Tuesday, February 2, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Ba 2/2

Tin Thế Giới

1.
Trung Quốc gia tăng hoạt động kinh doanh ở Châu Âu

Ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc đang lan tràn trên khắp Châu Âu với tốc độ chóng mặt, khơi lên những quan tâm về ảnh hưởng của Bắc Kinh trên lục địa này.

Trong những tháng gần đây, các công ty Trung Quốc đã ký kết những thoả thuận để xây nhà máy điện hạt nhân tại vương quốc Anh, mua cổ phần đa số tại một hải cảng của Hy Lạp, và gia nhập Ngân Hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu.

Một động thái gây tranh cãi có liên quan tới một thoả thuận bảo trợ do một công ty Trung Quốc ký với Liên đoàn Bóng đá Bồ Đào Nha. Theo hợp đồng, Liên đoàn Bóng đá Bồ Đào Nha phải cho ra sân 1 cầu thủ Trung Quốc trong mỗi đội của tất cả 10 đội bóng của liên đoàn. Điều kiện này đã dẫn tới các cuộc biểu tình của một số viên chức và cầu thủ trong liên đoàn.

Phản ánh rõ nhất các tham vọng của Trung Quốc tại Châu Âu là dự án phát triển hạ tầng giao thông mang tên ‘Một vành đai, một con đường’ trên khắp lục địa Châu Âu.

Một số yếu tố của viễn kiến to lớn đó đã trở thành hiện thực, như nhiều thành phố Trung Quốc giờ đã được nối liền bằng hệ thống đường sắt với một số khu vực của Châu Âu.

Thành phố Tô Châu của Trung Quốc giờ đã được nối liền với thành phố Varsova bằng đường sắt, Liên Vân Cảng với Rotterdam, Thành Đô với Lodz, Trùng Khánh với Duisburg, Nghĩa Ô với Madrid, và Trịnh Châu với Hamburg.

Các chuyên gia về đầu tư nước ngoài đang tự hỏi động cơ của Trung Quốc là gì, và liệu các tham vọng địa chính trị của nước này có quá lớn so với các nhu cầu doanh thương của Trung Quốc hay không. Một nghi vấn khác là các công ty Trung Quốc có khả năng thách thức các doanh nghiệp Bắc Mỹ vốn đã bám rễ tại Châu Âu hay không.

Ông Graham D. Robinson, Giám Đốc của Global Construction Perspectives, một công ty tham vấn có trụ sở ở London, nói: “Chúng ta phải xem xét bản chất của các chương trình đầu tư đó”.

Theo ông Robinson, một số các dự án đầu tư lớn được đổ vào các khu vực chiến lược, chẳng hạn như nhà máy điện hạt nhân, các dự án bến tàu và hệ thống cấp nước. - VOA
|
|

2.
Ngoại trưởng Campuchia đi Trung Quốc

Chỉ một tuần sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong đã đến Trung Quốc.

Ông Hor Namhong sẽ gặp các quan chức cấp cao của Trung Quốc, trong đó có Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì và Thủ tướng Lý Khắc Cường, để bàn về quan hệ đối tác chiến lược trong các cuộc hội đàm chính thức từ ngày 3 đến 5 tháng 2.

Ông Ou Virak, người đứng đầu nhóm chuyên gia nghiên cứu Diễn đàn Tương lai, nói nhiều khả năng chuyến thăm Trung Quốc là để cân bằng chuyến thăm của ông Kerry, và sẽ là cơ hội để ông Hor Namhong thảo luận lập trường của Campuchia đối với quan điểm của Trung Quốc. Nó cũng diễn ra trước chuyến thăm Mỹ của ông Hun Sen trong tháng này tại California, nơi ông sẽ cùng các lãnh đạo ASEAN khác hội đàm với Tổng thống Barack Obama.

“Vậy điều này nghĩa là gì?” Ông Ou Virak nói. “Nó có nghĩa là Campuchia phải đi đến Trung Quốc để thuyết phục Trung Quốc và nói rằng Campuchia sẽ vẫn thân thiết với Trung Quốc, như mọi khi”.

Theo lời ông Ou Virak, Trung Quốc có ý đồ sử dụng Campuchia như một cái nêm ngay trong ASEAN, 4 thành viên của khối này có những tuyên bố chủ quyền chồng lấn với tuyên bố của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhiều khả năng Trung Quốc cũng thuyết phục Campuchia không tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ đứng đầu, một nỗ lực tái cân bằng của Mỹ ở khu vực, ông nói. “Trung Quốc không vui với TPP. Trung Quốc có lẽ sẽ không cho Campuchia gia nhập khối thương mại này”. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Kết quả bầu cử sơ bộ: Ted Cruz thắng, Clinton-Sanders ngang ngửa

Thượng nghị sĩ Ted Cruz giành chiến thắng trong cuộc họp bầu để chọn ứng cử viên tổng thống của Ðảng Cộng hòa ở bang Iowa, cuộc trắc nghiệm chính thức đầu tiên của chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016.  Trong khi đó, cuộc đua bên Đảng Dân chủ giữa bà Hillary Clinton và ông Bernie Sanders kết thúc xem như ngang ngửa, hứa hẹn cuộc đua tranh kéo dài trong các cuộc bầu cử sơ bộ sắp tới.  Theo sát nút ông Cruz trong cuộc đua bên Ðảng Cộng hòa là tỉ phú bất động sản Donald Trump và Thượng nghị sĩ Marco Rubio của bang Florida – hai ứng cử viên có nhiều khả năng giành được thắng lợi trong cuộc đua còn tiếp diễn.  Thông tín viên Jim Marlone của đài VOA từ Des Moines, bang Iowa, gởi về bài tường trình về vòng khai mạc của cuộc đua tranh chức tổng thống Mỹ.

Thượng nghị sĩ Ted Cruz của bang Texas, người theo chủ trương bảo thủ chống các chính sách của Washington, vượt lên dẫn trước trong nhóm nhiều ứng cử viên của Ðảng Cộng hòa.  Ông tuyên bố thắng lợi.

"Thượng đế chúc phúc cho tiểu bang Iowa vĩ đại."

Ông Cruz phát biểu tiếp: "Đây là một thắng lợi của những người dân thường.  Đây là một thắng lợi của những người bảo thủ dũng cảm của toàn thể tiểu bang Iowa và của cả quốc gia vĩ đại này.  Tối nay bang Iowa đã cất lên tiếng nói."

Ông Donald Trump, người đã dẫn đầu cuộc đua trong nhiều tháng qua, về nhì, sát nút với ông Cruz.  Ông Trump hướng đến vòng đua kế tiếp ở bang New Hampshire với những hứa hẹn sẽ giành thắng lợi.

"Chúng tôi sẽ giành được sự đề cử của Ðảng Cộng hòa, và chúng tôi sẽ tiến lên để đánh bại một cách dễ dàng bà Hillary hay ông Bernie hay bất cứ người nào mà đảng kia đưa ra."

Thượng nghị sĩ Marco Rubio của bang Florida về thứ ba bên Ðảng Cộng hòa, bất ngờ theo sát nút ông Trump.  Sự nổi lên của ông Rubio trong cuộc đua này có thể là do ông nhận được sự ủng hộ của giới lãnh đạo Cộng hòa.

"Tối nay ở Iowa, người dân của bang này gởi đi một thông điệp rất rõ ràng. Sau 7 năm của tổng thống Barack Obama, chúng ta phải giành lại đất nước chứ không thể chờ đợi lâu hơn nữa."

Tỉ lệ cử tri đi bầu đạt mức cao kỷ lục tại Iowa tối hôm qua.  Bà Sheila Waller, một cử tri ở West Des Moines, ủng hộ ông Rubio.

"Tôi thấy ông Rubio ăn nói rất hay, học cao hiểu rộng, rất khôn khéo trong chính sách đối ngoại và tôi cho rằng đó là những gì đã khiến cho ông có được sự ủng hộ của mọi người."

Cuộc đua bên Đảng Dân chủ hết sức sít sao giữa bà Hillary Clinton và ông Bernie Sanders và được xem là bất phân thắng bại.  Mặc dầu vậy, bà Clinton xem đó là chiến thắng.

"Thật là một đêm tuyệt vời! Thật là một cuộc tranh cử tuyệt vời.  Đây là một vinh dự hết sức to lớn để được vận động trên khắp Iowa với rất nhiều người để nói lên rằng đây là tương lai mà chúng tôi muốn cho Ðảng Dân chủ và cho nước Mỹ."

Ông Sanders cũng tuyên bố thắng lợi. Ông nhận được sự ủng hộ của những cử tri trẻ tuổi, những người tán thành những chủ trương về các vấn đề kinh tế. Ông Sanders phấn khởi hướng đến bang New Hampshire, nơi ông dẫn trước bà Clinton khá xa trong các cuộc thăm dò ý kiến.

"Trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đang đe dọa đất nước chúng ta, hiện giờ đã quá trễ để giữ nguyên đường lối chính trị của giới quyền thế và đường lối kinh tế của giới quyền thế."

Cử tri của Ðảng Dân chủ cũng đi bầu đông đảo.  Bà Amelia Mohr, một cử tri ở Des Moines, ủng hộ ông Sanders.

"Ông Sanders mang lại một luồng gió mới cho tiến trình chính trị..."

Ông Randy Kane, một cử tri ủng hộ bà Clinton nói:

"Theo tôi, bà Clinton là ứng cử viên mạnh nhất sẽ tiếp bước ông Obama và có khả năng làm việc với Quốc hội để tiến tới."

Ứng cử viên Martin O'Malley của Ðảng Dân chủ và ứng cử viên Mike Huckabee của Ðảng Cộng hòa đã ngưng vận động tranh cử sau khi có kết quả yếu kém ở Iowa. Các ứng cử viên còn lại nay hướng đến cuộc bầu cử sơ bộ ở bang New Hampshire vào thứ Ba tuần sau. - VOA
|
|

4.
Quốc hội Mỹ thông qua dự luật giúp hàng triệu người Châu Phi có điện

Hạ viện Mỹ vừa thông qua Luật Điện lực Phi châu, sau gần hai năm vận động để dự luật có được sự chấp thuận của lưỡng viện quốc hội. Dự luật này giờ đây được trình lên để Tổng thống Barack Obama ký ban hành. Theo tường thuật của thông tín viên Cindy Saine của đài VOA tại Điện Capitol, luật này cung cấp một khung sườn cho một sự hợp tác tư-công qui mô lớn giữa Mỹ và các nước Phi châu ở miền nam sa mạc Sahara để giúp hàng triệu người có được nguồn cung ứng điện lực ổn định.

Chủ tịch Uỷ ban Ngoại giao Hạ viện, Dân biểu Ed Royce, cho biết Luật Điện lực Phi châu cố gắng giải quyết tình trạng thiếu hụt điện đang ảnh hưởng tới cuộc sống thường nhật của hàng triệu người ở Phi châu.

Ông Royce cho biết: "Đây là một sự ứng phó trực tiếp đối với sự kiện là ngày nay có 600 triệu người ở miền nam sa mạc Sahara – chiếm 70% dân số, không có được nguồn cung ứng điện đáng tin cậy".

Ông Ed Royce, thuộc đảng Cộng hoà, đã hợp tác với Dân biểu Eliot Rangel của đảng Dân chủ và những người khác từ năm 2014 để thúc đẩy cho dự luật được cả Hạ viện và Thượng viện thông qua.

Luật này đòi hỏi tổng thống đề ra một chiến lược nhiều năm để trợ giúp các nước Phi châu thực hiện chiến lược điện lực quốc gia với một tập hợp các giải pháp năng lượng, kể cả các nguồn năng lượng tái tạo. Tổng thống Obama và các vị Đại sứ của 35 nước Phi châu ủng hộ cho kế hoạch hợp tác này.

Trong cuộc tranh luận về dự luật này tại Hạ viện hôm thứ hai, các thành viên của cả hai đảng đã nêu ra rằng hàng triệu người ở Phi châu không thể sử dụng những công cụ cần thiết của cuộc sống hiện đại như đèn điện, điện thoại di động và máy tính nếu không có nguồn điện ổn định. Họ cũng không thể giữ lạnh thức ăn hay thuốc men.

Dân biểu Royce nói tình trạng thiếu điện làm cho nhiều gia đình ở Phi châu phải dùng than củi và các loại nhiên liệu độc hại, gây ra nhiều ca tử vong hơn bệnh AIDS và bệnh sốt rét gộp chung.

Ông Royce cũng nói rằng chi phí năng lượng đắt đỏ ở các nước miền nam sa mạc Sahara khiến cho họ hầu như không thể sản xuất các mặt hàng xuất khẩu. Ông cho rằng giúp Phi châu trở thành một đối tác thương mại quan trọng là phù hợp với lợi ích của nước Mỹ.

Dân biểu Brendan Boyle, thuộc đảng Dân chủ, tán thành nhận định đó: "Thưa ông Chủ tịch, đôi khi việc đúng để làm cũng là một việc phù hợp với lợi ích chiến lược của đất nước chúng ta".

Dự luật đã được Thượng viện thông qua hồi năm ngoái, và giờ đây, theo dự liệu, sẽ được Tổng thống Obama ký ban hành trong nay mai.

Năm 2013, ông Obama đã đưa ra Sáng kiến Điện lực Phi châu, với mục tiêu là giúp cho 50 triệu người Phi châu có điện lần đầu tiên vào năm 2020. Luật Điện lực Phi châu sẽ góp phần làm cho mục tiêu đó trở thành hiện thực qua việc cung cấp một khuôn khổ để các công ty đầu tư vào các giải pháp năng lượng ở Phi châu mà không gây tốn kém cho những người thọ thuế ở Mỹ. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
80 ủy viên Trung ương vào Quốc hội

Dự kiến sẽ có khoảng 80 ủy viên Trung ương tham gia Quốc hội khóa 14, theo tin đưa ra bốn tháng trước khi bầu cử.

Con số đại diện khối doanh nghiệp sẽ chỉ có bảy người.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 sẽ diễn ra ngày 22/5 tới.

Báo VnEconomy dẫn nguồn Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử do Bộ Chính trị tổ chức vào sáng thứ Ba 2/2 nói trong số 80 ủy viên Trung ương có 12 tới 14 vị là ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư.

Ông Nguyễn Xuân Phúc được trông đợi sẽ lên chức Thủ tướng, ông Trần Đại Quang vào chức chủ tịch nước, bà Nguyễn Thị Kim Ngân làm chủ tịch Quốc hội.

Các vị trí chủ chốt trong chính phủ Việt Nam cũng đã được đảng cầm quyền định trước. Bộ trưởng Quốc phòng có nhiều khả năng là ông Ngô Xuân Lịch, bộ trưởng Công an là ông Tô Lâm.

Tổng số đại biểu Quốc hội khóa 14 sẽ là 500 người.

Trong đó, theo cơ cấu, số đại biểu ngoài Đảng là 25-50 người, tức cao nhất là 10%. Trên thực tế sau khi bầu, tỷ lệ có thể giảm đi.

Trước khi bầu cử Quốc hội khóa 13, có dự tính số đại biểu ngoài Đảng sẽ vào khoảng 15 - 20%. Thế nhưng sau khi bầu, con số này là 42 người, chỉ chiếm 8,4%.

Các tỉnh thành

Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng dự kiến số lượng đại biểu của Bộ Quốc phòng là 15 người, Bộ Công an là ba người.

Số lượng đại biểu ở Trung ương là 198 người, tương đương 39,6%; ở địa phương là 302 người, tức 60,4%.

63 trưởng đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh sẽ là lãnh đạo chủ chốt của các tỉnh đó. Mỗi đoàn cũng có một phó đoàn chuyên trách, riêng Hà Nội, TP HCM, tỉnh Nghệ An và tỉnh Thanh Hóa có hai phó đoàn.

Một chi tiết gây chú ý là theo cơ cấu định hướng, số đại biểu doanh nghiệp và hội đoàn trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh chỉ có bảy người, trong đó ba người là từ doanh nghiệp nhà nước.

Con số này được cho là quá ít trong thành phần Quốc hội. - BBC
|
|

6.
Khai trương cáp treo Fansipan

Tuyến cáp treo Fansipan Sapa tại tỉnh Lào Cai khai trương hôm 2/2 hâm nóng ý kiến trái chiều về việc khai thác du lịch và tàn phá môi trường.

Hôm 2/2, một số báo trong nước tường thuật Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cắt băng khánh thành tuyến cáp treo Fansipan Sapa.

“Với việc rút ngắn thời gian di chuyển lên “nóc nhà Đông Dương” từ hai ngày xuống còn 15 phút, cáp treo Fansipan Sapa được trao chứng nhận hai Kỷ lục Guinness: cáp treo ba dây có độ chênh giữa ga đi và ga đến lớn nhất thế giới: 1.410 m, và cáp treo ba dây dài nhất thế giới: 6.292,5 m”

“Tổng mức đầu tư giai đoạn một của tổ hợp dự án là 4.400 tỷ đồng. Toàn bộ nguyên vật liệu xây dựng công trình đều phải vận chuyển thủ công, trong điều kiện kiện địa hình hiểm trở và thời tiết khắc nghiệt”, báo VnEconomy viết hôm 2/2.

Tuyến cáp treo Fansipan Sapa được khởi công tháng 11/2013, do tập đoàn Sun Group đầu tư và thực hiện.

Cáp treo có độ cao 3.143m so với mực nước biển, khởi điểm từ Thung lũng Mường Hoa đến đỉnh Fansipan.

Tranh luận

Trả lời phỏng vấn BBC từ Fansipan hôm 2/2, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho hay: “Tôi nhận thấy đây là công trình cần thiết, tạo điều kiện cho người dân đến thưởng lãm một trong những thắng cảnh nổi tiếng của đất nước”.

“Nhiều người cứ băn khoăn về chuyện môi trường, nhưng tôi nghĩ điều quan trọng là giám sát xem việc kinh doanh ở đây có đảm bảo yêu cầu không. Với những gì mắt thấy tai nghe tại chỗ, tôi không thấy có chuyện phá hoại môi trường.

"Tất nhiên là doanh nghiệp có xây dựng hạ tầng cần thiết cho việc kinh doanh. Nhưng nếu không có cáp treo thì chỉ một số ít người khỏe mạnh lên được Fansipan thôi”, ông nói thêm.

Đại biểu Quốc hội cũng nhấn mạnh rằng “Nếu chỉ để những đoàn thám hiểm đến Fansipan như lâu nay thì cũng không ai kiểm soát được vấn đề rác thải”.

Ngược lại, trong cuộc trao đổi với BBC từ Đà Nẵng, nhà báo Nguyễn Trung Dân, người khởi kiện đòi trả lại con đường bộ lên Bà Nà cho người dân vào năm ngoái, cho biết:

“Tôi vẫn bảo lưu quan điểm làm cáp treo trên Fansipan là phá hoại. Với việc xây dựng cáp treo, sân golf, biệt thự trên Fansipan, người ta đang phá tan vẻ đẹp tự nhiên của ngọn núi này”.

“Cũng nên tự hỏi là nếu cần những kỷ lục cáp treo dài nhất trên đỉnh núi thì có lẽ các nước Anh, Mỹ, Nhật đã làm trước mình. Tôi không giả định là có phe nhóm nào đứng sau dự án này, nhưng có lẽ chính quyền địa phương ủng hộ thường dự án to lớn vì họ cần nguồn thu”, cựu Phó Tổng biên tập báo Du Lịch nói.

Ông Dân cũng cho hay: “Điều quan trọng bây giờ là sự thức tỉnh người dân để họ lên tiếng phản đối cách thức khai thác du lịch như thực dân và chỉ dành cho một số người có tiền”. - BBC

No comments:

Post a Comment