Monday, October 17, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Hai 17/10

Tin Thế Giới


1.

Tổng thống Philippines ca ngợi quan hệ với Bắc Kinh --- Philippines có kế hoạch tập trận chung với Nga và Trung Quốc


Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tiết lộ ông ngoại ông là người Hoa và nói "chỉ có Trung Quốc mới giúp chúng tôi".


Những chi tiết nói trên được nêu ra trong cuộc phỏng vấn độc quyền của ông Duterte dành cho Tân Hoa Xã, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc, trước thềm chuyến thăm chính thức nước này (18-21/10).


Quan hệ giữa hai nước Philippines và Trung Quốc được ông tổng thống mô tả là "láng giềng hữu nghị", và ông hết lời ca ngợi Trung Quốc.


Theo ông Duterte, người dân Trung Hoa cần cù và chính phủ thì sáng suốt. 


"Trung Quốc đã giành được sự kính trọng của cộng đồng quốc tế một cách hết sức xứng đáng."


Ông Rodrigo Duterte nói Trung Quốc "là nước lớn, hào phóng", trong khi thực hiện công cuộc phát triển của mình không quên giúp đỡ các nước nghèo và lạc hậu như ở châu Phi và Đông Nam Á. 


Ông nói Philippines cần giữ quan hệ thân thiết và học hỏi kinh nghiệm thành công của Trung Quốc, nhất là khi toàn cầu khủng hoảng nhưng kinh tế và thương mại của Trung Quốc vẫn phát triển tốt đẹp.


Đàm phán Biển Đông


Đề cập tới chủ đề Biển Đông, ông Duterte nói lập trường của Manila là đàm phán thay vì đối đầu.


"Chiến tranh không phải là giải pháp."


Ông nhấn mạnh cần thảo luận nhiều hơn trên tinh thần hữu nghị, hợp tác kinh tế thương mại và nói ông sẵn sàng cộng tác với Trung Quốc để phát triển vùng biển mà Manila gọi là Biển Tây Philippines.


Tổng thống Duterte cũng nói rõ rằng ông phản đối sự can thiệp của các nước khác vào Biển Đông:


"Tôi không muốn các nước khác tham gia vào đàm phán mà chỉ muốn nói chuyện trực tiếp với Trung Quốc."


Không rõ ông tổng thống nói tới tranh chấp Biển Đông nói chung hay chỉ những vùng Manila tranh chấp với Bắc Kinh.


'Chỉ có Trung Quốc giúp'


Tổng thống Duterte cảm ơn Trung Quốc về sự trợ giúp dành cho Philippines trong chiến dịch bài trừ ma túy mà ông khởi xướng.


Hoa Kỳ và các nước phương Tây đã chỉ trích Duterte vì thanh trừng các nghi phạm ma túy mà không qua tiến trình luật pháp. Tới nay đã hàng nghìn người bị hạ sát kiểu này.


Rodrigo Duterte nói không như các nước phương Tây, Trung Quốc "không chỉ ủng hộ chính sách chống ma túy của Philippines mà còn hỗ trợ một cách thiết thực thông qua việc giúp xây dựng trung tâm cai nghiện".


"Một số nước chỉ biết chỉ trích chúng tôi vì biết là chúng tôi không có tiền nên không muốn giúp chúng tôi. Người Trung Quốc thì khác, họ lẳng lặng giúp xây dựng trung tâm cai nghiện một cách chân thành."


Trong chuyến đi lần này, ông Duterte nói ông sẽ yêu cầu Trung Quốc cho vay ưu đãi để phát triển hạ tầng, nhất là đường sắt.


Hiện tại có khoảng 200 triệu người gốc Hoa đang sinh sống ở Philippines, và ông Duterte nói rằng "Trung Quốc giúp Philippines cũng là giúp anh em người Hoa của mình". - BBC


***

Vài giờ trước khi chính thức công du Trung Quốc, tổng thống Philippines Rodirgo Duterte tuyên bố sẽ ngưng tập trận với Mỹ, nhưng sẽ cùng với Trung Quốc và Nga thao diễn quân sự. Ông Duterte quan niệm, trong cuộc chiến chống khủng bố, Manila cần được Bắc Kinh hỗ trợ.


Trả lời đài truyền hình Phượng Hoàng của Hồng Kông ngày 17/10/2016, ông Duterte nhấn mạnh: cuộc tập trận vừa kết thúc tuần qua với Mỹ là "lần cuối cùng" do ông không muốn quân đội Philippines bị "làm nhục". Ông Duterte không đi sâu vào chi tiết trong quyết định ngưng tập trận chung với Hoa Kỳ, đồng minh truyền thống của Philippines.


Kể từ ngày mai, tổng thống Duterte chính thức công du Trung Quốc trong bốn ngày. Sau phán quyết hồi tháng 7/2016 của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye bất lợi cho Trung Quốc về Biển Đông, lãnh đạo Philippines nhấn mạnh mong muốn cải thiện quan hệ với Bắc Kinh.


Về mặt quân sự, ông Duterte chủ trương trông cậy vào vũ khí của Nga và Trung Quốc. Trả lời đài truyền hình Hồng Kông, tổng thống Philippines quan niệm Hải quân nước này cần được trang bị loại tàu nhỏ của Trung Quốc để chống lại "quân khủng bố" và Manila cần được Bắc Kinh hỗ trợ trong công cuộc bài trừ khủng bố: "Không được Trung Quốc ủng hộ, Philippines sẽ khó hoàn thành mục tiêu đó".


Theo giới quan sát, tại Bắc Kinh lần này, lãnh đạo Philippines sẽ tránh đề cập tới hồ sơ Biển Đông, trọng tâm chuyến công du Trung Quốc đầu tiên của ông Duterte sẽ được dành cho vế kinh tế và thương mại. Bằng chứng rõ rệt nhất là ông dẫn dầu một phái đoàn cả trăm doanh nhân Philippines đến Bắc Kinh. - RFI

|

|


2.

Tàu vũ trụ Thần Châu 11 được phóng lên không trung


Trung Quốc vừa phóng hai phi hành gia vào quỹ đạo trong một dự án phát triển khả năng khám phá không gian của nước này. 


Phi hành gia cất cánh từ Trung tâm Phóng vệ Tinh Tửu Tuyền ở miền bắc Trung Quốc. 


Họ sẽ kết nối với phòng thí nghiệm không gian Thiên Cung 2 và sống 30 ngày trên trạm, đây là thời gian ở trong không gian lâu nhất với phi hành gia Trung Quốc.


Đợt phóng này và trước đó được xem là chỉ dấu cho thấy những nhiệm vụ có phi hành gia có thể được đưa tới Mặt Trăng hoặc Sao Hỏa. 


Trạm không gian Thiên Cung 1 vừa ngừng hoạt động đầu năm nay sau khi đón ba đợt tàu vũ trụ. 


Các phi hành gia trong phi vụ không gian lần này là Cảnh Hải Bằng, 49 tuổi, đã từng du hành vũ trụ hai lần; và phi hành gia 37 tuổi Trần Đông.


Phóng viên Stephen McDonell của BBC News ở Tửu Tuyền mô tả: "Từ một trạm phóng tàu vũ trụ ở vùng Nội Mông, tôi đang theo dõi một hoả tiễn bay xé qua bầu trời. Nó sẽ mang theo các phi hành gia bay hai ngày để tới phòng thí nghiệm trong quỹ đạo, nơi họ sẽ sống ở đó một tháng." 


"Khi lên tàu, hai phi hành gia sẽ tiến hành những thí nghiệm như trồng cây trong không gian. Họ cũng sẽ sử dụng các thiết bị sóng siêu âm để kiểm tra cơ thể của chính họ." 


"Nhiệm vụ đem lại nhiều sự tự hào dân tộc. Phần nhiều vì lý do đó mà truyền thông quốc tế được phép đến căn cứ quân sự này để quan sát vụ phóng," Stephen McDonell của BBC nói. 


Tàu Vũ trụ Thần Châu 11, cất cánh từ 07:30 giờ địa phương hôm thứ Hai (06:30 sáng giờ Việt Nam), sử dụng tên lửa đẩy Trường Chinh-2F. 


Các phi hành gia sẽ ở trên trạm Thiên Cung 2 trong tháng tới và tiến hành các thí nghiệm.


Trong một thông cáo chúc mừng các phi hành gia được truyền thông Trung Quốc đưa tin, Chủ tịch Tập Cận Bình nói ông hi vọng họ "mạnh mẽ nâng cao tinh thần du hành vũ trụ". 


Ông cũng nói nhiệm vụ sẽ "đưa Trung Quốc tiến những bước dài và xa hơn trong việc khám phá không gian, và có những đóng góp mới trong việc xây dựng Trung Quốc thành một cường quốc không gian." 


Trung Quốc đã dành nhiều chi tiêu và nỗ lực vào chương trình không gian, và dự định sẽ thực hiện ít nhất 20 đợt phóng tàu vũ trụ nữa trong năm nay.


Đây chỉ là quốc gia thứ ba, sau Nga và Hoa Kỳ, tự đưa người lên vũ trụ. Năm 2013, Trung Quốc đã đáp thành công tàu Yutu (Thỏ Ngọc) không người lái, xuống Mặt Trăng. 


Trung Quốc không được tiếp cận Trạm Không gian Quốc tế vì có lo ngại với tính chất quân sự trong các tham vọng không gian của nước này. 


Trung Quốc từ đó đã bắt tay vào kết hoạch tự xây dựng trạm không gian riêng, mở rộng trạm Thiên Cung 2 trong vài năm qua với một số module được phóng lên. Trạm không gian này được kỳ vọng sẽ đi vào hoạt động toàn phần từ năm 2022. 


Các nhà chức trách Trung Quốc nói vào tháng trước, tàu Thiên Cung 1, sẽ quay trở về và rơi xuống Trái Đất năm 2017. - BBC

|

|


3.

Kinh tế Anh 'đối diện yếu kém kéo dài'


Kinh tế Anh đối diện tăng trưởng yếu kéo dài trong bối cảnh người tiêu dùng giảm chi tiêu và doanh nghiệp hạn chế đầu tư, theo một báo cáo từ viện nghiên cứu EY Item Club.


Mặc dù dự đoán kinh tế Anh tăng trưởng 1,9% vào năm nay, viện này dự đoán rằng kết quả này sẽ chẳng có mấy ý nghĩa vì lạm phát tăng.


Sự ổn định của nên kinh tế kể từ lá phiếu Brexit hồi tháng Sáu là "giả tạo", EY nói.


Trong khi đó, một quan chức cao cấp của Ngân hàng Trung ương Anh nói với BBC rằng lạm phát có thể vượt chỉ tiêu 2%.


Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Ben Broadbent nói với Radio 5 của BBC rằng đồng bảng yếu sẽ đẩy lạm phát tăng nhưng nếu dùng chính sách tiền tệ chặt hơn để khống chế giá cả thì có thể làm ảnh hưởng tới tăng trưởng và việc làm.


Thực trạng khó khăn này được nói rõ trong báo cáo của viện nghiên cứu Item Club.


Báo cáo này dự báo lạm phát sẽ tăng tới 2.6% vào năm sau trước khi giảm xuống 1.8% vào năm 2018. Điều đó khiến người tiêu dùng bớt mua sắm từ mức 2.5% theo dự kiến vào năm nay xuống còn 0.5% vào năm 2017 và 0.9% vào năm 2018, báo cáo này nêu rõ.


Đầu tư từ doanh nghiệp cũng được dự báo sẽ giảm do bất an đối với quan hệ mậu dịch của Anh với EU, giảm 1.5% trong năm nay và hơn 2% trong năm 2017. 


Báo cáo dự đoán rằng ảnh hưởng của việc người tiêu dùng bớt mua sắm và giảm đầu tư sẽ làm GDP của Anh giảm 0.8% tăng trưởng vào năm sau, trước khi tăng 1.4% vào năm 2018. - BBC

|

|


4.

Ông Putin bác cáo buộc tấn công mạng của Mỹ


Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bác bỏ cáo buộc mới nhất của Hoa Kỳ cho rằng điện Kremlin đã chỉ đạo các cuộc tấn công mạng chống Washington, cũng như đùa cợt về các mối đe dọa Hoa Kỳ nhằm trả đũa cho bất kỳ nỗ lực nào của Nga trong việc can thiệp vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ sắp tới.


Hôm Chủ nhật, tại cuộc họp báo tại Ấn Độ được truyền hình, ông Putin gọi những cáo buộc tấn công mạng là một nỗ lực để đánh lạc hướng người Mỹ khỏi “rất nhiều vấn đề” mà đất nước họ đang phải đối mặt.


Phát biểu của ông Putin được đưa ra chưa đầy hai ngày sau khi Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cảnh báo “chúng tôi đang gửi thông điệp” tới ông Putin. Ông nói với kênh tin tức NBC hôm thứ Sáu rằng sự trả đũa của Hoa Kỳ đối với các cuộc tấn công mạng của Nga “sẽ xảy ra vào thời điểm chúng tôi lựa chọn, và trong điều kiện có ảnh hưởng lớn nhất”.


Trong khi đó, ông Putin nói hôm Chủ nhật: “Hãy nhớ là những người bạn Mỹ của chúng ta có thể làm bất cứ chiêu trò gì”. Ông cũng tuyên bố là mọi người đều đã biết là “các cơ quan chính thức ở Hoa Kỳ đang do thám và nghe lén tất cả mọi người”.


Những phát biểu mới nhất của ông Putin đưa ra theo sau một tuyên bố chung của Hoa Kỳ hôm 7 tháng 10, trong đó giám đốc Tình báo Quốc gia và người đứng đầu Cơ quan An ninh Nội địa chính thức cáo buộc Moscow đã hack vào các tổ chức chính trị của Hoa Kỳ.


Cáo buộc dẫn chứng việc xâm nhập vào các tài khoản email nội bộ của Ủy ban Toàn quốc đảng Dân chủ, và tiếp tục cáo buộc Moscow chủ xướng việc phát tán các thông tin thông qua WikiLeaks.


Hôm Chủ nhật, ông Putin nói: “Tôi muốn trấn an mọi người, bao gồm cả các đối tác và bạn bè Mỹ của chúng tôi rằng chúng tôi không có ý định gây ảnh hưởng đến chiến dịch tranh cử của Hoa Kỳ”.


Điện Kremlin lần đầu tiên bị cho là có dính líu đến việc tấn công mạng chính trị của Mỹ vào tháng Bảy, sau khi các nhân viên chiến dịch tranh cử của ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton cáo buộc Moscow đã hack các email của Ủy ban Toàn quốc đảng Dân chủ.


Nhiều nhà phân tích và chuyên gia phương Tây lâu nay nói rằng điện Kremlin ủng hộ ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump trong cuộc bầu cử tháng 11, và chỉ ra những phát biểu lặp đi lặp lại của Trump ca ngợi ông Putin và kêu gọi quan hệ song phương chặt chẽ hơn. - VOA

|

|


5.

Trận chiến Mosul: Quân Iraq và người Kurd chiếm ưu thế


Các lực lượng thân chính phủ ở Iraq đã bước đầu giành ưu thế trong chiến dịch diện rộng nhằm lấy lại Mosul, thành trì chính cuối cùng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở đất nước này.


Quân của chính phủ Iraq và các chiến binh người Kurd thực hiện đợt tiến đánh đầu tiên về phía thành phố vào sáng sớm ngày thứ Hai 17/10.


IS chiếm giữ được Mosul trong một chiến dịch chớp nhoáng hồi tháng 6/2014.


Cuộc tranh đấu sẽ đầy khó khăn và có thể kéo dài hàng tháng, theo các phóng viên. Liên Hiệp Quốc cũng đã bày tỏ lo ngại đối với dân thường.


Orla Guerin, phóng viên của BBC đang có mặt cùng đơn vị xe tăng của người Kurd từ phía Đông, cho biết nay họ chỉ còn cách các vị trí của IS khoảng 300 mét.


Trong vài giờ giao tranh đầu tiên, quân người Kurd đã lấy lại được một số ngôi làng.


Khi chiến dịch bắt đầu, một tướng người Kurd nói với phóng viên Guerin: "Nếu hôm nay tôi chết, tôi sẽ chết trong hạnh phúc vì tôi đã làm được điều gì đó cho người dân mình."


Trong khi đó, các lực lượng thân chính quyền cũng giành ưu thế khi tiến vào Mosul từ phía Nam, theo các nguồn tin an ninh.


Lực lượng này hoạt động từ căn cứ không quân Qayyarah - được giành lại từ tháng Tám.


Liên minh do Hoa Kỳ dẫn dắt cũng hỗ trợ bằng các đợt không kích.


Mosul là phòng tuyến chính cuối cùng của tổ chức IS tại Iraq. Việc mất thành phố có thể đánh dấu sự thất bại triệt để tổ chức IS ở nước này, các quan chức cho biết. 


Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter mô tả chiến dịch là "thời khắc quyết định trong chiến dịch đưa ISIL đến sự thất bại cuối cùng," ông sử dụng cụm từ ISIL để gọi tổ chức IS. 


Những ai tham chiến?


Khoảng 30.000 quân thân chính phủ tham gia chiến dịch này. Quân đội Iraq dẫn dắt đợt tấn công chính.


Trong lúc đó, khoảng 4.000 chiến binh người Kurd cố gắng di tản các ngôi làng phía Đông Mosul để quân đội có thể tiến vào.


Nhân sự Chiến dịch Đặc biệt của Hoa Kỳ cũng đang tư vấn cho các lực lượng mặt đất. Lực lượng chống khủng bố tinh nhuệ của Iraq dự kiến sẽ tham gia trong những ngày tới.


Ước tính phía IS có từ 4.000 - 8.000 chiến binh đang phòng thủ quanh thành phố.


Vì sao Mosul quan trọng?


Mosul, thủ đô giàu dầu mỏ của tỉnh Nineveh, là thành phố lớn thứ hai của Iraq, bị dân quân IS chiếm từ tháng Sáu 2014.


Điều này trở thành biểu tượng cho sự trỗi dậy của nhóm như một lực lượng quan trọng và có khả năng kiểm soát lãnh thổ. Cũng chính nơi này lãnh đạo IS Abu Bakr al-Baghdadi tuyên bố là "vương quốc Hồi giáo" (caliphate) ở một số vùng thuộc Iraq và quốc gia Syria láng giềng.


Đây là một trong những thành phố đa dạng nhất của Iraq, gồm tộc người Sunni Ả Rập, người Kurd, Assyrian và người Turkmen, cũng như các dân tộc tôn giáo thiểu số khác.


Trong khi đa số thành viên của những dân tộc thiểu số này đã trốn khỏi IS, nhiều người Sunni Ả Rập ban đầu chào đón IS vì giận giữ trước các chính sách tôn giáo do chính quyền Shia Ả Rập dẫn dắt trước đó.


Nhưng sau hai năm dưới sự trị vì tàn bạo của IS, sự đối lập ngày càng lớn mạnh bên trong Mosul. 


Lo ngại lớn nhất của những người còn ở lại thành phố là sự tham gia của dân quân Shia trong chiến dịch, sau khi họ bị cáo buộc lạm dụng giáo phái ở các thành phố khác đã chiếm lại được.


Thủ tướng Haider al-Abadi tìm cách trấn an người dân với tuyên bố chỉ có lực lượng an ninh của Iraq được phép vào Mosul.


Nhưng ngay cả khi IS bị đánh đuổi khỏi Mosul, nhóm này vẫn kiểm soát các khu vực ở phía Bắc và Đông Iraq. - BBC

|

|


Tin Hoa Kỳ


6.

Tranh cử ở Mỹ làm các đối tác Châu Á-Thái Bình Dương ngờ vực


Sự khoa trương trong chiến dịch tranh cử tổng thống của Mỹ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo ở khu vực châu Á Thái Bình Dương và gây nên những nghi ngờ về tương lai của Mỹ trong một khu vực được coi là trọng yếu đối với sự thịnh vượng và an ninh tương lai của Hoa Kỳ.


Tính chất cay độc, phô phương và moi móc riêng tư trong quá trình vận động bầu cử năm nay đã làm cho nhiều nước trong khu vực nghi ngờ về khả năng của Mỹ có thể theo đuổi những hứa hẹn trong việc gắn kết sâu hơn với khu vực châu Á Thái Bình Dương.


Jonathan Pollack là nhà nghiên cứu về Đông Á của Viện Nghiên Cứu Brookings ở Washington. Ông nói:


"Nó thực sự khiến cho các nước trong khu vực nghi ngờ về khả năng trụ vững của những cam kết của Mỹ và sự bền vững của nền dân chủ của chúng ta."


Cả cựu tổng thống George W. Bush và tổng thống đương nhiệm Barack Obama đã nỗ lực để mở ra những kênh ngoại giao, an ninh và kinh tế nhằm khẳng định nước Mỹ là một nhà lãnh đạo ở châu Á Thái Bình Dương, và các chuyên gia cho rằng sự lãnh đạo tiếp tục của Mỹ sẽ giúp cản trở thế lực và sự ảnh hưởng đang lên của Trung Quốc.


Vào lúc mà các khu vực khác như Trung Đông đang thu hút rất nhiều sự chú ý và nguồn lực của Mỹ, thì Hoa Kỳ cũng đã tìm cách xâm nhập vào tiềm năng kinh tế năng động của các quốc gia châu Á Thái Bình Dương và thiết lập một trật tự để làm giảm nhẹ những mối nguy an ninh hiện tại và sắp tới.


Bắc Triều Tiên đã đẩy mạnh các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa ở bán đảo Triều Tiên; các căng thẳng đã tăng cao về những tuyên bố chủ quyền và những hành động hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông. Và tổng thống mới của đồng minh lâu năm Philippines của Mỹ đã tìm cách tách ra khỏi cái bóng của Mỹ.


Ông Duterte nói: "Tôi sẽ từ bỏ Mỹ. Tôi sẽ đến với Nga và Trung Quốc."


Tuy nhiên, những tuyên bố của các ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump và đảng Dân chủ Hillary Clinton đã làm xói mòn những hy vọng cho một vai trò lớn hơn của Mỹ trong khu vực.


Có một “sự lo sợ và sự ghê tởm” ở châu Á Thái Bình Dương về khả năng ông Donald Trump trở thành tổng thống, theo nhà nghiên cứu Robert Manning của Trung tâm Nghiên cứu An ninh Quốc tế Brent Scowcroft của Viện Atlantic ở Washington. Ông Manning cho rằng cảm giác đó có ở khu vực này thậm chí ngay cả khi “không có đủ sự gắn kết với các lời bình phẩm của ông Trump” để có thể phân biệt được chính sách ngoại giao của ông ta.


Trong một bài phát biểu trong chiến dịch tranh cử của mình ở Iowa vào tháng 8 vừa qua, ông Trump biểu lộ sự thất vọng đối với Nhật, một đồng minh thân cận nhất của Mỹ:


"Nếu Nhật Bản bị tấn công, chúng ta có thể phải tham gia Chiến tranh Thế giới Thứ 3, phải không? Nếu chúng ta bị tấn công, Nhật có thể sẽ chẳng phải làm gì cả. Họ có thể ngồi ở nhà và xem TV Sony, đúng không?"


Trong khi bà Clinton được kỳ vọng sẽ tiếp tục chiến lược tái cân bằng hướng về châu Á của tổng thống Obama thì bà lại dứt khoát bác bỏ nền tảng kinh tế quan trọng của nó là hiệp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương. Theo các chuyên gia, nếu không có một cam kết về kinh tế trong khu vực như TPP thì uy tín của Mỹ sẽ mất.


Thương mại là một vấn đề then chốt trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ với nhiều người Mỹ từ cả 2 đảng đổ lỗi cho những hiệp định thương mại như về sự mất đi công ăn việc làm trong nước.


Dù trước đây bà Clinton từng ủng hộ TPP nhưng cách đây 2 tháng, bà đã thay đổi quan điểm trong 1 bài phát biểu về kinh tế tại tại Michigan:


"Tôi phản đối (hiệp định này). Tôi sẽ phản đối nó ngay cả sau cuộc bầu cử và tôi sẽ phản đối nó nếu tôi trở thành tổng thống."


Ông Trump cũng kịch liệt tấn công hiệp định thương mại này vì cho rằng nó cướp đi việc làm của người dân Mỹ.


TPP được 12 nước thành viên trong vành đai Thái Bình Dương ký kết và sẽ phải được từng quốc hội thành viên phê chuẩn. Nhưng hiệp định này đang đối mặt với sự chống đối ghê gớm từ các nhà lập pháp của cả 2 đảng chính ở Mỹ.


Nhưng theo nhà nghiên cứu Jonathan Pollack của viện Brookings, bà Clinton đã dịu giọng hơn. Ông nói:


"Tôi nghĩ rằng trong một vài tuyên bố gần đây, bà Clinton dường như đang tìm cách tạo ra những khoảng trống linh hoạt hơn."


Trợ lý bộ trưởng ngoại giao phụ trách các vấn đề về Đông Á và Thái Bình Dương dưới thời bà Clinton, ông Kurt Campbell, cũng nhận xét tương tự về quan điểm của bà Clinton. Ông nói trong một cuộc thảo luận tại Viện Kinh tế Triều Tiên ở Washington:


"Ngoại trưởng Clinton đã rành mạch về việc bà không thể chấp nhận hiệp định thương mại TPP khi nó đang được thương thảo. Mặc dù vậy cùng lúc đó, bà cũng công nhận rằng một số hình thức liên kết kinh tế cần phải được tiến tới."


Về mặt an ninh, ông Trump đã làm các nước đồng minh phải cảnh giác bởi tuyên bố rằng ông có thể rũ bỏ nhiệm vụ trong một hiệp ước để bảo vệ họ trừ phi họ đóng góp nhiều hơn vào liên minh NATO.


Ông Janathan Pollack của viện Brookings nhận xét rằng “có một mối lo ngại sâu sắc về cái mà một nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump sẽ để lại.”


Nhà nghiên cứu Robert Manning của viện Atlantic cũng cho rằng ông Trump về cơ bản là không hiểu gì về các đồng minh của Mỹ và có cho rằng các nước đồng minh phải trả tiền cho Mỹ để được bảo vệ.


Mỹ cần phải có các đồng minh ở châu Á Thái Bình Dương để duy trì một sự hiện diện an ninh để chống lại những mối nguy tiềm ẩn từ các quốc gia như Bắc Triều Tiên và Trung Quốc. Nhật chi trả 1,6 tỷ đô la hàng năng cho sự hỗ trợ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản và Nam Triều Tiên trả gần 1 tỷ đô la mỗi năm.


Trong khi đó chiến dịch của ông Trump đã tìm cách làm giảm nhẹ các bình luận của ông. Cố vấn của ông Trump, Peter Hoekstra, là một cựu thành viên quốc hội. Ông nói:


"Đã đến lúc quay trở lại và bắt đầu từ xuất phát điểm và làm một sự đánh giá đầy đủ của cái mà chiến lược của chúng ta cần để đối mặt với những thách thức. Nó không có nghĩa là đi từ xuất phát điểm và thách thức mối quan hệ hoặc tình hữu nghị mà chúng ta có ở châu Á."


Về việc giải quyết mối nguy hạt nhân của Bắc Triều Tiên, người cố vấn của ông Trump nói mọi khả năng đều mở ngỏ và kêu gọi đánh giá lại chính sách của Mỹ đối với Bắc Triều Tiên.


Cả cố vấn của bà Clinton, ông Kurt Campbell, và của ông Trump, ông Hoekstra, đều dự đoán những căng thẳng tiếp diễn giữa Mỹ và Trung Quốc.


Dù ai sẽ là tổng thống kế tiếp của Mỹ, thì theo nhà nghiên cứu Jonathan Pollack của viện Brookings, sự gắn kết của Mỹ cần phải được đẩy mạnh hơn ở khu vực châu Á Thái Bình Dương trong bối cảnh tầm quan trọng về kinh tế, an ninh và ngoại giao của khu vực này trên thế giới. - VOA

|

|


Tin Việt Nam


7.

Tiến sỹ môi trường: Thủy điện Hố Hô có trách nhiệm lớn --- 25 người chết, 4 người mất tích vì lũ lụt ở miền Trung


Dư luận Việt Nam đang phẫn nộ sau khi có những cáo buộc cho rằng một nhà máy thủy điện ở tỉnh Hà Tĩnh đã xả nước bất hợp lý gây thiệt hại to lớn cho người dân ở cuối nguồn.


Theo báo chí trong nước, Nhà máy thủy điện Hố Hô đã xả nước với lượng có lúc lên đến hơn 1800 m3/giây từ đêm 13 đến cuối ngày 14/10, vào lúc có mưa lớn ở miền trung Việt Nam. Báo chí cho rằng nhà máy ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, đã thông báo quá muộn khi xả nước. Việc này dẫn đến thiệt hại to lớn cho người dân ở cuối nguồn.


Có tin nhà máy xả nước lúc 5h chiều ngày 14/10 nhưng chỉ thông báo cho một lãnh đạo tỉnh trước đó khoảng 1 tiếng. Vì vậy, cả lãnh đạo tỉnh lẫn người dân gần nhà máy “không kịp trở tay”. Tin cho hay “11 xã với hơn 5.000 nhà dân quanh vùng bị dìm trong biển nước, có nơi ngập sâu đến 4 mét”.


Sau sự kiện này, nhà máy đã ra thông cáo báo chí nói họ xả nước “đúng quy trình”. Trước sự phẫn nộ của báo chí và công chúng, Bộ Công thương vào chiều 16/10 đã “lập tổ công tác điều tra việc xả lũ thủy điện Hố Hô”.


Từ Cần Thơ, Tiến sỹ Lê Anh Tuấn, một chuyên gia môi trường đưa ra nhận xét với VOA về trách nhiệm của thủy điện Hố Hô:


“Có một sự phối hợp không đồng bộ giữa Nhà máy thủy điện Hố Hô với các cơ quan chức năng. Cái trách nhiệm lớn nằm ở trong nhà máy thủy điện. Trách nhiệm của nhà máy thủy điện là phải chủ động tháo nước trong các hồ chứa ra trước khi mưa bão đến. Tôi nghĩ cái quy trình vận hành này có vấn đề nên họ không có chủ động trong chuyện tháo nước trong hồ chứa ra trước khi mưa bão về. Nên khi mưa bão về lớn, họ sợ vỡ đập nên họ phải xả nước như vậy”.


Vị phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu thuộc Đại học Cần Thơ lưu ý rằng thông thường các thiết kế nhà máy thủy điện phải tính toán đến tần suất gây mưa bão trong khu vực, và phải có khả năng phối hợp để dự báo thời tiết trước 5-7 ngày, hoặc tối thiểu là 3-4 ngày. 


Tiến sỹ Tuấn cũng nhấn mạnh rằng khi có khả năng nước đầu nguồn đổ về nhiều, tùy theo năng lực của đập, người ta phải xả nước trong đập 3-4 ngày trước khi nước đổ về “để tạo khoảng không gian cần thiết để trữ nước”.


So sánh với phân tích kể trên, Nhà máy Hố Hô đã hoàn toàn không làm như vậy.


Trên một bình diện rộng hơn, Tiến sỹ Tuấn phân tích thêm vì sao thủy điện nhỏ ở Việt Nam có nhiều vấn đề:


“Các chủ đầu tư đó đôi khi các nguồn kinh phí hoặc là năng lực không có đủ nhưng mà muốn có lợi nhiều thì đôi khi họ không tuân thủ theo những quy định trong kỹ thuật, và các quy định đó thường rất là nghiêm ngặt, nên do đó đã để xảy ra các sự cố”.


Về những thiệt hại mà người dân phải gánh chịu, Luật sư Võ An Đôn hay bảo vệ người yếu thế nói với VOA rằng các nạn nhân có thể kiện Nhà máy Hố Hô:


“Thủy điện mà xả lũ làm chết người dân mà không thông báo trước hoặc là không xả đúng quy trình thì có thể bị truy tố về tội giết người, đồng thời phải bồi thường thiệt hại đối với người dân. Các luật sư trong đó có tôi sẵn sàng giúp người dân khởi kiện ra tòa. Tôi sẵn sàng giúp hoàn toàn miễn phí”.


Luật sư Đôn khuyên các nạn nhân cần lưu lại các bằng chứng bằng cách chụp hình lại các thiệt hại, đồng thời báo cho chính quyền địa phương.


Tuy nhiên, bình luận về khả năng thắng kiện, Luật sư Đôn chỉ ra rằng do chính quyền địa phương có cổ phần trong nhà máy nên có thể họ sẽ can thiệp vào vụ kiện. Ông nói:


“Bên thủy điện thì công ty thường là bán cổ phần cho tư nhân nhưng 51% là của nhà nước. Trong trường hợp này là Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn của Hà Tĩnh. Khi mà người dân khởi kiện thì họ rất khó chấp nhận. Thực tế thì chính quyền địa phương sẽ can thiệp tòa án, tìm mọi cách, viện ra nhiều lý do để không thụ lý đơn kiện của người dân”. - VOA


***

Mưa lũ ở miền Trung Việt Nam làm thiệt mạng ít nhất 25 người, 18 người bị thương, 4 người mất tích. Mưa lũ mạnh và nhanh cùng với thủy điện đồng thời xã lũ đã tàn phá hoặc gây hư hại nặng cho 240.000 ngôi nhà, cùng tài sản của người dân.


Trong khi lũ chưa rút hết thì Việt Nam lại phải chuẩn bị đối phó với trận siêu bão đang tới gần.


Các tỉnh miền Trung chịu thảm họa mưa lũ gồm Quảng Bình, Nghê An, Hà Tĩnh, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.


Hình ảnh lũ lụt nước cao tới mái nhà và người dân chèo xuồng trên đường phố được phổ biến rộng rãi trên truyền thông nhà nước. Chính quyền kêu gọi người dân cả nước góp phần cứu trợ nạn nhân thiên tai.


Quảng Bình là tỉnh chịu nhiều thiệt hại nhất, Hãng tin Pháp AFP dẫn lời ông Nguyễn Khắc Vinh, bản tin không bỏ dấu, một người dân ở Kiến Giang huyện Lệ Thủy kể lại là nước dâng rất nhanh, cuốn trôi tất cả lúa gạo, gà vịt và mọi vật dụng của gia đình ông. Theo lời ông Vinh nhà ông  bị ngập hoàn toàn toàn và hiện nay không có nước để uống hoặc nấu ăn.


Báo chí do nhà nước quản lý đưa tin chính phủ đang điều tra thực hư việc Thủy điện Hố Hô ở tỉnh Hà Tĩnh xã lũ mà không báo trước cho các huyện xã ở hạ du, góp phần gây thiệt hại nhà cửa tài sản mùa màng của người dân.


Trong khi đó bão số 7 tức Sakira với tốc độ gió tối đa 150km/giờ được dự báo sẽ tiến vào khu vực cách bờ biển Quảng Ninh – Nam Định khoảng 100km về phía Đông Nam trong vòng chưa đầy 2 ngày nữa, tức ngày 19/10.  Vào ngày mai 18/10  khu vực bắc Biển Đông kể cả quần đảo Hoàng Sa biển động dữ dội gió giật cấp 16 -17.


Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, ngoài trận bão số 7 Sakira đang tiến dần về phía bờ biển Bắc Bộ, thì sáng nay một trận bão khác mang tên Hải Mã đã hình thành ngoài khơi bờ biển Philippines. Dự báo cuồng phong Hải Mã sẽ tiến vào Biển Đông vào. ngày 20/10 sắp tới. - RFA

|

|


8.

Cử tri kiến nghị Quốc hội không thông qua luật về hội


Nhiều cử tri và đại diện một số hội ở Việt Nam vừa lập một kiến nghị trên mạng kêu gọi Quốc hội không thông qua dự thảo luật về hội. 


Bản kiến nghị xuất hiện trên trang wakeitup.net từ ngày 17/10 và được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội chỉ ra những bất cập của bản dự thảo hiện nay.


Cụ thể, theo điều 4 của dự thảo luật về hội đề ngày 10/10/2016, hội phải “được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập, công nhận điều lệ và người đứng đầu”. Các luật sư và đại diện các hội cho rằng điều này sẽ “gạt bỏ và phủ nhận hàng trăm nghìn hội không đăng ký đang tồn tại, hoạt động bình thường và có ích trên thực tế”. Họ cũng lo ngại “cơ quan nhà nước có thể nói không với người đứng đầu” do chính các hội tự bầu ra.


Bản kiến nghị cho biết thêm khoản 5 của điều 8 trong dự thảo quy định rằng “hội không liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài; trường hợp đặc biệt do chính phủ quy định”. Những người lập kiến nghị nhận xét rằng điều này “đi ngược lại xu hướng hội nhập và hợp tác quốc tế, đẩy Việt Nam trở lại sự cô lập và lạc hậu vì người dân và hội của họ không thể trao đổi thông tin, kiến thức, chuyên môn, hợp tác đầu tư, nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi với các đối tác quốc tế”.


Những người phản đối bản dự thảo cũng chỉ ra rằng quy định về thủ tục thành lập hội “rất khắt khe, thể hiện cơ chế xin-cho trong việc thành lập và hoạt động của hội”. Họ nhận định điều đó cũng “tạo ra kẽ hở để công chức nhà nước cản trở quyền tự do hiệp hội của người dân, can thiệp vào hoạt động nội bộ của hội”.


Những người lập kiến nghị khẳng định nếu bản dự thảo hiện nay được thông qua, luật về hội “không phản ánh được tinh thần tôn trọng quyền con người của Hiến pháp 2013, cụ thể là điều 25 về quyền tự do lập hội của người dân, và những cam kết chuẩn mực theo Công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị Việt Nam đã tham gia từ năm 1982”.


Luật sư Trần Vũ Hải ở Hà Nội nói với VOA ông có chung cách nhìn nhận với những phân tích nêu ra trong bản kiến nghị. 


Về khả năng Quốc hội không xem xét kiến nghị và vẫn thông qua dự luật về hội, Luật sư Hải nói dư luận sẽ tiếp tục gây sức ép để luật không được thực thi, như đã xảy ra với một số điều luật của các luật khác:


“Họ đã có kinh nghiệm là phong trào đề nghị hủy bỏ điều 292 [Bộ luật Hình sự 2015]. Theo tôi thì lúc đó sẽ có sự liên kết yêu cầu hủy bỏ điều khoản đó, những điều khoản nào đó trong luật, hoặc là yêu cầu hủy bỏ luật này. Việt Nam đã có những luật từng phải hoãn. Trong những trường hợp ấy, rõ ràng với những áp lực của xã hội, luật có thể hoãn lại, và dẫn tới là những người đang ra các luật ấy bị mất uy tín. Hiện nay tôi được biết rằng rất nhiều đại biểu Quốc hội và các chuyên gia phản đối kịch liệt cái dự thảo này”.


Nếu không có gì thay đổi, theo kế hoạch, dự thảo luật về hội sẽ được Quốc hội Việt Nam thông qua vào ngày 18 tháng 11 tới. - VOA

|

|


9.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói về chống tham nhũng


Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam một lần nữa nhắc đến các khó khăn thách thức trong quá trình đấu tranh chống tham nhũng ở nước này.


Ông Nguyễn Phú Trọng gọi đây là cuộc chiến "chống giặc nội xâm".


Sáng thứ Hai 17/10 ông Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc tiếp xúc với cử tri quận Ba Đình trước kỳ họp thứ hai của Quốc hội Việt Nam khóa XIV.


Báo VietnamNet tường thuật, ông tổng bí thư thừa nhận: "Đây là vấn đề lớn, đặt ra từ lâu, nay lại tiếp tục lưu ý, nói phải đi đôi với làm".


"Chúng tôi tha thiết muốn làm hiệu quả, vì nói mà không làm là mất uy tín, không của cá nhân ai mà của Đảng, Nhà nước. Nhưng thực tế vô cùng khó khăn."


Ông Nguyễn Phú Trọng nêu nhận xét: "Chống ngoại xâm đã khó, chống nội xâm còn khó hơn vì là ta đánh vào ta".


Theo ông, thực tế là trong giới quan chức, không ai dám nhận kỷ luật, mà hình thức xử lý nói chung chỉ là "kiểm điểm nghiêm túc rồi thôi".


"Thực tế cuộc sống là thế nên chống tham nhũng chưa được như mong muốn."


Ông khuyến cáo: "Ta phải kiên quyết, kiên trì, làm đi làm lại như đánh răng rửa mặt hàng ngày, bình tĩnh và thông cảm với cái chung".


"Mỗi người tự xem mình có suy thoái không, có thích khen sợ chê không, có tham ô, có ham chức quyền không?"


Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tái khẳng định vai trò của Đảng CSVN trong quá trình đấu tranh chống tham nhũng, rằng "Đảng phát lệnh là cả bộ máy phải chuyển động, những người đầu ngành phải chỉ đạo bộ máy của mình, thường xuyên có tổng kết, sơ kết". 


'Liệu có phá hoại không?'


Trong cuộc tiếp xúc cử tri ông Nguyễn Phú Trọng cũng đề cập tới vấn đề môi trường là chủ đề được nhiều cử tri quan tâm.


Ông nói nguyên nhân chính là do "các địa phương nghèo sốt ruột".


"Trước đây nhiều địa phương nghèo sốt ruột nên ào ạt phê duyệt, 'chạy' dự án nước ngoài, mà toàn dự án lớn, hoành tráng, nhiều tiền... Nhưng cán bộ lại thiếu chuẩn bị, chưa tính toán đầy đủ vấn đề môi trường."


Ông được VietnamNet dẫn lời nói: "Không chỉ Formosa đâu, còn các dự án giấy, chế biến thực phẩm..., đều ô nhiễm".


Về vụ cá chết hàng loạt hồi đầu tháng ở Hồ Tây, ông Trọng nói: "Hồ Tây có Formosa đâu mà cá chết hàng loạt, phải xem liệu có sự phá hoại không?"


Cho tới nay đã hai tuần, vẫn chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân dẫn đến cái chết hàng loạt của cá ở Hồ Tây, khiến giới chức phải thu gom, tiêu hủy tới 200 tấn cá. - BBC

No comments:

Post a Comment