Tin Thế Giới
1.
Hơn 800 người Haiti thiệt mạng vì bão Matthew
Bão Matthew trên đường quét qua Haiti đã làm hơn 800 người thiệt mạng và hàng chục ngàn người khác mất nhà cửa trước khi đổ bộ vào Florida hôm 7/10 mang theo mưa to gió lớn, tiến lên phía bắc dọc bờ biển ven Đại Tây Dương của Hoa Kỳ.
Thông tấn xã Reuters dẫn số liệu từ giới chức Haiti cho hay số tử vong tại Haiti, quốc gia nghèo nhất châu Mỹ, lên đến ít nhất là 842 người tính tới 7/10, sau khi nhận được tin tức từ các khu vực xa xôi của Haiti gởi về. Trước đây bão làm cho những khu vực này mất liên lạc với trung ương.
Bão Matthew khiến cư dân tại các vùng bờ biển thuộc Florida, Georgia, South Carolina và North Carolina (Hoa Kỳ) phải di tản.
Hôm nay (7/10), bão đổ bộ vào Florida với sức gió lên đến 195 kilômét một giờ.
Thống đốc Florida, Rick Scott, cảnh báo thành phố Jacksonville có thể bị ngập nặng và khoảng 600.000 nhà bị mất điện.
Cơ quan Dự báo Thời tiết Mỹ cho hay bão Matthew có thể là cơn bão mạnh nhất thổi vào vùng đông bắc Florida trong vòng 118 năm nay. - VOA
|
|
2.
Nobel Hoà Bình 2016: tổng thống Colombia Juan Manuel Santos
Giải Nobel Hoà Bình 2016 được trao cho tổng thống Colombia. Quyết định này, được công bố vào sáng nay 07/10/2016 tại Oslo nhằm trợ giúp tổng thống Juan Manuel Santos trong nỗ lực vực dậy hiệp định chấm dứt 52 năm nội chiến, ký kết với du kích mác-xít FARC, nhưng bị đa số dân chúng bác bỏ.
Trong thông báo quyết định chọn tổng thống Colombia Juan Manuel Santos để tưởng thưởng giải Nobel Hoà Bình 2016, bà Kaci Kullmann Five, chủ tịch Ủy ban Nobel Hoà bình Na-Uy nhấn mạnh: "Hy vọng giải thưởng này sẽ khuyến khích mọi sáng kiến và mọi tác nhân có thể đóng góp vai trò quyết định tiến trình hoà bình và cuối cùng mang lại hoà bình cho Colombia sau nhiều thập niên chiến tranh".
Ủy ban Nobel Hòa Bình không giấu lo ngại « chiến tranh bùng lại » sau khi đa số cử tri bác bỏ hiệp định hoà bình (ký ngày 26/09) trong cuộc trưng cầu dân ý (ngày 02/10). Hành động biểu tượng chọn trao Nobel Hoà Bình cho tổng thống Santos là thông điệp thúc đẩy các đối tác tại Colombia, chính phủ, đối lập và FARC cùng lật qua trang sử mới, tha thứ và hòa giải.
Từ bộ trưởng diều hâu đến tổng thống bồ câu
Khôi nguyên Nobel Hoà Bình 2016 Juan Manuel Santos, 65 tuổi, từng là một nhân vật chủ chiến, trước khi trở thành một người yêu chuộng hoà bình, nỗ lực hoà giải với lực lượng du kích cộng sản Colombia. Khi còn là bộ trưởng Quốc Phòng của tổng thống tiền nhiệm Alvaro Uribe, ông Juan Manuel Santos là người đề xuất cuộc tổng tấn công ác liệt tảo thanh du kích FARC. Nhưng khi đắc cử tổng thống cách nay 6 năm, ông chọn con đường hoà đàm và hòa giải. Cuộc nội chiến đã làm 260 ngàn người chết, 45 ngàn bị mất tích, bị bắt cóc, bị thủ tiêu và gần 7 triệu người tị nạn chiến cuộc, đa số là dân nông thôn.
FARC không được thưởng
Trung thành với truyền thống, Ủy ban Nobel Hoà Bình Na-Uy không muốn giải thích vì sao giải thưởng này không được chia với tổ chức du kích FARC. - RFI
|
|
3.
Manila thông báo với Mỹ dừng tuần tra chung ở Biển Đông --- Rodrigo Duterte, tổng thống-kẻ sát nhân hàng loạt
Chính quyền Manila rốt cuộc đã thực hiện những lời đe dọa giảm bớt hợp tác quân sự với Mỹ mà tổng thống Philippines đã liên tiếp nêu lên trong thời gian gần đây. Phát biểu với báo chí ngoại quốc vào hôm nay, 07/10/2016, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana xác nhận quân đội Mỹ đã được phía Philippines thông báo là các kế hoạch tuần tra và tập trận hỗn hợp của hai bên trên Biển Đông đã bị đình chỉ theo yêu cầu của tổng thống Duterte.
Theo hãng tin Mỹ AP, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines còn cho biết thêm hai quyết định khác liên quan đến việc giảm bớt sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ trên lãnh thổ Philippines.
Trước hết, số lượng 107 lính Mỹ hiện đang đồn trú tại miền Nam Philippines để điều khiển các chiếc drone – tức là máy bay không người lái – có nhiệm vụ theo dõi hành tung của phiến quân Hồi Giáo, sẽ phải rời khỏi Philippines sau khi quân đội Philippines tiếp thu xong năng lực sử dụng các phương tiện thu thập thông tin tình báo đó.
Ngoài ra, cũng theo ông Lorenzana, tổng thống Duterte còn muốn đình chỉ số 28 cuộc tập trận quân sự mà quân đội Philippines tiến hành mỗi năm với lực lượng Mỹ. Vào tuần trước, tại Hà Nội, tổng thống Philippines đã tuyên bố rằng ông muốn cuộc tập trận chung Mỹ-Philippines đang diễn ra trong khu vực đảo Luzon là cuộc tập trận với Mỹ cuối cùng trong nhiệm kỳ của ông.
Cho đến nay, bất chấp những tuyên bố chống Mỹ của tổng thống Duterte, cả các quan chức quân đội lẫn bộ trưởng Quốc Phòng Philippines luôn tìm cách giảm nhẹ tầm quan trọng của những phát biểu đó. Tuy nhiên, tuyên bố của bộ trưởng Quốc Phòng Philippines cho thấy là chính quyền Manila bắt đầu thực hiện các "chỉ thị" của tổng thống Duterte.
Song song với bộ trưởng Quốc Phòng, vào hôm qua, ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay cũng lên tiếng hậu thuẫn mạnh mẽ cho quan điểm rời xa Mỹ của tổng thống Duterte.
Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, trên trang Facebook của mình, ông Yasay khẳng định rằng Philippines cần phải thoát ra khỏi tình trạng "lệ thuộc" vào Mỹ để "giải quyết hiệu quả những mối đe dọa ở cả trong lẫn ngoài nước".
Đối với Reuters, tuyên bố trên đây là hậu thuẫn mạnh mẽ nhất của người lãnh đạo ngành ngoại giao Philippines cho lập trường chống Mỹ một cách cứng rắn của đương kim tổng thống Duterte.
Riêng về Biển Đông, ông Perfecto Yasay không ngần ngại chỉ trích thái độ không mặn mà của Mỹ trong việc giúp Philippines bảo vệ chủ quyền của minh khi cho rằng Mỹ không thể bảo đảm trợ giúp Philippines bảo vệ chủ quyền theo tinh thần hiệp định phòng thủ chung giữa hai bên, ký kết năm 1951.
Ông Yasay nhận định nguyên văn như sau: "Lực lượng phòng vệ của chúng ta – tức là Philippines - nói chung vẫn chưa đủ khả năng đối phó với những mối đe dọa an ninh từ những đối thủ tiềm tàng… Tệ hại hơn là đồng minh duy nhất của chúng ta lại không thể bảo đảm rằng bằng một lập trường kiên quyết giúp củng cố quyền chủ quyền của chúng ta theo luật pháp quốc tế, họ sẽ nhanh chóng đển bảo vệ chúng ta căn cứ vào các hiệp định và thỏa thuận quân sự hiện có". - RFI
***
Có lẽ hiếm khi có một nguyên thủ quốc gia nào lại lên trang nhất một nhật báo lớn của Pháp với cái tựa không mấy vinh dự như thế. Tờ Libération hôm nay 07/10/2016 đăng chân dung tổng thống Philippines trên bìa báo với dòng tựa "Rodrigo Duterte, tổng thống sát nhân hàng loạt".
Nhật báo thiên tả dành thêm bốn trang lớn bên trong để nói về "Duterte, một sê-ríp chống ma túy không phân biệt", "Rối loạn lớn tại Philippines", và bài phóng sự mang tựa đề "Câm miệng, nếu không sẽ có thêm nhiều người chết". Từ 100 ngày qua, tổng thống Philippines tiến hành cuộc chiến đẫm máu chống ma túy, với những tuyên bố quá khích, mà vẫn được lòng dân.
Đặc phái viên của Libération tại Manila và Davao cho biết, không cần phải nhọc công tìm kiếm, ông Duterte xuất hiện khắp nơi. Không phải đợi đến đúng ngày thứ 100, tức là hôm nay, vì hình ảnh tổng thống Philippines đầy dẫy trên các bức tường, trước các khách sạn, tên ông được nhắc đến thường xuyên trong các cuộc đối thoại.
"Bad boy" nguyên thủ
Một bad boy thô lỗ bỗng nhiên trở thành nguyên thủ của một đất nước 104 triệu dân, khiến người ta không khỏi đặt ra nhiều câu hỏi. Bởi vì "Digong", biệt danh của người Philippines đặt cho ông, không đơn giản là một người điên bất trị như người ta cảm thấy, cũng không phải là người cha nhân từ của dân tộc, như những người ủng hộ ông ca ngợi.
Rodrigo Duterte là thị trưởng Davao trong suốt 22 năm, từ 1988 đến 2016. Mary Ann Arnado, tổng thư ký Mindanao Peoples Caucus, một mạng lưới liên tôn giáo vì hòa bình cho biết: "Trong thập niên 90, Davao là một bãi chiến trường. Phong trào nổi dậy cộng sản rất mạnh, những vụ bắn giết trên đường phố, nạn nghèo khó…nói chung là sự hỗn loạn. Ông Duterte xuất hiện và hòa bình được lập lại" - theo kiểu của ông.
Duterte lao vào chiến dịch thanh trừng nhằm đuổi sạch quân nổi dậy và các trùm ma túy ra khỏi thành phố. Biệt đội tử thần xuất hiện. "Những tên tội phạm được sử dụng để giết những kẻ tội phạm khác" - luật gia Mary Ann Arnado tóm tắt. Ít nhất 1.400 người đã bị Davao Death Squad (DDS) giết chết mà không một sát thủ nào bị đưa ra xét xử. Không một cuộc điều tra nào đưa ra được mối liên hệ trực tiếp giữa DDS và ông Duterte. Juvie Ann A.Gultiano, thuộc tổ chức phi chính phủ bảo vệ nhân quyền TFDP ghi nhận "Thân nhân các nạn nhân vì quá sợ hãi nên giữ im lặng".
Trong chiến dịch tranh cử, Duterte khoe rằng đã giết được 1.700 người khi làm thị trưởng, và hứa nếu được bầu làm tổng thống sẽ giết thêm 100.000 tay buôn ma túy nữa. Tuần trước ông lại còn tự so sánh với Hitler, "sẽ rất vui nếu tiêu diệt được 3 triệu con buôn và người nghiện ma túy".
Tổng thống bình dân
Dù sinh tại Maasin ở miền trung, "Digong" lại là sản phẩm của Mindanao, vùng đất miền nam nghèo nàn, làm mồi cho nổi dậy và thánh chiến, nơi mà người ta dễ dàng to tiếng và đánh nhau. Từ thời trung học và đại học, Duterte vốn quậy phá, đôi khi còn sử dụng đến những cú đấm hoặc họng súng.
Một nhà báo có cảm tình với tổng thống đầu tiên xuất thân từ miền nam nhận định: "Cần phải hiểu rằng đối với người dân Philippines, các nguyên thủ trước đây đều là những người ngoài hành tinh, xa cách với cuộc sống của họ". Tại Davao, có thể gặp tổng thống ở After Dark, một bar karaoke bình thường, nơi ông hẹn gặp những người thân thiết, hay đang điều khiển chiếc Harley Davidson. Một số còn thấy ông điều khiển giao thông khi bị kẹt xe. Người thì thích thú khi thấy Duterte, đã ly dị và có bốn con, chạy theo những bóng hồng.
Tổng biên tập báo Mindanao Times cho biết: "Bạn có thể ngạc nhiên, nhưng ở đây người ta rất thích ông ấy, dù có những vùng xám và những cái chết tàn bạo". Một tài xế taxi nói ông Duterte đã "cấm hút thuốc trong thành phố, hạn chế tốc độ để giảm tử vong vì tai nạn, lập một hệ thống tin nhắn rất hiệu quả để tố cáo con buôn ma túy".
Ai dám nói thẳng là hoàng để đang cởi truồng ?
Tuy nhiên theo Libération, không thể lãnh đạo một quần đảo rộng lớn như Philippines cùng một kiểu như lãnh đạo 1,5 triệu dân Davao. Cũng đáng ngạc nhiên khi biết rằng tổng thống trong bốn ngày cuối tuần sống ở thủ phủ miền nam của mình, bỏ lại "Manila đế vương" cho các đại gia.
Alfredo Robles, cựu giáo sư trường đại học La Salle ở Manila nhận xét: "Duterte lánh ở đó như một thành trì, nhưng ông ấy là nguyên thủ đất nước chứ không phải thị trưởng". Những người đối lập thuộc giai cấp trung lưu và có học tố cáo những hạn chế trong các dự án của ông, sự thiếu chuẩn bị, thiếu vắng chiến lược tổng thể và những mâu thuẫn. Nhưng "Ai có thể đến nói với ông ta là nhà vua đang cởi truồng?" - bà Arnado đặt câu hỏi.
Duterte dành nhiều thời gian đi thăm các căn cứ quân sự, nói chuyện với các quân nhân và cảnh sát, hứa hẹn tăng lương và cấp trang bị mới. Blogger Raissa Robles cho biết: "Ông ta tìm kiếm sự ủng hộ và lòng trung thành của quân đội và cảnh sát để họ đứng về phía mình trong những thời điểm quyết định".
Hồi tháng Bảy, ông Duterte hứa rằng "sẽ về hưu với tiếng tăm của Idi Amin Dada" - nhà độc tài Ouganda đã làm 300.000 người chết trong thập niên 70, và theo Libération, tổng thống Rodrigo Duterte chỉ mới bắt đầu công việc. - RFI
|
|
4.
Báo động 600 tỷ đô la nợ xấu đe dọa ngân hàng Trung Quốc
Bản tin của hãng Bloomberg ngày 07/10/2016 cảnh báo: ngành ngân hàng Trung Quốc sẽ phải hứng chịu đến 600 tỷ đô la nợ xấu trong trường hợp nổ ra khủng hoảng địa ốc.
Căn cứ trên nghiên cứu của các cơ quan tài chính DBS Vickers Hong Kong, Ngân hàng ngoại thương Đức, Commerzbank AG, Blomberg cho biết : nếu như thị trường bất động sản Trung Quốc mất giá 30 %, nợ khó đòi của các ngân hàng nước này sẽ lên tới 4,1 ngàn tỷ nhân dân tệ, tức tương đương với 615 tỷ đô la. Ngành tài chính và ngân hàng Trung Quốc sẽ bị lung lay.
Về phía quỹ đầu tư Pacific Investment Management Co thì lo ngại trước hiện tượng nợ xấu tại Trung Quốc tăng quá nhanh. Theo cơ quan này, hiện tại nợ khó đòi xuất phát từ các dịch vụ mua bán địa ốc tương đương với khoảng 1,75 % nợ mà các ngân hàng Trung Quốc đang nắm giữ. Nhưng chỉ một vài năm nữa, tỷ lệ đó sẽ tăng lên tới khoảng 6 %.
Đại diện của hãng đầu tư Pimco tại Singapore cũng lo ngại là trong trường hợp thị trường địa ốc Trung Quốc bị vỡ bong bóng thì hậu quả sẽ vô cùng tai hại.
Quỹ dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc bị bào mỏng
Cũng liên quan tới Trung Quốc hãng tin Pháp AFP cho biết quỹ dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc giảm 19 tỷ đô la trong tháng 8/2016. Đây là dấu hiệu cho thấy Ngân Hàng Trung Ương nước này ồ ạt bán đô la để giữ giá cho đồng nhân dân tệ. Một số các nhà phân tích không loại trừ khả năng Bắc Kinh phải can thiệp để tránh cho đơn vị tiền tệ mất giá quá mạnh, vài ngày sau khi đồng nhân dân tệ vừa chính thức tham gia “rổ tiền tệ” của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế còn được gọi là Quyền Rút Vốn Đặc Biệt, cùng với đồng đô la Mỹ, euro của châu Âu, bảng Anh và yen Nhật Bản.
Hiện tượng nói trên cũng cho thấy là vốn đầu tư đang bị rút đi khỏi Trung Quốc. Quỹ dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc cho tới cuối tháng 9/2016, chỉ còn 3.166 tỷ đô la thay vì gần 4.000 tỷ như hồi năm 2014. - RFI
|
|
Tin Hoa Kỳ
5.
Mỹ tố cáo Nga tìm cách tấn công tin tặc
Chính phủ Mỹ ngày 7/10 chính thức tố cáo Nga về một chiến dịch tấn công mạng gần đây nhắm vào các tổ chức thuộc Đảng Dân chủ.
Cáo buộc xuất hiện giữa bối cảnh căng thẳng Washington-Moscow leo thang về một loạt các bất đồng giữa đôi bên trên trường quốc tế, trong đó có việc Hoa Kỳ tố cáo những cuộc không kích của Nga hỗ trợ cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã đánh trúng các bệnh viện và các mục tiêu thường dân khác tại vùng đông Aleppo do phe nổi dậy kiểm soát.
Người phát ngôn điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, tuyên bố tố cáo của Mỹ nói rằng Nga chịu trách nhiệm các vụ tấn công mạng nhắm vào những tổ chức thuộc đảng Dân chủ ở Mỹ là ‘vô lý’, theo tin hãng thông tấn Interfax.
Hãng tin này dẫn lời ông Peskov nhấn mạnh: “Cáo buộc này lại là một điều vô lý nữa. Trang web của chúng tôi hằng ngày cũng bị hàng chục ngàn lần tấn công bởi các tin tặc đó thôi.” - VOA
|
|
6.
Trump xin lỗi 'vì bình luận khiếm nhã'
Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump đã có phản ứng sau khi xuất hiện đoạn video năm 2005 cho thấy ông bình phẩm khiếm nhã về phụ nữ.
Trong video, do tờ Washington Post đăng tải, ông Trump nói với người dẫn truyền hình Billy Bush "anh có thể làm bất kỳ điều gì" với phụ nữ "khi anh là ngôi sao".
Ông cũng khoe về ý muốn quan hệ tình dục với một phụ nữ đã kết hôn, và hôn những người khác.
Trong cuộc nói chuyện, ông Trump nói với Billy Bush rằng ông "tự nhiên bị thu hút vì phụ nữ đẹp" và thường muốn hôn họ.
Ông Trump ra thông cáo, nói đây là "cuộc nói chuyện riêng tự từ nhiều năm trước".
"Bill Clinton đã nói những điều tệ hơn với tôi trên sân golf. Tôi xin lỗi nếu có ai bị xúc phạm." - BBC
|
|
Tin Việt Nam
7.
Nga cân nhắc khôi phục căn cứ quân sự ở Việt Nam, Cuba
Các cơ quan thông tấn của Nga dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng Nikolai Pankov hôm thứ Sáu nói rằng Nga đang xem xét kế hoạch khôi phục những căn cứ quân sự ở Việt Nam và Cuba, từng là những cột trụ sức mạnh quân sự toàn cầu của Liên bang Soviet thời Chiến tranh Lạnh.
Các hãng tin này trích lời ông Pankov nói tại quốc hội Nga rằng "chúng tôi đang bàn bạc vấn đề này."
Nga hạ cờ tại căn cứ tình báo tín hiệu Lourdes ở Cuba và căn cứ hải quân nước sâu Cam Ranh ở Việt Nam vào đầu những năm 2000 như một phần trong kế hoạch giảm dần sự hiện diện quân sự của mình trên khắp thế giới sau khi Liên bang Soviet sụp đổ.
Nhưng kể từ đó, chính sách đối ngoại của Nga đã trở nên quyết đoán hơn, dẫn đến căng thẳng với Mỹ và những đồng minh của Mỹ về những cuộc xung đột ở Ukraine và Syria, và sự hiện diện của binh lính NATO ở Đông Âu, cùng những vấn đề khác.
Ông Pankov cho biết Bộ Quốc phòng hiện đang "xét lại" những quyết định trước đây khi đóng cửa những căn cứ này, nhưng ông từ chối nêu thêm chi tiết. Hãng tin Reuters cho biết Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa hồi đáp ngay tức thì yêu cầu của họ xin bình luận về thông tin này, và cho biết Reuters cũng không nói chuyện được quan chức Cuba nào.
Mỹ đang trong quá trình khôi phục quan hệ với Cuba, là nước mà trong thời Soviet đã cho Moscow đặt cơ sở quân sự gần lãnh thổ của Mỹ nhất, chưa tới 100 kilomét tính từ Florida Keys.
Trong một cuộc họp báo, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: "Tình hình toàn cầu không đứng yên, và trong hai năm qua đã có những thay đổi đáng kể trong những vấn đề quốc tế và an ninh quốc tế."
"Vì thế, cũng là điều tự nhiên khi mà tất cả các nước thẩm định những thay đổi này phù hợp với các lợi ích quốc gia của họ và thực hiện những bước nhất định theo cách mà họ xem là thích hợp." - VOA
|
|
8.
Việt Nam gia nhập khu vực tự do mậu dịch do Nga dẫn đầu
Các quốc gia thuộc Liên minh Kinh tế Á Âu (EEU) bao gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan – sẽ được bán hàng sang Việt Nam trên căn bản ưu đãi, theo thỏa thuận tự do mậu dịch bao gồm hơn 90% tất cả các mặt hàng trao đổi giữa EEU và Việt Nam.
Thỏa thuận này sẽ giúp cho các nhà xuất khẩu EEU tiết kiệm được khoảng từ 40 đến 46 triệu đô la trong năm đầu tiên. Các công ty Việt Nam có thể kỳ vọng tiết kiệm được từ 5 triệu đến 10 triệu đô la một năm.
Với thỏa thuận này, Hà Nội hy vọng sẽ gia tăng đáng kể lượng hàng hóa bán ra nước ngoài. Trao đổi thương mại Việt-Nga dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi, lên đến 10 tỉ đô la vào năm 2020.
Hàng xuất khẩu chính của Nga sang Việt Nam gồm có lò phản ứng hạt nhân, nhiên liệu khoáng sản, dầu mỏ và các phó sản, phân bón. Những sản phẩm Nga nhập của Việt Nam gồm có máy móc và sản phẩm dệt may.
Theo những điều khoản của thỏa thuận, các nhà sản xuất xe của Nga như GAZ, Kamaz và Sollers sẽ được phép thành lập những công ty liên doanh để sản xuất các loại xe, bao gồm cả xe buýt và xe tải. Tỉ lệ nội địa hoá sẽ đạt đến mức từ 40% đến 50% trong thập niên tới.
Việt Nam ký thỏa thuận mậu dịch tự do với EEU vào năm 2015, trở thành quốc gia đầu tiên không thuộc khu vực này gia nhập khối.
Hơn 40 quốc gia và các tổ chức quốc tế trong đó có Trung Quốc, Indonesia, Israel và Iran đã tỏ ý muốn có một thỏa thuận tự do mậu dịch với khối này. - VOA
|
|
9.
Việt Tân bác cáo buộc của Bộ Công an Việt Nam --- Bộ Công an thông báo chính thức về tổ chức khủng bố “Việt tân”
Việt Tân thách Hà nội công bố trên truyền thông nhà nước toàn bộ các hoạt động của đảng này nhằm giúp cổ vũ tự do internet, bảo vệ các nhân quyền căn bản để cho nhân dân Việt Nam quyết định xem Việt Tân có phải là một mối đe doạ hay không.
Phản hồi của tổ chức chính trị có trụ sở tại Mỹ được đưa ra sau khi Bộ Công an Việt Nam ra thông báo gọi Việt Tân là một tổ chức “đã và đang tiến hành hoạt động khủng bố”.
Thông cáo của Việt Tân gửi VOA Việt ngữ khẳng định: “Việt Tân là một tổ chức ủng hộ dân chủ, đang ra sức làm việc để đấu tranh cho lý tưởng công bằng xã hội và nhân quyền thông qua các phương tiện bất bạo động. Các thành viên của chúng tôi bên trong Việt Nam và trên khắp thế giới đã làm việc với các tổ chức phi chính phủ, các giới chức dân cử và xã hội dân sự để nới rộng không gian chính trị cho người dân Việt Nam. Bộ Công An Việt Nam đang lặp đi lặp lại những lời tuyên truyền vô căn cứ mà họ vẫn dùng chống lại những tiếng nói ôn hoà.”
Bộ Công an tố cáo Việt Tân đã tổ chức tuyển mộ, huấn luyện cho thành viên cách thức sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tiến hành các hoạt động khủng bố, phá hoại, bắt cóc, thủ tiêu con tin..., tiến hành các chiến dịch Đông tiến, đưa các toàn vũ trang xâm nhập vào Việt Nam để lập mật cứ, tiến hành hoạt động bạo loạn, khủng bố nhưng đã bị Việt Nam ngăn chặn, vô hiệu hóa.
Ngoài ra, Bộ này còn cảnh báo “người nào có hành vi tham gia, tuyên truyền, lôi kéo, xúi giục người khác tham gia, tài trợ, nhận tài trợ của Việt Tân, tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện do Việt Tân tổ chức, hoạt động theo sự chỉ đạo của Việt Tân…” sẽ bị cho là “đồng phạm tội khủng bố” và sẽ bị xử lý theo luật pháp Việt Nam.
Đáp lại, Việt Tân nói nhà cầm quyền tại Hà nội lo sợ phải đương đầu với một nhóm đối lập có tổ chức nên tìm cách răn đe người Việt tham gia các hoạt động cổ xuý chính trị ôn hoà.
Việt Tân là một đảng chính trị không được phép hoạt động tại Việt Nam và Hà Nội lâu nay vẫn cáo buộc tổ chức này đứng đằng sau các vụ biểu tình, kích động gây rối tại Việt Nam.
Gần đây, vụ Formosa gây ô nhiễm khiến cá chết hàng loạt ở khu vực miền Trung cũng bị cơ quan công an Việt Nam cho là Việt Tân đã lợi dụng sự việc này để kích động người dân biểu tình chống phá.
Việt Tân có tên chính thức là Việt Nam Canh tân Cách mạng Đảng, được thành lập vào năm 1982 và người giữ chức vụ Chủ tịch đảng lúc đó là ông Hoàng Cơ Minh, nguyên chuẩn tướng, Phó Đô đốc hải quân của Việt Nam Cộng Hòa.
Chủ trương của Việt Tân là “chấm dứt độc tài” và “canh tân đất nước” bằng phương pháp “đối đầu bất bạo động” ngay tại Việt Nam. - VOA
***
Bộ Công an đã có thông báo chính thức về tổ chức khủng bố "Việt tân" trên website của Bộ là: http://www. mps.gov.vn
Theo đó, tổ chức Việt tân có tên đầy đủ là "Việt Nam canh tân cách mạng đảng" với trụ sở chính đặt tại: 2530 đường Berryessa 234 San Jose, California, Mỹ và "Văn phòng 2" tại Bangkok, Thái Lan. Tổ chức này có cơ quan tuyên truyền: báo "Kháng chiến"; đài "Việt Nam kháng chiến" và "Chân trời mới". Đối tượng cầm đầu là Đỗ Hoàng Điềm, sinh 1963, quốc tịch Mỹ, "Chủ tịch Việt tân" và Lý Thái Hùng, sinh 1953, quốc tịch Mỹ, "Tổng bí thư Việt tân".
Năm 1981, Hoàng Cơ Minh, nguyên chuẩn tướng, Phó Đô đốc hải quân chính quyền Sài Gòn cũ thành lập "Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam" nhằm chống Việt Nam bằng các hoạt động vũ trang, khủng bố. Năm 1982, Hoàng Cơ Minh lập "Việt Nam canh tân cách mạng đảng", là cơ quan đầu não, chỉ huy mọi hoạt động của "Mặt trận"; các thành viên "Mặt trận" đồng thời cũng là thành viên của "Việt tân".
Sau khi thành lập, "Việt tân" đã tổ chức tuyển mộ, huấn luyện cho thành viên cách thức sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tiến hành các hoạt động khủng bố, phá hoại, bắt cóc, thủ tiêu con tin…; tiến hành các chiến dịch "Đông tiến 1", "Đông tiến 2", "Đông tiến 3", đưa các toán vũ trang với 246 đối tượng từ Thái Lan xâm nhập qua Lào, Campuchia về Việt Nam để lập "mật cứ", tiến hành hoạt động bạo loạn, khủng bố nhưng đã bị các cơ quan chức năng của Việt Nam, Lào ngăn chặn, vô hiệu hóa.
Ở nước ngoài, "Việt tân" thành lập "Đội sát thủ K9" do các thành viên cốt cán cầm đầu, chuyên tiến hành khủng bố, thủ tiêu những nhà báo gốc Việt đưa tin vạch mặt hoạt động lừa đảo kiều bào của Hoàng Cơ Minh và đồng bọn. Hiện nay, "Việt tân" tiếp tục tuyển mộ, huấn luyện, chỉ đạo thành viên xâm nhập về Việt Nam kích động biểu tình, phá rối an ninh, bạo loạn, thủ tiêu, bắt cóc con tin; đưa người ra nước ngoài đào tạo, huấn luyện, tổ chức các khóa đào tạo trực tuyến về phương thức, hoạt động khủng bố, phá hoại; tán phát lên mạng Internet hướng dẫn cách chế tạo bom xăng để phục vụ hoạt động khủng bố, phá hoại, ám sát… Cơ quan chức năng Việt Nam đã bắt, xử lý một số đối tượng là thành viên "Việt tân" phạm tội khủng bố như: Nguyễn Quốc Quân, Nguyễn Thị Thanh Vân, Trương Leon…
"Việt tân" là tổ chức khủng bố, do đó, người nào có hành vi tham gia, tuyên truyền, lôi kéo, xúi giục người khác tham gia, tài trợ, nhận tài trợ của "Việt tân"; tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện do "Việt tân" tổ chức; hoạt động theo sự chỉ đạo của "Việt tân"… sẽ đồng phạm tội khủng bố, tài trợ khủng bố và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam. - VTV
|
|
10.
Gần 170.000 hộ dân Sài Gòn đang sử dụng nguồn nước chứa chất gây ung thư
Một kết quả giám sát mới vừa được công bố trên báo chí Việt Nam hôm 6/10 cho biết hiện có gần 170.000 hộ dân sinh sống tại Sài Gòn đang sử dụng nguồn nước ngầm ô nhiễm, chứa chất Amoni có thể gây ung thư.
Theo số liệu được Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM ghi nhận trong 8 tháng đầu năm, mặc dù đa số người dân thành phố hiện đang sử dụng nguồn nước máy, nhưng vẫn có tới 168.635 hộ sử dụng nguồn nước tự khai thác như nước giếng, nước mưa.
Những mẫu nước giếng được cơ quan y tế thành phố kiểm tra ở các điểm tại quận 12, quận Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Hóc Môn có hàm lượng Amoni vượt mức giới hạn cho phép (9.14%). Chất Amoni khi gặp không khí sẽ chuyển hóa thành Nitrat và Nitrit. Hai chất này khi vào cơ thể sẽ tạo ra tình trạng thiếu oxy trong máu, kết hợp với các axit amin trong cơ thể tạo thành chất nitrosamine gây bệnh ung thư.
Hàm lượng sắt tổng số trong mẫu nước ở một số điểm tại quận 12, Hóc Môn cũng không đạt chỉ tiêu vi sinh. Độ pH trong hầu hết các mẫu nước đều thấp, gây ăn mòn kim loại trên đường ống, vật chứa, dễ làm hư hỏng vật dụng, ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng, tăng nguy cơ bệnh ngoài da…
Ngoài ra, kết quả giám sát còn cho biết nguồn nước ngầm ở nhiều khu vực trong thành phố bị nhiễm vi sinh E. Coli và Coliform từ nước thải ngấm vào. Sử dụng nguồn nước này sẽ dễ bị các bệnh về đường ruột, có thể dẫn tới nhiễm khuẩn huyết, suy thận…
Chị An, một bà mẹ trẻ đang sống tại Sài Gòn, tỏ ra không mấy ngạc nhiên về những kết quả vừa được công bố. “Sợ” và “không biết làm sao” là cảm giác hiện nay của chị và nhiều người dân khác trước thực trạng ô nhiễm tràn lan.
Chị cho biết: “Quá sợ luôn! Vì bây giờ cái gì cũng độc hại, cái gì cũng gây ung thư, gây đủ thứ bệnh hết. Thực phẩm cũng nhiễm, cũng bị thuốc này kia, rồi rau thịt tất cả luôn, rồi nước, cá biển giờ cũng không dám ăn, rồi không khí nữa, nói chung cái gì cũng ô nhiễm hết rồi. Mình sống ở đây thì mình phải chịu thôi chứ biết làm sao bây giờ”.
Dù ô nhiễm xảy ra khắp nơi, nhưng người dân đa số vẫn chấp nhận “sống chung với lũ”. Ngoài chuyện kém ý thức, chị An cho rằng cuộc sống vất vả mưu sinh khiến nhiều người không có điều kiện để tìm hiểu hay biết đến những vấn đề môi trường đang xảy ra.
Chị nói: “Một số người, giống như khu An ở, người dân lao động nhiều lắm, người ta đi làm từ sáng tới tối, người ta đâu có lên mạng, đâu có đọc báo gì nhiều đâu nên người ta không biết những chuyện đó. Người ta cũng không biết cái ảnh hưởng của môi trường lên con người nghiêm trọng như thế nào nữa. Dân trí mình quá thấp đi!”
Theo báo Người Lao Động, nguyên nhân nhiều hộ dân vẫn không chịu dùng nguồn nước máy, được gọi là nước sạch, là vì giá nước máy cao và người dân chưa tin nước sạch thật sự sạch. Một số người cho biết nước máy nhiều lúc bị cặn đỏ, đục, váng và có mùi hôi nên nhiều hộ gia đình tuy có gắn đồng hồ nước nhưng lại không sử dụng.
Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn được Người Lao Động trích lời cho biết nguyên nhân nước đục ở các trạm cấp nước thuộc Xí nghiệp Cấp nước sinh hoạt nông thôn là do nguồn nước ngầm đầu vào ở một số trạm cấp nước bị ô nhiễm mà không thể xử lý được. Giới chức này cho biết các trạm này đã được yêu cầu phải thường xuyên kiểm tra nguồn nước và xử lý trước khi đưa vào mạng lưới cấp nước. Tin cho hay đến năm 2025, các trạm này sẽ đóng cửa theo quy hoạch cấp nước. - VOA
No comments:
Post a Comment