Sunday, October 9, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 8/10

Tin Thế Giới


1.

Nga triển khai hỏa tiễn ở Kaliningrad


Nga triển khai hỏa tiễn Iskander có khả năng hạt nhân trong khu vực Kaliningrad, giáp biên giới Ba Lan và Lithuania.


Linas Linkevicius, ngoại trưởng Lithuania, quốc gia thành viên Nato, nói rằng mục đích của động thái này là để "tìm kiếm sự nhượng bộ từ phương Tây".


Mỹ và Nato đã thấy những bất đồng với Nga gia tăng trong thời gian gần đây, đặc biệt đối với Syria và Crimea.


Bộ Quốc phòng Nga nói việc triển khai mới là một phần của các cuộc tập trận quân sự và đã từng xảy ra trước đây.


Kaliningrad là một vùng lãnh thổ của Nga nằm kẹp giữa Ba Lan và Lithuania.


Hệ thống hỏa tiễn Iskander có tầm bắn lên tới 700km và có thể bay tới thủ đô Berlin của nước Đức.


'Đáng báo động'


Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Antoni Macierewicz gọi các hoạt động của Nga là "rất đáng báo động".


Và một quan chức tình báo Mỹ nói với Reuters rằng động thái có thể để thể hiện sự không hài lòng với Nato. Nato đang đẩy mạnh phía đông của khối này bằng cách triển khai bốn tiểu đoàn ở Ba Lan, Lithuania, Latvia và Estonia vào năm tới.


Nhưng theo Igor Konashenkov, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, việc triển khai là "không đặc biệt".


Các hỏa tiễn Iskander đã được gửi đến Kaliningrad trong cuộc tập trận quân sự hồi năm ngoái.


Việc sáp nhập Crimea vào Nga và hỗ trợ của nước này cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad tiếp tục là phép thử các mối quan hệ với các cường quốc phương Tây.


Phần Lan, Thụy Điển, Estonia và Latvia nằm trong số các quốc gia gần đây nêu phản ánh về các vi phạm không phận bởi quân đội Nga. - BBC

|

|


2.

Hoa Kỳ tố cáo Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống


Căng thẳng gia tăng giữa Washington và Matxcơva. Hôm qua, 07/10/2016, Hoa Kỳ đã công khai tố cáo Nga tìm cách can thiệp vào tiến trình bầu cử tổng thống Mỹ bằng các vụ tấn công tin học.


Trong khi chỉ còn khoảng một tháng nữa là đến kỳ bầu cử tổng thống Mỹ, chính quyền Obama lần đầu tiên chỉ đích danh nước Nga là tác giả một loạt các vụ tấn công tin học, đặc biệt nhắm vào các máy chủ của đảng Dân Chủ.


Trong một thông cáo với lời lẽ cứng rắn, Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia ( ODNI ) của Hoa Kỳ khẳng định các vụ tấn công tin học và ăn cắp dữ liệu này là nhằm can thiệp vào tiến trình bầu cử ở Mỹ và chỉ có các quan chức cao cấp của Nga mới có quyền cho phép những hành động như vậy.


Matxcơva, qua lời phát ngôn viên điện Kremlin, ngay lập tức đã bác bỏ những cáo buộc nói trên, cho đó là “chuyện tầm phào”.


Cuối tháng 7 vừa qua, chính tổng thống Obama đã không loại trừ khả năng nước Nga tìm cách tác động lên cuộc bầu cử tổng thống Mỹ theo hướng có lợi cho ứng cử viên Cộng hòa Donald Trump. Bản thân ứng cử viên Dân Chủ Hillary Clinton cũng đã nhiều lần công khai bày tỏ mối quan ngại của bà về vấn đề.


Chính phủ Obama cũng nhấn mạnh rằng đây không phải là lần đầu tiên Matxcơva tìm cách can thiệp vào tiến trình bầu cử của một quốc gia khác, mà Nga đã từng dùng chiến thuật tương tự với các nước châu Âu và các nước khu vực Âu-Á.


Tuy nhiên theo các chuyên gia, các tin tặc khó có thể tác động lên kết quả bầu cử tổng thống Mỹ, nhất là vì hệ thống bầu cử của Mỹ bao gồm đến hơn 100 ngàn đơn vị bầu cử và phòng phiếu và hệ thống này được bảo vệ rất chặt chẽ. Tuy nhiên, các vụ tấn công tin học có thể khiến cho cử tri Mỹ mất tin tưởng và sẽ đặc biệt đáng quan ngại trong trường hợp kết quả sát sao. - RFI

|

|


Tin Hoa Kỳ


3.

Wikileaks rò rỉ phát biểu của bà Clinton --- Thượng nghị sĩ McCain 'không bỏ phiếu' cho tỷ phú Trump --- Vợ ông Trump chỉ trích bình luận tục tĩu của chồng


Tài liệu gỡ băng ghi chép các phát biểu riêng tư của ứng viên tổng thống Hoa Kỳ thuộc đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton, vừa bị trang mạng ‘thổi còi’ Wikileaks rò rỉ, tiết lộ.


Trong một đoạn được trích xuất, bà Clinton nói với các chủ ngân hàng rằng họ đã ở trong vị trí tốt nhất để giúp cải cách khu vực tài chính Mỹ.


Bà cũng nói bà ưa chuộng "thương mại mở và biên giới mở". Đối thủ chính của bà Clinton, ông Donald Trump, nói rằng ông muốn đàm phán lại các thỏa thuận thương mại then chốt.


Bà Clinton đã từ chối công bố các phần gỡ băng thực hiện từ năm 2013 và năm 2014.


Đối thủ của bà trong bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ, Bernie Sanders, đã nhiều lần kêu gọi bà Clinton công bố văn bản của các bài phát biểu được cho là đã mang về cho bà khoảng 26 triệu USD.


"Giấc mơ thị trường chung"


Các trích đoạn bao gồm nhiều bình luận được đưa ra tại một sự kiện do Goldman Sachs tài trợ vào tháng 10/2013, trong đó bà Clinton nói về sự cần thiết tham vấn ý kiến của phố Wall trong cải cách tài chính.


"Những người biết rõ ngành này hơn so với bất cứ ai là những người làm việc trong ngành", bà Clinton nói.


Tại một bài phát biểu trình bày cho một ngân hàng Brazil vào năm 2013, bà Clinton nói về "giấc mơ" của bà về một thị trường thương mại chung.


"Giấc mơ của tôi là một thị trường chung bán cầu (châu Mỹ), với thương mại mở và biên giới mở vào một thời điểm nào đó trong tương lai với năng lượng càng xanh và càng bền vững như chúng ta có thể có được, tạo ra sức mạnh cho tăng trưởng và cơ hội cho tất cả mọi người ở phần bán cầu này," bà Clinton nói.


Vụ rò rỉ xảy ra sau khi Hoa Kỳ cáo buộc Nga về một cuộc tấn công mạng nhắm vào các tổ chức chính trị có ý định gây ảnh hưởng trong cuộc bầu cử tổng thống.


Những người ủng hộ ông Donald Trump đã hy vọng rằng Wikileaks sẽ công bố một "Điều ngạc nhiên của tháng Mười" trong tuần này để đặt dấu chấm hết cho những hy vọng trở thành tổng thống của bà Clinton.


Các nhân viên trong chiến dịch vận động của bà được cho là đã nhận được các bài phát biểu của bà Clinton để xác định các đoạn trong văn bản có thể gây ra vấn nếu chúng được công bố, theo hãng tin AP.


Wikileaks đã công bố trên mạng hàng ngàn bức thư điện tử, bao gồm các trao đổi với trợ lý chiến dịch tranh cử, John Podesta. Đợt rò rỉ lần này bao gồm các thư từ, thông điệp từ nhiều năm trước, nhưng cũng có một số có thời gian ít nhất từ tháng trước.


Ông Podesta gọi các chi tiết bị tiết lộ là một cuộc tấn công mạng của Nga và cho rằng một số tài liệu có thể đã bị thay đổi.


"Tôi không hài lòng về việc người Nga tấn công mạng trong nỗ lực đưa cuộc bầu cử về tay Donald Trump," ông Podesta viết.


"Không có thời gian để xác định cái nào trong các tài liệu đó là thật và cái nào bị làm giả." - BBC


***

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa John McCain hôm 8/10 lên tiếng về đoạn video, trong đó tỷ phú Donald Trump có những bình luận tục tĩu về phụ nữ.


Cựu binh Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam nói: “Hành vi của ông Donald Trump trong tuần này, kết thúc bằng [đoạn băng] tiết lộ những lời bình luận hạ thấp nhân phẩm của phụ nữ cũng như việc ông ấy tự hào chuyện tấn công tình dục [phụ nữ ], khiến [tôi] không thể tiếp tục, kể cả việc ủng hộ một cách có điều kiện, việc ông ấy ra ứng cử”.


Thượng nghị sĩ McCain cho biết ông và vợ, bà Cindy, sẽ không bỏ phiếu cho ứng viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton, mà thay vào đó, bỏ phiếu “cho ứng cử viên Cộng hòa bảo thủ, tốt đẹp nào đó đủ điều kiện để trở thành tổng thống”.


Trước đó, nghị sĩ Martha Roby của bang Alabama tuyên bố: "Bây giờ, nó là rất rõ ràng rằng điều tốt nhất cho đất nước của chúng tôi và đảng của chúng tôi là cho ông Trump bước sang một bên."


Ngay cả bạn đồng hành của Trump, ông Mike Pence, nói rằng ông đã "bị xúc phạm bởi những lời nói và hành động" mà Trump được mô tả trong đoạn video.


Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan nói ông cảm thấy “buồn nôn” vì những phát biểu của ông Trump và loan báo ông Trump sẽ không dự lễ hội mùa thu thường niên ở Wisconsin, tiểu bang nhà của ông, như chương trình đã định.


Lãnh tụ khối đa số ở Thượng viện Mitch McConnell nói: “Những lời bình luận của ông Trump đáng ghê tởm, không thể được chấp nhận dưới bất cứ tình huống nào.” 


Thượng nghị sĩ Mike Lee, đại diện bang Utah, kêu gọi ông Trump hãy từ bỏ cuộc vận động tranh chức Tổng thống Mỹ, nói rằng ông Trump làm “phân tán sự tập trung vào những vấn đề quan trọng mà chúng ta đang phải đối mặt.”


Ý kiến này được sự đồng tình của Thượng nghị sĩ Mark Kirk, người sắp phải vận động để được tái cử để duy trì chiếc ghế trong Thượng viện, đại diện cho bang Illinois. Ông đề nghị Đảng Cộng hoà hãy khởi sự lập ra những quy định để khẩn cấp thay thế ứng cử viên của đảng.


Thượng nghị sĩ John McCain nói: “Ông Trump phải tự gánh vác một mình những tác động tiêu cực do cách cư xử của ông gây ra, và phải hứng chịu một mình những hậu quả của nó.”   


Thượng nghị sĩ Jason Chaffetz của bang Utah, nói “lương tâm của ông không cho phép ông tiếp tục hậu thuẫn ông Trump trong chức vụ Tổng thống”.


Trong một video đăng trên trang Facebook của ông, ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump nói:


“Tôi đã nói lời xin lỗi. Tôi đã sai và tôi xin lỗi.”


Tuy vậy, tỷ phú Trump vẫn tỏ thái độ thách thức và tìm cách làm giảm nhẹ tầm quan trọng của băng video ghi lại những bình luận không mấy đẹp về phụ nữ của ông, là chỉ làm mất sự tập trung vào chiến dịch vận động bầu cử.


Ông còn ngỏ ý sẽ dùng thời gian còn lại trong cuộc vận động để chứng minh rằng đối thủ của ông, bà Clinton đã phạm những hành vi sai trái còn tệ hại hơn ông nhiều đối với phụ nữ.


Ông Trump nói chồng bà, cựu Tổng thống Bill Clinton, mới là người “thực sự lợi dụng phụ nữ”, và bà Clinton đã hiếp đáp các nạn nhân của chồng bà.


Kristen Soltis Anderson, chuyên viên thăm dò dư luận của đảng Cộng Hòa nói với CNN rằng ông Trump vẫn gặp khó khăn trong việc thu hút lá phiếu của thành phần phụ nữ da trắng có bằng cấp đại học, và vụ tai tiếng mới nhất càng khiến ông không thể nào chiếm được lá phiếu của thành phần cử tri này.


Ông Trump sẽ đối mặt với đối thủ của ông bên Đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton trong cuộc tranh luận trên truyền hình vào ngày Chủ nhật 9/10. - VOA


***

Bà Melania Trump, phu nhân của ứng viên tổng thống Donald Trump, hôm 8/10 đã ra tuyên bố ngắn ngủi liên quan tới đoạn video, trong đó chồng bà có những lời lẽ bị coi là tục tĩu và hạ thấp nhân phẩm phụ nữ hơn 10 năm trước.


Đoạn thông cáo có đoạn: “Những lời lẽ mà chồng tôi nói là không thể chấp nhận được, và xúc phạm cả bản thân tôi. Điều này không phản ánh người đàn ông mà tôi biết. Ông ấy có trái tim và khối óc của một nhà lãnh đạo”.


Bà Trump bày tỏ hy vọng rằng “mọi người sẽ chấp nhận lời xin lỗi của ông ấy như tôi, và tập trung vào các vấn đề quan trọng mà đất nước chúng ta và thế giới đang đối mặt”.


Trước đó, ông Mike Pence, người cùng chạy đua vào Nhà Trắng với ông Trump ở vị trí ứng viên Phó Tổng thống, nói rằng ông “không thể tha thứ cho những lời bình luận” của ông Trump, cũng như “không thể bảo vệ chúng”.


Tuyên bố của ông Pence có đoạn: “Là một người chồng và người cha, tôi cảm thấy bị xúc phạm vì những lời lẽ và hành động của ông Trump trong đoạn video từ 11 năm trước”.


Tuy nhiên, ứng viên Phó tổng thống Mỹ cho biết ông “cầu nguyện cho gia đình ông Trump và trông chờ cơ hội để ông chứng tỏ những gì có trong trái tim khi xuất hiện trước đất nước [trong cuộc tranh luận thứ hai trên truyền hình] vào tối mai”.


Bình luận của thống đốc bang Indiana được đưa ra giữa lúc có nhiều đảng viên Đảng Cộng hòa kêu gọi ông Trump rút lui để nhường chỗ cho ông Pence.


Tuy nhiên, tỷ phú bất động sản lên tiếng trên Twitter rằng ông “sẽ không bao giờ rút khỏi cuộc đua”, và “sẽ không bao giờ khiến các ủng hộ viên phải thất vọng”.


Dù đã ngỏ lời xin lỗi, làn sóng phản đối ông Trump vẫn tiếp tục dâng lên, và mới nhất là tuyên bố của thượng nghị sĩ John McCain.


Cựu binh Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam nói: “Hành vi của ông Donald Trump trong tuần này, kết thúc bằng [đoạn băng] tiết lộ những lời bình luận hạ thấp nhân phẩm của phụ nữ cũng như việc ông ấy tự hào chuyện tấn công tình dục [phụ nữ ], khiến [tôi] không thể tiếp tục, kể cả việc ủng hộ một cách có điều kiện, việc ông ấy ra ứng cử”.


Thượng nghị sĩ McCain cho biết ông và vợ, bà Cindy, sẽ không bỏ phiếu cho ứng viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton, mà thay vào đó, bỏ phiếu “cho ứng cử viên Cộng hòa bảo thủ, tốt đẹp nào đó đủ điều kiện để trở thành tổng thống”. - VOA

|

|


4.

Diễn văn hàng tuần của Tổng thống Obama


Trong bài diễn văn hàng tuần vào mỗi thứ Bảy, Tổng thống Obama hôm nay nêu bật mức tăng thu nhập đáng kể của dân Mỹ trong nhiệm kì tổng thống của ông.


Nhà lãnh đạo Mỹ phát biểu:


“Tám năm về trước, chúng ta ở bên bờ vực của cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử. Đó là một thời kỳ đáng sợ. Chúng ta lúc đó thậm chí còn không biết đâu là đáy của cuộc khủng hoảng đó. Tuy nhiên, nhờ sự cần cù, lòng quyết tâm, và một số quyết định sáng suốt, lịch sử đã sang trang mới. Chúng ta đã thoát ra cuộc khủng hoảng để đạt được những tiến bộ kỷ lục trong viêc kiến tạo công ăn việc làm, tạo thêm 15 triệu công việc trong lĩnh vực tư, giảm tỉ lệ thất nghiệp xuống phân nửa.”


Từ năm 2012, thu nhập thực tế đã tăng trưởng nhanh gấp 20 lần so với tốc độ tăng trưởng trong suốt 3 thập kỉ từ năm 1980 đến năm 2007.


Năm ngoái, thu nhập trung bình của mỗi hộ dân tăng thêm 2,800 đô la, một mức tăng kỉ lục.


Tại tất cả các cộng đồng sắc dân cũng như nhóm tuổi, mức thu nhập tăng trong khi tỷ lệ người nghèo giảm; 3,5 triệu người đã thoát nghèo, mức cao nhất kể từ năm 1968.


Nhờ biện pháp nâng mức lương tối thiểu tại một số bang, thu nhập của những hộ nghèo và trung lưu đã tăng ở mức chưa từng thấy.


Tuy đã đạt được những tiến bộ quan trọng, Tổng thống Obama nói rằng vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm để củng cố thành phần trung lưu nhưng trước tiên, Quốc Hội cần phải gạt chính trị qua một bên, và hành động dựa trên những lý lẽ phổ quát.


Đoạn băng ghi hình bài diễn văn của Tổng thống Obama có thể được xem trực tuyến trên trang web: www.whitehouse.gov. - VOA

|

|


Tin Việt Nam


5.

Tòa Kỳ Anh trả đơn kiện Formosa


Linh mục được người dân ủy quyền xác nhận với BBC việc Tòa án Nhân dân thị xã Kỳ Anh đã trả 506 đơn kiện Formosa liên quan đến yêu cầu bồi thường vụ cá chết.


Truyền thông Việt Nam cho hay, hôm 5/10, Tòa án Nhân dân thị xã Kỳ Anh đã tiến hành trả 506 đơn khởi kiện Công ty Formosa Hà Tĩnh và nói thêm rằng việc trả đơn "đúng theo quy định của pháp luật".


“Hiện tại, Tòa án Kỳ Anh đã sao chụp toàn bộ 506 đơn khởi kiện và các tài liệu liên quan lưu tại Tòa án để làm căn cứ giải quyết khiếu nại, kiến nghị khi có yêu cầu", báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh hôm 8/10 dẫn lời ông Nguyễn Văn Thắng - Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cho biết.


“Trong đơn và các tài liệu không đưa ra được tài liệu, chứng cứ chứng minh về những thiệt hại thực tế”, báo này viết.


Hôm 8/10, từ Nghệ An, Linh mục Anton Đặng Hữu Nam, Giáo xứ Phú Yên, người được ngư dân ủy quyền trong vụ kiện Formosa xác nhận với BBC rằng ông đang ký nhận lại 506 đơn do tòa chuyển trả qua bưu điện từ hôm 7/10.


“Hôm qua tôi ký nhận 120 đơn và hôm nay nhận tiếp số đơn còn lại.”


“Việc tòa Kỳ Anh trả đơn kiện của ngư dân cho thấy chính quyền đang đứng về phía ai trong vụ việc này.”


“Việc này cũng cho thấy người dân, ngư dân miền Trung đang là nạn nhân của thảm họa kép - vụ cá chết và việc họ bị chính quyền đẩy ra ngoài lề," linh mục chỉ trích.


Hôm 8/10, trả lời BBC từ TP Hồ Chí Minh, luật sư Nguyễn Duy Bình (Văn phòng Luật sư Duy Trinh), người từng tham gia liên danh trợ giúp ngư dân khởi kiện Formosa thời gian qua, nhận định: “Việc Tòa Kỳ Anh trả lại đơn căn cứ vào khoản 5 điều 189 và khoản 1, điều 192 – Bộ luật Tố tụng dân sự là trái pháp luật.”


“Vì trong vụ việc này người dân, ngư dân lấy đâu ra tài liệu, chứng cứ như tòa án yêu cầu?”


“Tôi nhận thấy Tòa không nên áp dụng quy định một cách máy móc. Trong vụ việc này, chỉ cần những hộ dân đó thuộc đối tượng đánh bắt, nuôi trồng, làm muối, kinh doanh thủy hải sản tại địa bàn các tỉnh chịu thảm họa Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế là đủ điều kiện khởi kiện.”


“Hơn nữa, chính bên bị kiện là Formosa cũng đã thừa nhận họ gây ra thảm hoạ môi trường và chính phủ đã có kết luận công ty này là thủ phạm”.


Luật sư cho biết thêm: “Có thể người dân Nghệ An ít bị ảnh hưởng hơn các tỉnh còn lại nhưng không vì thế mà cho rằng họ không thuộc đối tượng chịu thiệt hại do hành vi trái pháp luật của Formosa”.


“Cũng cần nói thêm là chính phủ chỉ có quyền thay mặt nhà nước thương lượng với Formosa, nhận tiền bồi thường phần thiệt hại của phía nhà nước còn người dân bị thiệt hại do thảm họa có quyền thương lượng với phía gây thiệt hại hoặc khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết”.


Theo ông Bình, những hộ dân thuộc địa bàn tỉnh Nghệ An không thuộc đối tượng được bồi thường, trợ giúp theo Quyết định 1880 của Thủ tướng nên không thể cho rằng vụ việc đã được giải quyết”.


'Vấn đề cốt lõi'


Cùng ngày, nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn, người theo sát diễn biến vụ cá chết nói với BBC: “Thật sự là tôi thất vọng về quyết định của tòa nhưng điều này đã được dự báo trước khi tôi quan sát những động thái ứng phó có phần thiếu minh bạch của chính quyền trong vụ cá chết”.


“Cả hai lý do mà Tòa Kỳ Anh đưa ra đều không hợp lý và cho thấy tòa không cân nhắc tình hình thực tế là người gặp khó khăn trong việc chứng minh thiệt hại mà phải có hóa đơn, chứng từ.”


“Người dân, ngư dân không đồng tình với mức bồi thường mà chính phủ áp đặt thì họ mới đi kiện tìm công lý.”


“Việc tòa trả đơn có khác gì họ đang ngăn thực thi quyền công dân cơ bản của người dân?”


“Nhìn sâu xa hơn, với việc trả lại đơn kiện của người dân, chính quyền có vẻ như chưa nhìn ra vấn đề cốt lõi là khôi phục sinh kế, trả lại vùng biển sạch chp miền Trung”.


Theo ông Tuấn, “mong muốn lớn nhất của người dân bị ảnh hưởng bởi vụ cá chết cho đến bây giờ là đóng cửa Formosa.”


“Còn nếu như chính quyền tính đến việc dựng hàng rào kẽm gai hay ứng phó mạnh tay với những cuộc biểu tình ôn hòa có thể xảy ra tới đây thì sẽ chẳng thế nào giải quyết ổn thỏa vụ việc”.


Trước đó, hàng ngàn người dân hôm Chủ nhật 2/10 biểu tình trước cổng tập đoàn Formosa Hà Tĩnh.


Người dân từ các Giáo xứ Đông Yên, Mỹ Dụ, giáo xứ Dũ Lộc, Quy Hòa, Tây Thành thuộc Giáo hạt Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã tham gia cuộc xuống đường đến cổng công ty Formosa, nằm trên địa bàn huyện này trong sáng Chủ Nhật 2/10. - BBC

|

|


6.

Công an đàn áp, bắt bớ nhóm xã hội dân sự


Trưa hôm qua 8 tháng 10, một nhóm nhà hoạt động xã hội dân sự từ Sài Gòn xuống Vũng Tàu kết hợp với những thành viên khác tại đây gốm hơn 20 người nhằm trao đổi kinh nghiệm hoạt động xã hội dân sự nhưng đã bị công an ập vào bắt đi, tạm giữ họ trong nhiều giờ liền với lý do hội thảo không xin phép. Luật sư Lê Công Định, một trong những người tham gia kể lại câu chuyện này:


“Chúng tôi bắt đầu từ Sài Gòn đi vào lúc 10 giờ đến Vũng Tàu khoảng 12 giờ. Sau khi ăn trưa chúng tôi đến điểm hẹn tại đường Phan Chu Trinh. Khi đến đây thì chúng tôi phát hiện ra nơi đó đã đầy công an hết. Công an giao thông, cảnh sát cơ dộng và an ninh đứng đó họ đặt camera họ quay đoàn xe của chúng tôi đến. Chúng tôi không thể vào nơi đó vì họ đã bao vây sẵn rồi cho nên chúng tôi quyết định đi thẳng đến chỗ mà anh em đã dự định gặp nhau để nói chuyện với nhau đó là khách sạn Herra Palace ở Vũng Tàu.


Chúng tôi dự định nói về vấn đề Xã hội dân sự bởi vì hội Cựu tù nhân lương tâm là một tổ chức xã hội dân sự đề cao hoạt động và phát triển của các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam. Chúng tôi đến Vũng Tàu lần này chủ yếu gặp các bạn trẻ ở đó và trao dổi với các bạn chủ yếu về xã hội dân sự. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn một băng rôn để nói về việc gặp mặt này thật ra chẳng phải là một hội nghị mà chỉ là một phiên họp có chủ đề sẵn để từng người trình bày, tất cả mọi người ai cũng có quyền trao đổi bằng cách đứng lên phát biểu, trao đổi ý kiến. Tôi nói về vấn đề luật pháp liên quan đến các tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam”


Theo Luật sự Định kể lại thì khi ông mới bắt đầu nói thì quản lý nhà hàng bước vào nói là bên an ninh họ làm khó dễ quá cho nên mong cuộc họp chấm dứt. L\ý do là tổ chức hội nghị mà không xin phép bên Sở Văn hóa.


Luật sư Lê Công Định kể lại việc bắt người:


“Họ đẩy tôi thì tôi hét lớn lên “bắt người, công an bắt người” để cho các bạn nghe nhưng vì mọi người đang ở trong cái phòng đóng cửa nên hầu như không ai nghe. Trong lúc đó thì tôi đứng bên ngoài sảnh lớn rồi. Sau khi họ thấy tôi hét lên như vậy thì 4 -5 tay an ninh mặc thường phục xông vào đánh tôi, họ kẹp cổ bẻ tay tôi và cả 4 người xốc nách tôi lên xe. Xe chở tôi đến công an Phường Thắng Tam trên đường Hoàng Hoa Thám. Khi vào đó thì tôi đã thấy anh Nguyễn Thanh Hải ngồi trong phòng, tôi là người thứ hai bước vào đó. Sau 15 phút lại thêm anh Tâm cũng ở Vũng Tàu bị bắt vào đây”


Theo lời Luật sư Lê Công Định thì từ Sài Gòn về chung với anh là Bác sĩ Nguyễn Đăng Quế, Lê Thang Long, Phạm Bá Hải. Chị Nguyễn Thị Bích Hạnh ở Nghệ An vào, cô Trang Nhung, em Trần Hoàng Phúc và một số anh chị nữa.


Theo tìm hiểu riêng của chúng tôi thì còn có Nguyễn Thúy Quỳnh, Lưu Trọng Kiệt, Lê Công Vinh, Trần Thiện Kế, Nguyễn Thanh Hải và anh Tâm ở Vũng Tàu.


Khoảng 11 giờ đêm, công an quyết định thả những người bị họ bắt bằng cách chở nạn nhân ra khỏi thành phố Vũng Tàu, thả họ xuống giữa đường bất kể đêm tối. Chị Nguyễn Thị Bích Hạnh và đứa con trai bị bỏ giữa đường phải nhờ người quen chạy ra đón về vào lúc 2 giờ khuya. Hầu hết các người khác cũng vậy.


Quý vị có thể nghe toàn bộ lời kể của Luật sư Lê Công Định trong phần âm thanh của chúng tôi. - RFA

No comments:

Post a Comment