Wednesday, January 4, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Tư 4/1

Tin Thế Giới

1.
Bắc Kinh khoe: Tàu sân bay Liêu Ninh thử vũ khí ở Biển Đông --- Tàu sân bay TQ thị uy ở Biển Đông, mẫu hạm Mỹ vắng mặt trên biển

Trong một tín hiệu rõ ràng là nhằm mục tiêu thị uy, bộ Ngoại Giao Trung Quốc vào hôm nay 04/01/2017 đã loan báo là tiểu hạm đội tàu sân bay duy nhất của họ đã tiến hành thứ nghiệm vũ khí và trang thiết bị nhân cuộc tập trận đang diễn ra tại Biển Đông.

Trong cuộc họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảnh (Geng Shuang) cho biết là chiếc Liêu Ninh (Liaoning) và nhóm tàu hộ tống đang tiến hành « nghiên cứu khoa học và tập huấn » đúng theo kế hoạch tại vùng Biển Đông, với mục tiêu là để « thử nghiệm hiệu năng của các loại vũ khí và trang thiết bị ».

Phát ngôn viên Trung Quốc không tiết lộ gì thêm, nhưng theo hãng tin Anh Reuters, trên trang mạng chính thức của mình, Hải Quân Trung Quốc cho biết là chiếc Liêu Ninh tiến hành cuộc tập trận ở Biển Đông với các máy bay chiến đấu và trực thăng. Hình ảnh được công bố cho thấy chiến đấu cơ J-15 tập cất cánh và hạ cánh, cũng như cảnh trực thăng diễn tập ngày 02/01.

Việc Trung Quốc đưa nhóm tác chiến với tàu sân bay xuống Biển Đông tập trận đã khiến các nước trong vùng quan ngại, đặc biệt là Đài Loan.

Giới truyền thông tại Đài Bắc tỏ ý rất quan ngại trước khả năng hạm đội Trung Quốc đi ngược lên hướng bắc để trở về căn cứ ở Thanh Đảo, và dùng ngã eo biển Đài Loan, một tuyến đường biển rất hẹp phân giới giữa Đài Loan và Hoa Lục.

Khả năng này tuy nhiên đã bị bộ Quốc Phòng Đài Loan cho là không thực tế. - RFI

***
Trong những ngày đầu năm 2017, Trung Quốc đã phô trương đợt tập huấn trên Biển Đông của chiếc tàu sân bay Liêu Ninh (Liaoning), với bài tập quan trọng nhất là cho chiến đấu cơ sử dụng con tàu làm cơ sở hạ cánh và cất cánh. Theo các chuyên gia phân tích, nhóm tác chiến của tàu sân bay Trung Quốc còn lâu mới đạt được trình độ điêu luyện của hạm đội hàng không mẫu hạm Mỹ. Có điều là không biết có phải là trùng hợp ngẫu nhiên hay không mà đúng vào lúc Bắc Kinh mang tàu sân bay ra thị uy với các láng giềng, thì các hàng không mẫu hạm Mỹ đều vắng bóng trên đại dương.

Cuộc diễn tập cất cánh và hạ cánh của phi đội chiến đấu cơ J-15 trên chiếc Liêu Ninh ngày 02/01 vừa qua tại một địa điểm không xác định ngoài Biển Đông đã được guồng máy tuyên truyền Trung Quốc hết lời ca ngợi khi nhấn mạnh rằng : « So sánh với các vùng biển khác như Bột Hải, Hoàng Hải và Đông Hải (Biển Hoa Đông) thì Nam Hải (tức Biển Đông) là nơi có điều kiện khó khăn hơn ».

Yêu tố quan trọng nhất được các chuyên gia quân sự ghi nhận là chiếc Liêu Ninh đã thành công trong việc tiến ra đại dương : Ngày 25/12/2016 vừa qua, lần đầu tiên con tàu đã vượt qua chuỗi đảo thứ nhất, băng qua eo biển Miyako cắt ngang Nhật Bản để ra Tây Thái Bình Dương, từ đó đi xuống phía nam, rẽ qua eo biển Ba Sĩ (Bashi) sát Đài Loan để vào Biển Đông.

Chuyến hải hành suôn sẻ này cho thấy là về mặt động cơ, chiếc Liêu Ninh đã khắc phục được các điểm yếu kém của loại tàu sân bay Nga cùng loại như chiếc Đô Đốc Kouznetsov, mà vận tốc không thể vượt quá 18 hải lý/giờ, để hệ thống máy tàu không bị quá tải.

Về mặt năng lực tác chiến, theo các chuyên gia, với các « bài tập cuối khóa » lần này, Trung Quốc đã thành công trong việc biến một tàu sân bay huấn luyện thành một phương tiện tấn công, cho dù hỏa lực cũng như kỹ thuật còn nhiều hạn chế. Trước đó, khi còn ở Bột Hải, chiếc tàu cũng lần đầu tiên tập trận bắn đạn thật, kèm theo các bài khóa như không đối không, không đối hạm, hạm đối hạm.

Ngay từ ngày 15/11 năm ngoái, Bắc Kinh đã tuyên bố rằng chiếc tàu sân bay duy nhất của họ đã sẵn sàng chiến đấu.

Không một chiếc hàng không mẫu hạm Mỹ được triển khai làm nhiệm vụ

Điều đáng ghi nhận trong thời điểm hiện nay, là vào lúc Trung Quốc phô trương sức mạnh mới của chiếc hàng không mẫu hạm Liêu Ninh ngay tại vùng biển nóng là Biển Đông, với ý nghĩa hù dọa rõ rệt đối với các láng giềng, Hoa Kỳ lại ở trong tình trạng bất động.

Hãng truyền thông Mỹ Fox News ngày 30/12/2016 đã nêu bật một sự kiện mang ý nghĩa biểu tượng : Đó là vào lúc Bắc Kinh « khoe » tàu sân bay, thì cường quốc Hải Quân số một hành tinh là Mỹ, lại không có bất kỳ một hàng không mẫu hạm nào đang hoạt động, điều được hãng Fox News ghi nhận là chưa từng thấy từ sau Đệ Nhị Thế Chiến đến nay.

Theo nguồn tin trên, chiếc USS Dwight D. Eisenhower chịu trách nhiệm vùng Trung Đông chẳng hạn, đã quay trở lại cảng Norfolk (bang Virginia) ngày 30/12, nhưng không có chiếc hàng không mẫu hạm Mỹ nào khác thay thế. Còn tại châu Á, phải chờ đến cuối tháng Giêng này thì chiếc USS Carl Vinson mới trở lại nhận nhiệm vụ ở vùng biển Tây Thái Bình Dương.

Đối với các chuyên gia phân tích, trong bối cảnh hàng không mẫu hạm luôn được xem là biểu tượng của sức mạnh Mỹ, với khả năng chuyển lực lượng hùng hậu đến mọi chiến trường một cách nhanh chóng, việc không một chiếc tàu sân bay Mỹ nào đảm trách một chiến dịch nào đó trên đại dương đã làm dấy lên những suy nghĩ không hay về sự « suy yếu » của tiềm lực quân sự Hoa Kỳ.

Tại châu Á, điều đó đã bắn đi một tín hiệu xấu về phía các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực, vốn kỳ vọng rất nhiều vào Washington để ngăn chặn đà bành trướng của Bắc Kinh. - RFI
|
|

2.
Bắc Kinh cảnh báo ô nhiễm ở mức cao nhất

Hôm thứ Tư 4/1, Bắc Kinh đã tiếp tục ban hành cảnh báo sương mù ở mức cao nhất trong ngày thứ nhì.

Thủ đô Trung Quốc đã có cảnh báo khói mù sau nhiều tuần chịu ô nhiễm đến mức nghẹt thở vào mùa đông.

Cơ quan thời tiết của Trung Quốc cảnh báo về tầm nhìn dưới 50 mét ở một số khu vực của Bắc Kinh, khiến nhiều sân bay phải hủy bỏ các chuyến bay.

Đường phố Bắc Kinh hôm Thứ tư có đông người đeo khẩu trang, vì lo ngại về ô nhiễm không khí.

Cảnh báo ô nhiễm thường được công bố ở miền bắc Trung Quốc, đặc biệt là trong mùa đông lạnh lẽo khi nhu cầu năng lượng tăng vọt, phần lớn nhu cầu này được đáp ứng bằng than đá.

Trung Quốc đang ở trong năm thứ ba tiến hành cuộc chiến chống ô nhiễm nhằm đảo ngược những tác hại gây ra cho bầu trời, đất đai và nguồn nước sau nhiều thập kỷ tăng trưởng kinh tế không ngừng. Nhưng các biện pháp đã được thực hiện cho đến nay có ít hoặc không có tác dụng. - VOA
|
|

3.
Thành Phố Phàn Chi Hoa: nổ súng bắn bí thư và chủ tịch --- 11 trẻ bị đâm ở trường mẫu giáo Trung Quốc

Quan chức Sở Nhà đất bắn trọng thương Bí thư và Chủ tịch một thành phố ở Tứ Xuyên, Trung Quốc.

Thủ phạm là Giám đốc Sở Nhà đất thành phố Phàn Chi Hoa, ông Trần Trung Thứ đã tự sát sau đó, theo báo chí Trung Quốc.

Hai người bị bắn trọng thương ngay tại một hội nghị triển lãm là Bí thư Trương Diệm và Thị trưởng Lý Kiến Cần của Phàn Chi Hoa.

Hai nạn nhân đã được cứu chữa trong bệnh viện địa phương, theo BBC Tiếng Trung hôm 04/1/2017.

Lý do vụ án cho đến nay, theo cảnh sát Trung Quốc là 'bức xúc cá nhân'.

Nhưng một báo Hong Kong cho hay ông Trần Trung Thứ biết tin ông bị cấp trên ra lệnh điều tra liên quan đến một vụ mua bán đất đai nên đã có hành động trả thù.

Phàn Chi Hoa là đô thị nằm ở khu vực khai khoáng có sắt và nhiều quặng quý như titanium thuộc tỉnh Tứ Xuyên, phía Tây Nam Trung Quốc.

Năm 1958, Mao Trạch Đông tung ra khẩu hiệu biến nơi đây thành 'trung tâm gang thép' của nước Trung Quốc thời xây dựng chế độ công nông.

Từ đó, đầu tư đổ về Phàn Chi Hoa, và đến năm 2010, đô thị này có 1,2 triệu dân. - BBC

***
Theo nhà chức trách địa phương ở Bằng Tường, một người đàn ông đã lẻn vào một trường mẫu giáo ở miền nam Trung Quốc, đâm 11 trẻ em, làm 5 em bị thương nặng.

Phòng thông tin của chính quyền địa phương cho biết người đàn ông "đã lẻn vào" trường và đâm những đứa trẻ trước khi bị cảnh sát không chế tại hiện trường.

Các nạn nhân đã được chở vào một bệnh viện địa phương, dù chính quyền cho biết là không có em nào bị thương gặp nguy hiểm đến tính mạng.

Thông báo không nói rõ loại vũ khí được sử dụng, và cũng không tiết lộ danh tính của người đàn ông bị cảnh sát bắt giữ. - VOA
|
|

4.
Vụ trục xuất dân Đài Loan: Đài Bắc tố cáo Hà Nội chiều ý Bắc Kinh

Chính quyền Đài Loan vào hôm qua, 03/01/2017 đã cực lực phản đối việc chính quyền Việt Nam vừa trục xuất bốn công dân Đài Loan qua Trung Quốc. Những người này bị tình nghi ngờ gian lận viễn thông. Đối với chính quyền Đài Bắc, Hà Nội đã hành động dưới áp lực từ Bắc Kinh.

Theo bộ Ngoại Giao Đài Loan, bốn nghi phạm mang hộ chiếu Đài Loan cùng với người Trung Quốc, đã bị bắt giữ tại Hải Phòng hồi tháng 12/2016. Cho dù phái viên Đài Loan tại Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Hà Nội trục xuất các nghi can Đài Loan về Đài Loan, chính quyền Hà Nội vẫn làm ngơ và « cưỡng ép » những người này sang Trung Quốc.

Thông cáo phía Đài Loan nói rõ : « Trung Quốc cho rằng, trong trường hợp này, các nạn nhân chủ yếu là ở Trung Quốc và yêu cầu Việt Nam trục xuất tất cả các nghi phạm qua Trung Quốc (dựa trên một hiệp ước pháp lý song phương). Việc đó đã cản trở những nỗ lực của chúng tôi để hiểu rõ sự việc và thăm các nghi phạm Đài Loan ».

Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, vụ Việt Nam trục xuất nghi phạm Đài Loan qua Trung Quốc lần này xẩy ra sau một loạt các vụ việc tương tự trong năm 2016, khi những người Đài Loan ở Kenya, Malaysia, Armenia, và Cam Bốt bị bắt vì tình nghi dính líu tới các nhóm lừa đảo viễn thông và bị trục xuất qua Trung Quốc.

Theo Hội Đồng Đại Lục MAC, cơ quan đặc trách chính sách Trung Quốc của Đài Loan, trong năm 2016, có hơn 200 nghi can gian lận viễn thông người Đài Loan, đã bị trục xuất từ các nước thứ ba qua Trung Quốc.

Trong lúc Đài Bắc phản đối, Bắc Kinh lại tỏ ý hài lòng về thái độ của Việt Nam. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảnh vào hôm nay cho rằng "Trung Quốc và Việt Nam duy trì hợp tác chặt chẽ trong việc chống tội phạm gian lận viễn thông và internet xuyên biên giới". - RFI
|
|

5
Quân đội Indonesia đình chỉ hợp tác với Úc

Giới chức Indonesia hôm 4/1 cho biết quân đội nước này đã hành động đơn phương khi đình chỉ hợp tác với lực lượng vũ trang Úc vào tuần trước, sau khi phát hiện điều mà báo chí mô tả là những tài liệu giảng dạy mang tính xúc phạm tại một căn cứ ở Tây Úc.

Một phát ngôn viên cho Tổng thống Joko Widodo nói việc đình chỉ này chưa được thảo luận với Tổng thống và vấn đề đã bị phóng đại.

"Đây không phải là quyết định của Tổng thống," phát ngôn viên Johan Budi nói với hãng tin Reuters.

Quan hệ với Úc vẫn "tốt đẹp," theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Ryamizard Ryacudu. Ông nói thêm rằng ông mới biết việc này hôm 4/1.

"Trước tiên cần xem xét vấn đề một cách thỏa đáng, chứ không phải chỉ từ một phía," ông nhấn mạnh.

Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne cho biết chỉ có một số hoạt động bị "đình hoãn."

Hợp tác quân sự giữa hai nước, từ chống khủng bố cho tới bảo vệ biên giới, đã bị đình chỉ vì "lý do kỹ thuật," một phát ngôn viên của lực lượng vũ trang quốc gia Indonesia (TNI) nói với Reuters.

Thiếu tướng Wuryanto nói thêm rằng: "Có những vấn đề kỹ thuật cần được thảo luận," đề cập đến những tài liệu huấn luyện bị phát hiện tại một căn cứ quân sự của Úc, nhưng ông từ chối cho biết thêm chi tiết.

"Rất có thể" sự hợp tác sẽ tái tục một khi những vấn đề này được giải quyết, ông Wuryanto nói.

Lần gần đây nhất Indonesia đình chỉ quan hệ quân sự với Úc vào năm 2013 vì những tiết lộ cho biết những điệp viên của Úc đã nghe lén điện thoại di động của Tổng thống lúc đó là Susilo Bambang Yudhoyono.

Úc đình chỉ những cuộc diễn tập huấn luyện chung với lực lượng đặc nhiệm Kopassus của Indonesia sau những cáo buộc vi phạm nhắm vào đơn vị ở Đông Timor vào năm 1999.

Jakarta và Canberra tái tục các mối quan hệ quân sự sau vụ đánh bom năm 2002 tại hai hộp đêm ở đảo nghỉ mát Bali khiến 202 ngời thiệt mạng trong đó có 88 công dân Úc. - VOA
|
|

6.
Tổng Thư Ký LHQ: Thế giới đối mặt với một thời đại đầy thách thức

Tân Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nói thế giới đang đối mặt với một "thời buổi đầy thách thức" và sẽ chỉ vượt qua được thông qua hợp tác quốc tế.

Ông phát biểu:

"Đây là thời điểm mà chúng ta cần khẳng định giá trị của chủ nghĩa đa phương. Đây là thời điểm khi mà chúng ta cần phải thừa nhận rằng chỉ có những giải pháp toàn cầu mới giải quyết được các vấn đề toàn cầu, và Liên Hiệp Quốc là nền tảng của lối tiếp cận đa phương đó".

Ông Guterres trình bày quan điểm của ông trong bài phát biểu ngắn với nhân viên Liên Hiệp Quốc hôm thứ Ba 3/1, tại trụ sở của tổ chức thế giới này ở New York. Đây là bài phát biểu đầu tiên của ông Guterres kể từ khi ông bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm hôm Chủ nhật, 1/1.

Người từng đứng đầu Cao uỷ tị nạn LHQ cũng thừa nhận những sự bất cập của tổ chức này, ông kêu gọi sự tham gia của cộng đồng quốc tế để cải cách đinh chế đã 72 năm tuổi này.

Ông Guterres nói: "Có nhiều hoài nghi về vai trò của Liên Hiệp Quốc. Tôi nghĩ điều rất quan trọng là chúng ta nên tự hào về những gì đã làm trong tư cách Liên Hiệp Quốc, chúng ta phải công nhận những thành tích đã đạt được. Nhưng đồng thời, chúng ta cần bảo đảm là có thể cải cách hệ thống phát triển LHQ theo yêu cầu của các nước thành viên".

Nhiều nhà quan sát LHQ lo ngại rằng Tổng thống sắp tới của Hoa Kỳ, ông Donald Trump, là người không che giấu thái độ xem thường đối với các cơ quan quốc tế như Liên Hiệp Quốc và NATO, có thể cắt giảm tài trợ cho tổ chức này giữa lúc LHQ đang chật vật ứng phó với các cuộc khủng hoảng dồn dập. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

7.
TT Obama sẽ chuyển thêm nghi can khủng bố ra khỏi Guantanamo --- Trump yêu cầu ngừng đưa tù nhân khỏi Vịnh Guantanamo

Tòa Bạch Ốc cho biết Tổng thống Barack Obama dự tính chuyển ra nước ngoài thêm nhiều nghi can khủng bố còn bị cầm giữ ở trung tâm giam giữ của Mỹ tại Vịnh Guantanamo, Cuba, trước khi ông rời nhiệm sở vào ngày 20/1, trái ngược với lời kêu gọi của Tổng thống đắc cử Donald Trump đòi chấm dứt việc thả các nghi can như vậy.

Trung tâm Guantanamo được mở ra dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush sau các cuộc tấn công khủng bố nhắm vào Hoa Kỳ vào năm 2001. Trung tâm này được sử dụng để giam các tù nhân bị Mỹ và các đồng minh bắt trong cuộc chiến chống al-Qaeda và các nhóm khủng bố khác ở Trung Đông và Afghanistan.

Trung tâm giam giữ của Mỹ ở Cuba trong thời gian qua đã trở thành mục tiêu bị giới hoạt động bênh vực nhân quyền chỉ trích, vì nhiều tù nhân bị giam cầm trong nhiều năm mà không qua xét xử, một số bị tra tấn trong một cố gắng nhằm thu thập bằng chứng có thể được dùng chống lại chính các tù nhân khi họ bị xét xử.

Khi ông lên nhậm chức vào tháng 1 năm 2009, TT Obama đã cam kết sẽ đóng cửa cơ sở này, tuy nhiên các cố gắng của ông đã bị Quốc hội ngăn chặn.

Chỉ còn 59 tù nhân ở Guantanamo, con số thấp hơn nhiều so với cao điểm, lúc gần 800 người bị giam giữ tại đó.

Chính phủ của TT Obama đã trao trả một số tù nhân Guantanamo về lại quê cũ của họ để bị truy tố, một số người khác được gửi đến các nước thứ ba để định cư, và một số được trả tự do mà không cần qua xét xử.

Trong chiến dịch tranh cử kéo dài của ông để giành chiếc ghế tại Tòa Bạch Ốc, ông Trump tuyên bố sẽ vẫn duy trì trại Guantanamo, có lúc ông tuyên bố rằng một khi trở thành Tổng tư lệnh quân đội Mỹ, ông dự tính "sẽ tống cổ những kẻ xấu vào đầy trại giam" Guantanamo. - VOA

***
Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố sẽ không thả hoặc chuyển thêm tù nhân khỏi nhà tù Vịnh Guantanamo ở Cuba.

Ông cho biết những tù nhân còn lại "vô cùng nguy hiểm và không nên được cho phép trở lại".

Tổng thống Barack Obama đã cam kết sẽ đóng cửa nhà tù trong nhiệm kỳ của ông và ra lệnh chuyển nhiều tù nhân khỏi nơi này.

Khoảng 60 tù nhân vẫn còn ở Vịnh Guantanamo và Nhà Trắng cho biết hôm 3/1 rằng họ mong đợi nhiều tù nhân sẽ được chuyển đi trước hôm 20/1.

Ông Trump phản đối kế hoạch đóng cửa Vịnh Guantanamo của ông Obama trong chiến dịch tranh cử.

Tháng 2/2016, ông nói: "Sáng nay, tôi đã xem Tổng thống Obama nói về Vịnh Guantanamo, mà dù gì đi chăng nữa chúng ta vẫn phải duy trì nhà tù này."

"Chúng ta sẽ tống vào đó những gã xấu xa, tin tôi đi."

Gordon Corera, phóng viên an ninh BBC, phân tích: "Tổng thống Obama cam kết sẽ đóng cửa nhà tù Vịnh Guantanamo khi ông đương chức. Nhưng liệu Trump sẽ làm gì?

Về Guantanamo cùng rất nhiều vấn đề khác, không ai chắc chắn những gì sẽ diễn ra sau ngày 20/1".

Hôm 17/12/2016, truyền thông Hoa Kỳ tường thuật Lầu Năm Góc lên kế hoạch chuyển thêm 17 tù nhân khỏi Vịnh Guantanamo trong những tuần tới.

Nhà tù Vịnh Guantanamo đặt ở vị trí căn cứ hải quân của Mỹ tại Đông Nam Cuba.

Vịnh Guantanamo được dùng làm nơi giam giữ những tù nhân mà Washington gọi là "chiến binh thù nghịch", sau cuộc tấn công 11/9/2001.

20 tù nhân đầu tiên được chuyển đến Vịnh Guantanamo hôm 11/1/2002, và tổng cộng 780 người bị giam kể từ thời điểm đó - phần lớn trong số họ bị giam mà không qua xét xử.

Ông Obama phê duyệt việc chuyển tù nhân thường xuyên nhưng Quốc hội do phe Cộng hòa chiếm đa số thắt chặt các hạn chế, yêu cầu Lầu Năm Góc báo cáo rằng các tiêu chuẩn an ninh được đáp ứng ít nhất 30 ngày trước bất kỳ động thái nào như vậy.

Những tù nhân được đưa khỏi Vịnh Guantanamo được chuyển đến các nước khác và các nhà lập pháp ngăn bất kỳ ý định cho phép các tù nhân vào Mỹ. - BBC
|
|

8.
Tranh cãi về số phận chương trình Obamacare

Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ đến Điện Capitol hôm thứ Tư 4/1, để vận động các nhà lập pháp đảng Dân chủ bảo vệ luật chăm sóc y tế quan trọng của ông. Phó Tổng thống đắc cử Mike Pence cũng sẽ có mặt để nói chuyện với các thành viên đảng Cộng hòa về chương trình nghị sự của đảng này, kể cả cố gắng hủy bỏ chương trình chăm sóc y tế thường được gọi là "Obamacare".

Các cuộc họp của hai bên đối nghịch là dấu hiệu báo trước một cuộc đối đấu lớn sắp sửa diễn ra giữa lúc Tòa Bạch Ốc đang được chuyển giao từ Tổng thống Obama sang tay ông Donald Trump.

Đạo luật Chăm sóc Y tế Chi phí thấp được Quốc hội thông qua vào năm 2010 khi đảng Dân chủ còn kiểm soát cả Hạ viện lẫn Thượng viện, với ông Obama trong cương vị tổng thống. Vào ngày 20/1 sắp tới đây, quyền lực đó sẽ được chuyển giao, vào tay đảng Cộng hòa.

Ông Trump từng miêu tả Obamacare là một chương trình "tệ hại" và quá tốn kém, và mặc dù ông chưa nêu rõ các chi tiết cụ thể về kế hoạch để thay thế Obamacare, ông khẳng định quyết tâm muốn thay thế chương trình chăm sóc y tế này.

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest nói với các phóng viên hôm thứ Ba rằng Tổng thống Obama sẽ thảo luận với những thành viên đảng Dân chủ về cách để chống lại mục tiêu của đảng Cộng hòa là bãi bỏ Obamacare.

Ông Earnest phát biểu: "Tổng thống lâu nay vẫn tỏ ra cởi mở với ý tưởng là nếu các thành viên đảng Cộng hòa thực sự quan tâm đến việc cải cách Luật Chăm sóc Y tế Chi phí thấp theo cách có thể củng cố chương trình này, thì cá nhân ông sẽ mạnh mẽ ủng hộ nỗ lực đó. Nhưng đó không phải là điều mà phía đảng Cộng hòa đề nghị".

Sự tương phản trong lập trường về chính sách giữa ông Obama với ông Trump có phần chắc sẽ được nêu bật vào tuần tới khi tổng thống đọc bài diễn văn tạm biệt, và ngày hôm sau sẽ diễn ra cuộc họp báo quan trọng đầu tiên của ông Trump kể từ khi ông đắc cử hồi tháng 11/2016.

Tối thứ Ba, ông Trump loan báo trên Twitter rằng sẽ có "cuộc họp báo lớn" vào ngày 11/1. - VOA
|
|

9.
Trump ủng hộ Assange nói Nga không cấp tin cho Wikileaks

Tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ, ông Donald Trump, ủng hộ ý kiến của người sáng lập Wikileaks, ông Julian Assange, theo đó tỏ ý nghi ngờ các tin tình báo cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tại Mỹ.

Ông Assange nói Nga không phải là nguồn cung cấp cho Wikileaks một lượng lớn các thư điện tử bị rò rỉ từ Đảng Dân chủ.

Ông Trump tỏ ý đồng tình. Ông viết trên Twitter: "Assange... nói người Nga không cung cấp cho ông các thông tin này!"

Vị tổng thống đắc cử vẫn nhắc đi nhắc lại việc ông không chấp nhận kết luận của các cơ quan tình báo Mỹ.

Một vài cơ quan của Mỹ trong đó có Cục Điều tra Liên bang (FBI) và Cơ quan Tình báo Hoa Kỳ (CIA) tin rằng Nga đã trực tiếp xâm nhập mạng, chống lại Đảng Dân chủ và chiến dịch của ứng viên Dân chủ, bà Hillary Clinton.

Thông tin mà Wikileaks và các cơ quan truyền thông khác công bố là nhằm giúp ông Trump thắng cử, theo FBI và CIA.

Trong cuộc phỏng vấn với kênh Fox News, ông Assange nhắc lại tuyên bố của ông rằng Nga không đứng sau vụ rò rỉ này.

Ông nói một thiếu niên 14 tuổi cũng có thể thực hiện được một trong những vụ xâm nhập vào email của ông John Podesta, trợ lý hàng đầu của bà Clinton.

Hồi năm 2010, một vài nhân vật hàng đầu của Đảng Cộng hòa đã kêu gọi bỏ tù ông Assange sau khi trang Wikileaks công bố hàng ngàn điện tín ngoại giao gây khó xử cho Hoa Kỳ do cựu nhân viên quân đội, binh nhì Chelsea Manning, rò rỉ ra.

Hôm thứ Tư, ông Trump đã hai lần đăng trên Twitter ủng hộ ý kiến mà ông Assange nói trên kênh Fox News. - BBC
|
|

10.
New York: Tai nạn xe điện ngầm, hơn 100 bị thương

Một chuyến xe điện ngầm ở thành phố New York bị trật đường ray tại Brooklyn trong giờ cao điểm sáng ngày 4/1, khiến hơn 100 người bị thương, theo nguồn tin từ giới chức thành phố.

Sở Cứu hỏa thành phố New York cho hay hàng chục toán cứu hộ khẩn cấp đã được triển khai khắp sân ga Atlantic sau khi chiếc xe lửa gặp nạn bên trong trung tâm trung chuyển tấp nập này lúc 8:30 sáng, giờ địa phương.

Khoảng 103 người bị thương trong tai nạn này, Sở Cứu hỏa New York cho biết. Hai toa đầu bị hư hại nặng. Đây là vụ trật đường ray quy mô lớn thứ nhì có liên quan đến hệ thống xe điện ngầm ở khu vực New York trong 3 tháng qua sau tai nạn hồi tháng 9 ở Hoboken, New Jersey, khiến 1 người thiệt mạng và 14 người bị thương.

Cơ quan quản lý đường sắt liên bang Mỹ và Ban An toàn Vận tải Quốc gia cho hay đang tiến hành điều tra vụ việc.

Trạm xe điện ngầm Atlanticlà một trong những sân ga bận bịu nhất của New York. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

11.
Công an: Nạn nhân trong clip ‘Công an đánh chết dân’ tử vong do chạy quá sức --- Vì sao liên tục có nghi án công an đánh chết dân?

Cơ quan công an tỉnh Bình Định hôm 4/1 công bố kết quả sơ bộ về nguyên nhân gây ra cái chết của anh Phạm Đặng Toàn (29 tuổi) trong clip “Công an đánh chết dân” là do chạy quá sức dẫn đến thiếu oxy cung cấp cho phổi, dẫn tới phù phổi và phù não.

Trước đó 1 ngày, dư luận trong nước xôn xao về một clip video quay cảnh nhiều người dân vây quanh hai công an và bắt họ quỳ trước thi thể một thanh niên, được cho là do 2 viên công an trên cùng 6 đồng nghiệp khác đánh chết.

Theo những người sử dụng mạng xã hội, đoạn video kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ đã được quay trực tiếp từ hiện trường là nhà xác của một bệnh viện ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

Sau khi video clip lan truyền nhanh chóng trên mạng, ngay trong ngày 4/1, chủ nhân đăng clip là chị Thắm Nguyễn, đã gỡ đoạn clip xuống và đăng một video clip khác, trong đó chị Thắm giải trình rằng thông tin trong clip là không chính xác và gửi lời xin lỗi đến công luận. Kèm theo đó là một văn bản giải trình có chữ ký Thắm Nguyễn.

Tuy nhiên, cả lời giải thích của chị Thắm lẫn kết luận của cơ quan công an đều không thuyết phục được công chúng.

Chị Kim Tiến, con gái của ông Trịnh Thanh Tùng, một nạn nhân bị công an đánh chết vì vi phạm lỗi giao thông vào năm 2011, nói với VOA:

“Trong clip em thấy rõ ràng có những tiếng nói của những người trong vụ việc, họ nói rất rõ trong đó, và hình ảnh 2 người công an quỳ gối rất rõ. Nếu họ không đánh người thì họ sẽ không bao giờ quỳ và cũng không có việc người dân bức xúc tới mức độ phải đuổi theo để bắt công an lại”.

Theo giải trình của cơ quan công an Bình Định hôm 3/1, khi đi tuần tra theo kế hoạch trấn áp tội phạm kể từ dịp Tết dương lịch đến Tết âm lịch, tổ công an thấy hàng chục thanh niên tụ tập đánh bạc. Phát hiện ra công an, nhóm thanh niên, trong đó có anh Phạm Đặng Toàn, đã bỏ chạy và để lại dụng cụ xóc bầu cua và một số tiền mặt. Trong lúc kiểm tra hiện trường, công an phát hiện ra anh Toàn ngồi gục trước nhà dân trong tình trạng tím tái nên đưa đi cấp cứu, nhưng anh Toàn đã tử vong trước khi tới trung tâm y tế.

Ông Nguyễn Quang Phục, bố của anh Nguyễn Quốc Bảo - một nạn nhân nghi bị công an đánh chết năm 2010, nhận xét quá trình xét nghiệm, điều tra, công bố nguyên nhân của cơ quan chức năng trong các vụ án như thế này là “lố bịch”. Ông nói:

“Điều tra hình sự của mình quả thật là hơi bị lố bịch. Ngành hình sự của Việt Nam không hiểu họ điều tra kiểu gì? Cũng như vụ án của con tôi và nhiều vụ án tôi tham gia khác, họ chỉ bao che cho nhau thôi. Họ không nói lên sự thật”.

Theo ông Phục, việc công bố những kết luận không hợp lý, gây tranh cãi và để “chìm xuồng” những vụ án nghi bị công an đánh chết có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hơn nơi lòng tin của người dân.

“Việt Nam mà cứ để cho ngành hành pháp họ làm như thế này rồi thì sẽ mất lòng tin của người dân, nhất là họ chà đạp lên nhân quyền của người dân nhiều quá”.

Trong khi đó, với kinh nghiệm đấu tranh vất vả để đòi công lý cho cha, chị Kim Tiến đưa ra lời khuyên cho những nạn nhân của nạn bạo hành từ công an:

“Quan trọng nhất là họ phải kết hợp giữa truyền thông và pháp lý. Họ phải đấu tranh song song cả hai phương diện này để có thể đưa vụ án ra ánh sáng. Vì em đã trải qua một quá trình và em đã tìm hiểu rất nhiều vụ bị công an đánh chết, quan trọng về mặt truyền thông là họ phải kể lại vụ việc rõ ràng. Họ phải quay lại hình ảnh người thân mình với những chứng tích, lời khai của nhân chứng, cũng như trong toàn bộ quá trình làm việc với cơ quan công an. Về pháp lý, họ cần phải tìm một luật sư. Một người luật sư có tâm sẽ hướng dẫn họ về mặt pháp lý một cách đúng đắn”.

Mặc dù thừa nhận có sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại trong việc ghi lại bằng chứng, dấu vết trong các vụ án, nhưng tất cả những người được VOA phỏng vấn đều cho rằng vụ “Công an đánh chết dân” lần này rồi cũng sẽ chìm xuồng như những vụ trước.

Luật sư Võ An Đôn, người có nhiều kinh nghiệm trong những vụ án tương tự, nhận xét:

“Tình trạng người dân chết trong đồn công an hay chết khi đang làm việc với công an xảy ra rất nhiều. Đa số nạn nhân của các vụ việc hay nhờ đến em. Nhưng em cũng chỉ tư vấn về pháp luật, theo đúng luật pháp thôi, nên đa số những vụ này đều bị chìm xuồng hết, đều bị các cơ quan nhà nước cố tình bao che, không làm ra đúng sự thật, gây bức xúc dư luận dữ lắm”.

Theo Luật sư Đôn, nhiều luật sư ở Việt Nam rất ngại nhận những vụ án có liên quan đến lực lượng công an vì sợ liên lụy đến công việc làm ăn hoặc bị trả thù.

Hồi năm 2014, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đã đưa ra một phúc trình về tình trạng gia tăng nạn nhân chết trong lúc bị giam giữ hay trong thời gian đang làm việc với công an. Phúc trình này chỉ trích lực lượng công an Việt Nam đã tra tấn, đánh đập nghi phạm trong lúc giam giữ, dẫn tới những cái chết oan của nghi phạm khi họ chưa hề được định tội. - VOA

***
Chỉ trong 3 ngày đầu tiên của năm 2017 đã xảy ra hai sự việc liên quan đến hành xử của những người mặc sắc phục công an gây phẫn nộ trong dư luận cả nước, đặc biệt là cộng đồng mạng.

Đuổi và đánh

Một đoạn video nhanh chóng được lan truyền khắp cộng đồng mạng vào rạng sáng ngày 2 tháng 1 cho thấy hình ảnh hai người mặc sắc phục công an bị người dân địa phương bắt giữ và hành hung 2 thành viên trong tổ tuần tra, bắt hai người này quỳ gối xin lỗi trước thi thể một thanh niên đã tử vong.

Sự việc này được cho là liên quan đến công an tỉnh Bình Định trong lúc thực hiện công tác tuần tra, truy bắt một nhóm người chơi bầu cua ở xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Người tử vong là Phạm Đặng Toàn, 24 tuổi.

Theo lời của ông Phạm Đặng Tiến, anh trai nạn nhân thuật lại là nhóm người này không phải tụ tập để đánh bạc lớn, chỉ là hình thức trò chơi “bầu cua cá cọp”

“Đại khái không phải là đánh bạc gì lớn, mà là đánh bầu cua nhỏ nhỏ, 10 ngàn, 20 ngàn. Khi công an ập vô, nó (người thiệt mạng) có tiền nhiều, nó sợ công an bắt nó nên nó chạy trốn. công an rượt theo đánh nó.”

Nhiều báo chí trong nước ngay sau đó loan tin này, cùng với tường trình sự việc là Tổ công tác Công an Huyện Tuy Phước đi tuần tra trên các đoạn đường thuộc địa bàn huyện. Đến 22 giờ 15 phút cùng ngày, Tổ tuần tra phát hiện một nhóm thanh niên khoảng 20 - 30 người đang tụ tập tại khu vực chợ Định Thiện đang đánh bầu cua.

Trong một diễn tiến khác xảy ra ngay ngày đầu năm mới được cộng đồng mạng truyền nhau nhanh chóng, vào lúc 0 giờ 24 phút ngày 1/1/2017, tại cổng B trường đại học Cần Thơ đường 3/2; phường Xuân Khánh; Quận Ninh Kiều; thành phố Cần Thơ, một thanh niên bị cho là ngừng xe trên đường gây lấn chiếm lòng lề đường bị 2 cảnh sát cơ động đánh gây tổn thương nặng.

Bao che, bưng bít

Sự việc trên hoàn toàn không được báo chí trong nước nhắc đến.

Còn đối với cái chết của nạn nhân Phạm Đặng Toàn thì cách truyền tin của báo chí trong nước về sự việc này đã đẩy sự phẫn nộ của người dân lên đến tột đỉnh.

Thiếu tướng Nguyễn Bá Nhiên, giám đốc Công an tỉnh Bình Định được trích dẫn bởi những truyền thông chính thống nói rằng, Trung tâm Pháp y tỉnh đã khám nghiệm tử thi để điều tra nguyên nhân cái chết của anh Toàn. Và theo kết quả mới nhất được loan đi ngày 4 tháng 1 kết luận rằng, nạn nhân Phạm Đặng Toàn chết do chạy quá sức.

Anh của nạn nhân Toàn kể lại:

“Sáng nay khám nghiệm tử thi xong rồi thì công an tỉnh Bình Định nói là đem về tỉnh để xét xử nhưng mà có xét xử hay không cũng không biết rõ được.”

Luật sư Võ An Đôn cho biết gia đình nạn nhân ngay sau xảy sự việc có liên lạc với ông để trình bày, và ông sẽ sẵn sàng hỗ trợ pháp lý miễn phí cho gia đình nếu cần thiết.

Tuy nhiên, ông không nghĩ rằng pháp luật sẽ đứng về phía gia đình nạn nhân, cho dù theo ông, trong suốt thời gian qua đã xảy ra rất nhiều vụ việc công an đánh chết dân ở nhiều nơi:

“Nhưng khi báo chí đăng rồi, trang mạng lên thì không thấy các cơ quan nhà nước vào cuộc. Mà đã vào cuộc rồi thì cũng im xuôi. Theo tôi được biết, cảm nhận cá nhân cũng như quá trình làm việc, kinh nghiệm cho thấy những vụ việc này đa số là bên phía nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng không khởi tố, bưng bít thông tin, bao che. Và chính tình trạng bao che này nên xảy ra tình trạng đánh chết dân là tất nhiên rồi.”

Ngày sau khi câu chuyện nghi án công an Bình Định đánh chết người được lan truyền khắp mạng xã hội cùng với phản ứng mạnh mẽ của người dân, bà Nguyễn Thị Thắm, người đưa đoạn phim lên trang facebook cá nhân đã lên tiếng xin lỗi cộng đồng mạng với lý do đưa tin sai sự thật. Bà Thắm thừa nhận mình là người quay và đăng tải 2 đoạn phim ngắn cảnh 2 công an huyện Tuy Phước bị hành hung.

Tuy nhiên, điều này lại một lần nữa làm cộng đồng mạng nổi giận với hàng loạt những chia sẻ cho thấy họ không tin đây là hành động được thực hiện bởi chủ ý cá nhân của bà Thắm.

Khó giải quyết

Những lý do khác khiến người dân ngày càng bức xúc là những câu chuyện liên quan đến hành xử của công an trong lúc thực hiện việc được gọi là “thi hành công vụ” hoặc người dân tử vong sau khi ra khỏi phường, nhập viện sau khi lên phường làm việc đã không được điều tra và có câu trả lời thoả đáng. Hầu như tất cả nghi án đều đi đến một kết luận là vụ việc đang được tiến hành điều tra, hoặc người bị tố thực hiện hành vi đó bị đình chỉ công tác.

Anh Võ Hướng, người bị công an huyện Tuy Đức đánh liệt nửa người vì cho là có liên quan đến vụ ghi số đề tại nhà vào ngày 8 tháng 11 năm 2016 cho biết, sau 3 tháng, chính quyền địa phương vẫn đang điều tra, chưa thấy thông báo gì cho gia đình.

“Cách đây khoảng 1 tuần 10 ngày, người ta có mời người nhà ra làm việc, hỏi thì người ta nói là đang trong quá trình điều tra, chưa có hồ sơ gì cả.”

Luật sư, tù nhân lương tâm Lê Quốc Quân nói rằng ông rất lo ngại khi những câu chuyện tương tự như thế diễn ra ngày càng phức tạp hơn.

“Bất cứ nơi đâu còn việc đánh thì nó đánh, nó đánh cả luật sư Nam, luật sư Quân. Nhiều thứ nó gây chìm xuồng lắm.”

Ông nhận xét về những hành vi của lực lượng công an là “sự ngang nhiên không có pháp quyền và vô pháp luật.”

Luật sư Quân cho biết rất khó để mà giải quyết vì trong con người đó và chính lời của họ nói ra, họ đã thừa nhận mình đang phục vụ cho một hệ thống không có pháp luật. Trong hệ thống đó, công an và côn đồ, không phân biệt được.

Kể lại một sự việc đã xảy ra khi ông nhận lời mời đến buổi chiêu đãi ở Đại sứ quán Mỹ, ông đã bị ngăn chặn bởi lực lượng công an. Lúc đầu là những lời lẽ rất lịch sự bởi những người xưng là công an. Nhưng sau đó:

“Nhưng sau khi lý luận một hồi, tôi vẫn cứ đi thì họ xô vào và nói tao là côn đồ đây, mày không được đi. Đi ra là đánh.”

Cho đến giờ phút này, chưa có kết luận nào khác do cơ quan chức năng đưa về vụ việc của nạn nhân Phạm Đặng Toàn ngoài kết quả “chết vì chạy quá sức.” Trong khi đó, rất nhiều ý kiến tiếp tục chia sẻ truyền nhau trên cộng đồng mạng cho biết họ đang chờ Bộ trưởng Bộ công an có câu trả lời thoả đáng cho sự việc này. - RFA
|
|

12.
Phim cấm (dưới 18 tuổi) được phép chiếu rạp ở Việt Nam

Bắt đầu từ năm nay, Việt Nam cho phép trình chiếu các phim cấm người xem dưới 18 tuổi tại các rạp phim nhưng liệu việc kiểm duyệt và cắt phim có còn diễn ra nữa không là vấn đề đang gây tranh cãi.

Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch Việt Nam vừa thông qua bảng tiêu chí phân loại phim cho phép Cục Điện Ảnh phân loại và gắn nhãn phim chiếu rạp bắt đầu từ 1/1 năm nay. Trong 4 mức phân loại dựa trên mức độ bạo lực và những cảnh “nóng” trong phim, những phim cấm người xem dưới 18 tuổi giờ đây sẽ được trình chiếu tại các rạp trong nước.

Theo truyền thông trong nước, nhiều đạo diễn và diễn viên ủng hộ việc phân loại phim và cho rằng đây là “một điều tiên tiến và đáng mừng cho điện ảnh Việt Nam”.

Diễn viên Hồng Ánh, người nổi tiếng trong các phim Người Đẹp Tây Đô, Đời Cát và Người Đàn Bà Mộng Du, cho rằng việc này đáng ra phải được thực hiện từ lâu:

"Cái này là một tín hiệu vui vì trên thế giới người ta đã có những phân loại phim theo từng độ tuổi rồi mà Việt Nam mình bây giờ mới có áp dụng cái này. Với những người làm nghề, tôi thấy điều này lẽ ra nên làm từ lâu rồi."

Cục trưởng Cục Điện Ảnh Ngô Phương Lan được Dân Trí trích lời nói bảng phân loại phim của Việt Nam được làm dựa trên bảng phân loại phim của Singapore và tham khảo các bảng phân loại phim của Mỹ, Anh và Australia để hoàn thiện. Theo bà Lan, trong năm 2016 có hơn 30 phim không được ra rạp sau khi thẩm định của các nhà chuyên môn về điện ảnh.

Đạo diễn Bảo Nhân của bộ phim mới ra mắt Chạy Đi Rồi Tính được trích lời nói việc phân loại sẽ làm cho “dòng phim nào cũng có khán giả của riêng mình” và “việc này cũng giúp người làm phim cảm thấy dễ thở hơn.”

Trước đây các đạo diễn phim ở Việt Nam luôn than phiền về sự cắt cúp phim một cách bất hợp lý của bộ phận kiểm duyệt. Theo Tuổi Trẻ, đã có không ít bộ phim Việt và phim nước ngoài không được cấp phép phổ biến tại Việt Nam và các yêu cầu chỉnh sửa nội dung hình ảnh của phim “dường như đã thành chuyện ‘cơm bữa’ đối với một số phim sau khi đã hoàn thành.

Diễn viên Hồng Ánh, người từng giành nhiều giải thưởng điện ảnh quốc tế, sức ép từ những nhà làm phim và đạo diễn, diễn viên đã dẫn tới việc thực hiện phân loại này:

"Không có những thanh phân loại như vậy thì nhiều khi việc kiểm duyệt cũng khá cảm tính. Cho nên từ những bộ phim có lẽ đã gặp những vấn đề về kiểm duyệt trước đây đã dẫn đến việc người ta bắt buộc phải đi theo quy chuẩn chung mà các nền điện ảnh của các nước trên thế giới đã làm."

Tuy nhiên đạo diễn Phan Đăng Di nêu câu hỏi trong bài phỏng vấn với Tuổi Trẻ rằng liệu “khi mức phân loại 18+ được áp dụng thì việc cắt phim có còn được áp dụng nữa hay không?” Diễn viên Hồng Ánh nói ít nhất thì việc ban hành quy chế dán mác quy định độ tuổi người xem đã “mở ra vấn đề tôn trọng sự tự do sáng tác của những người làm ra tác phẩm điện ảnh nhiều hơn trước đây.”

Còn việc kiểm soát người vào rạp xem như thế nào cũng đang gây nhiều tranh luận bởi không giống như ở Mỹ khi cho phép người xem và rạp chiếu phim tự quyết định việc phân loại phim theo độ tuổi, ở Việt Nam hội đồng thẩm định phim quốc gia là người quyết định cấp phép và dán nhãn. Do đó, để kiểm soát các phim có dán nhãn C16 và C18 (cấm người xem dưới 16 và 18 tuổi), ông Vương Thế Phong của cụm rạp CGV nói qua trích lời của Tuổi Trẻ rằng rạp sẽ yêu cầu khán giả phải xuất trình chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc thẻ học sinh. - VOA
|
|

13.
Hộ chiếu Việt 'không mạnh bằng hộ chiếu Cuba'

Bảng phân hạng hộ chiếu trên toàn cầu dựa vào số quốc gia cho phép miễn thị thực xếp Việt Nam vào vị trí 77/95, kém Cuba và Zimbabwe.

Bảng phân hạng The Passport Index cho năm 2016 được công ty tư vấn tài chính Arton Capital đưa ra vào cuối tháng 12.

Theo đó, hai quốc gia có hộ chiếu 'mạnh' nhất là Đức (đi 158 nước không cần visa) và Thụy Điển (157 nước).

Anh quốc đứng thứ ba cùng 5 nước khác, trong đó có Hàn Quốc, mà công dân được 156 quốc gia miễn thị thực.

Các nước Á châu đứng thứ hạng cao khác là Singapore, Malaysia, Nhật Bản.

Việt Nam đứng thứ 77, cùng hạng với Campuchia, Madagascar và Ai Cập, đi được 50 nước mà không phải xin visa.

Tuy nhiên hộ chiếu Việt Nam 'yếu' hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực như Thái Lan (xếp thứ 57), Philippines (66) hay Indonesia và Trung Quốc (đồng hạng 72).

Việt Nam nằm trên Ấn Độ và Bhutan, đồng thời hơn một số quốc gia đang gặp chiến tranh ở Trung Đông như Syria hay Iraq.

Nằm cuối bảng xếp hạng là Afghanistan. Hộ chiếu nước này chỉ cho phép đi 24 nước không cần thị thực. - BBC



No comments:

Post a Comment