Friday, October 21, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 21/10

Tin Thế Giới


1.

Mỹ tiến hành hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông


Tòa Bạch Ốc vừa lên tiếng xác nhận một tàu hải quân Mỹ ngày 21/10 đã di chuyển gần các đảo Trung Quốc nhận chủ quyền ở Biển Đông và nhấn mạnh rằng hoạt động này nhằm bảo vệ quyền của các nước được tự do hàng hải theo luật quốc tế.


“Hoạt động này biểu thị rằng các nước ven biển không được giới hạn một cách bất hợp pháp tự do hàng hải, quyền tự do, cũng như quyền được phép sử dụng biển hợp pháp mà Mỹ và tất cả các nước thực thi theo luật quốc tế,” phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc, Josh Earnest, nhấn mạnh trong cuộc họp báo thường kỳ. - VOA

|

|


2.

Dân Philippines tin Mỹ, hoài nghi Trung Quốc --- Washington làm rõ tuyên bố 'ly khai' Mỹ của Tổng thống ​​Duterte --- Mỹ: ông Duterte có quá nhiều phát biểu đáng ngại


Bất chấp những phát biểu ồn ào của tân Tổng thống Philippines, người dân nước này vẫn ủng hộ việc Philippines nhận viện trợ quân sự của Hoa Kỳ, theo các cuộc thăm dò và các cuộc phỏng vấn tại Philippines mới đây.


Một số công dân Philippines lo ngại về đề nghị của Tổng thống Duterte sẽ tham gia một liên minh với Trung Quốc trong bối cảnh cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước. Nhưng một số người khác tỏ ra sẵn sàng cho Trung Quốc một cơ hội giữa lúc Tổng thống nước họ đi thăm Bắc Kinh trong tuần này để thảo luận vấn đề viện trợ kinh tế cho quốc gia nghèo khó này ở Đông Nam Á. Ông Duterte hôm thứ Năm nói ông sẽ lèo lái nước, tách ra xa Hoa Kỳ về cả phương diện quân sự lẫn kinh tế. 


Ông Duterte tuyên bố như vậy sau khi Hoa Kỳ chỉ trích những vụ hành quyết không qua xét xử trong chiến dịch bài trừ tội phạm ma tuý của ông ở trong nước.


Nhưng kết quả một cuộc khảo sát do viện nghiên cứu bất vụ lợi Social Weather Stations (SWS) thực hiện trong tuần này cho thấy mức độ tin tưởng đối với Hoa Kỳ có lúc tăng tới mức cao nhất từ trước tới nay. 


Hoa Kỳ từng cai trị Philippines như một thuộc địa từ năm 1898 cho tới năm 1946. Nhiều người dân Philippines nói họ vẫn cần tới sự giúp đỡ của Hoa Kỳ, cường quốc đứng đầu các nước Tây phương, chống lại thành phần nổi dậy Hồi giáo và chống tàu bè Trung Quốc lai vãng ngoài khơi bờ biển phía Tây Philippines.


Anh Kirk Nagac, 27 tuổi, đang tìm việc ở thành phố Cagayan de Oro ở miền Nam Philippines, vẫn hướng về Hoa Kỳ để cung cấp cho Philippines các thiết bị quân sự tiên tiến. Anh nói:


“Dùng viện trợ của Mỹ cho Philippines là điều tốt, tôi không biết Tổng thống Duterte có đồng ý như vậy không, nhưng riêng đối với tôi, tôi thấy không có vấn đề gì.”


Về Trung Quốc, thanh niên này nói:


“Tôi không chắc là chúng tôi cần tới Trung Quốc, bởi vì người Mỹ đang giúp nước chúng tôi.”


Theo Viện nghiên cứu Social Weather Stations, 76% người Philippines đặt niềm tin của họ vào Hoa Kỳ, trong khi 22% tin tưởng vào Trung Quốc. Mức độ tin tưởng dành cho Hoa Kỳ đã tăng trong năm nay cho tới thời điểm này, theo viện nghiên cứu SWS.


Ông Duterte từng tuyên bố cuộc diễn tập quân sự hỗn hợp với Mỹ trước đây trong tháng sẽ là cuộc diễn tập cuối cùng giữa hai nước. Ông đã yêu cầu các cố vấn Mỹ, sau 14 năm, ngưng yểm trợ các lực lượng quân sự Philippines đang chiến đấu chống các phần tử nổi dậy Abu Sayyaf ở vùng Tây-Nam bán đảo Philippines.


Nỗ lực của ông Duterte muốn thực thi một chính sách đối ngoại ‘độc lập’ hơn là điều hợp lý, nhưng đẩy người Mỹ ra xa có nguy cơ phản tác dụng, theo nhận định của ông Carl Baker, Giám đốc chương trình của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (CSIS). Ông Baker cảnh giác nhà lãnh đạo Philippines:


“Ông Duterte có rủi ro đánh mất sự hậu thuẫn của một số đông thành phần có thế lực ở Philippines vốn có quan hệ lâu năm với Hoa Kỳ, cả trong cộng đồng quốc phòng lẫn trong giới doanh thương. Tôi nghĩ ông ấy thật sự cần giảm tốc một chút, và tham khảo ý kiến của chính nhân dân của ông.”


Người Philippines ủng hộ viện trợ Mỹ bởi vì Hoa Kỳ là cường quốc số 1 thế giới về mặt quân sự, và cũng là một nền dân chủ như Philippines. Trang mạng cung cấp các dữ liệu nghiên cứu Globalfirepower.com đánh giá quân đội Mỹ là lực lượng quân sự hùng mạnh nhất thế giới, trong khi quân đội Philippines được xếp hạng thứ 51.


Hoa Kỳ cũng giành được sự ủng hộ của nhiều người bằng cách hoạt động trong hậu trường, thể theo yêu cầu của Các Lực lượng Vũ trang Philippines, thay vì triển khai binh sĩ công khai là điều có thể gây bức xúc cho Philippines trong bối cảnh hiện nay, vì sự can thiệp quá lộ liễu có thể khiến Philippines cảm thấy như thể còn là một thuộc địa của Mỹ.


Washington và Manila đã ký Hiệp định Phòng vệ Hỗ tương vào năm 1951, theo hiệp định này mỗi bên phải nhảy vào yểm trợ nếu nước kia bị tấn công bởi một quốc gia thứ 3.


Hai năm về trước, hai nước ký kết Hiệp ước Tăng cường Hợp tác Quốc phòng cho phép Mỹ luân phiên đưa binh sĩ tới tham gia các cuộc tập trận hỗn hợp để chuẩn bị đối phó với các vụ xâm nhập lãnh hải của Trung Quốc.


Ông Duterte trong chuyến công du tới Bắc Kinh tuần này, nói với đài truyền hình nhà nước Trung Quốc hôm thứ Tư rằng Trung Quốc là “niềm hy vọng duy nhất về kinh tế cho Philippines.”


Hôm qua, thứ Năm 20/10 ông Duterte cam kết sẽ “dựa vào Trung Quốc trong một thời gian lâu dài”, đồng thời tuyên bố ông đã đổi lập trường để đi theo dòng tư tưởng và ý thức hệ Trung Quốc. 


Hai nước theo dự kiến sẽ ký các thoả thuận trị giá hơn 13 tỉ đôla, theo truyền thông Philippines. Hai bên còn đồng ý đặt sang một bên cuộc tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ trong Biển Đông.


Trung Quốc đã hối thúc hai bên mở đối thoại từ khi Bắc Kinh thua kiện sau phán quyết của Toà Trọng tài Liên Hiệp Quốc hồi tháng Bảy. Tổng thống tiền nhiệm của Philippines, ông Benigno Aquino, đã nạp hồ sơ khiếu kiện Trung Quốc và yêu cầu toà án quốc tế phân xử để ngăn chận tàu bè Trung Quốc đi lại trong vùng đặc quyền kinh tế của nước ông, trong phạm vi 200 hải lý cách bờ biển Philippines.


Người dân Philippines nói họ không tin tưởng vào các quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc vì cuộc tranh chấp lãnh hải giữa hai bên kéo dài đã 4 năm nay, xâm phạm lãnh hải ngoài khơi bờ biển phía Tây Philippines nơi Manila tuyên bố chủ quyền tại quần đảo Trường Sa. Trong khi đó, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hầu hết Biển Đông, bao gồm cả khu đặc quyền kinh tế của Philippines. - VOA


***

Mỹ cho biết sẽ làm rõ về tuyên bố "ly khai" Mỹ của Tổng thống Philippines.


Ông Rodrigo Duterte đưa ra tuyên bố này ở Trung Quốc hôm 20/10 tại một diễn đàn kinh tế và nói rằng việc ly khai cụ thể trong lĩnh vực quân sự và hợp tác kinh tế.


Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho biết lời tuyên bố trên "mâu thuẫn" với "mối quan hệ gần gũi" giữa hai nước.


Đây không phải lần đầu tiên ông Duterte đề cập chuyện tách xa khỏi Mỹ.


Nhưng hôm 17/10, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Philippines Ramon Lopez nói với BBC rằng nước này sẽ không dừng hợp tác thương mại và đầu tư với Mỹ.


"Chúng tôi vẫn đang duy trì quan hệ với phương Tây, nhưng chúng tôi đang giảm sự phụ thuộc quá mức", ông Lopez, người đang trong đoàn tùy tùng của ông Duterte ở Bắc Kinh, nói.


Quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines xấu đi vì vụ tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, sau khi tòa Trọng tài quốc tế đứng về phía Manila và bác yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh.


Hôm 20/10, hai nước cho biết sẽ khởi động lại cuộc đối thoại để giải quyết tranh chấp.


Dù từng mạnh miệng về Bắc Kinh trong chiến dịch tranh cử, ông Duterte chuyển sang giọng điệu hòa hoãn hơn sau khi lên nắm quyền tháng 6/2016.


Ông Duterte gần đây cũng cho biết sẽ chấm dứt cuộc tập trận chung với Hoa Kỳ.


'Cách duy nhất'


Ông cũng đả phá Washington vì chỉ trích chiến dịch bài trừ ma túy liên quan cái chết của hàng nghìn nghi phạm và dùng từ thô tục để nói Tổng thống Obama.


Hôm 20/10, ông nói trước các doanh nhân Trung Quốc và Philippines: "Tôi tuyên bố ly khai khỏi Mỹ cả về hợp tác quân sự, xã hội, kinh tế. Nước Mỹ đã thua." 


"Tôi đổi lập trường để đi theo ý thức hệ của quý vị, và có thể tôi cũng sẽ đến Nga để thảo luận với [Tổng thống Vladimir] Putin, và nói với ông ấy rằng bây giờ có ba nước cùng chống lại thế giới: Trung Quốc, Philippines và Nga."


"Đó là cách duy nhất", ông Duterte nói.


Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói rằng Mỹ "bối rối bởi lời tuyên bố này" và Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Russel sẽ đến Manila cuối tuần này để tìm lời giải thích.


"Chúng tôi cần lời giải thích chính xác những gì tổng thống Philippines muốn diễn đạt khi ông nói về việc tách khỏi Mỹ", ông Kirby nói phóng viên.


Trong chuyến thăm Trung Quốc, ông Duterte dẫn theo một đoàn tùy tùng đông đảo doanh nhân và các nhà ngoại giao. 


Giao thương giữa hai nước đang được kỳ vọng sẽ thúc đẩy lượng du khách Trung Quốc đến Philippines và tăng xuất khẩu thực phẩm Philippines đến Trung Quốc.


Bộ trưởng Lopez cho hay các thỏa thuận vừa ký có tổng trị giá tới 13,5 tỷ đôla.


Ông Duterte cũng cho biết về kế hoạch mua vũ khí và tàu thuyền từ Trung Quốc. - BBC


***

Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte, đã đưa ra quá nhiều lời phát biểu gây quan ngại biểu hiện sự không chắc chắn về mối quan hệ của nước này với Hoa Kỳ và trái ngược với mối quan hệ đồng minh hai nước, theo tuyên bố của Tòa Bạch Ốc tuyên bố ngày 20/10.


"Trong vài tháng qua, chúng ta đã thấy quá nhiều những bình luận công khai từ Tổng thống Duterte,” người phát ngôn Tòa Bạch Ốc, Josh Earnest, nói với báo giới tại cuộc họp báo thường kỳ.


“Và mức độ thường xuyên của luận điệu đó càng làm tăng thêm yếu tố không chắc chắn cho mối quan hệ của chúng ta mà cũng không thăng tiến lợi ích của bên nào cả, ” ông Earnest nhấn mạnh. - VOA

|

|


3.

Miền tây Nhật Bản rung chuyển vì động đất


Một trận động đất mạnh đã xảy ra tại miền tây Nhật Bản.


Trận động đất đo được 6,6 độ Richter ở độ sâu 10 kilômét xảy ra chiều ngày thứ Sáu, giờ địa phương, tại Tottori, một tỉnh nằm bên Biển Nhật Bản. 


Trận động đất tạo ra những rung chuyển mạnh và khiến hàng ngàn hộ bị mất điện, theo lời ông Koji Nakahara, một viên chức thị trấn Hokuel tại vùng duyên hải.


Chưa có báo cáo tức thì về số thương vong hay thiệt hại vật chất.


Các chuyên gia khí tượng nói không có nguy cơ xảy ra sóng thần. - VOA

|

|


4.

Nga biểu dương lực lượng, phái đội tàu mạnh nhất sang Syria


Việc Nga triển khai lực lượng hải quân hùng hậu nhất từ nhiều năm nay đã khơi lên nhiều nghi vấn giữa lúc đoàn tàu đi ngang Na-Uy qua eo biển Manche giữa Anh và Pháp, trên đường tiến về Địa Trung Hải để hỗ trợ cho chiến dịch không kích của Nga ở Syria.


Hải quân Hoàng gia Anh đi theo khi đoàn tàu Nga băng qua eo biển Manche hôm thứ Sáu 21/10, trong một động thái được cho là một thách thức để dò phản ứng của các nước thành viên NATO, tức liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương.


Ông Victor Mizin, một nhà phân tích chính trị tại Viện Quan hệ Quốc tế Đại học Moscow nhận định:


“Tại Nga, người dân nói chung có cảm giác rằng nước họ một lần nữa lại được coi là một cường quốc, và có mặt ở khắp mọi nơi.”


Ông nói đó là lý do vì sao hạm đội phương Bắc, có lẽ là hạm đội quan trọng nhất của quân lực Nga, đang tiếp tục hiện diện tại đó. 


Hạm đội phương Bắc được dẫn đường bởi tàu ‘Đô Đốc Kuznetsov’, tàu sân bay duy nhất của Nga, tuần dương hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân ‘Peter Đại Đế’, một tàu khu trục và nhiều tàu chống tàu ngầm. 


Đội tàu chiến hùng hậu của Nga đang chạy về hướng biển Địa Trung Hải trong khuôn khổ chiến dịch quân sự của Moscow để hậu thuẫn chính quyền Syria.


Trang mạng của hải quân Nga hôm thứ Sáu 21/10 cho biết đội tàu này sẽ là một bộ phận của lực lượng hải quân thường trực tại khu vực phía Đông Địa Trung Hải, có nhiệm vụ yểm trợ các lực lượng Nga và Syria trong chiến dịch dội bom phe nổi dậy và các phần tử chủ chiến Hồi giáo.


Hải quân Nga cho hay cuộc triển khai này dự kiến kéo dài 4 hoặc 5 tháng trước khi tàu sân bay Kuznetsov trở về cảng để được sửa chữa.


Một nhà ngoại giao NATO nói với hãng tin Reuters rằng đây là đợt triển khai lực lượng quy mô nhất của Nga tính từ khi chấm dứt Chiến tranh Lạnh.


Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã bày tỏ quan ngại rằng tàu sân bay ‘Đô Đốc Kuznetsov’ có thể tham gia các cuộc tấn công vào Aleppo, và tăng mức độ gian khổ của người dân tại đây.


Các nhà phân tích Nga nói đội tàu này không tăng hoả lực cho các lực lượng Nga bao nhiêu. Quyết định triển khai đội tàu, theo họ, chỉ nhằm mục đích huấn luyện và là một hành động biểu dương lực lượng đối với phương Tây và cả với các đồng minh của Nga. - VOA

|

|


Tin Hoa Kỳ


5.

Ông Trump cam kết chấp nhận kết quả bầu cử ‘nếu ông thắng’ --- Obama: Bình luận của Trump 'nguy hiểm' --- Clinton và Trump chế giễu nhau trong tiệc từ thiện


Ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump ngày hôm qua cam kết ông sẽ chấp nhận kết quả cuộc bầu cử vào ngày 8 tháng 11 tới, với điều kiện là ông đắc cử. Ông Trump tuyên bố như vậy một ngày sau cuộc tranh luận tổng thống lần thứ ba và cũng là lần cuối cùng với ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton và tiếp theo những cáo buộc của ông là cuộc bầu cử sắp tới gian lận, bất lợi cho ông.


Ngày hôm qua ông Donald Trump tiếp tục vận động tranh cử tại tiểu bang Ohio nơi hai đối thủ đang cố vận động sự ủng hộ của cử tri. Ông Trump nói với những người ủng hộ ông:


“Tôi hứa với cử tri và những người ủng hộ tôi cũng như nhân dân Mỹ là tôi sẽ hoàn toàn chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử tổng thống vĩ đại và lịch sử này, nếu tôi đắc cử.”


Phát biểu này được đưa ra sau một cuộc tranh luận gây chú ý trên toàn thế giới, trong đó ký giả Chris Wallace, người chủ trì buổi tranh luận, hỏi ông Trump liệu ông có tiếp tục truyền thống của nước Mỹ chấp nhận kết quả bầu cử dù thắng hay bại hay không. Câu hỏi này đã đưa đến cuộc đấu khẩu giữa ông Trump và bà Clinton.


Ký giả Wallace: “Thông thường, người thua phải công nhận thất cử và chúc mừng người đắc cử, cả nước đoàn kết với nhau vì quyền lợi của quốc gia. Ông có chắc là ông không sẵn sàng cam kết sẽ tôn trọng nguyên tắc này?”


Ông Trump trả lời:


“Tôi muốn nói, tôi sẽ cho biết khi đến lúc đó. Tôi muốn mọi người phải hồi hộp.”


Bà Hillary Clinton phản ứng:


“Chris, hãy để tôi trả lời câu hỏi này vì đây là một việc tệ hại. Mỗi khi ông Trump nghĩ rằng mọi sự không đi theo ý của ông, thì bất cứ chuyện đó là chuyện gì, ông Trump lập tức cho là có gian lận, bất lợi cho ông.”


Ông Trump từ chối, không cam kết sẽ tôn trọng kết quả bầu cử dù cho lập trường đó làm xấu đi liên hệ giữa ông với một số đảng viên đảng Cộng hòa, vốn lo ngại về những kết quả các cuộc thăm dò dư luận, cho thấy mức ủng hộ dành cho ông Trump đang sút giảm và có thể khiến các ứng cử viên đảng Cộng hòa giành ghế tại quốc hội gặp nguy cơ thất cử.


Ông John Feehery, chiến lược gia đảng Cộng hòa nói:


“Hầu hết các cuộc thăm dò cho thấy trong thành phần cử tri từ lâu vẫn ủng hộ đảng Cộng hòa, sự ủng hộ dành cho ông Trump vẫn mạnh mẽ, trong khi đó thành phần quan chức cốt cán của Đảng Cộng hoà có thể nhìn tình hình từ bên ngoài, đưa đến một số bất đồng quan điểm. Sự thể này đã giúp bà Hillary Clinton, người đang tìm cách không gây sự chú ý, và tiếp tục vận động tranh cử.”


Từ sau cuộc tranh luận lần nhất vào cuối tháng 9 vừa qua, mức ủng hộ dành cho ông Trump đã giảm. Ông Trump giờ thua bà Clinton 7 điểm trong các cuộc thăm dò toàn quốc.


Ông Matthew Dallek, thuộc Trường đại học George Washington nói dù giới ủng hộ ông Trump ca ngợi ông trong các cuộc tranh luận và mạnh mẽ chỉ trích bà Clinton nhưng tính khí bất nhất của ông đã trở thành một vấn đề quan tâm.


Ông Dallek: “Trong cuộc bầu cử này, các cuộc tranh luận có ảnh hưởng lớn, và càng quan trọng hơn so với các cuộc bầu cử trước đây, một phần vì cả hai ứng cử viên đều không được cử tri ưa thích. Vấn đề lớn đối với ông Donald Trump là tính khí của ông, còn đối với bà Clinton, thì đó là mức độ khả tín của bà.”


Giờ các cuộc tranh luận đã kết thúc, cả hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ đang tập trung vận động lá phiếu của cử tri, và kêu gọi họ đi đầu phiếu trong khi chỉ còn một vài tuần nữa là tới ngày bầu cử. 


Cử tri tại hơn 30 tiểu bang đã bỏ phiếu sớm, kể cả cử tri ở tiểu bang Tennessee. - VOA


***

Tổng thống Barack Obama nói việc ứng viên Cộng hòa Donald Trump bình luận rằng ông không chấp nhận kết quả bầu cử là "nguy hiểm".


Phát biểu tại một sự kiện để hậu thuẫn cho ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton tại Miami, tổng thống nói bình luận của ông Trump phương hại tới nền dân chủ Hoa Kỳ.


Trong cuộc tranh luận cuối cùng với bà Clinton, ông Trump từ chối nói liệu ông sẽ chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử vào ngày 8/11 hay không.


Sau đó ông nói rằng ông sẽ chấp nhận một kết quả ''rõ ràng'' nhưng bỏ ngỏ khả năng khiếu kiện.


Phát biểu tại Ohio hôm thứ Năm, ông Trump vừa nói vừa cười: "Tôi muốn hứa và cam kết với tất cả cử tri và ủng hộ viên của tôi cũng như tất cả người dân Mỹ, rằng tôi sẽ hoàn toàn chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử tổng thống lịch sử và vĩ đại này - nếu tôi thắng."


Trong bài phát biểu, ông nói ông sẽ chấp nhận một kết quả rõ ràng nhưng bảo lưu quyền đâm đơn trong trường hợp có vấn đề cần làm rõ.


Vài giờ sau, tổng thống nói rằng gieo rắc mầm mống nghi ngờ về tính chính danh của bầu cử Hoa Kỳ tạo đà cho kẻ thù của đất nước.


Ông Trump bị nhiều người trong chính đảng của ông chỉ trích khi nói ông có thể không chấp nhận kết quả bầu cử.


Ông Trump trong nhiều ngày nói cuộc bầu cử có những vấn đề gây bất lợi cho ông do truyền thông thiên vị và gian lận trong cử tri.


Trong cuộc tranh luận hôm thứ Tư với bà Clinton, khi người dẫn chương trình Chris Wallace hỏi ông Trump liệu ông sẽ chấp nhận kết quả thua bà Clinton hay không, ứng viên Cộng hòa nói ông sẽ cho ông "dài cổ mà chờ". 


Người phụ trách chiến dịch vận động của ông Trump, Kellyanne Conway, sau đó nói rằng ứng viên Trump muốn nói là ông sẽ không chấp nhận thua cho tới khi "thực sự biết được kết quả". - BBC


***

Hai đối thủ Hillary Clinton và Donald Trump chế giễu nhau tại bữa tiệc tối từ thiện, một ngày sau cuộc tranh luận cuối.


Bà Clinton mỉm cười khi ông Trump nói đùa về những bài diễn thuyết mà bà được trả rất nhiều tiền và cuộc điều tra của FBI về email cá nhân của bà.


Nhưng ông đã bị la ó khi nói đùa rằng bà ghét người Công giáo.


Bữa tiệc tối của quỹ Alfred E Smith Memorial Foundation được tổ chức hàng năm ở New York là dạ tiệc buộc khách thắt cà vạt trắng và cứ bốn năm lại có sự hiện diện đặc biệt của các ứng cử viên tổng thống.


Có một truyền thống là các đối thủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng đứng lên và nói đùa về nhau.


Nhưng năm nay, công chúng không thể quên các ứng viên đã không ngừng công kích nhau trước đó.


Trong cuộc tranh luận cuối cùng đêm 19/10 tại Las Vegas, ông Trump gọi đối thủ Dân chủ là "phụ nữ kinh tởm" và cả hai đều ngắt lời lẫn nhau. Họ từ chối bắt tay trước và sau sự kiện.


Ông từng đặt biệt danh cho bà là "Hillary gian trá" và ông còn đe dọa sẽ bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt để bỏ tù bà nếu ông trở thành tổng thống.


Bà Clinton nhận định đối thủ đảng Cộng hòa đang tiến hành một "chiến dịch hận thù, gây chia rẽ" và không thích hợp cho chức danh ông chủ Nhà Trắng.


Nhưng tại sự kiện New York, họ tạm gác những khác biệt của họ sang một bên và chỉ ngồi cách nhau một ghế, với Hồng Y Timothy Dolan ngồi giữa.


Khi bước vào khán phòng, họ không bắt tay hay nhìn thẳng vào mắt nhau, nhưng khi ông Trump đứng lên nói, ông thân thiện vỗ nhẹ vào vai bà.


'Gây chiến'


Ông nói đùa rằng đám đông này - khoảng 1.500 người - chưa phải là khán giả lớn nhất của bà.


Khán phòng la ó khi ông Trump liên hệ bà với Clinton với vụ Watergate, nhắc lại các email bị hack trong chiến dịch của bà và ông nói bà "giả vờ không ghét người Công giáo". Đó là một trong lúc nụ cười tắt trên gương mặt bà Clinton.


Có lẽ câu nói đùa vui nhất của Trump là khi ông nhắc lại bài phát biểu của vợ mình bị cho là đạo ý tưởng diễn văn của Đệ nhất phu nhân Michelle Obama hồi tháng 7/2016.


Sau đó, đến phiên mình, bà Clinton nói rằng nếu ông Trump thắng cử, ông sẽ trở thành "tổng thống đầu tiên gây chiến trên Twitter với ca sĩ Cher".


Bà còn nói đùa: "Tôi phải nghe Donald Trump nói trong suốt ba cuộc tranh luận... Bây giờ tôi đứng cạnh Donald Trump còn lâu hơn bất kỳ nhà quản lý chiến dịch của ông ấy."


"Sau khi nghe ông nói chuyện, tôi sẽ thích nghe Mike Pence [ứng viên phó tổng thống của Trump] phủ nhận những gì ông nói."


Và ông Trump đùa: "Đêm qua, tôi gọi Hilary một người phụ nữ kinh tởm, nhưng điều đó còn tùy vào ngữ cảnh."


"Bây giờ tôi khuyên Hillary hãy đi xưng tội trước khi dự sự kiện tối nay, nhưng vị linh mục bối rối khi hỏi bà về tội lỗi của bà, và bà nói rằng không thể nhớ được 39 lần." - BBC

|

|


6.

Có thể đặt mua đồ ăn qua Facebook


Công ty Facebook loan báo người sử dụng tại Mỹ có thể đặt mua thức ăn qua các trang nhà hàng ẩm thực trên Facebook bắt đầu từ ngày 19/10, một phần trong nỗ lực của mạng xã hội này muốn kết nối khách hàng với doanh nghiệp.


Người sử dụng cũng có thể được doanh nghiệp báo giá, mua vé xem phim, và đặt hẹn tại các tiệm làm đẹp, Facebook cho hay hôm nay.


Trước đây trong tháng, Facebook khai trương “Marketplace”, tạo điều kiện cho mọi người mua-bán với nhau.


Hôm 19/10, Facebook cũng cho biết sẽ bổ sung thêm một tính năng nữa gọi là “đề nghị” (recommendations), cho phép người dùng chia sẻ những gợi ý, đề nghị, hoặc giới thiệu với nhau về các sản phẩm hay các quán ăn ngon.


Facebook hiện có khoảng 1,7 tỷ người sử dụng thường xuyên hằng tháng. - VOA

|

|


Tin Việt Nam


7.

Danh sách dự án có nguy cơ gây ô nhiễm cao toàn các 'tên tuổi'


Bộ Công thương Việt Nam vừa công bố danh sách các công ty có nguy cơ gây ô nhiễm, trong đó có 7 dự án, nhà máy thuộc các tập đoàn “tên tuổi” của Việt Nam như tập đoàn điện lực, dầu khí, than-khoáng sản, thép…


Theo chỉ thị được công bố trên báo chí hôm 21/10, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã yêu cầu Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp theo dõi, đôn đốc và báo cáo về những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, đồng thời công bố danh sách 7 dự án, nhà máy được coi là “có nguy cơ cao”. Danh sách bao gồm một số nhà máy thuộc các tập đoàn Điện lực Việt Nam, tập đoàn Dầu khí Việt Nam, dự án Alumin Nhân Cơ – Đắk Nông và một số dự án mỏ sắt, khai thác đồng của tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam, tập đoàn Hóa chất Việt Nam, công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên của Tổng công ty thép Việt Nam, khu công nghiệp của tập đoàn Dệt may Việt Nam, và nhà máy giấy Bãi Bằng của Tổng công ty Giấy Việt Nam. 


Chứng tỏ "thiện ý thực sự"


Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, nói bà “rất hoan nghênh” việc làm trên của Bộ Công thương. Bà nói bà hy vọng Bộ này cùng các bộ, ngành liên quan sẽ cho công chúng thấy một “thái độ thiện ý thực sự bằng những quyết định tiếp theo” trong việc giám sát, đánh giá một cách nghiêm ngặt tất cả các dự án, “chứ không chỉ dừng lại ở việc công bố rồi lại bỏ qua hết cả”.


Bà Lan nói: “Nếu như chính phủ và các bộ liên quan, như Bộ Công thương và các bộ khác, cũng ráo riết làm các việc kiểm tra, lên danh sách, đánh giá lại tất cả các vấn đề về tác động môi trường của các dự án đó có thể gây ra, và những yêu cầu nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường mà các dự án bắt buộc phải thực hiện, từ đấy tính toán lại, vậy thì với chi phí phải bảo vệ môi trường bỏ ra, thì những dự án như vậy liệu có còn khả thi hay không, hay lại gây ra những đầu tư quá lớn và tốn kém cho xã hội, để rồi có quyết định khác. Ví dụ như dừng hẳn lại hoặc lùi lại để bao giờ có điều kiện tốt hơn hoặc nhu cầu thực sự cần thiết hơn thì hãy làm. Tôi nghĩ nếu làm tới được như vậy thì rất tốt”.


Giải thích tại sao danh sách công bố bao gồm toàn những tên tuổi của tập đoàn được xem là những “ông lớn” của nền kinh tế Việt Nam, bà Phạm Chi Lan cho rằng ngoài những cơ chế bất cập trong toàn bộ quá trình từ cấp phép đầu tư cho đến giám sát, còn tồn tại cả yếu tố “ưu ái”, “thiên vị”. Bà nói trên thực tế, có thể thấy các thanh tra về môi trường khi đi giám sát, xử lý các doanh nghiệp nhỏ thường hay “gây khó khăn” cho các doanh nghiệp này, thế nhưng lại có phần ưu ái “bỏ qua” cho các sai phạm lớn của các dự án do “các ông lớn” làm. Bà nói thêm:


“Cái cách lâu nay chiều chuộng và nương nhẹ đối với các công ty lớn là vẫn thường xảy ra. Chính vì thế nên mới có chuyện Formosa, mới có chuyện như Vedan trước đây hoặc nhà máy Lilama của đầu tư nước ngoài. Còn đầu tư trong nước thì ngay chính xã hội cũng thấy không ít trường hợp bản thân các doanh nghiệp lớn cũng có thể gây ô nhiễm rất cao, hoặc thực tế đã gây ô nhiễm rồi nhưng lại được bỏ qua, không tính tới”.


Không cần nhận bừa dự án


Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, đã đến lúc Việt Nam không cần phải nhận bừa bất cứ dự án đầu tư phát triển nào, mà chỉ nên chọn những dự án thân thiện với môi trường, như lời cam kết của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là “không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế”:


“Vả lại trên thực tế, nguồn lực rất có hạn của Việt Nam không cho phép cứ lao đầu vào làm quá nhiều dự án lớn nữa, kể cả với cách tiếp nhận đầu tư nước ngoài. Hướng đầu tư nước ngoài thì Việt Nam bây giờ cũng đã vào cái thế, vị trí cần phải chọn lựa đầu tư nước ngoài rồi. Chọn lựa những lĩnh vực nào thực sự thiết yếu và có khả năng mang lại hiệu quả cao cho nền kinh tế, chứ không chọn lựa những dự án to về quy mô nhưng lại gây ô nhiễm môi trường kiểu như Formosa, cũng không để cho các nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng việc Việt Nam cần hoặc mong muốn đầu tư nước ngoài rồi lại đưa những chất thải, xác thải công nghệ vào Việt Nam hoặc đưa những ô nhiễm của các dự án đó vào Việt Nam”.


Với cam kết của chính phủ và tiếng nói từ công luận, chuyên gia Phạm Chi Lan hy vọng Việt Nam sẽ đề ra các quyết định phù hợp với nguyện vọng của người dân và không chọn các dự án gây tổn hại cho môi trường. Tuy nhiên, cựu thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng cũng lưu ý về khả năng các nhóm lợi ích sẽ vì quyền lợi riêng mà quyết tâm đưa vào các dự án lớn, với lý do “Việt Nam cần phát triển, cần tăng trưởng”. - VOA

|

|


8.

Nước mắm Việt vẫn an toàn? --- Bí thư Kiên Giang 'vào cuộc' sau tranh cãi nước mắm có asen


Sau khi Hội Tiêu Chuẩn và Bảo Vệ Người Tiêu Dùng (VINASTAS) công bố kết quả khảo sát cho thấy gần 70% mẫu nước mắm có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng, một cuộc tranh luận đã bùng ra trên truyền thông Việt Nam về việc liệu nước mắm của Việt Nam có còn an toàn hay không.


VINASTAS công bố kết quả khảo sát nước mắm ngày 17/10 trong đó cho thấy toàn bộ 150 mẫu nước mắm đóng chai của 88 nhãn hiệu được lấy mẫu trên thị trường có chứa hàm lượng asen tổng hợp – tức thạch tín – cao hơn mức cho phép.


Theo trang web của VINASTAS, chương trình khảo sát nước mắm này là một phần trong chiến dịch “An toàn thực phẩm cho người tiêu dùng” được phát động đầu năm nay. Tuy nhiên, công bố này đã gây ra những tranh cãi về tính xác thực của cuộc khảo sát. Theo truyền thông trong nước đã có những câu hỏi được nêu lên về động cơ của VINASTAS là gì.


Vụ trưởng vụ pháp chế của Bộ Y Tế Nguyễn Huy Quang cho VOA Việt Ngữ biết về điều gây tranh cãi trong nghiên cứu này:


"Theo quy chuẩn của bộ Y Tế ban hành, với hàm lượng asen hữu cơ thì an toàn cho người sử dụng, còn asen vô cơ mới không bảo đảm an toàn. Ở đây có vấn đề là công bố đấy không minh bạch rõ ràng vì vượt quá đây là asen hữu cơ ở trong nước mắm sản xuất truyền thống từ lâu đời của Việt Nam thì an toàn cho người sử dụng. Nhưng không phát hiện ra mẫu nào có hàm lượng kim loại nặng là asen vô cơ."


Ông Quang cho biết thạch tín hữu cơ an toàn cho người sử dụng trong khi thạch tín vô cơ thì không và sự mập mờ trong việc công bố này đã gây hiểu nhầm trong dư luận quần chúng và người tiêu dùng.


Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới, thạch tín vô cơ có nồng độ độc tố cao và nếu bị phơi nhiễm với chất này trong 1 thời gian dài qua nước uống và đồ ăn có thể gây ung thư và các bệnh về da. Nó cũng được cho là có liên quan đến những dị tật phát triển, bệnh tim mạch, nhiễm độc thần kinh và bệnh tiểu đường.


Theo ghi nhận của báo Người Lao Động ngày 19/10, việc tiêu thụ nước mắm trên thị trường trong nước đã chậm lại. Trong khi đó theo VietNamNet đưa tin, 5 hiệp hội nước mắm đã kiến nghị lên thủ tướng chính phủ về thông tin nước mắm chứa arsen gây thiệt hại cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Lãnh đạo 5 hiệp hội, trong đó có Hội Lương Thực Thực Phẩm TpHCM và Hiệp Hội Chế Biến và Xuất Khẩu Thủy Sản Việt Nam, đã kiến nghị thủ tướng chỉ đạo kiểm tra và đánh giá mức độ gây thiệt hại của thông tin mà VINASTAS công bố đối với ngành sản xuất nước mắm truyền thống trong nước.


Ông Quang của bộ Y Tế giải thích thêm về sự việc này:


"(Hội) công bố khảo sát này với mục đích gì? Có đúng với tôn chỉ mục đích của hội người tiêu dùng không hay khảo sát này lại do một doanh nghiệp nước mắm công nghiệp (tài trợ). Nên nó tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường Việt Nam."


Hàng năm, người Việt Nam tiêu thụ khoảng 200 triệu lít nước mắm nhưng chỉ có khoảng 50 triệu lít được sản xuất theo phương pháp truyền thống. Phần còn lại là sản xuất theo phương pháp công nghiệp trong đó tinh chất của cá được trộn với các loại phụ gia và chất bảo quản. Một số nhãn hàng nước mắm truyền thống trong nước như Mắm Phú Quốc đã xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.


Tuy nhiên, VINASTAS đã lên tiếng phủ nhận những cáo buộc cho rằng hội đã dùng tiền của doanh nghiệp để tiến hành khảo sát này. Phó tổng thư ký hội Vương Ngọc Tuấn khẳng định với ZingNews rằng khảo sát được thực hiện đúng quy trình và khách quan và muốn đưa đến người tiêu dùng những thông tin đầy đủ hơn về thành phần dinh dưỡng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nước mắm hiện nay ở Việt Nam.


Để trấn an dư luận, bộ Y Tế đang tiến hành thanh tra và kiểm tra độc lập các mẫu nước mắm trên thị trường hiện nay. Theo tiến sĩ Quang cho biết, bộ dự định công bố kết quả kiểm tra vào ngày 22/10. - VOA


***

Bí thư Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị vừa 'vào cuộc' sau tranh cãi về việc nước mắm Phú Quốc truyền thống có hàm lượng asen (thạch tín) cao hơn ngưỡng cho phép. 


Đảo Phú Quốc, nơi người dân có truyền thống sản xuất nước mắm nhiều đời nay, là đơn vị huyện thuộc tỉnh Kiên Giang.


Ông Nguyễn Thanh Nghị, con trai cả của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, làm Bí thư tỉnh Kiên Giang từ tháng 10/2015.


Hôm 18/10, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng (Vinastas) công bố trên website của họ: "Chỉ có 25 trong tổng số 150 mẫu nước mắm được lấy thử nghiệm (tương ứng 16,67%) đạt theo TCVN 5107:2003, 104 (69%) mẫu nước mắm không đạt chỉ tiêu về asen (thạch tín) - một loại á kim cực độc."


Vinastas cũng đưa ra một danh sách, theo đó đa số các loại nước mắm làm theo phương pháp truyền thống có hàm lượng đạm cao cũng chứa nhiều asen hơn nước mắm công nghiệp, tức nước mắm pha loãng với hóa chất.


Tuy sau đó, có nhiều ý kiến phản biện nói rằng asen trong nước mắm truyền thống là asen hữu cơ, không độc hại, thông tin nói trên vẫn gây ra những ảnh hưởng nhất định về tâm lý đối với người tiêu dùng.


Bí thư Nguyễn Thanh Nghị được VietnamNet dẫn lời nói: "Nước mắm Phú Quốc là sản phẩm rất nổi tiếng của Kiên Giang, được hỗ trợ bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Liên minh châu Âu".


Hôm 18/10, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng (Vinastas) công bố trên website của họ: "Chỉ có 25 trong tổng số 150 mẫu nước mắm được lấy thử nghiệm (tương ứng 16,67%) đạt theo TCVN 5107:2003, 104 (69%) mẫu nước mắm không đạt chỉ tiêu về asen (thạch tín) - một loại á kim cực độc."


Vinastas cũng đưa ra một danh sách, theo đó đa số các loại nước mắm làm theo phương pháp truyền thống có hàm lượng đạm cao cũng chứa nhiều asen hơn nước mắm công nghiệp, tức nước mắm pha loãng với hóa chất.


Tuy sau đó, có nhiều ý kiến phản biện nói rằng asen trong nước mắm truyền thống là asen hữu cơ, không độc hại, thông tin nói trên vẫn gây ra những ảnh hưởng nhất định về tâm lý đối với người tiêu dùng.


Bí thư Nguyễn Thanh Nghị được VietnamNet dẫn lời nói: "Nước mắm Phú Quốc là sản phẩm rất nổi tiếng của Kiên Giang, được hỗ trợ bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Liên minh châu Âu". - BBC

|

|


9.

Thúc đẩy quan hệ Việt-Trung là 'lựa chọn chính trị của VN'


Thường trực Ban Bí thư Đảng CSVN Đinh Thế Huynh nói rằng việc tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia chính là chiến lược nhất quán, là lựa chọn chính trị của Việt Nam và của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hoàn cầu Thời báo tường thuật về nội dung buổi tiếp đón của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đối với vị khách Việt Nam.


Tại buổi tiếp ông Huynh hôm thứ Năm 20/10, Chủ tịch Tập Cận Bình nói Trung Quốc và Việt Nam cần phải trân trọng những phát triển tích cực trong quan hệ song phương, phải xử lý tranh chấp một cách cẩn thận và phải phát triển quan hệ hợp tác, Tân Hoa Xã đưa tin.


Hoàn cầu Thời báo dẫn lời ông Tập nói tại cuộc họp rằng với nỗ lực từ cả hai phía, mối quan hệ Việt-Trung sẽ được duy trì tốt, được hợp tác toàn diện.


Gọi hai nước là "một cộng đồng cùng chia sẻ tương lai," ông Tập nói việc trao đổi thông tin gần gũi hơn giữa đảng cộng sản hai nước sẽ giúp hai bên đạt được sự đồng thuận chiến lược.


Ông cũng kêu gọi hai đảng cầm quyền hãy tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý nhằm nâng cao năng lực của cả hai bên.


Ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, hiện đang có chuyến thăm Trung Quốc trong ba ngày từ 19-21/10.


Vấn đề Biển Đông


Cũng trong hôm thứ Năm, ông Huynh có buổi họp với ông Lưu Vân Sơn, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc.


Phía chủ nhà nói cả hai nước cần bảo đảm hòa bình, ổn định ở Biển Đông, giải quyết những khác biệt một cách thỏa đáng và thúc đẩy hợp tác hàng hải.


Về phần mình, ông Huynh nói rằng Việt Nam và Trung Quốc cần phải xử lý vấn đề Biển Đông một cách đúng đắn, duy trì an ninh hàng hải và nâng cao tinh thần hữu nghị của nhân dân, nhằm xây dựng mối quan hệ song phương tốt đẹp, phát triển ổn định, trang tin China Daily nói.


Tin tức về chuyến đi Trung Quốc của ông Đinh Thế Huynh được đăng tải rộng rãi trên nhiều trang báo Việt Nam.


Quan điểm của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông được ông Huynh khẳng định là theo đuổi việc giải quyết tranh chấp "bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế", theo trang tin của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), theo đó "đề nghị hai bên thực hiện đúng và đầy đủ nhận thức chung và thoả thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước theo tinh thần "nói đi đôi với làm". - BBC

|

|


10.

Bạn bè tiếc thương tình nguyện viên cứu lụt tử nạn


Hôm 21/10, bạn bè trên khắp cả nước đã đổ về Quán Hàu (tỉnh Quảng Bình) để tiễn đưa nữ tình nguyện viên xấu số gặp tai nạn trong lúc đi cứu trợ người dân vùng lũ. Các nhóm trẻ này cũng đồng thời kêu gọi đóng góp để giúp gia đình của nữ tình nguyện viên và cho công tác cứu trợ đang tiếp diễn.


Nữ tình nguyện viên Đặng Thị Thu Hương sinh năm 1994, quê ở Quán Hàu, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Cô gặp tai nạn giao thông khi đang tham gia công tác cứu trợ cho người dân vùng lũ Quảng Bình hôm 20/10. Bạn bè cho biết Hương tham gia nhiều nhóm “phượt” (đi du lịch theo phong cách bụi) và làm thiện nguyện. 


Thanh Nguyên, người bạn đồng hành của Hương khi gặp nạn, nhớ lại:


“Trưa đó em còn bảo ‘Dì ơi, Nguyên thèm trà sữa quá’, thì Hương bảo ‘Ừ, lát nữa đi ra kia tụi mình rủ phượt đi’, rồi hai đứa còn tính chiều đi tiền trạm một xã khác nữa. Em là người ngồi sau xe Hương mà. Cũng một phần là lỗi do tụi em muốn vượt xe. Vượt lên mà đường khô ráo thì không nói gì, vượt lên mà đường trơn, ngay đống bùn xình. Tới đống bùn đó thì xe trượt, vừa lúc bánh xe sau của xe tải cán qua”.


Nói về người bạn đã khuất, Nguyên kể:


“Tính Hương rất nhiệt tình. Hương cũng rất thương bạn bè. Vui vẻ, hòa đồng lắm. Nói chung là em thương Hương nhiều lắm. Tụi em chơi chung với nhau, tuy mới gặp nhưng có chuyện gì cũng chia sẻ với nhau hết. Khi giận nhau gì thì nói, nói rồi thôi, lại thương nhau, lại quay ra ôm nhau khóc”.


Tin tức về tai nạn của Thu Hương đã được cộng đồng mạng chia sẻ nhanh chóng trên mạng. Rất nhiều người tỏ ra tiếc nuối cô gái có “tấm lòng vàng” và chia sẻ, cầu nguyện cho nạn nhân và gia đình.


Trong khi đó, các nhóm phượt và làm thiện nguyện như S2, Bụi Kết Nối… đang kêu gọi đóng góp để giúp đỡ gia đình của Hương và cho công tác cứu trợ mà những nhóm này đang thực hiện tại Quảng Bình.


Đinh Văn Hiệp, thành viên nhóm Bụi Kết Nối, một nhóm mà Hương tham gia, cho biết:


“Mấy Admin của tụi em ra ngoài đó để hỗ trợ ngoài đó rồi với lại làm thiện nguyện ngoài đó luôn. Hiện tại tụi em mới giúp gia đình bé Hương, với lại tụi em đang kêu gọi tài trợ để làm thiện nguyện ngoài Quảng Bình luôn. Bé Hương ra ngoài đó [Quảng Bình] để khảo sát. Bé Hương đang làm chương trình với nhóm phượt S2 ở ngoài Đà Nẵng. Nhóm đó đang làm thiện nguyện ngoài đó. Còn tụi em đang lấy quỹ để mang ra ngoài đó làm tiếp”.


Tin cho hay Hương hiện sống và làm việc tại Huế, trong khi gia đình gồm ba mẹ và em đang học lớp 3 vẫn sống tại Quảng Bình. Trước khi gặp nạn, Hương dự định sẽ về thăm mẹ nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10. - VOA

No comments:

Post a Comment