Friday, February 12, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 12/2

Tin Thế Giới

1.
Nga phẫn nộ về kế hoạch bành trướng của NATO ở Đông Âu

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ gặp người đứng đầu liên minh NATO, ông Jens Stoltenberg, trong ngày thứ Sáu tại một hội nghị an ninh ở Munich, sau khi liên minh quân sự phương Tây này và Hoa Kỳ loan báo các kế hoạch củng cố quân sự lớn nhất tại châu Âu tính từ sau Chiến tranh Lạnh.

Hoa Kỳ sẽ tăng gấp 4 lần mức chi tiêu quân sự tại Âu châu lên tới 3,4 tỉ trong năm 2017, giữa lúc NATO tăng quân số luân phiên và các chương trình huấn luyện, tăng kho thiết bị quân sự và vũ khí, và đồng thời thành lập một lực lượng phản ứng nhanh.

Nga gọi các hành động của NATO là một mối đe dọa cho sự ổn định tại châu Âu. Liên minh quân sự NATO nói các kế hoạch mới của họ là nhằm trấn an các đồng minh ở Đông Âu, lo ngại về các hành động hung hăng của Nga.

Quân đội Nga được đặt trong tình trạng báo động cao và mở các cuộc thao diễn quân sự bất thường tại trung bộ và nam bộ Nga gần Ukraine, giữa lúc Bộ trưởng Quốc phòng các nước NATO tụ tập tại Brussels trong tuần này để đề ra những bước hầu bảo vệ vùng Baltic và Đông Âu.

Truyền thông nhà nước Nga mô tả kế hoạch của NATO là "khoa gươm múa kiếm".

Bộ Ngoại giao Nga nói đây là một kế hoạch để kiềm chế nước Nga và là một mối đe dọa cho châu Âu.

Nhưng các nhà phân tích chính trị Nga nói họ không mấy lo lắng về một cuộc chạy đua vũ khí mới, bởi vì NATO là một lực lượng để răn đe, chứ không đặt ra một đe dọa đáng kể nào cho nước Nga, một nước trang bị vũ khí hạt nhân. - VOA
|
|

2.
Đức Giáo Hoàng lên đường sang Cuba trong chuyến đi lịch sử

Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người lãnh đạo Giáo hội Công giáo La Mã, đã lên đường để thực hiện một chuyến đi sẽ đưa Ngài đến Mexico, với một chặng dừng chân ở Cuba trong một cuộc gặp lịch sử với lãnh tụ của Giáo hội Chính Thống giáo Nga, Đức Thượng Phụ Kirill.

Đức Thượng Phụ Kirill đang ở thăm Cuba trong một chuyến công du chính thức. Tòa thánh Vatican loan báo hồi tuần trước rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ dừng chân tại phi trường quốc tế Jose Marti ở La Havana, để dự một cuộc ‘đối thoại riêng tư’ với Đức Thượng Phụ của Giáo hội Chính Thống giáo và ký một bản tuyên bố chung. Chi tiết của tuyên bố này chưa được công bố.

Cuộc gặp gỡ trong ngày thứ Sáu là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa lãnh đạo của hai giáo hội này. Đây là một nỗ lực nhằm hàn gắn sự rạn nứt trong nội bộ đạo Kitô giữa Đông và Tây đã kéo dài 1.000 năm nay.

Sự rạn nứt giữa hai giáo hội từ năm 1054 tới nay đã xấu đi vì những vấn đề chẳng hạn như vị thế thượng tôn của Đức Giáo Hoàng và những tố cáo từ Giáo hội Chính Thống giáo Nga rằng Giáo hội Công giáo La Mã đang tìm cách cải đạo các tín đồ của Giáo hội Chính Thống giáo ở nước Nga. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Hoa Kỳ: Clinton và Sanders chinh phục cử tri da màu

Tranh luận trong bầu cử sơ bộ đảng Dân Chủ để chọn ứng cử viên chính thức diễn ra ngày hôm qua 11/02/2016, tại Milwaukee, bang Wisconsin. Thắng lợi của ông Bernie Sanders tại bang New Hamphsire buộc bà Hillary Clinton vào thế tấn công mạnh để làm chủ lại tình thế. Cuộc tranh đua đã được mở rộng nhằm chinh phục lá phiếu của cộng đồng người Mỹ gốc Phi.

Từ Washington, thông tín viên RFI, Anne-Marie Capomaccio cho biết thêm :

« Bernie Sanders và Hillary Clinton vẫn tỏ ra rất nhã nhặn. Thế nhưng sau thắng lợi lớn của thượng nghị sĩ vùng Vermont tại bang New Hampshire hôm thứ Ba (09/02/2016), mọi việc rõ ràng đã có thay đổi. Và các đợt tấn công đã nổ ra. Hillary Clinton, trước một đối thủ bướng bỉnh hơn dự kiến, buộc phải tìm cách làm chủ lại tình thế. 

Cựu ngoại trưởng Mỹ một lần nữa đã đánh vào « những đề nghị xã hội mị dân của ứng viên Sanders », khi cho là « những số liệu đó không trùng khớp » và ông sẽ « không giữ lời hứa ». Thượng nghị sĩ Sanders đáp trả : « Thưa bà Clinton, bà vẫn chưa bước vào Nhà Trắng ». 

Kể từ giờ, bầu cử sơ bộ sẽ dịch chuyển về những bang phía nam. Những bang này mang tính đại diện cho nước Mỹ cao hơn là tại Iowa hay New Hampshire, hai bang có đến 95% là người « da trắng ». Cả hai ứng viên Dân Chủ đã cố gắng thu hút nhiều hơn nữa cộng đồng người Mỹ gốc Phi. Một trong những lập luận mà cả hai cùng đưa ra là kế thừa Barack Obama. 

« Giờ thượng nghị sĩ Sanders có nói là tổng thống Obama đã thất bại trong cuộc trắc nghiệm ‘làm tổng thống’ » và « đây cũng không phải là lần đầu tiên ông ấy chỉ trích tổng thống Obama », bà Hillary Clinton tuyên bố. Đáp lại, ông Bernie Sanders lên án « cú đánh hèn » của cựu ngoại trưởng Mỹ. 

Tối thứ Năm, bà Hillary Clinton đã nhận được sự ủng hộ của nhiều đại biểu gốc Phi tại Quốc Hội, nhưng diễn viên điện ảnh Harry Belafonte, gương mặt tiêu biểu đấu tranh đòi quyền công dân đã dấn thân cho Bernie Sanders. Cuộc hẹn sắp tới sẽ diễn ra vào cuối tháng Hai này tại bang South Carolina và Nevada". - RFI
|
|

4.
Cách hiểu đơn giản về sóng hấp dẫn --- Phát hiện sóng hấp dẫn từ hố đen

Trước hết, sóng là cái gì?

Trong vật lý có rất nhiều thứ được gọi là sóng.

Khi ném đá xuống nước thì nó tạo thành sóng lan tỏa từ chỗ đá chạm nước ra xung quanh.

Khi phát wifi trong nhà thì nó cũng là sóng (điện từ) từ chỗ phát ra xung quanh. Khi nói thì nó cũng là sóng âm thanh từ mồm ta phát ra xung quanh. Hay như động đất cũng thành các đợt sóng lan tỏa.

Tất cả các thứ "sóng" khác nhau đó có chung mấy đặc điểm:

Có nguồn phát

Có chuyển động lan truyền (và như vậy có vận tốc lan truyền)

Có thể hiểu như là một "biến dạng" của không gian / môi trường, và sự biến dạng đó hay có tính tuần hoàn (dạng đồ thị hàm sinus) tuy không phải nhất thiết lúc nào cũng vậy

Vì sao sóng thường có tính tuần hoàn?

Nói nôm na là do năng lượng và vật chất có hạn, phải bù trừ cho nhau chỗ này lồi ra thì chỗ kia phải lõm vào để bù lại, rồi chỗ lõm vào lại sinh ra chỗ lồi ra để bù lại, và cứ thế (sao cho tổng bù trừ cho nhau chỉ còn một số nhỏ, chứ nếu không năng lượng cần thiết sẽ quá lớn).

Một khi tuần hoàn thì người ta nói đến các tần số, có thể là từ 10 mũ âm bao nhiêu đó Hertz cho đến 10 mũ bao nhiêu đó Hertz.

Sóng "gravitational" cũng vậy.

Gọi là "gravitational" (hấp dẫn?) là vì nó ứng với không-thời gian space-time có độ cong (không phẳng) theo lý thuyết tương đối của Einstein (vật chất làm cong không-thời gian, mật độ vật chất càng cao thì càng cong, làm bẻ cong ánh sáng v.v).

Khi mà nó cong một cách "mềm mại" (chỗ nào cũng bằng nhau, hoặc thay đổi một cách đều đặn như kiểu giảm dần hay tăng dần) thì ta không cảm thấy có sóng.

Ta (tức là các máy đo) thấy có sóng khi độ cong của không-thời gian thay đổi nhấp nhô lên xuống, tương tự như là các gợn sóng trên mặt nước vậy.

Khi hai "lỗ đen" "đâm vào nhau" thì chúng làm méo mó cái không thời gian tại khu vực của chúng một cách khủng khiếp, và sự méo mó đó nó lan toả dần ra xung quanh dưới dạng sóng gravitational, cũng tương tự như là hòn đá ném xuống nước thì tạo sóng.

Hiện tượng sóng gravitational từ hai lỗ đen đâm nhau dễ "bắt sóng" được vì nó rất lớn, năng lượng tỏa ra kinh khủng. (Có đến 1/20 toàn bộ khối lượng của hai lỗ đen bị tỏa ra ngoài?)

Chứ thực ra rất nhiều hiện tượng hết sức bình thường trong vũ trụ cũng đều tỏa sóng gravitational, chỉ có điều chúng dễ bị lẫn, khó bắt và khó xác định là từ đâu.

Ví dụ là bản thân việc Trái Đất quay quanh Mặt Trời cũng tạo sóng hấp dẫn, nhưng sóng đó rất nhỏ, mức năng lượng tỏa ra đâu có mỗi 200 wat (bằng một cái máy tính để bàn?) - BBC

***
Các khoa học gia nói đã có phát hiện kinh ngạc có thể giúp chúng ta hiểu được lực hấp dẫn.

Các nhà khoa học đã quan sát gợn không gian - thời gian được tạo ra từ cú va chạm của hai hố đen nằm cách Trái Đất hơn một tỷ năm ánh sáng.

Nhóm nghiên cứu quốc tế nói rằng việc lần đầu tiên phát hiện ra các sóng hấp dẫn này sẽ dẫn tới việc mở ra một kỷ nguyên mới về ngành nghiên cứu không gian.

Đây là thành tựu cao nhất con người đã đạt được trong suốt hàng thập niên qua và nó rốt cuộc sẽ có thể mở cánh cửa để chúng ta hiểu rõ hơn về Vụ Nổ Lớn (Big Bang).

Kết quả nghiên cứu do nhóm Ligo Collaboration thực hiện đã được chấp nhận cho đăng trên tạp chí khoa học Physical Review Letters.

Ligo có một loạt các cơ sở thí nghiệm trên toàn thế giới, là những nơi có khả năng phóng tia laser qua những đường ống dài để qua đó tìm cách phát hiện ra những gợn sóng trong kết cấu không gian - thời gian.

Các tín hiệu được trông đợi là khi thu được sẽ cực yếu, chỉ đủ tác động vào các máy giao thoa với mức một phần chiều rộng của một nguyên tử.

Thế nhưng việc hợp nhất hố đen đã được bắt tín hiệu tại hai cơ sở riêng rẽ của Ligo tại Hoa Kỳ.

"Chúng tôi đã phát hiện được các sóng hấp dẫn," David Reitze, giám đốc điều hành của dự án Ligo, nói với các phóng viên tại cuộc họp báo ở Washington DC.

Giáo sư Karsten Danzmann từ Viện nghiên cứu Lực hấp dẫn Max Planck và Đại học Leibniz ở Hannover, Đức, là một chuyên gia hàng đầu châu Âu.

Ông nói phát hiện này là một trong những bước tiến khoa học quan trọng nhất kể từ khi phát hiện ra được hạt Higgs tới này, và có thể so sánh nó với việc xác định được cấu trúc DNA.

"Xứng đáng đoạt giải Nobel - không có gì phải nghi ngờ hết," ông nói với BBC.

"Đây là lần đầu tiên chúng ta trực tiếp phát hiện được sóng hấp dẫn; đây là lần đầu tiên chúng ta trực tiếp phát hiện ra hố đen và điều này chính là sự xác nhận độ đúng đắn của Thuyết Tương đối Rộng, bởi thuộc tính của các hố đen này quả chính xác là những gì mà Einstein đã dự đoán 100 năm trước."

Quan điểm trên cũng được Giáo sư Stephen Hawking, chuyên gia về hố đen, đồng tình.

Trả lời độc quyền BBC News, ông nói ông tin rằng phát hiện mới đánh dấu một thời điểm quan trọng trong lịch sử khoa học.

"Sóng hấp dẫn đem lại một cách thức hoàn toàn mới để chúng ta nhìn vào Vũ trụ. Việc phát hiện ra chúng sẽ mở ra đầy tiềm năng để chúng ta làm cách mạng trong ngành nghiên cứu vũ trụ. Đây là lần đầu tiên một hệ thống hố đen nhị nguyên được phát hiện và là lần đầu tiên ta quan sát được việc các hố đen nhập vào nhau," ông nói.

"Bên cạnh việc thử nghiệm Thuyết Tương đối Rộng của Abert Einstein, chúng ta có thể hy vọng là sẽ nhìn được các hố đen thông qua lịch sử Vũ trụ. Chúng ta thậm chí có thể nhìn thấy được những thánh tích của Vũ trụ thời kỳ đầu." - BBC
|
|

Tin Việt Nam

5.
Thủ tướng Dũng 'đổi ý giờ chót, sẽ gặp Obama'

Tin cho biết Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ dự hội nghị thượng đỉnh Asean ở California, sau nỗ lực ngoại giao của Mỹ.

Trước đó BBC được cho biết ông Dũng sẽ không dự hội nghị thượng đỉnh Asean, lần đầu do Tổng thống Mỹ Barack Obama tổ chức tại Sunnylands, California ngày 15 và 16/2.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh được cử tham dự hội nghị.

Nhưng đến cuối ngày thứ Sáu 12/2, các nguồn tin tiết lộ Việt Nam thông báo với phía Mỹ rằng Thủ tướng Việt Nam sẽ dẫn đầu đoàn.

Theo phóng viên Lê Quỳnh, đã có các hoạt động ngoại giao dồn dập vào phút chót do Mỹ muốn lãnh đạo cao cấp của Việt Nam dự hội nghị.

“Được biết một quan chức ngoại giao cao cấp của Mỹ đã điện đàm với Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh hôm 12/2. Trước đó, Đại sứ Mỹ Ted Osius cũng xin gặp phía Việt Nam để thuyết phục.

“Đến cuối giờ chiều ngày thứ Sáu 12/2, Việt Nam xác nhận với Mỹ sẽ có thay đổi, để Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn,” theo phóng viên Lê Quỳnh.

Một nguồn tin khác nói Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh sẽ đi cùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Trung tâm Sunnylands ở bang California là nơi thường tổ chức các sự kiện cấp cao của chính phủ Mỹ ngoài thủ đô Washington.

Đây sẽ là lần đầu tiên Mỹ đón tiếp các lãnh đạo Asean tại một hội nghị thượng đỉnh ở Mỹ.

Tuy vậy, Myanmar nói Tổng thống Thein Sein, người sắp mãn nhiệm, sẽ không dự.

Phó Tổng thống Nyan Htun sẽ thăm Hoa Kỳ thay Tổng thống Thein Sein.

Trước đó cùng ngày 12/2, Myanmar đã nói họ nghe tin ông Dũng không dự hội nghị.

Bộ trưởng Thông tin Myanmar Ye Htut cho biết Tổng thống Thein Sein không dự hội nghị, mà cử phó tổng thống đi dự.

Ông Ye Htut cũng nói ông được biết Thủ tướng Việt Nam không dự hội nghị.

"Tổng thống Obama sẽ hiểu tại sao tổng thống chúng tôi không thể dự. Chúng tôi cũng biết Thủ tướng Việt Nam sẽ không dự."

Việc Việt Nam thay đổi kế hoạch vào phút chót, sau nỗ lực ngoại giao của Mỹ, chứng tỏ quan hệ ngày càng thắt chặt giữa hai nước cựu thù.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đang có năm cuối cùng tại vị.

Hội nghị Sunnylands là cơ hội để ông khẳng định Mỹ xem trọng Đông Nam Á trong chiến lược tái cân bằng ở châu Á. - BBC
|
|

6.
Tòa án Mỹ cho phép báo Người Việt tiếp thu ‘đối thủ’ Sài Gòn Nhỏ

Báo Người Việt có thể tiếp thu việc quản lý tờ báo ‘đối thủ’ Sài Gòn Nhỏ để giải quyết số tiền 4,5 triệu đôla mà trước đó tòa án đã buộc báo Sài Gòn Nhỏ phải bồi thường cho Người Việt vì tội vu khống và phỉ báng.

Phán quyết đưa ra hồi tuần rồi của tòa án phá sản liên bang, mà báo Sài Gòn Nhỏ đã lập tức kháng  cáo, là diễn biến mới nhất trong vụ kiện kéo dài 3 năm nay giữa hai tờ báo của người Việt ở bang California, Mỹ.

Hồi tháng 12/2014, Tòa thượng thẩm quận Cam đã ra phán quyết rằng Báo Sài Gòn Nhỏ và chủ nhân của tờ này là bà Brigitte Huỳnh (Hoàng Dược Thảo) đã phỉ báng báo Người Việt và chủ nhiệm tờ báo này là ông Phan Huy Đạt khi cáo buộc họ có liên hệ với cộng sản trong một bài bình luận vào năm 2012.

Bài báo năm 2012 của Báo Sài Gòn Nhỏ nói rằng giám đốc điều hành của tờ Người Việt là một điệp viên cộng sản, làm việc cho Việt Nam. Tờ Người Việt sau đó đã kiện Sài Gòn Nhỏ vì cho rằng những tố cáo sai trái trên làm ảnh hưởng tới việc kinh doanh của tờ báo.

Phán quyết của tòa án buộc báo Sài Gòn Nhỏ phải bồi thường cho báo Người Việt 4,5 triệu đôla vì tội vu khống và phỉ báng. Tòa án yêu cầu báo Sài Gòn Nhỏ phải chuyển giao tài sản cho báo Người Việt để giải quyết số tiền bồi thường trên, nhưng bà Huỳnh trước đó đã khai phá sản.

Trong phán quyết tuần rồi, thẩm phán Mark Wallace nói ông sẽ bỏ qua thời gian 14 ngày thông thường dành cho các vụ khai phá sản để báo Người Việt có thể tiếp thu ngay lập tức tờ Sài Gòn Nhỏ. Vị chánh án này viết: “Tòa đặc biệt quan ngại về khả năng có thể có thêm phỉ báng”.

Qua thông báo được luật sư công bố hôm thứ Ba, bà Huỳnh nói bà sẽ tôn trọng phán quyết của tòa án trong khi chờ kháng cáo. Nhưng bà sẽ quyết liệt và kiên trì theo đuổi mục đích phục vụ người yếu thế và bị áp bức.

Báo Người Việt được thành lập năm 1978 với lượng phát hành hàng ngày gần 14.000 tờ.

Trong khi đó, tuần báo Sài Gòn Nhỏ, tự nhận là “Tiếng nói của người Việt Nam không Cộng sản”, được thành lập năm 1985 tại thành phố Westminster và được phát hành trên toàn nước Mỹ với lượng phát hành khoảng 70.000 tờ. - VOA

No comments:

Post a Comment