Tin Thế Giới
1.
Trung Quốc vẫn tập trận trên biển bất chấp áp lực từ nước ngoài
Tờ Nhân Dân Nhật Báo hôm nay 22/01/2017 cho biết quân đội Trung Quốc sẽ tiến hành tập trận bất kể các hành động khiêu khích và áp lực từ nước ngoài. Tờ báo tuyên truyền của đảng Cộng Sản Trung Quốc cho biết thêm các cuộc tập trận ngoài biển khơi như trong thời gian gần đây, nhất với khu trục hạm Liêu Ninh - khu trục hạm duy nhất của nước này - sẽ trở thành bình thường.
Tờ Nhân Dân Nhật Báo nói là không một "quả bom ngôn từ "nào, kiểu như nhận xét của ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson về Biển Đông, có thể ngăn chặn cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc.
Tờ báo bình luận : "Những hành động khiêu khích, gây áp lực, tưởng tượng và quá cường điệu sẽ không thể ngăn các cuộc tập trận bình thường của quân đội Trung Quốc. (…) Sự can thiệp và quấy rối của các nước ngoài khu vực sẽ chỉ đi ngược lại với sự đồng thuận về lợi ích chung theo thỏa thuận với khu vực này và trên thế giới". Tờ Nhân Dân Nhật Báo cũng cho biết thêm : "Từ nay trở đi, các cuộc tập của quân đội Trung Quốc ngoài khơi biển sẽ trở thành những cuộc tập trận hết sức bình thường ".
Các tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh hôm 20/01/2017, hãng tin Kyodo của Nhật thông báo tuần tới Nhật sẽ mở cuộc tập trận mô phỏng phản ứng nếu xảy ra xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Đài Loan.
Trung Quốc đã đầu tư nhiều tỉ đô la vào một chương trình hiện đại hóa quân sự đầy tham vọng, đặc biệt là hải quân. Hải Quân Trung Quốc đã tiến hành diễn tập ngoài khơi xa thường xuyên hơn trước đây để trau dồi khả năng tác chiến. - RFI
|
|
2.
Thủ tướng Anh sắp gặp Tổng thống Trump --- Ông Trump mời Thủ tướng Israel tới Mỹ
Thủ tướng Anh Theresa May nói với BBC rằng bà "sẽ không sợ" nói thẳng với Tổng thống Mỹ Donald Trump nếu ông nói hoặc làm bất cứ điều gì mà bà cảm thấy là "không thể chấp nhận".
Cả hai sẽ hội đàm tại Nhà Trắng hôm thứ Sáu, 27/01, về các vấn đề như thương mại và an ninh, với Thủ tướng Anh là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên tới gặp vị tân tổng thống kể từ khi ông nhậm chức.
Bà nói với BBC rằng mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước cho phép bà đề cập những vấn đề khó khăn, hóc búa.
Bà May cũng khẳng định bà có một "bề dày" về bảo vệ quyền lợi của phụ nữ.
Một thỏa thuận thương mại tự do hậu Brexit được cho là có khả năng cao trong chương trình nghị sự của bà May khi bà đến Mỹ để đàm phán.
"Tôi sẽ nói chuyện với Donald Trump về những vấn đề chúng tôi chia sẻ và làm thế nào chúng ta có thể xây dựng trên mối quan hệ đặc biệt," nữ Thủ tướng nói với BBC hôm 22/01.
"Đó là mối quan hệ đặc biệt cho phép chúng ta nói thẳng khi có điều gì không thể chấp nhận.
"Bất cứ khi nào có điều gì đó tôi thấy không thể chấp nhận, tôi sẽ không ngại để nói ra với Donald Trump."
Khi được hỏi bà nghĩ gì về bài phát biểu nhậm chức của ông Trump, bà May nói lời hứa của ông dành cho nước Mỹ trước tiên là một "thông điệp rõ ràng", nhưng tất cả các nhà lãnh đạo đều ưu tiên lợi ích quốc gia riêng của họ,' bà nói với BBC.
Khẳng định của Nhà Trắng tuần này về cuộc gặp được đưa ra vào lúc hàng trăm ngàn người trên khắp thế giới tham gia các cuộc tuần hành của phụ nữ để phản đối ông Trump làm Tổng thống.
Thư ký báo chí của ông Trump, Sean Spicer, cho biết chi tiết về chuyến thăm của bà May trong cuộc họp báo đầu tiên của ông với các nhà báo tại Nhà Trắng vào ngày thứ Bảy.
Trước đó, khi đến thăm trụ sở chính của CIA, Tổng thống Trump nói Thủ tướng Anh "sắp tới thăm đất nước của chúng ta".
Các vấn đề về Nato, Liên minh châu Âu, quốc phòng và Nga đều có khả năng sẽ được thảo luận trong cuộc gặp.
Phóng viên chính trị của BBC Iain Watson nói "tính chất biểu tượng sẽ rất quan trọng" và vào lúc các cuộc đàm phán về Brexit sắp diễn ra, việc bà May sắp gặp vị tân tổng thống sớm như vậy "có ý nghĩa chính trị".
Nhiều nỗ lực
Phóng viên BBC nói đã có rất nhiều nỗ lực để đảm bảo bà May là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên mà Tổng thống Trump sẽ gặp.
Vào tháng Mười Hai, các quan chức chủ trì văn phòng Thủ tướng, Nick Timothy và Fiona Hill, đã tới Mỹ để xây dựng các mối liên hệ với ban nhân sự của tân tổng thống trước lễ nhậm chức vào ngày 20 tháng Giêng.
Trong một tuyên bố đưa ra sau lễ nhậm chức, bà May nói:
"Từ các cuộc thảo luận của chúng tôi cho đến nay, tôi biết cả hai chúng tôi đều cam kết thúc thúc đẩy mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước chúng ta và làm việc cùng nhau vì sự thịnh vượng và an ninh của người dân trên cả hai bờ Đại Tây Dương .
"Tôi mong muốn thảo luận về những vấn đề này và nhiều hơn nữa khi chúng tôi gặp nhau ở Washington."
Bà May đã hứa sẽ giữ cho các cuộc thảo luận "rất thẳng thắn" với ông Trump.
Bà nói với tờ Financial Times bà tin rằng tổng thống mới nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của Nato và "tầm quan trọng của sự hợp tác mà chúng tôi có ở châu Âu để đảm bảo quốc phòng chung và an ninh tập thể của chúng ta".
Ngay trong ngày sau lễ nhậm chức của ông Trump, ít nhất 500.000 người đã tập trung cho một cuộc biểu tình bên ngoài công sở nhà nước ở khu Capitol, thủ đô Washington D.C, trong khi đó các nhà tổ chức nói khoảng 100.000 người đã xuống đường ở trung tâm London vào ngày thứ Bảy trong lúc các sự kiện tương tự được tổ chức ở các thành phố lớn trên khắp nước Mỹ và thế giới. - BBC
***
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết rằng cuộc điện đàm giữa ông và tân Tổng thống Mỹ Donald Trump "rất nồng ấm", và rằng ông đã được mời tới thủ đô Washington vào tháng Hai.
Thông cáo từ văn phòng của ông Netanyahu còn cho biết rằng "Thủ tướng đã bày tỏ mong muốn làm việc chặt chẽ với Tổng thống Trump để thúc đẩy một tầm nhìn chung nhằm củng cố hòa bình và an ninh trong khu vực", theo Reuters.
Thông cáo cũng cho biết rằng hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về thỏa thuận hạt nhân với Iran, tiến trình hòa bình với người Palestine và các vấn đề khác. Thời gian cho cuộc gặp vào tháng Hai sẽ được ấn định trong những ngày tới, theo thông cáo.
Trước đó, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói với các phóng viên rằng cuộc điện đàm giữa ông với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu diễn ra “rất tốt đẹp”.
Ông Trump trả lời các phóng viên hỏi về cuộc điện đàm chiều 22/1, sau khi phát biểu tại một buổi lễ tuyên thệ của các cố vấn hàng đầu của ông tại Nhà Trắng, theo Reuters.
Đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ lễ nhậm chức của ông Trump.
Tân tổng thống Mỹ đã cam kết hỗ trợ mạnh mẽ cho Israel trong chiến dịch tranh cử và nói rằng ông sẽ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, bất chấp tình trạng tranh chấp của thành phố này.
Trong ngày Chủ nhật, Israel đã duyệt giấy phép xây dựng cho hơn 560 ngôi nhà ở tại ba khu định cư Đông Jerusalem.
Phó Thị trưởng Meir Turgeman, chủ tịch ủy ban quy hoạch và xây dựng địa phương, nói với Đài phát thanh Israel rằng việc phê duyệt giấy phép đã bị đình trệ cho đến khi chính quyền của Tổng thống Barack Obama kết thúc nhiệm kỳ tại Hoa Kỳ. - VOA
|
|
3.
Đức Giáo hoàng: sẽ xét đoán ông Trump căn cứ vào hành động
Đức Giáo hoàng Phanxicô nói ngài sẽ chờ xem Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump làm những gì trước khi nhận xét về ông.
Trong một cuộc phỏng vấn với báo Tây Ban Nha El Pais được đăng tối thứ Bảy, 21/1, Giáo hoàng Phanxicô nói ông không muốn "suy nghĩ hấp tấp cũng như không xét đoán người khác quá sớm. Chúng ta sẽ xem ông ấy hành động thế nào, ông làm gì" trước khi đưa ra ý kiến về vị Tổng thống Hoa Kỳ.
Đức Giáo hoàng Công giáo La Mã đã phát biểu hôm thứ Sáu trong một cuộc phỏng vấn về nhiều vấn đề với tờ báo tại Vatican, vào lúc ông Trump tuyên thệ nhậm chức trở thành tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ.
Khi được hỏi về các nhà lãnh đạo chính trị theo phong cách dân túy mới xuất hiện ở Hoa Kỳ và châu Âu, Đức Giáo hoàng cảnh báo chớ mong tìm ra một vị cứu tinh vào những thời kỳ khủng hoảng.
Ngài nói ở nước Đức vào thời những năm 1930 Hitler “được người dân bầu lên và sau đó ông ta đã hủy diệt người dân”. - VOA
|
|
4.
Động đất mạnh ở Papua New Guinea không gây sóng thần
Một trận động đất mạnh xảy ra chiều Chủ nhật, 22/1, ngoài khơi Papua New Guinea, nhưng không gây ra thiệt hại hay thương tích gì, vì nó có chấn tiêu nằm sâu dưới lòng đất.
Thông tin cập nhật của Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ cho biết cường độ của trận động đất ở khu vực Bougainville là 7,9 độ Richter, ước tính trước đó là 8 độ.
Cơ quan này cho biết độ sâu của trận động đất là 136 km, và đã không còn bất kỳ nguy cơ nào về sóng thần.
Động đất thường xảy ra ở Papua New Guinea, và toàn bộ khu vực. Nơi này nằm trên Vành đai lửa, một điểm nóng về mặt hoạt động địa chấn của Thái Bình Dương do ma sát giữa các mảng kiến tạo. - VOA
|
|
5.
35 người chết trong tai nạn tàu hỏa ở đông nam Ấn Độ
Tại bang Andhra Pradesh ở đông nam Ấn Độ, ít nhất 35 người đã thiệt mạng và nhiều người khác bị thương trong một vụ tai nạn tàu hỏa tối thứ Bảy, 21/1.
Các quan chức đường sắt cho biết tám toa xe của đoàn tàu đã trật bánh và văng khỏi đường ray lúc khoảng 11h đêm khi đoàn tàu đi qua một huyện vùng xa. Đã có các hoạt động xuyên đêm để giải thoát hành khách bị mắc kẹt trong các toa xe bẹp dúm. Nhiều người đã được chuyển đến các bệnh viện gần đó.
Các quan chức đường sắt cho biết cuộc điều tra đang diễn ra để xác định nguyên nhân vụ tai nạn. Họ không loại trừ khả năng phá hoại.
Vụ tai nạn mới nhất một lần nữa hướng sự chú ý tới hồ sơ an toàn kém cỏi của hệ thống đường sắt khổng lồ của Ấn Độ vận chuyển hơn 23 triệu người mỗi ngày.
Một báo cáo của chính phủ đã ước tính rằng có khoảng 15.000 người chết mỗi năm trên mạng lưới đường sắt.
Các chuyên gia từ lâu đã kêu gọi Ấn Độ hiện đại hóa các tuyến đường ray và các cây cầu, phần nhiều trong số đó tồn tại từ thế kỷ thứ 19 khi hệ thống đường sắt được xây dựng. - VOA
|
|
6.
Đức đối mặt ‘bất định’ dưới thời TT Trump --- Các thủ lĩnh dân tộc chủ nghĩa châu Âu nói về "châu Âu tự do"
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier hôm 22/1 nói rằng nước ông phải chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với những xáo trộn trong thời kỳ nắm quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ông Steinmeier cũng nói thêm rằng thương mại tự do, và sự hợp tác xuyên Đại Tây Dương nhằm đánh bại chủ nghĩa khủng bố và cực đoan là các vấn đề quan trọng đối với Berlin, theo Reuters.
Viết trên tờ báo có nhiều người đọc là Bild, Ngoại trưởng Đức, vốn từng nói hồi tháng Tám năm ngoái rằng ông Trump là người "reo rắc lòng hận thù", cho rằng một số thành viên của tân chính quyền Mỹ hiểu rõ tầm quan trọng của các đồng minh như Đức.
Ông Steinmeier nói: “Tôi biết rằng chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng cho thời kỳ xáo trộn, và bất định. Nhưng tôi tin rằng chúng ta sẽ tìm thấy những người chú ý lắng nghe ở Washington, những người biết rằng kể cả các nước lớn cũng cần đối tác trên thế giới”.
Theo Reuters, ông Trump khiến các nhà lãnh đạo Đức cảm thấy bất an sau khi tuyên bố rằng Anh sẽ không phải là nước cuối cùng rời Liên hiệp châu Âu, cũng như lời đe dọa sẽ áp thuế cao đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và Mexico.
Phản ứng sau khi ông Trump nhậm chức, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng bà sẽ mưu tìm sự thỏa hiệp với tân tổng thống Mỹ về các vấn đề như thương mại hay chi tiêu quân sự. Ngoài ra, bà cũng sẽ nỗ lực duy trì mối quan hệ quan trọng giữa châu Âu và Mỹ.
Trước đó, ông Trump chỉ trích bà Merkel đã mở cửa biên giới Đức để tiếp nhận những người xin tị nạn năm 2015, cũng như nói rằng ông tin là liên minh NATO đã lỗi thời. - VOA
***
Các thủ lĩnh dân tộc chủ nghĩa châu Âu đã gặp nhau ở Đức hôm thứ Bảy, 21/1, để biểu dương sức mạnh vào thời điểm khởi đầu của một năm có những cuộc bầu cử lớn. Họ vui mừng về việc ông Donald Trump nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ và tuyên bố chính họ là sự thay thế có tính thực tiễn cho các chính phủ ở châu Âu.
Cuộc gặp này được gọi là Đại hội Koblenz. Tham dự là ứng cứ viên tổng thống Pháp tiềm năng Marine Le Pen thuộc đảng Mặt trận Dân tộc, Geert Wilders thuộc Đảng Tự do (PVV) của Hà Lan, Matteo Salvini thuộc Liên đoàn miền Bắc Italia, Frauke Petry thuộc đảng Sự thay thế cho nước Đức (AFG) đã hoạt động được 4 năm, Harald Vilimsky, tổng thư ký Đảng Tự do cánh hữu của Áo, đảng này năm ngoái chỉ chịu thua suýt soát trong cuộc đua giành chức tổng thống của đất nước, và các thủ lĩnh khác có cùng tư tưởng ở châu Âu.
Vị thủ lĩnh chống Hồi giáo của Hà Lan Geert Wilders nói với các phóng viên: "Tôi tin rằng chúng ta đang chứng kiến những thời khắc lịch sử. Thế giới đang thay đổi. Mỹ đang thay đổi. Châu Âu đang thay đổi. Và người dân lại bắt đầu được tiếp sức mạnh''.
Vilimsky nói với cử tọa khoảng 1.000 người: Ông Trump "là người chiến thắng, chúng ta là người chiến thắng: Frauke Petry, Marine Le Pen, Geert Wilders, tất cả chúng ta ở đây là người chiến thắng''.
Cũng đề cập đến chiến thắng của ông Trump, bà Le Pen nói: "2016 là năm mà thế giới Anglo-Saxon thức tỉnh. Và năm 2017 tôi chắc chắn sẽ là năm của sự thức tỉnh của người dân lục địa châu Âu".
Các diễn giả cũng lên án "Hồi giáo gắn với chính trị'' và đồng tiền chung châu Âu, đồng euro, mà Salvini gọi là "một thất bại, một thử nghiệm tội ác''.
Được khích lệ bởi việc người Anh bỏ phiếu hồi năm ngoái để rời khỏi Liên hiệp châu Âu, các nhà lãnh đạo dân túy cánh hữu hay còn gọi là "các chính trị gia mới hàng đầu của châu Âu" đã gặp nhau dưới khẩu hiệu "Tự do cho châu Âu". Mục tiêu của họ là tăng cường mối quan hệ giữa các đảng của họ có tư tưởng giống nhau, như họ từng làm trước đây. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
7.
Ông McCain ủng hộ ứng viên ngoại trưởng Mỹ
Thượng nghị sĩ John McCain từ tiểu bang Arizona cùng một đồng nghiệp khác là Lindsey Graham hôm 22/1 tuyên bố sẽ bỏ phiếu chấp thuận ông Rex Tillerson làm ngoại trưởng Mỹ, dù vẫn còn quan ngại về quan hệ của cựu tổng giám đốc điều hành tập đoàn ExxonMobil với Tổng thống Nga.
Hai vị thượng nghị sĩ có tiếng nói tại Thượng viện Mỹ ra tuyên bố, có đoạn: “Sau khi cân nhắc kỹ và thảo luận nhiều với ông Tillerson, chúng tôi quyết định ủng hộ việc ông được đề cử làm ngoại trưởng Mỹ”.
Reuters dẫn lời ông McCain và Graham nói tiếp: “Dù chúng tôi vẫn còn quan ngại về các vụ làm ăn trong quá khứ của ông [Tillerson] với chính phủ Nga và Tổng thống Vladimir Putin, chúng tôi tin rằng ông Tillerson có thể là người bảo vệ hiệu quả các quyền lợi của Mỹ”.
Hai vị thượng nghị sĩ kỳ cựu là thành viên trong ủy ban cân nhắc việc ông Trump đề cử cựu tổng giám đốc điều hành ExxonMobil làm nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ.
Giới phân tích cho rằng ông Tillerson là một ứng viên trong nội các của ông Trump được Hà Nội theo dõi sát nhất để tìm hiểu chính sách đối ngoại của Mỹ nói chung và đối với Việt Nam nói riêng trong thời gian tới.
Trong diễn biến liên quan tới Việt Nam, khi phát biểu trong buổi điều trần chuẩn thuận chức ngoại trưởng trong tháng này, ông Tillerson nói rằng Trung Quốc cần phải bị bác quyền tiếp cận các đảo nhân tạo Bắc Kinh xây ở biển Đông.
Ông nói: “Chúng ta sẽ phải gửi một tín hiệu rõ ràng tới Trung Quốc rằng thứ nhất, việc xây đảo phải dừng, và thứ hai là quý vị sẽ không được cho phép tiếp cận các đảo đó”.
Khi được hỏi về tuyên bố của ông Tillerson, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình hôm 12/1 nói rằng “duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở khu vực là mục tiêu và lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực”.
Ông Bình nói: “Chúng tôi cho rằng các bên đều có trách nhiệm đóng góp mang tính xây dựng vào mục tiêu chung cũng như đảm bảo lợi ích chung này”. - VOA
|
|
8.
Tổng thống chế giễu các cuộc biểu tình hôm thứ Bảy --- Trump: truyền thông "không trung thực" về lễ nhậm chức --- Hoa Kỳ: Tổng thống Donald Trump ủng hộ CIA "1000%"
Hôm Chủ nhật, 22/1, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã chế giễu hàng trăm ngàn người đổ ra đường một ngày trước ở các thành phố trên toàn quốc để phản đối chính quyền mới của ông.
Trong một bài ngắn đăng trên Twitter phát đi từ Tòa Bạch Ốc, ông Trump viết "Đã xem cuộc biểu tình ngày hôm qua nhưng có ấn tượng rằng chúng ta chỉ vừa mới bầu cử xong! Tại sao những người này đã không bỏ phiếu? Những người nổi tiếng đã làm hại cho sự nghiệp rất nhiều".
Ông Trump sẽ ở trong Tòa Bạch Ốc trong bốn năm tới.
Biểu tượng nữ quyền Gloria Steinem, nghệ sĩ nhạc pop Madonna, nữ diễn viên Scarlett Johansson và các nhân vật nổi bật khác đã đi đầu trong Cuộc Tuần hành của Phụ nữ hôm thứ Bảy ở Washington, thể hiện sự chống lại việc ông Trump nhậm chức làm tổng thống thứ 45 của đất nước hôm thứ Sáu.
Hai giờ sau, Trump viết trong một bài ngắn khác trên Twitter: "Các cuộc biểu tình ôn hòa là sự thể hiện nền dân chủ của chúng ta. Ngay cả khi không phải lúc nào tôi cũng đồng ý, tôi công nhận quyền của mọi người được bày tỏ quan điểm của họ". - VOA
***
Tân Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đưa ra cáo buộc nói truyền thông không trung thực về số lượng người tham dự lễ nhậm chức của ông.
Ông Trump phát biểu sau khi các bức ảnh được công bố dường như cho thấy có nhiều người hơn tham dự lễ nhậm chức của người tiền nhiệm của ông, Tổng thống Barack Obama hồi năm 2009.
Thư ký báo chí của ông Trump nói lễ nhậm chức có số lượng công chúng dự khán 'lớn nhất từng thấy", mặc dù con số ông trích dẫn là dưới 750.000 người.
Ông nói chính quyền mới của Mỹ sẽ coi xét trách nhiệm của truyền thông.
Vào ngày thứ bảy, hàng triệu người ở Mỹ và trên khắp thế giới đã tham gia vào cuộc biểu tình để làm nổi bật các quyền của phụ nữ, điều mà các nhà hoạt động tin là bị đe dọa từ chính quyền mới.
Cuộc biểu tình lớn nhất của Mỹ là ở thủ đô Washington DC, nơi giới chức thành phố ước tính là có hơn 500.000 người tham dự, tiếp theo là ở New York với khoảng 400.000 và hàng trăm ngàn người ở những nơi khác, bao gồm Chicago và Los Angeles.
Các con số về lễ nhậm chức
Trong nhiều thập kỷ, US National Park Service của Hoa Kỳ cung cấp các ước tính chính thức về các đám đông tập hợp ở khu National Mall.
Nhưng cơ quan này đã ngưng cung cấp số liệu đếm người, sau khi những nhà tổ chức của các cuộc biểu tình, tuần hành Million Man March vốn phản đối về quyền cho người da đen vào năm 1995 đã đe dọa kiện.
Ông Trump nói "nó trông giống như một triệu rưỡi người" có vào thứ Sáu - với đám đông trải dài trên khắp con đường tới Đài tưởng niệm Washington.
Ông không cung cấp bằng chứng.
Để hậu thuẫn lập luận trên, thư ký báo chí của Tổng thống Trump, ông Sean Spicer nêu con số lên tới 720.000 người ở Mall.
Ông cũng nói rằng số lượng người dùng hệ thống tàu điện ngầm của Washington vào ngày nhậm chức cao hơn trong lễ nhậm chức lần thứ hai ông Obama vào năm 2013.
Trên thực tế, đã có 782.000 vé tàu sử dụng vào năm đó, nhưng con số là 571.000 năm nay, chính quyền đang chuyển giao ở khu vực Washington cho hay.
Ông Spicer cũng nói rằng các tấm nhựa đã được sử dụng lần đầu tiên để trải và che cỏ "có tác dụng làm nổi bật những khu vực không có người đứng, trong khi những năm trước, cỏ đã loại bỏ tầm nhìn này . Trên thực tế, cỏ cũng được che phủ hồi năm 2013."
Ông Spicer nói thêm rằng các hàng rào và các máy dò kim loại gây tác động đến công chúng tham dự, nhưng điều này cũng đã bị giới chức bác bỏ là một nhân tố.
Giới chức Quận Columbia đã có sự chuẩn bị cho một số lượng ước tính từ 700.000 đến 900.000 người.
Truyền thông Mỹ nói gì?
Tân tổng thống lặp lại quan điểm đánh giá thấp của ông với truyền thông, nói các phóng viên ở "trong số những người không trung thực nhất trên trái đất". Ông Spicer thề "sẽ buộc trách nhiệm báo chí".
Trong các phản ứng, các cơ quan truyền thông chính yếu của Mỹ thẳng thừng bác bỏ những tuyên bố của tân Tổng thống Mỹ và người phát ngôn của ông.
Báo The New York Times, bị ông Spicer chỉ đích danh, tố cáo những "cáo buộc sai trái".
CNN nói họ thậm chí không phát trực tiếp tuyên bố của người phát ngôn. CNN cho biết thư ký báo chí đã tấn công truyền thông về các "tin tức chính xác" và hãng này tiếp tục 'vạch trần' những tuyên bố, cáo buộc.
ABC News cũng đi vào chi tiết bác bỏ các tuyên bố.
Hãng Fox News thân Trump nói những tuyên bố là 'không bị thách thức'.
BuzzFeed News cáo buộc ông Spicer nói dối và tiếp tục cung cấp cho các thành viên mạng Twitter những phản biện với nhận xét của thư ký báo chí.
Khởi đầu đáng lo ngại
Từ Washington, David Willis, phóng viên BBC News đưa ra phân tích cho rằng ngay cuộc họp báo đầu tiên tại Nhà Trắng của ông Sean Spicer với báo giới đã có một khởi đầu đáng lo ngại.
Tiếp theo cáo buộc của Tổng thống Trump cho rằng báo chí không trung thực, ông Spicer đã đưa ra lời cảnh báo rằng chính quyền mới sẽ "buộc trách nhiệm báo chí".
Chính xác ra, vẫn chưa rõ ông Spicer định nói gì, nhưng tuyên bố của ông làm cho nhiều nhà báo kỳ cựu chuyên về tin tức Nhà Trắng quan ngại sâu sắc.
Số liệu lễ nhậm chức của các tổng thống Mỹ trước đây?
Giới chức quận Columbia nói rằng 1,8 triệu người đã tham dự lễ nhậm chức năm 2009 của ông Obama và gần 1 triệu người xuất hiện cho lần nhậm chức thứ hai của ông vào năm 2013.
George W Bush đã thu hút khoảng 400.000 người vào năm 2005, và có 300.000 người tham dự vào năm 2001; Bill Clinton thu hút 800.000 người dự vào năm 1993 và sau đó là 250.000 người tham dự vào năm 1997.
Khoảng 140.000 vé đã được bán cho lễ nhậm chức của Tổng thống Ronald Reagan hồi năm 1985, nhưng thời tiết cực lạnh đã buộc giới chức phải di chuyển buổi lễ vào bên trong nhà, theo Politifact .
Cơ quan này cũng nói đám đông là lớn nhất lớn nhất là vào năm 1965 trong lễ nhậm chức của Lyndon Johnson vốn thu hút 1,2 triệu người.
Johnson là người đã thay thế Tổng thống John F. Kennedy sau khi bị ám sát vào ngày 22 tháng Mười Một năm 1963. - BBC
***
Ông Donald Trump ngày 21/01/2017, đã dành chuyến đi thăm đầu tiên trong tư cách tổng thống Mỹ cho cơ quan CIA. 200 nhân viên đã đáp ứng lời mời của tân tổng thống. Ông Trump muốn làm hòa với cơ quan mà ông thường tố cáo trong cuộc vận động tranh cử, nhất là trên hồ sơ tin tặc Nga.
Thông tín viên RFI, Anne- Marie Capomaccio từ Washington tường thuật :
« Tôi ủng hộ các bạn 1000%. » Đây là thông báo tỏ tình của ông Trump đối với CIA. Một thay đổi trong phát biểu của tổng thống Mỹ, mà trong những tháng gần đây đã không ngần ngại khẳng định là cơ quan tình báo đã dàn dựng và bịa đặt hồ sơ tin tặc Nga, và cũng không ngần ngại cho là “phương thức hành động của họ xứng đáng với Đức Quốc Xã” sau những tiết lộ là Nga nắm những hồ sơ bị cho là phiền phức đối với ông.
Nhưng dù vẫn chuộng dùng thông điệp gởi qua mạng xã hội, ông Donald Trump vẫn vạch mặt chỉ tên các phương tiện truyền thông, bị ông chọn làm bung xung: « Lý do mà tôi chọn cơ quan các bạn làm nơi đi thăm đầu tiên, đó là vì tôi đang khai chiến với truyền thông. Họ là những kẻ bất lương nhất trên trái đất này, và làm như là tôi đã có xích mích với các cơ quan tình báo. Nhưng mà sự thật hoàn toàn ngược lại… Tôi chắc chắn là chúng ta sẽ diệt trừ tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo trong thời hạn ngắn nhất ».
Mike Pompeo, lãnh đạo mới của CIA, sẽ có thể nhậm chức ngày 23/01. Quá trình phê chuẩn ông đã bị chậm trễ do cuộc điều trần rất lâu ở Thượng Viện. Ông Trump, vốn đã hết lời ca ngợi người ông chọn, đã tố cáo các thượng nghị sĩ cố tình gây chậm trễ cho việc bổ nhiệm tân lãnh đạo CIA vì lý do chính trị. - RFI
|
|
Tin Việt Nam
9.
Mũ ‘made in Vietnam’ đắt khách ở thủ đô Mỹ
Một trong những tiếng hò reo lớn nhất mà tân Tổng thống Donald Trump nhận được lúc phát biểu nhậm chức hôm 20/1 là khi ông nói về chuyện “mua hàng Mỹ và tuyển dụng nhân công người Mỹ”.
Nhưng theo Reuters, nghịch lý là, nhiều người trong số các ủng hộ viên của ông Trump lại đội mũ được sản xuất ở các nước như Việt Nam, Trung Quốc và Bangladesh.
Trên chiếc mũ màu đỏ là biểu tượng của chiến dịch tranh cử của ông Trump có in những chữ như “USA” hay “Make America Great Again" (Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại).
Ông Trump đã nhiều lần đội chiếc mũ kiểu này, và giá bán chính thức là khoảng 25 tới 30 đôla Mỹ một chiếc.
Nhưng giá trên đường phố thủ đô Washington dịp lễ nhậm chức chỉ là khoảng 20 đôla, thấp hơn so với giá bán niêm yết trên trang web của ông Trump.
Một số người ủng hộ tân Tổng thống Mỹ đã bất ngờ khi phát hiện những chiếc mũ được sản xuất từ các nước khác.
Reuters dẫn lời cô Young, 28 tuổi, từ Texas nói về chiếc mũ "Make America Great Again" màu hồng mà cô đã mua: “Tôi không biết nó được sản xuất ở đâu. Để tôi kiểm tra. Ôi không, nó được sản xuất ở Việt Nam”.
Không chỉ có mũ “made in Vietnam”, theo the New York Times, quần áo mang thương hiệu của con gái ông Trump, cô Ivanka, cũng được sản xuất ở nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam.
Hồi tháng Hai năm ngoái, trong một cuộc vận động tranh cử, ông Trump từng cáo buộc Việt Nam cũng như một số các nước châu Á khác “đánh cắp” việc làm tại Mỹ.
Ông sau đó cũng nêu đích danh Việt Nam, gọi đây là “một trong những nước trả lương thấp nhất trên thế giới”.
Theo giới quan sát, chính quyền Việt Nam hiện vẫn tiếp tục tìm cách “giải mã” tân Tổng thống trực ngôn của Hoa Kỳ. - VOA
|
|
10.
Việt Nam bắt bà Trần Thị Nga
Bà Trần Thị Nga, một người có tiếng nói trái chiều với chính quyền, bị bắt tại tỉnh Hà Nam hôm 21/1 về tội “tuyên truyền chống nhà nước”, theo truyền thông Việt Nam.
Báo An ninh Thủ đô đưa tin, người phụ nữ hai con "bị bắt theo Điều 88, Bộ luật Hình sự". Bà Nga bị cáo buộc “đưa một số video, clip, bài viết tuyên truyền chống nhà nước” lên Internet.
Một đoạn video về vụ bắt giữ lan truyền trên mạng xã hội cho thấy bà Nga bị hai người phụ nữ mặc thường phục giữ tay trong khi nghe nhân viên công an tỉnh Hà Nam mặc đồng phục đọc lệnh bắt.
Đoạn phim ngắn cũng cho thấy nhân viên thi hành công lực mở và nghe các đoạn clip dường như được đăng trên Facebook của bà Nga.
Báo An ninh Thủ đô viết rằng “quá trình bắt, khám xét được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và đã thu giữ nhiều tài liệu, vật chứng liên quan đến vụ án”.
Tuy nhiên, vụ bắt giữ đã vấp phải chỉ trích của nhiều nhà hoạt động xã hội ở trong nước, và thậm chí một số còn đề nghị “được đi tù thay cho bà Nga”.
Trong một đoạn video phát trực tiếp trên Facebook hôm 22/1, nhà hoạt động Hoàng Dũng nói: “Xét thấy những hoạt động bà Trần Thị Nga đã làm hầu hết đều giống với những gì tôi đã làm, tức là phổ biến và bảo vệ quyền con người để góp phần làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn…; xét thấy bà Trần Thị Nga đang là bà mẹ đơn thân và phải nuôi hai con nhỏ trong độ tuổi thiếu niên và nhi đồng…; xét thấy việc cơ quan an ninh điều tra tỉnh Hà Nam bắt bà Trần Thị Nga vào dịp sát tết cổ truyền là đã phá bỏ truyền thống hòa hiếu của dân tộc Việt Nam… tôi, Hoàng Dũng, một lần nữa đề nghị cơ quan điều tra Bộ Công an cho tôi được đi tù thay bà Trần Thị Nga”.
Trên trang Facebook được cho là của bà Nga, có thể thấy các hình ảnh bà từng xuống đường tuần hành vì môi trường sau thảm họa do công ty Đài Loan Formosa gây ra ở miền Trung, cũng như phản đối các hành động của Trung Quốc ở biển Đông.
Người phụ nữ 40 tuổi từng cầm các tấm biểu ngữ như: “Đả đảo Trung Quốc xâm lược” hay “Cá cần nước sạch, dân cần minh bạch”.
Bà cũng lên tiếng kêu gọi trả tự do cho blogger Mẹ Nấm, sau khi nhà hoạt động này bị bắt giữ nhiều tháng trước.
Trong nhiều đoạn video, bà Nga nhiều lần cáo buộc công an tỉnh Hà Nam, theo lời bà, “bao vây”, “cướp tài sản”, “hành hung” bà.
VOA Việt Ngữ không thể liên lạc được với công an tỉnh Hà Nam để phỏng vấn.
Vụ bắt giữ bà Nga xảy ra một tháng sau khi Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius bày tỏ “quan ngại sâu sắc về việc tuyên án 13 năm tù và 12 năm tù lần lượt đối với các nhà hoạt động ôn hòa Trần Anh Kim và Lê Thanh Tùng theo Điều 79, Bộ luật Hình sự của Việt Nam”.
Trong một thông cáo ngày 19/12, ông Osius nói thêm: “Tất cả mọi người cần phải có quyền tự do ngôn luận và hiệp hội. Xu hướng gần đây của các vụ bắt giữ và kết tội các nhà hoạt động ôn hòa là đáng lo ngại và đe dọa làm lu mờ sự tiến bộ của Việt Nam về nhân quyền…”
Tuyên bố của nhà ngoại giao Mỹ viết tiếp: “Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam thả những cá nhân này và các tù nhân lương tâm khác, và cho phép tất cả cá nhân tại Việt Nam thể hiện quan điểm chính trị của mình mà không lo sợ bị trừng phạt”. - VOA
|
|
11.
Người Việt được cho phép vào sòng bạc trong nước
Bắt đầu từ tháng Ba tới đây người Việt Nam trên 21 tuổi, có thu nhập 10 triệu đồng một tháng trở lên được phép vào chơi ở các sòng bạc trong nước.
Đó là nội dung của nghị định số 3 năm 2017 vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành.
Tuy nhiên đây chỉ mới là một dự án thí điểm trong ba năm. Sau ba năm, chính phủ Việt Nam sẽ rút kinh nghiệm và sẽ quyết định có tiếp tục cho người Việt vào chơi tại các sòng bạc trong nước hay không.
Hiện nay trên khắp lãnh thổ Việt Nam có hơn 10 sòng bạc nhưng chỉ cho phép người mang hộ chiếu nước ngoài vào chơi mà thôi. Trong khi đó nhiều người Việt Nam giàu có lại thường đi sang các nước láng giềng như Cam Pu Chia, Singapore, Malaysia, để đánh bạc.
Điều này làm cho các quan chức cho rằng Việt Nam đã mất đi một lớn ngoại tệ. Theo số liệu của báo Thanh Niên thì vào năm 2014, số tiền thuế thu được từ năm sòng bạc vào thời điểm đó trị giá đến 12 triệu đô la Mỹ. Và cũng vào năm 2014, một số đại biểu quốc hội Việt Nam đã làm đề xuất cho phép công dân Việt Nam được vào chơi ở các sòng bạc trong nước. - RFA
No comments:
Post a Comment