Thursday, January 12, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Năm 12/1

Tin Thế Giới

1.
Philippines: Shinzo Abe, lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm TT Duterte

Shinzo Abe là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến Manila gặp tổng thống Rodrigo Duterte từ khi nhân vật mệnh danh là "Donald Trump" của Philippines nhậm chức. Philippines cũng là chặng đầu tiên trong chuyến công du Đông Nam Á của thủ tướng Nhật Bản với hai mục tiêu an ninh quốc phòng và kinh tế.

Thủ tướng Shinzo Abe, cùng với một phái đoàn doanh nhân hùng hậu, đã đến Manila ngày hôm nay 12/01/2017, trong chuyến công du hai ngày, trước khi bay sang Úc, Indonesia và Việt Nam. Theo AFP, mục tiêu của chuyến công du này được lãnh đạo cường quốc kinh tế thứ hai châu Á thông báo ngắn gọn : « trao đổi quan điểm về các vấn đề song phương và cấp vùng, cũng như để thảo luận một cách chân thật phương thức củng cố hoà bình và ổn định khu vực ».

Theo chương trình, tổng thống Philippines và thủ tướng Nhật gặp nhau tại dinh tổng thống vào trưa nay 12/01/2017. Thủ tướng Shinzo Abe sẽ đi thăm thành phố Davao, quê hương của tổng thống Rodrigo Duterte ở đảo Mindanao. Đây là nơi mà Tokyo, qua chính sách viện trợ xóa giảm nghèo khó, yểm trợ cho tiến trình hoà giải giữa chính quyền trung ương Manila và lực lượng phiến quân Hồi giáo.

Tuy tổng thống Philippines « xoay trục » lãnh đạm với Washington, hâm nóng quan hệ với Bắc Kinh, nhưng Manila rất cần Tokyo, đối trọng với tham vọng bá quyền của Trung Quốc. Trước hết, Nhật Bản tránh không chỉ trích chính sách bài trừ ma túy đẫm máu của tổng thống Duterte. Nhưng quan trọng hơn hết, trong lãnh vực kinh tế, Nhật Bản là bạn hàng số một của Philippines, với trao đổi thương mại lên đến 18 tỷ đôla, theo thống kê năm 2015.

Thứ hai là, với một quân đội và lực lượng tuần duyên kém võ trang, Philippines cần viện trợ quân sự của Nhật Bản để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Năm 2016, Tokyo đã cung cấp cho Manila hai tàu tuần duyên, cho thuê máy bay huấn luyện và trong tương lai sẽ chuyển giao 10 tàu tuần duyên đang đóng. - RFI
|
|

2.
Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng ông Trump ‘sửa sai lầm’ của Mỹ ở Syria

Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng chính quyền Mỹ dưới thời của tổng thống mới đắc cử Donald Trump sẽ “sửa chữa sai lầm” của liên minh với lực lượng dân quân người Kurd (YPG) ở Syria trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo, Bộ trưởng Quốc phòng Fikri Isik nói hôm thứ Năm.

Thổ Nhĩ Kỳ xem YPG là một nhánh mở rộng của nhóm chiến binh PKK, nhóm đã nổi dậy chống Thổ Nhĩ Kỳ gần ba thập niên qua, và bị Ankara, Hoa Kỳ và EU xem là một tổ chức khủng bố.

Phát biểu của ông Isik đã được đưa ra tại một hội nghị của các đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ ở thủ đô Ankara. - VOA
|
|

3.
Mỹ phạt 7 quan chức Bắc Triều Tiên, kể cả em gái ông Kim Jong Un

Mỹ ra lệnh trừng phạt 7 quan chức Bắc Triều Tiên, trong đó có em gái của lãnh tụ Kim Jong Un, vì “những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và tiếp diễn và các hoạt động kiểm duyệt”.

Hai cơ quan chính phủ Bắc Triều Tiên - Bộ Lao động và Ủy ban Kế hoạch Nhà nước - cũng bị trừng phạt hôm thứ Tư.

Ông Tom Malinowski, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao phụ trách về Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, nói với đài VOA hôm thứ Tư:

“Chúng tôi biết họ là ai, chúng tôi biết tên họ, họ không thể trốn tránh được”.

Ông Malinowski cho biết Hoa Kỳ không hy vọng các biện pháp trừng phạt mới hoặc bất kỳ chính sách nào của Washington “sẽ dẫn đến thay đổi ngay lập tức ở Bắc Triều Tiên”, nhưng hy vọng chúng sẽ có một số tác dụng nhất định.

Các biện pháp trừng phạt gồm phong tỏa tài sản và các quyền lợi ở Mỹ. Công dân Hoa Kỳ nói chung bị cấm giao dịch với 7 giới chức Bắc Triều Tiên và các cơ quan bị phạt này.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nói: “Vi phạm nhân quyền ở CHDCND Triều Tiên vẫn nằm trong số những nước tồi tệ nhất trên thế giới”. Ông cho biết “Chính phủ Bắc Triều Tiên vẫn tiếp tục giết người không qua xét xử, các vụ mất tích cưỡng chế, bắt bớ, giam cầm, cưỡng bức lao động và tra tấn”.

Ông Toner cho biết có đến 120.000 người trong các trại tù ở Bắc Triều Tiên, trong đó có trẻ em. Ông cũng cho biết việc kiểm duyệt và chặn thông tin “có mặt khắp nơi”.

Những người bị trừng phạt gồm bà Kim Yo Jong - em gái ông Kim Jong Un, các phó phụ trách cơ quan tuyên truyền của Bắc Triều Tiên, chủ yếu chịu trách nhiệm kiểm duyệt truyền thông và Bộ trưởng An ninh Nhà nước Kim Won Hong. Bộ này bị cáo buộc tham gia vào việc tra tấn, đánh đập, bỏ đói, tấn công tình dục và giết hại trẻ sơ sinh trong các trại tù. - VOA
|
|

4.
Trung Quốc trình làng tàu tình báo điện tử mới --- TQ công bố bạch thư cảnh cáo các nước chớ theo phe nào

Hải quân Trung Quốc vừa ra mắt một tàu do thám điện tử mới, Reuters trích nguồn tin truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết hôm thứ Năm. Đây là sự tăng viện mới nhất cho một hạm đội mở rộng trong bối cảnh Bắc Kinh quyết liệt khẳng định tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Theo tờ China Daily, quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) hiện đang điều hành 6 tàu do thám điện tử. Tờ báo này chú thích rằng PLA “chưa bao giờ công bố công khai quá nhiều chi tiết về các tàu thu thập thông tin tình báo của mình”.

Cũng theo China Daily, năm ngoái, Hải quân PLA đã đưa 18 tàu, bao gồm các tàu khu trục trang bị tên lửa, các tàu hộ tống và các tàu khu trục nhỏ trang bị tên lửa điều khiển.

Trung Quốc cho biết họ đang xây dựng một hàng không mẫu hạm thứ hai. Liêu Ninh, chiếc hàng không mẫu hạm duy nhất của Trung Quốc là tàu đã qua sử dụng, do Liên Xô chế tạo, tuần này đã di chuyển qua các nước láng giềng với cuộc tập trận ở khu vực Biển Đông đang tranh chấp.

Tàu trinh sát điện tử mới, CNS Kaiyangxing hay Mizar, với mã hiệu 856, hôm thứ Ba đã được chuyển giao cho một đội tàu yểm trợ tác chiến thuộc Hạm đội Biển Bắc tại cảng Thanh Đảo, theo China Daily.

Các giới chức hải quân trong khu vực nói các tàu Trung Quốc hiện tăng cường theo dõi và bám sát các tàu chiến của Hoa Kỳ và Nhật Bản ở Biển Đông và biển Hoa Đông, ngay cả trong các hoạt động thường kỳ.

Hôm thứ Tư, người được Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tiến cử cho chức ngoại trưởng, ông Rex Tillerson, nói lẽ ra phải ngăn Trung Quốc đi vào các đảo mà nước này đã xây dựng và bố trí thiết bị quân sự ở Biển Đông. - VOA

***
Trung Quốc ngày 11/1 công bố bạch thư đầu tiên về các vấn đề liên quan đến hợp tác an ninh tại Châu Á-Thái Bình Dương.

Trong đề nghị 6 điểm được Tân Hoa Xã công bố, Trung Quốc yêu cầu “các nước vừa và nhỏ chớ nên đứng về nước lớn nào.”

Bạch thư viết “Tất cả các nước nên cùng nhau nỗ lực theo đuổi một con đường đối thoại mới thay vì đối đầu, theo đuổi đối tác hơn là liên minh, và xây dựng một đối tác châu Á-Thái Bình Dương dựa vào sự tin cậy lẫn nhau, hợp tác nhiều mặt và cùng có lợi.”

Vẫn theo bạch thư, Trung Quốc sẽ tăng cường vai trò trong an ninh khu vực và toàn cầu để nhận trách nhiệm lớn hơn. “Trung Quốc sẵn sàng theo đuổi an ninh thông qua đối thoại và hợp tác trong tinh thần cùng làm việc với nhau vì lợi ích hỗ tương, bảo vệ hòa bình và ổn định cùng với các nước khác trong vùng.”

Bạch thư cho biết Trung Quốc vẫn cam kết “Giữ gìn hòa bình và ổn định tại Biển Đông” và sẽ tiếp tục đối thoại về vấn đề này với ASEAN.

Bạch thư kết luận rằng sự phát triển của Trung Quốc sẽ gia tăng “đà tiến của hòa bình thế giới.”

Tại một cuộc họp báo giải thích bạch thư, Thứ trưởng Ngoại giao Lưu Chấn Dân nói Trung Quốc đề nghị củng cố hợp tác bằng cách cổ súy phát triển chung, hoàn thiện các cơ chế đa phương hiện hữu trong khu vực, cổ súy việc đề ra luật lệ, tăng cường trao đổi và hợp tác quân sự, giải quyết khác biệt và tranh chấp thỏa đáng. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

5.
Ông Tillerson lo ngại Nga, TQ, và nhận thức mối đe dọa của biến đổi khí hậu

Ông Rex Tillerson, người được Tổng thống đắc cử Donald Trump đề cử làm bộ trưởng ngoại giao, tại buổi điều trần chuẩn thuận trước Thượng viện đã bày tỏ lo ngại về những hành động của Nga trên thế giới. Ông cũng phát biểu rằng Hoa Kỳ cần phải có một cách tiếp cận mới để đối phó với Trung Quốc.

Những lo ngại về biến đổi khí hậu đã khiến nhiều người kéo đến biểu tình tại một trạm xăng dầu Exxon ở Capital Hill, cách trụ sở Quốc hội hai dãy phố, nơi cựu chủ tịch công ty dầu khí Exxon-Mobil, ông Rex Tillerson trả lời chất vấn trong cuộc điều trần chuẩn thuận trước Thượng viện cho chức ngoại trưởng Mỹ sắp tới.

Nhưng đa số câu hỏi của các thượng nghị sĩ xoáy vào các mối quan hệ của ông Tillerson với Nga. Trong thời gian lãnh đạo Exxon-Mobil, ông Tillerson đã thương lượng nhiều hợp đồng làm ăn với các công ty dầu khí của Nga. Các thượng nghị sĩ muốn biết ông Tillerson sẽ đối phó như thế nào với một nước bị cáo buộc đã tấn công tin tặc các chính trị gia Mỹ và đe dọa các đồng minh của Hoa Kỳ.

Ông Tillerson nói: "Trong những lãnh vực hợp tác với Nga dựa trên lợi ích chung khả dĩ, chẳng hạn như ngăn chặn mối đe dọa khủng bố toàn cầu, chúng ta nên khai thác các lãnh vực đó. Trong những lãnh vực có xung đột, chúng ta nên kiên định bảo vệ lợi ích của Mỹ và các đồng minh. Nga phải biết rằng chúng ta phải bảo đảm các cam kết của chúng ta và các cam kết của các đồng minh của chúng ta, và Nga phải chịu trách nhiệm về các hành động của họ."

Nói về quan hệ hợp tạc giữa Washington và Bắc Kinh, ông Tillerson nói Trung Quốc cần phải làm nhiều hơn nữa để chứng tỏ là một đối tác đáng tin cậy. Ông cho biết:

"Việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo trên Biển Đông là hành động phi pháp chiếm lãnh thổ đang tranh chấp bất chấp các quy tắc quốc tế. Cách hành xử trong thương mại và kinh tế của Trung Quốc không hoàn toàn tuân thủ những cam kết trong các thỏa ước toàn cầu. Họ đánh cắp tài sản trí tuệ của chúng ta, tấn công và bành trướng trong thế giới kỹ thuật số."

Những người biểu tình bày tỏ lo ngại về biến đổi khí hậu đã làm gián đoạn cuộc điều trần mấy lần. Ông Tillerson nói ông nhận biết về những rủi ro do tình trạng trái đất ấm dần lên đặt ra và ông trình bày với các nhà lập pháp rằng điều quan trọng là Hoa Kỳ tiếp tục duy trì vị trí của mình trong bàn hội nghị thế giới về vấn đề biến đổi khí hậu. - VOA
|
|

6.
Ông Trump thừa nhận Nga tấn công máy tính của Đảng Dân chủ để ảnh hưởng tới bầu cử Mỹ --- Kế hoạch bàn giao Tập đoàn Trump bị chỉ trích

Tổng thống tân cử Donald Trump lần đầu tiên thừa nhận rằng Nga đã tấn công các máy tính của Ủy ban toàn quốc Đảng Dân chủ trong một cố gắng nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Trong một cuộc họp báo kéo dài một tiếng đồng hồ hôm 11/1, Tổng thống Mỹ tương lai còn mạnh mẽ bác bỏ một báo cáo chưa được kiểm chứng cho rằng Nga đã có trong tay những thông tin cá nhân bất lợi cho ông Trump. Và một lần nữa, ông lại lớn tiếng đả kích các cơ quan tình báo Mỹ. Từ Toà Bạch Ốc, phóng viên Mary Alice Salinas của Đài VOA gửi về bài tường trình.

Trong cuộc họp báo đầu tiên của ông từ khi đắc cử tổng thống Mỹ, ông Donald Trump thừa nhận rằng ông tin là Nga đã tấn công các máy tính của Ủy ban toàn quốc Đảng Dân chủ trong một nỗ lực nhằm ảnh hưởng tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 8/11.

Ông phát biểu: “Nói về vụ tin tặc, tôi nghĩ rằng đó là Nga. Nhưng chúng ta cũng là mục tiêu của các vụ tin tặc do các nước khác và những người khác thực hiện.”

Dường như trong một cố gắng để làm giảm nhẹ tầm quan trọng của vụ việc này, ông đơn cử các cuộc tấn công mạng do Trung Quốc thực hiện nhắm vào Hoa Kỳ, và sự thất bại của Ủy ban toàn quốc Đảng Dân chủ trong việc bảo vệ các máy tính của họ.

Ông Donald Trump nói: “Ủy ban toàn quốc Đảng Dân chủ hoàn toàn mở cửa để bị tấn công. Họ không làm tốt nhiệm vụ. Lẽ ra họ phải có biện pháp phòng vệ chống hack, như chúng ta đã làm”.

Mặt khác, ông Trump mạnh mẽ lên án một bản báo cáo chưa được kiểm chứng … rằng Nga nắm trong tay những thông tin thầm kín có thể gây tổn hại cho ông Trump.

Ông Trump phản ứng giận dữ về mẫu tin này: “Toàn là tin giả tạo. Tin giả mạo. Không có chuyện đó.”

Ông Trump ca ngợi Tổng Thống Nga Vladimir Putin vì đã lên tiếng nói rằng bản báo cáo đó không đúng với sự thực.

Ông Trump cảm ơn các tổ chức truyền thông đã chọn không loan tải thông tin đó, và chỉ trích giới thu thập tin tình báo. Ông nói: “Họ xem xét câu chuyện phi lý đó, mà có lẽ đã được phát tán bởi các cơ quan tình báo, nào ai biết được, nhưng có thể là các cơ quan tình báo, câu chuyện này sẽ là một vết nhơ lớn trong thành tích hoạt động của họ.”

Ông Donald Trump còn lớn tiếng đả kích đài CNN vì đã truyền đi một bản tin về những cáo buộc liên quan tới vụ việc này. Ông Trump không cho phóng viên của CNN đặt câu hỏi trong cuộc họp báo, nói rằng: “Không, không phải ông, ông không được hỏi. Tổ chức của ông thật là tồi tệ.”

Trưng ra những tập tài liệu tài chính và pháp lý dầy cộm, ông Trump loan báo rằng trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông, ông sẽ không tách ra khỏi cơ ngơi làm ăn đồ sộ của ông, hoặc lập một quỹ tín thác do người ngoài điều hành, mà thay vào đó sẽ giao quyền điều hành cho hai người con trai. Họ sẽ không thảo luận gì về công việc này với ông.

Nhưng một số người cho rằng làm như vậy thôi là chưa đủ. Nhà phân tích Larry Sabato, giám đốc ban chính trị học, Đại học Virginia, nhận định qua Skype: “Bạn sẽ không tìm ra được một giới chức có trách nhiệm về các vấn đề đạo đức nào, hoặc bất cứ chuyên gia đọc lập nào ở trong nước, mà có thể tin rằng làm như thế là đủ. Nói vậy, nhưng rõ rệt là chúng ta chỉ có được tới đó thôi.”

Nhưng ông Trump thì nhất mực cho rằng các bước mà ông đã thực hiện sẽ đủ để tránh bất cứ xung đột lợi ích nào trong thời gian ông làm tổng thống. - VOA

***
Giám đốc Cơ quan Đạo đức Chính phủ Hoa Kỳ chỉ trích kế hoạch của ông Donald Trump bàn giao các cơ sở kinh doanh của mình cho các con trai trước khi ông nhậm chức vào ngày 20 tháng Một.

Kế hoạch này không phù hợp với "tiêu chuẩn" của tổng thống Mỹ trong hơn 40 năm qua, ông Walter Shaub nói.

Một luật sư của ông Trump cho biết trước đó rằng mô hình kinh doanh mới sẽ phải đối mặt với "những hạn chế nghiêm khắc" về giao dịch mới.

Tuy nhiên, ông Shaub nói kế hoạch này không loại bỏ được xung đột lợi ích.

"Mọi tổng thống trong thời hiện đại đều có các thang thuốc mạnh nhằm thoái vốn," ông nói khi dẫn chiếu tới một quá trình theo đó ông Trump sẽ bán các tài sản của công ty của mình và đưa những lợi nhuận vào một quỹ độc lập để tránh xung đột lợi ích.

Tại một cuộc họp báo hôm thứ Tư, luật sư Sherri Dillon nói rằng ban điều hành Tập đoàn Tổ chức Trump sẽ được chuyển giao cho một quỹ được kiểm soát bởi hai con trai của ông là Don và Eric và giám đốc tài chính là Allen Weisselberg.

Tập đoàn Trump là một công ty bảo trợ cho hàng trăm khoản đầu tư vào bất động sản, thương hiệu và các doanh nghiệp khác của ông Trump.

Phác thảo về một cấu trúc do mình và các đồng nghiệp tại công ty luật Morgan, Lewis & Bockius thiết lập ra, bà Dillon cho biết Tổng thống đắc cử Trump muốn người Mỹ không có nghi ngờ gì rằng ông "hoàn toàn tách khỏi lợi ích kinh doanh của mình".

Giáo sư Richard Painter, luật sư chính về đạo đức kinh doanh cho Tổng thống George W Bush, đã tuyên bố thẳng thắn: "Các kế hoạch chúng tôi nghe được hiện nay không tuân thủ luật pháp."

Giáo sư Norman Eisen, những người đã làm công việc tương tự cho với Tổng thống Obama cũng chia sẻ quan điểm này. - BBC
|
|

Tin Việt Nam

7.
Lãnh đạo Việt-Trung uống trà bàn 'định hướng lớn' --- Việt-Trung ký kết 15 văn kiện hợp tác giữa hai Đảng, hai nước

Lãnh đạo hai nước trao đổi các định hướng lớn về quan hệ hợp tác và phát triển 'lành mạnh, ổn định' và nhất trí duy trì tiếp xúc cấp cao thường xuyên giữa lãnh đạo hai đảng, hai nước, truyền thông Việt Nam loan tin về cuộc hội đàm giữa Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Cuộc gặp diễn ra ngay trong ngày đầu tiên của chuyến thăm chính thức kéo dài bốn hôm, 12-15/1/2017, của ông Nguyễn Phú Trọng.

Hai vị đứng đầu đảng cộng sản hai nước "vui mừng về đà phát triển lành mạnh" giữa hai đảng, hai nước, và "sự phát triển ổn định và những thành tựu mà Việt Nam và Trung Quốc đạt được có ý nghĩa rất quan trọng đối với nhân dân hai nước" trong bối cảnh thế giới xảy ra nhiều cuộc khủng hoảng và bất ổn, báo Tin tức tường thuật.

Nội dung trao đổi giữa hai Tổng bí thư bao gồm việc bàn về "các định hướng lớn" trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả việc "duy trì hòa bình, ổn định trên biển", Thông tấn xã Việt Nam nói.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói Trung Quốc 'sẽ làm hết sức mình' ủng hộ Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC 2017, trong khi phía Việt Nam bày tỏ ủng hộ Trung Quốc tổ chức thành công Diễn đàn thượng đỉnh hợp tác quốc tế về "Một vành đai, một con đường" trong năm 2017.

Kiểm soát bất đồng trên biển

Các nhà phân tích trông đợi rằng chuyến đi của ông Trọng sẽ làm tốt đẹp trở lại quan hệ song phương vốn bị tác động bởi những tranh chấp ở Biển Đông vào thời điểm chính sách của Hoa Kỳ đối với khu vực trong thời gian tới đây chưa biết sẽ ra sao.

Căng thẳng đã leo thang tại vùng châu Á - Thái Bình Dương từ hai tháng nay, điều sẽ ảnh hưởng mạnh tới mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc với Hoa Kỳ cũng như các nước khác ở vùng Đông Nam Á, ông Trang Quốc Thổ, trưởng khoa Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Hạ Môn, Trung Quốc nói.

Hai Tổng bí thư cùng cho rằng chủ đề trên biển là vấn đề tồn tại chủ yếu của quan hệ Việt-Trung, không chỉ có tác động lớn tới quan hệ chính trị song phương mà còn ảnh hưởng tới cục diện và tình hình khu vực, thế giới.

"Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam kiên trì giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), phấn đấu cùng ASEAN sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử (COC)," VietnamNet đưa tin.

Cũng hôm thứ Năm, báo Điện tử của Đảng Cộng sản Việt Nam tường trình cuộc Hội đàm và dẫn nguồn Thông tấn xã Việt Nam cho biết trong buổi gặp mặt, ông Tập Cận Bình đã nhận lời mời sang thăm chính thức Việt Nam và dự Hội nghị Cấp cao APEC 2017.

Lễ tiếp đón ông Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tại Sảnh Bắc của Đại Lễ Đường Nhân Dân ở Bắc Kinh, sau đó, buổi trao đổi diễn ra bên trong Đại Lễ Đường.

Kết thúc buộc trao đổi, hai nhà lãnh đạo đã cùng dự lễ ký kết một số văn bản hợp tác.

Tiếp đón ông Nguyễn Phú Trọng, phía Trung Quốc ngoài Chủ tịch Tập Cận Bình còn có các ủy viên Bộ Chính trị Vương Hỗ Ninh, Lưu Kỳ Bảo, Lật Chiến Thư, Bộ trưởng Quốc phòng Thường Vạn Toàn, Ngoại trưởng Dương Khiết Trì, và Bộ trưởng Công an Quách Thanh Côn.

Đây là chuyến thăm Trung Quốc lần đầu tiên của ông Nguyễn Phú Trọng kể sau khi tái đắc cử chức vụ Tổng Bí thư đảng sau Đại hội lần thứ 12. - BBC

***
Theo đặc phái viên TTXVN, chiều 12/1, tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, ngay sau khi kết thúc hội đàm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã chứng kiến Lễ ký kết 15 văn kiện hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Theo đặc phái viên TTXVN, chiều 12/1, tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, ngay sau khi kết thúc hội đàm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã chứng kiến Lễ ký kết 15 văn kiện hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc, bao gồm:

- Thỏa thuận hợp tác đào tạo cán bộ cấp cao giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc.

- Bản ghi nhớ hợp tác giữa Ban Kinh tế Trung ương với Trung tâm Nghiên cứu phát triển Quốc vụ viện Trung Quốc.

- Công thư trao đổi về việc hỗ trợ kỹ thuật lập quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.

- Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Trung Quốc đến năm 2025.

- Hiệp định khung hợp tác cửa khẩu biên giới đất liền giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

- Bản ghi nhớ về hợp tác triển khai viện trợ không hoàn lại chuyên về lĩnh vực y tế công cộng giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam với Bộ Thương mại Trung Quốc.

- Bản ghi nhớ giữa Bộ Công thương Việt Nam và Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch quốc gia Trung Quốc về việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hàng rào kỹ thuật thương mại.

- Thỏa thuận hợp tác thả giống nuôi trồng nguồn lợi thủy sinh khu vực Vịnh Bắc Bộ Việt Nam-Trung Quốc.

- Kế hoạch hợp tác Du lịch Việt Nam-Trung Quốc giai đoạn 2017-2019.

- Thỏa thuận hợp tác giữa Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia-Sự thật và Nhà xuất bản Nhân dân Trung Quốc giai đoạn 2017-2021.

- Bản ghi nhớ về kế hoạch hợp tác giai đoạn 2017-2021 giữa Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Hội Hữu nghị đối ngoại nhân dân Trung Quốc.

- Bản ghi nhớ hợp tác giữa Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam và Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Trung Quốc.

- Bản ghi nhớ về việc hợp tác làm phim truyền hình chuyên đề "Sức lôi cuốn của Việt Nam - sức lôi cuốn của Trung Quốc" giữa Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc.

- Thỏa thuận hợp tác giữa Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh quốc tế Trung Quốc.

- Biên bản ghi nhớ giữa Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc về việc hợp tác tài trợ dự án và cho vay song phương trung, dài hạn giai đoạn 2017-2019. - soha
|
|

8.
Cha nhà báo Phạm Chí Dũng bị triệu tập vì một bài báo của con trên VOA?

Ông Phạm Văn Hùng, 86 tuổi, thân phụ của nhà báo độc Phạm Chí Dũng đã bị “triệu” đến Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh để “làm việc” vào ngày 10/1.

Nhà báo Phạm Chí Dũng xem đây là một hành vi bất nhã và thiếu lễ độ. Ông nói với VOA như sau:

“Gia đình tôi đánh giá cách mời của họ là một sự trịch thượng và vô lễ vì họ chỉ cho người thông báo qua điện thoại.”

Nhà báo Phạm Chí Dũng cho biết có rất nhiều cơ quan của thành ủy có mặt trong buổi triệu tập này và họ đưa ra nhiều lời đe dọa, trong đó có đe dọa khởi tố Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam do ông làm chủ tịch:

“Trong buổi làm việc đó có cả quan chức của Đảng như Ban Nội chính Thành Uỷ, Ban Tuyên giáo Thành Uỷ, và Văn phòng Thành Uỷ. Họ có ý kiến mà tôi nghe ba tôi thuật lại rằng họ nói tôi viết bài xuyên tạc, viết bài sai sự thật. Thậm chí có ý kiến cho rằng đã đủ yếu tố để khởi tố tôi về vụ thành lập Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam.”

Ông Dũng tin rằng Thành ủy cảm thấy những bài báo của ông đã đụng chạm đến sân sau của Thành ủy, trong đó có một bài viết trên VOA đề cập đến ông cựu Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải.

Bài viết trên của ông Dũng cho VOA vào tháng 12, 2016 có đoạn: “Có dư luận cho biết công an đã nắm rõ được hành vi gây thất thoát của ông Trần Phương Bình tại DongA Bank, nhưng không dám bắt vào năm 2015 là vì DongA Bank là một ngân hàng của Thành ủy TP HCM được bí thư thành ủy khi đó là ông Lê Thanh Hải che chắn. Luồng dư luận này cũng cho rằng việc ông Trần Phương Bình bị bắt vào thời điểm cuối năm 2016, khi ông Lê Thanh Hải đã nghỉ, là một đòn đánh vào ông Hải và khối tài sản khổng lồ tích góp qua nhiều năm của ông này”.

Ngoài ra, theo theo ông Dũng, chính quyền muốn chặn những bài viết tiếp theo của ông về Tp. Hồ Chí Minh hay cụ thể hơn là các bài liên quan đến ông Lê Thanh Hải.

“Ngay trong một bài báo mà họ đặc biệt nhấn mạnh, bài liên quan đến ông Trần Phương Bình, cựu chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng Đông Á ở Tp. HCM bị bắt. Trong bài đó trong dẫn nguồn dư luận đánh giá rằng ông Trần Phương Bình có mối quan hệ có lẽ được che chắn bởi ông Lê Thanh Hải thành thử không bị bắt vào năm 2015.”

Ông Dũng cũng tin rằng cuộc triệu tập này do ông Lê Thanh Hải đứng phía sau, thông qua Phó Bí thư thường trực Tất Thành Cang:

“Cũng không loại trừ khả năng là ông Lê Thanh Hải có nhờ riêng ông Tất Thành Cang để ông Tất Thành Cang tổ chức một cuộc họp như vừa rồi, lấy danh nghĩa của thành ủy để đặt ra những vấn đề liên quan đến ông Lê Thanh Hải.”

Cũng theo nhà báo độc lập, những bài viết của ông liên quan đến chế độ hiện hành, quốc nạn tham nhũng, thực chất nền kinh tế, và các quyền tự do căn bản của người dân bị đàn đáp. Trong khi đó chính quyền từ trung ương đến địa phương lại bưng bít các thông tin này.

Trong thư ngỏ cho thành ủy ngay trong ngày 10/1, ông Dũng đề nghị đối thoại với ông Tất Thành Cang để cùng tìm ra sự thật. Tuy nhiên, ông Dũng tin rằng thư ngỏ của ông sẽ không được phản hồi. - VOA
|
|

9.
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội được thông tin cho công chúng

Lần đầu tiên người dân thủ đô của Việt Nam được biết chất lượng không khí hàng ngày ở Hà Nội, nơi trong nhiều năm qua được coi là có mức độ ô nhiễm cao nhất nhì thế giới.

Trang web hanoi.gov.vn/quantracmoitruong cho phép người dân theo dõi được mức độ ô nhiễm không khí bằng các dữ liệu thu thập tại thời điểm thực từ các trạm quan trắc môi trường bắt đầu từ 1/1 năm nay.

Những chỉ số chất lượng không khí (AQI) trong những ngày đầu tiên của năm 2017, theo VNExpress, cho thấy mức độ ô nhiễm không khí của thủ đô luôn ở các mức kém và nguy hại trong nhiều ngày liên tiếp. Theo tìm hiểu của VOA Việt Ngữ trên trang web này, chỉ số AQI ghi nhận trong ngày 12/1 cho thấy chất lượng không khí ở Hà Nội ở mức “Tốt.”

Theo chuyên gia Lê Xuân Lan của Đại học Tài Nguyên Môi Trường, việc cung cấp thông tin về mức độ ô nhiễm không khí là một việc tất yếu với xu thế hội nhập quốc tế. Nhưng theo bà Lan người dân ở Việt Nam chưa được hưởng lợi nhiều từ những thông tin như vậy.

"Những cơ quan chịu trách nhiệm phải thêm nhiều bản thông báo bằng đèn LED ở trên các tuyến đường chính để thông báo – (ví dụ) sáng hôm nay mức độ ô nhiễm như thế nào, hoặc là những ngày cao điểm, giờ cao điểm thì ra làm sao."

Theo bà Lan, việc cung cấp chỉ số đơn thuần như thế chưa thể giúp ích nhiều cho người dân vì sự tuyên truyền này chỉ mang tính chất “đối phó.”

"Bây giờ người ta phải biết mức độ ô nhiễm như vậy thì ảnh hưởng đến cái gì – đến phổi đến mắt đến da hay gì đó – rồi bảo vệ như thế nào. Mình vẫn chưa làm tốt được cái này. Mặc dù báo chí đưa [tin] nhiều nhưng mang tính đối phó là chính hoặc qua một chiến dịch như vậy. Còn phải đưa vào một nhu cầu cấp thiết của đời sống thì nó mới tốt."

Hà Nội là một trong 19 thành phố nằm trong chương trình của bộ Tài Nguyên Môi Trường nhằm cung cấp thông tin về chất lượng không khí trên khắp cả nước bắt đầu từ năm nay.

Theo các chuyên gia về môi trường, mức ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã tăng cao và đến mức báo động trong những năm gần đây. Họ đã cảnh báo rằng Hà Nội đang phải đối mặt với trực trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Theo báo Tài Nguyên Môi Trường, kết quả đo được từ Cơ quan bảo vệ Môi trường Mỹ tại các thành phố lớn ở các quốc gia trong năm 2016, thành phố Hà Nội đã có lúc có chỉ số ô nhiễm cao thứ nhì thế giới, chỉ sau Ardhali Bazar của Ấn Độ.

Chuyên gia môi trường Lê Xuân Lan cho VOA biết mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội còn cao hơn cả Thành phố Hồ Chí Minh nơi có số dân cao gấp hơn 2 lần với gần 13 triệu người.

"[Ở] Hà Nội mức độ ô nhiễm về không khí còn khủng khiếp hơn ở miền nam. Tại vì sao? Vì bây giờ công trình ngổn ngang, và thêm nữa là mật độ dân cư và lượng xe hơi. Chính vì vậy mức độ ô nhiễm của Hà Nội ở mức báo động rất cao."

Các hoạt động về công nghiệp và sự quá tải về lưu lượng xe tham gia giao thông là nguyên nhân chính của vấn nạn ô nhiễm không khí ở Hà Nội. Báo Tài Nguyên Môi Trường trích lời Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Ngô Thái Nam nói nguồn cơn ô nhiễm không khí tại Hà Nội chủ yếu do bụi và các khí ô nhiễm phát sinh từ hoạt động giao thông. Hiện Hà Nội có 5.5 triệu phương tiện giao thông cá nhân trong đó gần 5 triệu xe máy, tương đương với mật độ của hơn 70 ô tô và 700 xe máy trên 1km đường.

Theo báo cáo môi trường quốc gia mới nhất của bộ Tài Nguyên và Môi Trường giao thông vận tải và sản xuất công nghiệp nằm trong các nguồn chính gây ô nhiễm không khí ở Việt Nam. - VOA
|
|

10.
60 người liên quan đến tham nhũng, 20 người 'bị xử lý'

Báo chí Việt Nam đưa tin cho hay tại một hội nghị hôm 11/1, Thanh Tra Chính phủ thông báo trong năm 2016 cơ quan thanh tra các cấp phát hiện 60 người “có hành vi liên quan đến tham nhũng”, và có 20 người đứng đầu “bị xử lý” vì “thiếu trách nhiệm, để xảy ra hành vi tham nhũng”.

Không có thông tin cụ thể về danh tính và chức vụ của những “người đứng đầu” đó. Tin cho hay trong số 20 người, có 1 người đứng đầu đã bị xử lý hình sự, nhưng không rõ mức độ hình phạt; 10 người khác bị xử lý “kỷ luật hành chính” bằng các hình thức như cảnh cáo, khiển trách.

Các quan chức đã “bị xử lý” là những người làm việc ở Bạc Liêu, Hậu Giang, Hòa Bình, Kiên Giang, Tây Ninh, Thanh Hóa, Thừa Thiên-Huế, Vĩnh Long, Bình Thuận và Cần Thơ. Riêng 3 tỉnh cuối có từ 3 tới 4 quan chức “bị xử lý”.

Tường thuật của báo chí cho biết thêm rằng riêng Thanh tra Chính phủ đã tiến hành 55 cuộc thanh tra, tập trung vào sự vận hành của các bộ, vấn đề đất đai ở các địa phương, hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng như phòng, chống tham nhũng.

Trong số đó, 21 cuộc thanh tra đã có kết luận xác định rằng có những vi phạm với tổng số tiền là gần 11,1 nghìn tỉ đồng, cơ quan thanh tra kiến nghị thu hồi hơn 5 nghìn tỉ đồng.

Từ thành phố Hồ Chí Minh, Luật sư Trần Quốc Thuận, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nói với VOA rằng các nỗ lực chống tham nhũng của Việt Nam không mang lại những tín hiệu tích cực:

“Cụ thể những vụ chống tham nhũng như vụ Trần Xuân Thanh, vụ Vũ Huy Hoàng, người ta cho rằng cuộc đấu tranh chống tham nhũng này lập cập không đi tới đâu. Chỉ có vụ đó mà làm chưa ra ngô ra khoai. Còn bao nhiêu vụ, vụ Núi Pháo, vụ AVG, rồi người ta nhắc lại vụ Vinashin, Vinalines nữa. Còn bao nhiêu doanh nghiệp thế này thế kia. Rõ ràng cách làm việc nặng về lượng, nhưng mà hiệu quả công việc rất thấp. Cho nên lòng dân người ta rất buồn, người ta mong muốn rằng cái nhà nước này phải hứa với người dân, phải tin người dân”.

Đầu năm 2016, Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng, xếp hạng 168 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên cảm nhận của các doanh nhân và chuyên gia trong nước về tham nhũng trong khu vực công.

Điểm số của Việt Nam là 31/100 điểm, đứng thứ 112/168 trên bảng xếp hạng toàn cầu, tức là thuộc nhóm các nước có nhiều tham nhũng.

Khi đó, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ, nói với báo chí các tiêu chí của Tổ chức Minh bạch Quốc tế rất khác với cách đánh giá của Việt Nam. Ông nói cách đánh giá đó “không phản ánh một cách toàn diện được tình hình tham nhũng tại Việt Nam”.

Ông Đạt cho rằng trong vài năm trở lại đây công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam đã “có những bước tiến mới, có nhiều giải pháp đột phá mang lại nhiều hiệu quả, song các tổ chức nước ngoài không ghi nhận”. - VOA
|
|

11.
Đại học Fulbright Việt Nam chưa có giấy phép hoạt động

Trường Đại học Fulbright Việt Nam chưa được Hà Nội cấp giấy phép hoạt động, theo tường trình của truyền thông nhà nước về cuộc gặp hôm 10/1 giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Giáo sư Thomas Vallely thuộc Đại học Harvard, Mỹ.

Tại cuộc gặp, Giáo sư Vallely nói với các lãnh đạo Việt Nam rằng phía Hoa Kỳ “đã giải quyết nhiều vấn đề” và mong muốn Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) “sớm có giấy phép, cơ chế để đi vào hoạt động”.

Nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Obama hồi tháng 5/2016, Ngoại trưởng Mỹ Kerry và Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đã chính thức tuyên bố thành lập FUV.

Chưa chính thức hiện hữu, song ngôi trường sẽ ra đời trong tương lai này được mô tả là trường đại học độc lập, phi lợi nhuận đầu tiên của Việt Nam. Các chuyên gia giáo dục kỳ vọng nó sẽ là một mô hình giáo dục hoàn toàn mới mẻ ở Việt Nam, là môi trường cho suy nghĩ độc lập và sáng tạo.

Từ thành phố Hồ Chí Minh, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Lam thuộc Đại học Kinh tế Tp. HCM, đồng thời là giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, nói với VOA về thủ tục giấy tờ liên quan đến FUV:

“Giấy phép mà trường Đại học Fulbright đã nhận được là giấy phép đầu tư. Thế còn theo quy định của chính phủ Việt Nam còn phải có giấy phép hoạt động. Hiện nay, theo tôi được biết thì chương trình Fulbright cũng đang xây dựng các chương trình của mình để trình lên Bộ Giáo dục và Đào tạo để nhận giấy phép hoạt động”.

VOA đã liên lạc với một số nguồn tin liên quan trực tiếp đến việc thành lập FUV ở cả hai bên Việt-Mỹ để tìm hiểu những vướng mắc trong việc cấp giấy phép song họ cho biết “chưa thể nói gì ở thời điểm này”.

Trong buổi tiếp vị giáo sư trường Harvard hôm 10/1, Thủ tướng Phúc bày tỏ mong muốn “xây dựng trường Đại học Fulbright Việt Nam thành trường đại học kiểu mẫu, tạo ra những nhà khởi nghiệp”. Ông nói Việt Nam ủng hộ tự chủ đại học theo thông lệ quốc tế và chính phủ “sẽ nỗ lực hỗ trợ để trường đi vào hoạt động”.

Người đứng đầu chính phủ cũng khẳng định Việt Nam “luôn có nhu cầu tăng cường hợp tác giáo dục với Mỹ, quốc gia có nền giáo dục tiên tiến hàng đầu thế giới”.

Tin cho hay Giáo sư Vallely nêu rõ với Thủ tướng Phúc rằng nỗ lực phát triển FUV tập trung vào 3 nội dung, bao gồm “thiết lập cơ chế quản trị, bộ máy theo mô hình hiện đại nhất cho một trường đại học hàng đầu thế giới; mô hình tài chính phù hợp để huy động đủ nguồn lực cho trường; thiết kế cơ sở vật chất cho trường với quy mô hiện đại”.

Ông được báo chí trong nước dẫn lời cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi đã có nhiều tiến bộ trong lộ trình xây dựng trường trong cả 3 lĩnh vực trên”.

Về khả năng trường FUV căn cứ vào tự chủ và tự do học thuật để giảng dạy hoặc thảo luận những vấn đề Việt Nam không mong muốn, Tiến sĩ Lam nêu ra quan điểm:

“Bất kỳ tổ chức nào hoạt động trong một lãnh thổ đều phải tôn trọng luật pháp của nơi đó. Cái vấn đề là chúng ta quy định ra luật pháp nó có đúng hay không và nó phù hợp như thế nào cho sự phát triển của khoa học, cho sự phát triển của các đại học nhằm đóng góp hơn nữa vào sự phát triển của đất nước. Đó là vấn đề đáng bàn”.

Dự án thành lập FUV dù được các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam tỏ ý ủng hộ, song đã gặp một số trục trặc.

Không lâu sau khi giấy phép đầu tư được trao cho FUV hồi tháng 5/2016, báo Việt Nam khơi lại việc ông Bob Kerrey, Chủ tịch Hội đồng Tín thác của FUV, từng trực tiếp dính líu vào một vụ thảm sát thường dân trong thời Chiến tranh Việt Nam.

Thông tin này đã dấy lên tranh cãi trong nhiều giới ở Việt Nam. Nhiều cơ quan báo chí Việt Nam đã đăng các bài viết của chính họ cũng như các bài thể hiện ý kiến cá nhân của một số quan chức, cựu quan chức, học giả bày tỏ lập trường ủng hộ hay phản đối việc bổ nhiệm ông Bob Kerrey.

Đầu tháng này, Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông Trương Minh Tuấn đăng một bài viết trong đó nói Việt Nam không tán thành việc bổ nhiệm ông Bob Kerrey.

Ông Tuấn cho rằng “cuộc tranh luận trong giới báo chí” về ông Kerrey “là một sự cố báo chí đáng buồn, khi vấn đề được một số báo đẩy quá xa đến mức làm lẫn lộn phải - trái trong lịch sử”. - VOA
|
|

12.
Việt Nam chắc sẽ mua tên lửa của Ấn Ðộ, Trung Quốc không hài lòng

Truyền thông quốc tế cho biết Ấn Độ sẽ bán và chuyển giao công nghệ loại tên lửa phòng không tầm trung Akash cho Việt Nam.

Báo Times of India nói Việt Nam tỏ ý 'rất quan tâm' tới việc mua tên lửa Akash. Hệ thống tên lửa đất đối không này do Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ân Độ (DRDL) chế tạo. Tin này được đưa ra chỉ vài ngày trước chuyên thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, có thể làm Trung Quốc không hài lòng. Thế nhưng có rất nhiều khả năng Việt Nam sẽ mua tên lửa Akash của Ấn Độ “để đối đầu sự đe dọa của Trung Quốc.”

Việt nam đã đưa tin ông Trọng sẽ thăm Trung Quốc trong 4 ngày, kể từ ngày hôm nay 12/1, đây là chuyến chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên kể từ khi ông tái đắc cử tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.

Giáo sư Hoàng Việt của trường đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, một chuyên gia hàng đầu về an ninh khu vực và Biển Đông nói với VOA rằng Việt Nam sẽ đạt được thỏa thuận và xúc tiến việc mua vũ khí này vì về mặt giá cả, vũ khí của Ấn Độ rẻ hơn vũ khí của Hoa Kỳ hay của Nga. Hơn nữa, việc mua vũ khí này cũng nằm trong kế hoạch đa dạng hóa, đa phương hóa chính sách ngoại giao và an ninh quốc phòng của Việt Nam, ngoài các thị trường vũ khí truyền thống như Nga, Pháp, và Israel:

“Việc khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang (Trung Quốc) mà Ấn Độ chào bán hệ thống tên lửa, thì tôi cho rằng đây là một khả năng rất lớn. Một là vì Việt Nam đang muốn tìm kiếm các mối cung cấp về vũ khí khác, không chỉ phụ thuộc vào Nga. Nga cũng cung cấp những vũ khí tương tự như vậy cho Trung Quốc. Hai là Việt Nam vẫn đang lo ngại nhất về vấn đề trên Biển Đông, nơi mà nhân vật tạo ra sức ảnh hưởng và nguồn gốc của các căng thẳng vừa qua chính là Trung Quốc.”

Theo báo Times of India, hệ thống tên lửa Akash thay thế cho hệ thống tên lửa phòng không 2K12 “Kub” của Liên Xô trước đây mà quân đội sử dụng. Báo này mô tả mỗi hệ thống Akash gồm một bệ phóng, một đài chỉ huy, radar điều khiển đa dụng và một hệ thống hỗ trợ mặt đất. Hệ thống Akash điều khiển cao tần sử dụng đầu đạn 55kg có khả năng tiêu diệt các mục tiêu di động như: tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo, tên lửa không-đối-đất, máy bay chiến đấu, các thiết bị bay không người lái ở cự li đến 25 km và ở độ cao 18.000 m. Đặc biệt, tên lửa Akash có trang bị động cơ phản lực dòng thẳng (ramjet) giúp nâng cao độ chính xác trong khi giá thành sản xuất rẻ hơn.

Đánh giá về tác động của việc mua hệ thống tên lửa Akash của Ấn Độ, giáo sư Hoàng Việt cho biết động thái này cho thấy Việt Nam luôn luôn muốn tăng cường sức mạnh quốc phòng. Còn phần Ấn Độ, một đối thủ của Trung Quốc về an ninh quốc phòng, cũng giúp nâng cao uy tín của chính họ.

“Ân Độ cũng là một quốc gia đáng kính trên thế giới đa cực hiện nay. Việc Việt Nam xúc tiến các mối quan hệ với Ấn Độ cũng là một điều chắc chắn. Thứ nữa, thái độ của Ấn Độ đối với vấn đề tranh chấp Biển Đông: các ủng hộ của Ân Độ rất có lợi cho Việt Nam. Vì vậy Việt Nam sẽ cần Ấn Độ.”

Ngay sau khi Ấn Độ loan tin về việc bán tên lửa Akash cho Việt Nam, Hoàn cầu Thời báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm thứ Tư, 11/1, đã phán ứng rằng: “Trung Quốc không bận tâm về các mối quan hệ quân sự giữa Việt Nam và Ấn Độ… tuy nhiên, những quan hệ đó phải được xây dựng vì hòa bình và ổn định trong khu vực, thay vì gây rắc rối và khiến các nước khác lo ngại."

Nhận định về phản ứng không hài lòng của Trung Quốc, giáo sư Việt nói:

“Bất cứ khi nào mua vũ khí hay tăng cường sức mạnh hay mở rộng quan hệ với các quốc gia khác đều không làm Trung Quốc hài lòng. Cá nhân tôi cho rằng, một mặt Việt Nam coi trọng các mối quan hệ với Trung Quốc, nhưng việc này Việt Nam cũng phải thúc đẩy để gia tăng sức mạnh của Việt Nam.”

Trước đó vào tháng 9/2016, phía Ấn Độ tuyên bố cấp tín dụng quốc phòng cho Việt Nam ở mức 500 triệu đôla, nhân chuyến thăm của Thủ tướng Narendra Modi tới Việt Nam. Hai nước đã nâng mối quan hệ chiến lược lên thành quan hệ chiến lược toàn diện. Với khoảng tín dụng quốc phòng này thì việc Việt Nam mua hệ thống tên lửa Akash của Ấn Độ có khả năng rất cao. - VOA
|
|

13.
Tù nhân lương tâm Đặng Xuân Diệu dự kiến được thả ngày 12/1

Anh trai của tù nhân lương tâm Đặng Xuân Diệu cho VOA biết anh Diệu sẽ được nhà chức trách Việt Nam trả tự do vào tối 12/1 và sẽ phải đi Pháp ngay lập tức.

Từ một vùng rừng ở tỉnh Nghệ An, anh Đặng Xuân Hà, người anh của anh Diệu nói với VOA vào chiều muộn ngày 12/1, giờ Việt Nam:

“Đặng Xuân Diệu hiện bây giờ đang ở trong trại Xuyên Mộc, đang nằm trong trại. Xe đặc chủng của họ chở lên máy bay đi luôn chứ 11h40 phút đêm nay mới lên máy bay. Chưa có gì chính xác 100% mà [cho đến] khi được ra khỏi Việt Nam. Thực tế là mọi vấn đề đang nằm trên giấy tờ thôi”.

Anh Đặng Xuân Diệu, 38 tuổi, cùng 13 thanh niên Công giáo khác bị bắt năm 2011 và sau đó bị nhà chức trách kết án tù do “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”. Anh Diệu là một trong ba người bị kết án cao nhất, anh nhận án 13 năm tù giam và 5 năm quản chế.

Theo thông tin từ gia đình và các nhà hoạt động dân chủ, anh Diệu đã nhiều lần tuyệt thực để đấu tranh về quyền con người bất khả xâm phạm và đòi các quyền lợi căn bản trong trại giam cho chính bản thân cũng như những tù nhân khác.

Vì những việc làm này, sức khỏe của anh suy yếu trầm trọng trong những năm gần đây. Cũng vì đấu tranh, cán bộ trại giam Xuyên Mộc ở Thanh Hóa đã nhiều lần kỷ luật, biệt giam và phân biệt đối xử với anh.

Các tổ chức quốc tế bảo vệ nhân quyền nhiều lần lên tiếng yêu cầu chính phủ Việt Nam trả tự do cho các thanh niên Công giáo. Một số nhà hoạt động cũng tiếp xúc với các đại sứ quán Canada, Úc, Na Uy, Thụy Sĩ ở Hà Nội vận động sự ủng hộ. Vấn đề của anh Diệu nhận được sự quan tâm đặc biệt của Liên hiệp châu Âu (EU).

Về sự dàn xếp để anh Diệu được thả trước thời hạn, anh Hà cho biết:

“Ở bên EU lo cho tôi chứ tôi cụ thể cũng không được biết những vấn đề họ làm như thế nào”.

Trong số 14 thanh niên Công giáo bị kết án, đến nay đã có 12 người được trả tự do. Hai người còn lại đó là anh Hồ Đức Hoà đang thụ án 13 năm tù giam, và chị Nguyễn Đặng Minh Mẫn với 8 năm tù giam.

Sau khi có tin anh Diệu sắp được trả tự do, các nhà hoạt động dân chủ đã chúc mừng gia đình anh qua mạng xã hội. - VOA



No comments:

Post a Comment