Sunday, October 9, 2016

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 9/10

Tin Thế Giới


1.

Lực lượng Syria tiến quân thêm ở Đông Aleppo --- Nga phủ quyết dự thảo nghị quyết HĐBA về Aleppo


Các lực lượng chính phủ Syria tiếp tục cuộc tấn công vào khu đông Aleppo do phiến quân nắm giữ, sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm thứ Bảy, 8/10, không thể thông qua một nghị quyết về ngừng bắn nhằm chấm dứt các vụ ném bom chết chót xuống thành phố.


Tổ chức Đài quan sát Nhân quyền Syria đặt ở Anh cho biết các lực lượng chính phủ và đồng minh đã tiến quân qua từng con phố ở khu vực phía đông của Aleppo, vốn đã nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ kể từ năm 2012. Tổ chức nói thêm là các lực lượng chính phủ đã nắm quyền kiểm soát giao lộ Jandul ở phía đông bắc của thành phố.


Tổ chức nói 290 thường dân đã thiệt mạng trong cuộc pháo kích vào các quận phía đông và 50 thường dân đã thiệt mạng trong cuộc oanh tạc của phiến quân vào các quận phía tây do chính phủ kiểm soát trong hai tuần qua.


Nhật báo Al-Watan ở Damascus, thân chính phủ, cho biết đợt tiến quân mới nhất này là nhằm dọn đường cho "một cuộc tấn công trên bộ rất quan trọng và có tính quyết định". - VOA


***

Nga đã phủ quyết một dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhằm chấm dứt các vụ ném bom chết chóc vào thành phố Aleppo của Syria.


Đây là lần thứ năm trong vòng 5 năm, Moscow đã sử dụng quyền phủ quyết để ngăn chặn hành động của Liên Hiệp Quốc nhằm chấm dứt đổ máu.


Pháp và Tây Ban Nha đã soạn thảo văn bản của dự thảo, được gần 50 quốc gia đồng bảo trợ.


Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault đã bay đến New York để tham gia cuộc bỏ phiếu hiếm hoi hôm thứ Bảy, 8/10. Ông nói rằng chính phủ Syria và những người ủng hộ họ, trong đó có Nga, tuyên bố họ hành động trong bối cảnh của cuộc chiến chống khủng bố.


Bộ trưởng Pháp nói rằng tuyên bố như vậy là sai, và ông lên án hành động của họ.


Ông Ayrault nói Tổng thống Syria Bashar al-Assad không chống khủng bố, mà ông ta đang nuôi dưỡng nó. - VOA

|

|


2.

Trung Quốc: Cựu bí thư tỉnh ủy Vân Nam lãnh án tử hình


Theo AP và Reuters, cựu bí thư tỉnh ủy Vân Nam Bạch Ân Bồi (Bai Enpei) hôm nay 09/10/2016 đã bị tuyên án tử hình vì tội tham nhũng, nhưng được hoãn thi hành án hai năm. Đây là quan chức cao cấp mới nhất bị rơi rụng trong chiến dịch "đả hổ, diệt ruồi" của ông Tập Cận Bình.


Ông Bạch Ân Bồi, 70 tuổi, bí thư tỉnh ủy Vân Nam cho đến năm 2011 và trước đó là bí thư tỉnh ủy Thanh Hải, bị cáo buộc lợi dụng chức vụ để trục lợi trên 247 triệu nhân dân tệ (37 triệu đô la).


Theo tòa án thành phố An Dương (Anyang) tỉnh Hà Nam, thì "Số tiền mà Bạch Ân Bồi nhận hối lộ là khổng lồ, tội trạng của ông ta hết sức nghiêm trọng và ảnh hưởng đặc biệt nguy hiểm cho xã hội".


Thông cáo cho biết, tòa quyết định tuyên án tử hình nhưng cho hoãn thi hành án hai năm - mà tại Trung Quốc thường được chuyển thành án chung thân - vì ông Bạch Ân Bồi đã nhận tội và bày tỏ lòng ăn năn hối hận, và các tài sản bất hợp pháp đã được thu hồi toàn bộ.


Trung Quốc đang trong cơn lốc chống tham nhũng từ khi chủ tịch Tập Cận Bình lên cầm quyền cách đây bốn năm, nhưng dư luận cho rằng mục đích chủ yếu là nhằm thanh trừng các đối thủ chính trị. Rất nhiều quan chức cao cấp đã vào tù, trong đó có cựu bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang. - RFI

|

|


Tin Hoa Kỳ


3.

Ông Trump, bà Clinton sắp tranh luận lần thứ hai --- St. Louis chào đón cuộc tranh luận bầu cử Tổng thống thứ hai


Ông Donald Trump của Đảng Cộng hòa và bà Hillary Clinton của Đảng Dân chủ sắp có cuộc tranh luận bầu cử tổng thống Hoa Kỳ lần thứ hai vào tối Chủ nhật, 9/10, giữa lúc chính Đảng Cộng hòa đang yêu cầu ông Trump rời khỏi cuộc đua sau khi một băng ghi âm hồi năm 2005 cho thấy ông đưa ra những bình phẩm dâm đãng về phụ nữ và ông khoe khoang đã sờ mó họ.


Hôm thứ Bảy, ông Trump nói "không có chuyện" ông sẽ từ bỏ cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc khi chỉ còn một tháng nữa là đến cuộc bầu cử vào ngày 8 tháng 11, và ông đã xin lỗi về những bình phẩm của mình. Còn bà Clinton, cựu Ngoại trưởng Mỹ đang tìm cách để trở thành nữ tổng thống đầu tiên của đất nước, vẫn chưa đưa ra tuyên bố công khai về những lời lẽ liên quan đến tình dục của ông Trump. Bà sẵn sàng đối đầu với ông tại cuộc tranh luận ở thành phố miền Trung Tây St. Louis, Missouri.


Trong khi đó, ông Trump, một đại gia bất động sản lần đầu tranh cử, nói vụ việc gây tranh cãi chỉ là "một chuyện gây phân tâm", mặc dù các cuộc thăm do chính trị trên toàn quốc cho thấy sự ủng hộ dành cho ông đã sụt giảm thậm chí trước khi người ta phát hiện ra cuốn băng hôm thứ Sáu. Bà Clinton đang có lợi thế dẫn trước 4% và đang giành thêm ủng hộ ở các bang chủ chốt phải tranh giành phiếu trong cuộc bầu cử.


Một số quan chức dân bầu thuộc Đảng Cộng hòa đã kêu gọi Trump rời khỏi cuộc đua đến chức tổng thống thứ 45 của đất nước này, nhưng họ không có sự đồng thuận ngay lập tức về việc sẽ thay thế ông như thế nào trong cuộc bầu cử, nếu giả định ông đồng ý từ bỏ cuộc đua.


Trong khi đó, việc bỏ phiếu vắng mặt và bỏ phiếu sớm đã bắt đầu, với khoảng 400.000 lá phiếu đã được bỏ phiếu trong những ngày gần đây. Nhiều bang đã in phiếu bầu có tên ông Trump và ông Pence là ứng cử viên đảng Cộng hòa và các lá phiếu được gửi đến các nhân viên quân đội đóng ở nước ngoài.


Những người chủ chốt của Đảng Cộng hòa, bao gồm cả ứng cử viên phó tổng thống của ông Trump, Thống đốc bang Indiana Mike Pence, đã lên án những lời lẽ hồi năm 2005 của ông Trump.


Ông Pence nói: "Tôi không chấp nhận những lời lẽ của ông ấy và tôi không thể bảo vệ chúng". Ông nói như vậy khi ông rời khỏi một hoạt động tranh cử hôm thứ Bảy ở Wisconsin. Ở đó, người ta đã trông đợi là ông sẽ được đề cử để thay thế ông Trump.


Ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa năm 2008, Thượng nghị sĩ Arizona John McCain, đã rút lại sự ủng hộ của mình dành cho ông Trump, nhưng ông không kêu gọi ông Trump rời khỏi cuộc đua tổng thống. Người được Đảng Cộng hòa đề cử năm 2012, cựu Thống đốc bang Massachusetts Mitt Romney, đã lên án những lời lẽ về tình dục của ông Trump. Ông Romney cũng giống như ông McCain đã thua ông Obama. - VOA


***

Theo kế hoạch, bà Hillary Clinton của Đảng Dân chủ và ông Donald Trump của Đảng Cộng hòa gặp nhau trong cuộc tranh luận bầu cử tổng thống lần thứ hai vào tối Chủ nhật, 9/10. Họ sẽ có mặt trong khu học xá ở thành phố miền Trung Tây St. Louis. Thành phố này được biết đến về các loại bia của mình và một số con ngựa nổi tiếng. Đó là một thành phố phóng khoáng trong một bang bảo thủ.


Trên một con phố yên tĩnh, ở thành phố miền Trung Tây, Jeff Lockheed trang trí cho quán bar của mình.


Cách đây vài năm, Lockheed suýt mất quán bar, vì chi phí bảo hiểm y tế cao. Sau đó, Tổng thống Barack Obama đã tạo ra cho hàng triệu người Mỹ hưởng chăm sóc sức khỏe với giá cả phải chăng.


Và đó là lý do vì sao Lockheed ủng hộ bà Hillary Clinton.


Ông nói: "Obamacare đã cứu cơ sở kinh doanh này và đã cứu tôi".


Và như vậy Lockheed tiếp tục phục vụ loại bia làm cho St. Louis nổi tiếng. Quán bar của ông là một đối tác của nhà máy bia Anheuser-Busch, một công ty tài trợ của các cuộc tranh luận bầu cử tổng thống.


Các ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa đã thắng ở bang Missouri trong 4 cuộc bầu cử trước đây, nhưng ở trong khu học xá, hầu hết sinh viên là người theo tư tưởng tự do. Họ nói với sẽ cổ vũ cho bà Hillary Clinton.


Amanda Gallop là sinh viên năm cuối, học ngành tiếp thị và kinh doanh. Liệu cô có bỏ phiếu cho tỷ phú Donald Trump hay không?


Tuy nhiên Amanda Gallop lại ủng hộ bà Hillary: "Quyền sinh sản của tôi, các quyền chủng tộc và các quyền xã hội của những đồng bào của tôi thì quan trọng hơn đối với tôi so với ai đó tự nhận là đại gia kinh doanh nhưng lại từng nộp đơn xin phá sản nhiều lần".


Cô Gallop là một trong số khoảng 100 sinh viên trúng xổ số để có vé ngồi theo dõi cuộc tranh luận.


Phóng viên của VOA tìm được một người hiếm hoi của Đảng Cộng hòa trong khu học xá của trường. Sinh viên năm cuối Grant Koby đã không giành được vé trong chương trình xổ số, nhưng anh sẽ tham gia một nhóm xem cuộc tranh luận.


Koby ủng hộ ông Trump. Anh nói: "Tôi sẽ không có vấn đề gì khi bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ, nhưng tôi không nghĩ rằng bà Hillary là sự lựa chọn đúng. Tôi không nghĩ rằng bà ấy sẽ tốt cho nền kinh tế."


Các sinh viên ở đây, không giống như hầu hết những người thuộc thế hệ thiên niên kỷ, họ đang quan tâm đến cuộc bầu cử và sẽ theo dõi cuộc tranh luận trên truyền hình, để đảm bảo sự lựa chọn của họ sẽ đúng đắn. - VOA

|

|


4.

Việc làm ở Mỹ tăng trưởng ổn định


Nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ chậm nhưng ổn định. Lương tiếp tục tăng trong tháng qua, nhiều người bắt đầu đánh bóng hồ sơ họ để tìm việc làm. Nhưng tốc độ tăng trưởng về việc làm và tiền lương vẫn không đồng đều đối với nhiều người.


Nhà kinh tế kỳ cựu Mark Hamrick thuộc Bankrate nói qua Skype với VOA rằng trong một nền kinh tế ổn định, phát triển đầy đủ, đến nay đã qua 7 năm phục hồi, sự tăng trưởng ổn định về việc làm hiện giành chiến thắng trong cuộc đua.


Ông nói: "Điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ không bị hụt hơi vì chúng ta tiến quá nhanh. Nhưng chúng ta muốn sự phục hồi kinh tế này vẫn tiếp tục trong một thời gian, có lẽ thậm chí là lâu hơn chứ không chỉ một vài năm, và ngay bây giờ có vẻ như điều đó là hoàn toàn khả thi".


Và với việc các công ty của Hoa Kỳ nhận thêm 156 ngàn lao động trong tháng 9, đó là một cột mốc kinh tế quan trọng, ghi dấu 72 tháng liên tiếp có tăng trưởng dương về việc làm. Một dấu hiệu tốt khác là tiền lương tăng nhanh hơn lạm phát. Nhưng theo Elise Gould thuộc Viện Chính sách Kinh tế, có một mặt trái là mức tăng lương đã không đồng đều xét theo sắc tộc và giới tính.


Elise Gould nói: "Ví dụ, thu nhập hộ gia đình trung bình của người Mỹ gốc Phi bằng khoảng 59% thu nhập hộ gia đình trung bình của người da trắng. Đó là một khoảng cách rất lớn, và họ vẫn ở mức thấp hơn so với năm 2000 là khoảng 11%. Vì vậy, tuy họ đang thấy có sự tăng lên, nhưng còn cần thêm rất nhiều để bù lại cho những gì đã mất".


Còn có một dữ liệu quan trọng nữa: tỷ lệ thất nghiệp tăng nhẹ, đạt 5%. Các nhà kinh tế cho rằng đó là một điều tốt, vì nó có nghĩa là nhiều người Mỹ có đủ tự tin về nền kinh tế để bắt đầu tìm việc làm.


Mark Hamrick nói: "Trong trường hợp này, đó là hàng trăm ngàn người Mỹ làm việc hoặc đang tìm việc làm. Đó là một con đường tốt hơn đi tới tình trạng thất nghiệp cao hơn. Tuy nhiên, về lâu dài, chúng ta muốn là vừa có nhiều người tìm kiếm công việc vừa có nhiều người làm việc, và chúng ta muốn thấy tỷ lệ thất nghiệp đi xuống, chứ không đi lên."


Các xu hướng về việc làm thường trở nên quan trọng hơn so với bình thường vào lúc cuộc bầu cử tổng thống chỉ có khoảng một tháng nữa sẽ diễn ra. Nhưng các nhà kinh tế cho rằng với tốc độ tăng trưởng việc làm ổn định và không đáng kể, không đến mức thảm họa, điều đó dường như sẽ không ảnh hưởng đến các lá phiếu. - VOA

|

|


5.

Bão Matthew ảnh hưởng đến 4 bang của Mỹ


Bão Matthew đã suy yếu và gần tan sau một một tuần hoành hành ở các hòn đảo Caribbean cũng như dọc theo bờ biển Đại Tây Dương của Hoa Kỳ. Cơn bão đã làm chết gần 1.000 người, hầu hết trong số họ ở Haiti.


Haiti đã công bố ba ngày quốc tang dành cho các nạn nhân và bày tỏ tình đoàn kết với những người dân bị cơn bão ảnh hưởng.


Có tin lũ lụt nghiêm trọng đã xảy ra tại nhiều khu vực dọc theo 950 kilomet bờ biển của miền Đông Hoa Kỳ từ bắc Florida cho tới North Carolina. Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở 4 tiểu bang, ở đó có ít nhất 10 người thiệt mạng vì bão.


Matthew là cơn bão mạnh đổ bộ vào bờ biển của Hoa Kỳ trong gần một thập kỷ, và một trong những cơn bão lớn kéo dài kỷ lục.


Matthew đang di chuyển theo hướng đông bắc phía trên vùng bờ biển bên ngoài của North Carolina với sức gió mạnh tối đa là 120 kilomet/h – chỉ bằng nửa mức độ của một tuần trước.


Cơn bão đã san phẳng các khu dân cư và tàn phá nền nông nghiệp tại nước Cộng hòa Dominica, Jamaica, Cuba và Bahamas. - VOA

|

|


6.

Mỹ: Việt Tân không nằm trong danh sách khủng bố


Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ mới lên tiếng nói rằng Việt Tân "không nằm trong danh sách các tổ chức khủng bố theo luật của Mỹ".


Reuters hôm 8/10 dẫn lời bà Katina Adams, nữ phát ngôn viên của Văn phòng Đông Nam Á của Bộ Ngoại giao Mỹ, còn đề nghị hãng tin này liên hệ với chính phủ Việt Nam để có thêm thông tin về việc coi Việt Tân là tổ chức khủng bố.


Tới tối 9/10, trong danh sách các tổ chức khủng bố quốc tế mà Văn phòng Chống khủng bố của Bộ này đăng tải trên trang web không có tên của Việt Tân.


Tuần trước, Bộ Công an Việt Nam ra cáo buộc đảng đặt trụ sở ở Mỹ là một tổ chức “đã và đang tiến hành hoạt động khủng bố”.


Thông cáo của Bộ này còn cảnh báo “người nào có hành vi tham gia, tuyên truyền, lôi kéo, xúi giục người khác tham gia, tài trợ, nhận tài trợ của Việt Tân, tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện do Việt Tân tổ chức, hoạt động theo sự chỉ đạo của Việt Tân…” sẽ bị coi là “đồng phạm tội khủng bố” và sẽ bị “xử lý theo luật pháp Việt Nam”.


Sau đó, Đảng Việt Tân đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc, đồng thời chỉ trích chính quyền Hà Nội “dùng tiểu xảo đánh lạc hướng công luận khỏi thảm họa Formosa”.


Thông cáo hôm 8/10 của Đảng này có đoạn: “Chủ trương và quá trình hoạt động đã minh chứng Đảng Việt Tân là một tổ chức có mục tiêu đấu tranh cho dân chủ Việt Nam và quyền con người bằng phương pháp đấu tranh bất bạo động”.


“Trước thảm họa do Formosa gây ra, nhà cầm quyền CSVN không những cho phép sự hiện diện của tập đoàn này mà vẫn tiếp tục nhân nhượng các vi phạm khác về xả thải thể rắn và những công trình phá hủy môi trường quy mô ở nhiều nơi”, thông cáo viết tiếp.


Hồi tháng Năm, chính quyền Việt Nam thông qua báo chí nhà nước nói rằng đã phát hiện “hai đối tượng là thành viên của các tổ chức như Con Đường Việt Nam và Việt Tân” đã “giật dây” các cuộc biểu tình rầm rộ vì môi trường biển ở miền trung.


Về cáo buộc này, ông Đỗ Hoàng Điềm, Chủ tịch Đảng Việt Tân, từng nói với VOA Việt Ngữ rằng các cuộc tuần hành vì môi trường ở Việt Nam “là quyền và nghĩa vụ chung của mọi người”.


Ông nói thêm: “Trên tinh thần đó, nhiều người, anh chị em đảng Việt Tân ở trong nước cũng tham gia vào cùng với đồng bào để đi biểu tình”.


Ông Điềm cho biết đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam “lôi chúng tôi vào” vì Việt Tân “gây khó khăn, tạo sự khó chịu” cho Hà Nội vì “từ nhiều năm qua, Việt Tân đã tham gia các cuộc biểu tình và hoạt động đấu tranh như thế.”


Chính quyền Việt Nam, thông qua báo chí nhà nước, nhiều năm qua gọi Việt Tân là “tổ chức khủng bố”, nhưng tổ chức bị cấm hoạt động ở trong nước luôn bác cáo buộc này. - VOA

|

|


Tin Việt Nam


7.

Dân mạng ‘sốt’ vụ Thủ tướng VN ‘tự trả tiền’


Cả báo chí chính thống lẫn truyền thông “lề trái” ở Việt Nam đưa tin rầm rộ vụ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “không nhận quà biếu”, và “tự trả tiền phở” trong chuyến đi kiểm tra an toàn thực phẩm ở TP HCM.


Chuyến công tác mà nhiều tờ báo gọi là “vi hành” của ông Phúc diễn ra hôm 8/10 tại thành phố từng được coi là Hòn ngọc Viễn Đông.


Sau khi tham quan một cơ sở chế biến xuất ăn công nghiệp, theo tờ Người Lao Động, người đứng đầu chính phủ Việt Nam còn dùng phở và gọi cho mỗi thành viên trong đoàn một ly cà phê đá tại một quán ăn.


Sau đó, ông “trả tiền cho toàn bộ đoàn công tác”, trong đó có cả Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ngoài ra, ông Phúc cũng ghé một cửa tiệm để mua chả giò, và theo báo điện tử Trí Thức Trẻ, ông “không nhận quà biếu của chủ tiệm mà rút tiền trả”.


Trong cuộc gặp với lãnh đạo TP HCM, theo ANTV, ông Phúc yêu cầu phải “áp dụng các chế tài xử phạt nghiêm, thậm chí xử lý hình sự nếu vi phạm quy định an toàn thực phẩm nghiêm trọng”.


Nhiều ngày trước đó ở Hà Nội, ông Phúc cũng ghé thăm chợ đầu mối hoa quả Long Biên để kiểm tra vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.


Trên trang Facebook có tên gọi Nguyễn Xuân Phúc, một người có tên Chung Lê viết rằng “Thủ tướng phải vào Hà Tĩnh ăn lẩu hải sản dân mới nể”.


Hà Tĩnh là một trong 4 tỉnh ở miền Trung bị ảnh hưởng bởi vụ xả thải của nhà máy thép Formosa của Đài Loan.


Các chuyến đi “thị sát” của Thủ tướng Việt Nam diễn ra trong bối cảnh người dân khắp Việt Nam ngày càng lo ngại về vấn đề thực phẩm bẩn.


Trong bản tin về an toàn thực phẩm hôm 8/10, tờ Đời sống và Pháp luật đưa bản tin về vụ "đình chỉ hoạt động một cơ sở làm giá đỗ bằng hóa chất ở tỉnh Thừa Thiên - Huế", cũng như đưa tin về “loại bột có khả năng biến thịt ôi thành thịt tươi chỉ trong nháy mắt”. - VOA

|

|


8.

Tổng bí thư: Suy thoái, 'tự diễn biến' gây hậu quả khôn lường


Tình trạng suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, có thể gây ra những hậu quả khôn lường.


Sáng nay, hội nghị TƯ lần thứ 4 khai mạc tại Hà Nội. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu quan trọng khai mạc hội nghị.


Về tình hình kinh tế - xã hội năm 2016, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, Tổng bí thư chỉ rõ: Năm 2016 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội 12 của Đảng, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, cũng có không ít khó khăn, thách thức. Toàn hệ thống chính trị đã tích cực kế thừa, phát huy những thành tựu, kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và bình tĩnh, tỉnh táo xử lý kịp thời, đúng đắn những vấn đề mới phát sinh do tác động bất lợi của tình hình không thuận như: Kinh tế thế giới phục hồi chậm và tiềm ẩn nhiều bất trắc khó lường; giá dầu thô giảm mạnh, duy trì ở mức thấp hơn nhiều so với dự kiến kế hoạch, ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách nhà nước và sự phát triển của ngành Dầu khí.


Tình trạng khô hạn kéo dài ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long; rét đậm, rét hại, bão lụt ở một số tỉnh phía Bắc, sự cố môi trường nghiêm trọng ở một số tỉnh miền Trung đã ảnh hưởng nặng nề đến phát triển nông nghiệp, đời sống của nông dân.


Tổng bí thư đề nghị TƯ bám sát các báo cáo, tờ trình của Bộ Chính trị và thực tế tình hình ở các ngành, lĩnh vực và địa phương để thảo luận, đánh giá khách quan, toàn diện sự phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm, dự báo đến hết năm 2016. Chỉ rõ những kết quả, thành tích đã đạt được, những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và phân tích làm rõ các nguyên nhân. Chú ý đối chiếu với những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, nhất là mục tiêu, nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng ở mức khoảng 6,7%; phát triển văn hoá - xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, giữ vững môi trường hoà bình và ổn định để phát triển đất nước.


Trên cơ sở phân tích, dự báo các khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới, nắm bắt thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức, xác định rõ mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu cơ bản, quan trọng nhất cho năm 2017 và đề ra các chủ trương, chính sách, biện pháp có tính khả thi cao. Đặc biệt chú trọng các chính sách, biện pháp đột phá để kiểm soát nợ công, xử lý nợ xấu, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, đẩy mạnh tái cấu trúc đầu tư công, các doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công và hệ thống các ngân hàng thương mại, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để huy động và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.


Đề cập việc đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Đây là vấn đề có ý nghĩa chiến lược và tầm quan trọng đặc biệt, quyết định thành công của sự nghiệp đổi mới.


Xuất phát từ thực tế 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội 11 trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra nhanh chóng, Đại hội 12 đã bổ sung, phát triển chủ trương quan trọng này và đặt ra yêu cầu phải tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện nhiệm vụ đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Về đánh giá tình hình, cần đi sâu phân tích thấu đáo những nguyên nhân dẫn đến hạn chế, yếu kém, nhất là những nguyên nhân chủ quan.


Tổng bí thư gợi mở phải chăng chủ yếu là do chưa nhận thức đúng và thống nhất về mô hình tăng trưởng mới với đầy đủ những yếu tố cấu thành động lực, nguồn lực và phương thức tạo ra sự tăng trưởng, thậm chí còn nhìn nhận giản đơn, đồng nhất mô hình tăng trưởng với mô hình phát triển.


Đổi mới, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN còn chậm, chưa có bước đột phá về huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển theo tín hiệu và cơ chế thị trường.


Nhận thức chưa đầy đủ, tổ chức thực hiện chưa tốt ba đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, trước hết là ba lĩnh vực trọng tâm ưu tiên tái cơ cấu mà nhiệm kỳ khoá XI đã đề ra. Chưa tạo được sự chuyển biến rõ rệt trong cải cách căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển khoa học - công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, công nghệ kết nối mạng.


Chưa tổ chức thực hiện tốt việc phát huy những thời cơ, thuận lợi, khắc phục những khó khăn, thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế đối với nền kinh tế nói chung và đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế nói riêng.


Tổng bí thư đề nghị TƯ thảo luận xác định rõ mô hình tăng trưởng cần phấn đấu xây dựng với những đổi mới so với mô hình tăng trưởng hiện nay; lộ trình, bước đi trong 5 - 10 năm tới, tầm nhìn đến năm 2030; các chủ trương, chính sách, biện pháp phát huy vai trò của khoa học - công nghệ, chuyển dịch cơ cấu và nâng cao chất lượng lao động, trình độ tổ chức sản xuất kinh doanh, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội, đặc biệt là nguồn lực của khu vực kinh tế tư nhân; chủ trương về tích tụ, tập trung quyền sử dụng đất nông nghiệp; chính sách, biện pháp xử lý căn bản hơn vấn đề nợ xấu và các ngân hàng thương mại yếu kém…


Về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh mới, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phân tích từ năm 2007, Ban chấp hành TƯ khoá 10 đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW "Về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới". Từ đó đến nay, nhất là những năm gần đây, hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã có bước phát triển mới cả về chiều rộng và chiều sâu thông qua việc ký kết, thực hiện nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, bao gồm những thoả thuận không chỉ về tự do hoá thương mại và đầu tư mà còn gồm cả các cam kết về lao động, công đoàn, sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nhà nước và nhiều vấn đề về chính trị, văn hoá, xã hội rất phức tạp và nhạy cảm khác.


Tổng bí thư đề nghị TƯ thảo luận, cho ý kiến về sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết chuyên đề về vấn đề này; đánh giá toàn diện, khách quan bối cảnh, tình hình, những tác động tích cực và tiêu cực, đặc biệt là những yếu tố tác động đến ổn định chính trị - xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước.


Nhận định chính xác những cơ hội và thách thức đối với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong 5 - 10 năm tới. Làm rõ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và một số chủ trương, chính sách lớn bảo đảm vừa hội nhập kinh tế quốc tế thành công vừa giữ vững ổn định chính trị - xã hội.


Xác định cụ thể, rõ ràng những chính sách, biện pháp ngăn chặn, xử lý những thách thức, tác động tiêu cực từ việc thực hiện các cam kết quốc tế mới có thể xảy ra, đặc biệt là những thách thức, tác động tiêu cực đối với nông nghiệp và nông dân, với doanh nghiệp nhỏ và vừa khi mở cửa thị trường, đưa thuế suất nhập khẩu hầu hết các mặt hàng về bằng không; đối với việc bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị - xã hội khi thực hiện các cam kết về lao động - công đoàn, tự do hoá thị trường dịch vụ, trong đó có thị trường dịch vụ tài chính - tiền tệ, dịch vụ viễn thông, Internet và các mạng xã hội...


Đề cập nội dung xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam; xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta, chế độ ta. Thực hiện Nghị quyết Đại hội 12, Ban chấp hành TƯ đã quyết định, hội nghị lần này cần thảo luận, ra Nghị quyết về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ". Đây là vấn đề hệ trọng, vừa cơ bản, vừa cấp bách. Tại các Đại hội 8, 9, 10 và 11, Đảng đã nhấn mạnh sự cần thiết phải ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống.


Đại hội 12 của Đảng tiếp tục cảnh báo và đặt ra yêu cầu: "Đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; coi đây là một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ này. Thực hiện Nghị quyết TƯ 4 khoá 11 về xây dựng Đảng, với quyết tâm chính trị rất cao của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, chúng ta đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, nhưng tình trạng suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, có mặt còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, có thể gây ra những hậu quả khôn lường.


Căn cứ tờ trình của Bộ Chính trị và các tài liệu liên quan, Tổng bí thư đề nghị các ủy viên Ban chấp hành TƯ và tham dự hội nghị cho ý kiến về tên gọi, chủ đề và phạm vi của Đề án, có gì cần bổ sung, điều chỉnh. Từ đó, đánh giá đúng tình hình và nguyên nhân; xác định rõ mục tiêu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và những chủ trương, biện pháp phù hợp đối với từng nội dung, vấn đề.


Trên cơ sở kế thừa các nghị quyết của Trung ương trước đây, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khoá 11, đề nghị nghiên cứu bổ sung, làm rõ suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống là thế nào? Những biểu hiện như đã nêu trong Tờ trình, Đề án và dự thảo Nghị quyết đã đủ rõ chưa, cần phải nhận diện thêm vấn đề gì? "Tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ là thế nào? Mức độ đến đâu? Nguyên nhân là gì? Tác hại ra sao?


Tổng bí thư chỉ rõ: Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, đề nghị Trung ương đi sâu phân tích làm rõ, mổ xẻ, chỉ ra đúng căn nguyên, đề ra các biện pháp chữa trị hữu hiệu. Đề án nêu ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về giáo dục chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình; về cơ chế, chính sách; về kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; về phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.


Những nhóm giải pháp nêu trên đã chính xác, đủ mạnh và khả thi để làm chuyển biến tình hình chưa? Cần bổ sung thêm giải pháp nào, nội dung từng nhóm giải pháp cần lưu ý thêm vấn đề gì? Những giải pháp nào chúng ta có thể tổ chức thực hiện ngay; những giải pháp cần có thêm quy định, hướng dẫn thì cách thức tổ chức thực hiện thế nào?...


Tổng bí thư khẳng định: Những nội dung trình hội nghị TƯ lần này là những vấn đề rất quan trọng đối với việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội 12 của Đảng, bao gồm cả việc thực hiện nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế - xã hội và việc thực hiện nhiệm vụ then chốt là xây dựng, chỉnh đốn Đảng.


Theo chương trình, hội nghị làm việc đến ngày 15/10. - vietnamnet

No comments:

Post a Comment