Thursday, February 18, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Năm 18/2

Tin Thế Giới

1.
Mỹ tiếp tục tuần tra bất chấp TQ bố trí phi đạn ở Biển Đông --- Mỹ phản đối Trung Quốc ‘quân sự hóa’ Biển Đông

Việc Trung Quốc bố trí các phi đạn địa đối không ở Biển Đông có thể gây phức tạp cho vụ tranh chấp lãnh hải trong vùng, nhưng các giới chức nói nó không đưa đến sự kết thúc các cuộc tuần tra và bay trên không của Hoa Kỳ.

Một giới chức quốc phòng Hoa Kỳ nói với đài VOA rằng, “Chúng ta có khả năng chống lại các phi đạn địa đối không thuộc loại này.”

Một giới chức khác nói với đài VOA với điều kiện không nêu danh tính vì tính chất nhạy cảm của vấn đề: “Chúng ta đang tăng cường trật tự chính ở Biển Đông và tôn trọng luật quốc tế.”

Hình ảnh do công ty ImageSat International công bố tuần này cho thấy các phi đạn địa đối không tối tân trên đảo Phú Lâm đang có tranh chấp ở vùng Biển Đông đã “gây quan ngại” cho Ngũ Giác Đài, theo lời ông Bill Urban, giới chức phụ trách giao tế của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.

Hệ thống phòng không HQ-9 của Trung Quốc – hệ thống mà các giới chức nói với đài VOA đã được chụp hình ở đảo Phú Lâm – có tầm xa khoảng 200 kilomet.

Các chuyên gia phân tích nói đó sẽ là hệ thống phòng thủ phi đạn tầm xa tối tân nhất bố trí ở một hòn đảo trong Biển Đông. Một hệ thống như thế tiêu biểu cho một mối đe dọa lớn đối với các máy bay bay gần đó.

'Quân sự hóa'

Hình ảnh các phi đạn Trung Quốc trên đảo Phú Lâm được đưa ra chưa đầy một tháng sau khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố nước ông sẽ không tham gia vào việc “quân sự hóa” ở vùng Biển Đông. Tuy nhiên, ông Nghị nói thêm rằng có thể cần đến “sự tự vệ.”

Một giới chức quốc phòng Hoa Kỳ bác bỏ khái niệm một quốc gia sẽ tìm cách phân loại các phi đạn địa đối không vào hạng mục nào khác hơn là quân sự hóa.

Giới chức này nói với Đài VOA, cũng với điều kiện không nêu danh tính, và cũng vì tính cách nhạy cảm của vấn đề: “Đây có phải là một hệ thống chào mừng? Một cách để bảo đảm an toàn hàng hải?... Rõ ràng là không phải thế.”

Các giới chức Hoa Kỳ đã bày tỏ sự chống đối việc Bắc Kinh ồ ạt xây dựng các hòn đảo ở Biển Đông, biến những bãi đá bị chìm một phần dưới nước và những bãi cạn thành những sân bay khổng lồ có khả năng cung cấp tiện nghi cho máy bay quân sự. Nhưng việc bố trí các phi đạn tối tân đánh dấu một sự lấn lướt khác mà một giới chức quốc phòng cấp cao nói là chứng tỏ “ý đồ” của Trung Quốc.

Hệ thống phản công 'Chaff and Flares'

Bởi lẽ các phi đạn đe dọa đến máy bay hoạt động trong khu vực, các phi cơ quân sự của Hoa Kỳ đã sử dụng các hệ thống phản công gọi là “chaff and flares” để chống lại mối đe dọa.

Các phi đạn địa đối không đi tìm hơi nóng phát ra từ một máy bay phản lực, vì thế hệ thống phản công có tác dụng đánh lạc hướng định vị nhiệt của các phi đạn.

Một giới chức Hoa Kỳ mô tả chất liệu sử dụng trong hệ thống phản công này gọi là “chaff” như “một trái bom hoa giấy làm bằng vụn nhôm.” Đám mây kim khí phản chiếu được phát ra có thể đánh lạc hướng sự chú ý của phi đạn ra khỏi máy bay phản lực.

“Flares” là những chất kim khí nóng cháy ở các nhiệt độ thường là cao hơn hơi thoát ra từ động cơ phản lực. Điều này cũng gây khó khăn cho phi đạn nhắm trúng vào nhiệt của phản lực cơ, giúp cho phi cơ có đủ thời giờ bay ra khỏi tầm ngắm.

Một công cụ khác mà quân đội Hoa Kỳ sử dụng để chống lại các phi đạn địa đối không là phi đạn cruise Tomahawk.

Các phi đạn này có thể tấn công các mục tiêu trên mặt đất từ ngoài tầm của hệ thống HQ-9.

Một giới chức Hoa Kỳ giải thích “Phản công tốt nhất là một cách tự vệ tốt.”

Tuy nhiên, một giới chức khác cảnh báo rằng một hệ thống phi đạn địa đối không như HQ-9 có thể đi kèm với các loại vũ khí khác, vì thế bảo vệ một máy bay phản lực sẽ phức tạp hơn nhiều so với việc chỉ sử dụng có một công cụ.

Ngoại giao trước hết

Bất kể việc củng cố quân sự đang diễn tiến, các giới chức Hoa Kỳ vẫn kêu gọi tất cả các bên trong vùng giải quyết các tranh chấp lãnh hải qua đường lối ngoại giao.

Sĩ quan phụ trách giao tế của Ngũ Giác Đài Bill Urban nói, “Chúng tôi tiếp tục khuyến khích tất cả các nước đòi chủ quyền xác minh những khẳng định lãnh địa và lãnh hải theo đúng luật pháp quốc tế và cam kết xử lý hay giải quyết tranh chấp một cách hòa bình”. - VOA

***
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry chỉ trích Trung Quốc và nói ‘không nên quân sự hóa’ Biển Đông, sau khi có tin cho biết Bắc Kinh đã bố trí phi đạn địa đối không trên một hòn đảo có tranh chấp mà nước này kiểm soát trong thủy lộ chiến lược này.

Hôm thứ Tư, ông Kerry nói: “Chúng tôi đã nhiều lần nói về vấn đề Trung Quốc rằng chuẩn mực phải được áp dụng cho tất cả các quốc gia về vấn đề Biển Đông là không được quân sự hóa. Ông nêu cụ thể sự kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết không quân sự hóa vùng biển  ông đến Washington năm ngoái và họp với Tổng thống Barack Obama.

Ông Kerry nói, “Nhưng có mọi bằng chứng hàng ngày là đã có sự gia tăng quân sự hóa cách này hay cách khác. Điều này gây quan ngại nghiêm trọng. Chúng tôi đã có những cuộc nói chuyện với Trung Quốc và tôi tin là trong vài ngày tới, chúng tôi sẽ mở thêm một cuộc đối thoại rất nghiêm túc về vấn đề này”.

Tại Ngũ Giác Đài, các giới chức Mỹ nói với VOA rằng việc bố trí phi đạn của Trung Quốc là một ‘khía cạnh phức tạp’ của các tranh chấp chủ quyền liên quan đến nhiều nước ở Biển Đông. Nguồn tin này cho biết thêm rằng Hoa Kỳ đang theo dõi sát tình hình.

Một giới chức Mỹ khác cho đài VOA biết các rocket của Trung Quốc là một phần của hệ thống phòng không HQ-9, có phạm vi hoạt động đến 200 km.

Việc bố trí phi đạn của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm, một trong những hòn đảo nhỏ trong khu vực mà Trung Quốc đã mở rộng đáng kể qua công trình nạo vét và xây dựng, được đài truyền hình Fox News của Mỹ tường thuật lần đầu tiên , dựa trên những hình ảnh của công ty vệ tinh tư  nhân. Những hình ảnh cho thấy hai cỗ trong 8 bệ phóng phi đạn địa đối không và một hệ thống radar.

Thông tín viên VOA ở Ngũ Giác Đài được cho biết “không có lý do gì để nghi ngờ về những hình ảnh này”.

Vấn đề phi đạn bùng ra vào lúc Tổng thống Barack Obama kết thúc một hội nghị thượng đỉnh quan trọng với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á ở California.

Tổng thống Obama đã hối thúc tất cả các bên phải tự chế trong khu vực và ngừng việc quân sự hóa những vùng biển có tranh chấp.

Xác nhận của Mỹ và Đài Loan

Một giới chức quốc phòng Mỹ sau đó đã xác nhận vụ bố trí phi đạn. Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Đài Loan, Thiếu tướng La Thiệu Hòa, cũng xác nhận tin này và nói:

“Các bên liên hệ nên làm việc chung với nhau để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) và không nên có hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng.”

Đảo Phú Lâm (mà Trung Quốc gọi là đảo Vĩnh Hưng) là đảo lớn nhất ở quần đảo Hoàng Sa, nằm ở cực bắc của Biển Đông, phía đông của thành phố Đà Nẵng của Việt Nam. Đảo Phú Lâm đã bị Trung Quốc kiểm soát kể từ năm 1956 và là thành phố thuộc tỉnh Hải Nam, miền nam Trung Quốc.

Việt Nam và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền đối với hòn đảo này.

Phản ứng của Trung Quốc

Phát biểu trước báo giới hôm thứ Tư, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói truyền thông phương Tây nên chú ý hơn đến những ngọn hải đăng và các cơ sở dự báo thời tiết mà Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông.

Tại cuộc họp báo  sau khi gặp người tương nhiệm Julie Bishop phía Australia đang đi  thăm Trung Quốc, ông Vương Nghị không phủ nhận tin tức về việc bố trí phi đạn, mà gọi các tin tức này là “một mưu toan của một số cơ quan truyền thông phương Tây để tạo ra tin tức”.

Ông Vương nêu ra điểm ông gọi là quyền của Trung Quốc đối với các cơ sở tự vệ cần thiết và có giới hạn trên những hòn đảo và các bãi đá của mình. Ông Vương nói:

“Việc này phù hợp với quyền bảo tồn và tự vệ mà Trung Quốc được phép thực hiện theo luật quốc tế. Vì vậy không nên thắc mắc về vấn đề đó.”

Yêu sách chủ quyền của Trung Quốc

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông và việc xây dựng ồ ạt ở phía nam đã khiến các nước láng giềng trong khu vực ngày càng quan ngại, ngay trong lúc Bắc Kinh ráo riết vận động để mở rộng các quan hệ thương mại. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tăng cường các nỗ lực xây dựng các phi đạo và đảo nhân tạo để củng cố yêu sách chủ quyền của mình.

Bắc Kinh đã nhiều lần nói không mưu tìm quân sự hóa Biển Đông, nhưng ngày càng bày tỏ lo ngại về các sứ mệnh tự do hàng hải của Hoa Kỳ trong khu vực, trên biển và trên không.

Ý nghĩa của việc bố trí phi đạn

Ông Alexander Huang, Trợ giảng tại trường đại học Tam Cương của Đài Loan, nói việc bố trí phi đạn đã gửi đi một dấu hiệu rõ ràng, tuy không nhất quán, về các ý đồ trong tương lai của Trung Quốc ở Biển Đông.

Ông Huang nói diễn biến này gửi ra một tín hiệu trái ngược bởi vì Trung Quốc từng nhiều lần tuyên bố sẽ không quân sự hóa các đảo có tranh chấp. Thêm rằng trong khi vụ tranh chấp ở đảo Phú Lâm chủ yếu là giữa Trung Quốc với Việt Nam và không nhất thiết phải liên quan tới Hoa Kỳ, nó “có thể là một khúc dạo đầu hay chỉ báo cho việc quân sự hóa trong tương lai ở quần đảo Trường Sa”.

Ông nói thêm:“Trung Quốc đang chịu áp lực rất lớn lúc này với hội nghị tại Sunnylands và Hoa Kỳ cuộc thảo luận của Nam Triều Tiên đối với việc bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ”.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN

Vào lúc Tổng thống Barack Obama kết thúc hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày với các lãnh đạo của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, lần đầu tiên tổ chức trên đất Mỹ, ông nói hai bên đã khẳng định trong cuộc họp về “cam kết mạnh mẽ của họ đối với một trật tự khu vực, nơi mà các quy tắc và tiêu chuẩn quốc tế và quyền của tất cả các quốc gia lớn, nhỏ đều được tôn trọng”.

Ông cũng cho biết, trong cuộc họp, các lãnh đạo Mỹ và ASEAN ‘đã thảo luận về sự cần thiết phải có các biện pháp cụ thể ở Biển Đông để hạ giảm căng thẳng, trong đó có việc ngừng các hoạt động bồi đắp thêm, xây dựng mới và quân sự hóa các khu vực có tranh chấp”.

Tuy nhiên, chưa rõ Hoa Kỳ và các nước ASEAN sẽ phản ứng thế nào. Trong khi các nước ASEAN có thể thực sự muốn có  quan hệ gần gũi hơn với Hoa Kỳ, họ cũng ngày càng lệ thuộc nặng nề vào nền thương mại đang bộc phát của Trung Quốc.

Và nếu Hoa Kỳ muốn phản ứng, thì câu hỏi khó khăn hơn là Washington có thể làm được gì để đòi Trung Quốc thay đổi cách hành xử.

Tự do hàng hải

Ông Ross Darrell Feingold, một cố vấn cấp cao của tổ chức Tư vấn Quốc tế có trụ sở ở Đài Bắc, chuyên về rủi ro chính trị, nêu ra rằng những hành động nhằm khẳng định tự do hàng hải của hải quân Hoa Kỳ đã không khiến cho Bắc Kinh thay đổi cách hành xử.

Ông Feingold nói thêm rằng có lẽ điều quan trọng hơn là những gì mà hành động đó nói lên về khả năng của Trung Quốc xử lý các vấn đề quan trọng cùng một lúc.

Ông nói tiếp: “Còn hậu quả của cuộc thử nghiệm phi đạn và thử nghiệm hạt nhân của Bắc Triều Tiên, hội nghị thượng đỉnh ASEAN, sự thay đổi chính trị quan trọng tại Đài Loan, những khó khăn trong nước hiện nay –  như nền kinh tế, các cuộc điều tra tham nhũng - vậy mà  giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn tự tin là họ có thể, cùng một lúc, xử lý phản ứng quốc tế đối với vụ bố trí phi đạn của họ”. - VOA
|
|

2.
Nổ bom chết 28 người ở thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ

Một vụ nổ lớn ở thủ đô Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, khiến ít nhất 28 người thiệt mạng và 61 người bị thương, các quan chức nước này cho hay.

Một chiếc xe chất đầy chất nổ đã phát nổ khi những chiếc xe bus quân sự chạy ngang qua, theo văn phòng thị trưởng Ankara.

Vụ nổ xảy ra tại khu vực gần tòa nhà Quốc hội và trụ sở quân sự Thổ Nhĩ Kỳ.

Phó Thủ tướng Bekir Bozdag lên án đây là một "hành động khủng bố".

Những đám khói lớn được nhìn thấy bốc lên từ khu vực này và các nhân chứng cho hay tiếng nổ vang khắp thành phố.

Một số nạn nhân là thường dân.

Đến nay chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm về vụ tấn công.

Xe cứu thương và cứu hỏa đã có mặt tại hiện trường.

Lực lượng an ninh đã kích nổ có kiểm soát một gói đồ khả nghi sau vụ nổ.

'Đáp trả theo cách tương tự'

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm hơn bao giờ hết để sử dụng "quyền tự vệ".

Trong một tuyên bố đưa ra vài giờ sau vụ tấn công, ông nói: "Quyết tâm của chúng tôi trong việc đáp trả tương tự các cuộc tấn công diễn ra bên trong và ngoài biên giới Thổ Nhĩ Kỳ sẽ càng mạnh mẽ hơn trước những vụ việc như vậy."

Ông Erdogan hủy chuyến công du Azerbaijan hôm thứ Năm 18/2, Reuters đưa tin.

Trong cùng ngày, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cũng hủy chuyến thăm Brussels (Bỉ) hội đàm về cuộc khủng hoảng người tỵ nạn ở châu Âu.

Hoa Kỳ lên án vụ tấn công. Mark Toner, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ gửi lời chia buồn đến các gia đình của các nạn nhân và cho biết thêm: "Chúng tôi tái khẳng định quan hệ đối tác mạnh mẽ với đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ thuộc khối Nato trong cuộc chiến chống mối đe dọa chung từ các vụ tấn công khủng bố."

Gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ chịu hàng loạt các cuộc tấn công, và có quan ngại gia tăng cho rằng nước này có thể là mục tiêu của một cuộc tấn công lớn.

Trong một diễn biến khác hôm thứ Tư 17/2, các quan chức địa phương cho biết một vụ nổ đã gây hư hại một tòa nhà trung tâm văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ gần thủ đô Stockholm, Thụy Điển. Không có ai bị thương trong vụ này.

Hiện chưa rõ vụ nổ này liên quan gì đến vụ nổ Ankara.

Selin Girit, ở Istanbul, cho hay trên Twitter: “Đủ rồi, đừng giết người nữa! Đừng làm cho người dân nước này buồn thêm..."

Hàng trăm người đã gửi lời chia buồn đến thân nhân những người thiệt mạng, lên án cuộc tấn công, đăng tải hình ảnh và video hiện trường sau vụ nổ trên mạng xã hội.

Cuộc tấn công nhằm vào một xe bus chở quân nhân, và có một số xe quân sự khác gần đó - tất cả đều đang dừng đèn đỏ tại giao lộ. Hầu hết người bị thương vong được cho là binh sĩ.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ mạnh mẽ lên án vụ tấn công và gọi đây là "hành động khủng bố nguy hiểm". Chính phủ và các đảng đối lập cũng mạnh mẽ lên án vụ nổ.

Hiện chưa rõ ai đứng đằng sau vụ nổ tại Ankara. Hãng tin Reuters dẫn lời các nguồn tin an ninh đổ lỗi cho cả tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và các chiến binh từ Đảng Công nhân người Kurd (PKK) bị cấm hoạt động.

Một phát ngôn viên chính phủ cho hay cuộc tấn công này đã được lên kế hoạch bài bản.

Các cuộc tấn công gần đây ở Thổ Nhĩ Kỳ

Tháng 1/2016: Ít nhất 10 người, chủ yếu là khách du lịch Đức, bị giết trong một vụ đánh bom tự sát tình nghi do tổ chức IS tiến hành ở Istanbul

Tháng 7/2015: Vụ đánh bom tự sát tại thị trấn Suruc đông người Kurd sinh sống, gần biên giới Syria khiến hơn 30 người thiệt mạng. IS bị cho là thủ phạm.

Tháng 10/2015: Hơn 100 người thiệt mạng trong vụ đánh bom tự sát liên hoàn nhắm vào cuộc tuần hành hòa bình của người Kurd ở Ankara. Cuộc tấn công đã phân hóa xã hội Thổ Nhĩ Kỳ.

Đảng PKK đấu tranh giành quyền tự chủ cho thiểu số người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều thập kỷ và thường xuyên thực hiện các cuộc tấn công nhắm vào lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ.

Vụ nổ tại Ankara xảy ra trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng có mặt trong cuộc chiến chống IS ở nước láng giềng Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ vừa ném bom vào nhóm dân quân người Kurd YPG ở miền bắc Syria mà họ cho là đồng minh với PKK.

Thổ Nhĩ Kỳ cho phép liên quân đánh bom chống IS sử dụng một trong những căn cứ không quân của họ. - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Apple đối đầu với chính phủ Mỹ về quyền riêng tư của người sử dụng

Tổng giám đốc Công ty Apple đã bác bỏ lệnh của một thẩm phán Mỹ yêu cầu giúp Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI được tiếp cận một iPhone do một trong hai tay nổ súng đã bắn chết 14 người tại California hồi năm ngoái sử dụng. Quyết định này đã gây nên một cuộc chiến về pháp lý giữa ngành công nghệ và chính phủ Mỹ.

FBI muốn Apple giúp tiếp cận với một iPhone mã hóa đã được Syed Farook sử dụng. Farook đã cùng với vợ là Tashfeen Malik thực hiện một vụ nổ súng làm nhiều người thiệt mạng tại San Bernardino hồi tháng 12 năm ngoái.

Nhân viên điều tra nói họ không biết có gì quan trọng trên điện thoại nhưng họ không thể tiếp cận với những thông tin vì không biết được mật mã. FBI muốn Apple tạo ra một phần mềm có thể vượt qua một chương trình tự hủy bỏ tất cả những dữ liệu trong điện thoại sau nhiều cố gắng tìm ra mật mã để vào điện thoại mà không thành. Các nhà điều tra muốn có thể nỗ lực truy tìm những mã số khác nhau theo một qui trình nhanh chóng cho đến khi tìm được đúng mật mã.

Tại sao Apple chống lại?

Tổng giám đốc Apple Tim Cook ngày hôm qua cho biết là công ty đã được yêu cầu thi hành “một bước chưa từng có từ trước đến nay” có thể đe dọa đến an ninh của khách hàng Apple.

Ông Cook nói việc sáng chế một phần mềm có thể đánh bại những biện pháp an ninh của chính Apple là “quá nguy hiểm để sáng chế.” Ông viện dẫn nhu cầu bảo vệ an ninh từ những tin tặc và những tội phạm.

Ông Cook nói thêm là công ty không có cảm tình gì với những tên khủng bố và đã cung cấp cho FBI những dữ liệu công ty có được và đưa ra những ý kiến về những giải pháp những nhà điều tra có thể sử dụng được. Ông Cook cho biết “Trong khi chúng tôi tin là FBI có ý định tốt, nhưng sẽ là điều sai lầm nếu chính phủ bắt buộc chúng tôi tạo ra một cửa sau đối với những sản phẩm của chúng tôi. Và cuối cùng, chúng tôi lo ngại là yêu cầu này sẽ làm tổn hại đến những quyền tự do mà chính phủ có nhiệm vụ phải bảo vệ.”

Đối đầu sẽ có hậu quả như thế nào?

Apple lo ngại nhiều nhất là nếu tuân theo những yêu cầu của FBI, thì sẽ đặt ra một tiền lệ đối với những yêu cầu trong tương lai - từ phía chính phủ Mỹ và những quốc gia khác, như Trung Quốc. Có một vài phán quyết trước đây của Tòa án có thể sử dụng dể hướng dẫn, và Apple không muốn mở đường cho những yêu cầu tương tự đối với họ và những công ty công nghệ khác.

Apple đã củng cố việc mã hóa trên các điện thoại của công ty vào năm 2014 sau khi có những vi phạm về quyền riêng tư kỹ thuật số. Chính phủ đã than phiền rằng những biện pháp an ninh cao cấp hơn nữa làm cho những cuộc điều tra về tội phạm và an ninh quốc gia, như vụ nổ súng tại California trở nên khó khăn hơn.

Bước kế tiếp là gì?

Có nhiều phần chắc nhất Apple sẽ kháng cáo phán quyết của Tòa án trong những ngày tới. Cuộc chiến về pháp lý này dự kiến sẽ kéo dài rất lâu. - VOA
|
|

4.
Tổng thống Mỹ sắp đi thăm Cuba

Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Cuba vào tháng Ba là một bước quan trọng trong nỗ lực của ông nhằm cải thiện quan hệ giữa Hoa Kỳ với quốc gia do cộng sản lãnh đạo.

Kế hoạch công bố hôm 18/2 cũng cho thấy ông Obama quyết tâm đẩy mạnh điều mà ông xem là một thành tựu di sản trước khi rời nhiệm sở trong vòng một năm tới. 

Kể từ khi quan hệ đôi bên trở nên ấm nồng hồi tháng 11 năm 2014, ông Obama đã đạt được những tiến bộ vững chãi trong nỗ lực phá bỏ các rào cản ngoại giao với quốc gia cựu thù thời chiến tranh lạnh.

Những thành công đó bao gồm khôi phục quan hệ ngoại giao và mở lại đại sứ quán ở thủ đô hai nước. Mỹ cũng đưa tên Cuba ra khỏi danh sách các nước tài trợ cho khủng bố. Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro thường xuyên trao đổi với nhau và đã gặp nhau hai lần.

Ông Obama đã nỗ lực để đảm bảo việc tái thiết quan hệ vượt xa những ý nghĩa tượng trưng. Sử dụng quyền hành pháp của mình, ông đã liên tiếp tháo gỡ các hạn chế của Hoa Kỳ lâu nay đối với Cuba trong lĩnh vực kinh doanh, đầu tư, và du lịch. Bước tiến mới nhất diễn ra hồi tuần trước, khi hai nước đạt thỏa thuận phục hồi các chuyến bay thương mại trực tiếp đầu tiên giữa đôi bên trong hơnnửa thế kỷ qua. 

Có một giới hạn mà Tổng thống Obama không thể một mình đạt được. Đó là lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ đối với Cuba được áp dụng hàng chục năm nay. Lệnh này chỉ có thể được gỡ bỏ bởi Quốc hội Hoa Kỳ. Mặc dù sự ủng hộ đối với lệnh cấm vận vừa kể đang ngày càng giảm đi, nhưng nó vẫn được sự hậu thuẫn rộng rãi từ các nhà lập pháp ở cả lưỡng đảng vì cho rằng tháo dỡ cấm vận kinh tế cho Cuba là tưởng thưởng cho một trong những nước đàn áp chính trị khốc liệt nhất tại Châu Mỹ Latin.

Tổng thống Obama lập luận rằng lệnh cấm vận kinh tế là một chính sách lỗi thời làm tổn thương kinh tế Cuba mà cũng không thúc đẩy được cải cách dân chủ cho nước này. Theo ông Obama, những cải cách dân chủ chỉ có thể đến khi Cuba mở ra với thế giới.

Nhưng cho đến nay không có mấy bằng chứng cho thấy rằng quan hệ Mỹ-Cuba bớt căng thẳng đã dẫn đến những cải thiện nhân quyền. Mặc dù Cuba đã phóng thích một số tù nhân chính trị và nỗ lực cải thiện truy cập Internet, nhưng nạn kiểm duyệt vẫn còn phổ biến và những người bất đồng chính kiến vẫn tiếp tục bị bỏ tù với tỷ lệ tương tự như trong những năm qua, theo báo cáo của các tổ chức nhân quyền.

Tuy nhiên, có những chỉ dấu cho thấy Cuba ít ra đang cân nhắc tới các cải cách khiêm tốn nhất trong hệ thống chính trị độc đảng cứng nhắc.

Chủ tịch Raul Castro, em trai của nhà lãnh đạo cách mạng Fidel Castro, đã đề xuất giới hạn nhiệm kỳ đối với các lãnh đạo cao cấp và đưa ra khả năng có thể có trưng cầu hiến pháp. Quan trọng hơn, ông Raul, người kế nhiệm anh trai vào năm 2006, đã hứa sẽ rời chức vụ vào năm 2018. Nếu điều đó xảy ra, đây sẽ là lần đầu tiên kể từ năm 1959, đảo quốc Cuba không nằm dưới sự lãnh đạo của nhà Castro.

Ngoài dòng họ Castro, còn có những vấn đề khác làm phức tạp mối quan hệ Hoa Kỳ-Cuba, trong đó có căn cứ quân sự do Mỹ điều hành ở Vịnh Guantanamo, Cuba. Chủ tịch Castro từng tuyên bố cách duy nhất để quan hệ song phương được khôi phục hoàn toàn là trong trường hợp Washington trả lại căn cứ này cho Cuba kiểm soát. Tổng thống Obama chưa hề tỏ dấu cho thấy ông có ý định làm điều đó. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ đang nỗ lực để thực hiện lời hứa lâu nay là cho đóng cửa nhà tù gây tranh cãi trên Vịnh Guantanamo, nơi đang giam cầm hàng chục nghi can khủng bố.

Tuy mối quan hệ Hoa Kỳ-Cuba vẫn còn nhiều thách thức, nhưng có chỉ dấu cho thấy công chúng Mỹ không còn nhìn người bạn láng giềng phía Nam với ánh mắt đầy nghi ngại như trước đây. Một cuộc thăm dò do Gallup công bố trong tuần này cho thấy đa số (54%) người Mỹ hiện nay có thiện cảm với Cuba. Con số này tăng từ tỷ lệ 10% người Mỹ có cái nhìn tích cực với Cuba hồi năm 1996.

Tuy nhiên, Gallup cũng ghi nhận cách biệt giữa lưỡng đảng ở Mỹ trong vấn đề Cuba ngày càng sâu rộng hơn. Trong khi 73% đảng viên Dân chủ có cái nhìn thân thiện với Cuba thì bên đảng Cộng hòa số này chỉ dừng lại ở tỷ lệ 34%. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Thái Nguyên 'có khu du lịch trăm triệu đô'? [Em của ông Trần Đại Quang là tướng công an Trần Quốc Tỏ hiện là Bí Thư Thái Nguyên]

Tỉnh Thái Nguyên vừa làm lễ động thổ khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc với tổng vốn đầu tư 15.000 tỷ đồng, xấp xỉ 670 triệu đôla, trong lúc một nhà bình luận từ Hà Nội cho đây là 'việc đáng quan ngại'.

Website CafeF hôm 17/2 tường thuật: “Vốn đầu tư cho dự án là từ ngân sách Nhà nước, của Nhà đầu tư và các nguồn vốn hợp pháp khác được thực hiện từ năm 2016 đến 2035.

Dự án triển khai trên khu vực khoảng 18.940 ha tại thành phố Thái Nguyên, thị xã Phổ Yên và huyện Đại Từ. Dự án bao gồm Chùa Tháp cao 150m, khách sạn 5 sao, sân golf 36 lỗ, khu bến thuyền, làng văn hóa các dân tộc”.

“Mục tiêu của nhà đầu tư là kết nối khu du lịch hồ Núi Cốc với các khu di tích lịch sử ATK Định Hóa, di tích lịch sử Tân Trào (Tuyên Quang), khu du lịch hồ Ba Bể (Bắc Kạn), hướng tới đề nghị Unesco công nhận là Di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới trước năm 2025”, báo này viết.

CafeF cũng cho hay, chủ đầu tư dự án này là ông Nguyễn Văn Trường sinh năm 1963, tại Hoa Lư, Ninh Bình.

“Doanh nhân Nguyễn Văn Trường là một tỷ phú kín tiếng, giản dị, ăn chay nhiều năm nay. Ông Trường là người mạnh tay đầu tư cả nghìn tỷ đồng vào Khu Du lịch Tràng An - chùa Bái Đính ở cố đô Hoa Lư, cùng nhiều khu du lịch khác.

Ông Trường cũng được biết đến với việc chi 100.000 đôla sang Ấn Độ đón ngọc xá lợi về Việt Nam. Ở Nội Bài, ông đã thuê ba chiếc xe Limousine, Hummer, Lincoln để chở xá lợi và cao tăng về Ninh Bình”.

‘Xu hướng đáng ngại’

Từ Hà Nội, trong cuộc trao đổi với BBC hôm 18/2, Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, nói: “Tôi cho đây là xu hướng làm kinh tế du lịch đáng quan ngại và không lành mạnh. Vì người ta đang phá vỡ cảnh quan thiên nhiên hoang sơ để nhồi nhét vào đấy những sản phẩm nhân tạo như khu tâm linh, sân golf và khách sạn 5 sao…”.

Chuyên gia về phát triển đồng thời cũng là nhà hoạt động xã hội, nói thêm: “Dự án này tương tự như những gì người ta đang nhìn thấy ở Phú Quốc: sân golf và khu Safari được xây dựng ngay trong khuôn viên rừng quốc gia. Điều này cho thấy một nhóm nhỏ đang giành được đặc quyền kinh doanh, hưởng lợi từ nguồn tài nguyên của cộng đồng mà những tổn hại do họ gây ra thì không có gì đền bù được”.

Ông Giang cũng dự báo: “Xu hướng xây khu du lịch tâm linh hàng trăm triệu đôla sẽ còn tiếp diễn tại Việt Nam trong thời gian tới một khi vẫn còn những người mê tín đến xin xỏ thánh thần, doanh nghiệp tìm được lợi nhuận và chính quyền muốn tăng trưởng du lịch, chưa kể những khoản hối lộ sau dự án”.

Ông kêu gọi người dân, các tổ chức dân sự, nhà hoạt động xã hội cần lên tiếng phản đối việc xây dựng những công trình bê tông hóa thiên nhiên tại các địa phương. - BBC
|
|

6.
Hải quan Mỹ thu giữ 4.65 triệu đôla ‘tiền âm phủ’ của hai người Việt

Một cặp vợ chồng người Việt đã bị các cán bộ Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ thu giữ 4.65 triệu đôla ‘tiền âm phủ’ tại sân bay Detroit Metro hôm thứ Sáu tuần trước.

Thông cáo của cơ quan này hôm nay cho biết: "Cặp này đã tìm cách mang các tờ 100 đôla Mỹ giả và tiền đồng Việt Nam vào Mỹ để đốt cho người quá cố, thường được tiến hành trong một số nền văn hóa châu Á”.

Hải quan đã bắt quả tang hai người này khi họ đến sân bay Detroit Metro từ Hàn Quốc. Hành lý của cặp này đã bị kiểm tra vì có mâu thuẫn trong lời khai về số tiền mang theo vượt quá 10.000 đôla.

Thông cáo viết: “Cuộc kiểm tra hành lý của họ lần thứ hai đã phát hiện ra 93 tập tiền 100 đôla Mỹ giả và 32 tập tiền đồng Việt Nam giả”.

Người phát ngôn Cục Hải quan Ken Hammond cho biết, không thể xác định được ngay số lượng tiền đồng Việt Nam.

Mật vụ Hoa Kỳ, quyết chống lại việc làm giả đồng đôla Mỹ, ngoài công việc được biết đến nhiều nhất là bảo vệ Tổng thống - đã tạm giữ số tiền giả này.

Ông Hammond cho biết, ‘tiền âm phủ’ là loại được làm giống như tiền thật và phổ biến trong văn hóa Việt Nam.

Ông Hammond cho biết cặp vợ chồng người Việt này chưa có ý định tiêu số tiền này và đã được phép tiếp tục chuyến đi của họ.

Tuy nhiên, cơ quan hải quan Mỹ lưu ý rằng “sản xuất và /hoặc nhập khẩu tiền giả có thể dẫn đến việc bị truy tố". - VOA
|
|

7.
TP. HCM 'phải giảm tội phạm trong ba tháng'

Ông Đinh La Thăng yêu cầu công an Thành phố Hồ Chí Minh phải kéo giảm tội phạm “trong vòng ba tháng”, báo Tuổi Trẻ trong nước dẫn lời tân Bí thư Thành ủy.

Để thực hiện, ông Thăng “yêu cầu sớm có hệ thống camera đồng bộ” trên toàn thành phố và “quản lý người ăn xin ở khu vực trung tâm”.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên – nhà nghiên cứu tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM nhận định “Ba tháng mà làm được điều đó ở thành phố 10 triệu dân thì đó là thành tích nhiều nước phải học tập Việt Nam.”

Trả lời BBC Tiếng Việt, ông Nguyên cho biết: “Thành phố Hồ Chí Minh này, tôi ở đây ngay từ ngày đầu giải phóng. Lúc đó mới có hơn ba triệu dân thôi. Tội phạm gần như là hệ quả khó tránh ở tất cả các nơi dân số đông và mật độ dân cư rất cao, trong các siêu đô thị về dân số."

Ông Nguyên mô tả việc tăng cường lực lượng an ninh, công an để theo dõi tội phạm là “như chúng ta dùng búa để đánh ruồi. Không bao giờ đập trúng nó được đâu, hoặc đánh được nó một thời gian, dạt chỗ này lại sang chỗ kia”.

Ông cũng cho biết đã có rất nhiều các đợt ra quân trên toàn thành phố, quận huyện trước kia nhưng “cứ mỗi lần như thế nó lại giảm một chút, ém xuống, xong một chút lại bùng ra.”

“Chắc công an, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh trước đây không phải không nghĩ tới chuyện này. Không phải họ không quyết tâm. Và họ làm chưa được.”

Lời hứa 'rất cụ thể'

Nhận định về thời gian “ba tháng” của ông Bí thư Thành ủy, tiến sĩ Nguyên cho biết: “Đó là lời hứa một cách rất cụ thể, một thời điểm rất cụ thể, có lẽ là tôi chưa nghe thấy trước đây.”

“Tôi chỉ từng nghe chương trình "Ba năm sau cai nghiện" là đưa ra cam kết rõ về thời gian, nhưng kết quả gần như là không đáng như cái vạch ra. Còn thông thường, người ta đưa ra thời gian là năm, như năm an toàn giao thông, năm giao thông đô thị. Tôi chưa thấy một lời hứa nào cụ thể có thời gian khá ngắn như thế. Chắc là nhân dân đang mong đợi xem biện pháp mới gì đây. Có cách mới hay bửu bối gì mà làm nhanh như thế.”

“Ba tháng không phải thời gian ngắn, có thể làm giảm được tội phạm. Nhưng kết quả đó có bền vững không?

Chứ ba tháng mà làm thật ghê gớm, quyết liệt, căng thẳng thì cái giảm đó có phải là giảm hẳn hay chỉ là cơn bão rạp xuống?

Và nếu làm giảm được với nỗ lực vượt bậc, thì liệu có thể làm liên tục hệt như ba tháng đó không?" - Ông Nguyên đặt câu hỏi.

Camera 'không có tác dụng'?

Về biện pháp hệ thống camera đồng bộ trên toàn thành phố của ông Đinh La Thăng, tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên nhận định: “Theo tôi thì camera chỉ có tác dụng tốt nhất là đối với giao thông thôi.

"Nếu ở các ngã ba ngã tư có nhiều camera như các đô thị hiện đại trên thế giới thì người ta có thể phạt những vi phạm giao thông. Tôi có nghe ở Tokyo có đến 20.000 camera chuyên về giao thông. Anh vi phạm là anh bị phạt.

"Còn ở Thành phố Hồ Chí Minh, tập quán đi xe của chúng ta là có nhìn thấy công an không chứ không phải có nhìn thấy đèn đỏ không.”

“Tăng cường camera rất tốt với chuyện chấp hành luật giao thông, còn để ngăn cản tội phạm và tệ nạn, thì tôi nghĩ camera không có tác dụng nhiều lắm,” ông Nguyên cho biết.

“Ở nước giàu người ta không thiếu gì camera. Thậm chí gia đình nào cũng có camera. Nhưng với tội phạm, tính hiệu quả của camera thấp hơn rất nhiều so với giao thông.”

Ông Đinh La Thăng vừa được phân công làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 5/2.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện là thành phố lớn nhất tại Việt Nam về quy mô dân số và mức độ đô thị hóa.

Trong vài năm qua, tội phạm, cướp giật trở thành vấn đề lớn của thành phố này, khi xảy ra hàng loạt vụ án nghiêm trọng, gây xôn xao dư luận. - BBC

No comments:

Post a Comment