Saturday, February 20, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 20/2

Tin Thế Giới

1.
Anh trưng cầu dân ý việc ở lại hay bỏ EU --- Thỏa thuận EU ‘cho Anh vị thế đặc biệt’

Anh sẽ bỏ phiếu quyết định việc có ở lại trong EU nữa hay không vào thứ Năm 23/6 tới đây, Thủ tướng David Cameron nói.

Ông Cameron đã có tuyên bố lịch sử tại Downing Street sau buổi họp nội các.

Ông nói ông sẽ vận động cho việc ở lại trong một Liên hiệp Âu châu đã được cải tổ, và gọi việc bỏ phiếu trưng cầu dân ý tới đây là một trong những quyết định lớn nhất "trong thời đại chúng ta".

Các quan chức cao cấp trong chính phủ đã ngay lập tức phân rẽ thành các nhóm muốn ở lại và muốn rời khỏi EU.

Bộ trưởng Nội vụ Theresa May đứng đầu danh sách những người tuyên bố muốn vận động để Anh ở lại, trong lúc Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove đứng vào phe muốn ra khỏi EU.

Những người kêu gọi rời bỏ EU cũng đang hy vọng là Thị trưởng London Boris Johnson sẽ đứng về phe mình, nhưng ông hiện chưa tuyên bố quan điểm.

'Nguồn cơn gây bất ổn'

Trong tuyên bố của mình, ông Cameron cảnh báo rằng việc rời khỏi EU sẽ là một 'bước nhảy vào bóng tối' và ông thúc giục cử tri hãy ủng hộ thỏa thuận cải tổ của ông.

"Những người muốn rời EU không thế cho quý vị biết là các doanh nghiệp của Anh có thể tiếp cận được vào thị trường thương mại tự do chung của châu Âu hay không, liệu công ăn việc làm của người dân có được đảm bảo không. Tất cả những gì họ đưa ra chỉ là nguy cơ rơi vào một giai đoạn bất ổn, một bước nhảy vào bóng tối."

Trong lời kêu gọi trực tiếp nhắm tới cử tri, ông nói: "Lựa chọn nay trong tay quý vị - nhưng lời khuyến nghị của tôi là rất rõ ràng. Tôi tin rằng nước Anh sẽ an toàn hơn, mạnh hơn, tốt đẹp hơn khi ở lại trong khối Liên hiệp Âu châu đã cải tổ."

Bà May nói rằng EU còn lâu mới trở nên hoàn hảo, nhưng "vì các lý do an ninh, phòng chống tội phạm và khủng bố, thương mại với châu Âu và quyền tiếp cận vào các thị trường khác trên thế giới" thì nước Anh sẽ có lợi nếu ở lại trong khối.

Ông Gove nói việc phản đối thủ tướng là quyết định khó khăn nhất trong sự nghiệp của ông, nhưng ông tin rằng "đất nước chúng ta sẽ tự do hơn, công bằng hơn và tốt hơn nếu đứng ngoài EU", và nói thêm rằng "trong lúc chưa đem lại được an ninh cho một thế giới đầy bất ổn, các chính sách của EU đã trở thành nguồn cơn gây bất ổn, mất an ninh".

Trong số các bộ trưởng tuyên bố sẽ vận động để Anh ở lại có Bộ trưởng Kinh doanh Sakid Javid, người trước đây có khuynh hướng rời bỏ EU, Bộ trưởng Phát triển Hải ngoại Justine Greening và Bộ trưởng Giao thông Patrick McLoughlin.

Phía muốn ra đi có lãnh đạo Hạ viện Chris Grayling, Bộ trưởng Văn hóa John Whittingdale, Bộ trưởng Lao động và Hưu bổng Ian Duncan Smith, Bộ trưởng phụ trách vấn đề Bắc Ireland Theresa Villiers, và Bộ trưởng Việc làm Priti Patel, người tuy không phải là thành viên nhưng cũng có mặt tại các cuộc họp nội các. - BBC

***
Thủ tướng Anh David Cameron cho hay một thỏa thuận với các nhà lãnh đạo EU sẽ cho Anh "vị thế đặc biệt" và ông sẽ vận động với "tất cả trái tim và tâm hồn" để ở lại liên minh.

Ông Cameron cho biết thỏa thuận, đạt được vào cuối ngày thứ Sáu 19/2 sau hai ngày đàm phán tại Brussels, sẽ gồm "dừng khẩn cấp" trong bảy năm nhằm hạn chế người nhập cư tiếp cận phúc lợi an sinh xã hội của nước này.

Ông nói thêm thỏa thuận sẽ được đề xuất với Nội các vào 10:00 GMT hôm thứ Bảy 20/2.

Những người vận động Anh rời EU nói rằng thỏa thuận chỉ "có những thay đổi rất nhỏ".

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk công bố trên Twitter: "Đã xong. Tất cả nhất trí ủng hộ giải pháp mới cho vấn đề #UKinEU (Anh ở lại EU)",

Thỏa thuận dọn đường cho Anh Quốc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc nước Anh ở lại hay ra khỏi EU, vốn được hứa hẹn cuối năm 2017 nhưng dự kiến diễn ra tháng 6/2016.

Thỏa thuận mới gồm:

- Cắt giảm lợi ích cho con cái những người di cư EU sống ở nước ngoài - áp dụng ngay lập tức cho những người mới đến và từ năm 2020 cho 34.000 người đang nộp đơn

- Sửa đổi các hiệp ước EU để Anh ‘được miễn trừ’ đối với điều khoản xây dựng một liên minh ngày càng chặt chẽ hơn

- "Dừng khẩn cấp" về quyền lợi của lao động nhập cư sẽ áp dụng trong bảy năm - ít hơn so với 13 năm mà Thủ tướng Anh đề xuất ban đầu

- Khả năng cho Anh Quốc ban hành biện pháp khẩn cấp để bảo vệ khu tài chính của London, City of London

Thủ tướng Đức Angela Merkel dự đoán gói thỏa thuận mới sẽ "giúp Anh tiếp tục ở lại EU".

‘Trong tay người dân Anh’

Ông Tusk nói thỏa thuận "củng cố vị thế đặc biệt của nước Anh", trong khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker mô tả điều này là "công bằng".

Ông Tusk nói thêm: "Chúng tôi đã kiên trì đàm phán, đã sẵn sàng hy sinh một phần lợi ích cho mục đích chung nhằm thể hiện sự đoàn kết.

"Tôi có niềm tin sâu xa rằng nước Anh cần châu Âu và châu Âu cần Anh. Nhưng quyết định cuối cùng nằm trong tay người dân Anh."

Một khi ông Cameron đề xuất thỏa thuận với các bộ trưởng trong cuộc họp Nội các hôm thứ Bảy 20/2, họ có quyền vận động cho hai hướng trong cuộc trưng cầu.

Ông Cameron cho biết sẽ sớm công bố ngày bỏ phiếu và nói ông "thất vọng", nhưng không ngạc nhiên rằng một trong những đồng minh quan trọng, Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove, đã vận động cho Anh Quốc rời khỏi EU.

Laura Kuenssberg, biên tập viên chính trị BBC phân tích: Thỏa thuận ký chưa ráo mực, nhưng đã dấy lên một câu hỏi khó xử: Có bao nhiêu nghị sĩ sẽ lập luận chống lại ông Cameron?

Khả năng hạn chế lợi ích cho người di cư là một chiến thắng quan trọng của ông Cameron nhằm giảm thiểu lượng người nhập cư EU đến sống và làm việc tại nước Anh.

Các đề xuất này phức tạp và không giống những lời hứa hẹn mà ông đã nói trong tuyên ngôn của Đảng Bảo thủ.

Ông Cameron tuyên bố đã đạt được những cải cách mà ông muốn thực hiện, giúp Anh là một trong những thị trường lớn nhất thế giới và kiến tạo EU "linh hoạt hơn".

"Chúng tôi bảo vệ đồng bảng Anh và quyền duy trì đồng tiền này", ông nói thêm rằng lần đầu tiên, EU "thừa nhận họ có hơn một đồng tiền".

"Những người dân Anh phải quyết định xem có nên ở lại hay rời khỏi Liên minh châu Âu cải cách này", ông tiếp tục.

"Đây sẽ là một thời điểm quyết định vận mệnh đất nước chúng ta."

Cùng thời điểm với việc cải cách EU, Thủ tướng nói thêm các biện pháp tăng cường chủ quyền của Anh Quốc cũng sẽ được công bố. - BBC
|
|

2.
Bão mạnh sắp ập vào Fiji

Một cơn bão mạnh chuẩn bị ập vào Fiji, đảo quốc nằm ở Thái Bình Dương với dân số 900 nghìn người.

Chính quyền địa phương đã tuyên bố lệnh giới nghiêm trên toàn quốc.

Cho dù cơn bão Winston vẫn chưa ập vào hai hòn đảo chính của nước này, Fiji đang phải hứng chịu các cơn gió mạnh với sức gió mạnh 220 km một giờ, và có lúc lên tới 300 km một giờ.

Nhiều chuyến bay quốc tế đã bị hủy, và hàng trăm trung tâm cứu hộ đã được dựng lên.

Thủ tướng Fiji đã kêu gọi người dân đoàn kết trong khi đối mặt với một “thử thách lớn nhất”.

Cơ quan cứu trợ nhân đạo của Liên Hiệp Quốc UNOCHA nói rằng Winston nhiều khả năng sẽ “gây ra các trận cuồng phong, mưa to, nước biển dâng cũng như ngập lụt và lũ quét”. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Apple phát động hệ thống trả tiền di động ở Trung Quốc

Apple Pay, hệ thống trả tiền di động của công ty Apple đã gia nhập thị trường ở Trung Quốc, trong cuộc tiến chiếm thị trường đầu tiên ở châu Á. Apple sẽ tham gia thị trường Trung Quốc với sự hợp tác của UnionPay, một dịch vụ giao dịch bằng thẻ tín dụng và thẻ lấy tiến được sự hỗ trợ của 19 ngân hàng địa phương.

Thỏa thuận này là độc nhất vô nhị bởi vì nó sẽ giúp Apple trở thành một công ty đóng vai trò chính trong thị trường chi trả di động khổng lồ của Trung Quốc và thách thức 2 thương hiệu lớn khác của địa phương là Alipay của Alibaba và WeChat Wallet, một sàn giao dịch truyền thông xã hội của Tencent.

Người thắng cuộc thực sự

Hơn cả Apple, chính các ngân hàng nhà nước của Trung Quốc mới được hưởng lợi nhiều nhất từ thỏa thuận mới này. Các ngân hàng quốc gia trong nước, kể cả Ngân hàng Công nghiệp Trung Quốc và Ngân hàng Trung Quốc, đang phải gánh chịu thiệt hại do các hệ thống chi trả Alipay và WeChat đang bành trướng nhanh vào lúc hàng triệu người Trung Quốc thích dùng các sàn giao dịch này hơn thay vì dùng thẻ ngân hàng.

Bà Trần Lâm, phó giáo sư về tiếp thị tại trường Kinh doanh Quốc tế Trung Quốc –châu Âu ở Thượng Hải, nói: “Đây là một cách tốt để chính phủ cứu các ngân hàng nhà nước. Các ngân hàng nhà nước lo ngại bởi vì Alibaba và WeChat đang tham gia thị trường tài chính với nhiều tham vọng. Các ngân hàng này hiện đang chống lại Apple Pay.”

Bà chỉ ra rằng hợp tác với Apple Pay còn giúp các ngân hàng Trung Quốc mở rộng thế đứng trong thị trường toàn cầu.

Quyết định của chính phủ mở cửa cho Apple Pay cũng đã gây vài bất ngờ, bởi vì theo các tin tức của giới truyền thông nhà nước hồi năm ngoái, đảng Cộng sản đã yêu cầu các giới chức chính phủ không được sử dụng iPhone. Apple Pay đòi hỏi phải có iPhone6 mới nhất và các kiểu tân tiến hơn.

Các quan ngại về mã hóa

Việc Apple Pay gia nhập thị trường Trung Quốc cũng diễn ra vào một thời điểm công ty này đang chống lại các cố gắng của nhân viên điều tra chính phủ Hoa Kỳ, đòi đại công ty kỹ thuật toàn cầu này giúp phá mật mã iPhone trong cuộc điều tra vụ tấn công khủng bố ở San Bernardino, California.

Nghe nói nhà chức trách Trung Quốc đang theo dõi xem Apple ứng xử ra sao trong cuộc chiến chống lại chính phủ Hoa Kỳ. Năm ngoái, truyền thông nhà nước ở Trung Quốc tường thuật rằng đại công ty kỹ thuật Apple đã trở thành công ty nước ngoài đầu tiên đồng ý với những cuộc kiểm tra an ninh internet.

Bà Trần nói, “Nếu Apple tiết lộ thông tin cho chính phủ Hoa Kỳ thì chính phủ Trung Quốc sẽ rất lo ngại và điều này có thể ảnh hưởng đến các triển vọng lâu dài của Apple ở Trung Quốc.”

Nhưng bà Trần nói thêm, “vấn đề thực sự là Apple sẽ phản ứng ra sao nếu chính phủ Trung Quốc yêu cầu một thông tin tương tự?”

Ông Ernie Diaz, tham vấn làm việc cho tạp chí China Digital Review nói: “Trước thỏa thuận, Trung Quốc chắc đã yêu cầu nhu liệu của Apple phải an toàn và mạnh đủ để bảo vệ thông tin về các giao dịch ở địa phương. Đây có thể là một phần của lý do vì sao Apple chống lại các cố gắng của chính phủ Hoa Kỳ đòi tiếp cận nhu liệu của công ty.” - VOA
|
|

4.
Chuyến thăm Cuba của tổng thống Mỹ đã được chờ đợi gần một thế kỷ --- Vấn đề nhân quyền sẽ được cứu xét khi TT Obama đi thăm Cuba

Chỉ 14 tháng sau khi ra lệnh nối lại các quan hệ ngoại giao với Cuba, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ trở thành tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên du hành tới La Havana trong gần 90 năm.

Phó Cố vấn An ninh Tòa Bạch Ốc Ben Rhodes nói với các nhà báo hôm thứ Năm:

“Chúng tôi coi đây là một cách để thúc đẩy tiến trình bình thường hóa bang giao này, và tìm cách mở rộng hơn nữa giữa Hoa Kỳ và Cuba về mặt thương mại, nhưng mặt khác, cũng để hỗ trợ và thăng tiến các giá trị mà chúng ta quan tâm”.

Tổng thống Obama sẽ nêu bật các giá trị phổ quát này trong chuyến đi ngày 21 và 22/3, ông Rhodes cho biết, khi ông gặp gỡ các nhân vật bất đồng chính kiến Cuba, các thành viên xã hội dân sự và chính quyền Cuba.

Tòa Bạch Ốc nói ông Obama sẽ đặc biệt nêu lên với các giới chức Cuba việc giam cầm và sách nhiễu những người muốn bày tỏ các quyền căn bản của họ.

Nhưng tại sao Tổng thống Obama lại thực hiện chuyến đi lịch sử trong lúc này, giữa lúc vẫn còn nhiều quan tâm về nhân quyền?

Ông Rhodes nêu nhận định: “Không đi thăm và cô lập hóa Cuba không giúp ích gì để đẩy mạnh các vấn đề đó, và chúng ta sẽ ở trong vị thế tốt hơn để ủng hộ nhân quyền và hỗ trợ nhân dân Cuba có một đời sống tốt đẹp hơn bằng cách chủ động giao tiếp với họ và trực tiếp nêu lên các vấn đề đó”.

Tổng thống Obama, cùng đi với đệ nhất phu nhân, sẽ mở các cuộc đàm phán song phương với Tổng thống Cuba Raul Castro, nhưng không có kế hoạch gặp bào huynh của ông, là Fidel Castro, nhà lãnh đạo cách mạng đã lên nắm quyền ở Cuba hơn nửa thế kỷ qua, nhưng giờ đã rút lui ra khỏi chính trường vì những lý do sức khỏe.

Tổng thống Mỹ đã gặp vị tương nhiệm Cuba hai lần rồi, lần đầu bên lề hội nghị thượng đỉnh các nước châu Mỹ hồi tháng Tư năm ngoái, và lần thứ nhì tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng 9 năm ngoái.

Trong một tin nhắn trên trang mạng Twitter, ông Obama nói chuyến đi của ông có mục đích thúc đẩy tiến bộ trong bang giao giữa hai quốc gia và “các nỗ lực có thể cải thiện đời sống của nhân dân Cuba”.

Nhà phân tích cấp cao và cũng là tác giả của cuốn sách “Back Channel to Cuba” Peter Kornbluh nói thời điểm của chuyến đi lịch sử của ông Obama là thiết yếu cho việc củng cố chính sách giao tiếp với Cuba.

Ông nhận định: “Làm cho tình hình không thể nào bị đảo ngược, như thế nào để ngay cả nếu người được bầu làm tổng thống kế tiếp của nước Mỹ có là Marco Rubio, Ted Cruz hay là Jeb Bush đi chăng nữa, thì những đầu tư của các công ty Mỹ, của xã hội Mỹ vào việc cải thiện các quan hệ với Cuba vẫn trường tồn”.

Từ khi quyết định lịch sử tan băng các quan hệ bang giao với Cuba được loan báo vào tháng 12/2014, Tổng thống Obama đã đạt được những tiến bộ liên tục nhằm phá đổ các rào cản ngoại giao với cựu thù thời Chiến tranh Lạnh.

Các thành quả gồm việc tái lập quan hệ ngoại giao và mở lại các đại sứ quán ở thủ đô của mỗi nước.

Hoa Kỳ đã rút tên Cuba ra khỏi danh sách các nước bảo trợ cho khủng bố. - VOA

***
Chuyến thăm Cuba của tổng thống Obama đã dự trù vào tháng tới có thể là một bước chủ chốt hướng tới việc cải thiện thành tích nhân quyền có nhiều vấn đề của quốc gia Cộng sản này. Đây là chuyến đi Cuba đầu tiên của một vị tổng thống Mỹ đương nhiệm trong gần 90 năm.

Trong một tin nhắn qua Twitter hôm thứ Năm, Tổng thống Obama viết: “Chúng ta vẫn còn những bất đồng với chính phủ Cuba mà tôi sẽ trực tiếp nêu ra. Nước Mỹ sẽ luôn đại diện cho nhân quyền trên khắp thế giới”.

Tòa Bạch Ốc nói sự ủng hộ của cả hai đảng dành cho chính sách của tổng thống đối với Cuba ngày càng tăng, nhưng tin về chuyến đi này đã khơi ra sự chỉ trích từ người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại Hạ viện.

Trong một thông cáo, ông Ed Royce của đảng Cộng Hòa, đại diện bang California, viết: “Những nhượng bộ đơn phương của chính quyền Obama đã chỉ củng cố thêm một chế độ cộng sản đối xử tàn tệ với dân chúng. Khi Tổng thống Obama đặt chân xuống La Habana, thì làm thế nào ông ấy có thể đại diện cho nhân quyền được?”

Chính phủ Cuba mới đây đã phóng thích một số tù nhân chính trị và đã có những bước nhỏ trong việc mở rộng việc truy cập Internet. Nhưng một bản phúc trình của tổ chức Human Rights Watch nhận thấy chính phủ Cuba “tiếp tục dựa vào việc bắt bớ tùy tiện để sách nhiễu và đe dọa các cá nhân thực thi những quyền cơ bản của mình”. Bản phúc trình nhận thấy các vụ bắt giữ thực ra đã gia tăng sau khi quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ nồng ấm hơn, với số người bị bắt tăng từ 2.900 lên đến 7.188 trong năm đầu tiên sau khi chính phủ Hoa Kỳ loan báo nối lại bang giao.

Các tổ chức nhân quyền hoan nghênh tin về chuyến đi của tổng thống Cuba như một cơ hội trong khi cảnh báo rằng vẫn còn cần phải đạt được nhiều tiến bộ.

Chuyến thăm của tổng thống có thể “báo hiệu mở đường cho các tổ chức nhân quyền và các thực thể khác như Liên Hiệp Quốc và Liên Mỹ có thể có một cuộc đối thoại và đi thăm Cuba”, theo nhận định của bà Marselha Goncalves Margerin, giám đốc đặc trách châu Mỹ của Hội Ân xá Quốc tế.

Bà Margerin nói sự tan băng trong bang giao ắt sẽ là một cơ hội cho chính phủ Cuba xét lại các luật lệ trong nước về kiểm duyệt, tự do Internet và quyền tự do hội họp nay khi Hoa Kỳ không còn là một mối đe dọa đối với chủ quyền của Cuba nữa.

Công dân Cuba đã bày tỏ sự nghi ngờ không biết sẽ có những thay đổi nào có ý nghĩa sau chuyến thăm của tổng thống Mỹ.

Ông Eduardo Cardet, Phối hợp viên của Phong trào Giải phóng Cơ Đốc giáo ở Holguin, Cuba nói: “Các vị nguyên thủ quốc gia phải làm mọi điều có thể được trong những cuộc gặp gỡ đó để cố gắng đáp lại các nhu cầu của dân chúng và người dân Cuba rất cần được tôn trọng nhân quyền”.

“Tiến trình xích lại gần nhau đã chỉ mang tính cách có một phía”, theo ông Dagoberto Valdes, giám đốc tạp chí độc lập Convivencia của Cuba. Ông Valdes cho biết ông sẽ nói với Tổng thống Obama rằng “ông ấy đã có những nhượng bộ với chính phủ Cuba mà không yêu cầu đáp lại điều gì để đánh đổi, không yêu cầu hoàn tất điều gì. Sự đàn áp đã gia tăng”.

Quan hệ kinh tế giữa hai nước đã cải thiện tuần trước với việc ký kết một hiệp ước cho phép các hãng hàng không thương mại của Hoa Kỳ gia tăng đáng kể số chuyến bay đến Cuba và cấp giấy phép cho một công ty Hoa Kỳ xây dựng một phân xưởng máy kéo trên đảo quốc này.

Tòa Bạch Ốc nói Tổng thống Obama dự định họp với Chủ tịch Raul Castro và các nhân vật bất đồng chính kiến Cuba trong chuyến thăm này.

Bà Marion Smith, Giám đốc Điều hành Quỹ Tưởng niệm Nạn nhân Cộng sản, một tổ chức phi lợi nhuận giáo dục công chúng về di sản của chủ nghĩa cộng sản, nhận định: “Trừ phi nhân quyền thực sự là tiêu điểm của chuyến thăm, thì một chuyến đi như thế này của một vị tổng thống đương nhiệm không thể giúp ích gì mà lại có tác động tiêu cức đến tình hình nhân quyền ở Cuba”.

Bà Smith nói các cuộc gặp gỡ của tổng thống với các nhân vật bất đồng chính kiến sẽ gửi đi một tín hiệu rất rõ ràng cho Cuba và phần còn lại của thế giới rằng việc khai mở các quan hệ kinh tế không phải là vấn đề duy nhất mang tầm quan trọng đối với Hoa Kỳ.

Bà Smith nói: “Mặc dầu chúng ta đang mở ra các quan hệ kinh tế mà cho đến giờ chúng ta vẫn chưa nhận được gì từ chế độ Castro, chúng ta vẫn có cam kết như đã từng có trong nhiều thập đối với một nước Cuba dân chủ hơn, nơi pháp trị và nhân quyền được tôn trọng”. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Tướng Lý Tác Thành, ‘khắc tinh’ của quân đội Việt Nam? --- Tên lửa Trung Quốc ở Biển Đông: Chuyên gia Úc lo ngại kịch bản MH-17

Việc bổ nhiệm Tướng Lý Tác Thành, người được mệnh danh là “sát thủ” trong chiến tranh biên giới Việt – Trung, sẽ giúp quân đội Trung Quốc trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, khi tranh chấp lãnh thổ với nhiều nước, trong đó có Việt Nam, đang nóng lên, các nhà quan sát nhận định.

Ông Lý, 63 tuổi, được chỉ định làm tư lệnh Quân chủng Lục quân mới được thành lập của quân đội Trung Quốc. Ông là một trong số 7 vị tướng lĩnh của quân đội Trung Quốc có kinh nghiệm trận mạc.

Ông gia nhập quân ngũ năm 1970, và tin nói ông từng bị thương trong chiến tranh biên giới Việt – Trung, nhưng từ chối “ngưng chiến đấu”.

Ngoài khía cạnh quân sự, các nhà quan sát cho rằng việc bổ nhiệm này giúp Chủ tịch Tập Cận Bình đạt được một số mục tiêu chính trị.

Dù việc bổ nhiệm ông Lý được tiến hành từ cuối năm ngoái, nhưng những diễn biến gần đây ở Biển Đông, nhất là việc Trung Quốc đưa tên lửa đất đối không tối tân đến Hoàng Sa đã khiến người Việt lưu tâm hơn nữa.

Báo chí Việt Nam cũng đăng tải tin tức về việc thăng tướng của ông Lý. Báo điện tử Một thế giới chạy hàng tít: “Trung Quốc: Tướng tham gia chiến tranh biên giới Việt -Trung được trọng dụng”.

Tờ này gọi việc bổ nhiệm của ông Tập là sự “thưởng công cho tướng trung thành”.

Còn tờ Giáo dục gọi ông Lý là một trong hai viên tướng "sát thủ" nhất trong Chiến tranh Biên giới Việt - Trung.

Trong khi đó, dưới bài viết có tựa đề, “Trung Quốc bổ nhiệm 3 tư lệnh quân đội mới”, báo điện tử Thanh Niên viết rằng “Trung Quốc đang thực hiện chiến dịch cải cách quân đội đến năm 2017. Theo đó, Bắc Kinh giảm bộ binh, tăng cường hải quân và không quân để tăng cường sức mạnh của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông, nhằm đối phó với Nhật Bản và các nước đang có tranh chấp biển đảo ở Đông Nam Á”.

“Chống Việt Nam”

Ông Willy Lam, một nhà phân tích chính trị ở Hong Kong, nói rằng những gì Tướng Lý đạt được trong sự nghiệp quân ngũ đã giúp ông “được ưa thích” và “được kính trọng”, đồng thời sẽ giúp Chủ tịch Tập Cận Bình duy trì tinh thần binh sĩ trong các cuộc cải cách quân sự.

Ông Lâm nói: “Quá trình cải cách đã khiến các binh sĩ thuộc lực lượng bộ binh tổn thương vì họ không còn đứng trên không quân và hải quân nữa. Ông Tập cần những người như ông Lý để gắn kết mọi người”.

Tướng Lý Tác Thành từng là một trong 4 sĩ quan “chống Việt Nam” được Chủ tịch Tập Cận Bình thăng cấp thượng tướng.

Nhận định về diễn biến này, nhà nghiên cứu về quan hệ Việt - Trung Dương Danh Dy, cựu quan chức ngoại giao, nói rằng điều đó cho thấy Trung Quốc “coi trọng chuyện chiến đấu với Việt Nam sắp tới”. Ông Dy cảnh báo Việt Nam nên “chú ý” tới điều này.

Trong một diễn biến khác liên quan tới quan hệ Việt – Trung, Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 19/2 cho biết đã gửi công hàm đến Đại sứ quán Trung Quốc và Liên Hiệp Quốc phản đối Trung Quốc đưa tên lửa ra quần đảo Hoàng Sa.

Trước đó, các hãng quốc tế đưa tin rằng Bắc Kinh đã bố trí tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. - VOA

***
Các hãng hàng không dân dụng cần phải chú ý hiểm họa đến từ tên lửa mà Trung Quốc triển khai tại vùng Biển Đông. Một chuyên gia quốc phòng hàng đầu của Úc đã báo động như trên ngày 19/02/2016, đồng thời khuyên các hãng máy bay xem xét việc thay đổi đường bay để tránh các hòn đảo có liên quan. 

Theo nhật báo Úc Sydney Morning Herald, ông Peter Jennings, viện trưởng Viện Chính Sách Chiến Lược Úc ASPI đã gợi đến thảm kịch liên quan đến chuyến bay MH-17, khi một chiếc Boeing của hãng hàng không Malaysian Airlines bị trúng tên lửa trên bầu trời Ukraina làm hàng trăm người thiệt mạng, trong đó có 39 công dân và cư dân Úc.

Đối với chuyên gia này, sự hiện diện của tên lửa đất-đối-không của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa, có thể gây nên những mối nguy hiểm tương tự cho các máy bay thương mại cũng như phi cơ quân sự. 

Là một cựu quan chức quốc phòng cấp cao và là cố vấn cho việc soạn thảo quyển Sách Trắng Quốc Phòng Úc sắp được công bố, ông Jennings đã nêu bật hiểm họa đối với các phi cơ trinh sát P-3 Orion được phái đi tuần tra tại khu vực mà Trung Quốc đặt tên lửa.

Theo ông, những phát hiện mới đây qua ảnh vệ tinh về các tên lửa Trung Quốc HQ-9 ở Hoàng Sa, có tầm bắn khoảng 200 km, sẽ buộc các giới chức không quân và quốc phòng Úc phải xem xét cách xử lý các rủi ro.

Trả lời nhật báo Úc, ông Jennings khẳng định : « Sẽ có rất nhiều cuộc thảo luận tương tự với các hãng hàng không thương mại, đặc biệt là sau kinh nghiệm Ukraina ». Theo ông, mọi hãng hàng không đều phải thẩm định nguy cơ đến từ tên lửa Trung Quốc và nghĩ đến phương án thay đổi đường bay. 

Một phát ngôn viên của hãng hàng không Úc Qantas cho biết đường bay của họ cách xa Hoàng Sa về phía đông, trong lúc hãng Singapore Airlines và Cathay Pacific của Hồng Kông đã không trả lời các câu hỏi của nhật báo Úc. - RFI
|
|

6.
Hơn 300 sĩ quan Việt Nam được phong tướng trong 5 năm

Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang đã ký quyết định thăng quân hàm cấp tướng cho 194 sĩ quan quân đội và 119 sĩ quan công an trong nhiệm kỳ kéo dài từ 2011 tới 2016.

Thông tin này được đưa ra trong phiên họp Thường vụ Quốc hội chiều 19/2 tóm tắt tổng kết công tác nhiệm kỳ 5 năm qua của ông Sang.

Truyền thông trong nước dẫn báo cáo nói rằng ông Sang đã “thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân” để “chỉ đạo mọi mặt công tác, xây dựng lực lượng vũ trang chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo đảm quốc phòng - an ninh trong tình hình mới”.

Trong nhiệm kỳ, ông Sang đã ký quyết định bổ nhiệm chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội Việt Nam; thăng quân hàm cấp tướng cho 194 sĩ quan quân đội nhân dân, trong đó từ đại tá lên thiếu tướng là 139; từ thiếu tướng lên trung tướng là 35; từ trung tướng lên thượng tướng là 17; từ thượng tướng lên đại tướng là 2; thăng một quân hàm đô đốc hải quân.

Ông Sang đã ký quyết định thăng hàm 119 sĩ quan công an nhân dân, trong đó từ đại tá lên thiếu tướng là 92; từ thiếu tướng lên trung tướng là 20; từ trung tướng lên thượng tướng là 6; thượng tướng lên đại tướng là 1.

Tin cho hay, Chủ tịch Sang được đánh giá là “thể hiện được vai trò nguyên thủ quốc gia”. Dự thảo báo cáo sau khi lấy ý kiến tại Thường vụ Quốc hội sẽ được hoàn thiện để trình ra kỳ họp Quốc hội.

Đợt thăng tướng rầm rộ này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc mạnh mẽ tuyên bố chủ quyền ở biển Đông.

Trong một hành động hiếm hoi của quan chức nhà nước, ông Sang hôm 17/2 tới thắp hương tưởng nhớ 300 liệt sĩ ngã xuống trong chiến tranh biên giới Việt – Trung tại nghĩa trang liệt sĩ Trà Lĩnh, Cao Bằng.

Chủ tịch Việt Nam cũng đến “thăm hỏi, động viên” chiến sĩ đồn biên phòng làm nhiệm vụ bảo vệ hàng chục km đường biên với Trung Quốc.

Ông Sang cuối năm ngoái cũng đã lên tiếng thách thức tuyên bố chủ quyền biển Đông của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Khi được VOA Việt Ngữ hỏi về phản ứng đối với tuyên bố của nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng Hoàng Sa “thuộc về Trung Quốc từ thời xa xưa”, ông Sang nói rằng Hoàng Sa và Trường Sa “thực sự thuộc về tổ quốc Việt Nam của chúng tôi”.

Nguyên thủ Việt Nam nói tiếp: "Người Trung Quốc, trong những lần gặp gỡ Việt Nam, cũng thường nói rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc, không gì tranh cãi. Thì người Việt Nam chúng tôi cũng nói lại rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của tổ tiên Việt Nam, không gì tranh cãi. Chắc các câu này các bạn đã nghe suốt". - VOA

No comments:

Post a Comment