Wednesday, January 11, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Tư 11/1

Tin Thế Giới

1.
Mỹ: Máy bay ném bom TQ bay quanh Trường Sa để giương oai --- Tillerson: Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Biển Đông là “phi pháp” --- Ứng viên tân Ngoại trưởng Mỹ: Nguy cơ biến đổi khí hậu là hiện hữu

Một máy bay ném bom chiến lược H-6 của Trung Quốc đã bay quanh quần đảo Trường Sa vào cuối tuần qua trong một màn biểu dương lực lượng mới ở khu vực Biển Đông đang tranh chấp, một giới chức Mỹ cho Reuters biết hôm thứ Ba.

Đây là lần thứ hai máy bay ném bom Trung Quốc bay ở Biển Đông trong năm nay. Lần đầu tiên là vào ngày 1 tháng 1, theo lời một giới chức giấu tên của Mỹ.

Giới chức này nói chuyến bay này có thể được xem là một màn “biểu dương lực lượng chiến lược” của Trung Quốc.

Động thái trên diễn ra sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tỏ dấu hiệu cho thấy ông sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc khi ông nhậm chức vào ngày 20 tháng 1. Ông Trump chỉ trích Bắc Kinh trên trang Twitter về những hoạt động thương mại của nước này và cáo buộc Trung Quốc không giúp Hoa Kỳ kiềm chế chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Trung tá Hải quân Gary Ross, một phát ngôn viên của Ngũ Giác Đài, nói ông không bình luận cụ thể về các hoạt động của máy bay ném bom Trung Quốc gần đây, nhưng ông nói rằng “Chúng tôi tiếp tục quan sát một loạt các hoạt động quân sự đang diễn ra của Trung Quốc trong khu vực”.

Hồi tháng 12, một máy bay ném bom H-6 của Trung Quốc đã bay dọc theo “đường chín đoạn” mà nước này sử dụng để lập bản đồ yêu sách chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, một tuyến đường thương mại toàn cầu mang tính chiến lược. Chiếc máy bay này cũng bay vòng quanh Đài Loan, đảo quốc mà Trung Quốc coi là một tỉnh ly khai. - VOA

***
Ngoại trưởng Mỹ được chỉ định Rex Tillerson bày tỏ mối quan ngại về hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, khẳng định việc Bắc Kinh xây đảo nhân tạo ở vùng biển này là « phi pháp ».

Hôm nay, 11/01/2017, ông Rex Tillerson, nhân vật được tổng thống tân cử Hoa Kỳ Donald Trump chỉ định là Ngoại trưởng, sẽ ra trước Thượng viện Mỹ trong phiên điều trần nhằm thông qua việc bổ nhiệm các bộ trưởng trong chính quyền mới.

Êkíp chuyển tiếp quyền lực của ông Trump đã phân phát trước bài phát biểu mở đầu phiên điều trần mà ông Tillerson sẽ đọc hôm nay. Trong bài phát biểu này, Ngoại trưởng Mỹ được chỉ định bày tỏ mối quan ngại của ông trước những hành động của Trung Quốc ở các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, đặc biệt là việc xây dựng đảo nhân tạo dùng làm căn cứ quân sự. Ông Tillerson khẳng định : « Việc Trung Quốc xây đảo ở Biển Đông là một hành động chiếm giữ phi pháp các vùng tranh chấp, bất chấp các chuẩn mực quốc tế ».

Theo báo chí Mỹ, tuyên bố nói trên của ông Tillerson chắc chắn sẽ gặp phản ứng mạnh từ phía Trung Quốc, vốn đã rất bực tức về vụ ông Donald Trump điện đàm với tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, đi ngược lại chính sách của Washington chỉ công nhận một nước Trung Quốc duy nhất.

Hôm qua, một giới chức Hoa Kỳ, xin được giấu tên, tiết lộ là một oanh tạc cơ chiến lược H-6 của Trung Quốc đã bay bên trên quần đảo Trường Sa vào cuối tuần qua, nhằm một lần nữa biểu dương lực lượng ở vùng Biển Đông. Đây là phi vụ thứ hai của một oanh tạc cơ Trung Quốc trên vùng Biển Đông trong năm nay, sau phi vụ đầu tiên vào đúng ngày đầu năm. - RFI

***
Người được Tổng thống tân cử Donald Trump đề nghị làm Ngoại trưởng khẳng định nguy cơ của biến đổi khí hậu là hiện hữu và rằng hậu quả có thể nghiêm trọng tới mức phải hành động.

Tại buổi điều trần của Quốc hội ngày 11/1 liên quan đến việc ông được đề cử, trước câu hỏi rằng ông có tin là hoạt động của con người góp phần làm biến đổi khí hậu hay không, ông Rex Tillerson không trả lời thẳng là có hay không. Thay vào đó, ông Tillerson phát biểu: “Sự gia tăng tích tụ khí nhà kính trong khí quyển đang có ảnh hưởng. Khả năng dự đoán của chúng ta về hiệu ứng đó còn rất hạn chế.”

Ông Tillerson là cựu giám đốc điều hành chính của tập đoàn Exxon Mobil.

Hơn 190 quốc gia trong đó có Hoa Kỳ đã cam kết trong hiệp ước Paris sẽ giảm khí thải nhà kính làm tăng nhiệt và nước biển dâng cao, gây hạn hán trầm trọng và tạo ra những đợt nóng.

Ông Donald Trump trong thời gian tranh cử từng tuyên bố biến đổi khí hậu là trò bịp của Trung Quốc và rằng ông sẽ tìm cách rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận chung về biến đổi khí hậu mà các nước ký tại Paris vào năm 2015 và rút tiền thuế của người dân Mỹ ra khỏi các chương trình chống tăng nhiệt toàn cầu.

Nhiều nước đã bày tỏ hy vọng rằng phát biểu của ông Trump khi tranh cử không thật sự là tâm ý của ông. Một số nước trực tiếp kêu gọi ông thay đổi nhận thức về vấn đề này. - VOA
|
|

2.
Quan hệ thương mại Mỹ-Trung sau khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức --- TQ hứa cổ súy toàn cầu hóa tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới

Thế giới sẽ theo dõi khi doanh gia Donald Trump chính thức tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1 để trở thành vị Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, và có ít quốc gia để tâm theo sát sự kiện này cho bằng Trung Quốc. Hiện kim ngạch mậu dịch giữa hai nước đạt gần 600 tỉ đôla hàng năm, phần lớn những trao đổi thương mại này, trị giá ước lượng 466 tỉ đôla, là do hàng sản xuất ở Trung Quốc bán vào thị trường Mỹ. Ông Trump đã đề nghị các biện pháp để giảm tình trạng mất cân bằng mậu dịch, nhưng một số người lo sợ các biện pháp được đề nghị và những lời lẽ cứng rắn của ông Trump có thể phương hại tới các quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington, đồng thời làm suy yếu nền kinh tế toàn cầu. Thông tín viên Mil Arcega của VOA có thêm các chi tiết sau đây.

Về vấn đề thương mại quốc tế, ứng cử viên Tổng thống Donald Trump rất thẳng thừng.

“Chúng ta sẽ thương thuyết một thoả thuận thương mại thật tốt đẹp, và nếu chúng ta không làm được như vậy, thì đường ai nấy đi.”

Để đối phó với tình trạng thâm thủng mậu dịch của Mỹ với Trung Quốc, ông Trump đề nghị tăng thuế quan đánh trên hàng hoá do Trung Quốc sản xuất, và bổ nhiệm những nhân vật chỉ trích Trung Quốc để chịu trách nhiệm về chính sách thương mại. Nhưng nhà nghiên cứu Bill Galston thuộc Viện Brookings tỏ ra nghi ngại về những lập luận của ông Trump. Ông Galston phát biểu:

“Ý kiến cho rằng đây chỉ là con đường một chiều, chúng ta có thể đe doạ Trung Quốc nhưng Trung Quốc không thể đe doạ chúng ta để đáp trả, tôi nghĩ là quá thô thiển.”

Ông Galston nói Trung Quốc có thể trả đũa nếu Hoa Kỳ áp đặt các điều kiện mới. Nhưng các giới chức Trung Quốc nói rằng quyền lợi của cả hai nước sẽ bị phương hại nếu hai bên đối đầu nhau.

Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, ông Thôi Thiên Khải, phát biểu:

“Bất cứ cuộc chiến tranh thương mại nào, đặc biệt là chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, sẽ gây thiệt hại năng nề cho cả hai nền kinh tế và cũng sẽ phương hại tới nền kinh tế toàn cầu.”

Sự thực là, Hoa Kỳ cần tới Trung Quốc cũng tương đương với mức độ Trung Quốc cần Hoa Kỳ.

Ông Justin Urquhart Stewart, thuộc nhóm đầu tư Seven Investment Management, nhận định:

“Ông Donald Trump cần tới người Trung Quốc bởi vì suy cho cùng, họ cũng là chủ nợ lớn thứ nhì của Hoa Kỳ, và có lẽ ông cũng muốn họ mua thêm nữa và đừng bán các khoản nợ đó. Mặt khác, người Trung Quốc cũng cần tới người Mỹ bởi vì Mỹ là một trong những đối tác mậu dịch lớn nhất của Trung Quốc. Họ muốn người Mỹ tiếp tục mua hàng hoá của Trung Quốc.”

Các chuyên gia mậu dịch nói gạt qua thương mại với Trung Quốc hoặc với các nước khu vực Á Châu-Thái Bình Dương khác sẽ không phục hồi những công ăn việc làm đã mất, mà có phần chắc sẽ phương hại tới nền kinh tế Mỹ và tạo ra một môi trường bất định đối với các nền kinh tế mới nổi cũng như các nền kinh tế đã phát triển.

Nhưng ông Chad Bown, một kinh tế gia từng làm việc tại Ngân Hàng Thế giới, nói những lời lẽ cứng rắn của ông Trump có lẽ chỉ là một chiêu trò để thương thuyết hơn là một hành vi thù nghịch đối với một đối tác thương mại quan trọng. Ông Bown nhận định:

“Rõ rệt là như thế về mặt lời lẽ và lập luận, nhưng cũng có thể một phần đó là phong cách của ông Trump, đối phó với những vấn đề như thế theo hướng tiếp cận của một doanh nhân, muốn mặc cả thương thuyết hơn là hướng tiếp cận của một nhà ngoại giao hay của một chính khách lớn.”

Bất chấp nghị trình phản thương mại của ông Trump, gạt sang một bên Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương-TPP, cùng lúc đe doạ tái thương thuyết các thoả thuận đã ký kết như hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ, tức NAFTA, ông Bown nói hành động chứ không phải là những lời phát biểu, sẽ quyết định số phận của các quan hệ Mỹ-Trung. - VOA

***
Chủ tịch Trung Quốc sẽ cổ súy ‘toàn cầu hóa nhiều thành phần’ tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF trong tháng này tại Davos, đồng thời đưa ra khuyến cáo rằng các chính sách dân túy có thể gây ra chiến tranh và nghèo đói, theo nguồn tin từ giới chức Trung Quốc ngày 11/1.

Diễn đàn năm nay, từ 17-20/1, dự kiến sẽ có rất nhiều thảo luận về tinh thần chống toàn cầu hóa ngày càng tăng và sự trỗi dậy của Tổng thống tân cử Donald Trump, người đắc cử một phần nhờ vào những luận điệu cứng rắn về thương mại trong đó có những cam kết áp thuế nặng tay với Trung Quốc và Mexico.

Ông Tập Cận Bình sẽ là Chủ tịch Trung Quốc đầu tiên tham dự Diễn đàn WEF thường niên tại Davos, nơi quy tụ các chính khách và lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu.

Ông Jiang Jianguo đứng đầu Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc cho hay ông Tập sẽ nhân dịp này thúc đẩy phát triển, hợp tác và toàn cầu hóa kinh tế.

Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Li Baodong cho biết đáp ứng trước quan ngại của cộng đồng quốc tế về toàn cầu hóa, Trung Quốc sẽ đưa ra trước những quan điểm về cách lèo lái toàn cầu hóa kinh tế theo hướng nhiều thành phần hơn.

Ông Li nói những chỉ trích của ông Trump và những người khác cho rằng Trung Quốc bảo hộ mậu dịch là không công bằng. Ông cũng cho biết các kênh giao tiếp giữa Bắc Kinh với toán chuyển tiếp của ông Trump tại Diễn đàn WEF đang ‘rộng mở’ nhưng có thể khó dàn xếp được một cuộc gặp.

Vài ngày sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc đã cam kết chống lại chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và thúc đẩy các thỏa thuận thương mại đa phương trong khi các doanh nghiệp nước ngoài làm ăn tại Trung Quốc lâu nay vẫn than phiền về các chính sách bảo hộ của Trung Quốc.

Ông Tập sẽ tham dự Diễn đàn ở Davos ngày 17/1, một phần trong chuyến công du 3 ngày tới Thụy Sĩ (15-18/1.) - VOA
|
|

3.
Mỹ sẽ không bắn hạ phi đạn liên lục địa của Bắc Triều Tiên

Quân đội Hoa Kỳ có thể theo dõi vụ thử phi đạn đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Bắc Triều Tiên và thu thập thông tin tình báo chứ không tiêu diệt phi đạn này, miễn là việc phóng phi đạn không tạo ra một mối đe dọa nào, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter cho biết vào hôm thứ Ba.

Hôm Chủ nhật, Bắc Triều Tiên tuyên bố có thể phóng thử một ICBM vào bất cứ lúc nào, từ bất kỳ vị trí nào mà lãnh tụ Kim Jong Un chỉ định. Nước này đổ lỗi chính sách thù địch của Hoa Kỳ là nguyên nhân buộc Bình Nhưỡng phải phát triển vũ khí.

Trong cuộc họp báo cuối cùng của mình trước khi chính quyền của Tổng thống Barack Obama mãn nhiệm sở vào ngày 20/1, ông Carter nói:

“Nếu phi đạn gây đe dọa, nó sẽ bị chặn lại. Nếu nó không đe dọa, chúng tôi không nhất thiết phải làm như vậy”.

Phát biểu của ông Carter đưa ra chỉ hơn một tuần sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cam kết rằng Bắc Triều Tiên sẽ không bao giờ thực hiện được lời đe dọa thử nghiệm ICBM của mình. Viết trên trang Twitter hôm 2/1, ông Trump nói “Điều đó sẽ không xảy ra!” - VOA
|
|

4.
Đánh bom tại Afghanistan, 5 nhà ngoại giao UAE thiệt mạng

Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) xác nhận 5 nhà ngoại giao của nước này đã chết trong vụ đánh bom ở tỉnh Kandahar, miền nam Afghanistan vào ngày thứ Ba, 10/1.

Các quan chức cấp cao của chính phủ Afghanistan cho biết vụ nổ bom đã giết chết ít nhất 11 người và làm bị thương 16 người khác. Tỉnh trưởng Homayun Azizi và Đại sứ các Tiểu vương quốc Arab thống nhất tại Kabul, ông Juma Mohammed Abdullah al-Kaabi, nằm trong số những người bị thương.

Hôm thứ tư, 11/1, ông Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum, Thủ tướng kiêm Phó Tổng thống của các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất cho biết trên Twitter rằng: “Không một ai, không lý do nào có thể biện minh cho việc đánh bom và giết hại những người đang đi giúp đỡ người khác".

Hôm thứ Ba, 10/1, Bộ Ngoại giao các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất cho biết Đại sứ Abdullah al-Kaabi đang công du đến tỉnh Kandahar với một sứ mệnh nhân đạo giúp trẻ em mồ côi Afghanistan và trao học bổng cho các học sinh.

Phe Taliban đã bác bỏ mọi dính líu đến vụ tấn công, và nói rằng Taliban không cài bom, nhưng lại quy vụ tấn công này cho "mâu thuẫn tại địa phương."

Ông Haroon Chakhansuri, phát ngôn viên của Tổng thống Afghanistan nói với các phóng viên tại Kabul rằng một nhóm viên chức cấp cao do các cố vấn an ninh quốc gia dẫn đầu đã được phái đến Kandahar để điều tra vụ tấn công khủng bố.

Một số nhà bình luận Afghanistan cáo buộc nước giáng liềng Iran đã hậu thuẫn cho vụ đánh bom này. Họ trích dẫn vụ bắt giữ nhiều người Iran ở tỉnh Herat gần đây và cáo buộc tỉnh trưởng láng giềng Farah rằng Taliban có nhận hỗ trợ quân sự của Iran.

Tehran phủ nhận các cáo buộc này, tuy nhiên Tehran thừa nhận có duy trì mối liên hệ "chính trị" với Taliban. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

5.
Ông Trump thừa nhận Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ --- Điện Kremlin khẳng định không thu thập hồ sơ mật về ông Trump --- Ông Trump phủ nhận Nga có thông tin mật về ông --- Ông Trump: Tường biên giới không chờ thương lượng với Mexico

Tổng thống tân cử Donald Trump ngày 11/1 thừa nhận là Nga có can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi tháng 11 vừa qua, nhưng ông nói thêm là nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin thích ông thì ông xem đó như “là một tài sản, chứ không phải là một của nợ.”

Tại cuộc họp báo đầu tiên trong gần 6 tháng, ông Trump nói ngay cả khi ông Putin ủng hộ ông thay vì ứng cử viên dân chủ Hillary Clinton, ông cũng sẽ cứng rắn hơn trong việc đối phó với nhà lãnh đạo Nga trên sân khấu thế giới khi ông lên cầm quyền vào tuần tới.

Ông phủ nhận về việc có quyền lợi tài chánh nào tại Nga và nói rằng, “Tôi không có thỏa thuận nào tại Nga, không có thỏa thuận nào có thể xảy ra, không có các khoản vay tại Nga.”

Được hỏi về vụ tin tặc mà các giới chức tình báo Mỹ tin là ông Putin ra lệnh, ông Trump nói “đáng lẽ ra ông ta không nên làm việc này.” - VOA

***
Điện Kremlin hôm thứ Tư nói cáo buộc các giới chức Nga thu thập những thông tin mật về Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump là “hoàn toàn phi lý.”

Hôm thứ Ba, hai giới chức Mỹ cho biết người đứng đầu 4 cơ quan tình báo Hoa Kỳ hồi tuần trước đã trình cho ông Trump những tài liệu mật, bao gồm các cáo buộc chưa được xác minh là tình báo Nga lấy được các thông tin mật của ông.

Phát biểu với các nhà báo, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov nói hồ sơ có chứa các cáo buộc trên là một trò lừa bịp nhằm làm tổn hại thêm các mối quan hệ Mỹ-Nga, vốn đã ở mức thấp nhất kể từ Chiến tranh Lạnh.

Ông nói Peskov nói: “Đây là một âm mưu nhằm phá hoại mối quan hệ song phương của chúng tôi. Đây là một chuyện viễn tưởng”.

Ông Peskov cũng bác bỏ những khẳng định sai trong hồ sơ là bản thân ông đã dính líu sâu vào việc điều hành một chiến dịch của Nga nhằm phá hoại nỗ lực tranh cử của cửa ứng viên tổng thống bị đánh bại là bà Hillary Clinton.

Ông Peskov nói điện Kremlin không hề liên quan đến việc thu thập các thông tin bị lộ của bất kỳ ai, mà thay vào đó, đang tập trung vào việc xây dựng mối quan hệ với các đối tác nước ngoài của Nga.

Vào tối thứ Ba, ông Trump đã bác bỏ thông tin cho rằng Nga có các thông tin mật về ông. Ông viết trên trang Twitter rằng “Tin giả. Một trò lừa bịp chính trị.”

Khi được hỏi về phản ứng trước khả năng có thể bị Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới, ảnh hưởng đến lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt của Nga, ông Peskov nói các biện pháp như vậy, nếu có, sẽ gây tổn hại cho Nga, cho mối quan hệ song phương và nền kinh tế toàn cầu. - VOA

***
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump hôm thứ Tư nói Nga chưa bao giờ tìm cách cài tôi vào thế, và ông đổ lỗi cho các cơ quan tình báo về các báo cáo cho rằng Moscow đã thu tập những thông tin mật về ông bị lộ.

Trong một loạt các đăng tải trên trang Twitter vài giờ trước khi diễn ra cuộc họp báo đầu tiên của ông trong gần sáu tháng qua, ông Trump đã chỉ trích các cơ quan tình báo “bắn cú chót” vào ông bằng việc rò rỉ thông tin.

“Chúng ta đang sống trong thời Đức quốc xã à?” ông Trump đặt câu hỏi.

Doanh nhân trở thành chính trị gia sẽ bước vào Tòa Bạch Ốc 9 ngày nữa nói thông tin của cơ quan tình báo trong tuần qua về việc Nga có các thông tin bị lộ về ông là “tin giả”.

Ông Trump viết trên trang Twitter: “Nga chưa bao giờ tìm cách cài tôi vào thế. Tôi không làm gì với Nga cả - KHÔNG GIAO DỊCH, KHÔNG NỢ NẦN, KHÔNG GÌ CẢ!” - VOA

***
Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump ngày 11/1 tuyên bố ông sẽ không chờ các cuộc thương lượng với Mexico hoàn tất trước khi khởi sự xây tường thành dọc theo biên giới hai nước hầu ngăn chặn di dân bất hợp pháp từ Mexico.

Tại cuộc họp báo hôm nay, ông Trump nhấn mạnh: “Tôi có thể chờ khoảng 1 năm rưỡi cho tới khi chúng ta kết thúc thương lượng với Mexico, những cuộc thương lượng sẽ khởi sự ngay lập tức sau khi chúng tôi nhậm chức, nhưng tôi không muốn chờ.”

Ông Trump cho biết người đứng phó của ông là Mike Pence đang dẫn đầu một nỗ lực nhằm đạt sự chuẩn thuận chung cuộc thông qua các cơ quan khác nhau và thông qua Quốc hội để bắt đầu xây tường biên giới.

Ông Trump nói thêm rằng “Mexico bằng cách nào đó… sẽ phải hoàn trả lại cho chúng ta.” - VOA
|
|

6.
Thông điệp từ biệt của Barack Obama: “Nước Mỹ nay đã mạnh hơn” --- Obama: 'Nền dân chủ cần các bạn'

Tổng thống Mỹ mãn nhiệm Barack Obama đã chọn thành phố Chicago, nơi khởi đầu sự nghiệp chính trị của ông, để đọc bài diễn văn cuối cùng với tư cách nguyên thủ quốc gia Mỹ ngày 10/01/2017. Ngỏ lời với nước Mỹ và thế giới, ông Obama đã rất xúc động khi đọc diễn văn từ biệt sau 8 năm nắm quyền tổng thống, nhưng cũng không quên kêu gọi cảnh giác trước khi trao lại chìa khóa Nhà Trắng cho nhà tỷ phú Donald Trump ngày 20/01 tới đây.

Trong bài diễn văn đọc trước 20 ngàn người tại trung tâm hội nghị McCormick Place hôm qua, vị tổng thống mãn nhiệm 55 tuổi khẳng định rằng chính người dân Mỹ đã làm nước Mỹ trở thành « một nơi tốt hơn và mạnh hơn so với khi chúng ta bắt đầu ». Ông Obama điểm lại những thành quả đạt được sau hai nhiệm kỳ tổng thống :

"Nếu cách đây 8 năm, tôi bảo quý vị rằng nước Mỹ sẽ đảo ngược trì trệ kinh tế, sẽ khởi động lại nền công nghiệp xe hơi, sẽ bắt đầu một thời kỳ tạo công ăn việc làm dài nhất trong lịch sử chúng ta… nếu tôi bảo quý vị rằng chúng ta sẽ mở ra một chương mới với nhân dân Cuba, rằng chúng ta sẽ chặn đứng chương trình vũ khí hạt nhân của Iran mà không cần bắn một viên đạn nào và sẽ tiêu diệt đầu não các vụ khủng bố 11/09... nếu tôi bảo quý vị rằng chúng ta sẽ đạt được bình đẳng về hôn nhân và quyền được bảo hiểm y tế cho 20 triệu đồng bào của chúng ta - Quý vị chắc đã nghĩ rằng những mục tiêu đó hơi quá cao."

Vị tổng thống da đen đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ cũng kêu gọi dân Mỹ hãy tiếp tục là « tác nhân của nền dân chủ » và hãy đoàn kết lại, vì theo ông, vấn đề sắc tộc vẫn là vấn đề gây chia rẽ nước Mỹ.

Tuy không nhắc đến tên người kế nhiệm Donald Trump, nhưng ông Obama đã gởi đến nhà tỷ phú New York vài lời cảnh báo, đặc biệt là về vấn đề biến đổi khí hậu. Ông nói rằng « chối bỏ vấn đề này là đồng nghĩa với phản bội các thế hệ tương lai ».

Trong bài diễn văn hôm qua, ông Obama cũng đã không quên vinh danh đệ nhất phu nhân Michelle Obama khi quay sang nói với vợ : « Từ 25 năm nay, em không chỉ là vợ và là mẹ của các con anh, mà còn là người bạn thân thiết nhất ». Tổng thống mãn nhiệm cũng bày tỏ niềm tự hào được là bố của hai con gái (tuy cô gái út Sasha vắng mặt, mà theo Nhà trắng là do bận thi ở Washington ).

Ông Obama đã kết thúc bài diễn văn bằng câu « Yes we did » ( Chúng ta đã làm được ), ý nói đến khẩu hiệu nổi tiếng của ông khi tranh cử "Yes we can". - RFI

***
Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi người dân bảo vệ nền dân chủ trong bài diễn văn chia tay ở Chicago.

"Nước Mỹ là quốc gia tốt đẹp và mạnh hơn" tám năm trước, ông nói trước hàng ngàn người ủng hộ.

Nhưng ông cảnh báo "nền dân chủ đang bị đe dọa bất cứ khi nào chúng ta xem đó là điều hiển nhiên".

Ông nhắn nhủ người Mỹ thuộc mọi tầng lớp xem xét những vấn đề xã hội từ nhiều góc độ và nói rằng "chúng ta phải chú ý và lắng nghe".

Tổng thống da đen đầu tiên của nước Mỹ, 55 tuổi, được bầu năm 2008 với thông điệp đem lại hy vọng và thay đổi.

Người kế nhiệm ông, Donald Trump, tuyên bố sẽ hủy bỏ một số chính sách mang dấu ấn của ông Obama. Ông Trump tuyên thệ nhậm chức ngày 20/1.

Bằng giọng điệu lạc quan, ông Obama nói rằng việc chuyển giao quyền lực êm thắm giữa hai tổng thống là "dấu ấn" của nền dân chủ Mỹ.

Nhưng ông vạch ra những mối đe dọa cho nền dân chủ Mỹ: bất bình đẳng kinh tế, chia rẽ sắc tộc.

'Trở lại nơi mọi thứ bắt đầu'

Trở lại Chicago, nơi ông tuyên bố chiến thắng trong cuộc tranh cử năm 2008, ông Obama đưa ra thông điệp tích cực đến người Mỹ sau cuộc bầu cử chia rẽ với kết quả ông Trump đánh bại bà Hillary Clinton.

Ông Obama nói rằng giới trẻ Mỹ ​​khiến ông cảm thấy "lạc quan hơn về đất nước hơn khi bắt đầu nhiệm kỳ".

Chọn Chicago thay vì Nhà Trắng để phát biểu chia tay, ông Obama trước đó nói rằng ông muốn trở về "nơi mọi thứ bắt đầu" với ông và Đệ nhất phu nhân Michelle Obama.

Bài phát biểu được nhắm đến tất cả người Mỹ, kể cả những người ủng hộ Trump, các quan chức cho biết.

Chuyến đi Chicago là chuyến bay cuối cùng, hành trình lần thứ 445 của ông Obama với tư cách tổng thống trên chiếc Air Force One.

Hơn 20.000 người chứng kiến bài diễn văn từ biệt của ông tại McCormick Place, trung tâm hội nghị lớn nhất Bắc Mỹ.

Đây cũng là nơi ông đọc bài phát biểu sau khi đánh bại Mitt Romney trong cuộc bầu cử năm 2012.

Vé tham dự sự kiện được phát miễn phí, nhưng được bán lại trực tuyến với giá hơn 1.000 đôla trong những giờ trước.

Đệ nhất phu nhân Michelle Obama, vợ chồng Phó Tổng thống Joe Biden có mặt sự kiện.

Ông Obama nói về vợ trong bài diễn văn chia tay: "Trong 25 năm qua, em không chỉ là vợ tôi và mẹ của các con tôi, mà còn là người bạn tốt nhất của tôi.

Em nắm giữ vai trò mà em không đòi hỏi và làm điều ấy với sự duyên dáng, can đảm, phong cách và sự hài hước của riêng em. Em khiến Nhà Trắng trở thành một nơi thuộc về tất cả mọi người".

Diễn văn chia tay của tổng thống là truyền thống lâu đời của chính trị Mỹ.

Cựu tổng thống George W Bush và Bill Clinton đọc diễn văn từ biệt tại Nhà Trắng, trong khi George Bush cha phát biểu chia tay tại học viện quân sự West Point.

Khi rời nhiệm sở, Tổng thống Obama được 57% người Mỹ ủng hộ, theo thăm dò của AP và trung tâm NORC, tỷ lệ tương tự với Bill Clinton khi ông này rời Nhà Trắng. - BBC
|
|

7.
Người nhà ông Ban Ki-moon ra tòa vì vụ bán Landmark 72 ở Việt Nam

Em trai và cháu trai của cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon vừa bị kết tội tham gia hối lộ một quan chức Trung Đông để tìm cách bán tòa địa ốc Landmark 72 ở Việt Nam trong một thương vụ trị giá 800 triệu USD.

Trong bản cáo trạng dài 39 trang được đọc tại một phiên tòa ở Manhattan, thành phố New York, các công tố viên cáo buộc ông Ban Ki-sang (69 tuổi), em trai ông Ban Ki-moon, và con trai là Joo Hyan "Dennis" Bahn (38 tuổi), một nhà kinh doanh địa ốc Manhattan, kiếm được hàng triệu USD tiền hoa hồng trong thương vụ bán tòa nhà này.

Thương vụ tòa nhà Landmark 72

Theo bản cáo trạng, hồi năm 2013, công ty Keangnam Enterprise gặp khủng hoảng tài chính nên phải nhờ ông Bahn tìm một nhà đầu tư đồng ý mua tòa nhà Landmark 72 với mức hoa hồng khoảng 5 triệu USD, hãng Reuters đưa tin.

Giới chức Hoa Kỳ nói hai cha con ông Ban Ki-sang đã chi hàng triệu đô la để hối lộ một quan chức quốc gia Trung Đông giấu tên dàn xếp cho quốc gia đó mua lại tòa nhà này bằng quỹ đầu tư nhà nước của chính nước đó.

Khoản tiền hối lộ được trả qua ông Malcolm Harris, một nhà tư vấn thời trang và hội họa tự phong, người cũng bị kết án và theo bản cáo trạng cũng là đại lý của quan chức Trung Đông đó.

Theo các thư từ liên lạc với ông Harris, hồi tháng Tư năm 2014, ông Ban Ki-sang và con trai Bahn đồng ý trả trước khoản tiền hối lộ 500.000 USD và trả sau 2 triệu USD khi thương vụ đã hoàn tất, bản cáo trạng viết.

Cũng theo bản cáo trạng, ông Harris không có được mối quan hệ mà ông nhận là có với quan chức Trung Đông này. Ông đã qua mặt hai cha con ông Bahn, bỏ túi 500.000 USD và tiêu sài phung phí số tiền này.

Khi tình hình tài chính của Keangnam suy sụp hơn, ông Bahn, tưởng rằng khoản tiền hối lộ đã được trả và mọi việc sẽ thuận buồm xuôi gió - đã lập mưu lừa công ty Keangnam và các nhà đầu tư để họ tin rằng quỹ chủ quyền của nước Trung Đông kia sắp sửa mua tòa nhà Landmark 72.

Nhưng khi thương vụ này không thực hiện được, Keangnam bị tòa án Nam Hàn tiến hành thủ tục khai phá sản.

Báo chí Hoa Kỳ đưa tin hai cha con ông Ban Ki-sang thậm chí còn tìm cách sắp xếp một cuộc gặp để bàn thảo thương vụ này với người đứng đầu quốc gia Trung Đông đó trong chuyến thăm New York dự cuộc họp của hội đồng Liên Hợp Quốc của vị này.

Cáo trạng

Ông Joo Hyun Bahn được tại ngoại và phải nộp khoảng tiền phạt 250.000 USD. Các công tố viên phản đối cho ông Bahn hưởng án treo trên cơ sở ông có thể gây nguy hại nếu được bay sang nước khác và là mối đe dọa tài chính cho cộng đồng người Hàn Quốc.

Ông Ban Ki Sang bị buộc tội nhưng không bị bắt giữ.

Công tố viên đại diện cho Quận Nam New York Preet Bharara nói:

"Âm mưu được cho là hối lộ và lừa đảo này làm xúc phạm tất cả những ai tin tưởng vào kinh doanh trung thực và minh bạch, và nhắc nhở chúng ta rằng những kẻ đưa tham nhũng quốc tế đến thành phố New York, như trường hợp này, sẽ phải chịu sự soi xét của cơ quan hành pháp Mỹ."

Hai người họ hàng của ông Bahn bị buộc tội tham nhũng, rủa tiền và âm mưu.

Ông Ban Ki-moon làm Tổng thư ký Liên Hợp Quốc từ năm 2007 đến năm 2016.

Người kế nhiệm của ông là cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha, người nhậm chức từ ngày 1/01 năm 2017. Ông Ban Ki-moon giờ đây được coi là người có nhiều khả năng làm tổng thống mới của Nam Hàn.

Reuters dẫn lời người phát ngôn của ông Ban Ki-moon nói ông không biết về bối cảnh xung quanh những cáo buộc về những người họ hàng của mình. - BBC
|
|

Tin Việt Nam

8.
TQ khó chịu việc Ấn Độ chào bán tên lửa cho VN

Việc New Delhi muốn thúc đẩy quan hệ quân sự với Hà Nội nhằm cân bằng lại với Bắc Kinh sẽ gây "bất ổn" trong vùng và Bắc Kinh sẽ không "khoanh tay ngồi yên", truyền thông nhà nước Trung Quốc nói hôm thứ Tư 11/1.

Trước đó, tin tức nói Ấn Độ đang tích cực chào bán hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung Akash cho Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người tới thăm Bắc Kinh vào hôm thứ Năm 12/1, nhiều khả năng sẽ bị áp lực từ phía nước chủ nhà trong việc phải ngưng ngay các đàm phán với Ấn Độ trong việc mua bán hệ thống phòng thủ này, trang tin Times of India bình luận sau khi truyền thông Trung Quốc có phản ứng mạnh.

"Nếu Chính phủ Ấn Độ thực sự coi việc tăng cường quan hệ quân sự với Việt Nam là một dàn xếp có tính chiến lược và thậm chí trả đũa lại chính phủ Trung Quốc, thì họ sẽ chỉ gây ra tình trạng bất ổn ở trong khu vực và Trung Quốc sẽ không khoanh tay ngồi yên," Hoàn Cầu Thời báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, viết.

Báo này nói rằng Trung Quốc không bận tâm về các mối quan hệ quân sự giữa Việt Nam và Ấn Độ, tuy nhiên "những quan hệ đó phải được xây dựng vì hòa bình và ổn định trong khu vực, thay vì gây rắc rối và khiến các nước khác lo ngại".

Trong khi đưa ra những đe dọa với Ấn Độ trước quan hệ ngày càng mật thiết hơn với Việt Nam, một bài khác trên tờ Hoàn Cầu Thời báo số ra cùng ngày cũng nói Chính phủ Việt Nam phải cải thiện quan hệ với Trung Quốc bất chấp tranh chấp tại Biển Đông.

Ông Nguyễn Phú Trọng từ 12 đến 15/1 có chuyến thăm Trung Quốc lần đầu tiên kể từ khi tái đắc cử vị trí tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, với mục đích nhằm "tiếp tục đưa quan hệ Việt-Trung phát triển lành mạnh, ổn định vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, thịnh vượng của khu vực và thế giới".

Truyền thông Ấn Độ nói Việt Nam tỏ ý 'rất quan tâm' tới việc mua tên lửa Akash và bước đầu, Ấn Độ sẽ cung ứng tên lửa, trong lúc phía Việt Nam muốn về sau có thể tiến tới sản xuất chung hệ thống phòng không này.

Hồi tháng Chín năm ngoái, trong chuyến thăm của Thủ tướng Narendra Modi tới Việt Nam, hai nước đã nâng mối quan hệ chiến lược lên thành mối quan hệ chiến lược toàn diện.

Trong chuyến đi này, phía Ấn Độ tuyên bố cấp tín dụng quốc phòng cho Việt Nam ở mức 500 triệu đôla.

Akash là hệ thống tên lửa đất đối không di động tầm trung, do Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO) của Ấn Độ phát triển, có khả năng phá hủy mục tiêu cách xa tới 25 km, gồm phi cơ, trực thăng, và máy bay không người lái. - BBC
|
|

9.
Thủ tướng Việt Nam thừa nhận nợ công vượt trần

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận nợ công của chính phủ Việt Nam đã vượt trần và cảnh báo về nguy cơ sụp đổ nền tài khóa quốc gia nếu tình trạng này không được chấm dứt.

Tại một hội nghị tổng kết ngành tài chính được tổ chức tại Hà Nội hôm 6/1, thủ tướng được các báo trong nước trích lời cho biết tỷ lệ nợ công tăng rất nhanh, trung bình gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP trong 5 năm qua.

Theo ghi nhận của truyền thông trong nước, bộ tài chính ước tính nợ công của Việt Nam chiếm 64.73% GDP vào cuối năm ngoái – gần chạm ngưỡng cho phép 65%.

Mặc dù Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải, theo VietNamFinance trích lời nói tại hội nghị này rằng nợ công “được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo trong giới hạn cho phép” nhưng Thủ tướng Phúc lại thừa nhận rằng “nợ công theo báo cáo sát trần nhưng nếu tính đầy đủ thì vượt trần cho phép.”

Việc thừa nhận này của Thủ tướng Phúc được nhiều người hoanh nghênh trong đó có chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

"Tôi nghĩ cảnh báo của thủ tướng là đúng và thủ tướng nói thẳng ngay như vậy là điều rất tốt bởi vì lâu nay khi các cơ quan báo cáo đưa ra con số một cách chính thức về nợ công thường vẫn tính chưa hết và vẫn ngần ngại khi mà thừa nhận thực tế là nợ công của Việt Nam đã đến trần Quốc hội cho phép. Thậm chí thủ tướng nói thẳng là đã vượt trần nếu tính đủ. Tôi nghĩ thông điệp của Thủ tướng càng tốt vì những người làm việc ở Việt Nam nhất là trong hệ thống nhà nước cần phải hiểu rõ là nợ công trên thực tế đã vượt trần rồi."

Bà Lan, người từng là phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho biết “tính theo nhiều cách khác nhau, nhất là của các chuyên gia tính theo chuẩn quốc tế thì cho thấy nợ công ở Việt Nam đã lên rất cao.”

Theo Ngân hàng Thế Giới dự báo, mức nợ công của Việt Nam sẽ sát trần 65% GDP và sẽ không vượt trần trong năm 2016. Nhiều chuyên gia đã cảnh báo về nguy cơ vượt trần của nợ công ở Việt Nam và Thủ tướng Phúc đã thừa nhận về những cảnh báo này hôm 5/1 và nói “nếu không chấm dứt tình trạng này, sự sụp đổ nền tài khóa quốc gia không thể tránh khỏi.”

Kinh tế gia Phạm Chi Lan nói cảnh báo của thủ tướng có lẽ sẽ thức tỉnh mọi người.

"Thủ tướng cũng cảnh báo về tỷ lệ tốc độ tăng của nợ công quá nhanh trong thời gian vừa qua – những năm vừa qua mà tăng tới hơn 18% năm, tăng tới gấp 3 lần thu ngân sách thì điều đó thực sự là điều hết sức cần quan tâm. Mặc dù đã biết là nợ công tăng nhanh trong những năm vừa qua hoặc nó sát với trần nhưng mà người ta vẫn chưa thực sự quan tâm hoặc kiểm soát được để giảm tốc độ tăng của nợ công xuống mà vẫn để tốc độ tăng trung bình của nợ công rất cao. Điều đó thể hiện sự quan tâm hay trách nhiệm chưa đầy đủ của các cơ quan nhà nước liên quan đến chi tiêu hoặc đầu tư của ngân sách."

Theo Ngân hàng Thế Giới, nguyên nhân chính của sự tăng nhanh chóng trong nợ công Việt Nam là thâm hụt tài khóa. Kinh tế gia trưởng tại Việt Nam của Ngân hàng Thế Giới, ông Sebastian Eckardt nói qua phần ghi nhận của Thời báo Tài Chính rằng để kiểm soát được nợ công cần đảm bảo thâm hụt ngân sách được kiềm chế.

Theo bà Lan, “khác với các nước khác có tỷ lệ nợ công cao thì nợ công ở Việt Nam dường như rất khó kiểm soát được và thể hiện được tốt tính hiệu quả của việc sử dụng tiền công.”

"Nhật Bản chẳng hạn cũng có nợ công cao nhưng nợ của Nhật Bản thường được coi là không đáng lo ngại ở chỗ là họ cẩn trọng trong sử dụng chi tiêu đầu tư công và các chi tiêu đầu tư công của họ đảm bảo được hiệu quả tốt, đảm bảo được tính minh bạch về khả năng giám sát của những người làm trong chính phủ, trong quốc hội cũng như người dân cho nên nó đỡ đáng lo ngại hơn nhiều. Trong khi Việt Nam thì hiệu quả đầu tư hiệu quả chi tiêu công thấp. Điều đó đã được thừa nhận rất rộng rãi ở Việt Nam từ nhiều năm nay, đặc biệt là những năm gần đây."

Nợ công của Nhật Bản hiện vượt trần hơn 200% và nợ công của Mỹ cũng cao hơn 120% so với GDP của nước này nhưng theo bà Lan Việt Nam đang không thể để nợ công cao như vậy vì tình trạng “lợi ích nhóm, thân hữu, dùng tiền công như tiền chùa” vẫn diễn ra và làm cho tình trạng nợ công thêm bức xúc hơn.

Để kiềm chế sự tăng cao của nợ công, kinh tế gia này nói “Việt Nam cần phải cải cách mạnh khu vực công, giảm bớt vai trò của khu vực công trong đầu tư và nhà nước phải thu hẹp lại vai trò đầu tư của mình, nhường sân cho khu vực tư nhân để cho xã hội làm nhiều hơn.” Theo bà Lan, các chuyên gia đang thúc đẩy một cải cách thể chế toàn diện và bà hy vọng sẽ có một cuộc “đổi mới” thứ 2.

"Nếu thực hiện được sớm chừng nào cuộc đổi mới lần thứ 2 đó thì nó sẽ giảm chừng ấy nguy cơ của những khó khăn gay gắt hơn nữa và tình trạng nợ công tăng cao có thể gây ra cho Việt Nam." - VOA
|
|

10.
Du khách nên hành xử thế nào khi đến Thành phố Hồ Chí Minh?

Với hơn 28 triệu khác du lịch tới thành phố lớn nhất Việt Nam trong năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định cho ra những hướng dẫn cho họ cách hành xử văn minh và đúng mực khi tới trung tâm tài chính của đất nước.

Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh vừa công bố bộ quy tắc ứng xử dành cho du khách khi đến thành phố, theo ghi nhận của truyền thông trong nước, với mục đích “nhằm giải quyết vướng mắc của du lịch Việt với du khách nước ngoài trong thời gian qua.”

Trong 8 điều quy định trong bộ quy tắc ứng xử được in bằng 5 thứ tiếng có nhắc đến việc du khách cần tôn trọng phong tục tập quán địa phương và cư xử văn minh nơi công cộng, đặc biệt là nơi tôn nghiêm.

Theo truyền thông trong nước, tình trạng nhiều du khách nước ngoài ăn mặc quần áo ngắn hở hang đi lại trong các chùa chiền, đền thờ và di tích ở Việt Nam rất phổ biến. Và theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh Lã Quốc Khánh được báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh trích lời nói tại buổi họp báo công bố bộ quy tắc ứng xử hôm 5/1 rằng những quy định mới sẽ chỉ mang tính hướng dẫn “chứ không thể đưa ra quy định xử phạt” đối với các hành vi đó.

Đà Nẵng là một trong những thành phố đầu tiên ở Việt Nam đưa ra bộ quy tắc ứng xử cho khách du lịch. Phố cổ Hội An của tỉnh Quảng Nam cũng đang soạn thảo một bộ quy tắc tương tự sau những sự cố trong cách hành xử của khách du lịch.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Trần Chí Cường nói rằng bộ quy tắc ứng xử mà thành phố này đưa ra năm 2014 đã giúp cải thiện nhiều tình trạng này.

"Khi ban hành cái đó đến giờ cũng gần 2 năm thì thấy rằng nó cũng có những sự chuyển biến tích cực tương đối ở chỗ là nó đã tạo được các ứng xử tốt hơn."

Ngoài tiếng Việt, Anh, Hàn và Nga, bộ quy tắc ứng xử của Thành phố Hồ Chí Minh cũng được phát hành bằng tiếng Trung Quốc. Các quy tắc này được thiết kế sáng tạo dưới dạng chiếc quạt nan như một món quà dành cho khách khi đến thành phố và được phát tại sân bay Tân Sơn Nhất cũng như tại các khách sạn và công ty du lịch.

Theo báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã được hỏi về sự cần thiết phải đưa ra một bộ quy tắc ứng xử cho người Việt khi ra nước ngoài vì bộ quy tắc ứng xử dành cho khách du lịch đến Thành phố Hồ Chí Minh “gợi lên hình ảnh xấu xí của một số không nhỏ người Việt khi ra nước ngoài” và “cũng là thực trạng mà báo chí và mạng xã hội thường xuyên lên tiếng.” Ông Khánh nói “đây là việc làm cần thiết, ngành du lịch sẽ hướng đến việc này.”

Lãnh đạo ngành du lịch Đà Nẵng Trần Chí Cường cũng đồng ý với điều này bởi ông cho rằng người Việt cần biết đến sự khác biệt văn hóa ở nơi mình đến để ứng xử tốt hơn.

"Kể cả người Việt ra nước ngoài cũng như du khách đến Việt Nam thì phải có sự trao đổi hiểu lẫn nhau bằng những ứng xử như vậy mới có thể đáp ứng phù hợp được với văn hóa của nơi mình đến. Không phải ai cũng có kiến thức và biết được đến nơi đó phải ứng xử thế nào."

Theo ông Cường Hà Nội cũng đang soạn thảo để đưa ra một bộ quy tắc ứng xử cho khách du lịch và Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng có kế hoạch để đưa ra một bộ quy tắc chung như vậy cho tất cả mọi du khách tới Việt Nam. Năm 2016, Việt Nam đón khoảng 10 triệu lượt khách quốc tế trong đó Thành phố Hồ Chí Minh chiếm hơn 5 triệu và Hà Nội chiếm khoảng 4 triệu. - VOA
|
|

11.
Bịa tin về Tướng Phùng Quang Thanh là 'độc địa'

Báo Quân đội Nhân dân ở Việt Nam lên án "những kẻ ném đá giấu tay" đã loan truyền tin bịa đặt rằng Đại tướng Phùng Quang Thanh, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng "từ trần" đúng hôm 22/12 vừa qua.

Trang báo này (09/01/2017) cho rằng đây là hành vi "độc địa, táng tận lương tâm", nhằm "nhằm chia rẽ Đảng, Nhà nước, quân đội với nhân dân".

Tờ báo đề nghị phải có biện pháp xử lý:

"Đã đến lúc, cùng với sự lên án mạnh mẽ của dư luận và công luận, các cơ quan chức năng phải có biện pháp xử lý nghiêm minh..."

Bài báo của nhóm phóng viên báo Quân đội Nhân dân cũng nhắc lại:

"Đây không phải lần đầu kẻ xấu tung tin bịa đặt về Đại tướng Phùng Quang Thanh."

"Trước thềm Đại hội XII của Đảng, chúng từng có một 'chiến dịch' phao tin đồn nhảm ông từ trần khi đang chữa bệnh ở Pháp."

"Nhưng lần này, chúng tung tin bịa đặt đúng ngày truyền thống của quân đội."

Các phóng viên của báo đề nghị có biện pháp xử lý "những kẻ cố tình xuyên tạc, bôi xấu, xúc phạm danh dự của tập thể, cá nhân".

"...Thậm chí phải sớm điều tra, làm rõ, xử lý hình sự với hành vi sai phạm nhiều lần như trường hợp tung tin đồn liên quan đến Đại tướng Phùng Quang Thanh."

"Bởi hành vi đó không chỉ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân lãnh đạo mà còn ảnh hưởng tới uy tín, danh dự của quân đội, của Đảng."

Tin về sức khoẻ Đại tướng Thanh

Hồi năm 2015, tin tức về sức khoẻ của Đại tướng Thanh được dư luận chú ý.

Đầu tháng 7 năm đó, báo Việt Nam dẫn nguồn Ban Bảo vệ và Chăm sóc Sức khỏe Trung ương ở Việt Nam cho hay Đại tướng Phùng Quang Thanh "đã đi Pháp trị bệnh cách đây một tuần".

Nguồn tin này nói tối 30/6, ông Thanh "đã được phẫu thuật, có thể là một khối u phổi".

Theo báo Tuổi Trẻ, Tướng Thanh có một vùng phổi bị xơ vì "vết thương từ thời chiến".

Trước đó không lâu, ông Phùng Quang Thanh xuất hiện trên truyền thông Việt Nam khi đón người đồng cấp Hoa Kỳ Ashton Carter hôm 1/6/2015 tại Hà Nội

Sang hôm 2/07/2015, báo Tiền Phong nói ông Phùng Quang Thanh vừa được phẫu thuật và "hiện sức khỏe tiến triển tốt".

"Dự kiến, Đại tướng Phùng Quang Thanh sẽ về nước trong thời gian tới."

Dư luận Việt Nam chú ý đến sự vắng mặt của Đại tướng Phùng Quang Thanh tại Đại hội thi đua quyết thắng toàn quân lần thứ IX vào ngày 1/7 và kỳ họp thường kỳ của Chính phủ hôm 29/6/2015.

Ông Phùng Quang Thanh không tham gia được chuyến thăm Hoa Kỳ trong năm với Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng.

Sang tháng 4/2016, có tin Đại tướng Phùng Quang Thanh không tái cử Uỷ viên Trung ương Đảng sau Đại hội XII và tới tuổi nghỉ hưu.

Hôm 8/04/2016, báo VN đưa tin Quốc hội nước này đã phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đối với ông Phùng Quang Thanh theo Tờ trình của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Hiện tượng tin giả

Cùng sự phát triển của mạng xã hội và tính lan tỏa nhanh chóng của mọi loại tin, bất kể tin nguồn gốc, hiện tượng tin giả đang ngày càng trở nên phổ biến ở rất nhiều quốc gia.

Cũng hôm 9/01, trang The Guardian ở Anh nói chính phủ Đức đã điều tra hàng chục tin giả mà họ cho là của các nguồn từ Nga nhằm khuynh đảo cuộc bầu cử ở Đức trong năm 2017 này.

Tin giả (fake news) được định nghĩa là tin không phải hoàn toàn bịa đặt mà là tin có chế biến, pha trộn các chi tiết thật, giả và tung ra vào thời điểm quan trọng nhằm tạo tác động cụ thể.

Nhà báo Craig Silverman (BuzzFeed hôm 11/2016) khi viết về bầu cử Hoa Kỳ, đánh giá rằng với số người dùng mạng xã hội Facebook lên tới 1,8 tỷ trên toàn cầu, tin giả về cuộc bầu cử đã "thu hút nhiều người chia sẻ, bình luận" hơn tin từ các nguồn chính thống.

Tại Việt Nam, các tin về sức khoẻ và con đường công danh của ông Phùng Quang Thanh thường được gắn vào với tin tức không kiểm chứng được về con trai ông, Đại tá Phùng Quang Hải.

Một tin chính thức gần đây nhất về ông Hải là bài trên VietnamNet (04/12/2016) cho hay Bộ Quốc phòng đã để ông Phùng Quang Hải "nghỉ chức" chủ tịch Tổng công ty 319 và bàn giao lại cho một đại tá khác.

Báo này cho hay Tổng công ty 319 tiền thân là Sư đoàn 319/Quân khu 3, thành lập ngày 07/03/1979 theo Quyết định số 231/QĐ-QP của Bộ Quốc phòng.

Vẫn theo VietnamNet, "năm 2011, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký quyết định điều chuyển Tổng công ty 319 về trực thuộc Bộ".

Ông Phùng Quang Thanh (sinh năm 1949) đã giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng từ tháng 6/2006 đến tháng 4/2016. - BBC
|
|

12.
Thủ tướng Nhật sẽ ghé Việt Nam trong vòng công du Đông Nam Á và Úc

Ngày 12/01/2017, thủ tướng Nhật Shinzo Abe bắt đầu một vòng công du 6 ngày để ghé thăm Úc và ba nước Đông Nam Á là Philippines, Indonesia và Việt Nam. Mục tiêu nhằm tăng cường hợp tác an ninh với các nước này trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng các hoạt động khẳng định chủ quyền trên biển, còn các nước châu Á-Thái Bình Dương không chắc chắn về ý chí dấn thân vào khu vực của tân chính quyền Mỹ Donald Trump.

Một quan chức cấp cao của Nhật Bản cho biết : "Các chuyến thăm là nhằm khẳng định lại tầm quan trọng của mạng lưới liên minh với Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và nhằm tăng cường phối hợp với các nước lớn trong khu vực. (…) Nhật Bản hy vọng sẽ giữ vai trò đầu tầu để thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ với các nước châu Á-Thái Bình Dương trong bối cảnh bất ổn chính trị, an ninh và kinh tế đang gia tăng".

Theo hãng tin Nhật Bản Kyodo, thủ tướng Shinzo Abe sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của hiệp định tự do thương mại đa phương (TPP° và chia sẻ mối lo ngại về việc Trung Quốc tăng cường quân sự và quyết tâm khẳng định chủ quyền tại khu vực Biển Đông hiện đang có tranh chấp.

Thủ tướng Abe sẽ gặp tổng thống Philippines Duterte vào ngày mai 12/01 và dự kiến sẽ nhấn mạnh sự hợp tác của Nhật Bản với Philippines trong việc phát triển kinh tế, chống khủng bố, xây dựng cơ sở hạ tầng ... Nhật Bản cũng sẽ hứa hỗ trợ Philippines khi nước này nắm quyền chủ tịch ASEAN trong năm nay, trong đó vấn đề Biển Đông sẽ được đưa vào chương trình nghị sự.

Vào ngày 14/01, ông Abe sẽ gặp Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull nhằm khẳng định Nhật Bản, Úc và Hoa Kỳ cần phối hợp an ninh và hợp tác để duy trì một trật tự quốc tế dựa trên nguyên tắc.

Sang ngày 15/01, thủ tướng Nhật sẽ tới Indonesia. Theo dự kiến, ông Abe sẽ xác nhận với tổng thống Indonesia về hợp an ninh hàng hải và phát triển kinh tế với các quốc gia Đông Nam Á hiện đang phát triển rất nhanh.

Thủ tướng Abe sẽ kết thúc vòng công du với chặng ghé thăm Việt Nam trong hai ngày 16-17/01/2017. Thủ tướng Nhật sẽ gặp đồng nhiệm Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, chủ tịch nước Trần Đại Quang và các quan chức cao cấp khác để thúc đẩy đà tăng cường quan hệ song phương.

Theo hãng tin Nhật Kyodo, ông Abe rất có thể sẽ loan báo việc cung cấp tàu tuần tra để giúp Việt Nam tăng cường khả năng tuần tra trên biển trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng các hoạt động khẳng định chủ quyền tại Biển Đông. - RFI



No comments:

Post a Comment