Saturday, February 13, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 13/2

Tin Thế Giới

1.
Mỹ bố trí phi đạn Patriot ở Hàn Quốc

Mỹ đã tạm thời bố trí thêm một đơn vị phi đạn Patriot ở Hàn Quốc để ứng phó với vụ thử nghiệm hạt nhân và vụ phóng phi đạn tầm xa của Bắc Triều Tiên.

Một viên chỉ huy cao cấp của Mỹ ở Hàn Quốc, Trung tướng Thomas Vandal, nói “những hoạt động như thế này là để bảo đảm rằng chúng tôi luôn sẵn sàng để phòng vệ khi có một vụ tấn công từ Bắc Triều Tiên.”

Một giới chức quốc phòng Hàn Quốc xác nhận là vụ bố trí tạm thời này diễn ra trước cuộc thảo luận mà Hoa Kỳ và Hàn Quốc định thực hiện vào tuần sau để bàn về việc bố trí một hệ thống phòng thủ phi đạn tối tân hơn.

Tuần trước, Washington và Seoul chính thức loan báo ý định bố trí hệ thống THAAD ở Hàn Quốc càng sớm càng tốt.

Hôm qua, một giới chức của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc không muốn nêu danh tánh cho biết cuộc họp chính thức vào tuần sau sẽ xác định thời gian và địa điểm bố trí hệ thống THAAD.

Giới chức này cũng nhấn mạnh là việc bố trí hệ thống THAAD chỉ có mục đích bảo vệ Hàn Quốc trước khả năng hạt nhân và phi đạn mỗi ngày một tăng của Bắc Triều Tiên, và sẽ không nhắm vào những quốc gia khác trong khu vực.

Trung Quốc và Nga đã tỏ ý chống đối kế hoạch của Hàn Quốc và Mỹ. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm thứ sáu đã bày tỏ “quan tâm sâu sắc” và nói rằng hệ thống này sẽ “gây phương hại đáng kể cho lợi ích chiến lược của Trung Quốc.”

Cũng trong ngày hôm qua, Quốc hội Mỹ đã thông qua một dự luật để áp đặt thêm các biện pháp chế tài Bắc Triều Tiên. Dự luật đang được chuyển tới Tổng thống Barack Obama, và dự kiến sẽ được nhà lãnh đạo Mỹ ký ban hành trong nay mai. - VOA
|
|

2.
Biển Đông: Manilla đàm phán với Bắc Kinh nếu thắng kiện ở La Haye

Ít ngày trước Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN tại California-Hoa Kỳ, mà trọng tâm là hồ sơ Biển Đông, ngoại trưởng Philippines có một phát biểu quan trọng. Ông Albert del Rosario khẳng định Manila cần xem xét khả năng đàm phán song phương với Bắc Kinh, nếu Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye ra phán quyết có lợi cho Philippines trong vụ kiện các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên gần như toàn bộ Biển Đông.

Hãng tin Reuters dẫn lại cuộc phỏng vấn của đài truyền hình ABS-CBN, hôm qua, 12/02/2016, theo đó ngoại trưởng mãn nhiệm Philippines del Rosario khẳng định : « Một tiếp cận song phương là tốt », và « khi Tòa ra phán quyết và nếu phán quyết này nghiêng về phía chúng ta, tôi cho rằng chúng ta cần khởi sự một đối thoại song phương, bởi vì chúng ta có sẵn một cơ sở, dựa trên đó, chúng ta sẽ có thể tiến hành thương thuyết một cách vững chắc. Nếu phán quyết không có lợi cho chúng ta, thì chính họ sẽ tìm đến chúng ta ». 

Vụ Philippines kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng Tài Thường Trực được khởi sự từ năm 2013. Trung Quốc không thừa nhận thẩm quyền của tòa án này, và cho rằng mọi tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông phải được giải quyết theo con đường đàm phán song phương. Theo ngoại trưởng del Rosario, tòa có thể ra phán quyết vào tháng Năm tới.

Ngoại trưởng Albert del Rosario rất tin tưởng vào chiến thắng của Philipines trong vụ kiện này. Ông del Rosario được coi làn người kiến tạo chính sách kiên quyết bảo vệ chủ quyền trên biển của Manila dựa trên luật pháp quốc tế. Yêu sách đường 9 đoạn (còn gọi là « đường lưỡi bò ») của Trung Quốc tại Biển Đông (cũng được gọi là Biển Tây Philippines) bị nhiều quốc gia láng giềng, như Việt Nam, coi là một đòi hỏi hết sức phi lý, nhưng Philippines là quốc gia đầu tiên kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.

Vẫn trong cuộc trả lời phỏng vấn nói trên, ngoại trưởng Philippines khẳng định : « Lập trường của Trung Quốc về Biển Đông là hoàn toàn phi pháp. Chúng tôi (người Philippines) bị ngăn cản thực hành các quyền của chúng tôi trên chính lãnh thổ nước mình ». Lãnh đạo ngoại giao Philippine nhấn mạnh, nếu Trung Quốc muốn trở thành « một thế lực toàn cầu », « họ phải tôn trọng các quốc gia khác », và « tuân thủ luật pháp quốc tế".

Ngoại trưởng Philippines, 76 tuổi, sẽ chính thức từ nhiệm vào ngày 07/03 tới, vì lý do sức khỏe. Ông Albert del Rosario hy vọng tân tổng thống (được bầu lên với cuộc bỏ phiếu tháng 5 tới) sẽ tiếp tục chính sách về Biển Đông, mà ông là người đặt nền móng. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Mỹ tái khẳng định sự ủng hộ cho Âu châu về vấn đề Ukraine và người tị nạn

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã tái khẳng định sự liên kết mạnh mẽ giữa Hoa Kỳ với Âu châu, và nói rằng Washington có “một lợi ích rất lớn” đối với sức mạnh và sự thành công của Âu châu trong lúc họ đối mặt với những mối căng thẳng mới với Nga và với làn sóng người tị nạn.

Ông Kerry phát biểu như vậy ngày hôm nay trong bài diễn văn đọc tại hội nghị an ninh NATO ở Munich. Ông bảo đảm với các đồng minh của Mỹ là Washington ủng hộ họ trong vụ khủng hoảng Ukraine, vụ khủng hoảng người tị nạn và vấn đề Anh có tiếp tục ở lại trong Liên hiệp Âu châu hay không.

Ông nói “Có một việc rất rõ ràng trong ngày hôm nay là mặc dầu Chiến tranh Lạnh chấm dứt đã lâu, nhưng sự dũng cảm và quyết tâm để bảo vệ tự do và theo đuổi hoà bình là hết sức cần thiết, không khác gì nửa thế kỷ trước.”

Cũng trong ngày hôm nay, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố sự phối hợp giữa quân đội Mỹ và Nga là cần thiết để cho một cuộc ngưng bắn ở Nga có hiệu quả. Ông nói thêm rằng sự phối hợp hàng ngày giữa quân đội hai nước là “công cụ chính” để bảo đảm cho việc đưa hàng cứu trợ tới Syria và chấm dứt những hành động thù địch. Ông than phiền là sự phối hợp đó chưa đi xa hơn một thoả thuận để tránh xảy ra những vụ việc ngoài ý muốn giữa máy bay quân sự của hai nước ở Syria.

Trước đó trong ngày hôm nay, cũng tại hội nghị này, Thủ tướng Nga nói rằng “chính sách của NATO liên quan tới Nga vẫn tiếp tục không thân thiện và mù mờ. Thậm chí có thể nói là chúng ta đã quay lại với một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.” Phát biểu đó tương tự phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội nghị Munich năm 2007. Nhưng ông Medvedev nói rằng tình hình đã trở nên xấu hơn. Hôm nay, ông nói “bức tranh u ám hơn, những diễn tiến từ năm 2007 đã xấu hơn dự kiến.”

Căng thẳng giữa Nga và NATO đã gia tăng vì Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine và ủng hộ chính phủ Syria trong cuộc nội chiến ở nước này. - VOA
|
|

4.
Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN và vấn đề Trung Quốc

Từ ngày 15 đến 16 tháng 2, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và lãnh đạo các nước thuộc ASEAN sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh ở Sunnylands, California, Mỹ. Theo giới chức Hoa Kỳ, đây là cuộc gặp nhằm thắt chặt hơn quan hệ giữa Mỹ và ASEAN trong chiến lược tái cân bằng về châu Á Thái Bình Dương của Mỹ. Cuộc gặp diễn ra giữa lúc Trung Quốc đang có những hành động bồi đắp các đảo nhân tạo tại khu vực quần đảo Trường Sa đang tranh chấp với một số nước ASEAN, gây quan ngại cho Hoa Kỳ và các nước trong khu vực về khả năng Trung Quốc sẽ quân sự hóa khu vực biển Đông. Vấn đề Trung Quốc sẽ được đề cập thế nào tại thượng đỉnh lần này?

Không chống Trung Quốc

Đại diện chính phủ Hoa Kỳ nhiều lần khẳng định, cuộc họp thượng đỉnh giữa Mỹ và ASEAN vào giữa tháng hai tại Sunnylands không nhằm chống lại Trung Quốc và cuộc gặp hoàn toàn không phải về Trung Quốc.

Phát biểu trong buổi họp báo tại Washington DC vào hôm 10 tháng 2, ông Daniel Kritenbrink, Giám đốc cao cấp phụ trách khu vực châu Á thuộc Hội đồng An Ninh quốc gia của Mỹ nói

Thượng đỉnh này không vì Trung Quốc. Thượng đỉnh này là về Mỹ và ASEAN và quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng hơn giữa hai bên.

Câu trả lời này cũng khẳng định lại câu trả lời mà ông Daniel Russel, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nói với các hãng tin quốc tế trước đó rằng cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai bên không nhằm chống lại Trung Quốc.

Dù khẳng định cuộc gặp không phải về Trung Quốc, nhưng đại diện chính phủ Hoa Kỳ cũng cho biết Trung Quốc sẽ được đề cập đến. Ông Krintenbrink nói tiếp

Chúng tôi sẽ đề cập đến Trung Quốc bởi vì đây là về châu Á và Trung Quốc là người chơi chính ở khu vực châu Á.

Trước đó, trong cuộc họp báo vào ngày 9 tháng 2, ông Dan Krintenbrink cho biết tại thượng đỉnh lần này Tổng thống Mỹ sẽ kêu gọi các bên đòi chủ quyền ở biển Đông phải ngừng ngay các hành động xây lấp, ngừng việc xây dựng các cơ sở và không thực hiện quân sự hóa các tiền đồn ở khu vực biển Đông.

Trung Quốc hiện là nước đòi chủ quyền phần lớn khu vực biển Đông và đang có tranh chấp tại khu vực này với các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan. Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ công bố hồi năm ngoái cho thấy Trung Quốc là nước đang cho xây lấp nhiều nhất ở khu vực quần đảo Trường Sa đang tranh chấp với các nước.

Theo báo cáo này, quá trình xây lấp trên 7 đảo và bãi đá được Trung Quốc bắt đầu tiến hành từ tháng 12 năm 2013 và nước này đã bồi đắp được hơn 1,170 hecta đất tính đến tháng 6 năm 2015, nhiều hơn 17 lần trong vòng 20 tháng so với tổng cộng đất đai được bồi đắp bởi các quốc gia có tranh chấp khác trong khu vực trong suốt 40 năm qua. Trung Quốc cũng đã cho tiến hành xây cất 3 đường băng tại khu vực quần đảo Trường Sa và vào ngày 2 tháng giêng vừa qua đã cho thực hiện chuyến bay đầu tiên đến bãi chữ thập. Những hành động này của Trung Quốc khiến Hoa Kỳ và các nước trong khu vực lo ngại Trung Quốc sẽ tiến hành quân sự hóa khu vực biển Đông trong thời gian không xa.

Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Russel cho biết thượng đỉnh lần này sẽ cho các nước ASEAN và Mỹ cơ hội thảo luận thực sự về nhiều vấn đề liên quan đến biển Đông và vì vậy lãnh đạo các quốc gia có thể tự quyết định đưa ra các tuyên bố riêng liên quan đến tranh chấp biển Đông và hành động của Trung Quốc.

Đây là cơ hội cho một thảo luận thực sự. Không giống như một thượng đỉnh theo tiêu chuẩn hay một thượng đỉnh Đông Á. Sẽ không có một áp lực nào cụ thể để tìm một công thức chính xác cho một tuyên bố để gửi đi một thông điệp. Các lãnh đạo sẽ có những thảo luận riêng của họ và quyết định những thông điệp cho công chúng nào mà họ sẽ đưa ra tại các cuộc họp báo hay các cách khác. 

Hoa Kỳ sẽ trợ giúp ASEAN thế nào

Liên quan đến vấn đề tranh chấp biển Đông, bước vào thượng đỉnh lần này, Hoa Kỳ và ASEAN cũng phải đối mặt với một loạt những thách thức cần phải giải quyết bao gồm bế tắc trong đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), khả năng đối phó với sức mạnh của Trung Quốc của các nước thuộc ASEAN, và sự không thống nhất của ASEAN trong việc tìm giải pháp cho tranh chấp này.

Theo ông Murray Hiebert, chuyên gia cao cấp về Đông Nam Á của Trung Tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế tại Washington DC, những thảo luận để nhằm đạt được COC sẽ chiếm nhiều thời gian của thượng đỉnh lần này:

Theo tôi phần lớn các cuộc thảo luận với ASEAN sẽ là các hợp tác bao gồm cả hợp tác với Trung Quốc để tìm ra giải pháp nhằm đạt được bộ quy tắc về ứng xử đã được đàm phán  hơn 10 năm qua mà chưa đạt được bước tiến gì.

Trợ giúp của Hoa Kỳ đối với các nước thành viên ASEAN trong vấn đề an ninh biển cũng được cho là phần thảo luận quan trọng tại thượng đỉnh lần này. Theo chuyên gia Murray Hiebert, những trợ giúp này chính là những đề nghị mà Tổng thống Mỹ và Bộ Trưởng Quốc phòng Mỹ đưa ra với ASEAN tại Kualar Lumpur, Malaysia vào năm ngoái.

Một trong những đề nghị mà Hoa Kỳ đã đưa ra cho ASEAN  mà đã được Tổng Thống Mỹ và Bộ trưởng Quốc PHòng Mỹ Carter nói đến cuối năm ngoái là Hoa Kỳ giúp cải thiện khả năng đối với các nước ở ASEAN liên quan đến Bộ Nhận thức về các vấn đề hàng hải. Họ có thể bàn về vấn đề này liên quan đến việc Hoa Kỳ trang bị rada, tàu cho lực lượng tuần duyên. Những trang bị này không chỉ nhằm đối phó với Trung Quốc mà còn giúp các nước ASEAN trong việc đối phó với cướp biển.

Chuyên gia Hiebert hy vọng Tổng thống Obama sẽ làm rõ chi tiết về sáng kiến an  ninh biển Đông Nam Á trị giá khoảng 250 triệu đô la mà Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter công bố lần đầu tiên tại đối thoại Shangri-la ở  Singapore hồi tháng 5 năm ngoái, trong nỗ lực nhằm giúp tăng cường khả năng của hải quân và tuần duyên các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia, và Indonesia.

Ảnh hưởng của Trung Quốc với ASEAN

Ảnh hưởng của Trung Quốc đến ASEAA, chia rẽ trong khối xung quanh những hành động của Trung Quốc, và cách thức giải quyết các xung đột với Trung Quốc được cho là một thách thức không nhỏ tại thượng đỉnh lần này.

Trong khi Việt Nam và Philippines là những nước lên tiếng mạnh mẽ nhất trước các hành động của Trung Quốc ở biển Đông, các nước có tranh chấp khác thuộc ASEAN như Malaysia và Brunei dường như ít có hoặc không có những phản ứng mạnh mẽ với Trung Quốc.

Trước thượng đỉnh, trong chuyến công du châu Á vào cuối tháng 1, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nhận được lời hứa từ lãnh đạo mới của Lào, nước Chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm nay, rằng nước này phản đối những hành động quân sự hóa khu vực biển Đông. Tuy nhiên Thủ tướng Campuchia, Hun Sen, hôm 5 tháng 2 vừa qua đã lên tiếng khẳng định lập trường một lần nữa của Campuchia cho rằng vấn đề tranh chấp ở biển Đông phải được giải quyết song phương giữa Trung Quốc và các nước có tranh chấp vì ASEAN không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Campuchia là nước được cho là ngả về phía Trung Quốc. Hồi năm 2012 khi Campuchia là Chủ tịch luân phiên của ASEAN, khối này đã không thể đưa ra một tuyên bố chung về vấn đề biển Đông có liên quan đến Trung Quốc.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ khẳng định nước này sẽ tiếp tục chính sách hỗ trợ và tôn trọng sự độc lập của ASEAN thay vì can thiệp trực tiếp. Trợ lý ngoại trưởng Daniel Russel phát biểu tại họp báo hôm 10 tháng 2

Chính sách của Hoa Kỳ là hỗ trợ và khuyến khích sự đoàn kết, hiệu quả của ASEAN.

Không chỉ đích danh Trung Quốc nhưng ông Daniel Russel tự tin cho rằng vì ASEAN đã vượt qua những khác biệt để làm việc cùng nhau nên nhữn nỗ lực từ bên ngoài nhằm chia rẽ và suy yếu ASEAN cuối cùng sẽ thất bại. - RFA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Thủ tướng 'đi cùng đoàn lớn'

Trong diễn biến bất ngờ vào phút chót, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng quyết định tới Sunnylands tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Asean vào thứ Hai 15/2 này.

Theo một số nguồn tin, tháp tùng ông thủ tướng sẽ là một đoàn đông đảo bao gồm một số ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII, trong có Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Trước đó, khi thông tin đưa ra là ông Nguyễn Tấn Dũng không đi, ông Phạm Bình Minh đã được ủy quyền dẫn đầu đoàn.

Các nguồn chính thống từ Hà Nội chưa đưa bất cứ thông tin gì liên quan tới sự tham gia của Việt Nam tại hội nghị Sunnylands.

Gặp riêng Obama

Theo tin mà BBC có được, ngoài lịch trình họp chung cùng lãnh đạo 9 quốc gia Asean khác trong hai ngày hội nghị 15 và 16/2, ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ có cuộc gặp riêng với Tổng thống Barack Obama.

Hiện chưa rõ tại sao có sự thay đổi kế hoạch của ông thủ tướng.

Tuy nhiên hôm thứ Sáu 12/2 một nguồn tin cho BBC hay rằng đã có sự vận động ngoại giao ráo riết của phía Mỹ để ông Nguyễn Tấn Dũng tham gia.

Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ chủ trì một hội nghị thượng đỉnh với các nước Asean và Washington muốn có sự tham gia của các lãnh đạo cao cấp nhất.

Tuy không phải nguyên thủ, nhưng ông thủ tướng Việt Nam là người điều hành chính phủ Việt Nam trong hai nhiệm kỳ nay và chịu trách nhiệm lớn trong hoạch định chính sách đối ngoại.

Nhà Trắng vài hôm trước thông báo rằng chủ đề tranh chấp ở Biển Đông sẽ được đặt cao trong nghị trình, và vì vậy sự có mặt của ông Nguyễn Tấn Dũng, người trước đây đã có nhiều phát biểu về chủ đề này trên các diễn đàn quốc tế, được cho là rất quan trọng.

Cũng có nhà bình luận cho rằng yếu tố đối nội đóng vai trò đáng kể.

Một tuần nay các diễn đàn sôi nổi đồn đoán về sự nghiệp chính trị của ông Nguyễn Tấn Dũng, nhất là khi ông không xuất hiện trước công chúng trong hai tuần liền, từ 29/1, một ngày sau khi Đại hội XII của Đảng CSVN kết thúc.

Tuy tháng Năm tới ông mới mãn nhiệm, nhưng có đồn đoán rằng ông "buộc phải rời vị trí trước thời hạn".

Chuyến đi của ông tới Sunnylands lần này sẽ xóa bỏ các tin đồn trên.

Đối tác chiến lược

Đảng CSVN luôn luôn cố gắng chứng minh rằng không có "mâu thuẫn và đấu tranh nội bộ" như các "thế lực bên ngoài tìm cách tuyên truyền".

Hội nghị thượng đỉnh Sunnylands theo các quan sát viên là sự kiện thuộc loại quan trọng nhất trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và khối Asean từ trước tới nay, khẳng định lại lập trường của Mỹ trong quan hệ với các nước Đông Nam Á.

Các nghị sỹ thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ hôm 12/2 vừa thông qua nghị quyết hoan nghênh thượng đỉnh Sunnylands.

Thông cáo của các thượng nghị sỹ thuộc lưỡng đảng nói họ ủng hộ nâng tầm quan hệ với Asean lên thành quan hệ đối tác chiến lược.

Văn bản mà BBC có trong tay cũng nhấn mạnh ủng hộ của Hoa Kỳ cho "nỗ lực của Asean nhằm giải quyết tranh chấp biển và lãnh thổ thông qua ngoại giao hợp tác kể cả trọng tài quốc tế, theo luật pháp và thể chế quốc tế". - BBC
|
|

6.
Trung Quốc 'cải tạo đảo ở Hoàng Sa'

Bài trên tạp chí The Diplomat cho hay Trung Quốc đang cải tạo và xây căn cứ trực thăng ở quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.

Bài của tác giả Victor Robert Lee đi kèm nhiều hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy hoạt động cải tạo cơi nới đảo cũng được Trung Quốc thực hiện ở Hoàng Sa chứ không chỉ tại Trường Sa.

Khác với Trường Sa là nơi nhiều quốc gia tham gia tranh chấp, quần đảo Hoàng Sa chỉ có hai nước tuyên bố chủ quyền là Trung Quốc và Việt Nam, tuy nằm hoàn toàn dưới kiểm soát của Trung Quốc.

Bài đăng trên The Diplomat hôm 13/2 viết Trung Quốc dường như đang nạo vét và bồi đắp ở hai vị trí mới trên hai đảo thuộc nhóm An Vĩnh của quần đảo Hoàng Sa, cách căn cứ quân sự trên đảo Phú Lâm là đảo lớn nhất của Hoàng Sa chừng 15km về phía bắc-tây bắc.

Ảnh vệ tinh cũng cho thấy Trung Quốc đang xây một căn cứ trực thăng trên đảo Quang Hòa (Trung Quốc gọi là Sâm Hàng đảo) thuộc nhóm Lưỡi Liềm.

The Diplomat nhận xét rằng dự án này chỉ dấu rằng Bắc Kinh "có thể phát triển một hệ thống căn cứ ở Biển Đông để hỗ trợ trực thăng săn ngầm như loại Z-18F" mà nước này tự sản xuất.

Cải tạo đảo

Theo tác giả Victor Robert Lee, hoạt động nạo vét bồi đắp mới nhất được thực hiện từ đầu tháng 12/2015 trên một bãi san hô gần đảo Bắc mà Trung Quốc chiếm từ năm 1950; và trên đảo Cây, một trong các đảo chính của Hoàng Sa từ tháng 10/2015.

Đảo Bắc và đảo Cây đều khá rộng và nông, mở ra tới 8km, thuận tiện cho việc cơi nới khai thác. 

Đặc biệt trên đảo Quang Hòa, Trung Quốc đã hút cát bồi đắp, mở rộng tới 50% diện tích bề mặt, phát triển một cảng biển và căn cứ trực thăng với tám bến đỗ đã được xây dựng và bốn bến đỗ khác sắp hoàn tất.

Bài báo nhận xét với căn cứ trực thăng này, khả năng săn ngầm của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ tăng lên đáng kể.

"Hệ thống căn cứ trực thăng và điểm tiếp nhiên liệu rải khắp Biển Đông sẽ khiến cho bất cứ vị trí nào cũng có thể tiếp cận được bằng trực thăng như loại Z-18F trong thời gian hai tiếng đồng hồ."

Các căn cứ trực thăng không chỉ nâng cao khả năng trinh sát và phản ứng của quân đội Trung Quốc mà còn có thể thay đổi chiến lược tác chiến trên biển và trên không của cả khu vực. - BBC

No comments:

Post a Comment