Saturday, September 3, 2016

Tin Cập Nhật Thứ Bảy 3/9

Tin Thế Giới

1.
Ấn Độ cấp cho Việt Nam 500 triệu đôla tín dụng quốc phòng

Thủ tướng Ấn Độ hôm nay, 3/9, thông báo cấp cho Việt Nam khoản tín dụng mới trị giá nửa tỉ đôla để “tăng cường hợp tác quốc phòng”.

Thông tin này được ông Narendra Modi thông báo trong buổi họp báo chung với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc ở Hà Nội.

Thủ tướng Ấn Độ nói thêm rằng mối quan hệ giữa hai nước sẽ “đóng góp vào ổn định, an ninh và thịnh vượng của khu vực”.

Các nhà quan sát cho rằng khoản tín dụng này sẽ giúp Việt Nam tăng cường quốc phòng trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở biển Đông.

Gói tín dụng 500 triệu đôla là một trong nhiều thỏa thuận mà nhà lãnh đạo Ấn Độ ký trong chuyến thăm ngắn ngày tới Việt Nam.

Ông Modi cũng cho biết thêm rằng đôi bên đã ký thỏa thuận về đóng tàu tuần tra cho Cảnh sát biển và chuyển giao công nghệ đóng mới cho Việt Nam.

Tuy nhiên, đôi bên không đề cập công khai tới loại tên lửa BrahMos mà các nhà quan sát nhận định rằng New Delhi muốn bán cho Việt Nam, trong lúc Việt Nam đang phải đối phó với các hành động lấn lướt của Trung Quốc ở biển Đông.

"Đối tác Chiến lược Toàn diện"

Tuyên bố chung giữa hai nước, đăng tải trên trang web của chính phủ Việt Nam, có đoạn: " Phía Việt Nam tái khẳng định sự ủng hộ nhất quán đối với Ấn Độ trong việc triển khai chính sách “Hành động hướng Đông” và đóng vai trò lớn hơn ở khu vực và trên thế giới. Thủ tướng Modi khẳng định Việt Nam là một trụ cột quan trọng trong chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ".

Ngoài ra, Việt Nam và Ấn Độ "nhất trí nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược hiện nay lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện".

Ngoài việc gặp gỡ các lãnh đạo cao cấp của nước chủ nhà, người đứng đầu nội các Ấn Độ còn tới thăm một số địa danh ở Hà Nội, trong chuyến công đầu tiên của một vị thủ tướng Ấn Độ trong hơn một thập kỷ.

Trên trang Twitter của ông Modi có các đoạn tweet bằng tiếng Việt: " Xin cám ơn Nhân dân và Chính phủ Việt Nam về sự đón tiếp trọng thị trong chuyến thăm của tôi. Tôi sẽ luôn nhớ tới chuyến thăm đáng nhớ và hiệu quả này, chuyến thăm​ đặt nền tảng cho mối quan hệ Ấn Độ Việt Nam ngày càng tốt hơn".

Sau Việt Nam, ông Modi tới Trung Quốc ngày 3/9 để dự hội nghị thượng đỉnh G20, rồi tới Lào tham gia các hội nghị của ASEAN. - VOA
|
|

2.
Thổ Nhĩ Kỳ đưa thêm xe tăng vào Syria

Thổ Nhĩ Kỳ đưa thêm nhiều xe tăng vào miền bắc Syria, trong một chiến dịch nhắm vào các lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), theo truyền thông của Thổ Nhĩ Kỳ.

Các chiến xa đã vượt qua biên giới gần thị trấn Kilis của Thổ Nhĩ Kỳ và các phóng viên sau đó nghe thấy tiếng hỏa lực và trông thấy các đám khói bốc lên trên lãnh thổ Syria.

Người ta cũng thấy thường dân chạy trốn khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào.

Các xe tăng được pháo binh yểm trợ với đạn pháo binh công phá vào các vị trí của IS trong khu vực, vẫn theo truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ.

Tin cho hay khoảng 20 xe tăng, năm xe bọc thép chở lính và các chiến xa bọc thép khác đã tham gia tấn công.

Cuộc tấn công diễn ra cách tây nam Jarablus khoảng 55km, nơi Thổ Nhĩ Kỳ vào tuần trước đã tung ra trận tấn công lớn đầu tiên vào Syria kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu.

Lực lượng nổi dậy của Syria được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn nói trận công kích nhằm gây áp lực lên IS từ cả hai phía đông và tây trong khu vực biên giới nói trên.

Tổ chức Quan sát Nhân quyền của Syria có trụ sở tại Anh nói quân nổi dậy đã giành quyền kiểm soát từ tay IS tại ba ngôi làng trong khu vực hôm thứ Bảy, trong đó hai làng ở gần Jarablus và một làng ở phía mặt trận mới về phía tây.

'Phản ứng chỉ trích'

Cuộc tấn công mới nhất xảy ra ba ngày sau khi Thổ Nhĩ Kỳ phản ứng những chỉ trích của Hoa Kỳ về vai trò của nước này trong cuộc xung đột ở Syria.

Quân Thổ Nhĩ Kỳ nhắm mục tiêu vào IS ở bên trong Syria, nhưng cũng tấn công các chiến binh người Kurd ở cùng khu vực.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ truy kích dân quân người Kurd đã dẫn đến những chỉ trích của Hoa Kỳ vốn lâu nay coi các chiến binh người Kurd này là một trong những lực lượng có hiệu quả nhất trong cuộc chiến chống lại IS.

Ankara nói các dân quân người Kurd ở Syria có liên hệ với Đảng Công nhân người Kurd (PKK), vốn bị cấm ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong một diễn biến mới nhất, ít nhất 11 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng trong hai cuộc đụng độ riêng biệt với PKK - một cuộc ở tỉnh Van vào hôm thứ Sáu và một cuộc ở tỉnh Hakkari vào thứ Bảy.

Cuộc giao tranh ở Vân, quanh khu vực núi Tendurek, dẫn tới 13 chiến binh PKK thiệt mạng trong các cuộc không kích, theo truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, 33 dân quân đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ ở Hakkari, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho hay. - BBC
|
|

3.
Mỹ và TQ ‘phê chuẩn’ thỏa thuận Paris --- Chống biến đổi khí hậu: Trung Quốc thông qua thỏa thuận Paris

Mỹ và Trung Quốc, hai quốc gia cùng chịu trách nhiệm về 40% lượng khí thải carbon của thế giới, loan bố phê chuẩn thỏa thuận khí hậu toàn cầu Paris.

Sau cùng các nhà lãnh đạo khác của các quốc gia G20 tới dự một hội nghị thượng đỉnh ở thành phố Hàng Châu, ông Obama nói: "Lịch sử sẽ phán xét những nỗ lực hôm nay là quan trọng."

Lượng khí xả thải CO2 là lực đẩy đằng sau của thay đổi khí hậu.

Tháng Mười Hai năm ngoái, các nước đã đồng ý cắt giảm khí thải đủ để giữ mức tăng trung bình toàn cầu ở nhiệt độ dưới 2 hai độ C.

Thỏa thuận Paris là thỏa thuận khí hậu toàn diện đầu tiên trên thế giới. Nó sẽ chỉ có hiệu lực về mặt pháp lý sau khi được ít nhất 55 quốc gia phê chuẩn, mà giữa các nước này có lượng sản xuất bằng 55% lượng khí thải carbon toàn cầu.

Các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã thông qua "đề nghị xem xét và phê chuẩn Hiệp định Paris" vào sáng thứ Bảy vào cuối phiên họp kéo dài một tuần.

Với Hoa Kỳ và Trung Quốc công bố sẽ phê chuẩn, đây là một bước tiến lớn hướng tới đưa thỏa thuận khí hậu Paris thành hiện thực, theo phái viên chuyên phân tích môi trường của BBC, Roger Harrabin.

Các quốc gia khác vẫn sẽ tiếp tục cân nhắc về các phê chuẩn riêng từng nước, nhưng động thái mới sẽ tạo áp lực lên các quốc gia thuộc khối G20 vào cuối tuần này để buộc họ phải có chuyển động nhanh hơn trong cam kết của mình nhằm từ điều chỉnh hướng tới từ bỏ chú trọng khai thác nhiên liệu hóa thạch.

Tuy nhiên, mặt khác, những thách thức vẫn còn rất lớn ở phía trước đối với thỏa thuận của Paris, nhất là về mặt pháp luật, chế tài, ngay cả khi đã có đủ số lượng quốc gia phê chuẩn.

Trước khi Trung Quốc đưa ra thông báo của mình, 23 quốc gia đã phê chuẩn thỏa thuận cho đến nay chỉ chiếm hơn 1% lượng khí thải.

Nhà Trắng đã đưa ra một tuyên bố vào sáng thứ Bảy công bố việc phê chuẩn của Mỹ.

Trong một phát biểu tại Hàng Châu, Tổng thống Obama nói thỏa thuận Paris là "cơ hội tốt nhất duy nhất nhằm đối phó với một vấn đề mà có thể sẽ chuyển đổi hành tinh này".

Ông ca ngợi Mỹ và lãnh đạo Trung Quốc về vấn đề khí hậu, nói:

"Chúng ta đang di chuyển thế giới một cách đáng kể, hướng tới mục tiêu mà chúng ta đã xác lập."

Ca ngợi

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Ban Ki-moon đã ca ngợi ông Obama và gọi đó là một hành động lãnh đạo gây “cảm hứng”.

Ông Ban nói cả ông Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều "có tầm nhìn xa, táo bạo và đầy tham vọng".

Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo rằng mục tiêu kìm giữ tăng nhiệt độ dưới 2 độ C đã đang có nguy cơ bị vi phạm.

Trong 14 tháng liên tiếp, các nhà khí tượng học đã ghi lại những tháng nóng kỷ lục, trong đó cơ quan về khí hậu, thời tiết của Anh, Met Office, đã dự báo rằng năm 2016 có thể đạt nhiệt độ 1,1 độ C trên các mức tiền công nghiệp.

Nhiệt độ trung bình trên toàn thế giới có thể sẽ tăng hơn nữa trong những năm tới do tác động của khí thải carbon được xả thải từ trước.

Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu bắt đầu vào chủ nhật.

Đây dự kiến là chuyến đi cuối cùng của ông Obama đến châu Á trong tư cách Tổng thống Mỹ.

Tuy nhiên, khi ông đến nơi, đã xảy ra một tranh chấp an ninh tại đường băng ở sân bay Hàng Châu vào lúc các quan chức Nhà Trắng, bao gồm Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice, và các phóng viên cố gắng tiệp cận với Tổng thống Mỹ.

Một quan chức Trung Quốc được nghe thấy hét lên:

"Đây là đất nước của chúng tôi, Đây là sân bay của chúng tôi!", quan chức này hô lớn. - BBC

***
Là nước gây ô nhiễm nhất hành tinh, vài giờ trước thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu, ngày 06/09/2016? Quốc hội Trung Quốc phê chuẩn thỏa thuận Paris chống biến đổi khí hậu, được 175 quốc gia cam kết nhân thượng đỉnh COP21 vào cuối năm 2015. Bắc Kinh hy vọng làm gương cho Hoa Kỳ và muốn chứng minh với thế giới Trung Quốc là một cường quốc có trách nhiệm.

Thông tín viên đài RFI từ Bắc Kinh, Heike Schmidt cho biết thêm:

"Không phải ngẫu nhiên mà Bắc Kinh thông báo đã phê chuẩn thỏa thuận quốc tế về khí hậu chỉ vài giờ trước khi các phái đoàn dự thượng đỉnh G20 tề tựu về Hàng Châu. Tăng trưởng xanh sẽ là một trong những chủ đề chính của hội nghị sắp mở ra và Trung Quốc muốn chứng tỏ là đang tiên phong trong lĩnh vực này, vào múc mà hầu hết 19 đối tác còn lại trong nhóm G20 vẫn còn do dự.

Cần phải có ít nhất 55 quốc gia phê chuẩn, và 55 quốc gia đó phải là những nước phát ra đến 55 % lượng khí thải carbone, gây hiệu ứng nhà kính cho thế giới thì thỏa thuận chống biến đổi khi hậu được thông qua tại hội nghị COP21 vào tháng 12/2015 tại Paris mới có hiệu lực kể từ năm 2020 như dự kiến. Hiện tại, mục tiêu đó còn rất xa vời.

Trung Quốc lệ thuộc nhiều vào năng lượng than, và chỉ riêng nước này phát ra đến 25 % lượng khí thải toàn cầu. Quyết định phê chuẩn thỏa thuận khí hậu Paris của Bắc Kinh mang tầm mức hết sức quan trọng. Ngoài ra, Trung Quốc đã gây bất ngờ với việc phê chuẩn thỏa thuận chống hiệu ứng nhà kính. Thái độ của Bắc Kinh bắt buộc Washington phải noi theo. 

Tối nay, tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có một buổi làm việc riêng tại Hàng Châu và hồ sơ khí hậu sẽ là một trong những chủ đề chính được lãnh đạo hai nước đề cập tới. Đây là một trong những đề tài hiếm hoi mà hai ông Tập và Obama cùng có chung một quan điểm, khác hẳn với những vấn đề gai góc khác như tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và dự án Mỹ triển khai hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD tại Hàn Quốc".

Theo tin mới nhất, tổng thống thống Barack Obama cũng đã thông báo Mỹ phê chuẩn thỏa thuận khí hậu Paris. Nhà Trắng xác định: việc phê chuẩn thỏa thuận Paris không cần có sự đồng ý của Hạ viện Mỹ đang trong tay đảng Cộng Hòa. Lãnh đạo Hoa Kỳ và Trung Quốc cùng trao cho tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Ban Ki Moon tài liệu chính thức về quyết định lịch sử nói trên.

Trung Quốc và Mỹ phát thải khoảng 40 % lượng CO2 làm hâm nóng trái đất. - RFI
|
|

4.
Tây Ban Nha vẫn chưa có chính phủ

Tối qua, 02/09/2016, với 180 phiếu chống và 170 phiếu thuận, các dân biểu Tây Ban Nha đã không chấp nhận nội các do ông Mariano Rajoy đệ trình. Hôm thứ Tư, 31/08, Hạ viện Tây Ban Nha cũng đã bỏ phiếu bất tín nhiệm tương tự.

Sau hai cuộc bỏ phiếu bầu Hạ viện, 20/12/2015 và 26/06/2016, không một đảng phái nào ở Tây Ban có được đa số cần thiết để lập chính phủ. Từ nay, các đảng phái có hai tháng để thương lượng. Nếu không, Tây Ban Nha sẽ tổ chức bầu lại Hạ viện vào tháng 12, tức là cuộc bỏ phiếu thứ ba trong vòng một năm.

Từ Madrid, thông tín viên François Musseau gửi về bài tường trình:

"Tây Ban Nha vẫn chưa có thủ tướng. Tình trạng này đã kéo dài từ tháng 12/2015 đến nay và không ai biết là đến khi nào thì sẽ có tân chính phủ. Cộng luận, giới bình luận và nhiều chính khách đã rất tức giận về tình trạng bế tắc chính trị. Cựu thủ tướng Felipe Gonzalez đã chỉ trích mạnh mẽ ứng viên thủ tướng thuộc đảng Xã Hội, ông Pedro Sanchez và cáo buộc ông này phải chịu trách nhiệm về sự bế tắc.

Bởi vì trước đây, ông Sanchez và 68 dân biểu của đảng Xã Hội đã ủng hộ phe bảo thủ và cánh trung để lập chính phủ thì nay họ lại không. Vậy giờ đây lập luận của ông Sanchez là gì ? Chính trị gia này cho rằng ông Rajoy là biểu tượng của tham nhũng và không thể tạo thuận lợi cho ông ta tiếp tục cầm quyền. Kết quả là không phe nào thay đổi lập trường và mọi việc bế tắc.

Ông Sanchez tuyên bố sẽ tìm cách lập chính phủ với mục đích cải cách đất nước, qua việc liên minh với đảng Podemos, các chính trị gia dân tộc chủ nghĩa vùng Basque và Catalunya. Nhưng chẳng ai tin vào tuyên bố này. Nhiều khả năng là Tây Ban Nha sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu mới vào tháng 12 tới. Khoảng trống chính trị này kéo dài từ gần một năm qua và không ai biết là tình trạng này sẽ còn tiếp tục đến bao giờ". - RFI
|
|

Tin Hoa Kỳ

5.
Kỹ năng tranh luận có thể có tính quyết định trong cuộc bầu cử Mỹ năm nay

Các cuộc tranh luận luôn là một phần quan trọng của bất kỳ chiến dịch tranh cử tổng thống nào ở Mỹ, nhưng khi cả bà Hillary Clinton lẫn ông Donald Trump đều có mức ủng hộ thấp bất thường, các cuộc tranh luận năm nay có thể có ảnh hưởng lớn hơn bình thường.

Dan Schnur, Giám đốc Viện Chính trị thuộc Đại học Southern California, nói với hãng tin AP rằng: “Bởi vì các cử tri rất dễ dao động trong năm nay, cho nên chỉ một điều nhỏ cũng có thể làm cho một cử tri không kiên định thay đổi lòng trung thành của họ".

Báo Washington Post đưa tin là một cuộc thăm dò của Washington Post-ABC News đầu tuần này cho thấy 41% người Mỹ có ấn tượng tốt về bà Clinton, trong khi 56% không ưa bà.

Tờ báo viết rằng đó là tỷ lệ thấp nhất mà Clinton nhận được trong 25 năm bà tham gia công việc nhà nước.

Tờ báo đưa tin là ông Trump còn nhận kết quả tồi tệ hơn trong cuộc thăm dò mới đây. Chỉ có 35% người Mỹ có ấn tượng tốt về ông, so với 63% không ưa.

Những người tranh cử sẽ có 4 cuộc tranh luận trước cuộc bầu cử vào tháng 11.

Cuộc đầu tiên trong ba cuộc tranh luận của các ứng viên tổng thống sẽ được tổ chức ngày 26 tháng 9 tại Đại học Hofstra ở Hempstead, New York.

Cuộc tranh luận thứ hai sẽ được tổ chức vào ngày 9 tháng 10 tại Đại học Washington ở St Louis, Missouri. Cuộc này sẽ có hình thức như một cuộc họp tòa thị chính, các câu sẽ do cử tọa nêu ra cũng như từ những người theo dõi cuộc tranh luận qua truyền thông xã hội.

Cuộc tranh luận thứ ba sẽ được tổ chức vào ngày 19 tháng 10 tại Đại học Nevada tại Las Vegas.

Cuộc tranh luận duy nhất giữa các ứng viên phó tổng thống Tim Kaine của đảng Dân chủ và Mike Pence của đảng Cộng hòa sẽ được tổ chức ngày 4 tháng 10 tại Đại học Longwood ở Farmville, Virginia.

Bà Clinton đã nói bà sẽ tham gia cả ba cuộc tranh luận.

Ông Trump cũng đã đồng ý tham gia, nhưng nói rằng ông muốn đàm phán về các điều kiện của các cuộc tranh luận. - VOA
|
|

6.
Động đất 5,7 độ Richter làm rung chuyển Oklahoma

Một trận động đất 5,6 độ richter đã làm rung chuyển bang Oklahoma ở vùng trung tây nước Mỹ vào sáng hôm thứ Bảy, 3/9. Phần lớn miền trung nước Mỹ cũng đã cảm thấy chấn rung.

Chưa có tin tức gì về có ai bị thương tích không, nhưng báo chí địa phương đưa tin là cư dân ở Oklahoma City, thủ phủ bang, đã báo cáo có thiệt hại.

Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ cho biết ít có khả năng xảy ra thương vong hay thiệt hại quy mô lớn.

Tâm chấn của trận động đất cách Pawnee, Oklahoma, khoảng 14 kilomet về phía tây bắc. Có tin người ta cảm thấy chấn rung ở tận St. Louis, Missouri và Des Moines, Iowa – tất cả những nơi này đều cách xa 700 kilomet.

Trận động đất hôm thứ Bảy có cường độ gần bằng trận động đất mạnh nhất xảy ra ở Oklahoma hồi năm 2011. Theo hãng tin AP, sự gia tăng gần đây về số lượng các trận động đất 3 độ Richter trở lên ở bang có liên quan đến quá trình khai thác dầu có tên là fracking, việc này làm cho nhiều vùng của Oklahoma dễ bị động đất giống như vùng phía Bắc của California. - VOA
|
|

Tin Việt Nam

7.
Ông Obama sẽ kêu gọi Trung Quốc “có trách nhiệm” ở Biển Đông

Tổng thống Mỹ Obama hôm thứ Bảy, 3/9, đã đến Trung Quốc để tham gia hội nghị thượng đỉnh G-20. Ông Obama có kế hoạch nói với Bắc Kinh rằng "sẽ có hậu quả" đối với những động thái của Trung Quốc về lãnh thổ ở khu vực tranh chấp. Ông đã nói như vậy trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với CNN sẽ được phát sóng vào Chủ nhật (4/9).

Ông nói: "Nếu quý vị ký một hiệp ước kêu gọi phân xử trọng tài quốc tế về các vấn đề trên biển, với thực tế là quý vị lớn hơn Philippines hay Việt Nam hay các nước khác ... đó không phải là một lý do để quý vị đi nơi này nơi kia và khoe khoang sức mạnh. Quý vị phải tuân theo luật pháp quốc tế".

Ông Obama nói rằng Trung Quốc cần phải có trách nhiệm, và rằng ông dự định nói với Chủ tịch Tập Cận Bình rằng ông ấy nên coi Hoa Kỳ như một ví dụ về một quốc gia duy trì được quyền lực của mình một phần là nhờ tự kiềm chế.

Ông nói: "Khi chúng tôi ràng buộc mình vào một loạt các chuẩn mực và luật lệ quốc tế, đó không phải vì chúng tôi buộc phải như vậy, đó là vì chúng tôi nhận thấy rằng về dài hạn, xây dựng một trật tự quốc tế vững mạnh là vì lợi ích của chúng tôi".

Ông Obama cũng đề cập rằng thương mại công bằng và tự do và các chính sách kinh tế là những lĩnh vực mà Trung Quốc phải cải thiện.

Bắc Kinh đã tức giận về phán quyết mới đây của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. - VOA
|
|

8.
Apple dự định xây dựng trung tâm dữ liệu, nghiên cứu & phát triển trị giá 1 tỷ đôla ở Việt Nam

Apple tiếp tục đẩy mạnh việc bán hàng kỹ thuật số và dịch vụ vào thị trường quốc tế, theo một báo cáo hôm thứ Sáu nói rằng công ty đang cân nhắc mở rộng sang Việt Nam trong việc tạo ra một trung tâm cơ sở dữ liệu, nghiên cứu & phát triển 1 tỷ đôla.

Apple rõ ràng nói tới Đà Nẵng trong báo cáo đưa ra của biên bản cuộc họp chính quyền địa phương liên quan đến đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào đầu tuần này, theo BizLive. Sau báo cáo ban đầu, việc đề cập đến sự tham gia của Apple đã được xoá khỏi hồ sơ chính thức.

Theo báo cáo địa phương, Apple vào tháng Ba cân nhắc những lợi ích của việc xây dựng một trung tâm dữ liệu ở châu Á giá trị 1 tỷ đôla tại Việt Nam. Cơ sở này cũng có thể có vai trò thứ hai như là một trung tâm nghiên cứu và phát triển, mặc dù chưa rõ ràng là những công nghệ gì Apple định thực hiện tại đây.

Tại trung tâm nghiên cứu và phát triển của Apple ở Do Thái, nhân viên tập trung vào bộ nhớ và công nghệ chip máy tính, trong khi một văn phòng sắp mở tại Yokohama, Nhật Bản, được cho là chuyên ngành công nghiệp ô tô và sức khỏe.

Đối với Việt Nam, Apple hồi cuối tháng Mười năm qua thành lập một công ty con, Apple Việt Nam LLC, tại thành phố Hồ Chí Minh dưới quyền của ông Gene Daniel Levoff, phó chủ tịch bộ phận luật doanh nghiệp và là giám đốc của Apple Operations International. Levoff được chỉ định trong việc mua hàng quốc tế trước đây, bao gồm cả việc năm truớc trách nhiệm công ty âm nhạc Semetric của Anh mới khởi nghiệp.

Cuối cùng, theo báo cáo hôm nay trích dẫn từ một công ty nhân dụng địa phương cho biết Apple đang tìm kiếm một giám đốc phân phối iPhone và giám đốc bán lẻ iOS để phục vụ cho khu vực Việt Nam, làm dấy lên hy vọng rằng sự hiện diện bán lẻ chính thức của Apple có thể sớm thực hiện ở Việt Nam. - appleinsider

No comments:

Post a Comment