Wednesday, October 12, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Tư 12/10

Tin Thế Giới


1.

Tổng thống Duterte nói Philippines không cắt liên minh quân sự


Tổng thống Rodrigo Duterte nói Philippines sẽ không chấm dứt liên minh với các nước khác, mặc dù ông có ngôn từ chống Mỹ.


Ông nói Manila sẽ "không phá vỡ, hay bãi bỏ các hiệp ước đã có".


Tuyên bố đưa ra vài ngày sau khi Manila loan báo sẽ tạm dừng tập trận hàng năm với Mỹ.


Quan hệ hai đồng minh đã lạnh nhạt trong mấy tháng qua.


Washington bày tỏ lo ngại về "cuộc chiến chống ma túy" của vị tân tổng thống, làm hơn 3.500 người chết trong vài tháng.


Ông Duterte lại có lời nói sỉ nhục Tổng thống Barack Obama.


Ông Duterte, người sẽ thăm Bắc Kinh tuần sau, trước đó nói Trung Quốc và Nga có thể là đối tác.


Trong diễn văn mới nhất, ông nhắc lại tập trận với Mỹ sẽ chấm dứt.


Nhưng ông cũng nói sẽ không hoàn toàn phá bỏ hiệp định tương trợ quốc phòng.


"Chúng tôi sẽ duy trì mọi liên minh quân sự vì họ nói chúng tôi cần để tự vệ," ông tuyên bố mà không giải thích "họ" là ai. - BBC

|

|


2.

Cựu chiến binh Trung Quốc biểu tình ở Bắc Kinh đòi quyền lợi


Sự kiện hiếm thấy ngay tại trung tâm Bắc Kinh ngày hôm qua, 11/10/2016: Hơn 1.000 người đã biểu tình trước cửa bộ Quốc Phòng Trung Quốc, vừa đi vừa hô to các khẩu hiệu đòi quyền lợi. Nhiều người trong số này mặc quân phục, bên trên có may biểu tượng búa liềm của đảng Cộng Sản Trung Quốc.


Theo ghi nhận của hãng tin Mỹ AP, những người biểu tình đã đứng trong nhiều tiếng đồng hồ trước tòa nhà Bát Nhất (Bayi), trụ sở bộ Quốc Phòng Trung Quốc, chung quanh có hàng trăm cảnh sát và công an mặc thường phục, với rất nhiều với xe buýt và xe cảnh sát.


Mục đích của cuộc biểu tình không rõ ràng, và guồng máy kiểm duyệt đã ngăn chặn mọi tìm kiếm trên mạng về những người lính đã về hưu hay về bộ Quốc Phòng Trung Quốc.


Hai người biểu tình đã nói với AP rằng họ là cựu chiến binh, muốn chính phủ giải quyết vấn đề lương hưu cho các quân nhân, nhưng họ không muốn thảo luận vấn đề với truyền thông nước ngoài. Hai người này đã từ chối cho biết tên.


Do thông tin bị kiểm duyệt chặt chẽ, cho đến nay không rõ là có ai bị bắt hay không. Công an Bắc Kinh đã không trả lời các câu hỏi gửi bằng fax, trong lúc bộ phận báo chí của ộ Quốc Phòng vẫn hoàn toàn im lặng.


Chính quyền Trung Quốc thường xuyên ngăn chặn các cuộc thảo luận về các vấn đề liên quan đến quân đội và những người lính, nhưng theo ông Hoàng Kì (Huang Qi), một nhà hoạt động nhân quyền, trong năm nay, các cựu chiến binh đã tổ chức hơn 50 cuộc biểu tình, nhưng một quy mô lớn như kể trên ngay tại Bắc Kinh là một điều rất hiếm hoi.


Ông Lưu Phi Dược (Liu Feiyue), biên tập viên của trang web Dân Sinh Quan Sát (Minsheng Guancha) chuyên theo dõi các vấn đề dân quyền tại Trung Quốc, cho biết là những cựu chiến binh đã biểu tình để đòi công ăn việc làm : « Họ phản đối vì hiện không có việc làm sau khi phục vụ một thời gian dài trong quân đội, có người trong hơn một chục năm".


Quân đội Trung Quốc đang trải qua giai đoạn hiện đại hóa trên quy mô lớn để có thể xử lý tốt hơn các xung đột trên biển và trên không. Công việc này đang tăng tốc trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cường hiện diện tại Biển Đông và biển Hoa Đông để tranh giành lãnh thổ, và trong lúc quan hệ với Đài Loan - mà Trung Quốc muốn sáp nhập – đang căng thẳng trở lại.


Vào năm ngoái, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình loan báo việc cắt giảm 300.000 người trong quân đội, nhưng ít ai biết là số phận những người giải ngũ sẽ ra sao. Từ nhiều năm nay, các cựu chiến binh đã nhiều lần biểu tình phản đối lương hưu quá thấp hoặc không có, trong lúc họ lại không có khả năng tìm được việc sau khi giải ngũ. - RFI

|

|


3.

Thủ tướng Singapore thăm Úc để tăng cường hợp tác quốc phòng


Ngày 12/10/2016, thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã bắt đầu chuyến công du hai ngày đến Úc. Hai chủ đề chính được đề cập là nâng cấp thỏa thuận tự do mậu dịch song phương, được ký từ năm 2003, và thông qua thỏa thuận cho phép tăng gấp đôi khả năng của các cơ sở huấn luyện quân sự của Singapore tại các vùng nhiệt đới của Úc.


Theo thông báo của Canberra vào tháng 05/2016, Singapore chi đến 1,7 tỉ đô la để tăng khả năng các căn cứ của nước này tại các khu vực huấn luyện quân sự ở bang Queensland. Mỗi năm, khoảng 14.000 quân nhân Singapore sẽ được huấn luyện tại Úc trong vòng 18 tuần.


Trước Nghị Viện Úc với đồng nhiệm Singapore Lý Hiển Long, thủ tướng Malcolm Turnbull phát biểu: "Quyết định này phản ánh sự cam kết của chúng ta làm nhiều hơn nữa với tư cách là các đối tác an ninh của nhau, đặc biệt trong bối cảnh chiến lược của chúng ta thay đổi".


Theo  AP, thủ tướng Malcolm Turnbull cũng nhấn mạnh cả Singapore và Úc đều có cùng quan điểm chiến lược. Ông cũng ngầm chỉ trích những yêu sách chủ quyền ngày càng lớn của Trung Quốc tại Biển Đông và việc Bắc Kinh từ chối tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye, thủ tướng Úc tuyên bố: "Singapore và Úc đồng tình trong việc bảo vệ quy định của luật pháp quốc tế".


Về phần mình, thủ tướng Lý Hiển Long nói,  Úc và Singapore, cả hai nước cũng là đồng minh của Hoa Kỳ và ông khẳng định: "Chúng ta đều nhìn nhận Hoa Kỳ như một lực lượng ôn hòa đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình và ổn định tại châu Á".


Nhân dịp này, thủ tướng Singapore cũng đã kêu gọi Trung Quốc dấn thân "một cách xây dựng", cùng với các nước trong khu vực để giảm bớt căng thẳng và "hy vọng củng cố hợp tác giữa Úc-Singapore với Trung Quốc". Ông Lý Hiển Long cũng nhấn mạnh mong muốn "một thế giới ổn định và có trật tự trong đó tất cả các nước dù lớn hay nhỏ đều có thể phát triển thịnh vượng trong hòa bình". - RFI

|

|


Tin Hoa Kỳ


4.

Lãnh đạo LHQ cảnh báo về mối nguy nếu ông Trump đắc cử --- Ông Trump mạnh mẽ công kích các thành viên Đảng Cộng hoà


Người đứng đầu cơ quan nhân quyền của Liên Hiệp Quốc hôm nay nói rằng nếu đắc cử để trở thành tổng thống kế tiếp của Hoa Kỳ, ông Donald Trump sẽ là một nhân vật “nguy hiểm từ quan điểm của quốc tế.”


Ông Zeid Ra’ad al-Hussein mô tả những lời bình luận của ông Trump về các cộng đồng dễ bị tổn thương và về việc sử dụng biện pháp tra tấn là “gây bất an sâu sắc và vô cùng đáng lo ngại.”


Quan chức cấp cao của Liên Hiệp Quốc đưa ra lời nhận xét đó với các phóng viên ở Geneva 1 tháng sau khi ông nói rằng các chính trị gia theo chủ nghĩa dân túy như ông Trump và chính khách có lập trường dân tộc của Hà Lan Geert Wilders đang sử dụng sự sợ hãi và những hứa hẹn về một thế giới chưa hề tồn tại để vận động sự ủng hộ của công chúng.


Ông Zeid hôm nay tuyên bố ông không có ý định giảm nhẹ những lời bình luận như vừa kể của mình. - VOA


***

Ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hoà Donald Trump hôm thứ Ba nói có lẽ sẽ là điều tốt hơn cho ông khi không có sự ủng hộ của các thành viên trong Đảng Cộng hoà, trong số những người mà ông mô tả là “yếu ớt và vô hiệu quả”, có Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan.


Trong một cuộc phỏng vấn dành cho chương trình tin tức của kênh truyền hình FOX, ông Trump nói rằng ông Ryan và các thành viên khác của Đảng Cộng hoà tại quốc hội đã chơi xấu khi tuyên bố không còn ủng hộ chiến dịch vận động tranh chức Tổng thống Mỹ của ông nữa.


Ông Trump đưa ra những lời chỉ trích này vài ngày sau khi xuất hiện một băng video thực hiện năm 2005, trong đó ông đã đưa ra những lời lẽ thô tục về phụ nữ, dẫn tới những lời bình luận của các nhà lập pháp Đảng Cộng hoà, tuyên bố thôi ủng hộ ông Trump.


Hôm thứ Ba, ông Trump viết trên trang Twitter: “Thật là thoải mái khi được cởi trói, bây giờ thì tôi có thể đấu tranh cho nước Mỹ, theo ý của tôi.”


Khi người dẫn chương trình của đài Fox gợi ý rằng nếu đắc cử, ông Trump sẽ cần đến ông Ryan và Thượng nghị sĩ John McCain - một nhân vật khác nữa đã rút lại sự hậu thuẫn dành cho ông Trump - ứng cử viên được Đảng Cộng hoà đề cử nhấn mạnh: “Lúc đó thì họ sẽ có mặt.”


Bị bỏ xa trong các cuộc thăm dò công chúng trong tháng này, ông Trump hôm qua đã lặp lại lập luận của ông rằng những lời phát biểu thu được trong đoạn băng video năm 2005 chỉ là “những lời bông lơn giữa đàn ông với nhau”, và ông nói thêm rằng rất nhiều phụ nữ đã nói với ông rằng họ đã nghe những phát biểu còn tệ hơn thế nhiều.


Ông nói với ông O’Reilly rằng nếu vụ việc ấy khiến cho ông thất bại trong cuộc bầu cử này, thì “thật là điều đáng buồn.”


Toà Bạch Ốc hôm thứ Ba cho hay Tổng thống Obama cho rằng những phát biểu của ông Trump về việc sờ soạng phụ nữ là “không thể chấp nhận”, và theo ông Obama được coi là một “hành vi tấn công tình dục phụ nữ.”


Ông Trump đã lên tiếng xin lỗi về những phát biểu năm 2005 trong cuộc tranh luận với ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton hôm Chủ nhật vừa rồi, nói rằng ông cảm thấy bối rối và không thích những gì mình đã nói.


Nhưng cùng lúc ông gay gắt tấn công bà Clinton trong cuộc tranh luận, nói rằng bà đã đe doạ nhiều phụ nữ đã tố cáo chồng bà, cựu Tổng thống Bill Clinton, là hãm hiếp và lạm dụng tình dục đối với họ.


Ông Trump mời 3 nạn nhân mà ông Clinton bị cáo buộc đã tấn công ngồi vào hàng ghế đầu tại cuộc tranh luận, và trước cử toạ, nhiều lần chỉ về hướng các phụ nữ này.


Bà Hillary Clinton đã làm ngơ vấn đề tấn công tình dục hôm thứ Ba khi bà xuất hiện ở Miami, và thay vào đó đề cập tới điều mà bà gọi là cuộc khủng hoảng toàn cầu - vấn đề biến đổi khí hậu. Bà mô tả đây là một vấn đề có thực và có tính cấp bách. Bà nói rằng Hoa Kỳ có thể dẫn đầu thế giới để ứng phó với biến đổi khí hậu.


Bà cho biết là bà hậu thuẫn hoàn toàn Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu trong khi ông Trump muốn huỷ hiệp định này. Bà nhắc nhở đám đông rằng ông Trump đã từng miêu tả hiện tượng hâm nóng địa cầu là một chuyện lừa đảo do Trung Quốc tạo ra.


Bà Clinton xuất hiện bên cạnh cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore, cũng là một người hiểu biết nhiều về hiện tượng tăng nhiệt địa cầu. Ông Gore nói đất nước cần một nhà lãnh đạo đam mê muốn bảo vệ môi trường, thay vì một nhân vật chối bỏ những sự kiện khoa học, sẽ dẫn quả địa cầu này tới một “thảm hoạ về khí hậu.”


Ông Gore đơn cử Bão Matthew như một ví dụ về những trận bão ngày càng có lớn và gây nhiều tử vong hơn, mà ông cho là hậu quả của sự tăng nhiệt trong các đại dương.


Ông Al Gore thất bại trong gang tấc trong cuộc đua để chiếm chiếc ghế trong Toà Bạch Ốc sau một cuộc bầu cử với kết quả xít xao, gây nhiều tranh cãi vào năm 2000. Kết quả cuộc bầu cử ấy phải nhờ đến Toà án Tối cao giải quyết vì những lá phiếu có vấn đề tại các phòng phiếu ở bang Florida.


Mặc dù ông Gore chỉ đùa khi nói rằng ông có “kinh nghiệm bản thân” về tầm quan trọng của mỗi lá phiếu, ông nghiêm túc kêu gọi bất cứ ai chưa đăng ký đi bầu hãy làm việc này ngay bây giờ. 


Ông Gore nói không đi bầu không phải là một sự lựa chọn, bởi vì chưa bao giờ mà kết quả một cuộc bầu cử lại quan trọng như trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ lần này. - VOA

|

|


5.

FBI điều tra vụ tin tặc đánh cắp emails của Đảng Dân chủ


Chủ tịch ban vận động tranh cử của bà Hillary Clinton, John Podesta, nói cơ quan điều tra liên bang Mỹ FBI đang điều tra vụ đột nhập vào các email của ông. Những email này đã được WikiLeaks phát tán cho công chúng.


Ông Podesta nói với các phóng viên hôm thứ 3 rằng vụ điều tra này nằm trong khuôn khổ một cuộc điều tra rộng lớn hơn của FBI vào những vụ xâm nhập email của Đảng Dân chủ, mà chính phủ Nga bị nghi là thủ phạm.


Ông Podesta nói Nga có thể đang tìm cách ảnh hưởng tới kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ để tăng sự ủng hộ cho ứng cử viên của đảng Cộng hòa Donald Trump – người đã công khai bày tỏ sự ngưỡng mộ dành cho Tổng thống Nga Vladimir Putin.


Đại sứ Nga Sergei Kislyak hôm thứ 3 bác bỏ cáo buộc vừa kể, ông nói Moscow không có bất kỳ ý định nào để can thiệp vào cuộc bầu cử tại Mỹ, dù là dưới bất cứ hình thức nào.


Các email của Đảng Dân chủ bị tiết lộ đã gây bối rối cho chiến dịch tranh cử của bà Clinton.


Các email này cho thấy các giới chức trong uỷ ban vận động đã tìm cách làm mất uy tín của ông Bernie Sanders, cựu đối thủ trong Đảng Dân chủ, từng tham gia cuộc đua để được Đảng Dân chủ đề cử làm đại diện cho đảng, ra tranh chức Tổng thống. 


Ngoài ra, các email cũng tiết lộ rằng uỷ ban vận động tranh cử của bà Clinton đề nghị hãy “cười bỏ qua” các vụ tranh cãi xung quanh vấn đề email của bà Clinton thời bà còn giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao. - VOA

|

|


Tin Việt Nam


6.

Mỹ, EU đồng loạt kêu gọi thả blogger Mẹ Nấm


Phái đoàn châu Âu và đại sứ quán Mỹ ở Việt Nam ra thông cáo bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về vụ bắt giữ bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, và kêu gọi phóng thích bà “ngay lập tức”. 


Bà Quỳnh, tức blogger Mẹ Nấm, bị bắt hôm 10/10 theo điều 88 Bộ luật Hình sự về “tuyên truyền chống phá nhà nước”.


Trong thông cáo ra ngày 12/10, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Ted Osius, cho biết ông “quan ngại sâu sắc về các hành động gần đây chống lại các nhà hoạt động nhân quyền ôn hòa, trong đó có vụ bắt giữ blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh…” 


Bà Quỳnh bị công an tỉnh Khánh Hòa “khởi tố và bắt tạm giam”, ngay tại nhà riêng, trước sự chứng kiến của người thân. 


Luật sư bất đồng chính kiến Lê Thị Công Nhân nhận định với VOA Việt Ngữ về vụ việc này:


“Cũng từ lâu rồi, chứ không phải bây giờ, nhưng gần đây nó được triển khai mạnh mẽ hơn, đó là có một sự phân cấp ngày càng lớn từ phía trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam cho các cấp tỉnh, để bắt các cấp tỉnh phải giải quyết, phải xử lý mạnh mẽ và dứt điểm những vụ việc có yếu tố chính trị để cho nó không lan truyền được sang các tỉnh khác, hoặc để tránh kết nối vụ việc ngày càng lớn hơn. Câu chuyện của bạn Như Quỳnh tôi nghĩ cũng là như vậy”. 


Trước khi bị bắt, blogger Mẹ Nấm đã nhiều lần xuống đường phản đối công ty Formosa Hà Tĩnh và kêu gọi nhà nước minh bạch. 


Ngay sau khi bà bị bắt, báo chí trong nước đồng loạt đăng tải thông tin mà phía công an cung cấp. VTV dẫn thông cáo của chính quyền nói rằng blogger này “nhận tiền” của Việt Tân, tổ chức mới bị Hà Nội chính thức coi là khủng bố, nhưng nhóm có trụ sở ở California lại bác bỏ. 


Trước đó, công an Việt Nam nói rằng người dân sẽ bị coi là “đồng phạm khủng bố” và “bị xử lý theo luật pháp Việt Nam”, nếu “nhận tài trợ của Việt Tân”.


Trong khi đó, đại sứ Ted Osius cho rằng vụ bắt giữ bà Quỳnh cộng với các hành động chống lại các nhà hoạt động ôn hòa “đe dọa làm lu mờ sự tiến bộ của Việt Nam về nhân quyền”. 


Ngoài việc kêu gọi thả họ, nhà ngoại giao Mỹ cũng kêu gọi Hà Nội “cho phép tất cả cá nhân tại Việt Nam thể hiện quan điểm chính trị của mình trên mạng và ngoài đời mà không lo sợ bị trừng phạt”. 


Còn trong thông cáo công bố hôm 11/10, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cũng bày tỏ “tin tưởng rằng việc đảm bảo an toàn cho các nhà bảo vệ nhân quyền và việc bảo vệ quyền được bày tỏ ý kiến một cách tự do và hòa bình của họ mà không bị cản trở và đe dọa theo đúng những cam kết quốc tế của Việt Nam là điều rất quan trọng”.


Quan chức EU “yêu cầu nhà chức trách Việt Nam thả cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ngay lập tức”. 


Từng bị tống giam vì có những quan điểm trái chiều với nhà nước, luật sư Lê Thị Công Nhân nhận định thêm về vụ bắt giữ blogger Mẹ Nấm: 


“Nếu khi bạn bị bắt vì điều luật về tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, như là tôi trước đây hoặc Như Quỳnh bây giờ, nó dễ xảy ra hai trường hợp. Thứ nhất là bạn thực sự thấu hiểu, và chấp nhận rằng lên tiếng đấu tranh ở Việt Nam thì rất có thể rơi vào những điều luật mơ hồ như vậy thì bạn sẽ có một tâm trạng đối mặt tương đối là thảnh thơi. Nhưng nếu như bạn, không có một tâm trạng chấp nhận một thực tế rằng ở Việt Nam là một vũng lầy, là một mớ hỗn loạn về pháp luật, thì bạn cũng sẽ rơi vào tình trạng cũng rất là căng thẳng, rất dễ rơi vào một vòng ức chế”. 


Ba năm trước, sau khi một blogger khác là ông Trương Duy Nhất bị bắt vì cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, blogger Mẹ Nấm nói với VOA Việt Ngữ rằng bà “tình nguyện đi tù” cùng ông vì cho rằng vụ bắt giữ cựu ký giả đã “xâm phạm nặng nề tới quyền tự do” của bà.


Việt Nam bấy lâu nay nhiều lần tuyên bố không bắt giữ những người bất đồng chính kiến mà chỉ tống giam những ai vi phạm pháp luật. - VOA

|

|


7.

Samsung: vụ Galaxy Note 7 không ảnh hưởng hoạt động ở Việt Nam


Hãng Samsung Vietnam nói hôm 12/10 rằng họ vẫn duy trì số lượng nhân viên hiện nay cũng như mục tiêu xuất khẩu của năm nay dù công ty mẹ ngừng sản xuất dòng điện thoại chủ chốt của hãng là Galaxy Note 7 sau những sự cố của pin.


Trong một tuyên bố, hãng nói vụ khủng hoảng Note 7 không gây ra tác động đến xuất khẩu của họ trong năm 2016. Thậm chí hãng còn dự báo xuất khẩu dự kiến sẽ tăng so với mức 32,7 triệu đôla của năm ngoái. Hãng cũng nói không có kế hoạch sa thải nhân viên trong năm 2016. Hãng Samsung hiện có khoảng 100.000 nhân viên ở Việt Nam. 


Tuy nhiên, ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư Nước ngoài, nói quyết định của Samsung ngừng sản xuất dòng Galaxy Note 7 chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam năm nay vì hàng xuất khẩu của hãng chiếm khoảng 20% giá trị xuất khẩu của cả nước.


Theo ông Mại, việc thu hồi Note 7 ước tính có thể làm giảm xuất khẩu của Việt Nam 0,5 đến 1% trong năm nay. Nhưng ông cho rằng việc này sẽ không ảnh hưởng đến tăng trưởng dài hạn của Việt Nam.


Samsung là một nhà đầu tư lớn ở Việt Nam với tổng đầu tư vào các hoạt động sản xuất, lắp ráp hàng điện tử lên đến 15 tỷ đôla. - VOA

|

|


8.

Thêm vụ nổ súng trong chính quyền VN, một người chết


Lại xảy ra một vụ nổ súng tại trụ sở ủy ban nhân dân ở Việt Nam, lần này tại TP HCM, gần hai tháng sau khi 3 quan chức tử vong vì súng ở tỉnh Yên Bái. 


Theo tờ Thanh Niên, vụ việc xảy ra sáng hôm nay, 12/10, tại trụ sở UBND phường 3, quận 11, làm ít nhất 1 người chết, nghi là tự sát.


Báo này đưa tin rằng “nhiều cán bộ hoảng hốt khi nghe thấy tiếng súng rồi phát hiện ông Lê Thanh Vũ, phường đội trưởng, gục chết trong phòng làm việc, bên cạnh có 1 khẩu súng trường bán tự động K63”.


VOV dẫn lời người phát ngôn của Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đã “hoàn tất công tác khám nghiệm hiện trường”, và “đang khẩn trương làm rõ nguyên nhân vụ nổ súng”.


Tối 12/10, VOA Việt Ngữ gọi điện thoại cho bà Trần Thị Bích Liên, người phát ngôn của Ủy ban Nhân dân Quận 11, nhưng bà từ chối cung cấp các thông tin chi tiết về vụ việc.


Bà Liên nói: "Ngày hôm nay tôi đi họp cũng nghe, nhưng mà thôi cái đó đã có cơ quan thông tin trên đài đã có nói rồi. Tôi về cơ quan tôi mới nắm lại được tình hình".


Vụ việc này xảy ra gần hai tháng sau vụ hai lãnh đạo cấp cao, bí thư và chủ tịch, của tỉnh Yên Bái đã bị bắn chết ngay trong phòng làm việc. 


Truyền thông trong nước sau đó đưa tin về nghi can là một người phụ trách kiểm lâm của Yên Bái, người sau đó cũng được cho là tự sát. 


Hiện chính quyền vẫn chưa công bố kết quả điều tra vụ việc từng gây rúng động dư luận này.


Nhận xét về vụ Yên Bái cũng như nhiều thông tin giết chóc bằng súng thời gian qua, luật sư Võ An Đôn từng nói với VOA tiếng Việt:


“Qua báo chí, thông tin đại chúng, tôi thấy tình trạng sử dụng súng ở Việt Nam hiện nay rất là nhiều, bắn chết người rất là nhiều. Riêng vụ Yên Bái liên quan tới quan chức nhà nước thì không nói, nhưng mà ở ngoài xã hội đen, dân chúng sử dụng súng thường xuyên luôn, vì tôi thấy báo chí đăng tin về việc đó rất là nhiều. Tình trạng đó rất là bất an cho người dân. Nó gây hỗn loạn cho xã hội. Bản thân tôi là luật sư, tôi thấy rất là bất an”.


Chưa rõ thống kê số người thiệt mạng vì súng ở Việt Nam trong năm 2015. Tuy nhiên, báo chí Việt Nam thời gian qua đăng tải nhiều bài viết về tình trạng này với những tựa đề như “Cảnh sát ở Sài Gòn nổ súng bắt tên trộm”, “Nổ súng giữa ban ngày rúng động Thanh Hóa”, hay “Trưởng công an xã tới nhà bắn dân”... - VOA

|

|


9.

Formosa góp phần làm giảm GDP của Việt Nam


Thiên tai, vụ ô nhiễm do Formosa gây ra, và xuất khẩu gặp khó khăn đã làm cho chính phủ Việt Nam phải hạ mục tiêu tăng trưởng GDP. Tại một cuộc họp chính phủ hồi đầu tháng 10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói mục tiêu mới của năm 2016 là GDP tăng trong khoảng từ 6,3-6,5%. Các con số này thấp hơn so với mục tiêu 6,7% do Quốc hội đặt ra hồi tháng 11 năm 2015.


Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, một kinh tế gia nổi tiếng ở Việt Nam, phân tích với VOA về các nguyên nhân dẫn đến GDP của Việt Nam tăng chậm hơn kỳ vọng. Ông nói:


“Trước hết là tình hình khô hạn trên diện rộng ở Đồng bằng sông Cửu Long, ở miền Trung Nam Bộ và ở Tây Nguyên, đã gây ra tác động khắc nghiệt đối với nông nghiệp Việt Nam. Nền nông nghiệp Việt Nam đã có tăng trưởng âm, khoảng -0,18%. Thứ hai là vụ Formosa đã tác động hết sức tiêu cực đối với đời sống người dân ở 4 tỉnh miền Trung. Thứ ba là tình hình kinh tế thế giới thì giá các mặt hàng nông sản và giá dầu tiếp tục ở mức thấp, vì vậy cho nên Việt Nam xuất khẩu dầu và xuất khẩu nông sản cũng đều gặp các điều kiện bất lợi”.


Vụ Formosa mà Tiến sỹ Doanh nhắc đến là việc một nhà máy thép ở Hà Tĩnh thuộc tập đoàn Formosa của Đài Loan đã xả chất thải trái phép hồi tháng 4, gây ra thảm họa môi trường ven biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế. Vụ này đã làm tê liệt các hoạt động ngư nghiệp và một phần du lịch của các tỉnh. 


Đến nay dù Formosa đã nhận trách nhiệm và tuyên bố đền bù chính phủ Việt Nam 500 triệu đôla, song các hậu quả vẫn chưa được đánh giá hết trong khi công tác khắc phục vẫn chưa hoàn tất. Đã có nhiều cuộc biểu tình lớn của các ngư dân mất sinh kế hoặc bị ảnh hưởng. Họ đòi đóng cửa nhà máy của Formosa.


Theo số liệu chính thức do chính phủ Việt Nam đưa ra, tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm ước tính đạt 5,93%. Trang web của Văn phòng Chính phủ nói để đạt mục tiêu tăng trưởng của cả năm nay là từ 6,3-6,5%, Thủ tướng Phúc nêu rõ “mục tiêu quý 4 phải nỗ lực phấn đấu đạt mức tăng trưởng từ 7,1-7,3%”.


Báo chí Việt Nam cho hay một trong những biện pháp thúc đẩy mức tăng GDP là chính phủ hồi cuối tháng 9 đã “giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khai thác thêm 1 triệu tấn dầu” trong năm 2016. Nếu tập đoàn “hoàn thành nhiệm vụ này” thì ngân sách nhà nước “sẽ có thêm khoản thu khoảng 350 triệu đôla". Trong năm 2015, ngành dầu khí đứng thứ 4 trong các ngành đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng GDP.


Theo trang tin Năng lượng Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nói trung bình mỗi năm họ chỉ khai thác được khoảng 16 triệu tấn dầu, do đó “nhiệm vụ phải tăng thêm 1 triệu tấn trong năm nay tương đối khó khăn”.


Nói về khả năng đạt được mức tăng GDP trên 7% hay không trong 3 tháng cuối năm, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nhìn vào các yếu tố chính trong nền kinh tế Việt Nam, kể cả vụ Formosa, và đưa ra nhận định như sau:


“Với cái tình hình là gần đây giá dầu có thể tăng lên, điều này có thể là thuận lợi cho Việt Nam đạt được chỉ tiêu đó, sẽ tăng thêm được tốc độ tăng trưởng. Tuy vậy thì các ngành khác, ví dụ gạo hay là cà phê hay những mặt hàng khác thì khó khăn. Đặc biệt là xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đang gặp khó khăn bởi vì dư lượng kháng sinh, và sự thận trọng của các nước nhập khẩu sau khi có vụ Formosa thì làm cho việc xuất khẩu thủy sản của Việt Nam gặp khó khăn hơn”.


Số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy xuất khẩu thủy sản trong 9 tháng đầu năm nay ước đạt 5,1 tỷ đôla. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam hồi cuối năm 2015 đã đặt mục tiêu xuất khẩu thủy sản hơn 7 tỷ đôla trong năm 2016. Hồi năm 2014, Việt Nam xuất khẩu thủy sản đạt kỷ lục gần 8 tỷ đôla.


Tiến sỹ Doanh, người từng là Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng tình hình kinh tế hiện nay đang buộc các nhà lãnh đạo Việt Nam phải tìm cách tháo gỡ những khó khăn. Ông chỉ ra rằng hiện nay Ban chấp hành Trung ương Đảng đang họp hội nghị để “thảo luận tình hình kinh tế, xã hội” và “cải cách thể chế, trong đó có cả sự lãnh đạo của đảng và tổ chức của đảng”. Ông nói “tình hình đã rất cấp bách”, vì vậy ông hy vọng các lãnh đạo đảng sẽ “có các biện pháp toàn diện để tái cơ cấu nền kinh tế và cải cách thể chế”.


Báo chí Việt Nam không đưa tin chi tiết về Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 ngoài việc dẫn lại các thông cáo của đảng. - VOA

No comments:

Post a Comment