Saturday, February 4, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 4/2

Tin Thế Giới

1.
Mỹ cảnh cáo Iran, nhưng không tăng cường lực lượng ở Trung Đông --- BTQP Mattis: Mỹ công nhận quyền cai trị của Nhật tại Senkaku-Điếu Ngư --- James Mattis: Mỹ chưa cần có những chiến dịch lớn ở Biển Đông --- Trung quốc bác bỏ tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ

Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis nói Mỹ sẽ không tức thời xét tới việc tăng cường các lực lượng Mỹ ở Trung Đông để đáp ứng với “cách hành xử sai trái” của Iran, tuy nhiên ông cảnh báo rằng Washington và thế giới không thể làm ngơ các hành động của Iran.

Tại một cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada ở Tokyo hôm thứ Bảy 4/2, ông Mattis mô tả Iran là “nước bảo trợ cho khủng bố lớn nhất”, và nói rằng thế giới còn lại đang theo sát các động thái của Iran.

Hôm thứ Sáu, Hoa Kỳ áp đặt các các biện pháp chế tài mới đối với 13 cá nhân và 12 thực thể có liên hệ với chương trình phi đạn đạn đạo của Teheran, và những cá nhân, tổ chức phụ thuộc trên khắp Trung Đông.

Các giới chức Mỹ miêu tả những biện pháp trừng phạt được tung ra hôm qua là một “tiến trình đang tiếp diễn gồm các cuộc tham khảo ý kiến với các cơ quan chủ yếu của Mỹ và các đồng minh.”

Nhưng các giới chức nói rằng ‘giọt nước làm tràn ly’ là cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo mà Iran thực hiện hôm 29/1 vừa rồi, vi phạm một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc cấm Iran thực hiện các cuộc thử nghiệm loại này. - VOA

***
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis tuyên bố Hoa Kỳ thừa nhận quyền cai trị của Nhật Bản trên quần đảo Senkaku, phát biểu này đã lập tức bị Bắc Kinh đả kích.

Phát biểu hôm nay, thứ Bảy 4/2 ở Tokyo, ông Mattis nói rằng trong các cuộc thảo luận của ông với vị tương nhiệm Nhật Bản, bà Tomomi Inada, ông đã “nêu rõ rằng chính phủ Mỹ hiện nay vẫn duy trì chính sách lâu đời của Washington đối với quần đảo Senkaku.”

Quần đảo không có người ở đang trong vòng tranh chấp này được người Nhật gọi là Senkaku, người Trung Quốc đặt tên là Điếu Ngư. Cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền quần đảo này. Cũng trong khu vực, Trung Quốc đã xây nhiều đảo nhân tạo trong Biển Đông, tuyến hàng hải chiến lược giàu tài nguyên dầu khí, và cũng là một ngư trường phong phú hải sản.

Tuy nhiên ông Mattis không đề nghị bất cứ động thái quân sự nào trong vùng biển mà Đài Loan, Malaysia, Brunei, Philippines và Việt Nam, cũng tuyên bố chủ quyền.

Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói:

“Điều mà chúng ta phải làm bây giờ là tận dụng mọi cố gắng ngoại giao để tìm cách giải quyết đúng đắn vụ tranh chấp này, duy trì các kênh liên lạc đối thoại.”

Ông Mattis nhận mạnh: “Tại thời điểm này, tôi thấy không cần thiết phải đề ra những động thái quân sự đầy kịch tính”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chỉ trích Trung Quốc về tình trạng thiếu tin cậy lẫn nhau mà nước này đã gây ra vì những hành động hung hăng trong khu vực Biển Đông. Ông nói Trung Quốc đã “phá hoại lòng tin của các nước trong khu vực, và dường như tìm cách phủ quyết, áp đảo các nước láng giềng bằng các công cụ ngoại giao, an ninh và kinh tế.”

Tại Bắc Kinh, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích lập trường của Mỹ trong khu vực tranh chấp. Ông Lục Khảng kêu gọi Hoa Kỳ “hãy có thái độ có trách nhiệm, ngưng đưa ra những luận điều sai trái về vấn đề liên quan tới quần đảo Điếu Ngư, chủ quyền, và tránh phức tạp hoá vấn đề, làm cho tình hình thêm bất ổn.”

Hôm qua 3/2, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với hiệp ước phòng thủ chung với Nhật Bản khi ông gặp Thủ tướng Shinzo Abe ở Tokyo, trong chuyến đi đầu tiên ra nước ngoài của ông từ khi ông nhậm chức. - VOA

***
Mặc dù vẫn chỉ trích kịch liệt Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ James Mattis hôm nay, 04/02/2017, tuyên bố là hiện giờ chưa cần có những chiến dịch quân sự lớn của Mỹ để đáp lại hành động áp đặt chủ quyền của Bắc Kinh trên vùng biển này. Theo lời bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, nên tập trung trước hết vào ngoại giao để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông.

Theo hãng tin Reuters, ông Mattis đã tuyên bố như trên tại Tokyo, nhân chuyến viếng thăm Nhật Bản, sau khi đã ghé qua Hàn Quốc, trong chuyến công du châu Á đầu tiên của ông.

Trong buổi điều trần trước Thượng Viện Mỹ ngày 11/01/2017 để được phê chuẩn việc bổ nhiệm, tân ngoại trưởng Rex Tillerson đã yêu cầu ngăn Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng ở Biển Đông. Tiếp đến, trong buổi họp báo đầu tiên ngày 23/01, phát ngôn viên mới của Nhà trắng Sean Spicer, cũng đã tuyên bố Hoa Kỳ sẽ bảo vệ « các lãnh thổ quốc tế » tại con đường hàng hải chiến lược này.

Các nhà phân tích đã cho rằng những tuyên bố của tân ngoại trưởng Mỹ cũng như của phát ngôn viên Nhà trắng hàm ý rằng Hoa Kỳ sẽ có hành động quân sự, thậm chí phong tỏa hàng hải. Hành động này sẽ dẫn đến xung đột vũ trang với Trung Quốc.

Nhưng hôm nay, bộ trưởng Mattis khẳng định là Washington hiện không tính đến những hành động quân sự quy mô, mà sẽ dồn mọi nỗ lực ngoại giao để giải quyết tranh chấp Biển Đông. Tuy vậy, lãnh đạo Lầu năm góc vẫn chỉ trích những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, cho rằng Bắc Kinh « đã phá nát lòng tin của các quốc gia trong khu vực ».

Cũng tại Tokyo hôm nay, ông Mattis đã khẳng định rằng Hoa Kỳ công nhận quyền quản lý của Nhật trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông, quần đảo mà Trung Quốc cũng đòi chủ quyền. Bộ trưởng Quốc Phòng Mattis nói thêm là quần đảo này nằm trong khuôn khổ liên minh quân sự Mỹ-Nhật, hàm ý là Hoa Kỳ sẽ giúp Nhật Bản bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Ngay lập tức phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng (Lu Kang) hôm nay chỉ trích tuyên bố nói trên của ông Mattis, yêu cầu Mỹ không nói đến vấn đề này, và một lần nữa khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. - RFI

***
Sau tuyên bố của Bộ trưởng Jim Mattis Trung Quốc lập tức phản ứng rằng những phát biểu này gây bất ổn tại Châu Á và rất mạo hiểm.

Quần đảo Senkaku, Trung Quốc gọi là Điếu Ngư là trung tâm các cuộc tranh cãi gay gắt giữa Tokyo và Bắc Kinh, trong đó Bắc Kinh tuyên bố là một phần của lãnh thổ Trung Quốc trong nhiều thế kỷ.

Phát ngôn viên Lục Khảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh kêu gọi phía Mỹ có thái độ trách nhiệm, ngừng những nhận xét sai trái và tránh đưa ra những vấn đề phức tạp hơn mang lại sự bất ổn cho tình hình khu vực.

Phát ngôn viên Lục Khảng cũng nói rằng hiệp ước Mỹ-Nhật Bản là một sản phẩm của Chiến tranh Lạnh, và không ảnh hưởng đến chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc.

Mattis đến Nhật Bản vào ngày thứ Sáu sau khi đến Hàn Quốc. Chuyến thăm của ông tới khu vực này là chuyến đi nước ngoài đầu tiên của một quan chức cấp cao của chính quyền Trump, nhằm trấn an các đồng minh chủ chốt Đông Á của Washington về cam kết của Mỹ đối với an ninh của họ. - RFA
|
|

2.
'Bài Việt', lá bài trong tranh cử Campuchia

Công an tỉnh An Giang vừa yêu cầu cảnh sát Campuchia bảo vệ và ngăn chặn nạn phân biệt chủng tộc đối với người Việt ở Campuchia trong thời gian dẫn đến các cuộc bầu cử tại nước này.

Hôm 3/2, Khmer Times dẫn lời cảnh sát trưởng huyện Chhoeun Bunchhorn, ông Koh Thom, cho biết các giới chức cảnh sát tỉnh Kandal và Takeo (Campuchia) đã có một cuộc họp với công an Việt Nam ở tỉnh An Giang và thảo luận về vấn đề này.

“Tại cuộc họp, các đối tác công an Việt Nam của chúng tôi ở tỉnh An Giang đã yêu cầu các lãnh đạo cảnh sát tỉnh Kandal và Takeo phải hành động để ngăn chặn sự kích động và phân biệt đối xử đối với người Việt Nam”, ông Koh Thom nói và cho Khmer Times biết thêm rằng công an Việt Nam cũng yêu cầu phải có biện pháp bảo vệ người Việt đang hoạt động kinh doanh và tuân thủ pháp luật ở Campuchia.

Phong trào bài Việt dự kiến sẽ tăng cao trong thời gian dẫn tới bầu cử tại Campuchia vì có nhiều khả năng các đảng chính trị Campuchia sẽ tung ra những luận điệu theo chủ nghĩa dân tộc như một công cụ để giành lá phiếu của cử tri.

Các cuộc bầu cử hội đồng cấp xã sắp diễn ra trong vài tháng tới và cuộc tổng tuyển cử sẽ tổ chức vào năm sau đang gây áp lực lên chính quyền Campuchia về vấn đề cân bằng chủng tộc tại nước này.

Hồi tháng Giêng, phe đối lập, là Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) tuyên bố có gần 2.500 người nước ngoài, chủ yếu là người Việt, đã đăng ký bỏ phiếu bất hợp pháp trong các cuộc bầu cử sắp tới. Đảng này yêu cầu loại tên những người này khỏi danh sách cử tri tạm thời, nhưng sau đó đã bị Ủy ban bầu cử quốc gia Campuchia bác bỏ vì thiếu “bằng chứng hợp pháp”.

Channel News Asia dẫn lời ông John Coughland, một nhà nghiên cứu của tổ chức Ân Xá Quốc Tế, nhận định: "Đảng cầm quyền biết rõ sự ác cảm này sâu sắc tới mức nào và có thể sẽ tạo ra một chương trình trục xuất những người Việt yếu thế, sinh sống dọc khu vực biên giới như là một công cụ để tránh mất đi một lượng lớn ủng hộ cho phe đối lập”.

Người Việt nhập cư đã trở thành mối quan tâm của nhiều người dân Campuchia. Sự hiện diện ngày càng tăng của người Việt bị cho là gắn liền với vấn đề di trú mất kiểm soát, nguồn tài nguyên suy kiệt và sự mở rộng quyền lực của Việt Nam, điều mà một số người Campuchia xem là một cuộc xâm lăng thầm lặng.

Thống kê của Cục xuất nhập cảnh Campuchia ghi nhận từ giữa năm 2010 đến năm 2014, có hơn 160.000 người nhập cư Việt Nam đang sinh sống ở Campuchia. Một chiến dịch của chính quyền Campuchia đối với người di cư bất hợp pháp hồi năm ngoái đã dẫn tới hơn 2.400 người bị trục xuất về Việt Nam và hơn 6.000 bị trả về nước trong năm 2015.

Bất chấp tình trạng bài Việt, chính quyền Campuchia dưới thời của Thủ tướng Hun Sen được nhiều người xem là có mối quan hệ chặt chẽ với Hà Nội, một yếu tố được xem là có ảnh hưởng đến khả năng lên nắm quyền của ông Hun Sen trong những năm 1980. - VOA
|
|

3.
Thần tượng Walesa chính là 'Bolek' chỉ điểm cho công an

Lech Walesa, thần tượng của dân tộc Ba Lan, một trong những nhân vật lịch sử tầm cỡ nhất của thế kỷ 20 đang trở thành tâm điểm của dư luận và báo chí.

Ông Walesa - người thợ điện làm 'chập mạch' cả hệ thống XHCN, tổng thống đầu tiên của Ba Lan dân chủ - theo kết luận của Viện Hồi Ức Dân Tộc (IPN) là đặc tình của an ninh cộng sản từ 1970 tới 1976 với bí danh Bolek.

Kết luận này không có gì là quá mới lạ, chỉ là câu trả lời khẳng định cho những đồn đoán kéo dài từ hơn hai thập niên nay.

Trong buổi họp báo hôm 31/01/2017 IPN nói, kết luận của họ là 'hoàn toàn chắc chắn', 'không còn nghi ngờ nào nữa'.

Nó được đưa ra trên cơ sở giám định của các chuyên gia trong một năm qua với những bút tích mà Walesa để lại trong tài liệu của cơ quan an ninh cộng sản.

Cũng theo những tài liệu này, Walesa đã nhận tiền cho những hoạt động 'mách lẻo' của mình trong giai đoạn trên với số tiền là 11.700 zloty.

Chữ ký trên các biên lai nhận tiền được khẳng định là của chính người mà sau này trở thành lãnh tụ huyền thoại của Công Đoàn Đoàn Kết.

Tập hồ sơ trong nhà trùm mật vụ

Đây là tập tài liệu mang tên 'Hồ sơ cá nhân' dày tới 750 trang mà cơ quan điều tra thu được một năm trước ở nhà một Bộ trưởng Công an thời cộng sản - Czeslaw Kiszczak - sau khi ông này qua đời.

Tướng Kiszczak có ý bảo vệ điệp viên của mình không chỉ tới hơi thở cuối cùng mà cả những năm sau đó.

Lời trăn trối giữ gìn tập tài liệu cẩn thận và chỉ được trao lại sau nhiều năm nữa đã bị bà vợ góa có phần 'lẫn cẫn' của ông làm hỏng chuyện. Bà đã gọi điện tới IPN với mục đích bán chúng, ít lâu sau đám tang của ông chồng.

Trên tập hồ sơ tìm thấy, có bút tích phê duyệt của chính Kiszczak với ý định chỉ công bố hồ sơ 5 năm sau khi Walesa qua đời.

Từ lâu, ngay sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, giới chức và báo giới Ba Lan đã truy tìm những tài liệu liên quan tới một nhân vật bí ẩn có bí danh Bolek, nhưng đã không tìm thấy trong bất kỳ lưu trữ quốc gia nào.

Bản thân Walesa có lẽ cũng nghĩ rằng, những tài liệu liên quan tới mình đã được an ninh cộng sản hủy bỏ. Bởi, trong mắt chính những trùm mật vụ đó, Walesa là một anh hùng dân tộc, mà họ hay ít nhất là tướng Kiszczak muốn bảo vệ danh dự.

Cũng bởi không có chứng cứ gì mà trong suốt nhiều năm nay, Walesa luôn chối bỏ sự hợp tác của mình.

Hiện cựu tổng thống đang đi nghỉ vắng 'ở nước ngoài' và ông chưa lên tiếng gì về kết quả cuộc họp báo kể trên.

Thêm một chương trong cuộc đời

Vụ Bolek ngay lập tức gây nên những tranh cãi gay gắt trong xã hội và nhuốm mầu sắc chính trị.

Có một nghịch lý mà có lẽ không chỉ của Ba Lan, đó là, những người cùng tranh đấu trên một chiến tuyến nhằm lật đổ chế độ độc tài cộng sản lại trở thành các đối thủ chính trị của nhau trong một thể chế dân chủ.

Và vụ Walesa cũng trở thành một 'con bài' trong cuộc chơi giữa các đảng phái chính trị đối lập.

Đảng cầm quyền PiS dường như có ý phủ nhận sạch trơn và viết lại lịch sử. Nhưng các đảng phái chính trị khác đưa ra nhìn nhận một cách công bằng và bao dung hơn.

Theo đó, Walesa là người đã có công giúp dân tộc thoát khỏi ách độc tài cộng sản, và giống như mọi nhân vật lịch sử khác, không có gì là tuyệt đối cả; những gì lịch sử và cả thế giới đã ghi nhận là không thể xóa bỏ; không có pha lê nào mà không bị tì vết.

Nhiều người cũng lên tiếng cảm thông với ông khi sống giữa một bầy sói an ninh cùng 'vợ dại con thơ' và một nguy cơ mất việc lúc nào cũng treo lơ lửng trên đầu.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, những gì Walesa đã làm không gây hại trực tiếp cho ai và những thông tin mà ông đã cung cấp cho cơ quan an ninh thuộc loại 'vô bổ'.

Trong khoảng thời gian mấy năm đó, Walesa đã nhiều lần muốn thoát ra khỏi móng vuốt của cơ quan mật vụ nhưng sự hợp tác chỉ thực sự chấm dứt vào năm 1976.

Điều quan trong là, ở giai đoạn sinh tử của công cuộc đấu tranh, Walesa đã dứt bỏ được những ràng buộc, vượt lên được những ám ảnh để trở thành một lãnh tụ của phong trào công nhân.

Những đóng góp của ông cho Ba Lan và thế giới là không thể thay đổi.

Nói theo cách của giám đốc IPN thì, những tài liệu này không nhằm phủ nhận công lao của Walesa mà chỉ thêm vào một chương trong cuộc đời hoạt động của ông. Và đó là một chương đen tối.

Ai cũng phải ký gì đó?

Những ai đã từng sống dưới chế độ cộng sản có thể thấy rằng, không dễ gì để vừa hoạt động hiệu quả vừa giữ mình thật trong sạch.

Ryszard Petru, chính trị gia đối lập nói:

"Hầu hết chúng ta đã may mắn là không phải sống trong những ngày đó và không phải va chạm với mật vụ cộng sản. Vào thời điểm ấy, nhiều người đã bắt buộc phải ký một cái gì đó, để sau này hối tiếc."

Miroslaw Chojecki, một nhà hoạt động Ba Lan từng kể với tôi rằng, ông bị bắt, bị giữ tới 40 lần vì đủ mọi lý do, nhiều khi rất 'trời ơi đất hỡi' như có một kẻ lấy cắp chai rượu trong cửa hàng và kẻ này trông giống ông!

Và hầu như mỗi lần để được thả ra, ông lại phải ký giấy tờ gì đó.

Vấn đề là chỉ nên ký những thứ vô thưởng vô phạt, không hại tới ai và không nhận tiền của cơ quan an ninh.

Nhưng vấn đề đó không phải ai cũng làm được, để giữ cho đôi tay của mình được trong sạch.

Câu chuyện quá khứ của Ba Lan lại là hiện tại của Việt Nam ngày nay.

Những nhà hoạt động Việt Nam đang sống dưới một chế độ còn hà khắc hơn chế độ cộng sản Ba Lan mấy chục năm trước. Họ đang hàng ngày phải đối đầu với một bộ máy an ninh khổng lổ với nhiều mưu kế.

Không dễ dàng gì để có thể vừa theo đuổi lý tưởng, vừa giữ được sự an toàn cho gia đình, người thân và sự trong sạch của lương tâm trong lúc luôn bị đe dọa, khủng bố tinh thần và bao vây về kinh tế.

Chắc nhiều người còn nhớ hình ảnh của luật sư Lê Công Định, Nguyễn Văn Đài hay Nguyễn Tiến Trung được cho là 'đã nhận tội', 'xin khoan hồng' được chiếu đi chiếu lại trên các kênh truyền thông nhà nước.

Là con người, ai cũng có những phút yếu lòng, nhưng nhờ những người dám can đảm dấn thân, xã hội mới thay đổi.

Và bất luận điều gì đã xảy ra, thiết nghĩ, cần phải trân trọng và ghi nhận công bằng những cống hiến của họ.

Chắc chắn không ít người trong giới hoạt động hiện nay- ở những chừng mực khác nhau - đã có lúc phải ký kết hay cam kết gì đó với cơ quan an ninh.

Nếu một ngày nào đó, những hồ sơ mật được mở ra, chắc sẽ có nhiều bất ngờ.

Có thể, những gì xảy ra ở Ba Lan hôm nay sẽ là bài học cho Việt Nam trong tương lai về cách tiếp cận và ứng xử với những vấn đề tương tự.

Nhưng ngày đó là ngày nào, có thể còn rất xa... - BBC
|
|

4.
Khủng hoảng ở Rumani: Biểu tình bước sang ngày thứ năm

Hôm nay, 04/02/2017, là ngày thứ năm liên tiếp người dân Rumani xuống đường biểu tình, đòi chính quyền bãi bỏ sắc lệnh giảm nhẹ hình phạt chống tham nhũng. Trong khi đó, chính phủ vẫn kiên quyết không thay đổi quyết định.

Người dân tuần hành phản đối chính quyền do lo ngại sắc lệnh mới, mà chính phủ của đảng Xã Hội-Dân Chủ (PSD) thông qua hôm thứ Ba 31/01, sẽ có lợi cho các quan chức tham ô, lạm tiêu công quỹ, mặc dù dưới sức ép của Liên Hiệp Châu Âu và sự cứng rắn của các thẩm phán, cuộc chiến chống tham nhũng tại Rumani đã bắt đầu có kết quả.

AFP cho biết là nhiều người biểu tình dự kiến tập trung ở thủ đô Bucarest vào giữa ngày rồi sau đó kéo đến trước nhà Quốc Hội để phản đối sắc lệnh mới của chính quyền. Vào tối hôm qua 03/02, đã có 100.000 người tham gia tuần hành ở Bucarest.

Các cuộc biểu tình tương tự với sự tham gia của tổng cộng từ 100.000 đến 150.000 người đã diễn ra tại khoảng 50 thành phố khác của Rumani, như ở Cluj (miền Đông Bắc), Sibiu (miền Trung) và Timisoara (miền Tây).

Trong khi chính phủ Rumani nhấn mạnh ý định « tiến về phía trước » thông qua cuộc cải cách trong lĩnh vực hình sự, thì những người phản đối sắc lệnh của chính quyền cũng quyết tâm tiếp tục phong trào đấu tranh với quy mô lớn chưa từng có từ khi chế độ cộng sản sụp đổ tại Rumani vào năm 1989. - RFI
|
|

5.
Philippines tái chiến với phiến quân Cộng Sản

Philippines rút khỏi thỏa thuận ngừng bắn với quân nổi dậy theo chủ nghĩa cộng sản trong nước.

Hôm thứ Sáu 3/2, Tổng thống Rodrigo Duterte ra lệnh cho quân đội Philippines sẵn sàng chiến đấu.

Quân đội cho hay 6 binh sĩ đã tử trận trong các cuộc giao tranh mới với các quân nổi dậy.

Tổng Tham mưu trưởng quân lực Philippines, Tướng Eduardo Ano hoan nghênh việc huỷ bỏ lệnh ngừng bắn, ông tuyên bố:

"Chúng tôi sẽ truy lùng những phần tử cộng sản... Chúng tôi sẽ tấn công bọn chúng."

Ông Duterte ra loan báo hai ngày sau khi những người cộng sản tuyên bố quyết định kết thúc cuộc ngừng bắn đơn phương.

Cộng sản muốn ông Duterte phóng thích 400 du kích quân đang bị giam cầm. Ông Duterte cho rằng đòi hỏi của họ là "vô lý."

Cuộc nổi dậy của cộng sản Philippines được phát động vào năm 1968. Đó là một trong những cuộc nổi dậy kéo dài nhất trên thế giới và đã giết chết ít nhất 30.000 người.

Hai bên đã tham gia các cuộc đàm phán do Na Uy đứng ra làm trung gian, và theo dự kiến sẽ thực hiện thêm một vòng đàm phán nữa, bắt đầu vào tháng Tư.

Quân nổi dậy cộng sản cho biết quyết định chấm dứt cuộc ngừng bắn không có nghĩa là họ muốn rút ra khỏi các cuộc hòa đàm. Họ cho biết có thể "vừa đàm vừa đánh." - VOA
|
|

6.
EU quyết đoàn kết đối phó với Trump

Châu Âu loan báo nhất trí đoàn kết đối phó với tân chính quyền Donald Trump tuy nhiên tại thượng đỉnh đầu tiên của EU kể từ khi ông Trump lên làm Tổng thống, các nhà lãnh đạo EU chưa thống nhất được sẽ đối đầu hay giao tiếp với tân Tổng thống Mỹ tới mức nào.

Tại cuộc họp ở Malta bàn về các thách thức bên ngoài mà EU đang đối mặt, các vấn đề liên quan đến ông Trump và những chính sách của ông với NATO, với tự do mậu dịch, và với người Hồi giáo liên tục được nêu lên.

Thủ tướng Anh, người vừa thăm Washington hồi tuần trước, trấn an nguyên thủ các nước EU rằng ông Trump cam kết hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng.

Tổng thống Lithuana cảnh giác vì những luận điệu ‘hòa giải’ của ông Trump với Nga.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức nhấn mạnh đến nhu cầu đoàn kết trong khối và nói rằng EU vẫn còn nhiều quan điểm chung với Mỹ trong nhiều lĩnh vực.

Nhà lãnh đạo Đức kêu gọi EU thúc đẩy thỏa thuận tự do mậu dịch với nhiều nước hơn nữa trong lúc ông Trump rút ra khỏi các thỏa thuận tự do thương mại đa phương. Tuy nhiên, bà Angela Merkel nhấn mạnh hợp tác với Mỹ chống lại các mối đe dọa chủ chiến sẽ tiếp tục.

Chủ tọa thượng đỉnh, Thủ tướng Malta, lưu ý chớ nên theo chủ nghĩa bài Mỹ cho dù có các quan ngại về chính sách của ông Trump. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

7.
Thẩm phán liên bang ra phán quyết chặn đứng sắc lệnh cấm nhập cảnh của TT Trump --- Thẩm phán yêu cầu Tòa Bạch Ốc trao danh sách cấm nhập cảnh Mỹ --- Chưa tới 60 ngàn visa bị rút lại vì sắc lệnh của TT Trump

Một thẩm phán liên bang tại bang Washington ở vùng Tây-Bắc Hoa Kỳ đã tạm thời chặn đứng lệnh cấm ban hành hồi tuần trước đối với du khách và di dân đến từ 7 nước mà dân đa số theo Hồi giáo. Lệnh của thẩm phán liên bang sẽ có hiệu lực trên toàn quốc.

Thẩm phán James Robart tại Seattle hôm thứ Sáu phán rằng các tiểu bang Washington và Minnesota có cơ sở pháp lý để thách thức sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump.

Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ cho hay họ sẽ tuân thủ phán quyết của thẩm phán liên bang.

Ông Bob Ferguson, Tổng Chưởng lý bang Washington, phát biểu:

“Quyết định của Thẩm phán Robart, có hiệu lực tức thời, ngay bây giờ, chấm dứt sắc lệnh vi hiến và bất hợp pháp của Tổng thống Trump.”

Trao đổi với các nhà báo hôm Thứ Sáu, Tổng Chưởng lý Ferguson nói:

“Tiếng nói ồn ào nhất không phải là tiếng nói áp đảo tại toà án, mà chính là hiến pháp.”

Toà Bạch Ốc khuya hôm qua ra thông cáo nói rằng Bộ Tư pháp sẽ ban hành một lệnh khẩn cấp để chặn lại phán quyết “đáng lên án này trong thời hạn sớm nhất có thể”. Thông cáo của Toà Bạch Ốc còn bênh vực sắc lệnh của Tổng thống Trump là “hợp pháp và thích hợp.”

Sắc lệnh của ông Trump, cấm những người từ Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen có thị thực nhập cảnh, không được vào đất Mỹ. Lệnh cấm này đã gây ra các cuộc biểu tình tại các sân bay ở nhiều thành phố lớn của Mỹ. Tổng thống Trump nói sắc lệnh này là cần thiết để bảo vệ sự an toàn của nhân dân Mỹ, không bị những kẻ khủng bố hãm hại.

Các luật sư của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ trước đó cho biết hơn 100,000 visa đã bị rút lại vì sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump, cấm những người du hành đến từ 7 nước vừa nêu, trong khi Bộ Ngoại giao cho hay chưa tới 60,000 visa bị huỷ bỏ.

Chính quyền bang Washington đã đệ nạp hồ sơ pháp lý thách thức lệnh cấm của Tổng thống Trump trong tuần, và chính quyền bang Minnesota lập tức tham gia khiếu kiện. Nhiều trường hợp kiện tụng khác đã được đệ nạp tại các toà án Mỹ, và đang chờ được xem xét. - VOA

***
Một thẩm phán liên bang ở Virgina ra lệnh cho Tòa Bạch Ốc cung cấp danh sách tất cả những người bị ngăn chặn không được vào Mỹ do sắc lệnh cấm du hành Tổng thống Donald Trump ban hành tuần trước đối với công dân từ 7 nước có đa số dân theo Hồi giáo.

Phán quyết đưa ra trong cùng ngày mà luật sư từ 4 tiểu bang ra tòa kiện sắc lệnh của Tổng thống. Chính quyền Trump nói sắc lệnh vừa ban dựa trên cơ sở an ninh quốc gia, nhưng những người chống đối tố cáo đây là hành động vi hiến.

Bộ Ngoại giao ngày 3/2 cho biết có dưới 60 ngàn visa cấp cho công dân các nước Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria, và Yemen đã bị hủy sau sắc lệnh của Tổng thống.

Thẩm phán Leonie Brinkema ở Virgina yêu cầu chính phủ liên bang Hoa Kỳ hạn chót là thứ năm tuần tới phải cung cấp danh sách tất cả những ai bị khước từ nhập cảnh hoặc bị trục suất ra khỏi Mỹ.

Sắc lệnh hôm 27/1 của ông Trump đã khơi mào tình trạng lộn xộn tại các phi trường Mỹ cuối tuần qua. Lệnh cũng tạm thời ngưng không cho người tị nạn vào nước Mỹ cũng như dừng vô thời hạn việc tái định cư cho người tị nạn Syria. - VOA

***
Dưới 60 ngàn visa bị rút lại tuân theo lệnh cấm du hành của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với những người thuộc 7 nước có đa số dân theo Hồi giáo , theo xác nhận của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 3/2.

Sắc lệnh hành pháp về di trú do ông Trump ký ban hành cách đây 1 tuần tạm ngưng chương trình tị nạn, đình chỉ trong 90 ngày không cho nhập cảnh những ai đến từ Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen. Tổng thống nói biện pháp này giúp bảo vệ người Mỹ, tránh những cuộc tấn công khủng bố.

Phát ngôn nhân phụ trách công tác lãnh sự tại Bộ Ngoại giao, ông William Cocks, cho biết ‘chưa tới 60 ngàn visa cá nhân đã bị rút lại để tuân thủ sắc lệnh hành pháp.’

Tin tức trước đó nói rằng có hơn 100 ngàn visa bị hủy.

Với sắc lệnh của ông Trump, người đến từ 7 nước vừa liệt kể, nếu có song tịch sẽ được phép vào nước Mỹ theo diện có passport của một nước không bị hạn chế. - VOA
|
|

8.
Mỹ đặt hàng 8,5 tỷ USD sản xuất phản lực cơ F35

Bộ Quốc phòng Mỹ công bố một thỏa thuận đặt hàng 90 chiếc phản lực cơ F-35 có tổng trị giá khoảng 8,5 tỷ USD với nhà cung cấp Lockheed Martin.

Thỏa thuận này lần đầu tiên hạ mức giá cho mỗi chiến đấu cơ tàng hình xuống ở dưới mức 100 triệu USD, Lầu Năm Góc cho biết.

Lầu Năm Góc nói sẽ tiết kiệm được khoảng 728 triệu USD so với lần đặt hàng gần nhất.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng chỉ trích về giá cả của chương trình F35.

Ông Trump đã ra tin nhắn tweet vào tháng Mười Hai nói rằng các chi phí của dự án là "mất kiểm soát".

Tuy nhiên, các nhà phân tích quốc phòng cho rằng mức giảm giá mà Donald Trump công bố vào cuối tháng Giêng là phù hợp với những gì đã được giới chức Bộ Quốc phòng Mỹ thỏa thuận với Lockheed trong nhiều tháng.

Tham dự của cá nhân Tổng thống

Lockheed Martin nói vào hôm thứ Sáu:

"Sự tham gia của cá nhân Tổng thống Trump trong chương trình F-35 đã làm tăng tốc cuộc đàm phán và giúp chúng tôi tập trung trọng tâm hơn vào việc giảm giá."

F-35 là chương trình vũ khí đắt đỏ nhất của Lầu Năm Góc, trị giá khoảng 400 tỉ USD.

Tuy nhiên, giá mỗi chiếc phi cơ phản lực đã được giảm dần khi sản lượng tăng.

Quân đội Mỹ sẽ mua 55 phản lực cơ, trong khi 35 chiếc F35s sẽ được bán ra nước ngoài.

Anh là quốc gia sắp mua ba trong số những chiến đấu cơ.

Lockheed, nhà thầu chính, và các đối tác gồm Northrop Grumman, Pratt & Whitney và BAE Systems, đang hợp tác xây dựng một chuỗi cung ứng hiệu quả hơn để thúc đẩy chuỗi dây chuyền sản xuất ở Fort Worth, thuộc tiểu bang Texas. - BBC
|
|

9.
Tỷ lệ thất nghiệp Mỹ tăng nhẹ trong tháng Một

Tỷ lệ thất nghiệp tại Hoa Kỳ tăng đôi chút trong tháng Một năm 2017, trong khi số công việc mới được kiến tạo trừ số việc làm bị mất đi, tăng mạnh hơn so với dự báo của các nhà kinh tế.

Phúc trình do Bộ Lao động Hoa Kỳ công bố hôm thứ Sáu cho thấy tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức 4,8%, tăng 0.10% so với tháng trước, vì có nhiều người hơn đi tìm việc.

Những người lao động không được chính thức liệt vào thành phần thất nghiệp, trừ phi họ đã đi tìm kiếm việc làm trong 4 tuần lễ trước đó. Rất nhiều việc làm mới kiến tạo là trong lĩnh vực xây dựng và bán lẻ.

Nền kinh tế Mỹ đã tạo ra hơn 227.000 việc làm trong tháng Một, 2017. Số liệu này cao hơn so với trông đợi.

Nhưng mức tăng tiền lương thấp một cách đáng thất vọng, chỉ tăng 0.1%, và như vậy, tỷ lệ tăng chậm hơn so với tháng trước. - VOA
|
|

10.
Ngoại trưởng Tillerson gặp đồng nhiệm Đức

Tân Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã điện đàm với người tương nhiệm Mexico và Canada, cũng như với Thủ tướng Israel. Ngoài ra, ông đã tiếp Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel tại Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington hôm thứ Năm, trong ngày đầu tiên đảm nhận nhiệm vụ lãnh đạo ngành ngoại giao Hoa Kỳ.

Không có chi tiết chính thức về nội dung cuộc họp giữa ông Tillerson với Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel, mặc dù trọng tâm của các cuộc thảo luận có thể xoay quanh Liên minh Bắc Đại Tây Dương, NATO, tương lai của thỏa thuận hạt nhân với Iran, và vấn đề thương mại.

Trao đổi với các nhà báo tại Đại sứ quán Đức ở thủ đô nước Mỹ, ông Gabriel nói ông "rất vinh hạnh được mời đến thủ đô Washington trong giai đoạn khởi đầu của một chính quyền mới."

Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel nói:

"Tôi cấp tốc đến đây không chỉ để làm quen với ông Rex Tillerson, mà còn để chứng minh rằng quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương thiết yếu như thế nào trong giai đoạn có nhiều biến động như hiện nay, đối với chúng tôi, ở Đức và châu Âu cũng như đối với các bạn Mỹ. Tầm quan trọng của mối quan hệ này thể hiện sự hợp tác lâu dài của chúng ta trong lĩnh vực an ninh. Đối với chúng tôi, NATO là một liên minh thiết yếu đảm bảo hòa bình, ổn định và an ninh cho châu Âu và xa hơn nữa. Sự hợp tác giữa chúng ta là thiết yếu về các vấn đề có trong chương trình nghị sự quốc tế, ví dụ như các nỗ lực nhằm kết thúc cuộc nội chiến khủng khiếp tại Syria, và trách nhiệm chung của chúng ta đối với tiến trình hòa bình Trung Đông, cũng như nỗ lực mưu tìm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở miền đông Ukraine."

Ca tụng mối quan hệ vững bền giữa Hoa Kỳ và nước Đức, Ngoại trưởng Gabriel nói:

“Đã có những thời kỳ trong quá khứ khi chúng ta vấp phải những khó khăn chính trị, và tranh cãi với nhau về các vấn đề chính trị. Tuy nhiên, chúng ta luôn luôn nhận thức được rằng chúng ta, tình hữu nghị và hợp tác của chúng ta được đặt trên những giá trị chung.”

Cuộc gặp giữa hai vị Ngoại trưởng diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ vừa ban hành lệnh cấm nhập cảnh áp dụng cho công dân 7 nước, nơi đa số theo Hồi giáo, gây làn sóng phẫn nộ trên trường quốc tế.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nêu lên vấn đề này lại trong một chuyến đi thăm Ankara ngày hôm qua, thứ Năm 2/1. Bà nói rằng chiến đấu chống chủ nghĩa khủng bố không thể biện minh cho việc vơ đũa cả nắm, nghi ngờ tất cả các tín đồ Hồi giáo. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

11.
Du khách đến VN tăng mạnh dịp Tết, đặc biệt từ Trung Quốc

Lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam trong tháng 1 tăng gấp 2,7 lần số du khách đến từ châu Mỹ, bằng tổng số du khách của cả châu Âu và châu Đại Dương cộng lại, VnEpxress dẫn nguồn từ Tổng cục Thống kê Việt Nam cho biết hôm 3/2.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lượng du khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 1 đạt 1.007.238 lượt, trong đó khách Trung Quốc chiếm 247.600 lượt, tăng hơn 67% so với cùng kỳ năm ngoái.

Báo chí Việt Nam và Trung Quốc nói lý do nhiều người Trung Quốc đến Việt Nam du lịch là vì muốn hưởng một kỳ nghỉ ở nước ngoài mà không phải trải qua một hành trình dài.

Đa số khách du lịch Trung Quốc đến tham quan ở các tỉnh biên giới phía Bắc, đặc biệt là tỉnh Quảng Ninh, nơi có Vịnh Hạ Long, điểm du lịch nổi tiếng hàng đầu của Việt Nam. Gần đây, tỉnh Quảng Ninh cho phép khách du lịch Trung Quốc đi theo nhóm có thể ở lại tới 3 ngày mà không cần có thị thực du lịch.

Ngành du lịch dự kiến sẽ đóng góp 10% vào doanh thu nội địa của Việt Nam, trở thành một lĩnh vực chính của nền kinh tế Việt Nam vào năm 2020 với dự kiến sẽ đạt được 35 tỉ đôla doanh thu.

Tuy nhiên, lượng du khách Trung Quốc đến Việt Nam ngày càng tăng cũng gây ra những quan ngại trong công chúng Việt Nam về vấn đề an ninh, quốc phòng. Hồi đầu tháng này, TP.HCM đã công bố một bộ quy tắc ứng xử dành cho du khách sau khi có nhiều phản ánh trên báo chí về những cách hành xử không đẹp và “quá khích” của nhiều khách du lịch đến từ Trung Quốc. - VOA
|
|

12.
Việt Nam mơ trở thành công xưởng của hành tinh

Mở đầu một phóng sự dài về kinh tế Việt Nam trong nguyệt san Le Monde Diplomatique, tác giả Martine Bulard ghi nhận là trong không đầy 40 năm, dân chúng Việt Nam đã cải thiện được mức sống : Không còn thiếu ăn, thanh niên miệt mài trên các mạng xã hội, phim Nhật Bản và Hàn Quốc là món giải trí trong các gia đình… Chỉ có điều kiện lao động là còn rất khó khăn và kinh tế ngày càng lệ thuộc vào nước ngoài. Hy vọng của chính quyền Việt Nam có quan hệ đối tác ưu đãi với Mỹ có thể sẽ không thành.

Tác giả bài viết minh họa nhận định của mình qua những cuộc gặp với giới doanh nhân Việt Nam, cụ thể là trường hợp lãnh đạo một công ty may xuất khẩu tại Bắc Giang, tên tiếng Anh là Bac Giang Garment Corporation (BGGC), có những khách hàng là các đại tập đoàn nước ngoài : Gap của Mỹ, Uniqlo của Nhật hay Zara của Tây Ban Nha.

Dệt may xuất khẩu phát đạt

Đây là một công ty mà dân chúng Việt Nam ít biết đến vì sản phẩm làm ra, theo quy định của hợp đồng, không bán trên thị trường nội địa để giữ giá trị của nhãn hiệu. Vả lại với đồng lương tháng 5 triệu đồng cho 6 ngày làm việc, thì các công nhân ở đấy không tài nào mua nổi sản phẩm mà họ làm ra. Cách đây 10 năm, tức trước thời kỳ tư hữu hóa, một từ ngữ ở đây không ai dùng, BGGC chỉ có một xưởng, thu dụng 350 người. Bây giờ thì công ty đã phát đạt lên với 5 cơ xưởng và 14.000 nhân công, đơn đặt hàng đầy ắp.

Tuy nhiên, không phải ai cũng thành công, đặc biệt là các đại tập đoàn Nhà Nước bị thua lỗ nặng dù đã cổ phần hóa hay không. Một luật sư xin giấu tên, giải thích đó là do họ vừa không có kinh nghiệm, vừa tham nhũng. Một ví dụ điển hình là Petro Vietnam, mà nhiều lãnh đạo đã phải từ chức do thua lỗ quá nặng. Dĩ nhiên là có những thành công ngoạn mục hiếm hoi, như Vingroup mà chủ tịch tổng giám đốc là tỷ phú Việt Nam duy nhất trên danh sách tạp chí Forbes, hay Viettel của quân đội và tập đoàn Vinamilk với vốn nước ngoài, trong đó có một quỹ đầu tư của Singapore.

Vị luật sư Việt Nam xin giấu tên so sánh : Trước kia doanh nhân Việt Nam bơi trong một cái ao rất hẹp, cái ao làng, nhưng bây giờ trước mặt họ là đại dương, một đại dương dậy sóng tự do mậu dịch và cạnh tranh khốc liệt.

Công ty may mặc BGGC đã kinh qua khó khăn : « Để giảm bớt chi phí, một số khách hàng không ngần ngại dùng Việt Nam để đối đầu với Trung Quốc và cũng sử dụng Trung Quốc để đối phó với Việt Nam ». Và Việt Nam đã phải cắt xén nhiều khoản chi tiêu để thực hiện các hợp đồng và giữ khách hàng.

Chẳng hạn như Uniqlo đã ngưng cung cấp hàng choTrung Quốc để chuyển sang Việt Nam. Lever Style, một nhà cung cấp khác của nhãn hiệu Nhật Bản đã giảm 1/3 nhân công Trung Quốc và dự kiến sản xuất 40% sản phẩm ở Việt Nam từ đây đến 2020, trong lúc mà họ vắng bóng ở Việt Nam cách đây 6 năm.

Từ đầu thập niên này các nhãn hiệu lớn quốc tế và giới gia công của họ dần dần rời bỏ Trung Quốc, như tập đoàn Đài Loan Bảo Thành (Pou Chen) gia công cho Adidas, Nike, Puma, Lacoste..., đã đầu tư hơn 2 tỷ đô la vào khu công nghiệp chung quanh Thành Phố Hồ Chí Minh. Phó chủ tịch Hiệp hội các công ty vải sợi - may mặc Việt Nam, ông Trương Văn Cẩm cho biết là 65% hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam là sản phẩm của các công ty vốn nước ngoài hay của đơn đặt hàng từ nước ngoài.

Nhân công rẻ và TPP từng là hấp lực

Cũng như phần đông lãnh đạo kinh tế Việt Nam, ông Cẩm chờ đợi nhiều nơi Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP. Dựa trên đánh giá của Ngân Hàng Thế Giới, giới dệt may chờ đợi là thị phần thế giới của họ tăng mạnh, từ 4% hiện nay lên 11% vào năm 2025, xuất khẩu như thế sẽ tăng 18%. Lãnh đạo Việt Nam dự kiến khoản tăng thêm của tăng trưởng từ 0,8% đến 2% mỗi năm trong thập niên tới.

Triển vọng tốt đẹp này đã góp phần làm cho số công ty nước ngoài đến Việt Nam tăng vọt những năm gần đây. Dĩ nhiên nhân công giá hạ cũng góp phần không nhỏ, như giải thích của hai ông Shimizu và La Văn Tranh, lãnh đạo công ty Nhật Foster Electric sản xuất micro cho iPhone : « Công nhân Việt Nam có tính cạnh tranh cao. Khởi đầu thì họ không được đào tạo tốt, nhưng họ học hỏi rất nhanh. Chúng tôi sử dụng 30.000 người và lương tháng căn bản chỉ xoay quanh 150-200 đô la trong khi trung bình ở Trung Quốc là phải 650 đô la. Chúng tôi như thế tiết kiệm rất nhiều ».

Không chỉ có Foster giảm hoạt động ở Trung Quốc, Samsung cũng vậy và đã đầu tư 15 tỷ đô la, sử dụng 46.000 nhân công. Cả một thành phố nhỏ ! Và còn có Foxconn, Apple, Canon…

Nhưng không chỉ do nhân công rẻ, mà còn các dự kiến giảm thuế quan ở Mỹ và trong 11 nước khác của TPP, bỏ hoàn toàn vào năm 2025. Các nhà thương thuyết Mỹ cũng đưa ra một quy tắc là các sản phẩm xuất khẩu phải do Việt Nam hoàn toàn sản xuất hay từ những sản phẩm do các đối tác trong hiệp định TPP sản xuất, không còn chuyện lắp ráp tại đây những yếu tố sản xuất ở bên ngoài khối.

Với trợ giúp của Mỹ và hiệp định TPP, theo Le Monde diplomatique, Việt Nam nhìn thấy tương lai của mình trong tư thế xưởng sản xuất thứ hai của thế giới, sẵn sàng giành thị phần của Trung Quốc.

Donald Trump phá hy vọng của Việt Nam

Nhưng việc tân tổng thống Mỹ Donald Trump chống lại TPP có thể thay đổi ván cờ. Bài báo nhắc lại sự kiện vào tháng 11 vừa qua, màn hình đài CNN xem tại Việt Nam có lúc bị một tấm bảng màu xanh che khuất với dòng chữ : « Vì nội dung không thích hợp ». Sau này mới biết là tổng thống tân cử Mỹ đã chỉ trích « hàng giả rẻ của Việt Nam » đe dọa tràn ngập nước Mỹ. Cho nên CNN đã tránh cho khán giả Việt Nam nghe thấy những lời tố cáo không hay ho này.

Trước mắt lãnh đạo Việt Nam hy vọng là các tập đoàn Walmart, Nike, Apple, Microsoft v.v có thể làm cho tổng thống Mỹ hiểu rõ hơn hay ít ra áp đặt một hiệp định song phương. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhắc lại trước Quốc Hội, ngày 18/11, là Việt Nam đã ký 12 hiệp định tự do mậu dịch và sẽ tiếp tục con đường hội nhập dù có TPP hay không.

Hiện tại đầu tư vào Việt Nam chủ yếu đến từ các quốc gia Châu Á , theo thứ tự : Nhật Bản, Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc. Thủ tướng Việt Nam cũng nhìn đến hiệp định ký với Châu Âu mà Quốc Hội Pháp đã thông qua tháng 6/2016.

Hà Nội đặt hy vọng tăng trưởng vào « tất cả vì xuất khẩu » và đầu tư nước ngoài với những điều kiện bằng vàng : miễn thuế trong vòng 4 năm đầu, giảm một nửa thuế trong 9 năm sau, điều kiện dễ dàng về mặt bằng - bất kể thiệt thòi cho nông nghiệp, cộng thêm trợ giúp của chính phủ về cơ sở, thủ tục hành chính đơn giản, v.v… bấy nhiêu yếu tố ưu đãi mà các nhà đầu tư khó cưỡng lại, ngay cả trong khu vục.

Nhưng cái gì cũng có mặt trái. Mặt trái ở đây đối với Việt Nam là sự lệ thuộc vào nước ngoài chưa kể vấn đề phá hoại môi trường.

Ngoài ra, các tập đoàn nước ngoài nắm 2/3 xuất khẩu. Tác giả trên Le Monde Diplomatique ví von : Samsung hiện chiếm 60% hàng điện tử bán ra nước ngoài của Việt Nam. Nếu tập đoàn Hàn Quốc bị ho, như với vụ pin của Galaxy Note 7 bị cháy, thì Việt Nam sẽ bị cảm ngay. - RFI



No comments:

Post a Comment