Tin Thế Giới
1.
ASEAN-Trung Quốc ra tuyên bố chung về Biển Đông --- Thượng đỉnh ASEAN: Philippines tố cáo TQ bí mật xây đảo --- Biển Đông: Tuần duyên TQ là thủ phạm hầu hết các đụng độ
Các nhà lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, tức ASEAN, và Trung Quốc hôm 7/9 đã ra tuyên bố chung tái khẳng định cam kết với Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông để đảm bảo tự do hàng hải và hàng không trên vùng biển có nhiều tranh chấp chủ quyền này.
Tuyên bố chung về việc thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông được đưa ra tại ngày họp thứ 2 của hội nghị thượng đỉnh ASEAN đang diễn ra tại thủ đô Vientianne của Lào với sự cam kết của các nguyên thủ quốc gia của 10 nước thành viên ASEAN và Trung Quốc, trong đó họ khẳng định cam kết duy trì và tăng cường an toàn cho các hoạt động của tàu thuyền trên vùng biển tranh chấp này.
Các tranh cãi giữa 10 nước thành viên ASEAN và Trung Quốc về vấn đề Biển Đông sau bản tuyên bố của Hội nghị Thượng đỉnh này đang là tâm điểm chú ý của cộng đồng quốc tế bởi Trung Quốc vẫn tiếp tục xây dựng các đảo nhân tạo và quân sự hóa vùng biển tranh chấp.
Việt Nam và Philippines là 2 trong số những nước trong khu vực có tuyên bố chủ quyền trên vùng biển này. Hai nước này muốn tuyên bố đề cập tới phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế ở La Haye hồi giữa tháng 7, trong đó phủ quyết các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên hầu hết Biển Đông.
Phán quyến của Tòa trọng tài quốc tế được đưa ra ngay trước thềm Hội nghị các bộ trưởng ASEAN được tổ chức ở thủ đô Phnom Penh của Campuchia. Các nhà lãnh đạo ASEAN, trong đó có nhiều quốc gia có quan hệ mật thiết với Trung Quốc nhất là nước chủ nhà Campuchia, đã không nhắc tới phán quyết này trong bản tuyên bố chung. Bắc Kinh nhất mực phủ nhận phán quyết ngay khi Tòa trọng tài La Haye vừa tuyên bố, và đã cám ơn nước chủ nhà Campuchia vì sự ủng hộ đó.
Bắc Kinh đã nói rõ rằng Trung Quốc không bao giờ thương thuyết với cả khối ASEAN về vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông và sẽ chỉ đối thoại với từng nước riêng biệt.
Theo tờ The Nation của Thái Lan, tân Tổng thống Rodrigo Duterte của Philippines có lẽ thích giải pháp này trong nỗ lực đạt được một thỏa thuận song phương cho cuộc tranh chấp này.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng tham dự ngày họp thứ 3 của hội nghị hôm 8/9 với các nhà lãnh đạo ASEAN trong đó vấn đề Biển Đông nằm cao trong nghị trình. - VOA
***
Hôm nay, 07/09/2016 tại Vientian, phái đoàn Philippines tham dự Thượng đỉnh ASEAN công bố bằng chứng tố cáo Trung Quốc bí mật xây thêm đảo nhân tạo ở Biển Đông. Theo Manila, nhiều không ảnh cho thấy nhiều tàu Trung Quốc chuẩn bị xây đảo nhân tạo trên bãi đá ngầm Scarborough, chỉ cách đảo chính Luzon 230 km.
Vài giờ trước khi các nhà lãnh đạo ASEAN gặp thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại thủ đô nước Lào, phái đoàn Philippines tố cáo Trung Quốc lấn chiếm bãi đá ngầm Scarborough của Philippines. Các không ảnh do Manila đưa ra cho thấy có nhiều tàu Trung Quốc hiện diện tại khu vực, mà theo Manila thuộc chủ quyền của Philippines. Toà Trọng tài quốc tế La Haye cũng phủ nhận đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc.
Theo tuyên bố của bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Arsenio Andolong, Manila « có đủ lý do để nghĩ rằng sự hiện diện của các chiếc tàu này là dấu hiệu sắp có xây dựng trên bãi đá ». Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines cho biết thêm là « tiếp tục theo dõi sự hiện diện và hoạt động của tàu Trung Quốc ở Scarborough ».
Trung Quốc đã xây một loạt đảo nhân tạo ở Trường Sa, có phi đạo và hải cảng cho máy bay và tàu quân sự. Nhưng cho đến nay, Bắc Kinh chối là không xây bất cứ cơ sở gì tại bãi cạn Scarborough mà họ gọi là đảo "Hoàng Nham", chiếm của Philippines vào năm 2012.
Về mặt quân sự, Scarborough là một địa điểm trọng yếu chỉ cách đảo Luzon có 230 km, nơi Hoa Kỳ có hai căn cứ đóng quân.
Theo AFP, một viên chức Trung Quốc tham dự Thượng đỉnh Vientian trả lời theo lập trường chính thức, phủ nhận tố cáo của Philippines. Diễn văn của thủ tướng Lý Khắc Cường cũng tránh né hồ sơ Biển Đông.
Mỹ cung cấp thêm máy bay trinh sát cho Philippines
Cho dù quan hệ Mỹ- Philippines căng thẳng vì lời lẽ thô tục của tổng thống Duterte và chính sách chống ma túy bất chấp pháp luật và sinh mạng con người, Washington không bỏ rơi Manila.
Tuần duyên Philippines cho biết là sắp nhận được hai máy bay tuần tra loại Sherpa-30 seater vào tháng 12 tới đây trong khuôn khổ tăng cường hiệu năng bảo vệ lãnh thổ trước lòng tham của Bắc Kinh. - RFI
***
Các hành động ngày càng hung hãn hơn của các tàu tuần duyên Trung Quốc trên Biển Đông có nguy cơ gây bất ổn cho khu vực. Các "tàu lạ" ngang ngược trên Biển Đông hầu hết là tàu Trung Quốc. Trên đây là kết luận của các tác giả một công trình nghiên cứu, mới được công bố, về các sự cố trên tuyến đường hàng hải quan trọng này, được Reuters loan tin hôm nay 07/09/2016.
Trong khi các nhà quan sát đang lo ngại nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột toàn diện tại vùng biển tranh chấp, không thể coi thường mối nguy hiểm từ những sự cố có liên quan đến các tàu tuần duyên Trung Quốc. Bà Bonnie Glaser, chuyên gia an ninh khu vực của CSIS (Center for Strategic and International Studies – Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế) đặt tại Washington nhận định như trên.
Các nhà nghiên cứu của CSIS đã nêu ra chi tiết của 45 vụ đụng độ tại Biển Đông kể từ năm 2010, trong một công trình khảo sát được công bố tuần này trên trang web ChinaPower. Nghiên cứu trải rộng trên nhiều địa điểm và liên quan đến nhiều loại tàu khác nhau, nhưng hành vi của các tàu tuần duyên Trung Quốc thống trị bức tranh toàn cảnh.
Lực lượng tuần duyên của Bắc Kinh có liên can 30 trường hợp trong số những vụ đụng độ được ghi nhận, tức đến hai phần ba. Bốn sự cố khác liên quan đến các tàu chấp pháp của hải quân Trung Quốc.
Báo cáo nêu ra vụ gần đây nhất xảy ra vào ngày 9/7, hai tàu đánh cá QNg 90479 TS và QNg 95001 TS của Việt Nam đang hoạt động gần Đá Lồi (Discovery Reef) tại Hoàng Sa, đã bị hai tàu tuần duyên Trung Quốc Haijing 46101 và Haijing 35103 đâm chìm, và ngăn cản không cho các tàu cá Việt Nam khác đến cứu vớt các ngư dân bị rơi xuống biển.
Bà Glaser nói với hãng tin Reuters: "Những bằng chứng rõ ràng cho thấy đây là cách hành xử tiêu biểu của Trung Quốc, đi ngược lại với việc thực thi pháp luật thông thường. Chúng tôi thấy họ bắt nạt, quấy rối, đâm vào tàu tuần duyên và tàu đánh cá nhỏ hơn của các nước khác, thường là nhằm xác quyết chủ quyền tại Biển Đông".
Công trình nghiên cứu này cũng tính đến vụ nghênh chiến giữa Bắc Kinh và Hà Nội, do Trung Quốc cho kéo giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 đến vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam vào năm 2014, cũng như vụ đối đầu căng thẳng với Philippines năm 2012 mà kết cục là Trung Quốc chiếm luôn bãi cạn Scarborough.
Ngay giữa hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Lào hôm nay, có sự tham dự của tổng thống Mỹ Barack Obama, Philippines đã cho công bố rộng rãi hình ảnh chứng minh các tàu tuần duyên và xà lan Trung Quốc di chuyển đến Scarborough, nghi ngờ Bắc Kinh âm mưu xây đảo nhân tạo tại đây. Được hãng tin AP hỏi sự hiện diện của tàu tuần duyên Trung Quốc gây phiền nhiễu cỡ nào, phát ngôn viên của tổng thống Rodrigo Duterte, ông Ernesto Abella trả lời: "Đủ để loan báo việc này".
Quốc gia Hải dương cục, cơ quan chủ quản của lực lượng tuần duyên Trung Quốc, hiện chưa trả lời câu hỏi của Reuters về công trình nghiên cứu của CSIS.
Công trình này định nghĩa một sự cố là khi tàu tuần duyên hoặc hải quân của một nước sử dụng những biện pháp cưỡng bách vượt ra ngoài khuôn khổ luật pháp cho phép.
Chuyên gia Bonnie Glaser nói rằng trong ngắn hạn, bà tin rằng nguy cơ gây thương tích hoặc tử vong có thể dẫn đến hậu quả tệ hại là đụng độ mang tính dân sự, hơn là giữa các lực lượng hải quân trên Biển Đông – xét đến tần số và cường độ các sự cố trong những năm gần đây. Thông tin liên lạc chưa được mở rộng để ngăn ngừa các vụ chạm trán giữa lực lượng tuần duyên các bên, cũng như đối với hải quân.
Bản khảo sát dẫn ra những số liệu cho thấy việc Trung Quốc hợp nhất các lực lượng hải cảnh, hải giám, ngư chính… vào năm 2013, đi đôi với việc tăng cao ngân sách, đã khiến lực lượng tuần duyên Trung Quốc trở thành lớn nhất thế giới.
Theo tình báo Hải Quân Hoa Kỳ, hiện nay lực lượng này có 205 chiếc tàu, trong đó có 95 tàu trọng tải trên 1.000 tấn – một hạm đội quy mô vượt xa các nước khác trong khu vực, kể cả Nhật Bản. Còn Naval War College Review cho biết, trong 5 năm qua, ngân sách bình quân hàng năm dành cho tuần duyên Trung Quốc là 1,74 tỉ đô la ; so với Nhật Bản 1,5 tỉ đô la, Việt Nam 100 triệu đô la và Philippines 200 triệu đô la.
Tóm lại theo CSIS, các "tàu lạ" ngang ngược trên Biển Đông hầu hết là tàu Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu tố cáo việc huy động lực lượng tuần duyên - theo truyền thống chỉ nhằm thực thi pháp luật trên biển – vào việc xác quyết chủ quyền, khiến Biển Đông thêm sóng gió, làm mất ổn định tại châu Á. - RFI
|
|
2.
Lãnh đạo thực quyền Aung San Suu Kyi của Myanmar sắp thăm Mỹ
Hoa Kỳ hôm thứ Ba, 6/9, cho hay lãnh đạo có thực quyền của Myanmar, Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, sẽ thăm Mỹ vào tuần tới. Bà sẽ gặp Tổng thống Barack Obama và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ. Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của bà kể từ khi Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử hồi tháng 11 năm ngoái.
Phó Cố vấn An ninh Quốc gia của Tòa Bạch Ốc Ben Rhodes nói tại Lào rằng cuộc gặp với ông Obama sẽ diễn ra ngày 14 tháng 9, và ông dự liệu rằng một nội dung chính trong chương trình nghị sự là tương lai của lệnh trừng phạt áp đặt trong những thập kỷ giới quân sự nắm quyền.
Ông Rhodes cho biết việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đã bắt đầu, và ông nói rằng Hoa Kỳ muốn chắc chắn rằng có những lợi ích cho nền dân chủ. Ông nói rằng cách tốt nhất để khuyến khích nhân quyền ở Myanmar là bảo đảm rằng nền dân chủ thành công.
Chuyến thăm của bà Aung San Suu Kyi diễn ra giữa lúc có những nỗ lực để tìm câu trả lời cho sự chia rẽ tôn giáo và sắc tộc của Myanmar. Chính phủ của bà đã thành lập Hội đồng tư vấn đứng đầu là cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan để giải quyết cuộc xung đột giữa người Hồi giáo Rohingya và những người Phật giáo chiếm đa số. - VOA
|
|
Tin Hoa Kỳ
3.
Obama hối tiếc Mỹ ném bom ở Lào
Tổng thống Hoa Kỳ nói về “bổn phận đạo đức” vì cuộc ném bom lớn nhất lịch sử tại Lào nhưng không xin lỗi.
Những trái bom, như một người Lào nhớ lại, "rơi như mưa", Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cho biết khi thăm Lào, chuyến thăm đầu của một Tổng thống Mỹ đương nhiệm.
"Xét về lịch sử của chúng tôi ở đây, tôi tin rằng Hoa Kỳ có một bổn phận đạo đức để giúp Lào lành vết thương," ông nói.
Ông dẫn chiếu tới những đợt ném bom bí mật và hủy diệt lớn của Mỹ tại Lào trong Chiến tranh Việt Nam trong thập niên 1960 và 1970.
Khoảng 90 triệu USD sẽ được chi trong hơn ba năm để gỡ bỏ bom chùm và vật chưa nổ khác.
Trong 20 năm qua Mỹ chỉ chi 100 triệu USD cho hoạt động này.
Tuy nhiên ông Obama đã không nói lời xin lỗi cho hoạt động ném bom.
Vào hôm thứ Ba, Tổng thống Obama mô tả Lào là quốc gia bị ném bom nặng nề nhất trong lịch sử.
Trung bình cứ mỗi phút có tám trái bom được thả xuống trong Chiến tranh Việt Nam trong khoảng từ 1964 tới 1973 - nhiều hơn số bom dùng trong cả Thế chiến Hai.
Mỹ tiến hành 580,344 phi vụ ném bom ở Lào, thả 260 triệu trái bom - tương đương với 2 triệu tấn bom đạn, với nhiều mục tiêu tại nam và bắc nước này trong nỗ lực cô lập lính Cộng sản Bắc Việt.
Hầu hết các thiết bị này là bom chùm sát thương cá nhân. Người ta ước tính có khoảng 30% tổng số bom này không phát nổ.
Mười trong số 18 tỉnh của Lào được mô tả là "bị ô nhiễm bom nghiêm trọng" vì có nhiều thiết bị chưa nổ.
Các tổ chức rà phá bom mìn ước tính khoảng 288 triệu bom chùm và khoảng 75 triệu bom chưa nổ nằm rải rác ở Lào sau khi chiến tranh kết thúc.
Bom chùm được thả từ trên không và tiếp đất ở diện rộng và rất khó xác định.
Các loại bom này là mối đe dọa lớn với dân thường, đặc biệt là trẻ em vì trông giống đồ chơi, trong nhiều năm sau khi chiến tranh kết thúc.
Công ước về Bom chùm, được 108 quốc gia phê chuẩn trừ Hoa Kỳ, cấm tàng trữ, sử dụng và chuyển giao hầu như tất cả bom chùm hiện có, và tạo điều kiện rà phá bom mìn chưa chưa nổ.
Lào nhiều khả năng yêu cầu mở rộng các cam kết của công ước này nhằm xử lý bom mìn chưa nổ khi các quốc gia thành viên Công ước nhóm họp vào lần tới là tháng 8 năm 2020. - BBC
|
|
4.
Bầu cử Mỹ: Xu hướng bầu có dấu hiệu đảo lộn
Còn 9 tuần lễ nữa là đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Các cuộc thăm dò cho thấy khoảng cách giữa hai ứng viên Donald Trump (Cộng Hòa) và Hillary Clinton (Dân Chủ) đang rút ngắn. Trong phần lớn các thăm dò, ở cấp quốc gia, ứng viên đảng Dân Chủ thắng thế, bỏ xa đối thủ, nhưng lại có một cuộc điều tra dư luận cho thấy Trump dẫn trước hai điểm.
Ngày hôm qua 06/09/2016, báo Washington Post đã công bố một kết quả nghiên cứu tình hình ở 50 tiểu bang, đặt câu hỏi cho 74 000 người, cho thấy là chưa bao giờ bản đồ bầu cử Mỹ bị đảo lộn như vào lúc này.
Thông tín viên RFI tại Washington, Anne Marie Capomaccio tường thuật:
"Có một điều chắc chắn duy nhất : Đây là một cuộc bầu cử khác thường. Donald Trump rất được lòng dân ở các vùng trước đây ủng hộ đảng Dân Chủ. Nhà tỷ phủ có chiều hướng thắng lợi tại các bang Wisconsin, Michigan, Pennsylvania. Tầng lớp bình dân da trắng, và những cử tri lớn tuổi có khuynh hướng tin tưởng Donald Trump. Nhưng ngược lại ông mất uy tín nơi nơi cử tri da trắng (thường ủng hộ đảng Cộng Hòa) có học vấn cao và trong giới phụ nữ.
Hillary Clinton thì đạt điểm rất tốt tại những tiểu bang như Arizona hay Texas, những nơi mà đảng Dân Chủ thường hay thất bại. Điều đáng ngạc nhiên là hai ứng viên suýt soát nhau ở Texas, nơi mà Obama từng đã bị thua đến 16 điểm. Giờ đây thì Hillary Clinton có vẻ sẽ chiến thắng tại đấy.
Tờ báo địa phương Dallas Morning News, còn đăng cả một bài xã luận để giải thích với độc giả của mình là Donald Trump không xứng đáng với lá phiếu của họ. Đây là lần đầu tiên trong 50 năm mà nhật báo bảo thủ này không ủng hộ người của đảng Cộng Hòa". - RFI
|
|
5.
Apple dự kiến ra mắt iPhone 7
Hôm 7/9 là ngày trọng đại trong thế giới công nghệ. Apple tổ chức sự kiện ra mắt hàng năm và mẫu iPhone 7 dự kiến được tiết lộ.
iPhone mới được ra mắt trong lúc đối thủ Samsung tiến hành thu hồi Note 7 do gặp vấn đề về pin.
Trước sự kiện, đã có những tin đồn về những tính năng của iPhone mới.
Nhiều nhà bình luận mong đợi mẫu iPhone mới bỏ jack cắm tai nghe, chỉ để lại một cổng.
Điều đó buộc người dùng sử dụng tai nghe Bluetooth hoặc mua tai nghe tương thích với cổng Lightning cũng được dùng để sạc.
Đã có đồn đoán rằng mẫu iPhone mới được tiết lộ trong sự kiện tại San Francisco thiếu sự đổi mới chính yếu.
Chất lượng camera dự kiến sẽ được cải thiện và lần này nâng cấp có thể ứng dụng công nghệ camera hai ống kính.
Camera kép giúp chụp với hai độ phơi sáng khác nhau, sau đó kết hợp hai hình cho chất lượng ảnh được cải thiện.
'Để dành'
Dave Lee, phóng viên Công nghệ Bắc Mỹ phân tích: "Mỗi năm lại có một mẫu iPhone mới.
Từ tháng 9/2015, khi chúng ta thấy iPhone 6S và 6S Plus, thế giới công nghệ đã bị đảo lộn. Một cuộc chiến tranh mã hóa, doanh số iPhone giảm, cuộc chiến tiếp diễn ở Trung Quốc và gần đây là án phạt truy thu thuế.
Lần nâng cấp này dự kiến sẽ không có nhiều tác động khiến người ta phải chạy ngay đến cửa hàng điện thoại để nâng cấp.
Nếu iPhone 7 bỏ jack cắm tai nghe như chúng ta mong đợi, cũng sẽ có nhiều người tức giận vì không muốn mua tai nghe không dây.
Một lần nữa, Apple sẽ phải đối mặt với sự giận dữ về cổng "lightning".
Đang có nhiều bức ảnh được chụp bằng iPhone hơn bất kỳ mẫu điện thoại thông minh nào khác. Nhưng nguồn tin rò rỉ cho hay chỉ mẫu iPhone lớn, kích thước ít thông dụng mới được trang bị công nghệ camera mới.
Nhìn xa hơn, người ta dự đoán rằng Apple đang để dành các tính năng mới cho mẫu xuất hiện năm 2017 và cũng là dịp kỷ niệm 10 năm ra đời iPhone". - BBC
|
|
Tin Việt Nam
6.
Việt Nam ‘thay tướng’ ở Bộ Công thương sau những bê bối về nhân sự
Bộ Công thương Việt Nam vừa bổ nhiệm ông Trần Quang Huy giữ chức Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ kể từ ngày 7/9. Đây được xem là vụ "thay tướng" tiếp theo sau những bê bối về nhân sự khiến dư luận bức xúc trong thời gian gần đây tại bộ này.
Ông Trần Quang Huy sinh năm 1976, là Tiến sĩ kinh tế và từng giữ các chức vụ Phó vụ trưởng, rồi Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á từ năm 2006.
Vụ thay đổi nhân sự trên diễn ra sau những lùm xùm, bê bối liên quan đến ông cựu Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ tại Bộ Công thương là ông Đào Văn Hải về công tác chỉ đạo, điều hành nhân sự, bổ nhiệm cán bộ tại bộ này. Nổi bật là vụ bổ nhiệm ông Vũ Đình Duy của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) và ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Bên cạnh vụ ông Trịnh Xuân Thanh đang gây chú ý dư luận, tin cho hay ông Vũ Đình Duy trong thời gian làm Ủy viên thành viên Hội đồng Thành viên của tập đoàn Vinachem cũng đã gây thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng nhưng vẫn được cất nhắc thăng chức đến “chóng mặt”, từ vị trí Tổng giám đốc công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex) lên Phó Giám đốc Sở Công thương Hải Phòng, rồi Cục phó An toàn Kỹ thuật và Môi trường công nghiệp đến Ủy viên Hội đồng Thành viên của tập đoàn hóa chất Việt Nam chỉ trong vòng hơn 2 năm.
Ngoài ra, ông Đào Văn Hải còn dính dáng đến vụ bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải, con trai nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng vào chức vụ Phó Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Bia Rượu Sài Gòn (Sabeco).
Sau hàng loạt vụ việc bị công luận phanh phui, Bộ Công thương cho biết sẽ rà soát lại công tác nhân sự, bổ nhiệm cán bộ tại bộ này.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng đây là việc làm cần thiết trong lúc này:
“Nhân vụ việc này thì sự rà soát là cần thiết, nhất là liên quan đến trách nhiệm cá nhân của những công chức đối với công vụ của mình. Cái thứ hai là cái ta gọi là quy trình về vấn đề đề bạt cán bộ. Tôi thấy việc triển khai đó là đúng”.
Dân Trí trích lời một lãnh đạo ở Bộ Công thương nói việc cơ cấu lại nhân sự trong tháng 9 là việc “cấp bách”.
Dự kiến sẽ có thêm các nhân sự chủ chốt ở một số cục, vụ của Bộ Công thương cũng sẽ được thay đổi trong thời gian tới. - VOA
|
|
7.
Rộ nghi vấn ông Trịnh Xuân Thanh đang ở nước ngoài sau khi ‘xin ra Đảng’
Ông Trịnh Xuân Thanh, tỉnh ủy viên, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, gửi đơn xin ra khỏi Đảng Cộng sản trong thời gian đang bị điều tra khiến dư luận nghi ngờ cựu giới chức của tỉnh này đã ‘hạ cánh’ an toàn ở nước ngoài sau khi gây ra những thất thoát lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Báo Thanh Niên hôm nay cho biết ông Trịnh Xuân Thanh đã chủ động gọi điện thoại cho phóng viên của báo này vào chiều 6/9 và khẳng định đã gửi đơn xin ra khỏi Đảng Cộng sản. Cùng lúc, trên mạng xã hội cũng đang lan truyền lá đơn xin ra khỏi đảng được ký tên Trịnh Xuân Thanh. Trong đơn nêu lý do xin ra khỏi đảng là “vì không tin vào sự chỉ đạo của đồng chí Tổng bí thư”, tức ông Nguyễn Phú Trọng.
Tờ đơn cũng đề cập đến việc “chỉ đạo Bộ Công an vào điều tra là sai các quy định của Đảng, gây áp lực cho cơ quan tố tụng, cơ quan thực thi pháp luật” và việc “dùng báo chí nói sai sự thật, một chiều” khiến cho đương đơn “không có khuyết điểm, không vi phạm cũng thành vi phạm”.
Đương đơn cho biết thêm rằng “để đảm bảo an toàn cho bản thân, tôi đã xin nghỉ phép để đi chữa bệnh ở nước ngoài” và “do các cơ quan chịu áp lực chỉ đạo, tôi thấy rất khó để có được sự thật”.
Cũng theo báo Thanh Niên, ông Trịnh Xuân Thanh khẳng định đã ký đơn gửi Thường trực Tỉnh ủy vào giữa tháng 7 để xin ra khỏi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 – 2020 vì lý do không còn làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh nữa nên việc giữ chức vụ Tỉnh ủy viên là “không cần thiết”.
Trong khi đó, báo Tuổi Trẻ cho biết Ban Tổ chức tỉnh ủy Hậu Giang nói họ chưa nhận được đơn xin ra khỏi đảng, rút khỏi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh của ông Trịnh Xuân Thanh.
Trước đó, ông Trịnh Xuân Thanh đã xin nghỉ phép một tháng để đi chữa bệnh nhưng ông này đã không quay trở lại cơ quan khi hết phép vào ngày 3/9.
Cùng với sự xuất hiện của lá đơn xin ra khỏi đảng, báo VnExpress dẫn nguồn tin từ các lãnh đạo địa phương cho biết đã không thể liên lạc với ông Thanh qua số điện thoại ông này thường sử dụng, khiến dư luận nghi ngờ ông này đã ‘hạ cánh an toàn’ ở nước ngoài trong thời gian đang bị điều tra.
Trước đó hôm 31/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong văn bản trả lời báo chí Việt Nam đã chỉ đạo Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ điều tra các vi phạm dẫn đến thua lỗ hơn 3.200 tỷ đồng của Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) trong thời gian ông Trịnh Xuân Thanh giữ các cương vị Phó bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị tại đây.
Mặc dù gây thua lỗ nghiêm trọng, ông Trịnh Xuân Thanh vẫn được nhận các giải thưởng, huy chương và leo lên nhiều chức vụ tới ghế Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang.
Dư luận Việt Nam cho rằng nếu điều tra vụ Trịnh Xuân Thanh tới cùng sẽ lộ diện các “nhóm lợi ích” và đường dây chạy chức, chạy quyền.
Tuy nhiên việc có truy tới cùng được vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh hay không vẫn là câu hỏi mà dư luận không đặt nhiều hy vọng vì vụ này “còn liên quan người khác”, Báo Thanh Niên hôm 6/8 trích lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết.
Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc nói với VOA rằng việc đi tới cùng vụ ông Trịnh Xuân Thanh sẽ giúp lấy lại lòng tin trong dân chúng:
“Việc đó thì toàn xã hội quan tâm, quốc hội quan tâm và cá nhân tôi là đại biểu quốc hội cũng quan tâm xem việc thực thi pháp luật như thế nào. Còn trong quá trình điều tra thì có thể có những yêu cầu khác nhau thì chưa biết được. Còn đương nhiên tôi nghĩ người dân họ rất quan tâm vì nếu làm tốt chuyện đó thì có thêm lòng tin nơi người dân, mà lúc này lòng tin là hết sức quan trọng”.
Ông Trịnh Xuân Thanh bắt đầu bị “săm soi” vào tháng 6 vừa qua khi bị dư luận phản ứng vì sử dụng xe mang biển số xanh [biển số xe công vụ] cho chiếc xe Lexus cá nhân. Vụ việc trên đã dẫn tới những điều tra về những sai phạm trong công tác quản lý cũng như công tác nhân sự trong bộ máy chính quyền.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ Việt Nam hôm 31/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ đã được giao điều tra về những bê bối trong việc đề bạt, thuyên chuyển ông Trịnh Xuân Thanh nhưng chưa đưa ra báo cáo chính thức. - VOA
|
|
8.
Airbus ký hợp đồng 6,5 tỷ đôla với các hãng hàng không Việt Nam
Hãng sản xuất máy bay Airbus của châu Âu hôm 6/9 cho biết 3 công ty Việt Nam đã đồng ý mua 40 máy bay của hãng với tổng trị giá các hợp đồng lên đến 6,5 tỷ đôla.
Các hợp đồng được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Pháp Francois Hollande ở Việt Nam.
Tin cho hay hãng Vietnam Airlines đồng ý mua thêm 10 máy bay A350, hãng Jetstar Pacific sẽ mua 10 chiếc A320. Hai hợp đồng này có trị giá lần lượt là 3,1 tỷ đôla và 980 triệu đôla. Phía mua có thể còn thương lượng để được giảm giá.
Jetstar là hãng hàng không giá rẻ do Vietnam Airlines nắm cổ phần chi phối. Qantas Airways của Australia cũng nắm 30% cổ phần của Jetstar.
Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines hiện đang vận hành 4 chiếc A350. Thông báo của Airbus hôm 6/9 nói Vietnam Airlines có kế hoạch sử dụng 10 chiếc A350 mới cho các chuyến bay thẳng từ thành phố Hồ Chí Minh đến Los Angeles ở bờ tây nước Mỹ.
Ngoài ra, Airbus còn ký hợp đồng chắc chắn trị giá 2,4 tỷ đôla với Vietjet để bán cho hãng này 20 chiếc A321.
Kinh tế phát triển vững chắc ở Việt Nam và giai cấp trung lưu đang ngày càng tăng đã làm tăng cầu đi lại trong nước lẫn ra nước ngoài, dẫn đến các hãng hàng không mở rộng các tuyến bay. Thị trường hàng không Việt Nam còn nhỏ nhưng đang tăng trưởng nhanh. - VOA
|
|
9.
Tổng thống Pháp kêu gọi Việt Nam thả một số tù nhân chính trị
Tổng thống Pháp Francois Hollande, đang trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 5 đến 7 tháng 9, đã kêu gọi Hà Nội trả tự do cho 4 người bất đồng chính kiến đang bị giam giữ, báo Channel News Asia trích nguồn tin từ Pháp cho biết hôm 7/9.
Trong số 4 tù nhân bất đồng chính kiến được ông Hollande đề cập tới có ông Trần Huỳnh Duy Thức và blogger Nguyễn Hữu Vinh.
Vấn đề nhân quyền đã không được xếp vào nghị trình làm việc chính thức tại Việt Nam của nhà lãnh đạo Pháp, dù trước đó các tổ chức NGO đã gửi thư đến Tổng thống Hollande bày tỏ quan ngại về “những vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền” tại Việt Nam và tình trạng bắt bớ, giam giữ những người bất đồng chính kiến và các blogger.
Trong cuộc phỏng vấn với VOA tối 7/9, ông Trần Văn Huỳnh, bố của tù nhân Trần Huỳnh Duy Thức, bày tỏ hy vọng về tự do cho con trai ông sau chuyến thăm của Tổng thống Pháp.
Ông nói: “Tôi mong rằng Việt Nam sẽ có những thay đổi tích cực, quan tâm hơn đến việc thượng tôn pháp luật và sẽ có những cách xử lý, xem xét đến những trường hợp bị oan sai. Tôi cũng hy vọng sẽ có nhiều tù nhân lương tâm, hay tù nhân chính trị, có thể được xem xét và tôi mong trong đó có Trần Huỳnh Duy Thức, con trai tôi”.
Ông Trần Văn Huỳnh cho biết ông Trần Huỳnh Duy Thức có gọi điện thoại về nhà cách đây vài ngày và cho biết sức khỏe ông vẫn ổn, dù thời tiết nóng lên đến 40oC tại Nghệ An, nơi ông đang bị giam giữ.
Ông Trần Huỳnh Duy Thức là một doanh gia bị kết án 16 năm tù vì tội chống phá, lật đổ nhà nước XHCN Việt Nam, trong khi blogger Nguyễn Hữu Vinh được biết tiếng dưới bút hiệu Anh Ba Sàm với nhiều bài viết được xem là “nhạy cảm”. Ông Nguyễn Hữu Vinh bị kết án 5 năm tù vì những bài viết bị cho là chống chính quyền, nhà nước Việt Nam.
Trong chuyến thăm kéo dài 2 ngày tới Việt Nam, ngoài việc củng cố mối quan hệ kinh tế với quốc gia thuộc địa cũ, Tổng thống Pháp Hollande còn bàn luận với các giới chức Việt Nam về tự do hàng hải ở Biển Đông, nơi Việt Nam và một số quốc gia láng giềng đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.
Pháp và Việt Nam cũng đã ký một số thỏa thuận trong chuyến thăm của Tổng thống Pháp tới Việt Nam, trong đó có hợp đồng của Việt Nam đặt mua 40 máy bay Airbus trị giá 6,5 tỉ đôla từ Pháp.
Tổ chức Ân xá Quốc tế hôm thứ Ba nhắc nhở Tổng thống Hollande đừng để các hợp đồng kếch xù làm lu mờ vấn đề nhân quyền.
Pháp hiện là một trong những đối tác thương mại châu Âu hàng đầu của Việt Nam và là nhà tài trợ lớn thứ hai cho Việt Nam, sau Nhật Bản. - VOA
|
|
10.
Những ý kiến trái chiều về thông điệp của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
Nhân ngày Quốc khánh 2 tháng 9 vừa qua, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có một bài viết đăng trên báo Tuổi trẻ, nêu ra một loạt những vấn đề bức xúc của đất nước như nợ công, tham nhũng, quyền lợi nhóm.
Bài viết đã gây ra những phản ứng trái chiều trên mạng xã hội và nhận được những hoan nghênh trên một số trang báo mạng của chính phủ sau đó.
Bức xúc trước hiện tình đất nước?
Bài viết của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trên báo Tuổi trẻ nhân ngày quốc khánh 2 tháng 9 vừa qua có tựa ‘Trước tương lai, sao thể yên lòng?’ ngay từ đầu đã đặt ra câu hỏi ai có thể yên lòng trước những hiểm họa, tiêu cực đang phát sinh trong nội tại đất nước.
Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh, thành viên Ủy ban chính sách phát triển Liên hiệp quốc, người đã từng có thời gian làm cố vấn cho chính phủ nhận định:
Như tôi đánh giá thì nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã rất bức xúc và có nhiều tâm tư với tình hình đất nước hiện nay, cho nên nguyên Chủ tịch nước đã dành ngày quốc khánh để đăng một bài và trình bày sự đánh giá của nguyên Chủ tịch về tình hình của đất nước và đòi hỏi phải có những bước cải cách, phải có những tiến bộ trong việc chống tham nhũng, trong việc giải quyết những việc về cán bộ và vấn đề lợi ích nhóm và các vấn đề liên quan. Sự đánh giá của nguyên Chủ tịch nước là hết sức nghiêm túc và do đó đã được sự quan tâm rộng rãi của công luận.
Các tiêu cực được bài viết của nguyên Chủ tịch nước đưa ra bao gồm nợ công đang lên mức trên 58% GDP, tình trạng ‘tư bản thân hữu’, ‘lợi ích nhóm’, ‘sân sau gia đình’, các cú áp phe lớn mang lại lợi ích khủng cho một số cá nhân và phe nhóm gây thiệt hại khôn lường cho ngân sách nhà nước, chao đảo nền kinh tế.
Ngay sau khi bài viết được đăng, trên trang mạng của báo Dân Trí đã có bài blog của tác giả Bùi Hoàng Tám, ca ngợi ông Trương Tấn Sang là người hết lòng vì dân vì nước và đồng tình với những điểm mà ông Sang nêu ra trong bài viết của mình về tình hình đất nước, khơi dậy lòng yêu nước, lửa nhiệt tình trong lòng người dân Việt Nam.
Báo Tuổi trẻ cũng đăng phản ứng của một số người từng là cán bộ cấp cao của đảng, chính phủ như ông Lê Quang Thưởng, nguyên phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức trung ương, hay bà Nguyễn Thị Việt Thùy, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài thành phố Hồ Chí Minh. Ý kiến chung cho rằng ông Sang đã nói lên được nỗi lòng của nhiều người.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng nguyên nhân báo chí nhà nước được phép đăng bài viết có tính chỉ trích của ông Trương Tấn Sang có thể là dấu hiệu Đảng Cộng sản đã nhìn nhận những vấn đề bức xúc cần phải giải quyết.
Có lẽ là có sự cho đăng bài báo đó để thể hiện tinh thần giới lãnh đạo trong đảng cộng sản đã nhận thức rõ vấn đề và đang tìm biện pháp để cải cách đây.
Mục đích đả hổ diệt ruồi?
Tuy nhiên, nhà báo tự do Phạm Chí Dũng từ Sài Gòn cho rằng bài viết của nguyên Chủ tịch nước không có gì mới so với những gì ông đã viết trước đây.
Thứ nhất là không có gì mới. Thứ hai là bài đó cho thấy là ông Trương Tấn Sang dường như vẫn còn một vai trò gì đó liên quan tới Bộ chính trị của Đảng….. so với những bài viết trước đây của ông Sang về vấn đề lợi ích nhóm, tham nhũng, chuyện con sâu 2 D này kia thì bài viết này có vẻ hơi mạnh hơn một chút nhưng so với tình hình hiện nay đặc biệt sau vụ khủng hoảng Yên Bái vừa qua thì bài viết này quá nhẹ và không toát ra được cái gì cả.
Hơn thế nữa, theo nhà báo Phạm Chí Dũng, nguyên nhân bài báo được đăng vào ngày quốc khánh không nhằm mục đích khơi dậy lòng yêu nước của người dân mà chỉ giúp chiến dịch đả hổ diệt ruồi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:
Có ý nghĩa hỗ trợ cho chiến dịch đả hổ diệt ruồi của ông Nguyễn Phú Trọng. Chúng ta biết trước đây đối thủ của ông Sang là ông Nguyễn Tấn Dũng. Sau khi ông Nguyễn Tấn Dũng nghỉ thì nhóm quyền lực và lợi ích của ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn còn nhiều và rải rác khắp nơi, nhiều địa phương và nhiều bộ ngành. Tôi không nghĩ là ông Sang quên điều đó. Một trong những mục tiêu lớn nhất của ông Trọng và cả ông Sang nữa hiện nay là phải làm sao làm sạch các đường dây còn lại của ông Nguyễn Tấn Dũng. Bài viết của ông Trương Tấn Sang là một ý gián tiếp để xoáy vào nhóm của ông Nguyễn Tấn Dũng.
Tại hội nghị trung ương 6 Đảng Cộng sản Việt Nam hồi năm 2012, ông Trương Tấn Sang, lúc đó là Chủ tịch nước đã phát biểu về đồng chí X ở trong trung ương, nhìn nhận đồng chí X là người có khuyết điểm. Dù ông không nói đồng chí X là ai nhưng theo đánh giá của các nhà phân tích trong và ngoài nước, ông Sang đang nói đến nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Vào lúc đó Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng cho biết Bộ Chính trị đã thống nhất đề nghị Ban chấp hành Trung ương xem xét hình thức kỷ luật với một đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, nhưng sau đó Ban chấp hành Trung ương đã quyết định không kỷ luật và chỉ yêu cầu Bộ Chính trị có biện pháp khắc phục để tránh bị các thế lực thù địch xuyên tạc, chống phá.
Không đi quá đà
Vài ngày sau khi bài viết được đăng rộng rãi trên mạng và gây ra nhiều phản ứng từ công luận, dường như đang có một sự hạn chế đối với những tác động của bài báo trong công luận vào lúc này. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết:
Sau đó nếu để cho cuộc thảo luận trở nên quá rộng rãi rồi trở nên mạnh mồm rồi đi vào các tình tiết này khác thì có lẽ là có một số người muốn dừng lại ở đây.
Bài viết của ông Trương Tấn Sang nhấn mạnh trong lịch sử hơn 70 năm nắm quyền của Đảng Cộng sản, chưa bao giờ lại xuất hiện nhiều những biểu hiện tiêu cực như hiện nay. Ông Sang viết rằng những vụ tham nhũng lớn đặc biệt nghiêm trọng được đem ra xét xử hay chưa xét xử, thấy thấp thoáng ‘bóng dáng’ của những cán bộ nắm giữ vị trí quản lý, thậm chí cả cán bộ quản lý ở cấp cao. Nguyên Chủ tịch nước không nêu tên cụ thể những cán bộ quản lý cấp cao nào và cũng không nêu cụ thể bất cứ vụ án tham nhũng lớn nào.
Ngay chính Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhiều lần nói đến vấn đề tham nhũng tuy nhiên ông cũng là người nổi tiếng với câu nói đánh chuột tránh vỡ bình, ý nói không làm quá mạnh có thể dẫn đến sự sụp đổ của Đảng Cộng sản.
Nhà báo Phạm Chí Dũng thì cho rằng bài báo dù có mạnh mẽ chỉ trích những vấn đề tại Việt Nam nhưng cũng không gây thêm nhiều tác động đến người dân vốn đã bức xúc từ rất lâu
Người dân cũng bức xúc từ lâu và cũng thất vọng từ lâu rồi cho nên một bài viết của ông Sang hay nhiều bài viết của ông Sang bây giờ cũng chả tác động gì. Vì có tác động hay không thì nó tùy thuộc vào niềm tin, lòng tin của người dân với Đảng và với chính quyền nhưng niềm tin đó nếu nói thực sự ở người dân thì đã mất từ lâu rồi, còn đối với cán bộ đảng viên thì có nhiều loại. Có lẽ là còn một số rất ít còn tin nổi rằng đảng thực sự chống tham nhũng còn lại đều thấy thấp thoáng phía sau đó là những nhóm lợi ích thông qua công cuộc chống tham nhũng.
Trong bài viết của mình, ông Sang cũng nhìn nhận người dân đang mất lòng tin vào đảng. Ông đặt câu hỏi rằng với hơn 4,5 triệu đảng viên hùng hậu, đặc biệt là trong ban lãnh đạo, ai là những người đủ dũng cảm để gột sạch những vết nhem nhuốc làm vấy bẩn đội ngũ. Ông kêu gọi những ai đó cảm thấy không đảm đương được công việc thì hãy tự nguyện ra đi hoặc Đảng buộc họ phải ra đi. - RFA
No comments:
Post a Comment