Monday, February 29, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Hai 29/2

Chào đón ngày nhuần (leap day) của dương lịch


Tin Thế Giới

1.
Xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc tăng gấp đôi --- Người mất tích ở Hong Kong thú tội trên truyền hình Trung Quốc

Một tổ chức nghiên cứu ở Thuỵ Điển cho biết lượng xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc trong 5 năm qua đã tăng gần gấp đôi trong lúc nước này cố gắng trở thành một nhà cung ứng vũ khí lớn trên thị trường toàn cầu. Thông tín viên đài VOA Shannon Van Sant tường thuật từ Hồng Kông.

Một cuộc khảo cứu của Viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế ở Stockholm cho thấy lượng xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc đã tăng 88% trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến năm 2015.

Ông Siemon Wezeman, một nhà nghiên cứu cấp cao của viện này cho biết như sau.

"Trung Quốc đang tích cực thúc đẩy xuất khẩu. Rất nhiều những vụ xuất khẩu này là tới những nước mà Trung Quốc có những mối quan hệ tốt đẹp từ lâu, cho nên việc Trung Quốc cung ứng vũ khí cũng có một mục tiêu chiến lược. Thí dụ như Pakistan, Bangladesh và Myanmar."

Trung Quốc giờ đây là nước xuất khẩu vũ khí nhiều hàng thứ ba thế giới, sau Mỹ và Nga, chiếm gần 6% lượng vũ khí xuất khẩu trên toàn thế giới từ năm 2011 đến năm 2015.

Trong cùng thời gian này, xuất khẩu vũ khí của Mỹ và Nga đã tăng với tỉ lệ lần lượt là 27% và 28% và vẫn tiếp tục dẫn đầu khá xa Trung Quốc và những nước khác trên thế giới.

Trong 5 năm trước, lượng nhập khẩu vũ khí của Trung Quốc giảm 25%, cho thấy nước này bây giờ đã có đủ trình độ công nghệ để tự sản xuất nhiều loại vũ khí.

Ông Wezeman cho biết những vụ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và những nỗ lực ngày càng tăng của Trung Quốc để hiện đại hoá quân đội có thể làm bùng ra một cuộc chạy đua vũ trang ở Á châu. Ngân sách quốc phòng Trung Quốc năm nay lên tới mức 141 tỉ đô la, tăng 10% so với năm ngoái.

"Chúng ta có thể thấy một xu hướng tăng cường sức mạnh quân sự ở Á châu. Chúng ta có thể thấy các nước đã phản ứng trước những gì mà các nước láng giềng của họ đang làm, và một lực đẩy mạnh cho xu thế này chính là công cuộc hiện đại hoá quân đội của Trung Quốc, sự gia tăng năng lực của Trung Quốc gắn liền một chính sách khá hung hãn của Trung Quốc."

Trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến năm 2015, Việt Nam đã nhảy vọt từ hạng 43 để trở thành nước nhập khẩu vũ khí nhiều hàng thứ 8, chiếm khoảng 3% tổng số những vụ mua bán vũ khí trên thế giới. Ấn Độ chiếm khoảng 14% trong cùng thời gian này.

Ông Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Á châu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, cho rằng những hoạt động trong thời gian gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông làm cho căng thẳng gia tăng trên khắp vùng Đông Nam Á.

"Rõ ràng là việc này ngay trước mắt đã tạo ra bất ổn cho khu vực, vì những nước như Việt Nam, Philippines và Indonesia vốn dĩ muốn tập trung nỗ lực vào mục tiêu phát triển kinh tế và tăng cường kiến trúc khu vực, nhưng họ bị vướng vào điều mà họ xem là một nhu cầu gần như là sinh tử để tăng cường sức mạnh quân sự của mình, để mua vũ khí, để chuyển ngân sách sang mục tiêu hiện đại hoá quân đội. Đó là một việc bất đắc dĩ, nhưng đó là việc mà họ phải làm trong lúc đối mặt với một Bắc Kinh mà họ xem là một mối đe dọa an ninh mỗi ngày một tăng."

Bà Bonnie Glaser, một nhà nghiên cứu cấp cao về Á châu và là giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, cho rằng tuy những vụ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ có thể làm tăng mạnh những vụ mua bán vũ khí ở Á châu, các nước láng giềng của Trung Quốc không thể theo kịp Trung Quốc.

"Họ muốn có những sự lựa chọn khác thay vì cảm thấy họ phải ứng phó với Trung Quốc và họ không có đủ khả năng, cho dù họ đã gia tăng chi tiêu để mua vũ khí. Không nước nào giáp ranh với Trung Quốc có thể theo kịp Trung Quốc. Quí vị cứ nhìn vào chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc là thấy ngay. Cho nên các nước Đông Nam Á sẽ phải tìm kiếm những cách thức có tính chất sáng tạo hơn. Họ có thể gia tăng khả năng của chính mình."

Các nước láng giềng của Trung Quốc đã gia tăng hợp tác để bảo vệ những yêu sách chủ quyền của mình. Hồi đầu tháng này Việt Nam loan báo họ cho phép Ấn Độ thiết lập một trung tâm theo dõi vệ tinh ở miền nam Việt Nam. Trung tâm này sẽ giúp cho Việt Nam có được những hình ảnh về tình hình ở Biển Đông. - VOA

***
Bốn trong số 5 người bán sách ở Hong Kong bị mất tích tháng Mười năm ngoái mới xuất hiện trên truyền hình Trung Quốc, và lần đầu tiên xác nhận rằng họ đã bị bắt giữ vì “buôn bán sách trái phép” ở Trung Hoa đại lục.

5 người bán sách, trong đó có cả công dân Anh và Thụy Điển, đều có liên quan tới cùng một nhà xuất bản và cửa hàng chuyên bán các cuốn sách về các vụ tai tiếng về đời tư và sự tranh giành quyền lực của các lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Những vụ mất tích đã gây ra các lo ngại rằng chính quyền Bắc Kinh có thể sử dụng các chiến thuật “trong bóng tối” có thể làm xói mòn mô hình “một quốc gia, hai hệ thống” áp dụng đối với Hong Kong để từ khi lãnh thổ này được Anh trao trả cho Trung Quốc năm 1997.

Bốn người đàn ông đã công bố chi tiết các cáo buộc đối với họ trên kênh truyền hình Phoenix tối qua.

Trong bản tin kéo dài 4 phút trong đó có các cuộc phỏng vấn độc quyền với những người này, họ thú nhận bán các cuốn sách “bất hợp pháp” ở Trung Quốc thông qua một trang web và đã trốn tránh cơ quan xuất nhập cảnh để chuyển 4.000 cuốn sách tới 380 khách hàng kể từ tháng Mười năm 2014.

Một số chính phủ đã bày tỏ quan ngại về các vụ mất tích mà một số các nhà ngoại giao cho rằng có dính tới các điệp viên Trung Quốc ở Hong Kong và Thái Lan.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng các quan chức thực thi pháp luật của nước này sẽ không bao giờ làm điều gì bất hợp pháp, nhất là ở nước ngoài, đồng thời kêu gọi các chính phủ nước ngoài không can thiệp vào công việc nội bộ của Hong Kong. - VOA
|
|

2.
Người di cư tràn qua biên giới Macedonia

Đám đông người di cư đã dùng cột thép thúc qua hàng rào dây thép gai ở biên giới giữa Macedonia và Hy Lạp.

Đoạn phim cho thấy di dân đẩy hàng rào ở Idomeni, kéo đổ dây thép gai trong lúc cảnh sát Macedonia bắn hơi cay nhằm chặn lại đám người.

Một phần của hàng rào bị phá toang bằng cây cột thép. Vẫn không rõ người di cư đã vượt qua bằng cách nào.

Nhiều người trong số di dân tới châu Âu là người tỵ nạn Syria và Iraq.

Khoảng 6.500 người vẫn bị kẹt lại ở phía biên giới Hy Lạp khi Macedonia chỉ cho một số ít người qua. Rất nhiều người cắm trại trong điều kiện thiếu vệ sinh suốt một tuần hoặc hơn, với đồ ăn và hỗ trợ y tế khan hiếm.

Vụ lộn xộn hôm thứ Hai nổ ra ở khu vực cổng đã được gắn thêm dây thép gai nhằm giữ người di cư không vào được nơi có đường tàu.

Macedonia và một số quốc gia vùng Balkan khác đã dựng hàng rào nhằm giảm lượng di dân đổ vào khu vực này, sau khi hơn một triệu người tới Đức vào năm ngoái.

Hy Lạp giận dữ trước việc Áo áp dụng con số giới hạn người nhập cư. Cuộc khủng hoảng khiến Hy Lạp phải chịu gánh nặng về nhà cửa khi di dân tới châu Âu từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Rất nhiều người tỵ nạn chạy trốn khỏi cuộc chiến ở Trung Đông, trong lúc những người khác tránh tình trạng bị lạm dụng nhân quyền ở Afghanistan, Eritrea và các vùng chiến sự khác.

Hôm Chủ nhật, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thúc giục châu Âu giúp Hy Lạp trong cuộc khủng hoảng di dân hiện nay.

Trong một phỏng vấn truyền hình bà nói: "Liệu anh có thực sự tin rằng tất cả các quốc gia châu Âu năm ngoái đã đấu tranh hết sức để giữ Hy Lạp ở lại khối châu Âu, và chúng ta là những người thực hiện điều đó nghiêm ngặt nhất, sau đó một năm lại để Hy Lạp, theo một cách nào đó, lao vào vòng lộn xộn?"

Bà bảo vệ quyết định không đặt ra con số giới hạn người nhập cư, và nói bà không có "Kế hoạch B" (kế hoạch dự trù). - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Bà Clinton chiếm lợi thế trong ngày Siêu thứ Ba

Ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ và là cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton dự kiến sẽ thắng lớn trong cuộc bầu cử sơ bộ và họp bầu tại 12 tiểu bang của đảng Dân chủ vào ngày được gọi là ngày Siêu thứ Ba, đặc biệt là tại tiểu bang lớn nhất của các tiểu bang này là Texas, nơi bà đã thiết lập được những mối quan hệ từ lâu. Tuy nhiên đối thủ của bà, Thượng nghị sĩ tiểu bang Vermont Bernie Sanders đang lớn mạnh nhờ một mạng lưới hầu hết là những người ủng hộ thuộc giới trẻ đang hoạt động trong một chiến dịch nhắm vào những người dân bình thường. Thông tín viên Đài VOA Greg Flakus tường thuật từ Houston.

Một đám đông lớn reo hò đón chào bà Hillary Clinton tại một buổi tập họp mới đây ở Houston, bao gồm cả một số những nhân vật nổi tiếng của đảng Dân chủ trong tiểu bang.

Một cử tọa đa dạng nghe bà Clinton nói chuyện.

“Bạn có nghĩ là chúng ta chờ đợi đủ lâu đối với việc làm việc như nhau, lương bổng bằng nhau hay không? Chúng ta cũng phải giải quyết rào cản của sự kỳ thị tồn tại lâu nay, có nghĩa là phải trực tiếp đối đầu với thực tế phân biệt chủng tộc có hệ thống, và đầu tư vào những cộng đồng đã bị bỏ ra ngoài và bỏ lại đằng sau."

Những người ủng hộ bà Clinton nhấn mạnh đến kinh nghiệm và khả năng giải quyết mọi việc của bà. Một nữ ủng hộ viên nói:

“Tôi nghĩ việc tăng cường sức mạnh cho phụ nữ sẽ vượt qua được tất cả những điên rồ đã xảy ra trong chính trường.”

Một phụ nữ khác phát biểu:

“Tôi không bỏ phiếu cho bà chỉ vì tôi là một người ủng hộ quyền của phụ nữ, dù tôi là một người ủng hộ quyền của phụ nữ. Tôi bỏ phiếu cho bà vì bà là người đủ điều kiện nhất.”

Một thanh niên nói:

“Bà Hillary có cơ may tốt nhất để mang lại sự tiến bộ thực sự thay vì chỉ nói suông đến việc  này.”

Tuy nhiên nhiều công dân trẻ tại Texas và trên toàn quốc nhiệt tình ủng hộ ông Bernie Sanders.

Thượng nghị sĩ Sanders nói:

“Trong 30 năm qua có sự phân phối lại của cải. Vấn đề nằm ở chỗ là sự tái phân phối này đã đi sai hướng.”

Ông Sanders không đối đầu được với hạ tầng cơ sở của bà Clinton đã ăn sâu vào gốc rễ tại Texas, nhưng ông có một số những người vận động đầy nhiệt tình thuộc giới bình dân.

Ông Cesar Vargas, một người vận động trong chiến dịch tranh cử của ông Sanders nói:

“Đây là những con người thực sự đến với nhau vì chúng tôi đã quá chán với cùng một khung cảnh chính trị, cùng một trò chơi chính trị.”

Ông Cesar Vargas là một người sinh sống tại New York, con trai của một di dân Mexico không có giấy tờ hợp lệ. Ông không tán thành ý kiến cho rằng bà Clinton có thể thu hút nhiều cử tri gốc Châu Mỹ La Tinh.

“Điều chúng tôi thấy tại Nevada là Thượng nghị sĩ Bernie Sanders dẫn đầu số phiếu của các cử tri gốc Châu Mỹ La Tinh và vượt quá bà Clinton trong số những cử tri dưới 30 tuổi.”

Một trong những người này là cô Kayenta Smith 17 tuổi. Cô hỏi:

“Bạn có tính tham dự cuộc bầu cử sơ bộ của đàng Dân chủ ngày 1 tháng Ba không?”

Giống như những người đồng lứa tuổi, cô thích những đề nghị của ông Sanders mà ngay cả nhiều người thuộc đảng Dân chủ bác bỏ vì cho rằng theo chủ nghĩa xã hội.

“Như bạn biết đấy, chăm sóc sức khỏe không tốn tiền và giáo dục miễn phí. Tôi muốn đóng thuế cao hơn để chi trả cho những việc như vậy.”

Cô Kayenta Smith nói cô có kinh nghiệm về những lợi ích của việc chính phủ cung cấp bảo hiểm y tế khi sống với gia đình tại Canada và Anh.

Bà Clinton chỉ trích ông Sanders là đã không giải thích được vấn đề làm thế nào ông có thể chi trả cho những chương trình như vậy. Nhưng bà sẽ khó đánh bại ông Sanders để được đảng Dân chủ đề cử nếu bà không giành được phiếu của những người ủng hộ trẻ của ông Sanders, những người mà bà Clinton rất cần trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 năm nay. - VOA
|
|

4.
“Spotlight” đoạt giải Oscar Phim xuất sắc nhất --- Leonardo DiCaprio đoạt giải Oscar

“Spotlight”, bộ phim về cuộc điều tra của tờ Boston Globe về nạn lạm dụng tình dục trẻ em trong giáo hội Công giáo, đã giành giải Oscar “Phim xuất sắc nhất” tại lễ trao giải lần thứ 88, đánh bại các đối thủ nặng ký khác là “The Revenant”, “Mad Max”, “Room” và “Bridge of Spies”.

Leonardo DiCaprio đã được mọi người đứng lên cổ vũ khi lần đầu tiên giành giải Oscar “Nam diễn viên chính xuất sắc nhất”.

DiCaprio đã cảm ơn đoàn làm phim “The Revenant” vì đã mang tới một “trải nghiệm điện ảnh siêu việt”.

Trong khi phát biểu lúc nhận giải, nam tài tử này còn cảnh báo rằng “tình trạng biến đổi khí hậu là điều có thật”, và nêu lên chuyện rằng các nhà làm phim “The Revenant” phải đi tới tận mũi phía nam của trái đất “chỉ để tìm tuyết”.

Trong khi đó, đạo diễn bộ phim “Revenant”, Alejandro Inarritu giành giải Oscar “Đạo diễn xuất sắc nhất” lần thứ hai liên tiếp. Năm ngoái ông cũng giành giải ở hạng mục này với bộ phim “Birdman”.

Trong khi đó, ông Emmanuel Lubezki đã làm nên lịch sử với giải Oscar thứ ba liên tiếp ở hạng mục “Quay phim xuất sắc nhất”.

Brie Larson giành giải “Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất” cho vai diễn người mẹ bị bắt cóc trong phim “Room”. Trước đó, cô đã được nhiều người dự báo giành được giải này.

Alicia ZVikander và Mark Rylance giành giải “Nữ và Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất” cho vai diễn trong phim “The Danish Girl” và “Bridge of Spies”.

Hơn 40 triệu người trên toàn thế giới đã theo dõi lễ trao giải qua truyền hình. - VOA

***
Nam diễn viên Leonardo DiCaprio cuối cùng cũng đoạt giải Oscar đầu tiên của mình trong đêm trao giải Oscar 2016 của Viện Hàn lâm Điện ảnh Mỹ.

Anh đoạt giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất cho vai diễn Hugh Glass trong bộ phim The Revenant (Người về từ cõi chết)

Bộ phim The Revenant được đề cử 12 giải Oscar và giành được ba giải, ở các hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất cho đạo diễn Alejandro Inarritu , Nam diễn viên chính xuất sắc nhất và Quay phim xuất sắc nhất.

Phát biểu khi nhận giải, Leonardo Dicaprio nói: "Biến đổi khí hậu là có thật. Đó là đe dọa khẩn thiết nhất mà giống loài chúng ta phải đối mặt, và chúng ta phải cùng nhau hành động và không trì hoãn nữa."

Nam diễn viên kêu gọi khán giả hãy "ủng hộ các lãnh đạo khắp thế giới không theo những tập đoàn lớn và những kẻ gây ô nhiễm mà lên tiếng vì nhân loại, vì những cư dân bản địa toàn cầu, vì hàng triệu triệu con người không thuộc tầng lớp thượng lưu đang bị ảnh hưởng"

Đạo diễn Inarritu của bộ phim The Revenant cũng nói đây là "cơ hội tuyệt vời để thế hệ chúng ta thoát khỏi mọi định kiến" và việc nói về màu da của một ai đó cũng "không phù hợp như nói về độ dài của mái tóc họ" vậy.

Đây là giải Oscar thứ tư của đạo diễn Inarritu. Ông từng giành giải đạo diễn xuất sắc nhất, kịch bản gốc xuất sắc nhất và hình ảnh xuất sắc nhất cho bộ phim Birdman (Người Chim) năm 2015.

Bộ phim Spotlight đoạt giải Phim hay nhất và Kịch bản gốc xuất sắc nhất.

Brie Larson đoạt giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho bộ phim độc lập Room (Căn phòng), kể về hai mẹ con bị giam cầm trong một căn phòng chỉ vài mét vuông.

Nữ diễn viên Alicia Vikandaer giành giải nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất trong bộ phim quen thuộc với khán giả Việt Nam "The Danish Girl".

Hạng mục Phim nước ngoài hay nhất thuộc về "Son of Saul" (Con trai của Saul).

Nam diễn viên người Anh Mark Rylance được xướng tên ở hạng mục Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất cho bộ phim Bridge of Spies (Người đàm phán). Trong phim này, ông đóng vai một điệp viên người Nga bị Hoa Kỳ bắt giữ trong thời Chiến tranh Lạnh.

Giải "Phim tài liệu hay nhất" thuộc về bộ phim "Amy" - nói về cuộc đời của nữ ca sỹ Amy Winehouse.

Bộ phim ''Mad Max: Con đường tử thần'' liên tiếp giành sáu giải Oscars ở các hạng mục kỹ thuật.

Bộ phim của đạo diễn George Miller người Úc giành các giải thiết kế trang phục xuất sắc nhất, thiết kế sản xuất xuất sắc nhất, trang điểm và làm tóc xuất sắc nhất, giải Hòa âm xuất sắc nhất, giải Dàn dựng âm thanh xuất sắc nhất và giải Dựng phim xuất sắc nhất.

Lễ trao giải Oscar 2016 đã diễn ra tại Holywood, kinh đô điện ảnh của Hoa Kỳ.

Người dẫn chương trình trong đêm lễ trao giải của Viện Hàn lâm Điện ảnh Mỹ là nam diễn viên Chris Rock. - BBC
|
|

Tin Việt Nam

5.
Việt Nam đề nghị Campuchia giúp đào tạo lực lượng gìn giữ hòa bình

Việt Nam chính thức đề nghị Campuchia giúp đỡ đào tạo Lực lượng gìn giữ hòa bình để chuẩn bị cho công tác huấn luyện bổ sung do Liên Hiệp quốc dành cho Việt Nam.

Đại tá Lưu Đình Hiến, Phó giám đốc Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam, đã đưa ra đề nghị kể trên trong cuộc gặp với Quốc vụ khanh Quốc phòng Campuchia, Tướng Chay Sangyun, hôm 24/2.

Theo ông Hiến, Việt Nam đang có kế hoạch cử một đơn vị công binh và quân y tham gia khóa huấn luyện của Liên Hiệp quốc. Tuy nhiên, Quân đội Việt Nam thiếu kinh nghiệm về một số quy trình của LHQ.

"Là nước láng giềng, Việt Nam đề nghị Campuchia giúp đỡ huấn luyện quân đội của mình", Đại tá Hiến nói.

Quân đội Hoàng gia Campuchia đã phái hơn 3.000 binh sĩ ra nước ngoài để phục vụ cho Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp quốc từ năm 2006.

Với những kinh nghiệm tích lũy được từ 10 năm nay và có mối quan hệ gần gũi, Campuchia rõ ràng là đối tác thích hợp của Việt Nam trong lĩnh vực này.

Về phía Campuchia, ông Chay Sangyun nói rằng "Quân đội Việt Nam đã giúp đỡ các lực lượng vũ trang Campuchia rất nhiều trong quá khứ, không chỉ về tinh thần mà còn cả mặt vật chất và xây dựng nguồn nhân lực". Do vậy, hai bộ quốc phòng hai nước luôn sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau bất cứ khi nào.

Việt Nam và Mỹ cũng đã có những hợp tác để xây dựng lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam. Mới đây nhất, chiều 28/1, Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam phối hợp với Văn phòng hợp tác quốc phòng Đại sứ quán Hoa Kỳ (ODC) đã tổ chức lễ bế mạc Khóa I tiếng Anh cho Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Bệnh viện Quân y 354.  

Khóa học do đội ngũ giáo viên người Mỹ giảng dạy, đặc biệt chú trọng rèn các kỹ năng nghe và nói. Ngoài ra, theo thỏa thuận song phương, trước đó trong năm 2015 Mỹ đã trợ giúp Việt Nam thành lập và xây dựng Trung tâm gìn giữ hòa bình Việt Nam. Trung tâm này sẽ giúp Việt Nam tăng cường huấn luyện, quản lý nguồn lực và hợp tác với Mỹ và các đối tác khác để đảm bảo thế giới có nhân viên gìn giữ hòa bình luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi được huy động. - VOA
|
|

6.
Mỹ cần làm gì trước việc Trung Quốc gia tăng quân sự ở Biển Đông? --- Biển Đông: Giải mã phản ứng cứng rắn của Việt Nam chống Trung Quốc

Tuần trước, các chỉ huy của các quân chủng khác nhau trong quân đội Mỹ nói Mỹ có thể phải tái cơ cấu lại các tàu chiến và lực lượng được triển khai ở Thái Bình Dương trước việc Trung Quốc nhanh chóng tăng cường quân sự ở Biển Đông.

Đô đốc Harry Harris, chỉ huy trưởng Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, trong tuần trước nói các hoạt động ở Thái Bình Dương đang thay đổi vì Trung Quốc đang quân sự hóa một loạt đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Đô đốc John Richardson, Trưởng phòng Tác chiến Hải quân, và Tướng Robert Neller, Tư lệnh Thủy quân Lục chiến, hôm 26/2 nói họ muốn rằng đến năm 2020 họ có trong tay 154 chiến hạm được triển khai ở Thái Bình Dương trong hạm đội gồm tổng số 308 chiến hạm đã được hoạch định.

Trung Quốc đang ráo riết củng cố cho yêu sách chủ quyền của họ ở Biển Đông, nơi có tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam, Trung Quốc, Philippines và một số nước khác, cho dù Mỹ đã kêu gọi các bên theo đuổi biện pháp ngoại giao. Gần đây, có tin Trung Quốc đã đưa chiến đấu cơ, oanh tạc, radar và hỏa tiễn địa đối không ra các đảo ở Biển Đông.

Trong một bài viết đăng trên tờ Huffington Post ngày 28/2, Giáo sư sử học Tom Mockaitis  thuộc trường ĐH DePaul, cho rằng Mỹ có ít lựa chọn để chống lại các động thái của Trung Quốc trong khu vực. Chuyên gia phân tích an ninh quốc tế kiêm sử gia quân sự này nhận định nếu Mỹ tăng cường phát triển quân sự sẽ chỉ “khuyến khích” Trung Quốc thực hiện các biện pháp đối trọng và “có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém và vô ích”.

Giáo sư Mockaitis nói chiến lược “tái cân bằng”của Mỹ sang châu Á đã bị hạn chế bởi cuộc xung đột ở Trung Đông và sự trỗi dậy trở lại của Nga. Triển khai thêm vũ khí, khí tài của hải quân và không quân tới khu vực sẽ có tác dụng hạn chế. “Mỹ sẽ không tiến hành chiến tranh vì Biển Đông, và Trung Quốc biết điều đó. Nhận thức đó làm giảm mức độ đáng tin cậy của bất cứ động thái quân sự nào của Mỹ”, Giáo sư Mockaitis nhận định.

Ông nói thêm việc Mỹ cố gắng vượt trội Trung Quốc ngay trong “sân sau” của nước này sẽ không có hiệu quả. Cố gắng làm như vậy chỉ làm gia tăng ngân sách quốc phòng.

Ông cho rằng tuy Mỹ cần trấn an các đồng minh rằng Mỹ sẽ bảo vệ họ trước các hành động xâm lăng trực tiếp, và điều đó cần Mỹ phần nào củng cố quân sự ở khu vực, song Mỹ cần có bước đi thận trọng. Ông Mockaitis đưa ra quan điểm “Xuống thang cùng với các nỗ lực ngoại giao của các nước ven Biển Đông với sự hậu thuẫn của Mỹ có thể là cách hành động khôn ngoan nhất”. - VOA

***
Ảnh vệ tinh do Hoa Kỳ công bố trong thời gian gần đây đã vạch trần các hành vi quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc. Hành động của Bắc Kinh không chỉ phớt lờ các tuyên bố chủ quyền của Hà Nội trong khu vực, mà còn trực tiếp đe dọa an ninh của Việt Nam. Trước các hành động đó, Việt Nam đã có một loạt phản ứng được giới phân tích đánh giá là nhanh chóng và cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Trả lời RFI qua thư điện tử, giáo sư Carlyle Thayer cho rằng đã có « đồng thuận » trong giới lãnh đạo mới tại Việt Nam là cần phải quyết đoán hơn.

Vào tháng 9 năm ngoái 2015, nhân chuyến viếng thăm Mỹ, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công khai cam kết là Bắc Kinh sẽ không quân sự hóa Biển Đông. Lời hứa này đã nhanh chóng bị thực tế hiện trường chứng minh là lời hứa suông.

Bằng chứng do các phương tiện truyền thông Mỹ cũng như Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS tại Washington công bố trong tháng Hai 2016 này, cho thấy là Bắc Kinh đã cho triển khai tên lửa địa đối không Hồng Kỳ HQ-9, đồng thời cho điều hai loại chiến đấu cơ Thẩm Dương J-11 và Tây An JH-7 đến đảo Phú Lâm (Woody Island) thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Ảnh vệ tinh mới nhất cũng cho thấy là Trung Quốc vừa củng cố các phi đạo xây trên đá Chữ Thập (Fiery Cross), Xu Bi (Subi), Vành Khăn (Mischief), vừa cho xây dựng hệ thống radar tần số cao trên đá Châu Viên (Cuarteron), và các trạm radar khác trên đá Ga Ven (Gaven), đá Tư Nghĩa (Hughes) và đá Gạc Ma (Johnson South). Mục tiêu quân sự của các công trình này rất hiển nhiên.

Tố cáo đích danh Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông

Trước các hành động triển khai vũ khí và thiết bị quân sự càng lúc càng nhiều tại Biển Đông, Việt Nam đã có phản ứng mạnh mẽ về cả về mặt ngoại giao nhắm vào Trung Quốc, lẫn trên phương diện vận động công luận trong nước và ngoài nước.

Rõ ràng nhất là lời tố cáo với những nội dung cứng rắn chỉ đích danh Trung Quốc được phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Hải Bình đưa ra nhân buối họp báo thường kỳ tại Hà Nội ngày 25/02/2016.

Trước các thông tin theo đó Trung Quốc đã điều chiến đấu cơ ra đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa và đặt hệ thống radar trên một số cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa, ông Lê Hải Bình đã tố cáo :

"Bất chấp sự phản đối và quan ngại của Việt Nam cũng như của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn tiếp tục có các hành động không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, thúc đẩy quân sự hóa ở Biển Đông, mà còn đe dọa hòa bình, ổn định ở khu vực và an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông."

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam cũng gián tiếp lên án các hành vi vô trách nhiệm và vi phạm luật lệ quốc tế của Bắc Kinh tại Biển Đông khi « yêu cầu Trung Quốc có những lời nói, hành động trách nhiệm và mang tính xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như trên thế giới trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC".

Trước đó, ngày 19/02, khi phản đối việc Trung Quốc xây dựng căn cứ trực thăng quân sự trên đảo Quang Hòa (Duncan Island) và bố trí tên lửa phòng không HQ-9 trên đảo Phú Lâm (Hoàng Sa), phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam cũng đã lên tiếng « yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động sai trái đó".

Không chỉ thế, ngoài thông lệ là chuyển công hàm phản đối đến đại diện ngoại giao Trung Quốc ở Hà Nội, Việt Nam còn gởi tuyên bố phản đối lên Liên Hiệp Quốc, yêu cầu định chế quốc tế này cho lưu hành công hàm phản đối Bắc Kinh đến mọi thành viên, qua đó đánh động quốc tế về các hành vi "sai trái" của Trung Quốc.

Lên tiếng ủng hộ việc Mỹ can dự vào Biển Đông 

Cũng trong lãnh vực ngoại giao, Việt Nam đã công khai hóa quan điểm ủng hộ vai trò của Mỹ tại Biển Đông, bất chấp những lời tố cáo được Trung Quốc lập đi lập lại là Washington không có tư cách can dự vào khu vực.

Trong một tuyên bố hiếm hoi về các hoạt động quân sự của Mỹ tại Biển Đông, ngày 31/01 vừa qua, phát ngôn viên Việt Nam đã lên tiếng tán đồng chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải được Hải Quân Mỹ tiến hành một hôm trước đó khi cho khu trục hạm USS Curtis Wilbur tiến vào bên trong vùng 12 hải lý của đảo Tri Tôn (Hoàng Sa) đang tranh chấp với Việt Nam, nhưng hiện do Trung Quốc kiểm soát.

Theo ông Lê Hải Bình, Việt Nam có « chủ quyền không thể tranh cãi... đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như quần đảo Trường Sa », nhưng Việt Nam « tôn trọng quyền đi qua vô hại trong lãnh hải được thực hiện phù hợp với các quy định có liên quan của luật pháp quốc tế".

Không chỉ ủng hộ các hành động của Washington, Việt Nam thậm chí còn công khai kêu gọi Mỹ dấn thân sâu hơn nữa vào Biển Đông. Trong cuộc tiếp xúc song phương với tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 16/02 bên lề hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN tại Sunnylands (California, Hoa Kỳ), thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã không ngần ngại yêu cầu Mỹ có những hành động mạnh mẽ hơn nữa tại Biển Đông.

Thông cáo của bộ Ngoại Giao Việt Nam nói rõ : « Thủ tướng đề nghị Mỹ có tiếng nói mạnh mẽ và những hành động thiết thực hơn, hiệu quả hơn để yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông, nhất là việc xây dựng các đảo nhân tạo với quy mô lớn. Thủ tướng cũng đề nghị Washington có lời nói và hành động giúp chấm dứt ngay việc quân sự hóa ở Biển Đông..., tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển, hỗ trợ kỹ thuật cho lực lượng cảnh sát biển."

Vận động dư luận trong nước

Thái độ cứng rắn hơn đối với Trung Quốc không chỉ thể hiện trong lãnh vực ngoại giao. Không phải là ngẫu nhiên khi ngày 17/02 vừa qua, tại hai thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội và Thành Phố Hồ Chí Minh đã diễn ra lễ tưởng niệm 37 năm cuộc chiến tranh ngắn nhưng đẫm máu ở biên giới Việt-Trung, khi Trung Quốc tung hàng trăm nghìn quân vượt qua biên giới đánh vào Việt Nam.

Dĩ nhiên là trên nguyên tắc, các cuộc tập hợp không được chính quyền Việt Nam cho phép, nhưng buổi lễ đã diễn ra tương đối êm thắm tại Hà Nội, còn tại Sài Gòn thì vẫn còn việc công an tìm cách ngăn cản những nhân vật chủ chốt đến nơi làm lễ kỷ niệm.

Điều cũng cần ghi nhận là trên báo chí chính quyền số lượng bài viết về cuộc chiến tranh chống Trung Quốc khá nhiều, cho thấy là chính quyền cũng lơi là kiểm duyệt đối với một vấn đề cấm kỵ trong một thời gian dài.

Bên cạnh đó, như báo chí trong nước đã ghi nhận, ngày 17/02, chính chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đã đến thắp hương trên từng ngôi mộ tại Nghĩa Trang Liệt Sĩ Trà Lĩnh ở tỉnh Cao Bằng, gần biên giới với Trung Quốc, nơi chôn cất hơn 300 người đã hy sinh trong cuộc chiến chống lại Trung Quốc xâm lược vào năm 1979.

Nhân dịp lễ kỷ niệm cuộc chiến này, báo chí chính thức cũng tích cực tham gia vào cuộc tranh luận về việc đưa các chủ đề như cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung, chiến tranh biên giới Tây Nam, vấn đề Trường Sa, Hoàng Sa vào sách giáo khoa.

Vấn đề này chính thức được đèn xanh của chính phủ, theo như nhận định của ông Nguyễn Vinh Hiển, thứ trưởng bộ Giáo Dục, cho rằng cần phải xem xét việc đưa các nội dung vào sách giáo khoa « với dung lượng phù hợp ».

Giáo sư Carl Thayer : Đã có đồng thuận là phải cứng rắn hơn

Nhìn chung, Việt Nam như vậy là đã có phản ứng cứng rắn hẳn lên trước các hành vi lấn lướt của Trung Quốc tại Biển Đông, khác hẳn với thái độ nhiều khi bị đánh giá là quá thận trọng trong thời gian trước đây.

Để giải mã thay đổi này, RFI đã đặt một số câu hỏi cho giáo sư Carlyle Thayer, nhà nghiên cứu kỳ cựu về Việt Nam tại Học Viện Quốc Phòng Úc (Đại Học New South Wales).

Trả lời phỏng vấn của RFI qua thư điện tử, giáo sư Thayer trước hết ghi nhận sự đồng thuận hiện nay trong giới lãnh đạo Việt Nam, đã nhất trí là cần phải kiên quyết hơn đối với các hành động đe dọa an ninh và chủ quyền Việt Nam đến từ phía Trung Quốc.

Thayer : Giàn lãnh đạo mới tại Việt Nam giờ đây đã được ổn định sau những thay đổi ở Đại Hội Đảng lần thứ 12. Sau một giai đoạn phân định trách nhiệm và các ưu tiên, bây giờ ban lãnh đạo Việt Nam đang bắt tay vào việc giải quyết các vấn đề đối ngoại.

Tâm lý chống Trung Quốc trong công luận Việt Nam hiện đang lan rộng, điều mà lãnh đạo Việt Nam phải lưu ý. Trong nội bộ các lãnh đạo, đã xuất hiện một suy nghĩ đồng thuận là Việt Nam cho đến gần đây đã chưa quyết đoán đúng mức trong việc khẳng định quyền lợi quốc gia dân tộc, đặc biệt là trong vấn đề chủ quyền ở Biển Đông.

Những hành động mới đây của Trung Quốc đã làm dấy lên mối quan ngại chính đáng về an ninh quốc gia đối với hơn 20 thực thể địa lý và tiền đồn ngoài khơi của Việt Nam trên Biển Đông.

RFI : Các động thái cứng rắn của Việt Nam có khác thường hay không vì Hà Nội thường thận trọng hơn trong việc chỉ trích Trung Quốc?

Thayer : Việt Nam đã từng đưa vấn đề Biển Đông ra trước Liên Hiệp Quốc trước đây, và trong những năm gần đây, cũng đã cho phép báo chí trong nước đưa nhiều thông tin về cuộc chiến tranh biên giới năm 1979.

Cách đây 2 năm, bản thân tôi có tham gia một chương trình thu hình trước của một phim tài liệu dài 3 tiếng đồng hồ, do của đài truyền hình Việt Nam, nhân kỷ niệm 35 năm cuộc chiến tranh biên giới. Tuy nhiên chương trình đã bị gác qua một bên và chưa hề được phát.

Các động thái hiện thời của Việt Nam phản ảnh tâm lý (chống Trung Quốc) của dân chúng cũng như quan điểm của đại đa số cán bộ trong đảng và quân đội đã về hưu, nhất là nơi các nhà ngoại giao đã từng làm việc ở Trung Quốc.

RFI : Việt Nam cũng dự định đưa cuộc chiến tranh biên giới chống Trung Quốc năm 1979 và vấn đề chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa vào sách giáo khoa. Giáo sư nhận xét thế nào về sáng kiến này?

Thayer : Các sáng kiến trong lãnh vực giáo dục đó phản ánh đồng thuận trong đảng Cộng Sản là Việt Nam phải mạnh dạn và thẳng thắn hơn trong việc xử lý các vấn đề đó.

Chủ trương này một phần bắt nguồn từ lập luận là Trung Quốc đã khéo lợi dụng sự gắn bó về mặt ý thức hệ Cộng Sản giữa hai bên để bịt miệng Việt Nam.

Thế nhưng thái độ tự kiềm chế không còn được Việt Nam áp dụng được nữa sau khi bị mất tin tưởng nghiêm trọng nơi Trung Quốc từ sau cuộc khủng hoảng giàn khoan HD-981 vào năm 2014.

RFI : Một số chuyên gia phân tích nghĩ rằng với việc ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục làm tổng bí thư, và thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rời khỏi chính quyền, Việt Nam sẽ hòa hoãn hơn với Trung Quốc. Giáo sư có cho rằng các phân tích trên đây là sai không?

Thayer : Tôi thực sự nghĩ rằng ông Nguyễn Phú Trọng sẽ thận trọng hơn. Quan điểm cứng rắn của Việt Nam (đối với Trung Quốc) hiện nay phản ánh sự đồng thuận của tập thể lãnh đạo mới. Ông Trọng đã thành công trong việc cản đường ông Dũng, nhưng ông Trọng phải chịu trách nhiệm trước một Bộ Chính Trị và Ban Chấp Hành Trung Ương mới.

Một dấu hiệu cho thấy khả năng thay đổi là theo một số nguồn tin không công bố, người được cho là sắp được đề cử làm bộ trưởng Quốc Phòng mới, tướng Ngô Xuân Lịch, có thể dành chuyến đi nước ngoài đầu tiên cho Hoa Kỳ.

RFI : Tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN ở Sunnylands, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu tổng thống Mỹ Obama là Hoa Kỳ nên « có những hành động thiết thực hơn, hiệu quả hơn để yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông, đặc biệt là việc xây dựng các đảo nhân tạo với quy mô lớn, chấm dứt ngay việc quân sự hóa ở Biển Đông ». Theo giáo sư, có thể xem đây là phát biểu mạnh nhất trong số các phát biểu của lãnh đạo ASEAN tại hội nghị hay không ?

Thayer : Nhận xét của thủ tướng Dũng rõ ràng là tuyên bố công khai mạnh bạo nhất được đưa ra ở thượng đỉnh Sunnylands. Nhận định của ông Dũng phản ánh đánh giá từ lâu nay của tôi về Việt Nam.

Lãnh đạo Việt Nam thường hay nói với các quốc gia, đặc biệt là Hoa Kỳ, rằng quyền lợi thiết thực của các nước đó là gì. Nói cách khác, Hoa Kỳ có lợi ích thiết yếu trong việc bảo vệ quyền tự do hàng hải tại Biển Đông và làm đối trọng chống lại sự quyết đoán của Trung Quốc.

Trường hợp ở đây tựa như Việt Nam nói « Tôi (tức là Việt Nam) có thể nghĩ vậy, nhưng mà anh (tức là Mỹ), có thể hành động".

Chúng ta có lẽ sẽ còn nghe nhiều phát biểu hơn từ ông Dũng vì ông sẽ rời khỏi chức vụ trong vòng năm tháng nữa nên có thể nói nhiều hơn về Trung Quốc một cách công khai. - RFI

Sunday, February 28, 2016

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 28/2

Tin Thế Giới

1.
Đánh bom tại một khu chợ ở Baghdad, 24 người thiệt mạng --- Không kích gây rúng động Syria trong ngày hưu chiến thứ 2

Ít nhất 24 người thiệt mạng hôm Chủ nhật trong hai vụ nổ bom tại một khu chợ ở Sadr, thành phố nằm trong vùng phụ cận của thủ đô Baghdad.

Hai vụ nổ phá sập một khu chợ bán điện thoại di động có đông người tại khu ngoại ô phía đông bắc của thủ đô, nơi có nhiều người theo phái Hồi giáo Shia.

Khu vực này thường xuyên xảy ra bạo động giáo phái trong thập niên qua, với hàng trăm người đã bị giết hại trong các vụ đánh bom. Gần đây nhất, một vụ tấn công bằng bom gài trong xe tải hồi tháng 8 giết chết gần 80 người tại một khu chợ khác.  

Các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo lên tiếng nhận đã thực hiện vụ tấn công đó.

Hai vụ bổ ở thành phố Sadr hôm Chủ nhật xảy ra sau khi các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo bất ngờ tấn công Abu Ghraib, thành phố nằm ngay phía tây của thủ đô Baghdad.

Những người đánh bom tự sát và các phần tử vũ trang đi trên một chiếc xe tải nhỏ tấn công thành phố. Đây là một trong những vụ tấn công lớn nhất của Nhà nước Hồi giáo trong mấy tháng qua.

Các cư dân nói rằng Khu vực Quốc tế ở Baghdad, nơi có nhiều đại sứ quán và nhân viên quốc tế cũng như các giới chức chính phủ Iraq, tạm thời được đặt trong tình trạng báo động cao.

Các lực lượng của Iraq nhanh chóng được triển khai tại Khu vực Quốc tế ở Baghdad và tại phi trường quốc tế của thủ đô.

Abu Ghraib nằm cách Baghdad khoảng 25 kilômét về hướng tây và nằm giữa khoảng cách giữa thủ đô và thành phố Fallujah hiện do Nhà nước Hồi giáo kiểm soát.

Ông Yousuf al Abadi, một người phát ngôn của Bộ Nội vụ Iraq, nói với truyền thông địa phương rằng khoảng 30 người thuộc các lực lượng của Iraq thiệt mạng trong vụ tấn công ở Abu Ghraib.

Ông cho biết khoảng đầu giờ chiều tất các các phần tử chủ chiến đã bị hạ sát và tình hình đang "trong tầm kiểm soát."

Abu Ghraib được nhiều người biết đến tiếp theo sau cuộc tiến quân của Mỹ vào Iraq năm 2003 sau khi những bức ảnh cho thấy các binh sĩ Mỹ ngược đãi các tù nhân Iraq trong trại tù Abu Ghraib. - VOA

***
Trong lúc nhiều người Syria đang tận hưởng tình hình tương đối yên tĩnh của cuộc ngừng bắn, sự yên lặng đã bị phá vỡ bởi nhiều vụ không kích hôm Chủ nhật; một ngày sau khi thỏa thuận chấm dứt thù nghịch có hiệu lực.

Một đài quan sát có trụ sở ở Anh nói rằng ít nhất 6 làng xã bị các cuộc không kích nhắm mục tiêu.

Ðài quan sát Nhân quyền Syria nói rằng không xác định được chiến đấu cơ đã thực hiện các vụ không kích, cũng như liệu các khu vực bị oanh kích có thuộc thỏa thuận ngừng bắn hay không.

Thỏa thuận ngừng bắn không áp dụng đối với các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo và Mặt trận al-Nusra liến kết với al-Qaida.

Thỏa thuận ngừng bắn Syria mang lại một sự yên tĩnh trên phần lớn Syria lần đầu tiên sau nhiều năm.

Thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ và Nga làm trung gian điều giải bắt đầu hiệu lực hôm thứ Bảy không thể tránh khỏi một số vi phạm, nhưng Ðặc sứ Liên hiệp quốc về Syria nói rằng ngày đầu tiên của cuộc ngừng bắn là "khá yên tâm."

Ông Staffan de Mistura nói một số vụ vi phạm được cho là sẽ xảy ra sau 5 năm nội chiến. Tuy nhiên ông nói thêm rằng "đêm đầu tiên và ngày đầu tiên đã mang lại cảm giác là mọi người thực sự chú tâm vào cam kết của họ tuân thủ thỏa thuận chấm dứt thù địch."

Tổ chức đại diện phe đối lập Syria, Thượng Ủy ban về Đàm phán, nói rằng 97 nhóm hứa tham gia cuộc hưu chiến.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, trong bài diễn văn hàng tuần phát thanh hôm thứ Bảy, nói rằng những phần đất do Nhà nước Hồi giáo kiểm soát đã bị co cụm. Ông nói rằng số chiến binh của Nhà nước Hồi giáo  trên chiến trường đang sút giảm và nhóm thánh chiến này mỗi ngày một khó “tuyển mộ và điền khuyết những người trong hàng ngũ.”

Tổng thống Obama cho biết Hoa Kỳ đang làm việc chung với “những đối tác trên khắp thế giới” để phản bác những ý tưởng mà Nhà nước Hồi giáo dùng để “cực đoan hoá, tuyển mộ và khích động bạo động.”

Chưa đầy một giờ đồng hồ trước khi cuộc ngưng bắn tạm thời bắt đầu có hiệu lực, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã đồng thanh tán đồng thoả thuận này tại New York.

Cũng tại cuộc họp đó, Đặc sứ de Mistura loan báo rằng trong trường hợp cuộc hưu chiến được tôn trọng và những hoạt động cứu trợ tiếp tục không gặp trở ngại, ông sẽ triệu tập lại cuộc hoà đàm trong nội bộ Syria tại Geneve vào ngày 7 tháng 3.

Nga và Mỹ, hai nước đồng chủ tịch của Nhóm Quốc tế Hỗ trợ Syria, chịu trách nhiệm giải quyết những vụ vi phạm hưu chiến, chứ không phải Liên Hiệp Quốc.

Tổng thống Obama tuyên bố Hoa Kỳ sẽ làm tất cả những gì có thể để làm cho cuộc ngưng bắn được tôn trọng. - VOA
|
|

2.
Bầu cử Iran: Phe cải cách toàn thắng tại thủ đô Teheran

Đài truyền hình Iran sáng ngày 28/02/2016 cho biết kết phe cải cách gần như nắm chiến thắng tại hai cuộc bầu cử Quốc Hội và Hội Đồng Các Giáo Sĩ - cơ quan có trách nhiệm chỉ định lãnh tụ Tối cao Iran. Đây là một thành công đáng kể của liên minh cải cách và ôn hòa mà đại diện là tổng thống Rohani.

Từ Teheran, thông tín viên RFI Siavosh Ghazi cho biết thêm chi tiết về kết quả tính đến trưa hôm nay, theo đó phe cải cách toàn thắng tại thủ đô Iran :

« Đây là kết quả quan trọng của liên minh cải cách và ôn hòa, với khả năng nắm được 30 ghế của thủ đô Teheran. Kết quả trên được bộ Nội Vụ Iran thông báo dựa theo 90% tổng số phiếu đã được kiểm. Người đứng đầu danh sách phe bảo thủ, ông Gholam Ali Hadad Adel chỉ đứng ở vị trí thứ 31 nên sẽ không đắc cử.

Như vậy, chiến lược của phe cải cách đã giành thắng lợi. Trong suốt quá trình vận động tranh cử, các nhà lãnh đạo của phe này đã vận động cử tri bỏ phiếu cho 30 ứng viên trong danh sách của Teheran.

Còn trên toàn lãnh thổ, kết quả phân tán hơn. Trên hơn 25% số phiếu được kiểm tại các tỉnh, phe bảo thủ đứng đầu với hơn 23 ghế, phe cải cách chiếm được 15 ghế, ngoài ra còn có 23 ghế độc lập hiện vẫn chưa rõ sẽ ngả theo phe nào. 

Kết quả chính thức sẽ được thông báo từ nay tới thứ Hai hoặc thứ Ba, nhưng, trong mọi trường hợp, tổng thống Rohani và đồng minh có thể hài lòng. Thành viên của phe cải cách có mặt đông đảo tại Quốc Hội và phe bảo thủ cực đoan từ giờ bị hạn chế hơn.

Vì thế, chính phủ có thể tin tưởng vào Quốc Hội để tiến hành những biện pháp cải cách chính trị và xã hội". - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Bà Clinton giành thắng lợi dễ dàng ở South Carolina

Bà Hillary Clinton dễ dàng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ ở South Carolina hôm nay, củng cố vị thế là ứng viên hàng đầu, cũng như giáng một cú đánh mạnh vào đối thủ Bernie Sanders, ít ngày trước cuộc bầu chọn quan trọng thường được gọi là “Siêu Thứ Ba” vào tuần tới.

Ngay sau khi việc bỏ phiếu chấm dứt ở tiểu bang nằm ở miền nam hôm nay, một số hãng tin đã tuyên bố cựu ngoại trưởng Mỹ là người giành chiến thắng dựa vào các cuộc thăm dò ý kiến cử tri rời phòng bỏ phiếu.

Không ai có thể nghi ngờ kết quả này. Câu hỏi duy nhất đặt ra là liệu ông Sanders, thượng nghị sĩ từ tiểu bang Vermont, có thu hẹp khoảng cách 30% số phiếu trong các cuộc thăm dò ý kiến trước đây hay không.

Tới nay, cựu ngoại trưởng Mỹ đã giành chiến thắng hoặc ngang bằng số phiếu với ông Sanders trong 3 trong 4 cuộc bầu cử sơ bộ của phe Dân chủ, và dẫn đầu trong các cuộc thăm dò ý kiến tại nhiều tiểu bang chuẩn bị tổ chức bầu cử vào tuần tới.

Theo giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Furman ở Greenville, chiến thắng ở South Carolina đáng chú ý ở chỗ nó cho thấy bà Clinton vẫn được sự hậu thuẫn mạnh của các nhóm thiểu số, nhất là của cử tri Mỹ gốc Phi.

“Siêu Thứ Ba”

Trước cuộc bỏ phiếu, ông Sanders gần như đã bỏ cuộc ở South Carolina, và thay vào đó, tập trung vào cuộc bầu cử ngày thứ Ba tới.

Ngày 1/3 được gọi là “Siêu Thứ Ba”, vì vào ngày này, ứng viên có thể giành gần một phần tư số phiếu đại biểu của phe Dân chủ.

Cử tri tại 11 tiểu bang sẽ chọn các đại biểu tham dự đại hội đảng toàn quốc để chọn ra ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ và Cộng hòa, khiến đây là ngày quan trọng nhất đối với cả hai đảng.

Phát biểu trước đám ông ở Austin, Texas, hôm nay, ông Sanders lên tiếng đả kích ứng viên hàng đầu của phe Cộng hòa là ông Donald Trump.

Thượng nghị sĩ này nói: “Chúng ta sẽ đánh bại Trump. Người dân Mỹ không muốn một tổng thống lên tiếng sỉ nhục người Mexico, người Hồi giáo, phụ nữ, người Mỹ gốc Phi, các cựu chiến binh, và bất kỳ ai không ưa ông ấy”.

Lời đả kích được tung ra vài giờ sau khi người dẫn đầu phe Cộng hoà giành được sự ủng hộ bất ngờ của Thống đốc Chris Christine của tiểu bang New Jersey, là người đã từ bỏ cuộc đua giành chức Tổng thống cách nay vài tuần.

Ông Trump đang dẫn đầu khá xa tại hầu hết các tiểu bang sẽ bỏ phiếu vào tuần sau trong cuộc bầu cử sơ bộ thường được gọi là Siêu Thứ Ba, khi các ứng viên tranh nhau khoảng phân nửa số phiếu đại biểu cần thiết để được đề cử. - VOA
|
|

4.
Đối đầu đổ máu giữa KKK và người biểu tình ở California

Ba người bị đâm và 13 người bị bắt giữ khi các thành viên của một nhóm người da trắng đòi ly khai đối đầu với một nhóm người biểu tình đối kháng lớn hơn bên ngoài thành phố Los Angeles hôm thứ Bảy.

Bạo động xảy ra tại thành phố Anaheim, gần công viên giải trí nổi tiếng Disneyland.

Một người phát ngôn của cảnh sát cho hay nhiều người biểu tình đối kháng đã đến nơi trước giờ mà nhóm Ku Klux Klan, gọi tắt là nhóm KKK, dự định tổ chức cuộc mít-tinh chống di dân. Khi những người của nhóm KKK đến nơi, họ bị những người biểu tình đối kháng bao vây và tấn công.

Cả ba người bị đâm đều là những người biểu tình đối kháng. Một trong ba nạn nhân này bị một người của KKK đâm bằng đấu nhọn của cán cờ. Hai người của KKK bị những người biểu tình đấm đạp.  

Người phát ngôn cảnh sát cho hay 6 thành viên KKK và 7 người biểu tình bị bắt giữ, và tất cả đều bị truy tố tội dùng vũ khí có thể gây chết người để tấn công.

Nhóm KKK từng có thời chiếm ưu thế chính trị tại Anaheim, nắm giữ bốn trong tổng số năm ghế Hội đồng Thành phố trước khi họ bị lật đổ vào năm 1924. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Sài Gòn-Hà Nội trong ngày Quốc tế đồng hành cùng dân oan VN

Hôm nay 27/2 ngày Quốc Tế đồng hành cùng dân oan Việt Nam được nhiều nơi đồng loạt tổ chức nhằm nói lên tiếng nói đồng cảm với những người dân mất đất, mất nhà cũng như các quyền con người khác tại Việt Nam. Trên nhiều tỉnh thành khắp nước chưa bao giờ tập trung một lượng lớn dân oan như hôm nay, họ đã vượt qua khó khăn để cùng hòa vào tiếng nói chung lên tiếng cho chính số phận của mình.

Công an vây kín dân oan 

Từ khuya hôm qua, những nơi như Thanh Oai, Trường Xuân thuộc Hà Nội công an vây kín người dân oan không thể ra khỏi nhà. Tại Cẩm Điền tỉnh Hải Dương tình trạng còn tệ hơn, công an vây từng nhà một và không một ai có thể ra khỏi nhà để về Hà Nội. Tuy bị bao vây khống chế như vậy nhưng người dân nhiều nơi vẫn có cách để thoát ra để tới nơi dự định.

Vào lúc 7 giờ 30 sáng, từ Hà Nội anh Trịnh Bá Phương cho biết:

“Từ lúc 5 giờ sáng nay thì người dân oan tại Thanh Oai dự kiến khoảng 70 người tập trung về Ngô Thì Nhậm nhưng tới bây giờ họ vẫn chưa bước ra khỏi địa phương được. Họ lập các chốt an ninh, mỗi chốt không phải là đông nhưng khi ra tới đường quốc lộ họ đã đi bộ từ nhà ra đến quốc lộ tầm 7 cây số thì tất cả các xe buýt an ninh đều không chế, họ không cho bất kỳ một xe buýt nào chở người dân lên Hà Đông. Được biết một thông tin nữa là tại khu vực Hải Dương cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, anh ninh đang ngăn cản. Nhóm Hải Phòng và nhóm các tỉnh lẻ hiện nay đang tập trung khoảng 100 người vì người ta đã tập trung tại Ngô Thì nhậm vào chiều hôm qua rồi. Tại phường Dương Nội cũng có khoảng 100 người nữa đang kiếm cách thoát an ninh, nhà cháu cũng đã có an ninh canh giữ chung quanh nhà nên chưa thể đi được.”

Tại Sài Gòn từ khuya hôm qua, một nhóm bà con dân oan các tỉnh tập trung về chùa Liên Trì và Dòng Chúa Cứu Thế tạm trú để sáng hôm nay tới chợ Bến Thành tập trung như đã dự kiến để tham gia biểu dương cho ngày Quốc tế đồng hành cùng dân oan Việt Nam. Tuy nhiên tại chùa Liên Trì số bà con từ chùa đều bị bắt hầu hết và tới sáng hôm nay chúng tôi được biết qua lời của Hòa thượng Thích Không Tánh như sau:

“Hồi hôm tôi về tới chùa lúc 10 giờ đêm tôi thấy đầu đường chùa có hai xe công an nó chực sẵn tới khi tôi vô thì mấy người đó ra rất mừng. Họ nói tụi con đến đây hồi tối giờ xin thầy nghỉ đỡ rồi khuya hoặc sáng đi công việc tôi nói mấy con ăn uống gì chưa thì mấy bả nói đã ăn hồi chiều rồi. Có một số ở rải rác bên Sài Gòn còn số ở đây khoảng hăm mấy người thôi có lẽ bây giờ đã bị chận hốt hết rồi. Tôi nói mấy cô chắc đi không nổi đâu vì bây giờ xe nó đã chận sẵn mà, lúc bây giờ đã một hai giờ khuya rồi mà tôi vẫn thấy còn xe.”

Lúc 7 giờ 30 sáng, một người dân oan Tiền Giang cho biết việc công an bắt dân tại chùa Liên Trì:

“Bây giờ thì người Tiền Giang bị bắt về phường gần chùa Liên Trì. Một bà gãy tay băng bó vừa xong nó đưa về phường rồi nó đang giữ ở đó. Nó đánh một người xưng phổi, một người xỉu nằm ở đó nó không đưa đi bệnh viện còn một người gãy tay.”

Lúc 7 30 giờ sáng tại Sài Gòn anh Trần Bang cho biết bà con đã tản ra để tới tập trung tại nhà thờ Đức Bà:

“Tôi đang ở nhà thờ Huyện Sĩ còn chị Ngọc Anh đang bị vây ở chỗ Bến Thành vì công an rất đông nên bà con phải đi chỗ khác nếu không thì nó hốt hết. Bà con chuyển địa điểm sang chỗ khác sang nhà thờ Đức Bà nhưng chắc chắn sẽ tập trung được vì chỉ cần cời áo khoác ra là thành một cuộc tuần hành rồi nó cản trở như vậy còn bà con thì không có lực lượng gì cả.”

Công an đánh đập, bắt người

Lúc 8 giờ 30 giờ sáng chị Trần Ngọc Anh thuộc nhóm dân oan miền Nam thuật lại:

“Bây giờ nó đã bắt cả chục người lên xe mà nó còn đánh nữa. Đồng thời hiện nay tại Võ Thị Sáu nó chặn mấy chục người. Hiện giờ bà con rất đông tập trung vô ngồi trong quán cà phê này vì ngồi ở ngoài thì sẽ bị nó cưỡng chế chỉ cách xa nhà thờ Đức Bà 100 mét thôi. Hiện nay các xe buýt bị nó chặn hết nó không cho bất cứ một xe buýt nào tới. Không cho bà con bắt taxi hay xe buýt nào tới. Từ bến xe miền Tây, miền Đông bà con đang lên đó. Hiện nay tại chợ Bến Thành nó bao vây cỡ một hai trăm người thôi nhưng tụi nó thì hàng hà sa số luôn cứ cách một cây số thì nó rải quân rồi. Bây giờ chúng tôi thay đổi địa điểm để đánh kiểu khác. Hiện nay công an đang bao vây nếu chúng tôi xông ra nó sẽ bắt chúng tôi nhưng trước sau gì chúng tôi cũng xông ra vì hiện nay chúng tôi đang chờ số người tới nữa.”

Chỉ hơn 15 phút sau chúng tôi được biết chị Trần Ngọc Anh cùng một nhóm bà con dân oan đã bị bắt và tống lên xe chở đi, một người dân oan cùng bị bắt chung với chị Ngọc Anh cho biết:

“Tôi đang cùng bị bắt trên xe cùng với bà con dân oan trong đó có chị Trần Ngọc Anh nữa. Chị Ngọc Anh bị đánh người rất mệt sưng mặt lên và rách cả mồm nữa. Họ giật tóc nắm đầu chỉ ấy để đánh. Họ đang dừng xe lại ở Bình Tân thuộc quốc lộ 1 họ dừng lại không đi nữa và điều gì xảy ra cho chúng tôi thì không biết nữa.”

Vào lúc 9 giờ, bà Cấn Thị Thêu từ số 1 Ngô Thì Nhậm Hà Nội cho biết:

“Bà con chúng tôi đang tập trung rất đông tại số 1 Ngô Thì Nhậm, công an vây ráp cũng rất đông họ đã bắt con trai tôi là Trịnh Bá Tư còn con trai tôi là Trịnh Bá Phương chắc cũng bị bắt rồi vì tôi không liên lạc được.

Khoảng 300 người dân oan các nơi tập trung còn vòng ngoài người ta chưa vào được tập trung tại nhà thi đấu Hà Đông 40-50 người đang tâp trung ở đấy còn các nơi thì đang bị vây ráp ở các ngã đường riêng tại đây thì rất đông, các đoàn Dương Nội, Hải Phòng các tỉnh thành khác tập trung rất đông. Bậy giờ tôi đang đứng giữa vòng vây của bà con vì công an nó xông vào nó định bắt nhưng bà con đứng vây quanh bảo vệ tôi.”

Lúc 9 giờ 30 từ Hà Nội một dân oan Hải Phòng cho biết:

“Bà con đông đủ ở đây rồi, riêng Hải Phòng chúng tôi gần 30 người, còn chỗ chị Hài tỉnh Bình Dương khoảng chục người nữa. Hiện giờ chúng tôi đang ở chỗ Ngô Thì Nhậm này và hiện giờ công an đang cho hai ô tô buýt đứng ở cửa Ngô Thì Nhậm và rất nhiều công an bên dưới nhưng không sao ạ.”

Bà Trần Thị Hài từ Bình Dương ra Hà Nội đồng hành cùng với dân oan tường thuật lại những gì đang xảy ra cho bà và mọi người:

“Công an Bình Dương nó đã ra đây nó chuẩn bị hốt về cho nên phải đứng giữa bà con để bà con còn hỗ trợ. Nói chung đàn áp, ngăn cản của an ninh rất là quyết liệt nhưng bà con các tỉnh vẫn tập trung được để về đồng hành cùng với thế giới hôm nay hướng về Việt Nam. Tôi đánh giá là thành công ngoài trí tưởng tượng. Đấy là do lòng dũng cảm và đoàn kết của những người dân oan các tỉnh.”

Về ngày Quốc tế đồng hành cùng dân oan Việt Nam, một dân oan Tiền Giang bộc lộ ý kiến của mình trong lúc còn ngồi trên xe tù của công an, bà nói:

“Bà con chúng tôi là dân oan đã bị nhà cầm quyền Việt Nam cướp nhà cướp đất mà chúng tôi phải khốn khổ. Ngày hôm nay 27 tháng Hai, ngày Quốc tế đồng hành cùng dân oan. Chúng tôi muốn quốc tế hướng về chúng tôi để chúng tôi thoát cảnh bị nhà cầm quyền Việt Nam cướp mất quyền làm người.”

Vừa rồi là tổng hợp hình ảnh từ nam ra bắc trong ngày Quốc tế đồng hành cùng dân oan Việt Nam. Chúng tôi hy vọng quý vị có được những thông tin cần thiết cũng như thấy được bức tranh toàn cảnh những gì đang xảy ra tại Việt Nam vào ngày 27 tháng 2 năm 2016. - RFA
|
|

6.
Ứng viên độc lập 'gặp khó' từ khâu hồ sơ --- Tự ứng cử: khát vọng dân chủ hay phép thử cải cách

Bà Đặng Bích Phượng, một trong các ứng cử viên tự do ở Hà Nội, thuật lại khó khăn “trời ơi đất hỡi” mà bà gặp phải khi làm hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa 14 này.

Câu chuyện rất đơn giản: việc đầu tiên của quá trình ứng cử là bà phải làm hồ sơ, gồm đơn ứng cử, sơ yếu lý lịch, tiểu sử tóm tắt, bản kê khai tài sản và thu nhập. Sau đó, bà phải đi xin dấu xác nhận lý lịch tại ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã, phường nơi bà đăng ký hộ khẩu thường trú.

Ngày 22/2/2016, UBND phường Thành Công đã xác nhận lý lịch cho bà Phượng. Tuy nhiên, ba hôm sau, khi bà Phượng đến nộp hồ sơ ứng cử, thì được cán bộ tiếp dân yêu cầu khai lại một số mục khai chưa đúng theo mẫu. Ví dụ, phải ghi trình độ văn hóa 10/10 phổ thông (bà Phượng chỉ khai 10/10 – thiếu chữ “phổ thông”).

Sau khi khai lại đầy đủ, bà Phượng đến UBND phường Thành Công để xin xác nhận lại lý lịch. Nhưng lần này thì đến lượt Chủ tịch UBND phường Thành Công, ông Nguyễn Huy Toản, nói chưa thể xác nhận lý lịch cho bà, lấy lý do bà khai “chưa trung thực” phần kỷ luật.

“Kỷ luật” vì biểu tình

Bà Đặng Bích Phượng đã không khai trong hồ sơ là bà từng một lần bị bắt giam 5 ngày ở Hỏa Lò (từ ngày 21 đến 25/8/2011) vì đi biểu tình chống Trung Quốc nhân sự kiện Trung Quốc cắt cáp dầu khí của Việt Nam, nhưng bị công an quy vào tội “gây rối trật tự công cộng”.

Lần khác, bà bị UBND phường Dịch Vọng ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại phường trong thời hạn 6 tháng (từ ngày 12/9/2012 đến ngày 12/3/2013) cũng vì nhiều lần bị bắt khi tham gia biểu tình chống Trung Quốc.

Tuy nhiên, tạm chưa bàn tới tính hợp pháp của các quyết định tạm giữ và áp dụng biện pháp giáo dục, thì những hình thức xử lý công dân nói trên chỉ là xử lý vi phạm hành chính và chỉ có giá trị 1 năm là hết hiệu lực, không cần ghi vào lý lịch.

Thêm nữa, chính phần hướng dẫn khai hồ sơ cũng nêu rõ:

“Trường hợp bị kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính trong thời gian 01 năm tính đến ngày làm hồ sơ ứng cử thì ghi rõ tên cơ quan ra quyết định kỷ luật, thời gian bị kỷ luật, lý do bị kỷ luật, hình thức kỷ luật”, “Nếu không có hoặc đã bị xử lý nhưng không thuộc các trường hợp kể trên thì ghi “Không bị kỷ luật, không có án tích””.

Do bà Đặng Bích Phượng bị xử lý vi phạm hành chính đã cách đây đến 4-5 năm, nên bà ghi “không bị kỷ luật, không có án tích” trong hồ sơ, đúng như hướng dẫn.

Điều bà không ngờ là ghi chính xác như hướng dẫn thì lại bị từ chối xác nhận hồ sơ.

Đá đi, đá lại

Bà Đặng Bích Phượng bèn quay lại nơi tiếp nhận hồ sơ ứng cử để đề nghị hướng dẫn lại. Tại đây, bà Phượng được ông Lưu Tiến Minh, cán bộ tiếp nhận hồ sơ, giải thích đúng như ghi chú trên mẫu hồ sơ:

“Nếu bác có bị kỷ luật hành chính cách đây vượt quá một năm, mà bác vẫn khai vào đây, thì tôi phải nói là bác khai không đúng”.

Có nghĩa là, nếu bà Phượng ghi hai lần bị xử lý vi phạm của mình vào hồ sơ, thì chính khi đó, hồ sơ mới trở thành không hợp lệ (vì ghi sai yêu cầu).

Như vậy là bà Phượng bị kẹt giữa UBND phường Thành Công và Ủy ban Bầu cử Thành phố Hà Nội. Không khai thì UBND phường Thành Công không chịu xác minh lý lịch. Mà khai thì Ủy ban Bầu cử Thành phố Hà Nội lại cho là hồ sơ không hợp lệ. Vậy phải ghi như thế nào bây giờ?

Đó là chưa kể, đúng ra trách nhiệm của UBND phường chỉ là xác nhận chữ ký và hộ khẩu thường trú.

Còn tất cả các phần khác trong lý lịch, cá nhân người khai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Bà Phượng có hộ khẩu thường trú tại phường Thành Công, nhưng bà sống tạm cư tại phường Dịch Vọng từ cách đây 8 năm.

Thời gian đi biểu tình phản đối Trung Quốc cắt cáp tàu dầu khí trong vùng biển của Việt Nam, bà bị công an quận Hoàn Kiếm bắt giữ, và UBND phường Dịch Vọng ra quyết định “giáo dục” bà tại địa phương.

Điều này hoàn toàn không nằm trong phạm vi quản lý của UBND phường Thành Công.

Phối hợp gây khó khăn?

Tuy nhiên, một nguồn tin cho bà Phượng hay, cơ quan an ninh đã cung cấp hồ sơ của bà cho UBND phường Thành Công, để gây khó dễ.

Bà Phượng cố gắng giải thích với chính quyền phường sở tại:

“Nếu các hình thức kỷ luật diễn ra trong vòng 1 năm tính đến ngày làm hồ sơ, thì tôi mới phải kê khai.

"Nếu không nằm trong khung đó mà vẫn khai thì bên Ủy ban Bầu cử sẽ coi hồ sơ là không hợp lệ”.

Tuy nhiên, UBND phường vẫn dứt khoát bắt bà phải kê khai vụ bị bắt tạm giữ năm 2011 và bị ép giáo dục cải tạo năm 2013.

Cũng nguồn tin nọ cho biết, UBND phường đang bị “bên an ninh” nhắc nhở lưu ý về trường hợp bà Phượng.

Bà Phượng và những cử tri đi cùng thực sự ngạc nhiên và bức xúc trước việc an ninh can thiệp thông qua UBND phường và nhất là lại cứ cố ép bà phải khai hồ sơ không hợp lệ.

Phải chăng cơ quan an ninh đang gây khó khăn cho phường Thành Công, hay là họ đang phối hợp với phường gây khó khăn cho ứng cử viên tự do?

Bà Phượng quyết định sẽ làm đơn yêu cầu UBND phường xác nhận lý lịch cho bà và trả lời bằng văn bản, để bà còn kịp hoàn thành bộ hồ sơ ứng cử ĐBQH khóa 14.

'Cho xin một bộ'

Cũng trong những ngày vừa qua, công an khu vực ở một số nơi trên địa bàn Hà Nội đã đến “tiếp xúc, tìm hiểu thông tin” ở vài ứng cử viên tự do khác, chẳng hạn hỏi họ đã làm hồ sơ chưa, bao giờ xong thì cho xin một bộ...

Cuộc bầu cử Quốc hội khóa 14 (nhiệm kỳ 2016-2021) sẽ diễn ra vào ngày 22/5 tới.

Đây là lần đầu tiên, bầu cử Quốc hội có một số lượng đông đảo ứng cử viên tự do (15-20 người trên cả nước, nhất là Hà Nội), và phần lớn đều tích cực sử dụng mạng xã hội Facebook để vận động tranh cử.

Bà Đặng Bích Phượng, sinh năm 1960, là một trong số rất ít gương mặt nữ ứng cử độc lập.

Chương trình hành động của bà xoay quanh vấn đề đất đai và sửa đổi luật đất đai theo hướng bảo đảm các quyền căn bản của người nông dân, như quyền có thông tin, quyền được tham vấn, hỏi ý kiến, và quyền được thương lượng, đàm phán theo giá thị trường. - BBC

***
Một trong các khuyến nghị quan trọng của Báo cáo Việt Nam 2035 do Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Việt Nam hợp tác soạn thảo  công bố hôm 23/2/2016 là: “nâng cao hơn nữa trách nhiệm giải trình thông qua việc xây dựng một cơ chế hữu hiệu về kiểm soát và cân bằng giữa ba nhánh quyền lực, tạo dựng khung khổ pháp lý thúc đẩy quyền công dân…” 

Ba nhánh quyền lực được hiểu là Hành pháp, Lập pháp và Tư pháp nhưng ở Việt Nam là cơ chế độc đảng do vậy việc giám sát độc lập lẫn nhau là không hiện thực. Tuy vậy theo các chuyên gia, nếu thể chế chính trị của Việt Nam cởi mở hơn, nâng cao vai trò của Quốc hội nhiều hơn thì cũng mang ý nghĩa quan trọng.

Trong bối cảnh đó sự cân bằng từ nhánh lập pháp có thêm hiệu quả nếu thành phần Đại biểu Quốc hội có thêm những tiếng nói độc lập, những người không phải đảng viên Cộng sản và những người tự ứng cử không do Đảng và Nhà nước cơ cấu.

Ngay sau khi Báo cáo Việt Nam 2035 được công bố, đáp câu hỏi của chúng tôi là Nhà nước có thể có cơ hội để thể hiện ý muốn cải cách qua vấn đề công dân tự ra ứng cử, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh thành viên Ủy ban Chính sách Phát triển của Liên Hiệp Quốc nhận định:

“Tôi nghĩ đó là một thử nghiệm, một phép thử  rất hay rằng sắp tới đây việc các ứng cử viên độc lập đó sẽ được đối xử như thế nào và sự tham gia một cách bình đẳng đó sẽ được thực hiện ra sao. Tôi suy nghĩ đấy là một trong những phép thử mà sắp tới đây chúng ta sẽ chứng kiến, để xem những quyền trong Hiến pháp được thực hiện như thế nào và sẽ có những thay đổi thực tế ra sao.” 

Trong các cuộc bầu cử Quốc hội đã qua, số ứng cử viên không phải đảng viên Đảng Cộng sản và số người tự ứng cử trúng cử vào Quốc hội là rất hiếm. Thí dụ cuộc bầu cử Quốc hội khóa 13 nhiệm kỳ 2011-2016, số người tự ứng cử là 83 người nhưng qua các vòng hiệp thương sàng lọc chỉ còn 15 người được đưa vào danh sách ứng cử viên chính thức. Sau đó chỉ có 4 người trúng cử, như vậy trong số 500 Đại biểu Quốc hội khóa 13 tỷ lệ đại biểu tự ứng cử rất nhỏ 0,8%. Số đại biểu ngoài Đảng cộng chung là 42 người, nếu trừ vài người tự ứng cử thì toàn bộ là Đảng cơ cấu với thành phần định sẵn.

TS Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động xã hội dân sự nổi tiếng về những phản biện độc lập và cổ vũ dân quyền đã trở thành người đầu tiên công bố ý định tự ứng cử Quốc hội Khóa 14. Xuất hiện trong chương trình video ‘Câu chuyện Trong tuần’ của Đài Á Châu Tự Do, TS Nguyễn Quang A phát biểu:

“Đó là việc để thể hiện việc thực thi quyền của công dân, bởi vì luật của Việt Nam qui định công dân có rất nhiều quyền, Hiến pháp Việt Nam qui định là người dân có quyền tham gia quản lý đất nước. Luật bầu cử của Quốc hội Việt Nam qui định công dân đủ 21 tuổi trở lên có thể ra ứng cử Đại biểu Quốc hội và tôi muốn thúc đẩy một phong trào học tập của người dân nhất là giới trẻ để họ hiểu rằng quyền của họ là thế nào…” 

Tiến sĩ Nguyễn Quang A thêm rằng, không phải ông không biết về những ứng cử viên độc lập bị trù dập loại bỏ không cho ứng cử trong các kỳ bầu cử trước. Nhưng ông tin rằng thời thế đã đổi khác, nhận thức của người dân và đặc biệt giới trẻ đã được nâng cao.

Cập nhật thông tin trên mạng xã hội đã có hơn 20 người công bố ý định tự ra ứng cử, con số này có thể tăng lên đáng kể vì phải đến 17 giờ ngày 13/3/2016 mới hết hạn nạp đơn ứng cử.

Được biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết dự kiến số đại biểu Quốc hội thuộc cơ cấu trung ương là 198, số đại biểu thuộc cơ cấu địa phương là 302, tổng số đại biểu Quốc hội là 500 người. Thành phần ngoài Đảng của Quốc hội khóa 14 theo dự kiến là 35 người.

Theo Tuổi Trẻ Online, tại Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất bầu cử Quốc hội Khóa 14 của Ủy ban mặt trận Tổ Quốc Trung ương tổ chức tại Hà Nội ngày 16/2/2016, ông Lù Văn Que cho rằng dự kiến đại biểu Quốc hội khóa tới chỉ có 35 người ngoài Đảng là quá ít. Theo lời ông, Quốc hội đâu phải hội nghị đảng viên mở rộng, trong khi có nhiều người ưu tú không phải đảng viên. Ông Lù Văn Que đề nghị tăng lên 100 người và hoàn toàn có thể chọn người đủ tiêu chuẩn. Cơ cấu trong đảng-ngoài đảng phải hợp lý vì Đảng chỉ có 4,5 triệu đảng viên thôi.

Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đề cập gì tới vấn đề tự ứng cử. Tại Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất về bầu cử Quốc hội khóa 14, ông Trần Hoàng Thám nêu ý kiến nên khuyến khích những người tự ứng cử, và điều này phải được thể hiện trong cơ cấu theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chưa thấy cơ cấu cho người tự ứng cử. Ông Thám nhấn mạnh, nếu định ra cơ cấu người tự ứng cử thì sẽ tạo không khí dân chủ, phấn khởi trong nhân dân.

Về nguyên tắc các kiến nghị từ Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất sẽ được Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc báo cáo lên Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử Quốc gia xem xét điều chỉnh. Theo Tuổi Trẻ Online, dựa vào cơ cấu điều chỉnh lần cuối, Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai sẽ quyết định nhân sự cụ thể.

Những ý kiến từ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Trung ương được xem là khá mới mẻ liên quan tới vấn đề cơ cấu thành phần ứng cử viên tự do và người ngoài đảng, đặc biệt với nhận thức công khai Quốc hội đâu phải Hội nghị Đảng viên mở rộng.

Tiến trình tổ chức bầu cử Quốc hội từ nay tới ngày 22/5/2016 không xa, thời gian sắp tới sẽ có lời giải đáp cho điều mà TS Lê Đăng Doanh gọi là phép thử để biết là những quyền trong Hiến pháp được thực hiện như thế nào và có thay đổi gì. - RFA

Saturday, February 27, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 27/2

Tin Thế Giới

1.
Phe cải cách giành phần thắng trong cuộc bầu cử quốc hội Iran

Kết quả sơ khởi của cuộc bầu cử quốc hội Iran ngày hôm nay cho thấy quốc gia Hồi giáo này có phần chắc sẽ bước vào một thời đại mới, trong đó các chính khách có chủ trương cải cách và những thành phần bảo thủ ôn hoà sẽ tạo ra một môi trường thuận lợi cho nghị trình làm việc của Tổng thống Hassan Rouhani.

Đây là cuộc bầu cử quốc hội đầu tiên của Iran kể từ khi thoả thuận giữa nước này và các cường quốc thế giới về vấn đề hạt nhân bắt đầu có hiệu lực.

Cử tri hôm nay cũng chọn các thành viên của Hội đồng Chuyên gia, là cơ quan giám sát công việc của lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei.

Hội đồng này có quyền chỉ định người giữ chức lãnh tụ tối cao của Iran. - VOA
|
|

2.
Cuộc ngưng bắn Syria phần lớn được tôn trọng

Cuộc ngưng bắn bắt đầu hôm nay ở Syria phần lớn là được tôn trọng, nhưng cũng có một vài vụ bạo động.

Truyền thông nhà nước cho biết mộ vụ nổ bom xe hơi ở ngoại ô thành phố Salamiyeh trong tỉnh Hama ở miền trung giết chết hai binh sĩ chính phủ. Chưa ai nhận trách nhiệm đối với vụ tấn công này.

Tại những nơi khác, nhưng vụ đụng độ giữa lực lượng chính phủ và các nhóm nổi dậy được báo cáo ở tỉnh Latakia gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Cuộc ngưng bắn do Mỹ và Nga làm trung gian bắt đầu có hiệu lực từ khuya thứ 6 giờ Damascus. Liên minh của phe đối lập Syria, Thượng Hội đồng Thương thuyết, cho biết 97 nhóm đã hứa tham gia cuộc ngưng bắn.

Thoả thuận hưu chiến này không áp dụng cho các nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo và Mặt trận al-Nusra có liên hệ với al-Qaida.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, trong bài diễn văn hàng tuần phát thanh hôm nay, nói rằng những phần đất do Nhà nước Hồi giáo kiểm soát đã bị co cụm. Ông nói rằng số chiến binh của Nhà nước Hồi giáo trên chiến trường đang sút giảm và nhóm thánh chiến này mỗi ngày một khó “tuyển mộ và điền khuyết những người trong hàng ngũ.”

Ông Obama cho biết Hoa Kỳ đang làm việc chung với “những đối tác trên khắp thế giới” để phản bác những ý tưởng mà Nhà nước Hồi giáo dùng để “cực đoan hoá, tuyển mộ và khích động bạo động.”

Chưa đầy một giờ đồng hồ trước khi cuộc ngưng bắn tạm thời bắt đầu có hiệu lực, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã đồng thanh tán đồng thoả thuận này tại New York.

Cũng tại cuộc họp đó, Đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Syria, ông Staffan de Mistura loan báo rằng trong trường hợp cuộc hưu chiến được tôn trọng và những hoạt động cứu trợ tiếp tục không gặp trở ngại, ông sẽ triệu tập lại cuộc hoà đàm trong nội bộ Syria tại Geneve vào ngày 7 tháng 3.

Thoả thuận ngưng các hoạt động thù địch sẽ áp dụng trên khắp Syria, ngoại trừ những khu vực hoạt động của nhóm Nhà nước Hồi giáo và Mặt trận al-Nusra và những nhóm bị Hội đồng Bảo an liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố.

Nga và Mỹ, hai nước đồng chủ tịch của Nhóm Quốc tế Hỗ trợ Syria, chịu trách nhiệm giải quyết những vụ vi phạm hưu chiến, chứ không phải Liên Hiệp Quốc.

Tổng thống Obama tuyên bố Hoa Kỳ sẽ làm tất cả những gì có thể để làm cho cuộc ngưng bắn được tôn trọng.

Hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Mark Toner nói Washington đã nhận được sự bảo đảm của Nga là họ sẽ không oanh kích phe chống đối có chủ trương ôn hoà ở Syria sau khi cuộc ngưng bắn có hiệu lực.

Cũng trong ngày hôm qua, máy bay Nga tiếp tục dội bom vào những mục tiêu mà Điện nói là của “những nhóm khủng bố.” Tổng thống Nga Vladimir Putin cho báo chí biết rằng Nga dự trù tiếp tục chiến dịch không kích chống lại Nhà nước Hồi giáo và Mặt trận al-Nusra.

Một số nước thành viên của Hội đồng Bảo an đã bày tỏ quan tâm về sự gia tăng của những vụ oanh kích. - VOA
|
|

3.
Dân số Nhật giảm 'một triệu' người

Số liệu điều tra dân số mới ở Nhật Bản cho thấy dân số nước này đã giảm gần một triệu người trong năm năm qua, là đợt giảm đầu tiên kể từ năm 1920.

Tính đến tháng 10/205, quốc gia này có 127,1 triệu người, ít hơn 0.7% so với lần khảo sát dân số trước.

Các nhà nghiên cứu dân số từ lâu đã tiên đoán lượng sụt giảm này, và chỉ ra nguyên nhân là tỷ lệ sinh giảm cùng với thiếu người nhập cư.

Dân số già đi nhanh chóng góp phần khiến nền kinh tế trì trệ và gây lo ngại chi phí y tế ngày càng tăng.

Nhật Bản nay có 947.000 người ít hơn so với số liệu đo vào năm 2010, theo dữ liệu từ Bộ Nội vụ và Thông tin nước này.

Chỉ có tám khu vực, trong đó có thủ đô Tokyo, có lượng dân số tăng lên, kênh truyền hình nhà nước NHK đưa tin.

39 vùng còn lại đều sụt giảm dân số, trong đó Fukushima có số lượng giảm lớn nhất, lên tới 115.000 người.

Fukushima là khu vực đặt nhà máy điện hạt nhân bị rò rỉ sau đợt động đất và sóng thần năm 2015.

Tốc độ tăng dân số Nhật chậm lại trong vài thập kỷ trở lại đây, và đến lần điều tra dân số năm 2010, tốc độ tăng trưởng đã hoàn toàn ngừng lại.

Theo dự đoán của chính phủ, đến năm 2060 khoảng 40% công dân nước này sẽ chạm độ tuổi 65 hoặc hơn và dân số chung sẽ chỉ còn 2/3 số hiện có.

Thủ tướng Shinzo Abe đặt mục tiêu tăng tỷ lệ sinh từ 1.4 trẻ lên 1.8 trẻ trên mỗi phụ nữ, và cải thiện hệ thống chăm sóc trẻ em cùng chính sách ưu đãi thuế.

Các nền kinh tế phát triển thường cần tỷ lệ sinh ít nhất là 2.1 trẻ để có được dân số ổn định. - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Ông Trump được đối thủ cũ ủng hộ --- South Carolina hôm nay chọn ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ

Ông Donald Trump, ứng cử viên tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa, đã giành được sự ủng hộ của một trong những đối thủ chính thức của ông, Thống đốc bang New Jersey Chris Christie. Ông Christie nói ông Trump có cơ hội tốt nhất để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11.

Lời phát biểu của ông Christie hôm thứ Sáu khiến ông trở thành nhân vật quan trọng đầu tiên của đảng ủng hộ cho vị tỷ phú kiêm trùm bất động sản.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Texas trước cuộc vận động của ông Trump hôm thứ Sáu, ông Christie nói ông Trump có cơ hội tốt nhất có thể đánh bại ứng cử viên tổng thống hàng đầu của đảng Dân chủ, cựu ngoại trưởng Hillary Clinton, trong cuộc bầu cử tổng thống.

Ông nói "Không ai có sự chuẩn bị tốt hơn để mang lại cho nước Mỹ sự lãnh đạo mạnh mẽ mà đất nước cần cả trong nước lẫn trên thế giới" so với ông Trump.

Sự ủng hộ này có thể là một cú hích lớn cho ông Trump trước sự kiện trong tuần tới được gọi là ngày Siêu thứ Ba, khi đó 12 bang tổ chức bầu cử sơ bộ hoặc họp bầu.

Lời ủng hộ được đưa ra một ngày sau khi một cuộc tranh luận của đảng Cộng hòa đã biến thành một cuộc đấu khẩu to tiếng khi các ứng cử viên tranh luận về các vấn đề như nhập cư bất hợp pháp, chính sách của Mỹ ở Trung Đông và sự minh bạch trong hồ sơ thuế của ứng viên.

Trong cuộc tranh luận, ông Trump nhắc lại tuyên bố rằng ông sẽ buộc Mexico phải trả tiền cho bức tường mà ông đã đề xuất xây lên ở biên giới phía nam nước Mỹ để ngăn chặn tình trạng nhập cư bất hợp pháp, và vì có những chống đối từ các quan chức Mexico về vấn đề này nên ông Trump nói: "Bức tường lại cao thêm 3 mét".

Các đối thủ bám sát ông nhất, Thượng nghị sĩ bang Florida Marco Rubio và Thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz, cáo buộc ông Trump sử dụng lao động nhập cư bất hợp pháp ở một số dự án xây dựng đình đám của ông. Cả hai đều nói ông Trump đã buộc phải trả tiền phạt 1 triệu đôla vì đã thuê người nhập cư bất hợp pháp.

Cả hai ông Rubio và Cruz đều tuyên bố sẵn sàng công khai hồ sơ thuế của họ và chỉ trích ông Trump vì đã lưỡng lự về vấn đề này. Ông Trump nói ông sẽ công bố hồ sơ thuế của ông - một việc thông thường của các ứng cử viên tổng thống Mỹ - chỉ sau khi có "kiểm toán thường kỳ", theo lời ông.

Ông Trump, người có những tuyên bố mạnh mồm và chưa từng giữ chức vụ dân cử nào, đã giành thắng lợi trong ba cuộc bầu cử sơ bộ tại các bang New Hampshire, South Carolina và Nevada.

Một cuộc thăm dò trên mạng của Bloomberg Politics công bố hôm thứ Năm cho thấy ông Trump, vốn đã hai lần ly dị, giành 37% số phiếu ở bảy tiểu bang miền nam, nơi có một số cử tri bảo thủ nhất của Mỹ.

Cả hai ông Rubio và Cruz đã trở nên sắc sảo hơn trong những lời công kích ông Trump trong những ngày gần đây. Ông Rubio lập luận rằng khẩu hiệu tranh cử "Hãy làm nước Mỹ vĩ đại trở lại" của ông Trump là lời sáo rỗng mà không có nhiều đề xuất chính sách cụ thể.

Hai ứng cử viên khác, Thống đốc bang Ohio John Kasich và cựu bác sỹ giải phẫu thần kinh Ben Carson, vẫn tham gia cuộc đua và đã có mặt trong cuộc tranh luận hôm thứ Năm. Đó là cuộc tranh luận đầu tiên không có cựu Thống đốc bang Florida Jeb Bush, người đã bỏ cuộc sau khi chỉ đạt ví trí thứ tư đáng thất vọng vào cuối tuần trước ở Nam Carolina.

Ông Cruz, một người bảo thủ hay khuấy động chính trị ở Washington chống lại các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa và Dân chủ, hôm thứ Tư tấn công các ông Rubio và Trump, gọi họ là "những kẻ dàn xếp các phi vụ ở Washington." Ông nói ông Rubio đã từng cộng tác với đảng Dân chủ về những thay đổi trong chính sách nhập cư mà Quốc hội cuối cùng đã không thông qua, trong khi ông Trump đã từng đóng góp cho hoạt động tranh cử của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử trước đây và có những lúc ủng hộ các chính sách của họ.

Ông Cruz đang hy vọng giành chiến thắng ở Texas, bang quê nhà của ông, vào thứ Ba và có kết quả tốt ở các bang khác gần đó ở miền nam đất nước Mỹ. Tuy nhiên, các cuộc khảo sát cho thấy người theo đảng Cộng hòa ủng hộ ông Trump ở các tiểu bang đó, và tỷ lệ ủng hộ ông Trump bám sát ông Cruz ở Texas. Ông Rubio cũng phải đối mặt với cuộc sát hạch quan trọng ở bang miền đông nam là Florida, tiểu bang quê nhà của ông, vào ngày 15 tháng 3; cùng ngày đó, ông Kasich và các ứng viên khác sẽ được định đoạt qua lá phiếu ở bang Ohio, ở miền trung tây, nơi ông là thống đốc.

Ông Trump đã tiên đoán ông sẽ đối mặt với bà Clinton để thay thế Tổng thống Barack Obama, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ tám năm ở Nhà Trắng vào tháng 1.

Bà Clinton đã thắng hai trong ba cuộc bầu cử cấp bang của đảng Dân chủ trước đối thủ còn lại là Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders, một người tự mô tả mình là người xã hội dân chủ. Bà Clinton, ngoại trưởng Mỹ từ 2009-2013, có lợi thế trong cuộc bầu cử sơ bộ hôm thứ Bảy ở bang South Carolina nằm ven Đại Tây Dương, và hai ứng viên này sẽ cạnh tranh để giành phiếu ở 11 tiểu bang vào thứ Ba. - VOA

***
Cử tri ở tiểu bang South Carolina của Mỹ hôm nay sẽ quyết định ứng viên Dân chủ nào họ muốn đại diện cho đảng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11.

Hai người hy vọng được làm ứng viên tổng thống Bernie Sanders và Hillary Clinton đã thực hiện những cuộc vận động phút chót ở South Carolina tối thứ 6.

Bà Clinton, người theo dự liệu sẽ giành phần thắng trong cuộc bỏ phiếu hôm nay, đã nói tới mục tiêu đoàn kết đất nước, trong lúc ông Sanders lên tiếng đả kích ông Donald Trump của phe Cộng hoà.

Lời đả kích được tung ra vài giờ sau khi người dẫn đầu phe Cộng hoà giành được sự ủng hộ bất ngờ của Thống đốc Chris Christine của tiểu bang New Jersey, là người đã từ bỏ cuộc đua giành chức Tổng thống cách nay vài tuần.

Ông Trump đang dẫn đầu khá xa tại hầu hết các tiểu bang sẽ bỏ phiếu vào tuần sau trong cuộc bầu cử sơ bộ thường được gọi là Siêu Thứ Ba, khi các ứng viên tranh nhau khoảng phân nửa số phiếu đại biểu cần thiết để được đề cử. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Hàng ngàn công nhân Pouchen VN đình công

Cuộc đình công của hàng ngàn công nhân công ty Pouchen Việt Nam, tỉnh Đồng Nai bước sang ngày thứ ba trong lúc một nhà hoạt động phong trào nghiệp đoàn cáo buộc người của họ bị công an câu lưu.

Công ty Pouchen Việt Nam, đóng tại xã Hóa An, TP. Biên Hòa, Đồng Nai, là doanh nghiệp 100% vốn Đài Loan, chuyên gia công giày.

Báo trong nước tường thuật sáng 27/2, quốc lộ 1K tại Đồng Nai bị kẹt cứng do hàng ngàn công nhân công ty Pouchen Việt Nam đình công tràn ra đường.

“Công nhân đình công nhằm phản đối chính sách đánh giá hiệu quả công việc, từ đó xếp loại lao động A-B-C để tính ra mức lương, thưởng mà theo công nhân là quá khắt khe.

Cách thức trừ của công ty theo những người đình công là chưa hợp lý. Công nhân cho hay họ nghỉ không phép hay có phép đều bị trừ, phép bệnh cũng không thoát khỏi bị tính.

Theo chính sách mới này, công nhân chỉ cần nghỉ một ngày không phép là bị xếp loại C, cuối tháng hay cuối năm đều bị cắt hết các khoản trợ cấp và tiền thưởng. Vì thế, từ trưa 25/2, khoảng 16.000 công nhân đã ngừng làm việc tập thể”, báo Thanh Niên hôm 27/2 tường thuật.

Cùng ngày, trao đổi với BBC qua điện thoại từ TP. Hồ Chí Minh, nhà hoạt động công đoàn Đỗ Thị Minh Hạnh cho hay, một thành viên của Phong trào Lao Động Việt đã bị công an mặc thường phục câu lưu tại Đồng Nai.

“Từ cuối năm 2015 đến nay, bản thân tôi thì bị canh giữ tại nhà ở TP. Hồ Chí Minh, trong lúc đồng sự của tôi bị ngăn cản khi tiếp xúc với công nhân tại Đồng Nai. Phía công an còn hăm dọa người của phong trào là “gặp đâu đánh đó”, bà nói.

Nhà hoạt động dự báo: “Cuộc đình công của công nhân công ty Pouchen có khả năng kéo dài, do họ bức xúc về tiền trả cho họ bị chèn ép. Cuộc đình công này cho thấy công nhân chưa có quyền thành lập nghiệp đoàn độc lập để bảo vệ quyền lợi của họ, ngoài những nghiệp đoàn giả hiệu do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam công bố”. - BBC
|
|

6.
Thêm thông tin vụ du khách Anh tử nạn

Ba du khách người Anh thiệt mạng do tai nạn ở Đà Lạt đã được nêu tên, với người trẻ nhất mới 19 tuổi, theo truyền thông Việt Nam.

Ông Phùng Tất Thành, Đại tá và là Chánh văn phòng Công an tỉnh Lâm Đồng nêu danh tính các nạn nhân là Squire Isobel Mackensie, 19 tuổi, Aderson Beth Gisele và Chiristian Sloan cùng ở độ tuổi 25, Vietnamnet đưa tin.

Sau khi tai nạn xảy ra ở khu vực thác Dantala, Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Lâm Đồng đã họp khẩn cấp hôm 27/02 cùng khoảng 15 công ty du lịch mạo hiểm trong khu vực với mục đích cảnh báo, yêu cầu các đơn vị kinh du lịch kiểm tra lại các thiết bị, điều kiện an toàn cho du khách ở mảng du lịch thể mạo hiểm, dã ngoại.

Hiện công an tỉnh Lâm Đồng vẫn đang điều tra nguyên nhân dẫn tới tai nạn.

"Công an mới hoàn thành công tác khám nghiệm pháp y bên ngoài thi thể. Vấn đề phẫu thuật tử thi chưa thể tiến hành do chưa có sự đồng ý của thân nhân các nạn nhân và ý kiến của lãnh sự quán. Nguyên nhân tử vong chưa thể kết luận được,” theo Vietnamnet dẫn lời Đại tá Phùng Tất Thành.

Hướng dẫn viên du lịch đi cùng ba người Anh là Đặng Văn Sỹ, thuộc công ty dịch vụ du lịch Đam Mê Đà Lạt. Ông Sỹ và giám đốc công ty đã được bảo lãnh về nhà, theo báo Tuổi Trẻ.

Bài báo viết: "Theo lời khai ban đầu của hướng dẫn viên Sỹ tại cơ quan điều tra, ba du khách người Anh đã thỏa thuận với Sỹ đi “chui” trong rừng để chơi tại địa điểm thác gặp tai nạn, không mua vé từ khu du lịch thác Datanla."

Tuy nhiên, trong trả lời BBC Tiếng Việt vào tối ngày 26/2, ông Nguyễn Văn Yên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết ba du khách người Anh đã mua vé vào cổng ở Datanla.

“Sau khi tham quan xong, họ đi ra, và lại chở nhau một đoạn nữa, băng qua rừng vào khu du lịch mạo hiểm.”

'Sống hết mình'

Ở khu vực thác Datanla có các hoạt động du lịch mạo hiểm như đu dây qua các vách núi hay trải nghiệm trượt thác, chèo thuyền qua ghềnh thác.

Cuộc tìm kiếm thi thể kéo dài từ 1h chiều đến khoảng 4h30 chiều.

Ông Yên cho biết khi phát hiện thi thể ba du khách, nhà chức trách thấy họ có đội mũ bảo hiểm, áo phao nhưng không đeo dây an toàn.

Truyền thông Anh cũng đồng loạt đưa tin về vụ việc, báo The Guardian viết, Christian Sloan, sống ở tỉnh Kent, đã gặp hai nữ du khách trong lúc đi du lịch.

Gia đình của Christian Sloan được dẫn lời nói: "Cái chết của Christian là mất mát rất đáng buồn đối với chúng tôi. Cậu ấy là chàng trai trẻ được nhiều người yêu mến, từng làm việc cho Royal Navy (Hải quân Hoàng gia), người có rất, rất nhiều bạn bè không chỉ ở quê hương mà còn trên khắp thế giới. Cậu ấy đã sống hết mình."

Trong phỏng vấn hôm 26/02 giữa đài phát thanh LBC với Ian Stuart, người viết sách hướng dẫn du lịch về Việt Nam cho Lonely Planet, nhận xét rằng Việt Nam là điểm du lịch an toàn do có sự kiểm soát rất chặt chẽ của lực lượng an ninh, và khuyên những du khách muốn du lịch mạo hiểm nên tìm đến những công ty có danh tiếng, kiểm tra thiết bị an toàn.

Ông Ian Stuart cũng nói thêm, mối nguy hiểm lớn nhất với du khách khi tới Việt Nam chính là giao thông. - BBC

Friday, February 26, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 26/2

Tin Thế Giới

1.
Trung Quốc, Mỹ, Philippines khẩu chiến căng thẳng về Biển Đông --- Biển Đông: Trung Quốc đang tự cô lập mình

Trung Quốc tố cáo Philippines có hành động ‘khiêu khích chính trị’ trong vụ kiện bản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc lên tòa trọng tài quốc tế.

Ngoại trưởng Vương Nghị ngày 25/2 nói quyết định của Manila đệ đơn lên tòa án ở La Haye là ‘vô trách nhiệm đối với người dân Philippines và tương lai của đất nước Philippines’.

Bắc Kinh không chịu tham gia tiến trình vụ kiện. Dự kiến sẽ có phán quyết của tòa trong năm nay sau khi tòa thông báo hồi tháng 10 năm ngoái rằng có thẩm quyền xử lý vụ kiện.

Ông Vương cũng chỉ trích rằng Manila đã đóng sập cánh cửa thương lượng khi đâm đơn kiện mà không có sự ưng thuận của Trung Quốc.

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cáo buộc Tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương bôi nhọ Bắc Kinh trong lúc tìm cách xin thêm ngân quỹ từ Quốc hội sau khi Đô đốc Harry Harris, tại buổi điều trần trước Quốc hội hôm 23/2, quả quyết rằng Bắc Kinh đang quân sự hóa Biển Đông và mưu tìm bá quyền ở Đông Á.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm nói: ‘Chúng tôi không can thiệp vào việc quý vị xin ngân quỹ quốc phòng, nhưng quý vị không thể bôi nhọ Trung Quốc một cách thiếu cẩn trọng như thế trong lúc xin thêm tài chính’.

Mỹ tố cáo Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông trong khi Bắc Kinh nói Washington cùng các đồng minh, bao gồm Philippines, đang làm leo thang căng thẳng khu vực. - VOA

***
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tuyên bố bằng các hành động đơn phương ở Biển Đông, Trung Quốc đang tự cô lập mình, làm cho các nước láng giềng quay sang chống lại Bắc Kinh.

Phát biểu trước Ủy ban đặc trách chi tiêu của Hạ viện hôm 25/2, Bộ trưởng Ash Carter nhấn mạnh việc Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo và đưa thiết bị quân sự ra các hòn đảo có tranh chấp ở Biển Đông khiến các đồng minh cũ của Mỹ như Nhật Bản và Philippines, cùng các đồng minh mới như Việt Nam và Ấn Độ, gia tăng hợp tác với Hoa Kỳ.

Ông Carter nói sự việc này gây chú ý công luận không phải vì Hoa Kỳ có động thái gì mới mẻ vì Mỹ lâu nay vẫn cho tàu qua lại trong vùng Biển Đông và sẽ tiếp tục như thế ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.

Trung Quốc nhận chủ quyền hầu hết Biển Đông và các tuyên bố lãnh thổ đó chồng lấn với Việt Nam, Đài Loan, Philippines, Malaysia và Brunei. Trong những năm gần đây, Trung Quốc bắt tay vào một dự án đầy tham vọng, xây các hòn đảo nhân tạo có khả năng hỗ trợ đường băng và chứa các thiết bị quân sự.

Hôm 25/2 tại Ngũ Giác Đài, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương cho báo giới biết Trung Quốc đã bồi đắp gần 3.000 mẫu Anh các căn cứ quân sự trên Biển Đông.

Tuần trước, công ty ảnh vệ tinh ImageSat International (ISI) công bố hình ảnh cho thấy các tên lửa địa đối không của Trung Quốc được triển khai trên đảo Phú Lâm, thuộc Hoàng Sa, mà Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền. Một quan chức Mỹ xác nhận tin này với đài VOA và cho biết Ngũ Giác Đài rất quan ngại.

Đô đốc Harris cho rằng Trung Quốc đang quân sự hóa Biển Đông và đang thay đổi cảnh quan vận hành quân sự.

Tư lệnh Thái Bình Dương Harry Harris cũng khẳng định rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thực thi quyền tự do hàng hải, bay qua hoặc tuần tra qua các khu vực mà Trung Quốc nhận chủ quyền nhưng luật quốc tế cho phép các nước được tự do qua lại.

Đô đốc Harris nói Mỹ cần thực hiện các hoạt động này một cách thường xuyên.

Tuyên bố được đưa ra sau khi Hoa Kỳ mới đây đã 2 lần cho tàu đi vào phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp ở Biển Đông để thách thức tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh tại đây.

Theo Đô đốc Harris, chỉ mới hai cuộc tuần tra như thế thì hãy còn quá sớm để biết được việc này tác động đến hành xử của Trung Quốc như thế nào.

Bắc Kinh tố cáo các cuộc tuần tra và bay ngang qua khu vực do Mỹ thực hiện là hành động mang tính ‘khiêu khích’. - VOA
|
|

2.
Chế tài đối với Bắc Triều Tiên có thể đưa TQ trở lại nắm quyền kiểm soát

Trung Quốc có thể tái khẳng định quyền lực và ảnh hưởng đối với Bắc Triều Tiên qua việc ủng hộ các biện pháp chế tài quốc tế gay gắt hơn dự kiến nhắm vào chính phủ của ông Kim Jong Un. Sau vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư của Bắc Triều Tiên hồi tháng Một và vụ phóng rocket trong tháng Hai, đã có nhiều quan niệm cho rằng Bình Nhưỡng buộc Bắc Kinh phải liên kết với đồng minh chiến lược và lệ thuộc về kinh tế nếu không muốn chấp nhận nguy cơ bất ổn trầm trọng, chiến tranh hay tệ hơn nữa là để cho Hoa Kỳ chế ngự bán đảo Triều Tiên.

Nhiều người Trung Quốc coi sự kiện Bình Nhưỡng coi thường việc Bắc Kinh nhiều lần kêu gọi tự chế và đối thoại là làm mất mặt. Và chính phủ của ông Tập Cận Bình đã bị chỉ trích là ngày càng bất lực và không có khả năng áp đặt ảnh hưởng nào lên đồng minh của mình.

Qua việc ủng hộ bản dự thảo nghị quyết đệ trình lên Hội đồng Bảo an hôm 25/2, Bắc Kinh đã quyết định chọn đứng về phía Washington và các đồng minh Mỹ để áp đặt các biện pháp chế tài mới gắt gao đối với Bình Nhưỡng.

Ông Bong Young-Shik, một chuyên gia phân tích an ninh quốc gia thuộc Viên Nghiên cứu Chính sách Asan ở Seoul, nêu nhận định: “Đó không phải là tin hay cho Bắc Triều Tiên đang tìm cách chia rẽ Trung Quốc với Hoa Kỳ và Trung Quốc với Nam Triều Tiên”.

Việc này cũng có thể đặt Bắc Kinh vào một thế mạnh hơn khi giao dịch với Bình Nhưỡng.

Ông Hồ Tô Cần, một giáo sư môn quan hệ quốc tế tại trường Đại học Donghua ở Thượng Hải, nói: “Trung Quốc đã tỏ ra kiên nhẫn, nhưng mức độ kiên nhẫn của họ đã đi đến giới hạn”.

Vẫn còn phải chờ xem Trung Quốc sẽ đi xa đến mức nào trong việc thực thi và áp dụng các biện pháp chế tài.

Trong một bài xã luận, báo Global Times của nhà nước Trung Quốc nói Bắc Triều Tiên “đáng bị trừng phạt” bằng các biện pháp chế tài mới, nhưng Trung Quốc cũng phải “làm nhẹ bớt những biện pháp chế tài gay gắt của Washington ở một mức độ nào đó”.

Nghị quyết mới của LHQ về Bắc Triều Tiên

Nghị quyết mới của LHQ tìm cách cắt đứt việc mua bán và tài trợ cho quân đội và chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên, và nhắm mục tiêu vào giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên trực tiếp can dự và những hành động bất hợp pháp này.

Nghị quyết có nhiều phần chắc sẽ không gặp phải sự chống đối nào đáng kể tại hội đồng bởi lẽ đồng minh thân thiết nhất của Bình Nhưỡng là Trung Quốc đã đồng ý về ngôn từ.

Đã có tin đồn là Bắc Kinh ủng hộ các biện pháp chế tài của LHQ có thể là để trao đổi với việc Washington đồng ý ngưng việc bố trí gây nhiều tranh cãi hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD ở Nam Triều Tiên.

Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên trước đó đã đồng ý bắt đầu đàm phán về việc bố trí hệ thống THAAD ở Nam Triều Tiên để chống lại mối đe dọa ngày càng tăng về khả năng vũ khí của Bắc Triều Tiên sau khi nước này phóng một vệ tinh tầm xa hôm 7 tháng 2.

Tuy nhiên, trong khi họp với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuần này, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry nói Hoa Kỳ “không khao khát hay nóng lòng hoặc trông đợi một cơ hội để có thể bố trí hệ thống THAAD”.

Ông Vương đã phản đối việc bố trí THAAD ở Triều Tiên và nói khả năng radar tăng cường của dàn radar có thể được sử dụng để chống lại lực lượng quân sự của Trung Quốc trong khu vực. Đại sứ Trung Quốc ở Nam Triều Tiên Khâu Quốc Hồng cũng nói trong tuần này rằng Trung Quốc có thể cắt đứt quan hệ với Nam Triều Tiên vì vấn đề THAAD.

Các giới chức Nam Triều Tiên chỉ trích mọi mưu toan của Trung Quốc áp đặt ảnh hưởng đối với những quan ngại của Nam Triều Tiên về an ninh quốc gia.

Hôm 25/2, Đô đốc Harry Harris, tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, tái khẳng định rằng một quyết định về THAAD sẽ do Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ đưa ra, và nếu Trung Quốc muốn ngăn chặn việc bố trí hệ thống đó, thì họ “nên áp đặt ảnh hưởng đó đối với Bắc Triều Tiên”. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Các ứng viên Cộng Hòa chỉ trích nhau gay gắt trong cuộc tranh luận mới nhất --- Trung Quốc cảnh cáo Mỹ sau khi ông Trump thắng ở Nevada

Cuộc tranh luận mới nhất tối thứ Năm giữa các ứng viên của đảng Cộng Hòa để được đề cử ra tranh chức tổng thống đã biến thành một cuộc đấu khẩu vào lúc các ứng viên đề cập đến những vấn đề như di trú bất hợp pháp, chính sách của Hoa Kỳ về Trung Đông và sự minh bạch trong hồ sơ thuế của các ứng viên. 

Khi cuộc chất vấn bắt đầu, các đối thủ về sát nhất sau ứng viên dẫn đầu Donald Trump có cùng một nghị trình, đã tấn công tính khả tín của doanh gia tỷ phú này.

Thượng nghị sĩ Marco Rubio nói:

“Ông là người duy nhất trên sân khẩu này đã từng bị phạt vì mướn người một cách bất hợp pháp để làm việc cho các dự án của ông. Ông đã mướn một số công nhân từ Ba Lan”.

Ông Donald Trump đáp lại:

“Không phải thế. Tôi là người duy nhất đã mướn người, ông chưa mướn ai cả”.

Thượng nghị sĩ Ted Cruz nói:

“Ông ấy hứa nếu đắc cử ông ấy sẽ tiến hành các thỏa thuận ở Washington và ông ấy có lý”.

Ông Trum đã cắt ngang ông Cruz và thêm là đó là những thỏa thuận tốt.

Ông Cruz nói tiếp:

“Ông ấy đã ủng hộ và đưa hàng trăm ngàn đôla cho các đảng viên Dân Chủ. Bất cứ ai thực sự quan tâm đến vấn đề di trú bất hợp pháp sẽ không thuê mướn di dân bất hợp pháp”.

Được vũ trang bằng sự ủng hộ của hai thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa trước khi diễn ra các cuộc bầu sơ bộ ở 12 bang, ông Trump không lùi bước trước sự tấn công của ông Cruz:

“Tôi hòa thuận với tất cả mọi người. Ông thì không thuận với ai cả. Ông không có một người nào trong đảng Cộng Hòa, không có một thượng nghị sĩ Cộng Hòa nào và ông không hợp tác với họ hàng ngày trong cuộc đời của ông, mặc dầu ông bỏ qua rất nhiều dịp, đây là những chi tiết nhỏ nhặt. Nhưng ông không có một thượng nghị sĩ Cộng Hòa nào ủng hộ ông. Không một người nào. Ông không được sự ủng hộ của một thượng nghị sĩ Cộng Hòa và ông làm việc với những người này thì ông nên lấy làm xấu hổ”.

Trên mặt trận quốc tế, ông Trump nói ông sẽ không ủng hộ một thỏa thuận ngưng bắn sắp diễn ra ở Syria.

Hai ứng viên khác là Thống đốc John Kasich của bang Ohio và cựu phẫu thuật gia thần kinh Ben Carson vẫn tham gia cuộc chạy đua, nhưng thông điệp của họ dường như bị lu mờ trước cuộc đấu khẩu giữa 3 ứng viên dẫn đầu.

Các quan sat viên tin rằng các cuộc bầu sơ bộ vào thứ Ba tuần tới có thể định hình lại đội hình ứng viên trong đảng Cộng Hòa, dựa vào kết quả.

Về phía đảng Dân Chủ, bà Hillary Clinton dẫn trước Thượng nghị sĩ Bernie Sanders khi bước vào cuộc bầu sơ bộ ở bang South Carolina, trước khi các đảng viên Dân Chủ ở 11 bang đi bỏ phiếu trong các cuộc bầu sơ bộ ngày thứ Ba tuần tới. - VOA

***
Trung Quốc hôm thứ Tư cảnh cáo Mỹ không nên thông qua những chính sách tiền tệ mang tính trừng phạt vì điều đó có thể phá vỡ mối quan hệ Mỹ-Trung, sau khi ứng cử viên tổng thống Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ ở Nevada.

Trong cuộc họp báo thường kỳ hôm thứ Tư, trả lời câu hỏi liệu Trung Quốc có lo ngại là ông Trump, người đang ngày càng tiến gần hơn đến việc trở thành ửng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa, có thể thực sự hành động theo lời nói là tăng thuế đối với các mặt hàng Trung Quốc để trừng phạt việc nước này thao túng tiền tệ một khi ông đắc cử tổng thống hay không, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói: “Chúng tôi theo dõi sát cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Vì đó là vấn đề quốc nội của Mỹ, nên tôi không bàn luận về những phát biểu cụ thể của ứng cử viên liên quan”.

Bà Oánh nói thêm: “Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ, là các quốc gia đang phát triển và phát triển lớn nhất thế giới, gánh vác trách nhiệm chính trong việc bảo vệ hòa bình, ổn định, an ninh thế giới và thúc đẩy phát triển trên thế giới. Chúng tôi hy vọng và tin rằng chính phủ Hoa Kỳ sẽ theo đuổi một chính sách tích cực đối với Trung Quốc một cách có trách nhiệm”.

Tỷ phú địa ốc Donald Trump đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ ở Nevada với 45% số phiếu, mang lại nhiều cơ hội hơn cho ông Trump có được sự đề cử của đảng Cộng Hòa.

Tháng trước, ông Trump cam kết sẽ áp thuế 45% lên các mặt hàng Trung Quốc để bù vào sự phá giá của đồng Nguyên.

“Họ đang phá giá tiền tệ và họ đang giết chết các công ty của chúng ta”, ông Trump nói. “Chúng ta đang để cho họ sổng mất với chuyện đó, chúng ta không thể để cho họ chạy thoát được”.

Tờ The Washington Free Beacon cho rằng chính quyền của Tổng thống Obama đã thực hiện chính sách thỏa hiệp với Trung Quốc trong nhiều vấn đề về thương mại và tiền tệ. Ông Trump, ngược lại, đã vạch ra một đường lối cứng rắn với Trung Quốc trong chiến dịch vận động của mình.

“Sự hiện diện quân sự mạnh mẽ sẽ là một tín hiệu rõ ràng cho Trung Quốc và các quốc gia ở châu Á và trên thế giới thấy rằng Mỹ đang quay trở lại trong việc lãnh đạo toàn cầu”, tỷ phú Trump khẳng định trên trang web của mình.

Trả lời trước báo giới trong chuyến thăm Washington hôm 23/2, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói tranh chấp Biển Đông ‘không phải và không nên trở thành một vấn đề giữa Trung Quốc và Mỹ’. Ông Vương Nghị cũng khẳng định tình hình ở Biển Đông là ‘ổn định’ so với các khu vực khác trên thế giới.

Giáo sư - Tiến sĩ Zhiqun Zhu, Trưởng khoa Trung Quốc của trường đại học Bucknell ở Mỹ, nhận xét với VOA rằng xung đột lợi ích giữa Mỹ và Trung Quốc là ‘không thể hòa giải’ trừ phi Mỹ sẵn sàng chia sẻ quyền lực với Trung Quốc ở châu Á và Trung Quốc không thách thức trật tự hiện tại.

Một số nguồn tin từ châu Á cho biết truyền thông nhà nước Trung Quốc đã được lệnh phải giảm thiểu đưa thông tin về cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ.

Nhật báo Oriental bản tiếng Trung của Hồng Kông hôm 5/2 nói Ban Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ra lệnh cho các nhà xuất bản cấm đưa tin về các chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc và chỉ tập trung đưa các tin tiêu cực, giật gân của cuộc bầu cử mà thôi. - VOA
|
|

4.
Xả súng bừa bãi tại bang Kansas của Mỹ, nhiều người chết

Một tay súng ở bang Kansas miền Trung nước Mỹ đã giết chết 3 người tại một hãng xưởng trước khi bị giết chết trong một vụ chạm súng với cảnh sát.

Nhà chức trách nói rằng người đàn ông đã khởi sự vụ xả súng hôm 25/2 bằng cách bắn súng từ xe của ông ta đang chạy suốt nhiều kilomet, trước khi tới xưởng sản xuất của công ty Công nghiệp Excel, nơi ông ta đã từng làm việc. Tại đây, ông ta tiếp tục nổ súng bừa bãi vào những người có mặt trong bãi đậu xe.

Tay súng sau đó tiến vào công xưởng chế tạo máy cắt cỏ ở thị trấn Hesston nhỏ bé, giết chết 3 người. Có ít nhất 14 người bị thương tại nhiều địa điểm khác nhau.

Cảnh sát trưởng quận ông Walton nói rằng con số các nạn nhân có thể gia tăng.

Truyền thông địa phương xác định kẻ bắn súng là Cedric Ford, một nhân viên của công xưởng đã đăng trên trang Facebook của ông ta một bức ảnh của ông ôm một khẩu súng trường.

Cảnh sát trưởng quận nói chính quyền cấp quận và liên bang đã được yêu cầu giúp điều tra vụ này. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

5.
Ba du khách Anh tử nạn tại Lâm Đồng

Ba du khách Anh tử nạn khi tham gia chương trình leo thác mạo hiểm tại Lâm Đồng vào buổi trưa hôm thứ Sáu, và hướng dẫn viên chịu trách nhiệm đưa khách đi hiện đang bị cảnh sát thẩm vấn, truyền thông nhà nước nói.

Trả lời BBC tối ngày 26/2, ông Nguyễn Văn Yên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết ba du khách người Anh đã mua vé vào cổng ở Datanla.

“Sau khi tham quan xong, họ đi ra, và lại chở nhau một đoạn nữa, băng qua rừng vào khu du lịch mạo hiểm.”

Ở khu vực thác Datanla có các hoạt động du lịch mạo hiểm như đu dây qua các vách núi hay trải nghiệm trượt thác, chèo thuyền qua các ghềnh thác.

Cuộc tìm kiếm thi thể kéo dài từ 1h chiều đến khoảng 4h30 chiều.

Ông Yên cho biết khi phát hiện thi thể ba du khách, nhà chức trách thấy họ có đội mũ bảo hiểm, áo phao nhưng không đeo dây an toàn.

Giả thiết ban đầu là khi những người này lội qua một con suối, chảy xuống thành thác, một người đã trượt chân kéo theo hai người kia rơi xuống.

Về thông tin có người hướng dẫn du lịch “không giấy phép” đi cùng, ông Yên nói công an vẫn đang điều tra.

Ông cho biết người này đã được thẩm vấn trong ngày, nhưng không bị tạm giữ và có thể sẽ được triệu tập lần nữa.

Chính quyền địa phương đã thông báo cho lãnh sự quán Anh tại TP. HCM.

Dự kiến tối 26/2, thi thể ba người sẽ được chuyển về TP. HCM, đưa vào phòng lạnh trung tâm pháp y TP. HCM.

Ông Yên cho biết nhà chức trách đã kiểm soát các tài sản của ba du khách “chặt chẽ để bàn giao sau đó”.

Trang tin Tiền Phong nói tới 16.30 chiều, thi thể nạn nhân thứ ba đã được vớt lên.

Ba nạn nhân người Anh gồm hai nữ và một nam, trong đó hai khách nữ nhập cảnh vào Việt Nam hôm 4/2. Thông tin về khách nam chưa được xác định.

Hồi 2013, khoa học gia người Anh Jamie Taggart đã bị mất tích ở vùng rừng núi Sa Pa, đến nay vẫn chưa được tìm thấy, theo trang tin Daily Mail của Anh.

Đại sứ quán Anh ra thông báo nói họ đang liên lạc với giới chức ở TP Hồ Chí Minh về vụ tai nạn ở Đà Lạt.

Các báo Anh trong ngày thứ Sáu đã đồng loạt đưa tin về vụ việc.

Bài của Julian Robinson trên trang Daily Mail viết rằng vụ tử nạn xảy ra khi các du khách Anh "bị giết lúc trèo thác với người hướng dẫn du lịch không có giấy phép hành nghề tại Việt Nam".

Các tin này đang thu hút nhiều tranh luận trên các mạng xã hội ở Anh. - BBC
|
|

6.
Trung Quốc mời thầu dầu khí ở Biển Đông --- Tư lệnh Mỹ: Trung Quốc "trên thực tế" kiểm soát Biển Đông

Tập đoàn dầu khí quốc doanh CNOOC của Trung Quốc vừa ra thông báo mời các công ty nước ngoài đấu thầu 18 lô ngoài khơi bờ biển phía Bắc, Đông, và Nam Trung Quốc.

Reuters hôm thứ Sáu dẫn thông cáo của công ty CNOOC cho hay các lô này có tổng diện tích 52.257 cây số vuông, bao gồm 3 lô ở Vịnh Bột Hải, 1 lô trong Biển Hoa Đông và 14 lô còn lại thuộc khu vực phía Bắc của Biển Đông.

Một số lô trong số này nằm gần quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam nói thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1974.

Một số lô khác nằm gần quần đảo Đông Sa hiện do Đài Loan kiểm soát. - VOA

***
Trả lời phóng viên trực thuộc bộ Quốc Phòng Mỹ ngày 25/02/2016, tư lệnh chỉ huy Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, đô đốc Harry Harris khẳng định : Trung Quốc đang quân sự hóa Biển Đông để từng bước kiểm soát khu vực này "trên thực tế".

Sau hai buổi điều trần tại Thượng Viện và Hạ Viện, đô đốc Harry Harris đã có mặt tại trụ sở bộ Quốc Phòng. Tại đây, một lần nữa, tư lệnh Mỹ tại Thái Bình Dương nhắc lại : Việc Trung Quốc xây dựng đường băng, bunker, lắp đặt các trạm radar và hệ thống tên lửa phòng thủ trên các đảo đang có tranh chấp chủ quyền cho thấy Bắc Kinh quyết tâm quân sự hóa Biển Đông.

"Nếu như Trung Quốc tiếp tục trang bị vũ khí tại các căn cứ quân sự trên các hòn đảo mà họ đã bồi đắp, Bắc Kinh sẽ làm thay đổi cục diện khu vực... và trên thực tế sẽ kiểm soát Biển Đông".

Đô đốc Harry Harris cũng đặc biệt quan ngại trước khả năng Trung Quốc lập vùng nhận dạng phòng không ADIZ đối với toàn bộ Biển Đông, để qua đó dùng sức mạnh quân sự đe dọa tàu và máy bay nào đi vào khu vực.

Tư lệnh Mỹ Thái Bình Dương kết luận: "Đó sẽ là hành vi gây hấn và gây bất ổn" cho toàn vùng.

Hãng tin Pháp AFP trích lời chuyên gia Bonnie Glaser thuộc Trung tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế Mỹ cho rằng, đô đốc Harris lên tiếng báo động về những kịch bản có thể xảy ra trên Biển Đông, nếu như Hoa Kỳ không phản ứng mạnh mẽ.

Tư lệnh Mỹ cố gắng thúc đẩy để các bên, tức là các các nước trong vùng và cả ngoài khu vực, có thái độ quyết liệt hơn. Điều đó thì "Hoa Kỳ không thể làm được một mình". - RFI