xây dựng lại quân đội.

Cuộc vận động được xem là khá bất thường vì đây là sự kiện hay được dùng khi tranh cử, trong khi Tổng thống Donlad Trump lại đang tại chức.

Trong suốt tuần qua, ông Trump đã liên tục chỉ trích truyền thông và cho thấy sự hào hứng khi sẽ được đứng trước đám đông tại Florida thêm lần nữa.

Cáo buộc liên hệ quan chức Nga

Vào hôm thứ Năm 16/02, ông Trump đã có buổi họp báo kéo dài 76 phút và chỉ trích các phóng viên về độ trung thực, trích dẫn các bản tin nói đội ngũ của Tổng thống Hoa Kỳ có liên hệ với Moscow từ khi còn tranh cử.

Michael Flynn, là cố vấn về an ninh của ông Trump, đã từ chức vào hôm thứ Hai 13/02 sau khi báo cáo không đầy đủ với Phó Tổng thống Mike Pence về việc đã thảo luận với đại sứ Nga về lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ trước khi ông Trump nhậm chức.

Trong khi đó, tờ New York Times đưa tin từ hôm đầu tuần nói một số thành viên trong đội ngũ vận động tranh cử và một số mối quan hệ khác của ông Trump đã thường xuyên liên hệ với các quan chức tình báo cao cấp của Nga từ một năm trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ.

Tại Florida, ông Trump nghỉ ở khu nghỉ dưỡng do ông sở hữu là Mar-a-Lago sang tuần thứ ba liên tiếp. Trong một lần viết trên Twitter, ông nói đến khu nghỉ dưỡng như là 'Nhà Trắng ở miền Nam', mặc dù đây là tài sản cá nhân của ông Trump chứ không thuộc sở hữu của chính phủ.

Tại đây, ông Trump sẽ phỏng vấn bốn ứng cử viên cho vị trí cố vấn an ninh quốc gia, bao gồm:

Cố vấn tạm thời Keith Kellogg

Cựu đặc phái viên Hoa Kỳ tại LHQ John Bolton

Trung tướng McMaste

Trung tướng Robert Caslen

Một ứng cử viên được cho là sẽ được bổ nhiệm vào vị trí này, Tướng David Petraeus, đã không còn là ứng cử viên, theo phát ngôn nhân của Tổng thống. - BBC
|
|

Tin Việt Nam

8.
Bộ trưởng ngoại giao Mỹ sẽ sang thăm Việt Nam

Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam, ông Phạm Bình Minh có buổi gặp gỡ ông Rex Tillerson, Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ tại thành phố Bonn nước Đức vào ngày hôm thứ sáu, bên lề Hội nghị ngoại giao các nền kinh tế phát triển nhất thế giới gọi tắt là G20, và các nền kinh tế mới nổi, diễn ra trong hai ngày 16 và 17 tháng hai.

Theo bản tin của chính phủ Việt Nam, hai ông cho rằng quan hệ toàn diện giữa Mỹ và Việt Nam đang có những bước tiến rất tích cực.

Ông Phạm Bình Minh đã mời người đồng nhiệm Hoa Kỳ sang thăm Việt Nam, cũng như nhắc lại lời mời của nhà nước Việt Nam đã gửi đến Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump sang thăm Việt Nam nhân hội nghị các quốc gia châu Á Thái Bình Dương (gọi tắt là APEC) vào tháng 11 năm nay.

Đáp lời ông Tillerson nói là ông mong muốn sang thăm Việt Nam và tham gia các hoạt động của APEC.

Ông Tillerson là Bộ trưởng ngoại giao mới nhậm chức của Hoa Kỳ trong chính phủ của Tổng thống Trump. Trước khi trở thành người đứng đầu ngành ngoại giao của Washington, ông là Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí khổng lồ của Mỹ là Exxon Mobil. Tập đoàn này có hợp đồng khai thác khí đốt ở lô Cá Voi xanh, ngoài khơi bờ biển miền Trung Việt Nam. Đây là khu vực mà Trung quốc cũng cho là thuộc chủ quyền của họ.

Trung quốc vốn tự tuyên bố chủ quyền của mình trên 90% diện tích biển Đông.

Ngay trước khi ông Tillerson chính chức nhậm chức vài ngày, chính phủ Việt Nam đã chính thức khởi động dự án khí đốt Cá voi xanh vào tháng giêng năm nay. - RFA
|
|

9.
Người nhà nhận ra nghi can ‘Doan Thi Huong’? --- Hàn Quốc: Bình Nhưỡng đứng sau vụ ám sát Kim Jong Nam

Một người đàn ông ở Nam Định hôm 19/2 cho biết ông tin rằng người chị em của ông có thể là một trong các nghi can bị bắt ở Malaysia vì liên quan tới vụ sát hại người anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un, theo Reuters.

Ông Kimg Jong Nam bị tấn công tuần trước tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur khi chuẩn bị đáp chuyến bay đi Macau, nơi ông sinh sống cùng người vợ hai dưới sự bảo vệ của Trung Quốc, trong một vụ được cho là đầu độc chớp nhoáng.

Cảnh sát Malaysia nói rằng trong số những người bị bắt có một phụ nữ mang theo giấy tờ Việt Nam. Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 16/2 nói rằng “các cơ quan chức năng của Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ với phía Malaysia để làm rõ những thông tin liên quan”.

Trong khi đó, tên của nữ nghi can mang giấy tờ Việt Nam cũng hoàn toàn biến mất trên truyền thông trong nước. Khó tìm thấy cái tên Doan Thi Huong trên các trang báo nhà nước, mà nó chỉ xuất hiện trong các bản tin của các cơ quan báo chí tiếng Việt ở hải ngoại cũng như trên các trang tin “lề trái”.

Theo Reuters, ông Joseph Doan xác nhận rằng tên của người chị em của ông là Doan Thi Huong và sinh năm 1988 ở Nam Định. Đây là những thông tin giống với những gì mà phía cảnh sát Malaysia thông báo trước đó.

“Chúng tôi chỉ nghe tin trên Internet và mọi người khác cũng vậy, nhưng nhìn ảnh thì thấy giống. Tôi không thể chắc chắn 100% vì chúng tôi chưa gặp mặt”, ông Joseph nói tại Nam Định.

Người nông dân này nói rằng người chị em của mình trông giống với người phụ nữ mặc chiếc áo có chữ “LOL” mà máy quay an ninh ghi lại. Reuters dẫn lời ông Joseph Doan nói rằng chính quyền Việt Nam đã liên lạc và hỗ trợ.

Ông Joseph nói rằng người chị em của mình rời nhà khi mới 18 tuổi, chỉ thỉnh thoảng về nhà, và cũng không cho ai biết khi nào thì cô lại về. Ông chỉ nói với người chị em của mình là “học và làm việc chăm chỉ”.

Các quan chức Mỹ và Hàn Quốc cho rằng ông Jong Nam đã bị các điệp viên Bắc Hàn ám sát. Cảnh sát Malaysia hôm 19/2 nói rằng bốn nghi can Bắc Hàn trong vụ giết người đã rời Malaysia đúng ngày xảy ra vụ sát hại.

Cảnh sát Malaysia hôm 18/2 thông báo đã bắt giữ một người đàn ông Bắc Hàn có liên quan tới vụ giết hại anh trai cùng tra khác mẹ của lãnh tụ Kim Jong Un.

Cho tới nay, có bốn người bị bắt giữ trong vụ ám sát ông Kim Jong Nam. Hai nữ nghi can, một công dân Indonesia và một người mang giấy tờ Việt Nam, cùng một người đàn ông Malaysia bị bắt trước đó. - VOA

***
Truyền thông Hàn Quốc hôm qua 18/02/2017 loan báo điều tra của cảnh sát Malaysia về vụ ám sát anh trai của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, và Seoul cho rằng Bình Nhưỡng đứng sau vụ án mạng này.

Trả lời giới báo chí, phát ngôn viên bộ Thống Nhất Hàn Quốc, ông Jeong Joon-Hee, được AFP trích dẫn, khẳng định: “Căn cứ vào nhiều yếu tố, chính phủ chúng tôi tin chắc là người bị sát hại là Kim Jong Nam và chúng tôi nghĩ rằng năm nghi can đó là người Bắc Triều Tiên. Chúng tôi tin là chính phủ Bắc Triều Tiên đứng sau vụ việc này”.

Ông Jeong từ chối cho biết thêm chi tiết và nói rằng cảnh sát Malaysia đang tiếp tục điều tra. Phát ngôn viên bộ Thống Nhất Hàn Quốc lưu ý : “Vì Bắc Triều Tiên đã từng phạm những tội ác vô nhân đạo và có những hành vi tàn bạo, chúng tôi thật sự quan tâm và theo dõi kỹ vụ việc này”.

Về phía Malaysia, cảnh sát nước này hôm nay công bố danh tánh thêm 4 nghi can khác, sau khi đã bắt giữ một người Bắc Triều Tiên hôm qua. Theo trợ lý cảnh sát trưởng Noor Rashid Ismail trong buổi họp báo, bốn người đàn ông có tên Ri Ji Hyon, Hong Son Hac, O Joong Gil và Ri Jae Nam, tuổi từ 33-57, đều mang hộ chiếu phổ thông Bắc Triều Tiên. Những người này đã rời sân bay quốc tế Kuala Lumpur ngay trong ngày xảy ra án mạng. Cảnh sát Malaysia không nêu rõ điểm đến, chỉ thông báo là đang liên hệ với Interpol để truy lùng bốn nghi can này. Ngoài ra, cảnh sát Malaysia cho biết thêm là đang tìm kiếm 3 người Bắc Triều Tiên khác để hỗ trợ cho công tác điều tra. - RFI

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9




No comments:

Post a Comment