Thursday, October 20, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Năm 20/10

Tin Thế Giới


1.

Manila ‘ly khai’ Mỹ, VN-TQ ra tuyên bố --- Trung-Phi ký các hợp đồng tổng trị giá 13,5 tỷ đôla


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi Việt Nam “nên coi trọng đà tiến tích cực trong quan hệ song phương”, giữa lúc Tổng thống Philippines tuyên bố “ly khai” Mỹ, xích lại gần hơn với Bắc Kinh. 


Trong cuộc gặp với ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, ở thủ đô của Trung Quốc hôm 20/10, theo Xinhua, ông Tập còn kêu gọi hai nước “tiếp tục tình bạn hữu, duy trì quan hệ song phương hiện thời, xử lý đúng đắn tranh chấp, và mở rộng hợp tác”. 


Về tuyên bố của ông Tập, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, cựu quan chức ngoại giao Việt Nam, và hiện là Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế ở Hà Nội, nói với An Tôn của VOA tiếng Việt rằng “cái này hoan nghênh thôi”. 


Ông nói thêm: 


“Nếu mà Trung Quốc làm được như thế thì rất là tốt, nhưng mà tôi chỉ lấy một cái ví dụ như thế này. Tháng Mười năm 2013, Thủ tướng của Trung Quốc sang thăm Việt Nam và ký một thỏa thuận về thiết lập các cơ chế hợp tác song phương trên biển, giải quyết các vấn đề trên biển, và hai bên cam kết cùng hợp tác để giải quyết những vấn đề song phương liên quan tới biển Đông, nhưng mà tới tháng Năm, trong vòng nửa năm thì Trung Quốc kéo dài khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Thế thì, người Việt Nam cũng hy vọng các nhà lãnh đạo Trung Quốc nói sẽ đi đôi với làm. Nói về mặt nguyên tắc thì OK, rất hoan nghênh, nhưng mà trên thực tiễn thì chúng ta cần phải theo dõi”. 


Trong cuộc gặp với quan chức Việt Nam, Chủ tịch Trung Quốc còn cho rằng Hà Nội và Bắc Kinh cùng “chia sẻ tương lai”, và rằng quan hệ gần gũi hơn giữa đôi bên sẽ giúp hai nước “đạt một sự đồng thuận chiến lược”. 


Ông Đinh Thế Huynh thăm Trung Quốc từ ngày 19 đến ngày 21/10, đúng dịp Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cũng công du tới quốc gia đông dân nhất thế giới.


Ông Duterte hôm 20/10 tuyên bố sẽ “ly khai” với Hoa Kỳ, một đồng minh quan trọng của Manila. 


Theo VNA, tại Bắc Kinh, ông Huynh “trân trọng chuyển lời thăm hỏi và lời chúc tốt đẹp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình”.


Ông Huynh cũng đề nghị hai bên “thực hiện nghiêm túc, hiệu quả nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước; tăng cường tin cậy chính trị; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hợp tác thực chất trên các lĩnh vực; tăng cường giao lưu hữu nghị nhân dân; nỗ lực duy trì hoà bình, ổn định trên Biển Đông, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp”, VNA đưa tin. 


Quan chức Bộ Chính trị đầy quyền lực của Việt Nam cũng kêu gọi hai nước “thực hiện nghiêm túc “Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”, “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), sớm cùng ASEAN hoàn tất xây dựng “Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (COC), kiên trì tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài trên tinh thần tôn trọng lợi ích của nhau và phù hợp với luật pháp quốc tế”. - VOA


***

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vừa hội kiến người đồng nhiệm Tập Cận Bình tại Bắc Kinh trong chuyến thăm nhằm thúc đẩy quan hệ song phương và hợp tác thương mại.


Ông và Chủ tịch Tập đã chứng kiến việc ký kết 13 thỏa thuận trong các lĩnh vực thương mại, hợp tác văn hóa, du lịch, chống ma túy và hàng hải.


Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Philippines Ramon Lopez cho hay các thỏa thuận vừa ký có tổng trị giá tới 13,5 tỷ đôla.


Ông Duterte tới Bắc Kinh vào tối thứ Ba 18/10 và ở thăm Trung Quốc bốn ngày.


Trung Quốc và Philippines có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.


Chuyến thăm của ông Duterte được cho là chỉ dấu về sự chuyển hướng của Philippines về phía Trung Quốc và dịch xa Hoa Kỳ, đồng minh truyền thống của Manila.


Ông Duterte đã được tiếp đón bằng tiệc lớn ở Đại Lễ Đường Nhân dân Bắc Kinh.


Ông cũng gặp Thủ tướng Lý Khắc Cường và Chủ tịch Quốc hội Trương Đức Giang.


Quan hệ Trung Quốc - Philippines những năm gần đây xấu đi, một phần lớn vì cả hai nước này đều tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough ở Biển Đông.


Tháng Bảy vừa qua, Tòa Trọng tài Quốc tế ở La Haye đã bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc nhưng Bắc Kinh tuyên bố không thừa nhận phán quyết.


Trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống của mình, thoạt đầu ông Duterte giữ lập trường chống Trung Quốc, nhưng sau khi lên nắm quyền ông chuyển sang giọng điệu hòa hoãn hơn.


Ông tổng thống tuyên bố ông sẽ chấm dứt tập trận chung cùng Hoa Kỳ, đả phá Washington vì chỉ trích chiến dịch bài trừ ma túy liên quan cái chết của hàng nghìn nghi phạm và dùng từ thô tục để nói Tổng thống Obama.


Trong phỏng vấn với báo chí Trung Quốc trước chuyến thăm, ông Duterte nói về hàn gắn quan hệ và nhu cầu cần được Bắc Kinh trợ giúp.


Ông cũng nói không có ý định đề cập tới chủ đề Biển Đông trong chuyến thăm.


Đáp lại, Trung Quốc ca ngợi chuyến thăm của Duterte là "điểm khởi đầu mới" trong quan hệ giữa hai nước.


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói hồi đầu tuần: "Chúng tôi sẵn sàng và mong muốn hợp tác hữu nghị với người dân Philippines".


Duterte muốn gì từ Trung Quốc?


Bán xoài và dứa


Trung Quốc là bạn hàng thương mại lớn thứ nhì của Philippines. Hiện Philippines xuất khẩu chủ yếu hàng điện tử sang Trung Quốc nhưng muốn mở rộng các mặt hàng thực phẩm. Đầu năm nay, cộng đồng mạng Trung Quốc từng kêu gọi tẩy chay xoài Philippines vì tranh chấp Biển Đông.


Du lịch


Quan hệ hai bên từng căng thẳng tới mức Bắc Kinh ra khuyến cáo công dân không nên du lịch Philippines hồi năm 2014. Du khách Trung Quốc chuyển sang các nước Đông Nam Á khác, nhưng Bắc Kinh hứa sẽ sớm bỏ khuyến cáo du lịch nói trên.


Vũ khí, khí tài


Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Trung Quốc Phoenix trước khi sang Bắc Kinh, ông Duterte than phiền về trợ giúp ít ỏi từ Mỹ trong lĩnh vực quân sự. Ông nói ông có kế hoạch mua vũ khí và tàu thuyền từ Trung Quốc. Ông nói "nếu Trung Quốc không giúp thì chúng tôi sẽ gặp khó khăn đây".


Chiến dịch bài trừ ma túy


Chiến dịch bài trừ ma túy gây tranh cãi của ông Duterte đã bị các nước phương Tây chỉ trích là vi phạm nhân quyền. Thế nhưng Bắc Kinh không hề công kích Manila và còn hứa sẽ giúp Tổng thống Duterte. - BBC

|

|


2.

Trung Quốc biến Đá Chữ Thập thành căn cứ quân sự


Trung Quốc đang thúc đẩy hoạt động xây dựng để biến Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), thuộc quần đảo Trường Sa, thành một căn cứ quân sự hỗn hợp lớn nhất ở Biển Đông. Căn cứ trên dành cho cả hai lực lượng hải quân và không quân.


Theo thông tin được đăng trên tạp chí Quốc Phòng Kanwa (Canada) và được Focus Taiwan đưa ngày 18/10/2016,  các hình ảnh chụp từ vệ tinh về các cơ sở quân sự trên Đá Chữ Thập cho thấy một đường băng dài 3.000 mét với 4 nhà kho lớn dài 34 mét và rộng 25 mét. Kích thước này giống với số liệu của các cơ sở đã được xây trên đảo Phú Lâm (Woody Island), thuộc quần đảo Hoàng Sa.


Tờ Kanwa cho rằng những nhà xưởng trên sẽ được xây để chứa máy bay chống tầu ngầm công nghệ cao và máy bay cảnh báo sớm của Trung Quốc.


Hai đường dốc, dài 535 mét và 626 mét, dường như được thiết kế để chiến đấu cơ có thể đậu tại đây, và có sức chứa đến 24 chiếc. Vẫn theo nguyệt san, một số nhà chứa máy bay có thể sẽ được xây gần đó. Ngoài ra, các bệ phóng tên lửa địa đối không có thể được lắp đặt xung quanh sân bay.


Ở khu vực bên ngoài đường bay là ăng-ten HF/DF có bán kính 30 mét và trông giống hệ thống AN/FLR-9 của quân đội Hoa Kỳ để tìm kiếm các mục tiêu trên không và trên biển.


Cuối cùng, Kanwa nhấn mạnh đến một chiếc tàu đổ bộ đã được neo đậu tại cảng quân sự đang được mở rộng. - RFI

|

|


3.

Vương quốc Thái, con thuyền cũ trong cơn bão dữ


Sau 70 năm trị vì, quốc vương Bhumibol Adulyade- Rama 9, từ trần ngày 13/10/2016 làm dấy lên mối lo ngại Thái Lan bước vào thời kỳ đầy bất trắc. Dân chúng xúc động, quốc tang kéo dài trong một năm. Một sự kiện bất ngờ đã xảy ra: thái tử Vajiralongkorn không muốn lên ngôi ngay tức khắc. Tương lai vương quốc Đông Nam Á này thêm mờ mịt. Ai sẽ kẻ thủ lợi trong khoảng trống chính trị này, quân đội hay hoàng gia ?


Nước mắt của hàng triệu người Thái Lan đổ ra không phải chỉ vì tiếc thương một vị vua tài đức mà còn biểu hiện mối lo ngại cho tương lai. Trên đây là nhận định của giới phân tích, báo chí quốc tế và Bangkok trong bối cảnh thái tử Maha Vajiralongkorn, cho dù đã được chuẩn bị từ 40 năm nay, bất ngờ xin "một thời gian" trước khi làm lễ đăng quang.


Trong khi chờ đợi, vương triều do đại tướng hồi hưu 96 tuổi, Prem Tinsulanonda, cố vấn thân cận của vua Bhumibol Adulyadej làm Nhiếp chính vương. Từ sau cuộc đảo chính vào tháng 05/2014, quyền lực chính trị nằm trong tay tướng Prayut Chan-O-Cha, lãnh đạo tập đoàn quân sự kiêm thủ tướng.


Trong 9 đời vua của triều đại Chakri, sự kiện "cha truyền con nối" đúng nghĩa gần đây nhất diễn ra vào năm 1901. Đến năm 1946, hoàng tử Bhumibol, được triệu về nước để lên thay hoàng huynh Ananda khi anh trai chết một cách bí ẩn (tự tử hay bị ám sát trong phòng riêng?).


Thái tử Maha Vajiralongkorn, 64 tuổi, tốt nghiệp sĩ quan tại Úc, mang cấp bậc tướng trong quân đội, nhưng sống ở Đức từ nhiều chục năm nay và có vẻ không thích lên làm vua.


Báo chí Thái Lan cũng như quốc tế lo ngại cho tương lai của vương quốc. Theo nguồn tin của Bangkok Post, rất có thể thái tử Maha sẽ tạm thời nhận làm "phó vương".


Theo một nhà báo Tây phương hoạt động tại Thái Lan từ 20 năm nay, vương triều ngày nay như con thuyền cũ kỹ. Tuy được vá đắp nhưng vỏ thuyền đã mục .


Vì sao chuyện có vẻ đơn giản lại trở thành phức tạp? Ai sẽ kẻ thủ lợi trong khoảng trống chính trị này?


Thông tín viên Arnaud Dubus từ Bangkok phân tích:


Arnaud Dubus: Đầu tiên hết, rõ ràng nhất là hiện nay chỉ có một người có thể lên ngôi, với điều kiện là người này, thái tử Maha Vajiralongkorn, chấp thuận. Quốc vương Bhumibol đã chính thức chọn người con trai này làm thái tử nối ngôi từ năm 1972.


Giả thuyết trao chiếc vương miện cho công chúa Sirindhorn, được dân Thái yêu mến hơn, cũng đã được nói đến trong nhiều năm qua. Nhưng để đưa con gái lên ngôi, quốc vương phải đề nghị sửa đổi luật truyền ngôi vẫn cấm phụ nữ lên làm vua. Thế mà quốc vương Bhumibol đã không làm khi còn tại thế.


Tiến trình truyền ngôi ở Thái Lan phải qua hai giai đoạn. Giai đoạn một chỉ là thủ tục mang tính pháp lý. Chủ tịch Quốc hội mời thái tử nhận vương miện. Vào đúng thời điểm đó, thái tử Maha Vajiralongkorn trở thành vua.


Bước thứ hai là nghi lễ đăng quang, có thể chờ một vài năm sau. Thế mà thái tử Maha Vajiralongkorn lại không muốn Quốc hội mời ông lên ngôi. Do vậy phải lập ghế "nhiếp chính vương". Đây là tình huống có một không hai bởi vì vào năm 1934, khi vua Rama 7 thoái vị, một vị vua khác là Ananda, anh trai của quốc vương Bhumibol đã lập tức lên ngôi tuy còn thơ ấu (10 tuổi) và được một nhiếp chính vương hỗ trợ.


RFI: New York Times bi quan: vì vua của dân đã bỏ thần dân cho giới tướng lãnh. Trong khi đó, The Guardian hy vọng trong cái rủi có cái may. Quốc gia Thái sẽ hồi sinh. Có thể dự báo những kịch bản nào có thể xẩy ra trong tương lai?


Arnaud Dubus: Có ba giả thuyết. Hoặc thái tử Maha Vajiralongkorn tương đối nhanh chóng chấp thuận lời mời của Quốc hội lên ngôi vua, trong hai tháng nữa chẳng hạn. Trong trường hợp này, mọi việc sẽ thuận buồm xuôi gió trở lại và lễ đăng quang sẽ được tổ chức vào độ hơn một năm sau, tức là sau tang lễ một thời gian.


Giả thuyết thứ hai, từ nay đến tang lễ, thái tử vẫn chưa nhận lời. Trong trường hợp này, Thái Lan sẽ đi vào một thời kỳ bất trắc kéo dài và với những căng thẳng chính trị dữ dội hơn.


Kịch bản thứ ba là thái tử từ chối làm vua. Thái Lan sẽ bị cuốn vào một tương lai bất định. Giả thuyết này lại rất có thể xảy ra. Luật nối ngôi sẽ được sửa đổi để có thể trao vương miện cho một thành viên khác của hoàng gia.


Nhưng cũng cần phải nói rõ thêm là theo tuyên bố của thủ tướng Prayut Chan-O-Cha thì nhân vật chắc chắn sẽ lên ngôi là thái tử Maha Vajiralongkorn.


RFI: Truyền thông hay nói là thái tử Maha Vajiralongkorn không được dân chúng mến mộ như phụ vương vừa từ trần. Hư thực ra sao ?


Arnaud Dubus: Đây là vấn đề nhạy cảm ở Thái Lan. Nếu so sánh với vua cha, hoàng hậu và các chị em gái thì thái tử Maha không tham gia vào các họat động, các dự án phát triển của hoàng gia giúp đỡ người dân kém may mắn nhất. Thái tử kết hôn ba lần và ly hôn ba lần và những sự kiện này làm tổn thương hình ảnh của hoàng gia trong lòng người dân Thái luôn xem trọng danh giá bên ngoài.


Thái tử sống tại Đức với người vợ thứ tư. Do vậy, không gần gũi với dân chúng.


RFI: Về phần nhiếp chính vương Prem Tinsulanonda, 96 tuổi, được xem là « bộ não » của quốc vương Bhumibol. Viên tướng giàu kinh nghiệm chính trị này có thể làm gì để giúp Thái Lan không rơi vào khủng hoảng định chế ?


Arnaud Dubus: Nhiếp chính vương Prem Tinsulanonda là một cựu tướng quân đội, nắm ghế thủ tướng trong 8 năm từ 1980 đến 1988. Ông là một đại quan cực bảo thủ và bảo hoàng. Tướng Prem Tinsulanonda giựt dây cuộc đảo chính năm 2006, lật đổ chính phủ của thủ tướng Thatsin Shinawatra, nhà tỷ phú rất được lòng dân nông thôn.


Nhiếp chính vương Prem không có mối giao hảo tốt với thái tử Maha Vajiralongkorn. Theo một số điện thư mà mạng Wikileak tiết lộ, ông Prem Tinsulanonda không ngần ngại chỉ trích thái tử trong các cuộc trò chuyện với giới ngoại giao quốc tế. Đây là một tình thế bất bình thường,với một vị nhiếp chính vương, có chức vụ như là một quốc trưởng lâm thời, và một quốc vương tương lai, không thuận hòa với nhau.


Trong tình hình phức tạp này, chính phủ quân sự ở thế thượng phong. Nhưng các tướng lãnh Thái Lan bị "tréo giò" vì thái độ khước từ làm vua ngay tức khắc của thái tử. Chưa biết tập đoàn quân sự sẽ làm gì để thích nghi với hoàn cảnh ngoài tiên liệu.


RFI: Ai sẽ được hưởng lợi trong tình hình trống vắng chính trị này? Quốc vương lúc sinh thời được quân đội kính nể vì họ biết quốc vương có dân ủng hộ.


Arnaud Dubus: Rất có thể, trong trung hạn, quân đội sẽ được lợi nhiều nhất. Nếu thái tử lên làm vua thì tân vương sẽ bị phe quân nhân kiểm soát vì họ nắm thực quyền. Thái tử không có uy tín lớn như phụ vương do vậy rất khó làm đối trọng với quân đội. Nếu thái tử từ chối hẳn thì sẽ tạo ra khoảng trống chính trị và chỗ trống này sẽ bị quân đội lấn chiếm. Trong cả hai trường hợp trên, vương triều sẽ yếu dần và quyền lực của quân đội sẽ được củng cố. Một cách cụ thể, hệ quả đầu tiên là bầu cử dự trù vào cuối năm 2017 có thể bị hoãn lại.


Thái Lan có nguy cơ bị chính quyền quân sự cai trị lâu dài


Hình ảnh phe quân đội bị “tréo giò” mà nhà báo Arnaud Dubus mô tả rất có thể là cơ may của Thái Lan. Thái tử và nhiếp chính vương, dường như ý thức được quyền lợi chung, đã thể hiện tinh thần đoàn kết khi tiếp kiến thủ tướng Chan-O-Cha tại điện Dusit. Đây là một thế “chân vạc” trên thượng tầng lãnh đạo, tuy không nói ra. Để phá thế thượng phong của chính quyền quân sự, thái tử không lên ngôi tức khắc, báo hiệu Thái Lan sẽ do ba người quyết định, quân đội chỉ là một thành tố.


Theo tiên đóan của chuyên gia Christian Lewis, thuộc cơ quan Nghiên cứu rủi ro Âu-Á Eurasia Group, thì việc nối ngôi cuối cùng sẽ suôn sẻ. - RFI

|

|


4.

Syria và Brexit, trọng tâm thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu


Liên Hiệp Châu Âu họp thượng đỉnh tại Bruxelles tối ngày 20/10/2016 với ba hồ sơ chính : Syria, Brexit và hiệp định tự do mậu dịch với Canada.


Về hồ sơ Syria, theo một bản dự thảo thỏa thuận mà hãng tin AFP có được, các lãnh đạo châu Âu sẽ nêu lên vai trò của Nga trong các cuộc doanh kích vào thành phố Aleppo, dự trù “mọi phương án, kể cả ban hành thêm các biện pháp trừng phạt” nhắm vào những cá nhân và những tổ chức “yểm trợ cho chế độ Bachar al-Assad”.


Ngày 17/10/2016, ngoại trưởng Liên Hiệp Châu Âu cũng đã đề cập đến khả năng ban hành những biện pháp trừng phạt mới, đồng thời nêu lên vấn đề tiếp tục thu thập các bằng chứng để đưa những người có trách nhiệm trong vụ oanh kích vào Aleppo ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế vì “tội ác chiến tranh”.


Thượng đỉnh Bruxelles là lần đầu tiên tân thủ tướng Anh Theresa May tham dự. Bà có nhiệm vụ thực hiện kế hoạch đưa nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu sau khi đa số dân Anh bỏ phiếu ủng hộ Brexit.


Thủ tướng Theresa May trên nguyên tắc sẽ tái khẳng định quyết tâm khởi động điều 50 của Hiệp ước Lisboa trước cuối tháng 3/2017, mở đầu các cuộc đàm phán đưa nước Anh ra khỏi khối này. Đây là lịch trình được các lãnh đạo châu Âu khác hoan nghênh, vì họ vẫn yêu cầu Luân Đôn nhanh chóng ra khỏi Liên Hiệp.


Nhưng bà Theresa May đã gây phản ứng bất bình từ 27 quốc gia thành viên kia khi vẫn đòi kiểm soát nhập cư đối với các công dân Liên Hiệp Châu Âu. Đối với các đối tác châu Âu, đề nghị này đi ngược lại với nguyên tắc tự do đi lại của khối này.


Một hồ sơ khác cũng đang làm nhức đầu các lãnh đạo châu Âu đó là hiệp định tự do mậu dịch Liên Hiệp Châu Âu – Canada (CETA). Bất chấp các áp lực, vùng Wallonie nói tiếng Pháp của vương quốc Bỉ đến hôm qua, 19/10/2016, vẫn từ chối chấp thuận cho chính phủ ký hiệp định gây tranh cãi này. Ủy Ban Châu Âu đã gia hạn cho Bỉ đến ngày 21/10/2016 phải thông qua hiệp định CETA. - RFI

|

|


Tin Hoa Kỳ


5.

Ông Trump không hứa sẽ chấp nhận kết quả bầu cử --- Ông Trump tuyên bố điều kiện chấp nhận kết quả bầu cử


Ứng cử viên của Ðảng Cộng hòa, ông Donald Trump không chịu hứa sẽ chấp nhận kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trong cuộc tranh luận cuối cùng với ứng cử viên bên Ðảng Dân chủ là bà Hillary Clinton diễn ra tối hôm qua, thứ Tư 19/10. Trong cuộc tranh luận ở Las Vegas, bang Nevada, hai ứng cử viên cũng bất đồng về nhiều vấn đề khác như di dân và bổ nhiệm thẩm phán vào Tối cao Pháp viện, cũng như về các hành động của Nga hồi gần đây.


Đây là cuộc tranh luận thứ nhì mà hai ứng cử viên Hillary Clinton và Donald Trump không bắt tay nhau trước khi vào cuộc.


Có lẽ đáng chú ý nhất là khi ông Trump bị người điều phối chương trình Chris Wallace hỏi dồn về tuyên bố mà ông lặp đi lặp lại nhiều lần cáo buộc tiến trình bầu cử của Mỹ là gian lận theo hướng bất lợi cho ông.


Ông Wallace hỏi:


"Ông chắc chắn sẽ chấp nhận kết quả cuộc bầu cử phải không?"


Ông Trump trả lời: 


"Đến lúc đó tôi sẽ xem. Tôi không xét đoán bất cứ điều gì ngay bây giờ. Tới lúc đó hẳn xem. Nhưng trước hết là truyền thông không trung thực. Truyền thông đã tuyên truyền và đầu độc đầu óc của cử tri."


Bà Clinton cho rằng câu trả lời của ông Trump “thật đáng sợ” bởi vì nó đi ngược lại truyền thống chính trị của nước Mỹ:


"Ông Trump chê bai và hạ thấp giá trị của nền dân chủ của chúng ta. Riêng tôi, cảm thấy hết sức bất bình là một nhân vật được một trong hai đảng chính của chúng ta đề cử, lại có quan điểm đó."


Ông Trump và bà Clinton cũng đối đầu nhau về vấn đề liệu Nga có tìm cách tác động đến tiến tình bầu cử của Mỹ qua các cuộc tấn công mạng như các giới chức tình báo Mỹ nghi ngờ, hay không.


Bà Clinton nói:


"Cuối cùng thì ông Trump có chấp nhận và lên án Nga vì đang làm những việc này hay không, và tuyên bố sẽ không nhận sự tiếp tay của ông Putin trong cuộc bầu cử này hay không? Liệu ông chống đối các hoạt động gián điệp của Nga đánh cắp thông tin tình báo của Mỹ, là điều mà ông đã từng khuyến khích hay không?"


Khi bị áp lực, ông Trump nói lẽ dĩ nhiên, ông sẽ lên án Nga về các hành động gián điệp đó, nếu điều đó có thật. Nhưng ông phản bác rằng bà Clinton đã từng tuyên bố rằng Trung Quốc hoặc những nước khác đứng sau các cuộc tấn công mạng đó. Ông nói:


"Tôi không quen ông Putin. Ông ấy nói tốt về tôi. Nếu tôi và ông ấy hợp nhau, thì đó là một điều tốt. Nếu Nga và Hoa Kỳ đồng lòng với nhau, và cùng chiến đấu chống ISIS, thì đó là một điều tốt. Ông Putin chẳng tôn trọng gì bà Clinton. Ông ấy cũng chẳng coi tổng thống của chúng ta ra gì."


Ông Trump cũng phản bác những lời cáo buộc của ít nhất 9 phụ nữ rằng ông đã có những hành vi sàm sỡ đối với họ:


"Trước hết, những chuyện đó đều là dối trá. Tôi chẳng hề biết những người đó là ai. Tôi hiểu tại sao bỗng dưng họ lại đưa ra những lời tố cáo đó. Tôi tin là ban vận động của bà Clinton đã làm việc đó."


Bà Clinton bênh vực những phụ nữ đã lên tiếng tố cáo ông Trump:


"Ông Trump nghĩ rằng chà đạp lên nhân phẩm của các phụ nữ ấy sẽ nâng cao uy lực của ông. Ông xâm phạm nhân phẩm của họ, sự tự tin vào giá trị cá nhân họ. Tôi không tin là có bất cứ phụ nữ nào là không hiểu cái cảm giác khi bị đặt vào tình huống đó." - VOA


***

Ứng cử viên Tổng thống bên đảng Cộng hòa Donald Trump ngày 20/10 tuyên bố sẽ chấp nhận một kết quả bầu cử “rõ ràng” nhưng giữ quyền đệ nạp một thách thức pháp lý. Phát biểu này làm rõ quan điểm của ông đưa ra hôm qua trong cuộc tranh luận cuối cùng với ứng viên đối thủ bên đảng Dân chủ, Hillary Clinton.


Tại cuộc tranh luận tối 19/10 được truyền hình trực tiếp, ông Trump không cam kết sẽ tin tưởng kết quả bầu cử nếu ông thất bại vào ngày 8/11 tới đây.


“Dĩ nhiên, tôi sẽ chập nhận một kết quả rõ ràng, nhưng tôi cũng giữ quyền được tranh cãi hay đệ nạp một thách thức pháp lý trong trường hợp có kết quả khả nghi,” tỷ phú Trump nhấn mạnh tại một cuộc tập họp ở Ohio hôm nay. - VOA

|

|


Tin Việt Nam


6.

Việt Nam tăng trên bảng xếp hạng ‘nơi tốt nhất cho ngoại kiều’


Việt Nam là một trong những nơi tốt nhất cho người nước ngoài đến làm việc và sinh sống, theo đánh giá của tổ chức InterNations kết nối ngoại kiều khắp thế giới.


Bản báo cáo Expat Insider, một trong những cuộc khảo sát ngoại kiều “lớn nhất thế giới,” cung cấp một phân tích có chiều sâu về cuộc sống hàng ngày của ngoại kiều sinh sống ở hơn 60 đất nước khắp toàn cầu. Hơn 14.000 người đại diện 174 quốc tịch và 191 nước và vùng lãnh thổ đã tham gia cuộc khảo sát này trong ba năm qua.


Việt Nam vọt lên vị trí thứ 11 trong số 67 nước được khảo sát trong năm 2016, một kết quả mà InterNations gọi là “đáng kinh ngạc.” Vị trí này cao hơn những điểm đến nổi tiếng khác trong khu vực như Singapore (13), Thái Lan (18), Hàn Quốc (27) và Hong Kong (44).


Việt Nam xếp thứ 12 trong hạng mục “Làm việc ở nước ngoài,” là thứ hạng cao nhất trong ba hạng mục mà Việt Nam được xếp hạng. Hai hạng mục còn lại là “Chất lượng cuộc sống” (42) và “Mức độ dễ dàng để thích nghi” (29).


Ngoại kiều ở Việt Nam nhìn chung rất hài lòng về công việc của họ. Gần ba phần tư những người được khảo sát cho biết như vậy trong khi tỉ lệ này trong năm 2015 là 61 phần trăm.


Alex Fortin, công dân Canada, từng sống ở Việt Nam trong khoảng hai năm trước khi quay về nước vào năm 2016. Anh cho biết anh đã thành công trong việc tạo lập một công ty Internet ở Việt Nam khi đến đây chỉ với một cái ba-lô và máy tính xách tay vào năm 2013.


Anh giải thích vì sao anh chọn Việt Nam:


“Bởi vì chi phí sinh hoạt rẻ hơn rất nhiều. Thế nên nếu tôi để dành ít tiền thì tôi có thể sống lâu hơn và cố gắng giúp cho công ty của tôi thành công. Nếu tôi ở lại Canada thì tiền của tôi sẽ không duy trì được lâu, và rồi tôi sẽ phải đi kiếm việc làm và vì thế tôi sẽ có ít thời gian để phát triển công ty của tôi. Ý tưởng là có được một khoảng thời gian rời rộng.”


Báo cáo Expat Insider cũng cho thấy sự thân thiện là một trong những điều giúp nhiều người nước ngoài thích nghi với cuộc sống ở Việt Nam dễ dàng hơn.


Tỉ lệ ngoại kiều đánh giá tích cực về sự thân thiện của người dân địa phương tăng 10 điểm phần trăm (74 lên 84 phần trăm) trong cuộc khảo sát năm nay. Ngoài ra hai trên năm người (41 phần trăm) được hỏi cho biết thái độ thân thiện với người nước ngoài ở Việt Nam là rất tốt, so với 33 phần trăm trong năm 2015.


Cuộc khảo sát dường như cho thấy ngoại kiều nhìn chung dễ kết bạn với người dân địa phương hơn trong năm nay, với 63 phần trăm những người được hỏi cho biết như vậy. Trong năm 2015, chỉ có 48 phần trăm có cùng nhận định này.


Anh Fortin nhận xét:


“Đa số người Việt Nam rất thân thiện. Đôi khi không phải ai cũng nói được tiếng Anh và lúc đầu tôi thấy hơi khó giao tiếp vì rào cản ngôn ngữ. Mọi chuyện dễ dàng hơn khi tôi gặp được những người biết nói tiếng Anh. Thậm chí những người không nói được tiếng Anh cũng rất thân thiện và niềm nở.”


Đứng đầu bảng xếp hạng năm nay là Đài Loan, nước Đông Á duy nhất xếp trên Việt Nam. Malta và Ecuador đứng vị trí thứ hai và ba. Kuwait, Hy Lạp và Nigeria đứng cuối bảng xếp hạng. - VOA

|

|


7.

Chuyên gia: Philippines nên học hỏi VN trong các quan hệ với Mỹ và TQ


Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sau khi loan báo cho thế giới biết rằng ông đang lèo lái quốc gia theo một đường lối đối ngoại độc lập đã tuyên bố rằng “chỉ có Trung Quốc là có thể giúp chúng tôi.”


Ông Duterte đang ở thăm Trung Quốc trong chuyến công du đầu tiên của ông trong cương vị Tổng thống Philippines sau khi lên nhậm chức được hơn 3 tháng. Trả lời phỏng vấn của đài CCTV của Trung Quốc, ông nói “tôi là người Trung Quốc”. 


Trong chuyến công du chính thức này, Philippines và Trung Quốc đã đồng ý hợp tác khai thác dầu trên vùng biển đang có tranh chấp. Chỉ cách đây hơn 1 tuần chính quyền của ông Duterte đã tuyên bố ngừng các kế hoạch tập trận và tuần tra chung với Mỹ trên Biển Đông.


Giáo sư Antonio La Vina của trường đại học Ateneo de Manila của Philippines cho VOA Việt Ngữ biết sẽ thay đổi lớn trong mối quan hệ giữa Philippines và Mỹ dưới quyền tổng thống Duterte:


"Đây sẽ là một sự thay đổi thực sự - rất căng thẳng. Mối quan hệ này sẽ không gần gũi như trước đây. Và có thể cuối cùng mối quan hệ này chủ yếu chỉ tập trung vào lĩnh vực thương mại chứ không còn là quan hệ quân sự."


Các động thái của ông Duterte xích lại gần hơn với Trung Quốc và thoát khỏi liên minh với Mỹ đang làm người dân Philippines lo lắng.


Một cuộc khảo sát gần đây do một viện nghiên cứu phi lợi nhuận ở Manila cho thấy hơn 50% người trưởng thành của Philippines không tin tưởng vào Trung Quốc và gần 20% thì không có ý kiến.


Trước đó, thẩm phán cấp cao của Philippines Antonia Carpio kêu gọi chính phủ của ông hãy trở lại tuần tra chung với Mỹ trên biển Đông, ông nói chỉ có Mỹ mới “có thể ngăn cản Trung Quốc khỏi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế” của Philippines.


Trong khi đó, Việt Nam vừa tuyên bố sẽ ủng hộ Mỹ can thiệp vào châu Á Thái Bình Dương để giúp duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Mối quan hệ Việt-Mỹ đã có nhiều thay đổi, đặc biệt kể từ khi nổ ra các vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo.


Giáo sư La Vina nói với VOA Việt Ngữ:


"Tôi nghĩ chúng tôi có thể học hỏi rất nhiều từ Việt Nam trong vấn đề biển Đông. Tôi hy vọng tổng thống (Duterte) sẽ lắng nghe những kinh nghiệm của Việt Nam trong việc xử lý và đàm phán với Trung Quốc. Người Trung Quốc rất bất lịch sự và hung hăng. Chúng tôi cần phải cẩn trọng khi 'bắt tay' với người Trung Quốc. Việt Nam đã rút ra nhiều kinh nghiệm trong quan hệ với Trung Quốc."


Trước tin Nga gần đây muốn phục hồi căn cứ quân sự ở cảng Cam Ranh, Việt Nam tuyên bố tiếp tục duy trì chính sách 3 không – không liên minh quân sự, không căn cứ quân sự nước ngoài trên đất Việt Nam, không ủng hộ sự can dự quân sự của các nước khác. Giáo sư Carl Thayer của trường đại học New South Wales của Úc nói: “Với chính sách 3 không, Việt Nam tiếp tục giữ vững lập trường độc lập. Về khía cạnh đó Việt Nam và Philippines có thể học hỏi lẫn nhau.”


Giáo sư Carl Thayer nói: "Tôi cho rằng nếu Philippines đã học được ở Việt Nam thì đó sẽ là điều tốt. Bởi các nhà lãnh đão của Việt Nam không bao giờ tự mình đưa ra bình luận có thể gây sốc vì những chính sách của họ. Họ rất thận trọng. Tôi nghĩ Philippines nên học hỏi ở Hà Nội về cách đối xử với các cường quốc."


Tổng thống Duterte hôm nay cũng công khai tuyên bố “chia tay” với Mỹ tại một diễn đàn kinh tế ở Bắc Kinh. Cuối tháng trước, ông Duterte đã làm thế giới ngạc nhiên với tuyên bố sẽ không hợp tác quân sự với Mỹ tại một cuộc gặp mặt với cộng đồng Philippines ở Hà Nội. Nhưng lúc đó, Washington cho rằng ông Duterte vẫn đang trong giai đoạn hình thành các chính sách ngoại giao, sau vài tháng lên nắm quyền. - VOA

|

|


8.

Trí thức trẻ gửi Quốc hội báo cáo về thảm họa môi trường


Sáng nay (20/10), Quốc hội Việt Nam khóa 14 khai mạc kỳ họp thứ hai tại Nhà Quốc hội ở Hà Nội. Trước đó một ngày, một báo cáo được xem là toàn diện nhất từ trước tới nay về thảm họa môi trường ở miền Trung đã được gửi đến cơ quan được xem là đại diện cho tiếng nói của người dân. 


Báo cáo mang tên “Toàn cảnh thảm họa môi trường biển Việt Nam” được một nhóm trí thức trẻ hoạt động vì môi trường Green Trees thực hiện. 


Dược sĩ Nguyễn Anh Tuấn, một quản trị viên của nhóm, cho VOA biết về nội dung báo cáo này:


“Nội dung của nó là một báo cáo toàn cảnh về thảm họa biển miền Trung đã xảy ra, bao gồm rất nhiều khía cạnh như khía cạnh pháp lý, môi trường, khía cạnh quản lý nhà nước, quản trị thảm họa, vai trò của các tổ chức xã hội dân sự, việc nhìn nhận hậu quả cũng như những gây hại tiếp diễn của thảm họa từ đây về sau”.


Những người thực hiện báo cáo là thành viên của nhóm Green Trees, gồm các luật sư, nhà báo, dược sĩ, kỹ sư… Mục tiêu của Green Trees là để cung cấp thông tin về thảm họa được xem là lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay với cái nhìn đa chiều và đầy đủ nhất có thể. Anh Tuấn chia sẻ:


“Có thể nói là sẽ rất khó khăn cho ai đó nếu muốn quan tâm, nghiên cứu, tìm hiểu một cách toàn diện và có hệ thống về thảm họa này. Thế thì ý nghĩa và nguyện vọng đầu tiên của chúng em là làm nên một cuốn báo cáo mà ở đó nếu ai có nhu cầu muốn tìm kiếm thông tin một cách toàn diện và có hệ thống để nghiên cứu về vụ việc thì có thể sử dụng cuốn báo cáo này, bởi vì đây là một báo cáo đa chiều. Nó bao gồm cả những thông cáo của chính phủ, tổng hợp những bài viết được đăng trên báo chính thống, cả những bài viết của những cây viết độc lập, hay ví dụ như một phần trong báo cáo là phân tích các hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự, vai trò của các tổ chức xã hội dân sự khi thảm họa xảy ra”.


Báo cáo gồm 8 chương bằng tiếng Việt còn đi kèm với phiên bản tiếng Anh và tiếng Đài Loan. Ngoài việc cung cấp thông tin tổng thể về pháp lý, các bên liên quan đến thảm họa như Công ty Formosa Hà Tĩnh – tập đoàn gang thép Đài Loan đã gây ra thảm họa, chính quyền và các tổ chức xã hội dân sự, báo cáo còn dành hẳn một chương để đưa ra các kiến nghị trong việc bảo vệ môi trường Việt Nam. Nhóm Green Trees đề nghị nhà chức trách Việt Nam hãy sửa đổi luật pháp, tạo ra cơ chế để người dân có thể tham gia giám sát hoạt động của các công ty cũng như chính quyền, đảm bảo sự minh bạch và cho phép người dân lên tiếng, chấm dứt các hành động bạo lực, đánh đập và gây thương tích cho những người hoạt động vì môi trường… Ngoài ra, còn có một số kiến nghị trong việc bồi thường và xử lý Formosa.


Hôm 19/10, một số đại diện của nhóm đã đến Văn phòng Quốc hội và gửi bản báo cáo cho cơ quan này với hy vọng “cung cấp thêm thông tin cho các vị đại biểu quốc hội tham gia kỳ họp thứ 2”. Thông báo của Green Trees nói mục đích là để “giúp các đại biểu có những đánh giá, ý kiến cụ thể, xác đáng hơn trên nghị trường Quốc hội trong lĩnh vực môi trường nói chung và vấn đề thảm họa môi trường biển nói riêng”. 


Đại diện Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm:


“Qua tiếp xúc và làm việc với các đại biểu quốc hội, em được biết không phải đại biểu quốc hội nào cũng có thời gian hay khả năng để quan tâm, tìm hiểu, nghiên cứu đầy đủ về một lĩnh vực riêng nào đó, ở đây cụ thể là thảm họa đã diễn ra ở miền Trung. Em cho rằng thảm họa này sẽ còn gây hại rất lâu dài và di chứng của nó cũng rất lâu dài. Hiện nay nó đang rất nhức nhối ở miền Trung mà chưa thể tháo gỡ được. Do đó, vai trò của Quốc hội trong việc nghiên cứu về vụ việc cũng như thực hiện chức năng, thẩm quyền của mình để thúc đẩy chính phủ, những cơ quan ban ngành có ứng xử phù hợp đối với thảm họa, với thủ phạm và nạn nhân của thảm họa này”. 


Tiền thân của Green Trees là nhóm “Vì Một Hà Nội Xanh”. Đây là một nhóm trẻ đã lãnh đạo phong trào bảo vệ cây xanh ở thủ đô Hà Nội và kiên trì theo đuổi cuộc chiến pháp lý trong việc đòi hỏi minh bạch trong vụ chặt phá cây xanh ở Hà Nội hồi năm ngoái. Với sự lớn mạnh hiện nay, nhóm đã mở rộng sứ mệnh ra với việc bảo vệ môi trường của Việt Nam nói chung. 


Trong chương trình nghị sự được thông báo của kỳ họp thứ 2, trong khoảng 10 ngày làm việc với các báo cáo về kinh tế - xã hội, Quốc hội khóa 14 cũng sẽ dành thời gian để nghe báo cáo về việc khắc phục hậu quả do sự cố môi trường biển do Formosa gây ra. 


Kỳ họp thứ 2 này sẽ kéo dài hơn 1 tháng, chấm dứt vào ngày 23/11/2016. - VOA

|

|


9.

'Nhà hỏng từ trong, gió nhẹ là đổ'


Một cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam nêu định nghĩa 'tự diễn biến' trong tầng lớp quan chức chính là hành vi 'lợi dụng chức quyền để tham nhũng, vơ vét'.


Cựu phó Ban Tổ chức Trung ương của Đảng Cộng sản, ông Nguyễn Đình Hương, được VietnamNet (19/10/2016) trích lời nói: 


"Với tư cách cá nhân, tôi cho rằng 'tự diễn biến' ở đây trước hết là đi ngược lý tưởng phục vụ nhân dân, đi ngược lý tưởng làm cho đất nước 'đàng hoàng hơn, to đẹp hơn' - đó là những ai vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân, lợi dụng chức quyền để tham nhũng, vơ vét."


Nhắc đến các phát biểu của lãnh đạo đương chức tại Hội nghị Trung ương 4 vừa qua, ông Nguyễn Đình Hương cảnh báo:


"Trước đây, Liên Xô sụp đổ vì nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân đã được báo chí quốc tế mổ xẻ là nhiều cán bộ cấp cao tham nhũng, đặc quyền đặc lợi, không quan tâm tới đời sống người dân."


"Nhà hỏng từ bên trong thì chỉ cần gió nhẹ cũng đổ."


Ông kêu gọi "mỗi cán bộ, đảng viên hãy nghiêm túc xem xét mình đã sống lành mạnh, sống bằng lao động của mình hay chưa…"


Nói về 'tự suy thoái'


Có vẻ như định nghĩa cá nhân của ông Nguyễn Đình Hương về hiện tượng 'tự suy thoái', 'tự diễn biến' nhắm vào một góc độ khác những gì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra từ vài năm qua.


Hồi tháng 2/2013, phát biểu tại Phú Thọ, Giáo sư Trọng nói nhiều hơn đến góc độ thay đổi quan điểm chính trị của "tự suy thoái'.


Ông hỏi: "Xem ai có tư tưởng muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Có tam quyền phân lập không? Có phi chính trị hóa quân đội không?"


"Người ta đang có những quan điểm như thế, đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa! … Tham gia khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể … thì đó là cái gì?"


Sang dịp Xuân 2014, ông nhắc lại trên Truyền hình Việt Nam:


"Đảng phải tự chỉnh đốn, ngày càng trong sạch, vững mạnh, phải chống cho được sự thoái hóa tư tưởng, đạo đức. 


"Đấu tranh chống tham nhũng phức tạp, khó khăn vì nó xảy ra ngay trong nội bộ chúng ta...


"Phải làm mạnh hơn nữa công tác phòng ngừa, răn đe, làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục, để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải thấm nhuần sâu sắc nguy cơ về tham nhũng với một Đảng cầm quyền, nếu không làm thì sẽ có nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng."


Đến tháng 10/2016, ông Nguyễn Phú Trọng nhắc lại chủ đề 'tự diễn biến', 'tự suy thoái' tại Hội nghị Trung ương 4 tại Hà Nội.


Theo ông, tình trạng suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hoá vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, có thể gây ra những hậu quả khôn lường. - BBC

No comments:

Post a Comment