Saturday, January 28, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 27/1

Tin Thế Giới

1.
Chính sách Biển Đông của Trump: Thùng rỗng kêu to? --- Biển Đông: Úc kêu gọi Hoa Kỳ không từ bỏ vai trò lãnh đạo --- Mỹ sẽ vẫn 'nâng cấp căn cứ quân sự' ở Philippines

Chính sách Biển Đông của tân tổng thống Donald Trump, thể hiện qua những tuyên bố cứng rắn của các quan chức cao cấp chính quyền mới, là một vấn đề gây sự chú ý của báo chí quốc tế, với nhận định chung rằng đây sẽ không phải là một chính sách hiệu quả.

Trang mạng The Diplomat ngày 26/01/2017 trở lại bình luận về tuyên bố của Ngoại trưởng Rex Tillerson trong cuộc điều trần trước Thượng viện, nói rằng Hoa Kỳ phải ngăn chận Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo do Bắc Kinh xây dựng ở vùng Biển Đông.

Qua tuyên bố này, ông Tillerson có vẻ muốn đề nghị tiến hành một cuộc phong tỏa các đảo nhân tạo nói trên, một biện pháp có thể bị xem là một hành động chiến tranh. Một chuyên gia về luật hàng hải quốc tế, ông James Kraska, được The Diplomat trích dẫn, cho rằng những đề nghị của Ngoại trưởng Tillerson có một cơ sở vững chắc và có thể là một chính sách hữu hiệu.

Chuyên gia Kraska cho rằng việc Trung Quốc không tuân thủ truyền thống và thông lệ hàng hải quốc tế đã tạo ra một tình huống mà trong đó Hoa Kỳ có đủ cơ sở pháp lý để không tôn trọng các quyền hàng hải truyền thống của Trung Quốc. Hải quân Mỹ sẽ có quyền gây xáo trộn các hoạt động của hải quân Trung Quốc gần các đảo nhân tạo, một hành động chưa thể bị coi là phong tỏa chính thức hay hành động chiến tranh. Nhưng theo The Diplomat, hải quân Mỹ không thể phong tỏa toàn diện các đảo nhân tạo mà không dùng đến vũ lực để phá hũy các tàu chiến và máy bay Trung Quốc.

Câu hỏi mà The Diplomat đặt ra đó là mục tiêu chiến lược Biển Đông của Hoa Kỳ là gì ? Để ngăn chận Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông, Washington phải thuyết phục Bắc Kinh rằng đây là một ý định tồi tệ cả về mặt pháp lý, chính trị lẫn chiến lược, hoặc phải làm cho Trung Quốc thấy rằng việc bành trướng này là nhiều rũi ro và tốn kém.

Nếu dùng biện pháp sách nhiễu các tàu của Trung Quốc đi vào các đảo nhân tạo, Hoa Kỳ không thể thuyết phục được Bắc Kinh và nếu Trung Quốc nghĩ rằng Mỹ sẽ dứt khoát có thái độ thù nghịch, họ lại càng thấy cần phải quân sự hóa hơn nữa các đảo nhân tạo.

Mặt khác, theo The Diplomat, trong cuộc đối đầu với hải quân Mỹ, hải quân Trung Quốc có lợi thế hơn, vì họ có các căn cứ hải quân và không quân gần đó, chưa kể các tàu dân sự có thể được sử dụng để duy trì liên lạc với các đảo nhân tạo. Khả năng các tàu của Hoa Kỳ tác động lên việc xây đảo của Trung Quốc là gần như không có. Nếu có xảy ra đối đầu thì các tư lệnh Trung Quốc chắc sẽ hoan nghênh, vì họ sẽ có dịp trắc nghiệm và huấn luyện lực lượng của họ trong những tình huống gần như thù địch.

Ngoài ra, theo The Diplomat, dư luận Mỹ cũng không sẳn sàng ủng hộ leo thang căng thẳng với Trung Quốc ở Biển Đông, vì những lập luận dựa trên những khái niệm trừu tượng về tự do hàng hải và luật quốc tế sẽ không lôi cuốn nhiều người dân Mỹ.

Tờ nhật báo The Guardian của Anh ngày 25/01 thì cho rằng hiện chưa có dấu hiệu gì cho thấy là tân tổng thống Mỹ muốn chiến tranh với Trung Quốc. Nhưng nếu ông lao vào một cuộc chiến như vậy, đây sẽ chỉ là một chiến thuật đánh lạc hướng của Trump.

Tờ báo này trích lời một chuyên gia Mỹ về Biển Đông, xin được miễn nêu tên, cũng cho rằng việc phong tỏa các đảo nhân tạo của Trung Quốc không chỉ là một hành động chiến tranh, mà về mặt quân sự gần như không thể thực hiện được. Theo vị chuyên gia này, có thể là Trump dùng những tuyên bố cứng rắn về Biển Đông để ép Trung Quốc chấp nhận những nhân nhượng về thương mại, chứ không phải là một lời đe dọa thật sự.

Nhưng theo The Guardian, điều đáng lo ngại là nếu trong những tháng tới hay những năm tới, tổng thống Trump gặp tai tiếng hay uy tín bị sụt giảm, ông có thể sẽ kích động một khủng hoảng lớn, khủng hoảng với Trung Quốc hay với một tác nhân ngoại quốc nào khác, để có thể tiếp tục nắm quyền, giống như sau các vụ khủng bố ngày 11/09/2001, uy tín của tổng thống George W. Bush tăng vọt lên mức kỷ lục 92%.

Trang Asian Correspondent ngày 26/01 có đăng ý kiến cho rằng, dù có thi hành một chính sách cứng rắn, ảnh hưởng của Mỹ đang suy giảm trong tranh chấp Biển Đông.

Tác giả bài viết, Matthew Abbey, ghi nhận rằng, mặc dù tình hình ở Biển Đông đã căng thẳng từ nhiều năm qua, nhưng Trung Quốc là quốc gia duy nhất ra tay hành động bằng việc xây dựng các cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo ở vùng này.

Sau khi đã dọa sẽ ngăn Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo đó, Hoa Kỳ tự đặt mình vào thế khó xử vì không biết hành động kế tiếp sẽ là gì. Phương án duy nhất chính là triển khai lực lượng quân sự, nhưng do nguy cơ nổ ra xung đột vũ trang với Trung Quốc, chắc chắn là Washington sẽ không chọn giải pháp này. Theo tác giả, Washington không thể xác quyết thế lực của mình ở Biển Đông vì Trung Quốc đang áp đảo cuộc chơi tại đây.

Trang mạng của Uỷ ban quốc tế của phong trào Đệ tứ Quốc tế ngày 25/01 có đăng một bài nêu lên nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân do những lời đe dọa của Trump về Biển Đông.

Theo tác giả bài viết, những tuyên bố cứng rắn của Ngoại trưởng Tillerson và phát ngôn viên Nhà trắng Spicer đánh dấu một chuyển biến quan trọng trong chính sách của Washington về Biển Đông. Cho tới nay chính sách đó là, ít ra về mặt chính thức, không đứng về phe nàp trong tranh chấp chủ quyền, nhưng vẫn tuyên bố có « lợi ích quốc gia » ở vùng này và luôn bảo vệ « quyền tự do hàng hải ».

Dưới thời chính quyền Obama, Hoa Kỳ đã ba lần đưa các khu trục hạm đi vào khu vực 12 hải lý chung quanh các đảo mà Trung Quốc kiểm soát ở Biển Đông. Nay chính quyền Trump trực tiếp thách thức quyền kiểm soát của Trung Quốc trên các đảo này. Như nhiều nhà phân tích đã nêu lên, phương cách duy nhất để ngăn Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo chính là tiến hành phong tỏa trên biển và trên không và đây sẽ là một hành động chiến tranh.

Tác giả bài viết cho rằng các đảo ở Biển Đông không phải là lãnh thổ quốc tế mà là những đảo mà nhiều nước đang chiếm giữ và là những đảo đang tranh chấp chủ quyền. Những lời đe dọa của Trump về Biển Đông là lời cảnh báo rỏ rệt nhất rằng thế giới đang tiến nhanh đến một cuộc chiến tranh hạt nhân. - RFI

***
Hôm nay, 27/01/2017, ngoại trưởng Úc sẽ có một diễn văn liên quan đến Biển Đông tại Los Angeles, Hoa Kỳ. Theo báo chí Úc, ngoại trưởng Julie Bishop sẽ kêu gọi Hoa Kỳ không rút khỏi khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, và đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò lãnh đạo của Mỹ tại Biển Đông.

Trang mạng Úc ABC dẫn quan điểm của ngoại trưởng Bishop, theo đó « đa số các quốc gia châu Á muốn Hoa Kỳ gia tăng vai trò lãnh đạo trong khu vực », trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng quân sự hóa nhiều thực thể địa lý ở Biển Đông.

Lãnh đạo ngoại giao Úc tái khẳng định Caberra sẽ tiếp tục thực thi quyền tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, nhưng không đứng về bất cứ quốc gia nào trong các tranh chấp chủ quyền, quan điểm của Úc là giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế.

Ngoại trưởng Úc Bishop đưa ra quan điểm về vấn đề này sau khi các chuyên gia Úc khuyến cáo chính quyền liên bang gia tăng nỗ lực để tác động đến chính sách của chính phủ Donald Trump, vốn chủ trương « nước Mỹ trên hết ».

Thủ tướng Úc Malcom Turbull cũng cho truyền thông biết là tân tổng thống Mỹ đã có lời mời ông hội kiến tại Mỹ.

Philippines không từ bỏ quyền tại vùng EEZ

Theo báo Philippines Inquirer, người phát ngôn Phủ tổng thống Philippines thông báo với báo giới Manila sẽ không từ bỏ « quyền chủ quyền tại vùng đặc quyền kinh tế biển EEZ » ở Biển Đông (« Biển Tây Philippines », đối với Philippines). Tuyên bố được đưa ra ngay sau một thăm dò dư luận cho thấy 84% người Philippines muốn chính phủ khẳng định quyền của Philippines tại vùng biển tranh chấp, theo phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực 12/07/2016, trong bối cảnh Trung Quốc liên tục phủ nhận phán quyết của Tòa, và không từ bỏ các thực thể mà Bắc Kinh kiểm soát ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Thăm dò do Viện Pulse Asia Research, có trụ sở tại Philippines, tiến hành hồi tháng 12/2016.

Người phát ngôn của Phủ tổng thống cũng lưu ý là tổng thống Duterte đang thực thi chủ trương này với « một phong cách ngoại giao khác », « một tiếp cận mềm » theo lời của bộ trưởng Quốc Phòng Philippines, được đại diện Phủ tổng thống dẫn lại. Hồi tháng 10/2016, ông Duterte có chuyến công du bốn ngày tại Trung Quốc, nhằm thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc.

Vẫn liên quan đến Biển Đông, trả lời phỏng vấn kênh NBC News, Hoa Kỳ, ngày thứ Ba, 24/01, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng (Lu Kang) khẳng định các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông là do Trung Quốc và các láng giềng quyết định, chứ không phải Hoa Kỳ. Phát biểu của phát ngôn viên Trung Quốc là nhằm đáp lại tuyên bố của thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer, hôm trước, 23/01, theo đó Hoa Kỳ có trách nhiệm bảo vệ Biển Đông trước các hành động lấn lướt của Trung Quốc. - RFI

***
Hoa Kỳ sẽ nâng cấp và mở rộng các căn cứ quân sự đặt tại Philippines trong năm nay, Bộ Quốc phòng Philippines tuyên bố.

Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana nói Tổng thống Rodrigo Duterte sẽ tôn trọng thực hiện các kế hoạch theo đó Hoa Kỳ xây dựng các trại lính, nhà kho và đường băng tại ít nhất ba địa điểm.

Động thái này diễn ra bất chấp những bình luận của ông Duterte hồi năm ngoái, nói ông muốn lính Mỹ rút khỏi đất nước ông.

Theo một thỏa thuận quốc phòng, Hoa Kỳ để binh lính đóng tại năm căn cứ quân sự Philippines.

Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng (EDCA), được ký hồi 2014, cho phép Mỹ triển khai các tàu bè, phi cơ và binh lính tại các căn cứ trên, đồng thời được cất giữ thiết bị phục vụ cho các hoạt động nhân đạo vào hàng hải.

"EDCE vẫn tiếp tục," ông Lorenzana nói tại một cuộc họp báo.

Ông nói Tổng thống Duterte cam kết sẽ tôn trọng mọi thỏa thuận đang có với Mỹ, một đồng minh lâu năm của Philippines.

Tuần trước, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ, Thượng nghị sỹ John McCain, đề xuất ngân khoản quốc phòng mới trị giá 7,5 tỷ đô la cho quân Mỹ và các đồng minh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Dân Philippines muốn chính quyền mạnh mẽ trước Trung Quốc

Kể từ khi lên nắm quyền, hồi tháng Sáu năm ngoái, ông Duterte đã khiến Washington kinh ngạc khi tuyên bố muốn xoay trục từ Mỹ sang Trung Quốc.
Hồi tháng Mười, ông nói ông muốn lính Mỹ rút khỏi Philippines, có thể là trong thời gian hai năm.

Trong khi có phản ứng gay gắt với chính quyền của Tổng thống Obama về nhân quyền liên quan tới chiến dịch bài trừ ma túy của Manila, ông Duterter đã nhanh chóng cải thiện quan hệ vốn từng rất băng giá với Trung Quốc.

Cho đến nay, ông vẫn từ chối việc đòi hỏi Bắc Kinh tuân thủ phán quyết mà Tòa Trọng tài Quốc tế ở The Hague (PCA) ra hồi tháng 7/2016.

Theo nội dung phán quyết của PCA, yêu sách 'đường lưỡi bò' của Bắc Kinh trên Biển Đông bị xác định là không có căn cứ.

Nay, cuộc khảo sát vừa công bố hôm thứ Sáu 27/1 cho thấy đa số người Philippines muốn chính phủ họ phải xác quyết quyền trên vùng biển Đông có tranh chấp, hãng tin AP nói.

Khảo sát do Pulse Asia thực hiện độc lập nói 84% trong số 1.200 người được hỏi cho rằng chính phủ Philippines phải cứng rắn với Trung Quốc trong tranh chấp lãnh hải, còn 3% có ý kiến ngược lại và 12% không có quan điểm. - BBC

|
|

2.
Trump muốn áp thuế nhập khẩu Mexico để trả tiền xây tường --- Tổng thống Mexico hủy chuyến thăm Mỹ --- Mexico hoàn toàn có khả năng gây hại cho Mỹ nếu bị thúc ép

Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn áp thuế nhắm vào hàng hóa nhập khẩu từ Mexico và dùng nguồn thu này xây bức tường biên giới, phát ngôn viên Nhà Trắng cho biết.

Kế hoạch được công bố ngay sau khi Tổng thống Mexico hủy chuyến thăm Washington, trong bối cảnh có bất đồng về việc ai sẽ trả tiền cho bức tường.

Nhưng chẳng bao lâu sau khi công bố, Nhà Trắng cho biết đó chỉ là một trong số những lựa chọn.

Ông Trump hôm 25/1 ký sắc lệnh về việc xây bức tường biên giới tiếp giáp Mexico.

Việc buộc Mexico phải trả chi phí cho việc này là một trong những cam kết quan trọng của ông trong chiến dịch tranh cử.

Nhưng Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto luôn nhấn mạnh rằng không có chuyện này và hôm 26/1, ông hủy cuộc hội kiến với Nhà Trắng trong tuần tới.

Vài giờ sau, phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer nói rằng tổng thống Mỹ đã tranh luận với các nhà lập pháp về gói cải cách thuế của Quốc hội Mỹ.

Ông nói rằng việc áp thuế 20% vào hàng nhập khẩu từ Mexico có thể đem lại khoảng 10 tỷ đôla mỗi năm.

"Ngay bây giờ chính sách của Mỹ là đánh thuế hàng xuất khẩu và để hàng nhập khẩu tràn vào tự do, điều đó là vô lý", ông Spicer cho biết trên chiếc Air Force One và nói thêm rằng khoản thuế mới sẽ "giúp trả chi phí cho bức tường".

Nhưng Chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus sau đó nói rằng thuế biên giới chỉ là một trong số những lựa chọn đang được cân nhắc.

Will Grant, phóng viên BBC tại Mexico City, nhận định:

"Tổng thống Pena Nieto sẽ bị xem ở vào thế yếu nếu ông tới Washington để hội kiến và người ta hiểu rằng ông chấp nhận yêu sách của ông Trump - rằng Mexico sẽ trả chi phí xây tường biên giới.

Mỗi năm, Mexico xuất khẩu hàng hóa trị giá khoảng 300 tỷ đôla vào Mỹ, tác động của đề xuất đó sẽ được cảm nhận trên khắp nước Mỹ.

Hơn nữa, ý tưởng lấy tiền thuế mới trả cho bức tường đơn giản là không thể chấp nhận với người Mexico do họ xem bức tường này là thứ không cần thiết, vô nhân đạo, tốn kém và không hiệu quả.

Do vậy mà Tổng thống Enrique Pena Nieto gửi thông điệp tới Nhà Trắng rằng ông hủy cuộc hội kiến". - BBC

***
Tổng thống Mexico Enrique Peña Nieto hôm thứ Năm cho biết ông đã hủy bỏ kế hoạch hội kiến Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tuần sau khi ông Trump viết trên Twitter rằng Mexico nên hủy bỏ cuộc họp này nếu họ không chịu sẵn sàng trả tiền cho bức tường biên giới mà ông đề xuất.

"Sáng nay chúng tôi đã thông báo cho Tòa Bạch Ốc biết rằng tôi sẽ không tham dự cuộc họp đã được lên kế hoạch vào ngày thứ Ba tới với Tổng thống Hoa Kỳ," ông Peña Nieto nói trên Twitter.

"Mexico nhắc lại sự sẵn lòng tiếp tục làm việc với Hoa Kỳ để đạt được những thỏa thuận có lợi cho cả hai nước."

Tại Washington, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sean Spicer đáp lại thông báo của Tổng thống Mexico, nói: "Chúng tôi sẽ tìm một ngày để sắp xếp một cuộc gặp gỡ trong tương lai. Chúng tôi sẽ tiếp tục để ngỏ đường dây liên lạc."

Trước đó, ông Trump viết trên Twitter rằng, "Nếu Mexico không chịu trả tiền cho bức tường rất cần thiết đó thì tốt hơn hết nên hủy bỏ cuộc họp sắp tới" ở Washington D.C.

Ông Trump hôm thứ Tư cho biết ông sẽ bắt đầu xây dựng một bức tường ở biên giới Mỹ-Mexico và đã tuyên bố sẽ bắt Mexico trả tiền cho bức tường đó. Mexico phản đối bức tường này và đã nhiều lần nói rằng họ sẽ không chi trả.

Hôm thứ Năm, những nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ do Đảng Cộng hòa kiểm soát cho biết họ dự định sẽ xúc tiến việc tài trợ cho bức tường biên giới mà họ dự kiến sẽ tiêu tốn khoảng từ 12 tỉ tới 15 tỉ đôla. - VOA

***
Khi công khai gây hấn với nước láng giềng Mêhicô, tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm mếch lòng một đối tác chiến lược quan trọng. Dù trong thế yếu, nhưng theo nhiều nhà phân tích, quốc gia châu Mỹ La Tinh này hoàn toàn có thể gây hại cho Mỹ bằng một cuộc chiến tranh thương mại và chính sách không hợp tác trong việc kềm chế nạn nhập cư bất hợp pháp vào Hoa Kỳ.

Nguyên nhân gây bất hòa giữa hai bên là ý định được nhắc đi nhắc lại của tân tổng thống Mỹ rằng Mêhicô sẽ phải trả chi phí xây dựng bức tường ngăn cách hai nước. Ý định đe dọa đánh thuế trên hàng nhập khẩu Mêhicô đưa ra hôm qua là làm quan hệ hai bên căng thẳng hẳn lên.

Đây không phải là lần đầu tiên mà hai bên cơm không lành canh không ngọt. Theo ông Jesus Velasco, một chuyên gia về quan hệ Mỹ-Mêhicô tại Đại học Tarleton ở Texas, cuộc khủng hoảng lớn cuối cùng xẩy ra vào năm 1985, khi một cartel ma túy Mêhicô tra tấn và hạ sát một nhân viên cơ quan bài trừ ma túy DEA của Mỹ, khiến Washington đóng cửa biên giới hai nước trong một thời gian ngắn.

Tuy nhiên, lần này, theo ông Velasco, « tình hình tồi tệ hơn nhiều ». Trả lời hãng tin Pháp AFP, chuyên gia này thẩm định : « Trump đang dồn ép chính quyền của tổng thống Mêhicô Pena Nieto đến mức không có chỗ nào cho đàm phán ».

Đối với ông Velasco, Mêhicô có thể đáp trả bằng cách cho phép người di cư Trung Mỹ vượt qua biên giới của mình để vào Mỹ, và cho chính quyền Trump rằng họ sẽ không có bất kỳ một sự hợp tác nào với Mỹ trên vấn đề biên giới.

Theo chuyên gia Velasco, trái hẳn với những lời chỉ trích của Trump, Mêhicô và Hoa Kỳ có « một trong những hợp tác (biên giới) thành công nhất trên thế giới ».

Dưới áp lực của chính quyền cựu tổng thống Barack Obama, Mêhicô đã phát động một chiến dịch truy quét người nhập cư bất hợp pháp tại vùng biên giới với Guatemala. Vào năm ngoái 2016, Mêhicô đã trục xuất 147.370 người nhập cư trái phép, so với 80.900 vào năm 2013, theo số liệu của Bộ Nội Vụ Mêhicô.

Ngoài ra, trong khi Donald Trump muốn Mêhicô chi trả cho bức tường nhằm ngăn không cho người từ Mêhicô tràn vào nước Mỹ, thì thực tế đang diễn ra ngược lại : Ngày càng có nhiều người Mêhicô từ Mỹ hồi hương hơn là từ Mêhicô qua Mỹ.

Vũ khí thứ hai mà Mêhicô có thể sử dụng nhắm vào Mỹ, theo ông Luis de la Calle, kinh tế gia, nguyên là một trong những nhà đàm phán Hiệp Định Tự do Mậu Dịch Bắc Mỹ vào những năm 1990, là áp thuế trên hàng nhập từ Hoa Kỳ tương đương với mức mà chính quyền Trump muốn đánh vào hàng Mêhicô.

Cho dù vậy, ông de la Calle cho rằng Quốc Hội Mỹ - nơi có rất nhiều nhà lập pháp chủ trương thương mại tự do - khó có thể thông qua luật đánh thuế trên hàng Mêhicô của chính quyền Trump.

Đó là chưa kể đến thái độ chống đối của các tiểu bang quan trọng đối với tổng thống Mỹ, như Texas chẳng hạn. Tiểu bang này sẽ bị thiệt hại cực lớn nếu chiến tranh thương mại nổ ra với Mêhicô. Theo số liệu chính thức, 33% hàng nhập khẩu từ Mêhicô vào Mỹ quá cảnh Texas, và 37% xuất khẩu của Mỹ sang nước láng giềng đến từ bang này.

Sau cùng, Mêhicô và Hoa Kỳ cũng là đối tác lớn trong cuộc chiến chống ma túy. Bất kỳ một thái độ thiếu hợp tác nào của Mêhicô trong lãnh vực này đều sẽ là một mối đe dọa cho an ninh nước Mỹ. - RFI
|
|

3.
Pháp: Ứng cử viên Fillon "sẽ bỏ cuộc" nếu bị điều tra

Con đường vào điện Elysée của François Fillon, ứng cử viên đảng cánh hữu Những người Cộng hoà bắt đầu thu hẹp. Một ngày sau khi bị báo Canard enchainé (Con vịt buộc) tố giác cho vợ là Penelope « làm trợ lý giả nhưng lãnh lương thật và cao », chiều thứ năm 26/01/2016, trên đài truyền hình TF1, cựu thủ tướng Pháp dứt khoát bác bỏ mọi cáo buộc và tuyên bố, « nếu bản thân bị điều tra », ông sẽ bỏ cuộc

« Vụ việc Fillon » mà các mạng xã hội gọi là Penelope Gate là một cơn « địa chấn chính trị » nổ ra vào thời điểm chỉ còn 100 ngày là đến bầu cử tổng thống Pháp.

Sau khi ra thông cáo bác bỏ những lời « vu khống », ông François Fillon, ứng cử viên của phe hữu, một lần nữa khẳng định, trong chương trình truyền hình vào giờ có đông đảo khán giả theo dõi, ông sẽ « giải thích rõ với tư pháp » là phu nhân của ông « là trợ lý nghị sĩ trong nhiều năm dài ». Ứng cử viên được xem là tổng thống tương lai ( theo thăm dò ý kiến) xác quyết ông là đối tượng của một mưu toan « đáng khinh bĩ » nhằm ngăn chận con đường vào điện Elysée. Tuy nhiên, ông cam kết nếu bị điều tra ông sẽ « bỏ cuộc để bảo vệ danh dự ».

Theo AFP, luật sư đại diện cho ông François Fillon đã nộp cho ban tài chính của viện công tố Paris những tài liệu xác minh phu nhân cựu thủ tướng thật sự có làm việc như là trợ lý cho chồng khi ông còn là dân biểu.

Điều tra được tăng tốc vào hôm nay 27/01. Nữ ký giả Christine Kelly , tác giả tiểu sử của ông François Fillon và cựu tổng biên tập tạp chí Revue des Deux Mondes, Michel Crépu cho biết được tư pháp mời thẩm vấn.

Uy tín của ứng cử viên cánh hữu chỉ còn 38%, bị mất 4 điểm trong 48 giờ qua. 61% người được hỏi cho biết họ mất tin tưởng vào ông François Fillon. - RFI
|
|

4.
Anh có thể "xét lại" chính sách với Syria

Theo AFP, hôm nay 27/01/2017, ngoại trưởng Anh Boris Johnson tuyên bố Anh Quốc có thể « xét lại » chính sách về Syria, với việc liên minh với Nga và chấp nhận để tổng thống Assad có thể tiếp tục nắm quyền.

Trong phát biểu trước Thượng Viện Anh, ngoại trưởng Boris Johnson thừa nhận « những bất lợi và những hệ lụy nguy hiểm của một sự thay đổi hoàn toàn » như vậy, nhưng đồng thời cho rằng cần phải thực tế, do « tình hình đã thay đổi ».

Cho đến nay, quan điểm của Luân Đôn là việc tổng thống Syria ra đi là điều kiện tiên quyết cho việc giải quyết xung đột Syria, đã khiến hơn 310.000 người thiệt mạng từ năm 2011. Việc ông Assad phải từ chức là điều không thể thương thuyết, vì lãnh đạo này bị coi là kẻ độc tài, chà đạp nhân quyền, dẫn đến cuộc nổi dậy mùa xuân 2011. Anh Quốc là một trong những nước theo chủ trương này kiên quyết nhất .

Sự thay đổi thái độ của ngoại trưởng Anh là khá bất ngờ, bởi mới hôm qua, bộ trưởng Quốc Phòng Anh đã gọi tàu sân bay của Nga trên đường trở lại Syria, qua eo biển Manche, là « con tàu hổ thẹn ».

Nga mời đối lập Syria họp tại Matxcơva

Theo ngoại trưởng Nga Lavrov, các lãnh đạo đối lập Syria được mời tham dự một cuộc họp tại Matxcơva, để thông báo về hòa đàm tại Astana, dưới sự bảo trợ của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, vừa diễn ra đầu tuần. Theo AFP, nhiều lãnh đạo đối lập từ chối lời mời.

Theo chính quyền Nga, vòng đàm phán tại Astana được cho là một bước đệm để chuẩn bị cho cuộc đàm phán tiếp theo tại Genève ngày 08/02 dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc. Sáng nay, ngoại trưởng Nga cho biết ngày họp bị dời lại vào cuối tháng, trong khi đó, đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc về Syria Staffan de Mistura, thì cho hay sẽ thảo luận về vấn đề này trong cuộc họp về Syria tại New York vào tuần tới. - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

5.
Đảng Cộng Hòa: Bãi bỏ Obamacare 'trước mùa Xuân'

Những nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa của Mỹ hôm thứ Tư đã trình bày kế hoạch bãi bỏ Obamacare đến trước mùa xuân này, theo sau là việc tài trợ xây dựng một bức tường biên giới và cải tổ luật thuế trước cuối mùa hè, trong lúc những nhà lập pháp phát động một nỗ lực để đoàn kết đứng sau một chiến lược lập pháp.

Nhưng những nhà lập pháp Cộng hòa tề tựu về dự một cuộc hội họp kín ba ngày ở thành phố Philadelphia không mấy mặn mà với lời kêu gọi của Tổng thống Donald Trump điều tra điều mà ông tin là gian lận bầu cử quy mô lớn trong cuộc bầu cử ngày 8 tháng 11 vừa qua.

Tại buổi họp kín, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan đề ra một kế hoạch hành động lập pháp bao gồm bãi bỏ Đạo Luật Chăm sóc Y tế Giá phải chăng, luật y tế mang dấu ấn của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama thường được gọi là Obamacare, đến trước tháng 3 hoặc tháng 4, theo sau là việc phân bổ ngân quỹ cho việc xây tường ở biên giới với Mexico và cải tổ luật thuế trước tháng 8, một nguồn tin trong Đảng Cộng hòa nói với hãng tin Reuters.

Đảng Cộng hòa hiện nắm thế đa số ở cả Hạ viện và Thượng viện Hoa Kỳ.

Một nghị sĩ cao cấp của Đảng Cộng hòa trong Hạ viện, Dân biểu Diane Black, cho biết những ủy ban chính yếu của Hạ viện sẽ tổ chức biểu quyết trong hai tuần tới về dự thảo luật bãi bỏ Luật Chăm sóc Giá cả phải chăng.

Dân biểu Chris Collins thuộc Đảng Cộng hòa từ New York, một người sớm lên tiếng ủng hộ ông Trump, nói trên đài MSNBC rằng các nhà lập pháp đã nói tại cuộc họp kín rằng họ sẽ viết luật "trong vòng hai tháng tới" để giúp chi trả cho bức tường biên giới mà ông Trump đã ký những sắc lệnh để xây dựng.

Về vấn đề cải cách thuế, ông Ryan nói với đài MSNBC rằng: "Mục tiêu của chúng tôi là hoàn tất trước cuối mùa hè, mà đối với Quốc hội là khá nhanh."

Dù phe Cộng hòa hào hứng với ý tưởng nhanh chóng bãi bỏ Obamacare và cải tổ luật thuế, thách thức đối với Trump và những người theo Đảng Cộng hòa trong Quốc hội sẽ là thuyết phục các nhà lập pháp đồng lòng về những kế hoạch cụ thể. - VOA
|
|

6.
Trật tự được thiết lập đã bị Trump làm xáo trộn

Chỉ trong vòng có 1 tuần từ khi nhậm chức, tân tổng thống Donald Trump đã ký hàng chục sắc lệnh liên quan đến bảo hiểm y tế, nhập cư, tự do thương mại, năng lượng, các quy định của Liên Bang và quản lý hành chính. Nói như Le Figaro, Donald Trump là vị tổng thống « làm xáo trộn trật tự đã được thiết lập ».

Tân tổng thống Donald Trump đã phá vỡ truyền thống thận trọng và cân nhắc của các tổng thống Mỹ tiền nhiệm trong những ngày đầu đặt chân vào Nhà Trắng. Donald Trump đã hứa thay đổi nhiều hồ sơ và đã bắt tay vào thực hiện ngay lập tức. Các mệnh lệnh nối tiếp nhau, nhiều tuyên bố được đưa ra và … căng thẳng nảy sinh.

Chính sách ngoại giao của Donald Trump bắt đầu với « trò chơi » ban hành « sắc lệnh », tìm cách lấy lòng hay dọa nạt. Hôm thứ Tư 25/01, Donald Trump cam kết đưa ra các biện pháp « hợp tác chưa từng có » để cải thiện mối quan hệ với Mêhicô. Nhưng đến ngày thứ Năm, ông lại dọa hủy cuộc gặp với tổng thống Pena Nieto nếu Mêhicô không muốn trả tiền xây bức tường ngăn cách hai nước. Ngay lập tức, tổng thống Mêhicô thông báo hủy chuyến thăm Washington. Đáp lại, Donald Trump thông báo áp thuế 20% đối với các sản phẩm nhập từ Mêhicô.

Vụ đối đầu như vậy cho phép tổng thống Donald Trump chứng minh rằng ông đấu tranh vì lợi ích của nước Mỹ và rằng ông giữ lời hứa. Nhưng những ồn ào ở Nhà Trắng lại bắt đầu tạo cảm giác rằng ở đó mọi chuyện rất lộn xộn.

Le Figaro nhận xét là phần lớn hoạt động của tổng thống Trump đều nhằm thu hút sự chú ý của dư luận. Mỗi khi ông ký sắc lệnh, công chúng lại thấy hình ảnh rất nhiều cộng sự vây quanh ông trong phòng Bầu Dục.

Tuy nhiên, cũng rất nhiều quyết định được đưa ra theo kiểu « lén lút, vụng trộm ». Chẳng hạn như tất cả gì liên quan tới thay đổi khí hậu đã bị gỡ khỏi trang web của Nhà Trắng và của cơ quan bảo vệ môi trường EPA. Các quan chức bị cấm thông báo điều này với công chúng. Donald Trump cũng « lẳng lặng » cắt giảm nhiều cơ quan hành chính. Hội thảo về khí hậu và phòng ngừa dịch bệnh cũng bị hủy mà không được báo trước cho dù công tác chuẩn bị hội thảo đã được tiến hành từ nhiều tháng nay. Donald Trump cũng yêu cầu cơ quan bảo vệ môi trường EPA ngưng mọi hợp đồng hay cung cấp tài chính cho việc nghiên cứu về sự nóng dần lên của Trái Đất.

Còn các bộ thì ghi nhận « sự chảy máu nhân tài ». Sáu, bảy quan chức cao cấp nhất của bộ Ngoại Giao Mỹ đã đồng loạt từ chức hôm thứ Tư 25/01, nhưng Donald Trump không hề tỏ ý muốn giữ họ lại. Nhiều sắc lệnh do các cố vấn của tổng thống soạn thảo mà không thông qua ý kiến của các quan chức chính phủ hay các chuyên gia.

Ngay cả bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis và giám đốc CIA Mike Pompeo cũng bị bất ngờ trước dự định của tổng thống về việc khôi phục biện pháp tra tấn bằng nước, vốn đã bị chính quyền Obama cấm từ năm 2009. Họ không ủng hộ dự định này nhưng tổng thống Trump lại nghĩ rằng mọi chuyện sẽ ổn.

Trả lời câu hỏi liệu ông có sợ việc đóng cửa biên giới với người dân một số nước sẽ làm người Hồi Giáo nổi giận hay không, Donald Trump trả lời « Đã có quá nhiều nỗi tức giận rồi, làm sao mà còn có thêm được nữa ? Thế giới đang giận dữ, thế giới đang « lộn tùng phèo cả lên » ».

Tổng thống Donald Trump đã trấn an người dân là « Tôi biết cái gì là đúng, cái gì là sai và tôi rất giỏi trong việc này ». Thế nhưng, sau khi đảm bảo là không người dân nào phải chết trên đường phố thì Donald Trump lại quyết định thay đổi luật Obamacare, rồi ông lại dự định khôi phục các biện pháp tra tấn vì muốn « là vị tổng thống của một đất nước an toàn ». - RFI
|
|

Tin Việt Nam

7.
'Người Mỹ gốc Việt, hiện thân của mâu thuẫn trong lịch sử Mỹ'

Sinh ra tại Buôn Mê Thuột, lớn lên tại California, tác giả Nguyễn Thanh Việt là người Mỹ gốc Việt đầu tiên được giải Pulitzer thể loại tiểu thuyết hư cấu, cho tác phẩm đầu tay, “The Sympathizer” (Cảm Tình Viên). Với cách viết khéo léo, tinh vi, anh nói lên được sự phức tạp của chiến tranh Việt Nam và đưa ra tiếng nói không mấy quen thuộc trong văn chương chiến tranh Việt Nam: Tiếng nói đầy mâu thuẫn của một gián điệp thân Cộng.

So sánh giữa tị nạn và di dân

“The Refugees” là tuyển tập nhiều truyện ngắn viết trước “The Sympathizer.” Có sự khác biệt rõ ràng trong định nghĩa giữa tị nạn và di dân. Trong lúc người tị nạn bắt buộc phải rời khỏi quê hương và không có sự chuẩn bị nào để trốn tránh chiến tranh, khủng bố, hoặc thảm họa thiên tai, di dân lựa chọn rời khỏi nơi chôn nhau cắt rốn, ra nước ngoài tìm đường sống với những cơ hội kinh tế, chính trị, xã hội tốt hơn. Hơn nữa, người tị nạn thường đối diện với nhiều khó khăn và thử thách hơn khi hòa nhập vào môi trường mới so với di dân vì họ thường bị kẹt trong những tình huống không có sự chuẩn bị.

Nguyễn Thanh Việt là một người tị nạn.

Anh thổ lộ, “tôi lớn lên giữa cộng đồng người Việt tại San Jose vào thập niên 1970, 1980, nơi có rất nhiều mặt trái, nghèo đói, lừa dối, lạm dụng tiền trợ cấp, bạo lực gia đình, những người bỏ nhà ra đi, từ bỏ vợ chồng, con cái, và bạo lực. Cho nên tôi nghĩ đương nhiên những điều đó uốn nắn suy nghĩ của tôi về ý nghĩa của một người tị nạn. Mà tị nạn không phải là kinh nghiệm vui vẻ gì, và điều này tất cả những người Việt đều biết. Nhưng hầu như người Mỹ không biết về những câu chuyện tị nạn, cả những gì xảy ra trong cộng đồng Việt Nam. Điều đó ảnh hưởng tôi về mặt lý thuyết, theo cách nó đưa tôi đến con đường muốn cố gắng tìm hiểu làm sao để kể một câu chuyện và làm cách nào chúng ta biết, hoặc không biết, những điều về những người mà mình nghĩ là khác biệt với mình. Trong trường hợp của người Việt, chúng ta là những người khác biệt so với người Mỹ hoặc những người Mỹ khác. Và chúng ta muốn thách thức một thực tế ở Hoa Kỳ là người Mỹ đa số kể chuyện và viết những câu chuyện về họ, những người Mỹ trắng, mà không phải là câu chuyện về những người Mỹ mới, những di dân, những người tị nạn, những người như chúng ta.”

Học cách kỳ thị chủng tộc để trở thành Mỹ hơn

Có câu nói “Mỹ là quốc gia của di dân.” Hoa Kỳ có lịch sử lâu dài những người mới tới thường bị ăn hiếp. Nguyễn Thanh Việt giải thích, “Những nhóm người mới đến trong quốc gia này trong một thế kỷ, hoặc hơn một thế kỷ, đã trở thành người Mỹ, phần là do những người mới hơn, đến sau, càng bị thờ ơ ghét bỏ. Và một khi họ đã ở quốc gia này rồi, họ học được một điều, là nếu họ trở thành người kỳ thị chủng tộc thì có thể họ trở thành người Mỹ bằng cách tách biệt họ ra khỏi thành phần dân số đang bị miệt thị.”

Người Mỹ gốc Việt thật ra không khác gì. Mặc dù Nguyễn Thanh Việt muốn thách thức ý nghĩ là một người phải có phong cách kỳ thị chủng tộc để trở thành người Mỹ, anh nhận biết rằng, “những người Việt mà tôi biết trong cộng đồng Việt Nam là những người có tính kỳ thị chủng tộc. Họ nói những điều rất thành kiến về người Nam Mỹ, người Mỹ gốc Phi, và đây là một trong những thực tại của văn hóa Việt Nam. Một trong những thực tại của người Việt là khi họ trở thành người Mỹ, họ thu thập tính cách của người Mỹ.” Anh lo lắng là “những người Việt đương thời và những người Mỹ gốc Việt có thể không thông cảm cho người Hồi Giáo hoặc người Syria, và có những người Mỹ gốc Việt đang làm chính xác những việc như vậy, nói rằng chúng tôi là những người tị nạn Việt Nam. Chúng tôi, người Mỹ gốc Việt, là những người tị nạn tốt, chúng tôi không giống như người tị nạn Syria. Đó là cách chính xác mà Mỹ hóa, một trong những gương mặt của nó, thực hiện được.”

Khác với “The Sympathizer,” cuốn sách viết cho độc giả người Việt, “The Refugees” là tuyển tập của nhiều chuyện ngắn về người Mỹ gốc Việt và không phải cho độc giả Việt Nam. Tác giả thừa nhận, “khi tôi còn là một tay bút trẻ, tôi muốn nói lên sự vắng mặt hoặc khoảng cách đó trong những câu chuyện ngắn, nhưng nếu làm như vậy thì có nghĩa độc giả hàng đầu của tôi sẽ là người Mỹ. Người Việt đã biết những câu chuyện này rồi, bằng cách này hay cách khác.”

Nguyễn Thanh Việt mất gần 20 năm để viết những câu chuyện ngắn nói lên thắc mắc nội tâm về nhân cách, như kỳ thị chủng tộc, đồng hóa, văn hóa ưu thế đối với văn hóa bị ức chế, để nhận ra rằng anh không phải giải thích sự khác biệt về văn hóa cũng như màu da của riêng anh cho dân số dòng chính của Mỹ.

“Tôi là một tác giả ngang ngược và thách thức,” anh nhấn mạnh.

“Người thiểu số trong quốc gia này và hầu hết các quốc gia khác thường có cảm giác phải giải thích bản thân họ cho người thuộc dòng chính. Người thuộc dòng chính chưa bao giờ phải giải thích gì hết, vì họ tự cho rằng mọi người đã biết những giả định và có hiểu biết về họ. Thành thử, nếu bạn là tác giả trong dòng chính, bạn không phải giải thích. Lý do tôi nói tôi là một tác giả ngang ngược và thách thức là vì tôi nghĩ tất cả những tác giả thuộc dòng phụ nên là những tác giả ngang ngược và thách thức. Và nếu chúng ta giải thích, chúng ta sẽ là tác giả dòng phụ đến suốt đời. Công việc của tôi, một tác giả, là không từ chối văn hóa dòng phụ thiểu số nơi mà tôi lớn lên để tôi có thể viết về người Việt, nhưng tôi sẽ viết như là một tác giả dòng chính.”

“Cái động lực căn bản trong quốc gia này là một người thuộc dòng phụ chỉ có hai lựa chọn, thường là vậy, một là thuộc dòng chính, hai là thuộc dòng phụ. Đó là một trong những lý do tại sao nhiều người Mỹ gốc Á trong quốc gia này, hoặc là dính chặt với dân của họ, hoặc là tự đồng hóa với người da trắng. Họ lấy người da trắng chẳng hạn. Họ thường không kết hôn với người Nam Mỹ hoặc người Mỹ gốc Phi, và sự lựa chọn một-hoặc-hai này là cái lựa chọn tôi từ chối bởi vì tôi nghĩ nó tự động nhấn mạnh lại ưu thế dòng chính của người da trắng, và tôi cũng không thích thú xoa dịu nhóm dân đó cho lắm.”

“Người Mỹ gốc Việt là một trong những thiểu số ở quốc gia này, phải cố gắng vươn lên để sống Giấc Mơ Mỹ – một cách nói khác về một thuyết lý sâu sắc giữa người Mỹ. Trong khi đó, sự tồn tại của người Mỹ gốc Việt ở quốc gia này mang lại một lịch sử đi ngược lại với Giấc Mơ Mỹ. Hầu hết chúng ta sẽ không có trong quốc gia này nếu không phải do chiến tranh Việt Nam. Chiến tranh đó, bạn có thể cải chính và tất cả những điều khác nhau, nhưng nó tồn tại trong lịch sử Hoa Kỳ như là một chương rất chia rẽ trong xã hội Mỹ, một phần là vì nó chống lại tất cả những lý tưởng cao quý của Mỹ. Cho nên chúng ta là một trong những hiện thân đang sống của mâu thuẫn sâu sắc trong lịch sử và tính cách Mỹ.

Người Mỹ, Nguyễn Thanh Việt diễn tả, “lạc quan một cách chóng quên.”

Hoa Kỳ thả bom tại Việt Nam nhiều hơn tất cả các bom Hoa Kỳ thả trước đó trong hai thế chiến, bao gồm hai quả bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki. Không thể nào phủ nhận quốc gia Việt Nam và con người Việt Nam có một chỗ đứng trong lịch sử Mỹ. Nhưng giống như những thành phần thiểu số khác, sự cố gắng để được thừa nhận, và từ đó tạo ra danh tánh trong một quốc gia di dân đa dạng như Hoa Kỳ, là nỗ lực không ngừng nghỉ và biến đổi qua nhiều giai đoạn. Quá trình này hiện rõ trong hành trình Nguyễn Thanh Việt trở thành một tác giả.

Anh hồi tưởng lại cú sốc văn hóa chủng tộc đầu tiên: “Tôi nhớ khi tôi đến San Jose cuối thập niên 1970, ba má tôi mở tiệm tạp hóa ngay trung tâm thành phố. Một ngày, tôi đi bộ xuống đường và thấy hàng chữ trên một cửa sổ của một tiệm khác, ghi, ‘Lại một người Mỹ bị thất nghiệp vì người Việt,’ và lúc đó tôi không biết phân biệt chủng tộc là gì hết, nhưng nó làm tôi bối rối. Tôi chưa bao giờ quên điều đó vì tôi thấy ba má tôi không làm ai thất nghiệp cả, bởi vì trung tâm thành phố San Jose lúc đó thật không phải là nơi tốt để sinh sống. Tôi cảm thấy, thật là sai khi đổ lỗi cho người Việt về vấn đề kinh tế đang xảy ra tại San Jose, và rõ ràng đó là vấn đề về văn hóa kỳ thị chủng tộc nơi đây.”

Chủng tộc, màu da có thể thắng các vấn đề khác

Nguyễn Thanh Việt chọn ngòi bút làm vũ khí cá nhân để giải quyết vấn đề danh tánh và văn hóa anh phải đối diện lúc trưởng thành.

“Tôi chắc chắn thuộc dòng chính khi nói về học vấn, ngôn ngữ, tài sản, nghề nghiệp, những thứ như vậy. Nhưng tôi không thuộc dòng chính khi nói về màu da. Và thực tế của quốc gia này là [màu da] vẫn còn rất quan trọng, như cuộc bầu cử tổng thống mới cho thấy. Và chủng tộc có thể thắng các vấn đề khác, theo đúng nghĩa đen. Đó là lý do tại sao tôi từ chối sự lựa chọn một-hoặc-hai của dòng chính hoặc dòng phụ, của đa số hoặc thiểu số. Một số tác giả không thuộc dòng chính quyết định không viết về lai lịch thiểu số của họ, nhưng thay vào đó họ quyết định viết về dòng chính, họ viết về người da trắng. Và một lần nữa đó là quy phục vào một lựa chọn sai lầm. Tôi sẽ viết như là một tác giả dòng chính nhưng cùng lúc cũng sẽ nói về người Việt Nam. Hai điều đó cần kết hợp với nhau. Những chiến lược đó là tâm điểm của những gì tôi cho là quyết định thuần mỹ mà tôi đã quyết định trong lúc viết các tác phẩm của tôi.”

Tác giả tiếp tục, “tôi phải trải qua một thời gian dài để hiểu lý do tại sao; điều này lý giải tại sao viết tuyển tập truyện ngắn trở thành phần cốt yếu trong giáo dục tự thân, trong vai trò một tác giả. Đây là cách tôi dạy cho bản thân trở thành một tác giả, bằng cách viết truyện ngắn. Lúc đầu tôi nghĩ tôi muốn giải thích về người Việt Nam cho những người không phải Việt Nam. Nhưng đến đoạn cuối thì tôi lại nghĩ tôi sẽ từ chối giải thích và sẽ viết về kinh nghiệm không thuộc dòng chính như thể tôi thuộc dòng chính; và từ đó dựng nên nền tảng cuốn ‘The Sympathizer,’ nó ngang ngược và tức giận hơn là ‘The Refugees.'”

Mặc dù Nguyễn Thanh Việt thuộc lớp người tị nạn Việt Nam đầu tiên thoát khỏi Việt Nam khi Sài Gòn thất thủ, anh nghĩ anh may mắn khi đến Hoa Kỳ lúc mới bốn tuổi. Những người tị nạn Việt Nam lớn tuổi hơn thường mang theo vết sẹo chiến tranh và đã là người trưởng thành rồi. Họ có thể sẽ không bao giờ hội nhập vào xã hội Mỹ dễ dàng như lớp trẻ.

‘Tôi là người ngoài cuộc’

Nguyễn Thanh Việt là một phần của dòng phụ ngay cả trong những cộng đồng Việt Nam cho tới khi anh được giải Pulitzer. Anh thừa nhận, “từ bản thân là một người trẻ, tôi không có được di sản văn hóa, là sức mạnh hoặc là nhân chứng. Thật ra, tôi có mối quan hệ với cộng đồng Việt Nam như vậy cho tới năm ngoái. Tôi thuộc dòng phụ trong cộng đồng, vì tôi là người ngoài cuộc.”

Truyện duy nhất thuộc tiểu sử trong tuyển tập “The Refugees” là “War Years.” Trong đó, tác giả, một cậu bé giúp ba mẹ trông chừng tiệm tạp hóa tại San Jose, và quan sát những giao thiệp hàng ngày giữa mẹ của mình và khách hàng. Những thực tập quan sát này tất nhiên giúp anh trở thành một tác giả riêng biệt khác với nhiều người Mỹ gốc Việt, và khác với ngay cả người Việt sống tại Việt Nam. “Tôi cảm nhận rằng,” anh giải thích, “tôi xa cách cộng đồng người Việt, dù là ở đây hay ở Việt Nam, vì tôi chưa bao giờ thích hợp với cộng đồng này; và tới giờ vẫn chưa. Cùng lúc đó, điều này rất có lợi cho tôi ở vị trí một tác giả vì tôi biết đủ về Việt Nam và cộng đồng Việt Nam để hiểu nhiều những gì xảy ra, nhưng tôi lại ở bên ngoài nên tôi có thể nhìn thấy được những giới hạn của họ. Có nhiều người Việt Nam chìm sâu trong trong văn hóa Việt Nam quá mức, đến nỗi họ không thấy được những gì bên ngoài của nó, và đó là một vấn đề. Đối với các tác giả, điều cần thiết là có thể nhìn thấy được cả mặt trong và mặt ngoài của văn hóa mình đang viết.”

Những câu chuyện văn hóa

Trong “Other Men,” một truyện ngắn trong tuyển tập, Nguyễn Thanh Việt cho vai chính làm một người đàn ông đồng tính tị nạn từ Việt Nam, một người đang đối chọi với bản năng giới tính của chính mình trong lúc sống chung với hai người đàn ông đồng tính khác ở San Francisco. Mặc dù câu chuyện là hư cấu, tác giả công nhận nó có một chút tiểu sử về khía cạnh anh từng là một người kỳ thị giới tính trong những năm còn ở bậc trung học.

Anh nhớ lại kinh nghiệm khi một người nào đó thách thức lối suy nghĩ của anh về kỳ thị đồng tính ở trung học. Lúc đi làm, anh có đồng nghiệp là một cô gái đồng tính. Anh chẳng hề mảy may biết cô là người đồng tính; rồi viên quản lý của anh bảo, “Vâng, cô ấy là một người đồng tính.” Anh nói, “Thật hả?” và quản lý nói, “Vâng, cô ấy nghĩ anh kỳ thị giới tính.” Anh trả lời, “Thật hả?” Sau này anh giải thích, “Tôi nghĩ đó là giây phút khá thú vị cho chính tôi vì có một vài người khi bạn nói ‘bạn kỳ thị chủng tộc’ họ sẽ tự động nói ‘không.’ Họ sẽ như là ‘Không, tuyệt đối không! Tôi là một người tốt.’ Tôi nghĩ đó là sự đáp trả không lành mạnh bởi vì bạn nên chất vấn. Bạn nên có khả năng chất vấn chính bản thân, và trong trường hợp của tôi, tôi như là, ‘Ok, có thể tôi kỳ thị giới tính. Tôi phải tìm hiểu nó có nghĩa gì.’ Người Việt cũng vậy, thực ra, họ sẽ chối là họ kỳ thị chủng tộc mặc dù họ đang làm điều đó. Họ nghĩ kỳ thị chủng tộc là một cái gì đó kinh khủng, tồi tệ, và nó là những điều mà KKK làm. Thật ra, hầu hết mọi người kỳ thị chủng tộc một cách ẩn ý, ôn hòa, và có thành kiến, và việc chối bỏ nhận ra điều này chính nó là một vấn đề.”

Phóng viên nhật báo Người Việt hỏi Nguyễn Thanh Việt có bao giờ tự hỏi về những người thuộc giới đồng tính, đa tính, chuyển giới hay bị gán cho những thành kiến mà cộng đồng này thường gặp phải. Ngay cả suy nghĩ của anh cũng làm cho người khác phải đắn đo: “Tôi nghĩ những người kỳ thị giới tính theo định nghĩa sẽ không tự hỏi chính bản thân họ. Hầu hết mọi người nằm trong quang phổ từ 100% đồng giới tính và 100% không đồng giới tính. Chúng ta nằm đâu đó trong quang phổ này và trong trường hợp của tôi, khoảng 90% không đồng giới. Tôi bằng lòng với điều đó. Ví dụ, 10% có nghĩa tôi nhận ra đàn ông thì quyến rũ nhưng tôi không có cảm giác lôi cuốn. Tôi bằng lòng với nhận định đó và tôi nghĩ điều đó lành mạnh nếu bạn có thể bao dung sự thật là có một tập hợp nhiều màu sắc từ hầu hết nhiều người, nhưng nếu bạn tuyệt đối và căn bản chối bỏ cái khả năng đó thì bạn có thể không nhận ra điều đó, và đó là một vấn đề thật sự.”

Gia đình: Người Mỹ gốc Việt thì cũng giống như tất cả người khác thôi

“The Refugees” là tác phẩm kể những câu chuyện của người Mỹ gốc Việt cho người Mỹ nghe. Nhưng nó có vẻ không nói nhiều lắm về hôn nhân đa chủng tộc, một đề tài về danh tính hôn nhân thu hút quan tâm của giới trẻ gốc Việt. Khi hỏi anh nghĩ gì về đòi hỏi của những cuộc hôn nhân dị chủng, những gia đình nhiều thế hệ, và gia đình Việt Nam truyền thống, anh chỉ nói thoáng qua. Nguyễn Thanh Việt chia sẻ: “Tôi được cha mẹ nuôi dưỡng. Họ tin rằng gia đình Việt Nam và con người Việt Nam là hoàn hảo bởi vì họ là người Công Giáo. Họ muốn tôi lấy một cô gái Việt, bởi vì phụ nữ Việt là nhất và trong trắng nhất và tất cả. Nhưng những cuộc tiếp xúc của tôi với những người gốc Việt, phụ nữ Việt, và đàn ông Việt thì sự thật là rất xa vời. Người Việt cũng giống như tất cả người khác thôi. Tôi có một chuỗi lý tưởng và đức hạnh dành cho những hành động giới tính mẫu mực của nam giới và nữ giới, của cha và mẹ, của mẹ và con. Nhưng trong thực tế, chúng ta lúc nào cũng phá vỡ những định mức văn hóa đó. Người Việt ngoại tình. Họ đối xử tệ bạc với nhau, với con cái của họ, và họ có cả những điều tốt.”

Những suy nghĩ kết

Thế nhưng, Nguyễn Thanh Việt giải thích, “tôi cố gắng không minh bạch về những điều mà người Việt đã biết rồi vì nếu chúng ta đã biết rồi, chúng ta không cần phải minh bạch. Trong người Việt, chúng ta biết là cha mẹ và con cái chăm sóc lẫn nhau nhiều giai đoạn trong cuộc sống họ. Điều đó ít khi nào cần phải nói ra. Nếu tôi nên nói lớn ra, thì tôi chắc sẽ phải giải thích cho một người nào đó không phải là Việt Nam và trong tuyển tập truyện ngắn tôi cố gắng không giải thích vì nếu bạn giải thích thì có nghĩa bạn tự động điều chỉnh mình về hướng độc giả không phải người Việt. Trong những câu chuyện này, mối quan hệ giữa người Việt với người Việt được những hiểu biết văn hóa thầm kín đưa đẩy. Đối với tôi, điều quan trọng là miêu tả và biết rằng những mối quan hệ này là bình thường. Bởi vì trong cộng đồng người Việt, những điều này là bình thường. Chỉ khi nào người nào đó không phải là người Việt gia nhập vào trong hình ảnh thì những mối quan hệ này không có vẻ là bình thường vì người đó có một hiểu biết khác. Và nếu người đó là da trắng thì tôi là một tác giả có lựa chọn giải thích hoặc không giải thích.”

Những cuộc phỏng vấn với các tác giả có tác phẩm lớn và những cá nhân sâu sắc thường đem đến sự hiểu biết thông suốt và nhiều sức mạnh có tính thúc đẩy. Cuộc nói chuyện của Nguyễn Thanh Việt với tư cách là một người Mỹ gốc Việt, về danh tính, văn hóa, kỳ thị chủng tộc, gia đình, và những thành quả cá nhân qua quá trình viết lách thì quả thật là những hiểu biết giúp nâng cao tri thức và thúc đẩy hành động sâu sắc. Một người không thể nào đạt được đến mức đó nếu không có sự hiểu biết sâu sắc về tâm trí của người Mỹ gốc Việt. Có lẽ đó là lý do tại sao anh chọn ma, cả ma sống và ma chết, để làm vai chính trong chương đầu tiên của tuyển tập truyện ngắn “The Refugees.” - VOA



No comments:

Post a Comment