Monday, October 10, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Hai 10/10

Tin Thế Giới


1.

Trung Quốc sẵn sàng thương lượng để Ấn Độ gia nhập Nhóm các nước cung cấp hạt nhân


Trung Quốc hôm nay 10/10/2016 cho biết sẵn sàng đàm phán với Ấn Độ để nước này gia nhập Nhóm các nước cung cấp hạt nhân (Nuclear Suppliers Group – NSG).


Trả lời truyền thông về chuyến đi Ấn Độ của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân thượng đỉnh các nước trỗi dậy (BRICS), thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Lý Bảo Đông cho biết chủ đề gia nhập nhóm các quốc gia cung cấp hạt nhân (Nuclear Suppliers Group – NSG) sẽ là trọng tâm cuộc gặp giữa hai lãnh đạo Ấn – Trung bên lề thượng đỉnh.


Theo lời quan chức này, việc kết nạp thành viên mới vào NSG đòi hỏi một sự đồng thuận giữa 48 quốc gia thành viên. Ông nói: “Những nguyên tắc này không do một mình Trung Quốc quyết định. Về chủ đề này, Bắc Kinh và New Dehli đã duy trì một mối liên lạc tốt và chúng tôi sẵn sàng tiếp tục tham vấn với Ấn Độ để xây dựng một sự đồng thuận. Chúng tôi hy vọng là Ấn Độ có thể làm được điều này với các thành viên khác của NSG”.


Mặt khác, Trung Quốc “sẵn sàng đàm phán với Ấn Độ để khai thác các khả năng nhưng mọi việc đòi hỏi cần phải được tuân thủ theo đúng các quy trình, chuẩn mực và quy định của NSG. Về điểm này, lập trường của Bắc Kinh luôn nhất quán. Chính vì thế mà tại sao Trung Quốc thường xuyên nói là luật quốc tế phải được giám sát”.


Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ đến Goa, Ấn Độ, dự thượng đỉnh nhóm BRICS, diễn ra trong hai ngày 15-16/10/2016. BRICS quy tụ các quốc gia Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.


Tờ The IndiaExpress cho biết, sau Ấn Độ, Trung Quốc sẽ đàm phán với Pakistan, quốc gia cũng có tầm ảnh hưởng trong nhóm NSG. - RFI

|

|


2.

Sức khỏe nhà vua Thái Lan 'không ổn định'


Sức khỏe nhà vua Thái Lan, một trong những quốc vương trị vì lâu đời nhất, đang "không ổn định", các quan chức của hoàng cung cho biết, khi nhà vua đang được điều trị y tế.


Nhà vua Bhumibol Adulyadej được người dân kính trọng và coi như là một trọng tài trong nền chính trị chia rẽ của Thái Lan.


Ông chưa xuất hiện trước công chúng trong nhiều tháng và đã nằm viện hầu hết thời gian năm ngoái.


Nhà vua phải điều trị nhiều bệnh trong vài năm gần đây.


Thông cáo từ cung điện được đưa ra tối Chủ Nhật 9/10, cho biết nhà vua bị tụt huyết áp khi ông chuẩn bị được chạy thận nhân tạo, vì chức năng thận không hoạt động.


Ông đã được trợ thở và hỗ trợ y tế để huyết áp trở lại mức bình thường. Bác sĩ đang theo dõi tình trạng sức khỏe của ông chặt chẽ.


Cục quản lý Hoàng gia Thái Lan phát hành bản tin cập nhật sức khỏe nhà vua trong vài tháng qua. Đầu tháng này, một thông cáo cho biết nhà vua vừa hồi phục sau khi bị bệnh đường hô hấp.


Sức khỏe của nhà vua được theo dõi chặt chẽ ở Thái Lan. Ông được xem như biểu tượng của sự đoàn kết trong tình hình chia rẽ chính trị và bạo lực tăng cao. - BBC

|

|


3.

2 phi đạn phóng về phía tàu khu trục Mỹ ở Yemen


Quân đội Hoa Kỳ cho biết hai phi đạn đã được phóng đi từ vùng lãnh thổ do phiến quân Houthi kiểm soát tại Yemen theo hướng về phía tàu khu trục của Mỹ ở vùng Vịnh Ba Tư.


Các giới chức cho biết hai phi đạn đã được phóng trong khoảng thời gian 60 phút và đã rớt xuống nước hôm Chủ nhật nhưng không tiếp cận được tàu khu trục USS Mason.


Phát ngôn viên Ngũ Giác Đài Jeff Davis cho biết: “Không có ai trong số các thủy thủ của chúng tôi bị thương và cũng không có thiệt hại đối với con tàu. Chúng tôi cho là các phi đạn đã được phóng đi từ vùng lãnh thổ do phiến quân Houthi kiểm soát ở Yemen”.


Hiện chưa rõ liệu tàu khu trục của Mỹ có phải là mục tiêu dự tính của các phi đạn trên hay không.


Một giới chức quốc phòng Hoa Kỳ giấu tên cho biết: “Với vụ phóng đầu tiên, tàu USS Mason đã phải dùng đến các biện pháp đối phó, mặc dù chưa rõ liệu điều này có dẫn đến việc phi đạn bị rớt xuống nước hay không, hay dù thế nào thì nó cũng sẽ rớt xuống nước”.


Các giới chức cho biết vụ việc hiện vẫn đang được điều tra. - VOA

|

|


Tin Hoa Kỳ


4.

Ông Trump, bà Clinton châm chích nhau trong cuộc tranh luận thứ nhì --- TT Obama: Ông Trump đang ở thế ‘bất an’ và ‘tự thổi phồng’


Kỳ bầu cử của Mỹ đã không ít lần chứng kiến các ứng cử viên châm chích nhau, nhưng các cuộc tấn công đã bước sang một cấp độ mới hôm Chủ nhật khi ông Donald Trump nói rằng ông sẽ tiến hành một cuộc điều tra liên bang chống lại đối thủ của mình là bà Hillary Clinton.


Căng thẳng trong cuộc tranh luận thứ nhì diễn ra khi ông Trump tìm cách bao biện cho những phát ngôn đã bị ghi lại hồi năm 2005 thu hút sự chú ý hôm thứ Sáu, trong đó ông có những phát ngôn tục tĩu về phụ nữ, gồm cả việc nói rằng ông có thể sờ soạng họ vì đẳng cấp của mình. Ông Trump đã phủ nhận rằng ông thực sự đã không thực hiện bất kỳ hành động nào như vậy. Ông nói ông cảm thấy xấu hổ và ghét những gì mình đã nói và khẳng định rằng ông rất tôn trọng phụ nữ và đây là lúc để nói về những điều quan trọng hơn.


Ông nói: “Tôi không nghĩ rằng bạn hiểu những gì mà tôi đã nói. Đây là cuộc nói chuyện trong phòng thay đồ. Tôi không tự hào về việc này”.


Lý lẽ bao biện của ông Trump còn có cả cáo buộc chồng bà Clinton, cựu Tổng thống Bill Clinton, là “còn làm những điều tồi tệ hơn”.


Bà Clinton nói những ghi âm đã làm dấy lên câu hỏi rằng liệu đối thủ của bà có phù hợp để trở thành tổng thống hay không.


Bà nói: “Tất cả những gì chúng ta đã thấy và nghe hôm thứ Sáu là những gì ông Donald nói về phụ nữ, nghĩ về phụ nữ, những gì mà ông ấy làm đối với phụ nữ, và ông ta nói là các đoạn video nói lên điều gì về ông ta”. Bà nói tiếp: “Tôi cho rằng rõ ràng bất cứ ai nghe nó sẽ nghĩ ông ta chính xác là như thế nào”.


Ông Terri Bimes, Trợ lý giám đốc nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chính phủ của Trường đại học California tại Berkeley nhận xét: “Khi được hỏi về các đoạn băng, ông Trump đã không trả lời câu hỏi”.


Ông Bimes nói: “Ông ấy lại đi vào câu trả lời có sẵn về việc ‘Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại’. Ông ấy luôn có những bao biện tuyệt vời, và ông đã quay lại với lối ứng phó kiểu này. Rất nhiều lần, ông ấy thực ra không trả lời những câu hỏi về y tế, về những gì sẽ làm đối với những thảm họa nhân đạo ở Syria, ông ấy thực ra đã không trả lời. Nhưng tôi cảm thấy ông ấy đã làm tốt hơn so với cuộc tranh luận đầu tiên”.


Về phần mình, thêm vào những chỉ trích về việc bà Clinton đã sử dụng một hệ thống email tư nhân khi còn làm ngoại trưởng, ông Trump nói điều đó cho thấy hành động của bà đã lên đến một mức độ lừa dối chưa từng có.


Bà Clinton đã gọi ông là một kẻ nói dối, và lặp đi lặp lại rằng bà sẽ chịu trách nhiệm về quyết định của mình và rằng không hề có bằng chứng về bất kỳ thông tin mật nào đã lọt vào tay kẻ xấu. - VOA


***

Tổng thống Barack Obama nói ông Donald Trump đang ở thế “bất an” và rằng ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa đang “tự thổi phồng” mình bằng cách hạ người khác xuống.


Ông Obama đã phản ứng lại những phát ngôn tục tĩu của ông hồi năm 2005, khi ông bị ghi hình đang tự hào nói có thể sờ soạng cả bộ phận sinh dục của phụ nữ vì ông là một “ngôi sao”. Tờ Washington Post hôm thứ Sáu đã đăng tải đoạn video có các phát ngôn trên.


Trong lúc vận động tranh cử cho nữ nghị sĩ bang Illinois, Tammy Duckworth, hôm Chủ nhật, ông Obama nói những phát ngôn như vậy của ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa cho thấy ông ấy “bất cẩn trong phép lịch sự và sự tôn trọng” mà một nền dân chủ năng động đòi hỏi.


Ngay cả các cuộc thăm dò cũng cho thấy ông Trump đang thất thế trước ứng cử viên của đảng Dân chủ Hillary Clinton, ông Obama nói quá nguy hiểm khi xem thường mọi thứ. Tổng thống Hoa Kỳ còn nhấn mạnh tầm quan trọng việc mọi người phải làm việc chăm chỉ và đi bỏ phiều vào ngày 8/11.


Ông Trump và bà Clinton đã gặp nhau vào tối Chủ nhật cho cuộc tranh luận thứ hai trong ba cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên tổng thống, và phát biểu thẳng thừng của ứng viên đảng Cộng hòa về phụ nữ 11 năm trước đã là chủ đề của câu hỏi đầu tiên. Ông Trump nói ông “không tự hào” về những gì ông nói trong đoạn video và làm nhẹ chuyện này chỉ là “cuộc nói chuyện trong phòng thay đồ”.


Trước đó, ông Trump đã xin lỗi về những phát ngôn của mình và bác bỏ đề nghị của một số đảng viên Cộng hòa rằng ông tránh sang một bên để ủng hộ cho người đồng hành đứng phó với ông là ông Mike Pence.


“Bất cứ ai biết tôi đều biết những lời này không phản ánh con người tôi. Tôi đã nói điều đó, tôi đã sai và tôi xin lỗi”, ông Trump nói trong một đăng tải trên Facebook. “Tôi hứa sẽ là một người đàn ông tốt hơn vào ngày mai và sẽ không bao giờ khiến cho bạn thất vọng”.


Sau đó ông buộc tội cựu Tổng thống Bill Clinton về việc lạm dụng phụ nữ và nói bà Hillary Clinton “đã bắt nạt, tấn công, gây hổ thẹn và đe dọa các nạn nhân của tôi”.


Ngay trước khi bắt đầu cuộc tranh luận, ông Trump đã tổ chức một cuộc họp báo với một loạt những người phụ nữ cáo buộc ông Bill Clinton đã quấy rối tình dục và có hành vi sai trái đối với họ.


Ông nói những người phụ nữ đã yêu cầu được lắng nghe. Ông Trump cũng đe dọa sẽ nói về sự phản bội trong quá khứ của ông Bill Clinton trong các cuộc tranh luận.


Bà Hillary Clinton đã phản ứng với những phát ngôn của ông Trump bằng một tweet trên trang Twitter, gọi chúng là “khủng khiếp”. Tại cuộc tranh luận, bà nói đoạng video đã đặt ra câu hỏi về việc liệu ông Trump có phù hợp để trở thành tổng thống.


Năm 1998, ông Bill Clinton đã bị Hạ viện luận tội vì đã nói dối về một mối quan hệ tình dục với một nhân viên thực tập tại Tòa Bạch Ốc, nhưng ông đã không bị kết tội trong phiên tòa tại Thượng viện. Nhiều phụ nữ cũng đã cáo buộc ông Bill Clinton về những hành vi sai trái trước và sau khi ông trở thành tổng thống, nhưng những cáo buộc này chưa được chứng minh hoặc dẫn đến việc buộc tội. Những phụ nữ khác cũng cáo buộc họ đã ngoại tình với cựu tổng thống.


Nhiều nhân vật nổi tiếng của đảng Cộng hòa đang kêu gọi ông Trump từ bỏ cuộc đua làm tổng thống. Những người này cho rằng đảng đã thua trong cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc, nhưng vẫn có thể cứu vãn được tình hình bằng cách chiến thắng tại Hạ viện và Thượng viện.


Ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa năm 2008, Thượng nghị sĩ bang Arizona John McCain, đã rút lại sự ủng hộ dành cho ông Trump và kêu gọi ông rút lui.


Ứng cử viên đảng của đảng Cộng hòa năm 2012 Mitt Romney tố cáo việc nói khoác về tình dục của ông Trump, nói rằng “Tấn công phụ nữ có chồng ư? Cuộc tấn công đáng coi thường? Thật là một sự hạ cấp những người vợ và con gái của chúng ta và làm mất mặt nước Mỹ trên thế giới”. - VOA

|

|


5.

Giáo sư Harvard và giảng viên MIT nhận giải Nobel Kinh tế


Giáo sư Oliver Hart của Đại học Harvard và Bengt Holmstrom của Viện Công nghệ Massachusetts đã được trao giải Nobel Kinh tế năm 2016.


Thông báo hôm thứ Hai của Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đánh giá nghiên cứu của họ trong lý thuyết hợp đồng là “có giá trị cho sự hiểu biết về các hợp đồng và các tổ chức trong thực tế, cũng như các cạm bẫy tiềm tàng trong thiết kế hợp đồng”.


Ủy ban chấm giải nói: “Những người đoạt giải năm nay đã phát triển lý thuyết hợp đồng, một khuôn khổ toàn diện cho việc phân tích nhiều vấn đề đa dạng trong thiết kế hợp đồng, chẳng hạn như việc trả lương theo hiệu quả cho các giám đốc điều hành hàng đầu, khấu trừ và đồng trả bảo hiểm, và tư nhân hoá các hoạt động trong lĩnh vực công”.


Ủy ban nói thêm rằng những phân tích của họ đã thiết lập một “nền tảng tri thức” để nắm bắt các hợp đồng hàng ngày trong các lĩnh vực như luật phá sản cho đến các định chế chính trị.


Hai người nhận giải sẽ chia nhau giải thưởng trị giá 924.000 đôla. Những người đoạt giải sẽ chính thức nhận giải thưởng vào ngày 10/12, ngày giỗ của người sáng lập giải thưởng Alfred Nobel, người đã quá đời vào năm 1896.


Tuần trước, Ủy ban cũng đã công bố các giải thưởng Nobel Y khoa, Vật lý, Hóa học và Hòa bình.


Giải thưởng cuối cùng là Văn học sẽ được công bố vào thứ Năm. - VOA

|

|


Tin Việt Nam


6.

Blogger Mẹ Nấm bị bắt khẩn cấp


Một trong những blogger nổi tiếng của Việt Nam vừa bị bắt vì điều 88 ‘tuyên truyền chống phá nhà nước’, trường hợp mới nhất trong loạt bắt bớ và tuyên án các nhà hoạt động khiến hồ sơ nhân quyền của Hà Nội tiếp tục bị lưu ý. 


Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức blogger Mẹ Nấm, bị công an khám xét nhà, thu giữ một số tài sản, và giải đi trưa nay từ nhà riêng ở Nha Trang.


Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của Quỳnh, cho VOA Việt ngữ biết:


'11giờ rưỡi trưa nay, chúng tôi vừa dọn cơm ăn thì rất đông công an ập vào. Họ khám nhà và đọc lệnh bắt con tôi theo khoản 1, điều 88, tội ‘tuyên truyền chống phá nhà nước’, lệnh tạm giam đầu tiên 4 tháng. Họ lấy đi điện thoại, iPad, máy vi tính, kể cả đầu ổ cứng camera an ninh của gia đình.’


Blogger Mẹ Nấm bị bắt khi đang đấu tranh cho mẹ một tù nhân lương tâm được thăm gặp con mình.


Bà Lan cho hay trước khi lên xe công an, cô Quỳnh nhờ bà liên lạc với luật sư và nói rằng cô sẽ giữ quyền im lặng đến khi được gặp luật sư.


Bà Lan nói con bà bị nhắm mục tiêu trấn áp, đe dọa kể từ khi công khai thể hiện quan điểm trái chiều với nhà nước về vấn đề chủ quyền biển đảo, và lệnh bắt cô Quỳnh hôm nay có liên quan đến các hoạt động đòi xử lý minh bạch thảm họa ô nhiễm môi trường miền Trung do Formosa gây ra.


Bà Tuyết Lan:


‘Điều làm họ khó chịu nhất là con tôi đòi họ phải nói lên sự thật, phải công bố cho mọi người biết biển nhiễm độc bao nhiêu, bao giờ biển sạch. Đòi hỏi của con tôi là chính đáng cho mọi người, mà ngược lại, họ đánh con tôi, họ ép xe, họ không từ một thứ gì từ dằn mặt, dọa chết, cho tới gọi điện tới nhà hăm bắt cóc…Chúng tôi luôn phải sống trong tình trạng này từ ngày 2/9/2009 tới nay khi con tôi kêu gọi bảo vệ Hoàng Sa-Trường Sa và không khai thác bauxite Tây Nguyên.’


Điều 88 Bộ luật Hình sự Việt Nam không xa lạ với giới bất đồng chính kiến trong nước và giới bảo vệ nhân quyền trên thế giới với rất nhiều bản án hạ uy tín nhân quyền của Hà Nội.


Theo các nhà quan sát, vụ bắt giữ Như Quỳnh có thể là một tín hiệu cho thấy nhà cầm quyền Việt Nam đang vực dậy các điều luật bị chỉ trích lâu nay như 88 hay 79 sau vài năm tạm ngưng do áp lực quốc tế.


Một nhà vận động xã hội dân sự trong nước nói chiến thuật này của Hà Nội chẳng thể làm nao núng những tiếng nói khao khát tự do.


Anh Hoàng Dũng, thành viên phong trào Con đường Việt Nam:


‘Với những người hoạt động như chị Quỳnh, họ cảm thấy chuyện bị bắt thế này là chuyện hết sức bình thường. Tất nhiên sẽ đến, chậm hay sớm mà thôi, chẳng hạn mai mốt tôi bị bắt, tôi cũng chẳng thấy có gì lạ. Chuyện bắt bớ này chỉ sẽ dừng lại khi Việt Nam thay đổi, tức là cộng sản độc tài không còn nữa. Nhân vụ việc này, tôi nghĩ rằng những nhà hoạt động trong nước cần tiếp tục tập trung yêu cầu xóa bỏ những điều luật bất công trong Bộ luật Hình sự chuyên dùng để bắt người. Chính vẫn là thức tỉnh những người trong nước và lan tỏa tinh thần đấu tranh cho càng nhiều người càng tốt. Những áp lực bên ngoài chỉ mang tính hỗ trợ.’


Mẹ của Như Quỳnh nói nguyện vọng của bà lúc này cũng chính là trăn trở của người dân Việt Nam về một xã hội tôn trọng nhân quyền:


‘Tôi chỉ mong thế giới hãy giúp cho chúng tôi được quyền làm con người thật sự, chứ đừng bắt chúng tôi phải sống câm nín, chịu nhục nữa. Hãy cho chúng tôi được quyền nói. Chúng tôi không làm gì phạm luật hết. Những gì chúng tôi nói là ích lợi cho mọi người. Xin hãy giúp chúng tôi được làm người, được phát biểu những suy nghĩ của mình. Xin đài VOA chuyển những lời khẩn thiết của tôi đến với mọi người trên thế giới để họ biết rằng chúng tôi đang sống trong sự sợ hãi và khủng bố.’


Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, một thành viên chủ chốt trong Mạng lưới Blogger Việt Nam, năm ngoái được tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế Civil Rights Defenders có trụ sở tại Thụy Điển vinh danh vì những đóng góp bảo vệ dân quyền, nhân quyền trong nước.


Cô bắt đầu viết blog với bút danh Mẹ Nấm từ năm 2006, dùng truyền thông xã hội để lên tiếng phản đối bất công, tham nhũng, và vi phạm nhân quyền tại Việt Nam. - VOA

|

|


7.

4 người bị thương trong ‘chuyến bay địa ngục’ từ Sài Gòn


Ba thành viên phi hành đoàn cùng một hành khách đã bị thương khi chiếc máy bay của hãng Air New Zealand bay vào vùng nhiễu loạn không khí, và phải quay lại TP HCM.


Chiếc máy bay của hãng hàng không của New Zealand cất cánh lúc hơn 8 giờ sáng hôm 9/10, và sau khi bay khoảng 40 phút thì sự việc xảy ra.


Máy bay sau đó phải quay lại điểm xuất phát là sân bay Tân Sơn Nhất để những người bị thương được đưa tới bệnh viện chữa trị.


Theo Radio New Zealand, các hành khách phải qua đêm ở TP HCM để chờ đợi đáp chuyến bay khác sáng hôm nay, 10/10.


Một nữ hành khách viết trên trang Facebook rằng đó là “chuyến bay địa ngục”.


Cô cho biết là mình vừa mới được trao cho khay thức ăn thì máy bay “vấp phải vùng nhiễu loạn không khí hết sức tệ hại,” rồi máy bay “rơi tự do và đồ ăn bay tung tóe ra sàn và cả người cô”, trong tiếng "la hét của mọi người".


Cô còn nói thêm rằng trước khi cất cánh, chuyến bay đã bị muộn hai tiếng đồng hồ do máy bay gặp sự cố về phanh.


New Zealand Herald dẫn lời một hành khách khác cho biết rằng chiếc máy bay đã rơi tự do khoảng 30 mét.


Một phát ngôn viên của Air New Zealand cho biết rằng bốn người trên chuyến bay NZ268 từ TP HCM đã bị thương nhẹ, và được chữa trị kịp thời.


Người phát ngôn này được dẫn lời ngỏ lời “cám ơn các hành khách vì sự kiên nhẫn”. - VOA

|

|


8.

Nghị sĩ đối lập Campuchia lãnh án vì ‘bóp méo’ đường biên giới với VN


Một nghị sĩ đối lập trong Quốc hội Campuchia ngày 10/10 bị phạt tù 2 năm rưỡi vì đã đăng tải một bản đồ ‘sai sự thật’ lên Facebook, tố cáo chính phủ Hun Sen nhượng đất cho Việt Nam.


Tòa án Campuchia tuyên ông Um Sam An, 40 tuổi, thuộc đảng Cứu nguy Dân tộc (CNRP) phạm tội kích động kỳ thị và bất ổn khi nhiều lần tải lên Facebook bản đồ đường biên giới ‘giả mạo.’


Ông Sam An cũng bị phạt hành chính 1 ngàn Mỹ kim.


Ông bị bắt hồi tháng 4 năm nay giữa chiến dịch mà các nhà hoạt động cho rằng trấn áp những tiếng nói chỉ trích Thủ tướng Hun Sen trước kỳ tổng tuyển cử.


Một thượng nghị sĩ khác của đảng CNRP, ông Hong Sok Hour, cũng đang ngồi tù chờ ra tòa về tội danh đưa lên mạng Facebook thông tin ‘sai sự thật’ nói rằng chính phủ Hun Sen cam kết xóa bỏ đường ranh giới với Việt Nam. - VOA

|

|


9.

Việt Nam: Nơi lý tưởng cho sinh sống, làm việc ở nước ngoài


Việt Nam năm nay xếp hạng 11 trong danh sách 57 nơi tốt nhất cho những người sinh sống và làm việc ở nước ngoài, theo khảo sát do trang InterNations thực hiện.


Vị trí của Việt Nam năm nay tăng 24 hạng so với năm ngoái. Năm ngoái Việt Nam ở thứ hạng 35 trên tổng số 64 quốc gia được khảo sát.


Bảng xếp hạng là kết quả thăm dò ý kiến 14.000 người đang sống, làm việc, hoặc học tập tại nước ngoài dựa trên các tiêu chí như cảm giác thoải mái khi tới định cư ở một đất nước hoặc vùng lãnh thổ, chất lượng cuộc sống, chi tiêu cá nhân, môi trường làm việc, sự ổn định.


Dù Việt Nam được xem là một trong những nơi lý tưởng cho những người sinh sống và làm việc ở nước ngoài, sự hài lòng của người dân nội địa đối với môi trường sống này dường như đang ngày càng giảm sút thể hiện qua làn sóng di cư ‘thầm lặng’ ra nước ngoài ngày càng tăng cao qua các ngã hôn nhân, du học, hay xuất khẩu lao động.


Hôm 8/10, hơn 21 ngàn người đổ về Hà Nội, Vinh và Sài Gòn rồng rắn xếp hàng tham dự kỳ thi tiếng Hàn để sang Hàn Quốc làm việc sau 5 năm chương trình tạm dừng do tỷ lệ lao động Việt Nam tại Hàn Quốc bỏ trốn quá cao. - VOA

|

|


10.

FT: 'Formosa nói đã trả 500 triệu đô'


Bài trên báo Anh tờ Financial Times nói tập đoàn Formosa cho biết họ đã trả nửa tỷ USD tiền bồi thường cho chính phủ Việt Nam hồi tháng Chín.


Bài của nhà báo Michael Peel từ Bangkok hôm 06/10/2016 trích nguồn từ Formosa nói họ đã "trả cho chính quyền Việt Nam 500 triệu USD hồi tháng trước nhưng Bộ Ngoại giao Việt Nam không trả lời câu hỏi họ đã nhận được chưa và tiền sẽ được dùng vào việc gì".


Bài báo cũng nói, "Hà Nội bị giám sát mạnh về cách xử lý vụ Formosa, giống như hồi hai năm trước khi họ chậm trễ khi giải quyết các vụ đám đông bài Bắc Kinh".


Tờ báo Anh cho rằng "báo cáo toàn bộ về vụ ô nhiễm [do Formosa gây ra] vẫn chưa được công bố, đặt ra câu hỏi về các loại hóa chất và tác động lâu dài của chúng."


Financial Times không phải là báo nước ngoài đầu tiên nói về chuyện tiền đã được trả cho phía Việt Nam.


Trang Taipei Times ở Đài Loan ngày 10/10 trích hãng APF viết rằng "tập đoàn Formosa đã trả tiền cho chính phủ Việt Nam".


'Hợp lý và thỏa đáng'


Từ Việt Nam, bài trên báo Hà Tĩnh thì cho hay đã có tiền bồi thường trả cho ngư dân vùng biển bị nhiễm độc.


Trang Hà Tĩnh Online hôm 1/10/2016 nói, "Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 1880/QĐ-TTg ban hành định mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế bị thiệt hại do sự cố môi trường biển."


Bài báo trích dẫn một số ngư dân mô tả họ thỏa mãn với sự hỗ trợ từ chính quyền.


Chẳng hạn một ngư dân là ông Lê Văn Phú từ Cẩm Lộc, Cẩm Xuyên, chủ một tàu cá công suất 140 CV được trích lời nói:


"Theo thông tin mà tôi nhận được thì tàu của tôi được hỗ trợ từ 10 – 15 triệu đồng/tháng. Từ khi sự cố môi trường diễn ra đến nay đã 6 tháng, nhân lên thì mức hỗ trợ thiệt hại được hưởng từ 60 – 90 triệu đồng.


"Mức hỗ trợ trên là hợp lý và thỏa đáng. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa rõ 5 lao động đi trên tàu có được hỗ trợ riêng hay không."


Cũng báo Việt Nam hôm 8/10 trích lời Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói Chính phủ đã “ứng” trước 3.000 tỷ đồng bồi thường để người dân nhanh chóng ổn định đời sống.


Bài của Financial Times thì cho hay Formosa xác nhận "họ muốn đi tiếp khỏi các vấn đề của quá khứ" sau vụ việc xả thải gây nhiễm độc biển.


Nhưng theo Michael Peel thì nhiều giáo dân Việt Nam đã biểu tình muốn Formosa ra khỏi nước này.


Bài báo nhắc lại vụ hàng nghìn giáo dân Hà Tĩnh vây cổng Formosa ở Kỳ Anh hôm đầu tháng 10.


Các mạng xã hội tại Việt Nam cho hay hôm 9/10 phía chính quyền đã chuẩn bị để đối phó với cuộc biểu tình tương tự nhưng người dân lại không ra khu vực trước cổng tập đoàn Formosa nữa.


Tòa án Nhân dân thị xã Kỳ Anh đã trả 506 đơn kiện Formosa liên quan đến yêu cầu bồi thường vụ cá chết.


Truyền thông Việt Nam cho hay, hôm 5/10, Tòa án Nhân dân thị xã Kỳ Anh đã tiến hành trả 506 đơn khởi kiện Công ty Formosa Hà Tĩnh và nói thêm rằng việc trả đơn "đúng theo quy định của pháp luật".


“Hiện tại, Tòa án Kỳ Anh đã sao chụp toàn bộ 506 đơn khởi kiện và các tài liệu liên quan lưu tại Tòa án để làm căn cứ giải quyết khiếu nại, kiến nghị khi có yêu cầu", báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh hôm 8/10 dẫn lời ông Nguyễn Văn Thắng, Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cho biết.


“Trong đơn và các tài liệu không đưa ra được tài liệu, chứng cứ chứng minh về những thiệt hại thực tế,” báo này viết. - BBC

No comments:

Post a Comment