Tin Thế Giới
1.
Máy bay không người lái của TQ có thể thay đổi cục diện ở Trung Đông, Biển Đông
Trung Quốc đang nhanh chóng trở thành một đối thủ hàng đầu trong cuộc đua quốc tế về sản xuất máy bay không người lái. Sản phẩm của họ hiện đang đóng vai trò chủ chốt ở những khu vực có tranh chấp là Iraq, Syria, Pakistan và Bắc Triều Tiên.
Máy bay không người lái, còn gọi là UAV, của Trung Quốc đã được các đơn vị an ninh Iraq dùng để chống lại các lực lượng Nhà nước Hồi giáo, gây ra nhiều thương vong hồi giữa tháng 12, các nhà quan sát quân sự nói.
Ông Michael Boyle, một chuyên gia về UAV và học giả cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại ở Mỹ, nói: “Nhiều nhà sản xuất UAV Trung Quốc đang bán những chiếc UAV nhỏ có khả năng trinh sát chiến trường và một số giờ đây có thể mang hỏa tiễn”.
Ông Boyle nói tiềm năng xuất khẩu UAV Trung Quốc rất lớn vì Quốc hội Mỹ đặt ra quy định kiểm soát xuất khẩu ngặt nghèo đối với UAV Mỹ. Hiện Trung Quốc có thể chỉ đứng sau quy mô sản xuất của Mỹ.
Ông nói UAV Trung Quốc sẽ có một thị trường tấp nập người mua là các nước ở châu Á, Trung Đông, Nam Mỹ và châu Phi, những nơi không được mua công nghệ Mỹ.
Các chuyên gia tin rằng UAV sẽ ảnh hưởng đến sự giằng co chính trị và giữa các nước ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, với khả năng Nhật Bản sẽ triển khai các UAV Hawk do Mỹ sản xuất. Trung Quốc cũng có thể triển khai UAV để bảo vệ các dự án đầu tư của họ ở các vùng gặp rắc rối hoặc bị khủng bố tấn công ở châu Á và châu Phi.
Ông Boyle nói: “Khu vực bên trên các đảo có tranh chấp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông đang ngày càng trở thành một khu vực chính yếu đối với cuộc cạnh tranh về UAV. Chúng có mấy lợi thế: UAV có thể xác định các thay đổi trên bề mặt các đảo và cung cấp các bằng chứng hình ảnh về sự củng cố quân sự”.
Công nghệ UAV đang thay đổi cơ bản các định nghĩa về cạnh tranh toàn cầu và âm thầm thay đôi luật chơi đối với nhiều cuộc xung đội và đối đầu kéo dài, ông nói.
Ông Boyle nói: “Điều này xảy ra một phần vì ít quốc gia, nếu có đi chăng nữa, sẽ dùng UVA theo cách Mỹ đang dùng, như một cách thức để nhắm mục tiêu một cách tàn nhẫn vào các mạng lưới chủ chiến ở các vùng lãnh thổ không có sự cai quản”. - VOA
|
|
2.
Biển Đông: Hun Sen nhắc lại lập trường của Cam Bốt
Vài ngày trước thượng đỉnh Mỹ- ASEAN tổ chức tại Hoa Kỳ, hãng tin Trung Quốc Tân Hoa Xã cho biết, ngày 05/02/2016, thủ tướng Cam Bốt một lần nữa nhắc lại lập trường của Phnom Penh : Không can thiệp vào tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Các nước có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc cần giải quyết bất đồng qua đối thoại song phương.
Thủ tướng Hun Sen thông báo ông sẽ đến dự thượng đỉnh Mỹ-ASEAN hai ngày 15 và 16/02/2016 tại Sunnylands, bang California. Trong tuyên bố đưa ra hôm nay, thủ tướng Cam Bốt nhắc lại : tuần trước, trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry, ông đã lên tiếng trên vấn đề tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông và cho rằng : «Chúng ta không nên đổ thêm dầu vào lửa mà hãy tìm cách khuyến khích các quốc gia liên quan tiếp tục đàm phán. Bởi vì Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á ASEAN không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lãnh thổ ».
Riêng trong trường hợp của Việt Nam và Trung Quốc, thủ tướng Cam Bốt quan nhiệm đối thoại song phương là giải pháp tốt nhất : « Việt Nam và Trung Quốc phải tự giải quyết vấn đề này với nhau, tương tự như trường hợp giữa Bắc Kinh với Manila ».
Ngoài ra, ông Hun Sen còn nêu thí dụ cụ thể giải quyết tranh chấp về đường biên giới giữa Cam Bốt và các nước láng giềng, cụ thể là với Việt Nam, Lào và Thái Lan. Trong tất cả mọi trường hợp, Phnom Penh đều đã chọn giải pháp đối thoại trực tiếp song phương.
Thủ tướng Hun Sen đã hoàn toàn bác bỏ những cáo buộc cho rằng Cam Bốt đã nghiêng hẳn về phía Trung Quốc trên hồ sơ Biển Đông, khi lưu ý nền ngoại giao của Xứ Chùa Tháp là « hoàn toàn độc lập ».
Thủ tướng Cam Bốt lên tiếng về Biển Đông vào lúc ngoại trưởng Hor Nahong ngày 04/02/2016 công du Bắc Kinh. Sau buổi làm việc với ủy viên Quốc Vụ Viện Trung Quốc đặc trách về đối ngoại, ông Dương Khiết Trì (Yang Jiechi) và thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân (Liu Zhenmin), Phnom Penh và Bắc Kinh nhất trí "giải quyết tốt vấn đề Biển Đông". Ông Lưu Chấn Dân trong buổi họp báo khẳng định : vấn đề này cần được giải quyết thông qua phương pháp tiếp cận hai chiều – dual track.
Cam Bốt không nằm trong số các nước đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông, nhưng có tranh chấp biên giới với Thái Lan và Việt Nam. Tại Hội nghị bộ trưởng ASEAN lần thứ 45 năm 2012 tổ chức tại Phnom Penh, dưới áp lực của nước chủ nhà, các bên đã không ra được tuyên bố chung. Trung Quốc là nguồn đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Cam Bốt. - RFI
|
|
3.
Hàng triệu công nhân di trú Trung Quốc du hành vào dịp Tết Nguyên Đán
Mỗi năm có hàng chục triệu công nhân di trú Trung Quốc về quê ăn Tết. Đây là cuộc di dời ồ ạt nhất hàng năm, và những người du hành đã làm kẹt cứng các phi trường và nhà ga của Trung Quốc. Từ Hồng Kông, thông tín viên VOA Shannon Van Sant ghi nhận chi tiết.
Tuần tới bắt đầu năm Bính Thân ở Trung Quốc, với hàng triệu người đi lại để về xum họp với gia đình và đón mừng năm mới bằng những buỗi lễ lạc và pháo hoa tưng bừng. Khối công nhân di trú khổng lồ của Trung Quốc đã bắt đầu hành trình về quê.
Anh Vương Tây sắp đáp chuyến xe lửa đông nghẹt để về thăm gia đình.
Anh nói anh nhớ cha mẹ và biết rằng cuộc sổng của họ ở nhà vất vả hơn nhiều so với cuộc sống của anh ở Bắc Kinh.
Giới hữu trách Trung Quốc ước lượng có gần 3 tỷ chuyến đi sẽ được thực hiện ngay trong nước vào dịp Tết này. Con số này cao hơn 3,6% so với năm ngoái. Sáu triệu người sẽ du hành ra nước ngoài trong tuần này, trong khuôn khổ một xu hướng ngày càng tăng trong số người Trung Quốc ra nước ngoài trong các dịp nghỉ.
Du lịch ra nước ngoài từ Trung Quốc tăng 12,1% trong năm 2015. Một nữ công nhân di trú 57 tuổi mua vé về quê ở tỉnh Thiểm Tây vào phút chót và ngạc nhiên là tìm được một chỗ.
Bà nói bà lấy làm lạ là trễ như thế mà còn mua được chỗ ngồi, và kể là năm ngoái bà đã mua sớm hơn nhiều mà chỉ được vé chờ.
Con số khách đi lại khổng lồ đã khiến mức tiêu thụ xăng dầu tăng vọt ở Trung Quốc, với nhu cầu trong dịp lễ tăng thêm 242.000 thùng mỗi ngày so với mức trung bình trong năm. 44 triệu chuyến bay và 258 triệu chuyến tàu 1 lượt sẽ chạy trong tuần tới.
Mùa đi lại nhộn nhịp đã gây ra nhiều vụ chậm trễ, và thời tiết xấu đã khiến 100.000 người bị kẹt ở nhà ga Quảng Châu hồi đầu tuần này. Nhà chức trách đã đóng cửa nhiều xa lộ sau khi thời tiết xấu gây cảnh xe cộ ùn tắc kéo dài gần 2 dặm đường trên một đường cao tốc nối liền hai tỉnh Giang Tây và Hồ Bắc.
Cô Lý Mỹ, 30 tuổi, tỏ ý hy vọng sẽ về được đến quê nhà một cách êm thắm.
Cô nói cô đem theo quần áo làm quà từ Bắc Kinh cho thân nhân ở nhà.
Một khi về được đến nhà để gặp người thân, gần 700 triệu người sẽ mở đài truyền hình nhà nước CCTV để xem chương trình giải trí Tết năm nay. Một tuần nữa, hàng triệu người sẽ lại bắt đầu cuộc hành trình trở lại các thành phố để bắt đầu đi làm. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
4.
Clinton, Sanders mặt đối mặt trong cuộc tranh luận của ứng cử viên Dân chủ
Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders và cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đối đầu vào ngày thứ Năm trong cuộc tranh luận của hai ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ ở bang New Hampshire, chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử sơ bộ trọng yếu của bang này.
Ông Sanders dẫn đầu với cách biệt gần 16 điểm trước bà Clinton ở bang vùng đông bắc này, theo một cuộc thăm dò ý kiến của RealClearPolitics. Nhưng bà Clinton đang tìm cách thu hẹp cách biệt đó sau chiến thắng cực kỳ sít sao trước ông Sanders trong hội nghị đầu phiếu ở bang Iowa vào tuần này.
Kể từ cuộc bỏ phiếu đầu tiên của cả nước chọn ứng cử viên cho đề cử tổng thống ở bang Iowa, ông Sanders và bà Clinton lời qua tiếng lại ngày càng nhiều khi họ tranh luận về việc ai là người đại diện tốt hơn cho tương lai của phong trào cấp tiến ở Mỹ.
Tại một sự kiện hỏi đáp trực tiếp với cử tri ở bang New Hampshire, ông Sanders nêu nghi vấn về lập trường cấp tiến của bà cựu Ngoại trưởng về những vấn đề như quản lý những ngân hàng và công ty tài chính ở Phố Wall, cải cách tài chính trong những chiến dịch vận động tranh cử và lá phiếu của bà cho phép chính quyền Tổng thống Bush thực hiện cuộc xâm lược Iraq năm 2003 khi bà còn là thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đại diện bang New York.
"Tôi không biết bất kỳ nhân vật cấp tiến nào có một super PAC (tổ chức chuyên vận động gây quỹ tranh cử) và nhận 15 triệu đôla từ Phố Wall," ông Sanders nói với khán giả tại một sự kiện do đài CNN tổ chức, theo sau một ngày mà hai người lời qua tiếng lại trên trang Twitter của mình.
Bà Clinton nói đối thủ của bà "tự đặt mình vào vị trí quyết định ai mới là người cấp tiến," và rằng theo tiêu chuẩn của ông Sanders thì cả Tổng thống Barack Obama hay Phó Tổng thống Joe Biden cũng không phải là những người cấp tiến. Bà bênh vực lý lịch của mình là người đấu tranh cho những lý tưởng như chăm sóc y tế.
Hai ứng cử viên xuất hiện riêng biệt trên diễn đàn hôm thứ Tư. Cuộc tranh luận hôm thứ Năm ở thành phố Durham, bang New Hampshire sẽ là cuộc tranh luận một chọi một đầu tiên của họ, sau khi cựu Thống đốc bang Maryland Martin O'Malley dừng chiến dịch tranh cử vì về thứ ba với kết quả đáng thất vọng ở Iowa. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
5.
Ông Đinh La Thăng làm Bí thư TP. HCM --- Chức Bí thư Thành ủy Hà Nội lọt vào tay ông Hoàng Trung Hải
Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam chiều 5/2 đã công bố quyết định phân công ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, làm Bí thư Thành ủy TP.HCM.
Cùng ngày tại Hà Nội, ông Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, được xác nhận là Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Công việc cuối cùng của ông Đinh La Thăng trong tư cách bộ trưởng dường như là việc ký văn bản chỉ đạo cách chức Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội do mắc sai phạm trong mua toa tàu cũ của Trung Quốc.
Báo chí trong nước ca ngợi đây là quyết định "dũng cảm".
Trong số 19 Ủy viên Bộ Chính trị vừa được bầu tại Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 12, ông Đinh La Thăng là trường hợp duy nhất không được giới thiệu trước, nhưng đã trúng cử nhờ phiếu bầu của Ban chấp hành trung ương khóa 12.
Vì thế, việc ông được phân công lãnh đạo TP. HCM được xem là một bất ngờ.
Các bình luận trên mạng xã hội đa số bày tỏ hy vọng hai lãnh đạo tương đối trẻ (Hoàng Trung Hải sinh năm 1959, Đinh La Thăng sinh năm 1960) sẽ thúc đẩy sự phát triển của hai thành phố quan trọng nhất Việt Nam.
Trong một diễn biến khác, ông Võ Văn Thưởng, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP. HCM, sẽ ra Hà Nội làm Trưởng ban Tuyên giao trung ương.
Sinh năm 1970, ông Thưởng là người trẻ nhất trong Bộ chính trị mới được bầu.
Các vị trí liên quan ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam vừa được bổ nhiệm:
Đinh Thế Huynh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư.
Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.
Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương.
Hoàng Trung Hải, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội.
Đinh La Thăng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh.
Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng. - BBC
***
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa được bổ nhiệm vào chức Bí thư Thành ủy Hà Nội trong hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội diễn ra vào sáng hôm nay, thứ Sáu (5/2).
Quyết định này của Bộ Chính trị đã được ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính loan báo, và trao cho Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải.
Báo Tuổi Trẻ hôm nay dẫn lời ông Hoàng Trung Hải phát biểu tại lễ nhậm chức, nói rằng đây là một vinh dự, và ông tuyên bố quyết tâm trong 5 năm tới sẽ ‘xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh’ và ‘phát huy truyền thống văn hiến, huy động mọi nguồn lực để đẩy mạnh đổi mới, hiện đại hóa, xây dựng thủ đô”.
Phần tiểu sử đăng trên trang mạng chinhphu.vn cho biết ông Hoàng Trung Hải sinh ngày 27/9/1959 ở Thái Bình, đồng thời phác hoạ sự nghiệp không ngừng đi lên của ông từ một sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội cho tới khi trở thành Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị sau Đại hội đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 mới đây.
Quyết định đưa ông Hoàng Trung Hải vào chức Bí thư Thành ủy Hà Nội có phần chắc sẽ bị mang ra mổ xẻ trên mạng.
Trong thời gian qua, các trang mạng xã hội Việt Nam thường xuyên tải những bài viết khẳng định ông Hoàng Trung Hải là người Trung Quốc, và tố cáo ông Hải là ‘ngấm ngầm để cho Trung Cộng trúng thầu trên 90% các công trình trọng điểm quốc gia’ trong hai nhiệm kỳ ông làm phó thủ tướng.
Phản ứng trước tin về thay đổi nhân sự này, trang mạng Dân Làm Báo viết “Chiếc ghế bí thư thành ủy Hà Nội, nhiệm kỳ 2015 – 2020 cuối cùng đã lọt về tay một ủy viên bộ chính trị gốc Tàu”.
Trang mạng này trích đơn tố cáo của một cán bộ lão thành cộng sản tên Phạm Hiện khẳng định ông Hoàng Trung Hải là người Tàu. Trong đơn của ông Phạm, có câu: “Bố đẻ ông Hoàng Trung Hải người Trung Quốc tên là Sì Sói”.
Trên trang blog của mình, blogger Lê Anh Hùng cũng tải lên nhiều hình ảnh của khu mộ gia đình ông Hoàng Trung Hải, với dòng chữ viết bằng tiếng Tàu: "Hoa kiều tiên hữu tổng mộ".
Trong khi đó bản tin của Tân Hoa Xã hôm 5/2 tường thuật rằng Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hồng Tiểu Dũng đã gặp Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để thảo luận về các quan hệ song phương.
Trong buổi họp tại Hà Nội hôm thứ Năm, hai bên trao đổi các quan điểm về việc củng cố quan hệ giữa hai đảng cộng sản và hai nước, cổ vũ cho quan hệ hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đồng thời củng cố quan hệ giữa hai quốc gia. Dịp này hai bên cũng trao đổi những lời chúc mừng năm mới. - VOA
|
|
6.
Báo Trung Quốc chê đảo nhân tạo của Việt Nam không bằng của TQ
Một cơ sở truyền thông Trung Quốc, China Youth Net, đã đưa các ảnh vệ tinh chụp các đảo nhân tạo của Trung Quốc và Việt Nam lên mạng để giễu cợt đảo nhân tạo do Việt Nam xây trong Biển Đông.
Trang mạng China Youth Net hôm nay (5/2), nói những hình ảnh vệ tinh này là bằng chứng Việt Nam đã xây đảo nhân tạo bất hợp pháp trên một hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc gọi là Nam Sa.
Trang mạng này cho rằng Việt Nam đã nạo vét biển lấy cát để xây hai đảo nhân tạo trong Biển Đông. Họ nói giờ đây, về phần lớn tại các đảo do Việt Nam xây, cát đã bị cuốn trôi ra biển, vì “kỹ năng công nghệ thấp kém của Việt Nam” trong tiến trình cải tạo đất.
Tờ Nhân Dân Thời Báo đã tiếp tục khai thác câu chuyện này, nói rằng toàn thể diện tích đất do Việt Nam cải tổ lên tới 0,03 km vuông.
Khi được hỏi về các bản tin này, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng lặp lại rằng “lập trường của Trung Quốc vẫn không thay đổi: đó là Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi trên các đảo trong Biển Đông và các vùng lãnh hải chung quanh”.
Trang mạng China Youth Net không tập trung chỉ trích Việt Nam cải tạo đất, mà chủ ý muốn khoe rằng về mặt công nghệ và khả năng xây đảo nhân tạo của Trung Quốc hơn xa Việt Nam.
Bài báo viết: “Xây đảo nhân tạo không giản dị như người ta tưởng. Đây là một công trình cực kỳ phức tạp, thể hiện quyền lực quốc gia của một nước”. - VOA
No comments:
Post a Comment