Saturday, January 21, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 21/1

Tin Thế Giới

1.
Cuộc Tuần hành của Phụ nữ thu hút đám đông khổng lồ tới Washington --- Biểu tình từ Mỹ sang Úc và châu Âu phản đối Donald Trump

Hàng trăm ngàn người đã đổ ra đường tham dự cuộc tuần hành biểu tình ở Washington hôm thứ Bảy, ngày đầu tiên Tổng thống Donald Trump tại nhiệm, và những đám đông lớn tập trung tại các thành phố khác của Mỹ để làm nổi bật quy mô của sự chống đối của quần chúng đối với chính quyền mới và những chính sách mới.

Những người nổi tiếng, nghệ sĩ và những nhà hoạt động chính trị kêu gọi lên tiếng chống đối những chính sách của ông Trump về vấn đề nhập cư, môi trường và quyền của phụ nữ. Ca sĩ Madonna được khán giả hoan hô nhiệt liệt ở Washington khi bà bất ngờ xuất hiện gần cuối cuộc tập hợp kéo dài hàng tiếng đồng hồ gần Điện Capitol, trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ. Bà dẫn đầu đám đông người tham dự hô vang khẩu hiệu "chúng ta chọn tình yêu" và hát hai bài hát.

Những người nổi tiếng khác xuất hiện trên sân khấu cổ vũ những người biểu tình bao gồm ca nhạc sĩ Alicia Keyes, diễn viên Scarlett Johansson và nghệ sĩ R&B Maxwell. Gloria Steinem, nhà lãnh đạo phong trào phụ nữ ở Mỹ trong nhiều thập niên, cũng là một trong số hơn 25 diễn giả phát biểu tại thủ đô.

Những người tổ chức Cuộc Tuần hành của Phụ nữ trước đó đã lên kế hoạch cho một cuộc tập hợp gần Điện Capitol, theo sau bởi một cuộc tuần hành tới Tòa Bạch Ốc cách đó hơn hai kilômét, đi ngang qua nhiều địa điểm lịch sử của Washington. Nhưng đám đông lớn hơn dự kiến khiến ban tổ chức phải định lại tuyến đường tuần hành. Phần lớn tuyến đường tuần hành dọc Đại lộ Độc lập chật cứng người đứng từ mép này tới mép kia đường, vài giờ trước khi cuộc tuần hành bắt đầu.

Cảnh sát trưởng tạm quyền tại Washington, Peter Newsham, cho biết, "Đám đông kéo dài đến mức không còn chỗ để tuần hành."

Khi cuộc tập hợp kết thúc sau năm tiếng đồng hồ, những người biểu tình túa ra khắp khu vực trung tâm thành phố.

Martha Ehrmann Conte, một người theo Đảng Cộng hòa, là một trong số những người tham gia tuần hành vì bà nói ông Trump không đại diện cho những giá trị của bà hoặc những giá trị của Đảng Cộng hòa mà bà gia nhập cách đây 35 năm.

"Những người theo Đảng Cộng hòa chỉ khác về cách thức làm thế nào để đạt được nhiều trong số cùng những mục tiêu," bà nói với VOA, "Trump không đại diện cho những người theo Đảng Cộng hòa. Ông ta đại diện cho lợi ích của chính mình và của một thiểu số nhìn về quá khứ lo sợ mất những thứ mà họ được hưởng."

Maggie Klein, đến từ Oakton bang Virginia, nhìn thấy một lời kêu gọi tuần hành đăng trên Facebook và bà biết bà phải đi. "Những gì ông ta (Trump) làm và nói không phải là cách mà tôi nuôi dạy con tôi," bà nói.

Đi cùng bà Klein có người con tuổi thiếu niên và người chồng Stephen. "Chúng ta cứ phải tiếp tục nêu ra quan điểm khác," ông nói.

Tổng thống Trump rời Tòa Bạch Ốc trước giờ mà người biểu tình dự kiến đổ tới, trong một chuyến đi đã lên kế hoạch trước đó tới trụ sở CIA và đọc một bài diễn văn trước những nhân viên của cơ quan tình báo này.

Cuộc Tuần hành của Phụ nữ ở Washington cũng được nhân rộng ở hàng chục thành phố khác của Mỹ. Một đám đông hơn 150.000 tụ tập ở Chicago, đông gấp bảy lần con số được dự kiến, và việc này khiến ban tổ chức phải hủy bỏ cuộc tuần hành đã được lên kế hoạch để biến thành một cuộc tập hợp. Một đám đông khác tụ tập ở Los Angeles, và tại thành phố New York, hàng chục ngàn người tụ tập chật cứng khu mua sắm cao cấp trên Đại lộ 5, hướng về tòa nhà Trump Tower, tư gia và căn cứ hoạt động của Tổng thống trước khi ông dọn vào Tòa Bạch Ôc hôm thứ Sáu.

Thành phố St. Paul bang Minnesota và Boston là hai thành phố khác nơi mà tin tức cho hay đám đông vượt quá 50.000 người.

Nhiều người phụ nữ tuần hành tại Washington và những thành phố khác đội mũ len “pussycat” màu hồng có hai góc nhọn như tai mèo, để thể hiện tình đoàn kết với những tình cảm chống ông Trump và cũng như là một sự nhắc nhở bóng gió về bình luận tục tĩu mà ông Trump đưa ra từ nhiều năm trước trước khi ông bước vào chính trường. Họ mang những biểu ngữ phản đối điều mà họ lên án là những chính sách chống phụ nữ của chính quyền mới. - VOA

***
Hiếm khi một tổng thống Mỹ lên nhậm chức lại gặp phản đối dữ dội cả ở trong nước lẫn ngoài nước như ông Donald Trump. Vào lúc thủ đô Washington DC của Hoa Kỳ chuẩn bị đón tiếp khoảng 300.000 người biểu tình vào hôm nay, 21/01/2017, các cuộc xuống đường phản đối tân tổng thống Mỹ đã khởi sự từ nhiều ngày nay tại nước Mỹ, và cùng lúc diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, từ Úc, Nhật Bản cho đến Anh, Pháp.

Một hôm sau lễ nhậm chức của tân tổng thống Mỹ Donald Trump, đã thu hút hàng trăm ngàn ủng hộ viên đổ về Washington DC, thủ đô Hoa Kỳ hôm nay sẽ chứng kiến cuộc biểu dương lực lượng của phong trào chống Trump, đi đầu là giới phụ nữ Mỹ.

Ban tổ chức của cuộc « Tuần hành của nữ giới » hy vọng thu hút được hơn 200.000 người từ khắp nơi trên đất Mỹ về Washington để bày tỏ thái độ bất bình với đường lối của tân chủ nhân Nhà Trắng. Ngoài sự kiện tại thủ đô, ban tổ chức còn xác nhận là có thêm khoảng 300 cuộc tuần hành khác ở nhiều thành phố khác, từ New York, Boston, cho đến Los Angeles và Seattle, cũng như bên ngoài biên giới Mỹ.

Trên trang Facebook của mình, những người tổ chức cho biết là có đến hơn 637 cuộc xuống đường hôm nay để chống những luận điệu khinh miệt phụ nữ, kỳ thị chủng tộc và bài Hồi Giáo của tân tổng thống Mỹ.

Theo múi giờ, hàng ngàn người cả nam lẫn nữ, đã xuống đường chống Trump vào hôm nay tại Úc và New Zealand. Nhiều cuộc biểu tình cũng diễn ra Tokyo (Nhật Bản), Manila (Philippines)…

Riêng tại Châu Âu, ngay từ sáng nay, khoảng 200 người đã cho treo trên thành 9 cây cầu khác nhau dọc theo sông Thames chảy qua Luân Đôn các biểu ngữ với thông điệp như « Xây cầu, không xây tường » hay « Đoàn kết chống lại nỗi lo sợ Hồi giáo ».

Còn tại Pháp, nhiều cuộc tuần hành được tổ chức ở Paris, Bordeaux, Marseille, Montpellier hay Strasbourg… Riêng tại Paris, những người biểu tình xuất phát từ quảng trường nhân quyền Trocadero vào 14 giờ trưa để đi đến Bức Tường Hòa Bình trước trường võ bị Ecole Militaire.

Riêng tại nước Mỹ, vào hôm qua, những người chống Donald Trump đã tập hợp về thủ đô Washington để phản đối vị tân tổng thống Mỹ vào đúng lúc nhân vật này tuyên thệ nhậm chức. Họ mang theo biểu ngữ chống Trump, như « Donald Trump không phải là tổng thống của chúng tôi », đứng hai bên đường la ó phản đối khi tân tổng thống đi ngang qua.

Một số thành phần tự nhận là « vô chính phủ » mặc quần áo có mũ trùm đầu màu đen đã nhân dịp này tấn công vào cảnh sát, đập vỡ cửa kinh xe hơi và cửa hiệu, đốt thùng rác để tạo sự cố, buộc cảnh sát phải dùng đến võ lực để đối phó. Theo cảnh sát Washington, đã 217 người bị bắt. - RFI
|
|

2.
Nga hy vọng tân chính quyền Mỹ sẽ "thân thiện hơn"

Lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ thứ 45 ngày 20/01/2017 được TV Nga truyền hình trực tiếp. Điện Kremlin hài lòng trước việc nước Mỹ sang trang thời đại Obama. Từ thủ đô Matxcơva thông tín viên Muriel Pomponne giải thích :

"'Donald Trump liệu có phải là người mà chúng ta mong đợi ?’ Trả lời câu hỏi này, phát ngôn viên của điện Kremlin, ông Dmitri Peskov, trả lời 'Donald Trump không phải là người của chúng ta. Ông ấy là người của Mỹ, là tổng thống Hoa Kỳ. Có lẽ đây là sai lầm lớn nhất của các nhà phân tích phương Tây và một số chính trị gia khi cho rằng Trump là người mà chúng ta mong đợi’.

Tuyên bố này của phát ngôn viên Phủ tổng thống không cấm cản công luận Nga đang phấn khởi với việc nước Mỹ có một chính quyền mới. Người Nga hy vọng chính quyền Trump sẽ có thái độ thân thiện hơn với Matxcơva so với những năm tháng dưới thời tổng thống Barack Obama. Đại biểu Quốc Hội Sergueï Jelezniak, thành viên Ủy ban đối ngoại tại Hạ Viện Nga cho rằng, ‘Ít ra Trump sẽ không phạm phải những sai lầm như chính quyền Obama và ông Trump cần đối thoại trên những hồ sơ gai góc (…) Điều đó không hẳn là Nga - Mỹ sẽ có cùng một quan điểm, nhưng việc trao đổi sẽ cho phép đôi bên thấu hiểu lẫn nhau và cùng tìm ra một số lĩnh vực để có thể cùng làm việc chung’.

Trong số các lĩnh vực này, dân biểu Nga nêu lên những hồ sơ lớn như cuộc chiến chống khủng bố, tái lập hòa bình tại Cận Đông, giải quyết những vấn đề liên quan đến làn sóng người nhập cư ».

Quốc tế thận trọng với những quan điểm của Trump

Về phản ứng quốc tế sau lễ nhậm chức của tổng thống Trump, tổng thống Pháp François Hollande chỉ trích chính sách bảo hộ của tân lãnh đạo Hoa Kỳ. Phó thủ tướng Đức Sigmar Gabriel lo ngại lời lẽ mang nặng tinh thần chủ nghĩa dân tộc của ông Trump báo trước một thời kỳ « đầy khó khăn » trong quan hệ quốc tế.

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn nhấn mạnh đến tinh thần yêu chuộng dân chủ, nền tảng trong quan hệ giữa Đài Bắc và Washington.

Báo chí chính thức tại Bắc Kinh hy vọng tân tổng thống Hoa Kỳ ý thức được tầm mức quan trọng về một mối bang giao tốt đẹp Mỹ -Trung và lễ nhậm chức của chính quyền mới là điểm khởi đầu cho quan hệ phát triển song phương. Tuy vậy Bắc Kinh cũng nên chuẩn bị tinh thần để đối phó với kịch bản xấu nhất có thể xảy ra. - RFI
|
|

3.
Brazil: Thẩm phán phụ trách điều tra vụ tham nhũng ở Petrobras chết do rớt máy bay

Hôm 19/01/2017, thẩm phán Tòa Án Tối Cao Brazil, phụ trách « phần chính trị » trong cuộc điều tra về nghi án tham nhũng Petrobras đột ngột qua đời trong tai nạn máy bay. Cuộc điều tra về bê bối tham nhũng khổng lồ có nhiều khả năng sẽ bị chậm lại. Chiếc máy bay du lịch tư nhân chở viên thẩm phán bị rớt ngoài khơi, khi gần đến đích, do một phi công lâu năm điều khiển. Nhiều tiếng nói yêu cầu tư pháp mở điều tra về vụ tai nạn máy bay khó hiểu này.

Thông tín viên François Cardona tường trình từ Rio de Jainero,

"Cái chết của thẩm phán Teori Zavascki khiến chính giới Brazil rối bời. Vụ này gây rất nhiều nghi vấn trên khắp cả nước. Thẩm phán Tòa Án Tối Cao, vừa thiệt mạng trong một vụ rớt máy bay, là người thụ lý các cáo buộc nhắm vào những viên chức cao cấp của doanh nghiệp Odebrecht… tập đoàn xây dựng Brazil, bị tình nghi dính líu đến vụ bê bối tham nhũng Petrobras.

Gần 200 tên của các chính trị gia nằm trong các cáo buộc này. Vị thẩm phán quá cố, trong những ngày tới, đáng lẽ sẽ phải đưa ra quyết định có khởi tố hay không.

Đây là một vụ việc nhạy cảm. Nhất là khi người kế nhiệm ông ở Tòa Án Tối Cao, phụ trách xem xét các hồ sơ này, sẽ do tổng thống Michel Temer lựa chọn. Mà chính tổng thống Brazil lại cũng dính vào vụ bê bối… Việc bổ nhiệm thẩm phán mới sẽ phải được Thượng Viện phê chuẩn, mà trong định chế này cũng có rất nhiều nghị sĩ có mặt trong danh sách cáo buộc liên quan đến vụ bê bối lớn nhất Brazil.

Cái chết của thẩm phán Zavascki sẽ làm chậm lại đáng kể cuộc điều tra, để lại một không khí đầy bất trắc, ngay trong chính doanh nghiệp Odebrecht. Tập đoàn này đang đợi Tòa Án Tối Cao ra quyết định chính thức về các cáo buộc, trong những tuần tới. Odebrecht hy vọng khép lại giai đoạn cộng tác với mạng lưới tham nhũng, khiến tập đoàn phải nộp 2,5 tỉ euro tiền phạt ».

Theo AFP, trong những ngày gần đây, vị thẩm phán quá cố làm việc trong bí mật, để hợp thức hóa các thỏa thuận cộng tác với tư pháp của 77 lãnh đạo và viên chức cao cấp của Odebrecht, tập đoàn xây dựng lớn nhất Brazil, đổi lại việc giảm mức phạt. Các cáo buộc của Odebrecht nhắm vào ít nhất 130 chính trị gia thuộc nhiều phe phái, trong đó có các lãnh đạo, như tổng thống Michel Temer. - RFI
|
|

4.
Hàn Quốc: Bộ trưởng Văn Hóa bị bắt khẩn vì "danh sách đen nghệ sĩ"

Một tòa án tại Seoul vào hôm nay, 21/01/2017, xác nhận vừa ra lệnh bắt giam bộ trưởng Văn hóa Hàn Quốc Cho Yoon Sun vì liên quan tới cáo buộc lập một danh sách đen bao gồm gần 10.000 văn nghệ sĩ, bị cho là chỉ trích chính quyền của tổng thống Park Geun-hye. Đây là bộ trưởng đương nhiệm đầu tiên bị bắt giam.

Theo các công tố viên Hàn Quốc, tội danh của nữ bộ trưởng Văn Hóa đã được « chứng thực và có nhiều lo ngại rằng các nghi phạm có thể phá bỏ bằng chứng », do đó cần phải bắt giam khẩn cấp.

Ngay từ ngày 18/01, bên công tố đã đề nghị tòa án ra lệnh bắt giữ bà Cho Yun Sun và cựu chánh văn phòng phủ tổng thống về tội danh lạm quyền và khai man. Ông Kim Ki Choon đã bị bắt giữ trước bà Cho Yun Sun.

Hai người này bị tình nghi là đã chỉ đạo việc lập ra một danh sách đen bao gồm các nghệ sĩ, nhà văn và những người khác hoạt động trong lĩnh vực văn hóa bị đánh giá là chỉ trích chính quyền đương nhiệm. Bà Cho và ông Kim lần lượt bị thẩm vấn từ ngày 17 tới 18/1 về cáo buộc chỉ đạo việc lập danh sách đen.

Đây là một danh sách đen gồm gần 10.000 tên, trong đó có đạo diễn Park Chan Wook, từng đoạt giải tại Liên Hoan Phim Cannes vào năm 2004, hay nhà văn Han Kang, từng thắng giải Man Booker quốc tế về văn học.

Cho đến nay, Phủ tổng thống Hàn Quốc luôn phủ nhận sự tồn tại của danh sách đen đó, riêng bà bộ trưởng Văn Hóa thì khai rằng đã từng nghe nói tới một sổ đen, nhưng chưa hề chỉ đạo việc lập danh sách đó.

Đối với nhóm công tố viên phụ trách điều tra vụ việc, hành động lập danh sách đen xâm phạm nghiêm trọng quyền tự do ngôn luận của người dân, và nhóm này đang tìm hiểu xem tổng thống Park Geun-hye có tham gia vào việc lập ra danh sách này hay không. - RFI
|
|

5.
Pakistan: Nổ bom tại khu chợ, 20 người chết

Một quả bom có sức công phá lớn đã phát nổ tại một khu chợ ở tây bắc Pakistan hôm Thứ Bảy 21/1, giết chết ít nhất 20 người và làm bị thương hơn 40 người khác.

Vụ nổ xảy ra vào sáng sớm hôm nay tại thị trấn Parachinar, trung tâm hành chính của một huyện thuộc bộ lạc Kurram tại vùng biên giới giữa Pakistan và Afghanistan.

Các quan chức cho biết cuộc điều tra ban đầu cho thấy một thiết bị nổ điều khiển từ xa được giấu trong một bao tải đã phát nổ vào thời điểm khu chợ đang nhóm họp đông đúc với nhiều người mua sắm.

Các nhân viên cứu hộ và một nhà lập pháp địa phương, ông Sajid Hussain Turi, cho biết số tử vong có khả năng tăng cao vì có nhiều người bị thương nặng.

Máy bay trực thăng của quân đội Pakistan cũng tham gia giúp chính quyền tải người bị thương từ vùng biên giới xa xôi đến các bệnh viện ở thành phố Peshawar.

Một phát ngôn viên của phiến quân Taliban đã nhận trách nhiệm về cuộc tấn công tự sát để trả thù vụ giết hại các tù nhân Taliban giả trang làm cảnh sát.

Kurram là một phần của 7 khu bán tự trị của các bộ tộc ở Pakistan, phần lớn nằm gần biên giới với Afghanistan.

Các khu bộ tộc này từ lâu được xem là một nơi trú ẩn cho phiến quân có vũ trang địa phương và nước ngoài. - VOA
|
|

6.
Tai nạn xe buýt tại Ý, 16 học sinh chết

Một chiếc xe buýt chở học sinh gặp tai nạn ở miền bắc nước Ý đêm hôm qua rồi bốc cháy, làm thiệt mạng 16 học sinh.

Truyền thông Ý tường thuật rằng chiếc xe buýt chở học sinh Hungary, đa số là nam tuổi từ 14 đến 18, đã đâm vào một trụ tháp và bốc cháy trên đường cao tốc gần thành phố Verona gần lúc nửa đêm.

Cảnh sát cho biết 16 thi thể cháy nám đen đã được lôi ra từ xác xe buýt. Không có chiếc xe nào khác bị liên luỵ, và cũng không rõ lý do tại sao chiếc xe buýt chạy ra khỏi đường cao tốc, để đâm vào rào chắn.

Ít nhất 54 hành khách, kể cả một số người lớn đi kèm các học sinh và hai tài xế có mặt trên xe buýt. 39 người bị thương đã được đưa tới các bệnh viện khác nhau ở thành phố Verona.

Theo nhân viên cấp cứu được báo chí dẫn lời, chiếc xe buýt đang chạy từ Pháp, quá cảnh ở Ý, để trở về thành phố Budapest của Hungary, thì lâm nạn. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

7.
Nhóm giám sát CREW nghi vấn hành vi kinh doanh của TT Trump --- Don (Trump) với Vlad (Putin): Mối tình nguy hiểm

Một nhóm giám sát đang đặt ra những nghi vấn về đạo đức kinh doanh trong các hoạt động kinh doanh của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nhóm có này có tên là Công dân vì Trách nhiệm và Đạo đức (CREW) có trụ sở Washington trong một thông báo nói rằng hành vi của ông Trump về mặt đạo đức kinh doanh có thể không rõ ràng trong một số lĩnh vực.

Trong một thông báo, nhóm CREW viết: "Ông Trump thề trên Kinh Thánh rằng ông sẽ 'giữ gìn và bảo vệ Hiến pháp của Hoa Kỳ," nhưng khi ông tiếp tục nhận tiền thanh toán từ một chính phủ nước ngoài, thì ông đã vi phạm lời cam kết rồi."

Nhóm giám sát đạo đức kinh doanh CREW nói: "Chúng tôi vẫn chưa biết mức độ vi phạm nó đi xa tới mức nào – bởi vì ông Trump là người đầu tiên trong nhiều thập niên qua được bầu làm tổng thống mà không thoả đáng nguyên tắc đạo đức ở cấp ông Nixon, ông không chịu công khai hồ sơ khai thuế, và vì thế phần lớn các hoạt động kinh doanh ở nước ngoài của ông đều được giữ mật.”

Mới đây ông Trump cho biết ông đang lập một quỹ tín thác, giao quyền điều hành Tổ chức Trump cho hai người con trai là Donald Trump Jr. và Eric Trump, và các giám đốc điều hành công ty để họ quản lý các dự án đầu tư kinh doanh của ông trên toàn cầu.

Tuy nhiên, kế hoạch này không thoả đáng yêu cầu là ông phải bán tất cả cổ phần và đặt toàn bộ tài sản của ông vào một một quỹ tín thác độc lập, và như vậy, ông sẽ không biết tài sản của ông sẽ được đầu tư như thế nào.

Các giới chức đặc trách vấn đề đạo đức kinh doanh tùng làm việc cho Tổng thống Barack Obama và Tổng thống tiền nhiệm George W. Bush đã tuyên bố rằng bất cứ sự giàn xếp nào, ngoại trừ đặt hết vốn liếng tài sản khổng lồ của ông vào một quỹ tín thác ẩn danh, sẽ tiếp tục nêu lên những câu hỏi liệu có thể đảm bảo 100% rằng các quyết định của ông trong cương vị Tổng thống, có mang lại lợi ích tài chính nào cho cá nhân ông hay không.

Giám Đốc nhóm CREW nói ông Trump hình như đã vi phạm hợp đồng thuê tòa nhà Bưu điện cũ ở thủ đô Washington –địa điểm của khách sạn Trump International Hotel, bởi vì “Hợp đồng thuê này nghiêm cấm các giới chức chính phủ không được nhận bất kỳ lợi lộc gì có thể phát sinh từ hợp đồng thuê địa điểm này."

Ông Noah Bookbinder, Giám đốc điều hành của CREW nói: "Chúng tôi biết ông Trump hay tìm cách thương thuyết lại các hợp đồng sao cho có lợi cho ông, nhưng nếu xảy ra, thì có nghĩa là tổng thống thương thuyết chống lại các quyền lợi của chính phủ do chính ông ấy lãnh đạo." ”

CREW cho biết đã nộp hồ sơ khiếu nại vấn đề này với một văn phòng chính phủ hôm thứ Sáu. Cả văn phòng cũng như chính phủ Trump vẫn chưa hồi đáp hồ sơ khiếu nại này. - VOA

***
Mối nguy từ cặp Putin-Trump là sự thiếu logic và thiếu vắng chiến lược đường dài của tân tổng thống Mỹ. Chính quyền Trump bơi loạn xạ trong chính sách đối ngoại vô nguyên tắc, với sự chỉ đạo ngẫu hứng, « cận thị một cách nguy hiểm và nguy cơ thất bại đặc biệt cao ».Nhưng « Trước sau gì, Trump cũng sẽ bất hòa với Putin ». Và thật ra, Nga chỉ là nhân tố hạng hai. Hoa Kỳ tốt nhất nên tập trung kiềm chế Trung Quốc, duy trì sự hiện diện quân sự quan trọng tại châu Á-Thái Bình Dương.

Nhân dịp ông Donald Trump chính thức trở thành tổng thống Hoa Kỳ, các báo ra tuần này tập trung nói về nhân vật đã làm tốn nhiều giấy mực ngay cả trước khi nhậm chức.

Tuần san L’Obs đăng ảnh hai tổng thống Mỹ và Nga với tựa đề « Trump và Putin, các bí mật của một cặp bài trùng đáng sợ » Le Courrier International chạy tựa đỏ trên nền đen « Trump từ A đến Z ». Cũng trên nền đen, tuần báo The Economist đăng ảnh ông Trump với nụ cười quen thuộc, nhưng trong bộ trang phục vua chúa châu Âu thế kỷ trước.

Về tình hình nước Pháp, L’Express dành hồ sơ 20 trang cho tương lai phe tả Pháp với tựa đề nhại theo một mẩu rao vặt « Trước khi phá sản, cánh tả tìm người tiếp nhận và tìm kiếm giá trị ». Le Point quan tâm đến cựu bộ trưởng Kinh tế Pháp, ứng cử viên tổng thống Emmanuel Macron với câu hỏi « Những gì ông Macron có trong đầu ».

Mối liên hệ nguy hiểm giữa Donald và Vladimir

Trong bài viết mang tựa đề « Các liên hệ rất nguy hiểm giữa ‘Don’ và ‘Vlad’ », tên gọi thân mật của hai vị tổng thống, tuần báo L’Obs đặt câu hỏi, mối quan hệ phức tạp thậm chí độc địa giữa ông Trump và Putin liệu sẽ quyết định chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ ? Sau vụ công bố báo cáo gây sốc của một cựu điệp viên Anh, tổng thống Nga liệu có gây áp lực được lên tân tổng thống Mỹ ? Và nếu hai cường quốc này liên minh với nhau, sẽ gây ra những hậu quả nào đối với châu Âu ?

Bài viết bắt đầu bằng cái tựa nảy lửa của một tác giả bảo thủ trên một tờ báo rất uy tín của Mỹ, tờ New York Times : « Donald Trump, một Manchurian Candidate hiện đại ? ». Tít này khiến người ta phải dụi mắt đọc lại lần nữa : Manchurian Candidate là tựa một cuốn sách nổi tiếng thời chiến tranh lạnh, ám chỉ ông chủ Nhà Trắng là một điệp viên Nga.

Gián điệp ? Con tin ? Con rối ? Riêng việc đặt ra câu hỏi loại này cũng đủ thấy rằng nước Mỹ và thế giới đang trong một thời điểm kỳ lạ chưa từng thấy. Tất cả những hành động quá đáng của Donald Trump, từ việc sử dụng liên tục Twitter, từ chối nhượng lại việc kinh doanh để tránh xung đột lợi ích cho đến chọn lựa các cộng sự, khó tin nhất là những bước nhảy tango với Vladimir Putin. Và báo cáo điều tra của thám tử tư Anh có nói đến nghi vấn năm 2013 ông Trump vui thú với các cô gái mại dâm Nga trong một khách sạn sang trọng ở Matxcơva, bị tình báo Nga ghi hình, chỉ là một điểm nhấn. Khả tín hay chỉ là sáng tác ? Tạp chí Penthouse hứa thưởng một triệu đô la cho ai cung cấp cuộn băng sex này.

Bỏ qua một bên câu chuyện gián điệp khó phối kiểm trên,Washington Post cho rằng « chỉ riêng việc ông Trump có quan hệ trực tiếp hay gián tiếp với một nhà độc tài nước ngoài tham nhũng và bạo lực là đã đủ ». Theo giáo sư Ruth Ben-Ghiat của New York University chuyên nghiên cứu về phát-xít Ý, thì cảm tình của ông Trump đối với ông Putin không có gì đáng ngạc nhiên, vì những người độc đoán thường hợp với nhau.

Mối liên hệ này càng được củng cố bởi những cộng sự của ông cũng gắn bó với Nga. Paul Manafort, chiến lược gia trong vận động tranh cử, đã từng làm việc cho cựu tổng thống Ukraina thân Nga Viktor Ianoukovitch. Cố vấn an ninh Michael Flynn từng ăn tối với Putin trong bữa tiệc vinh danh kênh tuyên truyền RT của Nga. Ngoại trưởng được đề cử Rex Tillerson từng được Nga tặng huân chương hữu nghị, và phản đối trừng phạt Matxcơva. Còn cố vấn chiến lược Steve Bannon thì không giấu diếm sự ngưỡng mộ đối với ông Putin « rất, rất, rất thông minh ».

Ông Trump và cộng sự đều chủ trương một tính toán chiến thuật kiểu « tôi để Crimée cho anh, nhưng anh không động đến các nước vùng Baltic và chúng ta cùng nhau giải quyết vụ tổ chức Nhà nước Hồi giáo ». Tân tổng thống tạm thời duy trì trừng phạt Nga, nhưng sẵn sàng dỡ bỏ nếu Nga chứng tỏ thiện chí.

Nga không quan trọng bằng Trung Quốc

Theo L’Obs, trên thực tế quan điểm của Donald Trump thiếu logic và không thể đứng vững. Lại bỏ qua một bên việc tân tổng thống làm ngơ việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử, dù ở Thượng viện cả hai phe Dân Chủ lẫn Cộng Hòa đều nhất trí phải điều tra. Vấn đề ở đây thuộc về chiều sâu.

Trước hết, nước Nga của Putin đối với Hoa Kỳ chỉ là một nhân tố hạng hai so với tầm quan trọng chiến lược của Trung Quốc. Trên bàn cờ địa chính trị toàn cầu, Nga nay chỉ là cái bóng mờ của người khổng lồ Liên Xô cũ. Tiếp đến, các lợi ích của Nga khác với Mỹ. Theo chuyên gia William Burns, « Putin tin rằng để tái lập sức mạnh Nga, là phải phá hoại trật tự do Mỹ lãnh đạo, đặc biệt tại châu Âu và cũng ở Trung Đông ». Cuối cùng, quan điểm đặt nhân quyền sau lợi ích cũng gây tranh cãi.

Tất cả những nghịch lý này đã lộ rõ vào tuần trước, khi các nhân vật được Donald Trump bổ nhiệm ra điều trần trước Thượng viện. Như trong một vũ điệu siêu thực, họ phát biểu hoàn toàn trái với ông Trump. Tướng James Mattis (Quốc phòng) cho rằng Putin muốn phá vỡ NATO, còn về hiệp định với Iran dù không hoàn hảo cũng nên giữ lời hứa. Mike Pompeo (CIA) nói Nga chẳng làm gì để giúp tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo, lại còn muốn tác động vào nền dân chủ Mỹ. Rex Tillerson (Ngoại giao) nhận định Nga là mối nguy hiểm. Theo Washington Post, thế nên Matxcơva bỗng nguội đi nhiệt tình với ông Trump.

Trump và Putin sẽ « anh đường anh, tôi đường tôi » ?

L’Obs cho rằng mối nguy từ cặp Putin-Trump là sự thiếu logic và thiếu vắng chiến lược đường dài của tân tổng thống Mỹ. Tờ báo dẫn nhận xét của tờ Foreign Policy : chính quyền Trump bơi loạn xạ trong chính sách đối ngoại vô nguyên tắc, với sự chỉ đạo ngẫu hứng vô tiền khoáng hậu trong lịch sử hiện đại, « cận thị một cách nguy hiểm và nguy cơ thất bại đặc biệt cao ». Đối với một bộ phận người Mỹ, chuyện tình Trump-Putin có thể trấn an họ với một thế giới đơn giản, nhị phân, chống lại toàn cầu hóa. Nhưng trong chính trị, sự giản đơn hóa là chiếc lá nho hoàn hảo che đậy cho hư không.

Tờ báo không quên nhắc lại « 80 năm các trò bẩn » : những vụ án gián điệp nổi tiếng giữa Nga và Mỹ từ trước chiến tranh lạnh đến nay. Từ vụ tình báo Nga tìm cách chiêu dụ phu nhân tổng thống Franklin Roosevelt năm 1935, KGB tung tin vịt phá hoại uy tín mục sư Martin Luther King năm 1971, hay nữ điệp viên Anna Kouchtchenko (Anna Chapman) bị bắt năm 2010…và ngược lại, CIA cũng từng giúp đỡ các nhà văn Nga Andrei Sakharov và Alexandre Soljenitsyne.

"Trước sau gì, Trump cũng sẽ bất hòa với Putin », đó là nhận định của chuyên gia phe bảo thủ Eliot A.Cohen, cựu cố vấn của bà Condoleezza Rice. Ông cho biết cả phía Cộng Hòa lẫn Dân Chủ, không có mấy người thân Nga. Cũng như thượng nghị sĩ John McCain, đại đa số các dân biểu đều cho rằng cần duy trì các liên minh quân sự, nhất là NATO, trong khi Trump liên tục có những phát biểu gây lo ngại cho châu Âu. Nhưng đến một ngày nào đó, Putin sẽ qua mặt Trump, và rồi Trump sẽ tuyên bố ông chủ điện Kremlin là một « bad guy".

Tất cả yếu tố cho thảm họa đã hội đủ nơi Trump

"Tất cả các nhân tố cho một thảm họa đều đã hội đủ", đó là nhận xét của giáo sư Stephen Martin Walt ở Kennedy School of Government, Havard, trong bài trả lời phỏng vấn tuần báo L’Obs. Tuy cũng cùng quan điểm « America first », nhưng ông cho rằng Donald Trump đã đi quá xa.

Đồng ý rằng châu Âu cần gánh thêm trọng trách an ninh, nhưng phải là một quá trình tuần tự, từ năm đến mười năm. Đe dọa các đồng minh, trừng phạt họ hay xé bỏ hiệp ước NATO không phải là cách làm đúng đắn, vì Hoa Kỳ chỉ có lợi với một châu Âu vững chải, hòa bình và thịnh vượng.

Theo giáo sư Walt, chính sách đối ngoại của Donald Trump thực chất chỉ là chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, ích kỷ và thiển cận. Trump không suy tính dài hơi cho một năm, năm năm hay mười năm, chỉ tự đặt câu hỏi kiểu : « Hoa Kỳ hay cá nhân mình có lợi ngay được những gì trong tình thế đó ? ». Hơn nữa, dường như ông Trump không hiểu được ngoài sự chọn lựa của bản thân ông, còn có những tương tác với các nước khác.

Chẳng hạn Trump quyết định chấm dứt hiệp định TPP mà chính quyền Obama dày công tạo dựng để tăng cường sức mạnh cho các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương đang lo sợ trước bành trướng Trung Quốc. Việc từ bỏ TPP sẽ đẩy một số nước vào vòng tay của Bắc Kinh, làm yếu đi sự hiện diện của Hoa Kỳ tại châu Á.

Chuyên gia này cho rằng cần kiềm chế Trung Quốc, và châu Á-Thái Bình Dương là nơi duy nhất mà Hoa Kỳ nên duy trì sự hiện diện quân sự quan trọng. Muốn vậy cần phải hợp tác với nhiều nước : Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Úc, Indonesia, Philippines…Đó là một liên minh rất khó quản lý, đòi hỏi một chiến lược ngoại giao hết sức tế nhị. Thế nhưng với một tổng thống làm ngoại giao bằng Twitter, thì ông không thể nào lạc quan nổi.

Trump : Thời của các tướng lãnh

L’Express quan tâm đến khía cạnh « Trump : Các vị tướng nắm quyền ». Bị mê hoặc bởi những con người hành động, Donald Trump bổ nhiệm ba vị tướng cao cấp vốn quen thuộc với chiến trường hơn là những vấn đề tế nhị của chính trị. Theo tờ báo, đây là một sự trộn lẫn kỳ lạ, có thể tạo ra những ngạc nhiên.

Một tổng thống đả kích cơ quan tình báo của chính nước mình, đã là điều chưa từng thấy. Thành phần chính phủ cũng không kém phần kỳ lạ : rất nhiều tỉ phú, rất ít phụ nữ, và nhất là số lượng kỷ lục các tướng lãnh. Từ khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc đến nay, chưa bao giờ nội các Mỹ lại có nhiều quân nhân giữ những chức vụ cao như thế. Trump bổ nhiệm ba khuôn mặt cứng rắn trên chiến trường, từng tham gia cuộc chiến Grenada – một đảo quốc ở Caribê (1983), Afghanistan (2001-2014), hai cuộc chiến tranh Irak (1991 và 2003).

Trong số đó, tướng thủy quân lục chiến huyền thoại James Mattis vượt lên hẳn về uy tín. Tuy mang biệt danh « Chó Điên » nhưng ông lại là một vị tướng ôn hòa, trí thức. Mattis là nhà chiến lược có trình độ không kém một viện sĩ hàn lâm – tủ sách riêng của ông có trên 6.000 cuốn. Ông không bao giờ quên viếng thăm gia đình của các quân nhân đã ngã xuống trên chiến trường.

Trước James Mattis, chỉ duy nhất tướng George Marshall từng được bổ nhiệm làm bộ trưởng Quốc phòng. Thượng viện đặc cách cho ông giữ chức vụ này một phần cũng để « điều chỉnh » bớt Donald Trump. Với ngân sách quốc phòng gần 600 tỉ đô la, và một quyền lực đáng kể khác : nếu lãnh đạo Lầu Năm Góc không bật đèn xanh, tổng thống không thể nhấn nút nguyên tử (phó tổng thống không có quyền này), có thể coi tướng James Mattis là nhân vật số hai trong chính quyền.

Ngược lại, trường hợp tướng Michael T.Flynn gây nhiều tranh cãi. Cay cú trước việc bị ông Obama cách chức lãnh đạo tình báo quân đội vì bốc đồng và thiếu khách quan, ông Flynn đã quay sang ủng hộ Donald Trump. Ông là người duy nhất trong ba vị tướng trên từng hăng hái tham gia chiến dịch tranh cử của Donald Trump, hô hào « Lock her up ! » (đòi bỏ tù bà Hillary Clinton), thân Nga ra mặt. Ông Flynn còn giúp lan truyền tin vịt cho rằng một tiệm pizza ở Washington ẩn giấu mạng lưới ấu dâm có liên hệ với phe Clinton !

Một cựu sĩ quan CIA cho biết : « Trong số các nội dung trống rỗng mà Donald Trump đăng trên Twitter, có nhiều thông tin là do nhân vật bất tài này gà cho ». Thượng viện Mỹ hiện vẫn chưa chịu bổ nhiệm tướng Flynn làm cố vấn an ninh quốc gia. Chức vụ này có lợi thế là gần gũi : gặp trực tiếp tổng thống mỗi ngày hai lần, tập hợp, lọc lại tin tức và tóm tắt cho nguyên thủ.

Một nhà ngoại giao châu Âu tại Washington nhận định : « Donald Trump có tính cách của một mafia ở New Jersey (tiểu bang cạnh New York nổi tiếng về tham nhũng). Để quyết định, ông ta họp gia đình lại, nghe ý kiến của cô con gái Ivanka và con rể Jared Kushner. Cuối cùng Trump quyết định một mình, theo bản năng… ». L’Obs kết luận, và khi nhân vật này đã bước vào Nhà Trắng, cả Cộng Hòa lẫn Dân Chủ đều phải nín thở quan sát, và cả thế giới cũng thế.

Trump Organization : Nổi tiếng thế giới, nhưng hoạt động kiểu gia đình

Về vấn đề lẫn lộn công tư, Le Courrier International trích dịch The New York Times nhấn mạnh « Trump Organization, một tổ chức kinh doanh mang tính gia đình ». Trong doanh nghiệp hoạt động theo kiểu cũ này, không niêm yết trên sàn chứng khoán, tất cả đều xoay quanh ông chủ. Thế nên một khi Donald Trump an vị ở tòa Bạch Ốc, nguy cơ xung đột lợi ích là rất lớn.

Tờ báo kể lại sự ngạc nhiên của Tiah Joo Kim, một nhà kinh doanh địa ốc Malaysia trẻ, khi đến trụ sở Trump Organization ở Manhattan để bán một dự án khách sạn tại Vancouver. Thay vì một đại công ty như tưởng tượng, doanh nghiệp nổi tiếng này chỉ được quản lý bởi vài chục người, làm việc tại hai tầng lầu. Sau khi thuyết phục được ba người con ông Trump, anh gặp nhà tỉ phú, được duyệt dự án, sau đó cả một đạo quân luật sư và cán bộ thương lượng ráo riết, không nhân nhượng cho việc mang thương hiệu Trump.

Qua hệ thống phức tạp các hợp đồng nhượng quyền và công ty trách nhiệm hữu hạn, Trump Organization tạo ra vô số xung đột lợi ích tiềm năng. Donald Trump khó thể rút lui hẳn khỏi công ty gia đình này, và dù ông để cho ê-kíp của mình đứng ra thương lượng đi nữa, tên tuổi và ảnh hưởng của Trump cũng bao trùm lên các hợp đồng.

Ranh giới hầu như không hiện hữu giữa công việc phải làm cho công ty và cho gia đình Trump. Trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng cũng thế, và sau chiến thắng ngày 8/11, lại càng nhập nhằng hơn khi tổng thống tương lai cùng với các con gặp gỡ các doanh nhân nước ngoài có liên quan đến việc làm ăn, đại diện các chính phủ ngoại quốc có ảnh hưởng đến các dự án của Trump Organization.

Tính chất gia đình còn ở chỗ không có cơ cấu tổ chức rõ ràng, mà theo Donald Jr. Thì « hoạt động như một nhà buôn nhỏ ». Các vị trí lãnh đạo phân bổ không dựa trên tài năng, mà ở lòng trung thành với ông chủ. Chẳng hạn Allen Weisselberg, giám đốc tài chính ban đầu là kế toán cho người cha của Donald Trump. Brian Baudreau, tổng giám đốc khách sạn Trump International ở Las Vegas trước đây là tài xế của gia đình.

Ứng viên nổi loạn, tổng thống của sự hỗn loạn

Le Point mô tả « 70 ngày tại Trump Tower », khi Donald Trump chuẩn bị cho chức vụ mới. Tòa nhà chọc trời ở Manhattan, được mệnh danh là « Nhà Trắng phía bắc », từ tháng 11/2016 trở thành trung tâm quyền lực.

Mỗi ngày, đám đông hiếu kỳ và những người ủng hộ vượt qua hàng rào an ninh để chiêm ngưỡng lãnh địa của nhà tỉ phú. Cửa các thang máy được mạ vàng, tòa nhà sử dụng 2.500 tấn cẩm thạch hồng nhập từ Ý. Tất nhiên không ai có thể quan sát căn hộ penthouse sang trọng rộng đến 3.000 mét vuông nơi Donald Trump sống với vợ, bà Melania và con trai Barron 10 tuổi, thì vàng son càng lộng lẫy hơn với những hàng cột, phù điêu, chạm khắc cầu kỳ, mà theo người viết tiểu sử của ông thì công phu hơn cả việc xây tòa tháp. Ông ta cố tình quên vụ 200 công nhân Ba Lan không giấy tờ đang kiện nhà tỉ phú đòi hàng triệu đô la lương còn thiếu.

Từ khi thắng cử, Donald Trump hầu như không mấy khi rời khỏi văn phòng ở tầng 26, nơi ông liên tục tiếp đủ loại người – các nhân vật nổi tiếng trong nhiều lãnh vực, những người mong mỏi một chức vụ. Trump tham khảo ý kiến nhiều người, từ Henry Kissinger, Al Gore, cựu đối thủ Mitt Romney…nhưng chẳng nghe ai cả.

Trái với thông lệ các tổng thống tân cử thường tránh đưa ra ý kiến trước khi chính thức nhậm chức, Trump tiếp thủ tướng Nhật, điện đàm với tổng thống Đài Loan, đả kích ông Obama về vấn đề Israel…Một điều chắc chắn là chiến thắng không làm Trump thay đổi một ly nào. Jeb Bush nhận xét : « Ông ta là ứng cử viên của sự hỗn loạn, và sẽ là một tổng thống của hỗn loạn ». Đặc biệt cuộc họp báo đầu tiên của Donald Trump dữ dội chưa từng thấy : trong 58 phút, ông tuôn ra những tràng khải hoàn ca, khiêu khích và thóa mạ các nhà báo cũng như CIA.

Donald Trump : Mao Trạch Đông mới

Độc đáo hơn, tác giả Kerry Brown trên The Diplomat cho rằng « Trump thực sự là Mao Trạch Đông mới » : người thừa kế của Mao không phải là Tập Cận Bình mà là Donald Trump.

Hãy tưởng tượng một nhà lãnh đạo đảng chính trị nghi ngờ hết thảy mọi người, và bị các nhân vật cao cấp trong đảng nghi kỵ. Ông ta có những tuyên bố trái ngược, thay đổi quan điểm xoành xoạch ; có nhiều đời vợ và cuộc sống riêng tư phức tạp. Một con người gây sợ hãi, thường xuyên khuấy động tạo bất ổn.

Trên đây là mô tả về Mao Trạch Đông, nhưng cũng đúng với tân tống thống Mỹ Donald Trump !

Nếu Trump trực tiếp với công chúng qua Twitter, thì Mao cũng tuyên truyền rầm rộ cho bản thân. Đối với cả Trump lẫn Mao, sự thật là có thể thương lượng. Mao căm ghét trí thức, tàn bạo với những ai phản đối mình, cũng giống như Trump trút giận dữ lên giới tinh hoa mà ông ta cho rằng đang sống trong tháp ngà.

Tấn công thô bạo vào báo chí, thường xuyên kêu gọi quần chúng ủng hộ mình…Theo tác giả, nhân dân Trung Quốc đã có quá nhiều kinh nghiệm với dạng làm chính trị này trong quá khứ, có thể nhìn sang đất Mỹ xa xôi ngàn dặm với lòng thương hại. Họ biết câu chuyện sẽ kết thúc như thế nào. Còn người Mỹ thì đang bắt đầu khám phá. - RFI
|
|

8.
Quyết định đầu tiên của Trump: Đánh Obamacare, bỏ TPP

Ngay sau lễ nhậm chức ngày 20/01/2017, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh đầu tiên trong nhiệm kỳ nhằm thúc đẩy kế hoạch hủy bỏ Obamacare, tức đạo luật cải tổ y tế của người tiền nhiệm Barack Obama. Nhà Trắng của tân tổng thống Trump còn tuyên bố một chiến lược thương mại mới, khởi sự bằng việc rút Mỹ ra khỏi Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, và thương thuyết lại Hiệp Định Tự Do Mậu Dịch Bắc Mỹ NAFTA.

Trong một buổi lễ ký sắc lệnh được chuẩn bị cấp tốc tại Nhà Trắng, ông Donald Trump ngay từ đầu buổi tối hôm qua đã hạ bút ký vào sắc lệnh đầu tiên của ông trong tư cách tổng thống Mỹ, khởi đầu tiến trình hủy bỏ luật cải tổ y tế thường gọi là Obamacare, mà ông Trump và đảng Cộng Hòa căm ghét.

Sắc lệnh ghi nhận ý định của tổng thống Trump là « mau chóng » xóa bỏ đạo luật. Trong khi chờ đợi, các cơ quan liên bang được quyền không thực thi các quy định liên quan đến đạo luật này.

Trước dư luận dân chúng phản đối việc hủy bỏ một đạo luật mang lại bảo hiểm y tế cho khoảng 20 triệu người dân Mỹ, đảng Cộng Hòa trong Quốc Hội Mỹ cũng muốn đề ra một kế hoạch cụ thể để thay thế, nhưng vẫn chưa làm được.

Một lời hứa thứ hai cũng đã được ông Donald Trump thực hiện trong ngày đầu tiên làm tổng thống : Rút Mỹ ra khỏi Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, và thương thuyết lại Hiệp Định Tự Do Mậu Dịch Bắc Mỹ NAFTA. Quyết định này tuy nhiên không được đưa ra dưới dạng sắc lệnh mà được nêu lên trong một bản tuyên bố về một chiến lược thương mại mới, được Nhà Trắng loan báo ngay sau lễ nhậm chức của ông Trump.

Về TPP, bản tuyên bố xác định rằng chiến lược thương mại mới của nước Mỹ « bắt đầu bằng việc rút khỏi TPP và đảm bảo rằng bất kỳ thỏa thuận thương mại nào mới cũng phải phục vụ lợi ích của người lao động Mỹ ».

Trong tinh thần đó, tuyên bố còn xác nhận ý định của ông Trump muốn đàm phán lại Hiệp Định Tự Do Thương Mại Bắc Mỹ NAFTA, ký kết năm 1994 giữa Mỹ, Canada và Mêhicô.

Đối với tân chính quyền Mỹ, các thỏa thuận thương mại cũ đều có hại cho người lao động Mỹ, vì vậy cần phải có « những thỏa thuận cứng rắn và bình đẳng » về thương mại để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ và đưa hàng triệu việc làm trở về Mỹ.

TPP là một hiệp định từng được chính quyền Mỹ ký kết, nhưng chưa được Quốc Hội Mỹ phê chuẩn. Công cụ này được coi là vế kinh tế chính trong chiến lược xoay trục qua Châu Á-Thái Bình Dương của chính quyền Obama, vào lúc Trung Quốc đang vươn lên mạnh mẽ.

Các nước ủng hộ TPP, cụ thể là Nhật Bản và Úc, hai thành viên của hiệp định từng lên tiếng cảnh báo rằng việc từ bỏ thỏa thuận có thể củng cố ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc trong khu vực, gây thiệt hại cho Mỹ.

Cũng trong ngày đầu tiên tại Nhà Trắng, ông Donald Trump đã ký văn bản bổ nhiệm hai bộ trưởng trong nội các mới được Thượng Viện Mỹ phê chuẩn trước đó vài tiếng đồng hồ : Bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis và bộ trưởng An Ninh Nội Địa John Kelly. - RFI
|
|

9.
TT Trump thăm trụ sở CIA sau khi đi lễ tại Nhà thờ Quốc gia

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ bỏ một phần thời giờ trong ngày làm việc đầu tiên hôm thứ Bảy 21/1 để đến thăm Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA), một trong những cơ quan tình báo Mỹ mà ông đã có bất đồng trong thời gian qua.

Chuyến thăm đã được Người phát ngôn của Tòa Bạch Ốc Sean Spicer xác nhận trên trang Twitter hôm nay.

Ông Trump trong thời gian gần đây đã chỉ trích CIA và các cơ quan tình báo khác về tuyên bố của họ liên quan tới vụ tin tặc do Nga thực hiện. Trong mấy tuần qua, ông Trump cáo buộc CIA là làm lộ một hồ sơ - chưa được kiểm chứng, theo đó Nga nắm trong tay những thông tin nhạy cảm do họ thu thập để có thể sử dụng để chi phối ông Trump.

Ông Trump đến thăm Cơ quan Tình báo Trung ương sau khi các dân biểu Đảng Dân chủ trong quốc hội trì hoãn tới hôm thứ Hai tiến trình chuẩn thuận dân biểu Mike Pompeo, người được ông Trump đề cử vào chức Giám Đốc CIA. Các nhà lập pháp Đảng Cộng hoà lên án cố gắng của các thành viên Đảng Dân chủ, nói rằng làm như vậy khiến cho CIA lâm vào tình trạng không có lãnh đạo vào cuối tuần này.

Trước khi đi thăm CIA, Tổng thống Mỹ mới nhậm chức đã đến dự lễ cầu nguyện tại Nhà thờ Quốc gia cùng với gia đình và Phó Tổng thống Mike Pence cùng phu nhân Karen.

Trong ngày thứ nhì từ khi nhậm chức, một cuộc biểu tình phản đối một số chính sách của ông Trump thu hút đông đảo người tham dự ngay tại quảng trường quốc gia, tại chính địa điểm nơi ông làm lễ tuyên thệ nhậm chức ngày hôm qua. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

10.
TQ là 'đối tác thương mại lớn nhất' của VN

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong năm 2016, theo số liệu thống kê được Tổng cục Hải quan Việt Nam công bố và được truyền thông Việt Nam đăng tải cuối tuần này.

Hôm 20/01, báo điện tử VnEconomy cho hay với kim ngạch lên tới 72 tỷ USD, Trung Quốc vững ngôi đầu trong danh sách đối tác thương mại của Việt Nam.

Dẫn nguồn từ Tổng cục Hải quan, báo này cho hay một nửa thị trường xuất khẩu của Việt Nam nằm tại châu Á, trong khi nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, Hoa Kỳ và châu Âu.

"Thị trường xuất khẩu năm 2016 của Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung ở khu vực châu Á, với kim ngạch hơn 85,3 tỷ USD, chiếm 48,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong đó, Trung Quốc nhập gần 22 tỷ USD hàng hóa của Việt Nam, tăng 28,4% so với cùng kỳ, chiếm 12,4% kim ngạch xuất khẩu cả nước, là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam," VnEconomy cho biết.

"Nhật đạt gần 14,68 tỷ USD, tăng 3,9%, chiếm tỷ trọng 8,3%; Hàn Quốc đạt gần 11,42 tỷ USD, tăng 28%, chiếm tỷ trọng 6,5%... Khu vực châu Mỹ đạt kim ngạch hơn 47,38 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 26,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch hơn 38,46 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ, và chiếm tới 21,78% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

"Khu vực EU (gồm 28 nước) đạt gần 33,97 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 19,2%, là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ. Châu Đại Dương đạt kim ngạch gần 3,39 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 1,9%; châu Phi đạt gần 2,74 chiếm tỷ trọng 1,6%."

Cả năm 'vẫn xuất siêu'

Vẫn theo nguồn này, nhìn lại 12 tháng của thương mại Việt Nam trong năm vừa qua, Việt Nam có điểm sáng là 'vẫn xuất siêu', VnEconomy cho biết:

"Cụ thể, tháng 12/2016, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 33,66 tỷ USD. Tính chung 12 tháng năm 2016, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt hơn 350,7 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ.

"Trong đó, xuất khẩu đạt hơn 176,63 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ. Nhập khẩu đạt hơn 174,1 tỷ USD, tăng 5,2%.

"Dù thâm hụt thương mại lớn trong tháng 12/2016, song tính chung cả năm, Việt Nam vẫn xuất siêu 2,52 tỷ USD.

"Trong đó, riêng khu vực FDI có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 222,2 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ, xuất siêu 21,6 tỷ USD," tờ báo trích số liệu từ Tổng cục Thống kê của Việt Nam mới công bố cho hay.

'Lạc quan' kinh tế Việt - Mỹ

Liên quan hợp tác kinh tế song phương Việt Nam - Hoa Kỳ, hôm thứ Sáu, truyền thông Việt Nam tường thuật ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại một cuộc đối thoại ở diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF - Davos) diễn ra mới đây cho hay ông lạc quan về triển vọng dưới thời của Tổng thống Donald Trump, người vừa tuyên thệ nhậm chức hôm 20/01 tại Washington D.C.

"Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quan hệ Việt - Mỹ vẫn tốt đẹp khi ông Donald Trump lên nắm quyền lãnh đạo," trang tin Báo mới từ Việt Nam cho biết.

"Tại thời điểm tranh cử, ông Donald Trump có tuyên bố rằng sẽ xem lại vấn đề TPP, tuy nhiên, ngài Ngoại trưởng mới được giới thiệu lại rất ủng hộ TPP. "Tôi nghĩ rằng ông Donald Trump sẽ suy nghĩ về vấn đề này kỹ hơn và sẽ có trả lời sau khi ông nhậm chức và ông sẽ ủng hộ tất cả chúng ta", Baomoi.com dẫn ý và lời của Thủ tướng Việt Nam nói.

Đặc biệt, Thủ tướng Việt Nam hé lộ 'kịch bản' đối phó trong trường hợp Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình dương không có sự hiện diện của Mỹ, vẫn theo truyền thông Việt Nam:

"Đặt vấn đề Việt Nam sẽ thế nào khi không có TPP, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam đã có 12 hiệp định thương mại tự do với các nước G7 và G20 đặc biệt là EU.

"Và nếu không có TPP thì Việt Nam và Mỹ sẽ thảo luận một hiệp thương mại mới để mở rộng sự hợp tác giữa hai nước," Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được Baomoi.com trích lời khẳng định.

Tin cho hay, tân lãnh đạo Hoa Kỳ đã tuyên bố nước này sẽ rút khỏi Hiệp định TPP, ngay sau khi ông Trump nhậm chức.

"Ngay sau lễ nhậm chức Tổng thống, chính quyền của ông Donald Trump vừa ra thông cáo về chiến lược thương mại để bảo vệ việc làm cho người Mỹ, bắt đầu bằng việc rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)," báo VnExpress của Việt Nam đưa tin. - BBC
|
|

11.
Ông Dzerzhinsky được dựng tượng ở VN là ai?

Học viện Cảnh sát Nhân dân ở Hà Nội vừa khánh thành tượng ông Felix Dzerzhinsky, lãnh đạo đầu tiên của ngành công an Liên Xô.

Theo báo Việt Nam, buổi lễ có sự tham gia của các quan chức ngành công an Việt Nam và ông Vadim Bublikov, Tham tán Công sứ, Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam và đại diện Trung tâm Văn hóa Nga tại Hà Nội.

Một bài trên báo Việt Nam viết:

"Ngày 20/01/2017, Học viện CSND đã long trọng tổ chức Lễ khánh thành Tượng nhà cách mạng Ph. D. Dgiec-zen-xki, người sáng lập cơ quan Công an Xã hội Chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới với câu nói nổi tiếng: "Người cán bộ Công an phải có cái đầu lạnh, trái tim nóng và đôi bàn tay sạch."

Cách mạng và phản cách mạng

Theo Bách khoa Toàn thư Anh (Britannica) Felix Dzerzhinsky sinh năm 1877 tại Kaunas (Kovno, Lithuania, khi đó thuộc Đế chế Nga) trong gia đình quý tộc nghèo người Ba Lan.

Cũng tại đây ông gia nhập Đảng Xã hội Dân chủ năm 1895 và bị cảnh sát Nga hoàng bắt vì hoạt động lật đổ.

Ông bị đầy đi Siberia nhưng bỏ trốn và tham gia Cách mạng Nga 1905.

Trở thành lãnh tụ của Đảng Xã hội Dân chủ Ba Lan-Lithuania và thuyết phục được đảng này hợp nhất với đảng cùng tên ở Nga.

Trong thời gian nổ ra Cách mạng Nga tháng 2/1917, ông vẫn đang bị cầm tù nhưng sau được thả và đóng vai trò trọng yếu trong Cách mạng tháng Mười.

Ngày 20/12/1917 ông được Lenin bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Uỷ ban chống phản cách mạng và phá hoại trên toàn Nga. Cái tên hiền lành này được rút gọn là Cheka, và chính là bộ máy công an của Liên Xô thời kỳ đầu.

Cheka đã giúp Lenin giữ gìn nền độc tài bằng các cuộc xử tử tùy thích bất cứ ai chính quyền Xô Viết coi là kẻ thù, theo Britannica.

Dzerzhinsky cũng là người đầu tiên lập ra các trại tập trung ở Nga, và có tiếng là "một lãnh đạo cộng sản không khoan nhượng, không tham nhũng và cuồng tín".

Theo Stephen Dalziel, phóng viên chuyên về Nga của BBC News, trong giai đoạn ngay sau khi Lenin lên nắm quyền ở Nga, "ít nhất nửa triệu người đã bị xử tử".

Britannica viết rằng trong cuộc chiến Liên Xô đánh Ba Lan năm 1919-20, ông Dzerzhinsky được giao nhiệm vụ lập ra Ủy ban Cách mạng Ba Lan để về lập chính quyền Bolshevik nếu Hồng quân thắng lợi.

Nhưng sau thất bại của họ, kế hoạch đó không thành và Dzerzhinsky rời ngành an ninh sang nắm vị trí Chính ủy Giao thông năm 1921.

Sang năm 1922, trong nỗ lực hạn chế quyền hành của Cheka mà lúc đỉnh cao có trên 250 nghìn quân, chính quyền Liên Xô trao lại ngành an ninh cho Cục Chính trị Quốc gia GPU.

Sau khi Lenin qua đời, Dzerzhinsky ủng hộ Stalin nhiệt thành và giữ chức Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Tối cao Liên Xô.

Ông bị đột quỵ và chết khi đang dự họp Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô năm 1926.

Ba Lan đánh giá khác Nga

Tại Ba Lan thời phụ thuộc vào Liên Xô (1945-1989), tên của Dzerzhinsky được đặt cho nhiều đường phố.

Nhưng sau 1990, các tên phố và tượng đài Dzerzhinsky bị bỏ.

Ngày nay, quan điểm khá phổ biến tại Ba Lan coi ông Dzerzhinsky là kẻ phản lại quyền lợi dân tộc Ba Lan và là 'Đồ tể Đỏ'.

Ngoài chuyện đem quân Liên Xô đánh Ba Lan năm 1920, Dzerzhinsky được cho là đóng vai trò chính trong các vụ tàn sát người Nga bị quy kết là 'phản cách mạng'.

Theo một bài trên trang của Đài Tiếng nói Ba Lan về lịch sử:

"Tháng 10/1918, những công nhân tại Moscow đình công và bị vây bắt, quy kết là phản cách mạng và xử bắn bằng súng máy. Tại Petrograd, nhiều người bị lĩnh án tử hình, tay họ bị trói cùng nhau, và đến đêm bị đẩy lên các xà lan gỗ, đem ra ném xuống Vịnh Phần Lan. Người ký các lệnh đó chính là Felix Dzerzhinsky."

Nhưng cũng có sự tìm tòi giải thích vì sao người Ba Lan này lại trở thành nhân vật duy nhất có vị trí cao trong hệ thống Xô Viết và có hành động như vậy.

Giáo sư Pawel Wieczorkiewicz trong loạt bài 'Các nhân vật của Thế kỷ 20' giải thích Dzerzhinsky luôn "phục tùng hoàn toàn Lenin" trong các chiến dịch khủng bố và sẵn sàng làm tất cả để chế độ Xô Viết không mất quyền.

Làn sóng trấn áp được Dzerzhinsky đẩy lên cao độ năm 1918 sau vụ Lenin bị ám sát không chết.

Mặt khác, trong một bài trên trang tin Wiadomosci (10/11/2012), bà Marta Tychmanowicz tìm lại các sử liệu mới nhất nói ông Dzerzhinsky đã cưới vợ ở nhà thờ trong một buổi lễ của Công giáo La Mã.

Bài báo 'Cuộc đời hai mặt của Felix tay đẫm máu - người Ba Lan nhưng là cha đẻ của chủ nghĩa khủng bố Xô Viết' cho rằng ông Felix Dzierzinsky và bà Zofia Muszkat đã quỳ xuống trước cha đạo nhận lời ban phước trong nhà thờ Thánh Mikolaj ở Krakow ngày 10/11/1910.

Các tài liệu mới nhất về cuộc đời ông Dzerzhinski do Giáo sư sử học Michal Glowinski mô tả đây là một người xuất thân từ gia đình quý tộc sa sút vùng biên địa (Ba Lan - Lithuania) và có đời nhiều thất bại.

"Ông ta không học hành đến nơi đến chốn, bằng tú tài cũng không có, và bỏ học để trở thành nhà cách mạng chuyên nghiệp."

Năm 1920 sau khi đã là thành viên Đảng Xã hội Chủ nghĩa Ba Lan, ông bỏ sang theo Liên Xô và gia nhập Hồng quân.

Ông Dzerzhinsky cuối cùng "đã trở thành người lãnh đạo tàn bạo của tổ chức đứng đằng sau làn sóng khủng bố Bolshevik", theo giáo sư Glowinski.

Còn bà Zofia, sinh ra tại Warsaw và có bằng đại học âm nhạc, đã sang Liên Xô sống cùng ông Dzerzhinsky cho đến khi qua đời năm 1968 và chỉ quay về thăm Ba Lan một vài lần.

Tượng 11 tấn của ông Dzerdzinsky từng đứng trước Bộ Công an Liên Xô nhưng sau bị kéo đi và đưa vào một công viên năm 1991.

Tuy thế, nước Nga hiện nay không chia sẻ quan điểm lên án ông Dzerzhinsky như tại Ba Lan, quê hương của ông.

Hồi giữa năm 2015, một số nhóm cộng sản ở Nga lên tiếng đòi đưa bức tượng trở lại lên bệ, theo phóng viên BBC Sarah Rainsford từ Moscow.

Bức tượng Dzerzhinsky tại Học viện Cảnh sát Nhân dân ở Hà Nội có cơ hội trở thành tượng mới nhất của ông được dựng trên thế giới sau khi Liên Xô sụp đổ. - BBC



No comments:

Post a Comment