Tin Thế Giới
1.
Trung Quốc ‘đe dọa’ Mỹ
Bắc Kinh hôm qua, 25/10, tuyên bố sẽ hành động nếu Hoa Kỳ gây tổn hại tới các quyền lợi an ninh cũng như chủ quyền của Trung Quốc.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng như vậy tại buổi họp báo thường kỳ, gần một tuần sau khi tàu chiến Mỹ tiến vào khu vực quần đảo Hoàng Sa hiện do Bắc Kinh kiểm soát.
Khi được hỏi rằng việc Mỹ triển khai tàu chiến từ Hạm đội 3 của hải quân nước này từ San Diego tới biển Đông, thay vì từ Hạm đội 7 ở Nhật Bản tới biển Đông như trước có làm gia tăng căng thẳng ở vùng biển tranh chấp này hay không, ông Lục Khảng trả lời: “Hoa Kỳ có thể tự ra quyết định liên quan tới việc đánh giá môi trường an ninh và cách sử dụng tiền thuế của người dân”.
Người phát ngôn này nói thêm: “Tuy nhiên, nếu Mỹ làm bất kỳ điều gì gây tổn hại tới hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực Thái Bình Dương thì Trung Quốc phải nêu rõ sự phản đối của mình”.
Ông Lục được trích lời nói trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 25/10: “Nếu động thái của Mỹ đặt chủ quyền và quyền lợi an ninh của Trung Quốc vào thế nguy hiểm, thì Trung Quốc chắc chắn sẽ có hành động đáp trả cần thiết”.
Theo Reuters, trước đó, chỉ huy hải quân Mỹ Gary Ross nói rằng hoạt động của tàu khu trục USS Decatur được tiến hành “thường lệ, đúng luật và không có tàu hộ vệ cũng như không vấp phải sự cố nào”.
Ông Ross nói rằng chiến hạm trên đi ngang qua giữa hai hòn đảo thuộc Hoàng Sa nhưng không trong phạm vi 12 hải lý của các hòn đảo.
Thời gian qua, hải quân Mỹ đã thực hiện bốn chuyến thực thi quyền tự do hàng hải ở biển Đông, trong bối cảnh Trung Quốc rầm rộ lấp biển xây đảo nhân tạo, nhất là tại quần đảo Trường Sa.
Trong khi đó, Việt Nam hôm 24/10 có phản ứng về việc tàu khu trục Hoa Kỳ USS Decatur tới khu vực lân cận Hoàng Sa, kêu gọi các quốc gia “đóng góp mang tính xây dựng và tích cực”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nói: “Là quốc gia ven Biển Đông và quốc gia thành viên Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam tôn trọng việc các quốc gia thực hiện các quyền tại biển Đông phù hợp với quy định của Công ước, trong đó có quyền tự do hàng hải và hàng không. Những yêu sách biển và hành động liên quan của các quốc gia cần phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982”.
Trong thông cáo ngắn trên trang web, phát ngôn viên Bình nói tiếp: “Việt Nam nhấn mạnh tất cả các quốc gia cần có đóng góp mang tính xây dựng và tích cực, phù hợp với luật pháp quốc tế nhằm duy trì hòa bình, ổn định và thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương”. - VOA
|
|
2.
Duterte nói đi TQ chỉ vì kinh tế và Nhật 'gần gũi hơn anh em' --- Tổng thống Duterte muốn Mỹ rút quân khỏi Philippines trong 2 năm
Tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte phát biểu khi sang thăm Nhật Bản rằng chuyến thăm trước đó sang Trung Quốc của ông "hoàn toàn vì mục tiêu kinh tế" chứ không vì an ninh khu vực.
Ông cũng cam kết "đứng cạnh Nhật Bản trong vấn đề Biển Nam Trung Hoa" khi thời cơ đến, theo Reuters tường thuật từ Tokyo 26/10/2016.
Nói chuyện trước các doanh nhân Nhật Bản ông giải thích:
"Các vị biết tôi vừa sang thăm Trung Quốc. Tôi muốn đảm bảo với các vị rằng đó chỉ là chuyện kinh tế. Chúng tôi không hề nói chuyện về vũ khí, tránh không bàn về quan hệ đồng minh,"
Ông cũng nói với Thủ tướng Shinzo Abe trước đó rằng "ông sẽ đứng về phía Nhật Bản" trong vấn đề Biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông, theo cách gọi của Việt Nam).
Tổng thống Philippines còn gọi "Nhật Bản là người bạn đặc biệt và gần gũi hơn cả người anh em".
Ông cam kết cùng Nhật duy trì và bảo vệ các giá trị dân chủ, pháp quyền và giải pháp hoà bình cho tranh chấp ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông).
Nhưng ông Duterte vẫn nhấn mạnh lại những lời lẽ cứng rắn trách cứ Hoa Kỳ và xác nhận ông có thể chấm dứt hiệp ước quốc phòng với Mỹ.
Phát biểu "tách rời Mỹ" của ông Duterte được quan chức Philippines giải thích chỉ là cách nhấn mạnh Manila sẽ có chính sách ngoại giao độc lập khỏi Washington.
Trong vòng hai năm
Dù Hoa Kỳ đang theo dõi kỹ các phát biểu của ông Duterte, Bộ Ngoại giao Mỹ nói họ sẽ không "phản ứng trước lời mang tính khoa trương" và tiếp tục nỗ lực vì quan hệ với Philippines, phát ngôn viên của bộ này, Josh Kirby cho hay hôm thứ Ba tại Washington.
Nhưng cũng tại Nhật Bản, ông Duterte cho hay "chỉ trong vòng hai năm nữa" Philippines sẽ muốn quân đội nước ngoài rút khỏi lãnh thổ của họ.
Hiện Hoa Kỳ có sự hiện diện của đơn vị nhỏ ở miền Nam Philippines và hai bên có các cuộc diễn tập quân sự. - BBC
***
Trong chuyến công du Tokyo hôm nay, 26/10/2016, tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố muốn Hoa Kỳ rút toàn bộ binh sĩ ra khỏi Philippines trong vòng 2 năm tới, đồng thời, ông cũng cho biết sẵn sàng xem lại hiệp ước quốc phòng với Mỹ, nếu thấy cần thiết.
Lần đầu tiên tới thăm Nhật Bản, tổng thống Philippines nhấn mạnh trọng tâm chuyến đi là kinh tế, thương mại. Mặc dù vậy, trong một diễn đàn kinh tế tại Tokyo hôm nay, ông Duterte đã tuyên bố: "Tôi muốn, có thể trong vòng 2 năm tới, đất nước tôi sẽ không còn sự có mặt của quân đội nước ngoài" và dù có phải hủy bỏ các thỏa thuận thì ông cũng sẽ sẵn sàng làm. Tổng thống Philippines muốn ám chỉ lực lượng Mỹ đóng tại các căn cứ quân sự trên lãnh thổ Philippines theo thỏa thuận liên minh quân sự giữa hai nước.
Ngoài số quân đồn trú thường trực nói trên, Mỹ còn có một đơn vị đặc nhiệm đang có mặt trên đảo Mindanao để giúp Philippines chống lại các lực luợng khủng bố Hồi Giáo cực đoan.
Tuần trước, trong chuyến thăm Trung Quốc, ông Duterte đã gây bất ngờ khi tuyên bố muốn chia tay với đồng minh Hoa Kỳ. Tuy nhiên sau đó ông đã phải lên tiếng giải thích rằng phát biểu đó không có nghĩa là cắt đứt hẳn quan hệ với Mỹ.
Tại Tokyo, tổng thống Philippines dường như muốn trấn an các cử tọa Nhật Bản về quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh. Ông Duterte khẳng định không tìm kiếm liên minh quân sự với Trung Quốc và trong các cuộc đàm phán với lãnh đạo Trung Quốc, hai bên đã không đề cập đến chuyện vũ khí, hay triển khai quân đội hay liên minh.
Phát ngôn viên chính phủ Nhật Yoshihide Suga tuyên bố Tokyo sẽ tiếp tục viện trợ phát triển cho Philippines, nhưng không cho biết là vấn đề quan hệ với Mỹ có được đề cập đến hay không trong cuộc hội đàm giữa tổng thống Philippines và thủ tướng Nhật Shinzo Abe vào chiều tối nay.
Dưới thời tổng thống Benigno Aquino, Nhật Bản và Philippines vẫn có quan hệ khăng khít. Tokyo đã cung cấp cho Manila các tàu tuần duyên, ủng hộ Philippines trong các tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc. - RFI
|
|
3.
Eurozone thông qua thêm 1 gói cứu trợ cho Hy Lạp
Quan chức các nước khu vực đồng Euro hôm thứ Ba, 25/10, đã thông qua một gói cứu trợ 2,8 tỷ euro cho Hy Lạp. Đây là gói cứu trợ thứ ba dành cho nước này kể từ khi nước này rơi vào khủng hoảng kinh tế cách đây 6 năm.
Ông Klaus Regling, giám đốc điều hành Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM), cho biết: "Quyết định hôm nay giải ngân 2,8 tỷ cho Hy Lạp là một dấu hiệu cho thấy người dân Hy Lạp đang đạt tiến bộ vững chắc trong tiến trình cải cách đất nước họ".
Lần giải ngân mới nhất sẽ bao gồm một khoản 1,1 tỷ euro được sử dụng để xử lý nợ căn cứ vào việc Hy Lạp đáp ứng thành công 15 mốc về tài chính, và một khoản 1,7 tỷ euro để giúp thanh toán các khoản nợ chưa trả khác.
Ông Regling cho biết Hy Lạp đã đáp ứng các mốc quan trọng liên quan đến cải cách lương hưu, giám sát ngân hàng và các khu vực khác, và đất nước đã có những bước xa hơn để đưa vào hoạt động một quỹ mới về tư nhân hóa và đầu tư.
Ông nói: "Nếu chính phủ tiếp tục thực hiện các cải cách đã thỏa thuận trong chương trình ESM, mức tăng trưởng của nền kinh tế Hy Lạp có thể tăng tốc trong năm tới và chính phủ có thể bắt đầu phát hành trái phiếu trở lại trong năm tới".
Khi các nguồn tiền này được giải ngân, Hy Lạp sẽ nhận được gần 32 tỷ trong gói cứu trợ 86 tỷ euro được duyệt hồi tháng 7 năm 2015. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
4.
Bà Clinton dẫn trước trên toàn quốc tại các bang quan trọng --- Thăm dò: Bà Clinton là lựa chọn của cử tri trẻ --- Trump: Bà Clinton có thể gây 'Thế chiến thứ ba'
Trong lúc ngày bầu cử 8 tháng 11 đang gần kề, ứng cử viên Hillary Clinton của Ðảng Dân chủ và đối thủ Donald Trump bên Ðảng Cộng hòa tập trung vận động tại một số tiểu bang được gọi là “bang chiến trường”, những nơi có thể quyết định ai sẽ đắc cử để trở thành tổng thống kế tiếp của Hoa Kỳ. Người Mỹ bầu tổng thống theo phương thức cộng gộp số phiếu đại cử tri đoàn mà mỗi ứng cử viên giành được từ tất cả các tiểu bang. Ứng cử viên đoạt đa số phiếu của cử tri tại một bang sẽ chiếm toàn bộ phiếu đại cử tri đoàn của bang đó.
Trong những ngày cuối của chiến dịch tranh cử, bà Hillary Clinton và ông Donald Trump thường xuyên đến vận động tại một số ít tiểu bang, nơi cử tri còn do dự chưa biết bầu cho bên nào. Liệu họ bầu cho ông Trump ở bang Ohio và New Hampshire, hoặc cho bà Clinton ở bang Florida và Nevada?
Trong nhiều năm qua, Hoa Kỳ bị chia rẽ sâu sắc về chính trị trong các cuộc bầu cử tổng thống, với nhiều tiểu bang hoặc là ngả về đảng Cộng hòa, được hiển thị màu đỏ trên bản đồ, hoặc là nghiêng theo đảng Dân chủ, được hiển thị màu xanh dương trên bản đồ.
Nhà phân tích chính trị Stephen Wayne của Đại học Georgetown nhận định:
"Ở những bang mà một đảng dẫn trước với cách biệt lớn, thì việc dùng nhiều nguồn lực để vận động tranh cử tổng thống ở bang đó chỉ vô ích mà thôi."
Giáo sư Jeremy Mayer thuộc Đại học George Mason giải thích rằng sau khi loại trừ những bang đã có lập trường rõ rệt như vậy ra, thì chỉ còn lại khoảng một chục tiểu bang, được gọi là “bang chiến trường” hay “bang có thể nghiêng về bất cứ bên nào”, nơi mà các ứng cử viên phải dành hầu hết thời gian ra vận động. Ông nói:
"Trong chiến dịch tranh cử ngày nay, các ứng cử viên chỉ tập trung vận động tại khoảng 12 tiểu bang. Tên của các bang đó thay đổi từ năm này sang năm khác, mặc dù trong ba cuộc bầu cử gần đây nhất thì danh sách các bang đó tương đối ổn định."
Các bang còn do dự thu hút sự chú ý nhiều nhất gồm những bang lớn như Florida và Ohio, và những bang nhỏ hơn như North Carolina, Nevada và New Hampshire.
Kể từ cuộc bầu cử năm 1992 khi ông Bill Clinton đắc cử, Ðảng Dân chủ nhìn chung giành được nhiều thắng lợi hơn tại các bang chiến trường quan trọng. Theo nhà phân tích Austin Hart của Đại học American, thì đó là một thách thức lớn cho ông Trump trong cuộc bầu cử năm nay. Ông cho biết:
"Ông Trump phải làm sao giành được sự ủng hộ của cử tri ở các bang Florida, Ohio, và có lẽ cả ở Colorado và Nevada. Ông Trump cần phải củng cố khối cử tri ủng hộ ông ở bang Pennsylvania, nếu có thể. Đó là những công việc đầy khó khăn mà ông phải tranh thủ thực hiện trước mắt."
Bà Jennifer Lawless, một nhà phân tích tại Đại học American nhận định rằng trong những ngày cuối của cuộc vận động, các ứng cử viên nhắm vào một nhóm cử tri tương đối nhỏ hơn tại một vài tiểu bang:
"Vấn đề cho đến thời điểm này là thành phần cử tri độc lập. Không phải là một nhóm nhỏ cử tri độc lập, mà thành phần này còn tách ra thành những nhóm nhỏ hơn nữa. Đó là một số ít cử tri độc lập ở các bang chiến trường. Chúng ta đang nói tới một tỉ lệ rất nhỏ trong dân số."
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy bà Clinton dẫn trước ông Trump trên toàn quốc tại một số bang chiến trường quan trọng, mặc dù ông Trump vẫn ráo riết vận động tại những bang trọng yếu như Ohio, Florida và North Carolina. - VOA
***
Theo một cuộc thăm dò của trường đại học Harvard được công bố hôm 26/10, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton, đang dẫn đầu trong số các cử tri tuổi từ 18-29 có thể sẽ đi bỏ phiếu.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ được sự ủng hộ của 49% cử tri so với 28% của đối thủ Cộng hòa của bà là ông Donald Trump. Con số này cao hơn con số ứng cử viên đảng Dân chủ, Tổng thống Barack Obama, từng dẫn trước ứng cử viên đảng Cộng hòa, cựu Thống đốc Massachusettes Mitt Romney, cùng thời điểm vào năm 2012.
Các cuộc thăm dò trên toàn quốc đối với cử tri đủ mọi lứa tuổi cũng cho thấy bà bà Clinton đang dẫn đầu, dù với một khoảng cách hẹp hơn.
Khoảng 14% những người được hỏi nói họ dự trù bỏ phiếu cho ứng cử viên Đảng tự do, Gary Johnson; 5% ủng hộ ứng cử viên Đảng Xanh Jill Stein; và 11% vẫn chưa quyết định.
Hơn 1 trong 3 người tự nhận là cử tri ủng hộ ông Johnson nói có thể thay đổi ý định trước Ngày Bầu cử.
Đa số những người trả lời, 51%, cho biết họ lo ngại về tương lai nước Mỹ. Chỉ 14% trong số 2.150 người trả lời tin là nước Mỹ đang đi đúng hướng.
Cảm giác lo ngại hầu như chiếm đa số trong số những người trả lời da trắng, dù 85% những người trả lời da đen tin là họ “bị tấn công” trong xã hội Mỹ cận đại.
Khoảng 62% những người trả lời tin là các mối quan hệ chủng tộc tại Mỹ sẽ tệ hại hơn nếu ông Trump đắc cử.
22% cho rằng quan hệ chủng tộc sẽ xấu hơn nếu bà Clinton thắng trong cuộc bầu cử ngày 8 tháng 11 tới.
36%, tiên đoán là mối quan hệ này vẫn như cũ.
Cuộc thăm dò được tiến hành từ ngày 7 đến ngày 17 tháng 10. - VOA
***
Ứng viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump nói chính sách ngoại giao của Hillary Clinton ở Syria có thể kích động chiến tranh thế giới thứ ba.
Ông nói Hoa Kỳ nên tập trung vào việc đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS hơn là thuyết phục Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ chức.
bà Clinton đề xuất một vùng cấm bay qua Syria, mà một số người cho rằng có thể dẫn đến xung đột với máy bay chiến đấu của Nga.
Chiến dịch của bà Clinton cáo buộc ông Trumpm "đùa giỡn với nỗi sợ của người Mỹ".
Ông Trump cũng tấn công các đảng viên Cộng Hòa không ủng hộ ông.
"Nếu chúng ta có sự đoàn kết trong đảng, chúng ta không thể thua cuộc bầu cử này trước Hillary Clinton," ông nói với hãng tin Reuters tại khu nghỉ dưỡng chơi golf Trump National Doral ở Miami, Florida.
Người đại diện Đảng cộng hòa chỉ trích đối thủ Đảng Dân chủ về việc kiểm soát vùng cấm bay Syria.
"Bạn không còn chiến đấu chống Syria thêm nữa, bạn đang chiến đấu chống Syria, Nga và Iran, đúng không?"
"Nga là một cường quốc hạt nhân, nhưng một quốc gia nơi vũ khí hạt nhân được sử dụng để chống lại các quốc gia khác chịu đàm phán."
Ông cũng cho rằng bà Clinton không thể thương thuyết với Tổng thống Nga Vladimir Putin sau khi bà chỉ trích ông ta dữ dội.
Ông Trump đặt câu hỏi: "Làm sao bà ấy có thể quay lại và thương thuyết với người mà bà ấy đã bôi xấu" nếu bà được bầu làm tổng thống vào ngày 8/11.
Chiến dịch tranh cử của Clinton chối bỏ các phê phán, nói cả các chuyên gia an ninh của Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đã cho rằng ông Trump không phù hợp với vai trò người lãnh đạo.
"Một lần nữa, ông ấy đang nhại lại những luận điểm của Putin và đùa giỡn với nỗi sợ của người Mỹ, trong khi đó vẫn từ chối công bố kế hoạch đánh bại tổ chức ISIS hay giảm bớt những thương tổn nhân đạo ở Syria," người phát ngôn của bà Clinton Jesse Lehrich nói trong một thông cáo.
"Giết rất nhiều người Syria"
Cảnh báo của ông Trump về việc đối đầu với Nga phản ánh quan ngại được nêu ra tháng trước tại phiên đều trần tại quốc hội với sĩ quan cao cấp nhất của quân đội Hoa Kỳ.
Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ Joseph Dunford nói với các nhà lập pháp "vùng cấm bay" ở Syria có thể dẫn đến chiến tranh với Nga.
"Giờ đây, thưa thượng viện, với chúng tôi để kiểm soát toàn bộ không phận của Syria sẽ buộc chúng tôi phải tiến hành chiến tranh, chống lại Syria và Nga," tướng Dunford nói với Ủy ban Quân vụ Thượng Viện.
"Đó có lẽ là một trong những quyết định quan trọng nhất mà tôi sẽ không thông qua."
Trong cuộc tranh luận cuối cùng ở Nevada hôm 20/10, bà Clinton phác thảo sự ủng hộ của bà với đạo luật này.
"Vùng cấm bay có thể cứu nhiều sinh mạng và sớm dẫn đến kết thúc xung đột," bà nói trên sân khấu.
Nhưng trong một bài diễn thuyết với công ty Goldman Sachs ở Phố Wall vào năm 2013, bà Clinton nói thiết lập vùng cấm bay sẽ "giết chết rất nhiều người Syria", theo đoạn nội dung bài diễn thuyết mà Wikileaks công bố.
Số thường dân bị thiệt mạng tại Syria có thể dẫn đến kết quả Hoa Kỳ phải tiêu diệt không quân Syria, thường đóng tại các khu vực đông dân cư.
Chính sách của bà Clinton không chỉ bất đồng với Tổng thống Obama mà còn khiến Hoa Kỳ leo thang can thiêp vào xung đột tại Syria.
Bình luận của ông Trump được đưa ra hai tuần trước kỳ bầu cử và chiến dịch của ông phải đối mặt với phản ứng của công chúng sau khi nhiều người cáo buộc ông Trump về quấy rối tình dục.
Vị doanh nhân ở New York đang theo sau bà Clinton trên các khảo sát quốc gia, đã lớn tiếng chỉ trích báo chí và cho rằng nhiều tờ báo đã thông đồng để sắp đặt kết quả bầu cử chống lại ông.
"Mọi người đang rất giận dữ với sự lãnh đạo của đảng này, bởi vì đây là một cuộc bầu cử chúng ta sẽ chắc thắng 100% nếu chúng ta có sự ủng hộ từ phía trên,"ông nói. "Tôi nghĩ dù sao chúng ta vẫn sẽ thắng." - BBC
|
|
5.
Thẩm phán chấp thuận để Volkswagen bồi thường khoản tiền kỷ lục
Một thẩm phán liên bang Hoa Kỳ đã cho phép Volkswagen AG trả khoản tiền kỷ lục 14,7 tỉ đôla để dàn xếp vụ bê bối xe hơi lớn nhất trong lịch sử của Mỹ.
Thẩm phán Khu vực Tư pháp Hoa Kỳ Charles Breyer tại thành phố San Franciso, bang California vùng tây bắc hôm thứ Ba đã ký một lệnh cho phép chủ sở hữu của khoảng 475.000 chiếc xe Volkswagen và Audi động cơ diesel bốn xi-lanh 2 lít được bán lại xe của họ bắt đầu vào thứ Ba tuần sau.
Thỏa thuận, được Thẩm phán Breyer mô tả là "công bằng, hợp lý và thỏa đáng," là diễn biến mới nhất trong một vụ bê bối bùng ra khi Volkswagen thừa nhận vào tháng 9 năm 2015 rằng họ đã gian lận trong những cuộc kiểm tra khí thải để làm cho nó có vẻ sạch hơn.
Vụ dàn xếp bắt hãng sản xuất ôtô của Đức phải chi tới 10 tỉ đôla để mua lại xe và bồi thường cho chủ sở hữu. Volkswagen phải chi thêm 4,7 tỉ đôla nữa cho những chương trình làm giảm bớt lượng khí thải dư thừa và những dự án xe sạch khác.
Khí thải từ những xe bị ảnh hưởng cao hơn 40 lần so với giới hạn ô nhiễm hợp pháp.
Nếu những nhà quản lý chấp thuận kế hoạch sửa chữa những chiếc xe này thì Volkswagen cũng có thể được phép sửa chữa chúng.
Tới nay, Volkswagen đã đồng ý bỏ ra tới 16,5 tỉ đôla để giải quyết dứt điểm vụ bê bối. Khoản tiền này bao gồm những khoản thanh toán cho những đại lý xe hơi, những bang của Mỹ, và những luật sư đại diện chủ sở hữu của những chiếc xe bị ảnh hưởng.
Hãng sản xuất xe hơi lớn thứ hai thế giới vẫn đang đối mặt với thêm hàng tỉ đôla chi phí nữa để giải quyết 85.000 chiếc xe động cơ 3 lít và phải chịu tiền phạt của liên bang vì vi phạm luật không khí sạch của đất nước.
Volkswagen cũng là mục tiêu của những vụ kiện ở 16 bang của Mỹ cho những yêu cầu bồi thường thêm nữa mà cũng có thể khiến chi phí tổng cộng gia tăng.
Vụ bê bối này đã gây tổn hại cho hoạt động kinh doanh toàn cầu của Volkswagen và đã khiến giám đốc điều hành của công ty từ chức. - VOA
|
|
6.
Bệnh viện Texas đạt thỏa thuận với y tá gốc Việt nhiễm Ebola
Một tuyên bố hôm thứ Hai cho biết, y tá gốc Việt nhiễm Ebola trong khi điều trị cho bệnh nhân đầu tiên được chẩn đoán nhiễm virus chết người tại Hoa Kỳ đã đạt được thỏa thuận với bệnh viện ở Dallas, nơi cô và một nhóm đồng nghiệp chăm sóc cho bệnh nhân này.
Các điều khoản thỏa thuận giữa đơn vị chủ quản của bệnh viện, Texas Health Resources, và y tá Nina Pham, người đầu tiên bị nhiễm Ebola ở Hoa Kỳ, không được tiết lộ.
Y tá Pham đã đệ đơn kiện hồi năm ngoái, nói rằng Bệnh viện Texas Health Presbyterian Hospital đã không hành động đủ để ngăn ngừa cô khỏi bị nhiễm virus chết người và xâm phạm quyền riêng tư của cô sau khi được chẩn đoán nhiễm bệnh.
“Texas Health Resources và cô Pham đã giải quyết vụ kiện và mong muốn điều tốt đẹp cho cả hai bên”, họ cho biết trong một tuyên bố chung và không cung cấp thêm các chi tiết.
Trong vụ kiện được đệ trình ở Dallas, cô Pham khai rằng bệnh viện đã không cung cấp cho các y tá những thiết bị bảo vệ cần thiết từ ban đầu hoặc đào tạo nhân viên một cách bài bản về cách điều trị bệnh này.
Phía bệnh viện đã bác bỏ những cáo buộc này.
Cô Pham là một trong hai y tá tại bệnh viện Texas Health Presbyterian bị nhiễm bệnh khi điều trị cho ông Thomas Duncan, người đã được xác nhận mắc bệnh vào tháng 9 năm 2014 và qua đời chưa đầy hai tuần sau đó.
Cô Pham, khi đó 26 tuổi, đã trở thành biểu tượng đầy hy vọng ở Mỹ về việc chống Ebola sau khi hồi phục và được Tổng thống Obama chào đón tại Phòng Bầu dục trong Tòa Bạch Ốc. - VOA
|
|
7.
Texas sử dụng năng lượng tái tạo nhiều nhất nước
Texas, một bang nổi tiếng về sản xuất dầu, đã trở thành tiểu bang đi đầu về phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió. Sản xuất năng lượng mặt trời đang phát triển nhanh chóng ở bang này nhờ có nhiều nắng và giá các tấm pin mặt trời giảm mạnh trong những năm gần đây.
Các lãnh đạo doanh nghiệp và doanh nhân Texas đã phát triển cả các nguồn năng lượng từ gió lẫn mặt trời, và tận dụng sự hỗ trợ của chính quyền bang về đầu tư và cơ sở hạ tầng. Texas đã đầu tư vào các đường dây tải điện công suất lớn để đưa điện từ các tuabin gió ở các khu vực xa xôi ở miền Tây Texas đến các trung tâm đô thị lớn ở miền trung Texas.
Một trong những doanh nhân, Michael Skelly của hãng Cleanline Energy, cho biết ông hy vọng bang Texas sẽ tiếp tục hỗ trợ cho lĩnh vực năng lượng tái tạo, một lĩnh vực đang tăng trong nền kinh tế tiểu bang.
Ông Skelly nói: "Bạn sẽ thấy, trong 5 hay 10 năm tới, có thêm nhiều đầu tư vào các lưới điện, và điều đó cũng sẽ tạo điều kiện cho việc phát nhiều điện mặt trời hơn".
Jennifer Ronk, một chuyên gia về năng lượng tái tạo tại Trung tâm Nghiên cứu Tiên tiến Houston, cho biết việc sản xuất điện sẽ ngày càng liên quan đến các nguồn năng lượng khác nhau. Bà nói việc một công ty năng lượng mới phát triển cả điện gió lẫn điện mặt trời sẽ là điều hợp lý.
Một mục tiêu quan trọng của những nhà phát triển năng lượng tái tạo là làm ra một phương tiện để tích điện được sản xuất vào những thời điểm có nhu cầu thấp để sau đó có thể sử dụng lượng điện đó vào những thời điểm có nhu cầu cao. Bà Ronk nói nghiên cứu về việc phát triển các loại bình ắc-quy tốt hơn cho xe ô tô điện, máy tính và điện thoại thông minh đã giúp chế tạo các loại bình ắc-quy cỡ lớn.
Bà Ronk cho biết việc sử dụng than có thể sẽ tiếp tục giảm trong những năm tới ở Texas và các nơi khác, chủ yếu là do khí thiên nhiên rẻ hơn và cháy sạch hơn. Nhưng bà nói rằng trong nhiều năm tới ít có khả năng là lưới điện sẽ hoàn toàn chỉ có điện phát từ năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. - VOA
|
|
Tin Việt Nam
8.
Việc chính quyền thu lại tiền cứu trợ lũ lụt đang gây bất bình
Mới đây, báo chí Việt Nam dẫn lời người dân địa phương tường thuật rằng ở xã Quảng Hải, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình chính quyền xã đã “thu lại tiền cứu trợ” mà các nạn nhân lũ lụt nhận được từ các nhà hảo tầm, sau đó chính quyền “chia đều cho các hộ”.
Việc này đã được một đại biểu quốc hội của tỉnh xác nhận với các phóng viên hôm 26/10. Có tin sau sự việc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài đã có văn bản “yêu cầu tất cả các đơn vị trong tỉnh phải nghiêm túc trong tiếp nhận hàng cứu trợ; cơ quan chức năng sẽ điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm vi phạm của bất cứ đơn vị nào nếu có”. Tin cho hay, về các trường hợp đã bị thu tiền cứu trợ, “tỉnh chỉ đạo trả lại tiền theo danh sách được nhận”.
Vụ việc này đã dẫn đến sự bất bình của công chúng. Nhiều người bình luận trên mạng xã hội rằng cách làm của xã Quảng Hải là “bất nhân”, “không minh bạch” và “lừa dối những người hảo tâm”.
Trong khi sự việc chưa lắng xuống, đã xuất hiện thông tin trên mạng xã hội về vụ việc tương tự ở một số thôn ở các tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An.
Một người trong cuộc cho VOA biết thêm là một doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính ở Hà Nội đã tặng hàng ngàn suất quà trợ giúp trị giá mỗi suất hơn 2 triệu đồng tại 2 tỉnh kể trên trong những ngày gần đây. Tuy nhiên, nguồn tin là một nhân viên nữ đề nghị không nêu tên cá nhân cũng như của doanh nghiệp, cho hay một số người dân đã gọi điện thoại cho đại diện doanh nghiệp vào ngày 25/10 nói trưởng thôn của họ đã thu lại các phần quà.
Đã có một số người bày tỏ trên mạng rằng việc chính quyền thôn thu lại tiền cứu trợ để chia đều có thể vì mục đích tốt nhằm mang lại sự “san sẻ”, “đồng đều” giữa người được nhận cứu trợ và người không được nhận.
Mặc dù vậy, nữ nhân viên vừa tham gia chuyến tặng quà nói với VOA rằng cách làm như vậy là không phù hợp:
“Sau khi phát quà cho đồng bào hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An thì bên đơn vị tôi được dân ở đó phản ánh lại là họ bị thu lại phần quà đấy. Cảm xúc ban đầu của tôi là rất ức chế và cảm thấy giận dữ. Tôi có nhận một số thông tin là cái việc làm của họ cũng tốt thôi. Nhưng mà tôi thấy cách làm này không phù hợp. Tôi nghĩ là nó không hợp pháp. Cách làm này nó sẽ gây phản cảm đến những người đã thực hiện các công việc tốt đẹp muốn giúp đỡ đồng bào của mình”.
Chị nói dù vì mục đích gì, việc thu lại quà “gây tổn thương” đến các nhà hảo tâm. Chị nêu ra đề xuất về cách làm khác nếu chính quyền địa phương muốn mang lại sự đồng đều cho những người thiệt thòi:
“Làm sao để toàn bộ bà con trong vùng đều được hỗ trợ thì cán bộ xã hay cán bộ thôn nên làm việc với các đơn vị xuống tài trợ về việc thôn tôi có bao nhiêu người như thế, và nếu các anh chị có thể chia nhỏ các phần quà để tất cả những người trong thôn đều nhận được món quà như vậy, thì tôi nghĩ nó sẽ ý nghĩa hơn rất nhiều, không gây hiểu nhầm, không gây phản cảm như là họ đã làm trước đó”.
Trên Facebook, một luật sư nhìn các vụ việc này với con mắt rất nghiêm khắc và cho rằng chúng có dấu hiệu về việc cưỡng đoạt tài sản. Theo vị luật sư, cần phải khởi tố vụ án vì nếu không sẽ dung túng cho hành vi của một số người nhân danh sự nhân đạo để cướp đoạt tài sản của những người cùng khổ vào lúc niềm tin trong xã hội Việt Nam đã xuống mức rất thấp. - VOA
|
|
9.
Chuyến đi của ông Đinh Thế Huynh trong mối quan hệ ‘tay ba’ ở Biển Đông --- Quan hệ Việt-Mỹ: Hai bên sẽ đối thoại 'thẳng thắn' --- Mỹ và Việt Nam tái xác định cam kết bảo vệ luật pháp ở Biển Đông
Ông Đinh Thế Huynh đang có mặt tại Hoa Kỳ theo lời mời của Ngoại trưởng John Kerry. Một số nhà phân tích cho rằng chuyến đi Mỹ đầu tiên của ông Đinh Thế Huynh trong cương vị Thường trực Ban Bí thư mang ý nghĩa quan trọng trong mối quan hệ giữa Việt Nam với hai cường quốc trước bối cảnh tranh chấp Biển Đông.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry trong buổi tiếp ông Đinh Thế Huynh hôm 25/10 đánh giá cao sự phát triển trong mối quan hệ hai nước, đồng thời cho biết hai nước đã có những sáng kiến trong nhiều lĩnh vực hợp tác, trong đó có vấn đề Biển Đông. Ông Kerry nói:
“Chúng tôi đã bắt đầu một số sáng kiến trong các lĩnh vực ứng phó khẩn cấp, hợp tác chống khủng bố, tăng cường khả năng thúc đẩy pháp quyền ở Biển Đông”.
Trước khi đến Washington, ông Đinh Thế Huynh cũng đã tới Bắc Kinh từ ngày 19-21/10 và có các cuộc họp với Chủ tịch Tập Cận Bình và một số giới chức trong Bộ Chính trị Trung Quốc.
Trong buổi tiếp ông Đinh Thế Huynh hôm 20/10, ông Tập Cận Bình được tờ Hoàn Cầu Thời Báo dẫn lời nói “Trung Quốc và Việt Nam cần coi trọng những “giá trị tích cực” trong quan hệ song phương và “xử lý đúng đắn các tranh chấp”.
Một số nhà phân tích cho rằng chuyến đi “2 trong 1” lần nay của ông Đinh Thế Huynh tới Bắc Kinh và Washington là cách làm quen thuộc của các lãnh đạo Việt Nam từ trước tới nay, nghĩa là hoặc thực hiện cùng một lúc hoặc 2 chuyến đi liên tiếp nhau đến hai “trụ” trong mối quan hệ “tay ba” Việt-Mỹ-Trung.
Trong khi đó, một chuyên gia nghiên cứu Biển Đông, Giáo sư Jonathan London của Trường Đại học Leiden, cho rằng chuyến đi của ông Huynh nhằm gửi đi một thông điệp về tầm quan trọng của Mỹ trong chiến lược của Việt Nam. Ông nói:
“Rõ ràng theo nhận xét của nhiều người thì chiến lược xoay trục của Mỹ sang châu Á là yếu so với trước đây, nhưng tôi và nhiều người khác không đồng ý. Tôi thấy là phía Việt Nam thì vẫn có quan điểm rằng quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ phải là một yếu tố trung tâm của chiến lược giữ chủ quyền trong thời gian tới. Vì thế, tôi nghĩ chuyến đi này như là một thông điệp của chính phủ Việt Nam, đảng Cộng sản Việt Nam, cụ thể là lãnh đạo của Việt Nam, là vẫn xem Mỹ là một nước hợp tác cần thiết và có vị trí trung tâm. Và cũng hàm ý rằng Việt Nam vẫn chấp nhận vai trò trung tâm của Mỹ đối với vấn đề giữ ổn định trong khu vực”.
Giáo sư Jonathan London cho rằng trong giai đoạn “phức tạp” và “rất khó đoán” hiện nay, có thể thấy Trung Quốc vẫn duy trì tham vọng “đô hộ” cả Biển Đông. Vì vậy, theo Giáo sư London, dù các lãnh đạo Việt Nam có đi Bắc Kinh bao nhiêu lần đi nữa thì quan điểm trong việc quản lý mối quan hệ “tay ba” cũng sẽ không thay đổi, trong đó Mỹ vẫn phải là một đối trọng rất quan yếu cho việc bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông.
“Lãnh đạo của Việt Nam thì vẫn thấy là không thể để cho Trung Quốc làm những gì mà họ muốn làm. Mà nước duy nhất có khả năng để bảo đảm một Biển Đông được phát triển theo hướng cân nhắc với nguyên tắc trong luật pháp quốc tế chính là Mỹ. Vì thế tôi nghĩ dù Bắc Kinh có nói gì hoặc các lãnh đạo của Việt Nam có sang Bắc Kinh bao nhiêu lần, thì thực tế vẫn là chỉ có Mỹ mới là nước mà có liên minh với Mỹ thì có thể bảo đảm một Biển Đông phát triển theo nguyên tắc của luật pháp quốc tế”.
Ngoài vấn đề Biển Đông, Ngoại trưởng John Kerry cho biết cuộc gặp của ông Đinh Thế Huynh với các lãnh đạo Mỹ cũng sẽ bàn về Hiệp định Thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và một số vấn đề về nhân quyền, bao gồm việc cho phép lập công đoàn độc lập tại Việt Nam.
Chuyến đi của ông Đinh Thế Huynh tới Mỹ kéo dài từ ngày 23 đến ngày 31/10. - VOA
***
Ngoại trưởng John Kerry nói Hoa Kỳ "cam kết phê chuẩn" thỏa thuận Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong họp báo chung với ông Đinh Thế Huynh hôm 25/10 tại Washington D.C.
Ông Kerry cho biết sẽ thảo luận với ông Huynh về nhiều vấn đề, trong đó có nhân quyền, quyền lập nghiệp đoàn và vấn đề luật pháp trên Biển Đông.
Trong cuộc họp báo, ông Đinh Thế Huynh cũng cảm ơn và ca ngợi vai trò của Ngoại trưởng Hoa Kỳ trong mối quan hệ hai nước, đồng thời khẳng định hai bên sẽ đối thoại "thẳng thắn". - VOA
***
Vào lúc Philippines ngày càng tỏ ý hướng xa rời Mỹ, ông Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam đã bắt đầu một chuyến công du Hoa Kỳ (24-30/10/2016) với mục tiêu đẩy mạnh hơn nữa hợp tác Mỹ-Việt trong đó có vấn đề Biển Đông. Phát biểu vào hôm qua 25/10/2016, ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã khẳng định rằng hai nước Việt Nam-Hoa Kỳ đều có quyết tâm bảo đảm việc tôn trọng luật pháp tại Biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ đã cho biết như trên khi ông cùng với khách mời Việt Nam tiếp xúc với báo chí trước cuộc hội đàm song phương tại Washington. Ngoại trưởng Mỹ đồng thời cho biết ngoài hồ sơ Biển Đông, hai bên cũng sẽ thảo luận về các vấn đề khác, trong đó có "vấn đề nhân quyền và quyền tự do thành lập công đoàn và bảo vệ các quyền của mình trong tư cách là con người". Hai bên cũng sẽ đề cập đến Hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP.
Hãng tin Mỹ AP đặc biệt lồng chuyến công du Mỹ của người được báo chí phương Tây mệnh danh là "nhân vật số 2 trong đảng Cộng Sản Việt Nam" vào trong bối cảnh Philippines - đồng minh lâu đời của Mỹ ở Đông Nam Á - đang tăng cường quan hệ với Trung Quốc.
Dấu hiệu "bỏ Mỹ theo Tàu" của Philippines được cho là bắt đầu khiến Việt Nam lo ngại trước nguy cơ bị đơn độc trong việc chống lại các yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông.
Trên vấn đề này, Ngoại trưởng Mỹ đã cố trấn an Việt Nam. Theo báo chí Việt Nam, trích dẫn tin từ Thông Tấn Xã Việt Nam, trong cuộc hội đàm với ông Đinh Thế Huynh, ông Kerry đã xác định rằng chính sách xoay trục của Mỹ qua châu Á Thái Bình Dương vẫn sẽ tiếp tục với chính quyền mới, và Hoa Kỳ vẫn coi trọng quan hệ với Hiệp Hội Đông Nam Á ASEAN trong đó có Việt Nam.
Riêng vấn đề Biển Đông, ngoại trưởng Mỹ khẳng định là Washington luôn dựa trên các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và kêu gọi các bên liên quan tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye về Biển Đông, bảo đảm hòa bình, tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông. - RFI
|
|
10.
Cấp visa cho nông dân Việt ‘mù’ tiếng Anh, giới chức Úc bị bỏ tù
Australia đã nâng gấp đôi án tù cho một nhân viên phòng di trú từng nhận hối lộ gần 500 nghìn đôla để cấp thị thực trái phép cho hàng chục người Việt và Philippines trong vòng tám tháng.
Theo hãng tin AP, nhân viên gốc Philippines, Alex Escala Allan, 53 tuổi, cấp visa cho 59 người không đáp ứng các yêu cầu xin thị thực nhập cảnh vào Australia.
Bản tin cho biết rằng ông Allan đã cấp 17 visa cho người thân và bạn bè ở Philippines.
Trong khi đó, một đồng phạm người Việt là Minh Huy Lam, đã hối lộ cho ông này để xin thị thực cho 42 người khác từ Việt Nam, đồng thời đe dọa sẽ tiết lộ sự việc nếu ông Allan không làm vậy.
Phần lớn những người Việt là nông dân, không nói được tiếng Anh, nhưng lại nhận được visa thường được cấp cho những người có kỹ năng như kế toán viên.
Ông Allan bị kết án 8 tháng tù giam năm ngoái, nhưng cơ quan công tố cho rằng bản án này không phù hợp và đề nghị nâng án tù lên 15 tháng. Đề nghị này đã được chấp thuận.
Trong một diễn biến khác liên quan tới người Việt, tháng Tám năm ngoái, một cựu quan chức ngoại giao Mỹ đã bị kết án 64 tháng tù giam vì nhận hơn 3 triệu đôla để “bán” thị thực nhập cảnh vào Mỹ ở Việt Nam. - VOA
|
|
11.
Tranh chấp đất đai dẫn đến chết người
Ba người chết và hơn chục người bị thương trong vụ nổ súng hôm chủ nhật 23 tháng 10 tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Dak Nông, là người của công ty Long Sơn tức phía được Ủy ban Nhân dân tỉnh Dak Nông cho thuê đất cũng như cho phép san ủi đất lâm nghiệp của dân để kinh doanh.
Người dân bị san lấp đất dùng súng hoa cải để chống trả lại biện pháp của công ty Long Sơn. Trả lời về việc cưỡng chế đất ngày 23 tháng 10 trên địa bàn tỉnh, ông Lê Diễn, nguyên chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Dak Nông, nay là bí thư tỉnh ủy Dak Nông, cho biết:
Vụ đó có xảy ra, được báo chí trên mạng đăng đầy rồi. Cô cần thì cứ tham khảo trong đó chứ tôi không thể trả lời điện thoại được, cũng không biết cô là ai.
Cô coi trên mạng người ta đăng, tức là nhà nước nói trên báo chí và đài hết rồi chứ sao lại không nói, báo chí đăng rất nhiều rồi.
Ông Lê Văn Quang, nguyên phó chủ tịch Dak Nông, nói rằng ông không biết gì về chuyện đất lâm nghiệp của dân bị ủy ban nhân dân Dak Nông ra lịnh thu hồi và giao qua cho công ty Long Sơn:
Cái đó tôi không trả lời được vì tôi không nắm rõ, không thuộc lãnh vực mà tôi phụ trách. Ông Lê Diễn trước làm chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân sau làm bí thư tỉnh ủy đấy,
Vụ xả súng hôm Chúa Nhật 23 và được báo chí trong nước đăng tải với tin đã có một người tên Thắng bị tạm giữ để điều tra. Ông Thắng là người đang canh tác một diện tích 5 sào nằm trong khu vực đất mà công ty trách nhiệm hữu hạn Long Sơn bắt đầu tiến hành việc san bằng:
Già Vưng, một cư dân Dak Nông, xác nhận đã có xô xát đánh nhau giữa dân với những người làm việc trong công ty Long Sơn:
Biết, người ta cưỡng chế đất, ủi đất rồi đánh lộn, chết 3 người đúng rồi, súng tự chế. Đất đó là đất của người ta, 10 năm, 20 chục năm là cưỡng chế hết, dân không chịu rồi chống lại đó. Giờ không biết sao rồi chứ mà còn lùm xùm.
Mâu thuẫn tranh chấp đất đai đến nỗi có 3 người bị bắn chết làm người ta liên tưởng đến vụ Tiên Lãng, Hải Phòng hồi năm 2012 mà dư luận trong và ngoài nước đặc biệt chú ý. Năm 2012, ông Đoàn Văn Vươn và người em Đoàn Văn Quí, vì chống lệnh cưỡng chế khu đất đầm họ bỏ công xây dựng để nuôi tôm, đã dùng súng hoa cải bắn vào những người đến thu hồi đất và dỡ bỏ nhà của họ.
Vì hành động chống đối bằng súng hoa cải mà anh em ông Đoàn Văn Vươn bị bắt giữ và bị kêu án 5 năm tù giam tội chống người thi hành công vụ. Vụ án, được dư luận biết tới dưới tên “ phát súng hoa cải” ở Tiên Lãng, cũng khiến một số viên chức địa phương bị kiểm điểm hoặc mất chức. Sau 3 năm rưỡi ngồi tù, anh em nhà ông Đoàn Văn Vươn được trả tự do sớm nhân dịp quốc khánh.
Trả lời đài Á Châu Tự Do liên quan đến vụ xả súng ngày 23 ở Dak Nông, ông Đoàn Văn Vươn nói:
Súng hoa cải là loại súng ca líp 12, loại súng thể thao dùng để bắn thú, bắn chim. Súng hoa cải nếu người ta lắp loại đạn 8 ly hoặc 8 ly rưỡimà ở tầm gần thì có thể gây chết người.
Tôi cũng rơi vào tình cảnh như vậy, thế nhưng chuyên môn của tôi, là một công binh trong quân đội, tôi hiểu cái mức nguy hiểm của nó và kiểm soát được, không để gây chết người mà chỉ bị thương trong giới hạn.
Suy từ sự việc của gia đình nàh tôi thì sự việc ở Dak Nông chắc chắn là có vấn đề.Nó đã đẩy con người ta, vì cuộc sống gắn liền với tài sản, với đất mà bị mất hết thì đó là phản ứng tiêu cực mà tôi chắc người ta cũng không mong muốn. Khi mà bức xúc đẩy lên đỉnh điểm thì nó dẫn đến cực đoan, chính người hành động không mong muốn nhưng rất tiếc là họ không kiểm soát được mức giới hạn và dẫn đến chết người. Việc xảy ra ở Dak Nông tới mức chết 3 người là một điều rất đáng tiếc.
Sau vụ 3 bảo vệ của công ty trách nhiệm hữu hạn Long Sơn không may bị bắn chết, chưa kể hơn chục người khác bị thương phải nhập viện, đích thân thứ trưởng Bộ Công An là thượng tướng Phạm Dũng, trực tiếp chỉ đạo tiến trình điều tra.
Theo chỉ thị từ ông Phạm Dũng, tất cả những người âm mưu sử dụng sống hoa cải để bắn chết người của công ty Long Sơn phải bị bắt và bị xử phạt.
Nguồn tin từ trong nước chúng tôi nhận được là vụ việc Dak Nông vẫn chưa ngã ngũ tính đến lúc này. - RFA
No comments:
Post a Comment