Sunday, October 23, 2016

Tin Cập Nhật Chủ Nhật 23/10

Tin Thế Giới


1.

Giáo sư Thayer: "Các phát biểu của ông Duterte phá hoại liên minh Mỹ-Philippines"


Trả lời các câu hỏi của báo giới, ngày 21/10/2016, giáo sư Carlyle A. Thayer, thuộc học viện Quốc phòng Úc, đưa ra một số nhận định về hậu quả việc tổng thống Philippines Rodrigo Duterte có thể « xoay trục » sang Trung Quốc.

1/ Liệu có thể nói chiến lược xoay trục sang châu Á của Mỹ đã thất bại ?


GS Thayer : Chiến lược tái cân bằng sang châu Á của tổng thống Obama còn sống thêm được hơn hai tháng nữa một chút. Người sẽ lên làm tổng thống Hoa Kỳ sẽ đưa Mỹ dấn thân vào khu vực với một cái tên gọi mới.


Có thể nói, các phát biểu của tổng thống Duterte đã phá hoại liên minh Mỹ-Philippines. Điều này tạo ra làn sóng bất ổn chiến lược trong toàn khu vực. Hải quân và Không quân Mỹ vẫn có thể duy trì sự hiện diện mạnh mẽ trong vùng. Nhưng có thể ông Duterte sẽ giảm bớt sự hiện diện này nếu như không hủy bỏ Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng với Hoa Kỳ.


Lực lượng Mỹ cũng sẽ chấm dứt sự hiện diện luân phiên và sẽ không còn có khả năng đối phó với mọi tình huống ở Biển Đông. Về khía cạnh kinh tế trong chiến lược tái cân bằng của Obama, hiệp định tự do mậu dịch TPP thực sự đã chết bởi tư tưởng chống toàn cầu hóa mạnh mẽ tại Hoa Kỳ.


2/ Vậy giờ đây Washington có thể làm được gì ? 


GS Thayer : Chắc chắn chính quyền Obama sẽ không làm cho các vấn đề trở nên tồi tệ hơn đối với tân tổng thống Mỹ. Do vậy, Hoa Kỳ sẽ có thái độ ôn hòa kín đáo. Các phát ngôn viên của Hoa Kỳ chỉ nói là chính phủ Mỹ chưa được thông báo chính thức về bất kỳ phát biểu nào của tổng thống Duterte.


Cũng như giai đoạn 1991-1992 khi Philippines hủy bỏ các hợp đồng thuê căn cứ Vịnh Subic và căn cứ không quân Clark, Hoa Kỳ sẽ phải tôn trọng chủ quyền của Philippines. Các nhà ngoại giao Mỹ sẽ giữ liên lạc với các quan chức ngoại giao và quốc phòng Philippines, những người xử lý tốt nhất mối quan hệ song phương để tìm hiểu những gì đang thực sự diễn ra.


3/ Vấn đề Biển Đông sẽ bị tác động ra sao ?


GS Thayer : Điều trớ trêu là sự xoay trục hiện nay của ông Duterte dường như sẽ làm giảm thái độ quyết đoán cũng như tiến trình quân sự hóa của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa. Triển vọng hai bên bắt đầu thương lượng về vấn đề Biển Đông cũng là một động thái tích cực. Ông Duterte đã nói là ông phải tôn trọng Hiến Pháp Philippines (liên quan đến việc hạn chế sự tham gia của đối tác nước ngoài trong hoạt động thăm dò dầu khí) và ông sẽ không thể bỏ qua phán quyết của Tòa Trọng Tài.


Giờ đây, Trung Quốc có được sự khích lệ thúc đẩy các biện pháp ngoại giao nhằm củng cố sự hiện diện của họ tại Biển Đông. Điều này có thể giúp duy trì nguyên trạng ổn định tương đối. ASEAN và các thành viên của khối này chỉ có thể thoái lui và ủng hộ hoặc không can thiệp vào cuộc đàm phán song phương giữa Trung Quốc và Philippines. Philippines sẽ sớm làm chủ tịch luân phiên ASEAN với hậu quả là có thể Manila cùng với Phnom Penh chống lại mọi sáng kiến mà Trung Quốc không đồng tình.


4/ Việt Nam sẽ phải chịu “vạ lây” ra sao ?


GS Thayer : Trong quá khứ, Việt Nam đã hưởng lợi bằng cách để Philippines đi hàng đầu (hoặc dẫn đầu) trong hồ sơ Biển Đông. Giờ đây, Việt Nam sẽ chịu áp lực ngày càng gia tăng để thúc đẩy nhanh các thảo luận với Trung Quốc về hợp tác và cùng phát triển trong các vùng biển nằm ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Quan hệ đối ngoại « đa dạng hóa và đa phương hóa » của Việt Nam sẽ phải đối mặt với một vài khó khăn do Philippines có những hành động phá hoại cam kết của Mỹ đối với vùng Đông Nam Á.


Thứ trưởng Quốc Phòng Việt Nam, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã tái khẳng định chính sách lâu dài của Việt Nam là ủng hộ sự hiện diện của Mỹ trong khu vực chừng nào sự hiện diện này đóng góp một cách tích cực – theo quan điểm của Việt Nam – vào sự ổn định khu vực. Đối với Việt Nam và tất cả các thành viên khác của ASEAN, các hành động của ông Duterte sẽ càng làm gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong toàn vùng. - RFI

|

|


2.

Báo chí Trung Quốc nói gì vụ tàu chiến tới Việt Nam?


Truyền thông Trung Quốc đăng tải nhiều bài viết về việc ba chiến hạm của nước này lần đầu cập cảng chiến lược Cam Ranh của Việt Nam, coi đó là động thái “củng cố quan hệ hải quân”.


Theo Tân Hoa Xã, đội tàu hộ tống 23 của hải quân Trung Quốc gồm ba chiến hạm Tương Đàm, Châu Sơn và Sào Hồ tới cảng Cam Ranh ở tỉnh Khánh Hòa hôm 23/10 trong chuyến thăm kéo dài 5 ngày.


Việt Nam là chặng dừng chân cuối cùng của đội tàu này, hiện trên đường về nước sau khi hành thành nhiệm vụ hộ tống ở Vịnh Aden, ngoài khơi Somalia.


Ngoài Việt Nam, ba tàu chiến này cũng tới thăm ba quốc gia Đông Nam Á khác là Miến Điện, Malaysia và Campuchia.


Xinhua dẫn lời đại tá Vương Hồng Lý, trưởng đoàn, nói rằng hải quân Trung Quốc và Việt Nam đã và đang “tăng cường liên lạc và hợp tác trong những năm gần đây”.


Ông Vương được trích lời nói: “Cho tới nay, hải quân hai nước đã tiến hành các cuộc tuần tra chung ở Vịnh Bắc Bộ 20 lần, mà theo đó, các cuộc diễn tập chung và các chuyến thăm qua lại của các tàu hai nước được thực hiện”.


Trưởng đội tàu chiến của Trung Quốc được Tân Hoa Xã dẫn lời nói tiếp: “Chuyến thăm này sẽ tăng cường sự thấu hiểu giữa hai nước và thúc đẩy tình bạn hữu, đóng góp vào mối quan hệ song phương ở cấp chính phủ và quân đội”.


Ông Vương cho biết một trận giao hữu bóng đá sẽ được tổ chức trong những ngày tới.


Theo Cổng thông tin China.org.cn, các đội tàu hải quân Trung quốc đã tới thăm Việt Nam một số lần từ năm 2001. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên tàu chiến Trung Quốc tới cảng Cam Ranh.


Còn kênh truyền hình nhà nước CCTV đưa tin rằng các chiếm hạm của Mỹ cũng tới thăm cảng Cam Ranh vào tháng Chín, gần 21 năm sau khi hai nước bình thường quan hệ.


“Nga cũng nói Moscow đang cân nhắc các kế hoạch khôi phục các căn cứ thời Xô Viết ở Việt Nam. Nhưng Hà Nội nói sẽ không cho phép các nước khác thiết lập các căn cứ quân sự ở nước này”, CCTV đưa tin. - VOA

|

|


3.

Nhật Bản: Nổ hàng loạt ở công viên thành phố Utsunomiya


Loạt vụ nổ ở khu vực công viên thành phố Utsunomiya, Nhật Bản, khiến ít nhất một người thiệt mạng và hai người bị thương, lực lượng cấp cứu nước này cho biết.


Các vụ nổ xảy ra gần như cùng lúc vào khoảng 11:30 giờ địa phương, ở tỉnh Tochigi, phía Bắc Tokyo.


Hai xe hơi ở khu vực đậu xe gần đó cũng đồng thời bị bắt lửa, cảnh sát cho hay.


Vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra các vụ nổ này.


Hãng thông tấn Kyodo đưa tin, một lễ hội văn hóa truyền thống đã diễn ra ở công viên gần đó, nơi xảy ra ít nhất một vụ nổ.


Một người đàn ông có mặt ở công viên vào thời điểm xảy ra vụ nổ nói với kênh truyền hình NHK rằng ông nghe thấy "tiếng động lớn" và ngửi thấy mùi thuốc pháo.


NHK cũng cho biết, camera ghi hình ở bến tàu Utsunomiya cách đó không xa ghi được tiếng của ba vụ nổ liên tiếp diễn ra vào lúc 11:31, 11:32 và khoảng 15 giây sau là "tiếng nổ lớn hơn" thứ ba.


Hình ảnh cho thấy chiếc ghế băng ở khu vực xảy ra một trong các vụ nổ bị vỡ nát, và hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy một cột khói đen bốc lên từ nơi này.


Cảnh sát đã phong tỏa khu vực. - BBC

|

|


4.

Hàng ngàn người biểu tình tại Roma chống thủ tướng Ý


Tại Ý, chiều ngày 22/10/2016 một biển người tuần hành trên đường phố Roma với khẩu hiệu "No Renzi" chống lại chính sách theo khuynh hướng tự do của thủ tướng Matteo Renzi. Cánh tả và giới công đoàn Ý chủ xướng cuộc xống đường nói trên, 45 ngày trước cuộc trưng cầu dân ý về việc sửa đổi Hiến Pháp, giải tán Thượng Viện.


Thông tín viên Anne Le Nir từ Roma cho biết.


"Từ lâu rồi, một cuộc tuần hành, chủ yếu do cánh cực tả khởi xướng, mới lại diễn ra trên đường phố Roma. Tất cả các phong trào đối lập như đang thức tỉnh với kế hoạch cải tổ Hiến Pháp do thủ tướng Matteo Renzi đề xuất.


Cuộc biểu tình rầm rộ hôm qua diễn ra vài tuần trước trưng cầu dân ý về việc sửa đổi Hiến Pháp. Theo quan điểm của thủ tướng Ý, biện pháp cải tổ này sẽ giúp bên Lập Pháp được ổn định hơn. Phe chống đối dự luật cải tổ Hiến Pháp thì xem việc đòi xóa bỏ Thượng Viện là nhằm tập trung quyền lực vào trong tay một người là thủ tướng. 


Chiều hôm qua hàng chục ngàn người biểu tình đã hô to khẩu hiệu : ‘một ngày chống Renzi’. Không có sự cố đáng tiếc nào xảy ra tại Roma. Nhưng trên đảo Sicilia, đụng độ đã xảy ra giữa người biểu tình và cảnh sát, cụ thể là ở Palermo và Trapani. 


Đây là hai nơi mà đích thân thủ tướng Renzi đã đến nơi vận động cử tri ủng hộ tiến trình cải tổ Hiến Pháp. Ông hứa hẹn là ‘mọi việc sẽ trở nên đơn giản hơn sau khi nước Ý được cải tổ’". - RFI

|

|


5.

Phụ nữ tuần hành chống chính phủ ở Venezuela


Hàng ngàn phụ nữ đã tuần hành trên đường phố Caracas, Venezuela, hôm thứ Bảy, 22/10, để phản đối việc đình chỉ một nỗ lực tổ chức trưng cầu dân ý có thể dẫn đến việc phế truất Tổng thống Nicolas Maduro.


Những người biểu tình đã chặn một làn đường cao tốc chính để hiển thị sự bất mãn của họ đối với chính quyền của ông Maduro. Dẫn đầu những người biểu tình là Lilian Tintori và Patricia Gutierrez, họ là vợ của hai nhà lãnh đạo chính trị bị giam giữ đồng thời là những người nổi tiếng vì phát biểu chống lại chính phủ hiện nay.


Nayiber Bracho, một nhân viên lĩnh vực nhân lực, nói: "Chúng tôi có mặt ở đây để yêu cầu phải có sự tôn trọng đối với hiến pháp, để Venezuela tổ chức bầu cử để thoát khỏi chế độ độc tài".


Các quan chức bầu cử của Venezuela hôm 20/10 đã chặn đứng nỗ lực thực hiện cuộc trưng cầu sau khi phe đối lập đã vận động trong gần một năm.


Các quan chức cáo buộc rằng đã có gian lận trong quá trình thu thập chữ ký cho một cuộc trưng cầu về nhà lãnh đạo xã hội chủ nghĩa. - VOA

|

|


Tin Hoa Kỳ


6.

Ông Trump nêu chính sách nhập cư mới; dọa kiện người cáo buộc --- Ông Trump nêu kế hoạch trong 100 ngày đầu làm tổng thống --- Bà Clinton sẽ tập trung vào các vấn đề cần nêu, không phải Trump


Ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa Donald Trump đưa ra các đề xuất cải cách nhập cư mới và cho biết ông sẽ cắt giảm thuế cho tầng lớp trung lưu Mỹ còn 35% trong 100 ngày đầu tiên nhậm chức, nếu ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng tới.


Trong bài diễn văn hôm thứ Bảy, ông Trump cho biết ông sẽ ngăn dòng chảy những người nhập cư bất hợp pháp bằng cách áp dụng án tù tối thiểu 2 năm đối với bất cứ ai vào nước Mỹ một cách bất hợp pháp. Ông cũng yêu cầu mức án 5 năm đối với những người có tiền án, tiền sự, hoặc từng bị trục xuất 2 lần.


Ông nói: “Vào ngày 8 tháng 11, người Mỹ sẽ biểu quyết về kế hoạch 100 ngày này để khôi phục sự thịnh vượng cho đất nước của chúng ta, đảm bảo an ninh cho các cộng đồng và [khôi phục] sự tin tưởng với chính phủ của chúng ta”.


Ông Trump cũng cho biết trong bài diễn văn hôm thứ Bảy rằng, sau cuộc bầu cử, ông sẽ kiện những người phụ nữ buộc tội ông tấn công tình dục.


Trong khi giải thích với các ủng hộ viên về việc ông điều hành đất nước như thế nào nếu ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, ông cũng đưa ra các cáo buộc về hành vi sai trái: “Tất cả những người phụ nữ đó đều nói dối. Những sự việc đó chưa bao giờ xảy ra và tất cả những người dối trá này sẽ bị kiện sau cuộc bầu cử”.


Tuy nhiên, một phụ nữ khác xuất hiện hôm thứ Bảy nói rằng ông Trump đã có hành vi tình dục không đúng mực với cô 10 năm trước khi cô gặp ông ở một sân golf tại Lake Tahoe, California.


Cô Jessica Drake – một diễn viên phim người lớn – nói rằng ông Trump đã túm lấy và hôn cô mà chưa được sự cho phép, sau đó đề nghị tặng cô 10 ngàn đôla và sử dụng máy bay riêng nếu cô dành buổi tối cho ông.


Cô Jessica cho biết đã từ chối lời đề nghị và bây giờ xuất hiện “để thêm tiếng nói, sức mạnh, và sự ủng hộ cho những phụ nữ khác đang lên tiếng”. - VOA


***

Ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump đưa ra những đề xuất cải cách nhập cư mới và cho biết sẽ cắt giảm thuế 35 phần trăm cho tầng lớp trung lưu của Mỹ trong 100 ngày đầu tiên ông tại chức, nếu ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng sau.


Ông Trump cũng sử dụng bài diễn văn nêu chính sách của mình để nói rằng sau cuộc bầu cử, ông sẽ kiện hơn một chục người phụ nữ đã lên tiếng tố giác ông sàm sỡ họ.


Chỉ 17 ngày trước ngày bầu cử cử 8 tháng 11, ông Trump đọc bài diễn văn nêu chính sách của ông ở thành phố Gettysburg, bang Pennsylvania, gần chiến trường thời Nội chiến Mỹ và là nơi Tổng thống Abraham Lincoln đọc một trong những bài diễn văn quan trọng nhất trong lịch sử của Mỹ 153 năm trước, vạch ra đường hướng mới cho nước Mỹ sau mấy năm nội chiến làm đất nước chia rẽ trầm trọng.


Trong bài diễn văn hôm thứ Bảy, ông Trump cho biết ông sẽ ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ bằng cách áp đặt bản án tù tối thiểu hai năm bắt buộc đối với bất cứ ai vào Mỹ bất hợp pháp. Ông cũng sẽ bắt buộc những bản án tối thiểu năm năm đối với những người trước đây từng bị tuyên phạm trọng tội, nhiều khinh tội, hay hai lần trước đây bị trục xuất.


Ông cũng hứa sẽ áp đặt những giới hạn nhiệm kỳ đối với những thành viên của Quốc hội, ban hành một lệnh đình chỉ tuyển dụng nhân viên liên bang, giảm thiểu những quy định của liên bang và cấm những quan chức Tòa Bạch Ốc và Quốc hội trở thành những người vận động hành lang sau khi li nhiệm.


Ông Trump cũng tuyên bố sẽ hủy bỏ những khoản đóng góp của Mỹ cho chương trình biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc, thay vào đó đầu tư những ngân khoản này vào cơ sở hạ tầng nước và môi trường của quốc gia.


Những trợ lý trong ban vận động tranh cử của ông mô tả bài diễn văn này là "những lập luận cuối cùng" nhằm thuyết phục cử tri. Một số nhà phân tích nhận định đây là một nỗ lực nhằm chuyển hướng sự chú ý trở lại những vấn đề ưu tiên của ông và tránh xa những tranh cãi đã đeo bám ông trong những tuần gần đây.


Gần đây ông Trump cũng nói rằng cuộc bầu cử tổng thống vào tháng sau bị gian lận, và rằng ông có thể không chấp nhận kết quả nếu ông thua cuộc. Ông vẫn chưa cung cấp bằng chứng củng cố tuyên bố của mình rằng cuộc bầu cử sẽ bị gian lận. - VOA


***

Ứng viên chạy đua vào ghế Tổng thống Hoa Kỳ, bà Hillary Clinton nói bà không còn quan tâm đến việc đối thủ đảng Cộng hòa Donald Trump nói gì, mà bà sẽ tập trung vào các vấn đề cần nêu.


"Tôi tranh luận với ông ấy trong bốn tiếng rưỡi," bà nói, và nhớ lại những lời lẽ chua chát. "Tôi thậm chí còn không nghĩ tới việc trả lời ông ấy nữa."


Bà Clinton nói với các phóng viên trên máy bay vận động tranh cử.


Trong chiến dịch vận động ở Gettysburg, ông Trump hứa sẽ hạn chế vận động hành lang và đàm phán thương mại mới cũng như thay đổi khí hậu.


Chỉ còn 16 ngày là tới đợt bỏ phiếu nhưng hầu hết trọng tâm vẫn xoay quanh những tranh cãi liên quan tới chiến dịch của ông.


Hôm thứ Bảy 22/10, ông lại nói sẽ kiện tất cả những phụ nữ cáo buộc ông lạm dụng tình dục hay có những hành vi thiếu đứng đắn, ngay sau khi chiến dịch tranh cử của ông kết thúc.


Tuy vị tài phiệt đứng sau bà Clinton trong các cuộc thăm dò ý kiến, gần đây ông Trump đã thu hẹp khoảng cách với 4%.


Hối thúc đoàn kết


Khi được hỏi về đe dọa của ông Donald Trump đối với những người lên tiếng cáo buộc ông, bà Clinton nói nay bà chuyển sự tập trung vào việc giúp bầu các đại diện đảng Dân chủ khác cho dịp tranh ghế ở quốc hội cũng vào ngày 8/11.


"Ông ta có thể nói bất kỳ điều gì ông muốn. Ông ta có thể điều khiển chiến dịch theo cách ông ấy muốn," bà nói.


"Tôi sẽ để người dân Mỹ quyết định giữa những gì ông ta đề nghị và những đề nghị của chúng tôi."


Phát biểu trên sân khấu ở Pittsburg, bà Clinton kêu gọi người Mỹ đoàn kết.


"Tôi hiểu họ cần có một tổng thống quan tâm đến họ, lắng nghe họ và tôi muốn là tổng thống của họ," bà nói.


Trước bài diễn văn ở Gettysburg, ông Trump nói truyền thông đang dựng chuyện để làm hình ảnh của ông "xấu và nguy hiểm hết mức có thể".


Mười một phụ nữ đã lên tiếng buộc tội ông có những hành vi không đứng đắn, chỉ trong vài tuần sau khi đoạn video ông khoe khoang về việc 'chộp ngực' và hôn phụ nữ được phát tán.


"Tất cả những phụ nữ này nói dối khi họ lên tiếng nhằm làm tổn hại chiến dịch của tôi," ông Trump nói với khán giả.


Điều gì xảy ra tiếp theo?


Hai ứng viên dành 16 ngày còn lại đi khắp các bang ở Hoa Kỳ nhằm thuyết phục những cử tri còn đang phân vân. Những bang có thể xảy ra tranh giành quyết liệt là Ohio, North Carolina, Florida và Pennsylvania 


Cử tri đi bỏ phiếu vào thứ Ba, 8/11 để quyết định xem ai sẽ là vị tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ


Tổng thống mới sẽ chính thức nhậm chức vào ngày 20/01/2017. - BBC

|

|


7.

AT&T mua Time Warner với giá 85,4 tỷ đôla


Công ty viễn thông Mỹ AT&T đã đồng ý mua Time Warner với giá 85,4 tỷ đôla. Thỏa thuận với hãng Time Warner được công bố hôm thứ Bảy, 22/10. Bản thân Time Warner có danh mục đầu tư bao gồm HBO, CNN và các hãng phim Warner Brothers.


Giao dịch gồm cả cổ phiếu và tiền mặt phải được các cổ đông của Time Warner thông qua và được nhà chức trách về chống độc quyền của Mỹ xem xét.


Thỏa thuận này đã được các hội đồng quản trị của cả hai công ty nhất trí chấp thuận.


Trong một tuyên bố trên website của mình, AT&T cho biết: "Công ty mới sẽ mang lại những gì khách hàng mong muốn – gia tăng việc tiếp cận với nội dung cao cấp trên tất cả các thiết bị của họ, những lựa chọn mới về các dịch vụ di động và truyền video, cũng như một sự lựa chọn khác có tính cạnh tranh cao hơn thay cho các công ty truyền hình cáp".


Ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ của Cộng hòa Donald Trump hôm thứ Bảy đã nhận xét về thỏa thuận này tại một cuộc mít tinh, ông nói nếu thắng cử, ông sẽ ngăn chặn giao dịch này vì "Đó là sự tập trung quá nhiều quyền lực trong tay rất ít người". Ông Trump bất mãn về việc giới truyền thông đưa tin về chiến dịch tranh cử của ông, đặc biệt là CNN của Time Warner. - VOA

|

|


Tin Việt Nam


8.

Thủ tướng Campuchia tới Việt Nam


Thủ tướng Campuchia Hun Sen sẽ dẫn đầu phái đoàn cấp cao tới Việt Nam để dự nhiều cuộc họp từ ngày 24 tới 26/10.


Theo Bộ Ngoại giao Campuchia, trong khi có mặt tại Hà Nội, ông Hun Sen sẽ tham dự Hội nghị cấp cao hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam (CLMV) và Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong (ACMECS).


Thông cáo của Bộ Ngoại giao Campuchia được Xinhua trích dẫn có đoạn: “Với sự bất ổn của nền kinh tế thế giới, lãnh đạo các quốc gia CLMV sẽ tận dụng cơ hội cuộc họp ở Hà Nội để gặp gỡ với lãnh đạo của các nước Mekong tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới về khu vực Mekong với chủ đề “Mưu tìm sự phối hợp”.


Chưa rõ là Thủ tướng Campuchia có bàn thảo với các quan chức nước chủ nhà về vấn đề biên giới giữa hai quốc gia hay không.


Trong khi đó, VnExpress dẫn lời Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao - Phạm Bình Minh cho biết: "Hợp tác ACMECS và CLMV cũng là những cơ chế quan trọng để các nước Mekong phối hợp nỗ lực, củng cố lòng tin, đối thoại tìm kiếm giải pháp cho các thách thức chung như vấn đề nguồn nước, biến đổi khí hậu, dịch bệnh... trên cơ sở hài hòa lợi ích của tất cả các bên".


Còn Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Đình Quý cho biết 3 hội nghị trên là chuỗi hoạt động đối ngoại đa phương lớn nhất của Việt Nam trong năm 2016.


“Những sự kiện này sẽ giúp Việt Nam củng cố quan hệ với các nước láng giềng, đồng thời quảng bá hình ảnh đất nước với thế giới,” ông Quý được VnExpress dẫn lời nói. - VOA

No comments:

Post a Comment