Tin Thế Giới
1.
Trung Quốc bố trí phi đạn ở Hoàng Sa --- Trung Quốc khởi sự xây đảo nhân tạo ở Hoàng Sa
Các giới chức Đài Loan và Hoa Kỳ cho biết Trung Quốc đã bố trí phi đạn địa đối không trên đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa, nơi mà Trung Quốc gọi là đảo Vĩnh Hưng và quần đảo Tây Sa. Sự xác nhận này được loan báo trong lúc Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama kết thúc một hội nghị thượng đỉnh có tính chất lịch sử tại California với các nhà lãnh đạo của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, trong đó ông hối thúc các bên ở Biển Đông tự chế và ngưng các hoạt động quân sự hoá trong vùng biển có tranh chấp. Thông tín viên Bill Ide của đài VOA tường thuật từ Bắc Kinh.
Tin về việc Trung Quốc bố trí phi đạn trên đảo Phú Lâm đã được loan tải lần đầu tiên bởi đài truyền hình Fox News của Mỹ, dựa trên những hình ảnh của công ty vệ tinh tư nhân ImageSat International.
Theo bản tin này, những hình ảnh đó cho thấy hai đơn vị phi đạn địa đối không và một hệ thống ra đa được triển khai trên đảo Phú Lâm, nơi Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1956.
Sau đó, một giới chức quốc phòng Mỹ xác nhận tin của Fox News.
Và người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Đài Loan, Thiếu tướng La Thiệu Hoà, hôm nay cũng xác nhận tin này và nói thêm rằng “các bên liên hệ nên làm việc chung với nhau để duy trì hoà bình và ổn định ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) và không nên có hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng.”
Tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Julie Bishop của Australia ở Bắc Kinh ngày hôm nay, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị không phủ nhận tin này, nhưng ông tỏ ý chê trách các cơ quan truyền thông phương Tây.
"Vài phút trước đây tôi mới có người nói với tôi về những tin tức này. Tôi nghĩ rằng có lẽ đây là cách làm việc của một số cơ quan truyền thông Tây phương nhằm 'chế tạo tin tức'".
Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc cho rằng truyền thông Tây phương nên chú ý tới những ngọn hải đăng và những cơ sở dự báo thời tiết mà Trung Quốc xây dựng trên những hòn đảo ở Biển Đông.
"Tôi hy vọng giới truyền thông, kể cả truyền thông Tây phương, chú ý nhiều hơn tới những ngọn hải đăng mà chúng tôi xây dựng trên những hòn đảo chúng tôi trú đóng. Những ngọn hải đăng này góp phần bảo vệ an toàn hàng hải cho tàu bè. Chú ý nhiều hơn tới những cơ sở dự báo thời tiết mà chúng tôi sắp xây dựng. Chú ý nhiều hơn tới những cơ sở mà chúng tôi sắp xây dựng để làm nơi trốn bão cho tàu bè các loại và cho những hoạt động ứng cứu trên biển. Đó là những sản phẩm phục vụ công chúng mà chúng tôi sẵn sàng cung cấp cho cộng đồng quốc tế trong tư cách là nước ven biển lớn nhất ở Biển Đông."
Tại cuộc họp báo hôm nay, Ngoại trưởng Australia, bà Julie Bishop, một lần nữa kêu gọi các bên ở Biển Đông tự kiềm chế.
"Chúng tôi đã có một cuộc thảo luận thẳng thắn và đầy đủ về Biển Đông. Chúng tôi một lần nữa khẳng định là chúng tôi không ngả về bên nào trong vụ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông, nhưng chúng tôi muốn duy trì hoà bình và ổn định ở Biển Đông. Chúng tôi thúc giục Trung Quốc và các bên liên hệ ở Biển Đông tự chế và giải quyết những vụ tranh chấp này một cách hoà bình."
Bắc Kinh nhiều lần nói rằng họ không có ý định quân sự hoá Biển Đông, nhưng hôm nay Ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố Trung Quốc có quyền thiết lập cơ sở quân sự trên những hòn đảo ở vùng biển này.
"Về việc Trung Quốc xây dựng những cơ sở có tính chất hạn chế, có tính chất cần thiết trên những hòn đảo mà chúng tôi trú đóng, điều đó hoàn toàn phù hợp với quyền tự vệ mà luật pháp quốc tế dành cho một nước có chủ quyền."
Một số nhà quan sát cho rằng việc bố trí phi đạn trên đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa là một chỉ dấu cho thấy Trung Quốc có ý định thực hiện thêm những hoạt động quân sự hoá trong vùng quần đảo Trường Sa, nơi Bắc Kinh đã ráo riết xây dựng nhiều hòn đảo nhân tạo trên những bãi cạn và đảo san hô mà Việt Nam và Philippines cũng có yêu sách chủ quyền. - VOA
***
Trung Quốc đã khởi sự hoạt động xây cất quy mô lớn tại quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam có tuyên bố chủ quyền, theo hình ảnh vệ tinh do The Diplomat đăng tải mới đây.
Nguồn tin này trích dẫn các hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động bồi đắp tại hai địa điểm mới ở Biển Đông trên nhóm đảo An Vĩnh thuộc Hoàng Sa, cách căn cứ quân sự của Bắc Kinh ở đảo Phú Lâm chừng 15 cây số về hướng Bắc-Tây Bắc.
Ngoài ra vệ tinh còn chụp được các hình ảnh mới nhìn thấy lần đầu của một bãi đáp trực thăng đang được thi công ở đảo Quang Hòa cũng thuộc Hoàng Sa, cho thấy Bắc Kinh có thể đang phát triển một hệ thống các căn cứ ở Biển Đông để hỗ trợ cho các trực thăng chiến đấu chống tàu ngầm như những chiếc ASW Z-18F mà Trung Quốc vừa triển khai.
Tạp chí The Diplomat cũng tìm thấy bằng chứng cho thấy Bắc Kinh đã bắt đầu xây dựng một số cơ sở mới, có thể là cơ sở quân sự, tại khu vực.
Theo The Diplomat, công trình bồi đắp gần đây nhất của Trung Quốc, bắt đầu khoảng sau ngày 2/12/15, đang tạo ra địa hình mới trên rạn san hô tiếp giáp với Bắc Đảo do Trung Quốc nắm giữ từ năm 1950.
Tại đảo Cây cũng do Trung Quốc kiểm soát cách Bắc Đảo hơn 5 cây số về phía Tây Bắc, hình ảnh cho thấy có một máy nạo vét đang mở rộng khu vực cảng và đưa cát vào một địa điểm bồi đắp mới. Theo một loạt các hình ảnh vệ tinh, việc nạo vét tại đảo Cây bắt đầu vào khoảng sau ngày 18/10 năm ngoái.
Vẫn theo nguồn tin vừa kể, các diễn tiến ở đảo Cây, đảo Bắc, và đảo Quang Hòa chứng tỏ Bắc Kinh đang mở rộng vị thế của họ ở Hoàng Sa giữa các dự án xây dựng tại Trường Sa.
Hoạt động thi công tại Hoàng Sa có vẻ tương tự như những gì đã diễn ra ở Trường Sa, nơi Trung Quốc đã tạo ra các đảo nhân tạo trong nỗ lực thay đổi nguyên trạng Biển Đông khiến các nước quan ngại, trong đó có Việt Nam.
Hà Nội, một bên trong tranh chấp Biển Đông, chưa lên tiếng bình luận về các hình ảnh mới công bố này. - VOA
|
|
2.
Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN chú trọng vào Biển Đông --- Tuyên bố Sunnylands ‘không nhắc TQ’
Mỹ và lãnh đạo của 10 nước thành viên Hiệp hội các Quốc gia Ðông Nam Á, gọi tắt là ASEAN, nói cần phải có hành động để hạ giảm căng thẳng ở Biển Đông. Các tranh chấp chủ quyền trong khu vực này đã trở thành trọng tâm thảo luận của hội nghị thượng đỉnh lịch sử do Tổng thống Mỹ Barack Obama chủ trì tại Rancho Mirage, bang California. Thông tín viên Mary Alice Salinas của đài VOA gởi về bài tường trình từ địa điểm hội nghị.
Tổng thống Obama và các nhà lãnh đạo ASEAN đúc kết hội nghị thượng đỉnh hai ngày bằng cam kết tăng cường hợp tác trên nhiều mặt trận, trong đó có các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông, nơi Mỹ và nhiều nước khác tố cáo Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng. Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ phát biểu:
"Chúng tôi thảo luận về sự cần thiết phải có những bước hành động thiết thực ở Biển Đông để hạ giảm căng thẳng, trong đó có việc ngưng các hoạt động cải tạo, xây dựng và quân sự hoá các khu vực tranh chấp. Tự do hàng hải cần phải được tôn trọng, thương mại hợp pháp không thể bị ngăn cản."
Tổng thống Obama nói rõ rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục các hoạt động nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải trong khu vực và giúp các đồng minh ASEAN phát triển khả năng phòng vệ trên biển.
Hội nghị đã đưa ra một loạt nguyên tắc mà họ nói là sẽ hướng dẫn cho ASEAN trong tương lai.
Các nhà lãnh đạo kêu gọi tăng cường hợp tác thương mại, với việc các doanh nghiệp Mỹ khai phá năng lực lãnh đạo doanh nghiệp và sáng tạo ở các nước Ðông Nam Á.
Hội nghị đồng ý về sự cần thiết phải bảo vệ tài sản trí tuệ, tự do thông tin và minh bạch.
Tổng thống Obama nói Mỹ ủng hộ xã hội dân sự.
"Tôi xin nói rõ rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục sát cánh với những ai ở Ðông Nam Á nỗ lực thăng tiến pháp trị, quản trị tốt đẹp, định chế hoạt động có trách nhiệm và nhân quyền phổ quát cho mọi người."
Chiến lược tái cân bằng sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Tổng thống Obama gắn liền với sự thành công của ASEAN như là một diễn đàn chính, nơi các quốc gia có thể theo đuổi các lợi ích một cách hợp pháp và ôn hòa.
"Khi ASEAN cất tiếng nói rõ ràng và đoàn kết, họ sẽ giúp thăng tiến an ninh, tạo ra cơ hội và tôn trọng nhân phẩm không chỉ đối với hơn 600 triệu người dân của các nước ASEAN, mà cho mọi người ở châu Á – Thái Bình Dương và trên toàn thế giới."
Tổng thống Obama dự định sẽ đến thăm khu vực này hai lần nữa trong năm cuối nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Ông hy vọng gởi đi một thông điệp đến các nhà lãnh đạo ở Washington trong tương lai rằng Mỹ phải tiếp tục chủ động giao tiếp ở cấp cao với khu vực này để đảm bảo an ninh và thịnh vượng cho nước Mỹ. - VOA
***
Chiều 16/2 (sáng 17/2 giờ Việt Nam), Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Asean tại Sunnylands, Hoa Kỳ, ra tuyên bố chung về hợp tác kinh tế và giải quyết các tranh chấp trên biển nhưng không đề cập đến Trung Quốc.
Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ chủ trì một hội nghị thượng đỉnh với các nước Asean và Washington muốn có sự tham gia của các lãnh đạo cao cấp nhất.
Hội nghị thượng đỉnh Sunnylands theo các quan sát viên là sự kiện thuộc loại quan trọng nhất trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và khối Asean từ trước tới nay, khẳng định lại lập trường của Mỹ trong quan hệ với các nước Đông Nam Á.
Ngoài lịch trình họp chung cùng lãnh đạo 9 quốc gia Asean khác trong hai ngày hội nghị 15 và 16/2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có cuộc gặp riêng với Tổng thống Barack Obama.
4 trong số 17 nguyên tắc của Tuyên bố chung Sunnylands được Nhà Trắng phát đi tuy không nêu rõ từ 'South China Sea' (Biển Đông) nhưng khái niệm 'biển' ở đây được những người tham dự sự kiện hiểu là khu vực này:
Tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng và chính trị độc lập của tất cả các quốc gia thông qua việc duy trì các nguyên tắc và mục đích của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Hiến chương Asean và luật pháp quốc tế
Cùng cam kết giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, bao gồm việc tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (Unclos).
Cùng cam kết duy trì hòa bình, an ninh và sự ổn định trong khu vực, bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải, bao gồm cả quyền tự do hàng hải và hàng không và các mục đích sử dụng biển hợp pháp khác, và thương mại hàng hải hợp pháp không bị cản trở và như đã được nêu trong Công ước 1982 của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (Unclos); cũng như phi quân sự hóa và tự kiềm chế trong các hoạt động.
Cùng cam kết thúc đẩy hợp tác để giải quyết các thách thức chung trong lĩnh vực biển
'Quan ngại sâu sắc'
Hôm 17/2, báo điện tử Chính phủ Việt Nam tường thuật: “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp vừa qua tại Biển Đông, đặc biệt là những hành động làm thay đổi nguyên trạng, tăng cường quân sự hóa, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở khu vực.
Nhấn mạnh ý nghĩa chiến lược của quan hệ Asean-Hoa Kỳ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh sự ủng hộ tích cực, xây dựng của Hoa Kỳ và các đối tác nói chung đối với lập trường của Asean trong xử lý các vấn đề an ninh khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông”.
Hôm 15/2, nhà báo tự do Bùi Văn Phú từ bang California, Hoa Kỳ bình luận với BBC: “Tôi không nghĩ là sẽ có thay đổi vì nên nhớ chủ trương của đảng Cộng Sản là "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách". Đảng đã quyết định tại đại hội là chọn Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở lại để kiên trì với chủ nghĩa Mác-Lê và tư tưởng Hồ Chí Minh và chọn con đường "kinh tế thi trường, định hướng xã hội chủ nghĩa", với chính sách đối ngoại vẫn thân Trung Quốc hay có thể nói là đang bị Trung Quốc kìm hãm”.
Tham dự thượng đỉnh Asean có nhiều lãnh đạo sắp hết nhiệm kỳ. Tổng thống Obama còn chưa đến một năm sẽ rời Bạch Ốc. Tổng thống Aquino của Philippines cũng rời chức vụ trong vài tháng tới. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng thế. Tổng thống Thein Sein của Myanmar cũng sắp bàn giao quyền hành cho đảng đối lập nên không dự thượng đỉnh mà cử phó tổng thống.
“Trước khi hội nghị diễn ra, nhật báo Los Angles Times còn đưa tin với một tựa bài hết sức bất lợi cho nhiều lãnh đạo Asean là "A crowd of dictators is coming to Southern California" (Một đám nhà độc tài đang đến Nam California). Trong 10 quốc gia Asean thì có đến bảy nước được cho là có lãnh đạo độc tài là Hun Sen của Cambodia, Prayuth Chan-ocha của Thái Lan, Najib Razak của Malaysia, Hassanal Bolkiah của Brunei, Thein Sein của Malaysia, Choummaly Sayasone của Lào và Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam”, ông Phú viết. - BBC
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
Apple không giúp FBI tiếp cận thông tin trên iPhone kẻ nổ súng San Bernadino
Tổng Giám đốc công ty Apple Tim Cook hôm nay nói rằng chính phủ Mỹ đã có ‘một bước hành động chưa có tiền lệ’ khi ra lệnh cho công ty của ông giúp cơ quan điều tra Liên bang FBI truy cập một chiếc IPhone sử dụng bởi một trong những kẻ nổ súng giết chết 14 người ở San Bernardino, bang California hồi tháng 12 năm ngoái.
Một thẩm phán hôm qua đã ra trát đòi Apple cung cấp phần mềm để vượt qua chức năng tự động xoá thông tin nhằm xoá nội dung của các iPhone khi có ai nạp mật khẩu sai tới 10 lần.
Nhà chức trách Mỹ đang điều tra xem liệu Syed Rizwan Farook và vợ là Tashfeen Malik, có liên hệ với các phần tử chủ chiến hay không, nhưng cho tới nay không thể tiếp cận thông tin trên chiếc điện thoại của Farook nếu không có mật khẩu của đương sự.
Trong một thông báo trên trang mạng của Apple, ông Cook nói đòi hỏi của FBI có những thách thức của nó, bởi vì phát triển phần mềm để vượt qua chính các biện pháp an ninh của Apple là ‘quá nguy hiểm’.
Ông đơn cử nhu cầu bảo vệ thông tin từ những tin tặc và tội phạm, và bác bỏ khẳng định của thẩm phán rằng phần mềm đó có thể được tạo ra chỉ để sử dụng trong trường hợp iPhone của Farook mà thôi.
Ông Cook nói công ty Apple không có cảm tình với những kẻ khủng bố, và đã cung cấp cho cơ quan FBI những dữ liệu có sẵn, cũng như các kỹ sư có thể đóng góp ý kiến về những sự lựa chọn khác mà các nhà điều tra có thể sử dụng. - VOA
|
|
4.
Trung Quốc cảnh báo Mỹ về dự luật đổi tên vinh danh Lưu Hiểu Ba
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo Mỹ sẽ có "những hậu quả nghiêm trọng" nếu một quảng trường ở phía trước đại sứ quán Trung Quốc tại thủ đô Washington được đặt theo tên của người đoạt giải Nobel và nhà bất đồng chính kiến ủng hộ dân chủ Lưu Hiểu Ba.
Hành động này "vi phạm những quy chuẩn cơ bản của quan hệ quốc tế," phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói với các phóng viên.
Thượng viện Mỹ vào tuần trước đã thông qua một dự luật đặt tên quảng trường theo tên ông Lưu, mà có thể sẽ thay đổi địa chỉ đại sứ quán của Trung Quốc thành số 1 Quảng trường Lưu Hiểu Ba.
Trung Quốc coi ông Lưu là tội phạm. Ông bị bỏ tù 11 năm vào năm 2009 về tội lật đổ chính quyền vì tổ chức một thỉnh nguyện thư kêu gọi chấm dứt sự cai trị độc đảng.
Giải Nobel của ông vào năm sau đó khiến Bắc Kinh phẫn nộ.
Dự luật này được Thượng nghị sĩ Mỹ Ted Cruz, một ứng cử viên hàng đầu cho đề cử tổng thống năm 2016 của đảng Cộng hòa, giới thiệu.
Một phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc cho biết những cố vấn cao cấp của Tổng thống Barack Obama sẽ đề nghị ông phủ quyết dự luật này và nói nó không phải là cách hữu hiệu để giúp ông Lưu được phóng thích. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
5.
'Giật vòng hoa' tưởng niệm cuộc chiến 1979 --- Người dân VN tưởng niệm 37 năm cuộc chiến biên giới Việt-Trung
Sáng ngày 17/2, nhiều nhóm tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ tưởng niệm 17/2 - 37 năm sau cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung 1979.
Tại Hà Nội, các nhóm trí thức và người dân tập trung tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ để thắp hương, dâng hoa, với khẩu hiệu "Nhân dân sẽ không quên".
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai đã đọc lời tưởng niệm những người đã hi sinh vì cuộc chiến này.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, một số người tập trung tại tượng đài Trần Hưng Đạo để dâng hoa.
Quang cảnh buổi tưởng niệm được nhiều người quay phim lại, với cảnh được mô tả là người đến tưởng niệm bị "giật phá vòng hoa" và nhiều ô dù xuất hiện che đi biểu ngữ.
Những người tham gia nhặt lại hoa bị giật và hô các khẩu hiệu chống Trung Quốc.
Ông Huỳnh Ngọc Chênh từ Thành phố Hồ Chí Minh nói trên Facebook: "Các nhân viên an ninh quyết liệt ngăn cản không cho tôi ra khỏi nhà để đi dự lễ tưởng niệm các liệt sĩ."
Năm 2014, khi buổi lễ tưởng niệm tương tự diễn ra tại Hà Nội, một nhóm người đã tổ chức nhảy đầm trong khi nhiều người đến đây đặt vòng hoa tại tượng đài Lý Thái Tổ ở Hà Nội. - BBC
***
Hơn 100 người tập trung tại Hà Nội hôm nay tham gia lễ tưởng niệm đánh dấu 37 năm cuộc chiến Việt-Trung ngày 17/2/1979.
Chiến sự nổ ra khi Bắc Kinh đưa 600.000 lính tràn vào biên giới phía Bắc để ‘dạy cho Việt Nam một bài học’ sau khi Hà Nội giúp Campuchea thoát khỏi chế độ cộng sản Khmer Đỏ do Trung Quốc hậu thuẫn.
Cuộc chiến chấm dứt sau một tháng khi Trung Quốc tuyên bố ‘hoàn thành mục tiêu chiến tranh’, ‘chiến thắng’ và cho rút quân.
Những người tưởng niệm cuộc chiến biên giới 17/2 năm nay đã thắp hương và đặt vòng hoa tại Tượng Đài Lý Thái Tổ (Hà Nội) trong không khí trang nghiêm của buổi lễ kéo dài 1 tiếng, bắt đầu từ 8:30 sáng.
Ông Mai Dũng, một người tham gia, cho hay buổi lễ năm nay tại Hà Nội ít bị ngăn cản so với mọi năm:
"Khác với các buổi tưởng niệm tương tự trước đây, hôm nay không có sự đàn áp, không có các đội dư luận viên quá khích tới phá rối. Rất đông anh em, bà con khắp nơi tới thắp hương rất trang nghiêm. Tập trung đông và trang trọng nhất là tại Tượng Đài Lý Thái Tổ. Sau đó, một số anh em sang Nghĩa trang Hà Nội, một số tới Tượng Đài Các Liệt sĩ Vô danh (Đài Tưởng niệm Bắc Sơn)."
Ông Dũng cho biết thêm:
"Sau các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, từ năm 2011 tới nay, năm nào cũng thế, anh em tập trung tưởng niệm những dịp như ngày mất Hoàng Sa, Trường Sa hay ngày Trung Quốc xâm lược Việt Nam 17/2. Hầu như lần nào cũng bị giám sát rất chặt chẽ."
Tại Sài Gòn, hoạt động tưởng niệm tương tự ở Tượng Đài Trần Hưng Đạo đã không diễn ra suôn sẻ, với lực lượng an ninh phá rối không khí buổi lễ và ngăn cản những người dự định tham gia.
Blogger Huỳnh Ngọc Chênh cho biết từ một ngày trước đã xuất hiện một số an ninh trước cổng nhà ông và họ đã cản chân không cho ông tới dự lễ sáng nay. Blogger Chênh chia sẻ:
"Hầu hết những người trong CLB Lê Hiếu Đằng, những người đứng ra kêu gọi tổ chức lễ tưởng niệm các liệt sĩ trong cuộc chiến biên giới, đều bị chặn hết, có tới vài chục người. Cũng có vài người đến được. Họ không cho những người hay tham gia các sự kiện này ra khỏi nhà. Một mặt, họ cho an ninh quậy phá chỗ làm lễ là Tượng Đài Trần Hưng Đạo. Như sáng nay, họ cho an ninh đi giật vòng hoa, lấy dù che hết những băng-rôn và vòng hoa lại để không chụp ảnh hay quay phim được."
Đây không phải là lần đầu tiên những người dân quan tâm đứng ra tổ chức lễ tưởng niệm các anh hùng đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc trong các cuộc chiến với Trung Quốc, dù rằng hoạt động tự phát này thường xuyên bị ngăn trở, sách nhiễu bởi lực lượng an ninh.
Theo blogger Huỳnh Ngọc Chênh, lý do có những buổi lễ tự phát là vì phía nhà nước chưa bao giờ đứng ra tổ chức các sự kiện này để người dân bày tỏ lòng yêu nước và khẳng định chủ quyền lãnh thổ:
‘Họ rất e ngại phản ứng từ Trung Quốc. E ngại ăn sâu từ ông Tổng Bí thư xuống từng nhân viên an ninh. Hôm nay, ông Trương Tấn Sang cũng đi thắp hương nghĩa trang liệt sĩ ở Lạng Sơn. Có lẽ đây là lần đầu tiên một cấp lãnh đạo cao của đảng cộng sản đi thắp hương như vậy, nhưng ông không phải chính thức đi làm lễ này, mà ông công tác ở Lạng Sơn và nhân tiện ghé vào nghĩa trang thắp hương.’
Ông Chênh nhấn mạnh các buổi lễ tưởng niệm có ý nghĩa rất lớn đối với dân chúng Việt Nam:
"Người dân làm lễ tưởng niệm ngoài việc để nhớ ơn những người đã hy sinh, còn để khích lệ lòng yêu nước, quảng bá rộng rãi cho các thế hệ trẻ sau này biết là Trung Quốc từng xâm chiếm Việt Nam như vậy mà nhà nước lại không dám, không cho làm, không cho tuổi trẻ biết như vậy."
Blogger này nói rằng các quan chức e ngại những hoạt động ‘nhạy cảm’ làm phật lòng Trung Quốc vì sợ ‘mất ghế’ trước những chi phối từ Bắc Kinh đối với dàn nhân sự lãnh đạo Việt Nam, trong khi người dân Việt bất chấp sách nhiễu đứng ra tổ chức các sự kiện này vì nỗi sợ ‘mất nước.’
Trong một bình luận đăng trải trên mạng xã hội hôm nay, blogger Nguyễn Lân Thắng ở Hà Nội chia sẻ: ‘Chế độ là nhất thời, Tổ quốc là vĩnh viễn. Những người ngã xuống vì Tổ quốc, nhân dân không bao giờ quên ơn. - VOA
|
|
6.
Biểu tình ở Sunnylands
Hội nghị Thượng đỉnh với Asean lần đầu tiên do Hoa Kỳ chủ trì chính thức khai mạc vào ngày Thứ Hai, 15 Tháng 2 tại Sunnylands, Rancho Mirage, thuộc miền Nam California, nhằm thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến kinh tế và an ninh khu vực.
Người Mỹ gốc Á biểu tình
Trong khi Hội nghị diễn ra bên trong, thì ở bên ngoài, hàng ngàn người Mỹ gốc Á, trong đó có Việt Nam, Lào, Cambodia, Thái Lan, bắt đầu cuộc biểu tình.
Dưới sự tổ chức của Liên ủy Ban chống Cộng sản và tay sai cùng sự yểm trợ của tổ chức Cộng đồng người Việt quốc gia Nam Cali, đoàn người tham gia biểu tình gốc Việt đã tập trung tại Hội Đền Hùng ngay Little Saigon từ lúc 8 giờ sáng để làm lễ xuất phát và có mặt tại Sunnylands thuộc Riverside County vào lúc 10 giờ 45.
Khác với cuộc biểu tình Tập Cận Bình ở năm 2013, người biểu tình được cho phép đứng khá gần khu vực diễn ra cuộc gặp gỡ giữa hai nhân vật đứng đầu Hoa Kỳ và Trung Quốc, lần này, đoàn người biểu tình chỉ được phép đứng ngay ngã tư đường Bob Hope và Gerald Ford, cách khá xa trung tâm Hội Nghị. Tuy nhiên, khí thế của người tham gia biểu tình không vì thế mà giảm đi, dù thời tiết miền Nam Calif. bỗng trở nên nóng bất thường trong những ngày qua.
Ông Phạm Hữu Tuấn, ngoài 70 tuổi, một cựu sĩ quan QLVNCH, cư dân Garden Grove, tham gia trong đoàn biểu tình cho biết,
“Tham gia cuộc biểu tình ngày hôm nay mục đích của tôi là đòi tự do dân chủ cho Việt Nam. Tôi rất lấy làm mừng vì ngày hôm nay cũng có những cộng đồng bạn như Lào, Miên, Thái cũng tới đây với mục đích đòi tự do dân chủ và chống độc tài. Mình thấy đó là trào lưu của nhân loại bây giờ, không ai chấp nhận một chế độ cộng sản độc tài tàn ác man rợ như vậy. Cho nên là người mà có sự suy tư thì tôi phải làm theo lương tâm cũng như sự hiểu biết của tôi, cho nên tôi có mặt ngày hôm nay mặc dù tôi cũng lớn tuổi, nhiều bệnh nhưng tôi cũng ráng đi vì tôi thấy mình góp một phần nhỏ nhoi vào công việc đó.
Mặc dù trời nắng nhưng mọi người đều đứng dưới nắng hết, các cộng đồng bạn cũng đông lắm, tôi thấy cộng đồng Cambodia có lẽ là đông lắm. Rồi tới Thái Lan, Lào.”
Bà Tuyết Anh, một giáo dân thuộc Cộng đoàn La Vang, cư dân Fountain Valley, bày tỏ:
“Tôi nghe thấy gì biểu tình chống Cộng là dù đau cách mấy tôi cũng ráng đi. Tôi đi không phải vì ở bên này mà là để ủng hộ cho quốc nội cho người ta có tinh thần chống Cộng.
Mà nắng quá cô ạ. Nắng đến nỗi mà chiếc quần đang mặc nóng lên như lò lửa bám vào trong thịt đó cô. Nhưng mà cũng phải ráng thôi vì việc đi biểu tình đông như thế này thì mình phải đi, đi để bên này có sự đoàn kết với nhau và cũng để cho bên Việt Nam nhìn thấy để họ có tinh thần, tức hải ngoại chúng tôi không bỏ những người ở quốc nội.”
Ông Trần Trọng An Sơn, một cựu sĩ quan thuộc QLVNCH, dù phải ngồi xe lăn, cũng không từ nan việc tham gia vào đoàn biểu tình:
“Các đây 5 năm tôi bị stroke phải nằm nhà thương, hiện tại tôi bị liệt một bên nhưng tôi vẫn ra tham gia vì tiền đồ dân tộc. Tôi muốn ra với đồng bào Việt Nam vì nghe nói Tổng Thống Obama họp với 5 nước Á Châu, trong đó có Việt Cộng. Tôi muốn lấy kinh nghiệm của bản thân tôi cũng như kinh nghiệm của Việt Nam mình là đừng bao giờ nghe cộng sản nói,cộng sản không có bao giờ thật hết.”
Ông Bùi Thế Phát, Chủ tịch Cộng đồng Người Việt Quốc gia Nam Cali, cũng là nghị viên thành phố Garden Grove, trình bày về mục đích của cuộc biểu tình:
“Hai thông điệp mà chúng tôi muốn gửi đến cho Tổng Thống là thứ nhất, ông phải có thái độ cứng rắn và cương quyết đối với Trung Cộng trong việc Trung Cộng bành trướng và xâm chiếm lãnh hải của Việt Nam cộng hòa cũng như của Philippines và một phần của Indonesia. Chúng ta phải đòi hỏi và đây là một quyền lợi của Hoa Kỳ và nhiều quốc gia trong vùng đòi hỏi Trung cộng phải tôn trọng luật hàng hải thế giới cũng như tôn trọng đường hàng hải và mậu dịch quốc tế đi ngang qua đó.
Thứ hai là chúng tôi muốn gửi đến Tổng Thống obama là Hiệp định Mậu dịch Xuyên Thái Bình Dương. Dĩ nhiên là chúng tôi hiểu Hoa kỳ cần có hiệp định đó để dùng nó làm bước kiềm chân cho sự bành trướng của Trung Cộng, tuy nhiên chúng tôi muốn chính phủ Hoa Kỳ phải có những điều kiện cụ thể và rõ ràng đối với nhà cầm quyền cộng sản. Đó là những thông điệp mà chúng tôi muốn gửi đến cho Tổng Thống Obama.”
Cùng tham gia trong đoàn biểu tình, ngoài đông đảo người Việt sống tại vùng Little Saigon, còn có sự tham dự của cộng đồng người Việt tại San Diego, Los Angeles. Đặc biệt có người đến từ New York, Seattle.
Ông Nguyễn Văn Tánh, cựu chủ tịch cộng đồng Người Việt quốc Gia New York, lần đầu tiên tham gia biểu tình cùng với cộng đồng miền Nam California, nhận xét:
“Mặc dù đi mất hai tiếng đồng hồ để đến địa điểm, trời nóng trên 90 độ so với ở đây, và hơn cả 100 độ so với New York bởi không khí ở đây rất là hốc vì đất đá nhiều nên khí hậu làm cho người khô khan, tạo cho anh em tham dự biểu tình uống nước và thứ hai là hô hào la lối một lát dễ bị xỉu nên làm cho người dễ mệt mỏi nhiều hơn. Nhưng mà tôi thấy tinh thần của những người Việt tại hải ngoại rất là cao. Họ đã có một tinh thần tự nguyện cũng như hòa với tất cả các quốc gia Lào, Cambodia. Họ có cả hàng ngàn người đã đứng cả hai góc đường để hô hào một cách lớn tiếng. Cộng đồng người Việt chúng ta cũng rất có thiện chí, có những người đàn bà, những người lớn tuổi cũng quyết tâm thực hiện những khát vọng tự do dân chủ mà họ đòi hỏi cho người khác, họ vẫn có một tâm niệm đối với quê hương dân tộc, mặc dù là họ đang sống trong tự do thanh bình tại Hoa Kỳ này.”
Trong khi người Mỹ gốc Việt biểu tình phản đối sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, chống lại chế độ độc tài Cộng Sản, đòi hỏi Tự do - Dân quyền, với những khẩu hiệu như “Ðã đảo Cộng Sản hèn với giặc, ác với dân,” “Ðã đảo Nguyễn Tấn Dũng,” “Freedom for Việt Nam,” “Down with Communist,” “Down with Red China”, thì người Mỹ gốc Lào biểu tình việc trưng thu đất đai của công dân để bán cho các quốc gia láng giềng, người Mỹ gốc Campuchia biểu tình yêu cầu Hun Sen từ chức. Bên cạnh đó, người ta nhìn thấy nhiều biểu ngữ như “Please don’t abuse Cambodians again”, “Say No to TPP, say YES to Human Rights in Cambodia”, “We demand freedom and democracy for all Lao people”…
Ðây là lần đầu tiên lãnh đạo các quốc gia Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Brunei, Việt Nam, Lào, Myanmar và Cambodia có cuộc gặp độc lập tại Hoa Kỳ. Cuộc họp trong ngày Thứ Hai 15 Tháng Hai chỉ tập trung vào chuyện kinh tế. Sang ngày Thứ Ba, 16 Tháng Hai, chủ đề là an ninh khu vực, bao gồm cả khu vực Biển Ðông và chống khủng bố.
Và đoàn người biểu tình vẫn sẽ tiếp tục có mặt, bất chấp cái nắng chói chang, bất chấp cơn khát cháy cổ, bất chấp cả bệnh tật cá nhân, để nêu lên khát vọng không phải cho chính bản thân mình, mà cho đồng bào mình nơi cố quốc. - RFA
No comments:
Post a Comment