Monday, January 2, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Hai 2/1

Tin Thế Giới

1.
Hoa Kỳ có thể bố trí nhiều vũ khí mạnh ở Biển Đông

Các chiến lược gia và các nhà hoạch định kế hoạch của quân đội Mỹ và Lầu Năm Góc đang nghiên cứu việc bố trí lại các hệ thống vũ khí trên toàn cầu, trong đó có khả năng đặt các đơn vị pháo binh di động ở Biển Đông, để nếu cần, có thể được sử dụng như là súng phòng không để bắn rơi các tên lửa ở vùng biển này. Đó là thông tin do tờ The National Interest đăng tải trong một bài viết đăng ngày 01/01/2017.

Trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã đặt các tên lửa địa đối không trên những đảo mà họ khẳng định chủ quyền ở Biển Đông. Hành động này đã gây thêm căng thẳng và khiến các chiến lược gia của Lầu Năm Góc phải nghiên cứu nhiều phương án khác nhau.

Các quan chức bộ Quốc Phòng Mỹ nhấn mạnh là hiện giờ chưa có quyết định nào được đưa ra. Cho tới nay, họ vẫn chống lại việc quân sự hóa hơn nữa vùng Biển Đông và vẫn chủ trương rằng các tranh chấp lãnh thổ phải được giải quyết một cách hòa bình bằng con đường ngoại giao.

Tuy nhiên, các quan chức Lầu Năm Góc cũng đã công khai tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tiến hành tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, đi vào trong phạm vi 12 hải lý chung quanh các đảo mà Trung Quốc khẳng định chủ quyền. Theo The National Interest, ngoài các hoạt động tuần tra, Hoa Kỳ cũng có thể tìm cách bố trí thêm các vũ khí phòng thủ và vũ khí tấn công tại vùng này.

Đó là những hệ thống vũ khí cho tới nay được sử dụng cho các cuộc tấn công trên bộ, như các dàn súng M777 Howitzer hay Paladin có cỡ nòng 155 mm. Những vũ khí này có thể được sử dụng để bắn chặn các rocket hoặc tên lửa hành trình.

Đây cũng là những dàn súng phòng không có thể sử dụng công nghệ fire control để ngắm bắn chính xác, phá hủy các mục tiêu của đối phương như phi cơ, máy bay không người lái và đạn pháo bắn tới.

Các quan chức Lầu Năm Góc không chính thức xác nhận là sẽ làm việc với các đồng minh trong khu vực để triển khai các vũ khí nói trên ở Biển Đông, nhưng họ nói là Hoa Kỳ đang gia tăng phối hợp với các đồng minh này.

Trên thực tế, theo The National Interest, Lầu Năm Góc đã gia tăng yểm trợ các đồng minh của Mỹ ở vùng Thái Bình Dương. Một đạo luật quốc phòng năm 2016, có tên Sáng Kiến An Ninh Hàng Hải Đông Nam Á, dành cho bộ Quốc Phòng Mỹ một ngân sách để huấn luyện, trang bị và cung cấp những hỗ trợ khác cho các nước Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Thái Lan.

Theo lời phát ngôn viên Lầu Năm Góc, cho các tài khoá 2016-2020, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter đã cam kết bỏ ra tổng cộng 425 triệu đôla cho Sáng Kiến An Ninh Hàng Hải Đông Nam Á.

Vấn đề là chưa biết tổng thống tương lai của Hoa Kỳ Donald Trump có sẽ tiếp tục các nỗ lực này hay không, hay nói rộng hơn là chưa biết ông có sẽ duy trì chiến lược “xoay trục“ sang châu Á do người tiền nhiệm Obama thi hành trong hai nhiệm kỳ của ông. - RFI
|
|

2.
Biển Đông: Bắc Kinh thúc đẩy quân sự hóa đội tàu cá

Trong thông điệp năm mới dương lịch ngày 31/12/2016, lãnh đạo Bắc Kinh Tập Cận Bình đã tuyên bố sẽ « không để bất kỳ ai » tranh giành chủ quyền biển đảo và lợi ích hàng hải của Trung Quốc. Thông điệp đầy tính đe dọa này đã được minh họa một cách cụ thể trong trường hợp Biển Đông : Trước ông Tập Cận Bình ít lâu, một lãnh đạo quân sự cao cấp tại đảo Hải Nam, đã nhắc nhở các thành viên Dân Quân Biển nước này rằng họ đều là những « cột mốc chủ quyền di động ».

Trong bài phát biểu hôm 29/12/2016, ông Hình Cẩm Trình (Xing Jincheng) chính ủy lực lượng võ trang Trung Quốc trên đảo Hải Nam, chịu trách nhiệm quản lý Biển Đông, đã tái khẳng định nhiệm vụ của Dân Quân Biển Trung Quốc là thực hiện các « chiến dịch chủ quyền dân quân » và bảo vệ các « vùng biển của tổ tiên », tức là những vùng lãnh hải « vốn thuộc về Trung Quốc từ ngàn xưa ».

Đối với nhân vật lãnh đạo cấp ủy Đảng Cộng Sản Trung Quốc trong lực lượng võ trang đảo Hải Nam này thì « các vùng biển lặng không hẳn là êm ả », do đó Dân Quân Biển Trung Quốc « phải tăng cường năng lực sẵn sàng chiến đấu ».

Tuyên bố đầy sát khí trên đây một lần nữa chứng minh ý đồ của chính quyền Trung Quốc là biến đội tàu đánh cá – trên danh nghĩa là dân sự - của Trung Quốc thành vũ khí bảo vệ điều mà Bắc Kinh cho là thuộc chủ quyền của họ ở Biển Đông cũng như ở nơi khác.

Đạo quân trên biển thứ ba sau Hải Quân và Hải Cảnh

Theo các nhà quan sát, lực lượng Dân Quân Biển Trung Quốc đã được chính quyền tăng cường quân số, huấn luyện, đào tạo và cung cấp trang bị để trở thành một lực lượng bảo vệ biển thứ ba của Bắc Kinh, ngay sau hai lực lượng chính thống là Hải Quân và Hải Cảnh.

Được thành lập từ những năm 1970, lực lượng này không ngừng được nhân rộng. Một báo cáo năm 1978 ước tính rằng Dân Quân Biển Trung Quốc bao gồm 750.000 người và 140.000 tàu. Quy mô của lực lượng này hiện nay không được tiết lộ, nhưng với ưu tiên dành cho việc bảo vệ chủ quyền biển đảo trong kế hoạch quốc phòng của Trung Quốc, lực lượng này chắc chắn đông đảo hơn rất nhiều.

Một số liệu chính thức cho phép ước lượng quy mô của đạo dân quân biển Trung Quốc : Tính đến năm 2013, Trung Quốc có khoảng 21 triệu ngư dân, nhiều hơn bất kỳ nước nào khác. Theo báo cáo năm 2012 của Tổ Chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc FAO, Trung Quốc có khoảng 439.000 tàu đánh cá chạy bằng động cơ. Hai yếu tố này làm tiền đề rất tốt cho việc tăng cường dân quân.

Không chỉ là số lượng đông. Lực lượng này còn được huấn luyện về kỹ năng hoạt động.

Nhật báo Anh Ngữ China Daily vào tháng Hai/2016 tiết lộ rằng lực lượng Dân Quân Biển của Trung Quốc « đang cải thiện khả năng hoạt động » để trở nên mạnh mẽ hơn. Đối với với tờ báo, đó là « kết quả của những nỗ lực của Trung Quốc nhằm tăng cường năng lực trên biển và bảo vệ lợi ích của đất nước ».

Vai trò trợ thủ đắc lực cho Hải Quân Trung Quốc của lực lượng này đã được tờ báo công nhận khi cho biết là chính quyền đã tổ chức « những cuộc tập huấn thực tế trên biển cho các dân quân địa phương để tăng cường khả năng chiến đấu của họ, » cho phép « dân quân biển đóng một vai trò lớn hơn trong cuộc tập trận do Hải Quân tổ chức ».

Mục tiêu: Áp đặt chủ quyền Trung Quốc ở vùng tranh chấp

Theo một chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc tại trường Nghiên Cứu Quốc Tế S. Rajaratnam (RSIS) tại Đại Học Công Nghệ Nanyang ở Singapore : « Các quan chức Trung Quốc coi các ngư dân và tàu cá là những công cụ quan trọng trong việc mở rộng sự hiện diện và khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trong các vùng biển tranh chấp ».

Trong một phiên điều trần của Quốc Hội Mỹ tháng 09/2016, tiến sĩ Andrew Erickson, một chuyên gia hàng đầu về Dân Quân Biển Trung Quốc thẩm định : « Không nên ngộ nhận : đó là một lực lượng được Nhà Nước thành lập, phát triển và kiểm soát, hoạt động dưới quyền chỉ huy trực tiếp của quân đội ».

Đối với chuyên gia này Trung Quốc lại gây quan ngại « khi thúc đẩy việc phát triển dân quân biển, một lực lượng mà nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất là hoạt động bán quân sự, còn đánh cá chỉ là thứ yếu ».

Tóm lại, chiến lược quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc không chỉ được thể hiện trên bề nổi là sự hiện diện của quân đội và vũ khí Trung Quốc trong vùng, mà còn thông qua điều mà giới phân tích phương Tây gọi là Đạo Quân Biển Thứ Ba (Third Sea Force) này, một lực lượng bán quân sự ngụy trang dưới vỏ bọc đội tàu cá dân sự, được tung vào các « chiến dịch tấn công trong vùng xám » (grey-zone aggression).

Chiến lược gây hấn kiểu tranh tối tranh sáng

Trong một bài viết trên tạp chí Nhật Bản The Diplomat ngày 24/12/2016, chuyên gia Ong Weichong cũng thuộc Trường Nghiên Cứu Quốc Tế - Đại Học Công Nghệ Nanyang ở Singapore, đã vạch trần sách lược sử dụng các cuộc tấn công trong vùng xám này của Trung Quốc.

Khi tung một lực lượng trên danh nghĩa là « dân sự », vào những chiến dịch khiêu khích các lực lượng quân sự của đối phương, hoặc để chiếm đóng một nơi nào đó, Bắc Kinh luôn luôn có thể thoái thác trách nhiệm nếu bị chỉ trích, đổ lỗi cho hành vi của ngư dân hay tàu cá.

Mặt khác, nếu lực lượng chính quy của đối phương phản ứng quá mạnh, thì Trung Quốc hoàn toàn có thể lớn tiếng đả kích việc dùng quân đội đàn áp « dân thường ».

Theo ông Ong Weichong, « một phương pháp tiếp cận như vậy cho phép Trung Quốc tùy ý hành động nhưng lại giảm đi nguy cơ leo thang xung đột quân sự ».

Một ví dụ điển hình về hành động của đội dân quân biển Trung Quốc là vụ sách nhiễu tàu nghiên cứu hải dương Mỹ USNS Impeccable tại Biển Đông ngày 08/03/2009.

Năm chiếc tàu của Trung Quốc – bao gồm một tàu do thám của Hải Quân, một ngư chính, một tàu tuần tra hải dương học của chính phủ, và hai tàu đánh cá đã bao vây chiếc Impeccable trong vùng biển quốc tế, cách bờ biển phía nam đảo Hải Nam khoảng 75 dặm. Các tàu nhà nước Trung Quốc thì ở xa, trong lúc hai tàu cá Trung Quốc thì áp sát tàu Mỹ, thậm chí dừng lại ngay trước mũi tàu của đối phương buộc chiếc Impeccable phải khẩn cấp bẻ lái để tránh va chạm và gây nên một sự cố quốc tế.

Gần đây hơn, dân quân biển Trung Quốc cũng được phái đến vùng Biển Hoa Đông vào tháng Tám 2016, với vụ 230 tàu đánh cá Trung Quốc đi kèm với sáu tàu Hải Cảnh tiến vào vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản quản lý nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền.

Đó là chưa kể đến việc lực lượng này thường trực tại vùng bãi cạn Scarborough mà Bắc Kinh chiếm lấy từ tay Philippines, để chặn đường không cho ngư dân Philippines đến đánh bắt tại vùng ngư trường truyền thống của minh.

Vấn đề là cho đến nay, các chính phủ nước ngoài thường chỉ chú ý đến các hành động của hai lực lượng chính quy trên biển của Trung Quốc là Hải Quân và Hải Cảnh, còn những hành vi tai hại không kém của lực lượng Dân Quân Biển lại ít được quan tâm.

Đối với các chuyên gia, chính quyền các nước, đặc biệt là Hoa Kỳ phải nhận thức đúng mức mối nguy hại này để có biện pháp đối phó, và nhất là để ngăn chặn bàn tay của Trung Quốc. Trong cuộc điều trần tại Quốc Hội Mỹ tháng 9 vừa qua, chuyên gia Andrew Erickson khuyến cáo: "Chúng ta phải cho Bắc Kinh hiểu là chúng ta biết rõ chiêu trò của họ". - RFI
|
|

3.
Nhiều nhà ngoại giao Nga rời Mỹ sau khi bị trục xuất --- Phần mềm độc hại Nga không thâm nhập lưới điện Mỹ

Các nhân viên ngoại giao bị trục xuất theo lệnh của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã rời Washington hôm 1/1, các hãng tin Nga đưa tin, dẫn nguồn đại sứ quán Nga.

RIA dẫn lời bộ phận báo chí của cơ quan đại diện ngoại giao Nga ở thủ đô của Hoa Kỳ viết: “Chiếc máy bay đã cất cánh. Mọi người đã rời [Washington]”.

Theo Reuters, trước đó, ông Obama đã yêu cầu trục xuất 35 người Nga bị nghi làm gián điệp trên đất Mỹ, đồng thời áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hai cơ quan tình báo Nga vì thực hiện vụ tấn công mạng nhắm vào hai tổ chức chính trị của Mỹ trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vừa qua.

Sau đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông quyết định không trục xuất bất kỳ nhà ngoại giao Mỹ nào để trả đũa.

Ông Putin cho biết, theo Reuters, sẽ cân nhắc hành động của Tổng thống đắc cử Donald Trump trước khi có những bước đi tiếp theo liên quan tới quan hệ Nga – Mỹ. Tỷ phú bất động sản của Hoa Kỳ sẽ nhậm chức vào ngày 20 tháng này.

Sau tuyên bố của nguyên thủ Nga, ông Trump hôm 30/12 ca ngợi ông Putin đã kiềm chế, không trả đũa các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Trên Twitter, Tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ viết: "Một bước đi tuyệt vời của V.Putin. Tôi luôn biết rằng ông ấy rất thông minh". - VOA

***
Các quan chức Hoa Kỳ nói rằng họ không có thông tin cho thấy mạng lưới điện tại bang đông bắc Vermont đã bị thâm nhập, ngay cả khi họ tiếp tục điều tra về phần mềm bị nghi là độc hại của Nga tìm thấy trên máy tính xách tay ngành điện.

Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ vào đêm cuối năm 2016 cho biết chiếc máy tính xách tay không được kết nối với lưới điện do Sở điện Burlington vận hành. Bộ nói sở điện "đã hành động ngay để cô lập chiếc máy tính xách tay" sau khi tìm thấy mã phần mềm độc hại được sử dụng trong các hoạt động bị nghi là các cuộc xâm nhập máy tính của Nga. Nhà chức trách gọi các hoạt động như vậy là Grizzly Steppe.

Việc phát hiện ra phần mềm độc hại đã làm bùng lên mối quan tâm tại Hoa Kỳ về các lỗ hổng trong việc vận hành các hạ tầng cơ sở trọng yếu của đất nước. Các quan chức an ninh nội địa từ chối cho biết các hãng dịch vụ dân sinh tiện ích hoặc các cơ quan khác cũng đã có báo cáo việc tìm thấy phần mềm độc hại tương tự trên hệ thống của họ hay không, các quan chức nói đó là thông tin mật.

Vụ việc Vermont đã dẫn đến việc một số tiểu bang ở Hoa Kỳ cho quan chức an ninh mạng kiểm tra lại mạng lưới điện để đảm bảo rằng họ không bị phần mềm độc hại thâm nhập, có thể ảnh hưởng đến lưới điện của họ. Hiện chưa có các báo cáo về các vấn đề.

Dân biểu Hoa Kỳ Peter Welch cho biết phần mềm độc hại của tin tặc Nga được tìm thấy ở Vermont là bằng chứng về "hoạt động tin tặc tràn lan của Nga", nhưng Tổng thống đắc cử Donald Trump nói những cáo buộc như vậy cần được điều tra một cách cẩn thận.

Ông Welch cho biết phát hiện mới đây chứng tỏ rằng Nga tấn công tin tặc đối với các mạng của mạng Hoa Kỳ "một cách có hệ thống, không ngừng và có tính tiêu diệt".

Nhưng ông Trump, người sẽ nhậm chức ngày 20/1, tiếp tục nghi ngờ về các cáo buộc gián điệp, ông nói ông muốn các cơ quan tình báo Hoa Kỳ chắc chắn về kết luận của họ "bởi vì đó là một cáo buộc khá nghiêm trọng" đối với Nga. - VOA
|
|

4.
Cảnh sát Campuchia tìm kẻ tung ảnh sex phỉ báng nhà vua

Cảnh sát Campuchia đang truy tìm ba nghi phạm bị cho là tung ảnh chế cảnh sex đồng tính với mục đích phỉ báng Quốc vương Sihamoni.

Họ có kế hoạch bắt ba kẻ này, vốn đã sửa ảnh, đặt hình Quốc vương vào cảnh tình dục đồng giới với dòng chữ "Vua Campuchia đồng tính".

Bức hình này được cho lên Facebook hôm Giáng sinh 25/12 và được nhiều người ở Campuchia và Thái Lan nhìn thấy.

Nó được xem như hành động phỉ báng hiếm thấy đối với Quốc vương Norodom Sihamoni.

Quốc vương Sihamoni lên ngôi năm 2004, được thần dân tôn kính và được cho là đứng ngoài chính trị.

Trong khi Hoàng gia ở nước láng giềng Thái Lan được bảo hộ bởi điều luật khi quân (lese majeste) nghiêm cấm mọi chỉ trích, Campuchia không có luật tương tự.

Tuy nhiên Hiến pháp Campuchia quy định là nhà vua "bất khả xâm phạm" và không ai được phỉ báng Ngài.

Một người phát ngôn của Bộ Nội vụ Campuchia xác nhận là bộ này đã mở điều tra.

Tướng Khieu Sopheak nói với hãng tin AFP: "Chúng tôi đã có lệnh bắt các nghi phạm. Nếu như không có hành động, có thể sẽ có thêm người theo chân bọn chúng".

Ông Khieu Sopheak từ chối giải thích là ba nghi phạm đã phạm luật gì mà chỉ nói: "Quốc vương đại diện cho toàn dân tộc, chúng phỉ báng Quốc vương là phỉ báng toàn dân tộc".

Hai trong số ba nghi phạm này được tin đang ở Campuchia, kẻ thứ ba ở Thái Lan.

Tướng Khieu Sopheak nói nhà chức trách có thể sẽ yêu cầu Thái Lan giúp truy bắt.

Chức vị quốc vương ở Campuchia từng có thời quyền lực vô biên, nhưng nay chủ yếu chỉ có vai trò lễ nghi.

Các quan sát viên nói vị vua 63 tuổi Sihamoni trị vì một cách thầm lặng, thực hiện bổn phận của mình nhưng tránh tham gia vào chính trường hỗn độn của nước này.

Quyền lực chính trị thực tế nằm trong tay thủ tướng Hun Sen, vị thủ tướng tại vị lâu năm nhất thế giới.

Nhà vua là một trí thức thành thạo tiếng Anh, Pháp và Czech. Trước khi lên ngôi, ông sống nhiều năm ở nước ngoài và từng là nghệ sỹ ballet.

Quốc vương Sihamoni không có vợ con.

Nghệ sỹ ballet trở thành Quốc vương

Khi Norodom Sihamoni lên nối ngôi cha, Quốc vương Norodom Sihanouk, không nhiều người biết về ông.

Vua Sihanouk tuyên bố thoái ngôi đầu tháng 10/2004. Ngay sau đó, con trai Sihamoni 21 tuổi của ông được cho là nhân vật có khả năng kế vị ông.

Thoạt tiên vị hoàng tử khiêm tốn, yêu âm nhạc này tỏ vẻ ngại ngần, nhưng sau chấp nhận đề nghị của Hội đồng Hoàng gia.

Tuy đại diện cho Campuchia tại tổ chức văn hóa giáo dục của Liên Hiệp Quốc Unesco, Quốc vương không đóng vai trò trong nền chính trị Campuchia. - BBC
|
|

5.
Trung Quốc: Một thoáng quang đãng trên bầu trời Bắc Kinh mù mịt

Theo hãng tin Reuters, lớp khói mù dầy đặc bao phủ Bắc Kinh ngày đầu năm, đã khiến hàng trăm chuyến bay bị hủy bỏ và đường cao tốc bị đóng, đã tan đi nhiều vào hôm nay, 02/01/2017, lưu thông trên không cũng như trên bộ đã trở lại bình thường. Tuy nhiên tình trạng này sẽ không kéo dài.

Theo đài khí tượng Trung Quốc thì sương mù sẽ lại đổ xuống Bắc Kinh và Thiên Tân kể từ ngày mai, 03/01, trong khi Hà Bắc thì vẫn bị ngợp trong lớp sương dầy đặc cho đến thứ Năm, cũng như Hà Nam và Sơn Đông. Một phần lớn miền bắc Trung Quốc đã bị ô nhiễm nghiêm trọng từ trung tuần tháng 12, chính quyền đã phải cho đóng cửa hàng trăm xưởng sản xuất cũng như giới hạn xe cộ.

Lớp sương dầy đặc bao phủ trở lại Bắc Kinh từ thứ Sáu 30/12, đã khiến 126 chuyến bay bị hủy bỏ vào hôm qua, các tuyến xe buýt nối Bắc Kinh với các thành phố lân cận đã bị ngừng.

Phân tử li ti nguy hại tập trung trong không khí vào hôm qua đã vượt ngưỡng 500 microgramme/m3 ở Bắc Kinh, tức là 50 lần cao hơn ngưỡng không nguy hại theo chuẩn mực của Tổ Chức Y Tế Thế Giới.

Cuối tuần vừa qua có đến 24 thành phố Trung Quốc báo động đỏ về ô nhiễm, buộc chính quyền phải đóng cửa nhà máy, giới hạn việc sử dụng xe hơi. 21 thành phố khác, trong đó có Bắc Kinh báo động ở mức độ màu cam, thấp hơn một nấc.

Nguyên nhân ô nhiễm nghiêm trọng vào mùa đông, thường lên đỉnh cao, được giải thích là do những lò sưởi mà một phần lớn vẫn sử dụng than.

Từ năm 2014, chính quyền Trung Quốc đã « khai chiến với ô nhiễm », nhưng xem qua tình hình hiện nay thì có vẻ không thể chiến thắng. - RFI
|
|

6.
Hồng Kông: Biểu tình phản đối ý đồ bãi nhiệm 4 dân biểu

Năm 2017 mở đầu tại Hồng Kông với cuộc tuần hành của hàng nghìn người dân để phản đối việc chính quyền đặc khu hành chính chuẩn bị truất quyền của bốn dân biểu đòi dân chủ, trong bối cảnh Bắc Kinh liên tục cảnh báo sẽ không dung thứ phong trào đòi độc lập cho Hồng Kông.

Hãng tin AP dẫn lại nguồn tin cảnh sát cho hay, khoảng 5.000 người tuần hành tại Hồng Kông ngày 01/01/2017, trong khi ban tổ chức cho biết có 9.100 người tham dự. Mặt trận Nhân Quyền Công dân (Civil Human Rights Front/CHRF) là cơ sở tổ chức cuộc tuần hành.

Những người biểu tình giương cao khẩu hiệu “Hồng Kông độc lập” và nhiều biểu ngữ ủng hộ bốn dân biểu. Trả lời AP, dân biểu Diêu Tùng Viêm (Edward Yiu Chung-yim), một trong bốn người có nguy cơ bị bãi nhiệm, nhận định nền tư pháp Hồng Kông đang hướng đến việc phá hủy hệ thống chính trị dân chủ của thành phố.

Dân biểu Diêu Tùng Viêm khẳng định các dân biểu “cần phải được bảo vệ, bởi họ đã được hàng trăm nghìn cử tri bầu lên”. Vị dân biểu Hồng Kông nhấn mạnh : “Đây không chỉ là vấn đề bất công (đối với cá nhân các dân biểu), mà còn là việc bảo vệ nền dân chủ của chúng ta”.

Hôm 02/12/2016, chính quyền đặc khu Hồng Kông đề nghị tòa án phế truất bốn dân biểu Lương Tụng Hằng (Baggio Leung), Lương Quốc Hùng (Leung Kwok-hung), thuộc Liên đoàn Dân Chủ Xã Hội, ông La Quán Thông (Nathan Law), đảng Demo, Diêu Tùng Viêm (Edward Yiu Chung-yim) đại diện cho ngành kiến trúc, vì đã không thực hiện đúng nghi thức tuyên thệ.

Trong lễ tuyên thệ nhậm chức ngày 12/10/2016, hai nghị sĩ Lương Quốc Hùng và La Quán Thông đã thay đổi giọng khi đọc chữ "Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa", để biến lời tuyên thệ thành một câu hỏi.

Quyên tiền ủng hộ các dân biểu

Theo báo chí Hồng Kông, trước và trong cuộc tuần hành hôm qua, dân chúng Hồng Kông đã tổ chức quyên góp tiền vào quỹ mang tên Bảo Vệ Công Lý (Justice Defence Fund) để hỗ trợ các dân biểu, trong các chi phí liên quan đến thủ tục kiện tụng. Hơn hai triệu đô la Hồng Kông, tương đương khoảng 250.000 đô la, đã được quyên góp. Hiện tại quỹ vẫn đang tiếp tục kêu gọi sự ủng hộ của cử tri.

Giữa tháng 11/2016, một tòa án đặc khu Hồng Kông đã quyết định khai trừ hai nghị sĩ Du Huệ Trinh (Yau Wai-ching) và Lương Tụng Hằng (Baggio Leung), vì đã không thực hiện đúng nghi thức tuyên thệ, trong đó có hành động giương cờ "Hồng Kông độc lập" trong buổi lễ này.

Một cuộc vận động ủng hộ tài chính khác cũng đang được tiến hành. Hai dân biểu Du Huệ Trinh và Lương Tụng Hằng sẽ phải trả 1,6 triệu đô la Hồng Kông cho các thủ tục phúc thẩm tại tòa chung thẩm Hồng Kông vào tháng 2/2017.

Trong khi đó, hôm qua, đại diện cao nhất của chính quyền Trung Quốc tại Hồng Kông, ông Trương Hiểu Minh (Zhang Xiaoming), đe dọa : Bắc Kinh sẽ không cho phép việc “tiến hành các hoạt động đe dọa chủ quyền và an ninh quốc gia, hay thách thức quyền lực của chính phủ trung ương hay Luật cơ bản của Hồng Kông, hoặc sử dụng Hồng Kông để (…) gây bất ổn xã hội và chính trị” tại Trung Quốc.

Theo các nhà quan sát, căng thẳng tại Hồng Kông tăng cao sau vụ hai dân biểu đòi độc lập bị bãi nhiệm. Năm 2017 này, đánh dấu 20 năm Hồng Kông được trả lại cho Trung Quốc, sẽ là một năm bản lề của đời sống chính trị thành phố, với cuộc bầu cử một lãnh đạo mới.

Rất nhiều người dân tại đặc khu hành chính, vốn được hưởng quy chế bán tự trị, theo nguyên tắc “Một quốc gia, hai chế độ”, lo ngại các quyền tự do tại cựu thuộc địa Anh Quốc, sẽ bị Bắc Kinh tước đoạt. Trả lời AFP, dân biểu Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) nhận xét : “Hệ thống một quốc gia, hai chế độ đã thất bại”. - RFI
|
|

7.
Pháp lần đầu tiên xử một vụ “tài sản bất chính” của lãnh đạo nước ngoài

Hôm nay, 02/01/2017, lần đầu tiên nước Pháp mở phiên xử một lãnh đạo nước ngoài về những “tài sản bất chính”. Bị cáo là con trai của tổng thống Guinea Xích Đạo .

Nguyên là bộ trưởng bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp, được cha là tổng thống Teodorin Obiang Nguema bổ nhiệm làm phó tổng thống cuối tháng 6 vừa qua, ông Teodorin Obiang bị truy tố trước toà đại hình Paris về các tội rửa tiền thu nhập bất chính, biển thủ công quỹ, lạm dụng lòng tin và tham nhũng.

Cuộc điều tra của ngành tư pháp của Pháp, theo đơn kiện của hai hiệp hội Sherpa và Transparency International, đã cho thấy là Teodorin Obiang, 47 tuổi, có một tài sản rất lớn ở Pháp, gồm nhiều căn ở đại lộ Foch, một trong những khu sang nhất ở Paris, với trị giá tổng cộng được thẩm định là 107 triệu euro, nhiều xe hạng sang và xe thể thao ( Porsche, Ferrari, Bentley, Bugatti ).

Khối lượng tài sản này là quá lớn so với mức sống bình thường ở Guinea Xích Đạo, một quốc gia dầu hỏa vùng Trung Phi, nơi mà hơn phân nửa dân số sống dưới ngưỡng nghèo khó. Ấy là chưa kể mỗi khi đến Paris, Teodorin Obiang tiêu rất nhiều tiền mặt để may quần áo tại các nhà may hạng sang.

Sau khi điều tra, các thẩm phán Pháp kết luận rằng con trai tổng thống Guinea Xích Đạo đã tạo dựng những tài sản nói trên bằng tiền biển thủ công quỹ, tiền hối lộ. Về phần mình, ông Teodorin Oiang khẳng định ông vô tội vì đó là tiền thu nhập hợp pháp.

Trên nguyên tắc, phiên xử ông Teodorin Obiang bắt đầu từ hôm nay và kéo dài đến 12/01, nhưng các luật sư của con trai tổng thống Guinea Xích Đạo đã đòi dời lại phiên tòa, với lý do thời gian chuẩn bị quá ngắn.

Hiện nay, tư pháp của Pháp cũng đang điều tra về tài sản của gia đình nhiều lãnh đạo châu Phi khác, như gia đình của tổng thống Congo Denis Sassou Nguesso, gia đình của cố tổng thống Gabon Omar Bongo hay của cố tổng thống Trung Phi François Borizé. - RFI
|
|

8.
Nepal và Trung Quốc sẽ tập quân sự chung lần đầu tiên

Trong một tín hiệu về tăng cường các mối quan hệ với Bắc Kinh, Nepal loan báo sẽ tham gia diễn tập quân sự chung với Trung Quốc lần đầu tiên vào tháng tới.

Diễn biến mới này được Ấn Ðộ theo dõi sát trong lúc New Delhi tiếp tục cảnh giác đối với ảnh hưởng đang ngày càng tăng của Bắc Kinh đối với quốc gia nhỏ bé ở Hy Mã Lạp Sơn nằm kẹp giữa hai nước khổng lồ Á châu.

Quân đội Nepal cho hay cuộc thao diễn chú trọng vào mục tiêu huấn luyện cho các lực lượng Nepal đối phó với các tình huống bắt giữ con tin liên quan đến các nhóm khủng bố quốc tế và cách thức ứng phó các tình huống thảm họa.

Trung tướng Tara Bahadur Karki, phát ngôn viên quân đội Nepal nói: “Nepal và Trung Quốc đã trao đổi các phái đoàn quân sự, tổ chức các cuộc thăm viếng qua lại và các khóa học, nhưng diễn tập quân sự chung như vậy là lần đầu tiên.”

Ấn Ðộ sẽ theo dõi sát cuộc tập trận

Một chuyên gia về Trung Quốc ở New Delhi, ông Jayadeva Ranade nói rằng Ấn Ðộ sẽ nghiên cứu thận trọng xem cuộc thao diễn này có ý nghĩa gì. Ông nói: “Liệu đây có phải là khởi sự của một xu hướng mở rộng quan hệ quân sự hay chỉ là một cuộc thao dượt rồi thôi.”

Nepal gạt những lo ngại đó sang một bên và nói rằng đây chỉ là một cuộc thao diễn nhỏ và không mang theo một ý đồ chiến lược gì cả. Đại sứ của Nepal tại Ấn Ðộ, ông Deep Upadhyay nói với tờ Times of India rằng “Thật sự chẳng có chuyện gì ghê gớm cả. Dù quý vị có nhìn vào đó từ bất cứ góc độ nào, Nepal có một quan hệ đặc biệt với Ấn Ðộ và điều đó không thể nào thay đổi bởi một cuộc thao dượt nhỏ này.

Cuộc thao dượt quân sự chung sẽ diễn ra vào lúc New Delhi đang tìm cách giành lại ảnh hưởng bị Trung Quốc lấy đi hồi năm ngoái khi cựu Thủ tướng Nepal K.P. Oli tìm cách thắt chặt quan hệ với Trung Quốc hơn để đáp lại chỉ trích rằng nước này bị lệ thuộc Ấn Ðộ quá nhiều tiếp theo sau vụ người biểu tình thuộc các nhóm sắc tộc đóng cửa biên giới làm cho Nepal rơi vào tình huống nan giải.

Kể từ khi Thủ tướng Pushpa Kamal Dahal lên nắm quyền cách đây 5 tháng, Ấn Ðộ và Nepal đã hâm nóng lại các mối quan hệ và làm dấy lên hy vọng các mối quan hệ đầm ấm truyền thống sẽ được khôi phục.

Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng

Nhưng các nhà phân tích chính trị chỉ ra rằng ảnh hưởng của Trung Quốc đã có tại Nepal và sẽ tiếp tục trong lúc Bắc Kinh tìm cách mở rộng sự hiện diện trong nỗ lực giành một vị trí ở Nam Á.

Trong mấy năm gầy đây, Trung Quốc đã hấp dẫn Nepal với nhiều triệu đôla xây dựng đường xá, bệnh viện và các cơ sở hạ tầng khác, và các hợp đồng cấp điện đến các vùng núi non hiểm trở. - VOA
|
|

9.
Myanmar bắt các sĩ quan đàn áp người Rohingya

Myanmar hôm thứ Hai bắt giữ nhiều sĩ quan cảnh sát xuất hiện trong video quay cảnh đánh đập các thường dân Rohingya. Đây là một trong những xác nhận rất hiếm thấy của chính phủ Myanmar về những hành động của lực lượng an ninh đàn áp người thiểu số theo Hồi giáo này.

Phóng viên báo chí và nhân viên cứu trợ không được phép đến phần lớn bang Rakhine trong mấy tháng qua mặc dù có nhiều video tài liệu được công bố quay cảnh các nhân viên an ninh ngược đãi người Rohingya ở bang này. Đây là lần đầu tiên chính phủ xác nhận sự thật của các video đó và hứa sẽ có hành động.

Các sĩ quan theo tin nói đã thẩm vấn cư dân ở làng Kotankaruk hồi tháng 11 trong khi điều tra lần theo một mấu chốt về các phần tử vũ trang tấn công một đồn biên phòng hồi tháng 10, giết chết 9 sĩ quan.

Video quay cảnh mấy sĩ quan cảnh sát đấm đá hai dân làng, trong đó có một thiếu niên bị đánh vào đầu.

Thông báo của lãnh tụ trên thực tế của Myanmar, bà Aung San Suu Kyi nói rằng: “Những sĩ quan được nhận diện đã bị bắt. Điều ra mở rộng đang được tiến hành để xác định các sĩ quan xuất hiện trong video đánh dân làng.”

Sau vụ tấn công hồi tháng 10, quân đội được điều động hùng hậu đến khu vực biên giới, bắt giữ hơn 500 người và giết chết ít nhất 100 người. Có 6 binh sĩ chính phủ bị thiệt mạng. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

10.
Mỹ lại ‘thống trị’ thị trường vũ khí toàn cầu

Mỹ một lần nữa đứng đầu thị trường vũ khí trên thế giới trong năm 2015, ký các hợp đồng trị giá khoảng 40 tỷ đôla, vượt xa nước đứng thứ hai là Pháp, quốc gia giành các thỏa thuận khí tài trị giá 15 tỷ đôla.

The New York Times dẫn một nghiên cứu mới của quốc hội mới cho biết rằng các quốc gia đang phát triển tiếp tục mua nhiều vũ khí của Mỹ nhất trong năm 2015.

Ba “khách hàng” lớn nhất của Hoa Kỳ là Qatar với các hợp đồng trị giá hơn 17 tỷ đôla, tiếp theo là Ai Cập với gần 12 tỷ đôla, và Ảrập Xêút với hơn 8 tỷ đôla.

Theo nghiên cứu công bố hôm 19/12, dù các mối đe dọa khủng bố và căng thẳng trên toàn cầu chưa có dấu hiệu giảm bớt, tổng giá trị hợp đồng mua bán vũ khí trên toàn cầu giảm xuống còn 80 tỷ đôla năm 2015, từ mức 89 tỷ đôla một năm trước đó.

Tác giả của nghiên cứu được The New York Times dẫn lời nói rằng việc giảm này “một phần là do nền kinh tế toàn cầu suy yếu đi”.

Các quốc gia phát triển mua tổng cộng 65 tỷ vũ khí năm 2015, thấp hơn đáng kể so với mức 79 tỷ đôla năm 2014.

Hai quốc gia đứng đầu nghiên cứu về số lượng vũ khí bán ra là Mỹ và Pháp đều chứng kiến sự gia tăng trong các hợp đồng với con số tương ứng là 4 tỷ đôla và hơn 9 tỷ đôla.

Nga, một trong những xuất khẩu vũ khí lớn trên thế giới, chứng kiến việc sụt giảm nhẹ trong đơn đặt hàng xuống mức 11,1 tỷ đôla so với 11,2 tỷ đôla năm 2014.

Còn Trung Quốc, nước châu Á duy nhất trong danh sách các quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới của cơ quan nghiên cứu của quốc hội Mỹ, ký các hợp đồng xuất khẩu khí tài trị giá 6 tỷ đôla, tăng gần gấp đôi so với con số hơn 3 tỷ đôla năm 2014.

Ngoài, Mỹ, Pháp, Nga và Trung Quốc, các nước trong danh sách quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn trên toàn cầu còn có Thụy Điển, Italy, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Israel.

Năm 2016, Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam, và khi ở thăm Hà Nội, Tổng thống Obama nói rằng quyết định đó “không phải vì Trung Quốc hay vì bất kỳ lý do nào khác”.

Hiện chưa rõ là Hà Nội muốn mua vũ khí gì từ Hoa Kỳ, nhưng theo giới quan sát, trong bối cảnh biển Đông chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Việt Nam “nhắm tới các loại khí tài có thể giúp nước này bảo vệ vùng biển của mình”. - VOA
|
|

11.
Ông Trump vẫn nghi ngờ cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ

Tổng thống đắc cử Donald Trump có mối ngờ vực mới về kết luận của tình báo Hoa Kỳ là Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống thông qua tin tặc, kết luận này đã dẫn đến việc Tổng thống Barack Obama áp đặt lệnh trừng phạt đối với các cơ quan gián điệp của Nga hồi tuần trước và trục xuất 35 nhà ngoại giao mà ông nói là gián điệp.

Trong tiệc đêm giao thừa tại dinh thự của ông ở Florida, ông Trump nói với các phóng viên rằng ông muốn các nguồn tin tình báo của Hoa Kỳ phải thật chắc chắn, "bởi vì đó là một cáo buộc khá nghiêm trọng, và tôi muốn họ phải chắc chắn".

Ông nói sẽ "không công bằng" khi đưa ra các cáo buộc đối với Moscow nếu có bất kỳ sự không chắc chắn nào.

Còn 19 ngày là đến lễ nhậm chức để ông trở thành tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, vị tổng thống mới đắc cử nói rằng ông biết nhiều hơn về cáo buộc của Washington đối với Nga so với những gì đã được tiết lộ công khai và rằng "quý vị sẽ được biết vào thứ Ba hoặc thứ Tư".

Ông nói: "Và tôi biết rất nhiều về tin tặc. Và rất khó để chứng minh tin tặc. Vì vậy, có thể là một người khác. Và tôi cũng biết những điều mà người khác không biết, và như vậy có thể là họ không chắc chắn về tình hình".

Là người hiếm khi sử dụng email hoặc máy tính mặc dù ông thường xuyên đăng tải những ý kiến hay lời chế nhạo ngắn gọn trên Twitter, ông Trump nói không có máy tính nào có thể bảo đảm an toàn cho các thông tin bí mật.

Ông Trump nói: "Nếu quý vị có điều gì thực sự quan trọng, hãy viết nó ra và cử người chuyển nó đi, theo cách cũ, bởi vì tôi phải nói là không có máy tính nào an toàn cả. Tôi không quan tâm đến những gì người ta nói, không có máy tính nào an toàn cả". - VOA
|
|

12.
'Hollywood' biến thành 'Hollyweed' trong ngày đầu năm

Cư dân ở khu vực nổi tiếng nhất Los Angeles khi thức giấc vào ngày đầu tiên của năm mới đã chứng kiến chuyện lạ, với biển ghi dòng chữ nổi tiếng thế giới Hollywood đã bị đổi thành 'Hollyweed' (weed hay 'cỏ' là từ lóng để chỉ cần sa).

Truyền thông địa phương đưa tin cảnh sát đang coi đây là vụ xâm nhập trái phép ít nghiêm trọng, và đang tiến hành điều tra.

Dòng chữ nổi tiếng được gắn trên triền Mount Lee, với các chữ cái cao 13,7m đề tên kinh đô điện ảnh Hollywood.

Cử tri tại California đã hợp pháp hóa việc sử dụng cần sa trong kỳ bỏ phiếu diễn ra cùng lúc với kỳ bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, hôm 8/11/2016.

Vụ thay đổi biển ghi mới đây không gây hư hại gì lớn cho dòng chữ, tuy nhiên, một số phần của các chữ cái "O" đã bị ai đó dùng vải nhựa phủ lên, khiến chúng trông giống như các chữ 'e".

Thời báo Los Angeles đưa tin một cá nhân đơn lẻ đã bị camera an ninh ghi hình khi trèo lên để treo vải nhựa.

Đã từng có một vụ tương tự xảy ra hồi 1976, nhằm kêu gọi nói lỏng luật về sử dụng cần sa ở tiểu bang này. - BBC
|
|

Tin Việt Nam

13.
Nhật Hoàng ‘có thể thăm Việt Nam vào đầu tháng Ba’

Nhật Hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko “đang hoạch định kế hoạch thực hiện chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam vào đầu tháng Ba", theo tin từ Nhật.

Hãng tin Kyodo dẫn lời một nguồn tin thân cận với hoàng gia nước này cho biết rằng chuyến thăm nhằm "bày tỏ thiện chí", vì Nhật Hoàng Akihito và phu nhân thường nhận được lời mời tới thăm Việt Nam khi lãnh đạo nước này tới thăm “xứ sở mặt trời mọc”.

Nếu chuyến đi diễn ra như tin đã đưa, đây sẽ là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Nhật Hoàng Akihito kể từ tháng Một năm 2016, khi ông tới Philippines để thăm một địa điểm nơi binh sĩ Nhật từng chiến đấu trong Thế Chiến II.

Theo Kyodo, Nhật Hoàng 83 tuổi và Hoàng hậu 82 tuổi dự kiến sẽ tham gia các sự kiện tại Hà Nội rồi tới Huế trong chuyến thăm có thể kéo dài tới 5 ngày.

Hãng tin của Nhật cho biết rằng chuyến thăm được hoạch định trong bối cảnh một ban cố vấn của chính phủ đang nghiên cứu khả năng Nhật Hoàng Akihito sẽ thoái vị, sau khi ông bày tỏ lo ngại rằng tuổi già có thể khiến ông không thể hoàn thành các nghĩa vụ trước công chúng.

Hồi tháng Chín năm ngoái, Đại sứ quán Nhật tại Hà Nội cho biết rằng “chính phủ Việt Nam liên tiếp gửi lời mời thăm Việt Nam tới Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản", và "phía Nhật Bản đang tiến hành những chuẩn bị cần thiết cho chuyến thăm tới Việt Nam của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản có khả năng được thực hiện vào mùa xuân năm tới (2017)”.

Sau đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nói rằng Hà Nội “hoan nghênh phía Nhật Bản xem xét việc thu xếp chuẩn bị chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản vào mùa xuân năm 2017”.

Ông Bình nói: “Việt Nam sẽ cùng Nhật Bản phối hợp chuẩn bị chu đáo để chuyến thăm của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản tới Việt Nam thành công tốt đẹp, qua đó góp phần tăng cường quan hệ hai nước, đóng góp cho hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới”.

Theo Infonet, năm 2016, Nhật Bản là một trong “4 thị trường xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD của Việt Nam trong số hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại” với Hà Nội. - VOA
|
|

14.
Bà Thatcher ‘giục ông Bush giúp thuyền nhân Việt’ ở Hong Kong

Thủ tướng Anh Margaret Thatcher từng kêu gọi Tổng thống Mỹ George H. W. Bush giúp giải quyết vấn đề thuyền nhân Việt ở Hong Kong hồi cuối những năm 80 vì thuộc địa của Anh này "không thể đương đầu với làn sóng người tị nạn từ Việt Nam".

Tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng hôm 31/12 dẫn tài liệu giải mật được Cơ quan Lưu trữ Quốc gia ở London mới công bố còn cho thấy "sự lưỡng lự của cựu Thủ tướng Anh trong việc tái định cư người tị nạn Việt tại nước bà".

Theo SCMP, tài liệu cho thấy sự cân nhắc của chính phủ Anh trong khoảng thời gian từ năm 1988 tới 1989 về cách thức xử lý làn sóng người tị nạn ở Hong Kong, điểm đến của người xin tị nạn Việt.

Theo tờ nhật báo của Hong Kong, hơn 230 nghìn thuyền nhân Việt đã tới thành phố này từ những năm 70 tới năm 90, và bị giữ tại các trại để chờ được đi tái định cư ở nước khác hoặc bị trả về Việt Nam.

Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng dẫn tài liệu cho biết rằng bà Thatcher khi ấy không muốn nhận những người Việt vì cho rằng họ sẽ là một “gánh nặng” đối với nước Anh.

Trong bức thư gửi cho ông Bush trước một hội nghị quốc tế ở Geneva, Thụy Sĩ, năm 1989, bà Thatcher bày tỏ “nghi ngờ” về “khả năng chính quyền Hong Kong có thể đối phó” với làn sóng người tị nạn từ Việt Nam.

Thủ tướng Anh khi ấy cũng chuẩn bị sẵn sàng “trả về nước những ai bị bác quy chế tị nạn”, và kêu gọi ông Bush “thấu hiểu và ủng hộ”.

Theo SCMP, tài liệu công bố không bao gồm bức thư hồi đáp của ông Bush. Rốt cuộc, Hoa Kỳ và các nước khác cam kết giúp tái định cư cho hơn 57 nghìn người, trong khi Anh chỉ chấp nhận 1 nghìn người.

Việc tái định cư tiếp tục cho tới hết những năm 90 và trại tị nạn cuối cùng ở Hong Kong đóng cửa năm 2000, theo Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng.

Hong Kong từng là thuộc địa của Anh, và được trao trả cho Trung Quốc năm 1997.

Theo UPI, trong số khoảng 1,3 triệu người Việt sinh sống ở Mỹ hiện nay, khoảng 70% số đó tới Hoa Kỳ xin tị nạn từ sau năm 1975 tới năm 2000.

Những năm gần đây, nhiều người Việt tự nhận là “thuyền nhân” đã tới Australia, một trong các quốc gia có đông người gốc Việt sinh sống, để xin tị nạn, và nhiều người trong số đó đã “bị trả về nước”.

Trước tình trạng đó, Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm và Bộ trưởng Nhập cư và Bảo vệ biên giới Australia Peter Dutton hôm 12/12 đã ký một văn bản ghi nhớ ở Canberra về việc Úc trao trả người xin tị nạn Việt.

AAP đưa tin, thỏa thuận chính thức này “sẽ tạo cơ chế chính thức cho việc đưa trở về những công dân Việt Nam không có quyền nhập cảnh hoặc ở lại Australia bất hợp pháp, bao gồm những người bị chặn lại trên biển”. - VOA
|
|

15.
Ý kiến về cam kết 'chịu trách nhiệm nếu thép Cà Ná gây hệ lụy'

Bộ trưởng Công thương trong những ngày qua được chú ý nhiều sau khi cam kết ông 'sẽ chịu trách nhiệm nếu thép Cà Ná gây hệ lụy'.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh được một tờ báo Việt Nam hôm 30/12 dẫn lời: "Với dự án này, Bộ Công Thương phải bằng mọi cách nỗ lực để đảm bảo không xảy ra bất kì hệ lụy nào."

"Bởi nếu xảy ra thì lúc ấy cũng không thể ngồi tính với nhau là hình thức xử phạt như vậy phù hợp chưa."

"Chúng tôi khẳng định không phải lợi ích nhóm hay bảo thủ bất chấp môi trường để phát triển dự án mà đó là quan điểm phát triển. Tuy nhiên, Bộ Công Thương luôn tiếp cận cởi mở, cầu thị, có trách nhiệm với tất cả những luồng dư luận về dự án này và quy hoạch này."

Các báo trong nước ghi nhận lời Bộ trưởng Tuấn Anh nói ông "sẵn sàng chịu trách nhiệm nếu thép Cà Ná có hệ lụy".

'Không đoái hoài tới phản biện khoa học'

Hôm 2/1, trả lời BBC từ Đà Nẵng, nhà hoạt động môi trường Nguyễn Anh Tuấn, người từng thực hiện điều tra độc lập vụ Formosa gây thảm họa cá chết năm 2016, bình luận: "Nếu đó đúng là phát ngôn của Bộ trưởng Tuấn Anh thì những lời đó rất thiếu trách nhiệm, coi thường dư luận và coi trọng chức vụ của ông."

"Tôi không hiểu tại sao ông ấy có thể phát ngôn như vậy sau hệ lụy của vụ Formosa ảnh hưởng đến sinh kế của cả triệu người dân ở miền Trung và thiệt hại kinh tế lên đến hàng triệu đôla."

"Ai cũng biết từ khi một dự án thép bắt đầu thi công đến khi gây hậu quả thường mất bảy, tám năm. Lúc ấy thì đằng nào ông ấy cũng đã về hưu rồi."

"Phát ngôn của ông Tuấn Anh và các quan chức khác về thép Cà Ná cho thấy phản biện và quan ngại xác đáng của các nhà khoa học cũng như các tổ chức xã hội dân sự không được đoái hoài đến."

"Ngoài ra, ở đây còn có vấn đề xung đột lợi ích... [ông Tuấn Anh được cho là có quan hệ thân tình với Chủ tịch tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ] nên rất cần có quy trình giám sát, kiểm soát xung đột lợi ích trong dự án này."

"Nếu có trám được lỗ hổng pháp lý này thì người dân mới có lòng tin về phát ngôn của quan chức."

Dự án thép Cà Ná sẽ lấy quặng ở đâu?

Cùng ngày, Luật sư Lê Nguyễn Lê Vi, một người dân Ninh Thuận, nói với BBC: "Nếu Bộ trưởng Tuấn Anh tự tin về việc ngành Công thương quản lý chặt chẽ dự án thép thì phát ngôn của ông có thể xem là dũng cảm."

"Tuy vậy, tôi cũng như những người dân ở Ninh Thuận mong muốn rằng nếu chính phủ nhận thấy những người đề xuất dự án này đủ năng lực vận hành nhà máy thì cấp phép, nhưng phải đi kèm việc kiểm tra công nghệ thật gắt gao."

"Bằng không thì nhà máy thép ra đời sẽ gây thảm họa tại vùng Nam Trung Bộ và khiến người dân vùng này đau khổ bởi những thiệt hại không thể bù đắp được."

Dự án thép Cà Ná đặt tại tỉnh Ninh Thuận do Tập đoàn Hoa Sen đăng ký với Bộ Công Thương làm chủ đầu tư.

Dự án gây phản ứng mạnh trong dư luận do quan ngại về hệ lụy môi trường tương tự vụ Formosa gây thảm họa cá chết hồi năm ngoái. - BBC
|
|

16.
Khách du lịch TQ đến VN tăng mạnh: mừng hay lo?

Theo con số của Tổng cục Thống kê Việt Nam, lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam trong năm 2016 đạt gần 2,7 triệu người, tăng hơn 51% so với năm 2015 và chiếm khoảng 37% tổng lượng khách đến du lịch Việt Nam.

Lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam ngày càng tăng làm tăng nguồn thu cho du lịch Việt Nam, nhưng cũng gây nhiều hệ lụy khó lường cho những người hoạt động trong ngành du lịch.

Hướng dẫn viên Trung Quốc 'nói sai sự thật'

Tờ South China Morning Post (SCMP) trích lời ông Nguyễn Hữu Tuấn, trưởng phòng kinh doanh công ty Du lịch In-Out Tour có văn phòng tại TP Hồ Chí Minh nói: "Gần đây, một số hướng dẫn viên người Hoa không được cấp phép đã cho khách những thông tin không đúng về các cuộc tranh chấp lãnh thổ và biển đảo. Hướng dẫn viên Trung Quốc đã xuyên tạc sự thật, gây lo lắng cho người dân và chính phủ Việt Nam."

Theo báo này, nhiều hướng dẫn viên du lịch Trung Quốc "chui" nói với khách trong đoàn của họ rằng dù Việt Nam không còn là lãnh thổ Trung Quốc và đã giành độc lập, nước này vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc và cống nạp cho Trung Quốc.

Nhiều hướng dẫn viên Trung Quốc bị cáo buộc xuyên tạc lịch sử địa lý Việt Nam, chẳng hạn như nói rằng bãi biển Mỹ Khê thực ra là thuộc về Trung Quốc.

Báo này trích lời ông Trần Trà, Chủ tịch Câu lạc bộ Hướng dẫn viên du lịch Đà Nẵng, nói: "Theo luật, người nước ngoài không được làm hướng dẫn viên ở nước chúng tôi". Lúc đầu, nhiều hướng dẫn viên Việt Nam rất vui vì đông khách Trung Quốc đến Việt Nam vào đầu năm 2016. Họ nghĩ họ sẽ "có thêm cơ hội để kiếm tiền và cải thiện mức sống".

Nhưng thực tế lại không phải như vậy. Họ đã mất mối làm ăn vì "các công ty du lịch Trung Quốc đã cho trưởng đoàn người Trung Quốc làm hướng dẫn viên", ông Trà được báo SCMP dẫn lời.

Một số hướng dẫn viên Trung Quốc bị cáo buộc kể với đoàn của họ là Việt Nam ghét Trung Quốc, và không nên tin vào những điều hướng dẫn viên Việt Nam nói. Một số người còn bị cáo buộc nói với khách bằng tiếng địa phương Trung Quốc để hướng dẫn người Việt nói tiếng Quan Thoại hay tiếng Quảng Đông không hiểu họ nói gì, tờ báo này viết.

Báo Infonet trích lời ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thành phố Đà Nẵng, nói hồi tháng Sáu 2016, "hơn 100 hướng dẫn viên du lịch tiếng Trung của Đà Nẵng gần như ... biểu tình vì họ rất phẫn uất". Ông Vinh cho biết nhiều đoàn khách Trung Quốc đến Đà Nẵng không sử dụng hướng dẫn viên người Việt Nam.

Hồi tháng Bảy, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã trục xuất bốn hướng dẫn viên Trung Quốc hoạt động trái phép. Những hướng dẫn viên này bị phạt khoảng 4.200 USD còn công ty lữ hành thuê họ bị tịch thu giấy phép hoạt động và phạt khoảng 560 USD. Cũng trong tháng này, tỉnh Khánh Hòa đã trục xuất 66 người Trung Quốc hoạt động trái phép trong ngành du lịch.

Khách du lịch Trung Quốc được cho là có một số nét đặc thù và nhiều khách Trung Quốc gây phản cảm ở Việt Nam. Hồi tháng Sáu, một khách Trung Quốc đã đốt tiền Việt Nam ở một quán bar tại Đà Nẵng. Hồi tháng Năm, một số khách Trung Quốc bị cáo buộc đã đe dọa nhân viên Sân bay quốc tế Cam Ranh gần Nha Trang.

Nguồn thu cho kinh tế địa phương

Mặc dù có hệ lụy, nhiều người Việt Nam ghi nhận sức mua của khách du lịch Trung Quốc. Như lời ông Tuấn ở công ty In-Out Tour nói: "thực ra ngày càng nhiều khách du lịch Trung Quốc sang Việt Nam đang thúc đẩy ngành du lịch và kinh tế địa phương".

Đà Nẵng và Nha Trang giờ đây là điểm đến yêu thích của nhiều người Trung Quốc. Chính quyền các thành phố này tìm cách đáp ứng nhu cầu của du khách Trung Quốc tốt hơn.

Ông Trần Chí Cường, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, nói với tờ SCMP rằng khách du lịch Trung Quốc ức chế vì thiếu hướng dẫn viên tiếng Trung người Việt Nam. Vì vậy, Sở du lịch Đà Nẵng đang đào tạo thêm nhiều hướng dẫn viên tiếng Trung để đáp ứng nhu cầu này.

Trong một tin có liên quan khác, hãng hàng không VietJet chuẩn bị mở đường bay hàng tuần từ Trịnh Châu đi Đà Nẵng vào ngày 12/1/2017. - BBC



No comments:

Post a Comment