Saturday, October 1, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 1/10

Tin Thế Giới

1.
Syria: Aleppo bị không kích và bom thùng

Thành phố bị chia cắt Aleppo của Syria trải qua thêm một buổi sáng bị các cuộc không kích ác liệt vào ngày thứ Bảy, 01/10.

Tin cho hay bom thùng đánh trúng một bệnh viện vốn đã bị đánh bom từ trước trong tuần này.

Không lực Nga và Syria đã tấn công phần đông của thành phố nằm trong tay quân nổi dậy, gây phẫn nộ trong dư luận quốc tế trong lúc con số tử vong thường dân tăng vọt.

Các lực lượng của chính phủ đã bắt đầu một cuộc tấn công trên mặt đất nhắm vào quân nổ dậy hơn một tuần trước đây khi một thỏa thuận ngừng bắn sụp đổ.

Mỹ nói Nga đang đẩy quân nổi dậy ôn hòa vào tay của các chiến binh thánh chiến.

Aleppo, một thời là trung tâm thương mại và công nghiệp của Syria, đã gần như bị chia đôi kể từ năm 2012.

Liên Hiệp Quốc nói ít nhất 400 thường dân, trong đó có nhiều trẻ em, thiệt mạng bên trong thành phố trong tuần này do kết quả của các cuộc tấn công bởi các lực lượng của Nga và chính phủ Syria.

Tin cho hay pháo kích của phía quân nổi dậy cũng đã gây ra thương vong dân sự ở mạn đông.

Đánh bom bệnh viện

Một phát ngôn viên của tổ chức phi chính phủ, Hội y khoa Mỹ ở Syria, nói với hãng tin AFP hai bom thùng ném ra từ trực thăng đã đánh trúng một bệnh viện mà tổ chức này đang giúp đỡ.

"Cũng có tin bom chùm đã được sử dụng," người phát ngôn Adham Sahloul nói.

Bệnh viện M10 được cho là đã bị ngừng hoạt động sau khi bị tấn công dồn dập vào thứ Tư, nhưng một nguồn tin cho hay bệnh nhân vẫn đang được điều trị ở đó vào ngày thứ Bảy.

Quân đội Syria nói đã chiếm được mặt đất nhưng quân nổi dậy bác bỏ điều này.

"Họ đang bắn phá nặng nề thành phố cổ sau khi một nỗ lực tấn chiếm trên bộ đã thất bại," Abu Hamam, từ nhóm Failaq al-Sham, được hãng tin Reuters dẫn lời nói.

"Họ đã bị mất nhiều binh sỹ còn chúng tôi vẫn rất kiên định."

Tổ chức Quan sát Nhân quyền Syria, một nhóm giám sát đối lập có trụ sở tại Anh, cũng đưa tin diễn ra các cuộc tấn công bằng bom thùng và phi cơ phản lực của quân Chính phủ nhắm vào khu vực Ghouta nằm bên ngoài Damascus vào ngày thứ Bảy.

Khẩu chiến Nga - Mỹ

Trong lúc đó, Washington và Moscow vẫn tiếp tục chỉ trích lẫn nhau về Syria.

Mỹ bác bỏ cáo buộc của Nga nói rằng Mỹ bảo vệ một nhóm thánh chiến trong nỗ lực để lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng Mỹ đã không giữ lời hứa chia tách nhóm Jabhat Fateh al-Sham (từng biết dưới tên gọi mặt trận al-Nusra) khá mạnh, cũng như tách các nhóm quá khích khác ra khỏi các nhóm ‘phiến quân’ ôn hòa hơn.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nói các cáo buộc Nga là "vô lý".

Ông nói với các phóng viên rằng Mỹ đã không nhắm mục tiêu vào al-Nusra trong nhiều tháng vì họ "xen kẽ" với các nhóm chiến binh và thường dân khác.

Mỹ nói họ có thể sẽ hợp tác với Nga về hành động của mình ở Syria.

Ông Lavrov đưa ra lời bình luận nói rằng Mỹ đã không giữ lời hứa trong một cuộc phỏng vấn với Stephen Sackur trên kênh truyền hình BBC World News vào ngày đánh dấu lần đầu tiên Nga khởi sự chiến dịch không quân của nước này tại Syria.

"Họ [Mỹ] đã cam kết long trọng là có nghĩa vụ như một ưu tiên tách đối lập khỏi nhóm Nusra," ông nói.

"Mặc dù nhiều lần hứa hẹn và cam kết lặp đi lặp lại... họ vẫn không thể hoặc không sẵn sàng để làm điều này."

Ít nhất 250.000 người đã thiệt mạng ở Syria kể từ khi xung đột nổ ra từ tháng 3/2011 với tổ chức Quan sát nhân quyền Syria ước tính con số thực có thể lên tới khoảng 430.000 người.

Hơn 4,8 triệu người đã phải bỏ chạy ra nước ngoài và khoảng 6,5 triệu người khác phải dời nơi sinh sống ở trong đất nước, theo Liên Hiệp Quốc. - BBC
|
|

2.
Nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế

Đồng Nguyên của Trung Quốc từ ngày 1/10 năm nay sẽ chính thức trở thành tiền tệ dự trữ toàn cầu cùng với đôla Mỹ, đồng Euro, đồng Yen của Nhật, và đồng bảng Anh.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế sẽ đưa đồng Nguyên, còn gọi là đồng nhân dân tệ, vào ‘rổ tiền tệ’ làm nên quỹ dự trữ mà IMF dùng để giúp quản lý các vấn đề kinh tế.

Giới phân tích cho rằng Trung Quốc tìm cách có chân trong rổ tiền tệ này như một cách để thế giới công nhận vai trò ngày càng tăng của Bắc Kinh trong nền kinh tế toàn cầu, và quyết định đó đã được công bố gần một năm trước.

Các tiền tệ dự trữ phải được chuyển đổi tự do. Báo chí tài chính dẫn lời các chuyên gia nói người ta nghi rằng Trung Quốc can thiệp vào thị trường tiền tệ để quản lý giá trị trao đổi đồng Nguyên.

Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Jack Lew, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã có những thay đổi lớn trong cách giao dịch đồng Nguyên, nhưng cải cách kinh tế của Bắc Kinh vẫn còn nhiều điều cần phải làm.

Rổ tiền tệ sẽ bao gồm gần 11% đồng Nguyên của Trung Quốc và gần 42% đồng đôla Mỹ. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

3.
Quan hệ Mỹ-Philippines vẫn bền, nhưng “đáng lo ngại khi TT Phi tự ví với Hitler” --- Mỹ khẳng định tiếp tục chính sách xoay trục sang châu Á --- Singapore kêu gọi tìm biện pháp tránh va chạm tại Biển Đông

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nhận định những phát biểu của Tổng Thống Philippines Rodrigo Duterte, tự ví mình với lãnh tụ Đức Quốc xã Adolf Hitler là “vô cùng đáng quan ngại”.

Nói chuyện với các nhà báo ở Hawaii sau cuộc họp với các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN, ông Carter nói những phát biểu gần đây của Tổng Thống Philippines Rodrigo Duterte và những hành động bên trong nước này không được mang ra thảo luận trong cuộc gặp hôm thứ Sáu, cho nên ông chỉ nói lên quan điểm cá nhân của ông.

Hôm thứ Sáu, ông Duterte mang ông ra so sánh với lãnh tụ Đức Quốc xã, nói rằng “Hitler đã tàn sát 3 triệu người Do thái. Ở nước tôi có 3 triệu người nghiện ma tuý. Tôi sẽ vui vẻ tàn sát họ.”

Từ khi ông Duterte lên nắm quyền vào cuối tháng 6 cho tới nay, cảnh sát Philippines và những người tình nguyện, tự cho mình có trách nhiệm thực thi pháp luật, đã giết chết ít nhất 3000 người vì đã sử dụng hay bán ma tuý.

Phát biểu của ông đã bị các tổ chức Do thái ở Mỹ lên án là "không thích hợp" và "có tính cách xúc phạm".

Người phát ngôn của ông Duterte hôm nay đã bác bỏ mối liên kết với Hitler. Ông giải thích: “Chúng tôi không muốn xem thường những sự mất mát to lớn gây ra bởi cái chết của 6 triệu người Do thái trong cuộc Đại diệt chủng… Tổng thống Duterte nhắc tới vụ tàn sát này như một cách phản ứng gián tiếp việc ông bị miêu tả như một kẻ giết người hàng loạt, một kẻ như Hitler, là một cái nhãn mà ông bác bỏ.”

Trong một diễn biến khác, ông Carter hôm thứ Năm nói quan hệ quân sự giữa Mỹ và Philippines vẫn “bền chặt”, bất chấp tuyên bố của Tổng thống Philippines mới đây rằng các lực lượng đặc biệt của Mỹ trú đóng tại các căn cứ ở Philippines nên rút ra khỏi nơi này.

Bộ trưởng Carter nói ông đã có những cuộc trao đổi tích cực với Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lornzana về các hoạt động hỗn hợp. Ông nói đó là đề tài mà Mỹ sẽ tiếp tục bàn luận với chính phủ Philippines.

Cuộc họp quy tụ các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN ở Hawaii trong hai ngày thứ Năm và thứ Sáu vừa rồi đánh dấu lần đầu tiên ông Carter nói chuyện với người đồng cấp bên phía Philippines sau khi Tổng thống Duterte nói nước ông sẽ theo đuổi “một chính sách đối ngoại độc lập”, và nói thêm rằng “chừng nào mà chúng ta còn về phe Mỹ, chúng ta sẽ không bao giờ có hoà bình.”

Nhưng lời phát biểu đó của ông Duterte đã lập tức bị Bộ trưởng Quốc phòng Philippines lật ngược, theo ông Gregory Poling, Giám đốc Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS). Nói với VOA, ông Poling nói “Rõ ràng là các quan chức quân sự Philippines không đồng tình với Tổng thống Duterte.”

Các giới chức Mỹ nói với VOA rằng cho tới nay, vẫn chưa có bất cứ động thái nào để rút các lực lượng Mỹ ra khỏi các căn cứ ở miền Nam Philippines.

Ông Carter nói liên minh “Mỹ-Philippines” là một liên minh giữa “hai nước độc lập và mạnh mẽ” mà sự trường tồn “tuỳ thuộc vào việc cả hai quốc gia còn tiếp tục chia sẻ những quyền lợi chung.”

Một quan chức quốc phòng cấp cao nói quan hệ Mỹ-Philippines đã tồn tại bất chấp những thăng trầm trong hơn 60 năm qua.

Chính phủ Mỹ và Philippines đã lên kế hoạch để thực hiện một cuộc tập trận chung vào đầu tháng 10, nhưng các giới chức quốc phòng nói họ không mấy chắc chắn về việc liệu sẽ có thêm các cuộc diễn tập khác nữa trong tương lai hay không. - VOA

***
Hôm qua 30/09/2016, tại hội nghị các bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN – Mỹ ở Hawaii, bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ cam kết là chính sách "tái cân bằng" tại châu Á, do tổng thống Obama khởi xướng, vẫn tiếp tục cho dù nước Mỹ sẽ có một tổng thống mới vào tháng Giêng 2017.

Chính sách "tái cân bằng" hay "xoay trục" của nước Mỹ từ khu vực Trung Đông sang châu Á – Thái Bình Dương là một trụ cột trong chính sách đối ngoại của tổng thống Mỹ Barack Obama.

Theo AFP, trong bài diễn văn khai mạc hội nghị không chính thức với 10 đồng nhiệm ASEAN, người đứng đầu bộ Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter nhấn mạnh là Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cùng với các nước Đông Nam Á "thúc đẩy một mạng lưới an ninh châu Á-Thái Bình Dương, vừa dựa trên các nguyên tắc, vừa cởi mở".

Bên cạnh nguy cơ khủng bố với việc hàng trăm chiến binh thánh chiến Hồi Giáo trở về từ Syria hay Irak, lo ngại bất ổn định và nguy cơ xung đột bùng phát tại Biển Đông với tham vọng gia tăng của Trung Quốc là một mối quan tâm hàng đầu của nhiều nước trong khu vực. Trong những năm gần đây, việc Trung Quốc liên tục cải tạo nhiều thực thể địa lý mà nước này kiểm soát tại Biển Đông thành đảo nhân tạo, với một số công trình quân sự kiên cố, khiến các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế lo ngại.

Bộ trưởng Ashton Carter khẳng định, Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ tất cả các nước trong khu vực bảo đảm an ninh và an toàn cho các tuyến đường hàng hải Đông Nam Á. Ông cũng nhiều lần nhấn mạnh là quân đội Mỹ không công nhận các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục các hoạt động tuần tra trên biển và trên không tại khu vực này để khẳng định quyền tự do lưu thông.

Một quan chức quốc phòng Hoa Kỳ xin ẩn danh cho biết là Washington cần nắm lấy "rất nhiều cơ hội hợp tác" và chính quyền Obama muốn bảo đảm là Hoa Kỳ hiện diện "vững chắc" tại khu vực này, trước khi phó thác sứ mạng cho tân tổng thống kể từ tháng 1/2017.

Trong hội nghị tại Hawaii, bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ có các cuộc gặp riêng với từng đồng nhiệm Đông Nam Á.

Hội nghị bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN – Hoa Kỳ, được khởi sự từ năm 2014, là một sáng kiến quan trọng thể hiện quyết tâm xoay trục của Hoa Kỳ sang châu Á, đặc biệt là sang vùng Đông Nam Á. - RFI

***
Bên lề cuộc gặp của các bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ và các nước Đông Nam Á (ASEAN), tại Hawai, Hoa Kỳ, bộ trưởng Quốc Phòng Singapore, ngày hôm qua, 30/09/2016, đã kêu gọi các quốc gia cần có các biện pháp cụ thể để tránh xẩy ra các sự cố tại Biển Đông.

Theo AP, bộ trưởng Ng Eng Hen nói với báo giới rằng các sự cố va chạm trên biển không chỉ liên quan đến tàu chiến. Hơn nữa, hải quân của nhiều nước đã phối hợp thiết lập một quy trình tránh va chạm.

Thế nhưng, nguy cơ đụng độ, va cham giữa các tàu cá hoặc các tàu dân sự ngày càng tăng. Theo lãnh đạo quốc phòng Singapore, nước này không có tranh chấp về biển đảo, nhưng rất quan tâm đến vấn đề này vì Biển Đông là nơi có nhiều tuyến hàng hải thương mại quan trọng.

Bộ trưởng Quốc Phòng Singapore nhấn mạnh, các phán quyết của Tòa Án Trọng Tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc mang tính pháp lý nhưng trên thực tế, vẫn có những quan ngại thực sự. Ông nói: Đối với Singapore, một nước không có đòi hỏi lãnh thổ ở Biển Đông, cho dù có phán quyết hay không, thì lợi ích chính của nước này là bảo đảm an toàn và ổn định và cần phải có những cơ chế phòng ngừa va chạm, leo thang căng thẳng.

Abbott lo ngại nguy cơ xung đột Mỹ-Trung

Cựu thủ tướng Úc Tony Abbott cảnh báo nguy cơ xẩy ra đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc do căng thẳng ngày càng gia tăng tại Biển Đông.

Theo báo Daily Telegraph, phát biểu tại một diễn đàn ở New York vào tối thứ Năm 29/09/2016, ông Abbott cho rằng sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc tại Biển Đông hiện nay giống như tình hình trước khi xẩy ra đại chiến thế giới lần thứ nhất. "Một nền dân chủ tự do thống trị trên phạm vi thế giới bị thách thức bởi một một cường quốc chuyên quyền đang trỗi dậy và điều này đáng để suy ngẫm về sự tương đồng giữa Anh Quốc và Đức, cách nay một thế kỷ và Trung Quốc và Mỹ hiện nay".

Cựu thủ tướng Úc nhấn mạnh, "mối lo ngại ám ảnh mọi người vào lúc này là lịch sử có thể lập lại".
|
|

4.
Bầu cử tổng thống Mỹ: FBI lo ngại tin tặc gây rối

Liệu tin tặc có thể tác động đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 08/11/2016 hay không? Câu hỏi này đã được đặt ra từ nhiều tháng qua, và từ hôm qua, 30/09/2016, thì trở nên thực sự đáng lo ngại.

Bởi vì cơ quan phụ trách an ninh quốc nội Mỹ cho biết là hệ thống tin học của hơn 20 tiểu bang Mỹ là đối tượng tấn công của tin tặc. Trên nguyên tắc, tin tặc không thể tác động đến việc bỏ phiếu, do quy trình này không kết nối với mạng internet, nhưng nếu danh sách cử tri được quản lý qua các hệ thông tin học bị xáo trộn, thao túng thì sao?

Từ Washington, thông tín viên Grégoire Pourtier gửi về bài tường trình:

"Đã từ lâu, người ta biết là các tiểu bang Arizona và Illinois là đối tượng tấn công của tin tặc và trong tuần qua, lãnh đạo Cục điều tra liên bang FBI đã công khai bày tỏ mối lo ngại này.

Thế nhưng tình hình dường như còn tồi tệ hơn người ta tưởng: Thực vậy, trong những tháng qua, có hơn 20 tiểu bang, tức là gần một nửa tổng số tiểu bang của nước Mỹ, đã bị tin tắc nhắm tới.

Các quan chức Mỹ xin ẩn danh đã khẳng định thông tin này, nhưng không cho biết rõ nguồn gốc và động cơ của các vụ tin tặc tấn công. Các động thái đầy nghi ngờ trong hệ thống tin học này dường như là những cú thăm dò, nhằm trắc nghiệm khả năng bảo đảm an ninh mạng của hệ thống tổ chức bầu cử.

Trong trường hợp ở tiểu bang Arizona và Illinois, cũng như vụ tấn công nhắm vào đảng Dân Chủ của bà Hillary Clinton, các quan chức Mỹ đã tố cáo thủ phạm là các tin tặc người Nga.

Vậy liệu chính phủ Nga có đứng đằng sau các vụ tấn công này hay không? Và nếu đúng như vậy, thì phải chăng các hành động này sẽ có lợi cho ứng viên Donald Trump?

Ứng viên tổng thống của đảng Cộng Hòa đã nhiều lần tố cáo là cuộc bầu cử có thể bị thao túng bởi giới lãnh đạo chính trị Hoa Kỳ. Duy trì những căng thẳng và làm gia tăng những nghi ngờ về tính hợp lệ của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ: đó là mục tiêu đầu tiên của tin tặc". - RFI
|
|

Tin Việt Nam

5.
Việt Nam-Philippines lập đường dây nóng hợp tác Biển Đông

Việt Nam và Philippines sẽ lập đường dây nóng để tạo điều kiện hợp tác, bảo đảm an ninh hàng hải giữa các tranh chấp chủ quyền dai dẳng ở Biển Đông.

Hai nước cũng đồng ý thực thi các biện pháp bảo vệ ngư dân và giải quyết tranh chấp ôn hòa.

Siết chặt hợp tác hàng hải nằm trong số các vấn đề chính mà hai bên nhất trí trong cuộc gặp giữa Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte, và Chủ tịch nước Việt Nam, Trần Đại Quang, nhân chuyến thăm của ông Duterte trong hai ngày 28 và 29/9.

Hai nhà lãnh đạo đã có cuộc họp kín hôm 29/9 để bàn về các biện pháp tăng cường đối tác chiến lược.

Truyền thông Phillipines dẫn thông cáo chung cho biết hai bên đồng ý ‘tăng cường các cơ chế hợp tác hàng hải hiện nay như cơ chế liên lạc qua đường dây nóng giữa lực lượng tuần tra đôi bên, cũng như thông qua các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho ngư dân hai nước và giải quyết các sự cố ngoài ý muốn trên biển một cách ôn hòa.’ - VOA
|
|

6.
Đưa sáu vụ đại án tham nhũng ra xét xử trong những tháng cuối năm 2016 [LMN: phe Nguyễn Phú Trọng đang dùng việc chống tham nhũng để cũng cố quyền lực, ngồi đủ 5 năm TBT và dựng người của ông sau đó]

Ngày 1/10, tại Hà Nội, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư-Trưởng Ban Chỉ đạo Nguyễn Phú Trọng để thảo luận, cho ý kiến về kết quả thực hiện Kết luận Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo ngày 18/4 và một số nhiệm vụ trọng tâm về công tác phòng, chống tham nhũng thời gian tới.

Phát biểu kết luận Cuộc họp, Tổng Bí thư-Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh: 

1. Từ sau Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo đến nay, nhiều nội dung quan trọng về phòng, chống tham nhũng được các cơ quan chức năng tích cực, khẩn trương thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, như bổ sung một số nội dung trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng để phòng, chống tham nhũng; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và cấp tỉnh trong điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm các vụ án tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo và Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc; nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán, thanh tra; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát phòng ngừa tham nhũng trong các cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra; đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp...

2. Thường trực Ban Chỉ đạo biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp chặt chẽ, tích cực, khẩn trương đưa vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 1 ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật. Nhất là, Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm đã khởi tố ba vụ án hình sự, kiến nghị điều tra làm rõ 10 nhóm hành vi của những người liên quan; đã quyết định tịch thu 6.577 tỷ đồng (đạt 72% số tiền thiệt hại), là số tiền đặc biệt lớn. 

3. Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Với quyết tâm chính trị cao, các cơ quan chức năng cần tích cực, chủ động, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền theo quy định của pháp luật; chú trọng nâng cao chất lượng công tác điều tra, giám định; chú ý phân loại để xử lý nghiêm đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội, cố ý gây hậu quả nghiêm trọng; khoan hồng đối với người thành khẩn khai báo, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra...; chú trọng các biện pháp để thu hồi tài sản tham nhũng; khẩn trương xét xử phúc thẩm các vụ án có kháng cáo, kháng nghị và điều tra, xử lý các kiến nghị của Hội đồng xét xử theo đúng quy định của pháp luật. 

4. Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất chủ trương đưa sáu vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp ra xét xử sơ thẩm từ nay đến cuối năm 2016 và trong quý 1/2017, gồm: (1) Vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty In, Thương mại và Dịch vụ Agribank; (2) vụ án “Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Tổng Công ty Xây dựng đường thủy Việt Nam; (3) vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Cổ phần Dệt Quế Võ và Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển Bắc Ninh; (4) vụ án “Tham ô tài sản; Rửa tiền” xảy ra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vận tải Viễn dương Vinashin; (5) vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Cho vay lãi nặng” xảy ra tại Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, Ngân hàng Công thương Việt Nam Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh (Phần nội dung bị tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao hủy để điều tra lại về hành vi chiếm đoạt 1.085 tỷ của năm công ty); (6) vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương. Đồng thời, khẩn trương đưa ra xét xử phúc thẩm sáu vụ án có kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật. 

Giao Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo theo dõi, đôn đốc, báo cáo Thường trực Ban Chỉ đạo tiến độ, kết quả thực hiện./. - vietnamplus

No comments:

Post a Comment