Thursday, February 11, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Năm 11/2

Tin Thế Giới

1.
Hơn 54.000 công nhân Bắc Triều Tiên mất việc vì các biện pháp chế tài

Nhân viên của các công ty Nam Triều Tiên đã bắt đầu rút khỏi Khu công nghiệp Kaesong ở Bắc Triều Tiên sau khi Seoul áp dụng các biện pháp chế tài mới đối với Bình Nhưỡng vì những vụ thử nghiệm hạt nhân và phi đạn. Từ thủ đô của Nam Triều Tiên, thông tín viên Brian Padden của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.

Chính phủ ở Seoul hôm thứ tư loan báo ngưng chỉ tất cả những hoạt động tại khu công nghiệp mà họ điều hành chung với Bắc Triều Tiên để trừng phạt chính phủ Bắc Triều Tiên về vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư và vụ thử nghiệm phi đạn tầm xa mới nhất.

Hôm nay, Bình Nhưỡng đã đáp trả với tuyên bố đặt khu công nghiệp này dưới sự kiểm soát của quân đội. Hãng thông tấn Trung ương cũng cho biết Bắc Triều Tiên sẽ trục xuất ngay công dân Nam Triều Tiên, phong toả tài sản của các công ty hoạt động tại khu Kaesong và gọi quyết định của Seoul là “một hành động tuyên chiến.”

Bình Nhưỡng cũng cho biết họ quyết định cắt đứt hai đường dây nóng xuyên biên giới.

Mất việc

124 công ty cỡ nhỏ và cỡ trung của Nam Triều Tiên hoạt động ở khu Kaesong đã bắt đầu rút nhân viên và đưa thiết bị và hàng hoá về miền nam. Hơn 54.000 công nhân Bắc Triều Tiên làm việc cho các công ty này giờ đây bị mất việc.

Bà Kim Soo Hee, một y tá Nam Triều Tiên làm việc ở Kaesong, cho biết như sau.

"Chúng tôi từng nói đùa với nhau là khu Kaesong sẽ bị đóng cửa, nhưng tôi đã ngạc nhiên khi thấy chuyện này trở thành chuyện thật. Cá nhân tôi, tôi cảm thấy tội nghiệp cho những người Bắc Triều Tiên vì họ lo lắng hơn chúng tôi rất nhiều."

Vụ đóng cửa này cắt đứt nguồn ngoại tệ khoảng 100 triệu mỗi năm mà Bắc Triều Tiên có được. Các công ty Nam Triều Tiên trả thẳng tiền lương công nhân ở Kaesong cho chính phủ Bình Nhưỡng. Seoul tin là số tiền đó không được Bắc Triều Tiên trả cho công nhân mà lại được dùng để xúc tiến chương trình vũ khí hạt nhân và phi đạn tầm xa.

Các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cấm Bắc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân và kỹ thuật phi đạn đạn đạo và đã áp đặt 4 đợt chế tài kể từ năm 2006.

Sự chấm dứt của Chính sách Ánh dương

Các nhà phân tích cho rằng vụ đóng cửa khu công nghiệp Kaesong hầu như đã phá tan mối hy vọng là những mối căng thẳng lâu năm ở bán đảo Triều Tiên có thể có được một giải pháp hoà bình trong tương lai gần.

Ông Chung In Moon, giáo sư chính trị học của Đại học Yonsei ở Nam Triều Tiên, cho biết như sau.

"Nếu quí vị nhìn vào cách xử lý của chính phủ chúng tôi đối với vấn đề Bắc Triều Tiên, quí vị sẽ thấy một cách rõ ràng là họ mong muốn chế độ Bắc Triều Tiên sụp đổ bằng một cách nào đó. Nhưng nếu điều đó không xảy ra thì sẽ có những mối căng thẳng rất lớn và những sự đối đầu trường kỳ giữa Nam và Bắc Triều Tiên."

Cách nay hơn một thập niên, cố Tổng thống Kim Dea Jung của Nam Triều Tiên đã áp dụng Chính sách Ánh dương với sự tin tưởng là thông qua những sự trợ giúp và những dự án hợp tác kinh tế, hai miền Triều Tiên có thể xây dựng niềm tin để chung sống hoà bình với nhau và tiến tới chỗ thống nhất dưới một hình thức nào đó.

Nhưng trong những năm gần đây, sự ủng hộ ở Nam Triều Tiên cho Chính sách Ánh dương đã giảm đi rất nhiều vì Bắc Triều Tiên tiếp tục theo đuổi vũ khí hạt nhân và không ngớt có những hành vi gây hấn.

Một dự án hợp tác khác là Khu du lịch Núi Kim Cương đã bị đình chỉ năm 2008 sau khi lính Bắc Triều Tiên bắn chết một nữ du khách Nam Triều Tiên.

Những chương trình viện trợ Bắc Triều Tiên cũng bị ngưng vào năm 2010, sau khi Seoul tố cáo Bắc Triều Tiên đánh chìm một chiến hạm của miền Nam, giết chết 46 binh sĩ hải quân Nam Triều Tiên.

Mặc dầu vậy, theo giáo sư Chung In Moon, Seoul nên giữ thái độ hoà hoãn với miền Bắc.

"Tôi nghĩ rằng không có sự thoả hiệp về phía Nam Triều Tiên. Chính phủ chúng tôi quá thiếu linh động trong sự giao tiếp với Bắc Triều Tiên."

Sau vụ thử nghiệm hạt nhân và phi đạn mới đây của Bắc Triều Tiên, Seoul cùng với Washington và Tokyo bắt đầu ra sức vận động cho việc áp đặt các biện pháp chế tài quốc tế nghiêm nhặt hơn.

Hôm qua, Thượng viện Mỹ đã đồng thanh thông qua dự luật để trừng phạt Bắc Triều Tiên. Ngoài ra, Nhật Bản cũng áp đặt các biện pháp chế tài đơn phương, trong đó có lệnh cấm tàu bè Bắc Triều Tiên cập cảng nước Nhật và không cho tất cả công dân Bắc Triều Tiên nhập cảnh Nhật Bản. - VOA
|
|

2.
Thái Lan: Phe Áo Đỏ chống dự thảo Hiến Pháp của quân đội

Trong cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 7/2016 tới, phong trào quần chúng chống đảo chính tại Thái Lan sẽ bỏ phiếu bác bỏ dự thảo Hiến Pháp do chính quyền quân sự đề nghị. Trên đây là tuyên bố của lãnh đạo phong trào dân chủ « Áo Đỏ ». Tập đoàn quân sự không cho biết sẽ làm gì nếu xảy ra trường hợp này.

Bị chính quyền quân sự cấm hoạt động từ sau cuộc đảo chính tháng 5/2014, phe Áo Đỏ ủng hộ hai thủ tướng bị lật đổ là anh em ông Thaksin và bà Yingluck Shinawatra, tuân thủ ngồi yên. Tuy nhiên, trả lời AFP trong cuộc phỏng vấn hôm nay 11/02/2016, chủ tịch đảng Jatuporn Prompan cho biết sẽ bỏ phiếu chống « Hiến Pháp » do phe quân đội đảo chính soạn thảo và đưa ra trưng cầu dân ý vào tháng 7. Khi được hỏi liệu phong trào Áo Đỏ có đông đảo ủng hộ viên để bác bỏ văn kiện của phe quân đội hay không, Jatuporn Prompan tuyên bố là « sẽ thấy rõ trong ngày bỏ phiếu ».

Dự thảo Hiến Pháp của chính quyền quân sự được mô tả là vũ khí « diệt trừ căn bệnh tham ô » của Thái Lan, của các chính phủ mị dân và chính trị gia bất hảo. Mục đích trước mắt là không cho gia đình Shinawatra trở lại chính quyền hầu bảo vệ đặc quyền của giai tầng xã hội bảo hoàng, tức phe Áo Vàng tại Bangkok. Tuy nhiên, dự thảo này bị phe Áo Đỏ, và ngay một số nhân vật từng ủng hộ quân đội lật đổ anh em thủ tướng Shinawatra, chỉ trích là phản dân chủ : thủ tướng không do dân bầu, có quyền chỉ định thượng nghị sĩ và kiểm soát tư pháp, toà án.

Trong tất cả các cuộc bầu cử từ năm 2001, lá phiếu của người dân nông thôn Thái Lan đã giúp cho liên minh chống phe bảo hoàng chiến thắng. Phe Áo Đỏ đóng vai trò then chốt trong sinh hoạt chính trị tại Thái Lan. Đa số thành viên là nông dân và dân nghèo ở phía bắc và đông bắc, nhiều lần kéo về thủ đô chiếm đóng đường phố từ khi lãnh đạo của họ là thủ tướng Thaksin Shinawatra bị lật đổ vào năm 2006 và lưu vong.

Theo AFP, chính quyền quân sự không nói rõ ý định của họ như thế nào trong trường hợp dự thảo Hiến Pháp bị cử tri bác bỏ. Tuy nhiên, tướng Chan-O-Cha cam kết tổ chức bầu Quốc Hội vào năm 2017, bất chấp kết quả trưng cầu dân ý. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Hai ứng viên tổng thống đảng Cộng hoà rút khỏi cuộc đua

Có thêm hai ứng viên tổng thống của phe Cộng hoà - Thống đốc New Jersey Chris Christie, và nữ doanh gia Carly Fiorina, rút khỏi cuộc đua sau khi gặp thất bại ở Iowa và New Hampshire. Các ứng viên còn lại giờ đây đang ra sức vận động để tranh thủ sự ủng hộ của cử tri trong cuộc bầu cử sơ bộ ở tiểu bang South Carolina vào ngày 20 tháng này. Thông tín viên Zlatica Hoke của đài VOA tường thuật về tình hình của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Các cuộc bầu cử vừa qua ở Iowa và New Hampshire đã mang lại những người thắng và người thua khác nhau cho cả hai đảng Cộng hoà và Dân chủ.

Tại Iowa, Thượng nghị sĩ Ted Cruz đánh bại ông Donald Trump, và cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton giành được thắng lợi khít khao trước Thượng nghị sĩ Bernie Sanders. Tại New Hampshire, ông Sanders đánh bại bà Clinton, trong khi ông Trump thắng lớn nhưng lại có một đối thủ mới là Thống đốc John Kasich.

Cuộc bầu cử sắp tới tại South Carolina – thường được gọi là “cuộc bầu cử đầu tiên ở miền Nam”, dự kiến sẽ xác định ai là người có nhiều cơ hội nhất để nhận được sự đề cử của đảng.

Về phía đảng Dân chủ, Thượng nghị sĩ Sanders đang ra sức củng cố chiến thắng của mình. Hôm qua, ông đến thăm các cộng đồng của người có thu nhập thấp ở New York và tiếp xúc với giới tranh đấu dân quyền. Một người ủng hộ của chính khách cánh tả này cho biết cảm nghĩ như sau.

"Ông ấy tin những gì ông ấy nói. Ông Sanders thật sự tranh đấu cho chúng tôi và đó chính là điều làm cho tôi yêu thích ông ấy."

Tuy nhiên, bà Clinton có được sự ủng hộ mạnh mẽ ở South Carolina và đang ra sức để giành lại phần thắng.

"Chúng tôi đã học được là bị đánh ngã không phải là chuyện quan trọng. Chuyện quan trọng là có đứng dậy hay không."

Về phía Cộng hoà, Thượng nghị sĩ Cruz đã không thể lập lại chiến thắng bất ngờ ở Iowa trong cuộc bầu cử tại New Hampshire, nơi ông Trump tái xác định vị thế dẫn đầu. Một số nhà phân tích cho rằng ông Trump có phần chắc sẽ thắng ở South Carolina.

Ông Chris Galderi, giáo sư chính trị học của Đại học St. Anslem, cho biết như sau.

"Ông ấy có lẽ sẽ thắng lớn ở South Carolina và câu hỏi cho những người còn lại về phía Cộng hoà là ‘có ai có thể chặn được ông Trump lại hay không?’ Ngay lúc này, ông Trump không có sự ủng hộ mà mọi người nghĩ là một ứng cử viên tổng thống nên có từ các giới chức dân cử và những nhân vật lãnh đạo khác trong đảng của mình."

Ông Trump giờ đây đối mặt với một đối thủ mới là Thống đốc John Kasich của tiểu bang Ohio, là người rất phấn khởi sau khi về nhì ở New Hampshire và có thể nhận được sự hậu thuẫn của các nhân vật lãnh đạo đảng Cộng hoà.

Ông Kasich phát biểu như sau.

"Tôi thật sự trông đợi kết quả tốt ở miền Nam. Tôi trông mong ở miền Trung tây. Tôi rất nóng lòng để tới Michigan."

Thống đốc Christie và bà Fiorina đã quyết định rút khỏi cuộc đua sau khi bị thất bại nặng ở cả Iowa lẫn New Hampshire. Thượng nghị sĩ Marco Rubio của tiểu bang Florida vẫn chưa bỏ cuộc vì có được ủng hộ khá mạnh mẽ của cử tri ở Iowa. Cựu thống đốc Jeb Bush của tiểu bang Florida không có được tiến bộ nào trong hai cuộc đầu phiếu ở Iowa và New Hampshire, nhưng ông có được sự hậu thuẫn của những nhà tài trợ có nhiều thế lực và của một gia đình có hai người từng giữ chức tổng thống. - VOA
|
|

4.
Mỹ cải chính: Tuần tra chung với Ấn Độ chưa bao gồm Biển Đông

Sau một loạt thông tin báo chí theo đó giới chức quốc phòng Mỹ-Ấn Độ đã thảo luận về khả năng Hải Quân hai nước tuần tra chung tại nhiều khu vực, kể cả Biển Đông, bộ Quốc Phòng Mỹ hôm qua 10/02/2016 đã vội vàng cải chính. Theo Lầu Năm Góc, hai bên đã mở đàm phán « không chính thức » về việc tuần tra chung, nhưng vùng Biển Đông đã không được thảo luận.

Một quan chức quốc phòng Mỹ xin giấu tên đã tuyên bố : « Tôi có thể xác nhận rằng một số cuộc thảo luận không chính thức về khả năng hai nước mở những cuộc tuần tra chung đã diễn ra ». Tuy nhiên, quan chức này khẳng định tiếp : « Chúng tôi không biết gì về bất kỳ một cuộc thảo luận nào về việc gộp Biển Đông vào các khu vực tuần tra chung ».

Theo hãng tin Ấn Độ PTI, các cuộc thảo luận không chính thức gần đây chủ yếu tập trung vào khả năng hai nước cùng nhau tuần tra trong Ấn Độ Dương rộng lớn, cho phép hai nước kiểm soát được tuyến đường biển chiến lược này.

Còn theo Reuters, trích dẫn một nguồn tin từ chính quyền New Delhi, vấn đề tuần tra chung Mỹ-Ấn đã được nêu lên vào tháng 12/2015 vừa qua khi bộ trưởng Quốc Phòng Ấn Độ Manohar Parrikar ghé thăm bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương của Mỹ tại Hawaii.

Dù rất thận trọng trong quan hệ với Trung Quốc, trước các động thái lấn lướt của Bắc Kinh, nhiều khi không cần kiêng nể New Delhi, Ấn Độ đã ngày càng tăng cường sự hiện diện hải quân của mình tại Biển Đông, liên tục phái chiến hạm ghé thăm các cảng ở vùng Đông Nam Á, một điều rất ít khi xẩy ra một vài năm trước đây.

Theo một sĩ quan chỉ huy của Hải Quân Ấn Độ, điểm đến của đa số tàu chiến Ấn Độ được phái đến Biển Đông là Việt Nam, một đất nước nhanh chóng tăng cường năng lực quân sự để sẵn sàng đối phó với khả năng nổ ra xung đột với Trung Quốc tại Biển Đông.

Ấn Độ cũng đã cấp cho Việt Nam 100 triệu đô la tín dụng để mua tàu tuần tra và đang đào tạo thủy thủ tàu ngầm Việt Nam tại căn cứ của mình ở Ấn Độ. Dù vậy, theo Reuters, khả năng Ấn Độ cùng Mỹ tuần tra ở Biển Đông là một điều trước mắt chưa thể xẩy ra. - RFI
|
|

Tin Việt Nam

5.
VN: 21.000 người đi cấp cứu vì tai nạn, đánh nhau, ngộ độc trong dịp Tết

Báo chí Việt Nam trong các ngày 10 và 11 tháng 2 trích dẫn các con số chính thức của các Bộ Y tế và Công an cho hay trong 3 ngày Tết số người phải cấp cứu vì tai nạn giao thông là 17.000, vì đánh nhau là 2.000 và vì ngộ độc thức ăn hoặc say rượu là 2.000. Bộ Y tế nói tổng số người vào viện khám cấp cứu trên cả nước là gần 90.000 ca.

Riêng về tai nạn giao thông, các con số của Bộ Công an và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy từ ngày 29 Tết đến hết ngày 3 Tết có 101 người thiệt mạng trong các vụ tai nạn.

Điều đáng chú ý là vào ngày mùng 3 Tết (tức 10 tháng 2), số vụ tai nạn tăng mạnh so với các ngày 29 và mùng 1 Tết, với 57 vụ tai nạn, làm chết 37 người, 65 người bị thương.

Nếu không tính ngày mùng 3 Tết, Ủy ban An toàn giao thông cho biết, trong 3 ngày từ 29 Tết đến mùng 2 Tết, tai nạn giao thông lại giảm mạnh so với cùng kỳ Tết Nguyên đán năm 2015. Cụ thể, số vụ giảm từ 182 xuống 104, và giảm từ 107 người chết xuống 64.

Về nguyên nhân, báo chí Việt Nam dựa vào báo cáo và số liệu của Bộ Y tế đưa ra nhận định rằng nhiều tai nạn giao thông xảy ra do vào dịp Tết cổ truyền người dân sử dụng rượu bia nhiều.

Theo Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia, tại một số tỉnh và thành phố, trong đó có Hà Nội, Thanh Hoá, TP. HCM, tình trạng người đi mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm, chở 3, chở 4, lạng lách đánh võng, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ vẫn diễn ra. Thậm chí, nhiều cha mẹ chở con trên đường không đội mũ bảo hiểm cho con. Những trường hợp lái xe ra đường sau khi uống rượu bia diễn ra khá phổ biến tại nông thôn.

Tại thủ đô Hà Nội, trang tin tức Dân Trí nhận xét “trong những ngày Tết, luật giao thông đường bộ dường như có cũng như không”. Một phóng sự ảnh với hơn 30 bức ảnh của trang tin cho thấy người dân thản nhiên đi 3 đến 4 người trên 1 xe máy, không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều, dàn hàng ngang, vừa lái xe vừa nhắn tin, gọi điện thoại, thậm chí thản nhiên vi phạm luật kể cả nhìn thấy Cảnh sát Giao thông ở các ngã 3 ngã tư.

Lạm dụng rượu bia trong những ngày Tết không chỉ dẫn đến nhiều tai nạn giao thông mà cũng là nguyên nhân trực tiếp của nạn đánh nhau trong một số ngày gần đây, báo chí Việt Nam cho hay, trích dẫn thông tin của Bộ Y tế. Bộ này cho biết 3 ngày Tết có gần 2.000 ca khám, cấp cứu do đánh nhau khiến 10 người tử vong. Bộ so sánh rằng tổng số ca cấp cứu giảm đến 83% so với 3 ngày Tết năm ngoái nhưng số người tử vong lại tăng lên. Năm 2015, cả nước có 4 trường hợp tử vong trong các vụ đánh nhau.

Ngoài những người tới bệnh viện do tai nạn và đánh nhau, gần 2.000 người khác phải cấp cứu mà một phần trong số đó cũng do say rượu, số còn lại do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa, thông tin của Bộ Y tế cho hay. Họ cũng nói chưa có báo cáo về vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt nào. - VOA
|
|

6.
Hai vị trí tân Bí thư là 'đột phá lớn'

Kinh tế gia Lê Đăng Doanh cho rằng, việc bổ nhiệm ông Đinh La Thăng và ông Hoàng Trung Hải vào vị trí Bí thư thứ nhất của thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội là bước đột phá.

Bình luận trong Bàn tròn thứ Năm hôm 11/02 của BBC Tiếng Việt, ông Doanh nói: "Cụ thể là quyết định về nhân sự. Như chúng ta biết, trước kia đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh sẽ tự bầu ra Bí thư thứ nhất của Đảng bộ thành phố nhưng trong trường hợp này bộ Chính trị đã quyết định nhiệm vụ đó do Bộ Chính trị bổ nhiệm và cũng đã được bổ nhiệm đối với Hà Nội.

"Tôi nghĩ đây là bước đi có tính chất đột phá để tạo ra sự thay máu, thay đổi."

Đồng quan điểm trên, nhà nghiên cứu chính sách công Phạm Quý Thọ nhận xét, những lo ngại về việc ông Đinh La Thăng ở địa bàn không quen thuộc là "không có cơ sở vì ông Thăng từng lãnh đạo một tập đoàn rất lớn".

"...Một cá nhân đứng đầu một thành phố mà theo bình luận là xa lạ, tuy tôi không nghĩ như thế, vì trong thể chế này cần có sự thay đổi.

"Khi thay đổi thì không thể tránh khỏi điều tiếng này nọ, đặc biệt là với những người mong muốn có vị trí hoặc là phe cánh nào đấy có thể không hài lòng lắm về sự bổ nhiệm này.

"Tuy nhiên phải căn cứ vào dân chúng, phải căn cứ vào những người dân, bất cứ chính sách nào hướng tới người dân, được người dân ủng hộ, thì sẽ thành công," chuyên gia từ Học viện Chính sách và Phát triển nói.

Nhưng bà Vũ Phương Anh, một giảng viên đã nghỉ hưu, từ thành phố Hồ Chí Minh lại tỏ ra e dè hơn trước những kỳ vọng thay đổi với nhiệm kỳ của ông Đinh La Thăng.

Bà cho rằng, cần chờ xem những hành động của vị tân Bí thư Thành ủy là gì, và tuy bà không kỳ vọng điều này không mang ý nghĩa tiêu cực.

"Tôi bất ngờ khi thấy ông Đinh La Thăng được bổ nhiệm làm bí thư vì đơn giản là ông Đinh La Thăng là người sống ở miền Bắc, ở Hà Nội, và có lẽ ít hiểu biết về Sài Gòn.

"Ông Đinh La Thăng là người có tính cách mạnh mẽ, có nhiều quyết định bất ngờ thì có thể phù hợp với thành phố Hồ Chí Minh. Tôi biết có một vài ý kiến cho là tại sao là người từ miền Bắc vào, nhưng tôi nghĩ là dân thành phố Hồ Chí Minh tính khá mở nhưng tất cả còn phải chờ phía trước là ông Đinh La Thăng sẽ làm gì."

Tiến sỹ Phương Anh cũng nhận xét, vị trí mới của ông Thăng ở thành phố Hồ Chí Minh là lĩnh vực hoàn toàn khác so với vị trí Bộ trưởng Giao thông Vận tải trước kia.

'Vòng kim cô'

Bàn luận về câu hỏi liệu ông Đinh La Thăng sẽ có tự do tới đâu trong việc điều hành thành phố Hồ Chí Minh, khi có ý kiến cho rằng, tuy lãnh đạo mới nhưng điều hành theo đường lối, chính sách có sẵn thì 'đâu vẫn hoàn đấy," ông Phạm Quý Thọ cho rằng vẫn có thể "đề xuất sự thay đổi" những chính sách đã được định qua văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc và thành phố.

"Không ai cứ bám vào đó và coi như một cái vòng kim cô được mà cần phải có ý kiến mà nếu nó không phù hợp thì phải thay đổi.

"Thực thi chính sách đòi hỏi những sáng kiến và quyết liệt. Để xóa khoảng cách giữa chính sách về giấy tờ và chính sách đi vào cuộc sống thì cần có người hành động và ông Đinh La Thăng chính là người như vậy, tôi hy vọng như vậy."

Bên cạnh đó, thành phố Hồ Chí Minh "là môi trường để cho ông ấy vùng vẫy," "thậm chí là không bị ràng buộc bởi Hà Nội, vì dù sao cũng là thành phố thủ đô, có rào cản lớn hơn so với thành phố Hồ Chí Minh."

Kinh tế gia Lê Đăng Doanh cho rằng, với quyền hạn và trách nhiệm của Bí thư thứ nhất, ông Thăng "hoàn toàn có khả năng để lại dấu ấn rất rõ rệt".

"Chúng ta nhớ là ông Võ Văn Kiệt hay ông Nguyễn Văn Linh khi công tác ở thành phố Hồ Chí Minh đều có những bước xé rào, đã có những bước đi tiên phong trong công cuộc đổi mới.

"Tôi rất hy vọng ông Đinh La Thăng khi ông đứng đầu ở đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh ông sẽ phát huy sáng kiến, đẩy mạnh công cuộc cải cách thể chế, vận dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, và ông sẽ đấu tranh để giảm bớt tham nhũng và nâng cao hiệu quả của nền kinh tế và thu hút được nhân tài trong nước và ngoài nước.

"Ưu tiên nhất là cải cách thể chế và thu hút nhân tài và nếu ông Đinh La Thăng thu hút được những người giỏi, tổ chức tốt trong cuộc bầu cử sắp tới với những thành phần mới, gương mặt mới, sẽ là một trong những bước đi có tính chất đột phá và đầy hy vọng đối với thành phố Hồ Chí Minh."

Có ý kiến trên mạng xã hội đặt câu hỏi rằng, liệu trường hợp của ông Thăng có giống như ông Nguyễn Bá Thanh trong giai đoạn ra Hà Nội, ông Doanh nói có nhiều người hy vọng ông Đinh La Thăng sẽ trở thành ông Nguyễn Bá Thanh như thời ở Đà Nẵng.

"Ông Đinh La Thăng nhận được ủng hộ đáng kể của quần chúng," tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói.

Nhà lãnh đạo 'kỹ trị'

Vị tân Bí thư thành ủy Hà Nội, ông Hoàng Trung Hải được khách mời của Bàn tròn thứ Năm đánh giá cao do đã có kinh nghiệm từ hai nhiệm kỳ Phó Thủ tướng và "từng đi du học nước ngoài".

"Ông cũng được sự tín nhiệm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và những thành tựu mà ông Hoàng Trung Hải đạt được tạo ra cho ông uy tín và sự ủng hộ.

"Ông Hoàng Trung Hải sẽ hợp tác chặt chẽ với ông Chủ tịch thành phố mới để cải cách một cách mạnh mẽ và khắc phục được vị trí rất thấp của Hà Nội trong xếp hạng về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

"Tuy là thủ đô nhưng Hà Nội xếp thứ 26 trong 63 tỉnh thành, còn Đà Nẵng xếp thứ nhất và thành phố Hồ Chí Minh xếp thứ 4," tiến sỹ Doanh nói.

Khách mời Phạm Quý Thọ lại cho rằng, sự kết hợp giữa một chủ tịch có xuất thân từ công an, với ông Hoàng Trung Hải là lãnh đạo 'kỹ trị' có thể còn "tốt hơn các nhiệm kỳ trước".

"Tân chủ tịch Nguyễn Đức Chung xuất thân là tướng công an thì cũng không có lo ngại lắm vì vai trò của Đảng rất lớn trong lãnh đạo nên vị chủ tịch sẽ phải hợp tác với vị bí thư để thực hiện việc đó."

"Trong sự đổi mới này thể nào cũng có va chạm về lợi ích nhóm mà nếu như ông Chung làm được điều là không để lợi ích nhóm ảnh hưởng tới công việc điều hành của thành phố này thì cũng rất tốt."

Hà Nội 'thua xa' TP Hồ Chí Minh

Tiến sỹ Vũ Phương Anh cho rằng thành phố Hồ Chí Minh chỉ ở mức điểm 6.5 hoặc 7 điểm, nếu coi điểm 10 là tiềm năng của thành phố.

Bà nhận xét, di sản của nhiệm kỳ trước đối với Sài Gòn rất mờ nhạt. "Sài Gòn không có sự năng động vốn có, tiềm năng hiện có về mặt kinh tế cũng như sáng tạo, đổi mới thường xuất phát từ Sài Gòn nhưng trong nhiệm kỳ vừa qua thì tôi không thấy rõ điều này."

"Cần phải đổi mới về thể chế, nó phải là nơi thể hiện dân chủ, giao lưu với các nước xung quanh nhất là các nước ở Đông nam Á thì người dân Sài Gòn phải có tư thế, Sài Gòn phải có tư thế."

Thủ đô Hà Nội bị cho điểm thấp hơn hẳn với mức 4.5/10, theo Phó Giáo sư Phạm Quý Thọ, vì Hà Nội nhiệm kỳ trước "còn nhiều thứ dở dang".

"Hà Nội phức tạp hơn, nó là thành phố trung ương, rất nhiều rào cản, lợi ích nhóm đan xen, nhưng chỉ cần làm được những cái dở dang của nhiệm kỳ trước, về cơ sở hạ tầng, về giáo dục, về văn hóa là những thứ đang rất cần, rất thiếu.

"...Tôi nghĩ rằng nhiệm kỳ tới chắc lên khoảng 5.5 hoặc là 6 gì đấy thì tôi cũng rất mừng, để đuổi kịp thành phố Hồ Chí Minh chắc còn xa." - BBC

No comments:

Post a Comment