Friday, September 9, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Sáu 9/9

Tin Thế Giới

1.
Bắc Triều Tiên thực hiện vụ thử hạt nhân thứ hai trong năm

Bắc Triều Tiên vừa xác nhận họ đã thực hiện vụ thử nghiệm hạt nhân vào sáng thứ Sáu sau khi một cơn địa chấn nhân tạo mạnh 5,3 độ được ghi nhận ở vùng đông bắc nước này. Đây là vụ thử hạt nhân thứ hai của quốc gia cộng sản bị cô lập này sau vụ thử hồi tháng 1 năm nay.

Bắc Triều Tiên xác nhận hoạt động địa chấn xảy ra sáng thứ Sáu gần địa điểm thử hạt nhân Punggye-ri của nước này là do một vụ thử hạt nhân gây ra.

Một xướng ngôn viên của đài truyền hình nhà nước Triều Tiên KCNA đọc một thông cáo từ Viện Nghiên cứu Vũ khí Hạt nhân CHDCND Triều Tiên xác nhận vụ thử hạt nhân thành công được thực hiện để thẩm định năng lực của một đầu đạn hạt nhân giờ có thể được thu nhỏ để gắn lên những loại phi đạn khác nhau.

Xướng ngôn viên của KCNA nói trong buổi phát sóng:

"Vụ thử nghiệm nổ đầu đạn hạt nhân này là một phần trong những biện pháp đáp trả những mối đe dọa và chế tài từ Mỹ và những kẻ thù phủ nhận địa vị chiến lược của chúng ta là một quốc gia hạt nhân." 

Bình Nhưỡng đã không báo cho cộng đồng quốc tế biết trước kế hoạch thực hiện vụ thử hạt nhân của họ.

Ngày 9 tháng 9 đánh dấu 68 năm ngày sáng lập Bắc Triều Tiên và Bình Nhưỡng trong quá khứ đã kỷ niệm ngày lễ quan trọng bằng việc thực hiện những vụ thử hạt nhân và phi đạn.​

Phản ứng

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye lên án Bắc Triều Tiên về vụ thử hạt nhân thứ năm của nước này, vi phạm những nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Tổng thống Park, hiện đang ở Lào dự hội nghị thượng đỉnh an ninh ASEAN, nói sự khiêu khích hạt nhân này "chứng tỏ sự liều lĩnh rồ dại của Kim Jong Un quyết bám lấy việc phát triển hạt nhân."

Tổng thống Hàn Quốc sẽ sớm rời hội nghị thượng đỉnh ASEAN và trở về Seoul để theo dõi tình hình.

Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Gyo-ahn cho biết Seoul sẽ kêu gọi Liên Hiệp Quốc áp đặt thêm những biện pháp trừng phạt mạnh hơn lên Bắc Triều Tiên:

"Chúng ta đang phải đối mặt với một tình hình nghiêm trọng khác xa trước đây khi Bắc Triều Tiên thực hiện những vụ thử hạt nhân mỗi ba năm một lần. Mối đe dọa hạt nhân và phi đạn của Bắc Triều Tiên là rõ ràng và mang tính sống còn."

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết nếu vụ thử hạt nhân được xác nhận thì nó sẽ là "điều hoàn toàn không thể chấp nhận được" và rằng Tokyo sẽ kêu gọi hành động từ Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Ông nói:

"Nhật Bản hiện là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, vì vậy chúng tôi cũng sẽ làm việc chặt chẽ với New York, nếu quả thực vụ thử hạt nhân này đã được thực hiện, để tìm ra cách tốt nhất ứng phó với tình hình này."

Yoshihide Suga, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, nói rằng Bắc Triều Tiên là một "quốc gia vô pháp luật trong khu vực."

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói "vào một thời điểm thích hợp trong ngày hôm nay tôi tin rằng Tổng thống Obama sẽ phát biểu về chuyện này và chúng tôi chắc chắn sẽ thảo luận chuyện này trong bối cảnh Liên Hiệp Quốc."

Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cho biết như vậy trong khi đang ở Geneva để bàn bạc với người tương nhiệm Nga Sergei Lavrov về vấn đề Syria. Ông Lavrov nói: "Chúng tôi rất lo ngại và nghị quyết của Hội đồng Bảo an phải được thi hành và chúng tôi sẽ gửi đi thông điệp này một cách rất mạnh mẽ."

Tòa Bạch Ốc ra một thông cáo tái khẳng định cam kết "không thể phá vỡ" của Tổng thống Obama với các nước đồng minh ở Châu Á và khắp thế giới, và cho biết Tổng thống sẽ tham khảo ý kiến của những nhà lãnh đạo khác để bảo đảm rằng những hành vi khiêu khích của Bắc Triều Tiên sẽ hứng chịu "những hậu quả nghiêm trọng."

Ngũ Giác Đài nói vụ thử nghiệm của Bắc Triều Tiên là "một sự vi phạm trắng trợn nữa" những nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, và cũng là một "hành động khiêu khích nghiêm trọng".

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế nói vụ thử hạt nhân của Bắc Triều Tiên là một "hành động vô cùng đáng lo ngại và đáng tiếc."

Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết Trung Quốc "mạnh mẽ" kêu gọi Bắc Triều Tiên "tôn trọng cam kết của họ đối với việc giải trừ hạt nhân, tuân thủ những nghị quyết có liên quan của Hội đồng Bảo an, và ngưng thực hiện bất kỳ hành động nào làm tình hình thêm trầm trọng."

Cơ quan thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã kêu gọi tất cả các bên trong cộng đồng quốc tế kiềm chế sau vụ thử hạt nhân mới nhất của Bắc Triều Tiên, nói rằng không ai được lợi nếu có sự hỗn loạn và chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault mô tả vụ thử nghiệm hôm thứ Sáu là một "hành vi nghiêm trọng xâm phạm hòa bình và an ninh thế giới."​

Mạnh nhất từ trước tới nay

Bắc Triều Tiên thực hiện vụ thử hạt nhân thứ tư hồi tháng 1, gây nên một trận động đất mạnh 5,1 độ. Bình Nhưỡng nói họ đã thử bom nhiệt hạch, mạnh hơn rất nhiều so với những vụ nổ bom nguyên tử trong quá khứ.

Tuy nhiên những nhà phân tích nhận định vụ nổ hồi tháng 1 chưa đủ lớn để được xem là một vụ nổ nhiệt hạch hoàn chỉnh hay "bom H."
 
Bắc Triều Tiên cũng đã thực hiện những vụ thử hạt nhân vào năm 2006, 2009 và 2013.

Cơ quan khí tượng của Hàn Quốc cho biết vụ thử hôm thứ Sáu gây nên một vụ nổ mạnh 10 kiloton, gần gấp đôi cường độ của vụ thử hạt nhân hồi tháng 1 nhưng kém hơn một chút so với vụ ném bom thành phố Hiroshima hồi Thế chiến thứ hai, có cường độ đo được khoảng 15 kiloton.

Chuyên gia Jeffrey Lewis thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở bang California (Mỹ) nói với hãng tin Reuters rằng một cơn địa chấn ở cường độ này cho thấy đây là một thiết bị với sức nổ từ 20 đến 30 kiloton. Đó sẽ là sức nổ ước tính mạnh nhất từ trước tới giờ của một thiết bị hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

​Thách thức

Liên Hiệp Quốc vào tháng 3 đã áp đặt những biện pháp trừng phạt hà khắc mới đối với Bắc Triều Tiên vì những vi phạm tiếp diễn và mang tính thách thức của nước này đối với những nghị quyết Hội đồng Bảo an cấm họ phát triển vũ khí hạt nhân và phi đạn đạn đạo.

Kể từ khi vòng chế tài mới nhất được áp đặt, Bình Nhưỡng đã thực hiện 20 vụ thử phi đạn tầm ngắn và tầm trung, trong đó có những vụ phóng từ tàu ngầm, nâng cao năng lực của họ vươn tới lục địa của Mỹ bằng một vụ tấn công hạt nhân.

Những vụ thử phi đạn gần đây nhất được thực hiện trong lúc hội nghị thượng đỉnh G-20 của những nền kinh tế lớn nhất thế giới đang diễn ra ở Trung Quốc và có sự tham dự của Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Nga. - VOA
|
|

2.
Trung Quốc không tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày Mao qua đời --- Trung Quốc: Di sản cồng kềnh của Mao

Ngày 09/09/2016 là tròn 40 năm kể từ ngày Mao Trạch Đông qua đời. Nhưng ở Trung Quốc, không một buổi lễ chính thức nào được tổ chức để tưởng niệm Mao. Đảng Cộng Sản Trung Quốc không muốn làm lu mờ hình ảnh của Mao, người vẫn đang được dân chúng tôn thờ. Tuy nhiên, hiện nay, đang có một cá nhân khác cũng được tôn thờ không kém gì Mao : đó là Tập Cận Bình.

Từ Thượng Hải, thông tín viên RFI Angélique Forget cho biết thêm chi tiết:

"Trước bảo tàng đảng Cộng Sản Trung Quốc - một công trình được xây theo phong cách truyền thống với gạch màu đỏ và màu ghi, Trương Thụy Hồ An đang chụp ảnh. Bà đã vào thăm và rất thích bảo tàng, nhất là khu vực trưng bày về Mao Trạch Đông. Bà Trương Thụy Hồ An nói : Ông ấy là một người vĩ đại. Tôi khâm phục ông ấy. Khắp nơi ở Trung Quốc cũng như trên thế giới, mọi người phải làm giống tôi vậy.

Mặc dù nhiều ngàn người đã chết dưới thời Cách Mạng Văn Hóa, nhưng Mao Trạch Đông vẫn được nhiều người yêu thích. Trong khu phố cổ ở Thượng Hải, một khu du lịch, Dương Linh Lâm bán đủ mặt hàng mang dấu ấn của Mao. Cô nói: Hàng của tôi đáp ứng đủ mọi sở thích: tôi bán áo phông, các miếng dính nam châm, các bộ bài in hình khuôn mặt của Mao. Và tôi bán được rất nhiều.

Trên các kệ hàng của cửa hàng bên cạnh, người ta lại thấy khuôn mặt của một lãnh đạo chính trị khác, đó là Tập Cận Bình, chủ tịch đương nhiệm của Trung Quốc. Trong số các mặt hàng được bầy bán, có những cuốn lịch khổ lớn màu đỏ in ảnh Tập Cận Bình và vợ. Người bán hàng nói: Thường thì, người ta mua lịch theo cặp: một cuốn treo trong phòng khách, còn một cuốn treo trong phòng ngủ. Đây là cặp vợ chồng được dân chúng yêu thích. Cũng giống Mao, Tập Cận Bình coi chủ nghĩa tôn thờ cá nhân là công cụ để thống trị." - RFI

***
Ngày 09/09/1976, Mao Trạch Đông qua đời. Ngày nay, 40 năm sau, di sản của nhân vật này vẫn còn đè nặng trên đời sống chính trị và xã hội Trung Quốc. Trong một bài phân tích công bố ngày 08/09/2016, hãng tin Pháp AFP đánh giá: Đây quả là một di sản "cồng kềnh" đối với đảng Cộng Sản Trung Quốc, đi đâu cũng thấy, nhưng nói đến thì thật là khó.

Đối với AFP, tính chất cồng kềnh phải được hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Hình ảnh của Mao Trạch Đông được in trên những tờ giấy bạc mà người dân sử dụng hàng ngày, xác của ông thì vẫn còn ngự trị ngay tại trung tâm thủ đô Bắc Kinh, dưới sự quan sát của một bức chân dung khổng lồ treo trên tường Cấm Thành nhìn ra quảng trường Thiên An Môn, lăng mộ của ông tại nơi này luôn luôn được các giới chức hay người dân tứ phương đến viếng.

Thế nhưng, theo giới phân tích, di sản mà Mao để lại vẫn là một vấn đề không dễ xử lý đối với đảng Cộng Sản Trung Quốc ngày nay, và đối với đương kim chủ tịch đảng là Tập Cận Bình.

Mao Trạch Đông = Lênin + Stalin

Trả lời hãng tin Pháp AFP, ông Frank Dikotter, chuyên gia về thời kỳ Mao Trạch Đông tại đại học Hồng Kông, nhận thấy rằng Mao vừa là một Lênin, vừa là một Stalin của đảng Cộng Sản Trung Quốc: "Như Lênin, Mao đã đưa đảng Cộng Sản lên nắm quyền và như Stalin, Mao đã phạm những tội ác chống nhân loại khủng khiếp".

Với ước vọng là biến đất nước Trung Quốc thành một thiên đường xã hội chủ nghĩa, Mao đã không từ bỏ bất kỳ một hành vi thái quá nào để thực hiện ước mơ đó.

Đồng sáng lập đảng Cộng Sản Trung Quốc năm 1921, Mao nắm quyền 28 năm sau, sau khi đánh thắng Nhật và quân đội Tưởng Giới Thạch. Ngày 01/10/1949, Mao tuyên bố sự ra đời của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, ngay trước quảng trường Thiên An Môn.

Và cơn ác mộng đối với người Trung Quốc bắt đầu : Bị nỗi lo "phản cách mạng" ám ảnh, Mao đã ra lệnh tiến hành hàng loạt những vụ đàn áp, thanh trừng được cho là đã khiến hàng trăm ngàn người thiệt mạng.

Cộng thêm đó là những chính sách sai lầm như bước "Đại Nhảy Vọt" về kinh tế đã phá tan nền nông nghiệp và gây nên nạn đói cuối thập niên 1950 làm hàng chục triệu người chết. Cuộc "Cách Mạng Văn Hóa" sau đó (1966-1976) cũng đã để lại dấu ấn kinh hoàng trong xã hội Trung Quốc.

Tội ác tày trời nhưng chỉ là 30% sai so với 70% đúng

Thế nhưng, sau khi "Người Cầm Lái Vĩ Đại" qua đời, đảng Cộng Sản Trung Quốc đã nhanh chóng  "tổng kết"  quá trình Mao «cầm lái » con thuyền Trung Quốc trong một nghị quyết dài để đi đến kết luận : Mao là "một nhà Mác-xít lớn, một nhà cách mạng, một chiến lược gia và lý luận gia vĩ đại của giai cấp vô sản" nhưng cũng đã phạm phải một số "sai lầm thô thiển".

Bản đánh giá nói trên thường được tóm tắt bằng công thức "70% đúng và 30% sai", và theo sử gia Dikotter, quan điểm trên cho đến nay vẫn thế, cho dù Trung Quốc đã thay đổi rất nhiều từ sau những cải cách của ông Đặng Tiểu Bình để rồi trở nên cường quốc kinh tế thứ nhì thế giới.

Đối với ông Dikotter, tại Trung Quốc, "không thể nào nói đến uy tín, hình ảnh, tiếng tăm của Mao mà không đụng đến nền tảng của đảng Cộng Sản Trung Quốc".

Mất trí nhớ tập thể

Đặc biệt là từ thời đương kim chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, được xem như lãnh đạo Trung Quốc hùng mạnh nhất từ sau Mao Trạch Đông, chế độ Bắc Kinh còn tăng cường các biện pháp nhằm đảm bảo sao cho ai cũng phải nói giống nhau về Mao. Tập Cận Bình đã lên tiếng chống lại cả chủ thuyết phủ nhận lịch sử, lẫn chủ nghĩa tự do mới, điều được xem như là một lời cảnh cáo gián tiếp đối với những ai tôn sùng hoặc chỉ trích thời kỳ Mao.

Theo Wang Fei-Ling, chuyên gia về Trung Quốc tại trường Georgia Institute of Technology, "hầu như có một sự mất trí nhớ mà chính quyền tạo nên liên quan đến tổng kết thực sự của thời kỳ Mao".

Việc chỉ trích thẳng thừng Mao Trạch Đông hay thời kỳ Mao trị vì tại Trung Quốc ngày nay là một điều rất nguy hiểm, một xướng ngôn viên đài truyền hình Trung Quốc mới đây đã phải thôi việc chỉ vì trên một đoạn video nhân một buổi tối vui chơi với bạn bè anh đã hát một bài chế nhạo Mao.

Ngược lại thì ca ngợi thời Mao cũng là một cách để chỉ trích đường hướng tư bản mà kinh tế Trung Quốc đang đi theo.

Jessica Chen Weiss, đại học Cornell, New York nhìn thấy là vào lúc này, từ người dân, cho đến giới nghệ sĩ, các nhà hoạt động xã hội tại Trung Quốc, tất cả đều phải luồn lách tùy theo những giới hạn không rõ ràng của những gì được xem là "đúng đắn" về mặt chính trị.

Tuy nhiên di sản của Mao được cảm nhận tùy theo hoàng cảnh cá nhân, như phân tích của sử gia Jeff Wasserstrom: "Một công nhân thất nghiệp sẽ có xu hướng lý tưởng hóa thời kỳ Mao những năm 1950, xem nông dân như những "người chủ đất nước" và hứa hẹn một việc làm suốt đời cho những người như người công nhân này".

Ngược lại thì những nạn nhân cuộc Cách Mạng Văn Hóa xem Mao như "một kẻ bị lão hóa có những quyết định sai lầm đưa Trung Quốc vào hỗn loạn".

Mạnh hơn cả chúa Giê-xu

Nhưng cũng có những người Trung Quốc thật sự tôn sùng Mao, xem ông như thánh thần. Một nữ giáo sư Trung Quốc về tư tưởng Mao Trạch Đông giải thích: "Không ai hoàn hảo cả. Cách Mạng Văn Hóa là một sai lầm phạm phải trên con đường đi đến chủ nghĩa xã hội với đặc thù Trung Quốc... Vào thời đó, ít ai được biết đến với hào quang như thế, ngay chúa Giê Xu cũng không bằng".

Đối với ông Dikotter, mối liên hệ giữa những lãnh đạo Trung Quốc hiện nay với Mao Trạch Đông mang tính nhận thức cá nhân hơn là trên sự tôn kính.

Đối với những người này, sự hỗn loạn thời kỳ Mao giống như là một "bí mật trong gia đình". Phần đông lãnh đạo Trung Quốc và gia đình của họ có dính dáng, hay dấn thân vào thời kỳ Mao, kể cả gia đình của Tập Cận Bình. Tất cả các thành phần trong Đảng đều không muốn có một đánh giá khách quan, phân tích thật sự của lịch sử.

Giáo sư Dikotter kết luận: "Vì quyền lợi của họ, chân dung của Mao phải nằm vững chắc ở quảng trường Thiên An Môn". - RFI
|
|

3.
Thủ tướng Na Uy công kích Facebook vì chặn ảnh 'em bé Napalm'

Thủ tướng Na Uy Erna Solberg hôm thứ Sáu đã tham gia chiến dịch do một tờ báo Na Uy phát động lên án mạng xã hội Facebook đã “kiểm duyệt quá đáng” khi chặn tấm ảnh nổi tiếng “em bé Napalm” trong Cuộc chiến tranh Việt Nam vì lý do em bé trong ảnh “khỏa thân” trong lúc người em bị lửa từ bom napalm đốt cháy. 

Bà Solberg đã đưa tấm ảnh mang tính biểu tượng của thời chiến tranh Việt Nam lên trang Facebook cá nhân và viết rằng tấm ảnh đã góp phần làm thay đổi tiến trình lịch sử thế giới. 

Reteurs trích dẫn Facebook của Thủ tướng Na Uy viết “Facebook đã sai khi kiểm duyệt tấm ảnh như thế này. Điều đó giới hạn tự do ngôn luận”. Bà Solberg viết thêm rằng “Tôi nói ‘có’ với việc tranh luận lành mạnh, cởi mở và tự do, trực tuyến và ở bất cứ nơi nào khác. Nhưng tôi nói ‘không’ với kiểu kiểm duyệt như thế này”.

Vài giờ sau khi bà Solberg đăng ảnh lên Facebook cá nhân, tấm ảnh đã được xóa khỏi trang này.

Theo Reuters, mạng xã hội khổng lồ đã xóa tấm ảnh “em bé Napalm” trên trang Facebook của nhiều cây bút Na Uy và các hãng tin, trong đó có tờ Aftenposten, hiện là nhật báo bán chạy nhất hiện nay.

Tấm ảnh đoạt giải thưởng danh giá Pulitzer đã được nhiếp ảnh gia Nick Út của hãng tin AP chụp vào năm 1972, trong đó có hình ảnh của một bé gái vừa khóc vừa chạy khỏi một ngôi làng ở Việt Nam đang bị dội bom napalm. Trên người cô bé 9 tuổi ấy hoàn toàn không một mảnh vải che thân.

Tờ Aftenposten đã đưa bức ảnh này lên trang nhất của tờ báo vào hôm thứ Sáu, bên cạnh là logo của Facebook, cùng với một bài xã luận với tựa đề “Mark Zuckerberg thân mến”, với nội dung lên án mạng xã hội lớn nhất thế giới đang phá hoại nền dân chủ.

Trước khi xóa tấm ảnh trên trang mạng xã hội của tờ Aftenposten, Facebook đã gửi yêu cầu tờ báo phải dỡ bỏ ảnh này. Nhưng Trưởng Ban biên tập và CEO của tờ Aftenposten, ông Espen Egil Hansen, được news.com.au trích thư nói “Tôi sẽ không tuân theo yêu cầu xóa ảnh tư liệu chiến tranh Việt Nam của ông Nick Út”, đồng thời khẳng định “Hôm nay không, và tương lai cũng không”.

Người chịu trách nhiệm nội dung của tờ Aftenposten nói thêm rằng “Các biên tập viên sẽ không thể chịu nổi anh, Mark, xếp của các biên tập viên”.

Bài xã luận của Aftenposten còn nói rằng Facebook cần phân biệt được sự khác biệt giữa nội dung khiêu dâm trẻ em và tấm ảnh chiến tranh nổi tiếng.

Hiện Facebook đang phải đối diện với những lời chỉ trích về các quy định của nội dung trong lúc đại công ty này đang cố gắng tìm ra một chuẩn chung để áp dụng cho khoảng 1,7 tỷ người sử dụng mỗi tháng trên toàn cầu. Việc cấm nội dung khiêu dâm hay chặn đăng ảnh nghệ thuật hoặc ảnh lịch sử như thế này hiện đang là tâm điểm của những cuộc tranh cãi tại Na Uy.

Trong một tuyên bố về nguyên tắc của mình, Facebook nói mạng xã hội này sẽ thẳng tay hơn so với mong muốn và những hạn chế về ảnh khoả thân là cần thiết trên một mạng xã hội toàn cầu.

Reuters trích lời một phát ngôn viên của Facebook viết: “Chúng ta biết là bức ảnh này mang tính biểu tượng, nhưng rất khó khăn để tạo ra một sự phân biệt giữa việc cho phép một bức ảnh đứa trẻ khỏa thân trong trường hợp này và lại không cho phép trường hợp khác.

Cũng theo lời phát ngôn viên này thì “Các giải pháp của chúng tôi không phải lúc nào cũng hoàn hảo, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng để cải thiện các chính sách và cách thức mà chúng tôi áp dụng chúng”.

Đây không phải là lần đầu tiên Facebook gặp rắc rối liên quan đến việc “kiểm duyệt” nội dung. Hồi tháng 5, một thượng nghị sĩ Mỹ đã lên tiếng đòi Facebook phải giải thích về những cáo buộc cho rằng trang mạng xã hội này “kiểm duyệt” tin tức bảo thủ.

Sau khi chuyển việc “kiểm duyệt” từ người sang hệ thống tự động, Facebook lại bị vướng vào vụ đưa tin giả về việc người dẫn chương trình nổi tiếng của kênh truyền hình Fox New, Megyn Kelly, bị sa thải vì ủng hộ cho bà Hillary Clinton, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân Chủ ở Mỹ. - VOA
|
|

Tin Hoa Kỳ

4.
Hạ viện Mỹ biểu quyết cho phép kiện những phát sinh từ vụ khủng bố 11-9 --- Đài tưởng niệm Ngũ giác đài đánh dấu năm thứ 15 vụ khủng bố 11-9

Ngày hôm nay Hạ viện Mỹ sẽ bỏ phiếu về dự luật của lưỡng đảng cho phép gia đình các nạn nhân trong những cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 kiện chính phủ Ả Rập Xê-út vì cáo buộc chính phủ này ủng hộ khủng bố.

Thượng viện Mỹ đã thông qua Luật Công lý Chống những người Bảo trợ Khủng bố vào tháng 5 năm nay dù có sự chống đối của Ả Rập Xê-út, một đồng minh quan trọng của Mỹ. 15 trong số 19 không tặc là người Ả Rập Xê-út, nhưng Riyadh bác bỏ những cáo buộc là Ả Rập Xê-út đóng bất cứ một vai trò nào trong cuộc tấn công hay hỗ trợ cho những tổ chức có liên hệ đến khủng bố.

Tòa Bạch Ốc cũng chống lại luật này vì lo ngại luật sẽ làm suy yếu các mối quan hệ của Mỹ với Ả Rập Xê-út, làm cho các công dân Mỹ ở nước ngoài gặp những nguy cơ về pháp lý và mở cửa cho những vụ kiện của nước ngoài chống lại Mỹ. Tòa Bạch Ốc đã ra chỉ dấu cho thấy sẽ phủ quyết nếu luật được quốc hội thông qua. Để bác bỏ quyền phủ quyết của tổng thống, cần phải có 2 phần 3 số dân biểu và Thượng nghị sĩ của hai viện đồng ý.

Dự luật do dân biểu New York Jerrold Nadler bảo trợ được sự ủng hộ mạnh mẽ của gia đình các nạn nhân. Dân biểu Nadler nói ông muốn dự luật được đưa ra biểu quyết trước kỷ niệm 15 năm cuộc tấn công khủng bố làm gần 3.000 người thiệt mạng khi những chiếc máy bay thương mại bị cướp đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York, Ngũ Giác Đài bên ngoài Washington và một cánh đồng tại Shanksville, Pennsylvania.

Việc biểu quyết của Hạ viện diễn ra 2 tháng sau khi quốc hội công bố 28 trang giải mật trong một phúc trình của quốc hội về những nghi can Ả Rập Xê-út có liên hệ đến những vụ tấn công. Các tài liệu này không có thêm những tin tức đáng kể nào ngoài những thông tin đã được tiết lộ trong những phúc trình và tài liệu đã được công bố. - VOA

***
Cách đây 15 năm, Bộ Quốc phòng Mỹ bị tấn công. Chiếc máy bay mang số hiệu 77 của hãng American Airlines bị không tặc và đâm vào Ngũ giác đài. Toàn bộ người trên máy bay và 125 người làm việc tại trụ sở Bộ Quốc phòng thiệt mạng. Hôm nay tại Đài tưởng niệm 11-9 ở Ngũ giác đài, thông tín viên Carla Babb của đài VOA có dịp hỏi chuyện hai người bị ảnh hưởng hằn sâu từ vụ tấn công và mời chúng ta cùng theo dõi câu chuyện.

Đài tưởng niệm 11-9 được dựng lên ở Ngũ giác đài để tưởng nhớ những người đã thiệt mạng trong cái ngày đã làm thay đổi thế giới của chúng ta mãi mãi. 

Anh Jamie McIntyre, một kỷ giả đã có mặt tại đây trong ngày 11 tháng 9 đó:

"Tôi luôn cảm nhận đây là nơi thiêng liêng. Tôi đã đứng ngay tại đây vào ngày 11 tháng 9 đó."

Lúc ấy, khói bốc lên từ phía sau này. Ai đã chứng kiến phút giây đó, thì nó sẽ hằn sâu trong đời.

Đó là cảnh cả một chiếc máy bay đâm vào Ngũ giác đài. 

Ông James Laychak, Chủ tịch Quỹ tưởng niệm 11-9 của Ngũ giác đài cũng có mặt tại nơi để vinh danh các nạn nhân đã mãi mãi ra đi trong vụ tấn công đó. Ông nói:

"Tất cả 184 người thiệt mạng tại Ngũ giác đài -- 125 người ở bên trong tòa nhà này, và 59 người trên chiếc máy bay. Em rể của tôi lúc đó là một cảnh sát của DC đã đi vào trong Ngũ giác đài. Cậu ấy bảo chúng tôi phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra."

Ký giả McIntyre nhớ lại cảnh tượng bức tường của Ngũ giác đài sụp đổ xuống lúc đó:

"Nhìn Ngũ giác đài – một kiến trúc mang tính biểu tượng, trông giống một pháo đài, và khi nhìn thấy một phần của kiến trúc đó đổ vụn và sập xuống, rồi biết được số người thiệt mạng trong đó cùng với những người trên máy bay, thì đó là một trong những thời điểm mà chúng ta có thể cảm nhận được là thế giới thay đổi."

Ông Laychak hôm nay đến đây còn để tưởng nhớ em trai của ông:

"Dave, em trai của tôi, đã thiệt mạng trong vụ tấn công 11-9 ở Ngũ giác đài. Tôi đến đây để tưởng nhớ em trai tôi và vinh danh tất cả những người đã thiệt mạng ở đây. Chúng ta sẽ không bao giờ quên họ. Họ nhắc chúng ta điều gì đã xảy ra ở đây – vụ tấn công lúc 9 giờ 37 phút sáng 11 tháng 9 năm 2001."

Ông Laychak đi đến một trong những băng ghế ở Đài tưởng niệm:

"Đây là băng ghế có khắc tên em trai Dave của tôi. Tên của Dave nằm ở hàng của năm 1961, chỉ năm sinh của em tôi. Khi tôi đọc tên của em tôi, rồi nhìn lên thấy hậu cảnh là Ngũ giác đài – điều đó để nói rằng người này đã thiệt mạng khi đang ở trong Ngũ giác đài."

Đọc các hàng tên theo năm sinh, chúng ta sẽ thấy có năm 1998. Đó là cháu bé Dana Falkenberg. Dana mới lên 3 khi cùng với bố mẹ đi trên chuyến bay đó vào ngày 11 tháng 9 năm 2001 đó. Đọc tên bé Anna và ngước nhìn lên thì thấy hậu cảnh là bầu trời – điều đó để nói rằng nạn nhân này trên chiếc máy bay.

Ông Laychak giải thích về thiết kế của các băng ghế ở Đài tưởng niệm:

"Các băng ghế này được thiết kế theo như bài trí của băng ghế trên chiếc máy bay đã đâm vào Ngũ giác đài. Đứng vào đây, chúng ta có thể hình dung ra chiếc máy bay đã đâm theo hướng nào và vào chỗ nào của Ngũ giác đài. Các nhà thiết kế muốn tạo ra địa điểm này là độc nhất bởi vì chẳng có ngày nào khác giống ngày 11 tháng 9 đó. Những băng ghế đó dành cho thân nhân của các nạn nhân, và dành cho những người đến đây tưởng nhớ họ."

Quỹ tưởng niệm 11-9 của Ngũ giác đài quyên góp tiền cho một trung tâm chuyên lo chăm sóc, bảo trì địa điểm tưởng nhớ này và tôn vinh các nạn nhân đã mãi mãi ra đi trong ngày làm thay đổi thế giới cách đây 15 năm ấy. 

Muốn tìm hiểu thêm về Quỹ tưởng niệm 11-9 của Ngũ giác đài, và đóng góp cho Quỹ tưởng niệm này, mời quý vị vào trang web tiếng Anh của đài VOA ở địa chỉ voanews.com. - VOA
|
|

5.
Mỹ, Nga tái tục các cuộc đàm phán cấp cao về chiến tranh Syria

Vào lúc Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tiến hành một vòng đàm phán mới với người tương nhiệm Nga Sergey Lavrov bắt đầu vào ngày 9 tháng 9, các nhà ngoại giao Mỹ cùng đi với ông Kerry đã tìm cách giảm nhẹ những hy vọng đối với một thỏa thuận về một cuộc ngưng bắn tại Syria.

Một giới chức Mỹ nói “chúng tôi không thể đảm bảo là chúng tôi đang ở giai đoạn kết thúc.”

Tuy nhiên ông Kerry, đã điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov ít nhất là 4 lần vào ngày 8 và 9 tháng 9, đã đủ lạc quan để trở lại Thụy Sỹ với hy vọng đàm phán thêm một ngày nữa.

Theo như một giới chức thứ hai nói với các phóng viên trên chiếc máy bay chở ông Kerry thì các giới chức Mỹ trong nhiều ngày qua mô tả cuộc đàm phán bị ách tắt về “các vấn đề kỹ thuật.” Một vấn đề chính được tiết lộ liên quan đến việc đảm bảo “là sẽ không có vây hãm Aleppo.”

Giới chức này nói thêm “không chỉ đơn giản là ‘ngưng nổ súng’” và một mục đích toàn diện lớn hơn vẫn là việc dọn đường cho một giai đoạn chuyển tiếp về cấp lãnh đạo mới tại Syria sau khi một cuộc ngưng bắn được tôn trọng.

Có những nghi ngờ đáng kể là một cuộc ngưng bắn bền vững trên toàn quốc-mục đích tức thì đã được các giới chức Bộ Ngoại giao Mỹ nhắc lại nhiều lần-có thể giữ vững được trong bất kỳ thời gian nào.

Syria bị chia manh mún sau 5 năm chiến tranh. Có nhiều lực lượng với sự trung thành và kỷ luật đáng ngờ chống đối lẫn nhau, thêm vào đó là Nhà nước Hồi giáo không phụ thuộc bất cứ ai.

Nga muốn thấy Tổng thống Syria Bashar al-Assad vẫn còn nắm giữ quyền hành trong khi các lực lượng đối lập ôn hòa và Thổ Nhĩ Kỳ nhất quyết là sẽ không có thỏa thuận chuyển tiếp trong đó ông Assad vẫn còn tại chức trong bất cứ giai đoạn nào.

Lập trường lâu nay của Hoa Kỳ là nhà lãnh đạo Syria, vì những hành động tàn bạo của ông, sẽ không thể lãnh đạo bất cứ chính phủ tương lai nào cả.

Tuy nhiên các nhà ngoại giao Mỹ bày tỏ hy vọng là ngoại giao có thể chấm dứt đổ máu, chấm dứt đau khổ triền miên và đông đảo người dân phải dời cư.

Giới chức thứ hai Bộ Ngoại giao Mỹ nói “Phe đối lập nói với chúng tôi là họ muốn chúng tôi thành công trong việc làm cho bom đạn đừng rơi xuống họ nữa.”

Hai giới chức nói với các phóng viên đi cùng chuyến bay với ông Kerry vượt Đại Tây Dương trên đường đi châu Âu để tham dự các cuộc thương thuyết ngày 9 tháng 9.

Các giới chức này được hỏi kế hoạch dự phòng như thế nào nếu các biện pháp ngoại giao thất bại sau khi những người này công nhận là “sự kiên nhẫn của chúng ta không phải vô tận,” thì được giới chức thứ hai trả lời là “đây không phải là thời điểm để đồn đoán nếu đàm phán không đi đến kết quả.”

Chính quyền Obama đã nhiều lần tuyên bố giải pháp quân sự không thể giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Syria. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

6.
Hậu Giang ‘triệu tập’ ông Trịnh Xuân Thanh

Tỉnh ủy Hậu Giang vừa gửi công văn triệu tập đến nhà riêng của ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, và yêu cầu ông này phải xuất hiện nội trong 4 ngày nữa.

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Lý Công Chính, Chánh văn phòng Tỉnh ủy Hậu Giang, cho biết ông Trịnh Xuân Thanh được yêu cầu phải có mặt tại Hậu Giang vào thứ Ba tuần tới (13/9) để “làm rõ các vấn đề liên quan tới đơn xin rút khỏi Ban chấp hành đảng bộ tỉnh và xin ra khỏi Đảng”.

Công văn triệu tập được đưa ra sau cuộc họp kín của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, với sự chủ trì của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tại trụ sở Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày hôm qua (8/9).

Bản tin của báo mạng Zing cho biết tại cuộc họp này, Ban Bí thư đã “nhất trí rất cao” với 100% phiếu kín quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức “khai trừ ra khỏi Đảng” đối với ông Trịnh Xuân Thanh.

Trước đó vào ngày 7/9, báo Thanh Niên cho biết ông Trịnh Xuân Thanh đã chủ động gọi điện thoại cho phóng viên của báo này và cho biết ông đã gửi đơn xin ra khỏi Đảng và lá đơn được cho là của ông Trịnh Xuân Thanh lan truyền trên mạng cho biết lý do là “vì không tin vào sự chỉ đạo của đồng chí Tổng bí thư”.

Ông Trịnh Xuân Thanh đã xin nghỉ phép 1 tháng để chữa bệnh sau khi bị điều tra về những sai phạm dẫn đến thua lỗ hơn 3.200 tỷ đồng của Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) trong thời gian ông Trịnh Xuân Thanh giữ các cương vị Phó bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị tại đây. 

Việc không xuất hiện khi hết phép vào ngày 3/9 và nội dung trong đơn xin ra Đảng ghi “để đảm bảo an toàn cho bản thân, tôi đã xin nghỉ phép để đi chữa bệnh ở nước ngoài” đã khiến dư luận đồn đại ông Trịnh Xuân Thanh có thể đang ở nước ngoài nhằm trốn tránh bị “xử lý” sắp tới.

Ông Trịnh Xuân Thanh bắt đầu bị chú ý vào tháng 6 vừa qua khi bị đăng trên mạng ảnh sử dụng xe mang biển số xanh [biển số xe công vụ] cho chiếc xe Lexus cá nhân. Vụ việc đã dẫn tới những điều tra về những sai phạm trong công tác quản lý cũng như công tác nhân sự trong bộ máy chính quyền Việt Nam. - VOA
|
|

7.
Chưa “đả hổ” mới “diệt ruồi” đã lúng túng

Chiến dịch làm trong sạch Đảng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động hay còn gọi là “đả hổ diệt ruồi” phiên bản Việt Nam có vẻ không được suôn sẻ, khi nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh, người bị xem là con ruồi bị đập đã có những phản ứng khác thường. Nhân vật này ẩn mặt suốt tháng qua và chủ động xin ra khỏi Đảng. Việc này làm cho đề nghị khai trừ Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tỏ ra vừa chậm trễ vừa lúng túng.

Ông Trịnh Xuân Thanh đang bị điều tra về những sai phạm, liên quan tới trách nhiệm quản lý nhà nước qua vụ làm lỗ  3.300 tỉ đồng, khi là lãnh đạo PVC Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí. Lúc đó nhiều người khác bị truy tố, nhưng ông Thanh lại được điều chuyển về Bộ Công thương giữ vị trí cao cấp và sau đó tiếp tục được điều chuyển về làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang.

Trả lời chúng tôi vào tối 8/9/2016, luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội từ Saigon nhận định:

“Dĩ nhiên đây là sự chậm trễ của tổ chức đảng, đúng ra sau khi có ý kiến của Tổng Bí thư thì phải đình chỉ tư cách đảng viên của ông ấy đi, rồi sau này xử lý. Hoặc là sau khi Hội đồng Bầu cử tước danh hiệu đại biểu Quốc hội của ông ấy thì có thể người ta tổ chức kiểm điểm và khai trừ đi. Sự chậm chạp của tổ chức đảng là điều đáng tiếc.” 

Khá chậm chạp, ngày 8/9/2016 Ủy ban Kiểm tra Trung ương chính thức đề nghị khai trừ Đảng ông Trịnh Xuân Thanh, Tỉnh Ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016. Tuy báo chí đồng loạt đưa tin này, nhưng từ hôm 6/9 ông Trịnh Xuân Thanh đã chủ động gọi điện thoại cho báo Thanh Niên và cho biết ông đã nạp đơn xin ra khỏi đảng Cộng sản Việt Nam.

Sau mấy ngày không xác nhận sự kiện vừa nêu, nhưng đến chiều 8/9 Tỉnh Ủy Hậu Giang đã ra Thông báo xác nhận việc ông Trịnh Xuân Thanh xin ra khỏi Đảng. Theo Thanh Niên Online, Văn phòng Tỉnh ủy Hậu Giang đã nhận được văn bản gửi qua đường bưu điện. Trong văn bản được photocopy, ông Trịnh Xuân Thanh giải trình một số vấn đề mà Đoàn kiểm tra của Ủy ban Trung ương đặt ra, đồng thời xin ra khỏi Đảng. Thường trực Tỉnh ủy Hậu Giang cũng có công văn triệu tập ông Trịnh Xuân Thanh để báo cáo những vấn đề vừa nêu. Ông Thanh đã hết thời gian nghỉ phép vào ngày 3/9 vừa qua, nhưng chưa trở lại Hậu Giang.

Dao mổ trâu đập ruồi

Trước đó trên mạng xã hội lan tràn hình chụp bản báo cáo gởi Ủy ban Kiểm tra Trung ương được cho là của ông Trịnh Xuân Thanh. Trong đó người ký tên Trịnh Xuân Thanh nêu lý do xin bỏ Đảng là vì không còn tin vào sự chỉ đạo của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ngoài ra đương sự còn chỉ trích Đảng về điều gọi là, áp lực cơ quan tố tụng, cơ quan thực thi pháp luật và sử dụng truyền thông báo chí nói sai sự thật để quy trách nhiệm cho đương sự.

Ngược dòng thời gian, thời sự có vẻ như được sắp đặt có lớp lang, trước tiên một tờ báo nhỏ đưa tin vụ xe Lexus đắt tiền được ông Trịnh Xuân Thanh gắn biển số công trái quy định. Cả tháng trời dư luận chẳng để ý gì đến thông tin này, cho đến khi tờ báo nhiều độc giả là Thanh Niên vào cuộc và lôi kéo được cả làng báo làm náo động vụ xe tư đắt tiền lại mang biển số công.

Từ đó báo chí phanh phui tiểu sử của chủ xe là ông Trịnh Xuân Thanh, Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, cũng như quá khứ của ông này khi lãnh đạo Tổng Công ty xây lắp dầu khí  PVC và làm lỗ lã hơn 3.000 tỷ đồng, rồi vụ hạ cánh an toàn ở Bộ Công thương làm vụ trưởng  dưới thời Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và sau đó điều chuyển về làm lãnh đạo ở Hậu Giang.

Điều khá ngạc nhiên là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã mau lẹ liên tiếp ra chỉ đạo huy động các tổ chức Đảng và cơ quan chính phủ phải điều tra làm rõ vụ xe tư biển số công và sự dính líu của nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, trong quá trình điều chuyển ông Trịnh Xuân Thanh cũng như vụ con trai ông này là Vũ Quang Hải được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo ở Tổng Công ty bia rượu và nước giải khát Saigon Sabeco.

TS Phạm Chí Dũng, nhà báo độc lập, người tranh đấu cho quyền tự do biểu đạt từng đưa ra nhận định về điều gọi là sự sắp xếp các diễn biến thời sự. Ông nói:

“Tôi cho rằng việc điều tra ông Trịnh Xuân Thanh, đặc biệt là ông Vũ Huy Hoàng đã được tổ chức trước, được sự lên tiếng đồng loạt của một số tờ báo, đánh giá về vụ chiếc xe Lexus của ông Trịnh Xuân Thanh, về vụ ông Vũ Quang Hải là con ông Vũ Huy Hoàng và liên quan tới một số vụ việc nữa của ông Vũ Huy Hoàng. Nếu không được chuẩn bị tài liệu từ trước, thì các báo chắc chắn đã không có những tư liệu đó, không có những câu hỏi sắp sẵn và không có những dàn bài được sắp sẵn để tung ra tại thời điểm này.”

Trong những dịp trò chuyện với chúng tôi, TS Phạm Chí Dũng với kinh nghiệm phân tích thông tin tình báo chính trị đã thể hiện cách nhìn của ông, về điều gọi là thử thách đối với sự phân hóa quyền lực của đảng Cộng sản Việt Nam.

“Một trong những nguồn cơn chính của những xung đột chính trị là lợi ích, nhóm quyền lực cũ hiện nay vẫn còn giữ một mảng thị phần rất lớn, những thị trường màu mỡ làm ăn đa ngành và những nhóm lợi ích mới, những nhóm quyền lực mới đương nhiên phải chú ý chuyện đó…thực chất đây không phải là sự xung đột chỉ về mặt quyền lực mà còn vì lợi ích kinh tế.” 

Thông tin về việc ông Trịnh Xuân Thanh chủ động xin ra khỏi Đảng được báo chí giật tít lớn. Giữa khi đó mạng xã hội rộ tin đồn ông Trịnh Xuân Thanh đang ở nước ngoài, kể từ khi ông này xin nghỉ phép 1 tháng để chữa bệnh. Báo chí nhà nước nói không thể liên lạc được với ông Trịnh Xuân Thanh qua điện thoại, tuy vậy báo Tuổi Trẻ Online ngày 8/9 đưa tin cho tới thời điểm này, ông Trịnh Xuân Thanh chưa bị cấm xuất cảnh.

Tờ báo cho biết, ở thời điểm 8/9/2016 trên hệ thống của Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công An chưa thấy có dữ liệu về việc cấm xuất cảnh đối với ông Trịnh Xuân Thanh. Ngoài ra, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh công an TP.HCM cũng chưa nhận được văn bản nào từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng về việc cấm xuất cảnh đối với ông Trịnh Xuân Thanh.

Trả lời chúng tôi, Luật sư Trần Quốc Thuận nói rằng, rất ít khả năng về việc ông Trịnh Xuân Thanh bỏ chạy ra nước ngoài như thông tin trên mạng xã hội. Ông nói:

“ …Tới bây giờ chắc chưa chạy đâu…Ủy ban Kiểm tra mới vừa họp công bố kỷ luật khai trừ đảng ông ấy. Ông này cương vị Phó Chủ tịch tỉnh thuộc diện cán bộ của Trung ương quản lý…không ai để cho ông ấy chạy đâu, chắc là các cơ quan trách nhiệm họ có cách. Đến bây giờ chưa thấy dấu hiệu gì, người ta chỉ đồn rùm như thế, đâu có gì cho thấy ông này bỏ chạy đâu…nếu chạy thì phải truy bắt cho được, Việt Nam là thành viên của Interpol, nếu cần họ sẽ truy lùng bắt về như trước đây đã có một người như vậy.” 

Bên cạnh câu chuyện ông Trịnh Xuân Thanh chủ động xin ra khỏi Đảng vài ngày trước khi bị Đảng đề nghị khai trừ, báo chí trong nước còn rộ tin Bà Châu Thị Thu Nga, nguyên đại biểu Quốc Hội khóa 13 khai báo với cơ quan điều tra là đã bỏ ra 30 tỷ đồng tương đương 1,5 triệu USD để được đưa vào danh sách ứng cử và được trúng cử Quốc hội khóa đó. Bà Nga từng bị bãi miễn, bị bắt và truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ tháng 1/2015. 

Phản ứng về nguồn tin vừa nêu, Báo điện tử VietnamNet trích lời ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội nói rằng phải kiểm chứng ngay để tránh ảnh hưởng đến uy tín của Quốc Hội, vì câu chuyện này quá động trời.

Quốc Hội Việt Nam vừa qua xảy ra nhiều chuyện cũng không kém giật gân, như chuyện ông Trịnh Xuân Thanh đắc cử Quốc hội khóa 14 nhưng không được chấp thuận tư cách đại biểu Quốc hội vì nghi án chạy chức. Một trường hợp khác cũng bị bác tư cách đại biểu Quốc hội là bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường vì có hộ chiếu nước Malta.

Bầu cử ở Việt Nam được mô tả là theo hình thức Đảng cử dân bầu, với việc gạt bỏ những ứng cử viên độc lập mà nhiều người trong đó là những tên tuổi lớn nhiều uy tín. Tuy là Đảng cử dân bầu nhưng xem ra bộ máy cử tuyển cán bộ nhân tài của Đảng đã thể hiện những góc khuất tệ hại.

Theo Luật sư Trần Quốc Thuận, Nghị quyết Trung ương 4 khóa 11 nêu lên vấn đề sống còn của Đảng, đó là một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên suy thoái, biến chất, tham nhũng kể cả cán bộ quản lý nhà nước. Nhưng cuối cùng cả một khóa 5 năm mà Trung ương Đảng cũng không tìm ra được một bộ phận không nhỏ đó. - RFA

No comments:

Post a Comment