Thursday, January 19, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Năm 19/1

Tin Thế Giới

1.
TQ sẽ xây dựng mẫu quan hệ mới với Mỹ --- Tập Cận Bình, người bảo vệ trật tự thế giới? --- Báo chí Trung Quốc đe dọa Boeing và ngành nông nghiệp Mỹ

Trung Quốc sẽ xây dựng một mẫu quan hệ mới với Hoa Kỳ trong khuôn khổ thành lập một ‘vòng tay bạn bè’ trên khắp thế giới, theo tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Liên hiệp quốc ngày 18/1.

Bài diễn văn của ông Tập cuối chuyến công du Thụy Sĩ trong đó có chặng dừng tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos nhằm nêu bật rằng Bắc Kinh mong muốn đóng vai trò hợp tác trong các vấn đề của quốc tế.

Ông Tập nhấn mạnh “Chúng tôi luôn đặt quyền và lợi ích của người dân lên trên mọi thứ và chúng tôi đã nỗ lực hết mình để phát triển và gìn giữ nhân quyền.”

Chủ tịch Trung Quốc cũng khẳng định rằng “Trung Quốc sẽ không bao giờ mưu cầu quyền bá chủ, bành trướng, hay tầm ảnh hưởng."

Các nhóm hoạt động nhân quyền và các chính phủ Tây phương tố cáo Trung Quốc vi phạm nhân quyền tràn lan trong khi các nước láng giềng cáo buộc Bắc Kinh có tham vọng bành trướng ở Biển Đông. Tất cả những chỉ trích này đều bị Bắc Kinh bác bỏ.

Chủ tịch Trung Quốc nói các nước lớn phải xem các nước nhỏ là ngang bằng, chớ nên tự xem mình là bá quyền để áp đặt, uy hiếp các nước khác.

Ông Tập tuyên bố Trung Quốc sẽ cố gắng xây dựng kiểu mẫu quan hệ mới với Hoa Kỳ và trở thành một đối tác vì hòa bình, phát triển, cải cách giữa các nền văn minh khác nhau.

Ông cũng kêu gọi thế giới đoàn kết trong vấn đề biến đổi khí hậu, chống khủng bố, và giải giới hạt nhân. - VOA

***
Báo chí Pháp ngày 19/01/2017 tiếp tục bình luận về bài diễn văn của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại buổi khai mạc Diễn Đàn Davos. Le Figaro ghi nhận việc ông Donald Trump đắc cử đã tạo « một cơ hội không ngờ tới để cho vị hoàng đế đỏ của Trung Quốc khoác lên mình chiếc áo của một nhà lãnh đạo có trách nhiệm », gìn giữ trật tự và hòa bình cho thế giới.

Kế hoạch của thủ tướng Theresa May đưa nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu chiếm trang nhất nhật báo Le Monde số đề ngày 19/01/2017. Libération quan tâm đến những người ủng hộ ứng cử viên tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, giải thích vì sao họ nghe theo cựu bộ trưởng Kinh Tế.

Tờ Le Figaro thì chú trọng đến những tranh cãi chung quanh phương pháp giảng dạy ngữ pháp mới vừa được đưa vào các trường tiểu học và trung học cấp hai ở Pháp. Nhật báo kinh tế Les Echos đưa tin về một tranh cãi khác ở Pháp, đó là về vai trò của các quỹ bảo hiểm y tế phụ (mutuelles). Nhật báo Công giáo La Croix chú tâm đến những trường học mà mạng lưới Espérance Banlieues, thân với giới Công giáo, lập ra cho các vùng ngoại ô ở Pháp.

Về thời sự quốc tế, báo chí Pháp hôm nay, tiếp tục bình luận về bài diễn văn của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại buổi khai mạc Diễn Đàn Davos ngày17/01/2017.

Tập Cận Bình, hiện thân của một trật tự thế giới mới ?

Tờ Le Figaro ghi nhận, việc ông Donald Trump đắc cử đã tạo cho Trung Quốc « một cơ hội không ngờ tới để cho vị hoàng đế đỏ Tậ Cận Bình khoác lên mình chiếc áo một nhà lãnh đạo có trách nhiệm của thế giới ».

Theo Le Figaro, trong khi nhà tỷ phú Mỹ liên tiếp đưa ra những lời tuyên bố mang tính hiếu chiến hoặc bảo hộ mậu dịch, xem thường vấn đề biến đổi khí hậu, thì ông Tập Cận Bình lại tranh thủ Diễn Đàn Davos để tự thể hiện mình như là một nhân vật đối trọng với Trump và là người bảo vệ trật tự thế giới : bảo đảm cho tiến trình toàn cầu hóa và tự do mậu dịch, nhưng cũng bảo vệ môi trường và hòa bình cho thế giới.

Tờ báo cũng nghi nhận rằng trong khi Trump gây xáo trộn Liên Hiệp châu Âu - hoan nghênh Brexit và chỉ trích chính sách nhập cư của Đức - hoặc gây hoang mang cho các đồng minh của Mỹ ở Đông Nam Á, thì ông Tập Cận Bình xuất hiện như là hiện thân tuyệt đối của sự ổn định.

Nhưng theo Le Figaro, sau những lời lẽ mang tính đồng thuận như thế, vị lãnh đạo Trung Quốc độc đoán nhất kể từ thời Mao Trạch Đông sẽ phải thuyết phục thế giới về sự thành tâm của ông. Bài diễn văn mang tính cởi mở dành cho công chúng quốc tế tương phản hoàn toàn với những tuyên bố mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa cực đoan khi ngỏ lời với đồng bào của ông. Cũng ông Tập Cận Bình, không ngần ngại lên án « những lực lượng phương Tây thù địch » và lên án cả những giá trị phổ quát về nhân quyền và « mối nguy » của dân chủ.

Với báo Le Monde, bài diễn văn của ông Tập Cận Bình chính là bài mà các đại biểu Mỹ tham dự Diễn đàn Davos muốn tổng thống của họ đọc. Theo tờ báo này, đây quả là thế giới đảo chiều : trong tất cả các nền dân chủ phương Tây, toàn cầu hóa và tự do mậu dịch bị tấn công bởi một xu hướng chính trị mạnh, mà hiện thân là Donald Trump. Và chính chủ tịch Trung Quốc, người thừa kế Mao Trạch Đông, lại đến trấn an các lãnh đạo doanh nghiệp về những khái niệm đã làm thay đổi sâu rộng nền kinh tế thế giới từ cuối thế kỷ XX. - RFI

***
Hãng chế tạo máy bay Boeing và ngành xuất khẩu nông sản Hoa Kỳ có thể sẽ là những đối tượng bị trả đũa đầu tiên nếu Donald Trump khai mào cuộc chiến thương mại. Truyền thông Trung Quốc ngày 19/01/2017 cảnh báo như trên.

Trong một bài xã luận, Hoàn Cầu Thời Báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản Trung Quốc cho rằng, tuy Hoa Kỳ có nền kinh tế mạnh hơn, Trung Quốc có thể sẽ phải bị thiệt hại nhiều hơn, một khi cuộc chiến bắt đầu, nhưng Trung Quốc cũng « sẽ dẫn Hoa Kỳ đi đến đường cùng ».

Tờ báo viết : « Có một vài trường hợp trong lịch sử hiện đại cho thấy trong một cuộc chiến thương mại chỉ có một bên chịu thua, nhưng nói đúng hơn là cả hai bên kết cục đều gây tổn thương cho nhau. Làm sao mà ê-kíp lãnh đạo của ông Trump có thể nghĩ là Trung Quốc sẽ chịu thua mà không có một biện pháp trả đũa nào ? ».

Bài xã luận nhắc nhở : « Ê-kíp lãnh đạo ngạo mạn của ông Trump đã đánh giá thấp khả năng đáp trả của Bắc Kinh. Nên nhớ rằng, Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu chính các mặt hàng bông vải, lúa mì, đậu nành của Mỹ và còn là khách hàng lớn nhất của hãng máy bay Boeing ».

Văn phòng đại diện của Boeing tại Trung Quốc đã từ chối bình luận về những cảnh báo trên. Hãng chế tạo máy bay này từng dự báo thị trường hàng không Trung Quốc trong 20 năm tới cần đến 6.800 chiếc máy bay dân dụng, trị giá ước tính đến 1000 tỷ đô la.

Báo chí Trung Quốc có lời công kích mạnh mẽ này do việc hôm thứ Tư 18/01, tỷ phú Wilbur Ross, người được ông Donald Trump chọn làm bộ trưởng Thương Mại đã chỉ trích mạnh mẽ các chính sách thương mại của Trung Quốc, và đe dọa sẽ tìm kiếm các biện pháp mới để trả đũa. - RFI
|
|

2.
TQ sẵn sàng giúp giải quyết khủng hoảng Ukraine

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố Bắc Kinh sẵn sàng đóng vai trò xây dựng để mưu cầu một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Phát biểu trước người tương nhiệm phía Ukraine, ông Tập còn nói thêm rằng ông xem quốc gia Đông Âu này là một người bạn.

Sau khi Nga sáp nhập lãnh thổ Crimea của Ukraine vào năm 2014, Trung Quốc lên tiếng tôn trọng tính toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine nhưng cũng kêu gọi các cường quốc phương Tây cân nhắc các quan ngại an ninh chính đáng của Nga.

Bắc Kinh cẩn trọng để không bị lôi kéo vào cuộc dằng co giữa Nga với phương Tây về tương lai của Ukraine vì không muốn xa lánh đồng minh quan trọng ở Moscow.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong cuộc gặp bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Chủ tịch Trung Quốc khẳng định với Tổng thống Ukraine, Petro Poroshenko, rằng hai nước có truyền thống hữu nghị lâu đời và rằng Bắc Kinh muốn siết chặt hợp tác, phát triển quan hệ với Ukraine.

“Chúng tôi thành thật hy vọng Ukraine duy trì ổn định xã hội và phát triển kinh tế và sẵn sàng đóng vai trò xây dựng trong việc cổ súy một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng,” thông cáo dẫn lời Chủ tịch Trung Quốc cho biết.

Tổng thống Poroshenko nói Ukraine hoan nghênh các nguồn đầu tư từ Trung Quốc và rằng đôi bên có nhiều tiềm năng hợp tác trong nhiều lĩnh vực.

Trước đây, Trung Quốc tỏ ra không quan tâm đến chuyện can thiệp vào các nỗ lực ngoại giao giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Ukraine. - VOA
|
|

3.
Cam Bốt bỏ tập trận với Mỹ để chiều lòng Trung Quốc?

Chính quyền Cam Bốt vừa bất ngờ quyết định tạm hoãn tập trận thường niên với Mỹ. Phnom Penh đã nêu lý do cần tập trung lực lượng cho một sô nhiệm vụ bảo đảm an ninh. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng đó là vì Cam Bốt muốn chiều lòng đàn anh Trung Quốc.

Thông tin về quyết định hủy bỏ các cuộc tập trận thường niên với Hoa Kỳ trong hai năm 2017 và 2018 đã được chính đại sứ quán Mỹ tại Cam Bốt xác nhận ngày 16/01/2017 với nhật báo Anh Ngữ The Cambodian Daily. Đây là một quyết định được cho là rất đột ngôt, vì cuộc tập trận chung Mỹ-Cam Bốt đã trở thành thông lệ từ bảy năm gần đây và công việc chuẩn bị cho cuộc tập trận thứ tám vào mùa xuân tới đây đã tiến rất xa.

Giải thích về lý do đình chỉ tập trận với Mỹ, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Cam Bốt Chuum Socheat nêu lý do là nước này cần điều động quân đội vào một số nhiệm vụ cấp bách hơn, cụ thể là phối hợp với lực lượng cảnh sát trong một chiến dịch bài trừ ma túy kéo dài sáu tháng liên tục và bảo đảm an ninh cho cuộc bầu cử địa phương tổ chức vào ngày 04/06/2017.

Theo chuyên san The Diplomat tại Nhật Bản, đối với những ai hiểu biết đôi chút về quan hệ quốc phòng Mỹ-Cam Bốt, cuộc tập trận song phương thường niên giữa hai nước mang tên là Angkor Sentinel khá khiêm tốn về quy mô, và chưa bao giờ làm cho quân đội Cam Bốt phải làm việc hết công suất trong suốt bảy năm vừa qua, kể cả vào năm 2013, khi Cam Bốt tổ chức tổng tuyển cử.

Hơn nữa, ngay cả khi có vấn đề nhân sự, tại sao lại phải đình chỉ các cuộc tập trận chúng với Mỹ cho đến tận năm 2019, trong khi mà Phnom Penh chỉ cần dời sự kiện này vài tháng, cho đến khi quân đội hoàn thành các nhiệm vụ kể trên.

Tóm lại, các lý do nội bộ hoàn toàn không đứng vững. Vậy thì phải chăng nguyên do chính mang tính chất đối ngoại ?

Có ý kiến cho rằng Phnom Penh muốn gửi một thông điệp tới Washington để nhắc Mỹ là không nên chỉ trích Cam Bốt về mặt nhân quyền và dân chủ vào lúc chính quyền Hun Sen đang gia tăng đàn áp đối lập trước cuộc tổng tuyển cử năm 2018 trong đó đảng cầm quyền có khả năng gặp khó khăn.

Đối với The Diplomat, lý do này cũng không có sức thuyết phục vì lẽ ngay từ cuối năm 2016, Washington đã bắn tin cho biết là quan hệ song phương với Phnom Penh vẫn có thể hoàn toàn tốt bất chấp vấn đề nhân quyền và dân chủ tại Cam Bốt.

Còn lại lý do được nhiều người cho là xác thực hơn cả là Phnom Penh đã chiều ý Bắc Kinh để tẩy chay hợp tác quân sự với Washington.

Trung Quốc và Cam Bốt đã tăng cường quan hệ quân sự song phương một cách đáng kể và vào cuối năm ngoái, lần đầu tiên hai nước đã mở một cuộc diễn tập huấn luyện hải quân. Càng gần đến ngày bầu cử tại Cam Bốt, Bắc Kinh càng đẩy mạnh trợ giúp Phnom Penh.

Câu hỏi đặt ra là phải chăng Trung Quốc đã yêu cầu Cam Bốt từ bỏ hợp tác quân sự với Mỹ để đánh đổi lấy sự giúp đỡ của Trung Quốc.

Trung Quốc được cho là rất quan ngại trước nguồn tin theo đó quân đội Mỹ có kế hoạch chọn Cam Bốt làm một trong những địa điểm để bố trí sẵn thiết bị và phương tiện để có thể sử dụng ngay trong các chiến dịch cứu trợ nhân đạo trong khu vực. Ngoài ra, Mỹ cũng dự trù lồng cuộc tập trận song phương Asia Sentinel giữa Mỹ-Cam Bốt vào trong một chương trình cấp khu vực mang tên Pacific Pathways.

Đối với The Diplomat, việc Phnom Penh bỏ hợp tác quân sự với Mỹ để chạy theo Trung Quốc không có gì đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, điều đó sẽ lợi bất cập hại vì khi làm như vậy, Cam Bốt có nguy cơ bị lệ thuộc hoàn toàn vào một cường quốc duy nhất, điều không hay chút nào cho một nước nhỏ như Cam Bốt.

Cam Bốt đã đi ngược lại xu thế chung của Đông Nam Á là thúc đẩy quan hệ tốt với Bắc Kinh, nhưng vẫn duy trì quan hệ hữu hảo với các cường quốc khác. - RFI
|
|

4.
Hàn Quốc: Tòa án bác đề nghị bắt giam chủ tập đoàn Samsung

Hãng tin Pháp AFP ngày 18/01/2017 cho biết, Tòa án Seoul bác bỏ yêu cầu của viện kiểm sát đòi bắt giam người kế nhiệm lãnh đạo tập đoàn Samsung, Lee Jae-Yoong. Ông này bị tình nghi mua chuộc bà quân sư của tổng thống Park Geun-Hye để chuộc lợi.

Sau bốn giờ nghe đương sự giải trình, Tòa án tại Seoul trong một thông cáo giải thích là chưa có đủ bằng chứng chắc chắn để ra lệnh bắt giam ông Lee Jae-Yong, 48 tuổi, hiện là chủ nhân tập đoàn lớn nhất nước, chiếm đến 20% tổng sản phẩm nội địa.

Theo một nhà phân tích được AFP trích dẫn, có thể việc Tòa án Seoul không ra lệnh bắt giam ông Lee nhằm tránh làm xấu đi hình ảnh của tập đoàn Samsung.

Chưởng lý của ủy ban điều tra đặc biệt về vụ tai tiếng chính trị Hàn Quốc vào hôm nay 19/01/2017 đã “thật sự lấy làm tiếc” về quyết định của tòa án. Trước báo chí, phát ngôn viên của chưởng lý cho biết cơ quan này “sẽ làm tất cả những gì cần thiết và tiếp tục điều tra không chút dao động”.

Đầu tuần, nhóm điều tra đặc biệt về vụ tai tiếng chính trị đã đề nghị ra lệnh bắt giam ông Lee. Các nhà điều tra nghi ngờ chủ nhân Samsung tham nhũng, lạm dụng công quỹ và bội thề.

Yêu cầu này của viện kiểm sát được đưa ra sau 22 giờ thẩm vấn ông Lee, hồi tuần trước, trong khuôn khổ cuộc điều tra vụ tai tiếng chính trị, liên quan đến bà Choi Soon Sil, người bạn thâm niên và cũng là cố vấn của tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye.

Hàn Quốc kết án tù em gái tập đoàn phân phối Lotte

Tòa án Seoul hôm nay đã kết án bà Shin Young-Ja, 74 tuổi, em gái của chủ tịch tập đoàn phân phối Lotte, tập đoàn lớn thứ 5 tại Hàn Quốc, 3 năm tù giam và phạt 1,4 tỷ đô la vì tội nhận hối lộ.

Như vậy, bà Shin là người đầu tiên trong dàn lãnh đạo của Lotte bị kết án. Bà bị cáo buộc đã nhận hối lộ từ nhiều doanh nghiệp khác nhau. Đổi lại, những doanh nghiệp này được phép trưng bày các sản phẩm của mình trong các cửa hiệu miễn thuế và các siêu thị của Lotte từ năm 2007. AFP cho biết thêm là cha và hai người anh khác của bà Shin đã bị buộc tội trốn thuế và biển thủ công quỹ.

Lotte do Shin Kyuk-Ho thành lập tại Nhật Bản năm 1948. Nhưng 80% các hoạt động của tập đoàn là tại Hàn Quốc. Hoạt động của tập đoàn này bao phủ trên 80 vùng khác nhau đi từ phân phối, khách sạn, cho đến các khu vui chơi giải trí và ngành hóa học, với tổng trị giá ước tính lên đến 82 tỷ euro. - RFI
|
|

5.
Nhà nước Hồi giáo 'mất 1/4 lãnh thổ' năm 2016

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) mất gần một phần tư lãnh thổ năm 2016 theo dữ liệu mới công bố.

Nhóm này mất gần 18.000 km vuông lãnh thổ và chỉ còn khoảng 60.400 km vuông, ít hơn diện tích của bang Florida, các chuyên viên phân tích an ninh và quốc phòng của IHS Markit cho hay.

IHS Markit dự đoán việc quân chính phủ Iraq tái chiếm Mosul vào giữa năm nay.

Nhưng họ nói thành trì Raqqa sẽ là một thử thách lớn.

IHS Markit cho biết năm 2016, IS mất 23% lãnh thổ mà họ chiếm đóng trong khi năm trước đó là 14%.

"IS phải chịu thiệt hại về lãnh thổ lớn nhất năm 2016, trong đó có những khu vực mang tính sống còn với họ," Columb Strack, chuyên viên phân tích cao cấp của IHS cho biết.

Ông nói rằng kết quả này diễn ra dù đã IS chiếm lại thành phố Palmyra tháng 12/2016 "từ tay quân chính phủ Syria".

Tại Mosul - thành phố lớn thứ hai của Iraq, bị những kẻ cực đoan kiểm soát từ năm 2014, quân chính phủ Iraq đã "có những bước tiến ổn định" ở các quận phía đông dù bị kháng cự mạnh những ngày gần đây, báo cáo cho hay.

Ông Strack cho biết: "Chúng tôi hy vọng quân chính phủ Iraq sẽ giành lại Mosul trước tháng 6/2017.

"Sau Mosul, chính phủ Iraq có thể sẽ tập trung tấn công các ổ kháng cự quanh Hawija."

Việc giành Raqqa sẽ khó khăn hơn, báo cáo của IHS cho hay.

Raqqa được coi là "thủ phủ" của đế chế Hồi giáo.

Tháng 11/2016, liên quân do Mỹ hậu thuẫn gồm các chiến binh người Kurd và Ả rập, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), cho biết tiến hành chiến dịch chiếm Raqqa.

Nhưng chiến dịch đã "bị đình trệ tại lưu vực giữa sông Euphrates và Balikh", báo cáo cho biết. - BBC
|
|

6.
Đài Loan chê lãnh đạo Hoa lục "nhỏ nhen"

Trung Quốc là nước lớn, tâm trí phải cởi mở, không nên cư xử nhỏ nhen với Đài Loan. Trên đây là phản ứng của Đài Bắc sau khi Bắc Kinh yêu cầu Washington cấm phái đoàn Đài Loan dự lễ nhậm chức của tổng thống tân cử Donald Trump ngày 20/01/2017.

Theo AFP, một phái đoàn Đài Loan do cựu thủ tướng Du Tích Côn dẫn đầu, sẽ tham dự lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 45 của Mỹ, trong số khách mời quốc tế. Tuy nhiên, Bắc Kinh nổi giận và yêu cầu Hoa Kỳ cấm cửa đại diện của hải đảo mà Hoa lục xem là phản loạn.

Trong buổi họp báo hàng tuần ngày 19/01/2017, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh « thúc giục phía Mỹ không cho phép bất kỳ một phái đoàn chính thức nào của Đài Loan tham dự lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống cũng như không tiếp xúc chính thức với Đài Loan ».

Bắc Kinh đã bị trưởng đoàn Đài Loan Du Tích Côn trả đũa ngay lập tức bằng nghệ thuật đối đáp theo truyền thống lịch sử Trung Hoa : « lãnh đạo đại quốc nhưng tiểu trí ».

Cựu thủ tướng Du Tích Côn nhận định thêm « trong lịch sử Trung Hoa, chưa có một ông vua nào đầu óc hẹp hòi như lãnh đạo Hoa lục hiện nay », ám chỉ chủ tịch Tập Cận Bình. Ông kêu gọi lãnh đạo Trung Quốc phải hành động sao cho xứng đáng là nước lớn. Mà « đại quốc » thì đừng có cư xử như « tiểu nhân ».

Cựu thủ tướng Du Tích Côn là một trong những lãnh đạo đảng Dân Tiến, đảng đang cầm quyền tại Đài Loan. Trong quá khứ, Đài Loan bao giờ cũng gửi một phái đoàn tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ nhưng không do tổng thống dẫn đầu. - RFI
|
|

7.
Tấn công tự sát ở Mali, 60 người chết

Một nhóm cực đoan có liên hệ với al-Qaida đã nhận trách nhiệm trong vụ tấn công tự sát hôm thứ 4 vào một trại quân sự ở bắc Mali, giết chết ít nhất 60 binh sĩ và phần tử nổi dậy phiến quân. 115 người khác bị thương trong vụ tấn công này.

Một chiếc ô tô chứa đầy chất nổ đã xâm nhập trại quân sự ở Gao giữa lúc hàng trăm binh sĩ đang tập hợp vào buổi sáng.

Nhóm Al Mourabitoune, có liên hệ với chi nhánh Bắc Phi của al-Qaida, cho hay họ đứng sau vụ đánh bom này.

Bộ trưởng Quốc phòng Mali Abdoulaye Idrissa Maiga nói vụ đánh bom hôm thứ 4 là một phần của “một cuộc chiến không tên.”

Các binh sĩ này trực thuộc Cơ chế hoạt động Hỗn hợp, nhóm quy tụ các lực lượng chính phủ và các cựu thành viên của nhóm nổi dậy Tuareg. Các chiến binh Tuareg đã thành lập các toán tuần tra để thi hành thoả thuận hòa bình Mali năm 2015.

Lực lượng ly khai Tuareg đã tranh thủ vụ đảo chính quân sự năm 2012 ở Mali để chiếm quyền kiểm soát khu vực phía bắc trong 1 thời gian ngắn trước khi bị các phần tử chủ chiến có liên hệ với al-Qaida đẩy bật ra khỏi nơi này.

Một lực lượng Pháp đã tái chiếm khu vực này từ tay các phần tử Hồi giáo.

Hàng nghìn binh sĩ gìn giữ hòa bình LHQ và binh sĩ Mali đang giám sát hiệp ước hòa bình mong manh đạt được giữa chính phủ Mali và các nhóm nổi dậy Tuareg.

Tổ chức Human Rights Watch nói các phần tử cực đoan Hồi giáo đã giết chết 29 binh sĩ gìn giữ hoà bình LHQ hồi năm ngoái, và vẫn đe doạ sẽ thi hành luật Hồi giáo Sharia ở miền Bắc và miền Trung Mali. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

8.
Ba vấn đề có hệ lụy sâu rộng đeo bám ông Trump vào Tòa Bạch Ốc --- Washington sẵn sàng cho những ngày biểu tình chống ông Trump

Mối quan hệ với cộng đồng tình báo

Mối quan hệ hiện tại giữa Tổng thống đắc cử Donald Trump và cộng đồng tình báo Mỹ có thể được mô tả là đầy chông gai, đôi khi thù địch. Đó là bởi vì những lãnh đạo tình báo hàng đầu của Mỹ đều kết luận rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ theo hướng có lợi cho ông Trump. Dù giới tình báo không đưa ra đánh giá liệu việc này có ảnh hưởng tới kết quả bầu cử hay không, song ông Trump xem kết luận này mang động cơ chính trị nhằm làm cho chiến thắng của ông mất tính chính danh. Ông Trump lên Twitter dè bỉu giới tình báo bằng giọng điệu đả kích và ngờ vực. Sau khi lộ tin cho hay ông Trump đã được báo cáo về những tuyên bố chưa được kiểm chứng nói rằng Nga nắm trong tay những thông tin gây tổn hại về ông, ông phẫn nộ so sánh giới tình báo Mỹ với Đức Quốc xã. Trong những ngày tháng tới ông Trump hàng ngày sẽ phải nghe báo cáo của họ để đưa ra những quyết định ảnh hưởng tới an ninh quốc gia. Đã có những tổng thống hoài nghi thông tin mà giới tình báo thu thập nhưng chưa một ai đả kích họ gay gắt và công khai như ông Trump. Dè bỉu những người mà hàng ngày có thể đương đầu với nguy hiểm phục vụ đất nước có thể gây tổn hại rất lớn, không chỉ đối với nhuệ khí của hàng trăm ngàn nhân viên tình báo mà nghiêm trọng hơn là với an ninh quốc gia.

Mối quan hệ với Nga/Putin

Nếu ông Trump có một lập trường nhất quán xuyên suốt thì đó là việc ông bày tỏ sự ngưỡng mộ và không ngần ngại tán dương Tổng thống Nga Vladimir Putin. Dù trong cuộc họp báo gần đây ông Trump nói rằng ông chấp nhận kết luận của cộng đồng tình báo Mỹ về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử, song ông nhanh chóng đề cao mối quan hệ hữu hảo mà ông muốn có với ông Putin. Lập trường này trái ngược hoàn toàn với lập trường của chính Đảng Cộng hòa của ông muốn áp đặt những chế tài mạnh hơn nữa lên Nga, nước mà các chính quyền Mỹ suốt hàng chục năm qua vẫn xem là đối thủ địa chính trị hàng đầu của mình. Những lời tán dương và thái độ ngưỡng mộ ra mặt của một tổng thống Mỹ dành cho một tổng thống Nga là điều chưa từng thấy từ trước đến nay. Và với những phát biểu của ông Trump như NATO “đã lỗi thời” và Thủ tướng Đức Angela Merkel phạm “sai lầm thảm họa” về chính sách di dân, không khó hiểu vì sao nỗi lo sợ bao trùm các thủ đô Tây Âu khi ngày nhậm chức của ông Trump tới gần. Trật tự an ninh hậu Thế chiến thứ Hai có thể bị đe dọa nếu ông Trump nhất quyết dang rộng vòng tay với Nga, và hệ lụy của chính sách đối ngoại này là điều mà các nhà lãnh đạo Tây Âu không dám nghĩ tới.

Mâu thuẫn lợi ích

Một vấn đề nan giải của ông Trump khi làm tổng thống là những mâu thuẫn lợi ích từ đế chế kinh doanh trải rộng khắp toàn cầu của ông. Chưa một tổng thống Mỹ nào nhậm chức với khối lượng tài sản khổng lồ như ông Trump với hơn 500 công ty ở Mỹ và ở nước ngoài mà ông sở hữu, kiểm soát hoặc quản lý. Nhiều chuyên gia giám sát đạo đức chính phủ đề nghị ông bán hết tài sản của mình và để chúng vào một quỹ tín thác mù mà ông không biết tới. Nhưng trong cuộc họp báo gần đây luật sư của ông cho biết ông quyết định giao lại toàn bộ hoạt động kinh doanh cho hai người con trai tiếp quản thay vì những người quản lý độc lập. Kế hoạch này đã bị những chuyên gia đạo đức chính phủ gọi là “vô nghĩa” và “không đáp ứng những tiêu chuẩn mà mỗi một tổng thống đã đáp ứng suốt 40 năm qua.” Không khó để hình dung từ giờ trở đi những ai muốn gây ảnh hưởng tới nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới có thể tiếp cận hai người con trai của ông thông qua những thỏa thuận kinh doanh. Ông Trump viện dẫn luật pháp nói rằng tổng thống không có mâu thuẫn lợi ích. Điều này về lý thuyết là đúng, nhưng tất cả các tổng thống tiền nhiệm đều tự nguyện tách mình khỏi những lợi ích cá nhân để đặt lợi ích công lên đầu. Các chuyên gia giám sát đạo đức nói rằng những mâu thuẫn lợi ích của ông Trump, nếu không được giải quyết thỏa đáng, có thể gây nên khủng hoảng hiến pháp và làm xói mòn niềm tin của công chúng đối với nhiệm quyền tổng thống của ông. - VOA

***
Washington trở thành một pháo đài trước lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Donald Trump vào ngày thứ Sáu 20 tháng 1 năm 2017. Thủ đô nước Mỹ dự trù sẽ phải đối phó với hơn 250.000 người biểu tình vào lúc ông Trump thuộc đảng Cộng hòa tuyên thệ nhậm chức.

Cảnh sát tiên đoán có khoảng 900.000 người, cả người ủng hộ lẫn người chống đối, sẽ tràn ngập Washington để dự lễ nhậm chức của ông Trump, bao gồm lễ tuyên thệ trên tam cấp Điện Capitol và một cuộc diễn hành đến Tòa Bạch Ốc với những người dự khán đứng dọc theo các con đường.

Nhiều người tham dự sẽ là những người biểu tình bất mãn vì những lời bình luận khiếm nhã của nhà phát triển địa ốc New York dành cho phụ nữ, di dân và người Hồi Giáo cũng như quyết tâm của ông rút lại luật cải cách y tế thường được gọi là Obamacare và kế hoạch xây một bức tường dọc theo biên giới Hoa Kỳ-Mexico.

Những người ủng hộ ông Trump thán phục kinh nghiệm của ông trong việc kinh doanh, như là một nhà phát triển địa ốc, và ngôi sao truyền hình thực tế, và xem ông như một người bên ngoài Washington và là người giải quyết vấn đề.

Bộ trưởng An ninh Nội địa sắp mãn nhiệm Jeh Johnson nói mục đích của cảnh sát là nhằm tách rời các nhóm để tháo gỡ căng thẳng, tương tự như các đại hội chính trị hồi năm ngoái.

Ông Johnson nói trên kênh truyền hình MSNBC hôm thứ Năm “Mối quan ngại là một số những nhóm này thân ông Trump, những nhóm khác chống ông Trump, và họ có thể không thuận thảo với nhau tại cùng một địa điểm.”

Có khoảng 28.000 nhân viên an ninh, nhiều kilômét hàng rào, cấm đường, rào cản trên đường phố và những xe hốt rác chở đầy cát thuộc thành phần bảo vệ an ninh chung quanh gần 8 kilômét vuông tại trung tâm Washington.

Có khoảng 30 nhóm mà các người tổ chức nói sẽ thu hút khoảng 270.000 người biểu tình chống hay ủng hộ ông Trump nhận được giấp phép biểu tình hay tuần hành trước, trong và sau lễ tuyên thệ nhậm chức. Sẽ có nhiều người biểu tình không giấy phép.

Một nhóm người biểu tình có tên là Disrupt J20 cho biết sẽ tổ chức biểu tình tại 12 điểm kiểm soát và chặn việc tiếp cận các lễ hội tại Quảng trường Quốc gia.

Cho đến nay cuộc biểu tình lớn nhất sẽ là cuộc Tuần hành của Phụ nữ tại Washington vào ngày thứ Bảy mà các nhà tổ chức hy vọng thu hút đến 250.000 người. Hàng trăm cuộc biểu tình Tuần hành của Phụ nữ liên hệ đến việc phản đối ông Trump cũng được dự trù tổ chức trên toàn nước Mỹ và trên toàn thế giới.

Một cuộc biểu tình tại Washington sẽ diễn ra với khói thuốc cần sa khi những nhà hoạt động bày tỏ sự chống đối Thượng nghị sĩ Cộng hòa tiểu bang Alabama Jeff Sassions được ông Trump chọn làm bộ trưởng tư pháp vì ông chỉ trích việc hợp pháp hóa cần sa.

Các giới chức cảnh sát và an ninh hứa bảo đảm quyền tự do ngôn luận và tập họp ôn hòa của những người biểu tình được hiến pháp qui định.

Đám đông ngày thứ Sáu dự trù ít hơn con số 2 triệu người đã tham dự lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Obama vào năm 2009, và bằng với khoảng 1 triệu người có mặt tại lễ nhậm chức lần thứ hai của ông Obama cách đây 4 năm.

Diễn hành trong ngày nhậm chức sẽ được tổ chức dọc theo Đại lộ Pennsylvania, ngang qua Khách sạn Quốc tế Trump. Khách sạn này là nơi tụ hội của những người biểu tình kể từ khi có cuộc bầu cử Tổng thống và hiện được bao vây bằng những hàng rào.

Ông Trump sẽ tham dự một buổi cầu nguyện liên tôn tại nhà thờ vào ngày thứ Bảy, kết thúc lễ nhậm chức. - VOA
|
|

9.
Ông Trump sẵn sàng ‘hành động’ ngay ngày đầu nhậm chức --- Nét riêng biệt trong Lễ Tuyên thệ Nhậm chức của ông Trump --- Donald Trump qua những con số --- Một số điều thú vị về Lễ Nhậm chức Tổng thống Mỹ

Tổng thống tân cử Donald Trump sẵn sàng khởi sự các hành động hành pháp ngay ngày đầu nhậm chức (20/1) để nhanh chóng thực hiện các cam kết đã đưa ra bao gồm trấn dẹp di dân bất hợp pháp, xây tường biên giới với Mexico, và hủy bỏ các chính sách của Tổng thống Barack Obama.

Hôm nay, ông Trump cùng gia đình tới thủ đô Washington bằng một máy bay quân sự để ngày mai (20/1) hiện diện tại lễ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống ở điện Capitol, trụ sở Quốc hội.

Giữa các hoạt động lễ lạc trong ngày Tổng thống nhậm chức, ông Trump sẽ bắt đầu sử dụng ngay công cụ quyền lực nhất của mình tại Tòa Bạch Ốc, cây bút của Tổng thống, để ký các sắc lệnh hành pháp.

"Ông ấy cam kết thực thi nghị trình thay đổi không chỉ trong ngày đầu, ngày hai, ngày ba, mà trong những ngày, những tuần sắp tới," phát ngôn viên của ông Trump, ông Sean Spicer, cho biết.

Các cố vấn của ông Trump đã chuẩn bị hơn 200 sắc lệnh hành pháp về chăm sóc sức khỏe, chính sách biến đổi khí hậu, năng lượng, di trú ..v….v..v để ông Trump xem xét ký ban hành. - VOA

***
12 giờ trưa ngày 20/1 (giờ miền Đông Hoa Kỳ), nước Mỹ và cả thế giới sẽ chứng kiến một cuộc chuyển giao quyền lực quan trọng khi Tòa Bạch Ốc chia tay Tổng thống Barack Obama để đón chào chủ nhân mới: ông Donald Trump, Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ.

Tổng thống Obama và Tổng thống tân cử Donald Trump sẽ gặp nhau tại Tòa Bạch Ốc trước lễ tuyên thệ. Sau đó, họ sẽ cùng nhau đến Điện Capitol (trụ sở Quốc hội) dự lễ tuyên thệ nhậm chức của tân Tổng thống.

Lễ bắt đầu lúc 11:30, Tân Tổng thống sẽ tuyên thệ và đọc diễn văn nhậm chức lúc 12 giờ trưa. Tuyên thệ xong, tân Tổng thống sẽ dùng bữa trưa tại Điện Capitol. Sau đó, Tổng thống và Phó Tổng thống sẽ tham dự cuộc diễu hành truyền thống dự kiến bắt đầu lúc 3 giờ chiều.

Đoàn diễu hành sẽ đi dọc theo đại lộ Pennsylvania giữa Quốc hội với Tòa Bạch Ốc.

Ngoài gia đình Tổng thống mãn nhiệm và Tổng thống kế nhiệm, các khách VIP tham dự lễ này còn có các cựu Tổng thống. Cựu Tổng thống Jimmy Carter và George W. Bush đã loan báo sẽ hiện diện. Cựu Tổng thống Bill Clinton và phu nhân, ứng viên đối thủ của ông Trump, dự kiến cũng sẽ có mặt.

Gần 250 ngàn vé đã được phát cho những người dự lễ tuyên thệ thông qua các thành viên của Quốc hội, trong khi khu Quảng trường Quốc gia có sức chứa hàng trăm ngàn khán giả.

Có những khu vực dân chúng có thể dự khán không cần vé, nhưng cũng có những khu vực phải có vé mới được vào. Cổng an ninh mở lúc 6 giờ sáng.

Lễ nhậm chức Tổng thống thường phản ánh tính cách, đặc điểm, và mong muốn của nhân vật sắp dọn vào Tòa Bạch Ốc ở số 1600 đại lộ Pennsylvania.

Các vị Tổng thống Mỹ trước đây đã tìm cách tạo dấu ấn riêng biệt cho nhiệm kỳ của mình từ buổi lễ tuyên thệ.

Lễ tuyên thệ của cựu Tổng thống John F Kennedy rất phong cách và trang nhã trong khi cựu Tổng thống Jimmy Carter đặt trọng tâm ngày nhậm chức của ông là ‘lễ tuyên thệ của nhân dân.’

Lễ tuyên thệ của cựu Tổng thống Ronald Reagan rất tráng lệ trong khi cựu Tổng thống Clinton lại đưa nét đặc biệt của thế hệ baby boomer của ông vào lễ nhậm chức với hàng loạt các ngôi sao hàng đầu trong buổi hòa nhạc miễn phí.

Dựa trên chủ đề tranh cử của ‘hy vọng và thay đổi’, lễ nhậm chức đầu tiên của Tổng thống Obama cách đây 8 năm quy tụ lượng người tham dự đông kỷ lục, cả chiều dài của Quảng trường Quốc gia ngay trung tâm thủ đô được dành trọn cho lễ tuyên thệ của ông.

Tại cuộc họp báo tuần trước, ông Trump đã hứa hẹn một buổi lễ nhậm chức ‘hết sức đặc biệt và đẹp mắt’, và ông cũng dự đoán sẽ cực kỳ đông người tham dự.

Trong số những người tề tựu về thủ đô Washington để chia vui-cổ võ cho ông Trump dịp này có anh Andy Nguyễn Xuân Hùng, Ủy viên Hội đồng quận Terrant, bang Texas. Anh Andy dành trọn 2 ngày 19 và 20/1 bay lên Washington DC tham dự lễ nhậm chức Tổng thống. Anh cho biết anh muốn hiện diện trong ngày trọng đại này để chúc mừng và bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Trump, người mà anh kỳ vọng sẽ có hành động mạnh tay trong các chính sách đối ngoại, ‘không ngần ngại’ đối diện trực tiếp với Trung Quốc, nước đang o ép các nước nhỏ lân cận trong đó có Việt Nam.

Anh Andy chia sẻ thông điệp anh mang theo tới lễ nhậm chức của tân Tổng thống:

“Chúng tôi tin rằng ông Donald Trump sẽ phát triển nền kinh tế Mỹ, sẽ giải quyết các vấn đề chi phí quá mức của chính phủ liên bang, tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân, xây dựng lại thế đứng vững mạnh của Hoa Kỳ trên bàn cờ thế giới, bảo đảm an toàn-an ninh cho nước Mỹ. Mặc dù ông Trump có nhiều yếu điểm trong ăn nói, nhưng chúng ta cần một người có khả năng làm việc, chúng ta không cần một người ăn nói văn hoa mà không tạo ra được kết quả.”

Nhưng trong đoàn người kéo về thủ đô Hoa Kỳ lúc này cũng có rất nhiều người góp mặt để phản đối vị tỷ phú bạo ngôn. Đây cũng là một bằng chứng nữa cho thấy một nước Mỹ chia rẽ sau cuộc bầu cử Tổng thống đầy tranh cãi vừa qua.

Chị Genie Ngọc Giao Nguyễn, sáng lập Hội Tiếng nói người Mỹ gốc Việt, cho biết dù hoàn toàn không ủng hộ ông Trump, nhưng chị cũng muốn có mặt trong sự kiện này:

“Mình là một công dân Mỹ gốc Việt, ngày đầu tiên của một Tổng thống mới, đúng theo tinh thần công dân ở một nước dân chủ, mình cũng muốn có mặt. Mình muốn chứng tỏ là người Mỹ gốc Việt của chúng ta cũng quan tâm, chúng ta sẽ theo dõi và lên tiếng về những chuyện cần thiết ảnh hưởng tới quyền lợi công dân.”

Nhiều cuộc biểu tình phản đối ông Trump trong ngày lễ tuyên thệ đã được lên lịch và được cấp phép. Nhiều đoàn biểu tình đã tuyên bố trên các trang mạng xã hội quyết tâm gây gián đoạn lễ nhậm chức để bày tỏ những bất bình về những phát biểu và kế hoạch gây tranh cãi của ông Trump liên quan đến di dân, Hồi giáo, và phụ nữ. Chị Giao nói chị chọn lên tiếng bằng nhiều cách khác, trong đó có các cuộc vận động chính giới Hoa Kỳ, chứ không tham gia vào các cuộc biểu tình ngày ông Trump nhậm chức để ‘không tạo thêm khó khăn cho mọi người.’

Chị Ngọc Giao:

“Đó là quyền tự do biểu lộ ý tưởng. Chỉ ở Hoa Kỳ, quyền này mới được bảo vệ rõ ràng, nghĩa là họ biểu tình trật tự, ôn hòa thì có đến 200 triệu đô la đã được chi ra để bảo vệ an ninh cho ngày mai, trong đó có an ninh của tất cả những người biểu tình nữa. Đây là điều mà Việt Nam nên học hỏi.”

Một cuộc biểu tình quy mô lớn của nữ giới sẽ diễn ra ngay sau lễ tuyên thệ của ông Trump một ngày, dự kiến quy tụ khoảng 250 ngàn người, với thông điệp về nữ quyền và tiếng nói phụ nữ gửi tới vị Tổng thống từng bị tai tiếng vì các phát biểu phân biệt đối xử và coi thường phụ nữ.

Cùng với làn sóng dân chúng phản đối ông Trump, hàng chục nhà lập pháp bên đảng Dân chủ đã tuyên bố tẩy chay các buổi lễ mừng tân Tổng thống. Dù tất cả những gì liên hệ với ông Trump dường như là chưa từng thấy trước nay, nhưng đây không phải lần đầu tiên nhiều người bên đảng đối lập tẩy chay lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống. Tám chục nhà lập pháp đã không tham dự lễ nhậm chức của cựu Tổng thống Richard Nixon hồi năm 1973.

Nhiều nghệ sĩ hạng sao cũng đã từ chối lời mời tham dự lễ nhậm chức của ông Trump, trong đó có hai ngôi sao ca nhạc Elton John và Celine Dion.

Danh sách các nghệ sĩ hàng đầu góp mặt trong ngày ‘đăng quang’ của ông Trump cũng là một yếu tố đáng ngạc nhiên vì ông Trump vốn là một gương mặt quen thuộc trong giới biểu diễn, một ngôi sao truyền hình thực tế.

Tuy vậy, nhiều dạ tiệc không chính thức đã bán sạch vé từ nhiều tuần trước và lượng khách đặt phòng khách sạn cũng không thua gì hồi Tổng thống Obama nhậm chức cách đây 4 năm.

8 năm trước, các hoạt động lễ lạc ăn mừng ngày nhậm chức đầu tiên của Tổng thống Barack Obama kéo dài 5 ngày, nhưng Tổng thống tân cử Donald Trump chỉ dành 3 ngày cho các sinh hoạt này.

Cựu Tổng thống Bill Clinton có 14 dạ tiệc chính thức trong ngày tuyên thệ, ông Trump dự định chỉ tham dự 3 buổi dạ tiệc.

Các cuộc diễu hành trong lễ nhậm chức các đời Tổng thống trước đây thường kéo dài hơn 4 giờ đồng hồ. Cuộc diễu hành của ông Trump trên đại lộ Pennsylvania dự kiến mất 90 phút, ngắn nhất trong lịch sử trước nay.

Ông Trump đã chọn cách ‘khởi động’ bớt hào nhoáng kể cả giữ giá vé tham dự dạ tiệc mừng Tổng thống ở mức 50 đô la để tầng lớp lao động bình dân Mỹ, thành phần đã hỗ trợ cho chiến thắng của ông hôm nay, có thể tham gia vào sự kiện trọng đại của ngày hội lịch sử này.

Ủy ban nhậm chức của ông Trump cho biết đã quyên được hơn 90 triệu đô la từ các nguồn quỹ cá nhân tặng cho các hoạt động lễ lạc mừng tân Tổng thống, cao hơn nhiều so với 53 triệu đô la ông Obama quyên được hồi năm 2009 trong lễ tuyên thệ đầu tiên.

Những nhà tài trợ trên 1 triệu đô la sẽ được dự những phần đặc biệt trong sự kiện này bao gồm vé dự bữa tiệc tối ‘dưới ánh nến’ với sự xuất hiện đặc biệt của Tổng thống và phu nhân cùng Phó Tổng thống và phu nhân.

Một phần quan trọng trong ngân quỹ cho các hoạt động lễ lạc này, kể cả buổi lễ tuyên thệ và diễu hành, do Quốc hội và quân đội chi trả. Chi phí các dạ tiệc cùng các khoản khác thường do các nguồn quỹ cá nhân đài thọ.

Lễ nhậm chức Tổng thống là ngày nghỉ liên bang tại khu vực thủ đô và vùng phụ cận. Nhân viên các công sở được nghỉ và các trường học đóng cửa. - VOA

***
63 triệu
Đây là tổng số phiếu bầu phổ thông mà ông Trump nhận được trong cuộc bầu cử ngày 8 tháng 11. Chính xác là 62.979.879, theo kết quả bầu cử cuối cùng đã được chứng thực. Con số này kém con số của ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton gần 2,9 triệu phiếu dù ông Trump thắng số phiếu Đại cử tri đoàn. Ông Trump tuyên bố giành “chiến thắng áp đảo” nhưng thực tế là cách biệt về số phiếu bầu phổ thông của ông xếp thứ ba trong số những ứng cử viên thua số phiếu phổ thông nhưng thắng số phiếu Đại cử tri đoàn, tức là xếp thứ 47 trên 49 cuộc bầu cử tổng thống Mỹ kể từ năm 1824.

20 triệu
Tài khoản Twitter của ông Trump giờ đã có hơn 20 triệu người theo dõi, khiến ông trở thành người thứ 68 trong số những người được theo dõi nhiều nhất trên trang mạng xã hội này theo công cụ đo lường TwitterCounter. Twitter là công cụ giao tiếp đặc biệt hữu hiệu đối với ông Trump trong suốt quá trình vận động tranh cử và kể cả giai đoạn chuyển tiếp quyền hành, và không có lý do gì để tin rằng ông sẽ ngưng dùng Twitter khi ông chính thức trở thành tổng thống. Nếu như Tổng thống Franklin Roosevelt nổi tiếng với khả năng tận dụng sức mạnh của radio, Tổng thống John Kennedy phát huy lợi thế nhờ TV thì Tổng thống Trump sẽ thống trị bằng Twitter và truyền hình thực tế.

103
103 vị trí trong hệ thống tòa án liên bang đang chờ ông Trump bổ nhiệm, kể cả một vị trí thẩm phán trong Tòa án Tối cao Hoa Kỳ. Đó là con số cao bất thường mà ông Trump thừa hưởng, gần gấp đôi thời Tổng thống Obama và Bush nhậm chức. Vì sao con số này quan trọng? Đó là vì ông Trump sẽ có một cơ hội đặc biệt để tái định hình nhánh tư pháp của Mỹ với những thẩm phán có nhiệm kỳ trọn đời. Nhiều vấn đề gây tranh cãi như phá thai, hôn nhân đồng tính, di dân, luật kiểm soát súng, vân vân có phần chắc sẽ lại trở thành tâm điểm của những cuộc chiến pháp lý gay gắt và những phán quyết đưa ra có thể đưa xã hội Mỹ đi theo đường hướng bảo thủ hơn.

71
Ông Trump sẽ là tổng thống Mỹ lớn tuổi nhất từng nhậm chức và ông sẽ tròn 71 tuổi vào tháng 6 tới. Trước đây Tổng thống Ronald Reagan nhậm chức khi chưa tròn 70 tuổi và ông vẫn là tổng thống lớn tuổi nhất tại nhiệm, 77 tuổi khi ông rời nhiệm sở. Trải qua 16 tháng vận động tranh cử vất vả dọc ngang khắp nước Mỹ, ông Trump giờ đây sẽ đảm nhiệm công việc thuộc loại căng thẳng và nhiều áp lực nhất thế giới. Hãy nhìn Tổng thống Obama sau tám năm thì sẽ rõ. Ông Trump công bố rất ít thông tin về những chỉ số sức khỏe của mình, chỉ biết rằng ông không hút thuốc lá hay uống rượu bia.

0
Không có hồ sơ khai thuế nào được ông Trump công khai tính tới thời điểm này. Điều này phá vỡ một truyền thống được mọi tổng thống tuân thủ hơn 40 năm qua. Khi bị báo chí thúc ép về vấn đề này, ông Trump liên tục đưa ra lý do rằng hồ sơ khai thuế của ông đang được kiểm toán, nhưng Sở Thuế vụ nói việc kiểm toán không hề ngăn cản bất kỳ ai công khai hồ sơ thuế của mình. Ông Trump nói rằng “người Mỹ không quan tâm” tới hồ sơ khai thuế của ông nhưng khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy điều ngược lại. Một trang hồ sơ khai thuế năm 1995 của ông Trump được báo New York Times tiết lộ vào năm ngoái cho thấy ông Trump báo lỗ kinh doanh 916 triệu đôla và có thể đã tránh đóng thuế liên bang một cách hợp pháp trong 18 năm. - VOA

***
Ngày Nhậm chức Tổng thống của Mỹ là một sự kiện trọng đại diễn ra mỗi bốn năm. Bạn có biết ngày lễ này có một lịch sử phong phú và đầy những điều thú vị không?

Kinh thánh

Không có quy định sử dụng kinh thánh khi tuyên thệ, nhưng việc này đã trở thành truyền thống. Mỗi một tổng thống bắt đầu với Lyndon Johnson vào 1965 đều để vợ mình cầm Kinh thánh khi họ giơ tay đọc lời tuyên thệ.

‘Vì thế xin Chúa giúp con’

‘So help me God’ (Vì thế xin Chúa giúp con) là câu nói cuối cùng trong lời tuyên thệ. Nó được thêm vào trong mỗi buổi lễ nhậm chức từ năm 1933 tới nay. Nhiều người tin rằng George Washington, tổng thống đầu tiên của Mỹ, thêm vào câu này khi ông nhậm chức, nhưng giới sử học nói có những bằng chứng cho thấy không phải vậy. Có những buổi lễ nhậm chức khác trong lịch sử mà câu này không được thêm vào.

Những câu nói bất hủ

Một số bài diễn văn nhậm chức tổng thống đã để lại cho hậu thế những danh ngôn bất hủ và lưu truyền khắp thế giới. Chẳng hạn như câu: “Điều duy nhất mà chúng ta phải sợ chính là nỗi sợ” của Tổng thống Franklin Roosevelt khi ông nhậm chức vào năm 1933. Hay câu nói nổi tiếng của Tổng thống John Kennedy vào năm 1960: “Đừng hỏi đất nước có thể làm gì cho bạn mà hãy hỏi bạn có thể làm gì cho đất nước.”

Tổng thống nói sai

Tổng thống đôi khi cũng nói sai trong giây phút tuyên thệ long trọng. Đó là trường hợp của Tổng thống Barack Obama vào năm 2008. Chánh án Tòa án Tối cao Hoa Kỳ John Roberts đọc sai lời tuyên thệ, ông Obama hơi lúng túng và lặp lại lỗi sai này của vị Chánh án. Họ phải tuyên thệ lại đêm hôm sau trong Tòa Bạch Ốc. Ông Obama cũng tuyên thệ hai lần vào năm 2013 vì ngày nhậm chức rơi vào Chủ nhật. Ông phải cử hành một buổi lễ riêng tư vào đúng ngày 20 tháng 1 và một buổi lễ công cộng vào ngày thứ Hai. Vì thế coi như ông Obama nhậm chức bốn lần, bằng với kỷ lục của Tổng thống Roosevelt.

Và dù ai là tổng thống thì Ngày Nhậm chức không phải nhằm mục đích tôn vinh cá nhân họ mà là tôn vinh nước Mỹ và nền dân chủ của Mỹ. - VOA
|
|

10.
Twit của Trump, cơn ác mộng đối với Silicon Valley

Một tin nhắn ngắn gọn của tổng thống tương lai Hoa Kỳ cũng đủ để hàng tỷ đô la bốc hơi trên các sàn chứng khoán : kinh nghiệm đau thương của Lockheed Martin hay Toyota. Lãnh đạo các tập đoàn công nghệ cao cấp tại California « đổ mồ hôi hột » vì chứng mất ngủ và bệnh nhắn tin bừa bãi của Donald Trump.

Gửi tin nhắn qua Twitter trước 1 giờ đêm và sau 5 giờ sáng giờ New York, 5 ngày trong tuần, từ thứ Hai đến thứ Sáu : đó là thói quen của tổng thống Hoa Kỳ thứ 45. Nhiều tập đoàn Mỹ ở bờ Tây đã phải thích nghi với cung cách « điều hành đất nước » kiểu này của chủ nhân Nhà Trắng sắp tới đây.

Như Samuel Burke, thông tín viên của đài truyền hình CNN tại bang California, đặc trách về lĩnh vực công nghệ cao, ghi nhận : các vị « tổng giám đốc trong ngành tin học đều nơm nớp sợ một cái Twit với nội dung chết người của Donald Trump liên quan đến công ty của họ ».

Giới này « sợ hãi » những tin nhắn đó đến nỗi đã cử hẳn một người trong ban lãnh đạo, đặc trách về giao tiếp với các phương tiện truyền thông, thức dậy lúc 3 giờ sáng, giờ California, chỉ để « canh » xem Donald Trump có đả động gì đến hãng của họ hay không. Và nếu chẳng may là mục tiêu tấn công của ông vua địa ốc sắp trở thành tổng thống, thì nhiệm vụ duy nhất của người này là « điều chỉnh lại làn đạn » tránh để công ty bị tấn công khi sàn giao dịch Wall Street bắt đầu hoạt động.

Chưa cần biết nội dung tin nhắn đúng hay sai, có giá trị tới mức độ nào, nhưng với 18 triệu « follower », Donald Trump có « sức công phá » rất lớn trong dư luận và qua đó gây tác động cho các tập đoàn trong tầm ngắm của ông ta.

Hãng xe hơi Ford và trước đó là tập đoàn công nghiệp vũ khí Lockheed Martin đã trả giá đắt : giữa tháng 12/2016 chỉ một cái Twit « chê » máy bay F-35 của tập đoàn có trụ sở tại bang Maryland này quá đắt, đã khiến cổ phiếu của Lockheed Martin giảm giá mạnh trên các sàn chứng khoán. Ba ngày trước lễ Giáng sinh, lại cũng qua mạng xã hội cá nhân Twitter, ông Trump viết « vì F35 của Lockheed Martin quá cao, tôi yêu cầu Boeing đề nghị giá cho loại F-18 Super Hornet ». Chỉ vài giờ sau, trên sàn chứng khoán New York, cổ phiếu của Lockheed Martin mất giá 2 % rơi xuống mức thấp nhất kể từ khi ông Trump đắc cử tổng thống. Ngược lại, Boeing tăng giá 0,5 %.

Đầu tháng Giêng vừa qua đến lượt hãng xe Toyota của Nhật rơi vào tầm ngắm của ông Trump với mệnh lệnh : « Xây nhà máy trên đất Mỹ hay phải đóng thuế ở cửa khẩu ». Tổng thống Hoa Kỳ tương lai đòi Toyota hủy dự án mở nhà máy tại Mêhicô để chế tạo loại xe Corolla nhằm bán ra trên thị trường Mỹ. Lập tức hai tỷ đô la bốc hơi trên thị trường tài chính New York trong vài giờ, trước khi cổ phiếu của Toyota tại New York tăng giá trở lại.

Vẫn theo phóng viên của đài CNN tại California, thung lũng tin học và công nghệ cao của Hoa Kỳ đang trong tình trạng « báo động đỏ » trước những tin nhắn không biết đâu mà lường của chủ nhân Nhà Trắng tương lai. Giới chủ trong vùng Sillicon Valley trong tư thế sẵn sàng để « đáp trả qua tin nhắn trong trường hợp bị Donald Trump tấn công. Thậm chí họ còn mở cả một chiến dịch huy động báo chí toàn diện » như thể chuẩn bị lâm trận.

« Chứng » mất ngủ và « bệnh » nhắn tin bừa bãi

Tình trạng đặt báo chí, các doanh nghiệp trong thế « báo động » kiểu này có nguy cơ kéo dài trong suốt nhiệm kỳ tổng thống sắp tới. Bởi vì theo nhiều cơ quan truyền thông Mỹ, Donald Trump mắc « chứng » mất ngủ và « bệnh » nhắn tin bừa bãi.

Washington Post đã nghiên cứu « giờ » và « nội dung » những tin nhắn của ông Trump và đi tới kết luận : nhà tỷ phú này có thói quen « bắn » Twit trước 1 giờ đêm, hay vào quãng 6 giờ sáng giờ New York. Nội dung có thể liên quan trực tiếp hay không trực tiếp đến ông. Thông thường, người ta gửi tin nhắn lúc nửa đêm hay vào buổi sáng rất sớm vì có những điều bức xúc, cần nói, nhưng với Donald Trump thì không hẳn là như vậy. Đó chỉ là thời điểm mà ông truy cập vào mạng Twitter.

Báo The Atlantic nêu lên câu hỏi phải chăng Donald Trump nằm trong số từ 1 đến 3 % dân Mỹ không cần ngủ nhiều, chỉ vài giờ chợp mắt là đủ ? Về nội dung những tin nhắn của tổng thống Mỹ tương lai, tờ New York Times đánh giá : « ông ta thường xuyên gây ra những cuộc tranh cãi từ những điều tưởng tượng ».

Dù muốn hay không từ nay trở đi, mỗi lần ông Trump truy cập vào tài khoản Twitter là có khối người lo sợ. - RFI
|
|

11.
Ivanka Trump, "đệ nhất cô nương"

Ivanka phụ nữ quyền lực nhất trong chính quyền Trump ? Trước khi Donald Trump bước chân vào Nhà Trắng, con gái cả của ông là Ivanka cùng chồng Jared Kushner đã dọn về thủ đô Washington, để tiếp tục cố vấn cho tổng thống Hoa Kỳ.

Đệ nhất phu nhân Mỹ bà Melania báo trước sẽ không theo chồng về Washington, ít ra là trong thời gian đầu. Sự vắng mặt đó khiến Ivanka, trưởng nữ của tổng thống Trump là bóng hồng số 1 bên cạnh chủ nhân Nhà Trắng, kể từ ngày 20/01/2017.

Biểu tượng của thời đại

35 tuổi, là một phụ nữ xinh đẹp, giỏi giang, một doanh nhân thành đạt, Ivanka là niềm tự hào của cha. Về mặt chính thức, Ivanka không có chức vụ nào trong chính quyền sắp tới, nhưng cô luôn hiện diện bên ông Trump như bóng với hình.

Đầu tiên hết, giới yêu thời trang biết đến Ivanka khi cô là người mẫu, rồi từng bước cô được thân phụ cất nhắc vào chiếc ghế phó chủ tịch đại tập đoàn Trump Organization.

Không chỉ hài lòng là con gái một đại gia giàu có, cô gái tóc vàng này còn là biểu tượng của thời đại : Ivanka là chủ nhân của một hiệu quần áo và đồ trang sức. Bên cạnh đó cô rất năng động trên các mạng xã hội để quảng bá hình ảnh của một phụ nữ thành đạt ngoài xã hội và trong gia đình : vừa đi làm vừa chu toàn bổn phận làm mẹ với ba con còn nhỏ tuổi.

Trong cuộc vận động tranh cử của ông Trump, Ivanka đã khuyến khích bố đề nghị những biện pháp tạo điều kiện cho phụ nữ đi làm, sinh con, mà vẫn có thời gian chăm lo cho gia đình.

Ngay cả bên đảng Dân Chủ, nhiều chính khách cũng nhìn nhận Ivanka có đóng góp bảo vệ môi trường. Chính cô đã khuyên tổng thống tân cử Donald Trump tiếp cựu phó tổng thống Al Gore và ngôi sao điện ảnh Leonardo DiCaprio, những nhà bảo vệ môi trường hàng đầu của Mỹ.

Tham vọng chính trị của Ivanka ?

Vài giờ trước khi ông Trump bước vào Nhà Trắng, có tin đồn Ivanka sẽ đặt văn phòng thường trực ở « đông cung » phủ tổng thống, nơi thường được dành cho các vị đệ nhất phu nhân.

Trong lịch sử Hoa Kỳ, bên cạnh các đời tổng thống trước đây luôn có bóng hình của một người đàn bà, kể cả trong trường hợp tổng thống Mỹ góa bụa hay độc thân. Nhưng theo các nhà quan sát, vai trò của cô Ivanka sẽ là « độc nhất vô nhị ».

Chồng của Ivanka, Jared Kushner, 36 tuổi, đã từng bước trở thành một cánh tay đắc lực của tổng thống Trump. Ivanka cùng chồng luôn có mặt trong những buổi làm việc quan trọng của Donald kể từ khi ông này đắc cử, như khi ông Trump tiếp thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại tòa tháp Trump Tower. Jared được bố vợ mời làm cố vấn đặc biệt của tổng thống ở Nhà Trắng.

Lại cũng Ivanka và Jared đã « gieo » vào tai ông vua địa ốc New York những cái tên trong lúc chuẩn bị thành lập chính phủ. Trong cuộc điện đàm với lãnh đạo phe Dân Chủ ở Hạ Viện Mỹ, bà Nancy Pelosi, cô Ivanka đã thay mặt cha đề cập tới những hồ sơ liên quan đến gia đình và nữ giới.

Trong cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa ông Trump với các đại gia của ngành công nghệ « high tech » vùng thung lũng Silicon Valley, vợ chồng Ivanka cùng hai người con trai của ông Donald Trump là Donald Jr. và Eric cùng hiện diện trong phòng tiếp khách.

Tới nay, báo chí Mỹ mới chỉ nhặt được hạt sỏi đầu tiên trên con đường đưa Ivanka vào Nhà Trắng : tháng 12/2016 gia đình Trump có ý định « kinh doanh » nhờ tổ chức những buổi « nói chuyện riêng » với tổng thống Mỹ tương lai hay cô con gái lớn của ông.

Báo New York Times tiết lộ Ivanka đã đồng ý « uống cà phê tại New York hay Washington với những ai sẵn sàng tài trợ cho quỹ do Eric, em trai cô điều hành ». Có người chịu chi ra tới 70.000 đô la để được dùng một tách cà phê với trưởng nữ của tổng thống Hoa Kỳ tương lai.

Khi tin này được báo chí phơi bày ra ánh sáng, gia đình Trump vội vàng dập tắt « đám cháy », từ bỏ kế hoạch dùng nhãn hiệu « Gia đình tổng thống » để kiếm lời. - RFI
|
|

Tin Việt Nam

12.
Thăm nghĩa trang Biên Hoà, bị công an hạch hỏi

Công an Việt Nam câu lưu một số nhà vận động nhân quyền trong 2 giờ khi họ đến thắp hương viếng mộ các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) tại nghĩa trang Biên Hòa hôm 17/1 vừa qua.

Nhà hoạt động nhân quyền Trương Minh Đức, một trong những người bị câu lưu cho VOA biết ban quản lý nghĩa trang Biên Hòa (còn gọi là nghĩa trang Bình An) đã yêu cầu mọi người xuất trình giấy tờ tùy thân, ghi lại thông tin cá nhân trước khi đồng ý cho vào nghĩa trang viếng mộ. Ông Đức nói khách thắp hương tưởng niệm các chiến sĩ VNCH trong sự rình rập, giám sát của cả an ninh thường phục lẫn sắc phục. Sau khi viếng xong thì khách bị bao vây, ông Đức cho biết:

“Rất là nhiều công an mật vụ, thường phục có, sắc phục có, trên 20 người, bao vây chúng tôi. Họ bế cổng lại, không cho chúng tôi ra. Họ bảo vào làm việc với họ. Họ giữ chúng tôi lại trong 2 tiếng đồng hồ. Rất nhiều lực lượng cơ động, thậm chí xe môtô của cảnh sát giao thông cũng vào nghĩa trang thì chúng tôi cũng không biết họ làm cái trò gì nữa.”

Ông Đức nói phía công an yêu cầu những người đi thắp hương phải “làm việc” với họ, trả lời rõ vì sao đến nghĩa trang. Mọi người phản đối cách hành xử vi phạm pháp luật, coi thường anh linh những người đã khuất và từ chối làm việc với công an.

Ông Trương Minh Đức yêu cầu gặp người chỉ huy của nhóm công an, yêu cầu mở cửa cho đoàn thăm viếng mộ ra về. Một người mặc thường phục, tự xưng là trưởng ban QLNT nói rằng “chúng tôi muốn biết các anh chị chụp hình với băng rôn khẩu hiệu gì?” Ông Đức nói với họ rằng “mọi người dân đều có quyền đi thăm viếng mộ những người đã nằm xuống”. Ông Đức trả lời với công an rằng nội dung của các băng rôn, khẩu hiệu là “khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, tri ân 74 vị anh hùng VNCH đã vị quốc vong thân để bảo vệ Hoàng Sa cách nay 43 năm”.

Anh Đức cho biết sau khi bị giam lỏng gần 2 tiếng đồng hồ, công an mới mở cổng để mọi người rời khỏi nghĩa trang Biên Hòa.

Luật sư Lê Công Định, người có mặt trong nhóm viếng nghĩa trang chia sẻ trên Facebook: "Con đường dẫn đến Nghĩa trang Bình An được cố tình đặt tên là '30 tháng 4'. Chắc ai cũng có thể hiểu rõ tâm ý và ngụ ý phía sau cách đặt tên như vậy. Đây có lẽ là nghĩa trang duy nhất mà ai đến viếng mộ phần bên trong đều phải khai rõ họ tên, số căn cước, địa chỉ cư trú trong một quyển sổ gọi là "Bảng ghi nhận thông tin vào khu vực Nghĩa trang nhân dân Bình An".

Theo Luật sư Định, khách đến viếng đều bị một lực lượng an ninh chìm đông đảo theo sát. Anh Định viết: “Chúng tôi đến viếng nghĩa trang binh sĩ VNCH vừa để tưởng niệm ngày Hoàng Sa bị Trung Cộng xâm chiếm, vừa hương khói ngày Tết cho người nằm xuống vì quốc gia. Cá nhân tôi muốn tự mình đánh giá xem nhà cầm quyền thực tâm hoà giải dân tộc thế nào và có đúng như họ tuyên truyền hay không?”

“Thái độ thù hằn dành cho chúng tôi và hành động giữ người trái luật của họ sáng nay đã gửi ra một thông điệp rõ ràng là không hoà giải gì cả. Điều này thật đáng tiếc và tôi vô cùng thất vọng trước chính sách hai mặt này của các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam”, luật sư Định viết.

Anh Trương Minh Đức cũng cho biết thêm việc thắp hương các chiến sĩ hải quân Việt Nam Cộng hòa tại đài tưởng niệm Trần Hưng Đạo ở sài gòn ngày 19/01 cũng gặp trở ngại khi nhiều nhà vận động nhân quyền bị chặn không cho ra khỏi nhà:

“Những người tham gia vận động cho tự do ngôn luận, tự do báo chí bị công an bao vây, canh nhà, như nhà hoạt động Đỗ Thị Minh Hạnh, anh Huỳnh Công Thuận và một số người khác cũng bị bao vây. Họ không cho ra khỏi nhà. Tôi nghĩ họ muốn gây khó khăn cho việc tưởng niệm ngày Hoàng Sa bị mất. Tôi nghĩ điều này rất phi lý.”

Ông Đức nói rằng đây không phải lần đầu tiên người dân đi thăm nghĩa trang Biên Hoà, nơi an nghỉ của các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà, hoặc thắp hương tại đài tưởng niệm Trần Hưng Đạo bị nhà cầm quyền Việt Nam ngăn cản và gây khó khăn. Theo các nhà tranh đấu cho nhân quyền, với thái độ thù hằn như vậy của chính quyền thì con đường dẫn đến hoà hợp, hoà giải dân tộc hãy còn xa. - VOA
|
|

13.
Việt Nam: Tưởng niệm trận Hoàng Sa, nhiều người bị bắt tại Hà Nội

Ngày 19/01/2017 nhiều người dân Hà Nội và Sài Gòn tổ chức lễ tưởng niệm trận Hoàng sa 1974 và lên án Trung Quốc xâm lược. Công an Việt Nam đàn áp thô bạo cuộc biểu tình tại thủ đô, theo tin của AFP.

Nhiều phóng viên của AFP có mặt tại công viên Lý Thái Tổ, Hà Nội, cho biết vào ngày thứ Năm 19/01/2017, khoảng 100 người Việt Nam đã tập hợp cùng với biểu ngữ « chống kẻ thù truyền kiếp » và lên án « quân xâm lăng ». Cuộc biểu tình, không được chính quyền cho phép, được tổ chức để ghi dấu 43 năm quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc đánh chiếm.

Công an ra tay nhanh chóng, xé nát các biểu ngữ của đoàn biểu tình, bắt đi một số người và ra lệnh cho phóng viên tắt máy quay phim, rời hiện trường.

Một người biểu tình tên Phạm Văn Trội nói với AFP rằng « chính quyền Việt nam nên tỏ ra cương quyết với Trung Quốc để lấy lại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ».

Các mạng xã hội cung cấp thêm thông tin và hình ảnh biểu tình. « Phản đối Trung Quốc xâm lăng Hoàng Sa năm 1974 và Trường Sa năm 1988 », « Đường lưỡi bò của Trung Quốc là vô lý và phi pháp » là nội dung một số biểu ngữ bằng tiếng Việt trong cuộc biểu tình ngày hôm nay.

Tại Sài Gòn, tuy bị kiểm soát gắt gao, nhưng hơn một chục người đã làm lễ tưởng niệm tại tượng đài Trần Hưng Đạo, bến Bạch Đằng.

Tại Nghệ An, hàng chục thanh niên mang vòng hoa và biểu ngữ ra biển tưởng niệm 74 chiến sĩ Hải quân Việt Nam Cộng Hoà hy sinh trong trận Hoàng Sa tháng 01/1974.

Nhắc lại đợt biểu tình dữ dội chống Trung Quốc vào năm 2014 khi Bắc Kinh đưa một dàn khoan thăm dò dầu khí vào lãnh hải Việt Nam, AFP ghi nhận tâm lý chống Trung Quốc ngày càng mạnh tại Việt Nam. - RFI
|
|

14.
Đại sứ Hoa Kỳ David Saperstein thăm Hội đồng Liên tôn

Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ David Saperstein đã có cuộc gặp với các đại diện của Hội đồng Liên tôn hôm thứ Bảy, 14/01, tại chùa Giác Hoa, thành phố Hồ Chí Minh.

Từ Lâm Đồng, chánh sự Hứa Phi đại diện cho các sức sắc Cao Đài, đồng thời là đồng chủ tịch của Hội đồng Liên tôn Việt Nam (HĐLTVN) cho VOA biết, các thành viên HĐLTVN đã lần lượt trình bày những hoàn cảnh khó khăn của mỗi tôn giáo gặp phải trong công tác giáo sự và ông đại sứ hứa sẽ trình lên chính phủ Mỹ để can thiệp giúp cải thiện tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Theo ông Hứa Phi, ngoài ông ra, tham dự buổi gặp này còn có Hòa Thượng Thích Không Tánh, đại diện cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, mục sư Nguyễn Hoàng Hoa, đại diện cho nhóm Tin lành, và Đạo huynh Lê Quang Hiển, đại diện cho Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy.

Ông Hứa Phi cho biết cuộc tiếp xúc kéo dài gần hai giờ, nội dung trao đổi nhiều vấn đề quan trọng về tình hình tự do Tôn giáo và Nhân quyền tại Việt Nam:

“Chúng tôi cũng nêu tóm tắt tình hình hiện nay, các hội thánh tư gia hiện nay chưa được nhà nước Việt Nam cấp phép vẫn còn rất khó khăn. Việc chúng tôi nhóm lại để thờ phượng Chúa và sinh hoạt đạo sự mục vụ không được tự do.”

Ông Hứa Phi cho biết đại sứ Saperstein ghi nhận lại những ý kiến của các đại diện tôn giáo. Ông nói:

“Ông đại sứ ghi nhận tất cả các ý kiến của thành viên HĐLTVN. Ông nói rằng ông sẽ chuyển lời cho chính phủ Hoa Kỳ và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ để can thiệp với chính quyền Việt Nam.”

Mục sư Nguyễn Hoàng Hoa cho VOA biết tình hình tự do tôn giáo mà ông ghi nhận và đã trình bày với đại sứ Saperstein như sau:

“Tôi cũng trình bày rõ ràng rằng tình hình tôn giáo ngày càng đi xuống. Điển hình là nhà cầm quyền Việt Nam đã ủi sập chùa Liên Trì của giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và ủi sập thánh thất Cao đài Tuy An ở tỉnh Phú Yên.”

Được biết trước đây một tháng, ông David Saperstein đã gửi cho Hòa thượng Thích Không Tánh một bức thư nói về vụ việc chùa Liên Trì bị Nhà cầm quyền CSVN giải tỏa, cưỡng chế đập phá. Trong buổi gặp này, đại sứ David Saperstein trực tiếp đến thăm Hòa thượng Thích Không Tánh và cũng để gặp gỡ các vị chức sắc của Hội đồng Liên Tôn tại Việt Nam.

Đại sứ Saperstein viết trên Twitter rằng ông lấy làm đau buồn về việc chùa Liên Trì bị phá hủy. Ông cũng lo ngại cho tương lai của Dòng Mến Thánh giá và nhà thờ Thủ Thiêm ở quận 2, thành phố Hồ Chí Minh.

Theo chánh sự Hứa Phi, khá nhiều đại diện của HĐLTVN được mời nhưng họ bị công an tìm mọi cách ngăn chăn như mục sư Nguyễn Mạnh Hùng, đại diện cho Hội Thánh Tin lành Memnonite và ông Lê Văn Sóc, đại diện cho Giáo hội Phật giáo Hòa Hào Thuần Túy. Riêng ông Hứa Phi bị nhiều người lạ mặt ném đá làm vở tất cả cửa kính và hệ thống phun tưới nước trong vườn nhà ông ở Lâm Đồng vào đêm trước khi ông đi Sài gòn gặp đại sứ Saperstein.

Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng cho VOA biết công an chặn ông không cho ra khỏi nhà và chặn cả bạn bè vào nhà thăm ông trong ngày 13 và 14 tháng 01:

“Công an địa phương và an ninh thành phố chặn ngay cổng nhà, không cho tôi ra khỏi nhà. Và các anh em đến thăm tôi, họ cũng không cho vào.”

Theo ông Hứa Phi, ông Lê Văn Sóc tại huyện Bình Minh, Vĩnh Long cũng đã bị công an tỉnh cấm không được rời khỏi nhà trong 2 ngày 13 và 14/1.

Giáo hội Phật giáo Hòa Hào Thuần Túy sau đó đã cực lực lên án hành dộng của công an Vĩnh Long đã vi phạm nghiêm trọng quyền đi lai của công dân, chà đạp thô bạo nhân quyền, quyền tự do tôn giáo. - VOA



No comments:

Post a Comment