Friday, February 26, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 26/2

Tin Thế Giới

1.
Trung Quốc, Mỹ, Philippines khẩu chiến căng thẳng về Biển Đông --- Biển Đông: Trung Quốc đang tự cô lập mình

Trung Quốc tố cáo Philippines có hành động ‘khiêu khích chính trị’ trong vụ kiện bản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc lên tòa trọng tài quốc tế.

Ngoại trưởng Vương Nghị ngày 25/2 nói quyết định của Manila đệ đơn lên tòa án ở La Haye là ‘vô trách nhiệm đối với người dân Philippines và tương lai của đất nước Philippines’.

Bắc Kinh không chịu tham gia tiến trình vụ kiện. Dự kiến sẽ có phán quyết của tòa trong năm nay sau khi tòa thông báo hồi tháng 10 năm ngoái rằng có thẩm quyền xử lý vụ kiện.

Ông Vương cũng chỉ trích rằng Manila đã đóng sập cánh cửa thương lượng khi đâm đơn kiện mà không có sự ưng thuận của Trung Quốc.

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cáo buộc Tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương bôi nhọ Bắc Kinh trong lúc tìm cách xin thêm ngân quỹ từ Quốc hội sau khi Đô đốc Harry Harris, tại buổi điều trần trước Quốc hội hôm 23/2, quả quyết rằng Bắc Kinh đang quân sự hóa Biển Đông và mưu tìm bá quyền ở Đông Á.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm nói: ‘Chúng tôi không can thiệp vào việc quý vị xin ngân quỹ quốc phòng, nhưng quý vị không thể bôi nhọ Trung Quốc một cách thiếu cẩn trọng như thế trong lúc xin thêm tài chính’.

Mỹ tố cáo Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông trong khi Bắc Kinh nói Washington cùng các đồng minh, bao gồm Philippines, đang làm leo thang căng thẳng khu vực. - VOA

***
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tuyên bố bằng các hành động đơn phương ở Biển Đông, Trung Quốc đang tự cô lập mình, làm cho các nước láng giềng quay sang chống lại Bắc Kinh.

Phát biểu trước Ủy ban đặc trách chi tiêu của Hạ viện hôm 25/2, Bộ trưởng Ash Carter nhấn mạnh việc Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo và đưa thiết bị quân sự ra các hòn đảo có tranh chấp ở Biển Đông khiến các đồng minh cũ của Mỹ như Nhật Bản và Philippines, cùng các đồng minh mới như Việt Nam và Ấn Độ, gia tăng hợp tác với Hoa Kỳ.

Ông Carter nói sự việc này gây chú ý công luận không phải vì Hoa Kỳ có động thái gì mới mẻ vì Mỹ lâu nay vẫn cho tàu qua lại trong vùng Biển Đông và sẽ tiếp tục như thế ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.

Trung Quốc nhận chủ quyền hầu hết Biển Đông và các tuyên bố lãnh thổ đó chồng lấn với Việt Nam, Đài Loan, Philippines, Malaysia và Brunei. Trong những năm gần đây, Trung Quốc bắt tay vào một dự án đầy tham vọng, xây các hòn đảo nhân tạo có khả năng hỗ trợ đường băng và chứa các thiết bị quân sự.

Hôm 25/2 tại Ngũ Giác Đài, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương cho báo giới biết Trung Quốc đã bồi đắp gần 3.000 mẫu Anh các căn cứ quân sự trên Biển Đông.

Tuần trước, công ty ảnh vệ tinh ImageSat International (ISI) công bố hình ảnh cho thấy các tên lửa địa đối không của Trung Quốc được triển khai trên đảo Phú Lâm, thuộc Hoàng Sa, mà Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền. Một quan chức Mỹ xác nhận tin này với đài VOA và cho biết Ngũ Giác Đài rất quan ngại.

Đô đốc Harris cho rằng Trung Quốc đang quân sự hóa Biển Đông và đang thay đổi cảnh quan vận hành quân sự.

Tư lệnh Thái Bình Dương Harry Harris cũng khẳng định rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thực thi quyền tự do hàng hải, bay qua hoặc tuần tra qua các khu vực mà Trung Quốc nhận chủ quyền nhưng luật quốc tế cho phép các nước được tự do qua lại.

Đô đốc Harris nói Mỹ cần thực hiện các hoạt động này một cách thường xuyên.

Tuyên bố được đưa ra sau khi Hoa Kỳ mới đây đã 2 lần cho tàu đi vào phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp ở Biển Đông để thách thức tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh tại đây.

Theo Đô đốc Harris, chỉ mới hai cuộc tuần tra như thế thì hãy còn quá sớm để biết được việc này tác động đến hành xử của Trung Quốc như thế nào.

Bắc Kinh tố cáo các cuộc tuần tra và bay ngang qua khu vực do Mỹ thực hiện là hành động mang tính ‘khiêu khích’. - VOA
|
|

2.
Chế tài đối với Bắc Triều Tiên có thể đưa TQ trở lại nắm quyền kiểm soát

Trung Quốc có thể tái khẳng định quyền lực và ảnh hưởng đối với Bắc Triều Tiên qua việc ủng hộ các biện pháp chế tài quốc tế gay gắt hơn dự kiến nhắm vào chính phủ của ông Kim Jong Un. Sau vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư của Bắc Triều Tiên hồi tháng Một và vụ phóng rocket trong tháng Hai, đã có nhiều quan niệm cho rằng Bình Nhưỡng buộc Bắc Kinh phải liên kết với đồng minh chiến lược và lệ thuộc về kinh tế nếu không muốn chấp nhận nguy cơ bất ổn trầm trọng, chiến tranh hay tệ hơn nữa là để cho Hoa Kỳ chế ngự bán đảo Triều Tiên.

Nhiều người Trung Quốc coi sự kiện Bình Nhưỡng coi thường việc Bắc Kinh nhiều lần kêu gọi tự chế và đối thoại là làm mất mặt. Và chính phủ của ông Tập Cận Bình đã bị chỉ trích là ngày càng bất lực và không có khả năng áp đặt ảnh hưởng nào lên đồng minh của mình.

Qua việc ủng hộ bản dự thảo nghị quyết đệ trình lên Hội đồng Bảo an hôm 25/2, Bắc Kinh đã quyết định chọn đứng về phía Washington và các đồng minh Mỹ để áp đặt các biện pháp chế tài mới gắt gao đối với Bình Nhưỡng.

Ông Bong Young-Shik, một chuyên gia phân tích an ninh quốc gia thuộc Viên Nghiên cứu Chính sách Asan ở Seoul, nêu nhận định: “Đó không phải là tin hay cho Bắc Triều Tiên đang tìm cách chia rẽ Trung Quốc với Hoa Kỳ và Trung Quốc với Nam Triều Tiên”.

Việc này cũng có thể đặt Bắc Kinh vào một thế mạnh hơn khi giao dịch với Bình Nhưỡng.

Ông Hồ Tô Cần, một giáo sư môn quan hệ quốc tế tại trường Đại học Donghua ở Thượng Hải, nói: “Trung Quốc đã tỏ ra kiên nhẫn, nhưng mức độ kiên nhẫn của họ đã đi đến giới hạn”.

Vẫn còn phải chờ xem Trung Quốc sẽ đi xa đến mức nào trong việc thực thi và áp dụng các biện pháp chế tài.

Trong một bài xã luận, báo Global Times của nhà nước Trung Quốc nói Bắc Triều Tiên “đáng bị trừng phạt” bằng các biện pháp chế tài mới, nhưng Trung Quốc cũng phải “làm nhẹ bớt những biện pháp chế tài gay gắt của Washington ở một mức độ nào đó”.

Nghị quyết mới của LHQ về Bắc Triều Tiên

Nghị quyết mới của LHQ tìm cách cắt đứt việc mua bán và tài trợ cho quân đội và chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên, và nhắm mục tiêu vào giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên trực tiếp can dự và những hành động bất hợp pháp này.

Nghị quyết có nhiều phần chắc sẽ không gặp phải sự chống đối nào đáng kể tại hội đồng bởi lẽ đồng minh thân thiết nhất của Bình Nhưỡng là Trung Quốc đã đồng ý về ngôn từ.

Đã có tin đồn là Bắc Kinh ủng hộ các biện pháp chế tài của LHQ có thể là để trao đổi với việc Washington đồng ý ngưng việc bố trí gây nhiều tranh cãi hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD ở Nam Triều Tiên.

Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên trước đó đã đồng ý bắt đầu đàm phán về việc bố trí hệ thống THAAD ở Nam Triều Tiên để chống lại mối đe dọa ngày càng tăng về khả năng vũ khí của Bắc Triều Tiên sau khi nước này phóng một vệ tinh tầm xa hôm 7 tháng 2.

Tuy nhiên, trong khi họp với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuần này, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry nói Hoa Kỳ “không khao khát hay nóng lòng hoặc trông đợi một cơ hội để có thể bố trí hệ thống THAAD”.

Ông Vương đã phản đối việc bố trí THAAD ở Triều Tiên và nói khả năng radar tăng cường của dàn radar có thể được sử dụng để chống lại lực lượng quân sự của Trung Quốc trong khu vực. Đại sứ Trung Quốc ở Nam Triều Tiên Khâu Quốc Hồng cũng nói trong tuần này rằng Trung Quốc có thể cắt đứt quan hệ với Nam Triều Tiên vì vấn đề THAAD.

Các giới chức Nam Triều Tiên chỉ trích mọi mưu toan của Trung Quốc áp đặt ảnh hưởng đối với những quan ngại của Nam Triều Tiên về an ninh quốc gia.

Hôm 25/2, Đô đốc Harry Harris, tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, tái khẳng định rằng một quyết định về THAAD sẽ do Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ đưa ra, và nếu Trung Quốc muốn ngăn chặn việc bố trí hệ thống đó, thì họ “nên áp đặt ảnh hưởng đó đối với Bắc Triều Tiên”. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Các ứng viên Cộng Hòa chỉ trích nhau gay gắt trong cuộc tranh luận mới nhất --- Trung Quốc cảnh cáo Mỹ sau khi ông Trump thắng ở Nevada

Cuộc tranh luận mới nhất tối thứ Năm giữa các ứng viên của đảng Cộng Hòa để được đề cử ra tranh chức tổng thống đã biến thành một cuộc đấu khẩu vào lúc các ứng viên đề cập đến những vấn đề như di trú bất hợp pháp, chính sách của Hoa Kỳ về Trung Đông và sự minh bạch trong hồ sơ thuế của các ứng viên. 

Khi cuộc chất vấn bắt đầu, các đối thủ về sát nhất sau ứng viên dẫn đầu Donald Trump có cùng một nghị trình, đã tấn công tính khả tín của doanh gia tỷ phú này.

Thượng nghị sĩ Marco Rubio nói:

“Ông là người duy nhất trên sân khẩu này đã từng bị phạt vì mướn người một cách bất hợp pháp để làm việc cho các dự án của ông. Ông đã mướn một số công nhân từ Ba Lan”.

Ông Donald Trump đáp lại:

“Không phải thế. Tôi là người duy nhất đã mướn người, ông chưa mướn ai cả”.

Thượng nghị sĩ Ted Cruz nói:

“Ông ấy hứa nếu đắc cử ông ấy sẽ tiến hành các thỏa thuận ở Washington và ông ấy có lý”.

Ông Trum đã cắt ngang ông Cruz và thêm là đó là những thỏa thuận tốt.

Ông Cruz nói tiếp:

“Ông ấy đã ủng hộ và đưa hàng trăm ngàn đôla cho các đảng viên Dân Chủ. Bất cứ ai thực sự quan tâm đến vấn đề di trú bất hợp pháp sẽ không thuê mướn di dân bất hợp pháp”.

Được vũ trang bằng sự ủng hộ của hai thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa trước khi diễn ra các cuộc bầu sơ bộ ở 12 bang, ông Trump không lùi bước trước sự tấn công của ông Cruz:

“Tôi hòa thuận với tất cả mọi người. Ông thì không thuận với ai cả. Ông không có một người nào trong đảng Cộng Hòa, không có một thượng nghị sĩ Cộng Hòa nào và ông không hợp tác với họ hàng ngày trong cuộc đời của ông, mặc dầu ông bỏ qua rất nhiều dịp, đây là những chi tiết nhỏ nhặt. Nhưng ông không có một thượng nghị sĩ Cộng Hòa nào ủng hộ ông. Không một người nào. Ông không được sự ủng hộ của một thượng nghị sĩ Cộng Hòa và ông làm việc với những người này thì ông nên lấy làm xấu hổ”.

Trên mặt trận quốc tế, ông Trump nói ông sẽ không ủng hộ một thỏa thuận ngưng bắn sắp diễn ra ở Syria.

Hai ứng viên khác là Thống đốc John Kasich của bang Ohio và cựu phẫu thuật gia thần kinh Ben Carson vẫn tham gia cuộc chạy đua, nhưng thông điệp của họ dường như bị lu mờ trước cuộc đấu khẩu giữa 3 ứng viên dẫn đầu.

Các quan sat viên tin rằng các cuộc bầu sơ bộ vào thứ Ba tuần tới có thể định hình lại đội hình ứng viên trong đảng Cộng Hòa, dựa vào kết quả.

Về phía đảng Dân Chủ, bà Hillary Clinton dẫn trước Thượng nghị sĩ Bernie Sanders khi bước vào cuộc bầu sơ bộ ở bang South Carolina, trước khi các đảng viên Dân Chủ ở 11 bang đi bỏ phiếu trong các cuộc bầu sơ bộ ngày thứ Ba tuần tới. - VOA

***
Trung Quốc hôm thứ Tư cảnh cáo Mỹ không nên thông qua những chính sách tiền tệ mang tính trừng phạt vì điều đó có thể phá vỡ mối quan hệ Mỹ-Trung, sau khi ứng cử viên tổng thống Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ ở Nevada.

Trong cuộc họp báo thường kỳ hôm thứ Tư, trả lời câu hỏi liệu Trung Quốc có lo ngại là ông Trump, người đang ngày càng tiến gần hơn đến việc trở thành ửng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa, có thể thực sự hành động theo lời nói là tăng thuế đối với các mặt hàng Trung Quốc để trừng phạt việc nước này thao túng tiền tệ một khi ông đắc cử tổng thống hay không, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói: “Chúng tôi theo dõi sát cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Vì đó là vấn đề quốc nội của Mỹ, nên tôi không bàn luận về những phát biểu cụ thể của ứng cử viên liên quan”.

Bà Oánh nói thêm: “Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ, là các quốc gia đang phát triển và phát triển lớn nhất thế giới, gánh vác trách nhiệm chính trong việc bảo vệ hòa bình, ổn định, an ninh thế giới và thúc đẩy phát triển trên thế giới. Chúng tôi hy vọng và tin rằng chính phủ Hoa Kỳ sẽ theo đuổi một chính sách tích cực đối với Trung Quốc một cách có trách nhiệm”.

Tỷ phú địa ốc Donald Trump đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ ở Nevada với 45% số phiếu, mang lại nhiều cơ hội hơn cho ông Trump có được sự đề cử của đảng Cộng Hòa.

Tháng trước, ông Trump cam kết sẽ áp thuế 45% lên các mặt hàng Trung Quốc để bù vào sự phá giá của đồng Nguyên.

“Họ đang phá giá tiền tệ và họ đang giết chết các công ty của chúng ta”, ông Trump nói. “Chúng ta đang để cho họ sổng mất với chuyện đó, chúng ta không thể để cho họ chạy thoát được”.

Tờ The Washington Free Beacon cho rằng chính quyền của Tổng thống Obama đã thực hiện chính sách thỏa hiệp với Trung Quốc trong nhiều vấn đề về thương mại và tiền tệ. Ông Trump, ngược lại, đã vạch ra một đường lối cứng rắn với Trung Quốc trong chiến dịch vận động của mình.

“Sự hiện diện quân sự mạnh mẽ sẽ là một tín hiệu rõ ràng cho Trung Quốc và các quốc gia ở châu Á và trên thế giới thấy rằng Mỹ đang quay trở lại trong việc lãnh đạo toàn cầu”, tỷ phú Trump khẳng định trên trang web của mình.

Trả lời trước báo giới trong chuyến thăm Washington hôm 23/2, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói tranh chấp Biển Đông ‘không phải và không nên trở thành một vấn đề giữa Trung Quốc và Mỹ’. Ông Vương Nghị cũng khẳng định tình hình ở Biển Đông là ‘ổn định’ so với các khu vực khác trên thế giới.

Giáo sư - Tiến sĩ Zhiqun Zhu, Trưởng khoa Trung Quốc của trường đại học Bucknell ở Mỹ, nhận xét với VOA rằng xung đột lợi ích giữa Mỹ và Trung Quốc là ‘không thể hòa giải’ trừ phi Mỹ sẵn sàng chia sẻ quyền lực với Trung Quốc ở châu Á và Trung Quốc không thách thức trật tự hiện tại.

Một số nguồn tin từ châu Á cho biết truyền thông nhà nước Trung Quốc đã được lệnh phải giảm thiểu đưa thông tin về cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ.

Nhật báo Oriental bản tiếng Trung của Hồng Kông hôm 5/2 nói Ban Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ra lệnh cho các nhà xuất bản cấm đưa tin về các chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc và chỉ tập trung đưa các tin tiêu cực, giật gân của cuộc bầu cử mà thôi. - VOA
|
|

4.
Xả súng bừa bãi tại bang Kansas của Mỹ, nhiều người chết

Một tay súng ở bang Kansas miền Trung nước Mỹ đã giết chết 3 người tại một hãng xưởng trước khi bị giết chết trong một vụ chạm súng với cảnh sát.

Nhà chức trách nói rằng người đàn ông đã khởi sự vụ xả súng hôm 25/2 bằng cách bắn súng từ xe của ông ta đang chạy suốt nhiều kilomet, trước khi tới xưởng sản xuất của công ty Công nghiệp Excel, nơi ông ta đã từng làm việc. Tại đây, ông ta tiếp tục nổ súng bừa bãi vào những người có mặt trong bãi đậu xe.

Tay súng sau đó tiến vào công xưởng chế tạo máy cắt cỏ ở thị trấn Hesston nhỏ bé, giết chết 3 người. Có ít nhất 14 người bị thương tại nhiều địa điểm khác nhau.

Cảnh sát trưởng quận ông Walton nói rằng con số các nạn nhân có thể gia tăng.

Truyền thông địa phương xác định kẻ bắn súng là Cedric Ford, một nhân viên của công xưởng đã đăng trên trang Facebook của ông ta một bức ảnh của ông ôm một khẩu súng trường.

Cảnh sát trưởng quận nói chính quyền cấp quận và liên bang đã được yêu cầu giúp điều tra vụ này. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Ba du khách Anh tử nạn tại Lâm Đồng

Ba du khách Anh tử nạn khi tham gia chương trình leo thác mạo hiểm tại Lâm Đồng vào buổi trưa hôm thứ Sáu, và hướng dẫn viên chịu trách nhiệm đưa khách đi hiện đang bị cảnh sát thẩm vấn, truyền thông nhà nước nói.

Trả lời BBC tối ngày 26/2, ông Nguyễn Văn Yên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết ba du khách người Anh đã mua vé vào cổng ở Datanla.

“Sau khi tham quan xong, họ đi ra, và lại chở nhau một đoạn nữa, băng qua rừng vào khu du lịch mạo hiểm.”

Ở khu vực thác Datanla có các hoạt động du lịch mạo hiểm như đu dây qua các vách núi hay trải nghiệm trượt thác, chèo thuyền qua các ghềnh thác.

Cuộc tìm kiếm thi thể kéo dài từ 1h chiều đến khoảng 4h30 chiều.

Ông Yên cho biết khi phát hiện thi thể ba du khách, nhà chức trách thấy họ có đội mũ bảo hiểm, áo phao nhưng không đeo dây an toàn.

Giả thiết ban đầu là khi những người này lội qua một con suối, chảy xuống thành thác, một người đã trượt chân kéo theo hai người kia rơi xuống.

Về thông tin có người hướng dẫn du lịch “không giấy phép” đi cùng, ông Yên nói công an vẫn đang điều tra.

Ông cho biết người này đã được thẩm vấn trong ngày, nhưng không bị tạm giữ và có thể sẽ được triệu tập lần nữa.

Chính quyền địa phương đã thông báo cho lãnh sự quán Anh tại TP. HCM.

Dự kiến tối 26/2, thi thể ba người sẽ được chuyển về TP. HCM, đưa vào phòng lạnh trung tâm pháp y TP. HCM.

Ông Yên cho biết nhà chức trách đã kiểm soát các tài sản của ba du khách “chặt chẽ để bàn giao sau đó”.

Trang tin Tiền Phong nói tới 16.30 chiều, thi thể nạn nhân thứ ba đã được vớt lên.

Ba nạn nhân người Anh gồm hai nữ và một nam, trong đó hai khách nữ nhập cảnh vào Việt Nam hôm 4/2. Thông tin về khách nam chưa được xác định.

Hồi 2013, khoa học gia người Anh Jamie Taggart đã bị mất tích ở vùng rừng núi Sa Pa, đến nay vẫn chưa được tìm thấy, theo trang tin Daily Mail của Anh.

Đại sứ quán Anh ra thông báo nói họ đang liên lạc với giới chức ở TP Hồ Chí Minh về vụ tai nạn ở Đà Lạt.

Các báo Anh trong ngày thứ Sáu đã đồng loạt đưa tin về vụ việc.

Bài của Julian Robinson trên trang Daily Mail viết rằng vụ tử nạn xảy ra khi các du khách Anh "bị giết lúc trèo thác với người hướng dẫn du lịch không có giấy phép hành nghề tại Việt Nam".

Các tin này đang thu hút nhiều tranh luận trên các mạng xã hội ở Anh. - BBC
|
|

6.
Trung Quốc mời thầu dầu khí ở Biển Đông --- Tư lệnh Mỹ: Trung Quốc "trên thực tế" kiểm soát Biển Đông

Tập đoàn dầu khí quốc doanh CNOOC của Trung Quốc vừa ra thông báo mời các công ty nước ngoài đấu thầu 18 lô ngoài khơi bờ biển phía Bắc, Đông, và Nam Trung Quốc.

Reuters hôm thứ Sáu dẫn thông cáo của công ty CNOOC cho hay các lô này có tổng diện tích 52.257 cây số vuông, bao gồm 3 lô ở Vịnh Bột Hải, 1 lô trong Biển Hoa Đông và 14 lô còn lại thuộc khu vực phía Bắc của Biển Đông.

Một số lô trong số này nằm gần quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam nói thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1974.

Một số lô khác nằm gần quần đảo Đông Sa hiện do Đài Loan kiểm soát. - VOA

***
Trả lời phóng viên trực thuộc bộ Quốc Phòng Mỹ ngày 25/02/2016, tư lệnh chỉ huy Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, đô đốc Harry Harris khẳng định : Trung Quốc đang quân sự hóa Biển Đông để từng bước kiểm soát khu vực này "trên thực tế".

Sau hai buổi điều trần tại Thượng Viện và Hạ Viện, đô đốc Harry Harris đã có mặt tại trụ sở bộ Quốc Phòng. Tại đây, một lần nữa, tư lệnh Mỹ tại Thái Bình Dương nhắc lại : Việc Trung Quốc xây dựng đường băng, bunker, lắp đặt các trạm radar và hệ thống tên lửa phòng thủ trên các đảo đang có tranh chấp chủ quyền cho thấy Bắc Kinh quyết tâm quân sự hóa Biển Đông.

"Nếu như Trung Quốc tiếp tục trang bị vũ khí tại các căn cứ quân sự trên các hòn đảo mà họ đã bồi đắp, Bắc Kinh sẽ làm thay đổi cục diện khu vực... và trên thực tế sẽ kiểm soát Biển Đông".

Đô đốc Harry Harris cũng đặc biệt quan ngại trước khả năng Trung Quốc lập vùng nhận dạng phòng không ADIZ đối với toàn bộ Biển Đông, để qua đó dùng sức mạnh quân sự đe dọa tàu và máy bay nào đi vào khu vực.

Tư lệnh Mỹ Thái Bình Dương kết luận: "Đó sẽ là hành vi gây hấn và gây bất ổn" cho toàn vùng.

Hãng tin Pháp AFP trích lời chuyên gia Bonnie Glaser thuộc Trung tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế Mỹ cho rằng, đô đốc Harris lên tiếng báo động về những kịch bản có thể xảy ra trên Biển Đông, nếu như Hoa Kỳ không phản ứng mạnh mẽ.

Tư lệnh Mỹ cố gắng thúc đẩy để các bên, tức là các các nước trong vùng và cả ngoài khu vực, có thái độ quyết liệt hơn. Điều đó thì "Hoa Kỳ không thể làm được một mình". - RFI

No comments:

Post a Comment