Tuesday, February 7, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Ba 7/2

Tin Thế Giới

1.
Giới chuyên gia cảnh báo về nguy cơ xung đột Mỹ-Trung --- Tillerson: 'Chấp nhận rủi ro' để ngăn bất ổn Biển Đông --- Chủ tịch TQ chờ điện thoại của Tổng thống Trump

Sự thất thường của tân tổng thống Donald Trump cộng với cách cầm quyền độc đoán và thái độ ngày càng hung hăng của chủ tịch Tập Cận Bình đang đẩy quan hệ Mỹ -Trung đến một giai đoạn nguy hiểm.

Đó là cảnh báo của một nhóm chuyên gia hàng đầu của Mỹ về Trung Quốc trong một báo cáo gởi Nhà Trắng, trong đó họ đưa ra những khuyến cáo về quan hệ giữa Washington với Bắc Kinh. Báo cáo này được chuyển đến Nhà Trắng hôm Chủ Nhật vừa qua và trên nguyên tắc sẽ được công bố ngày 07/02/2017.

Trong báo cáo này, các chuyên gia Mỹ về Trung Quốc, trong đó có một số người đã làm việc với Bắc Kinh từ hơn 50 năm, cảnh báo : quan hệ giữa hai cường quốc có vũ khí hạt nhân này có thể xấu đi nhanh chóng và biến thành xung đột kinh tế, thậm chí xung đột quân sự, nếu hai bên không tìm được thỏa hiệp trên các vấn đề như thương mại, Đài Loan và Biển Đông.

Theo nhật báo Anh The Guardian, một trong những tác giả bản báo cáo, ông Winston Lord, cựu đại sứ Mỹ ở Trung Quốc, nhận định : hiện giờ, do các chính sách của Trung Quốc và do sự thất thường của ông Trump, quan hệ giữa hai nước đang ở trong giai đoạn khó lường nhất kể từ vụ thảm sát Thiên An Môn (1989). Ông Orville Schell, một chuyên gia kỳ cựu về Trung Quốc, thì rất lo ngại về nguy cơ tổng thống Trump phá tan hàng thập kỷ chính sách của Mỹ với Trung Quốc.

Ngay cả trước khi bất ngờ đắc cử tổng thống Mỹ tháng 11/2016, nhà tỷ phú New York đã tuyên bố ông sẽ có thái độ cứng rắn với quốc gia mà ông gọi là « nước Trung Quốc xấu xa ». Và kể từ khi thắng cử đến nay, ông Donald Trump vẫn không thay đổi giọng điệu với Bắc Kinh.

Trên đài truyền hình và trên mạng xã hội Twitter, tân tổng thống Mỹ đã tố cáo Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, thao túng tiền tệ và không giúp kềm chế lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Tổng thống Trump cũng đã khiến Bắc Kinh phẫn nộ khi cho thấy là ông không đi theo chính sách chỉ công nhận một nước Trung Quốc duy nhất theo đó Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Báo cáo của các chuyên gia nói trên nhấn mạnh, nguy cơ này « vô cùng nguy hiểm » và là yếu tố đe dọa nghiêm trọng nhất đối với quan hệ Mỹ-Trung.

Các chuyên gia Mỹ về Trung Quốc cũng cảnh báo « bão tố đang hình thành » ở Biển Đông. Họ cho rằng những hành động xác quyết chủ quyền ngày càng hung hăng của Trung Quốc, cộng với tư tưởng dân tộc chủ nghĩa ngày càng mạnh ở nước này, khiến Hoa Kỳ và Trung Quốc đang « trên đường nguy hiểm đi đến xung đột ». Vào tuần trước, cố vấn chiến lược của tổng thống Trump, Steve Bannon, đã dự báo chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ở Biển Đông là « không thể tránh khỏi » trong vòng từ 5 đến 10 năm tới.

Những người trong êkíp của ông Trump đã từng chỉ trích sự « yếu kém » của chính quyền Obama ở châu Á – Thái Bình Dương và đã yêu cầu gia tăng sự hiện diện quân sự ở vùng này, theo chiến lược « đạt đến hòa bình bằng sức mạnh », nhằm chống lại Trung Quốc. Nhưng báo cáo của các chuyên gia khuyến cáo Nhà trắng rằng đó là một chính sánh « thiển cận », chỉ khiến cho tình hình căng thẳng thêm.

Đặc biệt, cựu đại sứ Winston Lord xem quyết định của ông Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP là một « thảm họa », vì làm tổn hại uy tín của Mỹ ở châu Á và giúp cho Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng ở vùng này.

Không chỉ đưa ra các khuyến cáo, các chuyên gia còn kêu gọi chính quyền Trump tránh để quan hệ Mỹ-Trung vượt khỏi tầm kiểm soát. - RFI

***
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson mới đây đã gửi văn bản trả lời tới Thượng nghị sĩ Ben Cardin của bang Maryland dành cho những câu hỏi nêu ra tại phiên điều trần hồi tháng trước liên quan đến quá trình phê chuẩn ông làm ngoại trưởng.

Văn bản này đã xuất hiện trên mạng cách đây ít ngày. Một phát ngôn viên của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện hôm 7/2 đã xác nhận với Japan Times đó là văn bản thật.

Trong văn bản, ngoại trưởng Mỹ đã dùng lời lẽ nhẹ nhàng hơn khi nói về vấn đề Biển Đông. Ông Tillerson viết: “Nếu tình huống bất ngờ xảy ra, Hoa Kỳ cùng các đồng minh và đối tác phải có khả năng hạn chế việc Trung Quốc tiếp cận và sử dụng các đảo nhân tạo của họ để tạo ra mối đe dọa đối với Hoa Kỳ hoặc các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ”.

Ông cũng tỏ ra cổ súy cho một chính sách tích cực hơn của Mỹ đối với vùng biển có tranh chấp cũng như những rủi ro đi kèm có thể tăng lên khi Mỹ có động thái như vậy. Ngoại trưởng Mỹ viết: “Mỹ phải sẵn sàng chấp nhận rủi ro nếu Mỹ muốn ngăn ngừa những hành động làm mất ổn định thêm, và trấn an các đồng minh và đối tác rằng Mỹ sẽ sát cánh với họ trong việc duy trì các luật lệ và chuẩn mực quốc tế”.

Ông Tillerson cho biết thêm ông sẽ làm việc với các đối tác liên ngành để xây dựng một phương pháp tiếp cận tổng thể của chính phủ về việc ngăn ngừa Trung Quốc cưỡng chiếm và bồi đắp thêm, cũng như ngăn ngừa các thách thức đối với tự do hàng hải và hàng không ở vùng biển.

Luật sư Hoàng Việt, thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông, bình luận với VOA từ Việt Nam về những phát biểu của ngoại trưởng Mỹ:

“Ngoài việc anh nói mục đích ra, nhưng anh còn có biện pháp cụ thể là cái gì? Cho đến bây giờ, chưa thấy nội các của [ông] Trump đưa ra một biện pháp khả dĩ và thuyết phục. Bây giờ mà để ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận cái đó thì phải có một chiến lược dài. Trung Quốc đã cho xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa rồi và thậm chí là Hoàng Sa. Vậy thì làm sao để ngăn họ vào? Chiến tranh thì chắc chắn cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều không dại gì phiêu lưu vào đó cả. Tuần tra [của Mỹ] cũng không là việc ngăn Trung Quốc ở trên mấy cái đảo đó được. Và chính vì vậy cho nên là đang chờ xem có biện pháp hữu hiệu nào không?”

Hôm 7/2, hãng tin AFP cho hay Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nói ông tin rằng Trung Quốc sẽ cố xây dựng trên bãi cạn Scarborough chỉ cách đảo Luzon của Philippines 230 km. Bộ trưởng Lorenzana cho rằng một động thái như vậy là không chấp nhận được.

Từ những tín hiệu của các bên tranh chấp ở Biển Đông, nhất là Trung Quốc, Luật sư Việt nói về sự kỳ vọng đối với vai trò của Mỹ:

“Trong thời gian sắp tới, tôi chỉ mong chính quyền của Mỹ, nội các của ông Donald Trump có thể giữ cho tình trạng của Biển Đông không leo thang lại, đó cũng là thành công lắm rồi”.

Hồi cuối tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis khi ở thăm Nhật đã nói nên ưu tiên cho giải pháp ngoại giao ở Biển Đông và hoạt động quân sự chính của Mỹ không tính đến việc đối đầu với hành động quyết đoán của Trung Quốc tại đó. Hôm 6/2, Trung Quốc đã hoan nghênh phát biểu của ông Mattis. - VOA

***
Kể từ khi tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã nói chuyện với hơn một chục nhà lãnh đạo thế giới. Trong một danh sách được công bố mới đây, Tòa Bạch Ốc liệt kê 16 nhà lãnh đạo bao gồm nhiều đồng minh truyền thống của Washington, ngay cả Nga nữa. Một quốc gia không có tên trong danh sách này là Trung Quốc, khiến một số người thắc mắc.

Và một số nhà quan sát Trung Quốc cũng tự hỏi về nguyên nhân và thời điểm ông Trump sẽ nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Kể từ khi vào Tòa Bạch Ốc, ông Trump chú trọng phần lớn đến các vấn đề trong nước và an ninh quốc gia. Và các nhà phân tích nói lời hứa đặt nước Mỹ trên hết của ông có nghĩa là ông cần chú trọng đến việc mang việc làm trở lại nước Mỹ chứ không chú trọng đến quốc gia ông cáo buộc là lấy cắp những cơ hội này.

Lời hứa trong cuộc vận động tranh cử của Tổng thống Mỹ mang công ăn việc làm trở về Mỹ không những xung đột với những quyền lợi của Trung Quốc, nhưng những tuyên bố của chính quyền Mỹ về những điều Trung Quốc xem như là quyền lợi cốt lõi như tranh chấp tại Biển Đông hay quyết định nói chuyện với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn làm Trung Quốc bực bội.

Ông Oh Ei Sun, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore nói: “Từ quan điểm của ông Trump, ông phải thu xếp nhiều chính sách khác nhau, đôi khi có những mâu thuẫn, trước khi ông ấy có một cuộc thảo luận mạch lạc với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.”

Ông Minh Hiền, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế thuộc trường Đại học Đạm Giang ở Đài Loan nói sự trì hoãn này không phải là Trung Quốc không nằm trong tầm chú ý của ông Trump.

Ông nói khi giao dịch với Trung Quốc, không phải chỉ đối phó với một vấn đề. Trong mối quan hệ Mỹ-Trung, có rất nhiều vấn đề, trong đó có đồng nội tệ của Trung Quốc, thâm thủng mậu dịch, an ninh mạng và những vấn đề khác nữa.

Và vẫn theo lời ông, “Khi đối phó với một vấn đề liên hệ đến Trung Quốc thì luôn luôn những vấn đề phức tạp khác lại xuất hiện.” - VOA
|
|

2.
Chủ tịch Hạ viện Anh phản đối đề nghị cho ông Trump phát biểu tại Quốc hội

Chủ tịch Hạ viện Anh "mạnh mẽ phản đối" đề nghị mời Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump phát biểu trước Quốc hội trong chuyến thăm chính thức đến Anh vào cuối năm nay.

Ông John Bercow nói hôm thứ Hai rằng một bài phát biểu trước quốc hội Anh "không phải là một quyền đương nhiên, mà nó là một vinh dự." Ông Bercow nói:

"Nếu một chuyến đi thăm cấp nhà nước diễn ra, thì việc này nằm ngoài phạm vi trách nhiệm của tôi. Nhưng tại diễn đàn này, tôi mạnh mẽ tin rằng chúng ta chống đối nạn kỳ thị và phân biệt giới tính, chúng ta ủng hộ quyền bình đẳng trước pháp luật và một hệ thống tư pháp độc lập, là những vấn đề hết sức quan trọng tại Hạ viện."

Ông Bercow nói ngay cả trước khi ông Trump ban hành sắc lệnh di trú tạm thời cấm cửa công dân của 7 quốc gia Hồi giáo, ông đã phản đối việc Thủ tướng Theresa May mời ông Trump sang thăm nước Anh khi bà đi thăm Toà Bạch Ốc vào tháng trước

Chủ tịch Hạ viện Anh là một trong những nhân vật chính có tiếng nói quyết định trước khi bất cứ bài diễn văn nào được đọc trước Quốc hội. Cho tới giờ chương trình chưa được sắp xếp cho Tổng thống Trump phát biểu trước quốc hội Anh, nhưng các bài diễn văn đọc ở nơi này thường diễn ra trong các chuyến đi thăm chính thức, kể cả bài diễn văn của cựu Tổng thống Barack Obama vào năm 2011.

Hơn 1,8 triệu người dân Anh đã ký thỉnh nguyện thư kêu gọi các bộ trưởng hủy bỏ chuyến thăm này. Tuy nhiên, một thỉnh nguyện thư ủng hộ chuyến đi thăm của ông Trump đang lớn mạnh, và hiện đã có chữ ký của 250.000 người. Các nhà lập pháp dự kiến sẽ thảo luận vấn đề này vào cuối tháng 2. - VOA
|
|

3.
Liên Hiệp Quốc kêu gọi Thái Lan hủy luật chống khi quân

Hôm nay, 07/02/2017, một đặc phái viên về tự do ngôn luận của Liên Hiệp Quốc ra thông cáo kêu gọi Bangkok hủy bỏ luật khi quân, bị cáo buộc được dùng như một công cụ đàn áp chính trị.

Thông cáo của ông David Kaye, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc, nhấn mạnh đến trường hợp một sinh viên Thái Lan, hiện đang bị giam giữ, chỉ vì chia sẻ trên internet một bài báo về tân vương Maha Vajiralongkorn, vừa kế nhiệm ngai vàng, ngày 01/12/2016, ít tuần sau khi vua Bhumibol qua đời.

Trong số hàng nghìn người chia sẻ một bài báo của BBC, cung cấp nhiều chi tiết về cuộc đời của tân vương, nổi tiếng với nhiều xì-căng-đan, duy nhất chỉ có nhà tranh đấu dân chủ Jatupat Boonpatararaksa, có biệt danh « Pai », là bị bắt. Nhà tranh đấu nói trên được coi là nạn nhân đầu tiên của luật chống khi quân Thái Lan, kể từ khi thái tử Maha Vajiralongkorn kế nhiệm.

Thông cáo của đại diện Liên Hiệp Quốc về tự do ngôn luận nhấn mạnh là « các điều khoản về chống khi quân của luật hình sự Thái Lan không phù hợp với luật pháp quốc tế về nhân quyền » và lưu ý « các nhân vật chính trị, kể cả những người giữ chức vụ cao nhất, vẫn có thể bị phê phán ».

« Điều 112 » của luật chống khi quân của Thái Lan dự kiến phạt từ 3 đến 15 năm tù đối với ai báng bổ vua, hoàng hậu, thái tử hay nhiếp chính vương.

Kể từ khi tập đoàn quân sự lên nắm quyền tháng 5/2014, chính quyền liên tục sử dụng luật khi quân để trấn áp các tiếng nói khác biệt, với các án nặng hơn trước rất nhiều. Năm 2015, một người đàn ông bị kết án đến 30 năm tù và một phụ nữ 28 năm tù, vì đưa lên Facebook nhiều thông điệp bị cáo buộc là nhục mạ gia đình hoàng gia.

Tại Thái Lan, cuộc đời phóng túng của tân vương Maha Vajiralongkorn, 64 tuổi, từng có ba đời vợ, là chuyện mà mọi người có thể đàm tiếu, tuy nhiên nhìn chung không có phương tiện truyền thông hay mạng xã hội nào dám nhắc đến. Ngay về các án phạt, cũng rất ít phương tiện truyền thông, kể cả phương tiện truyền thông quốc tế, dám nêu chi tiết, vì sợ phạm vào luật trừng phạt tội khi quân. - RFI
|
|

4.
Manila tố cáo Bắc Kinh muốn xây đảo nhân tạo ngoài khơi Philippines

Trả lời phỏng vấn hãng tin AFP ngày 07/02/2017, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết ông tin rằng Trung Quốc có thể sẽ bồi đắp bãi cạn Scarborough, chỉ nằm cách đảo Luzon của Philippines 230 km. Trung Quốc đã chiếm giữ bãi cạn này từ năm 2012.

Bắc Kinh hiện đã xây nhiều đảo nhân tạo ở Biển Đông, trong đó có Đá Chữ Thập mà Manila cũng đòi chủ quyền, và đặt các thiết bị quân sự trên một số đảo đó. Theo các nhà phân tích, việc đặt các thiết bị quân sự trên bãi cạn Scarborough sẽ giúp Trung Quốc kiểm soát về mặt quân sự vùng Biển Đông, điều mà Hoa Kỳ báo trước là sẽ không chấp nhận.

Theo lời bộ trưởng Lorenzana, các công trình xây dựng trên bãi cạn Scarborough sẽ đáng lo ngại hơn nhiều so với trên Đá Chữ Thập, vì bãi cạn này nằm rất gần Philippines. Từ Scarborough, các chiến đấu cơ phản lực và tên lửa của Trung Quốc có thể dễ dàng tấn công lực lượng Mỹ đóng tại Philippines. Tiền đồn trên Scarborough có thể giúp Trung Quốc ngăn chận tàu của các nước khác sử dụng con đường hàng hải trọng yếu này.

Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines nói với AFP, việc bồi đắp các đảo ở Biển Đông là chiến lược của Trung Quốc nhằm chống lại những cường quốc nào can dự vào Biển Đông, vì đối với Bắc Kinh, đây là vùng biển của Trung Quốc.

Chính quyền của tân tổng thống Donald Trump đã tuyên bố sẽ đẩy lùi mọi mưu toan của Trung Quốc nhằm củng cố kiểm soát Biển Đông. Trong cuộc điều trần trước Thượng viện để được phê chuẩn việc bổ nhiệm, tân ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã tuyên bố là Hoa Kỳ sẽ ngăn chận Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo trên Biển Đông, mặc dù các nhà phân tích cho rằng, muốn làm như thế Washington phải phong tỏa trên biển, và đây là một hành động chiến tranh.

Nhưng theo tờ The Japan Times của Nhật số ra ngày 07/02/2017, một tài liệu được tiết lộ trên một trang mạng cho thấy là sau đó ông Tillerson đã có giọng điệu hòa dịu hơn. Trả lời các câu hỏi về các công trình xây đảo nhân tạo của Trung Quốc, tân ngoại trưởng Mỹ chỉ viết : Không thể để Trung Quốc sử dụng các đảo nhân tạo để cưỡng ép các nước láng giềng hoặc hạn chế quyền tự do lưu thông hàng khải và hàng không ở Biển Đông. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hành xử các quyền tự do ấy bằng cách đưa phi cơ và tàu đến hoạt động tại bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép. - RFI
|
|

5.
Dân Philippines bất bình vì ông Duterte dùng diễn văn mắng con trai

Cộng đồng mạng xã hội Philippines có phản ứng bất bình về việc Tổng thống Rodrigo Duterte dùng một bài diễn văn trước công chúng để lăng mạ người con trai "mất tích" của ông.

Các chuyên gia an ninh nói Sebastian "Baste" Duterte, một vận động viên lướt ván 29 tuổi, đã "không thể liên hệ được" hồi tuần trước.

Trong bài diễn văn của mình, vị tổng thống có tiếng là bạo mồm nói về đời tư và những mối quan hệ trắc trở của cậu con trai "chơi bời".

Con trai ông sau đó đã xuất hiện và nói rõ tung tích của mình, nhưng sự việc này đã làm nhiều người Philippines bất bình.

"Chào buổi sáng, Ba. Đừng lo. Con đang sống ở nhà khác từ ngày 1 tháng Hai", cậu con Duterte con viết trên Facebook.

Mối quan hệ không mấy tốt đẹp giữa Sebastian Duterte và cha cậu đã được truyền thông đưa tin nhiều, nhưng nhiều người Philippines trên mạng đặt câu hỏi vì sao một vị tổng thống lại dùng một bài phát biểu trước công chúng để nói về các vấn đề cá nhân.

"Cậu con trai út của tôi là một thằng tồi. Nó còn không thèm về nhà nó nữa." Ông Duterte nói trong bài diễn văn hôm thứ Năm ngày 2 tháng Hai bằng tiếng Tagalog, tiếng Anh pha lẫn tiếng Visayan.

Ông còn so sánh cậu Baste với chị gái Sara và anh trai Paolo của cậu, cả hai đều là chính trị gia ở thành phố Davao thủ thành của ông: "Tôi chưa bao giờ gặp rắc rối với những người con khác của tôi, những người con làm việc tốt." ông nói.

Phong cách bạo mồm và kỷ lục chống tội phạm của Duterte làm ông được lòng nhiều người Philippines.

Trong số những người ông đã xúc phạm có các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ Barack Obama và Donald Trump, cũng như Giáo hoàng Francis.

"Dường như cậu Baste không muốn giữ liên hệ với người cha điên rồ của cậu. Nếu cha tôi mà can thiệp vào đời tư của tôi như vậy thì tôi cũng làm thế," Jiselle Maliano bình luận trên Facebook.

"Đây là vị tổng thống có thể moi ra những người nghiện thuốc phiện nhưng thậm chí còn không biết tung tích con trai ở đâu," Zhevsky Requejo viết trên Facebook.

"Ai đó hãy cấu tôi một cái, ông Duterte đang vạch áo cho người xem lưng à," một người Philippines khác đặt câu hỏi. "Bêu xấu các chính trị gia tham nhũng và tội phạm là một chuyện nhưng ông phải biết khi nào thì không nên đưa các vấn đề gia đình ra công chúng. Ông hãy tập trung vào điều hành đất nước đi."

Nhưng những người ủng hộ ông Duterte đã phản ứng lại để bảo vệ quan điểm của tổng thống của họ.

Một số người, chẳng hạn bà Corazon Cabrera, bình luận trên những Facebook post mở của Baste, lên án cậu là "không nghe lời cha".

"Một người đàn ông thực thụ lo cho con cái bất kể mối quan hệ của ông với mẹ của chúng là thế nào," bà Corazon viết. "Nếu các người không hy sinh vì con cái, các người không xứng đáng là cha mẹ chúng. Thật đáng xấu hổ." - BBC
|
|

6.
Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy 'phải ra tòa'

Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy sẽ phải ra tòa liên quan vụ chi tiền cho chiến dịch tranh cử.

Ông Sarkozy bị tố cáo đảng của ông đã làm giả sổ sách để che giấu việc chi 22,5 triệu euro trong chiến dịch năm 2012.

Ông Sarkzoy luôn nói rằng ông không biết việc chi quá tay này.

Năm 2012, ông thua trước Francois Hollande trong cuộc đua tổng thống Pháp.

Vụ án xoay quanh cáo buộc đảng UMP của Sarkozy đã thông đồng với một công ty là giao tế nhân sự để che giấu chi phí thực của chiến dịch năm 2012.

Pháp có quy định hạn chế tiền tranh cử. Theo tố cáo, công ty Bygmalion đã gửi hóa đơn thanh toán cho đảng của ông Sarkozy thay vì cho chiến dịch, và như thế cho phép đảng UMP chi quá tay.

Nhiều thành viên đảng UMP đã bị truy tố.

Vụ xử dự kiến sẽ quyết định liệu ông Sarkozy có biết về cáo buộc gian lận không.

Ông Sarkozy là tổng thống Pháp thứ hai bị đưa ra tòa từ 1958, khi nền cộng hòa hiện nay được thành lập.

Cựu tổng thống Jacques Chirac bị phạt hai năm tù treo năm 2011 vì tội "biển thủ công quỹ, lạm dụng tín nhiệm" khi lập ra 20 việc làm khống thời gian ông làm thị trưởng Paris từ 1992 đến 1995. - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

7.
Lo ngại về thái độ ngưỡng mộ Putin của TT Trump --- TT Trump khẳng định cam kết của Hoa Kỳ ủng hộ NATO

Các tổ chức bênh vực nhân quyền, một số nhà lập pháp Mỹ và nhiều tướng lãnh hồi hưu cũng như cựu đại sứ Mỹ nói họ quan tâm về chuyện Tổng thống Trump luôn bênh vực Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trong một cuộc phỏng vấn chiếu trên đài Fox hôm Chủ nhật vừa rồi ngay trước trận chung kết bóng bầu dục Super Bowl, ông Trump lặp lại lòng tôn trọng của ông dành cho ông Putin. Khi người hướng dẫn chương trình Bill O’Reilly thách thức ông Trump, mô tả ông Putin là “một kẻ sát nhân”, ông Trump trả lời: “Chúng ta có rất rất nhiều kẻ sát nhân. Ông nghĩ gì? Đất nước chúng ta ‘vô tội’ à?”

Điện Kremlin đòi đài Fox xin lỗi về những phát biểu mà họ gọi là “đáng phẫn nộ và không thể chấp nhận được”. Ông O’Reilly gạt đòi hỏi đó sang một bên, đêm thứ Hai, ông nói rằng Nga “cứ việc tham gia chương trình của tôi vào khoảng 20:23.”

Hôm thứ Ba, Tổng thống Trump đã dùng trang Twitter để nói rằng ông không biết ông Putin và không có làm ăn gì tại Nga.

Ông Trump tuyệt đối không nói bất cứ điều gì tiêu cực về ông Putin trong suốt chiến dịch tranh cử, và nhiều lần trả lời những câu hỏi về Tổng thống Nga bằng cách nói rằng nếu ông có quan hệ tốt với ông Putin cùng lúc với các nhà lãnh đạo thế giới khác, thì đó là một điều tích cực, chứ không phải là một của nợ.

Đồng Giám đốc chương trình Mỹ của Tổ chức Human Rights Watch, bà Maria McFarland, nói với Đài VOA hôm thứ Hai rằng bà lấy làm lo ngại về phát biểu của ông Trump về Nga.

Bà nói lời bình luận của ông Trump “thật là lạ lùng về nhiều mặt. Nhưng chủ yếu là ông Trump đã và đang cố tình giảm nhẹ tầm quan trọng của quá trình nhân quyền tệ hại của chính quyền Nga.” Bà nói trong mấy năm gần đây, ở Nga đã có một chiến dịch đàn áp tự do ngôn luận, đàn áp giới chỉ trích và xã hội dân sự. Cùng lúc Nga đã thực hiện nhiều tội ác chiến tranh ở Syria.

Bà McFarland nói: “Đó là những tội ác đáng ghê sợ. Hoa Kỳ phải lên án các tội ác đó, và Tổng thống Trump lẽ ra không nên đùa cợt về các tội ác đó hay giảm tầm nghiêm trọng của các tội ác đó.”

Bà nói thật đáng quan tâm khi ông Putin đôi khi bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với ông Putin, và cùng lúc lại đả kích truyền thông Mỹ bằng những lời lẽ hung hăng, và chỉ trích cả các toà án Mỹ, khiến cho người ta đặt nghi vấn về sự cam kết của cá nhân ông đối với các tiến trình dân chủ, và việc quy trách nhiệm đúng đắn cho những kẻ vi phạm”.

Lên tiếng trong chương trình “Face the Nation” của đài CBS, Phó Tổng thống Mike Pence bác bỏ ý kiến cho rằng ông Trump đã mang Hoa Kỳ so sánh với Nga.

Thủ lãnh khối đa số Đảng Cộng hoà tại Thượng viện Mitch McConnell nói ông không muốn chỉ trích “mọi lời nói do Tổng thống Trump thốt ra.” Nhưng ông lưu ý rằng ông Putin là một cựu điệp viên KGB, và là một “kẻ côn đồ.”

Ông McConnell nói “Người Mỹ chúng ta không vận hành như người Nga, dù dưới bất cứ cách nào.”

Một số nhà lập pháp của cả hai đảng mạnh mẽ đả kích ông Trump là đã không phản bác lại ông Putin mà thay vào đó còn có ý nói rằng Hoa Kỳ cũng có “những kẻ giết người.”

Tướng hồi hưu Barry McCaffrey phản ứng quyết liệt trước phát biểu của ông Trump trên đài MSNBC:

“Người ta có thể lập luận rằng phát biểu của ông Trump là phát biểu chống Hoa Kỳ mạnh mẽ nhất từng được một Tổng thống Mỹ thốt ra. Mang các giá trị Mỹ ra so sánh lẫn lộn với Putin, là kẻ đang điều hành một chế độ trung ương tập quyền tội phạm.”

Một số chuyên gia về Nga lưu ý rằng dưới chế độ Putin, một số thủ lãnh đối lập và ký giả chỉ trích ông đã bị ám sát, kể cả thủ lãnh đối lập Boris Nemtsov, lãnh tụ đối lập Nga hiện nay Vladimir Kara Murza thì đã nhập viện tuần trước, và hôm thứ Hai xét nghiệm dương tính với chất độc. Ông Murza đã thoát mạng sau một vụ đầu độc cách đây 2 năm.

Ông Michael McFaul là đại sứ Mỹ tại Nga từ năm 2012 đến năm 2014. Ông nói ông không hiểu được vì sao ông Trump nhất mực vẫn bênh vực ông Putin, một lối giải thích có lẽ là vì ông muốn cải thiện quan hệ với Moscow. Nhưng đáng lo ngại hơn là lối lý giải khác, là ông Trump thực sự ngưỡng mộ các chính sách của ông Putin và những ý kiến của nhà lãnh đạo Nga trong việc đối phó với báo chí và giới bất đồng.

Mặc dù các định chế dân chủ ở Hoa Kỳ vững chắc hơn nhiều so với các định chế tương tự ở Nga, song ông kêu gọi người Mỹ chớ bàng quang, mà hãy đứng dậy, phản đối bất cứ bước nào, dù nhỏ đến đâu, hướng tới một thể chế độc tài. - VOA

***
Phát biểu tại trụ sở Bộ Tư lệnh Miền Trung Hoa Kỳ (CENTCOM) hôm thứ Hai, 6/2, Tổng thống Donald Trump tái khẳng định sự ủng hộ dành cho Liên minh Bắc Đại Tây Dương, tức NATO , nhưng cùng lúc ông kêu gọi các đồng minh phải đóng góp nhiều hơn cho liên minh này.

Trong chuyến đi thăm đầu tiên đến CENTCOM, ông Trump nói:

"Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ khối NATO. Chúng tôi chỉ yêu cầu tất cả các thành viên NATO phải thực hiện đầy đủ và thoả đáng các khoản đóng góp tài chính cho liên minh NATO, cho đến nay nhiều nước trong khối không thực hiện nghĩa vụ đó."

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Trump nói NATO đã "lỗi thời" và nói rằng Hoa Kỳ chỉ bảo vệ một nước thành viên, môt khi nước này "hoàn thành nghĩa vụ tài chính."

Trong bài diễn văn hôm thứ Hai, sau bữa ăn trưa với các thành viên của Lục quân Hải quân, Không quân và Thủy quân lục chiến, ông Trump cam kết sẽ chăm lo cho các cựu chiến binh Mỹ.

Ông cũng tuyên bố sẽ "đánh bại chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan" và không cho phép khủng bố bám rễ ở Mỹ. Ông không đề cập cụ thể đến việc tòa án bác bỏ sắc lệnh cấm nhập cư của ông, nhưng nhấn mạnh Hoa Kỳ cần có chính sách để chỉ cho phép nhập cảnh "những người yêu mến chúng ta" và cấm cửa những người "muốn tiêu diệt chúng ta."

CENTCOM là cơ quan chỉ đạo các chiến dịch quân sự tại Trung Đông và Trung Á.

Cơ quan này giám sát cuộc đột kích gần đây do các lực lượng Mỹ thực hiện tại một khu trại của al-Qaeda ở Yemen, trong đó một thành viên thuộc biệt đội SEAL của Hải quân Hoa Kỳ thiệt mạng.

Thi thể của Ryan Owens đã được đưa về căn cứ không quân Dover hôm thứ Tư, Tổng thống Trump đã bất ngờ có mặt để tỏ lòng thương tiếc.

Ba thành viên khác của đội bị thương khi chiếc máy bay của họ thực hiện động thái gọi là "hạ cánh cứng" tại một khu vực được chọn để thi hành sứ mạng này. - VOA
|
|

8.
Donald Trump "đánh thức" dân Mỹ

Người Mỹ tin vào giá trị truyền thống tự do, dân chủ, bao dung của Hiệp Chủng Quốc đang trỗi dậy chống Donald Trump. Di dân, nguồn sinh lực kinh tế Mỹ, đang bị tân tổng thống bóp chết. Tại châu Âu, thị trường tài chính lo ngại phe cực hữu thắng cử giết đồng tiền chung. Trung Quốc của Tập Cận Bình muốn quên tội ác của Mao. Trên đây là một số chủ đề lớn trên báo Pháp ngày 07/02/2017.

Fillon nhìn nhận có sai trái, xin lỗi để … phản công. Fillon " đã đứng dậy ". " Cứng đầu bám trụ ". Bị dồn vào chân tường, " Fillon tự biện minh ". " Những yếu tố mới trong cuộc điều tra tư pháp làm ứng cử viên cánh hữu suy yếu ". Đó là những nhận định của truyền thông Pháp về cuộc họp báo vào chiều hôm trước của ứng cử viên tổng thống François Fillon, đảng Những Người Cộng Hòa mà uy tín đang bị xuống thấp vì tai tiếng lạm dụng quyền lực để vợ con làm việc ảo nhưng lãnh lương cao.

Nhật báo công giáo La Croix cho rằng ông François Fillon thành công đáp trả báo chí về hình thức. Nhìn nhận hành động sử dụng người thân trong công tác là sai " theo quan điểm hiện nay". Khi đã " thú lỗi thì sẽ được tha thứ phân nửa tội " theo châm ngôn của Pháp.

Nếu Le Figaro, cánh hữu, khen cựu thủ tướng Pháp (2007-2012) là can đảm, bản lĩnh đương đầu với sóng gió báo chí và tư pháp thì Libération, cánh tả cho rằng Fillon cố bám trụ. Le Monde, trái lại, tuy phê phán hành vi bê bối của ứng cử viên cánh hữu nhưng trong bài bình luận, nhật báo độc lập tỏ ra khách quan và mô phạm : François Fillon và phu nhân đã phục vụ ích lợi chung. Vụ tai tiếng là thông điệp chính trị tuyệt vời : nước Pháp cần phải cải cách, lối hoạt động chính trị của " thế hệ cha chú " không còn được chấp nhận.

Silicone Valley đọ sức với Donald Trump

Trang quốc tế vẫn tràn ngập thông tin về các sắc lệnh của tổng thống Mỹ đặc biệt về giới hạn nhập cư và xóa bỏ kiểm soát ngân hàng. Les Echos đưa tin Silicone Valley đọ sức với Donald Trump.

Gần 100 công ty, đứng đầu là Google, Microsoft, Apple, Facebook … đệ đơn yêu cầu toà án hủy sắc lệnh hạn chế di dân mà họ gọi là thuốc độc phá hoại kinh tế, thương mại Hoa Kỳ. Theo Les Echos, trong số 20 công ty lớn nhất ở chiếc nôi công nghiệp điện tử số một thế giới, hơn phân nửa là do dân nhập cư sáng lập. Lập trường của giới công nghệ cao của Mỹ đã thay đổi 180 độ, từ tiến lại gần với tỷ phú địa ốc, trong cuộc tiếp xúc vào tháng 12/2016 tại toà tháp Trump, đã quay gót tháo lui chỉ một tuần sau khi Donald Trump vào Nhà Trắng.

Trong một bài phân tích " Chiến tranh tiền tệ hay hỗn loạn ", Le Monde cho rằng tân tổng thống Mỹ "hoàn toàn không biết gì về tiền tệ " và phản ứng theo kiểu cưỡng chế : lên án Trung Quốc thao túng đồng nhân dân tệ, đúng nhưng đã thay đổi từ hai năm nay, tố Nhật Bản phá giá đồng yen, nghi ngờ Đức " lợi dụng đồng euro-yếu giả tạo " để gia tăng xuất khẩu và sau cùng là đổ tội cho đồng đô la, giá quá cao, làm tổn hại cho ngoại thương của Mỹ. Với một tổng thống siêu cường như thế, theo Le Monde, không hy vọng gì tình hình tài chính thế giới được ổn định trong tương lai gần.

Nước Mỹ của Donald Trump đi vào kháng chiến

Trên trang nhất, dưới bức ảnh ba phụ nữ Mỹ choàng khăn như tín đồ đạo Hồi, xuống đường tay cầm lá cờ xanh dương sao trắng, Le Monde khẳng định : " Nước Mỹ của Donald Trump đi vào kháng chiến ". Một cuộc bừng tỉnh chưa từng thấy kể từ sau chiến tranh Việt Nam.

Điểm khác biệt lớn lao với phong trào phản chiến là phong trào chống Trump huy động tất cả thành phần công dân. Phụ nữ, di dân Nam Mỹ, văn nhân, nghệ sĩ, công chức, khoa học gia, doanh nghiệp, thẩm phán đều tham gia. Ngày trước, tổng thống George Bush do cuộc chiến Irak và cách ăn nói vụng về nên bị một số người chống đối trêu chọc, nhưng Donald Trump đánh thức cả một tập thể dân Mỹ, những người tin vào giá trị cơ bản của Hiệp Chủng Quốc nay bị Trump đe dọa làm tiêu tan.

Ngay nhà tỷ phú dầu hỏa Charles Koch, tài trợ cho các ứng cử viên đảng Cộng Hoà hàng chục triệu đô la mỗi mùa tranh cử cũng phải cảnh báo « xu hướng độc đoán » của tân tổng thống Mỹ sau sắc lệnh di dân nhập cư. Trong bộ Ngoại Giao, một mạng lưới « ly khai » quy tụ gần 1000 nhà ngoại giao và nhân viên chống sắc lệnh về nhập cư với « kênh liên lạc riêng » như thời chiến tranh Việt Nam, cho phép công chức bày tỏ ý kiến khác biệt.

Theo tạp chí Wired, guồng máy tranh đấu đã hình thành để những cuộc phản kháng trở thành thường trực. Nhà điện ảnh Mike More, tác giả bộ phim chế diễu tổng thống George Bush cố vấn « tử huyệt của Trump là sợ bị chế nhạo. Các bạn hãy thành lập một đạo quân nghệ sĩ hài. Bị biến thành trò cười ông ta sẽ tự hủy ». Theo Le Monde, không cần chờ lời khuyên này, đạo quân hài đã có sẵn. - RFI
|
|

9.
DeVos thành Bộ Trưởng Giáo Dục trong đường tơ kẽ tóc

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã sử dụng quyền biểu quyết của mình phá thế hòa trong Thượng viện hôm thứ Ba để chuẩn thuận người được Tổng thống Donald Trump đề cử làm Bộ trưởng Giáo dục, Betsy DeVos. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ một Phó Tổng thống dùng tới quyền này để giúp một ứng viên Nội các được chuẩn thuận.

Hai thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa biểu quyết đồng thuận với toàn bộ khối thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ chống lại bà DeVos, người ủng hộ việc cho phép các gia đình sử dụng ngân quỹ dành cho trường công để cho con cái họ theo học trường tư. Điều này đưa tới kết quả hòa 50-50 trước khi ông Pence biểu quyết mang tính định đoạt theo quy định của Hiến pháp khi Thượng viện lâm vào thế hòa.

Trước đó, các thượng nghị sĩ Dân chủ đã thay nhau diễn thuyết suốt 24 giờ liên tục để đưa ra lập luận chống lại ứng viên Bộ trưởng Giáo dục và khẩn nài ít nhất một Thượng nghị sĩ Cộng hòa biểu quyết cùng họ chống đối bà DeVos.

Là một doanh nhân giàu có, bà DeVos chưa từng làm giáo viên hoặc quản trị trường học. Trong phiên điều trần chuẩn thuận tại Thượng viện, bà nói rằng có thể cần phải có súng trong những ngôi trường ở nơi hẻo lánh để đề phòng gấu xám. Phát biểu này khơi lên phản ứng sững sờ và dè bỉu từ phe Dân chủ.

Bà DeVos là thành viên mới nhất gia nhập Nội các của ông Trump chỉ mới có bốn người được chuẩn thuận. - VOA
|
|

10.
Bộ Nội An: Không bổ sung danh sách cấm du hành --- Cuộc chiến pháp lý về di trú ở Mỹ

Bộ trưởng An ninh Nội địa John Kelly ngày 7/2 thừa nhận với các nhà lập pháp là lẽ ra ông nên trì hoãn việc thi hành lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump ngưng chương trình nhận người tị nạn vào nước Mỹ và tạm thời cấm du khách từ 7 quốc gia có đa số theo Hồi Giáo vào Mỹ.

Ông Kelly nói “Đáng lẽ ra tôi nên trì hoãn lệnh này một ít lâu để tôi có thể thảo luận với các thành viên quốc hội.” Ông Kelly nói thêm là ông hoàn toàn chịu tránh nhiệm vì đã thi hành nhanh chóng lệnh này.

Ông Kelly điều trần trước Uỷ ban An ninh Nội địa Hạ viện và đây là nhận xét đầu tiên của ông trước các nhà lập pháp tại Điện Capitol.

Ông Kelly cũng nói chính quyền không cứu xét đưa thêm những nước khác vào danh sách các nước có công dân bị cấm đến Mỹ.

Lệnh cấm du hành đã bị ngưng lại từ ngày thứ Sáu tuần qua khi một thẩm phán liên bang tại tiểu bang Washington tạm thời cấm chính phủ liên bang thi hành lệnh cấm.

Chính quyền đã kháng cáo quyết định của thẩm phán Washington và tòa phúc thẩm liên bang sẽ nghe hai bên tranh luận vào chiều ngày thứ Ba.

Ông Kelly dự đoán tòa sẽ phán quyết có lợi cho chính phủ. Cựu đại tướng thủy quân lục chiến hồi hưu nói “Tôi tin là chúng tôi sẽ thắng và có thể thực hiện những bước cần thiết để bảo vệ đất nước.” - VOA

***
Nước Mỹ vẫn tiếp tục chia rẽ ngay cả sau cuộc bầu cử Tổng thống.

Ngày 27.1.2017, tân Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ký một sắc lệnh về di trú gây tranh cãi không chỉ trong lòng nước Mỹ mà cả trên thế giới khi cấm cửa người tị nạn Syria và hạn chế người nhập cảnh từ 7 nước có đa số dân theo Hồi giáo bao gồm Iraq, Iran, Syria, Somali, Libya, Sudan, và Yemen.

Sắc lệnh này đã khiến hàng ngàn người bị kẹt lại tại các sân bay của Mỹ, kể cả những thường trú nhân có thẻ xanh trở về Mỹ từ các quốc gia trong danh sách.

Ngay lập tức, làn sóng biểu tình trên nhiều thành phố lớn của Mỹ như New York, Washington DC, Los Angeles hay San Fransico nổ ra rầm rộ và dường như không có dấu hiệu hạ nhiệt. Các luật sư túc trực tại các sân bay để hỗ trợ miễn phí cho các hành khách mắc kẹt tại đây.

Từ phán quyết của Thẩm phán James Robart ở Seattle, có ít nhất 5 tiểu bang đã cho tạm dừng sắc lệnh di trú của Tổng thống Donald Trump. Cuộc chiến pháp lý giữa ngành hành pháp (chính quyền Tổng thống Donald Trump) và tư pháp (Tòa án) cũng diễn ra từ đây.

Lý giải cho sắc lệnh của mình, Tổng thống Donald Trump nói rằng đây không phải là vấn đề tôn giáo, hay cấm nhập cảnh với người Hồi giáo, mà nhằm để bảo vệ nước Mỹ khỏi khủng bố. Bằng chứng được viện dẫn là 40 nước đạo Hồi còn lại không bị ảnh hưởng bởi sắc lệnh này.

Tuy nhiên, hãng thông tấn Reuters dẫn lời Thượng nghĩ sĩ John McCain và Lindsey Graham cho rằng lệnh cấm này sẽ làm tổn thương cuộc chiến chống khủng bố. Nhiều nghĩ sĩ Đảng Dân chủ cũng nói không thể trông cậy sắc lệnh này khi nó hạn chế ngay cả người nhập cảnh hợp pháp bao gồm cả những người đã có thẻ xanh thường trú nhân ở Mỹ. Đỉnh điểm của cuộc tranh cãi là việc 100 công ty công nghệ Mỹ cùng với 2 tiểu bang và 2 cựu Ngoại trưởng Mỹ đứng ra khởi kiện sắc lệnh của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Cuộc chiến pháp lý giữa chính quyền Tổng thống Donald Trump và phía Tòa án Hoa Kỳ rồi cũng sẽ đi đến hồi kết, nhưng cuộc chiến pháp lý này cũng là minh chứng rõ ràng nhất cho nền dân chủ tiêu biểu kiểu Mỹ. Theo đó đất nước Mỹ được điều hành bởi hệ thống tam quyền phân lập, nơi mà Tư pháp, Hành pháp, Lập pháp hoạt động độc lập nhằm giữ thế cân bằng và kiểm soát quyền lực, vốn là một điều mới lạ đối với công dân các nước như Việt Nam. - VOA
|
|

11.
Lo ngại khủng hoảng tài chính sau sắc lệnh ngân hàng của Donald Trump

Ngày 03/02/2016, tân tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ký sắc lệnh bãi bỏ chính sách kiểm soát ngân hàng đã được người tiền nhiệm đưa ra sau khủng hoảng tài chính 2008. Nhiều chuyên gia cho rằng quyết định của tổng thống Trump là một sai lầm « nghiêm trọng », làm tăng nguy cơ bùng nổ một cuộc khủng hoảng giống như năm 2007-2008.

Theo AFP, sắc lệnh mà tổng thống Mỹ vừa ký nhằm xét lại toàn bộ các luật về tài chính, đặc biệt là luật mang tên « Dodd-Frank », được Barack Obama ban hành hồi 2010, với mục tiêu ngăn ngừa khủng hoảng và bảo vệ dân chúng chống lại sự lạm dụng của giới tài chính. Sắc lệnh của tân chính quyền Trump yêu cầu bộ Tài Chính, trong vòng 120 ngày, phải chuẩn bị xong các khuyến nghị cải cách. Nhà Trắng cho biết Hạ viện, do đa số Cộng Hòa kiểm soát, sẽ chuẩn bị một « văn bản lập pháp » để điều chỉnh luật Dodd-Frank.

Tân tổng thống Donald Trump lên án luật Dodd-Frank là đã « giới hạn khả năng các doanh nghiệp và gia đình vay tiền ngân hàng », ngăn cản tăng trưởng kinh tế.

Mặc dù không đưa ra nhiều chi tiết, nhưng ngay sau khi sắc lệnh nói trên được ban bố, đã có nhiều dấu hiệu tán thưởng từ phía các thị trường tài chính. Hiệp hội ngân hàng Mỹ (ABA - American Bankers Association) ca ngợi đây là một sáng kiến « sẽ cho phép cởi trói cho ngành ngân hàng », trong khi Financial Services Roundtable, một lobby hùng mạnh của giới các nhà băng lớn, tuyên bố sẽ hợp tác với tân chính quyền với các đề xuất cải cách « mang tính xây dựng ».

Trong khi đó, trả lời Reuters, cựu dân biểu Dân Chủ Barney Frank, nguyên chủ tịch Ủy ban Tài Chính Hạ viện, đồng tác giả luật Dodd-Frank, nhấn mạnh là sắc lệnh nói trên của ông Trump « không thể mang lại các thay đổi triệt để đối với luật cải cách tài chính, mà không có sự tham gia của Quốc hội », nhưng mục tiêu của nó là « nhằm làm suy yếu luật này ». Trong khi đó thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, đảng Dân Chủ, lên án mưu toan của tân tổng thống, khi khẳng định : « nhân dân Mỹ không quên cuộc khủng hoảng tài chính 2008, và sẽ không quên những gì đang diễn ra hiện nay ».

Với các điều luật ban hành sau khủng hoảng tài chính 2007-2008, chính quyền Obama đặc biệt buộc các ngân hàng phải duy trì mức vốn an toàn tối thiểu, tránh các khoản cho vay mạo hiểm, không được đầu tư vào một số hoạt động đầu cơ… Cuộc cải cách của tổng thống Obama cũng dẫn đến sự ra đời của một cơ quan bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính (CFPB - Consumer Financial Protection Bureau). Sắc lệnh của Donald Trump được các nhà quan sát ghi nhận là một nỗ lực nhằm hủy bỏ luật Dodd-Frank của Obama, điều mà ông Trump nhiều lần khẳng định.

Hôm qua, thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu Mario Draghi tuyên bố trước Ủy ban kinh tế của Nghị viện châu Âu, họp tại Bruxelles : « Chủ trương tái lập các điều kiện (của ngành ngân hàng tài chính) trước khủng hoảng là đáng ngại » và nguy hiểm, ông nhấn mạnh là chính sự thả lỏng lĩnh vực ngân hàng là một nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cuộc khủng hoảng cách nay 10 năm. Ông Andreas Dombret, một thành viên ban lãnh đạo Ngân Hàng Liên Bang Đức thì cho rằng đây sẽ là « một sai lầm nghiêm trọng », làm gia tăng nguy cơ khủng hoảng tài chính. - RFI
|
|

12.
Super Bowl: những con số kỷ lục

Khi nâng cao chiếc cúp bằng bạc tại sân vận động NRG ở Houston (Texas) hôm 05/02/2017, cầu thủ quarterback Tom Brady có lẽ sẽ không bao giờ quên chiến thắng lịch sử. Qua việc đánh bại đội bóng Falcons (Atlanta), anh và đội nhà Patriots (New England) vừa lập kỷ lục 5 lần đoạt chức vô địch Super Bowl.

Cùng với huấn luyện viên Bill Belichick, cầu thủ quarterback Tom Brady cũng trở thành gương mặt có thành tích vẻ vang nhất Super Bowl (tương đương với 5 giải vô địch của Charles Haley). Cúp vô địch bóng bầu dục Super Bowl của Mỹ là giải thi đấu chuyên lập kỷ lục. Theo mạng thông tin Business Insider, năm nay đã có gần 115 triệu khán giả Mỹ theo dõi trực tiếp trên truyền hình cuộc tranh tài.

Khoảng 70.000 khán giả mua vé đi xem Super Bowl tại sân vận động NRG, phải chi khá nhiều tiền vì giá vé vào cửa trung bình là 5.216 đô la (4.850€). Giá vé hạng A được bán với giá 70.000 đô la (65.000€). Khán đài VIP dành cho khách có tiền lên tới con số kỷ lục 358.000 đô la (332.600€).

Trên sân vận động, tuy Tom Brady lập kỷ lục với 7 lần tham gia Super Bowl và 5 lần giành cúp vô địch, nhưng anh chỉ đứng hạng 27 (13,8 triệu đô la) trên số các cầu thủ được trả lương cao nhất. Theo tạp chí Forbes, Eli Manning cầu thủ quarterback của đội New York Giants đứng đầu danh sách này với 24,2 triệu đô la. Matt Ryan cầu thủ ngôi sao của đội Atlanta Falcons đứng hạng ba với 23,7 triệu đô...

Cũng theo mạng Business Insider, một con số kỷ lục khác là thức ăn nước uống nhân mùa Super Bowl. Tính trung bình, trên toàn nước Mỹ, dân chúng đã uống tới gần 52 triệu két bia (tương đương với 310 triệu chai bia) và các gia đình Mỹ đã ăn 1,23 tỷ cánh gà chiên giòn (chicken wings) trong đêm thi đấu. Năm ngoái, đã có gần một triệu rưỡi người Mỹ xin nghỉ làm thêm một ngày, đúng vào ngày hôm sau trận đấu, có lẽ cũng vì họ đã dùng quá chén...

https://youtu.be/txXwg712zw4
Giải Super Bowl lần thứ 51 cũng đã thu về khoảng 400 triệu đô la tiền quảng cáo. Mỗi clip quảng cáo chỉ vỏn vẹn có 30 giây, nhưng vì chiếu cho cả trăm triệu người xem, nên các nhà quảng cáo phải chịu tốn 5 triệu đô la nếu muốn phát sóng trực tiếp trong thời gian trận đấu. Có lẽ cũng vì Super Bowl có rất nhiều uy tín, được cả trăm triệu người say mê theo dõi, cho nên theo tạp chí Forbes, Liên đoàn bóng bầu dục Mỹ (NFL) không bao giờ chi tiền cát sê cho các nghệ sĩ biểu diễn vào giữa giờ nghỉ giải lao. Sau Madonna (2012), Beyoncé (2013) hay Katy Perry (2015), đến phiên Lady Gaga đảm trách phần biểu diễn tại Super Bowl (2017).

Một show diễn hoành tráng với nhiều màn nhào lộn đu dây, những bước nhảy nhuần nhuyễn với đội vũ công hùng hậu, cộng thêm những màn bắt mắt nhờ đội hình gồm hàng ngàn fan hâm mộ cầm đèn để tạo nhiều nhánh hoa rực rỡ trong đêm tối. Màn biểu diễn của Lady Gaga bao gồm toàn là các bản nhạc ăn khách, tuy điêu luyện nhưng lại thiếu sức thuyết phục so với màn biểu diễn vào năm trước của Beyoncé với Bruno Mars và Coldplay.

Tuy chỉ dài có 13 phút, nhưng show diễn của Lady Gaga lại tốn đến 10 triệu đô la. Kinh phí này do một hãng nước ngọt đài thọ. Và như vậy tiền thù lao của Lady Gaga cũng như của giới nghệ sĩ trước cô vẫn là một con số không to tướng. Tuy nhiên, mức độ phủ sóng cũng như uy tín rộng lớn của Super Bowl khiến cho rất nhiều nghệ sĩ muốn tham gia biểu diển dù họ không được trả một xu. Bởi vì đối với giới nghệ sĩ quốc tế, có mặt trên sân khấu Super Bowl đã là một phần thưởng quá xứng đáng, tuyệt vời. - RFI
|
|

Tin Việt Nam

13.
Dự án nhà ở 100 triệu USD của Formosa gây bất an

Hôm 7/2, lãnh đạo Ban quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh loan báo dự án của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, cho xây một khu gia cư trị giá hơn 100 triệu đôla (3.150 tỷ đồng) ở thị xã Kỳ Anh, đã khiến một số người quan ngại về khả năng xuất hiện những khu “phố Tàu” trong tương lai.

Được biết dự án khu nhà ở “nghìn tỷ” của Formosa được thực hiện trên một diện tích rộng hơn 19 ha đất tại phường Kỳ Liên và Kỳ Phương thuộc thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, nơi được xem là đầu mối của thảm họa ô nhiễm biển ở các tỉnh miền Trung vào năm 2016.

Dự án sẽ bao gồm những ngôi nhà liền kề và hệ thống cơ sở hạ tầng như nhà trẻ, công viên cho trẻ em, siêu thị, công viên thể thao ngoài trời…

Báo Dân Trí trích lời một giới chức của Ban Quản lý dự án cho biết dự án đó là “nhằm tạo điều kiện cho cán bộ nhân viên yên tâm làm việc lâu dài, cũng như xây dựng gia đình, dễ dàng chăm sóc người nhà, giữ người tài an cư lập nghiệp ở Hà Tĩnh”.

Theo nguồn tin này, công ty Formosa đã xin phép xây dự án nhà ở, gồm ký túc xá hộ gia đình cho cán bộ và công nhân viên của công ty, và đã được chính quyền Việt Nam chấp thuận.

Ngay sau khi tin này được loan ra, một số người Việt Nam bày tỏ lo ngại về khả năng xuất hiện “tô giới” của người Trung Quốc tại khu Formosa.

Linh mục Đặng Hữu Nam, người từng sát cánh với các nạn nhân trong sự kiện ô nhiễm môi trường Formosa, bày tỏ nghi ngờ về đối tượng sẽ được thuê nhà là các công nhân của Formosa, cũng như những lo ngại về thông tin liên quan đến công nhân Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều tại Việt Nam. Ông nói:

“Dù là quan chức (Việt Nam), khi sự kiện ô nhiễm môi trường xảy ra, họ cũng không được vào khu vực của Formosa. Đó đã trở thành tô giới của Tàu. Cũng có rất nhiều thông tin như đường hầm, có bằng chứng hơn 10.000 người là công nhân của Tàu được đưa đến làm việc tại Formosa… Rồi những thông tin mà chúng ta thấy được là những tội phạm người Trung Quốc người ta đưa sang để lao động tại Formosa. Và cũng có thể đó là những người mà ban ngày là công nhân, ban đêm là lính như ở Tân Rai, Bauxite Tây Nguyên mà chúng ta có một vài lần có thể kiểm chứng được điều đó”.

Dự án nhà ở của Formosa có thời gian hoạt động là 50 năm kể từ ngày được cấp quyết định chủ trương đầu tư. - VOA
|
|

14.
Mục tiêu biến VN thành ‘thủ phủ tôm’ thế giới có khả thi?

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hôm 6/2 đã đề ra mục tiêu biến Việt Nam thành “thủ phủ tôm” của thế giới với kim ngạch xuất khẩu đạt 10 tỷ đôla vào năm 2025. Một chuyên gia kinh tế kỳ cựu của Việt Nam cho rằng mục tiêu này tuy “cao” nhưng khả thi nếu Việt Nam áp dụng những “cải tiến mạnh mẽ”.

Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, Việt Nam đề ra mục tiêu cao về xuất khẩu tôm là nhằm thích ứng với tình trạng xâm nhập mặn đáng báo động hiện nay ở những khu vực được xem là vựa lúa của Việt Nam. TS. Lê Đăng Doanh cho rằng cách thức biến “nguy” thành “cơ” này là khả thi nếu Việt Nam quyết tâm thực hiện những cải tiến mạnh mẽ và thay đổi chính sách. Ông nói:

“Mục tiêu của thủ tướng đề ra có thể là cao, nhưng nếu như có những biện pháp tổ chức và chính sách đúng đắn, tôi nghĩ đây cũng là biện pháp có thể khả thi”.

Phát biểu tại Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam ở Cà Mau hôm 6/2, ông Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quyết tâm đưa ngành tôm trở thành “ngành mũi nhọn” với mục tiêu biến đồng bằng sông Cửu Long trở thành “thủ phủ” ngành tôm, tiến tới việc nuôi trồng và chế biến tôm đạt tiêu chuẩn thế giới nhằm đạt được mục tiêu chiếm 10% GDP của cả nước vào năm 2025.

Tôm xuất khẩu của Việt Nam lâu nay thường bị kẹt lại ở cửa khẩu của một số nước nhập khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, Nhật… vì bị phát hiện bơm các tạp chất vào nhằm tăng trọng lượng tôm.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Phúc được các báo Việt Nam dẫn lời nói sẽ “tuyên chiến” với những hành vi bơm chì, hóa chất, tạp chất vào tôm để trục lợi.

TS. Lê Đăng Doanh thừa nhận tình trạng này đã làm “mất tín nhiệm” của tôm Việt Nam trên thị trường thế giới:

“Có một điều kỳ lạ là những tạp chất, thủ thuật đó lại qua được hàng rào kiểm soát của Việt Nam. Trong khi đó, Nhật Bản, Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ lập tức phát hiện ra ngay, gây mất tín nhiệm đối với tôm Việt Nam”.

TS. Lê Đăng Doanh nói sự rút lui của Hoa Kỳ khỏi Hiệp định Thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng là một yếu tố bất lợi đối với xuất khẩu tôm của Việt Nam. Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm 23% trong kim ngạch xuất khẩu đạt 520,2 triệu đôla trong 9 tháng đầu năm 2016 của Việt Nam. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế của Việt Nam cho rằng để đạt được mục tiêu đề ra, ngoài việc “tuyên chiến” với những thủ thuật xấu, Việt Nam cần phải thực hiện những cải tiến cụ thể:

“Trước hết, ngành tôm Việt Nam phải cải tiến mạnh mẽ phương thức nuôi tôm, xem xét mô hình nuôi tôm như thế nào cho phù hợp. Về mặt chính sách, chính phủ sẽ nới rộng hạn miền, tức giới hạn tối đa mà doanh nghiệp có thể có để nuôi tôm, để không có hạn chế về mặt pháp lý đối với những doanh nghiệp kinh doanh lớn. Điều cuối cùng, Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn xuất khẩu tôm đông lạnh, tức ở dạng thô. Việt Nam có thể tiến tới xuất khẩu tôm dưới dạng chế biến sâu hơn như tôm bao bột, tôm tempura, để xuất khẩu sang các thị trường khác. Và cần làm những việc khác như đăng ký nhãn hiệu, thiết lập các chuỗi giá trị, liên kết với các nhà nhập khẩu tôm trên thế giới…”

Tin cho hay Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa cho biết tôm nhập khẩu từ Việt Nam sẽ tiếp tục bị áp thuế chống bán phá giá trên thị trường Mỹ và mức thuế cụ thể sẽ được công bố trong tháng này. Kết luận trên được DOC đưa ra trong đợt xem xét 5 năm lần thứ hai về thuế chống bán phá giá đối với tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam. - VOA
|
|

15.
Vỡ quỹ hưu đe dọa đến chế độ?

Báo chí Việt Nam hôm 6/2 đưa tin Kiểm toán Nhà nước mới đây đã hoành thành việc kiểm toán báo cáo tài chính năm 2015 của cơ quan Bảo hiểm Xã hội.

Cơ quan kiểm toán cho hay trong vòng 30 năm nữa, nhiều quỹ của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) sẽ bị âm nghiêm trọng. Một chuyên gia kinh tế nói nếu vỡ quỹ lương hưu, điều này có thể đe dọa sự tồn vong của chế độ cộng sản.

Theo dự báo được báo chí trong nước dẫn lại từ Kiểm toán Nhà nước, vào năm 2031, Quỹ hưu trí-tử tuất có thể bắt đầu rơi vào tình trạng chi nhiều hơn thu, với số chênh lệch là 35.962 tỷ đồng. Mặc dù vậy, đến cuối năm 2031 quỹ vẫn có số dư là 3.848.676 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nếu chênh lệch thu chi vẫn tiếp tục với cán cân nghiêng về phần chi, đến năm 2047 quỹ hưu bắt đầu mất cân đối và số dư quỹ sẽ là âm 625.540 tỷ đồng.

Tương tự, Quỹ ốm đau-thai sản được dự báo đến năm 2025 chênh lệch thu chi quỹ bắt đầu âm 1.421 tỷ đồng. Sau 10 năm, vào năm 2035, quỹ bắt đầu mất cân đối, số dư quỹ sẽ là âm 24.011 tỷ đồng.

Về Quỹ Bảo hiểm Y tế, số liệu của nửa đầu năm 2016 cho thấy số chi đã vượt quỹ khám chữa bệnh 3.404 tỷ đồng. Với tốc độ chi như vậy, từ năm 2017, Quỹ Bảo hiểm Y tế bắt đầu bội chi hàng năm và phải dùng quỹ dự phòng để bù đắp.

Dự báo đối với năm 2017 là quỹ dự phòng phải bù 14.464 tỷ đồng, năm 2018 phải bù 16.736 tỷ đồng, năm 2019 phải bù 18.354 tỷ đồng. Cuối năm 2019, quỹ dự phòng sẽ hết và âm 144 tỷ đồng.

Theo con số của cơ quan BHXH, ước tính đến hết tháng 6/2016, có hơn 12,5 triệu người tham gia BHXH.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một chuyên gia kinh tế ở Việt Nam, nói với VOA về tác động trên bình diện rộng nếu việc vỡ quỹ hưu trí xảy ra:

“Nó sẽ có một tác động vô cùng kinh khủng đối với xã hội và cũng có thể gây ra những hậu quả hết sức khó lường. Đến 2047 mà quỹ âm đến trên nửa triệu tỷ đồng, đấy thực sự là một tai họa. Đấy là một hệ quả dễ nhìn thấy, dễ tiên đoán của một hệ thống an sinh xã hội đã hết sức lạc hậu của Việt Nam”.

Một phần đáng kể trong những người đóng BHXH là cán bộ, nhân viên của các lực lượng an ninh, quốc phòng. Theo luật, họ được hưởng những ưu đãi như được nghỉ hưu sớm hơn 5 năm so với các ngành nghề khác và hệ số lương hưu cao.

Trong quá khứ, một số sĩ quan đã phát biểu mang tính khuyên răn rằng những người trong hệ thống nhà nước cần trung thành, bảo vệ chế độ để “bảo vệ sổ hưu” hay “còn Đảng còn mình”.

Lâu nay đã có những phàn nàn của một số chuyên gia và nhiều người trong công chúng rằng những ưu đãi hưu bổng dành cho các nhân sự của các lực lượng đó là một phần gây mất cân đối quỹ.

Liệu việc vỡ quỹ hưu sẽ ảnh hưởng như thế nào đến lực lượng “còn Đảng còn mình” cũng như chế độ cầm quyền? Tiến sĩ Quang A, người cũng là nhà hoạt động dân chủ tích cực, đưa ra nhận định:

“Tôi nghĩ rằng chưa cần đến lúc nó vỡ quỹ, có thể là chế độ đã sụp đổ từ lâu rồi. Chỉ cần một lượng mấy trăm ngàn người [mất lương hưu] thôi thì đã có thể bục ra sự xáo động xã hội. Chuyện đấy chưa cần phải đến cái lúc hoàn toàn vỡ quỹ cho đến 2047”.

Theo cách nhìn của vị tiến sĩ, nguyên nhân lớn hơn làm cho chế độ đứng trước nguy cơ sụp đổ là họ đã “vay vô cùng nhiều” và “chi tiêu bừa bãi, không hiệu quả”. Ông cho rằng tương lai nhà nước bị vỡ nợ là “không xa lắm”.

Khi xuất hiện thông tin các quỹ của BHXH sẽ bị âm trong vài chục năm nữa, trên mạng XH, một số người nêu ra khả năng nhà nước sẽ tính đến các biện pháp cứu vãn như tăng thu qua các hình thức thuế, phí khác hoặc kéo dài độ tuổi làm việc. Về khả năng này, Tiến sĩ Quang A, có ý kiến:

“Họ có thể vá víu bằng những kiểu thí dụ là dâng tỉ lệ đóng góp lên rồi bắt càng nhiều người đóng bảo hiểm, thì nó sẽ kéo dài thêm được một chút cái sự vỡ quỹ đó. Nhưng mà về cơ bản đây là một hệ quả dễ tiên đoán của một hệ thống an sinh xã hội lạc hậu”.

Hồi giữa năm 2016, một cán bộ của cơ quan BHXH nói số người tham gia BHXH đã tăng thêm khoảng 220.000 người so với năm 2015, tuy nhiên tốc độ tăng như vậy vẫn bị xem là “chậm” và “còn thấp so với yêu cầu đặt ra”. - VOA
|
|

16.
Ngân hàng MHB thua lỗ gần 300 tỷ đồng

Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an hôm nay đã hoàn tất kết luận điều tra và đề nghị truy tố 17 người với cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng tại ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (gọi tắt là ngân hàng MHB) và công ty cổ phần chứng khoán ngân hàng MHB (gọi tắt là công ty MHBS)

Trong số những người bị truy tố có ông Huỳnh Nam Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị của ngân hàng và ông Nguyễn Phước Hòa, nguyên Tổng giám đốc.

Kiểm toán nội bộ của ngân hàng, phát hiện công ty MHBS thua lỗ liên tiếp. Từ năm 2008 đến tháng 9 năm 2010, thua lỗ ở công ty này lên đến 91 tỷ đồng. Công ty MHBS cũng mắc nhiều sai phạm trong hoạt động kinh doanh chứng khoán.Ngoài ra, công ty MHBS cũng bị phát hiện đã có một số vi phạm khác trong quản lý, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng.

Theo kết luận điều tra, những vi phạm tại Ngân hàng MHB đã gây thiệt hại số tiền gốc là 272 tỷ đồng. Ông Huỳnh Nam Dũng là người có trách nhiệm quản lý vốn nhà nước trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng nhưng đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, làm trái quy định, gây thiệt hại tài sản nhà nước với số tiền cả gốc lẫn lãi gần 299 tỷ đồng. - RFA
|
|

17.
Bộ Tài Chánh chi tiền bồi thường nạn nhân Formosa đợt 2

Bộ Tài chính hôm 7 tháng 2 cho biết vừa tạm cấp 1.680 tỷ đồng tiền bồi thường lần 2 cho các nạn nhân ở 4 tỉnh miền Trung chịu thiệt hại vì thảm họa môi trường do nhà máy gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra hồi năm ngoái.

Cụ thể, tỉnh Hà Tĩnh nhận 560 tỷ đồng, tỉnh Quảng Bình nhận 760 tỷ đồng, Quảng Trị nhận 160 tỷ đồng và Thừa Thiên Huế nhận 200 tỷ đồng.

Hồi tháng 10 năm ngoái, Bộ Tài chính cho biết đã chuyển 3.000 tỷ đồng tiền tạm ứng cho 4 tỉnh để thực hiện bồi thường thiệt hại cho ngư dân bị tác động. Bộ Tài chính lúc đó cho biết số tiền này để tạm ứng trước cho người dân 50% tiền bồi thường thiệt hại do Formosa gây ra theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ.

Vụ xả thải hóa chất độc hại ra biển của công ty Formosa được phát hiện hồi tháng 4 năm ngoái ở các tỉnh miền Trung Việt Nam đã khiến hàng tấn cá chết dạt vào bờ và ảnh hưởng đến đời sống của hàng trăm ngàn người dân sống ven biển. Vào tháng 6 năm ngoái, lãnh đạo công ty Formosa Hà Tĩnh đã đứng ra nhận trách nhiệm và hứa đền bù 500 triệu đô la tiền bồi thường cho người dân và khắc phục hậu quả môi trường. - RFA
|
|

18.
Báo điện tử PetroTimes vừa xuất bản trở lại

Báo điện tử Năng lượng mới (PetroTimes) vừa được xuất bản trở lại sau khi bị Bộ Thông tin -Truyền thông đình bản ba tháng vì "sai phạm có tính hệ thống".

Hồi đầu tháng 10/2016, tờ báo này nhận quyết định đình bản và Tổng biên tập Nguyễn Như Phong bị cách chức, thu hồi thẻ nhà báo.

Quyết định số 1701/QĐ-BTTTT do Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn ký, viết "đình bản tạm thời Báo điện tử PetroTimes trong thời hạn ba tháng vì Báo đã để xảy ra những sai phạm trong hoạt động báo chí, bị cơ quan chủ quản đề nghị tạm dừng hoạt động."

Cơ quan chủ quản của PetroTimes là Hội Dầu khí Việt Nam.

Bố cáo của PetroTimes viết: "Đúng 11 giờ 11 phút ngày 6 tháng 2 năm 2017 tức ngày 10 tháng Giêng năm Đinh Dậu, báo điện tử PetroTimes.vn đã xuất bản trở lại phục vụ bạn đọc theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Thông tin -Truyền thông".

Báo này cam kết "nguyện bám sát tôn chỉ mục đích và sự lãnh đạo chỉ đạo của các cơ quan quản lý Nhà nước, của Hội Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cùng với những ý kiến đóng góp xây dựng của bạn đọc".

Hiện nay PetroTimes vẫn đang trống chức danh Tổng biên tập và chỉ có Phó tổng biên tập phụ trách là ông Nguyễn Tiến Dũng và một Phó tổng biên tập khác là ông Phạm Thuận Thiên.

Sai phạm 'mang tính hệ thống'

Tuy quyết định kỷ luật của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn không nói lý do, nhưng sau đó khi trả lời báo chí trong một cuộc họp báo của Chính phủ tháng 10/2016, ông Tuấn cho biết tờ PetroTimes có nhiều vi phạm "mang tính hệ thống".

Một thí dụ vi phạm tiêu biểu là việc đăng lại bài phỏng vấn về Trịnh Xuân Thanh, cựu cán bộ cao cấp Bộ Công thương hiện đang bị truy nã, với blogger Người Buôn Gió (Bùi Thanh Hiếu).

PetroTimes hôm 30/9/2016 đã trích đăng lại một phỏng vấn với ông Hiếu tỏ ý bênh vực ông Trịnh Xuân Thanh, dựa theo bản gốc phỏng vấn của một trang web đặt tại Đức.

Bài báo ngay sau đó đã bị xóa. Tuy nhiên, việc làm của PetroTimes bị cho là "gây nhiễu loạn thông tin, gây cản trở cuộc đấu tranh chống tham nhũng, hoang mang dư luận, gây bất lợi cho cơ quan thực thi pháp luật".

Thí dụ khác cho vi phạm của PetroTimes là vụ án Năm Cam, vốn được coi là thành tích lớn của cơ quan công an nhưng báo này đã đăng nhiều bài bị mô tả là "lật lại vụ án".

PetroTimes cũng bị nói đã đăng nhiều thông tin "giật gân câu khách, không chính xác", như về đại biểu Quốc hội Đặng Thành Tâm hay về Trung Quốc lấy nội tạng tử tù... - BBC
|
|

19.
Bùi Thị Minh Hằng và Đoàn Huy Chương sắp ra tù

Tại Việt Nam, hai blogger, nhà hoạt động sắp mãn hạn tù những ngày tới: Bùi Thị Minh Hằng (hôm 11/2) và Đoàn Huy Chương (hôm 13/2).

Tháng 8/2014, bà Bùi Thị Minh Hằng, một blogger hay tham gia nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc, bị tòa án tỉnh Đồng Tháp kết án ba năm tù giam về tội Gây rối trật tự công cộng, bị truy tố theo Điều 245, Bộ Luật hình sự.

Thời điểm ấy, Đại sứ quán Hoa Kỳ phát đi tuyên bố nói họ "quan ngại sâu sắc".

"Việc các cơ quan chức năng Việt Nam sử dụng các điều luật về trật tự công cộng để bỏ tù những người chỉ trích chính phủ vì họ bày tỏ quan điểm chính trị một cách ôn hòa là điều đáng báo động."

Tháng 10/2010, ông Đoàn Huy Chương, một trong ba thành viên sáng lập Phong trào Lao Động Việt, bị Tòa án tỉnh Trà Vinh tuyên án 7 năm tù giam vì tội Phá rối an ninh trật tự nhằm chống lại chính quyền nhân dân' theo Điều 89 Bộ Luật Hình sự.

Hôm 7/2, trả lời BBC từ Trà Vinh, bà Chiêm Thị Tường Mạnh, vợ ông Chương, nói: "Tôi đang ngóng đến sáng sớm 13/2 sẽ đón chồng tại nhà tù Xuân Lộc, Đồng Nai."

"Bảy năm dài đằng đẵng vậy là cũng sắp trôi qua."

"Tôi luôn mong chờ ngày chồng ra tù để phụ nuôi hai đứa con hiện đang phải gửi nhờ ông bà ngoại ở quê."

Bà Mạnh cũng cho biết thêm: "Trong bảy năm chồng tôi đi tù, dù thu nhập của một công nhân may ở TP Hồ Chí Minh chỉ khoảng 4 triệu đồng, nhưng tôi vẫn đều đặn đi thăm nuôi chồng hàng tháng."

"Lần đi thăm chồng mới nhất là hôm 26/1 (tức 29 Tết)".

"Tôi còn nhớ chồng tôi bị bắt cũng hôm 29 Tết năm 2010 khi đang phụ gia đình gói bánh tét ở nhà."

"Về con đường chồng tôi đã chọn thì tôi chỉ biết tôn trọng chứ không biết khuyên anh ấy thế nào."

Trên trang Facebook cá nhân, anh Trần Bùi Trung, con bà Bùi Thị Minh Hằng, đang đếm ngược ngày về của mẹ mình.

Hôm 7/2, cựu tù nhân chính trị Nguyễn Bắc Truyển nói với BBC: "Tôi và một số người khác sẽ đi đón bà Hằng tại nhà tù Gia Trung, Gia Lai hôm 11/2 tới."

"Tôi đặc biệt vui mừng trước tin bà Hằng sắp ra tù vì án của bà ấy có liên quan đến tôi."

"Bà Hằng cùng hai người khác bị kết án do ngày 11/2/2014 đi thăm gia đình tôi trong lúc tôi đang bị áp giải".

"Xuất thân là một người làm kinh doanh, bà Hằng đã đi vào con đường đấu tranh cho nhân quyền."

"Tôi nể trọng bà ấy vì tính cách bộc trực và luôn thương yêu người khác."

Hiện trên mạng xã hội, một số nhà hoạt động đang có những lời kêu gọi đi đón bà Bùi Thị Minh Hằng và ông Đoàn Huy Chương cũng như trợ giúp họ ổn định cuộc sống sau khi ra tù. - BBC



No comments:

Post a Comment