Sunday, October 2, 2016

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 2/10

Tin Thế Giới


1.

Hàng ngàn người biểu tình phản đối Formosa ở Hà Tĩnh --- Đài Loan lên tiếng vụ hàng nghìn người Việt chống Formosa


Các nhân chứng cho hay hàng ngàn người đã biểu tình ở Hà Tĩnh hôm Chủ nhật, 2/10. Họ phản đối nhà máy thép thuộc hãng Formosa Plastics của Đài Loan, đòi chi nhánh này phải rời khỏi Việt Nam và đền bù nhiều hơn cho người dân sau khi đã gây ra thảm họa môi trường.


Cuộc biểu tình nổ ra từ sáng sớm và kết thúc vào buổi trưa. Cảnh sát đã triển khai để canh gác quanh khu nhà máy thép của Formosa. Trần Việt Hòa, một người biểu tình, cho biết qua điện thoại có khoảng 10 nghìn người biểu tình, đông hơn nhiều so với cảnh sát, và cảnh sát đã rời đi.


Những hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy tình hình giống như lời mô tả kể trên. Không có tin về thương tích.


Hòa cho biết một số người biểu tình đã vào trong nhà máy qua cổng sau và đập vỡ một số cửa sổ và máy camera.


Tin của Reuters nói người ta không liên lạc được với hãng Formosa ở Đài Loan, còn viên chức phụ trách đối ngoại của chi nhánh ở Hà Tĩnh nói ông ấy không nắm tình hình và sẽ trả lời sau.


Người ta cũng không liên lạc được với cảnh sát và nhà chức trách tỉnh Hà Tĩnh.


Người dân vẫn tức giận với nhà máy thép của Formosa sau khi họ đã chấp nhận đền bù 500 triệu đôla và thừa nhận chịu trách nhiệm về nạn cá chết hàng loạt dọc theo 200km bờ biển miền trung Việt Nam hồi tháng 4.


Một nhân chứng khác nói người dân còn tức giận vì bị cảnh sát ngăn chặn khi họ cố gắng biểu tình ôn hòa. Nhân chứng từ chối nêu tên này nói: “Người ta bực tức vì họ chỉ muốn gặp trực tiếp Formosa và thương lượng”.


Bộ Ngoại giao Đài Loan nói trong một tuyên bố là đại diện của họ ở Việt Nam đã liên lạc với nhà máy thép. Tuyên bố cho hay: “Văn phòng đại diện đã đề nghị nhà chức trách Việt Nam cử thêm cảnh sát đến bảo vệ nhà máy, nhân viên, tính mạng và tài sản của tất cả các doanh nhân Đài Loan ở tỉnh Hà Tĩnh”. Cảnh sát đã tạm thời đóng cửa nhà máy. - VOA


***

Bộ Ngoại giao Đài Loan hôm nay, 2/10, lên tiếng xác nhận rằng công dân Đài Loan làm việc tại nhà máy thép Formosa ở Hà Tĩnh cùng gia đình họ vẫn “an toàn” trong cuộc biểu tình của hàng nghìn người dân.


Hãng tin CNA dẫn lời Bộ này cho biết đã liên lạc với văn phòng đại diện ở Việt Nam và biết rằng các nhân viên an ninh người Việt đã “đóng cửa nhà máy này và tiến hành các biện pháp duy trì trật tự”.


Bộ này cũng cho biết rằng Bộ Ngoại giao Việt Nam hứa sẽ “tích cực xử lý vụ việc”. CNA cũng dẫn lời một lãnh đạo của Formosa Hà Tĩnh nói rằng không nhân viên nào của công ty “gặp nguy hiểm”, và nhà máy “không bị thiệt hại về tài sản”.


Trước đó, tin từ Việt Nam cho hay, đám đông lên tới hàng nghìn người đã tập hợp bên ngoài nhà máy thép Formosa ở Hà Tĩnh.


Họ mang theo các biểu ngữ như “Đừng vì Formosa mà phản bội nhân dân”, hay “Chúng tôi cần biển, cần tôm, cần cá, không cần sắt thép”.


Cuộc biểu tình lớn này nổ ra ít ngày sau khi hàng trăm người dân Nghệ An tới Hà Tĩnh để nộp hơn kiện Formosa.


Công ty của Đài Loan này từng thừa nhận chất xả thải từ nhfđã gây ra cá chết hàng loạt, gần như làm tê liệt hoạt động ngư nghiệp và du lịch của 4 tỉnh miền Trung Việt Nam.


Dù thừa nhận trách nhiệm và đồng ý đền bù hàng trăm triệu đôla, nhưng các ngư dân bị tác động từng nói với VOA Việt Ngữ rằng họ muốn Formosa “đóng cửa vĩnh viễn”.


Báo chí trong nước hầu như im tiếng trước vụ biểu tình của người dân hôm 2/10. Báo Hà Tĩnh điện tử chạy hàng tít: “Hàng ngàn giáo dân tụ tập, cản trở hoạt động của Formosa”.


Tờ báo địa phương này viết thêm rằng “trong quá trình tụ tập, một số giáo dân quá khích đã viết, vẽ bậy với những câu khẩu ngữ không đúng quy định lên cổng chính, làm hư hỏng camera, kính nhà bảo vệ tại khu vực cổng phụ…”


Trong khi đó, tờ Thanh Niên cũng đăng bài viết về việc mà tờ này cho là “hàng nghìn người dân Kỳ Anh tập trung phản đối Formosa gây ô nhiễm”, nhưng bài báo này sau đó đã “biến mất” khỏi trang web của tờ này. - VOA

|

|


2.

Bắc Kinh tiếp tục đả kích và đe dọa Singapore về Biển Đông


Chính sách bắt nạt nước nhỏ như đang được Trung Quốc tiếp tục áp dụng nhắm vào Singapore. Báo chí tại tiểu quốc Đông Nam Á này hôm 02/10/2016, đã nêu bật một lời hù dọa của một viên tướng Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh cần phải trừng phạt Singapore về tội "làm tổn hại lợi ích" của Trung Quốc.


Theo tờ báo Singapore ra ngày Chủ Nhật Sunday Times, hôm 29/09 vừa qua, phát biểu trên Đài Phát Thanh Quốc Gia Trung Quốc CNR, giáo sư Kim Nhất Nam (Jin Yinan) một thiếu tướng Trung Quốc hiện giảng dạy tại một trường đại học quốc phòng Trung Quốc đã kết tội Singapore là đã tích cực quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, và gây nên tình trạng đối đầu giữa Washington và Bắc Kinh.


Đối với với viên giáo sư này, Trung Quốc phải bắt Singapore "trả giá" cho việc làm "tổn hại nghiêm trọng lợi ích" của Bắc Kinh, và phải có những biện pháp "trả đũa" và "trừng phạt" để cho quốc gia Đông Nam Á thấy rõ thái độ bất bình của Trung Quốc.


Lời kêu gọi trừng phạt của nhân vật diều hâu này đã nối tiếp theo cuộc tranh cãi gay gắt giữa đại sứ Singapore tại Trung Quốc với tờ Hoàn Cầu Thời Báo, được bộ Ngoại Giao Trung Quốc ủng hộ, về lời cáo buộc do phía Trung Quốc đưa ra, theo đó Singapore đã nêu vấn đề Biển Đông và phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye tại hội nghị thượng đỉnh các nước Phi Liên Kết ở Venezuela trong tháng Chín.


Theo một số chuyên gia Trung Quốc, được tờ Sunday Times trích dẫn, quan điểm của giáo sư Kim Nhất Nam thể hiện một thái độ ngày càng bực bội của một số lãnh đạo tại Bắc Kinh đối với Singapore, nước hiện là điều phối viên của ASEAN trong quan hệ với Trung Quốc.


Chuyên gia Hứa Lợi Bình (Xu Liping) thuộc Viện Khoa Học Xã Hội Trung Quốc nhận định: "Bắc Kinh chấp nhận việc Singapore có thể có ý kiến khác, nhưng không muốn thấy Singapore dấn thân một cách cụ thể" vào vấn đề Biển Đông.


Còn ông Trương Minh Lượng (Zhang Mingliang), chuyên gia phân tích thuộc Đại Học Tế Nam, thì khẳng định rằng vụ tranh cãi công khai giữa Trung Quốc và Singapore đã gây ra một "làn sóng chưa từng có" của những lời đả kích Singapore, đặc biệt là trên mạng internet. 


Chuyên gia này tuy nhiên cho rằng đó chỉ là một sự cố thoáng qua, và sẽ không có tác động đáng kể nào trên quan hệ song phương Trung Quốc-Singapore.


Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen ngày hôm qua đã nhắc lại lời kêu gọi tăng cường hợp tác ở Biển Đông tại một hội nghị ở Hawaii. 


Theo ông, phán quyết tháng Bảy vừa qua của Tòa Trọng Tài La Haye mang tính chất ràng buộc pháp lý theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, nhưng dù cho có văn kiện pháp lý hay không, vấn đề vẫn là phải có những biện pháp cụ thể để tránh các sự cố trên tuyến đường thủy quan trọng đi qua Biển Đông. - RFI

|

|


Tin Hoa Kỳ


3.

Báo Spiegel: Chính phủ Đức tin rằng ông Trump sẽ tàn phá kinh tế Mỹ --- Ông Trump có thể đã tránh né thuế hàng chục năm


Bộ Kinh tế Đức tin rằng Donald Trump lên làm tổng thống sẽ gây tổn hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Mỹ, theo một thông tri nội bộ mà tạp chí Der Spiegel đưa tin hôm thứ Bảy.


Tạp chí này dẫn thông tri nói rằng Bộ cho rằng "tổng sản phẩm quốc nội thu hẹp, việc làm ít hơn và tỉ lệ thất nghiệp cao hơn" ở Mỹ nếu ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa thực hiện đúng những cam kết vận động tranh cử của ông.


Ông Trump, một doanh nhân tỉ phú đang nỗ lực vươn tới chức vụ công cử đầu tiên của ông, đã đề xuất cắt giảm thuế trị giá 4,4 ngàn tỉ đôla và muốn hạn chế quy định của chính phủ và có lập trường cứng rắn hơn trong việc đàm phán những thỏa thuận thương mại.


Ông nói rằng kế hoạch kinh tế của ông sẽ tạo ra tăng trưởng kinh tế hàng năm là 3,5 phần trăm và tạo ra 25 triệu công ăn việc làm trong  một thập kỷ. Nhưng một số nhà kinh tế đã đặt nghi vấn về những giả định làm cơ sở cho kế hoạch của ông.


Spiegel dẫn bản thông tri nói rằng những cam kết của ông Trump là "không khả thi." Hơn nữa, những kế hoạch này sẽ vi phạm luật pháp quốc tế hoặc của Mỹ và có thể "không phải là cơ sở cho một chính sách kinh tế thực tế."


Một phát ngôn viên của Bộ Kinh tế Đức từ chối bình luận về bài báo của Spiegel.


Tháng trước, công ty nghiên cứu kinh tế Oxford Economics tiên đoán nền kinh tế của Mỹ có thể kém hơn con số được dự báo vào năm 2021 1 ngàn tỉ đôla nếu ông Trump trở thành tổng thống.


Ông Trump sẽ đối mặt với ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton trong cuộc tổng tuyển vào ngày 8 tháng 11 tới. - VOA


***

Theo một bài báo của tờ New York Times hôm thứ Bảy, 1/10, ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa Donald Trump đã khai lỗ 916 triệu đôla trong tờ khai thuế thu nhập hồi năm năm 1995. Bài báo nói khoản khấu trừ thuế "đáng kể" có thể đã cho phép ông Trump "tránh phải trả bất kỳ khoản thuế thu nhập liên bang nào một cách hợp pháp trong thời gian dài tới 18 năm".


Tờ báo cho biết đã tham vấn với các chuyên gia thuế, họ thấy không có gì bất hợp pháp trong các tài liệu thuế của ông Trump. Các tài liệu này đã tận dụng một điều khoản về thuế có lợi cho các công ty gia đình lớn như của nhà ông Trump. Những người này biết cách đưa tài sản vào mê hồn trận gồm các quan hệ đối tác, các công ty trách nhiệm hữu hạn và các công ty con.


Tờ báo đưa tin rằng một luật sư của ông Trump đã đe dọa sẽ có hành động pháp lý đối với việc công bố các hồ sơ vì ông Trump đã không cho phép công bố thông tin.


Trong một diễn biến khác, tại một cuộc mít tinh của ông Trump hôm thứ Bảy ở Manheim, Pennsylvania, ứng cử viên Đảng Cộng hòa đã chất vấn về sức khỏe thể chất của bà Clinton và nói rằng bà khinh miệt người Mỹ.


Ngoài ra, ông Trump dường như tung ra một kế hoạch để làm mất uy tín bà Clinton bằng cách cố gắng đưa vụ bê bối tình dục của cựu Tổng thống Bill Clinton thành một vấn đề trung tâm trong chiến dịch tranh cử.


Trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Sáu với New York Times, ông Trump nói ông tin rằng những công kích tiêu cực sẽ giúp ông giành thêm ủng hộ từ nhiều nữ cử tri. Theo các cuộc thăm dò, 2/3 cử tri nữ không có thiện cảm với ông.


Ban vận động của bà Clinton dường như đã cố gắng chủ động chặn trước các lời công kích của ông Trump bằng cách công bố bản ghi âm thanh cuộc thảo luận của ông Bill Clinton về cuộc hôn nhân của ông với bà Hillary. - VOA

|

|


4.

Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ người anh em của ông Gulen


Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ một người anh em của giáo sĩ Fethullah Gulen hiện sống ở Hoa Kỳ bị cáo buộc là chủ mưu cuộc đảo chính thất bại hồi tháng 7 nhằm lật đổ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.


Hãng tin Anadolu của nhà nước nói Kutbettin Gulen bị bắt giam ở tỉnh Izmir, miền Tây Thổ Nhĩ Kỳ, vì bị cáo buộc "là thành viên của một tổ chức khủng bố có vũ trang" và đang bị cảnh sát chống khủng bố thẩm vấn.


Kutbettin là người anh em đầu tiên của ông Gulen bị bắt giam sau cuộc đảo chính.


Hồi tháng 7, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ cháu trai của ông Gulen là Muhammet Sait Gulen ở thành phố miền Đông Erzurum. Một người cháu trai khác, Ahmet Ramiz Gulen, đã bị bắt hồi tháng 8 ở thành phố miền Đông Nam Gaziantep. - VOA

|

|


Tin Việt Nam


5.

Thủ đô Việt Nam điều tra vụ cá chết hàng loạt


Lãnh đạo Hà Nội khuyến cáo người dân không nên ăn cá vớt được ở Hồ Tây khi chưa có kết luận cuối cùng về tình trạng cá chết hàng loạt. 


Chính quyền thủ đô Việt Nam hôm nay, 2/10, xác nhận tình trạng cá chết trong hai ngày qua mà báo chí trong nước nói lên tới gần chục tấn. 


Đích thân lãnh đạo thành phố này, trong đó có Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, đã đã hiện trường chỉ đạo giải quyết vụ việc. 


Theo VnExpress, kết quả giám định bước đầu cho thấy rằng nguyên nhân khiến cá chết là do “toàn bộ nước mặt hồ Tây không có oxy”.


Tin cho hay, công an Hà Nội thành phố chỉ đạo Phòng Cảnh sát môi trường và cơ quan giám định lấy mẫu nước trên diện rộng để xác định nguyên nhân, và lấy mẫu cá đưa đi giám định xem có nhiễm các chất độc hại hay không.


Ngoài ra, theo chỉ đạo của thành phố, Sở Xây dựng bố trí 10 máy lọc nước tạo oxy hoạt động trên mặt hồ và tiếp tục mua bổ sung để cứu số cá còn sống ở tầng nước sâu.


Các hình ảnh đăng tải trên truyền thông Việt Nam cho thấy cá chết, nổi trắng một góc Hồ Tây.


Một số báo còn nói về tình trạng "mùi hôi thối bốc lên nồng nặc", và dẫn lời cơ quan chức năng nói rằng "chưa lần nào bất thường như lần này".


Những tháng gần đây xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt ở nhiều tỉnh thành ở Việt Nam, sau sự cố cá chết trên biển 4 tỉnh miền Trung Việt Nam. - VOA

|

|


6.

Mất chức’ vì đăng bài phỏng vấn blogger Người buôn gió?


Làng báo Việt Nam hai ngày nay rộ lên tin ông Nguyễn Như Phong, Tổng biên tập báo Petrotimes (Tin nhanh năng lượng mới), “bị thu hồi thẻ nhà báo” và “phải nghỉ việc”, sau khi tờ báo do ông lãnh đạo đăng lại bài phỏng vấn blogger Người buôn gió (Bùi Thanh Hiếu) về vụ ông Trịnh Xuân Thanh.


Cũng có tin tờ báo này “bị tịch thu tên miền”, và “phải đóng cửa”. VOA Việt Ngữ hôm 2/10 không thể liên lạc được với ông Phong để xác nhận thông tin này. Chúng tôi cũng gọi tới đường dây nóng của báo nhưng người cầm máy nói “bị ốm cả tuần nay, không đến văn phòng, nên không nắm được thông tin”.


Tuy nhiên, trang web của Petrotimes tới tối ngày 2/10 vẫn truy cập được, và trong phần nội dung về tổng biên tập vẫn để tên ông Nguyễn Như Phong.


Tin trên xuất hiện một ngày sau khi tờ Tin nhanh năng lượng mới hôm 30/9 đăng tải bài viết có tựa đề “’Người buôn gió’ Bùi Thanh Hiếu trả lời phỏng vấn về Trịnh Xuân Thanh”.


Bài viết, trích lại một cuộc phỏng vấn của tờ Thời báo ở Đức, có đoạn: “Blogger “Người buôn gió” Bùi Thanh Hiếu hiện đang sống ở CHLB Đức được đồn thổi là người nắm giữ nhiều thông tin về Trịnh Xuân Thanh – đối tượng đang bị Bộ Công an Việt Nam truy nã”.


Petrotimes trích đăng một phần cuộc phỏng vấn, trong đó có câu hỏi, “Là một người đã được ông Trịnh Xuân Thanh ủy quyền cung cấp các tài liệu rất nhậy cảm lên mạng truyền thông, ông nghĩ gì khi giúp Trịnh Xuân Thanh làm điều này?”


Tờ báo thuộc Hội Dầu khí Việt Nam cũng trích lại câu trả lời của blogger Người buôn gió: “Trước tiên tôi phải đính chính là tôi không nhận sự ủy quyền của ông Trịnh Xuân Thanh, mà tôi gián tiếp thông qua người khác, mà trong đó tôi là người trực tiếp Skype (đàm thoại trực tuyến) với anh Thanh, anh nhờ tôi đưa môt số thông tin lên cho dư luận biết, trong đó anh Thanh có đưa một số đơn thư, ý kiến của anh phản ánh tới một số báo trong nước để giúp đỡ, nhờ phản biện lại trường hợp của UB Kiểm tra TW đảng đang xem xét cho anh ấy…”


Tuy nhiên, bài báo này hiện không còn trên trang Petrotimes, nhưng vẫn lan truyền trên các trang mạng xã hội.


“Nghề phóng viên phải như con chó ấy…”


Trong bài bình luận đăng ngày 10/6, ông Phong kể lại chuyện khi ông mới bắt đầu làm phóng viên, và đọc được một bài báo mà theo ông trong đó dẫn lời ông chủ bút của tờ Bangkok Post nói rằng “nghề phóng viên phải như con chó ấy…”


Ông Phong viết tiếp rằng “nếu so sánh giữa nghề làm báo với những phẩm chất cao quý của con chó thì xem ra rất giống nhau”.


Ông viết: “Chỉ có một điều rằng, muốn có được một chú chó hay, mang tất cả những phẩm chất cao quý của loài chó, thì ngoài tình thương yêu chăm sóc của chủ ra, nó cũng phải được dạy dỗ, chỉ bảo từng li từng tí. Nó cũng sẽ bị phạt như phạm lỗi và cũng sẽ được thưởng khi có công…”


Trước khi sang làm Tổng biên tập tờ Petrotimes, ông Phong từng đảm nhận các vị trí chủ chốt trong một cơ quan báo chí của Bộ Công An Việt Nam.


Bộ này phát lệnh truy nã quốc tế với ông Thanh, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam hôm 16/9, sau khi khởi tố ông này vì “tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật hình sự”.


Trước đó, một loạt các tờ báo ở trong nước đề cập tới các tin đồn trên mạng xã hội về việc cựu Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang có thể đã rời Việt Nam, “chạy” sang nước khác, nhất là Đức.


Mới đây nhất, tuần trước, một quan chức ngoại giao của Đại sứ quán Đức ở Hà Nội mới đáp lại một câu hỏi của báo chí Việt Nam về trường hợp của ông Thanh.


Báo Người Lao Động dẫn lời Phó Đại sứ Wolfang Manig nói rằng trong khi “vẫn chưa có thông tin chi tiết về việc ông Trịnh Xuân Thanh đang ở đâu thì câu hỏi về việc dẫn độ nhân vật này không được đặt ra”.


Vụ việc liên quan tới ông Thanh bùng lên sau khi truyền thông trong nước đưa tin hồi tháng Sáu về chiếc xe sang trị giá nhiều tỷ đồng do ông sử dụng.


Sau đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giao cho các cơ quan liên quan “kiểm tra, xem xét, và kết luận” thông tin liên quan tới Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. - VOA

No comments:

Post a Comment