Sunday, February 28, 2016

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 28/2

Tin Thế Giới

1.
Đánh bom tại một khu chợ ở Baghdad, 24 người thiệt mạng --- Không kích gây rúng động Syria trong ngày hưu chiến thứ 2

Ít nhất 24 người thiệt mạng hôm Chủ nhật trong hai vụ nổ bom tại một khu chợ ở Sadr, thành phố nằm trong vùng phụ cận của thủ đô Baghdad.

Hai vụ nổ phá sập một khu chợ bán điện thoại di động có đông người tại khu ngoại ô phía đông bắc của thủ đô, nơi có nhiều người theo phái Hồi giáo Shia.

Khu vực này thường xuyên xảy ra bạo động giáo phái trong thập niên qua, với hàng trăm người đã bị giết hại trong các vụ đánh bom. Gần đây nhất, một vụ tấn công bằng bom gài trong xe tải hồi tháng 8 giết chết gần 80 người tại một khu chợ khác.  

Các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo lên tiếng nhận đã thực hiện vụ tấn công đó.

Hai vụ bổ ở thành phố Sadr hôm Chủ nhật xảy ra sau khi các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo bất ngờ tấn công Abu Ghraib, thành phố nằm ngay phía tây của thủ đô Baghdad.

Những người đánh bom tự sát và các phần tử vũ trang đi trên một chiếc xe tải nhỏ tấn công thành phố. Đây là một trong những vụ tấn công lớn nhất của Nhà nước Hồi giáo trong mấy tháng qua.

Các cư dân nói rằng Khu vực Quốc tế ở Baghdad, nơi có nhiều đại sứ quán và nhân viên quốc tế cũng như các giới chức chính phủ Iraq, tạm thời được đặt trong tình trạng báo động cao.

Các lực lượng của Iraq nhanh chóng được triển khai tại Khu vực Quốc tế ở Baghdad và tại phi trường quốc tế của thủ đô.

Abu Ghraib nằm cách Baghdad khoảng 25 kilômét về hướng tây và nằm giữa khoảng cách giữa thủ đô và thành phố Fallujah hiện do Nhà nước Hồi giáo kiểm soát.

Ông Yousuf al Abadi, một người phát ngôn của Bộ Nội vụ Iraq, nói với truyền thông địa phương rằng khoảng 30 người thuộc các lực lượng của Iraq thiệt mạng trong vụ tấn công ở Abu Ghraib.

Ông cho biết khoảng đầu giờ chiều tất các các phần tử chủ chiến đã bị hạ sát và tình hình đang "trong tầm kiểm soát."

Abu Ghraib được nhiều người biết đến tiếp theo sau cuộc tiến quân của Mỹ vào Iraq năm 2003 sau khi những bức ảnh cho thấy các binh sĩ Mỹ ngược đãi các tù nhân Iraq trong trại tù Abu Ghraib. - VOA

***
Trong lúc nhiều người Syria đang tận hưởng tình hình tương đối yên tĩnh của cuộc ngừng bắn, sự yên lặng đã bị phá vỡ bởi nhiều vụ không kích hôm Chủ nhật; một ngày sau khi thỏa thuận chấm dứt thù nghịch có hiệu lực.

Một đài quan sát có trụ sở ở Anh nói rằng ít nhất 6 làng xã bị các cuộc không kích nhắm mục tiêu.

Ðài quan sát Nhân quyền Syria nói rằng không xác định được chiến đấu cơ đã thực hiện các vụ không kích, cũng như liệu các khu vực bị oanh kích có thuộc thỏa thuận ngừng bắn hay không.

Thỏa thuận ngừng bắn không áp dụng đối với các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo và Mặt trận al-Nusra liến kết với al-Qaida.

Thỏa thuận ngừng bắn Syria mang lại một sự yên tĩnh trên phần lớn Syria lần đầu tiên sau nhiều năm.

Thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ và Nga làm trung gian điều giải bắt đầu hiệu lực hôm thứ Bảy không thể tránh khỏi một số vi phạm, nhưng Ðặc sứ Liên hiệp quốc về Syria nói rằng ngày đầu tiên của cuộc ngừng bắn là "khá yên tâm."

Ông Staffan de Mistura nói một số vụ vi phạm được cho là sẽ xảy ra sau 5 năm nội chiến. Tuy nhiên ông nói thêm rằng "đêm đầu tiên và ngày đầu tiên đã mang lại cảm giác là mọi người thực sự chú tâm vào cam kết của họ tuân thủ thỏa thuận chấm dứt thù địch."

Tổ chức đại diện phe đối lập Syria, Thượng Ủy ban về Đàm phán, nói rằng 97 nhóm hứa tham gia cuộc hưu chiến.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, trong bài diễn văn hàng tuần phát thanh hôm thứ Bảy, nói rằng những phần đất do Nhà nước Hồi giáo kiểm soát đã bị co cụm. Ông nói rằng số chiến binh của Nhà nước Hồi giáo  trên chiến trường đang sút giảm và nhóm thánh chiến này mỗi ngày một khó “tuyển mộ và điền khuyết những người trong hàng ngũ.”

Tổng thống Obama cho biết Hoa Kỳ đang làm việc chung với “những đối tác trên khắp thế giới” để phản bác những ý tưởng mà Nhà nước Hồi giáo dùng để “cực đoan hoá, tuyển mộ và khích động bạo động.”

Chưa đầy một giờ đồng hồ trước khi cuộc ngưng bắn tạm thời bắt đầu có hiệu lực, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã đồng thanh tán đồng thoả thuận này tại New York.

Cũng tại cuộc họp đó, Đặc sứ de Mistura loan báo rằng trong trường hợp cuộc hưu chiến được tôn trọng và những hoạt động cứu trợ tiếp tục không gặp trở ngại, ông sẽ triệu tập lại cuộc hoà đàm trong nội bộ Syria tại Geneve vào ngày 7 tháng 3.

Nga và Mỹ, hai nước đồng chủ tịch của Nhóm Quốc tế Hỗ trợ Syria, chịu trách nhiệm giải quyết những vụ vi phạm hưu chiến, chứ không phải Liên Hiệp Quốc.

Tổng thống Obama tuyên bố Hoa Kỳ sẽ làm tất cả những gì có thể để làm cho cuộc ngưng bắn được tôn trọng. - VOA
|
|

2.
Bầu cử Iran: Phe cải cách toàn thắng tại thủ đô Teheran

Đài truyền hình Iran sáng ngày 28/02/2016 cho biết kết phe cải cách gần như nắm chiến thắng tại hai cuộc bầu cử Quốc Hội và Hội Đồng Các Giáo Sĩ - cơ quan có trách nhiệm chỉ định lãnh tụ Tối cao Iran. Đây là một thành công đáng kể của liên minh cải cách và ôn hòa mà đại diện là tổng thống Rohani.

Từ Teheran, thông tín viên RFI Siavosh Ghazi cho biết thêm chi tiết về kết quả tính đến trưa hôm nay, theo đó phe cải cách toàn thắng tại thủ đô Iran :

« Đây là kết quả quan trọng của liên minh cải cách và ôn hòa, với khả năng nắm được 30 ghế của thủ đô Teheran. Kết quả trên được bộ Nội Vụ Iran thông báo dựa theo 90% tổng số phiếu đã được kiểm. Người đứng đầu danh sách phe bảo thủ, ông Gholam Ali Hadad Adel chỉ đứng ở vị trí thứ 31 nên sẽ không đắc cử.

Như vậy, chiến lược của phe cải cách đã giành thắng lợi. Trong suốt quá trình vận động tranh cử, các nhà lãnh đạo của phe này đã vận động cử tri bỏ phiếu cho 30 ứng viên trong danh sách của Teheran.

Còn trên toàn lãnh thổ, kết quả phân tán hơn. Trên hơn 25% số phiếu được kiểm tại các tỉnh, phe bảo thủ đứng đầu với hơn 23 ghế, phe cải cách chiếm được 15 ghế, ngoài ra còn có 23 ghế độc lập hiện vẫn chưa rõ sẽ ngả theo phe nào. 

Kết quả chính thức sẽ được thông báo từ nay tới thứ Hai hoặc thứ Ba, nhưng, trong mọi trường hợp, tổng thống Rohani và đồng minh có thể hài lòng. Thành viên của phe cải cách có mặt đông đảo tại Quốc Hội và phe bảo thủ cực đoan từ giờ bị hạn chế hơn.

Vì thế, chính phủ có thể tin tưởng vào Quốc Hội để tiến hành những biện pháp cải cách chính trị và xã hội". - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Bà Clinton giành thắng lợi dễ dàng ở South Carolina

Bà Hillary Clinton dễ dàng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ ở South Carolina hôm nay, củng cố vị thế là ứng viên hàng đầu, cũng như giáng một cú đánh mạnh vào đối thủ Bernie Sanders, ít ngày trước cuộc bầu chọn quan trọng thường được gọi là “Siêu Thứ Ba” vào tuần tới.

Ngay sau khi việc bỏ phiếu chấm dứt ở tiểu bang nằm ở miền nam hôm nay, một số hãng tin đã tuyên bố cựu ngoại trưởng Mỹ là người giành chiến thắng dựa vào các cuộc thăm dò ý kiến cử tri rời phòng bỏ phiếu.

Không ai có thể nghi ngờ kết quả này. Câu hỏi duy nhất đặt ra là liệu ông Sanders, thượng nghị sĩ từ tiểu bang Vermont, có thu hẹp khoảng cách 30% số phiếu trong các cuộc thăm dò ý kiến trước đây hay không.

Tới nay, cựu ngoại trưởng Mỹ đã giành chiến thắng hoặc ngang bằng số phiếu với ông Sanders trong 3 trong 4 cuộc bầu cử sơ bộ của phe Dân chủ, và dẫn đầu trong các cuộc thăm dò ý kiến tại nhiều tiểu bang chuẩn bị tổ chức bầu cử vào tuần tới.

Theo giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Furman ở Greenville, chiến thắng ở South Carolina đáng chú ý ở chỗ nó cho thấy bà Clinton vẫn được sự hậu thuẫn mạnh của các nhóm thiểu số, nhất là của cử tri Mỹ gốc Phi.

“Siêu Thứ Ba”

Trước cuộc bỏ phiếu, ông Sanders gần như đã bỏ cuộc ở South Carolina, và thay vào đó, tập trung vào cuộc bầu cử ngày thứ Ba tới.

Ngày 1/3 được gọi là “Siêu Thứ Ba”, vì vào ngày này, ứng viên có thể giành gần một phần tư số phiếu đại biểu của phe Dân chủ.

Cử tri tại 11 tiểu bang sẽ chọn các đại biểu tham dự đại hội đảng toàn quốc để chọn ra ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ và Cộng hòa, khiến đây là ngày quan trọng nhất đối với cả hai đảng.

Phát biểu trước đám ông ở Austin, Texas, hôm nay, ông Sanders lên tiếng đả kích ứng viên hàng đầu của phe Cộng hòa là ông Donald Trump.

Thượng nghị sĩ này nói: “Chúng ta sẽ đánh bại Trump. Người dân Mỹ không muốn một tổng thống lên tiếng sỉ nhục người Mexico, người Hồi giáo, phụ nữ, người Mỹ gốc Phi, các cựu chiến binh, và bất kỳ ai không ưa ông ấy”.

Lời đả kích được tung ra vài giờ sau khi người dẫn đầu phe Cộng hoà giành được sự ủng hộ bất ngờ của Thống đốc Chris Christine của tiểu bang New Jersey, là người đã từ bỏ cuộc đua giành chức Tổng thống cách nay vài tuần.

Ông Trump đang dẫn đầu khá xa tại hầu hết các tiểu bang sẽ bỏ phiếu vào tuần sau trong cuộc bầu cử sơ bộ thường được gọi là Siêu Thứ Ba, khi các ứng viên tranh nhau khoảng phân nửa số phiếu đại biểu cần thiết để được đề cử. - VOA
|
|

4.
Đối đầu đổ máu giữa KKK và người biểu tình ở California

Ba người bị đâm và 13 người bị bắt giữ khi các thành viên của một nhóm người da trắng đòi ly khai đối đầu với một nhóm người biểu tình đối kháng lớn hơn bên ngoài thành phố Los Angeles hôm thứ Bảy.

Bạo động xảy ra tại thành phố Anaheim, gần công viên giải trí nổi tiếng Disneyland.

Một người phát ngôn của cảnh sát cho hay nhiều người biểu tình đối kháng đã đến nơi trước giờ mà nhóm Ku Klux Klan, gọi tắt là nhóm KKK, dự định tổ chức cuộc mít-tinh chống di dân. Khi những người của nhóm KKK đến nơi, họ bị những người biểu tình đối kháng bao vây và tấn công.

Cả ba người bị đâm đều là những người biểu tình đối kháng. Một trong ba nạn nhân này bị một người của KKK đâm bằng đấu nhọn của cán cờ. Hai người của KKK bị những người biểu tình đấm đạp.  

Người phát ngôn cảnh sát cho hay 6 thành viên KKK và 7 người biểu tình bị bắt giữ, và tất cả đều bị truy tố tội dùng vũ khí có thể gây chết người để tấn công.

Nhóm KKK từng có thời chiếm ưu thế chính trị tại Anaheim, nắm giữ bốn trong tổng số năm ghế Hội đồng Thành phố trước khi họ bị lật đổ vào năm 1924. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Sài Gòn-Hà Nội trong ngày Quốc tế đồng hành cùng dân oan VN

Hôm nay 27/2 ngày Quốc Tế đồng hành cùng dân oan Việt Nam được nhiều nơi đồng loạt tổ chức nhằm nói lên tiếng nói đồng cảm với những người dân mất đất, mất nhà cũng như các quyền con người khác tại Việt Nam. Trên nhiều tỉnh thành khắp nước chưa bao giờ tập trung một lượng lớn dân oan như hôm nay, họ đã vượt qua khó khăn để cùng hòa vào tiếng nói chung lên tiếng cho chính số phận của mình.

Công an vây kín dân oan 

Từ khuya hôm qua, những nơi như Thanh Oai, Trường Xuân thuộc Hà Nội công an vây kín người dân oan không thể ra khỏi nhà. Tại Cẩm Điền tỉnh Hải Dương tình trạng còn tệ hơn, công an vây từng nhà một và không một ai có thể ra khỏi nhà để về Hà Nội. Tuy bị bao vây khống chế như vậy nhưng người dân nhiều nơi vẫn có cách để thoát ra để tới nơi dự định.

Vào lúc 7 giờ 30 sáng, từ Hà Nội anh Trịnh Bá Phương cho biết:

“Từ lúc 5 giờ sáng nay thì người dân oan tại Thanh Oai dự kiến khoảng 70 người tập trung về Ngô Thì Nhậm nhưng tới bây giờ họ vẫn chưa bước ra khỏi địa phương được. Họ lập các chốt an ninh, mỗi chốt không phải là đông nhưng khi ra tới đường quốc lộ họ đã đi bộ từ nhà ra đến quốc lộ tầm 7 cây số thì tất cả các xe buýt an ninh đều không chế, họ không cho bất kỳ một xe buýt nào chở người dân lên Hà Đông. Được biết một thông tin nữa là tại khu vực Hải Dương cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, anh ninh đang ngăn cản. Nhóm Hải Phòng và nhóm các tỉnh lẻ hiện nay đang tập trung khoảng 100 người vì người ta đã tập trung tại Ngô Thì nhậm vào chiều hôm qua rồi. Tại phường Dương Nội cũng có khoảng 100 người nữa đang kiếm cách thoát an ninh, nhà cháu cũng đã có an ninh canh giữ chung quanh nhà nên chưa thể đi được.”

Tại Sài Gòn từ khuya hôm qua, một nhóm bà con dân oan các tỉnh tập trung về chùa Liên Trì và Dòng Chúa Cứu Thế tạm trú để sáng hôm nay tới chợ Bến Thành tập trung như đã dự kiến để tham gia biểu dương cho ngày Quốc tế đồng hành cùng dân oan Việt Nam. Tuy nhiên tại chùa Liên Trì số bà con từ chùa đều bị bắt hầu hết và tới sáng hôm nay chúng tôi được biết qua lời của Hòa thượng Thích Không Tánh như sau:

“Hồi hôm tôi về tới chùa lúc 10 giờ đêm tôi thấy đầu đường chùa có hai xe công an nó chực sẵn tới khi tôi vô thì mấy người đó ra rất mừng. Họ nói tụi con đến đây hồi tối giờ xin thầy nghỉ đỡ rồi khuya hoặc sáng đi công việc tôi nói mấy con ăn uống gì chưa thì mấy bả nói đã ăn hồi chiều rồi. Có một số ở rải rác bên Sài Gòn còn số ở đây khoảng hăm mấy người thôi có lẽ bây giờ đã bị chận hốt hết rồi. Tôi nói mấy cô chắc đi không nổi đâu vì bây giờ xe nó đã chận sẵn mà, lúc bây giờ đã một hai giờ khuya rồi mà tôi vẫn thấy còn xe.”

Lúc 7 giờ 30 sáng, một người dân oan Tiền Giang cho biết việc công an bắt dân tại chùa Liên Trì:

“Bây giờ thì người Tiền Giang bị bắt về phường gần chùa Liên Trì. Một bà gãy tay băng bó vừa xong nó đưa về phường rồi nó đang giữ ở đó. Nó đánh một người xưng phổi, một người xỉu nằm ở đó nó không đưa đi bệnh viện còn một người gãy tay.”

Lúc 7 30 giờ sáng tại Sài Gòn anh Trần Bang cho biết bà con đã tản ra để tới tập trung tại nhà thờ Đức Bà:

“Tôi đang ở nhà thờ Huyện Sĩ còn chị Ngọc Anh đang bị vây ở chỗ Bến Thành vì công an rất đông nên bà con phải đi chỗ khác nếu không thì nó hốt hết. Bà con chuyển địa điểm sang chỗ khác sang nhà thờ Đức Bà nhưng chắc chắn sẽ tập trung được vì chỉ cần cời áo khoác ra là thành một cuộc tuần hành rồi nó cản trở như vậy còn bà con thì không có lực lượng gì cả.”

Công an đánh đập, bắt người

Lúc 8 giờ 30 giờ sáng chị Trần Ngọc Anh thuộc nhóm dân oan miền Nam thuật lại:

“Bây giờ nó đã bắt cả chục người lên xe mà nó còn đánh nữa. Đồng thời hiện nay tại Võ Thị Sáu nó chặn mấy chục người. Hiện giờ bà con rất đông tập trung vô ngồi trong quán cà phê này vì ngồi ở ngoài thì sẽ bị nó cưỡng chế chỉ cách xa nhà thờ Đức Bà 100 mét thôi. Hiện nay các xe buýt bị nó chặn hết nó không cho bất cứ một xe buýt nào tới. Không cho bà con bắt taxi hay xe buýt nào tới. Từ bến xe miền Tây, miền Đông bà con đang lên đó. Hiện nay tại chợ Bến Thành nó bao vây cỡ một hai trăm người thôi nhưng tụi nó thì hàng hà sa số luôn cứ cách một cây số thì nó rải quân rồi. Bây giờ chúng tôi thay đổi địa điểm để đánh kiểu khác. Hiện nay công an đang bao vây nếu chúng tôi xông ra nó sẽ bắt chúng tôi nhưng trước sau gì chúng tôi cũng xông ra vì hiện nay chúng tôi đang chờ số người tới nữa.”

Chỉ hơn 15 phút sau chúng tôi được biết chị Trần Ngọc Anh cùng một nhóm bà con dân oan đã bị bắt và tống lên xe chở đi, một người dân oan cùng bị bắt chung với chị Ngọc Anh cho biết:

“Tôi đang cùng bị bắt trên xe cùng với bà con dân oan trong đó có chị Trần Ngọc Anh nữa. Chị Ngọc Anh bị đánh người rất mệt sưng mặt lên và rách cả mồm nữa. Họ giật tóc nắm đầu chỉ ấy để đánh. Họ đang dừng xe lại ở Bình Tân thuộc quốc lộ 1 họ dừng lại không đi nữa và điều gì xảy ra cho chúng tôi thì không biết nữa.”

Vào lúc 9 giờ, bà Cấn Thị Thêu từ số 1 Ngô Thì Nhậm Hà Nội cho biết:

“Bà con chúng tôi đang tập trung rất đông tại số 1 Ngô Thì Nhậm, công an vây ráp cũng rất đông họ đã bắt con trai tôi là Trịnh Bá Tư còn con trai tôi là Trịnh Bá Phương chắc cũng bị bắt rồi vì tôi không liên lạc được.

Khoảng 300 người dân oan các nơi tập trung còn vòng ngoài người ta chưa vào được tập trung tại nhà thi đấu Hà Đông 40-50 người đang tâp trung ở đấy còn các nơi thì đang bị vây ráp ở các ngã đường riêng tại đây thì rất đông, các đoàn Dương Nội, Hải Phòng các tỉnh thành khác tập trung rất đông. Bậy giờ tôi đang đứng giữa vòng vây của bà con vì công an nó xông vào nó định bắt nhưng bà con đứng vây quanh bảo vệ tôi.”

Lúc 9 giờ 30 từ Hà Nội một dân oan Hải Phòng cho biết:

“Bà con đông đủ ở đây rồi, riêng Hải Phòng chúng tôi gần 30 người, còn chỗ chị Hài tỉnh Bình Dương khoảng chục người nữa. Hiện giờ chúng tôi đang ở chỗ Ngô Thì Nhậm này và hiện giờ công an đang cho hai ô tô buýt đứng ở cửa Ngô Thì Nhậm và rất nhiều công an bên dưới nhưng không sao ạ.”

Bà Trần Thị Hài từ Bình Dương ra Hà Nội đồng hành cùng với dân oan tường thuật lại những gì đang xảy ra cho bà và mọi người:

“Công an Bình Dương nó đã ra đây nó chuẩn bị hốt về cho nên phải đứng giữa bà con để bà con còn hỗ trợ. Nói chung đàn áp, ngăn cản của an ninh rất là quyết liệt nhưng bà con các tỉnh vẫn tập trung được để về đồng hành cùng với thế giới hôm nay hướng về Việt Nam. Tôi đánh giá là thành công ngoài trí tưởng tượng. Đấy là do lòng dũng cảm và đoàn kết của những người dân oan các tỉnh.”

Về ngày Quốc tế đồng hành cùng dân oan Việt Nam, một dân oan Tiền Giang bộc lộ ý kiến của mình trong lúc còn ngồi trên xe tù của công an, bà nói:

“Bà con chúng tôi là dân oan đã bị nhà cầm quyền Việt Nam cướp nhà cướp đất mà chúng tôi phải khốn khổ. Ngày hôm nay 27 tháng Hai, ngày Quốc tế đồng hành cùng dân oan. Chúng tôi muốn quốc tế hướng về chúng tôi để chúng tôi thoát cảnh bị nhà cầm quyền Việt Nam cướp mất quyền làm người.”

Vừa rồi là tổng hợp hình ảnh từ nam ra bắc trong ngày Quốc tế đồng hành cùng dân oan Việt Nam. Chúng tôi hy vọng quý vị có được những thông tin cần thiết cũng như thấy được bức tranh toàn cảnh những gì đang xảy ra tại Việt Nam vào ngày 27 tháng 2 năm 2016. - RFA
|
|

6.
Ứng viên độc lập 'gặp khó' từ khâu hồ sơ --- Tự ứng cử: khát vọng dân chủ hay phép thử cải cách

Bà Đặng Bích Phượng, một trong các ứng cử viên tự do ở Hà Nội, thuật lại khó khăn “trời ơi đất hỡi” mà bà gặp phải khi làm hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa 14 này.

Câu chuyện rất đơn giản: việc đầu tiên của quá trình ứng cử là bà phải làm hồ sơ, gồm đơn ứng cử, sơ yếu lý lịch, tiểu sử tóm tắt, bản kê khai tài sản và thu nhập. Sau đó, bà phải đi xin dấu xác nhận lý lịch tại ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã, phường nơi bà đăng ký hộ khẩu thường trú.

Ngày 22/2/2016, UBND phường Thành Công đã xác nhận lý lịch cho bà Phượng. Tuy nhiên, ba hôm sau, khi bà Phượng đến nộp hồ sơ ứng cử, thì được cán bộ tiếp dân yêu cầu khai lại một số mục khai chưa đúng theo mẫu. Ví dụ, phải ghi trình độ văn hóa 10/10 phổ thông (bà Phượng chỉ khai 10/10 – thiếu chữ “phổ thông”).

Sau khi khai lại đầy đủ, bà Phượng đến UBND phường Thành Công để xin xác nhận lại lý lịch. Nhưng lần này thì đến lượt Chủ tịch UBND phường Thành Công, ông Nguyễn Huy Toản, nói chưa thể xác nhận lý lịch cho bà, lấy lý do bà khai “chưa trung thực” phần kỷ luật.

“Kỷ luật” vì biểu tình

Bà Đặng Bích Phượng đã không khai trong hồ sơ là bà từng một lần bị bắt giam 5 ngày ở Hỏa Lò (từ ngày 21 đến 25/8/2011) vì đi biểu tình chống Trung Quốc nhân sự kiện Trung Quốc cắt cáp dầu khí của Việt Nam, nhưng bị công an quy vào tội “gây rối trật tự công cộng”.

Lần khác, bà bị UBND phường Dịch Vọng ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại phường trong thời hạn 6 tháng (từ ngày 12/9/2012 đến ngày 12/3/2013) cũng vì nhiều lần bị bắt khi tham gia biểu tình chống Trung Quốc.

Tuy nhiên, tạm chưa bàn tới tính hợp pháp của các quyết định tạm giữ và áp dụng biện pháp giáo dục, thì những hình thức xử lý công dân nói trên chỉ là xử lý vi phạm hành chính và chỉ có giá trị 1 năm là hết hiệu lực, không cần ghi vào lý lịch.

Thêm nữa, chính phần hướng dẫn khai hồ sơ cũng nêu rõ:

“Trường hợp bị kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính trong thời gian 01 năm tính đến ngày làm hồ sơ ứng cử thì ghi rõ tên cơ quan ra quyết định kỷ luật, thời gian bị kỷ luật, lý do bị kỷ luật, hình thức kỷ luật”, “Nếu không có hoặc đã bị xử lý nhưng không thuộc các trường hợp kể trên thì ghi “Không bị kỷ luật, không có án tích””.

Do bà Đặng Bích Phượng bị xử lý vi phạm hành chính đã cách đây đến 4-5 năm, nên bà ghi “không bị kỷ luật, không có án tích” trong hồ sơ, đúng như hướng dẫn.

Điều bà không ngờ là ghi chính xác như hướng dẫn thì lại bị từ chối xác nhận hồ sơ.

Đá đi, đá lại

Bà Đặng Bích Phượng bèn quay lại nơi tiếp nhận hồ sơ ứng cử để đề nghị hướng dẫn lại. Tại đây, bà Phượng được ông Lưu Tiến Minh, cán bộ tiếp nhận hồ sơ, giải thích đúng như ghi chú trên mẫu hồ sơ:

“Nếu bác có bị kỷ luật hành chính cách đây vượt quá một năm, mà bác vẫn khai vào đây, thì tôi phải nói là bác khai không đúng”.

Có nghĩa là, nếu bà Phượng ghi hai lần bị xử lý vi phạm của mình vào hồ sơ, thì chính khi đó, hồ sơ mới trở thành không hợp lệ (vì ghi sai yêu cầu).

Như vậy là bà Phượng bị kẹt giữa UBND phường Thành Công và Ủy ban Bầu cử Thành phố Hà Nội. Không khai thì UBND phường Thành Công không chịu xác minh lý lịch. Mà khai thì Ủy ban Bầu cử Thành phố Hà Nội lại cho là hồ sơ không hợp lệ. Vậy phải ghi như thế nào bây giờ?

Đó là chưa kể, đúng ra trách nhiệm của UBND phường chỉ là xác nhận chữ ký và hộ khẩu thường trú.

Còn tất cả các phần khác trong lý lịch, cá nhân người khai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Bà Phượng có hộ khẩu thường trú tại phường Thành Công, nhưng bà sống tạm cư tại phường Dịch Vọng từ cách đây 8 năm.

Thời gian đi biểu tình phản đối Trung Quốc cắt cáp tàu dầu khí trong vùng biển của Việt Nam, bà bị công an quận Hoàn Kiếm bắt giữ, và UBND phường Dịch Vọng ra quyết định “giáo dục” bà tại địa phương.

Điều này hoàn toàn không nằm trong phạm vi quản lý của UBND phường Thành Công.

Phối hợp gây khó khăn?

Tuy nhiên, một nguồn tin cho bà Phượng hay, cơ quan an ninh đã cung cấp hồ sơ của bà cho UBND phường Thành Công, để gây khó dễ.

Bà Phượng cố gắng giải thích với chính quyền phường sở tại:

“Nếu các hình thức kỷ luật diễn ra trong vòng 1 năm tính đến ngày làm hồ sơ, thì tôi mới phải kê khai.

"Nếu không nằm trong khung đó mà vẫn khai thì bên Ủy ban Bầu cử sẽ coi hồ sơ là không hợp lệ”.

Tuy nhiên, UBND phường vẫn dứt khoát bắt bà phải kê khai vụ bị bắt tạm giữ năm 2011 và bị ép giáo dục cải tạo năm 2013.

Cũng nguồn tin nọ cho biết, UBND phường đang bị “bên an ninh” nhắc nhở lưu ý về trường hợp bà Phượng.

Bà Phượng và những cử tri đi cùng thực sự ngạc nhiên và bức xúc trước việc an ninh can thiệp thông qua UBND phường và nhất là lại cứ cố ép bà phải khai hồ sơ không hợp lệ.

Phải chăng cơ quan an ninh đang gây khó khăn cho phường Thành Công, hay là họ đang phối hợp với phường gây khó khăn cho ứng cử viên tự do?

Bà Phượng quyết định sẽ làm đơn yêu cầu UBND phường xác nhận lý lịch cho bà và trả lời bằng văn bản, để bà còn kịp hoàn thành bộ hồ sơ ứng cử ĐBQH khóa 14.

'Cho xin một bộ'

Cũng trong những ngày vừa qua, công an khu vực ở một số nơi trên địa bàn Hà Nội đã đến “tiếp xúc, tìm hiểu thông tin” ở vài ứng cử viên tự do khác, chẳng hạn hỏi họ đã làm hồ sơ chưa, bao giờ xong thì cho xin một bộ...

Cuộc bầu cử Quốc hội khóa 14 (nhiệm kỳ 2016-2021) sẽ diễn ra vào ngày 22/5 tới.

Đây là lần đầu tiên, bầu cử Quốc hội có một số lượng đông đảo ứng cử viên tự do (15-20 người trên cả nước, nhất là Hà Nội), và phần lớn đều tích cực sử dụng mạng xã hội Facebook để vận động tranh cử.

Bà Đặng Bích Phượng, sinh năm 1960, là một trong số rất ít gương mặt nữ ứng cử độc lập.

Chương trình hành động của bà xoay quanh vấn đề đất đai và sửa đổi luật đất đai theo hướng bảo đảm các quyền căn bản của người nông dân, như quyền có thông tin, quyền được tham vấn, hỏi ý kiến, và quyền được thương lượng, đàm phán theo giá thị trường. - BBC

***
Một trong các khuyến nghị quan trọng của Báo cáo Việt Nam 2035 do Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Việt Nam hợp tác soạn thảo  công bố hôm 23/2/2016 là: “nâng cao hơn nữa trách nhiệm giải trình thông qua việc xây dựng một cơ chế hữu hiệu về kiểm soát và cân bằng giữa ba nhánh quyền lực, tạo dựng khung khổ pháp lý thúc đẩy quyền công dân…” 

Ba nhánh quyền lực được hiểu là Hành pháp, Lập pháp và Tư pháp nhưng ở Việt Nam là cơ chế độc đảng do vậy việc giám sát độc lập lẫn nhau là không hiện thực. Tuy vậy theo các chuyên gia, nếu thể chế chính trị của Việt Nam cởi mở hơn, nâng cao vai trò của Quốc hội nhiều hơn thì cũng mang ý nghĩa quan trọng.

Trong bối cảnh đó sự cân bằng từ nhánh lập pháp có thêm hiệu quả nếu thành phần Đại biểu Quốc hội có thêm những tiếng nói độc lập, những người không phải đảng viên Cộng sản và những người tự ứng cử không do Đảng và Nhà nước cơ cấu.

Ngay sau khi Báo cáo Việt Nam 2035 được công bố, đáp câu hỏi của chúng tôi là Nhà nước có thể có cơ hội để thể hiện ý muốn cải cách qua vấn đề công dân tự ra ứng cử, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh thành viên Ủy ban Chính sách Phát triển của Liên Hiệp Quốc nhận định:

“Tôi nghĩ đó là một thử nghiệm, một phép thử  rất hay rằng sắp tới đây việc các ứng cử viên độc lập đó sẽ được đối xử như thế nào và sự tham gia một cách bình đẳng đó sẽ được thực hiện ra sao. Tôi suy nghĩ đấy là một trong những phép thử mà sắp tới đây chúng ta sẽ chứng kiến, để xem những quyền trong Hiến pháp được thực hiện như thế nào và sẽ có những thay đổi thực tế ra sao.” 

Trong các cuộc bầu cử Quốc hội đã qua, số ứng cử viên không phải đảng viên Đảng Cộng sản và số người tự ứng cử trúng cử vào Quốc hội là rất hiếm. Thí dụ cuộc bầu cử Quốc hội khóa 13 nhiệm kỳ 2011-2016, số người tự ứng cử là 83 người nhưng qua các vòng hiệp thương sàng lọc chỉ còn 15 người được đưa vào danh sách ứng cử viên chính thức. Sau đó chỉ có 4 người trúng cử, như vậy trong số 500 Đại biểu Quốc hội khóa 13 tỷ lệ đại biểu tự ứng cử rất nhỏ 0,8%. Số đại biểu ngoài Đảng cộng chung là 42 người, nếu trừ vài người tự ứng cử thì toàn bộ là Đảng cơ cấu với thành phần định sẵn.

TS Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động xã hội dân sự nổi tiếng về những phản biện độc lập và cổ vũ dân quyền đã trở thành người đầu tiên công bố ý định tự ứng cử Quốc hội Khóa 14. Xuất hiện trong chương trình video ‘Câu chuyện Trong tuần’ của Đài Á Châu Tự Do, TS Nguyễn Quang A phát biểu:

“Đó là việc để thể hiện việc thực thi quyền của công dân, bởi vì luật của Việt Nam qui định công dân có rất nhiều quyền, Hiến pháp Việt Nam qui định là người dân có quyền tham gia quản lý đất nước. Luật bầu cử của Quốc hội Việt Nam qui định công dân đủ 21 tuổi trở lên có thể ra ứng cử Đại biểu Quốc hội và tôi muốn thúc đẩy một phong trào học tập của người dân nhất là giới trẻ để họ hiểu rằng quyền của họ là thế nào…” 

Tiến sĩ Nguyễn Quang A thêm rằng, không phải ông không biết về những ứng cử viên độc lập bị trù dập loại bỏ không cho ứng cử trong các kỳ bầu cử trước. Nhưng ông tin rằng thời thế đã đổi khác, nhận thức của người dân và đặc biệt giới trẻ đã được nâng cao.

Cập nhật thông tin trên mạng xã hội đã có hơn 20 người công bố ý định tự ra ứng cử, con số này có thể tăng lên đáng kể vì phải đến 17 giờ ngày 13/3/2016 mới hết hạn nạp đơn ứng cử.

Được biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết dự kiến số đại biểu Quốc hội thuộc cơ cấu trung ương là 198, số đại biểu thuộc cơ cấu địa phương là 302, tổng số đại biểu Quốc hội là 500 người. Thành phần ngoài Đảng của Quốc hội khóa 14 theo dự kiến là 35 người.

Theo Tuổi Trẻ Online, tại Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất bầu cử Quốc hội Khóa 14 của Ủy ban mặt trận Tổ Quốc Trung ương tổ chức tại Hà Nội ngày 16/2/2016, ông Lù Văn Que cho rằng dự kiến đại biểu Quốc hội khóa tới chỉ có 35 người ngoài Đảng là quá ít. Theo lời ông, Quốc hội đâu phải hội nghị đảng viên mở rộng, trong khi có nhiều người ưu tú không phải đảng viên. Ông Lù Văn Que đề nghị tăng lên 100 người và hoàn toàn có thể chọn người đủ tiêu chuẩn. Cơ cấu trong đảng-ngoài đảng phải hợp lý vì Đảng chỉ có 4,5 triệu đảng viên thôi.

Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đề cập gì tới vấn đề tự ứng cử. Tại Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất về bầu cử Quốc hội khóa 14, ông Trần Hoàng Thám nêu ý kiến nên khuyến khích những người tự ứng cử, và điều này phải được thể hiện trong cơ cấu theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chưa thấy cơ cấu cho người tự ứng cử. Ông Thám nhấn mạnh, nếu định ra cơ cấu người tự ứng cử thì sẽ tạo không khí dân chủ, phấn khởi trong nhân dân.

Về nguyên tắc các kiến nghị từ Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất sẽ được Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc báo cáo lên Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử Quốc gia xem xét điều chỉnh. Theo Tuổi Trẻ Online, dựa vào cơ cấu điều chỉnh lần cuối, Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai sẽ quyết định nhân sự cụ thể.

Những ý kiến từ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Trung ương được xem là khá mới mẻ liên quan tới vấn đề cơ cấu thành phần ứng cử viên tự do và người ngoài đảng, đặc biệt với nhận thức công khai Quốc hội đâu phải Hội nghị Đảng viên mở rộng.

Tiến trình tổ chức bầu cử Quốc hội từ nay tới ngày 22/5/2016 không xa, thời gian sắp tới sẽ có lời giải đáp cho điều mà TS Lê Đăng Doanh gọi là phép thử để biết là những quyền trong Hiến pháp được thực hiện như thế nào và có thay đổi gì. - RFA

No comments:

Post a Comment