Sunday, January 15, 2017

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 15/1

Tin Thế Giới

1.
Philippines ‘không cản Mỹ chặn TQ ở biển Đông’ --- Ông Trump, Trung Quốc, Biển Đông: Căng thẳng sẽ gia tăng?

Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay hôm 14/1 nói với báo chí rằng Manila sẽ không ngăn Hoa Kỳ nếu nước này tính chặn Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo trên biển Đông.

“Nếu quyền lợi quốc gia của Mỹ là ngăn chặn Trung Quốc chiếm đóng các cấu trúc tranh cãi ở biển Đông, họ được tự do làm vậy vì đó là vùng lãnh hải quốc tế”, ông Yasay nói với tờ The Manila Times.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Philippines phát biểu như vậy ít ngày sau khi ông Rex Tillerson, ứng viên ngoại trưởng được Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đề cử, phát biểu tại một cuộc điều trần ở thủ đô Washington rằng Trung Quốc cần phải bị bác quyền tiếp cận các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây ở biển Đông.

Ông Tillerson nói: “Chúng ta sẽ phải gửi một tín hiệu rõ ràng tới Trung Quốc rằng thứ nhất, việc xây đảo phải dừng, và thứ hai là quý vị sẽ không được cho phép tiếp cận các đảo đó”.

Hôm 13/1, tờ Hoàn cầu thời báo của nhà nước Trung Quốc cảnh báo Hoa Kỳ rằng chiến tranh sẽ bùng ra nếu Washington chặn Bắc Kinh tiếp cận các đảo nhân tạo trên vùng biển tranh chấp.

Trong khi đó, khi được hỏi về lời phát biểu của ông Tillerson, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết ông không trả lời các câu hỏi giả định, và rằng Bắc Kinh có quyền tiến hành “các hoạt động bình thường” trong lãnh thổ của mình.

Về phía Việt Nam, khi được hỏi về tuyên bố của ông Tillerson, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình hôm 12/1 nói rằng “duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở khu vực là mục tiêu và lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực”.

Ông Bình nói: “Chúng tôi cho rằng các bên đều có trách nhiệm đóng góp mang tính xây dựng vào mục tiêu chung cũng như đảm bảo lợi ích chung này”. - VOA

***
Dấu hiệu trong vài tuần trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump cho thấy Biển Đông có thể là điểm nóng xung đột tiềm tàng trong năm 2017. Và cách thức ông Trump quyết định đẩy lùi một nước Trung Quốc ngày càng mạnh bạo hơn có thể dẫn đến căng thẳng leo thang.

Ông Rex Tillerson, ngoại trưởng đề cử của Trump, đã nói đanh thép hơn nhiều về Trung Quốc: "Chính việc xây đảo ở Biển Đông - về nhiều khía cạnh, theo quan điểm của tôi, việc xây đảo và sau đó đưa khí tài quân sự lên các đảo đó - cũng giống như việc Nga đoạt lấy Crimea".

Những gì ông Trump làm để đáp trả một nước Trung Quốc hung hăng có thể làm căng thẳng gia tăng.

Chuyên gia Robert Manning, thuộc Hội đồng Atlantic, nói: "Chỉ cần một thực tế là Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động vì tự do hàng hải, và tiếp đến chúng ta thấy có một số các tàu Trung Quốc - kể cả lực lượng dân quân hàng hải của họ, về cơ bản được cải trang thành tàu đánh cá - thì khả năng nổ ra đối đầu vẫn còn đó".

Các nhà quan sát sẽ theo dõi chặt chẽ xem chính quyền mới của Mỹ sẽ thực hiện hoạt động vì tự do hàng hải đầu tiên trên Biển Đông ở vị trí nào và vào khi nào.

Ông Tillerson phát biểu tại buổi điều trần để phê chuẩn chức vụ của ông rằng cần phải không cho Trung Quốc tiếp cận các đảo đã xây kiên cố của họ, nhưng các chuyên gia về khu vực nói hiện đã quá muộn để lật ngược việc Trung Quốc tăng cường lực lượng trong khu vực. Họ nói rằng điều tốt nhất có thể đạt được là bảo vệ quyền tự do hàng hải theo luật quốc tế. - VOA
|
|

2.
Bắc Kinh lại cảnh báo Trump về nguyên tắc “một nước Trung Hoa”

Công nhận « một nước Trung Hoa » là « không thể bàn cãi ». Bắc Kinh hôm nay 15/01/2017 đưa ra lời khẳng định như trên, nhằm đáp trả lại Donald Trump. Tổng thống tân cử Mỹ trước đó tuyên bố sẵn sàng xét lại nguyên tắc này để củng cố quan hệ giữa Hoa Kỳ và Đài Loan.

Trong một thông cáo ngắn, Lục Khảng, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã giận dữ tuyên bố : « Nguyên tắc một nước Trung Hoa là nền tảng chính trị cho mối quan hệ Mỹ - Trung, đó không phải là chủ đề để thương lượng ».

Ông Lục Khảng nhấn mạnh : « Trên thế giới này chỉ một nước Trung Quốc, và Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Chính phủ nước Cộng Hòa Nhân Dân là chính phủ hợp pháp của Trung Quốc ».

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao kêu gọi ông Trump « có cái nhìn thực tế về hồ sơ cực kỳ nhạy cảm này », đồng thời « tôn trọng những cam kết do chính phủ Hoa Kỳ tiền nhiệm đưa ra nhằm không gây tổn hại đến sự phát triển lành mạnh và bền vững mối quan hệ đôi bên ».

Theo AFP, Trung Quốc đã có những phản ứng mạnh mẽ như trên do việc hồi trong tuần, khi trả lời phỏng vấn nhật báo Mỹ Wall Street Journal, ông Donald Trump có nêu rõ là « mọi thứ đang được đàm phán, kể cả chính sách một nước Trung Hoa ».

Bên cạnh đó, tổng thống tân cử Mỹ còn biện minh về cuộc trao đổi điện đàm với tổng thống Đài Loan, bà Thái Anh Văn, khi nhắc lại rằng trong năm 2016, Washington đã bán cho Đài Bắc « 2 tỷ đô la trang thiết bị quân sự đời mới nhất ».

Hồi trung tuần tháng 12/2016, ông Donald Trump đã đe dọa không công nhận nguyên tắc « một nước Trung Hoa», vốn từng là nguyên nhân dẫn đến việc Hoa Kỳ cắt đứt bang giao với Đài Loan năm 1979. - RFI
|
|

3.
Cúp Bóng Đá Thế Giới 2018 trên đất Nga sẽ không có đội Nga?

Sau bản báo cáo McLaren, nêu bật tình trạng doping cấp Nhà nước tại Nga, lãnh đạo của 19 cơ quan quốc gia chống doping họp lại tại Dublin (Ireland) ngày 11/01/2017 đã cho rằng.Nga nên bị trục xuất ra khỏi mọi cuộc thi đấu thể thao, kể cả Cúp Bóng Đá Thế Giới mà nước này tổ chức năm 2018. Đây là rắc rối mới nhất mà Matxcơva phải đối phó sau khi hệ thống dùng chất kích lực trái phép do chính Nhà Nước Nga tổ chức bị vạch trần.

Bản thông cáo công bố sau cuộc họp hôm 10/01 nêu rõ : « Dưới ánh sáng của bản báo cáo McLaren thứ hai, lãnh đạo (các cơ quan quốc gia phòng chống doping) đã yêu cầu khai trừ mọi tổ chức thể thao Nga ra khỏi tất cả các cuộc thi đấu quốc tế ». Báo cáo được nhắc đến là bản phúc trình của luật gia người Canada McLaren, đã cho thấy rõ sự tồn tại của một hệ thống doping được thể chế hoá tại Nga, điều mà Matxcơva cực lực phủ nhận.

Chủ tịch cơ quan phòng chống doping của Mỹ Travis Tygart xác nhận với trang web chuyên theo dõi thời sự thế vận insidethegames rằng đề nghị trục xuất sẽ bao gồm cả Cúp Bóng Đá Thế Giới 2018 tổ chức tại Nga.

Về việc có để cho Nga tiếp tục đăng cai Cúp Bóng Đá Thế Giới 2018 hay không, quan điểm của Liên Đoàn Bóng Đá Thế Giới rất rõ : Không có gì thay đổi. Theo ông Gianni Infantino, chủ tịch FIFA, không có lý do gì để cấm không cho Nga tổ chức World Cup 2018. FIFA, theo ông, không phải là sen đầm thế giới, cũng không phải là cảnh sát quốc tế chống doping. Tuy nhiên FIFA sẽ không coi nhẹ các cáo buộc nêu lên trong bản báo cáo McLaren.

Các quan chức trong lãnh vực phòng chống doping họp tại Dublin – trong đó có các đại diện Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp và Đức – cũng cho rằng nên cho các vận động viên Nga tham gia với tư cách cá nhân vào các cuộc thi quốc tế với điều kiện là những người này đáp ứng đầy đủ các cuộc kiểm tra chống doping.

Vào đầu tháng 12 vừa qua, luật gia Richard McLaren đã công bố phần cuối bản báo cáo về tệ nạn dùng doping ở Nga mà phần đầu đã được đưa ra công chúng trước khi khai mạc Thế Vận Hội Rio, cho thấy cả một hệ thống doping được thể chế hóa ở Nga. Phần hai của cuộc điều tra cho thấy là đã có hơn 1000 vận động viên Nga trong hơn 30 bộ môn thể thao đã « được hưởng » chế độ doping đó.

Chính quyền phủ nhận nhưng thể thao Nga tiếp tục bị tẩy chay

Trung thành với lập trường cố hữu cố hữu của mình, chính quyền Nga đã phủ nhận mọi cáo buộc. Theo hãng tin R-Sport, được Ria Novosti trích dẫn, phó thủ tướng Nga Vitali Mutko đã lớn tiếng kêu gọi : « Đừng chú ý đến các báo cáo đó. Đó chỉ là một cuộc tấn công cố ý, nhằm hạ uy tín ngành thể thao Nga ».

Dẫu sao thì vào mùa hè 2016, gần như toàn bộ các vận động viên điền kinh Nga cùng với rất nhiều tuyển thủ trong các bộ môn thể thao khác bị cấm tham dự Thế Vận Hội Rio. Nga cũng bị loại hoàn toàn khỏi Thế vận hội dành cho người khuyết tật Paralympic diễn ra sau đó cũng tại Brazil.

Gần đây, một loạt tuyển thủ Nga đã bị tước các huy chương mà họ đã giành được tại Olympic Bắc Kinh 2008 và Luân Đôn 2012, sau khi có kết quả dương tính với xét nghiệm doping.

Mới đây, ngày 13/12/2016, Nga cũng đã bị tước quyền đăng cai Giải Vô Địch trượt băng lòng máng thế giới (bobsleigh và skeleton) dự kiến diễn ra vào tháng 2 năm 2017 tại thành phố Sochi.

Ở bộ môn biathlon, tức là hai môn phối hợp trượt tuyết đường trường và bắn súng, nhà vô địch người Pháp Martin Fourcade đã đe dọa là sẽ tẩy chay các trận đấu trong khuôn khổ Cúp Thế Giới, nếu Liên Đoàn Biathlon Quốc Tế rộng lượng đối với các vận động viên Nga bị tố cáo doping. Bản báo cáo MacLaren có nêu tên của 31 vận động viên biathlon của Nga phạm tội doping. - RFI
|
|

4.
TT Philippines cho phép "dội bom" cả kẻ bắt cóc lẫn con tin --- Tổng thống Philippines dọa thiết quân luật

Với nhận định cần phải « triệt để » bài trừ tệ nạn Hồi Giáo võ trang bắt cóc con tin để tống tiền, tổng thống Philippines cho phép quân đội truy kích thủ phạm bằng bom và đại bác, bất chấp tính mạng của con tin.

Hôm nay, 15/01/207, trong cuộc tiếp xúc với giới doanh nghiệp tại Davao, vốn đang lo âu vì nạn bắt cóc du khách, kiều dân người nước ngoài, tổng thống Rodrigo Duterte cho biết chọn giải pháp triệt để và đã thông báo với hai nước láng giềng Malaysia và Indonesia.

Biện pháp đó là mỗi khi có một vụ bắt cóc, lực lượng an ninh trên bộ, trên biển và quân đội có quyền sử dụng « bom » để truy kích. Tổng thống Philippines khẳng định cái giá phải trả để tiêu diệt trừ căn bệnh trầm kha này là « chấp nhận thiệt hại sinh mạng của con tin ».

Đảo Mindanao với thủ phủ Davao là địa bàn hoạt động của nhóm Hồi Giáo Abu Sayyaf, chuyên bắt con tin. Một ngày trước khi tổng thống Philippines đưa ra tuyên bố sắt máu này, nhóm Abu Sayyaf đã trả tự do cho một thuyền trưởng người Hàn Quốc và một thủy thủ Philippines sau ba tháng giam giữ.

Mặt khác, tổng thống Duterte cũng đe dọa sẽ ban hành « tình trạng thiết quân luật » nếu cuộc chiến chống tệ nạn ma túy của ông không tiến triển. Nhà lãnh đạo xuất thân là luật sư tuyên bố « nếu tôi muốn thì không ai có quyền đối đầu với tôi ». Hơn 5.700 người đã bị giết chết từ khi tổng thống Duterte tung ra chiến dịch bài trừ ma túy cách nay 6 tháng. - RFI

***
Tổng thống Philippines đưa ra lời đe dọa thiết quân luật đối với nước ông.

Phát biểu với các thành viên Phòng Thương mại ở thành phố miền nam Davao hôm thứ Bảy, 14/1, ông Rodrigo Duterte nói nếu cuộc chiến chống ma túy trở nên "thực sự rất nguy hiểm" thì ông sẽ tuyên bố thiết quân luật. Ông nói "Không ai có thể ngăn được tôi". Ông cho biết mục tiêu của một động thái như vậy là nhằm "bảo tồn dân tộc Philippines và thanh niên của đất nước này".

Vị tổng thống gây tranh cãi từng cam kết sẽ quét sạch ma túy bất hợp pháp. Trong sáu tháng đầu tiên của cuộc trấn áp ma túy của ông, gần 6.000 người đã bị cảnh sát và đội dân phòng giết chết. Điều này dẫn đến những chỉ trích của các nhóm nhân quyền, Liên Hiệp Quốc và Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ông Duterte đã tuyên bố sẽ không màng đến những lời chỉ trích, vẫn tiếp tục trấn áp, và đã thách các đối thủ của ông để loại bỏ ông khỏi quyền lực.

Philippines trải qua thiết quân luật dưới thời chế độ độc tài Ferdinand Marcos.

Cũng hôm thứ Bảy, ông Duterte cho biết ông đã ra lệnh cho quân đội "bắn tan xác" những kẻ cực đoan chạy trốn cùng với những người bị chúng bắt cóc. Về điều này, vị tổng thống nói: "Người ta hỏi 'Thế còn các con tin thì sao?’ Rất tiếc, đó là thiệt hại đi kèm". Ngoài ra, ông đưa ra lời khuyên cho những ai có thể trở thành nạn nhân: "Vì vậy, quả thực quý vị đừng để mình bị bắt cóc". - VOA
|
|

5.
Israel và Palestine vắng mặt tại hội nghị hòa bình Paris

Trong một nỗ lực cứu vãn hòa bình cho Israel và Palestin, một hội nghị quốc tế hôm nay 15/01/2017 mở ra tại Paris, với sự tham gia của gần 70 nước. Mục tiêu nhằm tái khẳng định cam kết của cộng đồng quốc tế ủng hộ giải pháp hai nhà nước và cố gắng tạo điều kiện thúc đẩy hai bên đối thoại.

Hội nghị có sự góp mặt của ông John Kerry, nhân chuyến công du nước ngoài cuối cùng, với tư cách ngoại trưởng Mỹ, nhưng lại thiếu vắng hai thành tố chủ chốt là Israel và Palestine.

Từ Jerusalem, thông tín viên đài RFI, Guilhem Delteil giải thích vì sao :

Palestine xem hội nghị như là một cơ hội cuối cùng. Do không có tiến triển « năm tới, chúng tôi sẽ gặp lại để thảo luận về giải pháp một nhà nước », một cố vấn của ông Mahmoud Abbas khẳng định.

Đối mặt với sự bế tắc của các cuộc thương thuyết song phương từ năm 2010, một người thân cận khác của tổng thống Palestine hoan nghênh sự can dự của cộng đồng quốc tế. Trích dẫn những nỗ lực hòa bình tại Syria, thỏa thuận hạt nhân đạt được với Iran, vị cố vấn này tự hỏi : « Tại sao xung đột Israel-Palestine lại là cuộc xung đột duy nhất phải được giải quyết qua ngã song phương ? »

Nhưng chính vì sự can dự của quốc tế này mà Israel từ chối tham gia. Chính phủ nước này nói là hội nghị đó đưa ra ảo tưởng cho người Palestine rằng họ có thể trông cậy vào sự giúp đỡ của các nước khác để đạt được hòa bình thay vì đàm phán trực tiếp với Israel.

Người dân Palestine hy vọng rằng hội nghị này sẽ hỗ trợ cho nghị quyết mới đây của Liên Hiệp Quốc, lên án chính sách xây dựng các khu định cư Do Thái trên lãnh thổ Cisjordani. Họ cũng hy vọng rằng hội nghị sẽ thiết lập một ủy ban giám sát, có khả năng lập báo cáo về các tiến bộ hay những thụt lùi trên địa bàn. Thủ tướng Benyamin Netanyahu cho đấy là những quan điểm bài Do Thái và Israel sẽ không tôn trọng.'

Biểu tình chống thủ tướng Israel

Trong khi đó, tại Tel-Aviv, ngày 14/01/2017, hàng trăm người xuống đường biểu tình đòi thủ tướng Benyamin Netanyahu từ chức, sau tiết lộ của một kênh truyền hình cho rằng thủ tướng Israel có lẽ đã mua chuộc báo chí để có những bài viết tô điểm hình ảnh của ông.

Cuộc biểu tình diễn ra trong bối cảnh thủ tướng Netanyahu bị cáo buộc tham nhũng và đang trong tầm ngắm của các nhà điều tra. - RFI
|
|

6.
Pháp tổ chức hội nghị hòa bình Trung Đông

Pháp hiện tổ chức hội nghị quốc tế để thúc đẩy giải pháp hai nhà nước vì hòa bình ở Trung Đông.

Tại lễ khai mạc hội nghị hôm Chủ nhật, 15/1, Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault phát biểu: "Trách nhiệm tập thể của chúng ta là đưa người Israel và Palestine trở lại bàn đàm phán. Chúng tôi biết đó là việc khó, nhưng liệu có gì khác thay thế được?"

Các đại biểu đến từ hơn 70 quốc gia hiện dự hội nghị Paris để thể hiện sự phản đối của họ đối với các khu định cư của Israel tại các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, kể cả Đông Jerusalem.

Không có đại diện của Israel lẫn Palestine dự hội nghị.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói hội nghị Paris là "vô ích và gian lận".

Hồi tháng trước, Hoa Kỳ đã có động thái lịch sử là bỏ phiếu trắng khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lên án Israel về các khu định cư ở lãnh thổ Palestine. Trong những năm trước, đối với các nghị quyết tương tự, Hoa Kỳ đã sử dụng quyền phủ quyết của mình, với tư cách là một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, để hủy các nghị quyết.

Động thái này được xem là một quyết định của Tòa Bạch Ốc nhằm đưa ra tuyên bố về quan điểm đối với Trung Đông vào lúc chính quyền của ông Obama đang dần kết thúc 8 năm nắm quyền.

Hơn 500.000 người Israel sống ở Đông Jerusalem và Bờ Tây trong các khu định cư mà hầu hết các chính phủ trên thế giới xem là bất hợp pháp. Chính quyền của ông Obama cũng đã gọi các khu đó là "bất hợp pháp". - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

7.
Báo Anh: Trump muốn gặp Putin tại Iceland

Tổng thống tân cử Hoa Kỳ Donald Trump dự kiến một cuộc gặp thượng đỉnh với đồng nhiệm Nga, Vladimir Putin tại Iceland trong vài tuần tới. Nhật báo Anh Sunday Times ngày 15/01/2017 cho biết như trên.

Nhật báo Anh trích dẫn một nguồn thạo tin cho hay ông Donald Trump muốn hâm nóng quan hệ với điện Kremlin. Cuộc gặp với đồng nhiệm Nga rất có thể sẽ là tại Iceland. Ý tưởng này dường như được Matxcơva ủng hộ.

Về phần mình, tuy lên tiếng phủ nhận là không hay biết về dự định này nhưng chính phủ Iceland cho biết sẵn sàng tiếp đón một cuộc gặp thượng đỉnh cho phép cải thiện mối quan hệ giữa Washington và Matxcơva.

Việc chọn xứ sở này làm điểm hẹn cũng không phải là một sự ngẫu nhiên. Nơi đây từng chứng kiến sự kiện Hoa Kỳ và Liên Xô cải thiện bang giao, tại một cuộc họp thượng đỉnh được tổ chức ở Reykjavik năm 1986 giữa hai nguyên thủ lúc bấy giờ là tổng thống Mỹ Ronald Reagan và tổng bí thư đảng Cộng Sản Liên Xô Mikhail Gorbatchev. - RFI
|
|

8.
Nhiều cuộc biểu tình chống ông Trump làm tổng thống

Hôm thứ Bảy, 14/1, tại một nhà thờ cổ kính của người Mỹ gốc Phi ở trung tâm thủ đô Washington, Thượng nghị sĩ Chris Van Hollen, đảng viên Dân chủ bang Maryland, phát biểu: "Chúng ta sẽ không cho phép ông Donald Trump chôn Tượng Thần Tự do".

Ông Van Hollen đã phát biểu tại một trong hàng chục cuộc biểu tình diễn ra ở nhiều nơi của Hoa Kỳ hôm thứ Bảy khi còn vài ngày nữa là đến lễ nhậm chức tổng thống của ông Donald Trump.

Tại Washington, Mục sư Al Sharpton đã dẫn đầu cuộc tuần hành "Chúng ta sẽ không lay chuyển". Ông Sharpton phát biểu: "Chúng tôi muốn nói với các đảng viên Dân chủ tại Thượng viện và Hạ viện và những người ôn hòa của đảng Cộng hòa rằng họ phải mạnh mẽ, can đảm". Ông nói như vậy khi kêu gọi các chính trị gia đương đầu với ông Trump và không cho phép ông và các đảng viên trong cùng đảng Cộng hòa tiến hành các chính sách mà những đối thủ của ông Trump nói rằng sẽ bất lợi cho người nghèo và tầng lớp lao động.

Đám đông reo hò tại một cuộc mít tinh ở Chicago khi Bassam Osman, chủ tịch và đồng sáng lập của Hội đồng Các tổ chức Hồi giáo vùng Đại Chicago phát biểu khai mạc với lời cầu nguyện: "Lạy Chúa, đất này là đất của Ngài, không phải là đất của Trump".

Tại Los Angeles, Jorge Mario-Cabrera, phát ngôn viên của Liên minh vì Quyền Di dân Nhân đạo của Los Angeles, phát biểu: "Chúng tôi thông báo với chính quyền của ông Trump rằng chúng tôi sẽ không ngồi yên khi ông phá hủy cộng đồng của chúng tôi".

Sau khi ông Trump nhậm chức hôm thứ Sáu, 20/1, ở Washington, có tới 200.000 người từ khắp nơi của nước Mỹ dự kiến sẽ tham dự cuộc tuần hành của phụ nữ hôm thứ Bảy để phản đối nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

9.
VN-TQ thỏa thuận 'kiểm soát bất đồng' Biển Đông

Việt Nam và Trung Quốc cam kết 'kiểm soát bất đồng và tăng cường hợp tác' trong vấn đề Biển Đông, thông cáo chung được đưa ra hôm thứ Bảy trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.

Sau các trao đổi 'thẳng thắn', hai nước đồng ý "kiểm soát bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông", theo nội dung thông cáo.

Trong các tuyên bố công khai, các lãnh đạo Trung Quốc và Việt Nam thường nói về lợi ích chung trong mối quan hệ bạn bè, láng giềng 'truyền thống', nhưng những tuyên bố chủ quyền trên biển đã trở thành nguyên do chính gây căng thẳng giữa hai nước trong những năm gần đây.

Trong thông cáo chung, hai bên cũng đồng ý tiếp tục thực hiện 'toàn diện và hiệu quả' Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và hướng tới việc thống nhất, sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

'Thành công to lớn'

Nội dung thông cáo cho thấy cả hai bên tin rằng chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng đã "đạt thành công to lớn" trong việc nâng cao sự tin cậy chính trị giữa hai bên, thắt chặt quan hệ hữu nghị truyền thống, củng cố quan hệ đối tác chiến lược hợp tác toàn diện, và đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực, Tân Hoa Xã nói.

Hồi tháng Chín 2016, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Thủ tướng Việt Nam trong chuyến thăm của ông Nguyễn Xuân Phúc tới Bắc Kinh rằng các lợi ích chung của hai quốc gia lớn hơn nhiều so với những khác biệt, và kêu gọi giải quyết tranh chấp ở Biển Đông thông qua đối thoại.

Ngay trong ngày đầu Tổng Bí thư Trọng tới Bắc Kinh, hôm 12/1, ông Tập Cận Bình khi đón tiếp nhà lãnh đạo Việt Nam cũng nói rằng quan hệ hai nước 'vừa là đồng chí, vừa là anh em', và lặp lại việc ông hy vọng hai nước sẽ quản lý, kiểm soát đúng đắn những bất đồng.

Trung Quốc và Việt Nam có lịch sử quan hệ từ lâu. Hai quốc gia thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức vào năm 1950.

Tuy có thời gian xấu đi do cuộc chiến tranh biên giới 1979, nhưng hai nước nay đang có những bước đi nhằm cải thiện quan hệ trong một số lĩnh vực, trong đó có quân sự và kinh tế. - BBC
|
|

10.
John Kerry tìm về 'trận phục kích 1969'

Vị ngoại trưởng sắp mãn nhiệm của Hoa Kỳ John Kerry trong chuyến công du Việt Nam đã tới Đồng bằng Sông Cửu Long nơi ông từng bị phục kích trong cuộc chiến Việt Nam.

Cựu trung úy hải quân trong hành trình tới Cà Mau đã gặp người lính Việt Cộng, nay 70 tuổi và vẫn còn nhớ rõ về vụ tấn công hồi năm 1969.

Hai người bắt tay nhau nồng ấm.

Ông Kerry, người đang có chuyến đi cuối cùng trong cương vị ngoại trưởng Hoa Kỳ, đã được trao huân chương quả cảm về các hoạt động trong cuộc chiến, nhưng sau khi về nước ông đã trở thành người tích cực vận động phản chiến.

Ông Kerry nói với cựu thù, Võ Ban Tâm, rằng ông rất vui mừng vì cả hai đều còn sống.

Ông Tâm, nay là một nhà nông nuôi tôm, nói rằng ông biết người bị ông Kerry bắn chết, và vẫn nhớ về kế hoạch tấn công khi nhóm của ông phát hiện ra tàu tuần tra của Mỹ.

Nhóm Việt Cộng có súng phóng lựu B-40 (RPG-7) đã bắn vào nhóm lính Mỹ nhằm nhử đối phương vào tầm phục kích.

Tuy nhiên, ông Kerry đã có hành động táo bạo khi nhảy lên bờ, đuổi theo những kẻ tấn công và bắn chết người điều khiển súng phóng lựu.

Ông Kerry, khi đó 26 tuổi, đã được ca tụng về lòng dũng cảm và về việc cứu sống cả nhóm lính Mỹ tuần tra, và được trao tặng huy chương chiến đấu Sao Bạc.

Ông Tâm cho biết người bị giết chết tên là Ba Thanh, khi đó 24 tuổi.

"Anh ấy là một người lính giỏi," ông nói với ông Kerry.

Ông Kerry chưa từng biết tên, tuổi của người bị ông bắn chết.

Khi thua cử trong cuộc đua ghế tổng thống Hoa Kỳ hồi 2004, ông Kerry đã bị những người chỉ trích cáo buộc bắn chết một thiếu niên tuổi dưới 20.

Ông Ngoại trưởng đang có chuyến thăm Việt Nam trong chặng dừng chân đầu tiên của chuyến công du nước ngoài cuối cùng, trước khi chính quyền mới của ông Donald Trump nhậm chức vào tuần tới.

Đây là chuyến đi thứ tư của ông tới Việt Nam trong vị trí quan chức ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ.

Làm việc dưới quyền Tổng thống Barack Obama, ông nổi tiếng về lòng nhiệt huyết trong việc tích cực nỗ lực cải thiện quan hệ Mỹ-Việt. - BBC
|
|

11.
Thủ tướng Nhật tới Việt Nam

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ đặt chân tới Việt Nam vào ngày 16/1, sau khi công du một loạt các quốc gia như Philippines, Australia và Indonesia.

Theo Bộ Ngoại giao "xứ sở mặt trời mọc", chuyến thăm của ông Abe và phu nhân sẽ kéo dài tới ngày 17/1.

Tin từ trong nước cho hay, người đứng đầu nội các Nhật sẽ hội đàm với các quan chức Việt Nam, và sẽ có buổi họp báo vào tối 16/1.

Khi được hỏi về chuyến công du Việt Nam này, giáo sư Carl Thayer nói rằng “Thủ tướng Abe đang chủ động nắm giữ vai trò lãnh đạo trong khi chính quyền Mỹ trong thời kỳ chuyển giao quyền lực”.

Chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam từ Australia nhận định tiếp rằng ông Abe “sẽ đề xuất việc Nhật Bản làm đối trọng với Trung Quốc”, và rằng ông Abe “quan ngại về việc duy trì an ninh khu vực ở Đông Á”.

Trước khi tới Việt Nam, Thủ tướng Nhật cũng đi thăm các nước Philippines, Australia và Indonesia.

Philippines và Việt Nam là hai trong số các nước có tuyên bố chủ quyền với Trung Quốc ở biển Đông, trong khi Nhật có tranh chấp chủ quyền trái ngược với Bắc Kinh ở biển Hoa Đông.

Kyodo đưa tin rằng chuyến công du sáu ngày của ông Abe tới các nước trên nhằm mục đích “củng cố hợp tác an ninh trong bối cảnh Trung Quốc mạnh mẽ khẳng định chủ quyền lãnh hải”.

Hãng này dẫn lời một quan chức cấp cao của Nhật nói rằng Tokyo “hy vọng sẽ thực thi vài trò lãnh đạo nhằm thúc đẩy sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các quốc gia ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương vào thời điểm gia tăng nhiều sự bất ổn trong các lĩnh vực kinh tế, an ninh và chính trị”.

Mới đây, Kyodo đưa tin rằng Nhật Hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko “đang hoạch định kế hoạch thực hiện chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam vào đầu tháng Ba".

Hãng này dẫn lời một nguồn tin thân cận với hoàng gia nước này cho biết rằng chuyến thăm nhằm "bày tỏ thiện chí", vì Nhật Hoàng Akihito và phu nhân thường nhận được lời mời tới thăm Việt Nam khi lãnh đạo nước này tới thăm “xứ sở mặt trời mọc”.

Theo Infonet, năm 2016, Nhật Bản là một trong “4 thị trường xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD của Việt Nam trong số hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại” với Hà Nội. - VOA



No comments:

Post a Comment