Thursday, February 4, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Năm 4/2

Tin Thế Giới

1.
TPP chính thức được ký tại Auckland --- TPP được ký kết, nhưng còn nhiều chướng ngại

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một trong những thỏa thuận thương mại đa quốc gia lớn nhất, đã được các bộ trưởng của 12 quốc gia thành viên ký kết tại New Zealand.

Buổi lễ tại Auckland đưa hiệp định thương mại khổng lồ, sau 5 năm đàm phán, tiến thêm một bước.

Nhưng TPP tiếp tục đối mặt với sự phản đối.

12 quốc gia tham gia TPP đang nắm giữ 40% nền kinh tế thế giới - bây giờ có hai năm để phê chuẩn hoặc từ chối hiệp định.

Bộ trưởng Thương mại Úc Andrew Robb là người đầu tiên ký vào biên bản thỏa thuận và người đồng cấp New Zealand Todd McClay ký sau cùng. Những người tham dự buổi lễ reo hò khi chứng kiến khoảnh khắc này.

TPP gồm các thành viên: Mỹ, Nhật, Malaysia, Việt Nam, Singapore, Brunei, Úc, New Zealand, Canada, Mexico, Chile và Peru.

Những người chống lại hiệp định, nhất là một số người Mỹ, lo ngại việc làm tại nước này sẽ chuyển sang các nước đang phát triển một khi TPP đi vào hoạt động.

'Thiết lập quy tắc của thế kỷ 21'

Dù vậy, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tuyên bố cam kết thỏa thuận thương mại đa quốc gia “đặt người lao động Mỹ làm ưu tiên hàng đầu”. “Quan hệ đối tác sẽ giúp Hoa Kỳ có lợi thế hơn các nền kinh tế hàng đầu khác, cụ thể là Trung Quốc”, thông cáo của Nhà Trắng phát đi hôm thứ Tư 3/2.

"TPP cho phép Mỹ, chứ không phải những nước như Trung Quốc - thiết lập các quy tắc của lộ trình trong thế kỷ 21. Điều này đặc biệt quan trọng đối với một khu vực năng động như châu Á-Thái Bình Dương," ông nói.

“Chúng ta nên để TPP được thực thi trong năm nay, giúp người lao động Mỹ phát triển và các doanh nghiệp Mỹ cạnh tranh, giành chiến thắng trên toàn thế giới”.

Tại Auckland và ở Mỹ, cũng như tại một số nước, những người biểu tình đã lên tiếng phản đối TPP trong vài tháng qua.

Trước buổi lễ ký kết hôm 4/2, đường phố xung quanh khu trung tâm của Auckland dẫn tới cầu Cảng Auckland bị các nhóm biểu tình chặn lại.

Cảnh sát đụng độ với một số người biểu tình, những người cáo buộc TPP chỉ có lợi cho các doanh nghiệp lớn hơn là người lao động.

Đằng sau thỏa thuận

TPP được trông đợi tạo thuận lợi cho đầu tư giữa 12 quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương vốn đang nắm giữ khoảng 40% nền kinh tế toàn cầu.

TPP đã đạt được thỏa thuận tháng 10/2015 sau nhiều năm đàm phán và nhiều thời hạn đã bị bỏ lỡ.

Sáng kiến do Hoa Kỳ dẫn đầu là một phần quan trọng của chiến lược xoay trục về châu Á của ông Obama nhưng cũng là một vấn đề gây tranh cãi trước cuộc bầu cử Mỹ diễn ra tháng 11/2016.

Ông Obama chỉ còn một năm tại vị trong nhiệm kỳ và Nhà Trắng cảnh báo rằng nền kinh tế Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nếu Quốc hội không phê chuẩn thỏa thuận.

Trưởng phái đoàn Thương mại Hoa Kỳ Michael Froman nói rằng TPP sẽ giúp nước này tăng trưởng kinh tế thêm 100 tỷ USD mỗi năm. "Sau 5 năm đàm phán, việc ký kết TPP là một cột mốc quan trọng trong nỗ lực của chúng tôi để thiết lập quy tắc tiêu chuẩn cao của lộ trình trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. TPP cũng đem lại lợi ích cho người lao động, nông dân và các doanh nghiệp Hoa Kỳ", ông nói.

Hôm 4/2, website VOV của Đài Tiếng nói Việt Nam tường thuật Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng, người dẫn đầu phái đoàn Việt Nam tại lễ ký kết, cho biết: “Việc ký kết TPP có thể coi là cột mốc lớn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, bởi đây là lần đầu tiên Việt Nam đàm phán và ký một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao như TPP.

TPP sẽ đem lại cơ hội lớn cho kinh tế đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước trong quá trình hội nhập quốc tế, trong đó hội nhập kinh tế là trọng tâm.”

“TPP sẽ giúp xuất khẩu Việt Nam tăng thêm được 68 tỷ USD năm 2025 nhờ cơ hội mở rộng thị phần với các thị trường lớn như Mỹ, Canada, Nhật Bản… khi thuế nhập khẩu được hạ về mức 0%”, báo này viết. - BBC

***
Sau hơn 5 năm thương thuyết, 12 nước ven Thái Bình Dương hôm nay ký kết Hiệp định Hợp tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại New Zealand. Tuy nhiên, theo tường thuật của thông tín viên Mil Arcega của đài VOA, hiệp định có tính chất dấu mốc này đang đối mặt với nhiều chướng ngại.

Với kim ngạch mậu dịch gộp chung vượt mức 1.500 tỉ đô la, kinh tế của 12 nước thành viên TPP chiếm 40% sản lượng của cả thế giới.

Đối với các công ty Mỹ, hiệp định này mang lại cơ hội để họ bán thêm sản phẩm. Và đối với Tổng thống Mỹ Barack Obama, người sẽ rời khỏi chức vụ vào đầu năm sau, đây là cơ hội để ông gia tăng công trạng của mình và để ứng phó với ảnh hưởng mỗi ngày một tăng của Trung Quốc trong khu vực Á châu Thái Bình Dương.

Tổng thống Obama nói: "Với TPP, Trung Quốc không đặt ra luật lệ trong khu vực đó. Chúng ta đặt ra luật lệ. Quí vị có muốn chứng tỏ sức mạnh của đất nước chúng ta trong thế kỷ này không? Hãy phê chuẩn hiệp định. Hãy cho chúng tôi những công cụ để chấp hành hiệp định."

TPP sẽ huỷ bỏ quan thuế đối với hàng ngàn sản phẩm của Mỹ và thiết lập những tiêu chuẩn chung về thương mại. Nhưng mục tiêu này sẽ không đạt được nếu những người chống đối trên khắp thế giới giành được phần thắng.

Tại thủ đô Santiago của Chile, nông dân đã bày tỏ sự lo ngại về tác động của những tiêu chuẩn mới về công nghệ sinh học.

Tại Kuala Lumpur, Malaysia, những người biểu tình cho rằng nước Mỹ muốn kiểm soát những hoạt động kinh doanh ở Malaysia…

Và tại Washington, các nhân vật tranh đấu đã tụ tập ngày hôm qua dưới cơn mưa xối xả để chống đối hiệp định mà họ cho là thí dụ điển hình của sự tham lam quá độ của các công ty lớn. Một người biểu tình phát biểu như sau.

"TPP là một bước hướng tới một nền độc tài của đại công ty, một nền độc tài toàn cầu của đại công ty, và tôi cảm thấy việc này như là sự kết thúc của các quyền trong nền dân chủ của các nước có chủ quyền."

Các tổ chức tranh đấu cho quyền lợi của người lao động cho rằng TPP là một sự phản bội đối với công nhân và doanh nghiệp Mỹ, những người sẽ không thể cạnh tranh với những nước có giá thành lao động rất thấp.

Đại diện Thương mại Mỹ, ông Michael Froman nói rằng nhận định đó không chính xác. Ông cho biết TPP sẽ có ích rất nhiều cho hoạt động xuất khẩu và giúp cho nền kinh tế Mỹ có thêm 100 tỉ đô la mỗi năm.

"Chúng ta sẽ gia tăng kim ngạch xuất khẩu của mình, nếu thông qua hiệp định thương mại này, chúng ta có thể giảm thiểu đáng kể những rào cản tại các thị trường khác, hạ thấp những thuế suất hiện ở mức cao hơn rất nhiều tại Nhật Bản, Việt Nam, Malaysia… ngõ hầu chúng ta có thể tiếp cận các thị trường đó; nâng cao tiêu chuẩn ở các nước đó ngõ hầu chúng ta có thể có một sân chơi phẳng hơn để cạnh tranh."

Nhưng nhiều người không tán thành nhận định đó.

Một phụ nữ tham gia cuộc biểu tình hôm qua phát biểu như sau.

"Họ không ngừng lập đi lập lại những lời nói dối giống hệt như nhau."

Trong lúc các vị bộ trưởng tài chánh của Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam và Hoa Kỳ ký kết hiệp định TPP tại New Zealand, các nhà phân tích cho rằng có thể phải mất ít nhất là hai năm nữa thì TPP mới được thực thi. Các nhà lập pháp của 12 nước thành viên vẫn còn phải xem xét rất nhiều luật lệ và qui định mới, và tại Hoa Kỳ, sự phê chuẩn của quốc hội trong một năm có bầu cử là một việc rất khó có thể xảy ra. - VOA
|
|

2.
Shell cắt giảm 10.000 việc làm

Tập đoàn Royal Dutch Shell xác nhận sẽ cắt giảm 10.000 việc làm trong khi lợi nhuận hàng năm xuống mức thấp nhất trong 13 năm.

Trong quý 4 năm 2015, tập đoàn này thu về 1,8 tỷ đôla, sụt nhiều so với con số 4,2 tỷ cùng kỳ năm trước đó.

Lãi cho cả năm 2015 là 10,7 tỷ đô, so với 22,6 tỷ năm 2014.

Hai tuần trước Shell đã thông báo việc sụt giảm mức lãi. 

Hãng này cũng nói buộc phải giảm chi phí vận hành khoảng 4 tỷ đôla, tức 10%, năm 2015, và sẽ giảm tiếp 3 tỷ trong năm nay.

Tháng trước các cổ đông của Shell, tập đoàn dầu lớn nhất châu Âu, đã thông qua việc mua lại công ty BG Group.

Lúc đó, giá dầu thô là khoảng 55 đôla/thùng, nhưng nay đã sụt thêm và hiện đang ở mức 30 đôla/thùng, khiến một số cổ đông không đồng tình với kế hoạch nói trên.

Standard Life, một nhà đầu tư chủ chốt của Royal Dutch Shell, hồi đầu tháng nói giá dầu phải lên khoảng 60 đôla/thùng thì thương vụ mua công ty mới có lý về mặt tài chính.

Nếu như thỏa thuận mua BG Group được thông qua thì Shell sẽ cắt giảm 10.000 việc làm.

Tập đoàn này cũng giảm mạnh đầu tư trong năm qua. Năm 2015 Shell phải bán tài sản trị giá 5,5 tỷ đôla.

Giá dầu giảm

Tình trạng giá dầu lửa giảm bị cho là vì cung quá cầu, chủ yếu vì nguồn dầu đá phiến của Hoa Kỳ tràn ngập thị trường. Nhu cầu trong khi đó lại giảm vì kinh tế Trung Quốc và châu Âu trì trệ.

Cơ quan năng lượng quốc tế gần đây cảnh báo rằng thị trường có thể bị thừa ứ. 

Cơ quan chuyên tư vấn chính sách năng lượng cho các nước cho hay tình trạng thừa dầu có thể kéo dài tới cuối 2016.

Các nhà đầu tư mới đây lo lắng về việc phương Tây bỏ cấm vận Iran có thể làm tình trạng này gia tăng. Thứ trưởng Bộ dầu lửa Iran Roknoddin Javadi, dự báo Iran có thể sản xuất thêm 500.000 thùng dầu mỗi ngày. - BBC
|
|

3.
Hội nghị tài trợ cho Syria tại Anh: Mục tiêu 9 tỉ đô la

Trong lúc đối thoại tìm hòa bình cho Syria tại Vienna bị đình hoãn, hôm nay 04/02/2016 tại Luân Đôn, một hội nghị các nhà tài trợ cho người tị nạn Syria đã được tổ chức. Mục tiêu của hội nghị là huy động 9 tỉ đô la, mức hỗ trợ tối thiểu cần có, theo Liên Hiệp Quốc.

Theo các nhà quan sát, cho đến nay quốc tế chưa làm được gì đáng kể để hỗ trợ những nạn nhân của cuộc chiến Syria, nhất là tại các quốc gia láng giềng Trung Cận Đông, nơi tiếp nhận khoảng 4 triệu dân tị nạn. Hôm trước hội nghị, khoảng 90 tổ chức phi chính phủ họp tại Luân Đôn cũng đã kêu gọi gia tăng đóng góp.

Thông tín viên Muriel Delcroix tường trình từ Luân Đôn:

"Các đối tác tổ chức hội nghị Luân Đôn, Anh Quốc, Đức, Na Uy, Koweit và Liên Hiệp Quốc, cương quyết gây áp lực lên các quốc gia để mỗi nước tăng gấp đôi phần đóng góp tài chính, nhưng họ cũng muốn ngăn cản tình trạng gọi là " một thế hệ bị đánh mất ", có nghĩa là một thế hệ người Syria không được giáo dục, không có công ăn việc làm và không tương lai. 

Thủ tướng Anh David Cameron tiếp đón hơn 70 lãnh đạo quốc tế, trong đó có thủ tướng Đức Angela Merkel và tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon, cùng nhiều đại diện của các tổ chức phi chính phủ và khu vực tư nhân. Mục tiêu của hội nghị này là huy động được khoảng 8 tỉ euro cho các nạn nhân của xung đột Syria. 

Các nhà tài trợ được kêu gọi rút hầu bao, nhưng không chỉ có vậy. Thủ tướng Anh muốn có những hành động cụ thể, như tạo công ăn việc làm và thiết kế các chương trình giáo dục cho những gia đình tị nạn tại một số quốc gia láng giềng với Syria. Ông Cameron cũng đề nghị tạo điều kiện cho các trao đổi kinh tế giữa Jordani và Liên Hiệp Châu Âu, và áp đặt số lượng tối thiểu người Syria cần được tiếp nhận trong một số lĩnh vực. 

Trước lời kêu gọi này, các nhà tài trợ tỏ ra rất nhiệt tình. Hôm qua, 03/02, Liên Hiệp Châu Âu vừa thông qua một quỹ trợ giúp trị giá tổng cộng 3 tỉ euro để hỗ trợ những người tị nạn Syria sống tại Thổ Nhĩ Kỳ, đổi lại việc Ankara nỗ lực ngăn cản làn sóng nhập cư vào châu Âu".

Bên cạnh 4,2 triệu người Syria ra nước ngoài tị nạn, còn có khoảng 13,5 triệu người phải đi sơ tán trong nước. Liên Hiệp Quốc cho biết, trong năm 2015 chỉ nhận được 3,3 tỉ đô la trợ giúp cho người tị nạn, so với 8,4 tỉ cam kết. Theo tổ chức phi chính phủ Oxfam, đóng góp của các nước giàu trong lĩnh vực này nhìn chung là quá nhỏ. Trong khi Đức, Hà Lan, Thụy Điển và Anh Quốc được ca ngợi là « tiếp tục hào phóng », thì Qatar, Ả Rập Xê Út và Hoa Kỳ bị phê phán là không giữ lời hứa. Riêng Na Uy, Bỉ và Koweit đóng góp vượt mức cam kết.

Vẫn theo Oxfam, Nga, Pháp và Úc, các nước can dự sâu vào xung đột Syria, cũng được đánh giá là đóng góp ít trên bình diện nhân đạo. Nga đặc biệt bị chỉ trích, vì chỉ góp có 1% viện trợ cam kết trong năm 2015.
Hy Lạp cam kết lập 5 trung tâm tị nạn trước 15/02

Riêng về các nỗ lực đối phó với làn sóng nhập cư qua ngả Hy Lạp, bên cạnh việc khối 28 nước châu Âu phê chuẩn quỹ 3 tỉ euro cho Thổ Nhĩ Kỳ, hôm nay 04/02/2016, Bộ Quốc phòng Hy Lạp thông báo nước này đã sẵn sàng lập 5« hotspot », tức trung tâm tiếp nhận người xin tị nạn, trước thời hạn cam kết ngày 15/02.

Các đảo Hy Lạp nằm sát bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ là nơi người tị nạn Syria ồ ạt đổ sang, từ đó dễ dàng đi sang các nước châu Âu khác. Kể từ đầu tháng 1/2016, người tị nạn vẫn không ngừng tới Hy Lạp, với số lượng tổng cộng 62.000 người, theo Tổ chức Di dân Quốc tế (IOM).

Việc Hy Lạp bất lực trước việc kiểm soát dòng người tị nạn đe dọa không gian tự do đi lại Schengen. Một loạt nước châu Âu đã phải lập trạm kiểm soát biên giới, để đối phó với dòng người nhập cư.

Các trạm « hotspot », có chức năng ghi danh và lập hồ sơ người tị nạn, là một biện pháp chủ yếu trong chính sách nhập cư chung của Liên Hiệp Châu Âu, theo chủ trương của Pháp và Đức.

Hôm nay, bộ trưởng Nội vụ Pháp tới thị sát một « hotspot » mới lập của Hy Lạp tại đảo Lesbos, hòn đảo nhỏ nằm sát Thổ Nhĩ Kỳ, nơi tiếp nhận khoảng một nửa số người vượt biển mỗi ngày vào nước này. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Người Mỹ theo đảng Dân chủ, Cộng hòa nghĩ gì về Hồi giáo cực đoan?

Một khảo sát mới đây cho thấy có sự khác biệt rõ nét giữa những người đảng Dân chủ và những người đảng Cộng hòa về cách thức mà tổng thống sắp tới của Mỹ nên phải thảo luận về chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.

Cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy 65% người đảng Cộng hòa, hay những người ngả về đảng Cộng hòa, muốn người kế nhiệm Tổng thống Obama phát biểu thẳng thắn về chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, ngay cả khi những tuyên bố đó chỉ trích đảo Hồi nói chung. Tuy nhiên, 70% người theo đảng Dân chủ, hay ngả về đảng Dân chủ, nghĩ rằng vị tổng thống tiếp theo nên nói năng thận trọng hơn.

Tuy nhiên về tổng quát, một nửa người dân Mỹ muốn tổng thống sắp tới không lên án Hồi giáo nói chung khi nói về chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.

Cuộc khảo sát được thực hiện tháng trước cũng cho thấy gần một nửa số người được hỏi tin rằng một số công dân theo Hồi giáo có thái độ chống Mỹ, trong đó có 11% tin là “phần lớn” hay “hầu hết” những người Hồi giáo ở Hoa Kỳ có chủ trương thì chống Mỹ.

Một cuộc khảo sát trước đó, do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện hồi tháng 12, cho thấy gần một nửa người dân Mỹ nghĩ rằng Hồi giáo có xu hướng khuyến khích bạo lực nhiều hơn so với các tôn giáo khác, và một số lượng tương tự nói họ “rất quan ngại” về sự gia tăng chủ nghĩa Hồi giáo cực đoạn ở Mỹ.

Nhưng cuộc khảo sát hiện nay của Pew ghi nhận gần 2/3 người dân Mỹ tin rằng vấn đề to lớn hơn là tôn giáo đang bị những kẻ bạo lực sử dụng để biện minh cho các hành động của chúng.

Tổng thống Obama đã đến thăm một đền thờ Hồi giáo ở Baltimore, ở bang Maryland, miền đông nước Mỹ, hôm Thứ Tư. Tại đó, ông thừa nhận quan điểm tiêu cực “bị bóp méo ghê gớm” mà người Mỹ theo Hồi giáo đã phải chịu đựng vì tình trạng bạo lực gia tăng có liên quan đến khủng bố do các phần tử Hồi giáo cực đoan thực hiện. - VOA
|
|

5.
Nữ hạm trưởng Mỹ đưa tàu chiến tới Hoàng Sa thách thức Trung Quốc

Một nữ hạm trưởng Hoa Kỳ đã chỉ huy tàu khu trục USS Curtis Wilbur tới gần đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa, khiến Trung Quốc giận dữ, trong khi Việt Nam ủng hộ.

Nữ sĩ quan hải quân Mỹ Amy Graham có hàng chục năm kinh nghiệm và mới chỉ nhận nhiệm vụ chỉ huy chiến hạm trang bị tên lửa dẫn đường hồi tháng Chín năm ngoái.

Bà được coi là đóng vai trò quan trọng trong việc đưa USS Curtis Wilbur trở lại khả năng hoạt động tác chiến ở mức tối đa sau thời kỳ bảo dưỡng kéo dài.

Chiến hạm của Mỹ này hôm 30/1 đã áp sát đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa trong một chuyến hải hành mà quan chức quốc phòng Mỹ nói là để “thách thức tuyên bố chủ quyền” của Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam mà theo họ là “giới hạn quyền tự do hàng hải” của Mỹ.

Washington cho biết đã không thông báo trước cho Bắc Kinh, Đài Bắc và Hà Nội về hoạt động của Curtis Wilbur ở biển Đông.

Cho dù quan chức Mỹ nói vậy, việc một nữ chỉ huy đưa tàu chiến Mỹ áp sát hòn đảo mà Trung Quốc được cho là chiếm từ tay Việt Nam đã khiến nhiều người Việt quan tâm.

Trên một diễn đàn, bạn đọc có tên tiếng Anh là Sarah viết rằng “dùng phụ nữ chỉ huy để thách thức một nước vốn trọng nam khinh nữ như Trung Quốc mới là đòn thâm sâu của Mỹ”.

Trong lễ bàn giao nhiệm vụ hôm 1/9 năm ngoái, người tiền nhiệm Hans De For bày tỏ sự tin tưởng rằng bà Graham “sẵn sàng đối phó với các thách thức phía trước” cũng như “khả năng ứng phó của thủy thủ đoàn” trên tàu trong tương lai.

Còn về phần nữ chỉ huy, bà cam kết sẽ duy trì Curtis Wilbur đi đúng hướng. Trong sự nghiệp hải quân kéo dài từ năm 1998 tới nay, bà Graham đã nhiều lần nhận được huy chương các loại của Hải quân Mỹ.

Sáu ngày trước khi Curtis Wilbur tới biển Đông, tàu khu trục hiện đại của Hoa Kỳ này đã cập bến ở Vịnh Manila, ghé thăm Philippines lần thứ ba.

Phản ứng ngay sau khi chiến hạm Curtis Wilbur băng qua bên trong phạm vi 12 hải lý của Đảo Tri Tôn, tại Bắc Kinh, ông Dương Vũ Quân, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, nói rằng Mỹ đã “khiêu khích” và “phá hoại hoà bình và ổn định ở Biển Đông”.

Còn hôm 1/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng tiếp tục lên tiếng phản đối việc làm của Mỹ mà ông cho rằng đã “vi phạm luật lệ của Trung Quốc” vì Bắc Kinh “có chủ quyền không thể tranh cãi” đối với Hoàng Sa và các vùng lãnh hải lân cận.

Ông Lục cũng nói rằng “đơn vị của Trung Quốc trên hòn đảo [Tri Tôn] cũng như các tàu bè của hải quân đã ngay lập tức đã hành động để xua đuổi tàu Mỹ”.

Phát ngôn viên này còn cho rằng Mỹ đã “giương oai diễu võ và gây căng thẳng ở biển Đông nhân danh tự do hàng hải”, và ông nói thêm rằng đây là “một trong các nguyên nhân gốc rễ quan trọng dẫn tới quân sự hóa ở biển Nam Trung Hoa [biển Đông]”.

Curtis Wilbur, một trong 7 khu trục hạm lớp Arleigh Burke trong Đội tàu khu trục 15, được giao nhiệm vụ duy trì an ninh biển và ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trong khi Bắc Kinh không hài lòng với Mỹ, dường như Việt Nam lại có thái độ ủng hộ chuyến hải hành qua biển Đông của Curtis Wilbur.

So với lần chiến hạm của Hoa Kỳ USS Lassen áp sát vào các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở biển Đông hồi tháng Mười năm ngoái, lần này Hà Nội thể hiện quan điểm rõ ràng hơn.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình hôm 31/1 ra tuyên bố nói rằng Việt Nam “tôn trọng quyền đi qua vô hại trong lãnh hải được thực hiện phù hợp với các quy định có liên quan của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (Điều 17)”.

Còn Nhật Bản hôm 2/1 cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với hành động của chiến hạm Mỹ. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga tái khẳng định quan điểm tích cực của Tokyo đối với những cuộc tuần tra trên biển của Washington xung quanh những hòn đảo có tranh chấp.

Ngay sau đó, Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc đăng một bài xã luận chỉ trích Tokyo, viết rằng “kể từ đầu năm nay, chính quyền Abe đã gia tăng nỗ lực can thiệp vào biển Nam Trung Hoa”.

Tờ báo có chủ trương cực đoan này cho rằng Nhật làm vậy “không những để đi cùng hướng với chính sách xoay trục về châu Á của Mỹ mà còn giúp củng cố vị thế của Nhật Bản ở châu Á cũng như trên trường quốc tế”.

Dù vấp phải phản đối của Trung Quốc, Đại sứ Mỹ tại Philippines Philip Goldberg nói rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tuần tiễu ở biển Đông, và không loại trừ khả năng sẽ tiến hành hoạt động này với Manila. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

6.
Việt Nam cách chức lãnh đạo định mua tàu cũ từ Trung Quốc

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hôm nay đã ra quyết định cách chức một quan chức liên quan tới đề xuất mua hơn 160 toa xe cũ của Trung Quốc.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã yêu cầu cách chức ông Nguyễn Viết Hiệp, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội, cũng như kỷ luật nghiêm những cán bộ có liên quan.

Ông Thăng mới đây đã được bầu làm 1 trong số hơn 10 ủy viên của Bộ Chính trị đầy quyền lực ở Việt Nam.

Theo quyết định, ông Hiệp được thuyên chuyển công tác về làm phó ban thuộc tổng công ty do “hạn chế năng lực về quản lý, quy trình đầu tư”.

Báo chí trong nước đưa tin, trong số hơn 160 toa xe, có 120 toa được đóng từ hơn 20 năm trước, trong khi gần 20 toa mới nhất trong lô hàng cũng đã có tuổi đời 12 năm.

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra các sự việc trong ngành đường sắt liên quan tới Trung Quốc.

Năm ngoái, sau khi xảy ra hại sự cố làm một người chết và ba người bị thương tại dự án Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông có sử dụng vốn và nhà thầu của Trung Quốc, ông Thăng đã tuyên bố rằng "không thể đánh đổi quyền lợi của người Việt Nam, tính mạng của người Việt Nam để vay vốn" của Trung Quốc.

Sau đó, ông Thăng bị Hoàn cầu Thời báo, một tờ báo có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc, cáo buộc là “tìm cách nhen nhóm tinh thần bài Trung Quốc”. - VOA

No comments:

Post a Comment