Friday, October 14, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 14/10

Tin Thế Giới


1.

Bà Clinton: Mỹ có thể gọi Thái Bình Dương là 'biển Hoa Kỳ'


Ứng cử viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton từng nói rằng nếu Trung Quốc có thể tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ biển Đông thì Mỹ cũng có thể gọi Thái Bình Dương là “biển Hoa Kỳ”.


Những email mới nhất được WikiLeaks tiết lộ cho biết bà Clinton đã nói như vậy trong một bài phát biểu với các lãnh đạo của tập đoàn tài chính đa quốc của Mỹ Goldman Sachs vào năm 2013, 8 tháng sau khi kết thúc nhiệm kỳ ngoại trưởng Mỹ.


Khi còn giữ chức vụ ngoại trưởng, bà Clinton là cánh tay phải của tổng thống Barack Obama, bà đóng góp vào việc hoạch định và quảng bá cho chính sách tái cân bằng lực lượng của Mỹ, xoay trục sang châu Á nhằm củng cố phạm vi ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong khu vực sau khi Trung Quốc tìm cách bành trướng thế lực trong khu vực, và đẩy mạnh ý định độc chiếm biển Đông.


Năm 2010, bà Clinton, lúc đó còn là bộ trưởng ngoại giao dưới quyền Tổng thống Obama lần đầu tiên đưa ra vấn đề “tự do hàng hải” trên biển Đông tại một hội nghị của Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) tổ chức ở Hà Nội. Đó cũng là thời gian bắt đầu có sự gia tăng căng thẳng về quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc.


Biển Đông được coi là một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới nơi qua lại của gần 50% thương mại toàn cầu. Qua tiết lộ của WikiLeaks, bà Clinton nói đó là một phần lý do vì sao Trung Quốc muốn thống lĩnh toàn bộ biển Đông. Bà nói với các lãnh đạo ngân hàng của Goldman Sachs trong cuộc gặp mặt riêng năm 2013 rằng Mỹ cần phải kiềm chế Bắc Kinh để ngăn, không để hình thành “một sợi dây thòng lọng siết chặt thương mại thế giới.”


Bà Clinton nói bà đã đối đầu với các quan chức Trung Quốc về vấn đề biển Đông trong suốt thời gian làm bộ trưởng ngoại giao.


Trung Quốc đã vẽ ra đường lưỡi bò 9 đoạn để tuyên bố chủ quyền của họ trên hầu hết biển Đông. Nhưng những tuyên bố này đã bị các nước cũng đòi chủ quyền một phần biển Đông, như Việt Nam và Philippines, mạnh mẽ phản đối. Trong vụ kiện do Philippines phát động chống các tuyên bố chủ quyền quá đáng của Trung Quốc, Tòa Trọng tài Quốc tế ở La Haye hồi tháng 7 đã bác bỏ tuyên bố chủ quyền của cái gọi là “đường lưỡi bò” cho rằng các tuyên bố chủ quyền trên biển của Trung Quốc là không có cơ sở. - VOA

|

|


2.

Trung Quốc cho Bangladesh vay 24 tỉ đô la


Trên đường tới Ấn Độ dự thượng đỉnh của khối BRICS, hôm nay, 14/10/2016, chủ tịch Trung Quốc tới Bangladesh. Đây là chuyến công du đầu tiên của một nguyên thủ Trung Quốc tới quốc gia Nam Á này từ 30 năm nay. Nhân dịp này Bắc Kinh sẽ chính thức cho Dhaka vay nhiều khoản tín dụng với tổng giá trị 24 tỉ đô la.


Trả lời Reuters, bộ trưởng Tài Chính Bangladesh cho biết nhu cầu của quốc gia 160 triệu dân này là hết sức lớn, đặc biệt là các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng như đường xá và cảng biển. Trung Quốc dự kiến sẽ tài trợ 25 dự án, trong đó có một nhà máy điện với công suất 1320 MG, một cảng nước sâu.


Bangladesh - khu vực ảnh hưởng truyền thống của New Delhi – đang trở nên một khu vực tranh giành giữa Trung Quốc - Ấn Độ. Với quyết định đầu tư lớn này, Trung Quốc tỏ rõ quyết tâm vượt mặt Ấn Độ. Hồi năm ngoái thủ tướng Ấn Độ Modi đã hứa cho Bangladesh vay 2 tỉ đô la.


Bên cạnh chủ trương con đường tơ lụa, Bắc Kinh muốn thành lập một hành lang kinh tế nối liền miền tây nam Trung Quốc với đông bắc Ấn Độ thông qua Miến Điện và Bangladesh, nhưng New Delhi không hào hứng với sáng kiến này.


Về quan hệ Trung Quốc – Cam Bốt, hôm qua trong chuyến công du của ông Tập Cận Bình tại Phnom Penh, hai bên đã ký kết 31 thỏa thuận thương mại, trong đó có khoản vay với lãi suất thấp 237 triệu đô la. Bắc Kinh tuyên bố xóa 89 triệu đô la tiền nợ cho Cam Bốt, đồng thời hối thúc nước này xây dựng một đường sắt cao tốc và một sân bay mới. - RFI

|

|


3.

Liên Hiệp Quốc: Ông Antonio Guterres làm tổng thư ký


Ngày 13/10, tại New York, cựu thủ tướng Bồ Đào Nha và cũng là lãnh đạo Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc đã được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc bầu chọn, bằng vỗ tay, vào chức vụ Tổng thư ký. Chính khách nói lưu lóat nhiều thứ tiếng sẽ chính thức thay thế người tiền nhiệm Hàn Quốc Ban Ki Moon ngày đầu năm 2017 với nhiều thách thức đang chờ đón, nhất là cuộc khủng hoảng Syria.


Từ New York, thông tín viên Marie Bourreau tường thuật:


"Tôi hân hạnh thông báo, Ngài Antonio Gutterres được bổ nhiệm bằng hoan hô vào chức vụ tổng thư ký Liên Hiệp Quốc". Đó là lời tuyên bố của ông Peter Wilson, chủ tịch Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.


Đây mới là lần thứ 9, một nghi thức trọng thể như trên diễn ra tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Hầu như toàn thể đại sứ của 193 quốc gia thành viên đều có mặt để hoan nghênh diễn văn của nhà chính trị Bồ Đào Nha thông thạo nhiều thứ tiếng, Antonio Gutterres. Lần lượt,ông phát biểu bằng tiếng Anh, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Pháp một cách hoàn hảo: "Không có hoà bình, cuộc sống sẽ mất hết ý nghĩa. Nhưng, bất hạnh thay, hoà bình là sự thiếu vắng lớn nhất trong thế giới của chúng ta ngày hôm nay".


Ông Antonio Gutterres ý thức rõ ưu tiên số một của tân tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ngay khi nhậm chức, là giải quyết chiến tranh Syria: "Ngay từ bây giờ, chuyện quan trọng hơn hết là phải đoàn kết. Bởi vì rủi ro (đe dọa) cộng đồng quốc tế và an ninh chung trên thế giới đã lên đến mức phải nhanh chóng chiến đấu cho hoà bình."


Là một nhà thương thuyết có tiếng tăm, tân tổng thư ký Liên Hiệp Quốc khẳng định muốn đóng vai trò một nhà "trung gian hoà giải chân thật". Ông nói: "Tôi sẽ làm hết sức mình để phục vụ cho chính nghĩa hoà bình của nhân dân Syria".

|

|


4.

Samsung thiệt hại 5,4 tỷ đôla vì Note 7


Tổng chi phí rút sản phẩm điện thoại thông minh Galaxy Note 7 khỏi thị trường ít nhất là 5,4 tỷ đôla, Samsung cho biết.


Gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc hạ lợi nhuận quý ba giảm 2,3 tỷ đôla.


Hôm 14/10, hãng cho hay sẽ còn mất thêm khoảng 3 tỷ đôla.


Note 7 đã được thu hồi tháng trước sau khi xảy ra các vụ cháy nổ pin, nhưng rồi sản phẩm thay thế cũng gặp cùng vấn đề buộc Samsung phải ngưng bán thiết bị này.


Mẫu điện thoại cao cấp, ra mắt hồi tháng 8/2016, đặt mục tiêu cạnh tranh với iPhone 7 của Apple ở ngôi vị cao nhất của phân khúc điện thoại thông minh.


Dù thất bại, Samsung Electronics vẫn mong đạt được mục tiêu lợi nhuận 3,7 tỷ bảng Anh trong quý ba sau khi trừ chi phí thu hồi.


Công ty cho biết rằng để "bình thường hóa hoạt động kinh doanh điện thoại di động", họ sẽ mở rộng kinh doanh các mẫu thuộc dòng cao cấp nhất như Galaxy S7 và S7 Edge.


"Ngoài ra, công ty sẽ tập trung tăng cường an toàn sản phẩm cho người dùng bằng những thay đổi đáng kể trong quy trình đảm bảo chất lượng", Samsung loan báo.


Tháng 9/2016, công ty thu hồi khoảng 2,5 triệu chiếc Note 7 sau khi có những khiếu nại về pin quá nóng và phát nổ.


Sau đó họ nhấn mạnh rằng tất cả các máy thay thế đều an toàn. Tuy nhiên, sau đó có những ghi nhận về những chiếc điện thoại được thay thế cũng bắt lửa.


Hôm 11/10, công ty cho biết sẽ chấm dứt hoàn toàn việc sản xuất mẫu Note 7 và kêu gọi những người sở hữu mẫu này tắt nguồn điện thoại. - BBC

|

|


5.

Thái tử Thái Lan xin hoãn ngày đăng quang --- Thái Lan: Quốc vương Bhumibol băng hà, nền quân chủ bị thử thách gay go


Quốc tang kéo dài một năm và giới hạn sinh hoạt vui chơi giải trí trong một tháng. Đó là quyết định của chính quyền quân sự Thái một ngày sau khi quốc vương Bhumibol Adulyadej băng hà. Trong bối cảnh tang tóc, thái tử nối ngôi bất ngờ xin hoãn ngày đăng quang làm công luận thêm bối rối.


Sự kiện không ai ngờ là vài giờ sau khi tin quốc vương Thái Lan qua đời được thông báo thì thái tử nối ngôi yêu cầu có thêm thời giờ trước khi lên ngôi.


Theo AFP, ngày hôm qua 13/10, thủ tướng Thái Prayut Chan-O-Cha, lãnh đạo tập quyền quân sự cho biết là thái tử Maha Vajiralongkorn, tỏ ý  "cần thời gian để chuẩn bị trước khi lên ngôi".


Không như phụ vương trị vì từ năm 1946 và được thần dân yêu mến, thái tử Maha Vajiralongkorn, tốt nghiệp trường sĩ quan Úc, mang cấp bực "tướng danh dự" trong quân đội Thái nhưng sống phần lớn thời gian ở Đức.


Trong những năm gần đây, khi sức khỏe quốc vương suy sụp, thái tử Maha Vajiralongkorn phải thay cha trong một số lễ tân nhưng rất hiếm lời tuyên bố với công chúng. Năm nay 64 tuổi, thái tử vừa ly dị lần thứ ba.


Trong số các phản ứng từ Tây phương, tổng thống Mỹ Barack Obama chia buồn với Thái Lan và tiếc thương "một người bạn thân thiết". Tổng thống Pháp François Hollande ca ngợi "một con người với một định mệnh phi thường dành trọn cuộc đời đưa Thái Lan thành một nước tân tiến và phú cường"


Theo AFP, trong suốt một tháng, truyền hình Thái chỉ được chiếu chương trình của hoàng gia. - RFI


***

Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej đã qua đời, ngày 13/10/2016 sau hơn 70 năm trị vì. Sự ra đi của nhà vua để lại một khoảng trống lớn ở một đất nước đang kinh qua giai đoạn chuyển tiếp chính trị khó khăn, nhất là khi tân vương, Thái tử Vajiralongkorn, lại không được lòng dân như vua cha.


Thông tín viên RFI Arnaud Dubus tại Bangkok, phân tích về hệ quả của sự kiện Quốc vương Bhumibol băng hà đối với dân chúng Thái Lan.


Arnaud Dubus : Dĩ nhiên đây là một cú sốc rất lớn đối với Thái Lan, cho dù sức khỏe của nhà vua xấu đi từ mấy năm qua đã phần nào chuẩn bị tinh thần người Thái. Nhưng phải nhớ là 80% người dân Thái sinh ra trong thời gian vua Bhumibol tại vị, cho nên họ có cảm nhận như bị mồ côi khi nhà qua qua đời. Vả lại, thời kỳ Quốc vương Bhumibol trị vì được xem như một trong những khoảng thời gian hiển hách nhất trong lịch sử đất Thái Lan. Người ta thấy rõ ràng là ông muốn cải thiện đời sống người dân qua rất nhiều đề án mà ông đưa ra, từ đề án tiêm chủng chống dịch bệnh cho đến phát triển nông nghiệp cho các sắc dân ở vùng núi v.v...


Nói tóm lại, vua Bhumibol đã trở thành một nhân vật thiêng liêng, bất khả xâm phạm mà nhiều người Thái tôn kính, không cho phép ai được xúc phạm, đúng theo quan niệm Ấn Độ giáo về vương quyền, như đã từng thấy ở xứ Champa ngày xưa hay thời đế chế Angkor. Quan niệm cổ xưa đó vẫn tồn tại sâu đậm ở Thái Lan. Nhưng mặt khác, thì cũng phải thừa nhận rằng các xáo trộn chính trị ở Thái Lan trong hơn 10 năm trở lại đây cũng phần nào làm lu mờ hào quang của nhà vua.


RFI : Xin anh nói rõ hơn là khủng hoảng chính trị ở Thái Lan đã ảnh hưởng thế nào đến hào quang của nhà vua ?


Arnaud Dubus : Ngay từ cuối năm 2005, hình ảnh của nhà vua đã bị phe gọi là Áo Vàng sử dụng. Phe này biểu tình đòi Thủ tướng thời đó là ông Thaksin Shinawatra phải từ chức. Ông Thaksin lại rất được lòng dân ở các khu vực miền Bắc và Đông Bắc Thái Lan.


Những người đòi thủ tướng Thaksin từ chức đã lấy màu vàng, màu của vua Bhumibol - sinh vào một ngày thứ Hai - làm biểu tượng. Người ta cũng đã thấy rõ là Quốc vương Bhumibol rất bực mình khi thấy hình ảnh của ông bị lợi dụng nhưng ông đã không thể làm gì được. Nhưng nghiêm trọng nhất là vụ quân đội đàn áp những người biểu tình thân Thaksin gọi là Áo Đỏ vào năm 2010. Chính vì vụ này mà sự tin tưởng vào đức vua đã bị sứt mẻ. Phe Áo Đỏ trách nhà vua đã không làm gì trong khi mà binh lính giết hại người dân. 


Nhà vua như cũng đã chấp thuận hai vụ đảo chính gần đây nhất. Điều này cho thấy là ông thiên về phía quân đội và rất bảo thủ. Thất bại lớn trong thời gian Quốc vương Bhumibol trị vì là ông đã không cho một chế độ chính trị dân chủ nào bám rễ được ở đất nước.


RFI : Thái tử Vajiralongkorn được lên kế vị. Đây là một nhân vật gây nhiều tranh cãi. Xin anh cho biết thêm về nhân vật này.


Arnaud Dubus : Thái tử Thái Lan là một người nổi tiếng háo sắc. Ông đã ba lần cưới vợ và có rất nhiều tình nhân. Điều này đã phần nào làm cho người dân Thái bất bình, nhưng điều khiến họ e ngại chính là việc Thái tử Vajiralongkorn nổi tiếng là thô bạo và độc tài. Nhưng cũng phải nói là rất khó phân biệt thực hư giữa nhưng thông tin xác thực và những tin đồn được tung ra để làm hại ông. 


Thực tình mà nói thì Vajiralongkorn không có sức thu phục nhân tâm cũng như không có tấm lòng đôn hậu như vua cha. Sau thời kỳ trị vì của một nhân vật được tôn kính như vua Bhumibol, thì bất kỳ người thừa kế nào nối ngôi đều khó mà thỏa mãn được kỳ vọng của mọi người. Nếu lấy lịch sử Pháp để so sánh, thì điều đó không khác gì lúc vua Louis thứ XV lên ngôi sau thời kỳ huy hoàng của vị vua Mặt trời Louis XIV.


RFI : Anh nhận định thế nào về tương lai nền quân chủ Thái Lan ?


Arnaud Dubus : Theo tôi, người ta có thể dự kiến 2 khả năng : Hoặc là tân quốc vương tiếp tục cuộc sống lộn xộn của ông, và không can thiệp vào đời sống chính trị. Hoặc ông cố đóng một vai trò chính trị tích cực. Trong trường hợp thứ nhất thì dân chúng Thái và tầng lớp ưu tú sẽ nhắm mắt làm ngơ. Điều này nằm trong tính cách khá đông người Thái. Trong trường hợp thứ nhì, Thái Lan sẽ mất ổn định với những hậu quả rất nghiêm trọng. Nhưng dù ở trong trường hợp nào chăng nữa thì uy tín nền quân chủ Thái sẽ bị sứt mẻ rất nhiều. - RFI

|

|


Tin Hoa Kỳ


6.

Chính sách di dân của 2 ứng viên tổng thống Mỹ


Hai ứng cử viên tổng thống Mỹ có chính sách hoàn toàn khác biệt về di dân. Thông tín viên Mike O’Sullivan của VOA tìm hiểu quan điểm của ông Donald Trump và bà Hillary Clinton về vấn đề nên nhận di dân như thế nào cho công bằng và cùng lúc, bảo đảm được an ninh quốc gia. 


Hoa Kỳ là quốc gia của di dân. Di dân giữ một vai trò quan trọng trong nền kinh tế và đóng góp vào nền văn hóa đa dạng của nước Mỹ. 


Ứng cử viên tổng thống bên Ðảng Dân chủ, bà Hillary Clinton, phát biểu:


"Quý vị là hàng xóm của chúng tôi, là đồng nghiệp của chúng tôi, là bạn hữu của chúng tôi, là bà con của chúng tôi."


Nhưng những diễn biến xoay quanh cuộc khủng hoảng di dân ở châu Âu, mối đe dọa khủng bố và sự hiện diện của 11 triệu di dân bất hợp pháp tại Hoa Kỳ đã trở thành những vấn đề lớn trong cuộc vận động tranh cử tổng thống năm 2016.


Ứng cử viên tổng thống bên Ðảng Cộng hòa, ông Donald Trump, phát biểu:


"Donald J. Trump đề nghị cấm cửa hoàn toàn, không cho người Hồi giáo vào Hoa Kỳ."


Ông Trump sau đó đã thay đổi lập trường của ông đối với di dân Hồi giáo, nhưng ông vẫn duy trì ý định xây một tường thành dọc theo biên giới phía nam để chận di dân bất hợp pháp trốn sang nước Mỹ từ Mexico.


Ông nói: "Họ mang vào Mỹ ma túy, tội phạm, họ là những kẻ hiếp dâm. Tôi cho rằng chỉ có một số người là tốt."


Chính sách di dân của ông Trump còn đòi Mexico phải chịu chi phí xây dựng bức tường ở biên giới và chấm dứt chính sách gọi là “bắt rồi thả.” Ông Trump nói trên trang web của ông rằng bất cứ ai nhập cư trái phép vào Mỹ sẽ bị giam giữ cho đến khi bị trục xuất. 


Ông Trump cũng sẽ trục xuất các thành phần di dân tội phạm, mở rộng lực lượng Tuần tra Biên giới và đưa hệ thống kiểm tra điện tử vào vận hành.


Việc ông Trump chú trọng vào di dân bất hợp pháp đã khiến người gốc Châu Mỹ La tinh xa lánh ông. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy người gốc Châu Mỹ La tinh ủng hộ bà Clinton hơn.


Bà Clinton hứa sẽ giảm con số di dân bất hợp pháp qua một kế hoạch cải tổ chính sách di dân toàn diện, trong đó có việc vạch ra một con đường để một số thành phần di dân bất hợp lệ có thể trở thành một công dân đầy đủ và có quyền bình đẳng, nội trong vòng 100 ngày sau khi bà lên nhậm chức tổng thống. Thêm vào đó, bà Clinton còn hứa sẽ chấn chỉnh chương trình cấp visa theo diện gia đình, hiện đang bị ùn tắt, bà còn cam kết sẽ bảo vệ biên giới và an ninh quốc gia, đồng thời tạo điều kiện để hàng triệu người lao động cần cù được chính thức đóng góp cho nền kinh tế quốc gia.


Bà Clinton tuyên bố sẽ bảo vệ các chương trình của Tổng thống Obama, tạm thời không trục xuất một số di dân sang Mỹ từ nhỏ, cũng như những cha mẹ có con cái là công dân Mỹ.


Một giới chức ở bang California theo Ðảng Dân chủ, cô Fiona Ma, nói bà Clinton được biết tiếng là người bảo vệ di dân. Cô Ma tóm tắt lập trường của bà Clinton:


"Hỗ trợ tất cả các cộng đồng, bảo đảm tất cả mọi người đều được đón nhận, và không một ai phải trở thành ‘dê tế thần’."


Những người ủng hộ ông Trump nói rằng ông sẽ bảo vệ đất nước. 


Một người gốc Châu Mỹ La tinh giải thích lý do ủng hộ ông Trump:


"Bởi vì chúng ta cần thay đổi. Chúng ta cần thay đổi thực sự trong lần bầu cử này."


Con đường tới Tòa Bạch Ốc đòi hỏi phải thuyết phục được cử tri trên hàng loạt vấn đề khác nhau. Di dân và an ninh là những vấn đề then chốt trong cuộc đua năm nay. - VOA

|

|


Tin Việt Nam


7.

Chính quyền muốn hạn chế hoạt động của Linh mục Đặng Hữu Nam?


Nhiều nhà hoạt động dân chủ ở Việt Nam hôm 14/10 đăng trên mạng xã hội bản sao của một công văn được cho là của chính quyền tỉnh Nghệ An trong đó đề nghị Giám mục Giáo phận Vinh hạn chế hoạt động của Linh mục Đặng Hữu Nam, người gần đây đã dẫn đầu hàng trăm người đi nộp đơn kiện liên quan đến một thảm họa môi trường.


Hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy công văn đề ngày 7/10 do Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An gửi đến những vị đứng đầu giáo phận Vinh. Công văn có chữ ký của Phó Chủ tịch UBND Lê Xuân Đại và được đóng dấu đỏ. 


Công văn nói Linh mục Đặng Hữu Nam đã “nói xấu Đảng, Nhà nước” và “lợi dụng sự cố môi trường biển tại một số tỉnh miền Trung” để biểu tình, khiếu kiện “tạo thêm nhiều diễn biến phức tạp mới”. Do đó, theo công văn, chính quyền tỉnh “cực lực phản đối các hành động của Linh mục Đặng Hữu Nam”, đồng thời đề nghị Giám mục Giáo phận Vinh Nguyễn Thái Hợp “chấn chỉnh các hoạt động mục vụ của Linh mục Đặng Hữu Nam và không bố trí Linh mục Đặng Hữu Nam tiếp tục hoạt động mục vụ trên địa bàn Nghệ An”.


Sự cố môi trường được đề cập đến là vụ một nhà máy thuộc hãng Formosa của Đài Loan đã xả thải trái phép ở Hà Tĩnh cách đây hơn 6 tháng làm cá chết hàng loạt ven biển từ tỉnh Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của hàng trăm ngàn người.


Trên mạng xã hội, nhiều người cho rằng công văn là một bước đi của chính quyền tỉnh nhằm “trục xuất” Linh mục Nam ra khỏi tỉnh.


VOA đã liên lạc bằng điện thoại với đại diện chính quyền Nghệ An để xác minh văn bản kể trên song không có người nghe máy. Về phía Giám mục Nguyễn Thái Hợp, ông khẳng định với VOA rằng giáo phận của ông có quyền quyết định riêng về vấn đề này:


“Cũng có một số lần Cha Nam nói cũng hơi mạnh, chúng tôi cũng đã góp ý với Cha Nam. Nhưng chuyện đó là một cách nhìn thôi. Còn về vấn đề này chúng tôi có cái độc lập cũng như cái tự trị của chúng tôi trong vấn đề đó. Cho đến hôm nay khi mà chưa có quyết định nào khác, Cha Nam vẫn phụ trách mục vụ tại Phú Yên, nghĩa là Cha Nam vẫn tiếp tục hoạt động như từ trước đến nay”.


Giám mục Hợp cho biết trong quá khứ đã có một số lần chính quyền Nghệ An đưa ra đề nghị tương tự, nhưng “lời đề nghị đó được thực hiện như thế nào lại là chuyện khác”. Ông cho biết về động thái hiện nay của Tòa Giám mục Vinh:


“Chúng tôi cũng đã suy nghĩ và cũng đã nói với Cha Nam. Cho đến hôm nay chúng tôi sẽ suy nghĩ thêm và chưa có trả lời chính thức cho họ”.


Trên mạng xã hội, nhiều giáo dân bày tỏ rằng việc Linh mục Nam dẫn đầu các cuộc biểu tình và khiếu kiện nhà máy của Formosa là “hoàn toàn chính đáng” và họ “cần có Cha Antôn Đặng Hữu Nam”. Họ coi đề nghị nêu trong công văn của tỉnh Nghệ An là một động thái “vi phạm quyền tự do tôn giáo” và đang kêu gọi cùng nhau lên án động thái này, đồng thời đoàn kết để bảo vệ Linh mục Nam. - VOA

|

|


8.

Ông Quang A: 4 nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn đảng là vô nghĩa


Báo chí Việt Nam cho hay Hội nghị thứ tư của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 12 đã bế mạc hôm 14/10 ở Hà Nội. 


Trong bài phát biểu bế mạc, Tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng cho biết hội nghị đã “thẳng thắn chỉ ra một cách có hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống” của các cán bộ và đảng viên. Ông nói sự suy thoái đó “nguy hiểm khôn lường”.


Vì vậy, ông Trọng phát biểu rằng Ban chấp hành Trung ương đã “thống nhất tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, chỉnh đốn đảng” bao gồm các công việc “về giáo dục chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình; về cơ chế, chính sách; về kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; về phát huy vai trò của nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội”. 


Tường thuật của báo chí Việt Nam cho hay các công việc cụ thể liên quan đến 4 nhiệm vụ, giải pháp kể trên là “rà soát, hoàn thiện cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật của nhà nước; kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong đảng; công tác cán bộ, công tác kiểm tra; công tác giáo dục, rèn luyện, quản lý đảng viên; và phát huy vai trò giám sát của nhân dân, của báo chí, của công luận”.


Từ Hà Nội, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động vì tiến bộ xã hội nổi tiếng, bình luận với VOA về những nỗ lực của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm chỉnh đốn chính mình:


“Hoàn toàn vô nghĩa vì những cái bài này đã được lặp đi lặp lại cả ngàn lần rồi. Cái điều cuối cùng, phát huy Mặt trận này khác, nếu mà cái đó họ hiểu theo một nghĩa rộng hơn là để cho người dân, để cho xã hội dân sự phát huy thì cái đó có thể mang lại cái tích cực. Còn ba điều bên trên kia đều là những bài sáo mòn đã lặp đi lặp lại và đã không bao giờ có kết quả. Cả bốn giải pháp này đều là vô nghĩa. Bởi vì kể cả giải pháp thứ tư thì cũng vẫn là cái cũ. Bởi vì Mặt trận là ai? Chính là cánh tay của Đảng Cộng sản. Và như thế không giải quyết được cái gì cả”.


Trong những năm gần đây, thông tin tại các phiên họp Quốc hội và trên báo chí Việt Nam cho thấy người dân rất phẫn nộ về sự quản trị kém, nạn tham nhũng, lạm quyền cũng như lối sống xa hoa, suy đồi của các cán bộ, đảng viên. Người dân cũng bất bình về việc họ hầu như không thể có vai trò hay hành động để chống lại các vấn đề đó. Tiến sỹ Quang A phân tích về tình trạng này:


“Nó là hệ quả của sự độc tài của Đảng Cộng sản. Người ta không để cho bất kể một cái cơ chế giám sát và kiểm soát quyền lực nào được hoạt động hoặc để cho nó hoạt động có hiệu quả. Tất cả những nỗ lực của người dân và xã hội dân sự để thực hiện quyền giám sát và kiểm soát thì bị người ta coi là thù địch, là phản động. Cho nên là suy thoái về tư tưởng lẫn suy thoái về đạo đức là hệ quả hiển nhiên vô cùng dễ hiểu của chính đường lối của các ông ấy”.


Theo cách nhìn của Tiến sỹ Quang A, căn cứ vào việc Hội nghị Trung ương 4 vừa qua không đưa ra giải pháp gì mới, ông cho rằng trong tương lai gần, triển vọng của bản thân Đảng Cộng sản cũng như của đất nước không hề sáng sủa. Ông nói:


“Tôi thấy một tương lai vô cùng ảm đạm. Các ông ấy vẫn né tránh một điều là phải có sự cạnh tranh, phải có sự giám sát, kiểm soát, mà không phải là sự kiểm soát của các ông ấy với nhau, mà phải phát huy thực sự cái sức mạnh của người dân. Rất đáng tiếc họ không làm, họ không nghĩ như vậy. Cho nên là tương lai mà tôi nghĩ là rất là ảm đạm đối với cái sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và rất đáng tiếc kéo theo cái đấy là tương lai của cả xã hội Việt Nam. Đạo đức suy đồi, kinh tế kém, nợ…, tất cả những cái khó khăn đấy là nó tích tụ qua từng năm và nó là hệ quả của chính sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản này”.


Gần đây, báo chí Việt Nam trích dẫn nhiều chuyên gia, học giả và các cựu quan chức lên tiếng cho rằng sau 30 năm đổi mới kinh tế, Việt Nam đã đạt giới hạn về các biện pháp kinh tế, trong khi cơ cấu chính trị của đất nước đã dẫn đến nhiều vấn đề về quản trị và xã hội. Vì vậy, họ kêu gọi đã đến lúc cần có đổi mới chính trị để tạo thêm cơ hội cho Việt Nam có thể phát triển. - VOA

|

|


9.

'Bún chửi' Việt Nam trong mắt người Mỹ


Chương trình Parts Unknown của đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain trên kênh CNN ngày 25/9 đã đăng tải đoạn phim về một quán bún ở chợ Ngô Sĩ Liên, Hà Nội. Dường như không có gì đặc biệt nếu một đầu bếp nổi tiếng thế giới yêu thích ẩm thực đường phố của Việt Nam, cho đến khi người xem phát hiện ra đây là quán “bún chửi” nổi tiếng với thái độ phục vụ như “đuổi khách đi” của bà chủ.


Trong đoạn phim, đầu bếp Bourdain đã giới thiệu bà chủ quán là người “khét tiếng về cách giao tiếp thẳng thừng và sống sượng” với những câu đại loại như “gọi cái gì thì gọi nhanh lên”, “thôi tốt nhất là đi về nhà nấu lấy ăn nhé”…


“Chúng tôi chịu nghe những lời mắng để thưởng thức món này”, ông Bourdain cho biết, và miêu tả món ăn là “một tô bún nóng hổi, thơm ngon với mắm ớt cay cay, nước hầm xương và cả thịt chân giò”. Ông nói: “Đây là món nổi bật nhất trong thực đơn của quán và nó ngon tuyệt!”


Hiện tượng này không phải mới xuất hiện mà nó đã tồn tại hàng chục năm nay cùng với cụm từ “bún mắng, cháo chửi, ốc lắm mồm” như một nét đặc trưng trong ẩm thực Hà Nội. Tuy nhiên, không phải ai cũng ủng hộ nét “văn hóa” ẩm thực có một không hai này.


Nhà báo Trương Anh Ngọc đã viết trên trang Facebook cá nhân: “Các cụ nói, miếng ăn là miếng nhục, trong trường hợp này có lẽ không sai. Người ta sẵn sàng nghe bà chủ hầm hè với nhân viên bưng bê hoặc thậm chí văng vài thứ vào mặt mình và rồi chấp nhận, với lí do, ăn ở đó ngon. Mình không bao giờ chấp nhận một thứ dịch vụ thiếu văn hóa kiểu đó. Thứ văn hóa dịch vụ xuống cấp ấy sở dĩ vẫn tồn tại được và có thể sẽ còn phát triển, bởi người ta sẵn sàng chịu nhục (hoặc bịt tai lại, hoặc cho là ‘nó chừa mình ra’) để được miếng ngon.”


Tại Mỹ, nơi khách hàng luôn được đối đãi như “thượng đế”, sau khi xem đoạn phim, bà Holly, người từ tiểu bang Michigan tới thăm thủ đô Washington, cho biết: “Tôi thấy việc tới đó ăn rồi bị mắng chửi như thế khá là bất bình thường, nhưng nếu đó là chuyện thường ngày mà khách hàng vẫn quay trở lại ăn ở nhà hàng đó thì có lẽ đồ ăn ở đó phải ngon lắm. Nếu có cơ hội, tôi cũng muốn thử. Đó sẽ là trải nghiệm khác đối với tôi vì ở đây những người phục vụ rất lịch sự”. Còn bà Chloe, đến từ tiểu bang Virginia, chia sẻ: “Văn hóa khác nhau nên mọi thứ cũng khác. Chuyện đấy nghe cũng vui vui. Bà ấy trông có vẻ buồn cười”.


Trong khi đó, chị Ngọc Nguyễn, một người Việt sinh sống ở Mỹ gần 40 năm cho biết nếu có cơ hội về Việt Nam, chị cũng sẽ thử đến đây ăn bún và “coi bả dữ tới mức độ nào”. Chị Ngọc đã xem toàn bộ tập phim chứ không chỉ một clip riêng lẻ về quán “bún chửi” và nhận xét: “Mình không có đánh giá cả một dân tộc Việt Nam qua cái người bán hàng này được. Nếu bạn xem cả cái documentary (phim tài liệu) thì thấy ổng tới mấy cái chỗ nào khác cũng nice (tốt) lắm, mấy cô chiêu đãi viên cũng tốt chứ đâu phải, có mỗi cái bả đó mới lạ thôi à.”


Là một kế toán và có thời gian làm việc tại tiệm ăn của chị gái, chị Ngọc cho biết cách mà một quán của người Việt ở Mỹ đối đãi với khách hàng: “Khác hẳn. Nhất là mình thấy người ta tới là mình mời mọc liền, mình vội vã mời người ta vô, mình làm mọi cách để người ta thấy tới đây là chỗ tốt để thử món ăn của mình, rồi làm mọi cách cho người ta thấy người ta muốn trở lại ăn nữa chứ không phải người ta chưa tới bả đã chửi, bả kêu đi đi, đi chỗ khác ăn.”


Chị Ngọc cũng lo lắng nếu lần đầu tiên đưa các con về Việt Nam mà gặp những người như vậy sẽ khiến các con suy nghĩ “tại sao chỗ này là chỗ mẹ con lớn lên mà sao có những người kỳ quá”. Nhưng chị cho biết sẽ giải thích với các con rằng có người này người khác: “Chắc là mấy người buôn bán thì họ hơi có vẻ nghĩ sao nói vậy, đơn sơ chứ không giữ mồm giữ miệng”.


Trả lời báo Dân Trí hôm 10/10, bà Hán Thị Kim Thảo, chủ hàng “bún chửi”, thừa nhận mình là người "nóng tính, ăn nói có phần bỗ bã nên trong một vài tình huống có nói vài câu khó nghe với khách hàng", và sau khi được giới thiệu trên kênh CNN, bà Thảo hứa sẽ “cai chửi” để phục vụ khách hàng tốt hơn. - VOA

|

|


10.

VN lo ngại về 3 nhà máy điện hạt nhân mới của TQ


Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc cung cấp thông tin cập nhật về 3 nhà máy điện hạt nhân nằm sát biên giới với Việt Nam mới đi vào hoạt động sau khi các chuyên gia lên tiếng lo ngại về sự an toàn của các nhà máy này.


Người phát ngôn bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình hôm 13/10 cho biết “Việt Nam đã đề nghị phía Trung Quốc sớm cùng với Việt Nam xây dựng cơ chế trao đổi thông tin thường xuyên về các dự án điện hạt nhân này.”


Theo truyền thông trong nước đưa tin, Trung Quốc đã xây 3 nhà máy điện hạt nhân gần biên giới Việt Nam và vừa đưa vào hoạt động những tổ máy đầu tiên. Một trong các nhà máy đó là nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành ở Quảng Tây, chỉ cách thành phố Móng Cái của tỉnh Quảng Ninh khoảng 50km. Nhà máy điện hạt nhân Xương Giang trên đảo Hải Nam cách đảo Bạch Long Vĩ của Hải Phòng hơn 100km và nhà máy điện hạt nhân Trường Giang ở Quảng Đông cách biên giới Việt Nam khoảng 200km.


Trả lời câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo thường niên của bộ Ngoại giao tại Hà Nội hôm 13/10, ông Lê Hải Bình nói Việt Nam kêu gọi các nước xây dựng và vận hành các nhà máy điện hạt nhân phải đảm bảo tuân thủ công ước an toàn hạt nhân và các quy định của Cơ quan Nguyên tử năng Liên Hiệp Quốc, và “bảo đảm không ảnh hưởng đến an toàn và môi trường của các nước láng giềng.”


Tuy nhiên các chuyên gia về năng lượng của Việt Nam đã bày tỏ lo ngại trước những rủi ro có thể xảy ra khi các nhà máy của Trung Quốc được đặt ngay ‘sát vách’ với Việt Nam. Họ cho rằng cần sớm có mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ.


Thứ trưởng bộ Khoa học & Công nghệ Phạm Công Tạc được Dân Trí trích lời cho rằng với khoảng cách 50 km (từ nhà máy điện hạt nhân gần biên giới nhất của Trung Quốc) thì không có nghĩa lý gì nếu có sự cố xảy ra. Ông so sánh với sự cố ở nhà máy Fukushima của Nhật Bản năm 2011 khi vừa xảy ra thì ngay lập tức ở Việt Nam đã đo được phóng xạ.


Các chuyên gia quốc tế cũng đưa ra những lo ngại tương tự.


Một nhà nghiên cứu của Viện Năng lượng của trường đại học London, Paul Dorfman, bày tỏ lo ngại về nguy cơ đối với Việt Nam vì không ai rõ “độ an toàn của các lò phản ứng của Trung Quốc và không rõ chúng được vận hành như thế nào”, theo VNExpress.


Dân Trí tường thuật rằng viện phó Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam Nguyễn Hào Quang cho biết việc xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo phóng xạ là rất cấp bách khi “tình hình phát triển điện hạt nhân của Trung Quốc rất là mạnh gần với các tỉnh biên giới phía bắc.” 


Ông Hào nói mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ nên tập trung ở các tỉnh phía bắc để có thể quan trắc được những ảnh hưởng khi xảy ra các sự cố từ các nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc.


Theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, Trung Quốc hiện có 35 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động và 20 lò khác đang trong thời gian hình thành.


Bản thân Việt Nam cũng đang có kế hoạch xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở tỉnh miền Trung Ninh Thuận với sự trợ giúp về kỹ thuật của Nga và Nhật Bản. Nhưng sau sự cố Fukushima năm 2011, chính phủ Việt Nam đã yêu cầu các ngành có liên quan xem xét lại toàn bộ các biện pháp an toàn. Năm ngoái chính phủ quyết định hoãn việc xây dựng nhà máy đầu tiên cho tới năm 2020. - VOA

|

|


11.

LHQ: Việt Nam 'cần bỏ điều 88, 79'


Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc bày tỏ lo ngại về vụ bắt giữ blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức Mẹ Nấm.


Trong thông cáo ngày 14/10, ông Zeid Ra'ad Al Hussein chỉ trích Điều 88, Bộ luật hình sự Việt Nam liên quan tội "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".


Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Khánh Hòa bắt và khởi tố ngày 10/10 vì điều 88.


Ông Zeid Ra'ad Al Hussein nói: "Điều 88 trên thực tế biến bất kỳ công dân Việt Nam nào cũng có tội khi họ dùng tự do căn bản để bày tỏ ý kiến, thảo luận hay chất vấn chính phủ và chính sách."


"Điều luật rộng khắp, không định nghĩa rõ ràng giúp quá dễ dàng để dập tắt mọi quan điểm trái chiều và tùy ý tạm giữ cá nhân dám chỉ trích chính sách của chính phủ."


"Tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam tuân thủ ràng buộc về luật nhân quyền, xóa bỏ các cáo buộc với bà Quỳnh và thả bà ngay lập tức," vị cao ủy nói.


'Vi phạm nhân quyền'


Thông cáo của Liên Hiệp Quốc cũng nhắc đến "các trường hợp tương tự", trong đó có vụ nhà hoạt động Nguyễn Văn Đài và trợ tá Lê Thu Hà bị bắt từ tháng 12/2015 theo điều 88.


Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhắc đến việc tòa kết án năm năm tù với ông Nguyễn Hữu Vinh và ba năm với trợ tá Nguyễn Thị Minh Thúy theo Điều 258.


Ông cũng đề cập việc hai thanh niên bị kết án ba năm và hai năm tù vì điều 88, Nguyễn Hữu Quốc Duy và Nguyễn Hữu Thiên An diễn ra tại Tòa án tỉnh Khánh Hòa.


Thông cáo của Liên Hiệp Quốc kêu gọi chính phủ Việt Nam xóa bỏ điều 88, và các điều 79, 87, 245 và 258 luật hình sự mà cao ủy nhân quyền nói là "vi phạm tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế".


Ông Zeid Ra'ad Al Hussein kêu gọi Việt Nam trả tự do cho "toàn bộ các cá nhân bị giam giữ liên quan các điều luật này".


Việt Nam chưa đưa ra phản ứng về lời kêu gọi của cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc. - BBC

No comments:

Post a Comment