Monday, February 15, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Hai 15/2

Tin Thế Giới

1.
TT Obama củng cố vai trò lãnh đạo của Mỹ tại Châu Á-Thái Bình Dương

Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tìm cách củng cố vai trò lãnh đạo của Mỹ tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương trong nhiều năm sắp tới, khi ông chủ trì cuộc họp thượng đỉnh với 10 nước Đông Nam Á ở khu nghỉ mát lịch sử Rancho Mirage ở Sunnylands (bang California) hôm nay và ngày mai. Thông tín viên Tòa Bạch Ốc, Mary Alice Salinas tường trình.

Nghị trình làm việc tại địa điểm thắng cảnh tuyệt đẹp này sẽ không nặng phần nghi thức trịnh trọng, nhưng các nhà lãnh đạo sẽ bàn về một loạt các vấn đề gai góc và quan trọng, tâm điểm của kế hoạch tái cân bằng chiến lược của Mỹ hướng về Châu Á-Thái Bình Dương.

Hoa Kỳ xem việc chủ động giao tiếp với các nước Đông Nam Á là hết sức quan trọng đối với an ninh, thịnh vượng của nước Mỹ trong tương lai.

ASEAN đang bùng nổ tăng trưởng, cùng lúc với sự gia tăng của những mối căng thẳng. Đó cũng là lý do Tổng thống Mỹ sẽ thúc giục giới lãnh đạo Đông Nam Á thông qua một bộ quy tắc giúp đảm bảo rằng từng nước có thể theo đuổi các lợi ích của mình một cách hòa bình và hợp pháp.

Ông Daniel Russel, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, phát biểu:

‘Một khối ASEAN đoàn kết chặt chẽ sẽ đảm bảo sự tăng trưởng và ổn định được xây dựng trên cam kết chung về luật lệ và công bằng. Điều này cũng tạo điều kiện cho các nước lớn như Mỹ cùng các cường quốc khác tham gia một cách xây dựng trong vai trò đối tác, đồng thời ngăn chặn khu vực Đông Nam Á trở thành một phạm vi ảnh hưởng hoặc trở thành một trận địa.’

Tòa Bạch Ốc mô tả khu vực Đông Nam Á là ‘trái tim’ của Châu Á Thái Bình Dương và xem ASEAN như một diễn đàn tốt để xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm xử lý một loạt các vấn đề.

Một vấn đề tạo ra những căng thẳng lớn nhất chính là tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, một trong những hải lộ nhộn nhịp nhất thế giới.

Phó cố vấn an ninh quốc gia Ben Rhodes nhấn mạnh:

‘Hiện đang có các yêu sách chủ quyền khác nhau. Hoa Kỳ không có tuyên bố chủ quyền tại đây, cho nên, lợi ích quốc gia của Mỹ là nhìn thấy các yêu sách chủ quyền được giải quyết phù hợp với luật quốc tế hiện có, nếu không mọi chuyện sẽ đi theo luật rừng, kiểu nước lớn hiếp đáp nước nhỏ. Và đó là cách dẫn tới cái vòng lẩn quẩn của xung đột, không có lợi cho bên nào cả.’

Tòa Bạch Ốc cho hay sẽ nêu rõ sự phản đối với việc mà Mỹ gọi là Trung Quốc ‘quân sự hóa’ những nơi đang có tranh chấp và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thực hiện các cuộc tuần tra để khẳng định quyền tự do hàng hải trong khu vực.

Mỹ hy vọng sẽ siết chặt quan hệ thương mại, khai thác sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của khu vực.

Hội nghị thượng đỉnh tại California cũng sẽ bao gồm các cuộc thảo luận về các vấn đề như chủ nghĩa cực đoan bạo động, an ninh mạng và biến đổi khí hậu.

Các quan chức trong chính quyền của Tổng thống Obama cho biết Tổng thống Mỹ hy vọng sẽ hoàn tất một kế hoạch làm việc cho năm cuối nhiệm kỳ của ông để tăng cường hơn nữa các nỗ lực tái cân bằng của Mỹ.

Ông Obama hy vọng việc này sẽ gửi thông điệp tới các chính quyền tương lai của Mỹ rằng Hoa Kỳ cần tham gia với khu vực nhiều như thế để đảm bảo và duy trì vai trò lãnh đạo của mình trong nhiều thập kỷ tới. - VOA
|
|

2.
Xuất nhập khẩu của Trung Quốc giảm mạnh trong tháng Giêng

Kinh tế Trung Quốc có phần chắc sẽ không đạt được chỉ tiêu tăng trưởng 6,5% đến 7% trong năm nay. Các nhà phân tích cho biết như thế ngày hôm nay, sau khi cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới này đều giảm mạnh trong tháng giêng. Thông tín viên Joyce Huang của đài VOA tường thuật.

Tuy có các dữ liệu thương mại yếu kém và một ngày giao dịch nhiều biến động, cổ phiếu của Trung Quốc chỉ giảm nhẹ lúc đóng cửa hôm nay, sau khi ngân hàng trung ương nước này kịp thời can thiệp để ổn định đồng Nhân dân tệ.

Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng Một giảm 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây là sự sút giảm trong tháng thứ bảy liên tiếp, trong khi nhập khẩu giảm tới tháng thứ 15 liên tiếp, và đứng ở mức 18,8%, theo số liệu của Tổng cục Hải quan nước này công bố hôm nay.

Nhập khẩu giảm, xuất khẩu cũng giảm

Điều đó đồng nghĩa với việc nền kinh tế lớn thứ nhì trên thế giới đạt mức thặng dư thương mại kỷ lục là 63,3 tỷ đôla trong tháng trước, so với con số 60,09 tỷ đôla trong tháng 12 năm ngoái, một phần là vì nhu cầu kém và giá nông khoáng sản giảm.

Ông Chris Leung, giám đốc điều hành kiêm kinh tế gia trưởng của ngân hàng DBS, giải thích như sau.

“Thị trường xuất khẩu tiếp tục yếu kém, nhưng hoạt động nhập khẩu bị trì trệ vì giá nông khoáng sản giảm mạnh, đặc biệt là dầu khí, cũng như vì mức cầu rất yếu kém trong nước”.

Ông Leung dự báo rằng kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng ở mức 6,5% trong năm 2016.

Các nhà phân tích cho rằng số liệu thương mại trong tháng Một có thể không đầy đủ vì nhiều mặt hàng đã được vận chuyển trước thời biểu do những lo ngại là việc vận chuyển có thể bị gián đoạn trong dịp lễ Tết Nguyên Đán ở Trung Quốc.

Nhưng ông Leung nói thêm rằng Trung Quốc sẽ khó mà đạt được mục tiêu GDP đề ra năm nay vì việc nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm thúc đẩy nền kinh tế dựa vào xuất khẩu dường như không có hiệu quả.

Xuất khẩu tiếp tục tuột dốc tuy Trung Quốc đã để cho dồng nguyên giảm giá gần 6% kể từ tháng 8 năm ngoái để làm cho giá hàng xuất khẩu rẻ hơn.

Nhu cầu quốc nội

Ông Lưu Lợi Cương, kinh tế gia trưởng phụ trách khu vực Trung Quốc của Ngân hàng ANZ, cho biết mức cầu trong nước sẽ trở thành đầu tàu chính của tăng trưởng trong năm nay, nhất là tăng trưởng đầu tư.

"Tăng trưởng của Trung Quốc sẽ tiếp tục chậm lại. Và chúng tôi dự kiến họ chỉ đạt mức tăng trưởng 6,4% trong năm nay. Xuất khẩu chỉ đóng góp một phần rất nhỏ. Chính phủ phải dùng nhu cầu nội địa như một động lực tăng trưởng."

Kinh tế gia trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, ông Maurice Obstfeld, mới đây cảnh báo rằng sự trì trệ của Trung Quốc, cùng với sự dao động ngày càng nhiều của các thị trường mới nổi, là hai mối rủi ro kinh tế lớn nhất trong năm nay.

Ông Chris Leung của Ngân hàng DBS, cho rằng mặc dù Trung Quốc dự kiến sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ, nhưng tác dụng của biện pháp này có phần chắc sẽ bị hạn chế.

"Thế giới đã lệ thuộc quá nhiều vào chính sách tiền tệ trong một thời gian quá lâu. Điều đó khuyến khích mọi người đánh cược nhiều hơn vào những tài sản có nhiều rủi ro. Nhưng qua thời gian thì nó không có tác dụng gì đối với nền kinh tế thật sự."

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với tỉ lệ 6,9% trong năm 2015, mức thấp nhất trong vòng 25 năm. - VOA
|
|

3.
Đức Giáo Hoàng lên án tội phạm, bất bình đẳng tại Mexico

Đức Giáo Hoàng Phanxicô lên án tội phạm và bất bình đẳng xã hội ở Mexico trong bài thuyết giảng và trong các cuộc thảo luận với các nhà lãnh đạo chính trị. Ngày Chủ Nhật, người đứng đầu Giáo hội Công Giáo La Mã cử hành thánh lễ tại khu Ecatepec đầy rẫy tội phạm và nổi tiếng về những vụ bạo động đối với phụ nữ. Theo tường thuật của thông tín viên Zlatica Hoke của đài VOA, trong suốt thời gian còn lại của chuyến viếng thăm 5 ngày, Đức Giáo Hoàng cũng sẽ đi thăm những cộng đồng dân bản địa nghèo khổ tại tiểu bang Chiapas và những nơi đang phải vất vả đối phó với những băng đảng ma túy.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô bắt tay người dân Mexico và hôn các em bé trên đường đến chiếc máy bay trực thăng đưa Ngài đến Ecatepec. Bạo động ma túy, xử tử theo lối băng đảng, bắt cóc và tống tiền là chuyện thường ngày tại những thị trấn nghèo nàn với những căn nhà xây bằng táp lô ở ngoại ô Mexico City.

Nhiều người đã tụ tập trong đêm trước để có cơ hội thấy Đức Giáo Hoàng.

Bà Buganvilea Conde, một tín đồ công giáo nói:

“Đối với tôi chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng nêu bật một thông điệp về hòa bình và đức tin. Tôi tin điều này cũng có nghĩa là chúng ta nên hy vọng về một quốc gia Mexico tốt đẹp hơn và hòa bình hơn.”

Thánh lễ ngày Chủ Nhật diễn ra tại một cánh đồng có thể chứa khoảng 400.000 người và được xem như là một sự kiện lớn nhất trong chuyến viếng thăm Mexico của Đức Giáo Hoàng. Tại cuộc họp với các giám mục Mexico, nhà lãnh đạo Toà Thánh Vatican kêu gọi tăng cường những nỗ lực để giúp những người chịu nhiều thiệt thòi. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói:

“Giáo hội nào biết cách giữ gìn nhân phẩm cho những người đến gỏ cửa nhà thờ thì mới có thể nói về Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta không thể hiểu rõ căn nguyên của những thống khổ của họ, nếu chúng ta không biết được những nhu cầu của họ thì chúng ta không thể mang lại cho họ điều gì.”

Đức Giáo Hoàng nhắc nhở các nhà lãnh đạo Mexico về bổn phận của họ đối với xã hội.

“Các nhà lãnh đạo đời sống xã hội, văn hóa và chính trị có nhiệm vụ đặc biệt là giúp cho tất cả các công dân có được cơ hội để đóng góp đáng kể vào tương lai của họ, trong gia đình họ và trong mọi lãnh vực giao tiếp xã hội. Theo phương cách này, họ giúp người dân thực sự tiếp cận được những nhu cầu vật chất và tinh thần không thể thiếu được như nhà cửa đàng hoàng, việc làm có phẩm cách, thực phẩm, công lý thực sự, an ninh hữu hiệu, môi trường lành mạnh và an bình.”

Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ cử hành một Thánh lễ khác ngày hôm nay tại Chiapas, tiểu bang nghèo nhất của Mexico với đông đảo dân bản địa cư ngự. Trước khi rời Mexico, Đức Giáo Hoàng sẽ truyền thông điệp của Ngài đến một vài cộng đồng khác bị nghèo đói, tội phạm và bạo động hoành hành. - VOA
|
|

4.
Australia tịch thu lượng ma túy ‘đá’ kỷ lục

Cảnh sát Australia đã thu giữ một lượng ma túy gây nghiện cao, trị giá tới 900 triệu đôla. Đây là một trong các vụ thu giữ ma túy lớn nhất trong lịch sử nước này. 

Hơn 720 lít ma túy "đá" đã bị phát hiện giấu trong các container tại một số kho hàng ở Sydney tháng 12 năm ngoái. 

Số lượng ma túy trên được cất giấu trong các mặt hàng nghệ thuật cũng như các miếng độn ngực xuất xứ từ Trung Quốc.

Hôm 15/2, Bộ trưởng Tư pháp Australia Michael Keenan nói rằng vụ thu giữ trên đã "ngăn chặn 3,6 triệu liều ma túy khỏi đường phố." 

4 công dân Trung Quốc, trong đó có 3 người từ Hồng Kông, đã bị bắt trong vụ này. Ông Keenan nói rằng cả bốn nghi can đối mặt với án tù chung thân. 

Vụ thu giữ là kết quả của một lực lượng hành động chung được thiết lập tháng 11 năm ngoái giữa Australia và Trung Quốc nhằm ngăn chặn tình trạng buôn bán ma túy "đá" từ quốc gia cộng sản tới Australia, quốc gia được coi là một trong những thị trường ma túy béo bở nhất trên thế giới. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Nhân sự mới cho hai vị trí trong Đảng

Nguyên Phó Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh chính thức nhậm chức Trưởng ban Tuyên giáo Trung Ương, và ông Phạm Minh Chính cũng lên làm Trưởng ban Tổ chức Trung Ương Đảng hôm 15/02.

Truyền thông Việt Nam đưa tin ông Võ Văn Thưởng, 46 tuổi - là ủy viên Bộ Chính trị khóa 12 trẻ nhất - được 'thống nhất cao phân công công tác' vào vị trí đứng đầu cơ quan tuyên truyền quan trọng nhất của Đảng Cộng sản.

Ông Võ Văn Thưởng sẽ thôi tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ đồng thời thôi chức Phó Bí thư Thường Trực Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh.

Trong lễ trao quyết định, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Trung Ương Đinh Thế Huynh cho biết, "Bộ Chính trị đã thảo luận, cân nhắc nhiều mặt, kỹ lưỡng và quyết định phân công đồng chí Võ Văn Thưởng giữ cương vị Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương để chuẩn bị cho nhiệm kỳ tiếp theo".

Thay vào vị trí Trưởng ban Tổ chức Trung ương của ông Tô Huy Rứa là ông Phạm Minh Chính, người từng giữ chức vụ Phó trưởng Ban Tổ chức Trung Ương từ 04/2015.

Ông Phạm Minh Chính sinh năm 1958, được phong Trung tướng Công an năm 2010, và tới đầu năm nay trở thành Ủy viên Bộ Chính trị khóa 12.

Phát biểu khi nhận quyết định trao chức, ông Minh Chính nhắc tới vai trò của ông Tô Huy Rứa và lãnh đạo khóa trước, "các đồng chí đã để lại những sản phẩm cụ thể và kinh nghiệm thực tiễn quý giá đối với những người làm công tác tổ chức xây dựng Đảng”.

“Nhiệm vụ của công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong những năm tới rất nặng nề và đỏi hỏi trách nhiệm rất cao của toàn ngành tổ chức xây dựng Đảng đối với đất nước và nhân dân,” trang Tuổi Trẻ dẫn lời.

Hôm 05/02, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã có vị trí Bí thư Thành ủy, hoàn thiện các vị trí lãnh đạo cao nhất của hai thành phố.

Việc bổ nhiệm ông Đinh La Thăng làm Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh và ông Hoàng Trung Hải làm Bí thư Hà Nội được một số nhà quan sát đánh giá cao, và thậm chí coi đây là bước 'đột phá lớn'.

Kinh tế gia Lê Đăng Doanh nói trong Bàn tròn thứ Năm của BBC rằng việc Đảng lựa chọn nhân sự của hai thành phố thay vì để Đảng bộ bầu lên, cho thấy có mong muốn "thay máu, thay đổi".

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, muốn biết các vị lãnh đạo làm việc hiệu quả tới đâu, còn phải chờ xem hành động của họ là như thế nào. - BBC
|
|

6.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Sunnylands --- 'Cải thiện nhân quyền phải là ưu tiên trong nghị trình hội nghị Mỹ-ASEAN'

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến thành phố Palm Springs, California tham dự Hội nghị thượng đỉnh Asean - Hoa Kỳ tại Sunnylands trong hai ngày 15-16/2, theo thông tin từ Báo điện tử Chính Phủ.

Đi cùng ông có Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và một số quan chức khác.

Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ chủ trì một hội nghị thượng đỉnh với các nước Asean và Washington muốn có sự tham gia của các lãnh đạo cao cấp nhất.

Tuy không phải nguyên thủ, nhưng ông thủ tướng Việt Nam là người điều hành chính phủ Việt Nam trong hai nhiệm kỳ nay và chịu trách nhiệm lớn trong hoạch định chính sách đối ngoại.

Nhà Trắng vài hôm trước thông báo rằng chủ đề tranh chấp ở Biển Đông sẽ được đặt cao trong nghị trình, và vì vậy sự có mặt của ông Nguyễn Tấn Dũng, người trước đây đã có nhiều phát biểu về chủ đề này trên các diễn đàn quốc tế, được cho là rất quan trọng.

Nỗ lực 'giải quyết tranh chấp' trên Biển Đông

Hôm 14/2, hãng tin AFP dẫn lời ông Earnest Bower từ Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS nói ông Obama đang cố gắng "tạo ra một bối cảnh buộc Trung Quốc phải hành động theo luật".

Trong hội nghị này, ông Obama và các đại diện từ Asean sẽ "cố gắng thỏa thuận để đối phó với vô số các tranh chấp chủ quyền hàng hải" trên Biển Đông - AFP cho biết.

Hội nghị thượng đỉnh Sunnylands theo các quan sát viên là sự kiện thuộc loại quan trọng nhất trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và khối Asean từ trước tới nay, khẳng định lại lập trường của Mỹ trong quan hệ với các nước Đông Nam Á.

Các nghị sỹ thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ hôm 12/2 vừa thông qua nghị quyết hoan nghênh thượng đỉnh Sunnylands.

Thông cáo của các thượng nghị sỹ thuộc lưỡng đảng nói họ ủng hộ nâng tầm quan hệ với Asean lên thành quan hệ đối tác chiến lược.

Văn bản mà BBC có trong tay cũng nhấn mạnh ủng hộ của Hoa Kỳ cho "nỗ lực của Asean nhằm giải quyết tranh chấp biển và lãnh thổ thông qua ngoại giao hợp tác kể cả trọng tài quốc tế, theo luật pháp và thể chế quốc tế". - BBC

***
Giữa lúc nhiều nước tham dự hội nghị, trong đó có Việt Nam, đang chuẩn bị tham gia cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-ASEAN ở Sunnylands, bang California, sẽ khởi sự hôm nay và kéo dài tới ngày mai, giới hoạt động và truyền thông quốc tế nói rằng Tổng Thống Obama phải nắm lấy cơ hội này để xác định rõ rằng việc thực thi Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP không thể nào thành công nếu không có những cải thiện nhân quyền nghiêm túc trong khu vực.

Hôm 10/2, 35 Dân biểu Mỹ đã ký tên trong một bức thư gửi cho Tổng Thống Barack Obama, kêu gọi ông đặt vấn đề nhân quyền thành một vấn đề chính trong nghị trình cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-ASEAN.

Một bài báo đăng trên tờ The Huffington Post hôm 12/2 mang tựa đề “Không giao thương nếu không có tự do thông tin” nói rằng giữa lúc các vị nguyên thủ các nước ASEAN chuẩn bị tham gia hội nghị thượng đỉnh – trong đó có Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, thành tích của chính phủ Việt Nam về quyền tự do thông tin được đánh giá là tệ hại.

Bài báo này cho rằng Hà Nội là một trong những nước tống giam nhiều blogger và ký giả nhất trên thế giới, với ít nhất 15 blogger đang ở trong tù.

Theo Tổ chức Ký giả Không Biên giới, Việt Nam xếp hạng thứ 175 trong tất cả 180 nước về chỉ số tự do báo chí, và như vậy, Việt Nam chỉ đứng trước Trung Quốc có 1 điểm, và trước Syria có 2 điểm.

Những trường hợp tuỳ tiện bắt giữ được đơn cử có trường hợp của Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài bị bắt hôm 16/12 năm ngoái, về tội gọi là “tuyên truyền chống phá nhà nước”. 10 ngày trước đó, ông bị hành hung bởi công an mặc thường phục sau khi ông tham gia một buổi hội thảo về nhân quyền và về Hiến Pháp Việt Nam.

Bài báo ký tên tác giả Christophe Deloire và Duy Hoàng, tức Hoàng Tứ Duy, người phát ngôn của Đảng Việt Tân, nói rằng trong khi Trợ lý Ngoại Trưởng đặc trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động Mỹ Tom Malinowski hoan nghênh việc Việt Nam trả tự do cho một số tù nhân lương tâm từ khi các cuộc thương thuyết TPP khởi sự cách đây 2 năm, thì các trường hợp hành hung bạo động dưới tay chính quyền và những nhóm ‘côn đồ do chính quyền mướn’ đã leo thang nghiêm trọng.

Bài báo đặt câu hỏi: Người Mỹ có thể làm gì về vấn đề này? Các tác giả nhắc lại rằng trong một cuộc phỏng vấn với tờ NYT hồi năm ngoái, ông Malinowski tuyên bố “Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP là cơ hội tốt nhất mà người Mỹ có được tính từ nhiều năm nay, để khuyến khích Việt Nam thực hiện những cải cách sâu rộng vấn đề nhân quyền khả dĩ có thể thăng tiến các quyền con người.

Liên minh Nhân quyền Quốc tế (FDIH) hôm qua (14/2) cũng lên tiếng yêu cầu Tổng Thống Obama đòi các nước Đông Nam Á phải cải thiện nhân quyền tại cuộc họp thượng đỉnh với ASEAN. Liên minh này và nhiều tổ chức thành viên trong liên minh nói “Chính sách đối ngoại Mỹ chuyển trục sang khu vực Á Châu-Thái Bình Dương sẽ thất bại, nếu nó không đặt các cải cách dân chủ và sự tôn trọng nhân quyền trong khu vực như một thành tố cốt lõi trong chính sách đối ngoại”.

Trước đây, Thứ Trưởng Ngoại giao Việt Nam Hà Kim Ngọc đã từng tuyên bố Việt Nam kiên cường theo đuổi chính sách nhằm bảo đảm việc thực thi các quyền căn bản và quyền tự do của mỗi công dân.

Trong một bài viết nhân Ngày Nhân quyền Quốc tế trước đây, ông Hà Kim Ngọc nói dưới chính sách vừa kể, Việt Nam đã tăng cường hợp tác với quốc tế về vấn đề nhân quyền và thực thi các nghĩa vụ của mình về nhân quyền một cách nghiêm túc và cởi mở.

Theo ông Hà Kim Ngọc, Việt Nam đang tham gia các cuộc đối thoại về nhân quyền chính thức với 5 đối tác, trong đó có Mỹ, Liên Hiệp Âu Châu, Thuỵ sĩ, Na Uy, và Australia, chưa kể các cuộc đối thoại qua các kênh không chính thức.

Nhà ngoại giao của Việt Nam cho rằng Hà Nội đang ngày càng hoạt động tích cực hơn trên các diễn đàn đa phương về vấn đề nhân quyền, trong cương vị là một thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

Theo ông, Việt Nam đang có những đóng góp lớn lao trong việc xây dựng các giá trị nhân quyền nói chung trên quy mô khu vực và toàn cầu, phù hợp với định hướng quan hệ đối ngoại của mình là trở thành một thành viên tích cực và có trách nhiệm trong tiến trình đặt ra các quy định và chuẩn mực chung.

Ông cho rằng nhiều quốc gia đang phát triển đang muốn học hỏi từ kinh nghiệm của Việt Nam, và nhiều nước khác đã tham khảo ý kiến của Hà Nội trong việc xử lý các vấn đề nhân quyền nhạy cảm và phức tạp. - VOA

No comments:

Post a Comment