Tin Thế Giới
1.
Mỹ cam kết bảo vệ Hàn Quốc trước sự khiêu khích của Bắc Hàn
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis hôm thứ Năm 2/2 cho biết chính quyền Tổng thống Trump quyết tâm củng cố các quan hệ với Hàn Quốc để đối mặt với những hành động mà ông gọi là "khiêu khích" của Bắc Hàn.
Ông Mattis nói:
"Ngay trong lúc này, chúng ta phải trực diện với mối đe doạ có thực mà đất nước quý vị và đất nước chúng tôi đang đối mặt, chúng tôi sẽ kề vai sát cánh với quý vị.”
Ông Mattis đưa ra phát biểu này trong khi đứng bên Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn vào lúc khởi đầu chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông trong cương vị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.
Thủ tướng Hwang nói ông trông đợi sẽ tiếp tục tham khảo ý kiến của liên minh Hoa Kỳ-Hàn Quốc và sẽ "đáp ứng vấn đề hạt nhân của Bắc Hàn."
Trước khi đáp xuống sân bay Hàn Quốc, ông Mattis nói với các phóng viên tháp tùng ông trên chuyến bay rằng một chủ đề trong chuyến thăm của ông sẽ là hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD mà Mỹ và Hàn Quốc muốn triển khai trong năm nay, bất chấp những sự chống đối của Trung Quốc.
Ông Mattis nói:
“Nếu không có những hành vi khiêu khích của Bắc Hàn, chúng ta đã không cần tới lá chắn tên lửa THAAD ở đây. Không có nước nào khác phải quan ngại về lá chắn THAAD, ngoại trừ Bắc Triều Tiên, nếu họ xúc tiến bất cứ hành động hiếu chiến nào."
Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Mattis gồm một chặng dừng chân tại Nhật Bản. - VOA
|
|
2.
Romania: Biểu tình lớn phản đối lệnh giảm tội tham nhũng
Tại thủ đô Bucharest của Romania vừa diễn ra những cuộc biểu tình chống chính phủ lớn nhất từ trước tới nay, nhằm phản đối việc giới chức thông qua luật theo đó cựu quan chức đang ngồi tù vì tội tham nhũng có thể được thả sớm.
Tin tức nói đám đông lên tới ít nhất 150.000 người đã tụ tập bên ngoài các văn phòng của chính phủ tối hôm thứ Tư, và các cuộc tuần hành diễn ra ở nhiều thị trấn thành phố khác.
Khi những người biểu tình giải tán, một nhóm các ủng hộ viên bóng đá đã ném pháo vào cảnh sát và bị đáp trả bằng hơi cay.
Luật được thông qua vào tối hôm thứ Ba.
Chính phủ hiện nay theo đường lối cánh tả, do Thủ tướng Sorin Grindeanu thuộc đảng Dân chủ Xã hội (PSD) dẫn đầu và chỉ mới vừa trở lại nắm quyền hồi tháng 12 sau khi các cuộc biểu tình đã buộc lãnh đạo trước đó phải từ bỏ quyền lực hồi tháng 10/2015.
Tân chính phủ nói nghị định này là cần thiết để giảm tình trạng quá tải trong nhà tù, nhưng những người chỉ trích ông Grindeanu thì nói ông tìm cách thả các đồng minh hiện đang ngồi tù vì tội tham nhũng.
Cuộc khủng hoảng hiện thời đã khiến một bộ trưởng trong nội các từ chức hôm thứ Năm.
Các cuộc biểu tình diễn ra chỉ vài giờ sau khi Liên hiệp châu Âu cảnh cáo là Romania chớ "nuốt lời" trong nỗ lực chống tham nhũng.
"Cuộc chiến chống tham nhũng cần phải được tiến tới chứ không phải là phá bỏ những gì đã làm," người đứng đầu Ủy hội châu Âu Jean-Claude Juncker nói.
"Chúng tôi rất lo ngại theo dõi sát các diễn biến tại Romania."
Nguyên nhân dẫn đến biểu tình
Luật khẩn cấp có nội dung giảm nhẹ một số tội và khiến những người phạm các tội liên quan đến lạm dụng quyền lực sẽ chỉ bị án tù nếu số tiền lên tới trên 44.000 euro (48.000 đô la Mỹ).
Người hưởng lợi đầu tiên sẽ là lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội, Liviu Dragnea, người đang đối diện các cáo buộc về biển thủ 24.000 euro.
Các cuộc biểu tình bắt đầu cách đây vài ngày, thu hút sự ủng hộ của Tổng thống trung hữu Klaus Iohannis.
Những người biểu tình cáo buộc các côn đồ (hooligan) bóng đá địa phương vốn trung thành với đảng cầm quyền đã tìm cách phá hoại biểu tình bằng việc tấn công cảnh sát.
Các nhân chứng nói với BBC rằng một nhóm ít nhất 100 người "cực đoan" đã ném bom xăng và gạch ngói vào cảnh sát, khiến hai cảnh sát và hai người biểu tình bị thương.
Tổng thống Iohannis khen ngợi cách thức người biểu tình tiến hành tuần hành phản đối trên cả nước.
Ông cũng chỉ trích giới chức trách trong việc xử lý các nhóm biểu tình mà theo lời ông là tìm cách "phá vỡ" các cuộc biểu tình ở Bucharest. - BBC
|
|
3.
Tổng thống Philippines "sẽ giết thêm" và huy động quân đội chống ma túy
Tổng thống Rodrigo Duterte, hôm nay, 02/02/2017, thông báo là quân đội sẽ đóng vai trò hàng đầu trong cuộc chiến chống ma túy và ông còn cam kết sẽ giết thêm những kẻ buôn lậu và tiêu thụ ma túy.
Ông Duterte, được AFP trích dẫn, tuyên bố : « Tôi huy động quân đội Philippines và tôi coi vấn đề ma túy là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, do vậy, tôi sẽ kêu gọi sự giúp đỡ của toàn bộ các binh chủng ». Nguyên thủ Philippines còn bổ sung là ông sẽ ra lệnh giết chết thêm những con nghiện mà ông gọi là « đồ súc sinh ».
Đây là phản ứng đầu tiên của ông Duterte kể từ khi Ân Xá Quốc Tế, vào hôm qua, đã công bố một báo cáo cho rằng các vụ giết người như vậy ở Philippines có thể coi là những tội ác chống nhân loại.
Ông Duterte đã bác bỏ những cáo buộc vi phạm nhân quyền, với những lời lẽ thô tục nguyền rủa những người tố cáo ông và cho rằng họ đã thương xót 3000 "kẻ súc sinh",tức 3000 con nghiện bị giết chết. Nguyên thủ Philippines tuyên bố, « tôi sẽ cho giết thêm, để xóa bỏ tệ nạn ma túy ».
Trong tuần, ông Duterte đã thừa nhận là tệ nạn tham nhũng ngấm sâu vào tận xương tủy cảnh sát, lực lượng hiện đang đóng vai trò hàng đầu trong cuộc chiến chống ma túy. Trong thời gian qua, một loạt vụ bê bối đã bị phát giác, cho thấy nhiều sĩ quan cảnh sát dính líu đến các vụ giết người, bắt cóc, tống tiền. Những kẻ này lộng hành nhân danh cuộc chiến chống ma túy.
Theo số liệu chính thức, kể từ khi ông Duterte nhậm chức tổng thống Philippines cuối tháng 06/2016 đến nay, 6500 người đã thiệt mạng, trong đó cảnh sát thông báo bắn chết 2555 người, còn gần 4000 trường hợp khác chưa được làm rõ. - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
4.
Mỹ, Mexico phủ nhận TT Trump doạ điều quân sang Mexico --- Trump 'xem lại' thỏa thuận tị nạn đã ký với Úc?
Hoa Kỳ và Mexico đều phủ nhận tin nói rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảnh cáo rằng ông sẵn sàng đưa quân sang Mexico.
Hãng tin AP và một phóng viên Mexico ở Washington tường thuật rằng trong một cuộc điện đàm hồi tuần trước, Tổng thống Trump nói với Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto rằng ông sẽ triển khai các lực lượng Mỹ để đối phó với "những phần tử xấu", trừ phi Mexico đề ra những bước quyết liệt hơn để kiểm soát các phần tử này.
Bản tin AP được dựa một phần trên nội dung cuộc điện đàm do một người giấu tên cung cấp, nguồn tin này đã được xem văn bản ghi chép cuộc điện đàm. AP không thể kiểm chứng được giọng điệu trong lời phát biểu của ông Trump.
Báo The New York Times cho biết một quan chức Mỹ cấp cao tối hôm thứ Tư nói rằng phát biểu của ông Trump chỉ là lời nói đùa, và ý ông là Mỹ đề nghị giúp Mexico trong cuộc chiến chống các băng đảng ma túy, và trong công tác kiểm soát biên giới.
Phát ngôn viên của Tổng thống Mexico Eduardo Sanchez khẳng định ông Trump không hề đề nghị đưa binh sĩ Mỹ sang Mexico, nói như vậy là "hoàn toàn sai".
Ông Sanchez cho biết ông Trump và ông Pena Nieto thừa nhận có quan điểm khác biệt giữa hai ông về nhiều chủ đề khác nhau, nhưng cả hai bày tỏ mong muốn duy trì đối thoại để đạt một thỏa thuận song phương. - VOA
***
Thỏa thuận tái định cư người tị nạn đã được đưa ra xem xét trong cuộc điện thoại giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull.
Tờ Washington Post tường thuật rằng ông Trump đã gọi cuộc điện thoại này là 'tệ hại nhất' trong số những cuộc điện thoại ông đã có với các lãnh đạo thế giới trong ngày, và đã cắt ngắn so với thời gian dự kiến.
Ông Trump sau đó viết trên Twitter rằng ông sẽ 'nghiên cứu cái thỏa thuận ngu ngốc này'.
Theo nội dung đạt được với chính quyền ông Obama trước đó, thỏa thuận giữa Úc và Hoa Kỳ sẽ cho phép tới 1.250 người xin tị nạn ở Úc được tái định cư tại Mỹ.
Úc vốn luôn từ chối nhận người tị nạn - hầu hết là những người đến từ Iran, Afghanistan và Iraq. Thay vào đó, Úc luôn giữ họ tại các trung tâm tạm giữ ở ngoài khơi, đặt tại Nauru và Papua New Guinea ở Thái Bình Dương.
Thủ tướng Turnbull đang muốn làm rõ tương lai của thỏa thuận này sau khi ông Trump hôm thứ Sáu tuần trước ký sắc lệnh tạm ngưng việc tiếp nhận người tị nạn toàn cầu và công dân từ bảy quốc gia Hồi giáo vào Mỹ.
Cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Turnbull diễn ra hôm thứ Bảy, và là một trong bốn cuộc điện thoại của tổng thống Hoa Kỳ với các lãnh đạo thế giới trong cùng ngày, trong đó có cuộc nói chuyện với ông Vladimir Putin.
Washington Post dẫn lời các quan chức cao cấp Hoa Kỳ, theo đó nói cuộc trao đổi lẽ ra kéo dài trong một giờ đồng hồ. nhưng ông Trump đã kết thúc một cách đột ngột sau chỉ 25 phút.
Ông Turnbull muốn ông Trump đảm bảo rằng thỏa thuận đạt được giữa hai nước sẽ được tôn trọng.
Tổng thống Mỹ được cho là đã nói việc nhận người tị nạn sẽ giống như việc Mỹ nhận 'những kẻ đánh bom Boston tiếp theo', là những đối tượng vốn đến từ vùng Caucasus của Nga.
Thông tin chính thức về cuộc điện thoại được phía Mỹ nêu vắn tắt, theo đó nói cả hai nhà lãnh đạo đã "nhấn mạnh mối quan hệ chặt chẽ, gần gũi giữa Mỹ và Úc".
Hôm thứ Hai, ông Turnbull xác nhận đã nói chuyện với ông Trump và cảm ơn ông đã đồng ý tôn trọng thực hiện thỏa thuận.
Phát ngôn viên của tổng thống Mỹ, Sean Spicer sau đó cũng nói ông Trump có ý giữ nguyên thỏa thuận.
Những những gì ông Trump đăng trên Twitter hôm thứ Tư - ngay sau khi Washington Post có tường thuật - khiến người ta nghi ngờ về việc tiếp tục thực hiện cam kết.
Ông viết: "Tin được không? Chính quyền Obama đã đồng ý nhận hàng ngàn di dân bất hợp pháp từ Australia. Tại sao? Tôi sẽ nghiên cứu cái thỏa thuận ngu ngốc này!"
Ông Turnbull sau đó nói ông thất vọng về việc nội dung chi tiết của cuộc điện đàm đã được công bố công khai.
Ông nói với một đài phát thanh ở Sydney rằng 'tường thuật nói tổng thống dập máy điện thoại là không đúng'.
Hồi tháng 11/2016, Úc công bố là Hoa Kỳ đã đồng ý thỏa thuận thực hiện một lần, theo đó tái định cư những người tị nạn hiện đang bị giữ tại các đảo Nauru và Manus thuộc Papua New Guinea.
Hiện có tổng số 1.254 người đang bị giữ tại hai trại, tính đến ngày 30/11/2016.
Úc không chấp nhận người tị nạn đến bằng tàu thuyền. Nước này đã đạt thỏa thuận tái định cứ với Campuchia và Papua New Guinea, nhưng chỉ với một số ít người tị nạn.
Các số liệu chính thức cho thấy 80% những người bị giữ tại các đảo trên được xác định là người tị nạn thực sự. - BBC
|
|
5.
Rex Tillerson trở thành ngoại trưởng Mỹ --- Hoa Kỳ: Rex Tillerson đối đầu với bộ ngoại giao nổi loạn
Ông Rex Tillerson, cựu chủ tịch và giám đốc Exxon Mobil, đã tuyên thệ nhậm chức ngoại trưởng Mỹ.
Người đàn ông gốc bang Texas, 64 tuổi, được Thượng viện thông qua với tỉ lệ phiếu 56-43.
Ông Tillerson nhận được sự quan tâm và cả chỉ trích vì quan hệ của ông với Nga.
Điện Kremlin trao tặng người đàn ông gốc Texas Huân chương Hữu nghị năm 2013.
Cả sự nghiệp hơn 40 năm của ông Tillerson là làm cho Exxon. Tốt nghiệp đại học Texas, Austin, ông vào làm và lên đến đỉnh cao năm 2006.
Ông Tillerson đã đạt nhiều hợp đồng nhiều tỉ đôla với Rosneft của Nga.
Ông cũng là bạn của Igor Sechin, chủ tịch Rosneft. Ông này từng là phó thủ tướng của ông Putin và được gọi là người quyền lực số hai của Nga.
Ông Tillerson đã phản đối lệnh trừng phạt của quốc tế với Nga vì sáp nhập Crimea.
Năm 2014, Exxon nộp báo cáo nói trừng phạt của Mỹ và EU đã làm công ty thiệt hại tối đa 1 tỉ đôla. - BBC
***
Sắc lệnh di trú của tổng thống Donald Trump bị khoảng một ngàn nhân viên trong bộ ngoại giao ký kiến nghị phản đối. Sự kiện hi hữu này là một trong những thách thức lớn của Rex Tillerson, vừa được Thượng viện chấp thuận vào chức vụ ngoại trưởng Mỹ ngày 01/02/2017.
Năm nay 64 tuổi, dân Texas, với kinh nghiệm 41 năm trong ngành dầu khí và một cuốn sổ địa chỉ dầy cộm, trong đó có « người bạn thân » Vladimir Putin, Rex Tillerson, cựu lãnh đạo tập đoàn Exxon Mobil, trở thành gương mặt và tiếng nói của siêu cường với thế giới.
Tuần trước, trong lễ tuyên thệ nhậm chức, tân tổng thống Donald Trump trân trọng giới thiệu người ông tin cậy bổ nhiệm làm ngoại trưởng như sau : "Ông ấy đã bỏ một việc làm rất tốt ( để gia nhập nội các). Với nhân vật được kính trọng trên thế giới làm ngoại trưởng, Hoa Kỳ có thể mang lại hoà bình, ổn định trong giai đoạn nhiều rối loạn như hiện nay ».
Thế nhưng, theo AFP, rối loạn đầu tiên mà vị ngoại trưởng thứ 69 của Mỹ kể từ thời lập quốc phải đối phó xuất phát ngay từ bên trong nước Mỹ, mà chính xác hơn nữa là từ bên trong bộ ngoại giao.
Hôm thứ năm, tân ngoại trưởng Rex Tillerson cam kết với các quan chức nồng cốt của bộ rằng ông « luôn luôn là người đại diện quyền lợi của toàn thể nhân dân Mỹ ».
Là chủ gia đình một vợ bốn con, thời còn trẻ từng làm chủ tịch hội Hướng đạo Hoa Kỳ, ông Tillerson gia nhập Exxon Mobil lúc mới ra trường và lần lượt leo hết các nấc thang trách nhiệm để trở thành tổng giám đốc từ năm 2006 đến tháng 12/2016.
Từ nay, Rex Tillerson đứng đầu bộ ngoại giao Mỹ. Nhưng mạng lưới nhân sự hùng hậu nhất thế giới với 70.000 người đang bên bờ nổi loạn, theo một viên chức cao cấp tiết lộ với AFP. Một « nhóm ly khai » đang kiểm soát bộ ngoại giao qua một « kênh liên lạc nội bộ ». Một bản kiến nghị, qui tụ được 1000 chữ ký của các nhà ngoại giao và công chức phản đối chính sách của Nhà Trắng, mà cụ thể là sắc lệnh « bảo vệ quốc gia chống khủng bố quốc tế xâm nhập ». Sắc lệnh này cấm công dân của 7 nước có đa số dân theo đạo Hồi cũng như người tị nạn nhập cảnh.
Sự bất bình này được tiếp nối qua một kháng thư của hàng trăm cựu quan chức cao cấp của hai bộ quốc phòng và ngoại giao. Một trong số những nhân vật này, Thomas Countryman, vừa rời ghế Trợ lý ngoại trưởng, cảnh giác Donald Trump : Nếu ông không tin cậy các nhà ngoại giao chuyên nghiệp, thì cuối cùng ông sẽ làm ngoại giao theo kiểu nghiệp dư.
Thật ra thì tổng thống mới, làm ăn trong ngành địa ốc, hoàn toàn không biết tổng giám đốc Exxon Mobil, Rex Tillerson, và cũng không biết ai là người có đủ khả năng làm ngoại trưởng. Mãi cho đến cho đến tháng 12/2016, gần ngày nhậm chức, ông mới được hai cựu bộ trưởng Cộng hoà là Robert Gates (quốc phòng) và bà Condoleeza Rice (ngoại giao) giới thiệu cho.
Thông minh, cao lớn, giọng trầm, nghiêm nghị, « lính mới »chưa có kinh nghiệm ngoại giao đã trình bày trong suốt 9 giờ đồng hồ với Thượng viện nhãn quan và chính sách ngoại giao của nước Mỹ, trong cuộc điều trần hồi giữa tháng giêng.Ông đã gây bất ngờ khi chứng tỏ không có cùng đường lối với tổng thống, từ quan hệ với Nga, nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân, cho đến khí hậu.
Tuy thân cận với tổng thống Nga và được gắn nhãn « thân hữu », nhưng trong cuộc điều trần tại Thượng viện, Rex Tillerson tố cáo Maxcơva là « mối nguy » của Châu Âu và NATO. Ông cũng làm cho Bắc Kinh nổi giận khi lên án Trung Quốc lấn chiếm Biển Đông và tuyên bố không để cho Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân đạo xây dựng "trái phép". - RFI
|
|
Tin Việt Nam
6.
Việt Nam trong số 49 nước không có tự do
Một báo cáo của tổ chức Freedom House xếp Việt Nam vào nhóm 49 nước “không có tự do”. So với các năm trước, mức độ tự do của Việt Nam không có chuyển biến gì.
Freedom House, một tổ chức theo dõi nhân quyền độc lập có trụ sở ở Mỹ, mới công bố báo cáo “Tự do trên thế giới 2017”. Theo báo cáo, có 195 nước được đánh giá, 87 nước được xếp hạng có tự do, 59 nước tự do phần nào và 49 nước không có tự do.
Trên thang điểm 100, Việt Nam được 20 điểm, số điểm càng thấp đồng nghĩa càng ít tự do. Trong hai hạng mục riêng rẽ, Việt Nam ở mức 7/7 về các quyền chính trị và 5/7 về các quyền tự do dân sự. Trên thang điểm này, 7 điểm là ít tự do nhất.
Báo cáo nhìn nhận rằng các lĩnh vực rất quan trọng mà Việt Nam thiếu là tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin và tự do trên mạng Internet. Việt Nam bị coi là “chẳng có thay đổi nào đáng kể so với năm ngoái” với thực tế nhiều người đối lập vẫn bị bắt giữ, tiếng nói của các xã hội dân sự hay của những nhà hoạt động độc lập bị dập tắt.
Từ Việt Nam, hai nhà hoạt động thúc đẩy dân chủ Phạm Đoan Trang và Vũ Quốc Ngữ nói với VOA họ hoàn toàn đồng ý với những kết luận của Freedom House.
Ông Vũ Quốc Ngữ, tổng giám đốc của Người Bảo vệ Nhân quyền, nói:
“Chính quyền Việt Nam trong năm 2016 họ đã bắt, xét xử hơn 18 người bất đồng chính kiến, nhà hoạt động nhân quyền, nhà hoạt động xã hội. Họ bắt giữ rất nhiều đầu năm 2017, kể cả một tuần trước Tết Nguyên đán. Những cái chỉ số như thế thì tôi nghĩ là họ [Freedom House] đánh giá rất là chính xác”.
Nhà hoạt động Phạm Đoan Trang bày tỏ ý kiến:
“Trong quyền dân sự không có một thay đổi nào cả. Còn về các quyền chính trị, năm vừa qua 2016, chúng ta thấy rất rõ là người dân Việt Nam không có một chút nào, nên tôi đồng ý là về quyền chính trị họ chấm 7/7, tức là điểm thấp nhất, là hoàn toàn chính xác”.
Trong bối cảnh lãnh đạo Việt Nam thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc, một nước cũng khét tiếng về đàn áp, chuyên chế; trong khi Mỹ và các nước vốn thường cổ súy cho dân chủ, nhân quyền đang vật lộn với các vấn đề lớn về nội bộ hoặc địa chính trị, hai nhà hoạt động đưa ra dự báo bi quan về tình trạng tự do của Việt Nam trong ngắn hạn.
Họ cũng cho rằng những người đấu tranh ở Việt Nam phải dựa vào chính mình thay vì trông cậy vào tác động từ bên ngoài.
Ông Vũ Quốc Ngữ, người cũng là thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, nói:
“Tôi nghĩ rằng chính quyền Việt Nam sẽ trở nên thân thiết hơn với Trung Quốc. Họ sẽ tìm mọi cách để giữ địa vị độc tôn của Đảng Cộng sản ở Việt Nam và do đó họ sẽ đàn áp mạnh mẽ hơn nữa và sẽ có nhiều vụ bắt bớ. Do đó tôi chưa nhìn thấy một cái cải thiện về tình hình nhân quyền, về dân chủ ở Việt Nam trong thời gian ngắn hạn, trước hết là một đến hai năm. Mỹ và những nước như EU họ có bớt quan tâm về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Họ không thể quan tâm đến mức như trước nữa. Những người ở trong nước, những người hoạt động chính trị, hoạt động nhân quyền, hoạt động xã hội sẽ vấp phải những khó khăn hơn nữa. Tôi được tiếp xúc với nhiều người thì họ cũng sẵn sàng đón nhận mọi cái thử thách. Họ cũng xác định là việc đấu tranh không phải là món quà của Trời mà phải tự thân vận động”.
Bà Phạm Đoan Trang nhận định:
“Tôi nghĩ rằng sẽ không có thay đổi gì theo hướng tốt lên cả từ phía chính quyền Việt Nam. Tôi cảm thấy rất rõ quan điểm của họ là khủng bố và đàn áp nó có tác dụng thật, có gây hiệu ứng sợ hãi thật. Tôi nghĩ rằng với cái tư duy như vậy họ sẽ còn tiếp tục, còn bắt nhiều hơn, đàn áp nhiều hơn. Tôi tin năm 2017 họ sẽ tiếp tục bắt tiếp. Ông Trump trở thành tổng thống [Mỹ], tôi nghĩ là ông ấy sẽ không quan tâm đến Việt Nam. Quốc hội Mỹ có thể còn có một số dân biểu do bị tác động của cộng đồng người Việt thì họ còn có thể có một vài tiếng nói, một vài phát biểu. Tiếng nói về mặt quốc tế để phần nào đó ảnh hưởng đến chính quyền Việt Nam thì không còn nữa. Nhưng mà cũng không sao vì tôi vẫn cho rằng việc của Việt Nam thì Việt Nam sẽ tự giải quyết hơn là trông chờ vào sức ép, ảnh hưởng của quốc tế”.
Trong báo cáo năm nay của Freedom House, Việt Nam không bị xếp vào nhóm 11 nước kém tự do nhất, bao gồm các nước lần lượt theo điểm số kém dần là Syria, Eritrea, Bắc Hàn, Uzbekistan, Nam Sudan, Turkmenistan, Somalia, Sudan, Guinea Xích đạo, Cộng hòa Trung Phi và tồi tệ nhất là A-rập Xê-út. - VOA
|
|
7.
Dịch vụ eVisa VN trục trặc ngày khai trương
Chương trình thí điểm cấp visa điện tử cho du khách nước ngoài, vốn được coi như một bước đột phá trong việc tạo sức hấp dẫn cho ngành du lịch Việt Nam, dường như đã gặp trục trặc kỹ thuật ngay trong ngày đầu khai trương, 1/2/2017.
Tính đến cho tới chiều muộn giờ địa phương, hai trang cả tiếng Anh và tiếng Việt thuộc cổng thông tin điện tử của Cục Quản lý Xuất nhập cảnh để khai đề nghị cấp thị thực điện tử vẫn không hoạt động trên các trình duyệt khác nhau.
Theo truyền thông trong nước, những người muốn xin visa có thể vào một trang khác và làm theo hướng dẫn thay vì tìm đến trang chính thức.
Hồi cuối tháng Giêng, việc cấp visa điện tử được công bố triển khai thí điểm trong 2 năm, bắt đầu từ 1/2 và áp dụng cho du khách là công dân 40 nước.
Theo Nghị định 07/2017/NĐ-CP, visa điện tử được cấp có giá trị vào Việt Nam một lần trong thời gian 30 ngày, với mức phí do Bộ Tài chính quy định, hiện là 25 đô la.
Thay vì phải trực tiếp lên các tòa đại sứ Việt Nam ở nước ngoài, hoặc thông qua các công ty dịch vụ, du lịch, nay người nước ngoài có thể tự mình điền mẫu đơn để xin visa du lịch vào Việt Nam, và sẽ nhận được kết quả trong vòng ba ngày.
Tiến trình xét, cấp visa điện tử cũng không cần thông qua các cơ quan đại diện của Việt Nam như Đại sứ quán, Lãnh sự quán nữa.
Du khách nước ngoài không cần tới thư mời hay giấy bảo lãnh như trước, Vụ Hợp tác quốc tế thuộc Tổng cục Du lịch Việt Nam được truyền thông trong nước trích dẫn.
Các nước có trong danh sách công dân có thể đề nghị cấp thị thực điện tử bao gồm Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Pháp, Cuba.
Đáng chú ý là việc thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam sẽ không áp dụng cho những công dân Trung Quốc nào mang hộ chiếu có in 'đường lưỡi bò'.
Việc cấp visa điện tử cũng không áp dụng với những người gốc Việt hoặc có thân nhân là người gốc Việt, là các đối tượng được khuyến khích xin cấp giấy miễn thị thực có giá trị trong thời hạn năm năm.
Những người này nếu muốn xin visa nhập cảnh thay vì giấy miễn thị thực, để vào Việt Nam thăm thân nhân sẽ được cấp visa dán như trước đây, BBC Tiếng Việt được cho biết. - BBC
|
|
8.
Việt Nam: Năng lượng than sẽ gây nhiều tác hại môi trường
Việt Nam gia tăng số nhà máy điện chạy bằng than bất chấp những lời báo động về tác hại nặng nề lên môi trường. Đó là nội dung một bài viết được đăng trên trang mạng The Diplomat ngày 25/01/2017. Tác giả là ông Nguyễn Việt Phương, nhà nghiên cứu thuộc Chương trình An ninh Quốc tế của Trung tâm Belfer, Trường hành chính Kennedy, Đại học Havard.
Đầu tiên, tác giả bài viết nhắc lại rằng, ngày 12/01 vừa qua, tạp chí Khoa học & Công nghệ Môi trường đã công bố một nghiên cứu của các nhà nghiên cứu từ Đại học Harvard, tổ chức Greenpeace, và Đại học Colorado Boulder có tiêu đề " Gánh nặng bệnh tật do việc tăng lượng khí phát thải từ các nhà máy điện chạy bằng than ở Đông Nam Á."
Dựa trên các dữ liệu chính thức về các dự án nhà máy điện chạy than tương lai ở khu vực Đông Nam Á và dựa trên mô hình hóa sự di chuyển của các khối không khí, nhóm nghiên cứu đã trình bày một bức tranh ảm đạm về ô nhiễm không khí trong khu vực do khí phát thải từ các nhà máy nói trên.
Theo công trình nghiên cứu này, đến năm 2030, Việt Nam sẽ là quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất trong khối ASEAN bởi tình trạng ô nhiễm do than, tính về tỷ lệ tử vong sớm do khí phát thải từ nhà máy điện chạy than, với số người chết thêm là 188,8 trên một triệu dân. Tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ của quốc gia bị ảnh hưởng thứ nhì, Indonesia ( 85,4 trên một triệu dân )
Tính tổng số, người ta ước tính rằng sẽ có thêm khoảng 20.000 ca tử vong mỗi năm vào năm 2030 tại Việt Nam do ô nhiễm than, tức là cao gấp năm lần con số đưa ra vào năm 2011 ( thêm 4.252 ca tử vong ). Đây là con số rất lớn nếu ta biết rằng tai nạn giao thông, vốn là nguyên nhân gây tử vong không tự nhiên hàng đầu ở Việt Nam, chỉ gây ra tỷ lệ tử vong trung bình khoảng 106 trường hợp tử vong trên một triệu người trong vòng 5 năm qua.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Việt Phương, bên cạnh những phát hiện đáng báo động đó, thời điểm ra báo cáo của Harvard-Greenpeace-Colorado cũng đáng chú ý, bởi vì chính phủ Việt Nam vừa công bố quyết định hủy bỏ các dự án nhà máy hạt nhân với những lý do chính là không có nhu cầu và các khó khăn tài chính.
Theo lời Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, các nhà máy hạt nhân sẽ được thay thế bằng các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch than và khí tự nhiên hóa lỏng. Theo dự kiến, than sẽ thay thế thủy điện thành nguồn điện năng chính tại Việt Nam vào đầu những năm 2020, và đến năm 2030, các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than sẽ tạo ra hơn một nửa tổng lượng điện của Việt Nam.
Để trấn an công luận về các tác động có thể có của ô nhiễm than, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong buổi làm việc với Công ty Điện lực Việt Nam, đã nhấn mạnh rằng công ty này phải chú ý đến các khía cạnh môi trường của những dự án nhà máy điện mới và áp dụng những bài học rút ra từ các vụ ô nhiễm công nghiệp gần đây.
Theo tác giả bài viết, ngoài các hóa chất gây ô nhiễm biển từ công ty Đài Loan Formosa, còn phải kể đến vụ ô nhiễm không khí và ô nhiễm biển từ các nhà máy điện chạy than Vĩnh Tân, nằm không xa địa điểm trước đây được dự trù xây các nhà các nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam.
Các chuyên gia Việt Nam cũng đã lên tiếng quan ngại về việc nhiều nhà máy điện chạy than đã được trang bị những công nghệ lạc hậu, kém hiệu quả và gây ô nhiễm của Trung Quốc, có thể là đầu tư giá rẻ trong ngắn hạn, nhưng sẽ gây tác hại rất lớn đối với cộng đồng địa phương và môi trường trong tương lai.
Với sản lượng suy giảm của thủy điện và khả năng hạn chế về năng lượng tái tạo trong một đất nước có mật độ dân số cao và mạng lưới điện đang rất « căng », chính phủ Việt Nam, mà hiện có ngân sách rất eo hẹp, thực sự không có nhiều sự lựa chọn nào khác ngoài than và khí tự nhiên cho kế hoạch phát triển năng lượng. Tuy nhiên, theo tác giả bài viết, cho dù nguồn lực nhà nước có hạn chế như thế nào, cũng phải dành ưu tiên cho phúc lợi của người dân, sẽ là những người đầu tiên gánh chịu những ảnh hưởng, đã được giới nghiên cứu chứng minh, của ô nhiễm than.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Việt Phương kết luận : « Muộn còn hơn không, như người ta vẫn nói, có lẽ đã đến lúc các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam loại bỏ các nhà máy điện chạy than gây ô nhiễm và nghiên cứu các phương án « sạch » hơn cho sản xuất điện. phát điện. Trong số các phương án này, năng lượng hạt nhân không có khí phát thải nên được xem xét lại, mặc dù trong ngắn hạn, chưa thể quay trở lại năng lượng hạt nhân, do những yếu tố chính trị và kinh tế.
Cũng về nhà máy điện chạy bằng than ở Việt Nam, trang Forbes ( forbes.com ) ngày 31/01 vừa qua có đăng ý kiến của tác giả Nish Chugh.
Mở đầu bài viết, tác giả nhắc lại rằng vào năm 2011, Ngân hàng Thế giới đã dự đoán Việt Nam sẽ là một trong năm nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Sáu năm sau, Việt Nam dường như đang trên đường biến dự đoán đó thành hiện thực. Biến đổi khí hậu đã bắt đầu tác động đến nông nghiệp và môi trường của Việt Nam, vào lúc mà nước này đang phục hồi ngành than để đáp ứng nhu cầu năng lượng tăng cao.
Tác giả bài viết lưu ý rằng, kinh tế Việt Nam trong hai thập niên qua đã tăng trung bình hàng năm 6%, cho nên chẳng có gì đáng ngạc nhiên với việc nhu cầu năng lượng trong nước tăng 10% mỗi năm.
Sau khi bỏ dự án điện hạt nhân, Việt Nam đã quay trở lại với cái đã có sẳn, đó là than. Vừa miễn phí, vừa dồi dào. Thế nhưng, theo tác giả Nish Chugh, chọn các nhiên liệu hóa thạch giá rẻ sẽ gây ra những tổn hại không thể đảo ngược được trong dài hạn. Thật không may là những tác hại đó đã bắt đầu xảy ra.
Theo ước tính của Công ty Điện lực Việt Nam, tiêu thụ điện năng hàng năm của cả nước là khoảng 162 tỷ kWh. Hiện nay, Việt Nam có tới 20 nhà máy điện chạy bằng than và có kế hoạch tăng số nhà máy này lên 32 vào năm 2020 và lên 51 vào năm 2030. Điều này có nghĩa là vào năm 2020 các nhà máy than của Việt Nam sẽ sản xuất 49% sản lượng điện bằng cách đốt 63 triệu tấn than. Khi có đến 51 nhà máy hoạt động, khối lượng than được đốt sẽ lên tới 129 triệu tấn.
Theo tác giả Nish Chugh, đối với Việt Nam đó là một con dao hai lưỡi. Mặc dù việc xây dựng các nhà máy than mới có thể giúp Việt Nam xóa bỏ dần những nhà máy than không hiệu quả và gây nhiều ô nhiễm, đồng thời cũng đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước với chi phí phải chăng, các chuyên gia tin rằng đó không phải là lựa chọn duy nhất.
Ngân hàng Thế giới đã xác định được một tiềm năng lớn về năng lượng gió ở khu vực phía nam các vùng miền Trung Việt Nam và đồng bằng sông Cửu Long, đóng góp thêm khoảng 513 MW. Tương tự, năng lượng mặt trời cũng có nhiều hứa hẹn tại một quốc gia có đến 2500 giờ nắng mỗi năm. Một báo cáo từ công ty tư vấn Duanne Morris nhấn mạnh là nên dùng khí thiên nhiên rẻ hơn và sạch hơn so với than cho một kết hợp năng lượng xanh hơn. Các nhà tư vấn cho rằng Việt Nam có thể tìm nguồn tài chính cho lĩnh vực năng lượng tái tạo hơn dể hơn là cho các nhà máy điện chạy than.
Tác giả Nish Chugh cũng cho rằng Việt Nam nên xem xét lại cơ cấu năng lượng của nước này trước khi quá muộn và cần phải quyết định xem chuyển sang than hiện nay để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày mai có thực sự mang tính kinh tế trong dài hạn hay không. - RFI
No comments:
Post a Comment