Monday, February 1, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Hai 1/2

Tin Thế Giới

1.
Myanmar mở tiệc chia tay Quốc hội cũ --- Miến Điện: Phe dân chủ chính thức nắm đa số ở Quốc hội

Ngày họp cuối của Quốc hội Myanmar cũ kết thúc bằng tiệc tối và múa hát ở thủ đô Nay Pi Taw hôm 29/01, trước khi đảng của bà Aung San Suu Kyi lên nắm quyền.

Hàng trăm dân biểu Myanmar tham dự kỳ họp Quốc hội mới hôm thứ Hai 01/02, bầu chọn chính phủ dân chủ đầu tiên trong hơn nửa thế kỷ.

Lần đầu tiên từ hơn 50 năm, hàng trăm dân biểu Myanmar tham dự kỳ họp Quốc hội mới, bầu chọn chính phủ dân chủ đầu tiên.

Quốc hội lần này họp với đông đảo các đại biểu từ Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi, vốn giành 80% số ghế trong cuộc bầu cử tháng 11 vừa qua.

Tuy nhiên một phần tư số ghế vẫn dành cho quân đội và theo Hiến pháp thì các bộ Công an, Quốc phòng và Biên giới vẫn do phe này nắm.

Một trong những công việc đầu tiên của Quốc hội mới sẽ là bầu chọn một tổng thống mới.

Tổng thống Thein Sein sẽ từ nhiệm vào cuối tháng Ba, nhưng theo Hiến pháp bà Suu Kyi, người từng bị quản chế 15 năm, không thể vào vị trí này vì các con của bà là công dân Anh, không phải công dân Miến Điện.

Tuy nhiên bà Suu Kyi công khai nói rằng bà sẽ gây ảnh hưởng qua vị lãnh đạo mới. - BBC

***
Miến Điện bước vào một thời kỳ mới, với việc các dân biểu Quốc hội mà đảng của bà Aung San Suu Kyi chiếm đa số nhậm chức. Quốc hội mới sẽ thành lập chính phủ đầu tiên từ cuộc bầu cử tự do tháng 11/2015, sau nhiều thập niên Miến Điện sống dưới chế độ quân phiệt.

Theo hãng tin AFP, ngày 01/02/2016, 390 các dân biểu thuộc đảng Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ đã đến rất sớm để dự phiên họp khai mạc Quốc hội khóa mới.

Từ thủ đô Naypidaw, thông tín viên RFI Rémi Fave gởi về bài tường trình :

"Cả một đợt sóng màu cam. 390 dân biểu Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ, với trang phục truyền thống áo veste màu cam bước vào Quốc hội Miến Điện. Với bà Aung San Suu Kyi ở hàng ghế đầu, các dân biểu Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ ngồi chung với 166 nghị sĩ thuộc phe quân sự trong tòa nhà Quốc hội gần như mới tinh, được xây dựng ở thủ đô hành chính Naypidaw. Đây là một thành phố gần như vắng vẻ, chẳng có gì hấp dẫn, cho dù tại đây có nhiều đại lộ rất rộng, có chỗ mỗi bên có đến 11 làn. 

Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ chiếm đa số tuyệt đối ở Quốc hội. Do vậy, đảng của bà Aung San Suu Kyi sẽ bầu chọn bốn người làm chủ tịch và phó chủ tịch Quốc hội. Ba ứng cử viên cho những chức vụ này là những nhân vật thuộc các sắc tộc thiểu số. Một trong số các ứng cử viên là thuộc đảng của các cựu quân nhân đã lãnh đạo Miến Điện trong 5 năm qua, đảng đã thất cử nặng nề trong cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái. 

Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ đã chọn lựa những chính khách có gốc gác và lập trường chính trị rất khác nhau. Bà Aung San Suu Kyi muốn thành lập một chính phủ hòa giải dân tộc để tiếp tục tiến trình chuyển tiếp chính trị một cách êm thắm".

Sau khi được bầu làm chủ tịch Hạ viện, ông Win Nyint tuyên bố : « Hôm nay là một ngày trọng đại trong lịch sử chính trị Miến Điện mà chúng ta có thể tự hào ». Về phần tân nghị sĩ của Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ Nyeint Thit thì cam kết "chúng tôi sẽ nỗ lực để nhân quyền được tôn trọng và hòa bình được vãn hồi".

Nhưng tất cả các dân biểu phe đối lập cũ thừa hiểu rằng trách nhiệm của họ rất nặng nề trong việc phát triển một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Hơn nữa, các dân biểu mới, chủ yếu gồm các bác sĩ, giáo viên và nhà thơ, chẳng có kinh nghiệm gì về nghị trường, ngoại trừ khoảng 20 người trong số họ, trong đó có bà Aung San Suu Kyi. Bà đã được bầu làm nghị sĩ trong cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung vào năm 2012.

Nhiệm vụ đầu tiên của tân Quốc hội sẽ là bầu một tổng thống mới. Hiến pháp hiện hành không cho phép bà Aung San Suu Kyi tranh chức này và hiện giờ Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ cũng chưa công bố danh tính ứng cử viên của họ cho chức tổng thống. - RFI
|
|

2.
Anh cho biên tập gene trong bào thai người

Giới chức quản lý y tế và khoa học Anh Quốc vừa đồng ý để một dự án ‘sửa lại gene trong phôi thai của người’ được tiến hành.

Viện Francis Crick ở London đã được phép thử nghiệm với công trình mà báo chí Anh Quốc gọi là ‘biên tập lại gene di truyền’ trong bào thai của người.

Anh Quốc là quốc gia đầu tiên có quy chế cho sửa lại gene trong phôi thai.

Nghiên cứu sẽ cho phép người ta hiểu biết sâu hơn về giai đoạn hình thành sự sống ở người.

Thế nhưng, quy định này vẫn cấm đem phôi thai đã biến đổi gene vào cơ thể phụ nữ để sinh con.

Chủ đề này từ lâu nay đã bị phê phán như cách tạo ra trẻ biến đổi gene.

Một số nhà chỉ trích lên án việc tạo ra trẻ ‘GM baby’ (genetically modified babies) theo cách tạo ra thực vật, động vật biến đổi gene hay GM.

Năm ngoái, Trung Quốc công bố họ thực hiện việc ‘tái biên tập gene’ trong phôi thai người để sửa lại gene gây ra bệnh rối loạn về máu.

Giáo sư Robin Lovell-Badge, nhà khoa học làm cố vấn cao cấp cho cơ quan quản lý sinh sản của Anh Quốc nói với BBC rằng dù ở Trung Quốc đã có các bản hướng dẫn, “điều chưa rõ là họ đã làm gì và có vượt qua giới hạn này không”.

Còn tại Anh, ông nói "đây là lần đầu tiên có cơ chế quản lý đúng đắn và được thông qua”.

Từ lâu nay, các nghiên cứu về gene đã lập được bản đồ genome của người và nhiều loài động thực vật.

Nhưng công nghệ giải mã và can thiệp vào bộ gene di truyền ở con người (Genetic Engineering of Humans) cũng gắn liền với các câu hỏi về đạo đức.

Nhất là khi kỹ thuật nhân bản được phổ biến nhờ giải mã xong hệ gene người và sự ra đời của các tế bào gốc.

Lo ngại đến từ chỗ trong tương lai, công nghệ gene bị lợi dụng, và việc làm thay đổi các vật liệu di truyền hay ADN trong cơ thể người, tạo ra những sản phẩm sinh học không đúng quy luật tự nhiên.

Báo chí quốc tế lâu nay nói về việc bên cạnh các ứng dụng chữa bệnh hoặc diệt trừ trước bệnh di truyền ở trẻ sơ sinh, người ta có thể "thiết kế trước” con cái với các đặc tính di truyền cha mẹ lựa chọn.

Nếu xảy ra điều này, ngoài các hệ quả y học, loài người còn phải nhìn nhận hậu quả xã hội: người giàu có nghiễm nhiên hưởng nhiều cơ hội 'cải thiện gene' cho con cái họ hơn người thiếu tiền để làm chuyện đó.

Chưa kể việc ghép gene có thể còn tạo ra các biến dạng ở loài người mà hậu quả ra sao chưa ai lường trước được.

Cũng có ý kiến nói dù bộ gene của người đã được giải mã nhưng các hiệu ứng liên đới khi ta tác động vào một gene hay nhóm gene ra sao thì giới khoa học chưa thể nào xác định được. - BBC
|
|

3.
Máy bay Nga lại xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ

Căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Nga lại gia tăng trong lúc Thổ Nhĩ Kỳ cảnh cáo về những hậu quả sau khi máy bay Nga xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ hôm thứ 6. Nga nói rằng máy bay của họ không hề bay vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ và liên minh NATO hôm chủ nhật khẳng định rằng một chiếc phản lực của Nga đã làm như vậy.Thông tín viên Luis Ramirez của đài VOA tường thuật.

Vụ việc xảy ra hôm thứ Sáu là vụ việc nghiêm trọng nhất kể từ tháng 11, khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một chiến đấu cơ của Nga mà họ nói là xâm phạm không phận của họ.

Lần này, không có máy bay bị bắn rơi, nhưng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đưa ra những lời cảnh cáo nghiêm khắc.

"Chúng tôi xem sự vi phạm này – một sự vi phạm đã diễn ra bất chấp tất cả những lời cảnh cáo của chúng tôi bằng tiếng Anh và tiếng Nga, là một mưu toan của Nga để làm cho vụ khủng hoảng trong khu vực leo thang."

Liên minh NATO cũng đang theo dõi sát vấn đề này bởi vì không phận bị vi phạm cũng là không phận của NATO. Nếu Nga tiếp tục xâm phạm chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ, họ sẽ bị buộc phải nhận lãnh hậu quả.

NATO gọi vụ này là một hành vi nguy hiểm và hối thúc Nga hành xử một cách có trách nhiệm.

Nga nói rằng máy bay của họ không hề bay vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ và cho rằng tố cáo của Thổ Nhĩ Kỳ là một tuyên bố vô căn cứ, phục vụ cho mục tiêu tuyên truyền.

Vụ này xảy ra trong lúc Nga tiếp tục chiến dịch không kích ở Syria để yểm trợ cho các lực lượng của chính phủ Syria.

Chấm dứt những vụ không kích này là một trong những đòi hỏi chính của phe đối lập Syria, những người đang phái đại biểu tới Geneve để dự cuộc hoà đàm do Liên Hiệp Quốc bảo trợ.

Hôm qua, một đại biểu cho biết như sau tại Thuỵ Sĩ:

"Chúng tôi sẵn sàng thương thuyết nhưng ít ra chúng tôi phải nhìn thấy những tiến bộ trên thực địa ở Syria. Những vụ tàn sát nhắm vào người dân của chúng tôi phải thật sự chấm dứt. Xin giúp chúng tôi cứu mạng con cái chúng tôi, cứu mạng những em bé còn lại ở Syria."

Các nhà quan sát nói những vụ căng thẳng mới nhất giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, hai nước ủng hộ tiến trình hoà bình Syria, đang gây phức tạp cho cuộc hoà đàm vốn dĩ đã gặp phải rất nhiều khó khăn. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên sẽ diễn ra tại bang Iowa tối thứ Hai --- Ứng cử viên hai đảng dồn sức ở Iowa trước cuộc bầu cử hệ trọng

Sau nhiều tháng với những cuộc mít-tinh, những bài diễn văn và các cuộc tranh luận, chiến dịch bầu cử sơ bộ chính thức diễn ra ngày hôm nay, khi cư dân Iowa bỏ phiếu tại những địa điểm họp bầu trên toàn tiểu bang để chọn ứng cử viên tổng thống họ ưa thích. Thông tín viên Richard Green của đài VOA tường thuật.

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy có cuộc chạy đua khít khao trong đảng Cộng hòa lẫn đảng Dân chủ, với những ứng cử viên không có sự ủng hộ của giới lãnh đạo đảng tiếp tục chứng tỏ sự kiên cường của họ.

Về phía đảng Cộng hòa, tỉ phú bất động sản Donald Trump vẫn dẫn dầu một ít trước Thượng nghị sĩ Ted Cruz của tiểu bang Texas. Ông Trump tiếp tục nêu nghi vấn về việc ông Cruz có đủ điều kiện tranh cử tổng thống hay không, trong khi ông Cruz thách thức ông Trump về lập trường bảo thủ của ông này. Ông Trump phát biểu:

“Và dĩ nhiên vấn đề lớn nhất là Canada, ông ấy sinh tại Canada và nhiều người nói rằng ông không thể ra tranh cử, do đó chúng ta sẽ tìm hiểu về việc này. Đối với tôi đó là một vấn đề quan trọng, vì nếu bạn trở thành một ứng cử viên, có thể bạn không thể ra tranh cử, theo như ý kiến của nhiều người.”

Thượng nghị sĩ Ted Cruz nói: “Việc này hết sức quan trọng. Chúng ta không nên đánh cược. Hàng triệu người Mỹ đang trông cậy vào những người nam và nữ có mặt tại đây ngày hôm nay: để nhìn vào mắt của mỗi một ứng cử viên, xem xét chúng tôi, để nói ‘đừng nhìn vào những gì chúng tôi nói, hãy nhìn chúng tôi đã làm như thế nào.”

Đối với đảng Dân chủ, cuộc đua dường như đang ở trong tình trạng ngang ngửa giữa cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton và Thượng nghị sĩ độc lập Bernie Sanders thuộc tiểu bang Vermont, người tự nhận có lập trường dân chủ xã hội. Bà Hillary Clinton nói:

“Bạn biết đó, khi bạn đến cuộc họp bầu vào tối mai, bạn không chỉ chọn một tổng thống, mà bạn còn chọn tổng tư lệnh quân đội. Và tôi cảm thấy rất may mắn có được kinh nghiệm phục vụ các bạn trong tư cách ngoại trưởng trong 4 năm. Tôi biết những sự chọn lựa khó khăn mà một vị tổng thống phải đối mặt. Nếu vấn đề không khó khăn thì nó đã không có mặt trên bàn giấy của tổng thống. Những vấn đề đó đã không được đưa vào phòng tình huống mà tôi đã trải qua nhiều giờ để cố gắng tìm ra con đường nào tốt nhất, an toàn nhất, và khôn khéo nhất để tiến tới.”

Thượng nghị sĩ Bernie Sanders nói:

“Và đó là mục tiêu chiến dịch này. Lẽ dĩ nhiên tôi có mặt tại đây để tìm cách giành được chiến thắng vào tối mai, cố gắng để được đảng dân chủ đề cử. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn và trong khuôn khổ của tiến trình này là chúng ta -- hàng triệu người đến đây, da trắng, da đen, gốc Châu Mỹ La Tinh, người đồng tính luyến ái và người bình thường, đàn ông, đàn bà, những người sanh tại đất nước này, những người di cư đến đây, chúng ta sẽ không cho phép ông Donald Trump và những người khác, chúng ta sẽ không cho phép họ chia rẽ chúng ta. Chúng ta sẽ sát cánh với nhau.”

Dự báo thời tiết cho thấy một trận bão lớn sẽ ập đến vào lúc các cư dân tụ tập tại trung tâm họp bầu để bỏ phiếu trong đêm hôm nay.

Bão tuyết có thể ảnh hưởng đáng kể đến số cử tri đi bầu, tạo lợi thế cho những ban vận động được tổ chức kỹ càng, hay những ứng cử viên có những người ủng hộ rất nhiệt tình. Tiểu bang New Hampshire là trọng tâm kế tiếp của các ứng viên tổng thống. Tiểu bang vùng đông bắc này sẽ tổ chức bầu cử sơ bộ vào ngày 9 tháng 2. - VOA

***
Tại những buổi vận động tranh cử khắp bang Iowa, một số ứng cử viên và cử tri giận dữ đổ lỗi cho chính giới ở Washington về những vấn đề của đất nước.

Cử tri lo ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của nguồn tiền vận động chính trị to lớn và những chính trị gia thâm căn cố đế dường như đang ủng hộ ba ứng cử viên chống lại tập đoàn đương quyền - doanh nhân Donald Trump, Thượng nghị sĩ Ted Cruz và Thượng nghị sĩ Bernie Sanders - nhiều hơn so với dự kiến trong những cuộc khảo sát ý kiến cử tri.

Chỉ vài ngày trước những cuộc bầu cử chọn ứng cử viên cho đề cử tổng thống ở Iowa vào ngày thứ Hai, hàng trăm người đứng hàng giờ trong cái lạnh buốt giá để xem Trump phát biểu tại một sự kiện ở Đại học Drake tại thành phố Des Moines. Nhiều trích nói rằng việc ông Trump không có kinh nghiệm chính trị và tự tài trợ chiến dịch tranh cử của mình chính là lý do để bỏ phiếu cho tỉ phú bất động sản này.

"Tôi nghĩ có rất nhiều sự tức giận với tập đoàn đương quyền, và tôi nghĩ việc đó là bình thường. Tôi nghĩ tập đoàn đương quyền nên được cải tổ vì họ đã thất bại trong quá khứ," Jack, một người ủng hộ ông Trump từ thành phố Cedar Rapids bang Iowa, nói. Người này không cho biết họ của mình.

Các ứng cử viên đang tranh thủ lợi dụng nhận thức của cử tri cho rằng tập đoàn đương quyền chống lại lợi ích của họ. Đối thủ lớn nhất của ông Trump, Thượng nghị sĩ Ted Cruz, đã biến việc ông ta bị nhiều người không ưa ở Washington thành lợi thế cho mình.

"Nếu bạn thấy một ứng cử viên thân thiết với Washington thì hãy chạy trốn," ông Cruz nói với một đám đông hàng trăm người ở thành phố Ames bang Iowa hôm thứ Bảy. Đám đông khán giả hò reo khi ông Cruz gợi ý dẹp Sở Thuế vụ và nhiều cơ quan chính phủ khác.

"Nhiều chính trị gia nói một đằng khi đi vận động tranh cử, và khi tới Washington thì họ lại làm một nẻo. Chuyện này xảy ra ở cả hai đảng và tôi mệt mỏi về chuyện đó," Paul, người nói rằng ông là đồng chủ tịch hỗ trợ chiến dịch tranh cử của ông Cruz ở cấp quận hạt. Nhưng cũng giống như nhiều cử tri ủng hộ những ứng cử viên nổi dậy, ông Paul từ chối cho biết họ của ông.

'Tìm kiếm thay đổi thực sự'

Cử tri theo Đảng Cộng hòa tại những buổi vận động tranh cử ở Iowa nói rằng kinh tế, nhập cư bất hợp pháp và tình trạng của quân đội Mỹ là những vấn đề hàng đầu mà họ quan tâm, nhưng thừa nhận rằng không có vấn đề nào trong số này có thể được giải quyết với hệ thống hiện thời.

"Ngay cả những người theo Đảng Cộng hòa khắp toàn quốc cũng thích một người ngoài chính giới hơn, người mà theo nhận thức của họ không phải là một phần của những vấn đề mà chúng ta đang thấy ở Washington hiện giờ," Matt Strawn, một cựu chiến lược gia chính trị củ Đảng Cộng hòa, nhận định.

Nhưng sự tức giận không chỉ giới hạn ở những người theo Đảng Cộng hòa.

"Cử tri tức giận giờ có mặt khắp hệ tư tưởng chính trị," Dennis Goldford, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Drake, cho biết.

Tại một cuộc bầu cử mô phỏng ở đại học này vào tuần trước, sinh viên cũng bày tỏ phần nào sự chán ghét đó đối với Washington giống như những cử tri lớn tuổi. Những người theo Đảng Dân chủ, những người nói họ không tin tưởng giới tài phiệt Phố Wall, ủng hộ Bernie Sanders, Thượng nghị sĩ bangVermont, người tự gọi mình là "người có tư tưởng xã hội chủ nghĩa dân chủ." Ông Sanders hô hào cải cách ngành dịch vụ tài chính, bao gồm chia nhỏ những ngân hàng lớn.

Một người ủng hộ ứng cử viên Hillary Clinton nêu bật cảm giác chung trong đám đông sinh viên.

"Tôi nghĩ mọi người đã chán ghét đường lối cũ rồi và tìm kiếm sự thay đổi thực sự nào đó," sinh viên năm ba Jonathan Rudnick nói.

"Bạn đang thấy những chủ đề mang tính dân túy được nhiều người ủng hộ, bởi vì những người đang làm việc vất vả hơn nhưng vẫn chật vật chi trả hóa đơn sinh hoạt, họ tin rằng hệ thống bị làm cho lệch lạc theo hướng bất lợi cho họ," giáo sư Goldford nói.

Những cuộc bầu cử sơ bộ ở khắp Iowa vào tối thứ Hai đánh dấu bước đầu tiên cho những ứng cử viên hy vọng tới được đích đến cuối cùng ở Washington - nơi mà nhiều người trong số họ đả kích trong suốt chiến dịch tranh cử.

Những cuộc bỏ phiếu ở Iowa khởi động một tiến trình diễn ra theo từng bang mà thông qua đó cử tri Mỹ chọn những ứng cử viên trong đảng của họ cho cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào tháng 11 tới. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Việt Nam 'mạnh bạo hơn' nhờ Mỹ?

Hà Nội lần đầu tiên có thái độ rõ ràng trước hoạt động "tự do hàng hải" của Hoa Kỳ.

Hôm 30/1, tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Wilbur Curtis của hải quân Hoa Kỳ áp sát đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa trong điều mà Hoa Kỳ gọi là "chiến dịch tự do hàng hải" (FONOP).

Hải quân Mỹ cho hay tàu này đã vào trong khu vực lãnh hải 12 hải lý của đảo Tri Tôn, đảo lớn thứ ba trong quần đảo Hoàng Sa, và khi đó không có hiện diện của tàu Trung Quốc trong khu vực.

Ngày 31/1, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình tuyên bố "Việt Nam tôn trọng quyền đi qua vô hại trong lãnh hải" của tàu chiến Mỹ theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982.

FONOP hôm 30/1 không phải là lần đầu tiên.

Ngày 27/10/2015, một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường khác của Hoa Kỳ - USS Lassen, đã đi qua khu vực 12 hải lý quanh Đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa. Bãi đá này Trung Quốc đã tiến hành cơi nới xây dựng thành đảo nhân tạo.

Khi đó, Người phát ngôn Việt Nam chỉ nói chung chung là Việt Nam "tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông" và "kêu gọi các bên liên quan đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định" ở Biển Đông.

Việt Nam tuyên bố chủ quyền với cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, do vậy không thể không lên tiếng phản ứng trước các sự kiện liên quan tới chủ quyền ở khu vực này.

Tuy nhiên dường như lần này Việt Nam đã mạnh bạo hơn khi ngỏ ý 'tôn trọng quyền đi qua không gây hại của hải quân Hoa Kỳ'.

Không báo trước

Luật biển của Việt Nam quy định: "Đối với tàu quân sự nước ngoài khi thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam, thông báo trước cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam".

Trung Quốc, nước cũng tuyên bố chủ quyền và đang nắm kiểm soát toàn bộ quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa) còn đòi hỏi tàu chiến nước ngoài phải xin phép trước.

Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ hôm 30/1 thừa nhận không báo trước cho các bên về hoạt động của tàu USS Wilbur Curtis.

Thế nhưng phía Việt Nam không đề cập chi tiết này, vì FONOP của hải quân Mỹ trước hết nhằm thách thức Trung Quốc.

Học giả Hoàng Việt, chuyên gia luật quốc tế, cho rằng hoạt động của tàu USS Wilbur Curtis đã "gây bất ngờ" và "cho thấy quyết tâm của Mỹ" trong thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông.

Cần phải chú ý, trong tranh chấp ở quần đảo Trường Sa có nhiều bên tham gia. Chủ quyền tại Hoàng Sa chỉ có Trung Quốc và Việt Nam.

Sau trận hải chiến Hoàng Sa 1974, Trung Quốc đã chiếm hoàn toàn quần đảo này, kể cả đảo Tri Tôn mà Trung Quốc gọi là Trung Kiến đảo.

Bắc Kinh cũng vẽ một đường cơ sở giả tưởng không được quốc tế công nhận quanh quần đảo Hoàng Sa, từ đó đưa ra các yêu sách chủ quyền khác.

Theo ông Hoàng Việt, ""Mỹ đã thách thức Trung Quốc về việc chỉ có các quốc gia quần đảo như Philippines hay Indonesia mới có thể vạch đường cơ sở theo cách đó".

FONOP của tàu Mỹ trước hết là nhằm vào yêu sách của Trung Quốc và do vậy, nó nhận được ủng hộ của Việt Nam. - BBC
|
|

6.
Quan hệ Mỹ-Việt thời hậu Nguyễn Tấn Dũng: Tiến hay lùi?

Đại Hội đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 đã kết thúc hôm 28/01/2016. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được bầu lại ở chức vụ cũ, trong một giàn lãnh đạo mới bao gồm 19 người là ủy viên Bộ Chính Trị. Một trong những điểm được các nhà quan sát rất chú ý là sự kiện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ không còn ở trong ê kíp cầm quyền tại Hà Nội. Quan hệ giữa Việt Nam với Hoa Kỳ- và Trung Quốc- sẽ chuyển biến ra sao ?

Sở dĩ câu hỏi được đặt ra là vì theo nhân định của nhiều nhà phân tích, thủ tướng Việt Nam được đánh giá là một người năng nổ trong chủ trương xích lại gần Mỹ, sẵn sàng lên tiếng chỉ trích Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, trong lúc tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng thường bị xem là bảo thủ, thậm chí thân Trung Quốc.

Trong bối cảnh chung như kể trên, giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, thuộc trường Đại Học George Mason, tiểu bang Virginia-Hoa Kỳ, một nhà quan sát kỳ cựu về bang giao Mỹ- Việt, cho rằng với giàn lãnh đạo mới tại Việt Nam, quan hệ song phương Mỹ-Việt vẫn sẽ tiếp tục đà phát triển như đã thấy trong những năm qua.

Sự tăng tiến này sẽ được thấy cả trong lãnh vực kinh tế, với Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP được ký kết chính thức và phê chuẩn, ít ra là từ phía Việt Nam, lẫn trong lãnh vực quốc phòng, chiến lược với các hành vi lấn lướt của Trung Quốc tại Biển Đông trong tầm nhắm chung.

"Vì quyền lợi chiến lược, quan hệ Mỹ-Việt sẽ tiếp tục tăng cường"

Nguyễn Mạnh Hùng : «Tôi nghĩ rằng vì quyền lợi chiến lược của Việt Nam, quan hệ Mỹ-Việt sẽ tiếp tục tăng cường cả về phương diện kinh tế lẫn quốc phòng. Về kinh tế thì ông Nguyễn Phú Trọng [Tổng bí thư vừa tái đắc cử của Đảng Cộng Sản Việt Nam], trong chuyến đi thăm Mỹ năm 2015, đã hứa rằng Việt Nam sẽ làm 'đủ mọi cách' để tham gia Hiệp ước TPP - Đối tác Xuyên Thái Bình Dương.

Trong Hội nghị Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng lần thứ 14 [họp hôm 13/1/2016], ông Trọng đã đưa vấn đề này ra. Trung Ương Đảng nhận xét là có những khó khăn trở ngại, nhưng cũng có cái lợi và họ sẵn sàng chấp nhận. Và đã có « đồng thuận rõ rệt » về việc ký kết và phê chuẩn hiệp ước đó.

Như vậy về mặt kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ với Mỹ qua hiệp ước TPP.

Về chiến lược, nhân chuyến thăm Mỹ vào năm 2015, trong cuộc nói chuyện với các nhà ngoại giao và nhân viên Đại Sứ Quán Việt Nam tại Mỹ, ông Trọng đã tuyên bố rằng Mỹ là 'địa bàn hoạt động cực kỳ quan trọng' của ngoại giao Việt Nam. Chỉ căn cứ vào hai điều trên thì chúng ta thấy là Việt Nam sẽ tiếp tục [phát triển quan hệ với Mỹ]. Cũng nên nhớ là một trong những nhân vật được đề cử làm chủ tịch nước là ông Trần Đại Quang thì cũng có cuộc viếng thăm Mỹ trước chuyến công du của ông Trọng ».

RFI : Liệu xu thế nghi kỵ Mỹ sẽ có cơ hội vươn lên hay không ?
Nguyễn Mạnh Hùng : « Xu thế, suy nghĩ nghi kỵ Mỹ lúc nào cũng tiềm tàng trong lòng các lãnh đạo Việt Nam, nhưng bảo nó tăng lên thì tôi nghĩ không có, bởi vì tất cả lãnh đạo [chủ chốt] của Việt Nam đều tương đối hiểu Mỹ hơn và đều đã qua thăm Mỹ. Cụ thể là 4 người trong « tứ trụ » của Việt Nam đều đã đi thăm Mỹ trong thời gian qua, và đã tiếp xúc nhiều với phía Mỹ. Tôi không thấy xu thế nghi kỵ Mỹ tăng lên ».

RFI : Có nhà phân tích cho rằng với việc ông Nguyễn Tấn Dũng rút lui, đà xích lại gần Mỹ của Việt Nam có thể chậm lại. Giáo sư nghĩ sao  ?

Nguyễn Mạnh Hùng : « Tôi không đồng ý với cách nhìn ấy, như tôi đã nêu hai lý do ở bên trên : vì nhu cầu chiến lược của Việt Nam và sự hiểu biết Mỹ hơn của giới lãnh đạo Việt Nam, họ đều đã đi sang Mỹ thăm dò rồi. Về phương diện kinh tế cũng như chiến lược, đà tăng trưởng [quan hệ] vẫn sẽ tiếp tục ».

"Hợp tác quốc phòng có chiều hướng tăng cường"

RFI : Một cách cụ thể, triển vọng của vấn đề hợp tác quốc phòng có thể ra sao ?

Nguyễn Mạnh Hùng : « Trong chính sách xoay trục của Mỹ qua châu Á, người Mỹ đã nói rõ là họ sẽ tiếp tục tìm cách tăng gia tăng khả năng quốc phòng của các đồng minh và đối tác – Việt Nam nằm trong số các nước đó. Điều đó có nghĩa là Mỹ sẽ tiếp tục giúp Việt Nam tăng khả năng phòng thủ của mình, theo mức độ mà hai bên có thể đồng ý và cũng tùy thuộc vào sự đóng góp của Việt Nam ».

RFI : Về vấn đề TPP, liệu có thể nẩy sinh những cản lực nào không ?

Nguyễn Mạnh Hùng : « Đầu tiên là chúng ta thấy rằng Hội Nghị Trung Ương 14 có sự đồng thuận là sẽ ký kết và phê chuẩn Hiệp ước TPP. Nhưng ngược lại thì bên Mỹ mới ký kết, mà chưa phê chuẩn. Do vậy, một trong những vấn đề đặt ra là Quốc Hội Mỹ có thể nhanh chóng phê chuẩn Hiệp Ước đó hay không. Đó là một dấu hỏi.

Ngoài ra, vấn đề chính là nếu có trở ngại, thì đó nằm trong vấn đề thi hành. Vấn đề thi hành không thể nói là sẽ hoàn toàn suôn sẻ. Bất đồng về chi tiết là điều khó tránh, nhưng không phải không thể giải quyết được".

RFI : Bất đồng trên những chi tiết nào ?

Nguyễn Mạnh Hùng : « Về quyền người lao động chẳng hạn. Rồi việc có mở đủ cửa để cho cạnh tranh công bằng giữa những xí nghiệp quốc doanh, tư doanh, và xí nghiệp có đầu tư ngoại quốc..».

RFI : Sẽ có trở ngại đến từ khu vực Nhà nước ?

Nguyễn Mạnh Hùng : « Tôi không nghĩ như vậy, bởi vì trước kia, giàn lãnh đạo cũ cũng thế, cũng bảo vệ doanh nghiệp Nhà nước. Những năm tháng gần đây họ mới tìm cách cải tổ các xí nghiệp quốc doanh, nhưng về sự cải tổ đó thì tôi chưa thấy kết quả nào rõ rệt, các xí nghiệp quốc doanh vẫn tiếp tục chi phối nền kinh tế Việt Nam.

"Chính sách Biển Đông của Mỹ cứng rắn hay không tùy thuộc vào sự góp phần của Việt Nam"

RFI : Trên hồ sơ Biển Đông, Mỹ có tiếp tục tỏ thái độ cứng rắn hay không, và liệu Việt Nam sẽ bớt cứng rắn hơn với Trung Quốc hay không ?

Nguyễn Mạnh Hùng : « Chính sách của Mỹ đã rõ rệt rồi, và cố gắng của họ lên đến mức độ nào lại tùy thuôc vào  đóng góp của các quốc gia Á châu, trong đó có Việt Nam. Tức là nếu các quốc gia Á châu đóng góp một phần nào vào việc phòng thủ chung, thì Mỹ sẽ làm, còn nếu để cho Mỹ hoàn toàn gánh vác, thì họ sẽ không làm. Điều quan trọng là sự tích cực đóng góp như thế nào của các nước Á châu đó.

Còn về phía Việt Nam, thì hành động của họ tùy thuộc vào thái độ và hành động của Trung Quốc. Lãnh đạo của Việt Nam, nhất là ông Trọng, đã bị mang tiếng – có hay không thì không biết, nhưng ít nhất trên các phương tiện truyền thông đại chúng, ông ấy đã bị mang tiếng là thân Trung Quốc rồi – cho nên các lãnh đạo mới khó có thể chấp nhận mình có hình ảnh nhường nhịn, lệ thuộc Trung Quốc ».

RFI : Về ông Nguyễn Phú Trọng, dư luận Mỹ đánh giá sao ? Có người cho rằng ông đã thay đổi, bớt giáo điều hơn trước. Ý kiến Giáo sư như thế nào ?

Nguyễn Mạnh Hùng : « Ở Mỹ chưa có cuộc điều tra dư luận về ông Trọng, cho nên tôi chưa thể nói được điều đó. Còn theo ý riêng của tôi, thì, vì quá trình học hỏi của ông Trọng – ông ấy đỗ tiến sĩ về bảo vệ chủ thuyết - và vì vị thế chính thức là tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam, ông Trọng tự nhiên phải có khuynh hướng giáo điều. Tuy nhiên, khi ông ấy đã tuyên bố rằng chủ nghĩa xã hội không biết bao giờ mới xây xong được, thì ông ấy không phải là người mù quáng ».

RFI : Còn về quan hệ đối với Trung Quốc ?

Nguyễn Mạnh Hùng : « Như tôi đã nói, ông Trọng bị mang tiếng là thân Trung Quốc, nhường nhịn Trung Quốc, sợ sệt Trung Quốc, thì sự mang tiếng đó rất nguy hiểm, làm mất uy tín của ông ấy, mất uy tín của Đảng Cộng Sản. Cho nên, nếu Trung Quốc có hành động gì quá trớn, thì chắc chắn ông ấy phải đối phó, bởi vì không thể nào chấp nhận thêm [tiếng xấu], không thể để hình ảnh phá bằng những hành động nhân nhượng, thần phục Trung Quốc. Đó là chuyện họ không thể chấp nhận được ».

Một cử chỉ "đẹp" của Việt Nam nhân Hội Nghị Thượng Đỉnh Mỹ-ASEAN ?

RFI : Sự kiện Việt Nam có giàn lãnh đạo mới sẽ có ảnh hưởng gì đến Hội nghị Mỹ ASEAN ở California ?

Nguyễn Mạnh Hùng : « Nó chỉ có tạo ra một tình trạng éo le. Hiện nay, Việt Nam mới chỉ có lãnh đạo của Đảng, mà chưa có lãnh đạo của chính phủ, bởi vì ba người – ông Quang, bà Ngân và ông Phúc – chỉ mới được đề nghị thôi. Quốc hội tháng Năm mới họp, và tháng Bảy mới quyết định.

Tình trạng đó có nghĩa là từ giờ đến lúc ấy không có giàn lãnh đạo mới về chính phủ, thành ra, người đi dự Hội Nghị đó và đại diện cho chính phủ Việt Nam, thí dụ ông thủ tướng chẳng hạn, thì ông ấy không còn quyền lực như trước, quyền lực chính thức thì có, nhưng quyền lực thực tiễn thì không !

Đó là một trường hợp éo le, nhưng đó cũng có thể là một cơ hội để ông Dũng rút ra một cách đẹp, chẳng hạn như là Đảng có một sự dàn xếp nào đó để ông ấy có thể đi sang bên Mỹ này, đưa ra những lời tuyên bố hay có động thái nào đặc biệt để tạo ra một « thành quả » cho Việt Nam... để ông ấy ra đi một cách êm thấm ».

RFI : Như vậy chúng ta hãy chờ xem... Xin thành thật cảm ơn Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, trường Đại Học George Mason, Hoa Kỳ.

***
Báo mạng Nhật Bản The Diplomat ngày 23/01/2016, có bài nói về điều được cho là Trung Quốc tìm cách tác động đến kết quả Đại Hội đảng Cộng Sản Việt Nam. Trong bài này, tác giả Shawn W. Crispin nêu bật một số phân tích cho là ông Nguyễn Tấn Dũng là người có xu hướng thiên về quan hệ chặt chẽ với Mỹ, trong lúc ông Nguyễn Phú Trọng thuộc diện bảo thủ hơn, đồng minh với Trung Quốc về mặt ý thức hệ.
Tuy nhiên, nhìn chung các nhà quan sát đều cho rằng không thể nào nói là với việc thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rời khỏi chính quyền, quan hệ với Mỹ sẽ gặp trở ngại, trong lúc bang giao với Trung Quốc sẽ dễ dàng hơn.
Hãng tin Mỹ AP ngày 29/01/2016, khi nhận xét về tác động của việc Việt Nam thay đổi một phần lãnh đạo, đã nêu ra một số câu hỏi : « Các cải tổ kinh tế mà thủ tướng Dũng đã thúc đẩy có bị dừng lại không ? Liệu Việt Nam có sẽ lại khấu đầu trước Trung Quốc, quốc gia mà thủ tướng Dũng đã có dấu hiệu kháng lại ? (…) Liệu Việt Nam có sẽ xa lánh Mỹ hay không ? ».

Đối với tất cả câu hỏi trên, hãng AP đều trả lời « không ».

Trong một bài viết về chính trị Việt Nam ngày 29/01/2016, tạp chí Nhật Bản Nikkei Asian Review đã ghi nhận thay đổi trong thái độ của ông Nguyễn Phú Trọng đối với Trung Quốc và Hoa Kỳ, đặc biệt từ sau vụ giàn khoan HD-981 : « Vào năm 2014, ông Dũng đã lên tiếng mạnh mẽ chống hành vi xâm lấn của Trung Quốc tại Biển Đông...

Vào lúc ấy, ông Trọng có vẻ như ngần ngại trong việc chỉ trích Bắc Kinh, làm dấy lên quan ngại rằng ông không tin tưởng lắm vào việc xây dựng liên minh với Mỹ (để chống Trung Quốc ở Biển Đông) như một số lãnh đạo khác mong muốn ».

Tuy nhiên sau đó, theo tác giả bài báo, ông Trọng như đã thấy là cần phải xóa bỏ định kiến của ngày càng nhiều người cho rằng ông thân Trung Quốc và ông đã sử dụng chuyến công du Hoa Kỳ để làm điều đó, và đã tuyên bố ngay tại Mỹ rằng Việt Nam rất mong muốn gia nhập khối Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP gồm 12 nước do Mỹ dẫn đầu.

Một số nhà phân tích khác cũng ghi nhận một dấu hiệu cho thấy là về phương diện ngoại giao, chính sách của Việt Nam sẽ không thay đổi. Đó là sự kiện ngoại trưởng Phạm Bình Minh đã được bầu vào Bộ Chính Trị. Sự hiện diện của người đứng đầu ngành ngoại giao trong cơ chế trên nguyên tắc là bộ phận lãnh đạo cao nhất của Việt Nam có thể là một bảo đảm cho thấy là đường lối đối ngoại của Việt Nam trước mắt sẽ không thay đổi, kể cả trong quan hệ với Mỹ. - RFI
|
|

7.
Lão hóa, nợ nần đe dọa nền kinh tế Việt Nam

Nước nào trên thế giới hiện nay là nước có dân số già đi một cách nhanh chóng nhất? Những người nghĩ rằng Nhật Bản hay Phần Lan là nước như vậy sẽ cảm thấy rất ngạc nhiên khi biết được câu trả lời là Việt Nam. Cộng tác viên Liên Hoàng của đài VOA gửi về bài tường thuật từ Sài Gòn.

Ngân hàng Thế giới cho biết chỉ cần hơn 15 năm một chút là tỉ lệ người trên 65 tuổi ở Việt Nam sẽ từ 7% tăng lên tới 14%. Con số này ở hai nước láng giềng Trung Quốc và Miến Điện là gần 25 năm.

Phát biểu tại một cuộc hội thảo mới đây ở Sài Gòn, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Việt Nam của Ngân hàng Thế giới, nói rằng tình trạng lão hoá nhanh chóng này sẽ gây căng thẳng cho lực lượng lao động Việt Nam.

Bà nói: "Những gì mà chúng ta sẽ thấy là một sự chậm lại, bắt đầu chậm lại và rốt cuộc là sự co cụm của lực lượng lao động. Điều đó sẽ tạo ra những đòi hỏi rất lớn đối với năng suất lao động."

Bà Kwakwa đã cùng các chuyên gia nước ngoài trình bày những nhận định về kinh tế Việt Nam tại cuộc hội thảo do Phòng Thương mại Canada tổ chức hồi tuần trước.

Bà Kwakwa cho biết lao động giá rẻ là động lực chính của hoạt động kinh doanh ở Việt Nam, là nước duy nhất trong khu vực mà tỉ lệ tăng trưởng trong năm 2015 cao hơn năm 2014.

Tuy nhiên, sự già đi của lực lượng lao động đe dọa tới tới sự tăng trưởng đó và làm cho dài thêm danh sách của những thách thức mà các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt trong lúc Việt Nam ra sức phát triển kinh tế. Nợ nần quá nhiều, dự trữ ngoại hối của chính phủ quá ít, và sự lệ thuộc vào đầu tư nước ngoài nằm trong số nhiều mối rủi ro mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt.

Những khó khăn khác nằm bên ngoài Việt Nam, như Mỹ tăng lãi suất, giá nông khoáng sản sụt mạnh trên thị trường thế giới, và sự bất định về Hiệp định Hợp tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam là một thành viên.

Vốn là một nước có tỉ lệ tiết kiệm cao trong nhiều thập niên, Việt Nam giờ đây chứng kiến một hiện tượng tương đối mới là nợ nần của giới tiêu thụ. Ông Ralf Matthaes, giám đốc công ty nghiên cứu thị trường Infocus Mekong Research, cho biết ông đã vô cùng ngạc nhiên khi một cuộc khảo sát của công ty ông cho thấy 30% người tiêu thụ đã vay nợ trong năm 2015.

Ông nói: "Việt Nam đang trở thành một nền văn hoá nợ, hơi giống Trung Quốc và những nơi khác. Do đó, tôi nghĩ rằng đó là một việc mà tôi sẽ cảm thấy lo ngại trong tương lai."

Nợ công của Việt Nam cũng đang trên đà gia tăng. Giới hữu trách ở Hà Nội đã ấn định mức trần nợ là 65% GDP, và theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, nợ của Việt Nam năm ngoái đã tăng tới mức 62,5% GDP từ mức 59,6% của năm 2014.

Ngân hàng Thế giới cho biết quốc gia Đông Nam Á này phải vay mượn vì nguồn thu thấp hơn chi tiêu 6,9% GDP, so với tỉ lệ thâm hụt tài khoá 6,2% trong năm 2014.

Nhìn ra nước ngoài, nhiều nước đang lo ngại về những tác động tiêu cực của một vụ hạ cánh cứng của Trung Quốc có thể gây ra cho nước họ. Việt Nam có lẽ sẽ không bị tác động nhiều, vì xuất khẩu của Việt Nam sang nước láng giềng phía bắc chỉ bằng phân nửa số xuất khẩu sang Hoa Kỳ và Âu châu, theo các số liệu của Tổng cục Thống kê ở Hà Nội.

Ông Fred Burke, giám đốc công ty luật Baker & McKenzie, đề nghị Việt Nam xem xét những cách thức để hưởng lợi từ Trung Quốc.

Ông nói: "Các công ty Trung Quốc có nhiều kinh nghiệm về phát triển nhà đất vào đây và thực hiện những dự án ở đây. Đó là loại đầu tư và Việt Nam thật sự cần có, vì Trung Quốc có công nghệ thích hợp mà giá cả lại phải chăng. Có rất nhiều việc mà Việt Nam và Trung Quốc thật ra có thể làm chung với nhau."

Lời khuyên này có lẽ sẽ không được một số người chấp nhận vì các mối quan hệ của Việt Nam với nước láng giềng khổng lồ đã bị căng thẳng trong những năm gần đây vì vụ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông. Mặc dầu vậy, điều đó đã không chấm dứt được tình trạng là hàng hoá Việt Nam mua từ Trung Quốc nhiều hơn mua từ bất kỳ đối tác thương mại nào khác. - VOA

No comments:

Post a Comment