Monday, January 30, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Hai 30/1

Tin Thế Giới

1.
TQ coi Mỹ, Bắc Hàn và Nhật là mối đe dọa --- Chuyên gia Mỹ: Washington cần tiếp tục răn đe Bắc Kinh về Biển Đông

Giới phân tích của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc coi Hoa Kỳ và Bắc Hàn là các mối đe dọa hàng đầu và quan ngại xung đột ở Biển Đông, Kyodo News nói.

Tài liệu phân tích mà hãng thông tấn Nhật Bản đọc được cho thấy mặc dù hai láng giềng có truyền thống quan hệ ngoại giao thân thiện, giới hoạch định chính sách quân sự Trung Quốc coi Bắc Hàn là mối đe dọa khi xét đến việc Bình Nhưỡng phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân.

Tài liệu được in vào tháng 5/2016, là hướng dẫn thao tập thời chiến để chuẩn bị đối phó với các mối đe dọa của kẻ thù giả tưởng.

Phân tích này nói về tình huống Trung Quốc phải đối mặt, các chiến lược gia trích dẫn "năm mối đe dọa tiềm năng", với Hoa Kỳ và chiến lược "tái cân bằng châu Á" của Mỹ là nghiêm trọng nhất.

Được đề cập hàng thứ hai là Bắc Hàn, và các nhà phân tích lưu ý việc Bình Nhưỡng tuyên bố họ là một cường quốc hạt nhân và đã lập nhiều cơ sở hạt nhân gần biên giới với Trung Quốc.

Nếu chiến tranh nổ ra một lần nữa trên bán đảo Triều Tiên, tài liệu này nói, thì sẽ gây ra một "mối đe dọa lớn" đến phía bắc và đông bắc của Trung Quốc.

Nhật Bản được đề cập tới là mối đe dọa thứ ba, với các chiến lược gia nói về thực trạng hai nước có tranh chấp các đảo mà Nhật Bản kiểm soát tại Biển Hoa Đông.

Với phi cơ và tàu của hai nước ra vào khu vực này, xung đột quân sự có thể xảy ra.

Đứng thứ tư là Nam Hải (Biển Đông) là nơi Việt Nam và Philippines có những tuyên bố về chủ quyền chồng chéo với Trung Quốc và một số nước khác.

Giới hoạch định chính sách quân sự Trung Quốc ghi nhận việc nước này đang mở rộng sức mạnh quân sự của mình trong khu vực này, chẳng hạn như bằng cách triển khai radar phòng không trên đảo mà Trung Quốc kiểm soát.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ Bắc Kinh chỉ có thể kiểm soát hiệu quả một số nơi và do đó "không thể lạc quan."

Ấn Độ, là nước có tranh chấp biên giới với Trung Quốc và đang tăng cường lực lượng quân sự của mình, được nhắc tới như mối đe dọa đứng ở vị trí thứ năm. - BBC

***
Trong một bài viết ngày 27/01/2017 mang tựa đề rất khô khan: Các nguyên tắc chỉ đạo về Biển Đông cho tân chính quyền (Mỹ) - South China Sea Guidelines for the New Administration – trung tâm Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á AMTI thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS tại Washington đã nêu bật 5 khuyến cáo mà các chuyên gia Mỹ về Biển Đông vừa nhất trí chuyển đến chính quyền Donald Trump để đề nghị thực hiện.

Đối với hai chuyên gia Geoffrey Hartman và Amy Searight, tác giả bài viết, có rất nhiều khả năng là Bắc Kinh sẽ sớm thách thức nghiêm trọng quyết tâm của Washington tại Biển Đông, nơi mà Mỹ đã cố đáp trả một cách có hiệu quả trước các hành vi quyết đoán của Trung Quốc. Các lợi ích lâu dài của Mỹ - từ quyền tự do hàng không và hàng hải, tôn trọng một trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, cho đến giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình – tất cả đều bị đe dọa.

Các mục tiêu của Mỹ như duy trì các quan hệ liên minh và đối tác trong vùng, bảo vệ chuẩn mực và quy tắc quốc tế, và duy trì một quan hệ có hiệu quả với Trung Quốc là điều vẫn có giá trị. Thế nhưng Trung Quốc đã ra tay trước ở Biển Đông và Hoa Kỳ cần phải thay đổi chiến lược để xoay chuyển chiều hướng và tránh được cái bẫy của một đối sách bị động và vô hiệu quả.

Cho đến nay, phản ứng của Mỹ trước các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông chưa đủ để làm cho Bắc Kinh thay đổi cách xử sự, thậm chí nuôi dưỡng lập luận theo đó Trung Quốc đang đẩy được Mỹ ra khỏi khu vực.

Đối với nhiều nước trong khu vực, việc chống lại các nỗ lực của Trung Quốc đã trở thành thước đo quan trọng về sự dấn thân của Mỹ vào khu vực. Nếu các hành vi bức hiếp của Trung Quốc vẫn không bị Mỹ đáp trả, điều đó sẽ gởi một tín hiệu nguy hiểm về sức mạnh của hệ thống liên minh của Mỹ trong vùng, và giảm thiểu vai trò đối tác an ninh của Washington.

Để ngăn chận các cố gắng của Trung Quốc nhằm khống chế Biển Đông, Hoa Kỳ cần có một chiến lược lâu bền để tăng cường năng lực của mình, làm việc hữu hiệu hơn với các đồng minh và đối tác, và củng cố trật tự khu vực. Để làm được điều này, chính quyền mới ở Mỹ nên nhanh chóng duyệt xét lại chiến lược Biển Đông từ trên xuống dưới và một cách cặn kẽ, sao cho có thực chất hơn và hữu hiệu hơn.

Trong khi chuẩn bị rà soát và củng cố chiến lược của mình ở Biển Đông, chính quyền mới nên giữ trong đầu những lời khuyến cáo ghi trong báo cáo của Trung Tâm CSIS, đưa ra ngày 25/01, mang tựa đề : « Biển Đông – Một vài nguyên tắc chiến lược cơ bản », với sự đóng góp của các chuyên gia về Châu Á tại CSIS— Tiến sĩ Michael Green, tiến sĩ Zack Cooper, Bonnie Glaser, Andrew Shearer, và Greg Poling.

Khuyến cáo 1: Phải tiếp tục răn đe và đồng thời hợp tác

Cho dù hợp tác của Trung Quốc cần thiết để giải quyết một số vấn đề khu vực và toàn cầu – như hành vi hiếu chiến của Bắc Triều Tiên hay vấn đề biến đổi khí hậu – Hoa Kỳ không nên để bị Trung Quốc bắt bí vì sợ rằng chiến lược răn đe mạnh hơn sẽ cản trở công cuộc hợp tác song phương.

Mọi cố gắng giảm nhẹ chính sách của Mỹ ở Biển Đông để bảo vệ công cuộc hợp tác với Trung Quốc trong các lãnh vực khác đều không cần thiết, thậm chí còn không hiệu quả nữa là khác. Hợp tác trong những lãnh vực hai bên cùng chia sẻ quyền lợi không chỉ quan trọng đối với Mỹ mà cũng quan trọng đối với Trung Quốc.

Lãnh đạo Mỹ không nên lo ngại về tình hình căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung. Mỹ có thể vừa kiên quyết trên các nguyên tắc của mình và răn đe để không cho Trung Quốc làm hỏng trật tự khu vực, vừa duy trì quan hệ hiệu quả với Bắc Kinh. Nhượng bộ trên quyền lợi thiết yếu của mình ở Châu Á, sẽ không khuyến khích hợp tác rộng hơn trên những vấn đề toàn cầu. Thậm chí việc nhận thấy một sự yếu đuối nơi Mỹ có thể khuyến khích giới lãnh đạo ở Bắc Kinh có thái độ quyết đoán hơn.

Tóm lại, một cách tiếp cận mang tính răn đe mạnh mẽ hơn không nhất thiết cản trở công cuộc hợp tác có lợi cho cả hai nước.

Khuyến cáo 2: Có chính sách và thông điệp nhất quán và bền vững

Chính quyền mới cần đưa ra những thông điệp chiến lược rõ ràng và nhất quán, bởi vì sự thiếu mạch lạc trong việc gắn kết các mục tiêu của chiến lược tái cân bằng lực lượng vừa qua đã gây ra sự ngộ nhận nơi Trung Quốc cũng như các đồng minh và đối tác của Mỹ.

Cụ thể là những lời giải thích không nhất quán về cách Hoa Kỳ xử lý đà tăng cường quyền lực và ảnh hưởng của Trung Quốc – song song với việc thực thi vế quân sự rất rầm rộ của chiến lược tái cân bằng - đã làm gia tăng thái độ nghi kỵ của Bắc Kinh về việc Washington tìm cách ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Thông điệp và chính sách thiếu nhất quán – trong đó có các chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải và duy trì sự hiện diện thường xuyên - cũng đã gây nên hiểu lầm trong khu vực. Chính quyền mới nên cung cấp lời giải thích có thẩm quyền về các hoạt động này và không nên thay đổi lịch trình để chiều theo áp lực của Trung Quốc.

Hoa Kỳ nên tiến tới, các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải và khẳng định sự hiện diện thường xuyên phải được thực hiện một cách đều đặn để chứng tỏ quyết tâm của Hoa Kỳ sẵn sàng cho không quân và hải quân hoạt động bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Đây là điều quan trọng, nhưng cũng phải cẩn thận tính đến những yếu tố không lường trước được khi vạch ra chiến thuật và thực hiện các chiến dịch để ngăn không cho Bắc Kinh trở nên quá tự tin vào khả năng dự đoán phản ứng của Hoa Kỳ.

Khuyến cáo 3: Đa dạng hóa các biện pháp chống Trung Quốc

Đối với các chuyên gia Trung Tâm Chiến Lược, chính sách của Mỹ ở Biển Đông cho đến nay đã dựa quá nhiều vào các giải pháp quân sự, vốn không phải lúc nào cũng hiệu quả nhất. Cách đáp trả về mặt ngoại giao, thông tin, luật pháp, kinh tế hiện không được chú ý nhiều trong chính sách Trung Quốc của Hoa Kỳ. Việc đưa các giải pháp này vào trong chính sách sẽ rất quan trọng cho thành công trong việc làm cho Trung Quốc lùi bước trong dài hạn.

Một ví dụ là có thể tính đến việc trừng phạt có chọn lọc nhắm vào các công ty Trung Quốc tham gia vào các hoạt động gây mất ổn định. Hoa Kỳ có khả năng gây sức ép trên Trung Quốc trong những lãnh vực không liên quan trực tiếp đến vùng Biển Đông và nên xem xét khả năng sử dụng hoặc đe dọa sử dụng những công cụ này để ổn định trật tự khu vực.

Khuyến cáo 4: Tăng cường giúp đỡ đồng minh và đối tác

Hoa Kỳ cần tăng cường các nỗ lực giúp các đồng minh và đối tác xây dựng năng lực để cải thiện khả năng của các nước này chống lại sự thúc ép của Trung Quốc. Nỗ lực xây dựng năng lực thành công sẽ cho phép các quốc gia Đông Nam Á tự bảo vệ tốt hơn, tạo nên sự răn đe chống lại các hành vi bức hiếp ở của Trung Quốc ở cấp độ thấp, cho phép quân đội Mỹ tập trung nhiều hơn vào việc răn đe ở cấp cao.

Để tạo điều kiện cho việc nâng cao năng lực các đối tác, Washington cần phải giữ gìn các mối quan hệ quốc phòng trong khu vực. Khả năng của Hoa Kỳ hợp tác với các quốc gia ở tuyến đầu phụ thuộc vào thái độ hợp tác và tuân thủ của các nước này trong lãnh vực nhân quyền và quản trị tốt nhà nước.

Khuyến cáo 5: Duy trì lập trường trung lập về tranh chấp chủ quyền

Các chuyên gia đã đi đến kết luận : Hoa Kỳ có một số lợi thế lâu dài khiến cho các nước trong khu vực tiếp tục chọn Mỹ làm đối tác an ninh hàng đầu, trong đó việc Mỹ có lực lượng quân sự mạnh nhất thế giới, lại được thiện cảm của các cư dân địa phương, và một chính sách ngoại giao ít hung hăng hơn Trung Quốc. Với những lợi thế đó, Washington có đủ sức tập trung vào việc duy trì vai trò của mình ở châu Á, và có thể tin rằng chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Quốc có thể sẽ đẩy nhiều quốc gia quay sang Hoa Kỳ để nhờ hỗ trợ.

Lập trường xưa nay của Hoa Kỳ là trung lập đối với các tranh chấp chủ quyền trên các vùng đất ở Biển Đông, trong khi vẫn khẳng định rằng những tranh chấp phải được giải quyết một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế. Đây là một lập trường đúng đắn và cần được duy trì.

Lập trường đó cho phép Mỹ bảo vệ lợi ích của mình mà không vướng vào các tranh chấp chủ quyền chằng chịt ở Biển Đông. Vị trí trung lập trước các tranh chấp chủ quyền cho phép Hoa Kỳ can thiệp một cách linh hoạt vào Biển Đông để bảo vệ lợi ích của mình cũng như chuẩn mực và luật lệ quốc tế, đồng thời phản bác các cố gắng của Trung Quốc cho rằng các hành động của Hoa Kỳ là một mối đe dọa đến chủ quyền của Bắc Kinh.

Các nước tranh chấp khác chào đón sự can thiệp của Hoa Kỳ chính là vì Washington không thiên vị bên này chống bên kia. - RFI
|
|

2.
Trung Quốc nhẹ giọng với lệnh di trú của ông Trump

Hôm thứ Hai, Trung Quốc đưa ra những chỉ trích nhẹ nhàng đối với sắc lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump cấm người dân từ 7 quốc gia Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ. Bắc Kinh nói chính sách nhập cư là quyền của mỗi quốc gia nhưng “những quan ngại hợp lý” cần phải được xem xét.

Ông Trump đã ký lệnh cấm vào thứ Sáu. Nhiều đảng viên Dân chủ và ngày càng nhiều đảng viên Cộng hòa ở Mỹ đã đả kích động thái trên. Các lãnh đạo nước ngoài cũng lên án lệnh cấm giữa lúc tòa án tạm dừng lệnh cấm và hỗn loạn xảy ra tại các sân bay Mỹ.

Ông Trump nói sắc lệnh của ông “không phải về tôn giáo” nhưng là để giữ an toàn cho nước Mỹ. Ông Trump đã đưa ra chính sách trên như là một cách để bảo vệ nước Mỹ khỏi sự đe dọa của các chiến binh Hồi giáo.

Trong một tuyên bố gửi cho Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói họ đã ghi nhận các báo cáo về quyết định của chính quyền Hoa Kỳ.

Bộ này nói: “Trung Quốc cho rằng việc điều chỉnh chính sách nhập cư, nhập cảnh và xuất cảnh nằm trong phạm vi chủ quyền của mỗi nước”. Nhưng tuyên bố nói thêm rằng “Đồng thời, những động thái liên quan cũng phải xem xét đến những mối quan ngại hợp lý của các quốc gia liên quan”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc không phân tích thêm chi tiết.

Trung Quốc đang trong tuần nghỉ Tết Nguyên Đán. Các cơ quan chính phủ không làm việc cho đến ngày thứ Sáu.

Trung Quốc đã rất nỗ lực để có vai trò ngoại giao lớn hơn ở Trung Đông. Nước này có mối quan hệ đặc biệt gần gũi với Iran và Sudan, hai trong bảy quốc gia nằm trong danh sách bị cấm của ông Trump.

Trung Quốc cũng là quê hương của khoảng 20 triệu người Hồi giáo, trong đó có sắc tộc thiểu số Uighur ở Tân Cương, nơi chính quyền Trung Quốc nói họ cũng đang phải đối diện với các chiến binh Hồi giáo.

Các nhóm nhân quyền và những người lưu vong nói chính sách đàn áp của Trung Quốc ở Tân Cương, bao gồm kiểm soát đạo Hồi, là nguyên nhân gốc rễ của tình trạng bất ổn đã giết chết hàng trăm người trong vài năm qua.

Trung Quốc phủ nhận có bất kỳ sự đàn áp nào và nói nước này đảm bảo quyền tự do tôn giáo. - VOA
|
|

3.
Canada mở cửa tạm trú cho du khách bị kẹt bởi lệnh cấm của Mỹ --- Canada: Thảm sát trong một đền thờ Hồi giáo tại Quebec

Canada sẽ cho phép tạm trú đối với bất kỳ du khách nào bị mắc kẹt bởi lệnh của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cấm tạm thời những người đến từ các quốc gia mà người Hồi giáo chiếm đa số, một giới chức cấp cao Canada cho biết hôm Chủ nhật.

Bộ trưởng Nhập cư Ahmed Hussen nói trong một cuộc họp báo rằng ông không biết có bao nhiêu người hội đủ tiêu chuẩn, nhưng cho biết chỉ có một số ít những hành khách trên đường từ Canada đến Hoa Kỳ bị từ chối không cho lên máy bay.

Quyết định đưa ra hôm thứ Sáu của ông Trump cũng ảnh hưởng đến những người tị nạn, khiến nhiều người không chắc liệu họ có thể nhập cảnh vào Hoa Kỳ hay không.

Ông Hussen nói: “Tôi đảm bảo với những người bị mắc kẹt tại Canada rằng tôi sẽ sử dụng quyền hạn bộ trưởng của mình để cho họ tạm trú nếu cần”.

Chính phủ của Thủ tướng đảng Tự Do Justin Trudeau đã kìm chế không chỉ trích Hoa Kỳ, nơi chiếm đến 75% xuất khẩu của Canada. Thay vào đó, Canada nhấn mạnh đến việc mở cửa cho người tị nạn.

Ông Hussen nói: “Mỗi quốc gia đều có quyền quyết định các chính sách của mình”.

Hội đồng Canada về Người tị nạn và Hiệp hội Tự do Dân sự Canada (CCLA) đã kêu gọi Ottawa rút khỏi Hiệp định Nước thứ ba An toàn với Hoa Kỳ, theo đó Canada sẽ trả về những người tị nạn vượt biên giới.

Động thái trên sẽ là một sự xúc phạm ngoại giao và ông Hussen cho biết hiệp định trên sẽ không thay đổi vào lúc này.

Các chính trị gia địa phương và quốc gia đã lên án lệnh cấm của ông Trump và phe đối lập Dân chủ mới muốn có một cuộc tranh luận khẩn cấp tại Quốc hội liên bang.

Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Toronto cho biết sẽ đình chỉ các dịch vụ vào ngày thứ Hai vì một cuộc biểu tình đã được lên kế hoạch.

Hôm Chủ nhật, hơn 200 người sáng lập các công ty công nghệ Canada, các giám đốc điều hành và các nhà đầu tư nói Ottawa hãy ngay lập tức cho phép những người phải di dời theo lệnh của ông Trump được tạm trú.

Những người này lên tiếng trong một bức thư ngỏ: “(Chúng tôi) hiểu sức mạnh của sự tham gia và sự đa dạng trong tư tưởng. Tài năng và kỹ năng là không có biên giới”.

Canada muốn thu hút công nhân công nghệ từ nước ngoài trong khi vẫn tìm cách giữ những người thường bị lôi kéo đi khỏi nước. Hơn 300.000 người Canada đang làm việc tại thung lũng Silicon ở California. - VOA

***
Sáu người chết, tám người bị thương, hai nghi can bị bắt. Trên đây là kết quả một vụ nổ súng trong Trung tâm Văn hóa Hồi giáo tại Québec, Canada, vào tối Chủ nhật 29/01/2017. Theo các nhân chứng, hai kẻ bịt mặt nổ súng vào khoảng 50 tín đồ đang cầu nguyện, cả hai nghi can đã bị bắt.

Theo AFP, vụ tấn công xảy ra vào lúc 19 giờ 30 chủ nhật vào lúc buổi cầu nguyện cuối cùng trong ngày kết thúc. Các nhân chứng kể lại, một trong hai kẻ bịt mặt, có giọng nói người Quebec.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau lên án « hành động khủng bố chống tín đồ đạo Hồi tại một nơi thờ phượng và tịnh tâm ».

Đây là lần đầu tiên xảy ra một vụ tấn công đẫm máu nhắm vào một đền thờ Hồi giáo ở Canada mà số tín đồ được thẩm định hơn một triệu người.

Mùa hè vừa qua, Trung tâm Văn hóa Hồi giáo Québec từng là nạn nhân của một hành động khiêu khích thù oán. Vào đúng mùa chay Ramadan, một đầu heo được ném vào cửa của Trung tâm trong khi nhiều truyền đơn « bình luận về vụ việc » được phân phát trong thành phố.

Thị trưởng Québec, Régis Labeaume, trong xúc động, kêu gọi tinh thần liên đới của người dân Québec như là phản ứng "hiệu quả nhất trước thảm nạn không thể hiểu được như thế này tại thành phố yên bình" của Canada. - RFI
|
|

4.
TT Duterte tố cáo kho vũ khí Mỹ tại Philippines đe dọa an ninh quốc gia --- Philippines 'tạm ngưng cuộc chiến chống ma túy'

Theo Reuters, trong cuộc họp báo tại Manila, ngày hôm qua, 29/01/2017, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tố cáo chính quyền Mỹ xây dựng các cơ sở quân sự, kho vũ khí trên lãnh thổ Philippines mà không hề xin phép chính quyền nước này.

Nguyên thủ Philippines nói : «Người Mỹ đang xây dựng các kho và họ đưa vũ khí vào Philippines, vào Palawan, Cagayan de Oro và Pampanga. Tôi sẽ không cho phép họ làm như vậy».

Ông Duterte cũng nhấn mạnh là thỏa thuận hợp tác quân sự giữa hai nước, được ký năm 2014, không cho phép Mỹ xây dựng các cơ sở quân sự thường trực trên lãnh thổ Philippines.

Hàm ý nói đến nguy cơ xung đột quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc, ông Duterte bày tỏ lo ngại : «Thậm chí tôi không biết là có tên lửa mang đầu đạn hạt nhân ở trong các kho chứa này hay không ».

Theo tổng thống Duterte, « các hành động này của Washington đe dọa an ninh của Philippines ».

Duterte : « Chống ma túy đến hết nhiệm kỳ »

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố « cuộc chiến chống ma túy » sẽ không kết thúc vào tháng
Ba năm nay như đã loan báo, mà sẽ kéo dài cho đến khi hết nhiệm kỳ vào năm 2022. Lần đầu tiên « Donald Trump» châu Á nhìn nhận lực lượng cảnh sát có toàn quyền sinh sát trong chiến dịch này đã bị tham ô lũng đoạn.

Theo AFP, trong cuộc họp báo ngày 30/01/2017 tại Manila, tổng thống Philippines cho biết cuộc chiến chống ma túy mà tính chất thô bạo làm công luận trong và ngoài nước lo ngại, sẽ kéo dài cho đến khi ông hết nhiệm kỳ vào năm 2022.

Nhậm chức vào tháng 6/2016 với nhiệm kỳ sáu năm, tổng thống Duterte nhiều lần xác quyết sẽ tận diệt ma túy trong vòng 6 tháng . Từ đó đến nay, 2500 « nghi can » bị hạ sát không kể 4000 người bị giết trong những điều kiện không giải thích được.

Tổng thống Duterte cũng nhìn nhận có nhiều vấn đề tham ô nghiêm trọng trong lực lượng cảnh sát trong bối cảnh nhiều tiếng nói tố cáo an ninh Philippines hành động sai trái, phạm tội ác mà không sợ bị nghiêm trị.

Hàng loạt vụ hành quyết người vô tội nhân danh bài trừ ma túy và bắt cóc hay cướp bóc doanh nhân, du khách Hàn Quốc mà một nạn nhân chết trong trụ sở cảnh sát quốc gia đã được báo chí đăng tải trong những ngày gần đây.

Bị các phóng viên chất vấn, tổng thống Duterte lần đầu tiên nhìn nhận « 40% nhân viên an ninh » là những kẻ tham ô, bê bối. Trước đây trong những lần bị công kích, tổng thống Duterte luôn đáp trả bằng lời lẽ thô bạo. Theo AFP, lần này ông công nhận sự thật « cảnh sát Philippines bị tham ô xâm nhập đến tận xương tuỷ » và ông hứa sẽ « xem xét từng trường hợp bị tố cáo và trừng trị từng thủ phạm ».

Không rõ là lời tuyên bố « trong sạch hóa » này sẽ được thực hiện tới đâu vì tổng thống Philippines luôn luôn khuyến khích cảnh sát viên thẳng tay hạ sát « con buôn » ma túy mà không sợ bị pháp luật điều tra. - RFI

***
Cảnh sát Philippines tạm ngưng cuộc chiến chống ma túy gây tranh cãi cho tới khi lực lượng cảnh sát "tham nhũng" được"thanh lọc".

Cảnh sát trưởng Ronald dela Rosa hôm thứ Hai nói các đơn vị phòng chống ma túy sẽ bị giải tán.

Tuyên bố được đưa ra sau vụ một thương gia Nam Hàn bị giết chết bên trong trụ sở cảnh sát. Ông này bị cảnh sát phòng chống ma túy bắt cóc và giết chết.

Hơn 7.000 người đã thiệt mạng kể từ khi nước này tiến hành cuộc trấn áp tội phạm ma túy.

Con số người chết và quan điểm cứng rắn của Tổng thống Rodrigo Duterge đối với ma túy đã khiến các nhóm nhân quyền và các nước phương Tây lên tiếng chỉ trích gay gắt, tuy ông tổng thống vẫn nhận được mức độ ủng hộ cao từ phía người dâ Philippines.

Phát biểu hôm thứ Hai, ông Dela Rosa nói ông Duterte "bảo chúng tôi phải làm trong sạch tổ chức trước cái đã".

"Chúng tôi sẽ làm trong sạch hàng ngũ của mình... rồi có thể sau đó, chúng tôi sẽ nối lại cuộc chiến chống ma túy."

Tổng thống Duterte đã đưa mục tiêu chống tội phạm ma túy vào nhiệm vụ trung tâm của mình.

Ban đầu, ông cam kết sẽ tiễu trừ xong tội phạm chậm nhất là vào tháng Mười Hai, sau kéo dài thời hạn cho đến tháng Ba năm nay.

Tuy nhiên, trong cuộc họp báo hôm Chủ Nhật, ông nói với các phóng viên: "Tôi sẽ tiến hành cuộc chiến này cho tới ngày cuối cùng của nhiệm kỳ... không còn chuyện chỉ đến tháng Ba nữa."

Nhiệm kỳ của ông Duterte sẽ kết thúc vào năm 2022.

Ông nói trước đây ông đã đánh giá thấp mức độ trầm trọng của tệ nạn ma túy.

"Tham nhũng tới tận lõi"

Ông Duterte hôm Chủ Nhật cũng lên tiếng chỉ trích lực lượng cảnh sát và nói cương quyết "thanh lọc" lực lượng này, sau vụ sát hại ông Jee Ick-joo.

Ông Jee Ick-joo bị bắt tại tư gia ở thành phố Angeles, gần Manila, trong một vụ giả bố ráp ma túy, Bộ Tư pháp nói.

Sau khi bóp cổ ông tới chết, những kẻ sát hại ông giả vờ rằng ông vẫn còn sống để đòi tiền chuộc từ gia đình nạn nhân.

"Cảnh sát các anh là tham nhũng nhất. Các anh tham nhũng tới tận lõi. Nó nằm trong hệ thống của các anh," ông Duterte nói, và nhận xét thêm rằng ông nghĩ có tới 40% cảnh sát quen với việc tham nhũng.

Trước đây, ông Duterte đã từng tuyên bố ông sẽ ân xá cho các nhân viên cảnh sát nếu họ giết chết tội phạm và dân thường trong quá trình thi hành nhiệm vụ.

"Khi tôi nói tôi sẽ bảo vệ cảnh sát thì có nghĩa là tôi sẽ bảo vệ cảnh sát. Nhưng tôi không bảo vệ sự dối trá," ông nói. - BBC
|
|

Tin Hoa Kỳ

5.
Mỹ: Tư pháp 16 tiểu bang lên án sắc lệnh di trú của tổng thống --- Phong trào chống sắc lệnh di trú của D. Trump lan rộng trên thế giới

Tổng chưởng lý 16 tiểu bang tại Hoa Kỳ ngày 29/01/2017 đã ra thông cáo chung lên án sắc lệnh về di trú vừa được tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành. Đây là một trong nhiều sự kiện nổi bật phản ánh đà tăng tốc của phong trào tại Mỹ chống lại quyết định của tân chính quyền Trump cấm công dân 7 nước Hồi Giáo nhập cảnh Hoa Kỳ, vào lúc các cuộc biểu tình của người dân phản đối sắc lệnh tiếp tục lan rộng trên toàn quốc.

Trong thông cáo chung của mình, tổng chưởng lý của 16 tiểu bang tại Mỹ, trong đó có California, New York và Pennsylvania đã xác định là sẽ « sử dụng mọi công cụ trong quyền hạn » để chống lại sắc lệnh mà tổng thống Donald Trump đã ký hôm 27/01. Lãnh đạo tư pháp của các tiểu bang Mỹ này đã đánh giá là « vi hiến » lệnh cấm nhập cảnh vào Mỹ trong vòng 90 ngày của tổng thống Trump.

Các tổng chưởng lý nói trên đã công khai phản đối chính quyền Trump vào lúc thẩm phán ở nhiều thành phố như New York, Boston, Seattle… cũng ra phán quyết hủy bỏ một số điều khoản trong sắc lệnh của tổng thống Trump.

Theo ghi nhận của thông tín viên Anne Marie Capomaccio tại Washington, phong trào chống sắc lệnh của tổng thống Donald đang tăng tốc, với sự nhập cuộc của các tổ chức bảo vệ dân quyền, trong lúc giới chuyên gia đang xem xét khả năng kiện sắc lệnh hạn chế nhập cư là vi hiến.

" Phán quyết chống sắc lệnh di trú của nhiều thẩm phán Liên bang đã ngăn chặn được việc trục xuất những người đến Mỹ với visa hợp lệ, và cho phép họ có luật sư bảo vệ.

Nhưng đối với việc cấm người tị nạn nhập cảnh thì không có gì thay đổi, cũng như đối với những người đang đợi visa ở 7 quốc gia bị nêu tên trong sắc lệnh. Muốn thay đổi thì phải chứng minh là sắc lệnh đi ngược lại với Hiến Pháp.

Những vụ kiện sắc lệnh đang gia tăng. Tổ chức mang tên Hội Đồng Quan Hệ Mỹ - Hồi Giáo sẽ đệ đơn kiện về kỳ thị tôn giáo. Theo phát ngôn viên của Hội đồng, ông Ibrahim Hooper, thì « ông Trumpđã nói người Syria Thiên Chúa Giáo có thể vào Mỹ, còn người Syria Hồi Giáo thì không. Chính miệng ông Trump nói ra và đấy là kỳ thị tôn giáo. »

Công tố viên một số bang và đại biểu dân cử đảng Dân Chủ đang nghiên cứu cách chống lại sắc lệnh. Theo họ, tựa đề của văn kiện chẳng hạn : « Bảo vệ nước Mỹ chống lại khủng bố quốc tế » - điều đó tương tự như một bản án không thông qua xét xử đối với các nước liên can, và điều đó đi ngược lại Hiến Pháp Mỹ.

Sau cùng, đối với các tổ chức hiệp hội bảo vệ quyền công dân, việc thiếu chuẩn bị trong việc thực hiện sắc lệnh cũng là một lý do để hủy bỏ văn kiện này.

Dĩ nhiên là ông Trump đã phủ nhận các cáo buộc và đỗ lỗi cho truyền thông nói sai.

Nhà Trắng thì vẫn cương quyết giữ nguyên quan điểm : « Vào Mỹ không phải là một quyền và không có gì bị đình chỉ cả ». Còn đảng Cộng Hòa thì vô cùng kín đáo. Bị chất vấn, lãnh đạo nhóm Cộng Hòa ở Thượng Viện đã trả lời một cách mập mờ khó hiểu là các tòa án sẽ thực hiện công việc của mình.''

Một cách cụ thể, tổng thống Donald Trump hôm qua đã khẳng định rằng lệnh cấm của ông không nhắm vào bất kỳ tôn giáo nào mà chỉ nhắm tới khủng bố, vì sự an toàn của nước Mỹ.

Vào lúc Mỹ có quyết định đột ngột đóng cửa biên giới, nước láng giềng Canada đã có cử chỉ rất hào phóng. Theo hãng tin Pháp AFP, bộ trưởng Nhập Cư Canada vào hôm qua cho biết sẽ cấp quyền tạm trú cho những người đang bị kẹt tại Canada do bị ảnh hưởng từ lệnh cấm nhập cư vào Mỹ của tổng thống Donald Trump. - RFI

***
Từ Canada đến Anh Quốc, không kể đến các nước trong khối Ả Rập-Hồi Giáo, càng lúc càng có thêm những tiếng nói và hành động cụ thể phản đối sắc lệnh của tân tổng thống Mỹ Donald Trump cấm cửa công dân từ 7 nước có đa số dân theo Hồi Giáo. Nổi bật nhất là bản kiến nghị đòi chính quyền Anh Quốc hủy bỏ chuyến công du cấp Nhà nước của tân tổng thống Mỹ Donald Trump.

Theo ghi nhận của AFP, vào trưa nay, theo giờ Paris, đã có hơn một triệu người ký vào bản kiến nghị phản đối chuyến thăm Anh Quốc của tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến vào năm nay, để phản đối sắc lệnh chống nhập cư của ông.

Bản kiến nghị được công bố trên trang web của Nghị Viện Vương Quốc Anh xác định rằng ông Trump « có thể thăm Anh Quốc trong tư cách là người đứng đầu chính phủ Mỹ », nhưng không thể thực hiện một chuyến thăm cấp Nhà nước, với tất cả những nghi thức trang trọng kèm theo.

Theo ghi nhận của giới quan sát, kiến nghị yêu cầu không đón tiếp ông Trump trong một chuyến thăm cấp Nhà nước đã được đưa ra từ cuối năm ngoái, với lý do là tránh cho Nữ Hoàng Anh phải tiếp một con người thô tục. Tuy nhiên kiến nghị đó chỉ được vài trăm chữ ký.

Thế nhưng, sau khi ông Trump ký sắc lệnh cấm nhập cư đối với 7 quốc gia có phần đông người theo Hồi Giáo và ngưng tiếp nhận người tị nạn, số lượng người ký đã tăng vọt, tựa như mọi người muốn qua đó biểu thị thái độ chống chính sách kỳ thị của ông Trump.

Một quốc gia khác là Canada, thì đã dùng hành động cụ thể trong thẩm quyền của mình để tỏ thái độ phản đối sắc lệnh di trú của tổng thống Mỹ. Vào hôm qua, Ottawa loan báo quyết định cấp giấy tạm trú cho tất cả những công dân 7 nước bị ông Donald Trump vạch mặt chỉ tên và bị kẹt lại ở Canada vì sắc lệnh vừa ban hành.

Đây được xem là một cử chỉ gián tiếp chỉ trích chính sách của nước láng giềng.

Phản ứng mạnh nhất trước sắc lệnh của Donald Trump dĩ nhiên là 7 nước bị tổng thống Mỹ nêu tên nói riêng, và các quốc gia trong khối Ả Rập Hồi Giáo nói chung.

Vào hôm nay, Quốc Hội Irak, một trong số 7 nạn nhân của Donald Trump, đã thông qua một nghị quyết trả đũa Hoa Kỳ, áp dụng biện pháp gọi là ăn miếng trả miếng nhắm vào người Mỹ nhập cảnh Irak.

Ngay từ hôm qua, Liên Đoàn Ả Rập bao gồm 22 nước đã lên tiếng quan ngại về sắc lệnh của ông Trump, nêu bật một số điểm phi lý trong sắc lệnh này.

Qua ngày hôm nay, đến lượt Tổ Chức Hợp Tác Hồi Giáo OCI, tập hợp 57 quốc gia, đã đả kích sắc lệnh của ông Trump, cho đấy là một động thái chỉ có tác dụng kích động ý hướng cực đoan trong thế giới Hồi Giáo, tạo cơ sở cho các hoạt động khủng bố.

Giới quan sát đều nêu bật nghịch lý trong hành động của tân tổng thống Mỹ. Trong lúc ông nêu lên vụ khủng bố ngày 11/09/2001 để giải thích lý do hạn chế nhập cảnh đối với 7 nước bị ông cho vào danh sách đen, thì các quốc gia là quê hương của các tên không tặc ngày 11/09 lại không nằm trong danh sách, từ Ai Cập, Ả Rập Xê Út, cho đến Liban, và Các Tiểu vương Quốc Ả Rập Thống Nhất.

Bốn nước này đều là đồng minh của Mỹ. - RFI
|
|

6.
Điện Kremlin: TT Putin và Trump có thể gặp nhau trước hội nghị G20

Hôm thứ Hai, Điện Kremlin cho biết vẫn còn quá sớm để nói về bất kỳ thỏa thuận tiềm tàng nào với Hoa Kỳ về các lệnh trừng phạt Nga, nhưng Tổng thống Vladimir Putin có thể sẽ gặp Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trước hội nghị G20 vào tháng Bảy.

Ông Putin và ông Trump đã nói chuyện qua điện thoại vào thứ Bảy. Trong cuộc họp báo hôm thứ Hai, Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov cho các nhà báo biết đó là một cuộc trao đổi tốt đẹp.

Ông Peskov nói: “(Nhưng) khó có thể nói về bất kỳ thỏa thuận nào (về lệnh trừng phạt)”.

Phát ngôn viên điện Kremlin nói thêm: “Để bắt đầu, chúng tôi phải sắp xếp được ngày giờ cho cuộc họp giữa hai vị tổng thống. Hiện các phụ tá đang làm việc này”. Ông cho biết cuộc họp có thể diễn ra trước khi hội nghị thượng đỉnh G20 dự kiến sẽ diễn ra tại Hamburg vào ngày 7 và 8/7.

Ông Peskov nói ông Putin và ông Trump chưa thảo luận về các biện pháp trừng phạt trong cuộc điện đàm hôm thứ Bảy. Đây là cuộc nói chuyện đầu tiên của hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Trump lên nhậm chức.

Nhưng ông Peskov cho biết: “Chúng tôi đã thấy có sự sẵn sàng giải quyết những vấn đề khó khăn thông qua đối thoại, điều mà Tổng thống Putin đã từ lâu kêu gọi và rất tiếc là trong những năm trước đã không nhận được sự phản hồi”. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

7.
Thủ tướng Canada chúc 'Tết Việt Nam,' ca ngợi di dân Việt

Thủ tướng Canada Justin Trudeau dành nhiều lời tốt đẹp cho người tị nạn Việt Nam nhân dịp Tết Nguyên đán, giữa lúc ông tuyên bố mở rộng vòng tay đối với các di dân và người tị nạn bị chặn không thể nhập cảnh vào Mỹ vì sắc lệnh hành pháp gây tranh cãi của Tổng thống Donald Trump.

Thay vì dùng chữ “Chinese New Year” [Tết Trung Hoa] như nhiều người nước ngoài hay gọi, ông Trudeau viết “Vietnamese New Year” [Tết Việt Nam], Tết Nguyên Đán, trong lời chúc mừng năm mới gửi tới người gốc Việt định cư tại Canada hôm 28/1.

Nhà lãnh đạo Canada nói: “Năm nay, trong khi chúng ta ăn mừng 150 năm ngày lập quốc, đây là dịp để chúng ta tôn vinh nhiều nền văn hóa, truyền thống và đức tin đã khiến Canada trở thành một nơi tuyệt vời để sinh sống”.

Ông Trudeau được trích lời nói tiếp: “Người Canada gốc Việt đã có các đóng góp rất lớn đối với Canada và đã giúp biến nó trở thành một nơi vững mạnh và đa dạng như ngày nay”.

Trả lời VOA Việt Ngữ, ông Nguyễn Xuân Thạch, Chủ tịch Hội người Việt ở thành phố Calgary, cho VOA Việt Ngữ biết rằng ông “rất phấn khởi” khi nghe lời chúc của ông Trudeau.

Ông nói thêm:

“Ông Trudeau rất hiểu cộng đồng người Việt ở Canada này và đồng thời ông cũng hiểu rằng đối với cộng đồng người Việt và đối với hiện trạng người Trung Hoa xâm chiếm biển đảo của Việt Nam mình. Mình rất là khâm phục ông tại vì ông coi trọng vấn đề người Việt Nam ở Canada này. Ông rất quý mình cho nên ông dùng danh từ thế cho “Chinese New Year” là “Vietnamese New Year”.

Theo con số thống kê không chính thức, ước tính có hơn 200 nghìn người Việt hiện sinh sống và làm việc tại Canada, và nhiều người trong số đó tới quốc gia Bắc Mỹ này sau Chiến tranh Việt Nam.

Lời ca ngợi của Thủ tướng Canada đối với di dân Việt được đưa ra trong bối cảnh ông cam kết “sẽ chào đón những người chạy trốn khỏi sự đàn áp, khủng bố và chiến tranh”, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra sắc lệnh hành pháp gây tranh cãi về di dân.

Ông Thạch nói với VOA Việt Ngữ rằng “chúng tôi rất là ‘support’ [ủng hộ] ông Trudeau nói như vậy” vì cộng động người Việt tị nạn cũng từng được Canada cho phép tới định cư.

Vị chủ tịch cộng đồng nói thêm:

“Cái policy [chính sách] của Canada từ hồi nào tới bây giờ rất là bao dung và rõ ràng là không có kỳ thị một quốc gia, một dân tộc nào hết. Khi mà ông nói như vậy, khác hơn ông Trump, vì Canada lúc nào cũng “open arms” [mở rộng vòng tay] tất cả mọi dân tộc xin vô Canada này tị nạn. Ông không có khó khăn như ông Trump tổng thống Mỹ bây giờ”.

Ông Thạch cho rằng “đâu phải tất cả mọi công dân của những nước mà ông Tổng thống Trump cấm đều là khủng bố hết”, nên “cấm như vậy cũng không có đúng lắm”.

Trong tuyên bố hôm 29/1, Nhà Trắng dẫn lời ông Trump nói rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục “cho thấy lòng trắc ẩn đối với những người bỏ chạy sự áp chế”, nhưng đồng thời “vẫn phải bảo vệ các công dân và biên giới của chính chúng ta”. - VOA
|
|

8.
Thủ tướng Phúc 'thăm và báo cáo' hai vị tiền nhiệm

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc đã thăm gia đình một số vị tiền nhiệm là Phan Văn Khải và Nguyễn Tấn Dũng, đồng thời 'báo cáo tình hình' với họ, theo VietnamNet (28/01/2017).

Trang báo chụp ảnh ông Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm và chúc Tết nhà của hai cố thủ tướng Phạm Hùng và Võ Văn Kiệt.

"Tới thăm nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải và gia đình, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ trân trọng với những đóng góp của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đối với Đảng, Nhà nước và Chính phủ nhất là trong giai đoạn ông giữ cương vị là người đứng đầu Chính phủ," bài báo viết.

Ngoài chuyện báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2016, ông Nguyễn Xuân Phúc còn bày tỏ mong muốn với ông Nguyễn Tấn Dũng rằng:

"Bằng những kinh nghiệm của mình, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục có những đóng góp quý báu, tâm huyết với Chính phủ đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững."

Báo này cũng nói cả hai ông Phan Văn Khải và Nguyễn Tấn Dũng "đánh giá cao sự điều hành của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lãnh đạo" trong năm qua.

Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng đến thăm gia đình và thắp hương cho ông Phạm Hùng (1912-1988) người từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1922-2008).

'Không thu xếp được lịch'

Đây là một dịp hiếm có trong nhiều tháng qua kể từ lần cuối báo chí đưa tin về ông Nguyễn Tấn Dũng, người làm Thủ tướng Việt Nam một thời gian dài, từ 2006 đến 2016.

Hồi tháng 9 năm ngoái, truyền thông nhà nước ở Việt Nam đã đưa tin khác nhau về công tác của ông Nguyễn Tấn Dũng làm 'giảng viên' cho một lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Ban đầu báo Sài Gòn Giải Phóng đăng tin hôm 19/09 "nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm giảng viên Học viện cán bộ TPHCM" tại lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho 400 cán bộ lãnh đạo, quản lý của TPHCM".

Nhưng sang ngày 23/9/2016, báo Đất Việt, lại viết ông Nguyễn Tấn Dũng "không dạy lớp cán bộ TP. HCM" và trích ông Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện trên cho biết:

"Dù rất muốn mời nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng tham gia giảng dạy tại trường tuy nhiên, do ông quá bận nên không thu xếp được lịch."

Ông Ngân cũng giải thích sự việc hôm trước chỉ là ông Dũng "tham gia nói chuyện, chia sẻ kinh nghiệm trong các báo cáo chuyên đề của trường".

Hồi cuối tháng 7/2016, báo chí Việt Nam đưa tin ông Nguyễn Tấn Dũng nhận kỷ niệm chương về Tây Nguyên.

Theo trang tin của Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao quyết định của Bộ Chính trị phân công Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an giữ chức vụ Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên.

"Đồng thời Ban chỉ đạo Tây Nguyên tặng kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp phát triển Tây Nguyên" cho Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các nguyên Trưởng Ban chỉ đạo Nguyễn Tấn Dũng và Lê Hồng Anh," truyền thông Việt Nam cho hay. - BBC
|
|

9.
Du lịch VN tháng 1: Khách TQ tăng gần 70%

Số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam cho thay chỉ trong tháng 1/2017, du khách nước ngoài đến Việt Nam đạt "hơn 1 triệu người lượt người, trong đó khách châu Á chiếm 67,5%, gồm gần ¼ triệu từ Trung Quốc.

Theo trang bizlive.vn, khách từ Trung Quốc đạt 247.621 lượt người, tăng 67,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Con số này đưa Trung Quốc lên hàng đầu trong bảng quốc gia có du khách đến Việt Nam tháng đầu tiên của năm 2017.

Trào lưu sang các vùng biển ấm áp của Việt Nam để đi nghỉ, kể cả dịp Tết Nguyên Đán, đang có tính thời thượng với người Trung Quốc.

Trong một bài trên trang của Tân Hoa Xã hồi tháng 5/2016, tác giả Tao Jun viết từ Nha Trang, trích lời một số du khách Trung Quốc "thích thú với các món ăn buffet, mua bán hàng hóa địa phương".

Bài trích lời ông Zhang Deyi, từ Hà Nam, vùng Bắc Trung Quốc đang cùng cả gia đình thăm Nha Trang: "Cả nhà tôi ở đây, bố mẹ tôi, vợ tôi, con gái tôi và cả tôi nữa đều rất thích hải sản. Món ăn ở đây thật tuyệt."

Bài báo cũng cho hay trước đây, tại vùng này đa số du khách nước ngoài là người Nga, nhưng nay là người Trung Quốc.

Đặc biệt, bài của Tao Jun kể lại câu chuyện quán Hoàng Sa trên đường Trần Phú, Nha Trang thường đón 80% thực khách là người Trung Quốc.

Bản tiếng Anh của Tân Hoa Xã để nguyên tên quán là 'Hoang Sa Seafood Restaurant'.

Tuy nhiên, bài báo cũng trích lời một cựu sinh viên Đại học Bắc Kinh là cô Wei Chunjie than phiền về chế độ hai giá: cho người Việt Nam và cho khách nước ngoài, mà theo bài viết là "bị áp dụng sai luật ở một số quán ăn".

"Chúng tôi phải mua 5 con tôm hùm tươi với giá 1 triệu VND một kilogram, nhưng nửa phút sau, có khách người Việt mua chỉ với giá 800 nghìn đồng," cô Wei Chunjie cho biết.

Xu hướng du khách nội vùng Đông Nam Á tăng nhanh từ 2012 đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận, và trong số hàng triệu du khách châu Á đi thăm các nước láng giềng trong vùng, du khách Trung Quốc luôn chiếm số đông nhất.

Cơ quan tư vấn Boston Consulting Group (BCG) cho hay xu hướng này sẽ còn tăng đều, đưa lượng du khách châu Á lên 50% du khách toàn cầu vào 2030, tăng từ 37% năm 2014.

Du lịch châu Á tăng nhờ vào thu nhập nội địa các nước này tăng lên, hàng không giá rẻ bùng nổ và dịch vụ du lịch nhìn chung đều phát triển.

Cách đây ba năm, BCG đã dự báo về du khách Trung Quốc:

"Du khách từ Trung Quốc sẽ chiếm trên 40% của tổng số du khách toàn châu Á vào 2030."

Sự có mặt đông đảo của các tour du lịch Trung Quốc sang Thái Lan và Việt Nam cũng đã gây ra một số lo ngại về xung khắc văn hóa, hoặc về chuyện hướng dẫn viên chỉ là người Trung Quốc.

Tuy nhiên, các quan chức hai nước này đều đang tìm các giải pháp dung hòa cho nhu cầu phục vụ tour đại trà và các tuyến du lịch cao cấp, ít khách nhưng chi tiền cao hơn. - BBC



No comments:

Post a Comment