Wednesday, October 19, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Tư 19/10

Tin Thế Giới


1.

TQ có thể cho ngư dân Philippines tiếp cận Bãi cạn Scarborough --- Philippines sẽ cùng thăm dò dầu khí với Trung Quốc ở Biển Đông --- Cảnh sát Manila dùng xe đâm người biểu tình bài Mỹ


Trung Quốc sẽ xem xét cho ngư dân Philippines tiếp cận có điều kiện vùng biển có tranh chấp ở Biển Đông sau khi tổng thống Philippines và chủ tịch Trung Quốc hội kiến tại Bắc Kinh trong tuần này, theo hai nguồn tin Trung Quốc nói với hãng tin Reuters.


"Mọi người đều có thể ra đó, nhưng sẽ có những điều kiện," một trong những nguồn tin Trung Quốc thường xuyên nói chuyện với những quan chức cao cấp cho Reuters biết như vậy, nhắc tới những ngư dân Trung Quốc và Philippines.


Khi được hỏi những điều kiện này là gì thì nguồn tin này nói: "Hai nước sẽ phải lập ra những nhóm công tác để giải quyết những chi tiết."


Tuy nhiên chưa rõ liệu Trung Quốc sẽ chấp thuận những cuộc tuần tra chung bảo vệ bờ biển hay không.


Hai nguồn tin không cho hay liệu Trung Quốc có thể đòi hỏi gì từ Manila hay không để đổi lấy sự nhượng bộ cho ngư dân đánh cá.


"Tình hình sẽ quay lại thời Arroyo," nguồn tin Trung Quốc thứ hai nói, nhắc tới chính quyền của cựu Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo (2001-2010). Khi đó ngư dân của hai nước đều tiếp cận được vùng biển gần Bãi cạn Scarborough.


Hai nguồn tin này cho biết thêm rằng nếu mọi chuyện diễn ra theo đúng kịch bản thì hợp tác ngư nghiệp sẽ là một trong hơn 10 thỏa thuận khung rộng lớn mà hai nước sẽ ký trong chuyến thăm của ông Duterte. Họ không cho biết thêm chi tiết.


Bộ Ngoại giao Philippines nói họ "không có bình luận gì vào thời điểm này."


Trung Quốc chiếm giữ Bãi cạn Scarborough - Bắc Kinh gọi là đảo Hoàng Nham và Manila gọi là Panatag - vào năm 2012, không cho ngư dân Philippines tiếp cận ngư trường phong phú của đảo này.


Vụ chiếm giữ cấu thành một phần trong vụ kiện của Philippines lên Tòa án Trọng tài Thường trực tại thành phố La Haye. Vào tháng 7 Tòa án đã bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với phần lớn Biển Đông, bao gồm tuyên bố đối với vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý xung quanh quần đảo Trường Sa có tranh chấp.


Trung Quốc ngay lập tức tuyên bố phán quyết này "hoàn toàn vô hiệu," nhưng nói rằng đã đến lúc tái khởi động những cuộc đàm phán giữa các nước có liên quan trực tiếp trong tranh chấp lãnh thổ để đạt được một giải pháp hòa bình. - VOA


***

Theo nhật báo The Inquirer của Philippines hôm nay, 19/10/2016, Manila sẽ thương lượng với Trung Quốc về việc cùng thăm dò dầu khí tại Biển Đông. Thông tin này được ra vào lúc tổng thống Rodrigo Duterte hôm nay bắt đầu chuyến viếng thăm cấp Nhà nước tại Trung Quốc.


Tờ The Inquirer cho biết là các quan chức của chính quyền tổng thống Duterte đang thương lượng với phía Trung Quốc để đạt đến một hiệp định theo đó chính phủ hai nước sẽ bắt tay nhau thăm dò dầu khí ở Biển Đông, mà Manila gọi là Biển Tây Philippines.


Một quan chức Philippines, xin được giấu tên do đàm phán chưa kết thúc, tiết lộ là hiệp định nói trên trước hết sẽ liên quan đến những hoạt động thăm dò tại các khu vực không có tranh chấp. Khi được hỏi là những khu vực nào được xem là không có tranh chấp, vì bản đồ đường “lưỡi bò” của Trung Quốc bao phủ gần như toàn bộ vùng Biển Đông, quan chức này nói rằng có thể đó là những vùng nằm gần Philippines hơn, trong có cả Recto Bank, nằm hoàn toàn dưới quyền kiểm soát của Manila. Theo lời một thành viên phái đoàn tổng thống Duterte được tờ The Inquirer trích dẫn, hiệp định cùng thăm dò dầu khí ở các khu vực không có tranh chấp ở Biển Đông là một biện pháp nhằm “xây dựng sự tin cậy giữa hai bên”. 


Nếu hai nước đạt được hiệp định nói trên, đây sẽ là chuyển biến quan trọng nhất về chính sách ngoại giao trong lịch sử của Philippines gần đây.


Trong khi đó, hãng tin Reuters, trích dẫn hai nguồn tin thân cận với giới lãnh đạo Bắc Kinh, cho biết là Trung Quốc sẽ xem việc cho các ngư dân Philippines vào đánh cá ở khu vực bãi cạn Scarborough. Tuy nhiên, việc cho phép ngư dân vào khu vực này sẽ kèm theo một số điều kiện, mà hai nước sẽ thảo luận về các chi tiết.


Trung Quốc đã chiếm bãi cạn Scarborough từ năm 2012 và từ đó cho tới nay vẫn không cho ngư dân Philippines tiếp cận vùng có rất nhiều nguồn cá này.


Duterte muốn Trung Quốc trợ giúp kinh tế


Hôm nay, khi trả lời đài truyền hình Nhà nước CCTV của Trung Quốc, tổng thống Duterte khẳng định ông đến Bắc Kinh để xin Trung Quốc trợ giúp về kinh tế, vì theo ông, “hy vọng kinh tế duy nhất của Philippines là Trung Quốc.”


Một dấu hiệu cho thấy quan hệ Manila - Bắc Kinh đang nồng ấm trở lại, đó là ông Duterte đã được đón tiếp trọng thể. Tối qua, ông đã được ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đón tại chân cầu thang máy bay. Ngày mai, tổng thống Philippines sẽ hội kiến chủ tịch Tập Cận Bình và thủ tướng Lý Khắc Cường. - RFI


***

Một xe thùng của cảnh sát đâm người biểu tình tại thủ đô Philippines trong lúc có cuộc phản đối có đụng độ xảy ra bên ngoài tòa đại sứ Hoa Kỳ.


Video cho thấy cảnh người phản đối vây quanh một xe thùng của cảnh sát và đập xe bằng dùi cui mà họ lấy được từ cảnh sát. Xe này sau đó đã đâm vào đám đông nhiều lần và làm nhiều người bị thương.


Hàng trăm người đã tụ tập yêu cầu Hoa Kỳ ngưng sự hiện diện quân sự tại Philippines.


Tổng thống Rodrigo Duterte đã đặt câu hỏi về mối quan hệ lâu dài với Hoa Kỳ.


Cảnh sát đã bắt ít nhất 23 người ném sơn đỏ vào cảnh sát và vào một người thuộc lực lượng an ninh của Hoa Kỳ tại sứ quán Mỹ ở Manila.


Hơi cay đã được dùng để khống chế người biểu tình sau khi họ tràn qua điểm ngăn với cảnh sát chống bạo động. Người biểu tình cũng lấy được một vòi rồng dùng để phun vào họ và đã ném đá vào cảnh sát.


Không rõ có bao nhiêu người bị thương vì vụ xe cảnh sát đâm và mức độ thương tích nghiêm trọng thế nào.


Một người phát ngôn của sứ quán Hoa Kỳ nói với BBC rằng họ có xem 'tin đưa về thương tích' nhưng không bình luận thêm và nói cảnh sát chịu trách nhiệm trả lời.


Tổng thống Duterte đang ở Bắc Kinh công du nhằm cải thiện quan hệ với Trung Quốc.


Quan hệ với Hoa Kỳ, đồng minh lâu năm, rạn nứt trong vài tháng gần đây vì lời lẽ của ông Duterte nói về cuộc chiến chống ma túy. - BBC

|

|


2.

Thượng đỉnh 4 bên về khủng hoảng Ukraina


Trong bối cảnh nước Nga liên tục đơn phương hành động trong hồ sơ Syria, hôm nay 19/10/2016, tổng thống Vladimir Putin tới Berlin tham gia cuộc họp thượng đỉnh bàn về khủng hoảng Ukraina cùng các nhà lãnh đạo Đức, Pháp và Ukraina.


Phải mất nhiều ngày trao đi đổi lại giữa các bên, cho đến tận hôm qua cuộc gặp thượng đỉnh bốn nước tham gia ký thỏa thuận Minsk về khủng hoảng Ukraina mới chính thức được thông báo.


Phần đông số giới quan sát đều nhận định cuộc gặp lần này khó có thể đạt được những tiến bộ cụ thể nào trong tiến trình giải quyết khủng hoảng Ukraina. Lý do là vì hiện nay nghi kị lẫn nhau giữa Nga và phương Tây đang ngày càng lớn, do những bất đồng sâu sắc trong hồ sơ Syria.


Theo chương trình, các vấn đề chủ chốt sẽ được lãnh đạo bốn bên bàn đến là : tôn trọng ngừng bắn giữa quân đội Ukraina và lực lượng nổi dậy thân Nga, tuy đã được áp dụng nhưng luôn trong tình trạng mong manh. Chủ đề thứ hai là bàn về việc thông qua một bộ luật bầu cử, để tiếp đó tổ chức trong khu vực miền đông nằm dưới sự kiểm soát của phe thân Nga một cuộc tuyển cử theo luật trên.


Matxcơva và Kiev vẫn thường xuyên đổ lỗi cho nhau về hai chủ đề trên. Ngay sau khi thông báo cuộc gặp hôm nay, Ukraina và Nga đã lên tiếng tố cao nhau phá hoại các thỏa thuận hiện có và không có thiện chí xây dựng trong cuộc gặp tại Berlin.


Bản thân tổng thống Ukraina Porochenko từ Oslo hôm qua đã tuyên bố với báo chí rằng ông không hy vọng gì nhiều vào cuộc gặp lần này.


Cuộc gặp 4 bên kết thúc này sẽ được tiếp nối bằng thượng đỉnh 3 bên : Nga-Đức-Pháp, bàn về cuộc chiến tại Syria, mà trọng tâm là các cuộc oanh kích của Nga vào Alep để hỗ trợ chính phủ Bachar Al Assad. Đây là một chủ đề đang gây căng thẳng giữa Nga và các nước phương Tây. - RFI

|

|


3.

Hồng Kông: Dân biểu đòi độc lập bị gây rối khi tuyên thệ


Hôm nay 19/10/2016, phiên họp nghị viện Hồng Kông đã trở nên hỗn loạn khi các nghị sĩ thân Bắc Kinh tìm cách ngăn cản hai dân biểu chủ trương đòi độc lập cho đặc khu hành chính tuyên thệ nhậm chức.


Theo ghi nhận của AFP tại chỗ, phiên họp của Hội Đồng Lập Pháp Hồng Kông (LegCo) mở ra trong cảnh tượng hỗn loạn. Khi hai tân nghị sĩ thuộc phe đòi độc lập cho Hồng Kông là Du Huệ Trinh (Yau Wai-ching) và Lương Tụng Hằng (Baggio Leung) lên tuyên thệ, những dân biểu thân Bắc Kinh đã đứng lên la ó, chửi rủa và thậm chí xô đẩy các đối thủ.


Trong phiên khai mạc nghị viện mới vào thứ Tư tuần trước, hai dân biểu Du Huệ Trinh và Lương Tụng Hằng đã khoác trên mình lá cờ Hồng Kông ghi giòng chữ "Hồng Kông không phải Trung Quốc". Lên tuyên thệ, họ đã cố tình phát âm chệch cụm từ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa thành những ngôn từ thô tục có tính chất miệt thị Hoa lục. Các dân biểu thân Bắc Kinh đã bỏ ra ngoài và buổi lễ tuyên thệ của họ đã bị hủy.


Họ được phép tuyên thệ lại vào hôm nay. Các dân biểu thân Bắc Kinh yêu cầu hai dân biểu Du và Lương phải xin lỗi về hành vi của họ trong phiên họp lần trước thì mới được tuyên thệ. Tất nhiên, các dân biểu chủ trương độc lập này đã từ chối.


Cuối cùng thì hai dân biểu trên cũng đã tuyên thệ được trước khi phiên họp của nghị viện của Hồng Kông trở nên hỗn loạn hơn phải đình lại giữa chừng.


Sau cuộc bầu cử nghị viện Hồng Kông hồi tháng 9 vừa qua, có 5 nhà đấu tranh vì dân chủ và độc lập cho đặc khu hành chính được bầu làm dân biểu. Họ là những nhà hoạt động trẻ tuổi, nay muốn tiếp tục dùng nghị trường làm nơi đấu tranh đòi quyền tự trị hoàn toàn cho Hồng Kông.


Khi diễn ra cuộc bầu cử cơ quan lập pháp Hồng Kông vừa rồi, Bắc Kinh đã cảnh cáo sẽ không chấp nhận để vấn đề độc lập của vùng đất này được bàn luận ở "trong cũng như ngoài nghị viện" Hồng Kông. - RFI

|

|


4.

Tàu Thần Châu 11 kết nối với Thiên Cung 2


Hai nhà du hành vũ trụ người Trung Quốc đã đến trạm không gian Thiên Cung 2, trong một nhiệm vụ nhằm tăng cường sức mạnh không gian của Trung Quốc. 


Tàu Thần Châu 11 được phóng đi từ miền bắc Trung Quốc hôm thứ Hai, và đã kết nối với trạm Thiên Cung 2 vào lúc 03:24 giờ Bắc Kinh (02:24 sáng giờ Việt Nam). 


Hai phi hành gia Jing Haipeng và Chen Dong sẽ ở trên trạm vũ trụ trong 30 ngày để thực hiện các thí nghiệm.


Đây là chuyến du hành vào vũ trụ có thời gian dài nhất của phi hành gia Trung Quốc. 


Cuộc kết nối diễn ra ở độ cao cách Trái Đất 393km và quy trình kết nối từ xa này kéo dài hai giờ, theo truyền thông Trung Quốc. 


Sáng thứ Tư, truyền hình nhà nước Trung Quốc truyền hình trực tiếp cuộc kết nối và hình ảnh hai phi hành gia tới nơi, cho thấy hình ảnh họ bay không trọng lực qua một đường kết nối dài 1m và rộng 80cm. 


CCTV trích dẫn lời ông Liu Ninh, quan chức với chương trình không gian của Trung Quốic nói: "Cửa Thiên Cung gặp một chút rắc rối... phi hành gia cần phải đi qua nó theo chiều ngang và sau đó nâng cao đầu để mở cửa."


Trung Quốc là quốc gia thứ ba sau Hoa Kỳ và Nga, có nhiệm vụ đưa người lên vũ trụ. Tàu Thần Châu 11 là tàu thứ sáu.


Kế hoạch của Trung Quốc là xây dựng trạm không gian cố định của riêng mình vào năm 2022 sau khi nước này không được phép tham gia vào Trạm Không gian Quốc Tế. Trung Quốc sẽ mở rộng Thiên Cung 2 trong vài năm tới bằng cách gửi thêm các module lên trạm. 


Trung Quốc đã dành rất nhiều nỗ lực và tiền bạc cho chương trình không gian, và dự định phóng ít nhất 20 tàu lên trong năm nay. - BBC

|

|


5.

Indonesia: Luật tiêm thuốc triệt dâm 'sẽ thanh toán nạn ấu dâm'


Indonesia có thể "thanh toán" nạn ấu dâm nhờ chính sách tiêm thuốc triệt dâm đối với tội phạm, Tổng thống Joko Widodo nói với BBC.


Ông nói Indonesia tôn trọng nhân quyền, nhưng sẽ "không thỏa hiệp" khi phải trừng phạt loại tội phạm tình dục này.


Indonesia thông qua luật gây tranh cãi hồi đầu tháng này cho phép tiêm thuốc triệt dâm với tội phạm ấu dâm.


Luật mới gây tranh cãi gay gắt trong Quốc hội.


Hiệp hội bác sĩ Indonesia khuyến cáo hội viên không tham gia hoạt động này vì vi phạm y đức.


Tiêm thuốc triệt dâm làm giảm dục tính chứ không có tác dụng triệt sản hay cắt bỏ bộ phận sinh dục.


Tổng thống Widodo nói "hiến pháp của chúng tôi tôn trọng nhân quyền, nhưng đối với tội tình dục thì không thỏa hiệp."


Ông nói thêm: "Theo quan điểm của tôi, việc tiêm triệt dâm, nếu được thực thi nhất quán, sẽ làm giảm tội phạm tình dục và thanh toán vấn nạn này theo thời gian."


Cuộc phỏng vấn với phóng viên Yalda Hakim của BBC, Tổng thống Widodo - cũng được biết đến với tên gọi Jokowi - cũng đề cập tới các chủ đề bao gồm Biển Đông.


Bình luận về chủ đề Biển Đông, ông Widodo bảo vệ lập trường Indonesia tăng cường hiện diện quân sự quanh quần đảo Natuna. 


Ông nói quân đội Indonesia đóng vai trò ngăn chặn đánh bắt cá lậu.


"Đây là tài nguyên thiên nhiên của chúng ta, đây là tài sản của Indonesia. Từ nay các tàu đánh bắt lậu không thể giỡn được với chúng ta," ông nói.


"Điểm thứ hai là Natuna là lãnh thổ của chúng ta. Natuna thuộc về Indonesia. DO đó nếu chúng ta có hoạt động quân sự, tập trận, thì đó là quyền của chúng ta. Xét về chủ quyền thì tôi sẽ không bao giờ thỏa hiệp."


Cuộc phỏng vấn cũng đề cập tới tham nhũng và lập trường của chính phủ đối với đồng tính.


Vào đầu tháng này, một quảng cáo việc làm cho chức vụ đại sứ của giới thanh niên nói thành viên cộng đồng LGBT không cần phải nộp đơn. - BBC

|

|


Tin Hoa Kỳ


6.

Ông Trump và cuộc chiến giành ghế tại Quốc hội Mỹ --- Ông Trump đề nghị giới hạn nhiệm kỳ các dân biểu quốc hội --- Ông Obama chê trách ông Trump, khuyên ‘ngừng rên rỉ'


Trong lúc nhiều chuyện gây tranh cãi vây quanh ông Donald Trump bao trùm lên cuộc đua tranh chức tổng thống, ứng cử viên của Ðảng Cộng hòa còn là tâm điểm của các cuộc đua để giành ghế trong toà nhà lập pháp, nơi sẽ quyết định đảng nào kiểm soát Quốc hội. Thông tín viên Michael Bowman của đài VOA tường trình rằng trong khi bối cảnh chính trị năm nay trông có vẻ thuận lợi cho Ðảng Dân chủ chiếm thế đa số ở Thượng viện, nhưng cho đến giờ, chưa có bằng chứng cho thấy những rắc rối của ông Trump đã gây thiệt hại cho các ứng cử viên của Ðảng Cộng hòa tại Thượng viện.


Phe Dân chủ đang tập trung “hỏa lực” nhắm vào ông Donald Trump. 


Bà Hillary Clinton, đối thủ của ông Trump, nói:


"Cả thế giới đã biết về cách ông Trump đối xử với phụ nữ như thế nào."


Phe Dân chủ đang tìm cách liên kết các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa với nhân vật được đảng này đề cử, đồng thời dùng chính những tuyên bố của các nghị sĩ đảng Cộng hòa để tấn công họ.


"Tôi nghĩ chúng ta sẽ làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại, đúng không?"


"Tôi ủng hộ người được đề cử của Ðảng Cộng hòa."


"Tôi dự định sẽ ủng hộ đề cử của Ðảng Cộng hòa."


Nhưng một số dân biểu đảng Cộng hòa mới đây đã thẳng thừng gạt bỏ ông Trump. 


Trong đó có Thượng nghị sĩ John McCain:


"Thật không dễ chịu chút nào với tôi khi phải bác bỏ người được đảng của tôi đề cử."


Một số đảng viên khác cân nhắc nhiều lần quyết định ủng hộ ông Trump, hoặc miễn cưỡng đứng về phía ông Trump, dựa trên lập luận rằng ứng cử viên Dân chủ Hillary Clinton còn tệ hơn ông Trump.


Thượng nghị sĩ Marco Rubio của Ðảng Cộng hòa nói:


"Tôi không tin tưởng bà Clinton với những thông tin mật. Bà ấy đã chứng tỏ là không có khả năng bảo mật."


Ông John Feehery là một cố vấn của Ðảng Cộng hòa. 


"Khó khăn lớn nhất đối với nhiều đảng viên Cộng hòa là thành phần ủng hộ nền tảng của họ, những người sẽ đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử. Họ vẫn ủng hộ ông Donald Trump."


Ðảng Dân chủ cần giành thêm bốn ghế nữa để chiếm thế đa số nếu bà Clinton thắng cử, và năm ghế nếu ông Trump đắc cử.


Thượng nghị sĩ Chuck Schumer của Ðảng Cộng hòa nhận định:


"Tôi tin rằng chúng tôi sẽ chiếm thế đa số ở Thượng viện. Ðảng Cộng hòa đang rối ren, trong khi các nghị sĩ đương nhiệm ra tái tranh cử chưa quyết định sẽ phải làm gì với ông Trump."


Phe Cộng hòa đang cố gắng bảo vệ số ghế đang nắm giữ, cao gấp đôi so với phe Dân chủ trong năm nay, trong số đó có nhiều ghế đại diện các bang đang ngả về phe Dân chủ. 


Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, trưởng khối Cộng hòa ở Thượng viện, thừa nhận thách thức này:


"Có thể ví như hai người tử chiến bằng dao trong một không gian chật hẹp. Khả năng thắng thua ngang hàng."


Các cuộc thăm dò không cho thấy Ðảng Cộng hòa sắp gặp tai họa. Các thượng nghị sĩ kỳ cựu nhất của đảng vẫn dễ dàng dẫn trước trong cuộc đua. Các ứng cử viên khác cũng cách nhau chỉ vài điểm so với các đối thủ bên Ðảng Dân chủ, thậm chí còn dẫn trước trong các cuộc thăm dò. Họ cho rằng sự hiện diện của họ là cần thiết như một lực đối trọng trong trường hợp bà Clinton đắc cử tổng thống.


Thượng nghị sĩ Marco Rubio của Ðảng Cộng hòa:


"Bất kể ai thắng cử trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, chúng ta cần phải có đại diện trong Thượng viện sẵn sàng đối mặt với vị tổng thống kế tiếp của Mỹ."


Mặc dù vậy, các chiến lược gia Cộng hòa thừa nhận rằng ông Trump có thể khiến Ðảng Cộng hòa phải trả một cái giá ở Quốc hội.


Cố vấn John Feehery của Ðảng Cộng hòa nhận định:


"Nếu ông Donald Trump thua 10 điểm trong cuộc bầu cử này, Ðảng Cộng hòa sẽ gặp rủi ro lớn ở Hạ viện. Thượng viện thì có thể vẫn còn khả năng nửa thắng nửa thua."


Hiện các thành viên Đảng Dân chủ sẽ tiếp tục liên kết các đảng viên Cộng hòa với ông Trump.


Một số đảng viên Cộng hòa tìm cách xa lánh ông Trump. 


Thượng nghị sĩ Cộng hòa Kelly Ayotte của bang New Hampshire nói:


"Cả ông Donald Trump lẫn bà Hillary Clinton đều không hoàn hảo, bản thân tôi cũng không phải là người hoàn hảo." - VOA


***

Ứng cử viên Tổng thống Đảng Cộng hoà Donald Trump đề nghị giới hạn các nhiệm kỳ phục vụ của các thành viên quốc hội trong khuôn khổ một chương trình cải cách trọn gói mà theo ông, sẽ trong sạch hoá nền chính trị nước Mỹ.


Nói chuyện với những người ủng hộ ông hôm thứ Ba tại bang Colorado, ông Trump nói đã đến lúc phải giới hạn nhiệm kỳ của các đại biểu quốc hội. Ông nói:


“Làm như vậy không những sẽ chấm dứt nạn tham nhũng trong chính quyền, mà còn chấm dứt tình trạng kinh tế dậm chân tại chỗ hiện nay.”


Theo hiến pháp, Tổng thống Mỹ chỉ được phục vụ tối đa có 2 nhiệm kỳ. Không có giới hạn tương tự nào đối với các dân biểu ở Hạ viện hoặc các nghị sĩ ở Thượng viện, rất nhiều vị đã phục vụ trong nhiều nhiệm kỳ liên tiếp. Trong cuộc bầu cử năm 2012, hơn 90% các đại biểu tương nhiệm đã tái đắc cử.


Ngoài việc giới hạn nhiệm kỳ các dân biểu, ông Trump còn đề nghị cấm các cựu thành viên quốc hội, nhân viên của họ và những người phục vụ trong ngành hành pháp hoạt động trong tư cách là những nhà vận động hành lang trong 5 năm, và tuyệt đối cấm các nhà vận động hành lang nước ngoài quyên tiền để hỗ trợ các ứng cử viên trong các cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ.


Hôm thứ Ba, Tổng thống Barack Obama chỉ trích ông Trump vì đã ca tụng lãnh đạo Nga Vladimir Putin:


“Những lời 'nịnh bợ' của ông Trump được lặp lại nhiều lần là điều 'chưa từng xảy ra' trên chính trường nước Mỹ.” 


Ông Trump nói một mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa Nga và Mỹ là một cơ hội để hai nước trở thành đối tác của nhau trong cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo. Trong tuần này, ông đề nghị rằng nếu đắc cử trong cuộc bầu cử ngày 8/11, ông sẽ đi thăm Moscow ngay cả trước lễ nhậm chức Tổng thống.


Một người phát ngôn của bà Hillary Clinton, đối thủ của ông, đã đả kích những phát biểu đó và những bình luận khác của ông Trump trên đường vận động.


Bà Hillary Clinton đã không xuất hiện trước công chúng trong ngày thứ Ba, trước cuộc tranh luận thứ 3 và cũng là cuối cùng giữa bà và ông Trump vào đêm thứ Tư 19/10.


Tính trung bình, các cuộc thăm dò chính trị chủ yếu thực hiện trong hai tuần qua cho thấy bà Clinton dẫn trước ông Trump khoảng 7 điểm.


Hôm thứ Ba, ông Trump nói với những người ủng hộ ông rằng ông không tin vào kết quả các cuộc thăm dò, và nhắc lại những lời cảnh báo của ông về nạn gian lận bầu cử.


Ông Trump còn tiếp tục tấn công các cơ quan truyền thông, mà theo ông đã đối xử không công bằng với ông trong suốt thời gian vận động tranh chức Tổng thống.


Ông Trump không chưng ra bằng chứng nào để hậu thuẫn cho cáo buộc gian lận bầu cử của ông, hoặc cho những tuyên bố khác của ông.


Không có bằng chứng nào về gian lận bầu cử trong các cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ. Một cuộc khảo sát kết luận rằng trong thời gian từ năm 2000 tới năm 2014, chỉ tìm ra được 31 trường hợp có người giả mạo cử tri để đi đầu phiếu, trong tổng số 1 tỉ phiếu bầu trong một danh sách dài các cuộc bầu cử khác nhau.


Tổng thống Obama hôm thứ Ba nói ông Trump hãy thôi “than van ỉ ôi” và thay vào đó, hãy tập trung vào việc thuyết phục cử tri ủng hộ ông trong cuộc bầu cử tháng tới.


Tổng thống Obama nói trong cả cuộc đời ông và trong cả lịch sử cận đại, ông “chưa từng thấy bất cứ ứng cử viên Tổng thống nào tìm cách gieo rắc nghi vấn về sự trung thực của các cuộc bầu cử ngay cả trước khi phòng phiếu mở cửa.”


Ông Obama nói bất chấp kết quả bầu cử ra sao, ông trông đợi kết quả đó phải được tôn trọng.


Nhà lãnh đạo Mỹ nói thêm:


“Nếu ông Trump đoạt đa số phiếu, tôi trông đợi bà Hillary Clinton sẽ đọc một bài diễn văn khả ái, công nhận thất cử và cam kết sẽ làm việc với ông Trump để bảo đảm nhân dân Mỹ được phục vụ bởi một guồng máy chính phủ hữu hiệu.”


Tổng thống Obama nói tiếp: 


“Nhiệm vụ của tôi là chúc mừng ông Trump, bất kể ông đã nói gì về cá nhân tôi, hay về những bất đồng quan điểm với tôi. Nhiệm vụ của tôi còn là tháp tùng ông tới điện Capitol vào ngày lễ nhậm chức Tổng thống, nơi sẽ diễn ra một cuộc trao quyền trong hoà bình. Bởi vì đó là điều mà người Mỹ vẫn làm.”


Tổng thống Obama được bầu lên vào năm 2008 và đang sắp sửa kết thúc nhiệm kỳ thứ nhì, tức nhiệm kỳ cuối cùng theo hiến định, theo đó Tổng thống Mỹ chỉ được nắm quyền tối đa 2 nhiệm kỳ. Ông sẽ trao Toà Bạch Ốc lại cho người kế nhiệm 10 tuần sau cuộc bầu cử Tổng thống. - VOA


***

Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm thứ Ba khiển trách Donald Trump về tuyên bố rằng cuộc bầu cử tổng thống bị gian lận theo hướng bất lợi cho ông ta, nói rằng ứng cử viên Đảng Cộng hòa phải "ngừng ca cẩm" và thay vào đó hãy thuyết phục cử tri lựa chọn ông vào ngày 8 tháng 11 tới.


"Trong đời tôi hoặc trong lịch sử chính trị hiện đại tôi chưa từng thấy bất kỳ ứng cử viên tổng thống nào lại tìm cách khiến cử tri mất niềm tin vào những cuộc bầu cử và tiến trình bầu cử thậm chí trước khi những cuộc bỏ phiếu bắt đầu," ông Obama phát biểu tại một cuộc họp báo ở Tòa Bạch Ốc, với Thủ tướng Ý đứng bên cạnh. "Chuyện này chưa từng có. Không có chút sự thật nào làm cơ sở cho chuyện này."


Trong khi ông Trump tụt lại phía sau ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton trong những cuộc khảo sát ý kiến toàn quốc, trong những ngày gần đây ông đã nêu nghi vấn về tính chính danh của cuộc bầu cử.


Ông trùm bất động sản này, lần đầu tiên ra tranh chức vụ công cử, khẳng định tình trạng gian lận bầu cử đang diễn ra trong khi một số bang đang tiến hành bầu cử sớm, mà không đưa ra bất cứ bằng chứng nào. Ông Trump tuyên bố sẽ có thêm vấn đề nữa vào ngày bầu cử, và rằng cuộc bầu cử toàn quốc "bị gian lận." Ông còn tiếp tục cho rằng giới truyền thông tin tức toàn quốc đang âm mưu với cựu Ngoại trưởng Clinton để bảo đảm bà trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Mỹ.


"Tôi khuyên ông Trump đừng ca cẩm nữa mà hãy cố gắng đưa ra lập luận để thuyết phục cử tri bỏ phiếu cho mình," ông Obama nói. "Và nếu ông nhận được nhiều phiếu nhất, tôi cho rằng bà Hillary Clinton sẽ có bài diễn văn chấp nhận thua cuộc đúng mực và cam kết làm việc với ông để bảo đảm rằng người dân Mỹ hưởng lợi từ một chính phủ hữu hiệu.


"Và bổn phận của tôi là sẽ nghênh đón Ông Trump, bất chấp những gì mà ông ấy đã nói về tôi, hay những khác biệt của tôi với ông ấy hoặc quan điểm của tôi, và sẽ đưa ông ấy đến Điện Capitol [trong ngày nhậm chức vào tháng 1], nơi sẽ có một sự chuyển giao quyền lực ôn hòa," Tổng thống nói thêm. "Đó là điều mà người Mỹ làm."


Có rất ít bằng chứng về tình trạng gian lận phiếu bầu trong những cuộc bầu cử ở Mỹ. Một nghiên cứu cho biết chỉ có 31 trường hợp mạo danh cử tri từ năm 2000 đến năm 2014. Cử tri đã bỏ một tỉ phiếu bầu trong một danh sách dài những cuộc bầu cử diễn ra trong giai đoạn này.


Ông Obama, người ủng hộ nhiệt thành bà Clinton, cũng chỉ trích lời khen ngợi của ông Trump dành cho Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Obama nói việc ông Trump "tâng bốc" nhà lãnh đạo Nga là "chưa từng có trong nền chính trị Mỹ." Tổng thống nói ông ngạc nhiên khi những nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa lại thuận theo quan điểm thân Putin của ông Trump, gọi việc này là "sự đảo vai" cho những người theo Đảng Cộng hòa.


Ông Trump nói rằng ông xem mối quan hệ tốt hơn giữa Mỹ và Nga là một cơ hội để hai nước chiến đấu như hai đối tác chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo. Ông Trump trong tuần này cho biết rằng nếu ông đắc cử, ông có thể đến thăm Moscow thậm chí trước khi ông nhậm chức tổng thống.


Ông Obama đưa ra những phát biểu về ông Trump để đáp lại câu hỏi của phóng viên tại một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Ý Matteo Renzi đang có chuyến công du Mỹ. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh mức độ quan trọng của mối quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa hai nước, hợp tác chống lại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở Iraq, Libya và Afghanistan. - VOA

|

|


7.

Tướng Mỹ nhận tội nói dối về vụ lộ tin mật


Một tướng lãnh Thủy quân lục chiến hồi hưu có thời là sĩ quan quân đội cao cấp thứ nhì nước Mỹ, hôm thứ Hai đã nhận tội về cáo trạng cho rằng ông đã nói dối các nhà điều tra về việc làm rò rỉ thông tin mật.

 

Giờ đã về hưu, Tướng James Cartwright từng là Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ, có thể đối mặt tới bản án tù 5 năm, nhưng có tin cho biết các luật sư bảo vệ ông và các công tố viên đã đạt thoả thuận về một bản án tù sáu tháng.


Trước đây, các nhà điều tra muốn biết liệu viên tướng bốn sao này có phải là nguồn gốc của vụ rò rỉ thông tin cho các nhà báo về một loại virus máy tính mà Mỹ và Israel sử dụng để phá chương trình hạt nhân của Iran.


Một virus máy tính có tên là Stuxnet đã khiến các máy ly tâm dùng vào việc tinh chế uranium của Iran bị mất kiểm soát vào năm 2010, và hình như đã làm chậm lại các nỗ lực của Iran nhằm chế tạo một quả bom hạt nhân.

 

Thông tin này được kể lại trong cuốn sách "Confront and Conceal" - tạm dịch “Đối đầu và Che giấu” của tác giả David Sanger, một phóng viên của báo New York Times. - VOA

|

|


Tin Việt Nam


8.

Tàu chiến Trung Quốc vào Cam Ranh


3 chiến hạm của Trung Quốc, với gần 800 sĩ quan và thủy thủ, sẽ tới cảng chiến lược của Việt Nam, ít lâu sau khi tàu chiến Hoa Kỳ rời đi. 


Hai chiến hạm hộ vệ tên lửa cùng tàu hộ tống của hải quân quốc gia láng giềng phương bắc sẽ cập cảng quốc tế Cam Ranh trong 4 ngày, từ ngày 22 đến 26/10, và sẽ “giao lưu với hải quân Việt Nam”. 


Báo điện tử VnExpress dẫn Sở Ngoại vụ Khánh Hòa cho biết rằng đây là lần đầu tiên tàu hải quân Trung Quốc tới cảng quốc tế nằm trong vùng biển chiến lược hướng ra biển Đông của Việt Nam. 


Nhận định với VOA Việt Ngữ, chuyên gia về quan hệ Việt – Trung, ông Dương Danh Di, nói rằng “không phải vô cớ” mà Trung Quốc thực hiện chuyến thăm như vậy. 


Ông nói thêm: 


“Giữa Việt Nam và Trung Quốc bây giờ, động tác gì cũng có chuyện cả. Không ai tự dưng làm cái chuyện đó cả đâu. Lợi cho họ thì họ làm, muốn tuyên truyền cho thế giới thì họ làm, tác động vào nội bộ của Việt Nam thì tác động. Cái chính là chính phủ và nhân dân Việt Nam đối với cái đó như thế nào. Họ định làm để ra vẻ để lừa gạt, dụ dỗ Việt Nam, nhưng nhân dân Việt Nam trưởng thành rồi. Họ không làm được chuyện đó đâu. Trung Quốc bây giờ đều có ý đồ với Việt Nam cả, chứ không phải tự dưng họ làm điều tốt với Việt Nam đâu”. 


Cựu quan chức ngoại giao của Việt Nam còn nói thêm rằng Bắc Kinh có thể “chủ động” đưa tàu chiến vào Cam Ranh để “làm dịu” quan hệ với Hà Nội. 


Tin cho hay, đội tàu chiến của Trung Quốc thăm Việt Nam với 750 sĩ quan và thủy thủ đoàn trên khoang, và do Tham mưu trưởng hạm đội Đông Hải dẫn đầu.


Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế ở Hà Nội, nhận định với VOA Việt Ngữ rằng chuyến cập cảng này “bình thường hóa quan hệ Việt – Trung, và quốc tế hóa Cam Ranh”.


Ông nói thêm: 


“[Tàu] Mỹ, Pháp và Nhật Bản vừa đi thăm thì như thế Trung Quốc đi cũng hợp lý. Nó làm tăng cái tính bình thường hóa các hoạt động tại các quân cảng, đặc biệt là Cam Ranh của Việt Nam. Điều này không có nghĩa rằng là Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng đặc biệt gì lớn đối với Việt Nam. Nhưng mà việc mời Trung Quốc đi thăm cái đấy cũng là một dấu hiệu tốt là họ cũng muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam”. 


3 chiến hạng của Trung Quốc cập cảng Cam Ranh hai tuần sau khi hai chiếm hạm của Hoa Kỳ là tàu tiếp liệu tàu ngầm USS Frank Cable và tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS John S. McCain rời đi. 


Hai tàu chiến Mỹ lần đầu tiên trở lại cảng chiến lược của Việt Nam trong nhiều thập kỷ, sau khi tham gia một sự kiện giao lưu hải quan thường niên Việt – Mỹ ở Đà Nẵng. 


Về việc Việt Nam mở cửa Cam Ranh cho nhiều quốc gia, giáo sư Ngô Vĩnh Long từ Đại học Maine ở Hoa Kỳ, nói với An Tôn của VOA Việt Ngữ: 


“Việt Nam đã nói nhiều lần rằng cảng Cam Ranh để mở ra cho mọi nước. Tôi thấy đây là chính sách rất là tốt bởi vì nếu những nước mà họ đang có những cạnh tranh mà họ đi ra đi vào, gần với nhau thì tôi nghĩ đó cũng là một vấn đề giữ cho an ninh trong khu vực. Việc cho tàu Mỹ, tàu Trung Quốc là việc tốt thôi vì họ ra vào, khỏi đụng chạm nhau trên biển cả”. 


Mới đây, trong một cuộc họp báo thường kỳ, trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước việc Nga cân nhắc quay trở lại cảng Cam Ranh, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhắc lại “lập trường nhất quán của Việt Nam là không liên minh quân sự, không liên minh với nước nào để chống lại nước thứ 3 và cũng không cho nước nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam”. 


Hồi tháng Ba, hải quân trong nước khánh thành cảng quốc tế Cam Ranh với số vốn đầu tư 2 nghìn tỷ đồng. Báo chí trong nước khi đó dẫn lời các quan chức nói rằng cảng này “phục vụ cả mục đích quân sự lẫn dân sự”, “vừa phát triển kinh tế, và vừa tăng cường quan hệ với các lực lượng hải quân quốc tế”.


Ngoài ra, quan chức trong nước được trích lời nói rằng nó sẽ “góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế và khu vực; bảo đảm đồng bộ cho các tàu hoạt động, góp phần xây dựng khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định”. - VOA

|

|


9.

Việt Nam: Cái giá đắt của Phát triển Kinh tế


Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng giữa lúc thương mại toàn cầu chậm lại, được ca ngợi  như là một gương thành công của châu Á. Tuy nhiên các chuyên gia cảnh giác rằng Việt Nam đang phải trả một cái giá ngày càng đắt hơn về môi trường để đánh đổi đà tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế.


Các giới chức cấp cao của Việt Nam cảnh báo rằng mức ô nhiễm không khí tại Hà nội và TP. HCM nay mai có thể sánh kịp với mức ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh, thủ đô của Trung Quốc. Ngân hàng Phát triển Á Châu (ADB) cảnh báo rằng đà tăng trưởng của ngành công nghiệp Việt Nam cũng có nghĩa là “mức ô nhiễm đất đai, nguồn nước và không khí” cũng đang gia tăng nhanh chóng.


Dựa trên kết quả một cuộc khảo sát thực hiện từ năm 2011 tới năm 2015, Bộ Môi trường Việt Nam tiết lộ mức ô nhiễm không khí đã trở nên tệ hại hơn tại nhiều khu vực thành thị, đặc biệt tại thủ đô Hà Nội và Hạ Long, cũng như tại TP. HCM.


Đáng quan tâm nhất là nồng độ ni-tơ dioxít, ký hiệu NO2, đo được ở Hà Nội cao gấp 1,3 lần mức cho phép, tại Hạ Long nồng độ NO2 cao gấp 1,2 lần và tại TP. HCM, thủ đô thương mại của Việt Nam, mức NO2 cao gấp hai lần mức cho phép.


Ni-tơ dioxít đặc biệt có hại cho trẻ con và người cao tuổi, thành phần có phổi yếu hơn, dẫn đến các trường hợp sưng cuống phổi và các vấn đề về đường hô hấp.


Phó Tổng cục trưởng Cục Môi trường, ông Hoàng Dương Tùng, nói với truyền thông địa phương rằng giao thông và các hoạt động công nghiệp là nguyên nhân chính dẫn tới ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TP. HCM. Tại Hạ Long, nạn ô nhiễm có liên quan tới các mỏ than và các nhà máy điện.


Giàu có hơn, nhiều xe cộ hơn


Sự phồn thịnh đang tăng ở Việt Nam có nghĩa là nhiều người hơn có đủ khả năng sắm xe hơi hoặc xe gắn máy. Cảnh sát giao thông ở Hà nội nói trung bình có tới 19,000 xe mới của tư nhân được đăng ký mỗi tháng.


Một phúc trình về môi trường công bố năm 2013 cho thấy có tới 265 ngày mức ô nhiễm không khí tại Hà nội bị xuống cấp từ “không tốt cho sức khoẻ”, thành “có thể gây hại cho sức khoẻ.”


Ông Hoàng Dương Tùng nói trừ phi nạn ô nhiễm được giải quyết, Hà Nội và TP. HCM có thể đuổi kịp Bắc Kinh về mức độ ô nhiễm ‘trong một tương lai không xa’.”


Nạn ô nhiễm đã bắt đầu ảnh hưởng tới sinh kế của người dân. Hồi tháng Tư, các cộng đồng ngư dân tại nhiều khu vực đã giận dữ phản đối sau khi hơn 100 tấn cá chết được phát hiện ngoài khơi 4 tỉnh miền trung Việt Nam.


Các cuộc điều tra kết luận rằng nhà máy thép Formosa ở Hà Tĩnh do người Đài Loan làm chủ, là nguồn xả nước thải độc hại, gây ô nhiễm. Tháng 6 vừa rồi, công ty Formosa nhận trách nhiệm và cam kết đền bù thiệt hại tổng cộng tới 500 triệu đôla.


Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc công bố sắc lệnh để bồi thường cho các nạn nhân bị tác động bởi nạn ô nhiễm, mà công ty Formosa có trách nhiệm chi trả. Chính phủ Việt Nam nói các khoản tiền bồi thường đó, từ 130 đến 1,600 đôla cho mỗi người lớn, đã bắt đầu đến tay người dân trong tháng này.


Nhưng một toà án Việt Nam đã bác hàng trăm đơn khiếu kiện của ngư dân đòi công ty Formosa phải trả thêm các khoản phụ trội.


Ông Jonathan London, giáo sư môn kinh tế chính trị toàn cầu tại đại học Leiden ở Hà Lan, nói nền kinh tế “không kiềm chế” của Việt Nam đã làm dấy lên những quan tâm về tác động đối với môi trường.


Ông nói chính quyền hiện tại của Việt Nam “đại diện cho một sách lược kinh tế tự do, không kiềm chế mà có người cho là một khuôn mẫu cai quản kinh tế sai trái, mạnh mẽ cổ vũ cho đầu tư nước ngoài, nhưng cùng lúc không mấy quan tâm tới quyền sở hữu.”


Ông London nói chiến lược này không phải là bao giờ cũng đưa đến thành công, đặc biêt khi nói tới vấn đề bảo vệ môi trường. Ông chỉ ra việc công ty Formosa Hà Tĩnh đã được để cho xả chất thải độc hại bừa bãi là một ví dụ điển hình.


Các thách thức đối với chính quyền 


Chính phủ Việt Nam trong kế hoạch dài hạn đã đưa vấn đề bảo vệ môi trường thành một trong các mục tiêu của chương trình cải cách cấu trúc, công bằng xã hội, và ổn định kinh tế vĩ mô.


Ông Xavier Depouilly là Tổng Giám đốc của công ty Indochina Research. Ông nói tình hình môi trường tệ hại hơn chỉ là một trong nhiều thách thức mà chính phủ Việt Nam phải đối mặt.


Ông nói:


“Cho tới bây giờ thì mọi sự còn tốt đẹp. Người dân có lương thực để ăn, có nước để uống. Nhưng các vấn đề khác, như nạn ô nhiễm đang làm cho người dân vô cùng giận dữ. Chính quyền Việt Nam cần phải cải thiện tình hình theo một mức độ nào đó.”


Mặc dù vậy, viễn tượng kinh tế của Việt Nam vẫn còn tích cực đối với giới đầu tư nước ngoài.


Các nhà kinh tế thuộc tập đoàn Capital Economics ở London ước lượng đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, vốn đã chậm lại đôi chút từ mức 6,7% trong năm 2015 xuống còn 6% trong năm nay, dự kiến sẽ tăng trở lại tới 7% trong năm tới.


Kinh tế gia Gareth Leather của Capital Economics nhận định, Việt Nam sẽ nhanh chóng chiếm lại vị thế là một trong các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực.


Chính phủ Việt Nam cho biết trong năm 2015, đầu tư trực tiếp vào Việt Nam tăng 12,5% lên tới 22,8 tỉ đôla. Trong những năm sắp tới, nhiều tiền đầu tư dự kiến sẽ đến từ Trung Quốc, giữa lúc các doanh nghiệp tìm kiếm những địa điểm rẻ hơn về chi phí điều hành trong bối cảnh chi phí làm ăn ở Trung Quốc đang ngày càng tăng cao. Các nước chủ yếu đầu tư vào Việt Nam gồm có Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Đài Loan. - VOA

|

|


10.

Tổng biên tập báo Infonet 'bị tạm đình chỉ'


Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Việt Nam ký quyết định tạm đình chỉ chức vụ tổng biên tập và phó tổng biên tập báo điện tử Infonet, cơ quan trực thuộc bộ này.


Hôm 19/10, Infonet loan báo trên website của họ: "Quyết định do ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông ký tạm đình chỉ chức vụ Tổng biên tập báo Infonet đối với ông Võ Đăng Thiên trong thời gian 15 ngày, để làm rõ trách nhiệm cá nhân của ông với những sai phạm của Infonet thời gian qua."


Báo này cũng dẫn một quyết định đình chỉ 15 ngày với Phó tổng biên tập Infonet Phạm Thanh và thông báo "Phó tổng biên tập Nguyễn Văn Bá, đảm nhận nhiệm vụ Phó tổng biên tập phụ trách báo Infonet trong thời gian 15 ngày."


Các quyết định trên có hiệu lực từ ngày 19/10.


Trang web Bộ Thông tin-Truyền thông Việt Nam cũng đưa tin này.


Các nguồn tin cho BBC biết hôm 18/10 Infonet phải gỡ bài viết có tựa "Chủ tịch Quốc hội: 'Tôi thất vọng khi đọc dự thảo luật Chính phủ trình'".


Bài báo tường thuật phiên họp cùng ngày của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh.


Trong bài có đề cập Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ sự không hài lòng về dự thảo luật.


Không rõ đây có phải là lý do kỷ luật các lãnh đạo của báo Infonet hay không.


Tin về phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn còn trên nhiều trang mạng chính thức khác.


Báo Sài Gòn Giải Phóng có bài, vẫn còn trên mạng của báo, dẫn lời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: "Đọc dự thảo luật Chính phủ trình tôi rất thất vọng, dù tôi ủng hộ sửa."


Tờ này viết: "Chủ tịch Quốc hội cho rằng, dự thảo chưa đưa ra được những điều khoản cần thiết phải sửa để tạo động lực cho doanh nghiệp kinh doanh, phát triển; chủ yếu là những quy định thủ tục hành chính, không nhất thiết phải sửa luật mới thực hiện được."


'Khó khăn của người làm báo'


Trong một bài viết nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6/2016 đăng trên Infonet, báo này cho hay Tổng Biên tập Võ Đăng Thiên nêu kiến nghị với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về "nỗi lo mất nhân lực và sự cạnh tranh không cân sức giữa các báo điện tử".


"Một trong những khó khăn, thách thức lớn nhất hiện nay đối với người làm báo, nhất là báo điện tử, là làm sao vừa thực hiện đúng chỉ đạo, pháp luật, định hướng của cơ quan chỉ đạo, định hướng báo chí, lại vừa thu hút được bạn đọc, hấp dẫn được bạn đọc," bài báo dẫn lời ông Thiên. 


"Vì nếu làm sai chỉ đạo sẽ bị xử lý, nhưng nếu không thuyết phục được bạn đọc thì không có nguồn thu. Đây thường xuyên là thách thức hàng ngày đối với chúng tôi".


Vụ việc tạm đình chỉ tổng biên tập báo Infonet xảy ra chỉ chưa đầy một tháng sau vụ báo điện tử Năng lượng mới (PetroTimes) bị đình bản ba tháng vì 'để xảy ra những sai phạm' và Tổng Biên tập Nguyễn Như Phong bị cách chức và thu thẻ nhà báo.


Một trong những lý do được công bố là PetroTimes đã có báo trích đăng lại từ báo hải ngoại về vụ án Trịnh Xuân Thanh, người đang bị Việt Nam truy nã.


Bài báo đăng trên trang PetroTimes ngày 30/9, ngay sau đó bị xóa, trích lại phỏng vấn với cây bút Bùi Thanh Hiếu từ Đức (còn được biết đến với bút danh Người Buôn Gió), người đã viết nhiều bài về ông Trịnh Xuân Thanh từ khi nhân vật này "mất tích".


Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn nói tờ PetroTimes có nhiều vi phạm và việc đăng bài phỏng vấn ông Trịnh Xuân Thanh chỉ là một trong số lý do. - BBC

|

|


11.

Luật sư kêu gọi ‘tứ trụ’ đập bỏ đập thủy điện nguy hại


Nhiều luật sư đã gửi đơn kiến nghị lên các quan chức cấp cao nhất của nhà nước, trong đó có ông Nguyễn Phú Trọng, kêu gọi “rà soát” các đập thủy điện, sau vụ một đập xả lũ, gây thiệt hại cho dân ở tỉnh Hà Tĩnh. 


Trong đơn gửi cho ‘tứ trụ’ gồm tổng bí thư, chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội và thủ tướng hôm 18/10, một nhóm luật sư viết: “Từ lâu nay mưa lũ là hiện tượng thiên tai bất thường, theo thời gian người dân đã tích lũy kinh nghiệm biết cách ứng phó với mưa lũ giúp giảm bớt hậu quả của thiên tai. Nhưng vài năm trở lại đây nhiều đập thủy điện được xây dựng đã góp phần làm tăng thêm hậu quả tai hại của mưa lũ. Đập thủy điện xả nước đã phá vỡ quy trình dòng chảy khiến người dân không thể ứng phó, gây thiệt hại tổn thất không biết bao nhiêu mà kể”.


Luật sư Ngô Ngọc Trai từ Hà Nội, một trong những người ký vào đơn, nói thêm với VOA Việt Ngữ về kiến nghị này: 


“Đứng trước sự kiện bão lũ, gây chết nhiều người và ngập chìm tài sản của người dân như thế thì tôi có định hình được rằng thủy điện Hố Hô nằm giáp ranh giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình, nó xả lũ như thế, nó là nguyên nhân gây ra tình trạng ngập lụt nghiêm trọng như vậy. Tôi cho rằng phải đập bỏ nó đi nên đã soạn một kiến nghị. 12 luật sư khác cùng với tôi là 13 người đã nhất trí với nội dung đó và gửi đi các cơ quan, đề nghị thanh tra, kiểm tra làm rõ xem có đúng là cái đập thủy điện này nó xả nước dẫn tới ngập chìm nhà cửa hay không, và nếu đúng như thế thì phải đập bỏ nó đi”. 


Trong đơn, các luật sư từ nhiều vùng của đất nước dẫn lời báo chí nói thêm về vụ "nhà máy thủy điện Hố Hô (giáp ranh giữa Quảng Bình và Hà Tĩnh) bất ngờ xả lũ ồ ạt hôm 14/10 khiến hàng nghìn hộ dân huyện Hương Khê ngập sâu trong biển nước". 


Các luật sư viết tiếp: “Như vậy là đã rõ, có yếu tố nhân tai trong tai họa này. Đập thủy điện xả nước là tác nhân góp phần làm trầm trọng thêm hậu quả mưa lũ làm chết nhiều người, nhấn chìm tài sản, hàng vạn hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chúng tôi cho rằng các đập thủy điện đem lại lợi ích không bõ cho cái thiệt hại gây ra. Mạng người là vô giá, không thể để mạng dân cứ chết vơi mỗi năm một ít như thế được, không thể để cơ nghiệp của dân tích cóp bao năm tiêu tán dần vì lũ. Việc này nếu không xử lý dứt điểm thì với lòng tham và sự thiếu trách nhiệm rồi sẽ lại có lũ khác và người chết khác”. 


Khi được hỏi là hy vọng chính quyền sẽ phản hồi như thế nào đối với đơn kiến nghị, luật sư Trai nói tiếp: 


“Đơn thư gửi đi rồi nhưng không thấy phản hồi gì cả. Có thể họ nắm được thông tin, họ cũng nắm được kiến nghị như thế và chính quyền, các ban ngành, người ta sẽ xử lý công việc theo phạm vi, trách nhiệm của người ta. Chứ còn người ta cũng không phản hồi cho mình”. 


Hôm 17/10, theo tờ Người Lao Động, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thanh tra việc vận hành xả lũ của các hồ chứa thủy điện vừa qua, trong đó có việc xả lũ của thủy điện Hố Hô và nếu sai, phải đền bù người dân. 


Tới ngày 19/10, tình trạng ngập lụt ở các tỉnh miền Trung Việt Nam đã làm ít nhất 35 người chết và hơn 100 nghìn ngôi nhà bị ngập trong nước, gây thiệt hại lớn về tài sản. - VOA

No comments:

Post a Comment