Saturday, January 7, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 7/1

Tin Thế Giới

1.
Tình báo Mỹ kết tội Nga và ông Putin là làm hết sức để giúp ông Trump thắng cử

Tổng thống Nga Vladimir Putin thoạt tiên tìm cách phá hoại cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, tuyên truyền làm mất uy tín cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton trong một chiến dịch “chưa từng có tiền lệ” để gây ảnh hưởng, và rốt cuộc đã quyết định tăng cơ may thắng cử cho ông Donald Trump, theo một phúc trình của cộng đồng tình báo Mỹ vừa được giải mật.

Theo phúc trình công bố vào chiều tối hôm qua, thứ Sáu 6/1, thì “mục đích của Nga là để làm cho công chúng mất niềm tin vào tiến trình dân chủ của Mỹ, bôi nhọ Ngoại Trưởng Clinton và phá hoại cơ may thắng cử của bà.”

Phúc trình này nói: “Chúng tôi đi đến quan điểm là ông Putin và chính quyền Nga dần dà hy vọng và rõ rệt muốn ông Trump đắc cử, và do đó tìm cách đẩy mạnh cơ may thắng cử cho ông Trump, bất cứ khi nào có thể làm điều đó.”

Phúc trình được 3 cơ quan tình báo Mỹ hàng đầu được công bố vài giờ sau khi các nhà lãnh đạo tình báo Mỹ báo cáo tình hình cho ông Trump trong một phiên họp kín ở New York. Tổng thống Mỹ sắp từ nhiệm Barack Obama người đã chỉ thị thực hiện bản phúc trình đã được báo cáo về hồ sơ này hôm thứ Năm.

Trong phúc trình, cả Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA), và Cơ quan Điều tra Liên Bang Hoa Kỳ - FBI đều bày tỏ tin tưởng ‘rất cao’ vào kết luận của họ. Một ngành khác của tình báo Mỹ, là Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ - tức NSA, chỉ bày tỏ tin tưởng “trung bình” vào các kết luận của cuộc điều tra.

Tối thứ Sáu, ông Trump thay vì chỉ trích ông Putin và Nga về chuyện can thiệp vào bầu cử Mỹ, đã tải lên một tin nhắn trên Twitter, quy lỗi cho các thành viên Đảng Dân chủ vì đã hớ hênh để trở thành nạn nhân của vụ tin tặc.

Ông viết thêm rằng Uỷ ban toàn quốc Đảng Cộng hoà đã có các biện pháp mạnh mẽ để tự bảo vệ, trong khi không đề cập gì tới sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Mỹ mà các cơ quan tình báo Mỹ nói là nhằm mục đích giúp ông thắng cử.

Trước đó, ông Trump miêu tả cuộc họp với lãnh đạo tình báo Mỹ là “có tính cách xây dựng”, nhưng ông vẫn một mực giữ lập trường rằng bất cứ cố gắng nào của Nga hay của các nước khác để can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ “tuyệt đối không có ảnh hưởng gì tới kết quả bầu cử.”

Ông Trump hứa sẽ bổ nhiệm một toán công tác để đề ra một kế hoạch chống các vụ tấn công mạng nhắm vào Hoa Kỳ, dù là đến từ Nga hay Trung Quốc, hay các nước hoặc thực thể khác, nội trong 90 ngày từ khi lên nhậm chức. - VOA
|
|

2.
Đánh bom khủng bố ở Azaz-Syria

Ít nhất 43 người thiệt mạng trong vụ đánh bom bằng xe hơi ở thị trấn Azaz, là nơi do tổ chức phiến quân kiểm soát, ở Syria, nằm sát biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, truyền thông cho hay.

Vụ nổ xảy ra ở bên ngoài một trụ sở tòa án của thị trấn, cách khoảng 7km so với biên giới Thổ.

Azaz cũng là mục tiêu trong thời gian gần đây của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).

Vụ nổ bom mới nhất diễn ra trong bối cảnh đang có thỏa thuận ngừng bắn trên toàn quốc- được dàn xếp bởi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhìn chung, thỏa thuận ngừng bắn được tuân thủ, dù có một vài vi phạm nhỏ.

Hiện chưa rõ tổ chức nào đứng sau vụ đánh bom vào hôm thứ Bảy 07/01 này, nhưng theo một số phóng viên, số nạn nhân thiệt mạng có thể lên đến 60 người và nhiều người khác bị thương.

IS đã nhiều lần tìm cách lấy lại thị trấn mà tổ chức này từng chiếm đóng vào năm 2013.

Đây cũng là căn cứ chính của Lực lượng Giải phóng Syria, là tổ chức được Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ.

Thị trấn nằm sát biên giới, ở phía bên kia thị trấn Kilis của Thổ Nhĩ Kỳ nên một số nạn nhân đã được đưa đến Kilis để điều trị, truyền thông nước này đưa tin.

Có hàng ngàn người phải sơ tán từ những khu vực khác trong tỉnh đã đổ về và định cư tại Azaz.

Họ bao gồm những người đến từ Aleppo, là thành phố mà quân chính phủ đã giành lại được vào hồi cuối năm 2016.

Trước đó, vào hồi tháng 11/2016, 25 người đã bị sát hại cũng trong một vụ đánh bom bằng xe hơi tại trụ sở của lực lượng phiến quân. 17 người khác cũng bị thiệt mạng trong một vụ tấn công tương tự tại một trạm kiểm soát, xảy ra vào tháng 10/2016.

Những vụ tấn công này đều bị cho là do IS thực hiện.

Nga, cùng với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, hiện đang thúc đẩy cho cuộc hòa đàm dự tính sẽ diễn ra vào cuối thàng này tại thủ đô Astana của Kazakhstan. - BBC
|
|

3.
Trung Quốc dự kiến đóng hàng không mẫu hạm thứ ba

Báo chí chính thức của Trung Quốc hôm nay 07/01/2017 cho biết là Bắc Kinh dự kiến sẽ đóng một hàng không mẫu hạm thứ ba, vào lúc mà nước này đang đóng hàng không mẫu hạm thứ hai với tốc độ nhanh chóng, còn hàng không mẫu hạm thứ nhất vừa tiến hành các cuộc tập trận bằng đạn thật ở Biển Đông, nơi Trung Quốc tranh chấp chủ quyền với một số quốc gia trong vùng.

Báo điện tử của Nhân Dân Nhật Báo hôm nay trích lời một chuyên gia quân sự Trung Quốc cho biết : « Hiện nay, hàng không mẫu hạm thứ hai của Trung Quốc đang được đóng. Trong tương lai gần, hải quân Trung Quốc dự trù sẽ trang bị một hàng không mẫu hạm thứ ba, có khả năng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và các lợi ích trên biển. »

Quân đội Trung Quốc gần đây khẳng định là tàu sân bay thứ hai của nước này đang được đóng với tốc độ nhanh và theo thông tin của báo chí thì chiếc này dự kiến sẽ được hoàn tất trong năm nay.

Trong khi đó, chiếc hàng không mẫu hạm duy nhất của Trung Quốc hiện nay, chiếc Liêu Ninh, vừa tiến hành các cuộc tập trận bằng đạn thật với các chiến đấu cơ tối tân ở vùng Biển Đông, vào lúc Bắc Kinh muốn biểu dương lực lượng trước khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ ngày 20/01/2017.

Chuyên gia quân sự Trung Quốc được tờ Nhân dân Nhật báo trích dẫn khẳng định rằng mặc dù đội tàu sân bay hiện nay của nước này chưa thể so sánh với các đội tàu sân bay của Mỹ, nhưng trong tương lai, quân đội Mỹ sẽ không thể tiếp tục bỏ xa Trung Quốc, bằng chứng là chi tiêu quân sự của nước này ngày càng bị cắt giảm. - RFI
|
|

4.
Tổng thống Philippines thăm quân hạm Nga để thắt chặt quan hệ

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 06/01/2016 đã lên thăm một quân hạm Nga hiện đang neo ở cảng Manila trong khuôn khổ chuyến thăm hữu nghị bốn ngày của Hải Quân Nga. Theo AP, đây là dấu hiệu mới cho thấy quan hệ giữa Manila và Matxcơva nồng ấm hơn từ khi ông Duterte quyết định « quay lưng » với đồng minh lâu năm Hoa Kỳ.

Thiếu tướng hải quân Eduard Mikhailov, phó tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Nga, và đại sứ Nga Igor Khovaev đã tháp tùng tổng thống Duterte cùng một số thành viên chính phủ đi thăm quân hạm chống tầu ngầm Đô đốc Tributs, neo đậu tại Manila từ ngày 03/01/2017.

Sau khi được giới thiệu về nhiều loại trang thiết bị và vũ khi trên tầu, tổng thống Duterte phát biểu : « Từ đáy lòng, tôi hy vọng các bạn có thể quay lại đây thường xuyên hơn ».

Theo thông tin của Reuters, tổng thống Duterte hy vọng Nga sẽ trở thành đồng minh và người bảo vệ của Philippines. Lời tuyên bố của ông Duterte được đưa ra chỉ một ngày sau khi đại sứ Nga tại Philippines cho biết Nga sẵn sàng giúp đỡ Philippines các loại vũ khí tối tân để trở thành những người bạn thân thiết.

Philippines muốn hoàn tất bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông

Theo trang Ibtimes của Philippines ngày 06/01/2016, Manila hiện muốn hoàn tất bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông để giảm bớt căng thẳng và muốn bộ quy tắc này mang tính ràng buộc về pháp lý để có thể giải quyết các tranh chấp bằng con đường ngoại giao.

Ibtimes, trích thông tin từ ABS-CBN News, cho biết thứ trưởng Ngoại giao Enrique Manalo đánh giá « mục đích toàn diện của bộ Quy tắc Ứng xử là nhằm thử và xem xét liệu các tranh chấp có thể giải quyết một cách hòa bình mà không đối đầu hay không ».

Tuy nhiên, ông Manalo thừa nhận rằng hiện việc đạt đến bộ quy tắc trên vẫn còn rất khó khăn khăn do các hoạt động quân sự gần đây của Trung Quốc ở các đảo có tranh chấp.

Bộ khung của bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông theo dự kiến sẽ được hoàn tất vào cuối năm 2017. Phía Trung Quốc có vẻ hài lòng vì Philippines là nước chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2017.

Trong một bản thông cáo, ông Cảnh Song, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, cho biết: "Trung Quốc sẵn sàng ủng hộ Philippines thực hiện vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN và nâng mối quan hệ Trung Quốc - ASEAN lên một tầm cao mới". - RFI
|
|

5.
Chính quyền Thái lo ngại ảnh hưởng của chùa Dhammakaya

Tại Thái Lan, chính quyền quân sự đang ra sức kìm hãm ảnh hưởng của chùa Dhammakaya, được sự ủng hộ của hàng trăm nghìn tín đồ. Nhiều chiến dịch cảnh sát đã được tiến hành nhắm vào ngôi chùa này để bắt sư trụ trì, đang bị truy nã khắp nơi, nhưng các chiến dịch đó đều gặp thất bại trước sự kháng cự của những người ủng hộ ngôi chùa này.

Theo tường thuật của thông tín viên RFI, Arnaud Dubus tại Bangkok, chùa Dhammakaya nằm ở phía bắc thủ đô. Chùa sử dụng nhiều chiêu quảng bá rầm rộ để thu hút tiền quyên góp của nhiều Phật tử. Theo đó, người ta có thể mua một chỗ trên cõi niết bàn, nếu như đã có những khoản cúng dường quan trọng.

Nhưng chùa cũng giảng giải Phật pháp theo một phiên bản không chính thống, theo đó sự thành đạt chiếm một vị trí trung tâm. Môn phái Phật giáo này có đến gần 2000 chi nhánh trên khắp cả nước, và có mặt tại 33 quốc gia. Sức mạnh chính trị và tài chính của môn phái này là khá lớn, điều đó giải thích vì sao chính quyền Thái Lan gặp khó khăn để vô hiệu hóa ngôi chùa này.

Một cơ cấu đáng lo ngại

Ông Dhammachayo, 72 tuổi, sư trụ trì của chùa bị cáo buộc biển thủ công quỹ. Nhưng nguyên do chính yếu là vì chùa Dhammakaya dường như có liên hệ với phong trào Áo Đỏ, một phong trào chính trị được những người chủ trương thay đổi xã hội và phản đối chính quyền quân sự thành lập. Ngoài chế độ quân sự ra, nhiều nhân vật Thái Lan e ngại rằng chùa này đơn giản nắm quyền kiểm soát giáo hội Phật giáo Thái.

Năm rồi, cảnh sát Thái Lan đã tiến hành hai chiến dịch lớn: vào tháng 6 và tháng 12. Trong cả hai chiến dịch này, gần 1.000 cảnh sát đã được huy động để truy bắt sư trụ trì. Nhưng lần nào các Phật tử cũng đều dựng một tường người và cảnh sát buộc phải rút lui. Người ta không khỏi ngạc nhiên trước cảnh toàn bộ sức mạnh nhà nước Thái bị tiêu tan trước ngôi chùa này.

Nguồn tài chính của chùa Dhammakaya dồi dào đến mức không thể loại trừ khả năng có sự dàn xếp ngầm với chính quyền, nhất là cảnh sát, và các vụ tấn công này mang tính dàn cảnh hơn là thực tế. Dẫu sao thì, chùa này đã có ảnh hưởng quá lớn, nhất là đến tầng lớp trung lưu Thái, đến mức người ta không biết chính quyền Thái Lan làm thế nào có thể vô hiệu hóa hoàn toàn được ngôi chùa này. - RFI
|
|

6.
Brazil: Lại bạo động trong nhà tù, ít nhất 33 tù nhân thiệt mạng

Ít nhất 33 tù nhân đã bị giết chết vào sáng hôm qua 06/01/2017 trong vụ bạo động xảy ra tại một nhà tù ở bang Roraima, miền Bắc Brazil. Theo chính quyền, không hề có nổ súng, các tù nhân bị đâm chém bằng các vật dụng sắc nhọn, hoặc bị thiêu sống. Vụ bạo động này chỉ xảy ra có 5 ngày sau vụ bạo động tại nhà tù Manaus ở bang Amzonie làm 56 tù nhân thiệt mạng. Để đối phó với tình hình bạo động ngày càng gia tăng ở các nhà tù, chính quyền của tổng thống Brazil Temer đã công bố một kế hoạch an ninh quốc gia mới.

Từ Rio de Janeiro, thông tín viên RFI François Cardona cho biết chi tiết :

"Bộ trưởng tư pháp bang Romaira cho biết là các tù nhân gây ra bạo động và giết người này là thành viên của PPC, băng nhóm tội phạm hình sự mạnh nhất Brazil, tới từ Sao Paulo, thủ phủ kinh tế của nước này. Băng nhóm PPC kiểm soát đường dây buôn lậu ma túy ở Brazil, và đang tìm cách bành trướng địa bàn hoạt động từ nhiều tháng nay. Các tù nhân bị một băng nhóm đối địch giết chết trong vụ bạo động cách đây vài ngày ở nhà tù Manaus chính là thành viên của PPC.

Để đối phó với tình trạng bạo động trong nhà tù, chính quyền của tổng thống Temer đã tung ra kế hoạch an ninh quốc gia, nhằm hiện đại hóa, giảm tải và kiểm soát được tốt hơn các nhà tù.

Ở bang Amazonie, các nhà tù bị quá tải nhất so với các bang khác. Số tù nhân bị giam trong tù nhiều gấp 3 lần số chỗ theo quy định. Các tổ chức nhân quyền chỉ trích tình trạng này và gọi đây là một thảm họa. Trong một thông cáo, tổ chức nhân quyền Human Right Watch cáo buộc nhà chức trách Brazil thiếu quan tâm và yêu cầu chính quyền tôn trọng quyền cơ bản của các tù nhân. Tại Brasil, tù nhân thường không có luật sư và thường phải chờ nhiều năm mới được xét xử." - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

7.
Bài diễn văn từ biệt của Tổng thống Obama

Trong bài diễn văn thứ Bảy hàng tuần kỳ này, Tổng thống Obama đề cập tới bài diễn văn từ biệt mà ông sắp sửa gửi đến toàn thể dân chúng Mỹ.

Tổng thống Obama nhắc lại truyền thống về bài diễn văn từ biệt của các Tổng thống Mỹ đã khởi sự từ năm 1796, với vị Tổng thống George Washington, người khởi xướng và đặt ra tiền lệ khi ông soạn một bài diễn văn gửi đến quốc dân.

Trong hơn 220 năm qua, nhiều Tổng thống Mỹ đã noi gương vị Tổng thống đầu tiên để duy trì truyền thống này.

Vào tuần tới, Tổng Thống Obama sẽ trở về quê nhà ở Chicago để đọc bài diễn văn từ biệt và nói lên sự cảm kích của ông đối với đất nước.

Đây sẽ là lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ trở về quê cũ để đọc bài phát biểu có ý nghĩa đặc biệt này.

Tổng Thống Obama cho biết có một niềm tin luôn luôn theo ông trong suốt sự nghiệp chính trị, đó là nếu người dân thường dấn thân tham gia và cùng ngồi xuống làm việc với nhau, thì có thể thay đổi mọi sự theo chiều hướng tốt đẹp.

Ông nói niềm tin đó nằm ở tâm điểm của trải nghiệm của người Mỹ về một chế độ tự quản, và chính niềm tin ấy đã truyền lửa cho các thế hệ mới có những mục tiêu để theo đuổi và phục vụ.

Qua bài diễn văn, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ cảm tạ những người ủng hộ ông, vinh danh những cách người dân Mỹ thay đổi và cải thiện đất nước này trong nhiệm kỳ 8 năm của ông.

Ông Obama còn đưa ra viễn kiến của ông về hướng đi tương lai của đất nước.

Tổng Thống Obama sẽ đọc bài diễn văn từ biệt vào lúc 9 giờ tối- giờ miền Đông Hoa Kỳ, ngày thứ Ba 10/1, tại Chicago, bang Illinois.

Muốn theo dõi bài diễn văn truyền đi trực tiếp, quý vị hãy vào trang mạng của Toà Bạch Ốc WhiteHouse.gov/live. Chúng tôi cũng sẽ tường thuật trực tiếp sự kiện này với phần phiên dịch tiếng Việt trên trang Facebook Voa Tiếng Việt. - VOA
|
|

8.
Mỹ trấn an Afghanistan về cam kết của Mỹ dưới chính quyền Trump

Một nhà ngoại giao cao cấp đã trấn an giới lãnh đạo Afghanistan rằng cam kết của Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ đất nước bị chiến tranh tàn phá này tiến tới hoà bình, thịnh vượng và an ninh còn được đào sâu hơn dưới chính quyền mới của Mỹ do Tổng thống tân cử Donald Trump lãnh đạo.

Thứ trưởng Ngoại giao đặc trách các vấn đề chính trị Thomas Shannon đã lên đường sang Kabul hôm thứ Bảy 7/1. Tại đây, ông sẽ hội kiến cùng Tổng thống Ashraf Ghani, người cầm đầu chính phủ Afghanistan Abdullah Abdullah và các giới chức chính phủ cấp cao khác.

Sau cuộc hội kiến, ông Shannon nói với báo chí rằng mục tiêu của chuyến thăm của ông là để nêu bật quan hệ đối tác mạnh mẽ mà hai nước đã xây dụng được trong 8 năm nhiệm kỳ Tổng thống Obama.

Ông khẳng định:

“Cam kết của chúng tôi đối với Afghanistan không chấm dứt vào ngày 20/1 khi ông Trump lên nhậm chức Tổng thống, mà ngược lại, chỉ có thể được củng cố hơn nữa và tầm quan trọng chiến lược của mối quan hệ này thì ai cũng rõ.”

Hiện không rõ liệu Tổng thống tân cử Donald Trump có kế hoạch nào cho các hoạt động của Mỹ ở Afghanistan hay không, một cuộc chiến mà bây giờ đã trở thành chiến tranh kéo dài lâu nhất của Mỹ. - VOA
|
|

9.
Đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm mạnh tại Mỹ

Số người Mỹ xin trợ cấp thất nghiệp đã giảm đáng kể trong tuần vừa rồi. Theo hãng tin AP, đây là một dấu hiệu cho thấy thị trường nhân dụng của Mỹ đã phục hồi rõ rệt.

Bộ Lao động Hoa Kỳ hôm thứ Năm 5/1 cho biết số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần rồi đã giảm 28.000 ca, xuống còn 235.000 ca, cao hơn đôi chút số 233.000 ca trong tháng 11/2016, con số thấp nhất tính từ năm 1973.

Trong 12 tháng qua, số lượng người nhận trợ cấp thất nghiệp đã giảm 5%, xuống còn 2,1 triệu người.

Số hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp thấp như vậy cho thấy rằng các nhà tuyển dụng đang có nhu cầu thuê mướn công nhân và có khả năng tuyển dụng thêm. Số việc làm tạo ra trong tuần khoảng 300.000, thấp hơn mức trung bình trong 96 tuần liên tiếp.

Các nhà tuyển dụng nhận định nền kinh tế tiếp tục mở rộng trong năm 2017, sau 7 năm tăng liên tục. Năm ngoái thị trường chứng khoán đã chốt lại với giá trị rất khả quan, trong khi có những dấu hiệu tự tin của người tiêu dùng khi ông Donald Trump thuộc đảng Cộng hòa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống.

Các nhà tuyển dụng kỳ vọng tuyển thêm khoảng 175.000 lao động vào tháng 12, như vậy số việc làm tạo ra trong cả năm 2016 cho cả nền kinh tế Hoa Kỳ là 2,25 triệu việc làm. - VOA
|
|

10.
Kẻ nổ súng ở sân bay Florida mắc bệnh tâm thần?

Phi trường Fort Lauderdale ở bang Florida miền Nam Hoa Kỳ nơi xảy ra vụ nổ súng bừa bãi do một tay súng đơn độc thực hiện, giờ đã mở cửa trở lại.

Công nhân viên đã làm việc thâu đêm để sân bay có thể hoạt động đầy đủ vào sáng sớm hôm nay, thứ Bảy 7/1, nhưng hành khách đã được yêu cầu hãy kiểm tra trước với các hãng hàng không về chuyến bay của mình.

Phi trường bận rộn này đã đóng cửa từ sau giấc trưa hôm thứ Sáu khi một người đàn ông nổ súng tại khu nhận hành lý, giết chết 5 người và làm bị thương 8 người trước khi bị bắt giữ.

Ông George Piro, người đứng đầu chi nhánh Miami của Cơ quan Điều tra Liên Bang Hoa Kỳ - FBI nói rằng FBI đang “theo đuổi mọi đầu mối để xác định động cơ đứng sau vụ tấn công”, kể cả giả thuyết khủng bố.

Các giới chức thi hành công lực đang cầm giữ nghi can cho hay người đàn ông này tên Esteban Santiago, 26 tuổi, đến từ bang Alaska. Santiago tới phi trường Lauderdale hôm thứ Sáu trên một chuyến bay từ Anchorage, thành phố chính của Alaska.

Tin cho hay Santiago từng là một thành viên của Đội Vệ binh Quốc gia phục vụ tại Puerto Rico. Năm ngoái, anh ta cũng đã từng tự nguyện nhập viện để được thẩm định về sức khoẻ tâm thần. Tin cho hay Santiago nghe những âm thanh tưởng tượng trong đầu, kể cả những lời thúc giục anh ta hãy gia nhập nhóm khủng bố IS.

Santiago từng phục vụ tại chiến trường Iraq trong thời gian 10 tháng vào năm 2010 và 2011. Sau đó anh ta gia nhập Đội Vệ binh Quốc gia ở Alaska, tiểu bang rộng lớn nhất, xa xôi nhất của Hoa Kỳ. Santiago được tin là đã phục vụ lực lượng này từ năm 2014 đến tháng 8 năm ngoái, khi bị buộc giải ngũ vì không hoàn thành nhiệm vụ.

Các giới chức thi hành công lực còn cho hay là Santiago sau đó làm việc cho một công ty an ninh ở Anchorage trong một thời gian.

Nói chuyện với kênh tin tức của đài ABC hôm qua, Tổng Thống Obama nói ông rất ‘đau lòng’ về vụ nổ súng. Ông nói thêm rằng “những thảm hoạ như thế xảy ra quá thường xuyên trong nhiệm kỳ Tổng thống của tôi… Các nạn nhân và những người chứng kiến có lẽ đã phải trải qua “nỗi đau, niềm thương tiếc, và cú sốc vô cùng lớn”.

Nói với các nhà báo vài giờ sau vụ nổ súng, Thống đốc bang Florida Rick Scott chia buồn với mỗi gia đình nạn nhân bị thương hoặc thiệt mạng. Ông cho biết là ông đã liên lạc với Tổng thống tân cử Donald Trump và Phó Tổng thống đắc cử Mike Pence về vụ nổ và được họ trấn an rằng họ sẽ cung cấp mọi sự hỗ trợ cần thiết.

Ông Scott cho hay ông không liên lạc với Tổng thống Obama vì ông có quan hệ cá nhân với ông Trump và ông Pence. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

11.
Thủ tướng VN: ‘Đất đai là tâm điểm tham nhũng’

Thủ tướng Việt Nam nói nguồn lực công trong đó có đất đai chưa được định giá chính xác, gây tham nhũng và lợi ích nhóm.

Thông điệp được đưa ra tại một hội nghị đánh giá kết quả tài chính ngân sách năm 2016 hôm 6/01 tại Hà Nội.

“Nguồn lực công lớn nhất là nguồn lực từ trụ sở, đất đai có quy mô rất lớn nhưng chưa được định giá chính xác, sử dụng có phần tùy tiện, là tâm điểm của tham nhũng, của lợi ích nhóm và cũng là điểm nghẽn tăng trưởng của nền kinh tế,” ông Nguyễn Xuân Phúc nói.

Hội nghị của Bộ Tài chính cũng được nghe Thủ tướng Phúc yêu cầu công khai, minh bạch, làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể gây thất thoát, lãng phí ngân sách Nhà nước và tài sản công và xử lý nghiêm các sai phạm.

“Chúng ta làm điều này là thể hiện tinh thần trách nhiệm với từng đồng tiền thuế của dân.

“Có chuyên gia cảnh báo, nếu không chấm dứt tình trạng này, sự sụp đổ của nền tài khóa quốc gia là không thể tránh khỏi”, Thủ tướng Phúc nói.

Bàn về thực trạng chi thường xuyên là gánh nặng lớn nhất cho ngân sách, ông Nguyễn Xuân Phúc nói việc “Chi thường xuyên liên tục tăng lên thì phải hãm phanh lại dứt khoát chứ không phải dự toán rồi cứ chi”.

“Xe công cũng chỉ là một hạt ngọc trong kho châu báu là khối tài sản công khổng lồ đang quản lý rất phân tán, kém hiệu quả của chúng ta”.

Nợ công nếu tính đủ, theo Thủ tướng Phúc, đã "vượt trần" và rằng nợ công trong 5 năm qua tăng trung bình gấp ba lần tốc độ tăng trưởng.

Nói về chiến lược cổ phần hóa, ông Phúc mô tả điều ông gọi là “giảm và bán toàn bộ vốn nhà nước ở các doanh nghiệp nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối”. - BBC
|
|

12.
Việt Nam mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất quá tải

Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, thành phố Hồ chí Minh, đang xây thêm một đường băng mới, hai nhà ga chờ và một số vị trí đỗ máy bay. Dự án nâng cấp này nhằm giúp cải thiện cơ sở hạ tầng của cảng hàng không có lượng khách lớn nhất ở Việt Nam, từ 40 đến 50 triệu lượt mỗi năm.

Trang Nikkei ngày 07/01/2017, trích thông tin của Cơ quan Hàng không dân dụng Việt Nam, cho biết chính phủ đã bật đèn xanh cho dự án trên sau khi bộ Quốc Phòng chấp nhận rút một số hoạt động ra khỏi sân bay Tân Sơn Nhất, cũng như ở các sân bay quốc tế Nội Bài và Đà Nẵng.

Trước mắt, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ có thêm một đường băng và các vị trí đậu máy bay để tăng khả năng tiếp nhận khách hàng năm, theo thẩm định sẽ đạt mức 38 triệu khách từ nay đến năm 2019.

Trước đó đã diễn ra một cuộc tranh luận về 21 ha đất được quân đội sử dụng làm khu vực huấn luyện bay từ năm 1975 và 157 ha khác được một công ty quân đội biến thành sân golf vào năm 2005.

Việc phát quang khu vực dự án sân bay quốc tế Long Thành - cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 50 km - đã được tiến hành, nhưng phải chờ đến năm 2020 sân bay này mới đi vào hoạt động.

Theo thẩm định, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đón khoảng 2,5 triệu lượt khách từ ngày 20/01 đến 10/02/2017. Tính trung bình có khoảng 800 chuyến bay với 123.000 khách mỗi ngày trong dịp Tết Nguyên đán này.

Với số hành khách và các hãng hàng không tăng nhanh chóng trong những năm gần đây, cơ sở hạ tầng của sân bay Tân Sơn Nhất trở nên quá tải khi tiếp nhận đến 40% tổng số khách ở Việt Nam. Theo thống kê của Cơ quan Hàng không dân dụng, trong nửa đầu năm 2016, hơn 15,8% các chuyến bay bị trễ giờ. Cũng trong năm 2016, sân bay đón 32 triệu lượt khách, tăng 28%, trong khi khả năng tiếp nhận là 20 triệu lượt khách. - RFI
|
|

13.
'Petrus Ký – Nỗi oan thế kỷ' hay lịch sử bị chối bỏ?

Giới học thuật, trí thức Việt Nam trong những ngày qua xôn xao về chuyện việc ra mắt cuốn sách nghiên cứu về nhân vật Trương Vĩnh Ký bị "lệnh miệng" đình lại.

Bị cấm ra mắt

Quyển sách ‘Petrus Ký – Nỗi oan thế kỷ’ ra đời như một công trình nghiên cứu có bề dày hơn 50 năm của tác giả, học giả Nguyễn Đình Đầu. Ông cho biết sách đã được Cục Xuất Bản chấp thuận và cấp phép lưu chiểu trong mấy tháng qua.

Thế nhưng, theo tin từ trang vanviet.info và sau đó được cộng đồng mạng chia sẽ rất nhiều, ngày 4/1/2017, một “lệnh miệng” được ban xuống yêu cầu hủy bỏ buổi ra mắt sách.

Chính học giả Nguyễn Đình Đầu cũng hoàn toàn không được biết trước

“Tôi mới được tin ngày hôm qua. Công ty Nhã Nam và NXB Tri Thức cũng không có văn bản, chỉ có chỉ thị bằng lời nói. Chính tôi cũng không biết là vì sao?”

Khi được hỏi về khả năng những ấn bản đang được phát hành mấy tháng qua có bị thu hồi hết và buộc phải sửa chữa nội dung gốc theo yêu cầu của Cục Xuất Bản hay không, Giáo sư Chu Hảo, giám đốc NXB Tri Thức cho biết:

“Theo tôi được biết thì tác giả, cụ Nguyễn Đình Đầu, không đồng ý sửa chữa bất cứ nội dung nào đã viết trong sách. Cụ là một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, cẩn trọng và có bản lĩnh. Xung quanh câu chuyện đánh giá một cách khoa học, khách quan về cuộc đời và sự nghiệp của Trương Vĩnh Ký vấn còn có ý kiến khác nhau. Thậm chí, mặc dầu nhà nước đã chính thức thừa nhận công lao của Trương Vĩnh Ký bằng việc lấy tên của ông đặt cho các đường phố và trừơng học, mà vẫn có người chửi bới ông ấy như là một " học giả Việt gian" cơ mà. Vì vậy tiếp tục trao đổi, tranh luận công khai những quan điểm của tác giả cuốn sách là cần thiết. Và giá cứ để cuộc giới thiệu sách diễn ra như đã định và tiếp tục phát hành bình thường thì có hay hơn chăng?”

Nhiều ý kiến cho rằng phải chăng do tên gọi của quyển sách là "Petrus Ký – Nỗi oan thế kỷ" mà tác phẩm này đã không được ra mắt như đã định?

Tác giả quyển sách cho biết công trình của ông khảo cứu tất cả những người nói về Trương Vĩnh Ký, phê bình Trương Vĩnh Ký khi còn sống và sau khi qua đời.

“Trong tất cả giai đoạn thăng trầm lịch sử của Việt Nam, có những người khen Trương Vĩnh Ký, có người chê Trương Vĩnh Ký nhưng đều không dựa vào tài liệu chính thức. Vì thế tôi thấy muốn hoà hợp dân tộc, đại đoàn kết dân tộc, thì tôi nghĩ đối với nhân vật lịch sử đặc biệt như Trương Vĩnh Ký, thì nên làm một hồ sơ về Trương Vĩnh Ký.”

Như thế, nếu chỉ là “Hồ sơ Trương Vĩnh Ký” thì sao? Giáo sư Chu Hảo cho biết:

“Đúng, có lẽ cái tựa sách ấy đã làm cho một số người kiên trì bài bác đến mức thóa mạ Trương Vĩnh ký phật ý và phản ứng mạnh mẽ. Phản ứng ấy khi được công bố công khai rộng rãi cũng mang lại it nhiều bổ ích cho nền học thuật nước nhà.”

Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã thì nhận định rằng “nếu nói về nỗi oan, thì có thể dưới một góc độ về chính trị, thì cho ông Trương Vĩnh Ký là người thân Pháp hay gì đó thì không đúng vì một người học thuật như ông thì ở bất cứ ở đâu và thời gian nào họ cũng thể hiện tính cách và công trình của họ có giá trị muôn đời.

Một công trình hơn 50 năm

Ngay từ bài mở đầu của cuốn sách, Giáo sư Phan Huy Lê đã gọi đây là “một công trình như một hồ sơ Trương Vĩnh Ký mang tên "Petrus Ký – Nỗi oan thế kỷ.”

“Tôi coi đây là một công trình tổng hợp có giá trị về Trương Vĩnh Ký, cung cấp một hệ thống tư liệu khá đầy đủ và khách quan với nhiều góc nhìn khác nhau, cho tất cả các nhà khoa học trên mọi lĩnh vực muốn nghiên cứu sâu về nhà bác học Trương Vĩnh Ký.”

Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã, người đã nhận được thư mời đến buổi ra mắt sách (nhưng đã không xảy ra) dùng hai từ “đặc biệt” để nói về Trương Vĩnh Ký, một người ông rất kính trọng.

“Theo tôi, một nhân vật như Trương Vĩnh Ký là một nhân vật rất đặc biệt, mà tôi vẫn cho là tiêu biểu cho thân phận của người Việt Nam. Ông sống ở thời kỳ Pháp thuộc, nơi đó lại là Nam kỳ, thuộc Pháp. Mà khi mình sống thời kỳ Pháp thuộc, mình sống như thế nào trong giới học thuật đó, mà để mãi với thời gian thì đó là một vấn đề rất quan trọng. Ông Trương Vĩnh Ký đã làm được điều đó. Những công trình nghiên cứu và con người, nhân cách của ông là muôn đời.”

Để gọi là một công trình như cách nói của Giáo sư Phan Huy Lê và Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã, nhà nghiên cứu, học giả Nguyễn Đình Đầu đã bỏ ra hơn 50 năm để sưu tầm những tài liệu có giá trị thực tiễn, bắt đầu từ năm 1960, khi ông là hội viên hội nghiên cứu Đông Dương.

“Lúc đầu tôi chỉ chú ý đến tờ báo Gia Định báo thời Trương Vĩnh Ký làm chủ bút. Tôi đọc những bài Trương Vĩnh Ký viết về chương trình học của trường Thông Ngôn. Tôi thấy rất đặc biệt vì trường Thông Ngôn vừa dạy cho người Pháp vừa dạy cho người Việt (bằng chữ Hán). Sau đó tôi tình cờ thấy trong thư viện có 1 hồ sơ để ở chỗ khá đặc biệt, của Đại tá Hải quân Pháp coi cái đạo quân chiếm đóng Sài Gòn 1960. Trong hồ sơ đó, tôi thấy có hai cái thư của vị đại tá gửi cho thống đốc nói về Trương Vĩnh Ký. Ông thống đốc muốn kiếm 1 người thông ngôn, nói rõ người đó là Petrus Ký.”

Từ đó, ông đã tìm những sách mà Trương Vĩnh Ký viết về Gia Định ngày xưa, về Nam Bộ hoặc những bài mà Trương Vĩnh Ký sưu tầm lại về Gia Định cổ, Gia Định thất thủ, Gia Định mới, lịch sử Nam Bộ, địa lý Nam Bộ bằng tiếng Pháp…và xem như đây là “một khám giá mới về sự hợp tác của Trương Vĩnh Ký với Pháp, sự nghiệp văn hoá của ông dựa trên tinh thần dân tộc chứ không phải theo thực dân.”

“Đến 1991, tôi có dịp đi Pháp tôi nghiên cứu về Trương Vĩnh Ký, những tài liệu mà ở Pháp có mà nơi khác không có.”

Tại đây ông cho biết đã tìm được những tài liệu về thân thế của Trương Vĩnh Ký và cả những thơ văn của Trương Vĩnh Ký viết bằng tay nói về tình hình Sài Gòn những năm 1860. Ông cất công tìm gặp cả người thầy của Trương Vĩnh Ký từ năm 1849, 1850 là ông Cố Long, vừa là một linh mục, vừa là nhà bác học.

Từ chối lịch sử

Nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo khi còn tại thế từng thốt lên rằng “Cho đến bây giờ chưa ai vượt được Trương Vĩnh Ký về pháp ngữ tiếng Việt viết bằng tiếng Pháp.”

Theo học giả Nguyễn Đình Đầu, các tài liệu của Trương Vĩnh Ký bằng tiếng Việt hoặc tiếng Pháp đều căn cứ trên di sản văn hoá chính thức của Việt Nam.

“Trương Vĩnh Ký luôn chủ trương người Việt phải dùng chữ Việt. Người Việt Nam phải dùng tiếng Việt để nói tiếng Việt; và muốn được sâu sát nữa về phương diện triết học, sử học và di sản văn hoá dân tộc thì phải biết chữ Hán nữa.”

“Tuy hợp tác với Pháp nhưng vẫn là giữ tinh thần quốc gia, tức tinh thần yêu nước, lúc đó là trung thân với ái quốc. Vì thấm nhuần tinh thần Thiên chúa giáo và tây phương nên thấm nhuần tinh thần dân chủ, nhưng vẫn giữ được các cốt cách của Việt Nam.”

Những phẩm chất, tinh thần văn hóa dân tộc của Trương Vĩnh Ký được học giả Nguyễn Đình Đầu và sự cộng tác của nhiều dịch giả khác đặt trọn trong Công trình “Petrus Ký – Nỗi oan thế kỷ”, như lời giới thiệu của giáo sư Phan Huy Lê:

“Trong lịch sử Việt Nam, việc bình luận, đánh giá không ít nhân vật lịch sử thường bị chi phối bởi bối cảnh lịch sử như vậy. Nhưng xu hướng chung vẫn là sự thắng thế của kết quả nghiên cứu khoa học nghiêm túc, khách quan và thái độ công minh trước lịch sử. Petrus Ký cũng trải qua nhiều sóng gió của khen – chê, tôn vinh – phê phán, nhưng cuối cùng xu thế khách quan, trung thực vẫn chi phối.”

Thế nhưng, xu thế khách quan, trung thực về một nhân vật của lịch sử đã không được phép giới thiệu đến hậu thế, như luật sư Lê Luân đã viết trên trang nhà của mình:

“Nhưng nhân vật ấy cho đến lúc này, khi vừa mới có cơ hội được trở lại với lịch sử thì cũng ngay lập tức đã bị ngăn trở lại một cách dứt khoát và quyết liệt đến ngỡ ngàng trước những sự phẫn nộ của nhiều người dân mà đã biết sự thật về Ông.”

Có một ngôi trường từng được mang tên Petrus Ký.

Nhưng sau 1975 bị đổi tên. Cũng sau năm đó, bức tượng của ông được dựng gần Bưu điện Sài Gòn từ năm 1927 bị bứng đi mất. - RFA
|
|

14.
Nạn buôn người gia tăng tại Việt Nam

Tệ nạn buôn người tiếp tục gia tăng tại Việt Nam, mà nguyên nhân chính được cho là do tình trạng nghèo đói, pháp luật không được thực thi nghiêm minh, biên giới quản lý lỏng lẻo.

Thêm vào đó, nhu cầu cô dâu nước ngoài gia tăng tại một số nước trong khu vực cũng khiến cho nhiều phụ nữ Việt Nam trở thành nạn nhân của các đường dây buôn người.

Truyền thông trong nước trích dẫn báo cáo của Bộ Công An cho biết, trong năm 2016 vừa qua số nạn nhân của buôn người tăng 12,8% so với năm 2015.

Cũng theo báo cáo của Bộ Công An, mặc dù con số các vụ án buôn người giảm bớt 6%, nhưng trong năm qua tổng số nạn nhân của buôn người mà công an phát hiện được lên tới 1.128 người.

Các số liệu của Bộ Công An không nêu rõ có bao nhiêu trường hợp nạn nhân bị buôn bán vào các đường dây nô lệ tình dục và bao nhiêu là nạn nhân của buôn bán lao động. Nhưng theo số liệu của Ủy ban Quốc gia Phòng chống HIV/AIDS và Ma túy, Mại dâm thì trong năm 2016 vừa qua đã có 600 phụ nữ và trẻ em được giải cứu khỏi các đường dây buôn người.

Theo các cơ quan chức năng Việt Nam, hầu hết nạn nhân của buôn người được đưa qua ngả Trung Quốc, quốc gia đang xảy ra tình trạng mất cân đối về giới tính, nam thừa nữ thiếu, dẫn đến như cầu về cô dâu nước ngoài tăng cao. - RFA



No comments:

Post a Comment